Đại sư Mikyo Dorje sinh năm 1507 tại một ngôi làng nhỏ tên là
Satam, ở Kartiphuk, xứ Ngomchu, thuộc miền đông Tây Tạng, trong một gia
đình mà cha mẹ đều tu tập pháp Du-già. Khi vừa sinh ra, người ta đã nghe
thấy đứa trẻ nói “Karmapa”. Điều kỳ lạ này nhanh chóng được truyền ra
khắp nơi và đến tai ngài Tai Situpa. Ngài tìm đến và xác nhận đứa bé này
là vị Karmapa tái sinh. Tuy nhiên, ngài yêu cầu cha mẹ đứa bé hãy giữ
bí mật về sự phát hiện này trong vòng 3 tháng để đảm bảo an toàn cho em.
Sau đó, ngài thực hiện một cuộc kiểm tra trực tiếp với em bé. Mọi chi
tiết đều phù hợp với di thư của đức Karmapa để lại. Và kỳ lạ thay, khi
hoàn tất việc kiểm tra, đứa bé bỗng thốt lên: “Xin đừng nghi ngờ nữa, ta
chính là Karmapa.”
Ngay trong năm sau đó, đứa bé được đưa đến nuôi dưỡng tại tu viện Karma Gưn.
Khi Mikyư Dorje được 5 tuổi, người ta nghe được những tin tức về một đứa
trẻ sinh ra ở Amdo có những dấu hiệu của một vị Karmapa tái sinh. Người
kế nhiệm của đức Karmapa đời thứ bảy khi ấy là ngài Gyaltsab Rinpoche,
liền rời khỏi Tsurphu để lên đường thẩm định về tính xác thực của cả hai
đứa bé. Tuy nhiên, ngay khi gặp Mikyư Dorje, ngài cảm thấy có một sự
thôi thúc kỳ lạ buộc ngài phải quỳ xuống lễ bái đứa trẻ, và ngài biết
chắc đây chính là hóa thân tái sinh của đức Karmapa. Ngay trong năm sau
đó, ngài tổ chức một nghi lễ chính thức tại Tse Lhakhang để công nhận
hóa thân tái sinh đời thứ tám của đức Karmapa.
Vào năm 1516, tuy chỉ vừa được 9 tuổi nhưng vị Karmapa Mikyư Dorje đã
nhận được lời thỉnh cầu của đức vua xứ Jang Sa-tham đến viếng thăm xứ
này. Cùng với một đoàn tùy tùng, ngài đến đó và được đức vua tổ chức
nghi lễ tiếp đón vô cùng trọng thể.
Sau khi được tiếp xúc với vị Karmapa trẻ tuổi, đức vua vô cùng xúc động.
Ông phát tâm bảo vệ và truyền bá rộng rãi Phật pháp trên toàn lãnh thổ
do ông cai trị. Ông cũng hứa sẽ thực hiện lời dạy của đức Karmapa, áp
dụng chủ trương bất bạo động trong việc giải quyết mọi tranh chấp chính
trị. Sau đó. Sau khi truyền dạy giáo pháp, đức Karmapa từ biệt đức vua
xứ Jang Sa-tham và hứa sẽ trở lại xứ này sau 7 năm.
Năm 1517, Mikyư Dorje bắt đầu học tập những phần giáo pháp quan trọng
nhất từ vị Đại thành tựu giả Sangye Nyenpa, tức Tashi Paljor, người đệ
tử kiệt xuất của đức Karmapa đời thứ bảy.
Ngoài Tashi Paljor, Mikyư Dorje cũng học tập với nhiều bậc thầy nổi
tiếng khác như Dulmo Tashi Ưser, Dakpo Tashi Namgyal và Karma Trinleypa.
Tuy nhiên, toàn bộ giáo pháp mật truyền của dòng Karma Kagyu đã được
truyền lại từ chính ngài Tashi Paljor. Sau 3 năm nỗ lực truyền dạy toàn
bộ cho vị Karmapa trẻ tuổi, đại sư Tashi Paljor viên tịch. Ngay trong
buổi lễ hỏa táng nhục thân của ngài, vị Karmala đạt được sự chứng ngộ về
giáo pháp đã được ngài truyền dạy.
Vào thời gian này (khoảng năm 1520), hoàng đế nhà Minh là Minh Vũ Tông
gửi lời thỉnh cầu ngài viếng thăm Trung Hoa. Ngài từ chối với lý do là
vị hoàng đế này sẽ qua đời trước khi ngài kịp đến Trung Hoa. Lời dự báo
này hoàn toàn chính xác, vì hoàng đế Minh Vũ Tông đã băng hà trong năm
1521.
Karmapa Mikyư Dorje có nhiều nét tính cách rất giống với vị Karmapa đời
thứ ba, Rangjung Dorje, đặc biệt là sự say mê nghiên cứu học hỏi và năng
khiếu về ngôn ngữ học. Ngài được học Phạn văn (Sanskrit) với ngài
Lotsawa Richen Tashi. Ngài cũng thể hiện năng khiếu nghệ thuật vượt bậc
trong các lãnh vực thơ ca, hội họa và cả điêu khắc nữa. Tại Mar Kham,
ngài làm một pho tượng đá để mô tả chính mình. Khi hoàn tất, ngài đặt
pho tượng ở trước mặt và hỏi pho tượng xem có giống thật hay không.
Người ta nghe thấy tiếng trả lời “Rất giống”. Khi ấy, ngài cầm lên một
cục đá và bóp nặn lại như người ta nhào nặn khối bột nhão, rồi ngài in
dấu bàn tay mình lên đó. Cả pho tượng và cục đá có in dấu bàn tay ngài
hiện vẫn còn được giữ ở chùa Rumtek, xứ Sikkim.
Năm 21 tuổi, ngài thọ giới cụ túc với Chodrup Senge để chính thức trở
thành một vị tỳ-kheo. Cùng tham gia buổi lễ truyền giới này có Lạt-ma
Thinley.
Karmapa Mikyư Dorje được xem như một trong các vị Karmapa nổi tiếng về
mọi phương diện. Ngài là một bậc thầy vĩ đại về thiền định cũng như một
học giả uyên bác và thông thái, tác giả của hơn 30 bộ sách giá trị, bao
gồm cả những luận giải về kinh luận cũng như các bản lược giải những
điểm tinh yếu trong kinh điển và các Tan-tra. Ngài cũng biên soạn nhiều
nghi thức tu tập và các chỉ dẫn quan trọng cho các hành giả tu tập Mật
tông. Về mặt nghệ thuật, ngài là người đầu tiên sáng tạo phong cách
tranh lụa (thangka) được gọi là Karma Gadri, một trong các trường phái
chính của nghệ thuật tranh lụa Tây Tạng.
Đức Karmapa đời thứ tám có rất nhiều linh kiến về mối quan hệ không tách
rời giữa những hóa thân của ngài và của vị đạo sư (Guru) Rinpoche.
Chính đạo sư Rinpoche cũng là người thực hiện các Phật sự, được xem như
các phương tiện mà đức Phật đã sử dụng để đạt đến sự giác ngộ. Đức
Karmapa đời thứ tám nhận ra một điều là các hóa thân từ trước đến nay
của ngài luôn có sự trùng hợp với các hóa thân của đạo sư Rinpoche, mà
ngài tin là hóa thân của đức Phật Nhiên Đăng (Dỵpaṃkara), vị Phật đã
thành đạo trước đức Phật Thích-ca. Kinh Phật dạy rằng trong Hiền kiếp đã
có đến 1.000 vị Phật ra đời, và vì thế cả hai vị Karmapa và Guru
Rinpoche đều có thể xem là sự hiển lộ của cả một ngàn vị Phật trong thế
giới của chúng ta.
Năm 1546, ngài thông báo với các đệ tử về sự viên tịch sắp tới của mình.
Shamar Rinpoche và Pawo Rinpoche đã cùng nhau khẩn khoản xin ngài hãy
tiếp tục công việc hoằng hóa thêm một thời gian nữa. Ngài chấp nhận lời
thỉnh cầu chân thành ấy và cho biết là mình sẽ kéo dài đời sống thêm một
thời gian nữa. Trong thời gian này, ngài thăm viếng các tự viện thuộc
dòng Karma Kagyu để chấn chỉnh việc tu tập và tiếp xúc với nhiều người
để truyền dạy giáo pháp. Ngài cũng yêu cầu các đệ tử giảm bớt một số lễ
nghi để những ai muốn được diện kiến ngài đều có thể dễ dàng tìm đến.
Năm 1554, một trận dịch bệnh lan tràn ở miền nam Tây Tạng. Ngài lập tức
lên đường đến đó và bảo các đệ tử rằng ngài sẽ chấm dứt trận dịch. Sau
khi đến nơi, ngài cho làm 5 cái tháp nhỏ và đặt trước mặt mình rồi nhập
định chú tâm cầu nguyện và sử dụng năng lực của lòng đại bi để bao phủ
cả vùng này. Sau khi ngài ra khỏi thiền định, dịch bệnh trong vùng tức
thời chấm dứt. Tuy nhiên, ngài bảo cho các đệ tử biết rằng những nguyên
nhân gây bệnh đã được hấp thụ cả vào trong người của ngài, và do đó ngài
sẽ viên tịch ngay trong năm này. Đức Karmapa để lại một di thư báo
trước những chi tiết về lần tái sinh sắp tới của ngài và giao thư ấy cho
Shamar Konchok Yenlak.
Ngài viên tịch trong năm 1554, khi được 47 tuổi. Các đệ tử thu thập
xá-lợi của ngài sau khi hỏa táng tại Tsurphu và dựng một tháp bạc tại
đây để thờ phụng.
Trong số rất nhiều đệ tử của ngài, các vị nổi bật nhất là Shamar Konchok
Yenlak, Pawo Tsuklak Trengwa, Gyaltshap Drakpa Paljor, Sitri Chokyi
Gocha và Karma Thinley Legdrup.
Trong di thư ngài để lại có đoạn viết: “Trong đời sống kế tiếp, tôi sẽ
sinh ra với tên gọi là Wangchuk – vị vua vinh quang và tự lập của cả thế
giới này. Tôi sẽ sinh ra ở vùng Tre-shư tuyết phủ thuộc miền đông Tây
Tạng, ở một nơi mà người ta có thể nghe được tiếng nước chảy và tiếng
giảng pháp. Tôi đã thấy trước được những dấu hiệu chứng tỏ một điều là
không bao lâu nữa tôi sẽ sinh ra tại đó.”
Người nối tiếp truyền thống Karma Kagyu sau khi ngài viên tịch là
Kưnchok Yenlak. Vị này sinh năm Mộc Dậu (1526) tại Kyen, một vùng cao
của Kongpo. Đức Karmapa đời thứ tám đã xác nhận ông là hóa thân tái sinh
đời thứ năm của Shamar.
Kưnchok Yenlak học tập với đức Karmapa đời thứ tám và Pawo Tsuklak
Trengwa, một đệ tử lớn của ngài. Ông trở thành một học giả lớn và một
bậc thầy về thiền định. Ông đã nhận được sự truyền thừa toàn bộ giáo
pháp của dòng Karma Kagyu, và chính đức Karmapa đã giao phó cho ông
trách nhiệm dẫn dắt tông phái. Kưnchok Yenlak có nhiều trước tác Phật
học quan trọng. Ông cũng chính là người thực hiện việc nhận biết đức
Karmapa đời thứ chín và trở thành vị thầy dạy chính của ngài. Ông viên
tịch vào năm 1583, khi được 57 tuổi. Ông đã thực hiện việc truyền lại
toàn bộ truyền thống của dòng Karma Kagyu cho đức Karmapa đời thứ chín:
Wangchuk Dorje.