Chương 3.
Thiền Quán
Quán
chiếu tâm an tịnh
Phần hai của sự tu tập (chính
yếu) là Thiền Quán hay quán chiếu thâm sâu. Cũng như trước, ta phải ngồi trong
tư thế vững chắc (Kim Cang tọa), nhưng lần này cách nhìn rất ư là quan trọng.
Hai mắt không còn khép hờ, nửa nhắm nửa mở, không được liếc ngó lung tung hay
thay đổi điểm tựa. Ngược lại, với sự tập trung sắc bén, mãnh liệt, ngó thẳng
đằng trước, tầm mắt hướng nhẹ lên khoảng trống hư không trước mặt.
Trong phần tu Thiền Ðịnh, tâm
dần dần trở nên vắng lặng tựa như một tấm gương sáng. Tiếp theo, với Thiền
Quán, ta quán sát thể tánh của tấm gương cùng những hình ảnh trên đó. Cách quán
sát (tầm mắt) cũng thay đổi. Trong lúc tu Thiền Ðịnh, hai mắt thả nhẹ và nhìn
xuống phía trước. Nay tu Thiền Quán, hai mắt chú ý nhìn kỹ hướng nhẹ lên trên
phía trước mặt, điều này sẽ khiến tâm tỉnh giác và bén nhạy.
Bây giờ hãy đặt tâm trong trạng
thái yên tịnh, buông thả tự nhiên, không khởi niệm hay ý thức về một cái
"Ta", không lo nghĩ. Sau đó gia tăng từ từ sự tập trung tâm ý khiến
nó trở nên sáng suốt và bén nhạy.
Ðến đây bắt đầu quán sát kỹ
lưỡng thể tánh của tâm trong lúc nó đang ở trạng thái hoàn toàn vắng lặng. Thể
tánh của tâm ra sao? Có hình tướng, màu sắc hay kích thước không? Có khởi điểm,
kết thúc hay tồn tại không? Nó ở trong, ở ngoài hay ở đâu? Ngoài trạng thái an
tịnh này ra, còn một ý thức nào khác không? Chả còn gì khác hơn sự rỗng lặng
không thể định nghĩa chăng? Hoặc giả trong trạng thái an tịnh này, có một ý
thức hay một "cái biết" mặc dù không thể định nghĩa (là cái này hay
cái kia) trong sáng, thanh tịnh không thể diễn tả bằng lời (như một người câm
không thể diễn tả vị ngọt của đường)? Tánh của tâm an tịnh này phải chăng là
một vùng u tối vô tận? Hay một trạng thái sáng suốt bén nhạy?
Tất cả những nghi vấn quan trọng
trên đều liên quan mật thiết đến cái mà ta thường gọi là "bổn tánh"
(nature primordiale) hay thực tánh của tâm.
Nhận ra được thực tánh của tâm
(còn gọi là Phật tánh) đó là giác ngộ. Ngược lại, nếu chìm đắm trong lầm lẫn,
bao phủ bởi bóng tối và vô minh, đó là luân hồi và tự tạo khổ đau.
Bởi vậy, khi vị Thầy (Lama) thăm
hỏi về diễn tiến của sự tu tập, nếu ta trả lời bằng khái niệm trí thức hoặc lập
lại như một con vẹt những gì đã được nghe như thuật ngữ Pháp thoại (kỳ quặc mà
ta không hiểu nghĩa) hoặc tệ hơn nữa, với tâm còn nô lệ tám tình đời[1] muốn
làm cho Thầy mình kinh ngạc, ta trả lời rằng đã chứng nghiệm được nhiều điều
đặc biệt, kỳ bí mà chính bản thân chưa hề đạt đến. Nếu trả lời như vậy, vô tình
ta đã tự đắp lên mắt một màn lưới đục và tự lừa dối mình mà thôi. Hơn nữa nếu
đã thọ giới thì ta lại phạm vào giới cố nói dối về sự chứng đắc (vọng ngôn). Do
đó, ta không nên bịa đặt hay tưởng tượng mà cần phải thành thật trình bày những
kinh nghiệm thực có trong lúc tu tập.
Không nên mắc cở hay ngại rằng
kinh nghiệm của ta tồi tệ, không có gì đặc sắc. Thí dụ sau khi quán sát tâm,
nếu cảm thấy nó màu trắng, ta hãy thưa thật như vậy. Có thể vị Thầy sẽ bảo ta
nhìn kỹ lại xem nó có phải màu vàng không? Sau một thời gian, nếu ta trở lại
đáp rằng: "nó màu vàng", vị Thầy sẽ trả lời ta: "Không, nó không
vàng cũng không trắng". Qua sự thưa hỏi, vấn đáp thành thật như trên, vị
Thầy ấy sẽ hướng dẫn ta nhận ra thực Tánh của tâm. Nếu tu tập hay quán chiếu
một mình, nhiều khi bổn tánh có thể hiện bày mà ta vẫn không hay biết. Do đó
cần phải nương tựa một vị Thầy và phải hết sức thành thật; nếu không, vị Thầy
ấy cũng không thể giúp gì được cho ta cả. Vấn đề quan trọng cần được ý thức ở
đây là sự mong cầu giác ngộ, giải thoát khổ đau của chính ta, chứ không phải là
một trò giải trí.
Hãy chăm chú quán sát tâm. Sau
đó ngưng một chút rồi trở lại quán sát tiếp. Muốn cho sự quán sát được dễ dàng,
ta cần để tâm an trụ trong trạng thái tĩnh lặng, trong sáng tựa như bầu trời
không một chút mây. Tiếp theo chăm chú, dùng hết sức bình sinh nhìn kỹ xem tánh
của tâm (nature de l’esprit) ra sao? Ðây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự
nhận diện nó. Thêm vào đó, vị Thầy cần phải thăm hỏi các đệ tử, hướng dẫn họ
tùy theo cá tính và trình độ. Nếu cần, vị Thầy có thể thúc giục hoặc lập lại
nhiều lần một câu hỏi để xem câu trả lời của đệ tử phải chăng do hiểu biết trí
thức, tưởng tưởng phù du hay trực nghiệm vững chắc. Về phần đệ tử, cũng phải
thành thật trình bày. Ðây là điểm thứ nhất của Thiền Quán: quán chiếu tâm an tịnh.
Quán
chiếu tâm dao động
Muốn dứt tuyệt gốc rễ của vô
minh, ta cần phải quán chiếu tiếp tâm dao động hay giòng ý niệm (tư tưởng) và
nhận ra thực tánh của nó. Bắt đầu trong tư thế tĩnh tọa và hướng tầm mắt như ở
phần trước. Sau đó điều khiển tâm từ từ đến trạng thái an lạc, sáng suốt, vô
niệm. Sau khi hoàn toàn an trụ trong trạng thái này, hãy để cho một ý niệm tự
khởi lên, nếu không có thì cố ý khởi lên hoặc suy nghĩ về một vấn đề nào đó.
Khi một ý niệm bắt đầu khởi, hãy
quán sát nó, xem nó có hình dáng màu sắc không? Khởi lên từ đâu, tồn tại chỗ
nào và tan biến ở đâu? Nó nằm ở trong hay ở ngoài thân? Nếu ở trong thì phải
chăng ở tim, gan, phổi hay đầu, óc, v.v...? Dù ở trong hay ở ngoài, hãy quán
sát xem nó tồn tại ra sao? Khởi lên thế nào? Cứ thế mà quán chiếu.
Thể tánh của tâm dao động này ra
sao? Có nguyên nhân hay không nguyên nhân? Có khởi điểm, chấm dứt, màu sắc hay
hình dáng không? Nếu có, nó ra sao? Nếu ta cho rằng nó không thể được định
nghĩa hay khái niệm như trên, vậy làm sao hiểu được nó? Phải chăng nó là tri
thức hay một tánh biết vô thủy vô chung? Khi quán chiếu về một ý niệm, ta có
thấy rằng tất cả ý niệm đều trống rỗng, không lệ thuộc vào hành uẫn, không đầu,
không đuôi?
Sau khi một ý niệm tan biến, nó
có để lại dấu vết nào không? Tất cả ý niệm khởi lên, có thể nắm bắt và nhận
định được không? Hãy quán chiếu. Nếu bảo rằng không thể nhận định được, vậy khi
tâm ý thức được một ý niệm đang khởi, thử hỏi ý niệm đó có (hiện hữu) hay
không?
Ta có thể đặt vô số câu hỏi như
trên. Thí dụ như: "Tôi gặp một người bạn hôm qua". Ý niệm này từ đâu
đến? Ðang ở đâu? Cấu tạo ra sao? Ý niệm này có cùng một hình dáng với người bạn
không? Hình dáng này có phải chính là bản thân người bạn không? Khi ý niệm này
trôi qua, nó có để lại dấu vết nào không, hay giống như một chùm mây tan biến
trên bầu trời? Nếu bảo rằng ý niệm (về người bạn) vừa rồi không có thực chất và
không thể tìm thấy, vậy cái ý niệm vừa bảo (rằng ý niệm trước không có) đó có
hay không có? Nếu một người câm không thể diễn tả được ý nghĩ của họ, phải
chăng họ không có ý nghĩ?
Nếu đặt câu hỏi đối với một ý
niệm như trên, ta có thể hỏi cho đến chết cũng chưa hết. Khi bị quấy nhiễu bởi
những tên ăn trộm, nếu ta bắt được một tên và đem ra trừng phạt trước công
chúng nhiều lần, chắc chắn những tên còn lại sẽ không còn dám đến phá phách ta
nữa. Ðối với ý niệm hay vọng tưởng cũng vậy. Những câu hỏi kiên nhẫn và
"hóc búa"[2] sẽ làm chúng giảm sức mạnh, không dám bén mảng thường
xuyên. Nếu có trở lại thì cũng yếu dần và không còn làm phiền ta nhiều. Như thế
dần dần ta mới có thể nhìn rõ thực tánh của tâm và của các ý niệm.
Khi một ý niệm được khởi lên, tự
nhiên hoặc cố ý, hãy quán sát nó một cách khách quan, không ngăn cản cũng không
dính mắc. Nếu có những cảm giác khổ vui cùng phát sanh với nó, ta cũng quán sát
như trên. Không cần đếm biết có bao nhiêu ý niệm đã khởi, chỉ cần nhìn thẳng và
quán sát chúng, không tham dự hay gán thêm cho chúng những ý nghĩ tốt, xấu,
v.v...
Khi thấy rằng tánh của những ý
niệm là một cái biết trong sáng, lúc đó hãy tìm lại và so sánh nó với cái biết
trong sáng đạt được trong lúc tâm an tịnh. Nếu không thấy khác biệt, lúc đó hãy
ngưng mọi suy tư và trụ tâm vào trạng thái sáng suốt, rỗng lặng. Ở trạng thái
này, nếu bỗng nhiên có một ý niệm khởi lên, hãy nhìn thẳng vào thực tánh của nó
để thấy rằng nó không có hiệu lực nào làm dao động cái tánh biết (sáng suốt,
rỗng lặng) nguyên thủy.
Một ngọn sóng trồi lên, sụp
xuống có làm rung chuyển đại dương không? Một cụm mây có ngăn ngại được hư
không chăng?
Hãy chăm chú quán chiếu để trực
nghiệm thấy được những điều trên. Tóm lại, khi vị Thầy và đệ tử cùng nhau đạt
đến kết luận rút tỉa từ sự thấu hiểu (sau khi quán chiếu) về các ý niệm hiện
khởi nơi đệ tử, tức thì gốc rễ vô minh bị cắt đứt và bổn tánh của tâm hiển lộ.
Ðây là điểm thứ hai của Thiền Quán.
1/ Ngược dòng: đây là những ý
niệm phân tách, tìm tòi nguyên nhân của một việc, nó là một phần của trí huệ
(thí dụ như những câu hỏi "hóc búa") có công năng kéo tâm trở về gần
bổn tánh hay thực tại.
2/ Xuôi dòng (đời): đây là những
ý niệm suy nghĩ tính toán chuyện thế gian liên quan đến cái Ta (ngã) lôi dẫn
hành giả ra khỏi đề mục quán chiếu. Do đó được xem là vọng niệm.
Những ý niệm ngược dòng không
hẳn là chánh niệm mà chỉ là phương tiện thiện xảo đối trị vọng niệm, khai mở
dần trí huệ, tương tựa như những công án thiền.
Quán
chiếu tâm chiếu soi cảnh vật
Ðể thấu hiểu tính bất khả phân
chia giữa tâm và cảnh, ta phải tiếp tục quán chiếu tâm khi nó chiếu soi cảnh
vật (với một tri giác thuần túy). Ngồi trong tư thế tĩnh tọa như ở phần trước,
tập trung tâm ý hướng mắt về một vật như: bình hoa, bức tranh hay bất cứ hình
sắc nào đặt phía trước mặt. Hãy nhìn một cách kỹ lưỡng, sau đó giảm dần cường
độ, rồi lại gia tăng.
Tương tựa như thế, ta có thể chú
tâm vào một tiếng động, một âm thanh đối tượng của nhĩ thức, quán chiếu xem
tánh của một âm thanh êm dịu và khó chịu là một hay khác? Quán chiếu âm thanh
giọng nói của chính mình và của người khác, v.v... Cứ thế, quán chiếu đối tượng
của 5 căn, tức 5 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Khi tâm tiếp xúc chiếu soi cảnh
vật, tâm và cảnh là một hay hai thực thể biệt lập? Cảnh vật đi từ bên ngoài vào
tâm hay tâm (năng chiếu) phóng ra đến cảnh vật và nghĩ rằng: "Ta sẽ chiếu
soi chúng"? Thật ra tâm và cảnh không thể tách rời (giống như mặt gương và
hình ảnh trong gương).
Hãy quán sát tánh biết (nhận
thức) khi nó tiếp xúc với 5 trần. Nhìn kỹ xem có sự khác biệt nào giữa tánh
biết (tâm) và 5 trần (cảnh) không? Khi nhìn một vật, vật ấy phải hoàn toàn hiện
hữu bên ngoài?
Khi ta nhắm mắt, vật kia có mất
không? Khi ta lấy hai tay che mắt, cảnh vật bên ngoài trở thành u tối chăng?
Nếu trả lời là không, tức đương
nhiên công nhận tâm và vật là một, không khác. Nếu bảo tâm và vật là hai và vật
thực sự có (hiện hữu) bên ngoài, vậy cái tâm hay biết (vật đó) ở đâu? Nó nằm ở
trong hay ở ngoài vật? Hãy cẩn thận, quán chiếu kỹ lưỡng.
Tiếp theo, ta quán chiếu về thân
và tâm xem là một hay khác. Thân do tứ đại giả hợp, vô thường sinh diệt, còn
tâm thì tự tánh bất sinh bất diệt, vô thủy vô chung, làm sao có thể là một
được? Nếu bảo là khác thì phải nhận định và tách rời được đâu là thân, đâu là
tâm. Nhưng tâm không phải một vật mà ta có thể xác định được vị trí của nó. Nó
không hẳn nằm ở phía trên hay phía dưới thân thể, mà nó nằm ở khắp châu thân.
Nếu không như vậy, làm sao có thể biết được rằng ta đau nhức ở đâu?
Thân và tâm liên hệ nhau như
năng và sở (như tách trà và trà được chứa). Nếu bảo rằng thân ở ngoài, tâm ở
trong như hai vật cách biệt, vậy khi xảy đến một cảm giác thì cái nào hay biết?
Nếu bảo thân hay biết thì xác chết kia (không còn tâm) cũng phải hay biết chứ!
Nếu bảo tâm hay biết tức thân và tâm không thể là hai vật hoàn toàn khác biệt.
Mặt khác, tâm là vật vô hình
tướng, không thể giết hại hay đánh đập, vậy khi thân bị kim chích, sao tâm cũng
biết đau? Phải chăng nếu chích vào thân, ta cũng chích luôn tâm? Hãy quán chiếu
kỹ lưỡng trước khi kết luận.
Cần biết rằng thân và tâm không
phải là một cũng không phải khác. Trên phương diện tương đối thì chúng tựa như
đồ chứa và vật bị chứa, nhưng tuyệt đối thì chúng không phải là hai thực thể
hiện hữu riêng biệt.
Tương tựa như thế, ta cần hiểu
rõ sự liên quan giữa cảm giác và tâm chẳng khác gì sóng và nước. Tiếp tục quán
chiếu như vậy cho đến khi nào thấu hiểu hoàn toàn về bổn tánh của thực tại. Ðây
là điểm thứ ba của Thiền Quán.
Quán
chiếu cùng lúc tâm an tịnh và tâm dao động
Hãy đặt tâm trở lại trạng thái
trong sáng, rỗng lặng, và quán sát tánh của nó. Sau đó khởi lên một ý niệm và
cũng quán sát tánh của nó. Nhìn kỹ xem hai tánh này là một hay khác? Nếu bảo là
khác thì khác chỗ nào? Tâm an tịnh và tâm dao động xuất hiện cùng một lúc hay
luân phiên nhau, cái này trước, cái kia sau? Tâm an tịnh có giống như một cánh
đồng trong đó tâm dao động khởi lên như những cây lúa chăng? Hoặc giả cả hai
đều giống nhau tựa như một cuộn dây và những sợi chỉ dệt nên nó? Khi tâm an
tịnh, không mảy may vọng niệm, nó có di chuyển không? Khi tâm dao động (khởi
niệm), nó có cùng lúc an tịnh không? Chắc chắn phải có sự khác biệt giữa hai
tâm, vì tâm dao động hay suy nghĩ, khái niệm sự vật, trong khi đó tâm an tịnh
lại không mảy may vọng động, rỗng lặng như như. Nhưng nếu cho rằng hai tâm này
tánh khác nhau, vậy khác nhau ở màu sắc, hình dáng chăng? Khác nhau ở sinh,
trụ, diệt hoặc ở quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc ở thường, vô thường? Hãy quán
chiếu kỹ lưỡng xem sự khác biệt nằm ở đâu?
Kiên nhẫn tu tập, quán chiếu về
sinh khởi của ý niệm, ta sẽ hiểu tánh của tâm an tịnh và tâm dao động chỉ là
một, nó thay phiên nhau hiện khởi. Khi tâm đứng lặng thì không có gì di động;
khi tâm di động thì không có gì đứng yên cả, như nước và sóng. Hiểu rõ tánh
không hai của tâm, đó là đã giác ngộ được một phần nhỏ.
Tâm tựa như một tấm gương sáng,
luôn luôn chiếu soi dù có hay không có cảnh vật.
Từ nay mỗi lần thiền quán, ta
phải quán chiếu tiếp tục những ý niệm, xem nó có phải là một phần của
"tánh rỗng lặng"[3], hay nó tan biến rồi nhường chỗ lại cho
"tánh rỗng lặng"?
Nói một cách khác, phải chăng
khi mặt trời ló rạng, ta mở cửa sổ, tức thì bóng tối tan hoà vào ánh sáng? hay
bóng tối chạy đi nơi khác nhường chỗ lại cho ánh sáng?
Hoặc giả chính ý niệm tự thân nó
cũng là rỗng lặng? Nếu cho rằng một trong hai giả thuyết trên là đúng, ta phải
thành khẩn tham vấn vị Thầy cầu gia hộ, và sau đó trở về cố gắng quán chiếu một
lần nữa để thấu hiểu thế nào là thực tánh của các pháp.
Cách thức quán chiếu (thực) tánh
của tâm có thể chia làm 3 loại tùy theo căn tánh của hành giả:
1) Tu tập Thiền Quán trước rồi
đến Thiền Ðịnh.
2) Tu tập cùng lúc Thiền Quán và
Thiền Ðịnh.
3) Tu tập Thiền Ðịnh trước rồi
đến Thiền Quán
Loại 1) và 2) thường thích hợp với
người nghiệp nhẹ, căn tánh lanh lợi. Người căn tánh trung bình nên tu tập theo
loại 3) với sự chỉ dẫn thứ tự mạch lạc như đã trình bày ở các chương trước.
Hãy tinh tấn tu tập, không nên
giải đãi, tăng trưởng lòng tin và kính trọng đối với vị Thầy. Củng cố sự tập
trung tâm ý không để xao lãng, không mong cầu cũng không lo sợ.
Nếu cố gắng tu tập quán chiếu
tâm (cộng thêm chí nguyện Bồ Ðề), chắc chắn sẽ trực ngộ nhanh chóng tánh giác
nguyên thủy (bổn tánh). Ðến đây, hãy dứt bặt các ý niệm nghi vấn về tâm an tịnh
và tâm dao động. Ðây là điểm thứ tư.
Nhận
ra tánh của tâm an tịnh
Thực ra vị Thầy không cần ra tay
chỉ bày, nếu ta tinh tấn tu tập y theo những lời chỉ dẫn ở trước, thì bổn tánh
sẽ hiển lộ tự nhiên. Song le có nhiều người dù tinh tấn vẫn không thể nhận ra.
Lại có một số khác, chưa bao giờ đạt được kinh nghiệm trực tiếp, nhưng nhờ đọc
sách nghe Kinh, có được sự hiểu biết khái niệm, lại bày đặt dùng những thuật
ngữ, Pháp ngữ diễn tả bổn tánh. Do đó vị Thầy cần phải có khả năng nhận định
căn tánh của đệ tử, và đệ tử cũng phải luôn thành thật với Thầy.
Sau khi xem xét quán chiếu tâm,
ta sẽ thâu thập được nhiều kinh nghiệm khác nhau, nhưng không biết đâu là phải
hay trái. Ở trường hợp này, địa vị của Thầy trở nên quan trọng, qua nhiều phản
ứng cùng chất vấn, vị Thầy ấy sẽ hướng ta đến gần bổn tánh bằng cách xác định
những điều ta thấy là kinh nghiệm trực ngộ hay chỉ là mường tượng. Ðây gọi là
khai thị, hay đúng hơn là giúp ta nhận ra.
Sau đây là cách thứ nhất giúp
cho những người sơ cơ nhận ra bổn tánh (của tâm):
Sau khi điều tâm trở về trạng
thái an tịnh, hãy nhìn thẳng vào tánh của nó. Ðó là một vầng ánh sáng (hào
quang) trong suốt và linh động, không phải là hư vô. Trong trạng thái này có
một cái biết trong sáng, rộng tỏa, êm dịu, thông suốt, không thể định nghĩa
được. Không thể nói đó là cái này hay cái kia, màu này hay dáng nọ, v.v... cũng
không thể diễn tả bằng lời được. Dù không thể định nghĩa hay diễn tả, cái biết
nguyên thủy, thanh tịnh chiếu soi rõ ràng mọi vật không ngăn ngại, vẫn hiển lộ
sờ sờ trước mặt. Cái biết này không phải là một cái gì trước kia không thấy nay
mới thấy, trước kia không kinh nghiệm, nay mới kinh nghiệm, hoặc trước không
biết nay mới biết.
Nó luôn luôn có mặt vì tánh của
tâm là thường hằng.
Thêm nữa ta phải ý thức chắc
chắn rằng nó không thể định nghĩa hay khái niệm được. Nếu chỉ có một sự hiểu
biết trí thức, văn tự, hào nhoáng cho rằng bổn tánh là một trạng thái trong
suốt, tĩnh lặng thì sẽ không bao giờ đạt được tiến bộ nào cả. Ngược lại nếu
thực sự đạt đến kinh nghiệm này qua thiền tập, đó là ta đã thấy được tánh của
tâm an tịnh. Ngoài sự tu tập Thiền Quán, không còn cách nào khác để trực nhận
được tánh này. Nếu vị Thầy giảng nói quá sớm (trước khi ta thực sự chứng
nghiệm), ta sẽ dính mắc vào hiểu biết khái niệm chết cứng và dần dần sẽ chán
nản. Dù cố gắng giảng giải đi nữa, điều đó cũng chỉ làm hại cho ta mà thôi. Vì
lý do này, vị Thầy không nên giảng nói về tánh (của tâm) trước khi kinh nghiệm
của đệ tử chín mùi.
Nếu chưa cắt đứt được giòng tư
tưởng, ý niệm, ta sẽ không thấy được tánh (của tâm an tịnh). Nếu không thấy
được, làm sao ta có thể biết nó ra sao? Chưa nhận ra được nó thì vẫn chưa thực
sự bước vào con đường giác ngộ.
Trong lúc Thiền Quán, nếu có
những kinh nghiệm chán nản xảy đến thì phải kiên nhẫn gia tăng sức quán chiếu.
Nói một cách khác, khi có cảm
giác đau đớn, khó chịu, không nên than khóc, phải nhìn thẳng vào cái tâm đang
cảm thọ sự đau đớn. Nhờ sự gia tăng chú ý này, các vọng niệm khác sẽ dứt bặt.
Giảng dạy những cách thức tu tập
như trên gọi là truyền khẩu. Khi ta hiểu được toàn bộ cách thức tu tập thì cuộc
truyền khẩu được xem như chấm dứt. Sau đó ta có thể tự tu tập dễ dàng, khai
triển kinh nghiệm quán chiếu. Tuy nhiên nếu muốn biết chắc đã trực ngộ đuợc
tánh cùng xóa tan mọi nghi ngờ, ta vẫn cần sự ấn chứng và chỉ đạo của vị Thầy.
Một cách tổng quát, tu thiền bao
gồm hai điều thiết yếu: Thiền Ðịnh và Thiền Quán. Thiền Ðịnh là đưa tâm trở về
trụ trong trạng thái bổn nhiên, êm dịu trong sáng, các ý niệm đều tiêu tan
(ngay khi chúng vừa phát khởi). Tâm không còn phóng chạy bừa bãi theo ý niệm
vật chất thế gian nữa, nó hoàn toàn an lạc, tất cả vọng tưởng dường như chìm
vào giấc ngủ vùi. Lúc này ta hoàn toàn tự chủ, có thể tùy ý kéo dài hay thâu
ngắn trạng thái này và nhiều khi có cảm giác như không còn hô hấp nữa. Ðây
chính là dấu hiệu thành tựu Thiền Ðịnh.
Những giây phút trực nghiệm về
an lạc, sáng suốt và vô niệm này rất quan trọng. Tuy không hẳn là thực tánh (vì
chưa phối hợp với Thiền Quán) nhưng thiếu chúng, ta không có thể tiếp tục được.
Tinh tấn tu tập, khai triển an trụ trong Thiền Ðịnh, không để rơi vào hôn trầm,
tán loạn, dần dần ta sẽ nhận ra được thế nào là tánh của tâm. Nó vừa rỗng lặng,
vừa trong sáng, vượt khỏi mọi khái niệm ý thức. Nó hiển lộ tự nhiên, như như,
nguồn gốc của tất cả pháp lành. Nếu chưa nhận được nó tức còn vô minh và trôi
lăn trong sanh tử. Nhận được nó thì gọi là trí huệ, Căn Bản trí, Niết Bàn, tánh
giác, bổn tánh, Thanh Quang[4], v.v...
Nhận ra thực tánh của tâm, đó là
Niết bàn, nếu không thì trôi lăn trong sanh tử. Thực ra tánh của sanh tử và
Niết bàn là một, nhưng khác nhau ở chỗ là ta đã giác ngộ hay chưa mà thôi.
Khi được vị Thầy khai thị thấy
được tánh (của Tâm) rồi, ta sẽ có cảm tưởng như gặp lại một người bạn thân đã
quen biết từ lâu. Sự kiện này còn được gọi là nhận ra (lại) tánh (của Tâm).
Tánh của Tâm không phải là cái gì đạt được do sự thông minh của người đệ tử hay
tài diễn thuyết khéo léo của vị Thầy.
Tâm có mặt từ đời vô thủy, nhưng
vì bất giác vọng niệm dấy khởi che lấp bổn tánh làm ta quên hẳn nó. Ngày nay
nhờ chặt đứt giòng ý niệm trở về nhìn thẳng vào Tâm, nên ta nhận lại được bổn
tánh. Sau khi nhận ra rồi, phải tiếp tục tinh tấn tu tập không xao lãng. Quán
chiếu thâm sâu tâm an tịnh và nhận ra bổn tánh được xem là sự khai thị đầu tiên
(của vị Thầy). Hãy ghi khắc vào tâm và tinh tấn thiền tập không ngơi nghỉ. Ðây
là điểm thứ năm (của Thiền Quán): nhận ra tánh (của tâm an tịnh).
Nhận
ra tánh của tâm dao động
Ðiểm thứ hai của Thiền Quán (tức
quán chiếu tâm dao động) có công năng chặt đứt gốc rễ của vô minh. Ở những chương
trước đã trình bày hai cách thức: 1) quán chiếu tâm vô niệm hay an tịnh, và 2)
quán chiếu tâm dao động hay suy nghĩ.
Về cách thứ nhất, sau khi quán
chiếu tâm an tịnh, trong sáng vô niệm, không hôn trầm tán loạn, ta thấu triệt
được tánh của nó không sanh, không diệt, nhưng ta không hề khởi nghĩ (khái
niệm) rằng: "tánh này không sanh, không diệt, không hình, không sắc".
Thực hiện như vậy gọi là quán chiếu thâm sâu tâm vô niệm.
Dính mắc vào trạng thái vô niệm
của tâm chính là mắc vào lỗi khái niệm hóa tánh không sinh, vì đã biến nó thành
một "vật" (pháp).
Về cách thứ hai, tương tựa như
trên, nếu bảo rằng tánh của tất cả ý niệm vọng tưởng là Không, không sinh,
không diệt, đó là đã ghép tánh Không vào văn tự và rơi vào chấp đoạn, cho rằng
các pháp không có (hiện hữu). Thực tế đó là một sự linh động hằng chuyển, không
lưu lại dấu vết; tánh của nó chưa hề sanh, cũng không bao giờ diệt, vượt khỏi
mọi định nghiã, khái niệm. Hiểu rõ điều này, đó là đã có được một chút chánh
kiến. Sau đó phải tiếp tục quán chiếu để nhận ra điều trên một cách trực tiếp
chứ không phải khởi niệm suy nghĩ: "Tánh của nó bất sinh, bất diệt,
v.v...". Không nên phân biệt thủ xả giữa hai tánh rỗng lặng và linh động
của những ý niệm, phải trực ngộ rằng chúng sinh khởi và tiêu diệt cùng một lúc (giống
như vẽ hình trên nước). Thêm nữa, ta phải thấy rõ rằng không có một sự khác
biệt nào giữa tánh của tâm và vật, giữa tâm an tịnh và tâm dao động, giữa tâm
quá khứ và hiện tại, v.v... Tất cả đồng một tánh sáng suốt, rỗng lặng (rỗng
sáng).
Khi ta làm khởi lên một ý niệm
(để quán chiếu) hoặc khi nó tan biến, đó không phải là nó được khởi lên rồi lại
trở về tánh rỗng sáng mà ngay khi đang khởi, chính nó vẫn là tánh rỗng sáng.
Hiểu và đích thân trực nghiệm điều này, gọi là nhận ra tánh (của những ý niệm).
Tâm an tịnh, tâm dao động và ý
niệm, cả ba đều sáng suốt, rỗng lặng, linh động như nhau. Nếu bảo là khác biệt
thì đó là suy luận của người chưa tập quán chiếu.
Trước kia, chưa nhận ra được
thực tánh của ý niệm nên ta rất khó chịu muốn xua đuổi chúng trong lúc thiền
tập. Ðó là vô minh. Nhưng nay đã nhận được tánh rồi, ta có thể quán chiếu thẳng
vào ý niệm (lấy đó làm đối tượng).
Trước kia, những ý niệm vẩn đục
che lấp mất tự tánh. Nhưng từ nay chúng trở thành sáng suốt: ta có thể nhìn rõ
ràng xuyên qua chúng.
Quán chiếu về ý niệm sinh khởi
được xem như cao hơn một bậc đối với sự quán chiếu về trạng thái vô niệm. Bất
cứ ý niệm nào khởi lên ta cũng ghi nhận khách quan. Khi không còn vọng niệm,
hãy an trụ trong vô niệm không cần cố ý làm nó dấy khởi. Nếu bất chợt nó dấy
khởi, ta cũng an trụ trong trạng thái dao động, không cần xua đuổi hay dập tắt
nó. Tất cả ý niệm không là gì khác hơn là tâm. Cái tâm vắng lặng tự nhiên này
chính là Pháp thân tự tánh sáng suốt rỗng lặng, trong đó không có gì cần phải
khởi hay diệt. Ðạt đến cái thấy này, cái thấy thâm sâu về thực tánh của ý niệm,
đó là nhận ra được Pháp thân.
Ta cần chứng nghiệm rằng tất cả
ý niệm đều là tánh rỗng sáng, vừa khởi vừa diệt cùng lúc, giống như in dấu tay
trên mặt nước. Từ lúc khởi đến khi diệt không có một sát na tồn tại nào, cũng
không có một khoảng cách nào giữa hai ý niệm khác nhau, đây chính là cái gọi là
"vắng lặng tự nhiên", còn có nghĩa là "tự tan biến lấy".
Tóm lại, ta phải nhận diện tất
cả những ý niệm phát sanh, tập trung tâm ý nhìn thẳng vào tánh của chúng và cứ
thế tăng trưởng sức quán chiếu. Ðây là điều khai thị thực sự thứ hai (của vị
Thầy) về bổn tánh (của tâm). Trực ngộ (nhận ra) được bổn tánh như vậy chưa phải
là xong, ta phải tiếp tục tu tập tinh tấn củng cố sự trực ngộ này. Ðây là điểm
thứ sáu.
Nhận
ra tánh của tâm chiếu soi cảnh vật và tâm liên hệ với thân
Ðiều khai thị thứ ba nhằm giúp
ta nhận ra tánh của tâm năng chiếu, hay đúng hơn là tánh bất nhị (không thể
tách rời) giữa tâm và cảnh vật. Ở những phần trước ta đã quán chiếu thấy rằng
cảnh vật (5 trần) không hẳn là những gì thực sự hiện hữu bên ngoài và tâm năng
chiếu không phải là một cũng không phải khác. Tuy nhiên ta không được khởi tâm
suy nghĩ (khái niệm) rằng chúng không phải một cũng không phải khác.
Cũng vậy thân và tâm không phải
một cũng không phải hai. Không thể tách rời được tánh sáng suốt ra khỏi tánh
rỗng lặng, tánh năng khởi (diệu hữu) ra khỏi tánh rỗng lặng (chơn không).
Tương tựa như bóng trăng dưới
nước. Nếu bảo là một, vậy khi lấy tay che nước, sao bóng trăng không còn. Nếu
bảo là hai thì phải có thể tách rời bóng trăng ra khỏi mặt nước chứ?
Ngoài ra tất cả cảm giác như
nóng, lạnh, v.v... cũng đều là hình ảnh (ảo tưởng); vì chưa giác ngộ được thể
tánh chơn không, diệu hữu của chúng nên ta dính mắc vào, cho rằng chúng có thực
bên ngoài.
Trong giấc mơ ta thấy mình có
thân, chung quanh có đầy cảnh vật, tất cả đều hiện rõ ràng như có thật. Nhưng
khi thức giấc, ta liền hiểu rõ chúng chỉ là những hình ảnh phát xuất từ tâm và
cùng lúc trở lại làm đối tượng thấy của tâm. Không có một hiện hữu hay thực
chất nào mà ta có thể chỉ định rằng đây là "thân tôi", v.v... Cũng
vậy, tất cả cảnh vật cùng kinh nghiệm sống chết của cuộc đời, mà ta (do lầm
tưởng) cho là hiện hữu cụ thể, đều trống rỗng (không thực sự hiện hữu như vậy).
Tất cả hình ảnh, cảnh vật đều
phát xuất từ tâm. Nếu nghĩ ma quỷ có thật, chắc chắn ta sẽ thấy nó. Nếu không
tin là có thì sẽ không bao giờ thấy. Một ngày nọ, Milarépa[5] đang
thiền định trong một hang động, bỗng nhiên để ý thấy có lỗ nhỏ trên vách đá,
liền tự hỏi không biết trong đó có hồn ma nào ở không? Khi ý nghĩ nầy vừa khởi
xong, tức thì một con quỷ cái (ngáo ộp) hiện ra hỏi: "Tại sao ngài lại gọi
tôi? Nếu muốn tôi đi thì hãy lắng tâm ngài xuống". Tương tựa như thế, vì
ta lầm lẫn nghĩ rằng cảnh vật đều hiện hữu như những vật có thật, cụ thể
"ở bên ngoài", nên ta "tin" rằng chúng thực sự hiện hữu như
vậy. Tất cả hình ảnh, cảnh vật đều là bóng dáng ảnh chiếu của tâm, trống rỗng
không có tự hữu, không phải là những vật hữu chất có thật "ở bên
ngoài". Có nhiều vị Thầy lớn (grands Lamas) khi đến Bồ Ðề đạo tràng
(Bodhgaya) bỗng nhiên thấy nơi đây chẳng khác gì thiên đàng và dân chúng xung
quanh như chư thiên. Nhưng cũng cùng nơi đây, một người ăn xin đói khát lại
thấy như đang ở địa ngục. Mỗi người cảm nghiệm một thực tại khác nhau. Thí dụ
khác, với một ly nước: chúng sanh ở địa ngục thấy đó là nước đồng sôi, quỷ đói
thấy là máu mủ, cá thấy là nhà ở, người thấy là nước, chư thiên thấy là rượu
tiên. Tất cả sự thấy ở trên chỉ là hình ảnh phát xuất từ tâm và phản chiếu trở
lại tâm, thế nhưng dưới mắt ta, chúng lại ảnh hiện rõ ràng như thực có "ở
bên ngoài" vậy.
Bất cứ hình ảnh nào xuất hiện
trước mắt (ngón tay ta chẳng hạn), hãy tập trung tâm ý quan sát nó vài phút.
Sau đó nới lỏng sự chú ý. Ban đầu những nét nhỏ còn hiện rõ nhưng sau một lát
hình ảnh trước mắt mờ dần và ta cảm thấy nhàm chán không muốn tiếp tục nhìn lâu
hơn nữa, hoặc hai mắt mệt mỏi bắt đầu chảy nước mắt. Nhưng nếu tập trung tâm ý
nhìn trở lại thì hình ảnh đó lại hiện rõ ràng. Ðến đây cần nhận thức rằng tâm
(ta) và hình ảnh (đi, đến từ tâm) không phải hai vật có thể tách rời. Những
hình ảnh (đối tượng của thức) sở kiến và thức năng kiến, cả hai đều là sự phát
hiện của ảo giác. Một khi phát hiện thì không thể nào tách rời được; hình ảnh
xuất hiện vì chúng là ảo giác của tâm, và như vậy tâm cũng chính là hình ảnh.
Ngoài điều này ra, không có một cảnh vật hay hình ảnh nào có thể được xem là
hiện hữu tự tánh, độc lập ngoài tâm cả.
Trước kia vì vô minh chấp trước
cho rằng các pháp thực có nên không thể thấy được điều này. Ngày nay nhờ chặt
đứt giòng tâm thức hay khái niệm chấp trước (biến kế chấp) nên nhận ra được
tánh của tâm năng chiếu, năng khởi, không còn bám víu vào cảnh vật vì thấy
chúng trống rỗng và trong sáng chẳng khác chi ánh sáng của Pháp thân.
Hãy an trụ trong thực tánh của
hiện tại. Không cần tìm cầu an lạc, tánh Không hay Bát Nhã. Không dính mắc quá
khứ, không tưởng đến tương lai cũng không suy nghĩ hiện tại. Không thiền quán
bằng khái niệm ý thức. Hãy buông thả tất cả, an trụ tâm trong trạng thái tự
nhiên, ngay bây giờ và ở đây. An trụ trong tánh bất nhị của chân không và diệu
hữu, của an lạc và rỗng lặng, của không và thức. Khi hiểu được tánh bất nhị
giữa không và có - cảnh vật tuy ảnh hiện rõ ràng nhưng không thể nắm bắt - đó
là đạt được cái thấy thâm sâu về tánh của tâm năng chiếu. Tiếp tục tu tập
trưởng dưỡng trạng thái này, chắc chắn sẽ gặt hái được kết quả bất khả tư nghì.
Nhận ra tánh của tâm năng chiếu
(cảnh vật) là sự khai thị thứ ba (của vị Thầy) và cũng là điểm thứ bảy của
Thiền Quán.
Nhận
ra cùng lúc tánh của tâm an tịnh và tâm năng khởi
Khi quán chiếu về tâm an tịnh và
tâm dao động (ở những chương trước), ta đã hiểu được sự xuất hiện, cấu tạo của
những ý niệm và biết tâm an tịnh với tâm dao động không phải là hai tâm (khác
biệt). Khi tâm an tịnh thì nó không dao động, và khi dao động thì nó không an
tịnh. Tác nhân và tánh của hai trạng thái trên chính là một tâm rỗng lặng, sáng
suốt.
Không phải sự phát hiện của một
ý niệm cho ra tánh rỗng sáng, cũng không phải, khi ý niệm này diệt, nó trở về
tánh rỗng sáng. Ngay khi đang khởi nó vẫn là tánh rỗng sáng. Thấy được điều này
tức là hiểu được tánh thường trụ của tâm.
Khi biết tất cả hình ảnh, cảnh
vật không gì khác hơn là những dấy động của tâm, như sóng trên nước, không hiện
hữu thực sự, gọi là nhận ra cảnh vật chính là tâm (không khác).
Khi quán chiếu thấy rõ tánh của
tâm không đến, không đi, không tồn tại cũng không thể nắm bắt (như vật trong
mơ) đây gọi là nhận ra tánh Không (thực) rỗng lặng của tâm.
Tâm mà ta cần nhận ra, đó là
"tánh biết", tác nhân ý niệm của các pháp hiện hữu, năng giác và năng
khởi, hợp thể của rỗng lặng và sáng suốt, còn gọi là Ðại Lạc (grande béatitude)
hay Ðại Thủ Ấn (Mahamudra) con ấn lớn của Không tánh. Khi nhận ra được nó thì
gọi là trí huệ của Ðại Thủ Ấn. Hãy an trụ trong tánh biết rỗng sáng này, không
xao lãng, mong cầu hay lo lắng. Chính trong giờ phút này, bây giờ và ở đây, ta
đang thưởng thức ngắm nhìn Ðại Thủ Ấn.
Lúc này Thiền Quán được phối hợp
(song tu) với Thiền Ðịnh, những kinh nghiệm giác ngộ sẽ xảy đến một cách tự
nhiên và đây mới thực sự bắt đầu bước chân trên con đường giải thoát.
Hiện thể của tâm là rỗng lặng,
đặc tính của tâm là sáng suốt, cả hai hợp lại chính là bổn tánh của tâm. Có rất
nhiều danh từ được dùng để gọi tánh này như: tinh yếu của Ðại bổn thức, thường
trụ tánh của các pháp, bạch tịnh thức, pháp tánh, Niết Bàn, Phật tánh, Bát Nhã,
nhất thiết trí, Không tánh bất diệt, v.v...
Vì các pháp không thể có ngoài
tâm nên gọi là Duy Tâm (Cittamatra). Vì không thuộc nhị biên nên gọi là Trung
Quán (Madhyamika). Vì nó rất khó hiểu, khó lãnh hội nên gọi là Mật giáo
(Tantra). Vì nó phá tan mọi vọng tưởng nên gọi là Kim Cang thừa (Vajrayana). Vì
nó nhận ra Phật tánh nên gọi là Pháp thân (Dharmakaya).
Hãy dùng chiếc bè kết bằng tin
tưởng và thành kính (đối với vị Thầy) để vượt qua biển sanh tử, luôn luôn cầu
nguyện ơn trên gia hộ và không bao giờ nghĩ rằng những gì ta đạt được là đầy đủ
rồi tự mãn. Hãy tin chắc rằng những ân huệ hay phước lành đến với ta đều bắt
nguồn từ vị Thầy.
Khi tánh sáng suốt thanh tịnh
được nhận ra, không còn bị ngăn che, hiển lộ một cách tự nhiên, đó là đạt được
Ðại Thủ Ấn căn (căn bản). Tiếp tục quán chiếu thực tánh của tâm, gọi là Ðại Thủ
Ấn đạo (con đường). Chứng đạt (trở về) hoàn toàn bổn tánh một cách chắc chắn,
gọi là Ðại Thủ Ấn quả. Với tâm an vui tự tại, chúng ta hãy y theo mà tu tập.
Từ nay sự có mặt của ta trở nên
đầy ý nghĩa. Ta đã thực sự đặt chân trên con đường giải thoát, xa lìa vĩnh viễn
sinh tử. Do đó hãy vui mừng, tiếp tục tinh tấn tu tập.
Sau khi quán chiếu tâm an tịnh
và tâm dao động, sau khi được khai thị thấy được thực tánh, nhận ra hình ảnh,
cảnh vật chính là tâm (không khác), chợt khởi chợt biến, không tánh (rỗng
lặng). Ðây gọi là Ðại Thủ Ấn, khai lộ dẫn đến Pháp thân. Hãy tinh tấn tu tập
cho đến ngày thành tựu đạo quả, không nên ngừng bước nửa đường để nó trở thành
một sự hiểu biết trí thức (vô bổ). Ðây là điểm thứ tám của Thiền Quán.
Vài
lời về cách trình bày
Phần chính của tập sách này, nói
về Thiền Ðịnh và Thiền Quán, đến đây coi như chấm dứt. Ban đầu, tập trung tâm ý
vào sự quán tìm bổn tánh, sau đó dần dần sẽ nhận ra nó, tùy theo sự phát hiện
thứ lớp của kinh nghiệm thiền tập. Ðây là những điều kiện, nguyên nhân tương
quan tương duyên không thể tách rời. Có nhiều tập sách khác, trong sự khai thị
được trình bày theo sự hiểu biết của mỗi người. Riêng về tập sách này, tôi đã
trình bày sự khai thị theo bốn cách quán chiếu, rút tỉa từ những kinh nghiệm tu
tập thực chất. Mỗi hành giả cần phải thấu hiểu và áp dụng tùy theo sự tiến bộ
cũng như chứng đạt của mình. Nếu được khai thị ngay từ đầu về tánh của tâm
(trước khi chín muồi), ta sẽ sinh chán nản. Nếu chán nản thì kinh nghiệm và
chánh kiến rất khó phát triển, in sâu vào tâm khảm. Ðể tránh trường hợp (nguy
hiểm) này, tôi đã trình bày theo thứ lớp.
[1] Huit attitudes mondaines:
Hán Việt thường dịch là "bát phong".
[2] Về ý niệm có thể chia làm
hai loại:
[3] Vacuité thường được dịch là
tánh Không, nhưng ở đây tôi dịch là "tánh rỗng lặng" vì tánh Không
trừu tượng và hay gây nhiều hiểu lầm
[4] Claire lumière. Trong Mật giáo
Tây Tạng thường dùng những danh từ như Thanh Quang (Claire lumière mère), Tử
Quang (Claire lumière fille) để nói về kiến tánh.
[5] Một đại hành giả Du Già Tây
Tạng, cũng là nhị Tổ của phái áo vải (Kagyupa) nổi tiếng là đã đạt được giác
ngộ (hoàn toàn) ngay trong một đời, nhờ sự tu hành khổ hạnh, tinh tấn trên vùng
tuyết lạnh của Hy Mã Lạp Sơn.