QUY Y VÀ BỒ ĐỀ TÂM
Bài nguyện về quy y và phát bồ đề
tâm, được đọc ba lần, mở đầu khóa tu p’howa. Chúng ta quy y Tam Bảo, công nhận
[và quy y] vị Thầy hướng dẫn là Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã bày tỏ một cách
hoàn hảo con đường giác ngộ của bồ tát; quy y giáo pháp của Phật, phương tiện
để chúng ta theo gương Phật; và quy y những vị theo chân Ngài, tức tăng đoàn,
như những vị đồng hành trên đường tu. Chúng ta quy y không chỉ cho kiếp này,
nhưng cho tới khi chúng ta đạt giác ngộ, và trưởng dưỡng ý nguyện bồ đề tâm cho
tới khi, không chỉ riêng chúng ta, mà tất cả chúng sinh, thành Phật.
Để theo con đường của Phật Thích Ca
Mâu Ni, chúng ta nguyện tu tập không ngưng nghỉ sáu pháp toàn thiện (lục độ,
hay lục ba la mật) của bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí
huệ. Những pháp này là con đường của một vị bồ tát, người thệ nguyện thành đạt
giác ngộ để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Bài nguyện quy y và phát bồ đề tâm,
một bài nguyện tổng quát cũng dùng cho các pháp tu khác, thiết lập một nền tảng
mạnh mẽ và đầy ý nghĩa cho pháp p’howa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng pháp môn
p’howa lưu xuất từ di sản Phật Pháp, và rằng những vị tu tập với chúng ta là
trong tăng đoàn cao quý. Họ gồm những vị đã nhìn qua các quan tâm về mình,
những vị đã thấy các đau khổ của người khác và khởi tâm nguyện từ bi để cứu độ.
Sự kết hợp giữa tâm nguyện từ bi này với ước vọng đạt nguyện bằng cách giác ngộ
chính là sự khai sinh của bồ đề tâm, và ghi dấu sự chuyển hóa của những người
bình thường này trở thành con Phật.
Pháp môn p’howa, được tu tập với sự
tỉnh thức về sự chết, cung cấp một diễn trường mạnh mẽ cho việc thực hiện ý
nguyện bồ đề tâm. Khi chúng ta nghĩ về nỗi đau khổ khi hấp hối – sự bất định
dày đặc và nỗi buồn của sự cắt lìa, từng sự cắt lìa một, những dây liên kết của
chúng ta với bạn hữu và gia đình, vào tài sản, vào đặc tính cá nhân, vào chính
thân xác mình – chúng ta có hay không đã đập vỡ các quan tâm bình thường? Chúng
ta mong muốn tu tập, vừa cả do nỗi sợ hãi sự chết và cả do niềm hy vọng rằng
xuyên qua p’howa, chúng ta sẽ có thể nhảy qua vô lượng chu kỳ sinh tử luân hồi,
và được tái sinh trực tiếp trong cõi thanh tịnh của Phật A Di Đà. Áp dụng sáu
pháp toàn thiện của bồ tát đạo vào p’howa sẽ cung cấp phương tiện thành tựu các
quyền năng phi thường trong kiếp này, kể cả khả năng chuyển di thần thức của
những người đang hấp hối. Tận cùng, thành tựu sáu pháp tu tập này dẫn chúng ta
không chỉ tới nơi cõi tịnh độ cực lạc mà còn tới sự toàn giác.
Chúng ta bày tỏ hạnh bố thí xuyên
qua pháp p’howa bằng cách dâng hiến thì giờ và nỗ lực để tu tập, qua việc học
cách thực thi pháp p’howa cho người khác, và qua tâm nguyện chúng ta muốn làm
lợi ích cho mọi chúng sinh.
Chúng ta trưởng dưỡng hạnh trì giới
bằng cách ngồi với tư thế tốt và bằng cách làm từng bước tu tập tốt, và qua ý
nguyện muốn gạt bỏ qua một bên mọi sinh hoạt bên lề, và tập trung vào pháp
p’howa trong các thời thực tập, khi những người khác đang hấp hối, và vào giây
phút họ từ trần.
Nhẫn nhục thì cần thiết khi chúng
ta gặp các trở ngại tu tập, như thiếu thoải mái khi ngồi và trong tiến trình
tìm đạt các dấu hiệu thể lý (LDG: dấu hiệu cụ thể cho thấy người chết siêu sinh
tịnh độ). Nhẫn nhục cũng cần thiết khi những người khác tìm cách ngăn cản chúng
ta trong khi chúng ta đang nỗ lực thực hiện pháp p’howa cho người đang hấp hối
hay cho chính mình.
Với tinh tấn, chúng ta liên tập tu học cho tới khi chúng ta có tự tin vào khả
năng mình và không bao giờ bị lôi kéo ra khỏi pháp tu dẫn tới cõi tịnh độ.
Với thiền định, chúng ta cắt bỏ mọi
vọng tưởng trong thiền định và liên tục chú tâm và pháp quán tưởng và tụng
niệm. Vào giây phút hấp hối, chúng ta tập trung vào Phật A Di Đà, mà vị Phật
này là một thể với bổn sư của chúng ta.
Pháp toàn thiện về trí huệ xảy ra
xuyên qua sự chứng ngộ về pháp tu này như là một hiển lộ thanh tịnh của sự hợp
nhất giữa pháp tướng và tánh không. Tiến trình thiền pháp p’howa dẫn chúng ta
tới chứng ngộ này, bởi vì trong chuỗi thứ tự mau chóng, chúng ta thay đổi giữa
pháp quán tưởng (visualization) và pháp hội nhập (dissolution) vào trong bản
tánh bất nhị, phi khái niệm của Phật A Di Đà.
PHÁP THỰC TẬP CHÍNH YẾU
Quán Tưởng về Đức Quan Thế âm
Từ lúc khởi đầu của phần tu tập
chính, chúng ta bẻ gãy xích xiềng của tâm chấp ngã bình thường, và đưa ra từ
chính mình cái linh ảnh hóa thân thanh tịnh của bản tánh mình như là Đức Quan
âm, vị Thánh của lòng Đại Bi. Việc tự quán tưởng như vị bổn tôn có ba phương
diện quan trọng: quán tưởng linh ảnh trong chi tiết rõ ràng, hiểu ý nghĩa biểu
tượng của linh ảnh đó, và gìn giữ cái “tự hào” của vị bổn tôn - nghĩa là, xuyên
qua định tâm mà hiển lộ thân, khẩu và ý của vị bổn tôn không bị gián đoạn.
(LDG: Ngắn gọn, tự tâm mình lưu xuất ra linh ảnh Đức Quan âm, rồi học nhân tự
quán tưởng mình hợp nhất với Ngài trong cả 3 nghiệp thân, khẩu và ý.)
Để tự quán tưởng mình như Đức Quan
âm, hãy an nghỉ trong bản tánh của tâm mình như sự rỗng rang, không giữ [niệm]
gì cả – không cả trần cảnh của thế giới bên ngoài, mà cũng không cả thế giới
bên trong của các suy nghĩ, khái niệm và cảm xúc. Thân xác học nhân không còn
trong hình tướng thể lý, dầy đặc, nhưng bây giờ chiếu sáng, màu trắng rực rỡ
như một ngàn mặt trời chiếu sáng trên một đỉnh núi tuyết. Ngồi trong tư thế
kiết già trên một hoa sen trắng và đĩa mặt trăng, học nhân có một khuôn mặt và
bốn cánh tay. Hai bàn tay dưới thấp ôm một viên ngọc như ý màu xanh da trời áp
vào tim; bàn tay phải phía trên cầm một xâu chuỗi thủy tinh, và bán tay trái
phía trên cầm cọng hoa sen trắng nở gần bên tai.
Như Đức Quan âm, học nhân mặc năm
mảnh lụa của các vị bổn tôn báo thân – các dây ngũ sắc thả treo từ trên vương
miện xuống, một mảnh lụa trắng phía trên thêu với chỉ vàng, một khăn quàng dài
màu xanh lá cây bay phất phơ và quấn phía trên các cánh tay, một váy ngắn mà
xanh da trời cùng với các quần màu đỏ phía dưới, và một dây lưng. Học nhân cũng
mặc tám món bảo ngọc – một vương miện mang các bảo ngọc ngũ sắc, các bông tai,
ba độ dài của các dây chuyền đeo cổ, dây chuyền đeo tay, dây chuyền đeo cánh
tay, và dây chuyền đeo cổ chân. Những vật trang trí này được khảm vào bằng đá
quý.
Mỗi mặt của hình ảnh này khởi lên
một cách tự nhiên và biểu lộ các các phẩm chất, sự hiển lộ thanh tịnh, của tự
tánh tuyệt đối. Khi quán tưởng tự thân mình như Đức Quan âm, chúng ta không chỉ
tự trang phục mình trong hình tướng bề ngoài đẹp đẽ. Trong cảnh chứng nhập bất
nhị mà chúng ta tìm đạt, tất cả các chi tiết hình tướng đó và ý nghĩa phong phú
của chúng hiển lộ một cách tự nhiên từ tánh Phật, tánh của chúng ta và của Đức
Quan âm không hai không khác.
Màu trắng rực rỡ của Đức Quan âm
khởi lên như phẩm chất không bị ô nhiễm bởi sinh tử luân hồi. Tòa sen của ngài
là hiển lộ của tánh không, đĩa mặt trăng là phương tiện thiện xảo. Khuôn mặt
của ngài là hiển lộ cho bản chất bất biến của sự thật tuyệt đối.
Bốn cánh tay của Đức Quan âm khởi
lên như biểu hiện của bốn phẩm tánh vô lượng của từ, bi, hỉ và xả. Hai bàn tay
để nơi ngực ngài là để kiết ấn đại bi, và cầm một viên ngọc như ý màu xanh da
trời tượng trưng cho tình yêu và lòng thương xót; viên ngọc tự nó đã mang hạnh
phúc tới cho chúng sinh. Bàn tay phải phía trên cầm một xâu chuỗi các hạt thủy
tinh cùng cỡ bày tỏ tâm xả vô lượng. Bàn tay trái phía trên cầm một hoa sen nở
phía bên tai để hiển lộ tâm hỉ vô lượng, đặc biệt là niềm vui được nghe giáo
pháp. Cọng hoa cũng nổ ra một trái và một búp. Cánh hoa nở trọn tượng trưng cho
chư Phật hiện tại; trái tượng trưng chư Phật quá khứ; và búp tượng trưng chư
Phật tương lai.
Thế ngồi kim cang tọa là biểu hiện
khác của tâm xả vô lượng của Đức Quan Âm, mà tâm này khởi lên từ chứng ngộ
tuyệt đối của bản tánh đơn nhất – cái tánh không, một vị đơn nhất – của toàn
thể cõi luân hồi và niết bàn. Các trang phục lụa và bảo ngọc, được mang với sự
không dính mắc hoàn toàn, bày tỏ sự giàu có của báo thân. Ngài không cần rời bỏ
gì hết, bởi vì Ngài không hề nắm giữ gì hết.
Quán Tưởng Kênh Trung Tâm
Chính xác, nơi chính giữa thân ánh
sáng của Đức Quan âm là kênh trung ương, chạy từ khoảng cách 4 ngón tay dưới
rún, nơi nó [kênh trung ương] được đóng lại, tới luân xa đỉnh đầu, khoảng cách
8 ngón tay phía sau mí tóc nguyên thủy, nơi nó [kênh trung ương] mở ra. Nó thì
thẳng và mỏng y hệt thân của một mũi tên, mềm và linh động như các cánh của một
hoa sen, và sáng như ánh sáng ngọn đèn bơ. Đường kính của nó [kênh trung ương]
thì bằng đường kính của ngón tay nhỏ của mỗi người. Nó không phải là một kênh
vật chất, thể lý, nhưng thực ra là được cấu thành từ ba cột ánh sáng có chung
trọng tâm, cột trong cùng màu đỏ, cột giữa xanh da trời, và cột ngoài cùng màu
trắng.
Sự tọa lạc chính xác ngay giữa của
kênh bày tỏ pháp Trung Đạo vĩ đại, một quan điểm hoàn toàn xa lìa các cực đoan
của thường kiến (tin vào sự hiện hữu tự thân) và đoạn kiến (tin vào hư vô,
không có hiện hữu).
Bản chất trống rỗng của kênh trung
ương và cột màu xanh da trời của nó đáp ứng với pháp thân. Sự chói sáng của nó
và cột màu đỏ đáp ứng với sự hiển hiện rực rỡ của báo thân. Chức năng của kênh
như là con đường tới Cõi Tịnh Độ Cực Lạc và cột màu trắng đáp ứng với sắc thân.
Quán Tưởng Luân Xa Quả Tim
Trong luân xa quả tim, một lớp ánh
sáng rực rỡ tiếp cận với kênh trung ương, cho nên trong thiền định, chúng ta
chỉ làm việc với nửa phần trên. Trên lớp ánh sáng này, một hoa sen trắng tám
cánh chứa một bầu năng lực màu xanh lá cây lấp lánh. Tám cánh hoa này biểu hiện
cho tám phương diện của ý thức (LDG: bát thức), trong đó có năm thức đi kèm
theo năm giác quan, một thức làm nền tảng sơ nguyên của tất cả kinh nghiệm bình
thường, một thức cho chúng ta khái niệm hóa các dữ kiện cảm quan, và một thức
chấp ngã khởi lên các cảm xúc xung đột.
Năng lực xanh lá cây lấp lánh, cũng
được mô tả như “gió nghiệp,” bày tỏ phẩm chất hằng hữu của tâm về tính thần túc
– tức là khả năng của nó đi tới bất cứ nơi đâu chớp nhoáng. Sự nhận biết, một
phẩm chất khác của tâm, được biểu hiện trong một quả cầu trong sáng của ý thức
nằm trên nguồn năng lực xanh lá cây đang rung động. Tính thần túc và tính nhận
biết là các phẩm chất liên lập của tâm; cho nên, bầu năng lực xanh lá cây và
quả cầu trong sáng của ý thức vẫn không tách rời nhau.
Quả cầu ý thức có kích thước một
viên ngọc nhỏ và chiếu màu cầu vòng với năm màu của trí tuệ – xanh da trời,
trắng, đỏ, vàng, và xanh lá cây. Kinh điển sadhana nói về nó như là “quả trứng
của một con chim masal.” So sánh này khởi lên từ một linh ảnh của nữ đại thành
tựu giả Machig Lapdron trong đó bà nhìn thấy hai con chim dị thường đang giao
cấu. Một cách đồng thời, mỗi con chim nhả ra từ miệng một quả trứng trông như
ngọc quý với các vòng ngũ sắc. Tâm bình thường trong bản tánh thanh tịnh biểu
hiện cho năm thức không bị ràng buộc trong thời gian.
(LDG: chữ “sadhana text” trong đoạn
văn trên chỉ cho một loại văn bản đặc biệt của Kim Cang Thừa. Cuốn The
Encyclopedia of Eastern Philosophy and Religion, NXB Shambhala, Boston 1994, giải
thích rằng đó là “một loại đặc biệt các văn bản nghi lễ và các pháp thiền quán
ghi trong đó. Kinh điển sadhana mô tả chi tiết các vị bổn tôn được kinh nghiệm
như là hiện thực tâm linh, và toàn bộ tiến trình từ pháp quán tưởng bổn tôn cho
tới hòa nhập vào thiền định vô tướng...” Nơi đây chúng ta thấy, mặc dù Tịnh Độ
Tông được chư Tổ Trung Hoa tách ra làm một tông phái riêng, nhưng tại Tây Tạng
lại được xếp vào làm một phần của Phật Giáo Kim Cang Thừa.)
Quán Tưởng về Phật A Di Đà
Khoảng ba tấc phía trên luân xa
đỉnh đầu đã mở của hành giả là Phật A Di Đà không tách lìa khỏi hành giả, ngồi
trên một hoa sen đa sắc ngàn cánh với một đĩa mặt trời và đĩa mặt trăng. Ngài
màu đỏ hồng ngọc, và chiếu ra các tia sáng đỏ theo hình quả cầu ra xa vô cùng –
tên Ngài trong Tạng Ngữ là Odpagmed, nghĩa là “Vô Lượng Quang.” Ngài có 32
tướng tốt và 80 vẻ đẹp của một vị Phật, gồm cả vòng hào quang nơi đỉnh đầu
Ngài, các chái tai dài, một thân hình cân đối tuyệt hảo, và các luân xa tám
cạnh nơi gót chân và lòng bàn tay. Ngài cũng có 60 phẩm chất của diệu âm, kể cả
âm điệu dịu dàng, khả năng truyền âm thanh mà không cần lớn tiếng, và khả năng
truyền thông mà không cần người thông ngôn.
Trong hình tướng sắc thân của Ngài,
Ngài mặc ba y của một vị sư đặc biệt, một áo xanh da trời như tấm y bên trong,
một tấm y phía trên màu vàng, và một tấm y bên ngoài màu đỏ, tương ưng với ba
môn học của giới (vinaya), định và huệ. Tay của Ngài đặt thành ấn tam muội, giữ
một bình bát khất thực bằng ngọc màu xanh da trời sậm chứa đầy nước cam lồ để
làm thành tựu các nhu cầu và chữa trị các bệnh cho chúng sinh. Ngài ngồi trong
tư thế kim cang tọa (vajra posture).
Cũng như với Đức Quán Thế Âm, mỗi
phương diện của hình ảnh đều có ý nghĩa thiêng liêng. Hoa sen biểu hiện cho
tính thanh tịnh tự thân của bản tánh tuyệt đối, mà bản tánh này không bị nhiễm
ô bởi các hiện tượng luân hồi. Đĩa mặt trời tương ưng với sự tỉnh thức không
ràng buộc bởi thời gian, đĩa mặt trăng tương ưng với các phương tiện thiện xảo.
Hai chân xếp lại trong thế kim cang tọa nói lên ý nghĩa bình lặng.
Màu đỏ hồng ngọc của Phật A Di Đà
khởi lên từ việc ngài là chủ tể của gia đình hoa sen, với nối kết đặc biệt với
sự hóa hiện của lời nói giác ngộ. Xuyên qua tâm ý giác ngộ của Ngài, Phật A Di
Đà thực hiện các quyền lực thu hút chúng sinh về giải thoát xuyên qua tình yêu
và ý thức phân biệt – sự nhận biết cùng lúc về Tánh Không và chi tiết hiển hiện
của mọi hiện tượng, cũng như tính tương thuộc hoàn toàn vào nhau của các hiện
tượng.
Quán Tưởng về Thánh Chúng của Phật
A Di Đà và Cõi Tịnh Độ Cực Lạc
Trong khi tu pháp p’howa, chúng ta
có thể tập trung vào riêng hình ảnh Phật A Di Đà, nhưng chúng ta nên quán tưởng
hình ảnh Ngài trong Cõi Cực Lạc, vây quanh bởi vô lượng các vị Phật và Bồ Tát,
các vị sư bên phía trên đầu Ngài. Bồ Tát Quán Thế Âm đứng trong hình tướng hai
tay, trên một hoa sen và đĩa mặt trăng phía bên phải Phật A Di Đà, bàn tay phải
của Ngài kết pháp ấn của sự độ lượng bố thí, tay trái Ngài cầm cọng hoa sen đặt
nơi phía quả tim. Bồ Tát Kim Cang Thủ (Vajrapani) đứng trên một hoa sen và đĩa
mặt trăng phía bên trái Phật A Di Đà, bàn tay phải của Ngài hướng mặt xuống
trong tư thế bảo vệ, tay trái cầm cọng hoa sen mà đóa nở bên tai Ngài. Đức Kim
Cang Thủ đã tiết lộ và bảo vệ các kinh về mật chú.
Quán Tưởng về Sự Chuyển Di Thần
Thức; Thần Chú P’hat
Với việc trì tụng câu chú “P’hat,”
thần thức t’higle phóng ra từ trái tim để vào tâm của Phật A Di Đà. Câu chú một
âm này gồm có hai âm thanh. Đầu tiên là “p’ha,” bày tỏ phẩm chất nam tính của
phương tiện thiện xảo; thứ nhì là “ta,” bày tỏ phẩm chất nữ tính của trí huệ.
Trong nghi quỹ, nó được viết là “Ah P’hat.” Phần “Ah” là một âm đơn nghe như
nối tiếp với mẫu tự đứng trước. Thế có nghĩa là phần đầu “Ah” được gắn vào âm
cuối của bài kinh nguyện hai dòng hướng về Phật A Di Đà, vang như là “Lob-Ah.”
Rồi thì “P’hay-Ah, P’hay-Ah, P’hat!”
Chuỗi thứ tự của việc chuyển di
khởi đầu với việc thiết lập các phương diện của quán tưởng – nhìn thấy mình như
là Đức Quan âm, kênh trung ương, thần thức t’higle nằm ngay trái tim, với Phật
A Di Đà bên trên. Rồi chúng ta trì tụng bài kinh nguyện 2 dòng (“Con cầu xin
Phật A Di Đà tiếp dẫn con tái sinh vào Cõi Cực Lạc”) ba lần, hoặc là bằng Tạng
ngữ hay Anh ngữ. (LDG: người Việt thì nên đọc bằng Việt ngữ.)
Tập trung mạnh mẽ vào thần thức
t’higle, chúng ta phát âm “P’hay-Ah” và phóng thần thức xuyên qua kênh trung
ương, xuyên qua luân xa đỉnh đầu đã mở, và vào tâm của Phật A Di Đà, và rồi an
nghỉ trong sự tỉnh thức bất nhị.
Kế đó, chúng ta tập trung lần nữa
vào thần thức t’higle nơi quả tim của mình. Không cần gì phải mang phần thần
thức t’higle đã chuyển di xuống từ Phật A Di Đà; chúng ta chỉ đơn giản tái tập
trung, đọc câu chú, chuyển di và rồi an nghỉ trong sự tỉnh thức bất nhị.
Chúng ta lập lại sự chuyển di lần
thức ba – bây giờ phát âm sắc nhọn “P’hat!” – và an nghỉ. Sau lần chuyển di thứ
ba, toàn bộ chu kỳ này được lập lại, khởi đầu bằng bài kinh nguyện 2 dòng.
Trong khi tu tập p’howa, học nhân có thể gặp vài sự kém thoải mái khi luân xa
đỉnh đầu mở ra, có thể trong hình thức nhức đầu, choáng váng, nóng nơi đỉnh đầu,
hay một điểm đau mà điểm này có thể rỉ ra một giọt máu hay giọt huyết tương. Đó
là các dấu hiệu của sự tiến bộ và sẽ biến mất khi cường độ tu tập dày đặc được
giảm xuống, mặc dù luân xa đỉnh đầu không bao giờ khép lại nữa. Chúng ta cần
phải tu tập cho tới khi chúng ta tự tin rằng con đường p’howa của chúng ta đã
được thiết lập, và rằng chúng ta sẽ làm phép chuyển di p’howa này gần như tự
động vào thời điểm lìa trần. Một khi chúng ta đã đạt niềm tin như thế, chúng ta
có thể giảm sự tu tập về một chu kỳ của ba bài kinh nguyện và ba lần chuyển di
thần thức, và tập trung thay vào đó là phép tu trường thọ.
Đôi khi, người ta đặt câu hỏi là có
an toàn hay không với phép tu tập p’howa, rủi có khi nào thần thức có thể bất
ngờ xuất ra luôn không. Không có sự nguy hiểm như thế. Ngay cả khi người ta yếu
và bên mép bờ sự chết, cần phải có nỗ lực lớn lao để ảnh hưởng tới sự chuyển
di. Những nguồn sinh lực buộc tâm thức vào với thân thể, và tới khi nào chúng
suy giảm đủ thì mới cho tâm thức xuất ra; thực sự, chuyển di thần thức cũng y
hệt như bứt quả xanh ra khỏi cây: nó sẽ không được thả ra cho tới khi nào quả
chín.
Bài kinh nguyện dòng phái
Trong pháp tu tập p’howa, chúng ta
không cần tụng bài kinh nguyện dòng phái, các bài kinh nguyện cho sự chuyển di
lên pháp thân, báo thân và sắc thân, hay là kinh nguyện lên vị thầy bổn sư. Tuy
nhiên, những bài kinh nguyện này gợi lên sự hưng phấn và làm tươi mới sự tu tập
của chúng ta với một điểm tập trung hơi khác về pháp quán tưởng.
Có hai cách căn bản để quán tưởng
các vị thầy trong dòng phái. Cách đơn giản nhất là quán tưởng họ trong một
đường dọc thẳng đơn độc bên trên đầu Phật A Di Đà trong phép quán tưởng chính,
với pháp thân của Phật A Di Đà ở nơi cao nhất của thánh hội, và quán tưởng các
thánh tăng trong dòng phái người này bên trên người kia theo cùng thứ tự trong
bài kinh nguyện dòng phái. Vị thầy bổn sư của chúng ta ngồi bên trên sự quán
tưởng của chúng ta về Phật A Di Đà.
Phương pháp thứ nhì là quán tưởng
pháp thân Phật A Di Đà ngồi nơi điểm cao nhất, rồi dưới ngài một chút về bên
phải là báo thân Đức Quan Âm. Sắc thân của Đức Liên Hoa Sanh, vị đã mang pháp
môn chuyển di thần thức p’howa này vào cõi người, ngồi một chút phía dưới Phật
A Di Đà bên trái. Vây quanh ba vị này là tất cả các thánh tăng khác trong dòng
phái, gồm cả trợ thủ của Đức Liên Hoa Sanh là thiên nữ Yeshe Tsogyal, và đệ tử
của ngài là Langdro Konchog Jungnay, vị mà có dòng tâm thức hóa thân ra làm
người khám phá các kinh điển quý giá ẩn tàng (Tạng ngữ. Terton) Rigdzin Longsal
Nyingpo. Một lần nữa, vị thầy bổn sư của chúng ta ngồi giữa thánh hội, mối dây
liên lạc chính yếu cho sự giải thoát của chúng ta.
Dù chúng ta hình dung thánh hội
cách nào, chúng ta cũng cảm nghiệm được lòng từ bi thâm sâu và sự chứng đạt
mạnh mẽ chiếu sáng từ mỗi vị lạt ma, tập trung về hướng chúng ta với ý hướng
tròn đầy rằng chúng ta tìm được giải thoát ra khỏi chu kỳ vô tận của sinh và
tử. Ý hướng của các vị lạt ma nối kết với sự tận hiến của chúng ta như lưỡi câu
và dây câu, nâng chúng ta cao lên, đưa chúng ta vào cõi tịnh độ. Được tắm gội
trong ân sủng của chư vị, chúng ta chuyển di thần thức tương tự như phần trước.
Các Bài Kinh Pháp Thân, Báo Thân, Sắc
Thân, và Bổn Sư
Đối với bài kinh pháp thân, việc
quán tưởng và chuyển di thì chính xác như đã làm sau bài kinh nguyện hai dòng dâng
lên Phật A Di Đà. Trong phần chuyển di sau bài kinh nguyện đối với phương diện
báo thân, chúng ta quán tưởng hoặc là Phật A Di Đà hay Đức Quan âm trên đầu
chúng ta; nếu [chọn cách] quán Đức Quan âm, thì chúng ta [tự quán mình] như là
Đức Quan Âm và cùng lúc cũng có Đức Quan Âm trên đầu mình. Tương tự, theo sau
bài kinh nguyện hướng về Đức Liên Hoa Sanh như phương diện sắc thân, chúng ta
có thể quán tưởng hoặc là Phật A Di Đà hay Đức Liên Hoa Sanh trên đầu chúng ta.
Chúng ta có thể thực hiện tương tự
pháp chuyển di sau bài kinh nguyện hướng về bổn sư bằng cách quán tưởng hoặc là
Phật A Di Đà hay thầy bổn sư của chúng ta trên đầu chúng ta. “Thầy bổn sư”
(root lama) là vị thầy đầu tiên chỉ cho chúng ta bản tánh của tâm. Hầu hết mọi
người không có một vị thầy bổn sư, hoặc là vì họ không gặp được một vị thầy
kiến tánh, hoặc là vì họ đã chưa chín mùi để tiếp nhận sự trao truyền dĩ tâm ấn
tâm trực tiếp của vị thầy. Nếu chúng ta chưa có một vị thầy bổn sư, chúng ta
nên quán tưởng Phật A Di Đà với sự hiểu biết rằng ngài biểu tượng cho tất cả
các phẩm chất của vị thầy trí tuệ đã giác ngộ.
Việc đọc tụng những kinh nguyện này
thì hệt như là nhìn vào cùng một yếu tính xuyên qua nhiều mặt của một lăng
kính. Vị thầy bổn sư của chúng ta, Đạo Sư Liên Hoa Sanh, và Đức Quan âm thì
không tách rời ra khỏi Phật A Di Đà, khởi lên trong những hóa thân khác nhau để
đáp ứng với các nhu cầu cụ thể của chúng sinh. Ước nguyện rằng chúng ta tìm cầu
giải thoát sẽ rung động mạnh mẽ xuyên qua tất cả các vị đó. Chúng ta chỉ cần
nối kết xuyên qua niềm tin và ước nguyện của chính chúng ta.