Hướng Dẫn về Pháp Môn Chuyển Di
Thần Thức Siêu Sinh Tịnh Độ theo Truyền Giảng của Rigdzin Longsal Nyingpo...
Lời Nói Đầu
Tập sách
P'howa này được viết như một cẩm nang cho những ai đã thọ nhận giáo pháp và sự
huấn luyện từ một vị thầy về pháp môn P'howa. Nó không được viết để đọc cho
biết, và không ghi lại nhiều chuyện thật và kinh nghiệm cá nhân vốn đã làm
phong phú cho pháp môn truyền khẩu của Ngài Chagdud Tulku Rinpoche trong nhiều
năm. Sách này cũng không phải để trình bày một cách uyên bác, vì tôi không có
một mảy may ý định cho thấy mình là học giả, dù là theo tiêu chuẩn Tây Tạng hay
theo tiêu chuẩn Tây Phương. Sách này chỉ đơn giản là một nơi để tham khảo, một
nhắc nhở về các điểm chủ yếu được trình bày trong giáo pháp khẩu truyền.
Tuy
nhiên, mặc dù sách rất là ngắn, nó lại mất một thời gian dài để viết ra, vì
pháp môn P'howa kết hợp tất cả các căn bản của việc tu tập và thành tựu Kim
Cang Thừa, và dẫn tới cái nhìn thâm sâu vào sự vận hành của thân, khẩu và ý. Là
một người tu kém nhanh nhạy, tôi phải mất một thời gian mới đủ chiều sâu kinh
nghiệm để có một công lực hữu dụng. Tôi trọn lòng mang ơn Ngài Chagdud Rinpoche
đã dạy tôi pháp môn P'howa hai mươi năm trước ở Nepal, đã khuyến khích tôi kết tập
các lời giảng của Ngài, và cho phép tôi giảng dạy. Rinpoche đã có nhiều hóa
hiện, cả bình an và phẫn nộ, nhưng tận thâm sâu là lòng kiên nhẫn gần như vô
bờ, với tôi, với các chúng sinh. Không có sự sẵn lòng giảng dạy cho tôi, liên
tục điều chỉnh và mở rộng sự tu tập của tôi, chắc chắn là tôi sẽ không thể
giảng dạy và hướng dẫn người khác thành tựu P'howa.
Đây cũng
là một đặc quyền lớn – và trách nhiệm lớn – khi làm việc với một bản văn trân
quý ẩn tàng của Rigdzin Longsal Nyingpo, từ lâu đã là một pháp sư tôi kính
ngưỡng. Sinh năm 1685, được tiên tri sẽ là một đại lạt ma, vào lúc 7 tuổi, Ngài
đã thông thạo đọc và viết, và đã xin xuất gia làm sư. Ngài bị cha ngăn cản không
cho đi tu, cho tới năm hai mươi tuổi, Ngài trốn nhà tới Katog Gonpa. Nơi đó,
Ngài theo học Dempa Konchog Gyaltsen và thọ nhận pháp môn Đại Toàn Thiện (Dzogchen),
trực nhận bản tánh tuyệt đối của mình. Là một học nhân cực kỳ tinh tấn, không
hề cho phép những gian khó gây trở ngại các kỳ thiền thất, Ngài được kính
ngưỡng bởi các vị hộ pháp, những vị đã tới phục vụ Ngài, và Ngài còn bị thử nghiệm
bởi các vị thần địa phương, và rồi chư thần đã lại thán phục Ngài.
Năm 28
tuổi, Ngài rời tu viện và tới tu tập trong các nơi cô đơn, nguy hiểm. Chẳng bao
lâu, Ngài gặp Dudul Dorje, vị thầy chính của Ngài, người đã đón nhận Ngài y hệt
như một người cha gặp lại đứa con trai. Dudul Dorje nói với Ngài, "Con có
các bản văn trân quý ẩn tàng đang chờ con khám phá," và cho Ngài lời
khuyên. Một lần nữa, Longsal Nyingpo vào khóa ẩn tu. Vài năm sau, khi Ngài 32
tuổi, Đạo Sư Liên Hoa Sanh (Guru Padmasambhava), trang phục như một hành giả,
bước tới và trao cho Ngài một danh mục các bản văn trân quý để đi tìm. Ngài
tiếp tục ẩn tu cho tới khi sự chứng ngộ đã trọn đủ.
Đó sẽ là
khuôn mẫu suốt đời Ngài, làm hoàn hảo sự thành đạt trong ẩn tu. Sau khi khám
phá ra mỗi bản văn trong kho kinh văn trân quý ẩn tàng, Ngài lại vào kỳ thất để
bảo đảm là từng phương diện của pháp môn đó được đưa ra hoàn toàn, và để lập
một nền tảng mạnh mẽ cho những người sẽ tu học theo Ngài. Những gì mà Ngài có
thể thành tựu được bằng nỗ lực thì Ngài không buông lơi. Đặc tính này, cũng như
với tư cách người khám phá các bản văn trân quý ẩn tàng và là thành tựu giả, đã
biến Ngài thành một đại hành giả.
Rồi tới
lúc thích hợp cho Longsal Nyingpo khám phá bản văn trân quý ẩn tàng của một
pháp tu liên hệ tới hình tướng phẫn nộ của Guru Rinpoche. Bản văn này được giấu
gần một tu viện của một tông phái khác, và có lẽ không thuận thảo với tông phái
này, một bản văn trân tàng Phái Cổ Mật (Nyingmapa) được khám phá gần đó. Khi
Longsal Nyingpo gửi một thông điệp thỉnh cầu sự hợp tác của tu viện trong việc
khám phá kinh văn đó, thì các vị sư mới âm mưu ngăn trở. Thế nên, khi Longsal
Nyingpo cỡi ngựa tới tu viện đó, Ngài gặp các lá cờ ghi các kinh cầu trên đó bị
nhuộm đen, thay vì phải đủ thứ màu như bình thường. Thay vì nhang trầm hương
thơm, thì mùi gay gắt của gugul, loại dùng để xua đuổi ma quỷ, tràn ngập trong
không khí. Thay vì các bài kinh cầu được ưa chuộng, các vị sư đã tụng niệm các
bài thần chú đầy giận dữ. Ngài xuống ngựa, họ dẫn Ngài tới một chiếc ngai phủ
vải đen, và Longsal Nyingpo mới nghĩ ra đó là các dấu hiệu toàn hảo. Không biết
rằng bản văn trân tàng ẩn kín sắp được khám phá là về Wrathful Guru Rinpoche
(Ngài Đạo Sư Phẫn Nộ), các vị sư đã vô tình tạo ra sự liên lập tốt nhất cho sự
hoàn thành một sinh hoạt đầy phẫn nộ.
Một hôm,
trong khi Longsal Nyingpo đang đi trong xứ Tromtar, nơi sinh của Chagdud
Rinpoche, một người đàn ông hiến tặng Ngài một nồi đồng xinh đẹp. Vợ của người
này thì rất thích chiếc nồi đồng, nên trong lòng cứ tiếc của. Longsal Nyingpo,
nhìn được tâm niệm của bà này, mới lấy một sợi lông ngựa và cắt chiếc nồi ra
làm hai nửa bằng nhau, và chỉ nhận một nửa làm món cúng dường.
Sự hiện
diện của vị thánh tăng này đã gây ra sự kính ngưỡng từ những người quanh Ngài.
Con ngựa của Ngài đã để lại một dấu chân trên đá, và khi ngựa này chết và được
hỏa thiêu, người ta thấy để lại xá lợi trong tro. Tương tự, khi con bò yak của
Ngài chết, người ta thấy các hình ảnh hiển lộ nơi xương của nó.
Di sản
giáo pháp của Rigdzin Longsal Nyingpo thì siêu đẳng. Cùng với thầy của Ngài,
Dudul Dorje, Ngài đã tạo môi trường giác ngộ tại Katog Gonpa. Đặc biệt vào cuối
đời, Ngài tập trung khả năng để củng cố Katog. Người học trò ưu tú nhất của
Ngài là con trai Ngài, Sonam Detsen, kiếp sau của Dudul Dorje. Dòng phái
Longsal vẫn còn là một trong những dòng phái chính được tu tập ở Chagdud Gonpa
tại Kham, phía Đông Tây Tạng.
Longsal
Nyingpo viên tịch năm 68 tuổi, lúc đó thị hiện nhiều dấu hiệu phép lạ, và các
xá lợi dị thường được tìm thấy trong tro hỏa thiêu.
Bản kinh
văn về pháp môn P'howa của Ngài Rigdzin Longsal Nyingpo đã đưa tới những uy lực
giải thoát, và có chứng cớ hiển hiện trên cuộc đời – và sự chết – của người tu
tập hôm nay. Những người được liệt kê dưới đây đã cho thấy dấu hiệu rõ ràng sự
thành tựu pháp môn P'howa. Tất cả họ đều sống cuộc đời cư sĩ bình thường, và
đối với nhiều người trong đó thì pháp môn P'howa là liên hệ duy nhất của họ đối
với Phật Giáo Tây Tạng, nhưng trong vô lượng kiếp luân hồi trong dòng sinh tử,
họ đã tìm được giải thoát vào trong cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Nơi đó, họ hóa thân
thành các vị bồ tát, và không còn gì ngăn trở sự thành tựu giác ngộ tuyệt đối
của họ.
Alice
Miranda, một phụ nữ Canada,
đã chết vì ung thư ngực. Việc bà tu tập pháp môn P'howa được hộ niệm bởi Helen
Orr.
Terri
Laska chết vì ung thư phổi. Bà được hộ niệm bởi các thành viên trong tăng thân
Chagdud Gonpa trong khoảnh khắc sau khi chết.
Reece
Smith chết vì ung thư ruột. Sau khi được Chagdud Rinpoche dạy pháp môn P'howa
năm 1981, ông tu tập thường xuyên. Vào khoảnh khắc trước khi chết năm 1996, ông
chỉ đơn giản nói, "P'hat, p'hat, p'hat," tự chuyển di thần thức của
mình với các dấu hiệu thù thắng. Thành viên tăng thân Jeannie Chapman là một
trong những người hộ niệm lúc đó cho Smith.
Premal
Gold đã đến với Chagdud Rinpoche sau khi bị chẩn đoán có bệnh ung thư ngực. Mặc
dù bà tu theo một tôn giáo không phải Phật Giáo, bà có lòng tin vào pháp môn
P'howa và đã tinh tấn tu tập trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời
mình. Được hộ niệm bởi các thành viên tăng thân Chagdud Gonpa vào giây phút lìa
đời, bà đã chết với các dấu hiệu thù thắng.
Neilly
Joe Gracia, một cậu bé 8 tuổi trong tăng thân, đã chết năm 1994 vì ung thư não
tại Rigdzin Ling, trụ sở ở Bắc Mỹ của Chagdud Rinpoche. Cậu bé được vây quanh
bởi các thành viên tăng thân, và được hộ niệm ngay tức khắc sau khi chết bởi
chính Chagdud Rinpoche, người đang ở Moscow
vào lúc đó. Sau nhiều cú điện thoại và sự bất định về các dấu hiệu, Ngài Rinpoche
cuối cùng nói, "Tôi biết là thần thức của cậu bé đã được chuyển di,"
và cho các lời dạy cụ thể để dò tìm các dấu hiệu [siêu sinh]. Các dấu hiệu đã đúng
như lời Ngài mô tả [qua điện thoại].
Carmen
Gomez chết tại Rio de Janeiro
năm 1995 vì bệnh tim, được hộ niệm bởi con gái là Clarita Maia, và bởi Ngài
Chagdud Rinpoche. Mặc dù bà không phải là người tu tập, bà vẫn hiển lộ các dấu
hiệu chuyển di [thần thức vào tịnh độ].
Sự
hộ niệm của các thành viên tăng thân được huấn luyện trong pháp môn P'howa thì
rất giá trị trong giây phút lìa đời. Một trong những cảm hứng của tôi khi viết
sách này và trong việc hướng dẫn người tu về phép chuyển di thần thức chính là
sự thành lập thêm các nhóm hộ niệm P'howa bởi những người cùng tu với nhau và
cùng lập nguyện giúp hộ niệm lẫn nhau khi có ai trong nhóm từ trần. Các nhóm
như thế đã được thành lập ở Hoa Kỳ, Ba Tây, Uruguay và Uc Đại Lợi, nhưng vẫn
còn cần nhiều hơn nữa. Cuốn sách này để hoàn tất một lời hứa tôi đã nói với
nhiều người trong các nhóm này. Tôi hy vọng làm nhiều hơn nữa. Và, sâu thẳm,
tôi hy vọng rằng họ và tất cả những ai có liên hệ tới pháp môn thù thắng P'howa
sẽ tìm được giải thoát trong cõi tịnh độ của Phật A Di Đà và sự giải thoát tối
hậu.
Mục Lục
VỀ PHÁP
MÔN P’HOWA
P’howa:
Để Chủ Động Trong Sự Sống, Chết, và Tái Sinh
Bốn
Nguyên Nhân Để Sinh Vào Cõi Tịnh Độ Của Phật A Di Đà
Sáu Thân
Trung Ấm
Chúng Ta
Chết Ra Sao
Tu Tập
Pháp P’howa Chuyển Di Thần Thức
Pháp Tu
Trường Thọ của Phật Vô Lượng Thọ
Thiền
Định P’howa Mỗi Ngày
Hoàn
Thành P’howa vào Phút Lìa Đời
Phát
Nguyện và Hồi Hướng
Phụ Lục
MỘT MẪU THƯ DẶN DÒ