Chương 1.
Dự bị tu tập
Quy
y, lễ lạy và Bồ Ðề Tâm
Giải nghĩa về cách thức tu tập
Ðại Thủ Ấn của trường phái Kagyu bao gồm ba phần: dự bị tu tập, tu tập chính
yếu và kết luận.
Phần thứ nhất bắt đầu bằng sự
quy y và phát triển tâm Bồ Ðề.
Các cách thức dự bị tu tập được chia
làm hai loại: chung (căn bản) và riêng. Quán chiếu về thân người khó được, về
vô thường và chết, về nghiệp báo hay luật nhân quả, về sự đau khổ của luân hồi,
là những pháp quán căn bản và chung cho tất cả các trường phái Phật Giáo. Riêng
Kim Cang thừa có thêm bốn pháp dự bị tu tập đặc biệt (ngeun-dro): vừa lạy Phật
vừa quy y (quy lạy), Kim Cang quán (méditation de Vajrasattva), cúng dường Mạn
Ðà La (offrande du Mandala) và Bổn Sư Du Già (Guru-yoga). Bốn pháp này có thể
được tu tập theo nhiều cách, nhưng thông thường nhất là thực hành 100.000 lần
mỗi pháp theo thứ tự trong một thời gian ấn định như (ba, bốn năm) với một sự
tinh tấn không gián đoạn. Còn có một cách tu tập khác là phân chia đều bốn pháp
trên thành số lượng nhỏ và ấn định làm thời khóa thường nhật. Số lượng này
không nhất định, có thể thay đổi, nhưng phải thực hành liên tục cho tới khi
thấy được hảo tướng mới thôi. Ngoài ra các pháp dự bị tu tập cũng có thể thay
đổi, tùy theo vị Thầy (Lama) quyết định xem cái nào phù hợp hơn với căn tánh của
đệ tử.
Sau đây là những pháp dự bị tu
tập tổng quát của trường phái Karma-Kagyu. Về những lời chỉ thị đặc biệt và tỉ
mỉ cần phải được giảng dạy từ vị Thầy riêng của mỗi người.
Mục đích của sự dự bị tu tập là
tẩy trừ những nghiệp xấu làm chướng ngại cho việc tu tập, và tích tụ nhiều công
đức để tiến nhanh đến đạo quả. Sự quy lạy và Kim Cang quán thuộc mục đích thứ
nhất, cúng dường Mạn Ðà La và Bổn Sư Du Già thuộc mục đích thứ hai. Trong khi
quán chiếu về luật nhân quả, về những nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ và sự đau
khổ kham chịu trong kiếp hiện tại, ta cần phải phát tâm sám hối trở về nương
tựa nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Cúng dường lễ lạy Tam Bảo sẽ giúp ta thanh
lọc những mầm mống của đau khổ. Ngoài ra cũng cần quán chiếu và ghi nhận rằng
tất cả chúng sinh đều muốn xa lánh đau khổ nhưng lại luôn luôn làm điều độc ác
và ích kỷ, muốn có hạnh phúc nhưng không bao giờ hành động đạo đức hay từ bi,
bởi thế nên vẫn đau khổ triền miên. Quán chiếu như vậy xong, ta làm khởi lên
lòng đại bi và nghĩ rằng sự tu tập của ta cũng thanh lọc luôn cả nghiệp chướng
của họ. Cuối cùng phối hợp Bồ Ðề Tâm với sự quy lạy, ta nguyện tiêu trừ tất cả
nghiệp chướng, sớm thành Phật để có thể thực sự làm lợi ích cho tất cả chúng
sinh.
Trên khoảng hư không trước mặt,
hãy quán tưởng có một thân cây năm nhánh. Vị Thầy Bổn Sư ngồi ở nhánh giữa
(dưới hình thức Vajradhara), ở nhánh trước mặt (vị Bổn Sư) có tất cả Hộ Thần
Kim Cang (Yidam), ở nhánh bên phải (vị Bổn Sư) là tất cả chư Phật (Buddha), ở
nhánh sau lưng là tất cả Giáo Pháp (Dharma), và ở nhánh bên trái là toàn thể
Tăng Già (Sangha). Quán tưởng như thế rồi ta bắt đầu quy y (trong lúc lạy
xuống) và quán tưởng rằng tất cả chúng sinh (là cha mẹ) đều tề tựu sau lưng ta
và cũng quy lạy như ta.
Ðây là phép quán về ruộng công
đức (phước điền) hay Cây Lịch đại Tổ Sư. Quán tưởng ta đang ở trong một vườn
hoa thanh tú, có những bãi cỏ êm dịu và một bầy thú hiền hòa. Ở chính giữa là
một cái hồ tuyệt đẹp có một cây làm toại nguyện tất cả điều ước như đã tả ở
trên. Vajradhara (Tạng ngữ: Dorjé Chang) là một hóa thân của Phật khi thuyết về
Mật giáo Tantra. Những vị Hộ Thần (Yidam) gồm có: Vajrayogini, Héruka,...; chư
Phật ở đây là chư Phật ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai; Giáo Pháp gồm tam
tạng Kinh điển (Tripitaka); Tăng Già bao gồm tất cả chư Bồ Tát, Duyên Giác,
Thanh Văn. Ở phần dưới thân cây có các vị Hộ Pháp (Dharmapala) như Mahakala,
Mahakali,... Nếu không biết rõ hình tướng các vị trên, hoặc không thể quán
tưởng một cách rõ ràng, ta cũng đừng nên lo ngại. Ban đầu chỉ cần tin tưởng nơi
sự hiện diện của các vị ấy là đủ. Với sự luyện tập lâu dài, với những tranh
hình (Thangka) của các vị ấy, ta sẽ quán tưởng rõ hơn sau này.
Tiếp theo quán tưởng ta dưới
hình thức bình thường bên phải là tất cả các chúng sinh nam, bên trái là tất cả các chúng sinh nữ. Tưởng nghĩ
rằng chung quanh ta là một đám đông vô kể, cả người lẫn thú; dẫn đầu tất cả, ta
đảnh lễ và quy y. Khi bắt đầu đảnh lễ, chắp hai bàn tay lại, đưa lên đụng đảnh
đầu rồi xuống đụng trán, đụng cổ, ngực rồi quỳ xuống đất duỗi thẳng toàn thân,
hai tay đưa tới trước, xong rồi liền đứng dậy. Cùng lúc lạy như vậy, ta đọc lên
những câu sau: "Con và tất cả chúng sinh, cha mẹ nhiều đời, đầy khắp hư
không, xin quy y nơi chư Thầy Tổ tôn kính. Chúng con xin quy y nơi các vị Hộ
Thần Kim Cang và toàn thể chư Thần trong Mạn Ðà La. Chúng con xin quy y nơi chư
Phật ba đời. Chúng con xin quy y nơi Thánh Pháp. Chúng con xin quy y nơi chư
Thánh Tăng. Chúng con xin quy y nơi toàn thể chư Thần Dakas, Dakinis, Hộ Pháp
và Hộ Mạng". Hãy thực hành như vậy với sự chánh niệm tối đa, với lòng tin
kính và thành thật.Ba pháp thực hành trên: lạy, tụng, quán tưởng được gọi là
thân lạy, khẩu lạy và ý lạy, cần được thực hiện ít nhất 100.000 lần. Trước khi
tu tập các thời khóa thiền quán khác, cũng nên lạy ít nhất là 7 lần.
Trong lúc tu tập về pháp quy
lạy, ta sẽ cảm thấy cực nhọc và mệt mỏi. Nhưng hãy xem đó như là một mũi thuốc
chích, tuy đau đớn nhưng sẽ cứu ta khỏi bệnh. Tuy nhọc mệt nhưng ta vẫn vui vẻ,
vì từ đời vô thỉ đến nay, ta đã tạo không biết bao nhiêu nghiệp xấu, đúng lý ra
ta sẽ phải chịu nhiều quả báo đau khổ hơn trong ba đường ác, nhưng nay nhờ chịu
đựng tu tập mà ta sớm giải thoát. Trong khi lạy nếu cảm thấy nóng hay lạnh thì
hãy cầu nguyện cho tất cả chúng sinh ở địa ngục sớm thoát khỏi đau khổ của hỏa
ngục và hàn ngục. Nếu bị đói khát, ta hãy nguyện cho loài ngạ quỷ sớm được no
đủ; hoặc khi đầu óc ta trở nên nặng nề và đờ đẫn vì nhọc mệt, ta hãy nguyện cho
mọi loài súc sinh sớm thoát khỏi ngu si. Với một đức tin sâu đậm và kiên cố, ta
sẽ đánh bạt mọi phiền não khởi lên trong lúc tu tập. Nếu có những ý niệm khởi
lên bảo ta ngưng tập và đi tìm một pháp môn khác, ta hãy nhìn chúng như một đám
điên phá phách, bỏ qua không thèm để ý đến chúng.
Ta đọc tiếp: "Từ nay cho
đến ngày giác ngộ, con xin quy y Phật, Pháp, chư hiền thánh Tăng...". Cùng
lúc ta suy nghĩ rằng: "Tất cả chúng sinh đều đã là cha mẹ con, con xin quy
y và phát triển tâm Bồ Ðề". Sau đó ta quán tưởng về Tứ Vô Lượng Tâm.
Tứ Vô Lượng Tâm là nguyện cho
tất cả chúng sinh:
1) đều được an vui hạnh phúc và
tạo nhiều căn lành;
2) đều thoát khỏi đau khổ và
ngưng tạo điều ác;
3) được sống trong thương yêu và
hòa thuận;
4) đều có tâm bình đẳng, không
thương người thân, ghét kẻ thù.
Cuối cùng, quán tưởng rằng tất
cả đối tượng quán chiếu (sở quán) đều tan biến thành ánh sáng (hào quang) thấm
nhập vào ta và giòng tâm thức[1] của ta trở nên thanh tịnh.
Sau mỗi thời khóa quy lạy, hãy
quán tưởng làm tan biến tất cả hình tướng của Cây Lịch đại Tổ Sư thành hào
quang thấm nhập vào ta và đưa ta vào trạng thái bất nhị trống rỗng, trong suốt,
không còn dính mắc vào một khái niệm hiện hữu nào nữa. Hãy trụ trong "bây
giờ và ở đây", và cảm tưởng rằng ta hoàn toàn thanh tịnh.
Ðến đây chấm dứt phần dự bị tu
tập thứ nhất: quy lạy và phát triển tâm Bồ Ðề.
Kim
Cang Quán
Vajrasattva[2], Tạng ngữ:
Dorjé Sempa, là một hóa thân của chư Phật dùng để thanh lọc giải trừ đau khổ,
phiền não, quả báo của những nghiệp xấu, ác đã tạo. Hóa thân này có thể xuất
hiện dưới nhiều hình tướng: hiền từ hoặc dữ tợn như Héruka Vajrasattva, đơn độc
hoặc với một nữ phối. Sau đây là một phương thức tu tập với hóa thân
Vajrasattva đơn độc.
Quán tưởng trên đầu ta, có Thầy
Bổn Sư (Lama) dưới hình tướng Vajrasattva, toàn thân màu trắng, tay phải cầm
một kim cang chùy (vajra) ngang giữa ngực, tay trái cầm một cái chuông ngang
hông. Ðầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.
Quán tưởng trên đảnh đầu chủng
tự PAM. Sau đó chủng tự này biến thành một hoa sen trắng, ở trên có chủng tự
AH, từ chữ AH xuất hiện một vành trăng tròn, ở trên có chữ HUM, chữ này từ từ
biến thành một kim cang chùy 5 đỉnh, và ở giửa chùy kim cang này lại có một chữ
HUM. Từ chữ HUM này phát ra nhiều đạo hào quang rồi sau đó lại thu trở về hai
lần: lần thứ nhất, những hào quang này hóa hiện ra muôn ngàn trân châu quý báu
cúng dường chư Phật, Bồ Tát; lần thứ hai, những hào quang này tiêu trừ tất cả
đau khổ của chúng sinh.
Tiếp theo, kim cang chùy biến
hình thành Vajrasattva như đã tả ở trên. Chân trái gấp lại, bàn chân đụng dưới
đùi phải, và chân phải hơi duỗi xuống dưới. Ở giữa ngực có một vành trăng với
một chữ HUM trắng ở trên.
Vajrasattva có một bài chú 100
chủng tự và một bài 6 chủng tự. Những chủng tự này thường được quán chiếu theo
nhiều cách: hoặc theo chiều kim đồng hồ, hoặc ngược lại, hoặc quay tròn hoặc
đứng yên. Riêng trong phép quán này, ta phải tụng 100.000 lần bài chú 100 chủng
tự, những chủng tự này màu trắng bất động, được sắp chung quanh vành trăng theo
chiều ngược của kim đồng hồ.
Sau khi quán tưởng như trên, ta
tụng: "Nam Mô Vajrasattva, con thành khẩn xin ngài giải trừ tất cả chướng
duyên và quả báo của những nghiệp xấu mà con đã tạo trong quá khứ". Ta cần
phải phát lồ sám hối và quán niệm về bốn điều hóa giải (lỗi lầm).
Ðiều thứ nhất, nhớ tưởng lại
những lỗi lầm đã tạo và thành tâm ăn năn. Thứ hai, nguyện không bao giờ tái
phạm. Thứ ba, ghi nhớ những điều tốt như quy y, Bồ Ðề Tâm, giữ giới... Thứ tư,
thực hành những pháp thanh lọc, sám hối như Kim Cang quán để tiêu trừ nghiệp
chướng. Nếu không hội đủ bốn điều trên thì sự sám hối chỉ là hào nhoáng bề
ngoài.
Tiếp theo quán tưởng một nước
cam lồ trắng chảy từ ngón chân cái bên phải của Vajrasattva, xuống tới đảnh đầu
và chảy khắp toàn thân ta. Cùng lúc đó, tất cả những chướng duyên, nghiệp báo
đều bị tống khứ, và toàn thân ta chỉ còn là cam lồ.
Nước cam lồ này bắt nguồn từ chữ
HUM và bài chú 100 chủng tự nằm trên vành trắng ở ngực Vajrasattva, chảy xuống
thấm vào thân ta.
Quán tưởng rằng từ những lỗ chân
lông và chín khứu của ta, những chướng duyên thoát ra ngoài như mồ hôi và nhựa
đen; bệnh tật, ốm đau thoát ra ngoài như máu mủ; tà ma, quỷ ếm, như rắn, bò cạp,
nhện độc và sâu bọ. Tất cả đều chảy ra ngoài và thấm xuống đất. Bấy giờ toàn
thân ta chỉ còn lại nước cam lồ trắng và hào quang.
Ta hãy quán tưởng tất cả chúng
sinh cũng đều có một vị Vajrasattva ở trên đầu và đang lãnh nhận sự thanh lọc
như ta.
Hài lòng, vị Bổn Sư
(Vajrasattva) biến thành hào quang (rồi nhập vào ta), và quán tưởng rằng thân,
ngữ, ý của ta và của Vajrasattva nhập một không khác. Tất cả nghiệp chướng lúc
này thảy đều được tiêu trừ.
Ðến đây kết thúc phần dự bị tu
tập thứ hai: quán tưởng về Vajrasattva và trì tụng thần chú.
Cúng
dường Mạn Ðà La
Thông thường, sự cúng dường
không có nghĩa là làm vui lòng hay lấy điểm với bề trên, nó thể hiện lòng dâng
hiến toàn vẹn cho sự giác ngộ, đại diện bởi các bậc Thầy và ngôi Tam Bảo; đồng
thời cũng giúp cho ta gặt hái được nhiều công đức và lợi lạc. Khi ta gieo những
hạt giống vào một cánh đồng, chính ta sẽ là người hưởng lợi chứ không phải cánh
đồng. Sự cúng dường đến ngôi Tam Bảo cũng giống như vậy.
Có nhiều loại Mạn Ðà La. Những
cảnh lâu đài thiên cung, nơi cư ngụ của các vị Bồ Tát, Hộ Pháp, được xem là một
loại. Ðó là những kiểu mẫu thường thấy trên tranh ảnh (thangka). Riêng Mạn Ðà
La dùng ở đây thuộc loại cụ thể, cấu tạo bằng một nền phẳng với những vòng
tròn, gạo, hạt cây hoặc ngọc báu, tất cả tượng trưng cho toàn thể vũ trụ.
Quán tưởng trên hư không trước
mặt, có một lâu đài Mạn Ðà La vĩ đại. Ở trung tâm là vị Bổn Sư (dưới hình dạng
Vajradhara), phía trước ngài là những vị Thần Linh Quán[3], bên phải là chư
Phật, đằng sau là tam tạng giáo điển, và bên trái là toàn thể Tăng Già. Ðây là
Mạn Ðà La sơ khởi, đối tượng của sự cúng dường.
Tiếp theo ta cấu tạo một Mạn Ðà
La khác với những dụng cụ nhỏ đặc biệt, và tụng lên bài kệ cúng dường.
Dùng một cái dĩa bằng phẳng làm
nền tảng cho Mạn Ðà La (vật cúng dường). Một tay cầm dĩa, tay kia lau mặt dĩa
và tụng bài chú 100 chữ của Vajrasattva để tẩy trừ mọi lậu hoặc. Sau đó, nhỏ
một giọt nước (trong và thơm) lên trên tượng trưng cho Bồ Ðề Tâm hướng và lòng
đại bi. Tiếp theo, đặt một cái vòng thứ nhất lên mặt dĩa và đổ đầy những hạt
gạo, đậu, v.v..., ở bốn góc một vài hạt kim cương, ngọc báu[4]; sau
khi đổ đầy vòng thứ nhất, tiếp tục như vậy cho đến vòng nhỏ cuối cùng, và đặt
trên vòng này một bảo vật. Ðây là sự cúng dường cụ thể tượng trưng bên ngoài.
Trong lúc cấu tạo Mạn Ðà La để
cúng dường bên ngoài, ta đọc lên bài kệ thích hợp. Ðọc đến đâu, quán tưởng đến
đó, đây thuộc về ý cúng dường. Vật mà ta cúng dường tượng trưng cho toàn vũ
trụ, thường được miêu tả trong giáo lý A Tỳ Ðàm (Abhidharma).
Vũ trụ thường được miêu tả dưới
nhiều hình thức khác nhau, tuỳ trường hợp, vì căn cơ và nghiệp báo của thính
chúng không đồng, nên khiến mỗi người thấy sự vật khác nhau. Riêng theo sự miêu
tả ở đây thì có một dãy đất bằng huỳnh kim, chung quanh bao bọc bởi những bức
tường sắt, bên ngoài là biển mặn. Bên trong bức tường, ở bốn góc có bốn châu
(lục địa), mỗi châu lại nằm giữa một đại dương. Từ mỗi châu tiến dần vào trung
tâm điểm gồm có bảy vòng đai xen kẽ với bảy núi vàng và bảy hồ thanh lương. Ở
trung tâm điểm là núi Tu Di (Suméru), hình vuông giống bửu tháp (stupa) bốn
tầng. Mặt núi phương đông bằng ngọc pha lê trắng, phương nam bằng ngọc lưu ly,
phương tây bằng ngọc hồng bào và phương bắc bằng ngọc bích. Bầu trời và mặt
biển ở bốn phía đều mang cùng màu tương hợp với ngọc núi. Lục địa (châu) phương
đông hình bán nguyệt, mặt thẳng đối diện núi Tu Di, lục địa phương nam hình
thang, lục địa phương tây hình tròn và lục địa phương bắc hình vuông.
Quả đất chúng ta đang ở thuộc
phương nam (Nam
Thiện Bộ Châu), biển và bầu trời màu xanh lơ. Những châu còn lại (đông, tây,
bắc), ta không thể đến được bằng tàu bay hay phi thuyền, trừ khi ta tạo những
nghiệp tương ưng với các chúng sinh ở đó.
Bài kệ mà ta phải lập lại
100.000 lần trong lúc thược hành pháp này là: "Hướng về tất cả các cõi Tịnh
Ðộ của chư Phật, con xin cúng dường Mạn Ðà La này, làm bằng hoa, dầu thơm, trầm
hương, trang hoàng với núi Tu Di, tứ châu và nhật nguyệt. Nguyện cho tất cả
chúng sinh đều được sinh về các cõi Tịnh Ðộ."
Bằng sự cúng dường này, ta sẽ
tích tụ được hai thứ: phước đức và trí huệ.
Sau khi cúng dường xong, quán
tưởng tất cả chư Phật, Bồ Tát trong Mạn Ðà La đối tượng, tan biến thành hào
quang và thấm nhập vào ta.
Cúng dường Mạn Ðà La cụ thể và ý
tưởng giúp ta gặt hái nhiều công đức. Cùng lúc đó, ta phải quán chiếu luôn về
tánh Không của các pháp, tức năng cúng và sở cúng đều trống rỗng, không có thực
tánh, nhờ đó trí huệ sẽ tăng trưởng. Tích tụ công đức dẫn đến sự thành tựu Hóa
thân (Nirmanakaya) và Báo thân (Sambhogakaya). Những chúng sinh tu hành nhiều
đời, gieo tạo căn lành có thể thấy được Hóa thân Phật. Riêng Báo thân Phật, chỉ
có hàng đại Bồ Tát, những vị đã thực sự trực nghiệm tánh Không (Sunyata) mới
thấy được. Tích tụ Trí Huệ (Bát Nhã) dẫn đến sự chứng đạt Thể Tánh thân
(Svabhavakaya) và Pháp thân (Dharmakaya). Theo ý nghĩa tập luận ở đây thì Thể
Tánh thân chính là nhất thiết trí của Phật, còn Pháp thân là tổng tánh bất dị
của ba thân trước. Tuy nhiên. ở vài nơi khác, sự định nghĩa của hai thân này có
thể đổi ngược, nhưng thường thì chỉ có Pháp thân là hay được đề cập đến.
Ðến đây chấm dứt phần dự bị tu
tập thứ ba: cúng dường Mạn Ðà La.
Bổn
Sư Du Già
Bài dự bị tu tập chót nhằm mục
đích tích tụ công đức và sự gia hộ hay ban phép lành của chư Tổ. Ðó là Guru
Yoga.
Ở đây ta phải quán tưởng ta dưới
hình dạng của một Thần Linh Quán (divinité de méditation).
Quán tưởng ở phía trên đầu là vị
Bổn Sư (Lama racine) hiện dưới hình dạng thông thường hoặc của một Thần Linh
Quán. Sau đó tất cả chư Tổ của giòng truyền (lignage) ngược trở lên cho đến đức
Phật Vajradhara đều ngồi theo một hàng dọc hoặc chung quanh trên đầu vị Bổn Sư.
Tiếp theo ta hướng về chư vị đó và cầu nguyện với lòng thành khẩn, tôn kính
chân thật vô biên.
Khi lòng thành khẩn của ta tăng
trưởng đến mức tột cùng, hãy giữ nguyên trạng thái đó và bắt đầu quán tưởng chư
Phật, Bồ Tát, chư Thần Dakas, Dakanis, Hộ Pháp, Hộ Mạng, chư Tổ đều tan nhập
vào vị Bổn Sư. Vị Bổn Sư lúc đó phải được xem là hóa thân của tất cả các vị
trên.
Có nhiều loại Thần Linh Quán,
đối tượng của Guru-yoga. Ta có thể quán tưởng vị Bổn Sư dưới hình dạng thông
thường hoặc hình dạng Vajradhara, Marpa, Milarépa, Gampopa, Karmapa, v.v...
Tiếp theo, thực hiện sự cúng
dường bên ngoài, bên trong và bí mật, cũng như bài Kinh "Thất Nguyện"
(Septuple Puja).
Bài Kinh Thất Nguyện gồm: 1) Lễ
lạy, 2) Cúng dường, 3) Sám hối, 4) Tùy hỷ công đức, 5) Thỉnh quý Thầy giảng
pháp, 6) Thỉnh quý Thầy trụ thế, 7) Hồi hướng công đức.
Khởi tâm trở về nương tựa Tam
Bảo, củng cố tâm Bồ Ðề và cầu nguyện như sau: "Tất cả chúng sinh (là cha
mẹ quá khứ) số lượng như hư không, xin hướng về Bổn Sư hiện thân của tam thân
Phật, hãy từ bi...".
Bài cầu nguyện trên dạy rằng
phải quán tưởng vị Bổn Sư không khác đức Phật, hiện thân của Tam Bảo. Thân của
ngài tiêu biểu cho Tăng Già, lời của ngài là Giáo Pháp và tâm của ngài là chư
Phật. Thân, ngữ, ý của Phật chính là Tam Bảo và cũng không khác tam thân Phật.
Bài tụng trên có thể được lập đi lập lại 100.000 lần hoặc hơn. Thông thường
hành giả cũng tụng thêm bài kệ sáu câu của ngài Karmapa đệ nhất và một triệu
lần bài chú của ngài: "Con thành tâm cầu nguyện đến ngài, vị Thầy tôn
kính. Xin ngài gia hộ cho con khiến:
1) Tâm con không còn chấp chặt
vào một cái "Ta thường hằng".
2) Giòng tâm thức của con có khả
năng thấy rằng tất cả ý tưởng thế gian đều là ảo ảnh.
3) Tất cả ý nghĩ trái ngược Phật
pháp đều ngưng khởi.
4) Con hiểu rằng bổn tâm vốn bất
sanh (diệt).
5) Tất cả thành kiến sai lầm
(nhị biên) đều tiêu tan.
6) Con thấu triệt các pháp đều
là Pháp thân."
Sau đó vị Thầy (Lama) tan nhập
vào ta. Quán tưởng rằng thân, ngữ, ý của ngài và Tâm ta trở thành một, không
hai, không khác. Hãy trụ trong trạng thái bất nhị đó càng lâu càng tốt.
Sau khi tụng chú xong, quán
tưởng vị Bổn Sư đang truyền cho ta bốn phép điểm đạo Mật giáo (initiations
tantriques):
Trước hết từ trán vị Bổn Sư, một
hào quang trắng phóng ra bay vào trán ta, tẩy trừ tất cả phiền não thuộc thân
nghiệp. Ðây là điểm đạo sơ khởi, giúp ta tu tập các pháp trong giai đoạn tăng
trưởng và gieo những chủng tử của sự thành tựu Hoá thân.
Từ cổ vị Bổn Sư, một hào quang
đỏ phóng ra bay vào cổ ta, tẩy trừ tất cả phiền não thuộc khẩu nghiệp. Ðây là
điểm đạo bí mật, giúp ta quán chiếu về giai đoạn thành tựu các pháp dẫn chuyển
những luồng khí lực vi tế trong thân và gieo những chủng tử của Báo thân.
Từ tim vị Bổn Sư, một hào quang
xanh lơ phóng ra bay vào tim ta, tẩy trừ tất cả phiền não thuộc ý nghiệp. Ðây
là điểm đạo trí huệ, giúp ta tiến tu các pháp siêu nhập và gieo những chủng tử
của Pháp thân.
Cuối cùng, cả ba hào quang
trắng, đỏ, xanh từ ba nơi trên người vị Bổn Sư đồng phóng ra bay vào trán, cổ,
và tim ta, tẩy trừ tất cả phiền não của ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ðây là điểm
đạo linh âm tối thắng, giúp ta thành tựu Ðại Thủ Ấn, hay giai đoạn vô tướng và
gieo những chủng tử của Thể tánh thân.
Sau lễ điểm đạo, tất cả chư Tổ
của hệ phái tan nhập vào vị Bổn Sư, và vị này cũng tan nhập vào ta.
Hãy trụ trong trạng thái bất nhị
và vô niệm này. Sau đó hồi hướng công đức cầu cho tất cả chúng sinh sớm mau
giác ngộ.
Nếu tinh tấn tu tập pháp này ta
sẽ nhận được nhiều sự gia trì, ủng hộ của chư Tổ, khiến ta sớm thâm nhập được
Ðại Thủ Ấn.
Ðến đây kết thúc phần dự bị tu
tập đặt biệt của Kim Cang thừa: Bổn Sư Du Già.
Vô
thường và sự chết
Nếu không quán chiếu về vô
thường thì tâm sẽ không bao giờ dứt bỏ sự dính mắc cuộc đời. Nếu tâm còn dính
mắc thì còn sinh tử luân hồi. "Sự sống của con người luôn luôn bị đe dọa,
nó vô thường mỏng manh như hòn bọt trên mặt nước, có thể vỡ tan dưới cơn gió
nhẹ. Quả thực là một phép lạ cho chúng ta, sau khi thở ra lại có thể hít vào
được một hơi khác, và sau khi ngủ dậy, thấy rằng mình vẫn còn sống."
(Nagarjuna, Suhrillekla).
Tất cả sự vật, do nhân duyên giả
hợp, đều vô thường, sự sống của mọi loài cũng vậy. Ta không thể nào biết chắc
khi nào ta sẽ chết. Thêm vào đó, khi cái chết đến, ta không thể cầu cứu với ai
được, ngoại trừ Phật pháp. Nếu lúc còn sống, ta tự thả trôi theo giòng đời, bám
víu vào dục lạc nhất thời, thì chắc chắn không thể nào thoát khỏi nguyên nhân
của đau khổ. Vậy ta hãy phát nguyện quán chiếu về sự chết mỗi khi tâm ta chạy
theo ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy).
Tất cả sự vật, là những pháp
hiện hữu do nhiều nhân duyên kết tạo, đều vô thường. Tất cả động vật, bất động
vật, sinh vật và cảnh vật đều là pháp giả hợp. Một bức tường cứng rắn hôm nay,
có thể tiêu tan thành cát bụi ngày mai. Sự sống của ta lại càng mong manh và dễ
mất hơn nữa. Không ai dám quả quyết rằng mình sẽ còn sống ngày mai, và một khi
chết đến thì ngay cả bạn bè, bà con, bác sĩ, thuốc thang, tiền tài, danh vọng
cũng đều bất lực. Chỉ có một điều duy nhất cứu giúp ta được, đó là sự tu hành
theo Phật pháp. Nếu sống một đời đạo đức và tạo nhiều việc thiện, ta có thể
nhắm mắt chết bình thản, vì biết rằng với một nghiệp thiện, ta sẽ tái sinh nơi
nhàn cảnh.
Không nên dại dột nghĩ rằng thỏa
mãn những thú vui thể xác sẽ đem lại cho ta hạnh phúc lâu dài.
Khi mắt bị thu hút bởi những gì
đẹp đẽ và dễ coi ta hãy nghĩ đến cái chết của con thiêu thân lao mình vào lửa,
chỉ vì ưa thích ánh sáng. Về khoái lạc thể xác cũng vậy, hãy nghĩ đến những con
ong bị nuốt sống bởi cây thằng thảo, vì ưa mùi hương; những con ruồi bị chết
ngộp trong hầm phẩn vì ưa thích phân uế; những con cá bị mắc câu vì ham miếng
mồi ngon.
Quán chiếu suy nghĩ về những thí
dụ trên sẽ giúp tâm nhàm chán, lìa bỏ dục lạc của thế gian và thấy đó chỉ là
những nguyên nhân dẫn đến khổ đau.
Ý thức được cái chết có thể đến
bất cứ giờ phút nào, sẽ giúp ta tu hành tinh tấn. Hãy tập nhìn đồ ăn và y phục
như một tên tử tội, sắp bị đem ra pháp trường, nhìn bữa ăn và bộ quần áo cuối
cùng.
Hãy nhớ lại, bao nhiêu bạn bè,
họ hàng người thân của ta đã ra đi? Họ đã ra đi thế nào và bây giờ xác thân của
họ còn lại gì? Nghĩ đến họ xong rồi nghĩ lại bản thân ta cũng sẽ chung số phận.
Làm sao khởi được trong tâm sự sợ hãi giống như đang bị tên đao phủ lôi ra pháp
trường. Khi tâm hoàn toàn nhàm chán tất cả sự vật thế gian, hãy giữ nguyên và
trụ tâm ở trạng thái đó. Ðây là bài dự bị tu tập thứ năm: quán chiếu về sự chết
và vô thường.
Phép quán chiếu trên không phải
để làm cho ta bi quan chán đời. Nếu quán chiếu rằng: "Tôi sắp chết và chả
làm được gì cả!", đây lại là một nguyên nhân của đau khổ, lo âu. Mục đích
của phép quán chiếu trên là thúc đẩy ta tu hành tinh tấn và hiểu rõ nghiệp báo
hay luật nhân quả có thể ảnh hưởng đến sự tái sinh đời sau. Sau nữa, nó đào
luyện cho ta tánh dũng cảm sẵn sàng đối phó với cái chết như người chiến sĩ nơi
sa trường.
"Xưa kia, ta đã rút lui vào
núi ẩn tu, chỉ vì ta quá sợ chết. Nhưng ngày hôm nay, cái chết có thể đến, ta
không còn sợ hãi nữa, vì ta đã thấy và trở về với chân tánh của tâm[5]."
(Djetsun Milarépa).
Nghiệp
báo và luật nhân quả
Tiếp theo ta cần sáng suốt biết
rõ những gì đáng làm và những gì nên tránh phù hợp với luật nhân quả. Một người
tạo nhân nào thì chính người đó sẽ hưởng quả nấy, đó là luật tự tác tự thọ.
Phạm mười điều ác sẽ dẫn đến tái
sinh trong kiếp sống đau khổ. Những hành động chi phối bởi tam độc, tùy theo
nặng, trung bình, nhẹ, sẽ dẫn đến tái sinh nơi địa ngục, ngạ quỷ, hoặc súc
sinh. Ngược lại những hành động tốt lành, đạo đức, tùy theo làm nhiều, vừa hay
ít, sẽ dẫn đến tái sinh nơi cõi Vô Sắc, Sắc hoặc cõi trời Dục Giới.
Do đó ta phải luôn luôn kiểm
soát (những hành động qua) ba nghiệp thân, khẩu, ý.
Theo luật nhân quả thì sự an vui
hạnh phúc là kết quả của những hành động thiện hay nghiệp "trắng"
(bạch nghiệp), và sự đau khổ là kết quả của những hành động xấu ác hay nghiệp
"đen" (hắc nghiệp). Do đó ta cần phải dứt bỏ những hành động xấu ác
và phát triển hạnh lành nếu ta muốn đem lại hạnh phúc cho chính ta và mọi
người.
Mười điều ác bao gồm ba điều của
thân, bốn của lời nói và ba của tâm ý. Ba điều về thân là: sát sinh, trộm cắp,
tà dâm. Bốn điều thuộc lời nói là: nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời dụ dỗ và
mắng chửi. Ba điều thuộc tâm ý là: tham muốn những gì thuộc sở hữu của kẻ khác,
nuôi dưỡng lòng sân hận, và chấp chặt những tà kiến (ý nghĩ sai lầm) như không
tin luật nhân quả.
Không làm mười điều ác kể trên
có thể được xem là mười điều thiện. Song le, nếu có tâm nguyện Bồ Tát ta có thể
làm mười điều thiện hảo sau đây: cứu sống sinh vật; bố thí; giữ giới và khuyên
người khác giữ giới; nói lời chân thật; nói lời hoà giải; đem lại tin yêu; nói
lời êm dịu; ít muốn và biết đủ; nuôi dưỡng lòng từ bi; giảng nói chánh kiến.
Từ bỏ sát sinh, cứu sống mạng
người sẽ được trường thọ; ngược lại, tiếp tục giết hại thì mạng căn ngắn ngủi
và đầy bệnh tật. Quảng đại bố thí sẽ đưa đến giàu có; trộm cắp dẫn đến nghèo
khổ, nạn nhân của bóc lột. Giữ giới thanh tịnh thân thể sẽ được cường tráng, an
vui hòa thuận vợ chồng; phá giới, tà dâm, thân thể sẽ bạc nhược, gia đình tan
rã. Nói lời chân thật sẽ được tin cậy; nói dối đem lại bất tín. Nói lời hòa
giải thì bạn bè luôn luôn thắm thiết; nói lời chia rẽ gây nhiều kẻ thù và sự
ganh ghét. Nói lời đứng đắn, không ỷ ngữ sẽ được nghe lại nhiều điều hữu ích;
nói xàm hay dụ dỗ sẽ bị nghe lại những điều lẩm cẩm vô ích. Nói lời êm dịu sẽ
được kính mến; nói lời hung dữ sẽ bị mắng chửi.
Nếu biết tự mãn không tham lam,
đời sống sẽ cụ túc. Nếu luôn luôn dòm ngó, ham muốn vật sở hữu của người thì
muôn đời thiếu thốn. Có lòng từ bi sẽ được đối xử tử tế và kính trọng, ngược
lại, độc ác sẽ bị đối xử tệ bạc và nghi ngờ. Giảng nói điều chân chính thì
thông minh và trí huệ sẽ tăng trưởng, chấp chặt vào sự hiểu biết sai lầm thì
tâm trí sẽ nhỏ hẹp và ngu đần.
Trên đây kể sơ lược kết quả của
những hành động (nghiệp nhân). Có một cách khác đoán biết nghiệp quả tương lai,
đó là nhìn vào những động lực thúc đẩy sự tác nghiệp. Nếu hành động tác nghiệp
bị chi phối bởi kiêu mạn sẽ dẫn đến tái sinh trong loài trời; loài A Tu La bởi
sự ganh tỵ; loài người bởi sự ham dục; loài súc sinh bởi sự u mê; loài quỷ đói
bởi sự keo kiệt và loài địa ngục bởi sự ác độc.
Sau khi nghiên cứu và học hỏi kỹ
lưỡng luật nhân quả và nghiệp báo, ta cố gắng làm nhiều và tăng trưởng điều
lành, ngăn chặn và dứt bỏ điều ác. Ðó là bài dự bị tu tập thứ sáu.
Sự
đau khổ của luân hồi
Nếu muốn giải thoát khỏi luân
hồi, ta cần phải quán chiếu về đau khổ và sang tâm nhàm chán nó. Có thực sự
nhàm chán mới nôn nóng tìm cầu giải thoát. Còn không thì dù có học rộng biết
nhiều (kinh điển) cũng chỉ lần lựa qua ngày, tiếp tục trôi lăn trong sanh tử.
Bây giờ hãy quán sơ về nỗi khổ
của chúng sanh trong lục đạo. Chúng sanh ở địa ngục bị hành hạ, thiêu đốt; ngạ
quỷ luôn luôn đói khát; súc sinh bị đánh đập, nuốt xé; loài người phải sinh,
già, bệnh, chết; A Tu La luôn luôn chiến tranh; loài trời thì đau đớn và sợ hãi
lúc mạng chung.
Tất cả những gì xảy đến với
chúng ta, dù đau khổ hay sung sướng cũng đều là đau khổ, vì nằm trong "khổ
khổ", "hành khổ" và "hoại khổ". Dù tái sanh làm Chuyển
Luân Thánh Vương (Cakravartin), Phạm Thiên (Brahma) hay Ðế thích (Indra),
v.v..., cũng không thể thoát khỏi ba cái khổ trên. Ý thức và tin chắc rằng sinh
tử, luân hồi chẳng khác chi ngục tù, hầm lửa, vực sâu, ta phải nhanh chân tìm
cầu ngay từ bây giờ một con đường giải thoát.
Có ba loại đau khổ: khổ khổ,
hành khổ và hoại khổ. Khổ khổ là sự đau khổ thông thường (khổ trong cái khổ)
như bịnh hoạn, già yếu, v.v... Có nhiều sự vật bên ngoài dường như sung sướng,
nhưng giây phút sau liền đem lại đau khổ: một bữa yến tiệc linh đình có thể đem
lại đau bụng hay bội thực, một phút khoái lạc nhục dục có thể đem lại bệnh tật
suốt đời. Ðây gọi là hành khổ, sự đau khổ của biến chuyển bất thường.
Có một sự đau khổ luôn luôn hiện
hữu, tiềm tàng trong mọi vật mà người thường gần như không hay biết, nhưng đối
với các bậc Thánh (Aryas) đã có cái thấy thanh tịnh về tánh Không thì lại thấy
rõ ràng như ban ngày, đó là Hoại khổ. Tất cả sự vật trên thế gian này đều do
nhân duyên giả hợp mà có, đều đang bị tàn hoại trong từng giây phút, từng sát
na.
Sau khi quán chiếu như trên, ta
làm khởi lên sự nhàm chán đối với cuộc đời và phát tâm cầu giải thoát khỏi đau
khổ. Ðây là tâm nguyện của Tiểu thừa, và nếu phối hợp với sự thấu hiểu về tánh
Không (Vacuité) sẽ dẫn đến giải thoát hoàn toàn. Nếu muốn giải thoát và cùng
lúc đạt được nhất thiết trí (omniscience) thì ta phải tiến xa hơn. Ngoài sự
sanh tâm nhàm chán cuộc đời, ta cần phát khởi tâm Bồ Ðề. Ý thức được tất cả
chúng sinh trong luân hồi đều đang chịu đau khổ, mong muốn được giải thoát, nên
ta cần phải cố gắng đạt được Phật quả[6] để cứu
độ họ. Chính nhờ tâm nguyện này phối hợp với sự chứng ngộ Không tánh sẽ dẫn đến
Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Trên đây là bài dự bị tu tập thứ
bảy: quán chiếu về đau khổ của luân hồi và phát tâm Bồ Ðề.
Ðược
thân người là chuyện hy hữu
Chúng ta tu hành, tụng kinh,
ngồi thiền được là nhờ có thân người quý báu. Tuy vậy đa số lại hờ hững không
để ý, thả trôi theo trụy lạc và lười biếng. Nếu ngày mai thần chết đến, ta phải
lìa bỏ xác thân ra đi với hai bàn tay trắng, lúc đó ta sẽ ra sao? Phải biết, có
được thân người là chuyện hy hữu, vì rất khó được mà lại dễ mất. Do đó ta đừng
phí phạm ngày giờ, hãy dành trọn cuộc đời vào sự tu học và thiền quán. Quán
chiếu như vậy thuộc bài dự bị tu tập thứ tám.
Một thân người có đầy đủ lục căn
và nhân duyên để học và hành Phật pháp quả thật hiếm có và quý giá. Nó là một
dụng cụ dẫn ta đến giác ngộ và giải thoát, nhưng ngược lại, nếu không cẩn thận,
nó cũng có thể dẫn ta đầu thai ở những cảnh khổ. Tái sanh được làm người như
trên do nhờ đời trước đã tích tụ công đức và trí huệ, nhất là giữ giới cũng như
thành tâm cầu nguyện. Tôn giả Bình Thiên (Santidéva) nói rằng: "Thân người
rất khó được, chẳng khác chi việc một con rùa mù sống dưới đáy biển, 100 năm
mới trồi lên mặt nước một lần để chui cổ vào một cái vòng vàng, mà gió thổi
lênh đênh trên mặt biển". Trong thí dụ trên, con rùa tượng trưng chúng
sinh, mù là vô minh, ở dưới đáy biển là sống trong ba đường khổ, trồi lên mặt
biển là tái sinh, vòng vàng tượng trưng cho thân người, gió thổi vòng trôi lênh
đênh chính là gió nghiệp.
Tính theo số lượng thì sự tái
sinh làm người cũng vô cùng khan hiếm. Trong Kinh sách thường nói số chúng sinh
ở địa ngục đông như số cát trong sa mạc, số ngạ quỷ như những hạt bụi trong
không khí, số thú vật như những ngôi sao trên trời ban đêm và số loài người như
những ngôi sao thấy được ban ngàỵ. Mặt khác, ta có thể kiểm tra nhân số của một
nước, nhưng không thể nào tính đếm được số thú vật, côn trùng và vi trùng ở
trong nước đó.
Ngoài ra, trong số dân chúng
trên địa cầu này, những người có lòng từ bi, quảng đại rất hiếm, và trong số
này những người có nhân duyên và khả năng tu tập Phật pháp lại ít hơn một trăm
ngàn lần. Do vậy, một khi đã có được thân người, đừng nên phí phạm; cái chết
luôn luôn đến quá sớm, quá bất ngờ. Ta đừng nên giống như những người lái buôn
ra biển tìm kho tàng, bảo vật mà lại trở về tay không. Hãy từ bỏ những khoái
lạc phù du, tinh tấn tu tập Phật pháp để sớm đạt hạnh phúc tuyệt đối, vĩnh cửu.
Bốn
điều kiện cần thiết
Luôn luôn ghi nhớ trong tâm về
sự vô thường của cuộc đời và sanh tâm nhàm chán. Phải nương theo một vị Thầy giác
ngộ. Ðây là điều kiện chính yếu dẫn đến thành công. Dứt bỏ những thành kiến
phân biệt về tông phái. Tất cả giáo lý của các trường phái khác nhau chỉ là
những phương tiện thiện xảo, tùy theo căn cơ của chúng sinh, dẫn đến giác ngộ,
giải thoát. Do đó không nên khởi tâm nghi ngờ về pháp môn mình đang tu tập.
Mặc dù thành tâm tinh tấn tu tập
nhưng không dính mắc vào hy vọng và lo âu như nghĩ rằng: "Nếu ta thiền
quán bây giờ, hoặc trong quá khứ hoặc tương lai, thì ta được phước, nếu không
thì thật xấu hổ, v.v...".
[1] Sách Tây Tạng thường nói
"giòng tâm thức" để chỉ định cái tâm. Vì theo các trường phái Duy
Thức và Trung Quán thì tâm không phải một vật có tự tánh cố định mà là một
giòng ý thức luôn trôi chảy.
[2] Vajrasattva: Việt dịch là
Kim Cang Tát Ðỏa, cho đó là một vị Kim Cang thần hay Bồ Tát, nhưng đối với Tây
Tạng thì đó là một hóa thân Phật.
[3] Divinité de méditation
(Yidam): tức là các vị Bồ Tát Hộ Thần, Hộ Mạng, còn được dịch là Ðại Thần Linh
Thủ Hộ. Những vị này xuất hiện rất nhiều trong các pháp thiền quán Mật giáo và
giữ một vai trò trọng yếu đối với hành giả Mật tông Tây Tạng.
[4] Kim cương, ngọc báu ở đây
không bắt buộc là đồ thiệt. Có thể dùng những đồ trang sức bằng nhựa hay đá đẹp
để tượng trưng.
[5] Véritable nature de
l’esprit: dịch là bổn tánh hay chân tánh của tâm. Thực ra tâm và tánh khác
nhau, nhưng đa số chúng ta thường cho tâm là tánh.
[6] Các sách Âu Mỹ khi nói đến
sự chứng ngộ hay thành Phật thường dùng chữ Etat de Buddha, vì chứng ngộ là một
trạng thái tâm linh hơn là thể xác.