Tu tập pháp môn P’howa, tức là pháp
môn chuyển di thần thức vào giây phút từ trần, sẽ làm người tu tự tin vào đời
sống của mình, vào sự tu tập tâm linh của mình, và vào lúc hấp hối của mình.
Trong đời sống thường ngày, ngay cả những sinh hoạt bình thường nhất cũng mang
ý nghĩa mới, khi được nhìn xuyên qua lăng kính của vô thường và sự chết. Pháp
tu p’howa đi thẳng vào sự kiện rằng chết là điều tất yếu, và rằng với mỗi giây
phút thì chúng ta tới gần cái chết hơn. Bám víu vào những sự ổn định hư giả sẽ
không ngăn cản hay làm chậm hướng đi về cõi chết. Sự tự tin có được là nhờ dùng
lấy bất kỳ những gì sinh khởi trong vở kịch của vô thường như là cơ hội để làm
thanh tịnh tâm mình, và sinh khởi phước đức. Tự tin cũng đến từ sự trực nhận về
cái [tự tánh] bất động, chơn thực, và tuyệt đối, và có thể kinh nghiệm điều này
liên tục. Giáo pháp và tu tập pháp môn p’howa dẫn tới lòng tin xác thật vào
hướng đi trong cõi thực tại tương đối, và lòng tin xác thật khởi lên từ sự
chứng ngộ cái bản tánh tuyệt đối của thực tại. Cắt xuyên vào sự vượt qua cái
chết sẽ cho phép chúng ta thấy rõ ràng tầm mức quan trọng của thân người.
Khả năng thực hiện pháp môn p’howa
bảo đảm rằng ngay cả nếu cái chết can thiệp và cắt ngắn cơ hội tu tập trong
kiếp này, người ta vẫn có thể tiếp tục đường tu trong các điều kiện thù thắng.
Ngay cả khi với nghiệp lực chưa thanh tịnh, học nhân cũng không bị kéo lùi vào
cõi luân hồi quanh co và bất trắc. Thêm nữa, pháp môn p’howa giúp tu tập tốt
đẹp trong các giai đoạn phát triển và hoàn tất Phật Giáo Kim Cang Thừa, kết hợp
các phương diện của ba pháp môn cao nhất – tức là các pháp du già maha, anu và
ati. Tu tập vững vàng trong p’howa cũng thiết lập căn bản vững chắc cho việc
học các pháp môn Kim Cang Thừa khác và để đạt các dấu hiệu đặc biệt của sự
thành tựu Kim Cang Thừa.
Tu tập pháp p’howa làm cho học nhân
tự tin trong lúc hấp hối và lúc lìa trần bằng cách cung cấp cho học nhân phương
tiện để giải thoát thần thức mình vào cõi tịnh độ Cực Lạc của Phật A Di Đà, hay
ít nhất cũng được tái sinh tốt đẹp hơn để có cơ hội tu tập. Trong pháp tu có
tên là “pháp p’howa của ba sự chứng nhập,” kênh giữa được nhận thức như là con
đường, quả cầu thần thức (LDG: hay giác linh của người từ trần) thì như người
du hành trên con đường, và tâm của Phật A Di Đà thì như là nơi đến. Trong khi
tu tập, các dấu hiệu vật lý thực sự có khởi lên, cho thấy rằng một kẽ hở nhỏ đã
xuất hiện tại luân xa đỉnh đầu [của học nhân] và con đường này sẽ dùng chuyển
di thần thức vào giây phút lìa trần. Những dấu hiệu này thường xảy ra trong
vòng một ngày hay hai ngày, khi học nhân tu tập trực tiếp với một vị thầy
p’howa, xảy ra trong vòng một tuần hay hai tuần nếu học nhân tu tập đơn độc.
Sau đó thì việc tu tập làm cho pháp p’howa gần như một phản xạ tự động, làm cho
học nhân tự tin rằng, ngay cả trong các hoàn cảnh trở ngại, họ vẫn có thể nhớ
tới và thành tựu việc chuyển di thần thức.
Pháp môn p’howa của ba sự chứng
nhập là phần thứ tư trong năm phạm trù của p’howa, và trao truyền từ nhiều dòng
phái. Ba phạm trù đáp ứng trực tiếp tới tam thân (LDG: ba thân của Phật).
P’howa Pháp Thân là sự chuyển di thần thức vào trạng thái tỉnh thức tự tại, xa
lìa thời gian (Tạng Ngữ: yeshe) – vào không gian căn bản, Tánh Không.
P’howa Báo Thân là sự chuyển di
thần thức vào trạng thái tâm thức bất nhị, trong sáng của sự hiện hữu thanh
tịnh khởi lên liên tục từ Tánh Không.
P’howa Ứng Thân là sự chuyển di
thần thức vào trạng thái của tâm từ bi vô lượng.
Pháp môn p’howa của ba sự chứng
nhập thì liên hệ tới sự chuyển di ứng thân, trong đó học nhân chuyển di thần
thức vào sự hóa hiện ứng thân của từ tâm của Phật A Di Đà, tức là cõi tịnh độ
Cực Lạc.
Pháp môn p’howa pháp thân, báo
thân, và ứng thân có thể thành tựu phù hợp với các giai đoạn thân trung ấm của
người chết (Tạng ngữ: bardo), hay là xuyên qua các phương pháp thiền định trong
đời người. Điều này sẽ được giải thích kỹ càng hơn trong chương nói về thành
tựu p’howa vào lúc lìa đời. Phạm trù thứ năm, gọi là “pháp p’howa của cứu độ từ
bi,” nói về việc chuyển di thần thức của người khác. Điều này sẽ được giải
thích trong cùng chương.
Pháp p’howa của ba sự chứng nhập
liên hệ tới các phương diện của các pháp du già maha, anu, và ati, và đòi hỏi
sức quán tưởng mạnh. Học nhân cũng phải tập cho có khả năng để thư giãn tạm
thời sức tập trung của mình trên các hình ảnh của sự quán tưởng, an nghỉ tâm
mình trên kinh nghiệm bất nhị về sự không cách biệt giữa tâm mình và tâm Phật A
Di Đà, rồi lại quán tưởng tiếp tục. Như thế, p’howa cũng là pháp tu thù thắng
cho các giai đoạn phát triển và thành tựu Kim Cang Thừa.
Là một người bình thường, chúng ta
bị ràng buộc bởi các cảm nhận hạn chế của thân xác mình như là một cá thể có
thực, cụ thể. Nhưng ngay cả một phản chiếu của khoảnh khắc lại nhắc nhở chúng
ta rằng thân xác mình liên tục biến đổi, từ khi sanh cho tới lúc chết. Chúng ta
không thể tìm ra một khoảnh khắc của sự ổn định, không một mảy may gì về cái
hiện hữu nội tại, về bất cứ thứ gì hơn là sự liên lập tương thuộc của các phần
tử và chức năng mà chúng ta gọi là “thân” của mình cho cái thời khoảng của kiếp
này. Sau khi chết, khi thân thể không còn điều khiển bởi thần thức nữa, thì cái
hình tướng đó tan rã.
Ngoài cái sắc tướng ra, chúng ta
còn buộc vào với thọ, tưởng, hành, và thức, tất cả chung nhau là ngũ ấm ngăn
trở sự tỉnh thức vô ngại. Khi, xuyên qua pháp niệm tưởng về tính vô thường và
trí huệ quán chiếu, chúng ta bắt đầu chứng ngộ Tánh Không của các ấm, chúng ta
cũng bắt đầu giải thoát khỏi cái hư vọng do chúng tạo nên. Xuyên qua phương
pháp chuyển hóa của Kim Cang Thừa về tu tập giai đoạn phát triển, đặc biệt là
pháp quán tưởng bổn tôn (LDG: quán tưởng về vị Phật hay Bồ Tát bảo hộ), chúng
ta bắt đầu kinh nghiệm trực tiếp về hiển lộ thanh tịnh thân khẩu ý của bổn tôn.
Một cách tận cùng, pháp tu Kim Cang
Thừa đòi hỏi chúng ta chứng ngộ rằng tất cả những gì khởi lên như hình tướng,
không cách biệt khỏi Tánh Không của nó, chính là hiển lộ của hình tướng vị bổn
tôn.
Tương tự, tất cả những gì khởi lên
như âm thanh, không cách biệt với Tánh Không, chính là âm thanh câu thần chú
của bổn tôn.
Tất cả những gì hiển lộ như tâm ý,
trong Tự Tánh vẫn là Không, chính là hiển lộ của tâm đấng bổn tôn.
Việc gìn giữ ba nghiệp thanh tịnh
như thế vào lúc hấp hối – khi thân xác đang hư rã, khi âm thanh tan dần vào hỗn
loạn, khi ý thức và cảm xúc có hướng mất kiểm soát – thì quả là cực kỳ khó
khăn.
Chúng ta thực sự không thể mong đợi
thành công, trừ phi chúng ta đã tu tập kỹ càng trong kiếp này, cắt đứt khỏi
những ràng buộc và trở ngại vốn kéo trì chúng ta vào hư vọng và gây cản trở cho
tự tánh thanh tịnh của tất cả các hiện tướng.
Bằng cách nhận biết rõ ràng về cái
chết đang đến và bằng cách vận dụng phương pháp thiền định Kim Cang Thừa phi
thường, người tu pháp môn p’howa sẽ tăng thêm cơ hội có những giây phút cuối
giữ tâm bình an và từ bi mà lìa trần, chuyển thần thức trực tiếp từ cõi này vào
cõi tịnh độ của Phật A Di Đà. Khi vững vàng thấu đạt pháp môn p’howa, học nhân
không còn cần hoàn cảnh bên ngoài thuận lợi để chết an ổn. Thay vào đó, [với]
sự nhận biết vạn pháp chỉ như trò bày vẽ, mà tự tánh vạn pháp vốn thanh tịnh,
sẽ dẫn tới tâm bình an và hợp nhất với cái vọng cảnh như huyễn như mơ của cái
đang-chết và, khi thời điểm chín mùi, sẽ đưa chúng ta vào cảnh giới giải thoát
xa lìa vọng cảnh luân hồi.