Theo văn kinh có tên là “Rolling of
Drums” (Đánh Trống Pháp), vô lượng kiếp về trước có một vương quốc an vui mà vị
vua rất mực thờ kính vị Phật thời đó, Đức Phật Lokeshvaraja. Vị vua đã rời bỏ
ngai vàng, trở thành một vị sư, và nguyện thành đạt giác ngộ. Ngài khởi tâm đại
bi, phát lên 48 lời nguyện, và nói rằng sẽ không thành Phật nếu bất kỳ lời
nguyện nào trong đó chưa thành tựu. Với những lời đó, trái đất rung chuyển và
mưa hoa bay xuống từ khắp trời. Những lời ngợi ca vang lên, và cùng với đó là
lời tiên tri rằng vị sư này sẽ chắc chắn thành Phật. Và Ngài đã thành Phật,
danh hiệu Phật A Di Đà.
Trong kiếp làm một vị bồ tát tu sĩ,
Ngài đã thấy rằng có vô lượng cõi tịnh độ cho các vị chứng ngộ, những người đã
chiến thắng được vọng tâm, nhưng không có những cõi như thế cho những ai còn
gian nan trên đường tu. Trong 48 lời nguyện của Ngài có một ước nguyện tạo ra
một cõi thanh tịnh cho tất cả những ai nghe được tên Ngài, mong muốn vào cõi
đó, xây dựng cội rễ công đức, và hồi hướng các công hạnh phước đức để được siêu
sinh vào cõi tịnh độ đó. Ý nguyện của Ngài mạnh tới nổi Ngài thề không thành
Phật, nếu Ngài không thành tựu được một cõi tịnh độ như thế.
Trong tâm thức giác ngộ, Phật A Di
Đà vẫn luôn duy trì trong sự chứng biết pháp thân, trong sự nhận biết không
gián đoạn về bản tánh tuyệt đối, trong cái rộng lớn bao trùm hết thảy. Nhưng
cái bản chất rỗng rang, cái không gian căn bản, của pháp thân thì không đơn
giản là cái không gì hết; mà nó mang giữ tròn đầy năng lực để phát khởi không
ngưng nghỉ sự hóa hiện của báo thân và sắc thân. Các cảnh giới thanh tịnh báo
thân và các cung điện cõi trời sẽ hóa hiện ra cho các vị Phật và các bồ tát
thập địa, những người đã xa lìa phiền não, nên có thể kinh nghiệm và hân hưởng
các hiện tượng thanh tịnh như thế. Các hóa hiện sắc thân sẽ khởi lên tùy theo
nghiệp chúng sinh sáu cõi.
Cõi Cực Lạc (Dewachen), tức cảnh
giới của Niềm Vui Lớn đã hóa hiện ra nhờ nguyện lực Phật A Di Đà, có thể đón
nhận những chúng sinh chưa trở thành bồ tát thập địa, nhưng chỉ nhờ lòng tin
vào Phật A Di Đà và mong muốn được sinh vào cõi thanh tịnh của Ngài. Nơi đó, họ
có thể tiếp tục đường tu để tới giác ngộ trong một cõi thuần an lạc, vượt ra
ngoài những khổ đau. Trong Phật Giáo Kim Cang Thừa, hướng dẫn thần thức học
nhân để tái sinh vào Cõi Cực Lạc thì được thành tựu hiệu quả nhất qua pháp môn
p’howa.
Ngay cả người chưa thành đạt mức độ
thanh tịnh cao cũng có thể, xuyên qua lòng tin mãnh liệt và nguyện lực, được
siêu sinh vào Cõi Cực Lạc. Sau khi chết, thần thức người đó được bao bọc bởi
một hoa sen cho tới khi hầu hết các chướng ngại biến mất và cõi tịnh độ hiển
lộ. Khi hoa sen nở, học nhân sẽ thấy một vùng đất của những phần tử hòa hài,
không còn các xung khắc, với không gò đống, nguy hiểm hay có thể gây hại. Nhiệt
độ tự điều chỉnh theo ý muốn cá nhân. Hoa trải thảm trên mặt đất và gió thổi
nhẹ nhẹ, mang mùi hương dễ chịu. Nhiều loại chim kỳ diệu hát các bài ca giàu âm
điệu của Phật Pháp, chuông vang dịu dàng, và cây rung chuyển cũng mang theo
diệu nghĩa.
Cung điện sáng ngời của Phật A Di
Đà đứng nơi giữa Cõi Cực Lạc, và Đức Phật ngồi trong đó, trên một ngai được
mang bởi tám con chim công. Nhìn vào khuôn mặt của Phật A Di Đà sẽ làm thanh
tịnh nhiều phiền não, thọ nhận giáo pháp trực tiếp từ Ngài sẽ mở vô lượng cánh
cửa vào thiền định. Học nhân có thể thọ nhận giáo pháp và viếng thăm các cõi
tịnh độ khác tùy ý mình.
Sau cung điện là một cây bồ đề vĩ đại với từng chiếc lá mang một câu thần chú
và trĩu nặng châu báu. Nhìn cây này sẽ bảo vệ được mắt nhìn, chạm xúc vào cây
sẽ có sức khỏe, và nghĩ về cây sẽ mang tới sức định kiên cố.
Các chúng sinh trong Cõi Cực Lạc có
thân vàng, và khi họ sắp giác ngộ thì ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp
của thân Phật sẽ xuất hiện. Các thành viên của tăng đoàn là các vị sư, cũng như
chính Đức Phật A Di Đà, nhưng nhiều hình tướng khác của các thiện tri thức cũng
cư trú nơi đây.
Không sự căng thẳng, buồn nản, tiêu
cực, hay đau khổ nào làm ngăn trở sự toàn hảo của Cõi Cực Lạc, nhưng học nhân
vẫn không bị cô lập khỏi các hoàn cảnh của chúng sinh xoay vòng trong cảnh luân
hồi. Học nhân có thể chứng kiến hoàn cảnh của các chúng sinh, và cảm nhận cùng
lúc nỗi đau tương đối của họ và bản chất hư vọng tuyệt đối của chúng. Bởi vì
lòng từ bi của học nhân ở ngôi bồ tát bất thối thì không bị ngăn trở, học nhân
có thể lựa chọn trở về đầu thai trong cõi luân hồi, không phải vì nghiệp lực
lôi kéo nhưng là vì lòng thương xót và muốn cứu độ chúng sinh. Biết những phẩm
chất kỳ diệu của Cõi Cực Lạc và khởi tâm mong muốn sinh vào cõi này, đó là
nguyên do đầu tiên để được siêu sinh vào cõi tịnh độ này.
Nguyên do thứ nhì [để vãng sinh vào
tịnh độ] là khởi tâm thanh tịnh: từ lòng đại bi thương xót chúng sinh, chúng ta
mong cầu giác ngộ để đưa khắp chúng sinh tới bờ giác ngộ. Sự thức tỉnh bồ đề
tâm khởi ra khi các phẩm cách thanh tịnh của Phật Tánh của chúng ta – các tâm
từ, bi, hỉ và xả – trào lên xuyên qua những lớp che của lòng ích kỷ bình thường
xoay quanh tự ngã. Về phương diện pháp môn p’howa, thế nghĩa là chúng ta có ý
định thành tựu pháp môn này và sử dụng nó như phương tiện tự giải thoát khỏi
cảnh luân hồi với mục đích làm lợi ích người khác. Do đó, chúng ta sẵn lòng
muốn lắng nghe và suy nghĩ về giáo pháp, và tu tập thiền định. Pháp môn p’howa
tự thân trở thành vận động trường để tích cực tham dự vào bồ đề tâm xuyên qua
sáu pháp toàn thiện ba la mật của bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền
định và trí huệ. Điều này sẽ được bàn luận sâu thêm trong chương về tu tập
p’howa.
Việc huân tập công đức là nguyên do
thứ ba để siêu sinh vào Cõi Cực Lạc, và điều này thành tựu bằng cách thực hiện
Cúng Dường Bảy Phần, pháp này cũng cốt yếu với nhiều pháp môn khác. Khi hướng
về Phật A Di Đà, pháp này gồm các phần sau:
1. Kính Lễ. Hãy quán tưởng Đức Phật
A Di Đà trên hư không phía trước chúng ta, chúng ta kính lễ hình tướng (thân)
giác ngộ của Ngài bằng cách chắp hai tay lên đỉnh đầu chúng ta, kính lễ lời nói
(khẩu) giác ngộ của Ngài bằng cách đưa hai tay về tới cổ, và kính lễ tâm (ý)
giác ngộ của Ngài bằng cách đưa hai tay về giữa ngực. Rồi chúng ta lạy bằng
toàn thân, quán tưởng có thân phụ bên phải của mình, có thân mẫu bên trái của
mình, có loài quỷ dữ sau lưng của mình, có kẻ thù nơi phía trước của mình, và
có tất cả chúng sinh vây quanh chúng ta. Tất cả đều cùng quỳ lạy với chúng ta,
miệng đọc lên kinh nguyện và quán tưởng Phật A Di Đà. Học nhân cũng có thể quán
tưởng thấy mình hóa hiện ra vô lượng sắc thân đang quỳ lạy kính lễ Phật A Di
Đà. Pháp quỳ lạy là thuốc trị độc dược của cao ngạo.
2. Cúng Dường. Chúng ta cúng dường
Phật A Di Đà một đàn pháp mạn đà la vô tận. Một vũ trụ ba ngàn nếp gấp, đại
diện cho hiện tượng bất động, dùng như một vật dung chứa, và tất cả chúng sinh
– tức hiện tượng sinh động – là những gì được chứa trong đó. Món cúng dường này
được sắp xếp như một vũ trụ khổng lồ, với núi Tu Di nơi trung tâm, vây quanh
bởi bảy vòng núi vàng trồi lên từ biển nước thanh tịnh. Nơi đỉnh núi Tu Di là
các cõi trời. Trong các phương hướng chính, là bốn lục địa, mỗi lục địa nằm
giữa hai tiểu lục địa, gồm cả lục địa hướng nam của chúng ta với các cây như ý.
Chúng ta quán tưởng các thiên nữ đang cúng dường những hình tướng, âm thanh,
mùi hương dễ chịu, những vật để chạm xúc và những món ăn để nếm, cũng như tám
biểu tượng thịnh vượng, bảy thứ trang phục hoàng gia, và tám bảo vật – nghĩa là
mọi thứ có thể làm vui bởi sự quý giá, bởi vẻ đẹp, hay bởi tính linh thánh của
chúng. Cúng dường là thuốc chữa trị sự gắn bó ích kỷ.
3. Sám Hối. Đối trước Phật A Di Đà,
chúng ta bày tỏ sám hối về tất cả những gì chúng ta đã làm sai trái qua thân,
khẩu và ý nghiệp. Chúng ta nguyện không phạm lỗi nữa, và đón nhận sự thanh tịnh
hóa của Phật A Di Đà trong hình thức ánh sáng bao trùm khắp và hoàn toàn làm
trong sạch chúng ta. Sám hối là thuốc chữa trị sân hận.
4. Hoan Hỷ. Bằng cách chân thực
biết ơn và vui mừng với công hạnh của những người cầu nguyện và quán tưởng về
Phật A Di Đà và, một cách tổng quát hơn, của những người đã vào con đường giải
thoát, chúng ta đối trị lòng ghen tị và ganh đua mà đôi khi khởi lên đối với
người tu khác. Bất kỳ ai chân thành hoan hỷ vì công hạnh những người khác cũng
thu nhận cùng công đức như người thành tựu công hạnh đó.
5. Thỉnh Pháp. Việc thu nhận kiến
thức siêu việt được thành tựu xuyên qua nghe (văn), suy lường (tư) và thiền
định (tu) về giáo pháp. Điều này khởi đầu với một yêu cầu học pháp. Đặc biệt,
chúng ta có thể xin học pháp về p’howa và các đề tài liên hệ, nhằm chữa trị sư
si mê của chúng ta.
6. Cung Thỉnh Chư Thánh Tăng Ở Lại
Trần Gian. Chúng ta cầu nguyện rằng những vị giác ngộ sẽ vẫn ở lại với chúng ta
và đừng vào niết bàn. Bằng cách nhìn thấy các vị sư dạy chúng ta pháp môn thiền
định về Phật A Di Đà cũng hoàn toàn không tách biệt với Phật A Di Đà, chúng ta
dần dần đạt cái nhìn thanh tịnh về những gì linh thánh. Điều này chữa trị tà
kiến.
7. Hồi Hướng. Thiền định về bất kỳ
phương diện nào của Phật A Di Đà cũng có công đức lớn. Cúng dường công đức này
cho khắp các chúng sinh sẽ làm lớn rộng thêm công đức này, và không làm cho
công đức này mất hay suy giảm đi. Qua sự hồi hướng, công đức khởi lên bởi một
người sẽ làm tăng công đức của tất cả chúng sinh, cũng chắc chắn như dầu đổ
thêm vào đèn bởi một người sẽ giúp duy trì và tăng thêm ánh sáng chia xẻ bởi
nhiều người trong phòng. Sự hồi hướng chữa trị tâm nghi ngờ, mà tâm này có thể
khởi lên về khả năng của mình để thành tựu mục tiêu tối hậu để giải thoát tất
cả chúng sinh, không bỏ sót ai, vào trong cõi thuần vui của Tịnh Độ. Sự hồi
hướng là nguyên do thứ tư để siêu sinh vào Cõi Cực Lạc.