BÍ-SÔ
GIỚI KINH
(No. 1454)
Một
quyển
-ooOoo-
Thành kính đảnh lễ
đức Thế tôn, Ứng cúng, Chánh biến tri.
Bài tựa giới kinh:
Kinh Biệt giải thoát
khó được nghe
Trải qua vô lượng, vô số kiếp
Khó được đọc tụng và thọ trì
Hiểu được, thực hành thật khó thay!
Vui thay! Có chư Phật ra đời
Vui thay! Pháp vi diệu được giảng
Vui thay! Tăng già cùng hiểu biết
Vui thay! Hòa hợp và tiến tu
Vui thay! Ðược gặp bậc Thánh nhân
Vui thay! Ðược thân cận bậc ấy
Nếu không gặp những kẻ ngu si
Ðó thật chính là vui mãi mãi
Vui thay! Ðược thấy người trì giới
Vui thay! Ðược gặp bậc đa văn
Gặp bậc La-hán là vui thật
Vì không còn tạo nghiệp luân hồi
Vui thay! Ðược bước sang bờ kia
Vui thay! Chiến thắng bằng chánh pháp
Chứng đắc chánh tuệ, sinh quả Thánh
Trừ hết ngã mạn là vui nhất
Ai có năng lực ý quyết định
Hàng phục tham dục, đủ đa văn
Từ trẻ đến già sống trong rừng
Ưa thích tịch tịnh nơi lan-nhã
Chư Ðại đức! Mùa
Xuân sắp tàn, đã qua... ngày. Hiện nay, với thời gian còn
lại... ngày. Già chết lại xâm lấn, mạng sống lại giảm
dần. Giáo pháp của đấng Ðạo sư không bao lâu nữa sẽ
không còn.
Chư Ðại đức! Phải
tinh tấn tỉnh giác, chớ phóng dật. Nhờ không phóng dật,
chắc chắn chứng được quả vị Như Lai, Ứng cúng, Chánh
đẳng giác, huống chi các giác phẩm thiện pháp khác.
Ðại đức Tăng già!
Những việc gì phải làm trước? - Chúng Thanh văn của đức
Phật thì ít cầu, ít sự. Người chưa thọ cận viên thì
đi ra ngoài. Có các Bí-sô nào thuyết dục và thanh tịnh
không? (Người mang dục ra trước đây trình bày). Có vị
nào sai Bí-sô-ni đến thỉnh giáo thọ không?
Cung kính chắp hai tay
Lạy Thích Ca sư tử
Biệt giải thoát điều phục
Tôi nói, ngài khéo nghe
Nghe xong, phải làm đúng
Như Ðại tiên đã dạy
Ðối với các tội nhỏ
Cũng dõng mãnh hộ trì
Tâm ngựa khó chế ngự
Luôn quản thúc chặt chẽ
Giới luật như dàm sắt
Có trăm vuốt bén nhọn
Người làm trái giới luật
Nghe dạy liền chấm dứt
Ðại sĩ như ngựa giỏi
Sẽ thoát trận phiền não
Người nào không dàm này
Không thể được an vui
Bị trận phiền não vây
Mê chuyển trong sinh tử.
Ðại đức Tăng già lắng
nghe! Hôm nay ngày mười bốn, thuộc hắc nguyệt (hay ngày mười
lăm thuộc bạch nguyệt) Tăng già cử hành lễ Bao-sái-đà.
Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng đồng ý Tăng
già cử hành Bao-sái-đà, thuyết giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa.
Ðây là lời tác bạch.
Chư Ðại đức! Tôi
xin cử hành pháp Bao-sái-đà, thuyết minh giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa.
Quý vị hãy lắng nghe, suy nghĩ, ghi nhớ kỹ, nếu có phạm
phải phát lộ, không phạm thì im lặng. Vì im lặng nên biết
các Ðại đức thanh tịnh. Nếu khi khác được hỏi đến,
quý vị phải trả lời đúng sự thật. Trước chúng Bí-sô
thù thắng này, tôi xin hỏi ba lần, phải đáp đúng sự thật.
Bí-sô nào tự biết có phạm mà không phát lộ thì mắc tội
dối trá.
Chư Ðại đức! Ðức
Phật dạy: cố ý dối trá là pháp chướng ngại đạo. Vậy
nên Bí-sô nào mong cầu sự thanh tịnh, cần phải phát lộ.
Phát lộ thì an lạc. Không phát lộ thì không an lạc.
Chư Ðại đức! Tôi đã
thuyết phần tựa của giới kinh. Xin hỏi các Ðại đức:
"Trong chúng này
thanh tịnh không?" (Hỏi ba lần).
"Chư Ðại đức!
Trong chúng này thanh tịnh vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy".
I.- Bốn pháp Ba-la-thị-ca
(Pàràjika)
Chư Ðại đức! Ðây
là bốn pháp Ba-la-thị-ca, mỗi nửa tháng được nói ra từ
giới kinh.
Tụng tóm lược:
Ai làm hạnh bất tịnh
Trộm cướp và giết người
Dối chứng pháp thượng nhân
Ðều phạm bất cộng trú.
1- Giới thứ nhất: Bất
tịnh hạnh
Bí-sô nào cùng thọ đắc
học xứ như các Bí-sô khác, không xả học xứ, học xứ bị
yếu kém, không tự nói ra, làm hạnh bất tịnh, giao hợp với
người khác, kể cả loài bàng sinh, Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca,
không được sống chung.
2- Giới thứ hai: Trộm
cắp
Bí-sô nào tại xóm
làng hay chỗ vắng, với tâm trộm cắp cố ý lấy vật người
khác không cho. Khi trộm cắp như vậy, bị vua hay quan lớn bắt
giữ, hoặc giết, trói, đuổi đi, trách mắng: "Này người
kia, ngươi là kẻ giặc ngu si không biết gì nên trộm cắp
như vậy". Bí-sô trộm cắp như vậy phạm Ba-la-thị-ca,
không được sống chung.
3.- Giới thứ ba: Giết
người
Bí-sô nào đối với
người hay thai nhi, cố ý tự tay giết chết, hoặc cầm dao
đưa cho họ, hoặc nhờ người khác cầm dao giết, hoặc
khuyến khích họ chết, tán thán học hết, nói rằng:
"Này người kia, với tội lỗi này còn hy vọng gì nữa,
bị chìm trong bất tịnh, ác xấu, vậy sống làm gì?! Ngươi
nên chết đi! Chết hay hơn là sống". Tùy theo tâm niệm
của mình, dùng những lời khác nhau nói, khuyến khích họ
chết. Người kia chết vì những lý do ấy, Bí-sô này phạm
Ba-la-thị-ca, không được sống chung.
4.- Giới thứ tư: Ðại
vọng ngữ
Bí-sô nào thật không
biết không hiểu, hoàn toàn tự biết rõ mình không chứng
pháp thượng nhân là tri kiến an lạc thù thắng mà bậc
Thánh giả tịch tịnh chứng ngộ, lại tự tuyên bố:
"Ta thấy, ta biết". Vị ấy vào một lúc khác, hoặc
bị hỏi, hoặc không bị hỏi, muốn tự thanh tịnh, tự
nói lên: "Này các cụ thọ, tôi thật không thấy, không
biết, lại tự nói có thấy, có biết". Nói lời dối
trá vọng ngữ, trừ tăng thượng mạn, Bí-sô này phạm
Ba-la-thị-ca, không được sống chung.
Phần kết:
Các Ðại đức! Tôi đã
thuyết minh bốn pháp tha thắng, Bí-sô nào phạm vào một tội
nào trong bốn pháp thì không được sống chung với các
Bí-sô khác. Cũng như trước kia, sau khi phạm tội tha thắng
cũng vậy, không được sống chung.
Nay tôi xin hỏi các Ðại
đức:
"Trong chúng này
thanh tịnh không?" (Hỏi ba lần)
"Các Ðại đức!
Trong chúng này thanh tịnh vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy".
II.- 13 pháp
Tăng-già-phạt-thi-sa
(Sanghadisesa)
Chư Ðại đức! Ðây
là 13 pháp Tăng-già-phạt-thi-sa, mỗi nửa tháng được nói
ra từ giới kinh.
Tụng tóm lược:
Tiết xúc bỉ cúng
môi
Tiểu phòng đại tự báng
Phi phần phá Tăng sự
Tùy tùng ô mạn ngữ.
1. Giới thứ nhất:
Bí-sô nào cố ý thủ
dâm, trừ mộng tinh, Tăng-già-phạt-thi-sa.
2. Giới thứ hai:
Bí-sô nào với tâm ô
nhiễm, xúc chạm thân người nữ, hoặc vịn tay, nắm tay,
vuốt tóc, xúc chạm một phần nào trên thân với tâm
thíchh thú, Tăng-già-phạt-thi-sa.
3. Giới thứ ba:
Bí-sô nào với tâm ô
nhiễm nói với người nữ bằng những lời thô tục, không
lễ pháp, lời tương ứng với dâm dục, như vợ chồng nói
với nhau, Tăng-già-phạt-thi-sa.
4. Giới thứ tư:
Bí-sô nào với tâm ý
ô nhiễm, trước người nữ tự khen mình: "Này cô,
Bí-sô nào giống như tôi đầy đủ giới luật, có thiện
pháp thù thắng, là người tu phạm hạnh, cô nên đem pháp
dâm dục đến cung dưỡng cho vị ấy". Bí-sô nào nói
như vậy, Tăng-già-phạt-thi-sa.
5. Giới thứ năm:
Bí-sô nào làm mai mối,
lấy ý người nam đến nói với người nữ, lấy ý người
nữ đến nói cho người nam. Nếu họ thành vợ chồng hay tư
thông được với nhau, dù chỉ trong thời gian ngắn, Tăng-già-phạt-thi-sa.
6. Giới thứ sáu:
Bí-sô nào tự xin vật
liệu làm phòng nhỏ cho mình, không có thí chủ cúng, phải
làm đúng kích thước quy định. Kích thước quy định là:
chiều dài mười hai gang, rộng bảy gang tay Phật. Bí-sô
này phải mời chúng Bí-sô đến xem chỗ làm. Chúng Bí-sô
đến nơi, nên xem xét chỗ xây cất phòng xá phải là tịnh
xứ đúng pháp, không phải là nơi xảy ra tranh đấu, là nơi
dễ tiến tu.
Bí-sô nào làm phòng
ở nơi không đúng pháp, nơi bất tịnh, nơi tranh cãi, nơi
không tiến tu được, tự ý làm phòng cho mình, không có
thí chủ cúng, lại không mời chúng Bí-sô đến xem xét chỗ
định làm phòng, ngay tại chỗ ấy, làm phòng vượt quá
kích thước quy định, Tăng-già-phạt-thi-sa.
7. Giới thứ bảy:
Bí-sô nào làm chùa lớn,
có thí chủ cúng, làm cho Tăng, Bí-sô này phải mời chúng
Bí-sô đến nơi định làm để xem xét. Chúng Bí-sô phải
xem xét chỗ định xây cất phải là nơi tịnh xứ đúng
pháp, nơi không tranh cãi, nơi tiến tu được. Bí-sô nào
ngay tại nơi không đúng pháp, nơi bất tịnh, nơi tranh cãi,
nơi không thể tiến tu lại làm chùa lớn có thí chủ cúng,
làm cho chúng Tăng, không mời chúng Tăng đến xem xét nơi định
xây cất, ngay tại nơi ấy xây chùa lớn, Tăng-già-phạt-thi-sa.
8. Giới thứ tám:
Bí-sô nào vì lòng sân
hận, cố ý đối với Bí-sô thanh tịnh vu báng vị ấy phạm
pháp Ba-la-thị-ca không căn cứ, vì mục đích phá phạm hạnh
của vị ấy. Bí-sô ấy vào lúc khác, dù được hỏi hay không
được hỏi, biết rõ đây là sự vu báng Bí-sô kia không căn
cứ, do lòng sân hận nên nói ra lời ấy, Tăng-già-phạt-thi-sa.
9. Giới thứ chín:
Bí-sô nào vì lòng sân
hận, cố ý đối với Bí-sô thanh tịnh dùng một phần
khác không phải pháp Ba-la-thị-ca để vu báng vì muốn phá
hoại thanh tịnh của vị ấy. Vào lúc khác, vị ấy được
hỏi hay không được hỏi, biết rõ đây là pháp thuộc phần
sự khác, dùng chút ít pháp tương tự để vu báng, Bí-sô
kia vì sân hận nói ra lời ấy, Tăng-già-phạt-thi-sa.
10. Giới thứ mười:
Bí-sô nào tạo điều
kiện để phá hòa hợp Tăng, đối với việc phá Tăng này,
vị ấy cương quyết không bỏ, các Bí-sô phải nói với
Bí-sô ấy:
"Này cụ thọ, đừng
nên phá Tăng hòa hợp với cương quyết như vậy nữa. Này
cụ thọ, nên hòa hợp sống chung với chúng Tăng, hoan hỷ
không tranh cãi, một lòng một lời như nước hòa với sữa,
làm cho giáo pháp bậc Ðại sư được sáng chói, an lạc, trụ
thế lâu dài. Này cụ thọ, thầy nên từ bỏ việc phá Tăng
đi".
Khi các Bí-sô can gián
như vậy, vị ấy từ bỏ thì tốt, nếu không từ bỏ thì
phải ba lần ân cần can gián nghiêm chỉnh, làm đúng theo
giáo pháp để sửa trị vị ấy từ bỏ hành động phá Tăng.
Vị ấy từ bỏ thì tốt, nếu không từ bỏ, Tăng-già-phạt-thi-sa.
11. Giới thứ mười một:
Bí-sô nào cùng một,
hai, hay nhiều người kết bè đảng với nhau, làm việc tà,
nghịch việc chánh, tùy thuận với nhau, Bí-sô này nói với
chúng Bí-sô:
"Ðại đức, đừng
cùng nhau nói chuyện với Bí-sô kia, dù tốt hay xấu. Tại
sao? - Vì Bí-sô kia tùy thuận pháp luật, y pháp luật, nói lời
không hư vọng. Vị ấy ưa thích việc gì, tôi cũng ưa thích
việc ấy".
Các Bí-sô nên nói với
vị ấy rằng:
"Cụ thọ, đừng nói:
Bí-sô kia tùy thuận pháp luật, y pháp luật, lời nói không
hư vọng, vị ấy ưa thích gì tôi cũng ưa thích việc ấy.
Tại sao? - Vì Bí-sô kia không tùy thuận pháp luật, không y
cứ pháp luật, lời nói đều hư vọng, thầy đừng nên ưa
thích việc phá Tăng, phải ưa thích hòa hợp Tăng, phải cùng
Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh cãi, một lòng một lời
như nước hòa với sữa, làm cho giáo pháp của bậc Ðại sư
được sáng chói, an lạc lâu dài ở thế gian. Này cụ thọ,
hãy nên từ bỏ ác kiến phá Tăng, thuận tà nghịch chánh,
sách động việc tranh chấp, cố chấp không bỏ".
Khi các Bí-sô can gián
như vậy, vị ấy từ bỏ thì tốt, nếu không từ bỏ thì
phải ba lần can gián nghiêm chỉnh, làm đúng theo giáo pháp
để sửa trị vị ấy từ bỏ hành động phá Tăng. Vị ấy
từ bỏ thì tốt, nếu không từ bỏ, Tăng-già-phạt-thi-sa.
12. Giới thứ mười
hai:
Nhiều Bí-sô ở tại
xóm làng, thành phố, gây tiếng xấu ở nhà người, hành động
xấu. Gây tiếng xấu ở nhà người, mọi người đều thấy,
nghe, hay biết. Hành động xấu mọi người đều thấy,
nghe, hay biết. Các Bí-sô phải bảo với các Bí-sô kia rằng:
"Này cụ thọ, các
thầy gây tiếng xấu ở nhà người và hành động xấu. Gây
tiếng xấu ở nhà người, mọi người đều thấy, nghe, hay
biết. Hành động xấu, mọi người đều thấy, nghe, hay biết.
Các thầy nên đi nơi khác, không nên ở đây nữa".
Bí-sô kia nói với
chúng Bí-sô:
"Ðại đức có
thiên vị, giận hờn, sợ hãi, bất minh. Ðồng phạm tội
như vậy, có Bí-sô bị đuổi, có Bí-sô không bị đuổi".
Khi ấy, các Bí-sô nên
nói với Bí-sô kia:
"Cụ thọ, đừng nói
các Ðại đức có thiên vị, giận hờn, sợ hãi, bất minh.
Phạm tội như vậy mà có Bí-sô bị đuổi, Bí-sô không bị
đuổi. Tại sao? - Các Bí-sô không có ý thiên vị, giận hờn,
sợ hãi, bất minh. Các thầy gây tiếng xấu ở nhà người
và hành động xấu. Gây tiếng xấu ở nhà người, mọi
người đều thấy, nghe, hay biết. Hành động xấu mọi người
đều thấy, nghe, hay biết. Này cụ thọ, các thầy nên từ
bỏ lời nói cho rằng thiên vị, giận hờn, sợ hãi, bất
minh".
Khi các Bí-sô can gián
như vậy, nếu Bí-sô kia từ bỏ thì tốt, nếu không từ bỏ
thì chúng Bí-sô phải ba lần ân cần can gián nghiêm chỉnh,
làm đúng theo giáo pháp, sửa trị vị ấy từ bỏ việc
này. Vị ấy từ bỏ thì tốt, nếu không từ bỏ, Tăng-già-phạt-thi-sa.
13. Giới thứ mười
ba:
Bí-sô nào có tánh xấu
không nghe lời khuyên can của vị khác. Như khi các Bí-sô -
những lời Phật dạy trong giới kinh, như pháp như luật để
khuyến hóa vị ấy. Vị ấy không nghe lời khuyên bảo, nói
với chúng Bí-sô:
"Các Ðại đức đừng
nói với tôi nữa, việc ấy tốt hay xấu tôi vẫn không
nghe. Tôi cũng không nói với các Ðại đức về việc tốt
hay xấu. Thôi đi các Ðại đức, đừng khuyên bảo tôi nữa,
đừng luận thuyết với tôi nữa".
Các Bí-sô nên nói với
Bí-sô kia:
"Cụ thọ, thầy
không nên không nghe lời khuyên can. Khi các Bí-sô đã căn cứ
giới kinh như pháp như luật khuyến hóa, thầy nên nghe lời
khuyên can. Cụ thọ! Thầy như pháp để khuyên can các
Bí-sô, các Bí-sô đã theo đúng pháp ấy để khuyên can thầy.
Vậy, chúng Thanh văn của đức Như Lai, Ứng cúng Chánh đẳng
giác sẽ được tăng trưởng vì cùng can gián sám hối với
nhau. Này cụ thọ, thầy nên từ bỏ việc ấy".
Khi các Bí-sô can gián
như vậy, vị ấy từ bỏ thì tốt, nếu không từ bỏ, các
Bí-sô phải ba lần ân cần can gián nghiêm chỉnh, làm theo
đúng giáo pháp để sửa trị, để vị ấy từ bỏ việc này.
Vị ấy từ bỏ thì tốt, nếu không từ bỏ, Tăng-già-phạt-thi-sa.
Chư Ðại đức, tôi đã
thuyết xong mười ba pháp Tăng-già-phạt-thi-sa. Chín giới đầu,
làm thì phạm. Bốn giới sau phải ba lần can gián mới phạm.
Bí-sô nào phạm một trong mười ba giới này mà cố ý che dấu,
tùy theo số ngày che dấu, chúng Tăng phải bắt vị ấy hành
Ba-lị-bà-sa. Sau khi làm Ba-lị-bà-sa, chúng Tăng phải cho vị
ấy thêm sáu đêm ma-na-đỏa. Sau khi hành ma-na-đỏa, vị ấy
còn phải xuất tội.
Xuất tội vị Bí-sô
này, cần phải giữa Tăng đủ hai mươi vị. Nếu Tăng thiếu
một vị, không đủ hai mươi thì tội Bí-sô không được
trừ. Các Bí-sô tác pháp bị mắc tội.
Nay tôi xin hỏi các Ðại
đức:
"Trong chúng này
thanh tịnh không?" (Hỏi ba lần).
"Các Ðại đức,
trong chúng này thanh tịnh vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy".
III.- Hai
pháp bất định: (Aniyatta)
Các Ðại đức, đây
là hai pháp bất định, mỗi nửa tháng được nói ra từ giới
kinh.
Kệ tóm lược:
Nếu ở tại chỗ khuất
Chỗ có thể hành dâm
Và tại nơi trống vắng
Không có người thứ ba.
1- Bí-sô nào ngồi một
mình cùng với người nữ tại chỗ kín có thể hành dâm
được, có vị chánh tín Ô-ba-tư-ca nói vị ấy phạm một
trong ba pháp: Ba-la-thi-ca, Tăng-già-phạt-thi-sa hoặc Ba-dật-để-ca.
Vị Bí-sô ấy phải tự trình bày về việc này. Ðối với
ba pháp trên, phạm pháp nào, trị phạt theo pháp ấy, hoặc
Ba-la-thi-ca, hoặc Tăng-già-phạt-thi-sa, hoặc Ba-dật-để-ca,
hoặc căn cứ sự trình bày của vị chánh tín Ô-ba-tư-ca để
trị phạt vị Bí-sô ấy. Ðây gọi là pháp bất định.
2- Bí-sô nào ngồi một
mình cùng người nữ ở chỗ không thể hành dâm, có vị
chánh tín Ô-ba-tư-ca nói vị ấy phạm một trong hai pháp: Tăng-già-phạt-thi-sa
hoặc Ba-dật-để-ca. Vị Bí-sô ấy phải tự trình bày về
việc này. Ðối với hai pháp trên, phạm pháp nào trị phạt
theo pháp ấy, hoặc Tăng-già-phạt-thi-sa, hoặc Ba-dật-để-ca,
hoặc căn cứ sự trình bày của vị chánh tín Ô-ba-tư-ca để
trị phạt vị Bí-sô ấy. Ðây gọi là pháp bất định.
Các Ðại đức, tôi đã
thuyết xong hai pháp bất định. Nay xin hỏi các Ðại đức:
"Trong chúng này
thanh tịnh không?" (Hỏi ba lần)
"Các Ðại đức,
trong chúng này thanh tịnh vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy".
IV.- 30 pháp
Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca: (Nissaggiya Pàcittita)
Các Ðại đức, đây
là ba mươi pháp Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, mỗi nửa tháng
được nói ra từ giới kinh.
Tụng tóm tắt một:
Giữ, lìa, chứa, giặt
y
Lấy y, xin, nhận nhiều
Ðồng giá và khác chủ
Sai người nói giá y.
1.- Bí-sô nào làm y đã
xong, thời gian y Yết-sĩ-na đã hết, nếu được thêm y,
không làm pháp phân biệt, chỉ được chứa trong phạm vi
mười ngày. Nếu chứa cất y dư quá thời hạn này,
Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
2.- Bí-sô nào làm y đã
xong, thời gian y Yết-sĩ-na đã hết, nếu lìa một trong ba
y, ra ngủ ngoài cương giới, dù chỉ một đêm, trừ khi được
Tăng Yết-ma cho phép, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
3.- Bí-sô nào làm y đã
xong, thời gian y Yết-sĩ-na đã hết, được cúng y phi thời
theo nhu cầu cần phải nhận, đã nhận phải may thành y cho
xong. Nếu hy vọng có chỗ cúng cho đủ số vải, nếu không
đủ vải thì được chứa trong thời gian một tháng để chờ
đủ số. Nếu quá thời gian này, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
4.- Bí-sô nào bảo
Bí-sô ni không phải thân thuộc giặt y dơ, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
5.- Bí-sô nào xin y từ
Bí-sô ni không phải thân quyến, trừ trao đổi, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
6.- Bí-sô nào xin y từ
cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến, trừ trường hợp
đặc biệt, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
Trường hợp đặc biệt
là khi Bí-sô bị đoạt y, mất y, cháy y, gió bay y, nước trôi
y.
7.- Bí-sô nào bị đoạt
y, mất y, cháy y, gió bay y, nước trôi y, nên xin y từ cư
sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến. Họ cúng nhiều y,
nếu cần Bí-sô chỉ được nhận hai y thượng và hạ. Nếu
nhận quá nhiều y, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
8.- Bí-sô nào có cư
sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến cùng góp tiền sắm
y, sẽ mua y thanh tịnh với giá trị đã góp để cúng cho
Bí-sô... sẽ sử dụng đúng lúc. Bí-sô này không được thỉnh
trước, lại được người khác mách cho biết về việc
này. Bí-sô này liền đến nhà sắm y nói:
"Lành thay! Nhân giả
vì tôi góp tiền sắm y! Quý vị nên sắm y thanh tịnh như vậy...
và cúng cho tôi đúng lúc".
Bí-sô này vì muốn y tốt,
khi được y, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
9.- Bí-sô nào, có hai
nhà cư sĩ hay vợ cư sĩ không thân quyến, riêng mỗi nhà
góp tiền để sắm y, dự định sẽ mua y thanh tịnh với giá
trị như vậy để cúng cho Bí-sô... Bí-sô này không được
thỉnh trước, lại được người khác mách cho biết về việc
này, liền đến những nhà kia bảo với họ:
"Lành thay nhân giả!
Quý vị cùng có ý định sắm y cho tôi, quý vị nên góp
chung giá trị lại để sắm y thanh tịnh như vậy và đúng
lúc cúng cho tôi".
Bí-sô ấy vì muốn y tốt,
nếu được y, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
10.- Bí-sô nào, hoặc
vua, đại thần, Bà la môn, hoặc cư sĩ.v.v... sai sứ mang tiền
đến cúng Bí-sô ấy để sắm y. Sứ giả mang tiền đến Bí-sô
ấy, bảo rằng:
"Ðại đức, vật
này là của vua..., đại thần..., Bà la môn... , cư sĩ... ,
sai tôi mang đến đây. Xin Ðại đức từ mẫn tiếp nhận".
Bí-sô này nói với sứ
giả ấy:
"Này nhân giả, số
tiền sắm y này tôi không được nhận. Tôi chỉ được nhận
tịnh y đúng lúc".
Sứ giả thưa rằng:
"Ðại đức, ngài
có người chấp sự không?"
Bí-sô cần y nói có.
Hoặc là tịnh nhân của Tăng, hoặc là Ô-ba-sách-ca (nam Phật
tử). Ðấy là người chấp sự của Bí-sô. Sứ giả đến
chỗ người chấp sự, đưa tiền và nói rằng:
" Ông hãy dùng số
tiền này đúng lúc sắm y thanh tịnh cho Bí-sô... và đưa
cho vị ấy sử dụng".
Sứ giả khéo léo dặn
bảo người chấp sự xong, trở lại gặp Bí-sô ấy và thưa
rằng:
"Ðại đức, tôi
đã đưa tiền sắm y cho người chấp sự để được y
thanh tịnh".
Vị Bí-sô được nhận
y, khi cần y nên đến chỗ người chấp sự, hoặc nói hai
hay ba lần cho vị ấy nhớ lại, bảo rằng:
"Tôi cần y"
Ðược y thì tốt. Nếu
không được, thì vị ấy phải bốn, năm, sáu lần đến chỗ
ấy, đứng im lặng. Ðến bốn, năm, sáu lần để đòi mà
được y thì tốt. Nếu không được y, mà đòi quá số lần
quy định này để được y, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
Nếu cuối cùng không
được y, Bí-sô này nên đến chỗ cúng tiền sắm y, hoặc
tự mình, hoặc nhờ người đáng tin cậy đến bảo với
người cúng y:
"Nhân giả, ngài
vì Bí-sô... gửi tiền cúng y đến. Cuối cùng Bí-sô...
không được y. Nhân giả nên biết, đừng để bị mất".
Như vậy là đúng
pháp.
Tụng tóm tắt hai:
Tơ tằm, lông dê đen
Phần sáu, ny-sư-đàn
Mang lông, giặt, vàng bạc
Ðổi chác và buôn bán.
11.- Bí-sô nào dùng tơ
tằm mới làm phu cụ, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
12.- Bí-sô nào dùng
lông dê toàn màu đen làm phu cụ mới, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
13.- Bí-sô nào làm phu
cụ mới bằng lông dê, phải dùng hai phần lông đen, phần
thứ ba lông trắng, phần thứ tư lông xám. Nếu Bí-sô
không dùng hai phần lông đen, phần thứ ba lông trắng, phần
thứ tư lông xám để làm phu cụ mới, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
14.- Bí-sô nào làm phu
cụ mới, dù tâm không ưa thích cũng phải sử dụng đủ sáu
năm. Chưa đủ sáu năm, nếu không xả cái cũ, làm thêm phu
cụ nới, trừ trường hợp Tăng cho phép, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
15.- Bí-sô nào làm ny-sư-đản-na
mới, phải lấy một mảnh ny-sư-đản-na cũ còn sử dụng
được, dài rộng vừa bằng một gang tay Phật đắp lên
trên cái mới, vì để hoại sắc. Nếu Bí-sô làm ny-sư-đản-na
mới, không dùng một mảnh cũ đắp lên để cho hoại sắc,
Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
16.- Bí-sô nào đi trên
đường được lông dê, cần dùng thì lấy. Nếu không người
thì được phép tự cầm đi xa đến ba du-thiện-na. Nếu đi
xa hơn, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. (Du-thiện-na:
do-tuần)
17.- Bí-sô nào bảo
Bí-sô ni không phải thân quyến giặt nhuộm, chải lông dê,
Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
18.- Bí-sô nào tự tay
cầm vàng bạc, tiền.v.v... hay bảo người cầm, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
19.- Bí-sô nào đổi chác
các thứ để cầu lợi, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
20.- Bí-sô nào buôn
bán các thứ, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
Tụng tóm tắt ba:
Hai bát, hai thợ dệt
Ðoạt y và cấp thí
A-lan-nhã, vũ y
Hồi tăng thuốc bảy ngày.
21.- Bí-sô nào chứa
bát dư quá bảy ngày, không tác pháp phân biệt, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
22.- Bí-sô nào có bát
lũng dưới năm chỗ, còn có thể dùng được, vì muốn tốt
nên cầu bát khác, được bát, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
Bí-sô này phải đem bát
này ra xả giữa chúng Tăng, tuần tự đem bát của vị
Bí-sô nh? hạ nhất trao cho Bí-sô ấy, nói rằng:
"Bát này trả lại
cho thầy, không nên tác pháp thọ, không nên tác pháp phân
biệt, cũng không nên cho người khác, nên cẩn thận giữ
gìn chu đáo, từ từ thọ dụng, giữ cho đến khi nào vỡ mới
thôi".
Ðây chính là đúng
pháp.
23.- Bí-sô nào tự
mình xin chỉ sợi, bảo thợ dệt không phải thân quyến dệt
y. Nếu nhận được y dệt xong, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
24.- Bí-sô nào, có cư
sĩ, vợ cư sĩ không phải thân quyến vì Bí-sô ấy bảo thợ
dệt không phải thân quyến dệt y. Bí-sô ấy không được
thọ thỉnh trước , sinh ý niệm khác , đến chỗ thợ dệt
nói rằng:
"Ông biết không, y
này dệt cho tôi. Lành thay thợ dệt! Cần phải dệt cho đẹp,
cho dày, chải cho thật sạch, khéo lựa chọn tơ, dệt thật
sít chặt. Tôi sẽ lấy một ít thức ăn trong bát hoặc như
thức ăn trong bát, hoặc giá trị bằng cả bữa ăn để trả
công".
Nếu Bí-sô lấy vật
như vậy trao cho thợ dệt để mong cầu và được y theo ý
mình, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
25.- Bí-sô nào trước
đó đã đem y cho Bí-sô khác. Sau đó, vị ấy vì phiền
não, sân hận, chửi mắng, có tâm hiềm khích với vị kia.
Nếu Bí-sô ấy tự đoạt lại hay bảo người khác đoạt,
bảo rằng:
"Hãy trả y cho
tôi, không cho ngươi nữa".
Nếu lấy y ra khỏi thân
vị kia và đem sử dụng, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
26.- Bí-sô nào còn mười
ngày nữa mới hết ba tháng tiền an cư mùa mưa, được y cấp
thí. Nếu cần, Bí-sô này có thể nhận và chứa đến lúc
thí y. Nếu chứa y quá thời hạn này, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
27.- Nhiều Bí-sô nào
cùng ở tại một trú xứ A-lan-nhã tác hậu an cư, chỗ có
sự sợ hãi nguy hiểm. Nếu muốn, Bí-sô có thể gửi một
trong ba y trong nhà ở thôn xóm. Bí-sô có duyên sự cần ra
khỏi cương giới của A-lan-nhã, thời gian được phép ngủ
lìa y là sáu đêm. Nếu quá thời hạn này, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
28.- Nếu Bí-sô nào
còn một tháng nữa là hết mùa xuân, nên tìm y tắm mưa để
vào nửa tháng cuối xuân có thể đem sử dụng. Nếu Bí-sô
chưa đến tháng cuối xuân mà tìm y tắm mưa, nửa tháng tiếp
theo đã đem sử dụng, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
29.- Bí-sô nào biết người
khác cúng lợi vật cho Tăng, tự ý xoay vật ấy về cho
mình, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
30.- Bí-sô nào, như Thế
tôn dạy, cho phép các Bí-sô bị bệnh, đối với các loại
thuốc tùy ý sử dụng. Các loại thuốc ấy là bơ, dầu,
đường, mật, trong phạm vi bảy ngày được phép thủ trì,
cất giữ luôn đêm để sử dụng. Bí-sô nào cất giữ những
vật ấy quá bảy ngày để sử dụng, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.
Các Ðại đức, tôi đã
thuyết xong ba mươi pháp Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. Nay tôi
xin hỏi các Ðại đức:
"Trong chúng này
thanh tịnh không?" (Hỏi ba lần).
"Các Ðại đức,
trong chúng này thanh tịnh vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy".
V.- 90 pháp
Ba-dật-để-ca: (Pàcittiya)
Các Ðại đức, đây
là chín mươi pháp Ba-dật-để-ca, nửa tháng được nói ra
từ giới kinh.
Tụng tổng quát:
Cố vọng tinh chủng
tử
Bất sai tinh sác thực
Trùng thủy mạng bạn hành
Bàng sinh tặc đồ thỉnh.
Tụng thứ nhất:
Vọng hủy cập ly gián
Phát cử thuyết đồng thanh
Thuyết tội đắc thượng nhân
Tùy thân triếp khinh hủy.
1- Bí-sô nào cố ý
nói dối, Ba-dật-để-ca.
2- Bí-sô nào nói lời
hủy báng, bôi bác, Ba-dật-để-ca.
3- Bí-sô nào nói lời
ly gián, Ba-dật-để-ca.
4- Bí-sô nào biết rõ
Tăng đã hòa hợp như pháp dập tắt tránh sự rồi. Sau khi
Tăng đã dập tắt tránh sự rồi, vị ấy lại cố ý khơi
lại việc Tăng Yết-ma này, Ba-dật-để-ca.
5- Bí-sô nào nói pháp
cho người nữ năm sáu câu, trừ khi có mặt người đàn
ông có trí, Ba-dật-để-ca.
6- Bí-sô nào cùng người
chưa thọ cận viên cùng nhau đọc tụng, dạy bảo giáo
pháp, Ba-dật-để-ca.
7- Bí-sô nào biết
Bí-sô khác phạm tội thô ác, đem nói với người chưa thọ
cận viên, trừ Tăng đã Yết-ma cho phép, Ba-dật-để-ca.
8- Bí-sô nào thật chứng
pháp thượng nhân, đem việc này nói với người chưa thọ
cận viên, Ba-dật-để-ca.
9- Bí-sô nào trước đã
đồng ý với Tăng, sau lại nói:
"Các cụ thọ tùy
theo chỗ thân tình, lấy vật của Tăng xoay cho người khác"
, Ba-dật-để-ca.
10- Bí-sô nào khi mỗi
nửa tháng thuyết giới, tự nói rằng:
" Các cụ thọ, cần
gì phải thuyết minh các học giới nhỏ nhặt này làm gì?
Khi thuyết các giới nhỏ này, làm cho các Bí-sô sinh tâm
chán ghét, bực bội, lo buồn".
Nếu phát biểu lời
khinh chê giới như vậy, Ba-dật-để-ca.
Tụng thứ hai:
Chủng tử khinh não
giáo
An sàng thảo nhục khiên
Cưởng trú thoát nước sàng
Nhiễu thảo ưng tam nhị.
11- Bí-sô nào tự phá
hoại hạt giống, cây sống, chỗ ở của hữu tình, hay bảo
người khác phá hoại, Ba-dật-để-ca.
12- Bí-sô nào chửi rủa,
khinh khi Bí-sô khác, Ba-dật-để-ca.
13- Bí-sô nào chống cự
và gây phiền phức cho người khuyên bảo, Ba-dật-để-ca.
14- Bí-sô nào bố trí
phu cụ và sàng tọa của Tăng ra ngoài trời, khi đi không xếp
cất, không bảo người xếp cất, gặp Bí-sô khác lại
không dặn bảo nhờ thu xếp, trừ có duyên sự, Ba-dật-để-ca.
15- Bí-sô nào tự mình
hay bảo người bố trí cỏ, lá trong phòng của Tăng. Khi đi
không thu dọn, không bảo người thu dọn, gặp Bí-sô khác cũng
không nhờ thu dọn, trừ có duyên sự khác, Ba-dật-để-ca.
16- Bí-sô nào vì sân hận,
lôi kéo Bí-sô khác ra khỏi phòng của Tăng, hoặc bảo người
khác lôi kéo ra, trừ có duyên sự khác, Ba-dật-để-ca.
17- Bí sô nào ngay tại
trú xứ của Tăng biết rõ các Bí-sô đã ở chỗ ấy trước,
tuy đến sau nhưng cố ý gây phiền phức cho các vị đến
trước. Ngay tại chỗ nằm của các vị trước, cố ý nằm
ngồi lên, tự nghĩ: "Nếu họ sinh tâm khó chịu sẽ bỏ
đi chỗ khác, nhường chỗ này cho ta" , Ba-dật-để-ca.
18- Bí-sô nào ngay tại
trú xứ của Tăng biết rõ là giường hư chân trên lầu,
trên gác và các vật để ngồi khác bị hư, cố ý nằm ngồi
trên ấy, Ba-dật-để-ca.
19- Bí-sô nào biết
trong nước có trùng, tự rưới nước ấy trên cỏ, trên đất,
hay trộn với phân trâu bò, hoặc bảo người khác làm, Ba-dật-để-ca.
20- Bí-sô nào làm nhà
lớn, ngay trên khung bệ cửa nên đặt cây ngang và các khung
cửa sổ nên bố trí máng nước. Khi trát tường bằng đất
bùn ướt chỉ nên dày hai ba lớp, vừa bằng chỗ cây ngang.
Nếu quá mức này, Ba-dật-để-ca.
Bài tụng thứ ba:
Bất sai chí nhật một
Vị thực nhị chủng y
Ðồng lộ cập thừa thuyền
Nhị bình giáo hóa thực.
21- Bí-sô nào Tăng không
sai, tự ý đi giáo giới Bí-sô ni, trừ vị chứng đắc thắng
pháp, Ba-dật-để-ca.
22- Bí-sô nào tuy được
Tăng sai đi giáo giới Bí-sô ni, nhưng giáo giới mãi đến tối,
Ba-dật-để-ca.
23- Bí-sô nào nói với
các Bí-sô khác rằng: "Thầy vì việc cúng dường ăn uống
nên giáo giới Bí-sô ni" , Ba-dật-để-ca.
24- Bí-sô nào cho y phục
đến Bí-sô ni không phải thân quyến, trừ trao đổi, Ba-dật-để-ca.
25- Bí-sô nào may y cho
Bí-sô ni không phải thân quyến, Ba-dật-để-ca.
26- Bí-sô nào cùng
Bí-sô ni hẹn cùng đi chung với đoàn buôn, trừ thời khác,
Ba-dật-để-ca.
Thời khác là: đi chỗ
có tai nạn nguy hiểm đáng sợ.
27- Bí-sô nào hẹn
cùng Bí-sô ni đi chung một thuyền, hoặc đi xuôi, hoặc đi
ngược, trừ đi đò ngang, Ba-dật-để-ca.
28- Bí-sô nào ngồi một
mình cùng người nữ tại chỗ khuất, Ba-dật-để-ca.
29- Bí-sô nào ngồi một
mình cùng Bí-sô ni tại chỗ khuất, Ba-dật-để-ca.
30- Bí-sô nào ăn thức
ăn mà biết rõ vật ấy do Bí-sô ni tạo điều kiện cho
người khác cúng, trừ khi thí chủ có ý cúng trước, Ba-dật-để-ca.
Tụng thứ tư:
Sác thực nhất túc xứ
Thọ bát bất vi dư
Túc thực biệt phi thời
Xúc bất thọ diệu thực.
31- Bí-sô nào ăn nhiều
lần, trừ lúc khác, Ba-dật-để-ca.
Lúc khác: khi bệnh, khi
làm việc, khi đi đường, khi thí y, v.v...
32- Bí-sô nào tại trú
xứ của ngoại đạo được phép ở một đêm, chỉ được
ăn một bữa, trừ trường hợp vì bệnh. Nếu vượt quá
quy định này, Ba-dật-để-ca.
33- Nhiều Bí-sô đến
nhà thế tục, có Bà la môn, cư sĩ tịnh tín, ân cần mời
bánh bún, thức ăn. Bí-sô nào cần, có thể lãnh thọ hai đến
ba bát. Nếu nhận quá số lượng này, Ba-dật-để-ca.
Ðã nhận xong, phải trở
về trú xứ của mình. Nếu có Bí-sô khác phải cùng chia
nhau số thức ăn này.
34- Bí-sô nào đã ăn
xong, không làm pháp dư thực, lại ăn thêm nữa, Ba-dật-để-ca.
35- Bí-sô nào biết
Bí-sô kia đã ăn xong, không làm pháp dư thực, lại khuyên vị
ấy ăn nữa, bảo: "Này cụ thọ, nên ăn thức ăn này"
, chỉ vì lý do là muốn cho vị kia phạm giới để sinh ra
buồn khổ, Ba-dật-để-ca.
36- Bí-sô nào ăn chúng
riêng, trừ thời khác, Ba-dật-để-ca.
Thời khác là: khi bị
bệnh, khi làm y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng
ăn, khi Sa môn thí thực.
37- Bí-sô nào ăn phi thời,
Ba-dật-để-ca.
38- Bí-sô nào ăn thức
ăn bị xúc chạm đến, Ba-dật-để-ca.
39- Bí-sô nào thức ăn
không được mời, tự ý cầm đưa lên miệng nhai, nuốt ;
trừ nước và tăm xỉa răng, Ba-dật-để-ca.
40- Bí-sô nào như Thế
tôn dạy, các món ăn thơm ngon như sữa, lạc, sanh tô, cá,
thịt, nếu Bí-sô không vì bệnh, tự mình đến nhà người
xin các thức ăn ấy, Ba-dật-để-ca.
Tụng thứ năm:
Trùng thủy nhị thực
xá
Vô phục vãng quán quân
Lưỡng dạ quán du binh
Ðã nghĩ phú thô tội.
41- Bí-sô nào biết nước
có trùng vẫn lấy xử dụng, Ba-dật-để-ca.
42- Bí-sô nào biết rõ
đó là chỗ thực gia, lại cố ý ngồi lâu, Ba-dật-để-ca.
43- Bí-sô nào biết rõ
đó là chỗ thực gia, lại cố ý đứng lâu ở chỗ khuất,
Ba-dật-để-ca.
44- Bí-sô nào tự tay
đem thức ăn cho ngoại đạo lõa thể và nam nữ ngoại đạo
khác, Ba-dật-để-ca.
45- Bí-sô nào tự ý đến
xem quân đội dàn binh, Ba-dật-để-ca.
46-Bí-sô nào có duyên
sự đến trại lính, chỉ được ở lại hai đêm, nếu ở
quá hạn, Ba-dật-để-ca.
47- Bí-sô nào ở trong
trại quân đội trong thời gian hai đêm, nếu xem quân đội
diễn binh, bố trận, tan trận để chuẩn bị xuất chinh,
Ba-dật-để-ca.
48- Bí-sô nào vì sân hận,
không hoan hỷ, đánh Bí-sô khác, Ba-dật-để-ca.
49- Bí-sô nào vì sân hận,
không hoan hỷ, đưa tay dọa đánh Bí-sô khác, Ba-dật-để-ca.
50- Bí-sô nào biết
Bí-sô khác phạm tội thô ác mà cố ý che dấu, Ba-dật-để-ca.
Tụng thứ sáu:
Bạn não xúc hỏa dục
Ðồng miên pháp phi chướng
Vị xả cầu tịch nhiễm
Thâu bảo cực viêm thời.
51- Bí-sô nào nói với
Bí-sô khác với lời thế này:
"Cụ thọ, thầy
đi cùng tôi đến nhà cư sĩ, sẽ cho thầy thức ăn ngon để
được ăn no".
Sau khi đến nhà cư
sĩ, Bí-sô này lại không cho thức ăn đến Bí-sô kia, còn
nói:
"Cụ thọ, thấy
đi chỗ khác đi, tôi không thích ngồi nói chuyện với thầy,
tôi thích ngồi một mình".
Khi Bí-sô này nói lời
ấy vì muốn Bí-sô kia sinh buồn bực (để bỏ đi) , Ba-dật-để-ca.
52- Bí-sô nào không vì
bệnh, tự đốt lửa hoặc bảo người khác đốt, Ba-dật-để-ca.
53- Bí-sô nào đã gửi
dục cho người khác rồi, sau hối hận nói lên: "Tôi lấy
dục lại, không gửi dục cho ông nữa" , Ba-dật-để-ca.
54- Bí-sô nào cùng người
chưa thọ cận viên ngủ cùng phòng hơn hai đêm, Ba-dật-để-ca.
55- Bí-sô nào nói:
"Theo tôi biết
pháp Phật đã dạy: dục là pháp chướng ngại, khi hành động
theo thói quen không phải là pháp chướng ngại". Các
Bí-sô nên nói với Bí-sô ấy: "Thầy đừng nói lời:
theo tôi biết pháp Phật đã dạy: dục là pháp chướng ngại,
khi hành động theo thói quen không phải là pháp chướng ngại.
Thầy đừng vu báng Thế tôn. Vu báng Thế tôn không tốt. Thế
tôn không nói lời ấy. Thế tôn dùng vô lượng pháp môn
nói: các pháp, dục là chướng ngại. Thầy nên từ bỏ các
ác kiến như vậy".
Khi các Bí-sô can gián
như vậy, vị ấy từ bỏ thì tốt. Nếu không từ bỏ, phải
ba lần ân cần can gián nghiêm chỉnh, làm đúng theo giáo
pháp sửa trị vị ấy từ bỏ ác kiến này. Vị ấy từ bỏ
thì tốt, nếu không từ bỏ, Ba-dật-để-ca.
56- Bí-sô nào biết vị
Bí-sô đã nói lời như trên, lại không nghe lời can gián từ
bỏ ác kiến, lại cùng sống chung, cùng thọ dụng, ở cùng
phòng, cùng ngủ chung, Ba-dật-để-ca.
57- Bí-sô nào thấy vị
cầu tịch nói:
"Theo tôi hiểu lời
Phật dạy, dục là pháp chướng ngại, khi làm theo thói quen
không phải là pháp chướng ngại"
Các Bí-sô phải nói với
cầu tịch ấy:
"Người đừng nói:
theo tôi hiểu lời Phật dạy, dục là pháp chướng ngại,
nhưng khi làm theo thói quen, không phải là pháp chướng ngại.
Người đừng vu báng Thế tôn. Vu báng Thế tôn không tốt,
Thế tôn không nói lời này. Thế tôn dùng vô lượng pháp
môn nói các dục là chướng ngại. Người phải từ bỏ các
ác kiến như vậy".
Khi các Bí-sô nói như
vậy với vị cầu tịch ấy, vị ấy từ bỏ thì tốt, nếu
không từ bỏ, phải khuyên bảo nghiêm chỉnh đến hai ba lần,
giáo dục vị ấy từ bỏ ác kiến ấy. Cầu tịch này từ
bỏ thì tốt, nếu không từ bỏ thì bảo với cầu tịch
ấy:
"Từ đây về sau,
ngươi không được nói: đức Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng
giác là thầy tôi và không được phép đồng hành với các
vị tôn túc và các vị đồng phạm hạnh. Các cầu tịch
khác được phép ngủ chung phòng với các Bí-sô khác hai đêm,
từ nay ngươi không được dự việc này. Ngươi là kẻ ngu
si, hãy mau đi đi! Hãy mau đi luôn đi!".
Bí-sô nào biết rõ vị
kia là cầu tịch bị diệt tẫn, lại nhận đem về nuôi dưỡng,
cho ngủ cùng phòng, Ba-dật-để-ca.
58- Bí-sô nào được y
mới, phải nhuộm hoại sắc bằng ba cách: xanh, bùn, đỏ, tùy
theo mỗi loại làm cho hoại sắc. Nếu không làm cho y bị hoại
sắc bằng ba cách trên mà đem xử dụng, Ba-dật-để-ca.
59- Bí-sô nào đối với
các bảo vật hay vật quý như bảo vật, tự tay cầm hay bảo
người cầm, trừ trong chùa hay trong nhà bạch y, Ba-dật-để-ca.
Nếu trong chùa hay trong
nhà bạch y, thấy các bảo vật hay như bảo vật, trước
khi lấy nên suy nghĩ: "Khi có người đến nhận, ta sẽ
đưa cho họ".
60- Bí-sô nên nửa
tháng tắm một lần, nếu cố ý tắm thêm, trừ trường hợp
khác, Ba-dật-để-ca.
Trường hợp khác: khi
nóng nực, khi bệnh, khi làm việc, khi đi đường, khi gió mưa.
Tụng thứ bảy:
Sát bàng sinh cố não
Kích lịch thủy đồng miên
Bố tàng tư ký y
Vô căn nữ đồng lộ.
61- Bí-sô nào cố ý giết
hại sinh mạng loài vật, Ba-dật-để-ca.
62- Bí-sô nào cố ý
gây phiền phức cho Bí-sô khác, dù cho vì lý do ấy làm
Bí-sô kia không vui trong chốc lát, Ba-dật-để-ca.
63- Bí-sô nào dùng tay
cù-léc Bí-sô khác, Ba-dật-để-ca.
64- Bí-sô nào đùa giỡn
trong nước, Ba-dật-để-ca.
65- Bí-sô nào ngủ
cùng phòng với người nữ, Ba-dật-để-ca.
66- Bí-sô nào tự mình
hay bảo người khủng bố Bí-sô khác, dù cho để đùa giỡn,
Ba-dật-để-ca.
67- Bí-sô nào tự mình
hay bảo người cất giấu y bát, hoặc tư cụ của Bí-sô
khác, Bí-sô ni, chánh học, cầu tịch, cầu tịch nữ, trừ
duyên sự khác, Ba-dật-để-ca.
68- Bí-sô nào được
người khác gửi y, sau đó không hỏi chủ, tự ý lấy xử
dụng, Ba-dật-để-ca.
69- Bí-sô nào do sân
nhuế, biết Bí-sô kia thanh tịnh không phạm giới, lại vu
báng vị ấy phạm Tăng-già-phạt-thi-sa không căn cứ, Ba-dật-để-ca.
70- Bí-sô nào cùng đi
chung đường với người nữ, không có người nam, cho đến
khoảng cách trong một thôn, Ba-dật-để-ca.
Tụng thứ tám:
Tặc tùng niên vị
mãn
Quật địa thỉnh vi giáo
Thiết thính mặc nhiên khứ
Bất kính tửu phi thời.
71- Bí-sô nào đi chung
đường với giặc, đoàn buôn lậu cho đến khoảng cách
trong một thôn, Ba-dật-để-ca.
72- Bí-sô nào biết người
kia chưa đủ hai mươi tuổi, lại cho họ thọ cận viên để
thành tựu tánh Bí-sô, Ba-dật-để-ca.
Người thọ giới không
đắc cận viên, các Bí-sô mắc tội.
73- Bí-sô nào tự mình
hay bảo người đào đất, Ba-dật-để-ca.
74- Bí-sô nào được
thọ thỉnh sử dụng những thứ cần dùng trong bốn tháng.
Nếu quá hạn này mà vẫn thọ nhận những thứ ấy, trừ
thời khác, Ba-dật-để-ca.
Thời khác là: biệt thỉnh,
cách thỉnh, ân cần thỉnh, thường thỉnh.
75- Bí-sô nào nghe các
Bí-sô khác nói:
"Cụ thọ, thầy
nên học tập các học xứ như vậy".
Vị ấy nghe nói, lại
đáp:
"Tôi không thể vì
nghe lời nói ngu si không phân minh, không hiểu biết của
ông mà thọ hành học xứ đâu. Tôi sẽ tìm những vị giỏi
tam tạng và nghe theo lời dạy của các vị ấy để học học
xứ" , Ba-dật-để-ca.
Bí-sô nào thật lòng
muốn hiểu biết, được phép hỏi tam tạng giáo điển.
76- Bí-sô nào biết
các Bí-sô khác có sự tranh chấp, đang tìm vạch chỗ sai lầm
để gây gỗ nhau, nên lén đến nghe những lời họ nói, nghĩ
rằng: "Ta cần nghe để làm cho họ tranh chấp nhau"
, chỉ vì mục đích ấy chứ không gì khác, Ba-dật-để-ca.
77- Bí-sô nào biết
chúng Tăng đang như pháp bình luận sự việc, lại im lặng
bỏ chỗ đi ra, tuy có Bí-sô khác nhưng cũng không xin phép,
trừ các duyên sự khác, Ba-dật-để-ca.
78- Bí-sô nào không
cung kính đối với thầy bạn, Ba-dật-để-ca.
79- Bí-sô nào uống
các loại rượu, Ba-dật-để-ca.
80- Bí-sô nào phi thời
đi vào xóm làng, không báo lại cho các Bí-sô khác biết, trừ
duyên sự khác, Ba-dật-để-ca.
Tụng thứ chín:
Thực minh tướng kim
tri
Châm đồng sàng cước lượng
Trữ hoa tinh ngọa cụ
San, vũ, đại sư y.
81- Bí-sô nào nhận lời
mời bữa ăn tại nhà người, trước hay sau bữa ăn lại bỏ
đi sang nhà người khác, không báo lại, Ba-dật-để-ca.
82- Bí-sô nào minh tướng
chưa xuất hiện, vua quán đảnh sát đế lợi chưa thu cất
các bảo vật và các loại như bảo vật, bước vào trong cửa
cung riêng của vua, trừ có duyên sự khác, Ba-dật-để-ca.
83- Bí-sô nào khi nửa
tháng thuyết giới, nói:
"Cụ thọ, đến
nay tôi mới biết những pháp này từ giới kinh nói ra".
Các Bí-sô đều biết
rõ Bí-sô này đã hai ba lần cùng dự trưởng tịnh, nào phải
chỉ mới lần này, nên nói với vị ấy:
"Này cụ thọ, chẳng
phải không biết là được miễn tội đâu. Những tội thầy
đã phạm phải như pháp phát lộ sám hối"
Và phải khuyên vị ấy:
"Này cụ thọ,
pháp này hy hữu khó được gặp, vậy mà khi thuyết giới
ông không cung kính, không trú tâm, không tôn trọng, không
chú ý, không nhất tưởng, không lắng nghe, không chánh niệm
để nghe pháp", Ba-dật-để-ca.
84- Bí-sô nào dùng xương,
ngà, sừng làm thành ống đựng kim, phải đập vụn bỏ
đi, Ba-dật-để-ca.
85- Bí-sô nào làm giường
lớn hay nhỏ, chân giường phải cao vừa bằng tám ngón tay
Như Lai, trừ khoảng tra mộng diềm giường. Nếu làm quá phải
cắt bỏ bớt, Ba-dật-để-ca.
86- Bí-sô nào dùng
bông gòn, v.v... độn lót nệm giường tòa, phải lấy ra,
Ba-dật-để-ca.
87- Bí-sô nào làm ny-sư-đản-na
phải làm đúng lượng. Lượng đúng là: dài hai gang tay Phật,
rộng một gang tay rưỡi Phật, mỗi bên có thể dài hơn một
gang. Nếu làm quá lượng này, phải cắt bỏ bớt, Ba-dật-để-ca.
88- Bí-sô nào làm y che
ghẻ phải đúng kích thước. Kích thước đúng là: dài bốn
gang tay Phật, rộng bằng hai gang tay Phật. Nếu quá kích thước
này phải cắt bớt, Ba-dật-để-ca.
89- Bí-sô nào làm y tắm
mưa phải làm đúng kích thước. Kích thước đúng là: dài
bằng sáu gang tay, rộng bằng hai gang tay rưỡi của Phật. Nếu
làm quá kích thước này phải cắt bỏ, Ba-dật-để-ca.
90- Bí-sô nào làm y, bằng
hay lớn hơn y của Phật, Ba-dật-để-ca.
Kích thước y của Phật:
dài 10 gang tay Phật và rộng sáu gang tay Phật. Ðây là kích
thước y của Phật.
Các Ðại đức, tôi đã
thuyết xong chín mươi pháp Ba-dật-để-ca. Nay xin hỏi các
Ðại đức:
"Trong chúng này
thanh tịnh không?". (Hỏi ba lần)
"Các Ðại đức,
trong chúng này thanh tịnh vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy".
VI.- Bốn
pháp Ba-la-để-đề-xá-ni: (Patidesaniya)
Các Ðại đức, đây
là bốn pháp đối thuyết Ba-la-để-đề-xá-ni, mỗi nửa
tháng được nói ra từ giới kinh.
Tụng tóm lược:
Phi thân ni tự thọ
Xá trung xử phần thực
Bất thỉnh hướng học gia
Thọ thực ư tự ngoại.
1- Bí-sô nào trên đường
đi trong làng xóm, tự tay nhận thức ăn để ăn từ Bí-sô
ni không phải thân quyến. Bí-sô này phải trở về trú xứ
của mình ngoài làng xóm, đến chỗ các Bí-sô, tự mình
nói với từng vị:
"Ðại đức, tôi
đã phạm ác pháp đối thuyết. Ðây là điều không được
vi phạm. Nay tôi đối thuyết để sám hối".
Ðây là pháp đối thuyết.
2- Nhiều Bí-sô đến
thọ thực tại nhà bạch y, có Bí-sô ni chỉ vào Bí-sô
này:
"Nên dâng cho vị
này thức ăn thơm ngon..."
Các Bí-sô phải nói với
Bí-sô ni ấy:
"Này cô, đừng chỉ
định như vậy nữa. Hãy chờ các Bí-sô ăn xong".
Nếu không một Bí-sô
nào nói như vậy, các Bí-sô phải trở về trú xứ ngoài
làng xóm, đến gặp các Bí-sô, nói với từng vị:
"Ðại đức, tôi
đã phạm ác pháp đối thuyết. Ðây là điều không được
vi phạm. Nay tôi đối thuyết để sám hối".
Ðây là pháp đối thuyết.
3- Bí-sô nào biết đó
là nhà học gia, Tăng đã tác pháp Yết-ma học gia, Bí-sô
này không được thọ thỉnh trước, tự tiện đến nhà ấy,
tự tay nhận thức ăn để ăn. Bí-sô này phải trở về
trú xứ ngoài làng xóm, đến gặp các Bí-sô, nói với với
từng vị:
"Ðại đức, tôi
đã phạm ác pháp đối thuyết. Ðây là điều không được
vi phạm. Nay tôi đối thuyết để sám hối".
Ðây là pháp đối thuyết.
4- Bí-sô nào ở tại
A-lan-nhã, thuộc trú xứ có sự khủng bố nguy hiểm, trước
không đưa người thăm dò tình hình nguy hiểm, nếu ra bên
ngoài trú xứ thọ nhận thức ăn, Bí-sô này phải trở về
trú xứ, đến gặp các Bí-sô, nói với từng vị:
"Ðại đức, tôi
đã phạm ác pháp đối thuyết. Ðây là điều không được
vi phạm. Nay tôi đối thuyết để sám hối".
Ðây là pháp đối thuyết.
Chư Ðại đức, tôi đã
thuyết xong bốn pháp Ba-la-để-đề-xá-ni. Nay xin hỏi các
Ðại đức:
"Trong chúng này
thanh tịnh không?" (Hỏi ba lần)
"Chư Ðại đức,
trong chúng này thanh tịnh vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy".
VII.- Pháp chúng học:
(Sekkhiyavatta)
Các Ðại đức, đây
là pháp chúng học, mỗi nửa tháng được nói ra từ giới
kinh.
Tụng tóm lược:
Y thực hình tề chỉnh
Tục xá thiện dung nghi
Hộ bát trừ bệnh nhân
Thảo thủy quá nhân thọ.
1- Mặc quần tề chỉnh,
cần phải học.
2- Mặc quần không quá
cao, không quá thấp, không cuốn hình vòi voi, không cuốn
hình đầu rắn, không xếp hình lá đa-la, không xếp hình miếng
đậu - cần ph?i học.
3- Mặc ba y tề chỉnh
- cần phải học.
4- Mặc ba y không quá
cao, không quá thấp,mặc ngay ngắn, kín đáo, không nói nhiều,
không nhìn lên cao khi vào nhà bạch y - cần phải học.
5- Không che đầu, không
lật một bên y, không lật hai bên y, không chống nạnh,
không vung tay khi vào nhà bạch y - cần phải học.
6- Không nhún nhảy,
không nhón chân, không nhảy cò cò, không đi nghiêng người,
không đi hấp tấp khi đi vào nhà bạch y, - cần phải học.
7- Không uốn éo, không
vẫy tay, không lắc đầu, không vung tay, không đánh đồng
xa khi đi vào nhà bạch y, - cần phải học.
8- Trong nhà bạch y, chưa
được mời không được tự tiện ngồi - cần phải học.
9- Trong nhà bạch y, chưa
xem xét kỹ, không được ngồi - cần phải học.
10- Trong nhà bạch y,
không được ngồi bừa bãi - cần phải học.
11- Trong nhà bạch y,
không ngồi gác chân, tréo chân, bó gối, duỗi hết hai
chân, hay bày lộ thân thể - cần phải học.
12- Cung kính nhận thức ăn - cần phải học.
13- Không được nhận
cơm đầy bát, rồi nhận canh, rau làm thức ăn tràn ra
ngoài, cẩn thận dùng ngón tay giữ bát để ăn - cần phải
học.
14- Thức ăn chưa đem đến, không được hứng
bát ra chờ - cần phải học.
15-Không đặt bát trên
thức ăn - cần phải học.
16- Cung kính ăn thức ăn - cần phải học.
17-Không nắn vắt cơm
quá lớn, quá nhỏ - cần phải học.
18- Thức ăn chưa đến miệng, không há miệng
chờ - cần phải học.
19- Không ngậm thức ăn nói chuyện - cần phải
học.
20- Không lấy cơm lấp
trên canh, lấy canh lấp trên cơm để mong được nhiều - cần
phải học.
21- Không liếm thức
ăn, không nhai cơm có tiếng, không hà hơi trên thức ăn, không
thổi thức ăn, không bươi thức ăn, không chê thức ăn, không
giữ thức ăn hai bên má, không cắn nửa miếng ăn, không
lè lưỡi ăn, không nên làm thức ăn như hình tháp - cần phải
học.
22- Không liếm tay,
không liếm bát, không chấn tay, không chấn bát, thường nhìn
vào bát để ăn - cần phải học.
23- Không có tâm khinh mạn,
cố nhìn vào bát vị đang ăn gần bên - cần phải học.
24- Không được dùng
tay bẩn cầm bình nước sạch - cần phải học.
25- Trong nhà bạch y,
không được đổ nước rửa bát, trừ khi hỏi chủ nhà - cần
phải học.
26- Không được lấy
thức ăn thừa bỏ vào bát đựng nước - cần phải học.
27- Trên đất không có
vật kê lót, không được để bát - cần phải học.
28- Không đứng rửa bát - cần phải học.
29- Không được đặt
bát chỗ dễ rơi v?, dễ mất ; không dùng bát múc nước
ngược dòng - cần phải học.
30- Người ngồi ta đứng, không được nói
pháp, trừ bệnh - cần phải học.
31- Người nằm ta ngồi, không được nói
pháp, trừ bệnh - cần phải học.
32- Người ngồi tòa
cao, ta ngồi tòa thấp, không được nói pháp, trừ bệnh - cần
phải học.
33- Người đi trước, ta đi sau, không được nói
pháp, trừ bệnh - cần phải học.
34- Người đi giữa
đường, ta đi bên lề, không được nói pháp, trừ bệnh -
cần phải học.
35- Không thuyết pháp
cho người che đầu, người lật y một bên, người lật y
hai bên, người chống nạnh, người vẫy tay, trừ bệnh - cần
phải học.
36- Không thuyết pháp cho người đang cỡi voi,
cỡi ngựa, ngồi kiệu, đi xe, trừ bệnh - cần phải học.
37- Không thuyết pháp
cho người đang mang guốc, giày, dép - cần phải học.
38- Không thuyết pháp
cho người đang đội mũ, nón, mão như nhục đảnh Phật,
người quấn đầu, đội vòng hoa, trừ bệnh - cần phải học.
39- Không được thuyết
pháp cho người đang che dù - cần phải học.
40- Không được đứng đại tiểu tiện, trừ
bệnh - cần phải học.
41- Không được đại
tiểu tiện, khạc nhổ trong nước sạch, trừ bệnh - cần
phải học.
42- Không được đại
tiểu tiện hay khạc nhổ trên cỏ xanh - trừ bệnh - cần phải
học.
43- Không được leo cây
cao hơn đầu người, trừ nạn duyên - cần phải học.
Các Ðại đức, tôi đã
thuyết xong các pháp chúng học, xin hỏi các Ðại đức:
"Trong chúng này
thanh tịnh không?" (Hỏi ba lần)
"Các Ðại đức,
trong chúng này thanh tịnh vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy".
VIII.- Bảy
pháp diệt tránh: (Adhikarana samatha)
Các Ðại đức, đây
là bảy pháp diệt tránh, mỗi nửa tháng được nói ra từ
giới kinh.
Tụng tóm lược:
Hiện tiền tinh ức
niệm
Bất si dữ cầu tội
Ða nhân ngữ, tự ngôn
Thảo yểm trừ chúng tránh.
1- Cần giải quyết bằng
Hiện tiền Tỳ-nại-da, nên giải quyết bằng Hiện tiền Tỳ-nại-da.
2- Cần giải quyết bằng
Ức niệm Tỳ-nại-da, nên giải quyết bằng Ức niệm Tỳ-mại-da.
3- Cần giải quyết bằng
Bất si Tỳ-nại-da, nên giải quyết bằng Bất si Tỳ- nại-da.
4- Cần giải quyết bằng
Cầu tội tự tánh Tỳ-nại-da, nên giải quyết bằng Cầu tội
tự tánh Tỳ- nại-da.
5- Cần giải quyết bằng
Ða nhân ngữ Tỳ-nại-da, nên giải quyết bằng Ða nhân ngữ
Tỳ- nại-da.
6- Cần giải quyết bằng
Tự ngôn trị Tỳ-nại-da, nên giải quyết bằng Tự ngôn Tỳ-
nại-da.
7- Cần giải quyết bằng
Thảo yểm Tỳ-nại-da, nên giải quyết bằng Thảo yểm Tỳ-
nại-da.
Nếu có tránh sự phát
sinh, phải dùng bảy pháp này, thuận theo lời dạy của Ðấng
Ðạo sư, như pháp, như luật để diệt trừ tránh sự ấy.
Các Ðại đức, tôi đã
thuyết xong bảy pháp diệt tránh, xin hỏi các Ðại đức:
"Trong chúng này
thanh tịnh không?" (Hỏi ba lần)
"Các Ðại đức,
trong chúng này thanh tịnh vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy".
PHẦN KẾT:
Các Ðại đức, tôi đã
thuyết minh bài tựa giới kinh, bốn pháp Ba-la-thị-ca, mười
ba pháp Tăng-già-phạt-thi-sa, hai pháp bất định, ba mươi pháp
Ny-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, chín mươi pháp Ba-dật-để-ca, bốn
pháp Ba-la-để-đề-xá-ni, các pháp chúng học, bảy pháp diệt
tránh.
Các pháp này đều được
giữ gìn trong giới kinh của đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh
đẳng giác. Nếu có những tùy pháp khác tương ứng với những
pháp này, đều phải tu học.
Các Ðại đức cùng
nhau hội họp với tinh thần hoan hỷ không tranh cãi, một
lòng một lời như nước hòa với sữa, siêng năng phát huy
rực rỡ Thánh giáo của bậc Ðại sư, làm cho đời sống
an lạc, không sống phóng dật, cần phải tu học như vậy.
1- Nhẫn tinh cần bậc
nhất
Ðưa đến chứng Niết-bàn
Xuất gia não hại người
Không phải là Sa môn.
Ðây là giới kinh của
Tỳ-Bát-Thi Như Lai Ðẳng chánh giác giảng dạy.
2- Mắt sáng tránh
đường hiểm
Ðến được chỗ an ổn
Bậc trí sống trong đời
Tránh xa các xấu ác.
Ðây là giới kinh của
đức Thi Khí Như Lai Chánh đẳng giác giảng dạy.
3- Không hủy báng,
não hại
Khéo hộ trì giới kinh
Ăn uống biết vừa đủ
Dùng ngọa cụ tầm thường
Siêng tu tăng thượng định
Là lời chư Phật dạy.
Ðây là giới kinh của
đức Tỳ Xá Phù Như Lai Chánh đẳng giác giảng dạy.
4- Như ong đến tìm
hoa
Không hoại sắc và hương
Chỉ hút mật rồi đi
Bí-sô cũng như vậy.
Ðây là giới kinh của
đức Câu Lưu Tôn Như Lai Chánh đẳng giác giảng dạy.
5- Không chống phá người
khác
Xét người làm, không làm
Tự xét hành động mình
Làm đúng hay không đúng.
Ðây là giới kinh của
đức Yết-Nặc-Ca Mâu-Ni Như Lai Ðẳng chánh giác giảng dạy.
6- Chớ đắm mùi vị
định
Siêng tu nơi tịch tĩnh
Ðạt vậy, dứt ưu sầu
Thường giữ gìn chánh niệm.
Người nào thường bố thí
Thêm phước, oán không còn
Tu thiện, trừ các ác
Hết hoặc, chứng Niết-bàn.
Ðây là giới kinh của
đức Ca Nhiếp Ba Như Lai Chánh đẳng giác giảng dạy.
7- Không làm các điều
ác
Thực hành các hạnh lành
Ðiều phục được tự tâm
Là lời chư Phật dạy.
Lành thay hộ trì thân
Lành thay hộ trì lời
Lành thay hộ trì ý
Lành thay phòng hộ hết.
Bí-sô hộ tất cả
Trừ diệt tất cả khổ
Khéo hộ trì miệng, lời
Khéo hộ trì ý tưởng
Thân không làm việc ác
Thường thanh tịnh ba nghiệp
Thế nên phải tùy thuận
Giáo pháp bậc Ðại tiên.
Ðây là giới kinh của
đức Thích Ca Như Lai Ðẳng chánh giác giảng dạy.
Tỳ-Bát-Thi, Thi Khí
Tỳ Xá, Câu Lưu Tôn
Yết Nặc Ca Mâu Ni
Ca Nhiếp, Thích Ca tôn
Bậc trời giữa các trời
BậcVô thượng Ðiều ngự
Bảy Phật đều hùng dũng
Thường cứu hộ thế gian
Ðầy đủ tiếng khen lớn
Ðều thuyết giới pháp này
Chư Phật cùng đệ tử
Ðều kính tôn trọng giới
Nhờ cung kính giới kinh
Chứng đắc quả Vô thượng
Người hãy cầu giải thoát
Siêng tu lời Phật dạy
Hàng phục quân sinh tử
Như voi xô nhà cỏ
Ngay trong pháp luật này
Thường sống không phóng dật
Tát cạn biển phiền não
Vượt qua khỏi bờ khổ
Mỗi khi thuyết giới kinh
Hòa hợp làm trưởng tịnh
Phải cùng tôn kính giới
Như trâu mao giữ đuôi
Tôi đã thuyết giới kinh
Chúng Tăng trưởng tịnh xong
Phước lợi các hữu tình
Ðều cùng thành Phật đạo.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT
THẾ HỮU BỘ
TỲ NẠI DA
BÍ-SÔ GIỚI KINH
- Hết -