Lịch sử phật giáo thế giới
Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
Nguyễn Minh Tiến
29/10/2554 06:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Đại sư Chodrak Gyatso sinh ra vào năm 1454 ở Chida thuộc miền bắc Tây Tạng, trong một gia đình mà cha mẹ đều là những vị tu tập pháp môn Tan-tra. Khi mang thai ngài, người mẹ nghe thấy ngài gọi tiếng mẹ (ama-la) từ trong bụng. Vào lúc sinh ra, ngài đã đọc lên câu chú bằng tiếng Sanskrit có hai âm là “ah hung”. Câu thần chú này được xem là biểu hiện tánh không tuyệt đối bao trùm khắp vạn thể. Khi được 5 tháng tuổi, ngài đã nói: “Thế giới này không có gì khác ngoài tánh không.”

Khi ngài được 9 tháng tuổi, cha mẹ đưa ngài đến gặp đại sư Paljor Dhưndrup và vị này ngay lập tức căn cứ vào những chi tiết được để lại trong di thư của đức Karmapa đời thứ sáu để xác nhận cậu bé chính là hóa thân tái sinh của ngài. Đại sư Paljor Dhưndrup xin được giữ đứa bé lại trong tu viện để nuôi dưỡng và truyền dạy giáo pháp.

Năm lên 4 tuổi, ngài được nhận các nghi lễ truyền pháp với đại sư Paljor Dưndrub, và đến năm 8 tuổi thì ngài được truyền thọ Ngũ giới và Bồ Tát giới, rồi bắt đầu học tập giáo pháp của dòng Karma Kagyu với các vị Bengar Jampal Zangpo và Goshir Paljor Dưndrub ở Karma Gưn.

Năm 1465, ngài thực hiện một chuyến đi đến vùng biên giới phía đông bắc của Tây Tạng để hóa giải thành công những xung đột gay gắt giữa những người Phật tử với tín đồ đạo Bon ở đó. Nhân dịp này, ngài cũng truyền dạy những giáo pháp căn bản của đạo Phật cho tất cả cư dân địa phương. Dân chúng đã mang đến cúng dường ngài rất nhiều của cải, vàng bạc. Sau khi tiếp nhận sự cúng dường ấy, ngài phân phát tất cả cho những người nghèo trong vùng.

Ngài không chỉ giới hạn sự tu tập của mình theo một truyền thống duy nhất. Ngoài những giáo pháp mật truyền của dòng Karma Kagyu, ngài cũng học hỏi và thực hành giáo pháp của nhiều tông phái Phật giáo khác tại Tây Tạng. Khi thực hành giáo pháp của Đoạn giáo (Chưd), ngài diệt trừ hoàn toàn bản ngã và quán thấy thân mình như một bộ xương.

Đại sư Chưdrak Gyatso dành rất nhiều thời gian cho các giai đoạn tu tập ẩn cư. Năm 1417, ngài ngài đến Kawa Karpo để bắt đầu một giai đoạn ẩn cư và chuyên tu thiền định kéo dài trong 7 năm. Phần lớn thời gian trong cuộc đời ngài về sau cũng đều là những giai đoạn ẩn cư hoặc bán ẩn cư.

Mặc dù vậy, ngài vẫn được thừa nhận là một trong các học giả vĩ đại, đã biên soạn nhiều bộ sách giá trị, chẳng hạn như bộ sớ giải Hiện quán trang nghiêm luận (abhisamaylaṅkra) được gọi tên là “Tam giới minh đăng” (Ngọn đèn sáng trong ba cõi). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là quyển “Nhân minh đại hải”, đưa ra những luận giải sâu xa về học thuyết Nhân minh luận của 2 vị Trần-na (Diṅnga) và Pháp Xứng (Dharmakỵrti).

Trong một lần trú tại chùa Rawa Gang, ngài tham gia một cuộc tranh biện về giáo pháp với năm vị học giả nổi tiếng đương thời. Mặc dù vẫn còn trẻ tuổi hơn nhiều so với bọn họ, ngài đã tỏ rõ phong thái chững chạc của một bậc thầy, lắng nghe và tuần tự chỉ ra những chỗ yếu kém trong lập luận của từng người.

Đức Karmapa đời thứ bảy là người đã thành lập nhiều trung tâm đào tạo Phật học chuyên sâu (tương đương bậc đại học) tại Tsurphu và nhiều nơi khác. Phật học viện do ngài sáng lập tại Tsurphu về sau trở nên một trường đào tạo tăng sĩ cực kỳ nổi tiếng. Ngoài ra, còn có một Phật học viện được điều hành bởi Karma Thinleypa, một trong các đệ tử của ngài, cũng có những đóng góp quan trọng trong sự truyền bá giáo pháp.

Ngài cũng tôn tạo lại pho tượng Phật Thích-ca do đức Karmapa đời thứ hai là Karma Pakshi đã dựng lên ở Tsurphu từ cuối thế kỷ 13. Trong thời gian này, ngài cũng chấn chỉnh lại hoạt động của tăng chúng ở một số tự viện quanh vùng Tsurphu.

Năm 1498, ngài đến hoằng hóa ở vùng Kongpo. Sau đó, ngài đến Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, để tham gia một hội nghị các lãnh đạo tông phái, với tư cách là người chủ tọa. Trong dịp này, ngài truyền dạy cho các thành viên tham gia hội nghị những phần giáo pháp bao quát trong kinh luận. Sự uyên bác và sâu sắc trong các bài giảng của ngài được tất cả các tông phái khác kính phục và tiếp nhận.

Ngài có một trí nhớ phi thường đến nỗi chưa bao giờ phải tra khảo về bất cứ vấn đề gì. Những gì ngài trích dẫn từ kinh điển trong các bài giảng hoặc bài viết đều chỉ dựa theo trí nhớ, nhưng vẫn đạt một sự chính xác hầu như tuyệt đối. Khi đang đọc sách hay kinh điển, nếu vì một nguyên nhân nào đó phải gián đoạn thì ngài luôn có khả năng ghi nhớ chính xác vị trí để trở lại sau đó mà không cần có bất cứ sự ghi chú hay đánh dấu nào.

Ngài cũng là một nhà hoạt động xã hội tích cực không mệt mỏi. Ngài đã sử dụng uy tín và sự kính phục đối với ngài để hòa giải nhiều cuộc tranh chấp, trong đó có cả những tranh chấp dai dẳng giữa hai bộ tộc Nga và Bhutan ở vùng cực nam Tây Tạng. Ngài cũng tích cực hoạt động cho việc bảo vệ súc vật, xây dựng cầu cống, và gửi rất nhiều vàng đến thánh tích Bồ-đề Đạo tràng (Bodh Gaya) ở Ấn Độ để thiếp lại pho tượng Phật nơi đức Phật Thích-ca đã thành đạo. Ngài cũng khuyến khích mọi người trì tụng thường xuyên câu chân ngôn “Án ma ni bát di hồng” (Om mani padme hum) như một phương thức kỳ diệu nhất để đối trị với tất cả những tâm niệm xấu ác.

Mặc dù nhận được sự tôn kính hầu như tuyệt đối của tất cả mọi người chung quanh, nhưng đức Karmapa đời thứ bảy luôn sống một cuộc sống cực kỳ đơn giản và thậm chí đối với nhiều người có thể nói là khổ hạnh. Ngài ít ngủ, luôn ở trong trạng thái tỉnh thức, ngay cả trong những chuyến đi hoằng hóa ở xa xôi. Mặc dù rất uyên bác về mọi vấn đề, ngài không bao giờ nói ra bất cứ câu nào mà không có mục đích giáo hóa cụ thể. Ngài thường khuyên dạy các vị đệ tử đừng bao giờ để cho những câu chuyện vô nghĩa của thế tục xen vào đời sống người xuất gia.

Trước khi viên tịch vào năm 1506, ngài để lại những chỉ dẫn chi tiết về lần tái sinh sắp tới, bao gồm cả tên cha mẹ và nhiều chi tiết khác. Ngài giao quyền lãnh đạo tông phái cho vị đệ tử lớn là Tashi Paljor.

Tashi Paljor sinh ra với tên gọi là Denma Drubchen vào năm 1457, tại vùng Denma của xứ Derge, thuộc miền đông Tây Tạng. Khi lên năm tuổi, mỗi lần nghe nhắc đến danh xưng “Karmapa” là ông luôn biểu lộ sự tôn kính hết mực. Sau đó một năm, ông được gặp đức Karmapa đời thứ bảy, và được ban cho tên gọi là Tashi Paljor. Ông học tập giáo pháp tại Denma với vị học giả nổi tiếng là Sangye Pal. Năm 16 tuổi, Tashi Paljor quyết định đi theo đức Karmapa. Trong 7 năm sau đó, ông được đức Karmapa truyền dạy toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu. Sau đó, cũng theo sự chỉ dẫn của đức Karmapa, ông tìm đến các dãy núi ở xứ Kham thuộc miền đông Tây Tạng để thực hành giáo pháp, phát nguyện noi gương cuộc đời ngài Milarepa. Sau 20 năm tu tập trong điều kiện ẩn cư tuyệt đối, ông đạt được sự giác ngộ hoàn toàn và được tôn xưng là vị Sangye Nyenpa Rinpoche thứ nhất.

Ông là vị thầy dạy chính của đức Karmapa đời thứ tám, và cũng là người giữ quyền dẫn dắt dòng Karma Kagyu sau khi đức Karmapa đời thứ bảy viên tịch, rồi sau đó trao lại cho đức Karmapa đời thứ tám là Mikyư Dorje.