Tiến trình hấp hối chậm rãi từ một
cơn bệnh kéo dài hay tuổi già thường liên hệ nhiều chu kỳ của hiện tượng tiếp
cận cái chết và hồi phục. Trong hoàn cảnh này, chúng ta phải dàn hòa các dao
động đối cực giữa hy vọng và sợ hãi, bằng cách liên tục quán vô thường. Biết
rằng không có hoàn cảnh nào – tuyệt nhiên không hoàn cảnh nào – duy trì được
trạng thái ổn định y nguyên hay kéo dài [thọ mệnh], chúng ta tự giải thoát mình
ra khỏi nỗi bất mãn mong muốn làm ổn định các điều kiện. Chúng ta nhìn thấy
phẩm tính như mơ của tất cả những gì khởi lên [trong tâm] và an nghỉ [tâm mình]
trong sự khởi lên đó. Trong trạng thái này của tỉnh thức mở ngỏ, chúng ta có
thể nhận ra dễ dàng hơn khi thời điểm chết tới, và chúng ta có ít sự đối kháng
hơn đối với cái biết này.
Chúng ta sẽ biết rằng không còn
thang thuốc nào nữa, không còn bài kinh nào nữa sẽ ngăn cản được cái chết của
chúng ta. Từ sự tôn trọng sinh mạng quý giá, chúng ta đã làm những gì có thể
được để giữ đời mình, nhưng bây giờ chúng ta sắp lìa bỏ thân mình và kiếp này.
Chúng ta đã sẵn sàng cho sự chuẩn bị cuối cùng cho cái chết.
Nếu có thể, chúng ta nên bố thí tài
sản của mình. Một di chúc chính thức, viết ra chữ sẽ có giá trị lớn bởi vì nó
cho chúng ta hướng tài sản vật chất của mình tới lợi ích cao nhất. Cử chỉ bố
thí này giải thoát chúng ta khỏi sự gắn bó vào những gì chúng ta không có thể
giữ được, và tạo ra công đức.
Tương tự, nếu chúng ta có thể và
chưa làm như thế, chúng ta nên viết một “di chúc sống” về các kỹ thuật hồi sinh
nào và tiến trình y khoa giữ thọ mệnh nào mà chúng ta muốn dùng, và loại nào mà
chúng ta muốn tránh. Nếu có thể, đây nên là một bản văn pháp lý chính thức đi
kèm với một văn bản khác trong đó bổ nhiệm “thẩm quyền luật sư vững bền” cho
người mà chúng ta ủy thác việc thực hiện các mong muốn của chúng ta, và thực
hiện các quyết định y khoa trong trường hợp chúng ta rơi vào hôn mê hay mất khả
năng phán đoán.
Cũng hữu dụng và lợi ích nhiều là
một lá thư thông báo các bạn và gia đình mình về các giáo pháp nào, kể cả pháp
p’howa, nên thực hiện và giải thích về cách các pháp này có thể giúp chúng ta
khi hấp hối và sau khi chết. Một mẫu thư như thế có thể đọc trong phần Phụ Lục.
Khi chúng ta tiếp cận cái chết,
chúng ta xem xét lại lần cuối nghiệp lực của mình về thân, khẩu và ý. Chúng ta
xem xét lại sự tinh tấn tu tập của mình, các lời nguyện thiêng liêng của mình,
và các lời hứa chúng ta đã cam kết với vị thầy của mình. Chúng ta quán tưởng
Đức Phật A Di Đà – hay bất kỳ vị Phật nào khác – không hề ly cách với thầy bổn
sư của chúng ta, như là người chứng của chúng ta. Chúng ta thú nhận bất kỳ tội
lỗi nào đã gây ra, đặc biệt các hãm hại cố ý, và việc chúng ta không giữ được
các lời nguyện. Qua sự lương thiện tuyệt đối với mình, chúng ta khởi tâm sám
hối chân thật. Phát lời nguyện là không bao giờ lập lại các sai trái trong các
kiếp tương lai, chúng ta đón nhận sự tha thứ từ nhân chứng đã giác ngộ đó, bằng
ánh sáng phóng quang hay bằng nước cam lồ hay cả hai.
Bây giờ, chúng ta quán tưởng rằng
tất cả các công đức, tài sản vật chất và phẩm hạnh tốt của tất cả các kiếp sống
của chúng ta gom lại tạo thành một đàn pháp cúng dường nghiêm tranh và rộng
lớn, dâng lên các vị Phật và Bồ Tát ở mười phương. Công đức của việc cúng dường
này sau đó được hồi hướng cho tất cả chúng sinh.
Chỉ khi chúng ta có thể đo lường
tiến trình nội tại của thân mình tan rã, và chúng ta nên tỉnh thức nhận ra một
cac1h cụ thể về chuỗi các dấu hiệu bí mật – ảo ảnh, khói, tia sáng như đom đóm,
và ánh sáng như các ngọn đèn bơ. Những dấu hiệu này cho thấy là bức màn giữa
tình trạng hiện nay của chúng ta và sự hiển lộ của thân trung ấm của thực tánh
của các hiện tượng đang trở thành mỏng hơn. Khi hơi thở ngắn lại, thân mình
nặng nề và lạnh đi, và các cảm quan trở nên mơ hồ, chúng ta hãy yêu cầu các bạn
đỡ chúng ta thẳng dậy nếu có thể. Nếu không, họ nên lăn chúng ta về hướng bên
phải của chúng ta trong tư thế sư tử, tức thế nằm mà Đức Phật Thích Ca khi nhập
niết bàn. Rồi thì, nếu các bạn không phải là người tu pháp p’howa hay chưa bao
giờ được hướng dẫn về điều phải làm, thì tốt hơn là, họ nên rời phòng. Dĩ
nhiên, điều này không phải luôn luôn có thể được, nhưng ít nhất, họ sẽ không
làm chúng ta phân tâm.
Bây giờ đơn độc, chúng ta không nên
sợ hãi gì. Chúng ta đã chết vô lượng lần trước giờ, và lần này, chúng ta đã quy
y và có một pháp tu đầy sức mạnh. Chúng ta đã tập dợt giây phút này qua pháp tu
p’howa. Chúng ta quán tưởng mẫu tự Hung án ngữ 9 cửa ngõ (các lòng bàn chân, 2
cửa nơi hạ bộ, miệng, các lỗ mũi, các lỗ tai). Tâm chúng ta vui mừng hướng về
Cõi Cực Lạc và Phật A Di Đà. Ngay cả nếu sự quán tưởng của chúng ta mơ hồ,
chúng ta biết rằng Phật A Di Đà, không cách biệt với thầy của chúng ta, thì
hiện ra bên trên đỉnh đầu của chúng ta. Chúng ta mong muốn kết hợp với thầy bổn
sư của chúng ta. Rồi thì chúng ta tập trung về thần thức t’higle càng mạnh mẽ
càng tốt.
Liên tục đọc câu chú “P’hat!” chúng
ta phóng thần thức t’higle ra khỏi đỉnh đầu, thực hiện mỗi lần phóng ra với sự
chú và sức mạnh như dường đó là lần cuối của chúng ta. Bây giờ, hơi thở hắt
mạnh mẽ cuối cùng sắp tới. Chúng ta tập trung tất cả sức còn lại vào lần phóng
[thần thức] ra này, hoàn tất sự tách rời tâm và thân. Sự kết hợp với Phật A Di
Đà là bất nhị; đó là sự giải thoát vào cõi thanh tịnh.
Sự Giải Thoát Khi Học Nhân Không
Thể Thực Hiện P’howa
Nếu cái chết tới đột ngột và không
có thì giờ để thực hiện p’howa, hay nếu người này không còn khả năng thực hiện,
thì pháp tu p’howa cũng có thể mang tới giải thoát, trước tiên là trong giai
đoạn ánh sáng trong trẻo của thân trung ấm của thực tánh vạn pháp. Trạng thái
này của tâm thức chưa mê muội đáp ứng với cái tỉnh thức bất nhị tự nhiên được
kinh nghiệm trong thiền định sau khi chuyển di thần thức vào trong tâm của Phật
A Di Đà. Nếu trạng thái này được ổn định trong thiền định, sẽ có thể đạt được
sự giải thoát pháp thân sau khi chết.
Sự hiển lộ thanh tịnh của báo thân
đưa một cơ hội thứ nhì cho giải thoát. Việc tu tập pháp p’howa làm cho người tu
quen thuộc với sự xuất hiện thanh tịnh của Đức Quan Âm, Đức A Di Đà và Đức Vô
Lượng Thọ (Amitayus). Đặc biệt, việc kinh nghiệm được bản tánh của mình như là
Đức Quan Âm trong khi thiền định sẽ làm người tu chứng ngộ được sự xuất hiện tự
nhiên của Đức Quan Âm trong thân trung ấm của thực tánh của vạn pháp chính là
sự hiển lộ tự tánh của chính mình. Sự chứng ngộ này mang tới sự giải thoát báo
thân.
Một cơ hội thứ ba để giải thoát
khởi lên trong thân trung ấm của sự trở thành. Khi nhận ra rằng mình chết, và
khi các hình ảnh, âm thanh và cảm xúc hỗn loạn kéo tới, và nếu người tu có một
thói quen cầu nguyện, thì người tu có thể cầu nguyện tới Phật A Di Đà. Chỉ có
một tấm thân trung ấm phi vật thể, người tu sẽ được đẩy bạt tới bất cứ nơi nào
tâm nghĩ tới, kể cả [khi nghĩ tới] Phật A Di Đà. Điều này sẽ mang tới hiện
tượng giải thoát sắc thân.
Thực Hiện Hộ Niệm P’howa
Việc đầu tiên để làm khi người đó
chết là vỗ mạnh đỉnh đầu người đó. Điều này hướng dẫn thần thức hướng lên trên.
Người tu pháp môn p’howa mà đã từng đạt các dấu hiệu tốt thì lúc đó có thể
chuyển di thần thức cho người chết. Điều này thực hiện bằng cách quán tưởng chính
mình là Đức Quan Âm, và [quán tưởng] người chết là Đức Quan Âm ngồi trong tư
thế kim cang (vajra posture, bán già với bàn chân phải trên đùi chân trái) ở
phía trên cái xác đang nằm sấp mặt như đang nằm lạy (LDG: Người Tây Tạng lạy
bằng cách nằm sấp người xuống, chứ không quỳ như người Việt. Đây chỉ là quán
tưởng thôi. Bản văn không bảo phải để người chết nằm sấp mặt.). Người tu quán
tưởng có một dòng năng lực màu xanh lá cây bắn ra từ tim mình tới tim người
chết, nơi đó nó tăng lực cho sức rung động của năng lực người vừa qua đời. Bài
kinh nguyện 2 dòng dâng lên Phật A Di Đà và 3 tiếng thần chú “P’hats” được đọc
lên như hồi thực tập. Tuy nhiên, toàn bộ chú tâm sẽ hướng về sự chuyển di thần
thức người chết vào trong tâm (nơi tim) của Phật A Di Đà.
Sự nhận thức rằng Đức Quan Thế Âm
biểu tượng cho bản tánh (essence: bản chất, yếu tánh) của người chết sẽ làm cho
người hộ niệm có thể thành tựu sự chuyển di. Xác chết chỉ đơn thuần là một ảo
giác, một nơi cư ngụ tạm thời; Đức Quan Âm là một sự xuất hiện thanh tịnh sinh
khởi từ bản chất bất hoại của tâm người chết. Ai kinh nghiệm điều này trực tiếp
trong thiền định thì sẽ được giải thoát, xa lìa khỏi sự chia chẻ phân biệt giữa
thi thể và sự quán tưởng.
Sự thực hành pháp p’howa có thể được thực hiện một cách lặng lẽ, đặc biệt nếu
việc này đụng chạm tới thân nhân và/hay là tạo ra sự rối loạn trong bệnh viện.
Một số bệnh viện thông cảm đối với các lời yêu cầu xin ngồi lặng lẽ một mình
bên thi thể, đặc biệt nếu sự thu xếp này được báo trước. Nếu người chết cũng là
người tu và đã yêu cầu chúng ta hộ niệm cho pháp tu p’howa của họ, thì sẽ thích
nghi khi thực hiện pháp này bằng các kinh cầu lớn tiếng. Tuy nhiên, nếu người
đó chống cự với sự chết, và nếu pháp p’howa sẽ tăng thêm sự dao động và sợ hãi
của người đó, thì đừng nên làm pháp này. Pháp này có thể được thực hiện sau khi
người này đã chết. Điều luôn luôn quan trọng là đừng làm người hấp hối phiền
não hay bực bội. Nên tránh những xích mích với gia đình và người chăm sóc; chủ
yếu là sự linh động và dịu dàng.
Pháp p’howa có thể thực hiện cho
người không theo đạo Phật, nhưng nếu họ chưa nhận phép điểm đạo (initiation:
dẫn người mới vào, đưa người mới vào) và pháp tu tập, thì không thích hợp để
dạy họ khi chưa có sự chuẩn thuận từ một vị lạt ma có phẩm chất. Chúng ta có thể
khuyến cáo rằng họ nên quán tưởng một vật biểu tượng tâm linh của họ trên đầu
họ (LDG: Thí dụ, người đạo Thiên Chúa có thể quán cây thập giá trên đầu). Tuy
nhiên, trong khi thực hiện pháp p’howa để giúp họ, chúng ta sẽ vẫn quán tưởng
Đức Phật A Di Đà thay vì biểu tượng của tôn giáo người đó. Nếu họ thấy khó chịu
với Phật Giáo, thì chúng ta không thực hiện pháp p’howa cho họ. Thay vào đó,
chúng ta đọc những bài kinh cầu tổng quát và hồi hướng công đức của bất kỳ sự
tu tập cá nhân nào tới họ.
Đôi khi, cần làm đi làm lại nhiều
lần trước khi có dấu hiệu chuyển di [thần thức] thành công xuất hiện trên đỉnh
đầu. Những dấu hiệu này có cả hiện tướng phồng lên, một mảng tóc nơi đỉnh đầu
dễ bị bứt ra, hay là một giọt máu hay huyết tương. Milarepa có một lần ngồi bên
đường trong một tuần lễ thực hiện pháp p’howa trên xác một con chó. Chúng ta có
nên mong đợi bỏ ra vài phút đồng hồ để hành pháp này giúp những người mà chúng
ta quan tâm? Nếu họ không thể dựa vào chúng ta vào lúc cần thiết, thì ai mà họ
có thể nương tựa?
Cho tới khi thấy rõ các dấu hiệu,
đừng nên chạm vào thi thể trừ phi lúc vỗ vào đầu. Sau đó, không quan trọng gì
chuyện thi thể đưa đi thiêu hay là chôn cất.
Hành Pháp P’howa Cho Thú Vật
Bởi vì khung xương đầu thú vật có
cấu trúc khác với của người, nên không thể tạo ra cùng loại mở luân xa đỉnh
đầu. Do vậy, thay vì gửi năng lực màu xanh lá cây tới tim con thú, người tu hãy
quán tưởng đưa thần thức t’higle của con thú này vào tâm (tim) mình và hợp nhất
nó với chính tâm thức của mình, chuyển nó ra luân xa đỉnh đầu của mình và vào
trong tâm (tim) Đức Phật A Di Đà.
Không dễ gì chuyển di thần thức của
thú vật, nên nhiều người hộ niệm bằng cách đọc câu chú của Phật A Súc Bệ
(Buddha Akshobhya, còn được dịch là Bất Động Phật), và tạo ra (dựng, đắp, hay
vẽ) hình ảnh Ngài cho các con thú mà họ quan tâm.
Pháp tu Phật A Súc Bệ đặc biệt hiệu
quả bởi vì ngài đã lập nguyện rằng bất kỳ ai đọc câu chú của ngài 100,000 lần
và tạo dựng ảnh hình ngài thì sẽ được thoát khỏi cảnh tái sinh vào cảnh giới
thấp.
Tuy nhiên, việc thực hiện bất kỳ
pháp nào và hồi hướng công đức cho một con thú đã chết thì đều đưa tới lợi ích.