Mật tông
Đại Thủ Ấn
Wang Tchuck Dorje Thích Trí Siêu (Dịch) Nhà Xuất Bản Phương Đông
01/09/2554 12:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 2. Thiền Định

 

Tư thế căn bản của thân và tâm

Sự tu tập chính yếu bao gồm hai phần: an trụ tâm hay Thiền Ðịnh (Samatha, Shiné) và quán chiếu thâm sâu hay Thiền Quán (Vipasyana, Lhagtong).

Trước hết về Thiền Ðịnh, có nhiều phương thức tu tập để trụ tâm vào một điểm (Samadhi, Ting Dzin). Nếu biết cách thì những chướng ngại và vọng niệm sẽ không khởi lên nữa, nhờ đó ta có thể trực nghiệm được giòng tâm thức nguyên thủy[1] và đi sâu vào Thiền Quán.

Hành giả ban đầu tu tập, ngồi xếp bằng theo tư thế kiết già (vajra) hoặc bán già để tiết chế những nguồn nguyên lực[2] đi xuống. Ðể hướng dẫn những luồng nguyên lực thuộc địa đại chảy vào sạn đạo trung ương[3] thì phải giữ xương sống thẳng như cột trụ. Ðể đem những luồng nguyên lực thuộc thủy đại trở về sạn đạo trung ương thì đặt hai bàn tay phía dưới rún theo ấn Ðại Ðịnh, và thả nhẹ hai vai về phía sau. Ðể điều khiển luồng thuộc hỏa đại trở về trung ương thì giữ cổ thẳng và thu cằm vào như lưỡi câu. Ðể hướng dẫn những luồng thuộc phong đại trở về trung ương thì giữ mắt khép hờ một phần ba, chú vào một điểm dọc theo sống mũi. Môi và lưỡi để tự nhiên, hoặc nếu được thì để lưỡi đụng ổ gà. Tư thế trên được gọi là tư thế Vairocana.

Sự định tâm hay an trụ tâm là một trạng thái an lạc phát khởi nhờ tâm an trụ vào một điểm, sau khi hàng phục được 5 chướng ngại: tán loạn, hôn trầm, nghi ngờ, mỏi mệt, mờ ám.

Có nhiều cách tu tập: hoặc trú tâm vào một vật, một việc hoặc suy tư về giáo lý như Tứ Diệu Ðế, nhưng vẫn không dính mắc vào "tà niệm". Tà niệm ở đây là những ý nghĩ hoàn toàn không liên quan gì đến đề mục đang quán chiếu. Không nên lầm nghĩ "vô niệm" là ngồi trơ không nghĩ gì hết, vô niệm có nghĩa là vô tà niệm.

Theo giáo lý Mật tông (Tantra), tâm và những luồng nguyên lực liên quan rất mật thiết. Nếu những luồng nguyên lực (prana, lung) trôi chảy đúng đường thì tâm sẽ vắng lặng; nhưng nếu chúng chảy sai trệch thì vọng tưởng, vọng niệm khởi lên loạn xạ. Những luồng này trôi chảy trong các ống dẫn lực hay kinh lực (nadi, tsa); trong số đó có ba đường chính là đường kinh giữa (sạn đạo trung ương), một ở bên phải và một ở bên trái, cả ba chạy song song phía trước đường xương sống.

Thông thường, những luồng nguyên lực chỉ di chuyển trong hai đường kinh phải và trái, do đó làm khơi dậy vọng niệm, ảo tưởng. Một khi những luồng nguyên lực được điều khiển và hướng dẫn trở về sạn đạo trung ương thì mọi vọng niệm tự dứt. Ngồi trong tư thế Vairocana không ngoài thực hiện mục đích trên.

Có nhiều cách phân loại sắp xếp các luồng nguyên lực. Theo sáu phép Du Già của Naropa[4] thì có năm luồng nguyên lực: 1) luồng đi xuống, nhằm tống khứ ra ngoài những uế trược qua hai đường đại tiểu tiện; 2) luồng đi lên, điều khiển sự hấp thụ thức ăn, sự rung động của cổ họng và giọng nói; 3) luồng tiếp giữ sức sống (sinh lực); 4) luồng điều hòa sự tiêu hóa; 5) luồng chạy khắp châu thân, tàng ẩn trong mọi động tác.

Có một cách phân loại khác được sắp xếp theo địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại và không đại.

Trong tập sách này, cả hai cách phân loại được phối hợp để chỉ dạy về tư thế Vairocana và điều khiển những luồng nguyên lực.

Sau khi an trụ ở tư thế này, tâm bớt dính mắc vào giòng tư tưởng vọng niệm, dần dần trạng thái vô khái niệm sẽ ảnh hiện. Ðể tránh sự căng thẳng hay vận công quá mức, trước hết hãy thở ra vài hơi mạnh rồi sau đó chỉ cần hít thở nhẹ nhàng tự nhiên.

Khi thở ra hãy quán tưởng như đang tống khứ tất cả phiền não và hắc nghiệp ra ngoài. Sau đó, tập hít thở trong chánh niệm, và khi tâm trở lại vắng lặng thì không cần chú tâm theo dõi hơi thở nữa.

Quán niệm hay nhớ lại sơ về các pháp dự bị tu tập, sau đó cắt đứt tất cả ý niệm, không nghĩ gì về quá khứ, tương lai, không bám víu hoặc xua đuổi, chỉ để tâm trong trạng thái trôi chảy tự nhiên, bây giờ và ở đây.

Trên đây là điểm thứ nhất: những tư thế căn bản của thân và tâm, nền tảng quan trọng của Thiền Ðịnh, hành giả cần phải tinh tấn thực tập.

Ðịnh tâm trên một hình sắc

Nếu không thể đem tâm trở về trạng thái tự nhiên và an trú trong đó thì phải nương vào một vật bên ngoài để chú tâm như một khúc gỗ, hòn sỏi, tượng Phật, ngọn lửa, v.v... những vật nào tự cảm thấy thích hợp. Không cần suy nghĩ về màu sắc hay hình dáng của vật đó, chỉ cần chú ý giữ tâm an trú vào vật trước mặt, không quá căng thẳng hay thả lỏng. Chặt đứt tất cả tư tưởng ngoại biệt.

Nếu tâm quá căng thẳng sẽ cảm thấy lo âu và tức tối; nếu thả lỏng thì lại bị hôn trầm và mờ ám. Ðiều tâm cũng giống như lên giây đàn, không căng mà cũng không lỏng thì đàn mới kêu.

Cách thức chú tâm trên một hình sắc cũng tương tợ như việc quan sát một hòn sỏi nằm dưới đáy ly nước đục. Hòn sỏi sẽ hiện rõ ràng sau khi tất cả bùn nhơ lắng xuống đáy. Cũng vậy, khi những ý nghĩ không còn khởi lên khuấy động, ta sẽ nhìn thấy rõ đối tượng hình sắc. Hãy tập nhìn hình sắc như một đứa trẻ nhỏ, không bình luận hay suy nghĩ[5].

Nếu chú tâm mà không khởi ý nghĩ hay khái niệm thì tốt. Nhưng nếu chúng khởi lên, chỉ cần nhận biết và không theo, vì chúng tự khởi tự diệt.

Khi một ý niệm khởi lên, nếu không sáng suốt nhận biết thì nó sẽ móc nối làm khởi lên muôn vàn ý niệm khác gây chướng ngại cho sự tu tập. Những ý niệm chỉ là trò chơi của tâm, tựa như những gợn sóng trên nước, chợt khởi rồi tự tan biến.

Ta có thể chú tâm vào những chủng tự OM màu trắng, AH đỏ và HUM xanh, viết để trước mặt hoặc quán tưởng trong tâm. Ba chữ trên tượng trưng cho thân, ngữ, ý của chư Phật.

Trong lúc tu tập, những ý niệm như "Ta đang thiền, ta không thiền, ta phải làm cho tâm yên lặng,...", đều phải dứt bỏ. Cần phải kiểm soát và điều khiển tâm an trú vào đề mục. Hãy thực tập những khóa ngắn hạn nhưng thường xuyên. Nhờ sự tập luyện này tâm sẽ trở về trạng thái sáng suốt, tĩnh lặng. Ðây là điểm thứ hai của Thiền Ðịnh.

Những đối tượng khác

Sau khi tập trung và định tâm được trên một đối tượng hình sắc, ta có thể chuyển sang các đối tượng khác như: âm thanh, đối tượng của nhĩ thức; mùi hương, đối tượng của tỷ thức; mùi vị, đối tượng của thiệt thức; sự xúc chạm, đối tượng của thân thức. Bất cứ lúc nào tiếp xúc với trần cảnh, ta cũng phải chú ý định tâm, ghi nhận một cách khách quan, không khởi phân biệt khái niệm tốt, xấu, ưa, ghét, v.v...

Ở trong hoàn cảnh nào ta cũng có thể tu tập được. Nếu nơi ngồi thiền bỗng có người vặn nhạc, ta có thể trụ tâm vào sự nghe mà không cần khởi xét đoán phân biệt xem đó là âm thanh gì. Về xúc chạm hay mùi vị cũng vậy.

Khi tâm đã được tập luyện thuần thục an trú vào đối tượng, ta nên ngưng nghỉ buổi tập trong lúc tâm còn sáng suốt, như vậy sẽ tránh khỏi chán nản, mệt mỏi. Trong thời gian ngưng tập ngoài các thời khóa ấn định, phải luôn luôn giữ chánh niệm, dù đi đứng, nằm, ngồi hay nói, nín, động, tịnh; cắt đứt những ý niệm suy tư, xì xào trong tâm. Ðây là điểm thứ ba của Thiền Ðịnh.

Nếu muốn sự tu tập được dễ dàng, ta cần phải dứt bỏ việc đời. Nếu ôm nhiều việc đời, tâm sẽ luôn luôn tính toán, rất khó điều trị, hoặc giả nếu ép tâm thì nó sẽ chán nản, mệt mỏi và rơi vào hôn trầm.

Ðối trị hôn trầm và tán loạn

Muốn đối trị hôn trầm và tán loạn hãy quán tưởng ở ngay giữa trán một điểm tròn nhỏ bằng hạt đậu, màu trắng, tỏa ánh sáng trong suốt và trụ tâm ở đó. Ðôi khi quán tưởng một điểm nhỏ như trên màu đen, cũng tỏa ánh sáng nhưng nằm phía dưới khoảng giữa hai đầu gối. Ðể đối trị hôn trầm, hãy chú tâm vào điểm trắng, thân ngồi nơi thoáng khí, rộng rãi, lâu lâu có thể dùng nước mát lau mặt. Nên mặt y phục nhẹ mỏng và ăn đồ dễ tiêu; không nên ngồi chỗ nóng, gần lửa hoặc dưới mặt trời. Ngược lại nếu bị tán loạn, tâm dường như chạy khắp nơi khắp chốn, thì phải quán tưởng và chú tâm vào điểm đen. Thân nên ngồi chỗ nóng ấm, hay tập thể dục và ăn những đồ bổ, lâu tiêu.

Hôn trầm và tán loạn là những chướng ngại lớn nhất cho sự tu thiền. Hôn trầm khiến cho hành giả không còn nhìn rõ đối tượng và trở nên đờ đẫn. Màu trắng có công năng đối trị hôn trầm; ban đầu hành giả có thể dùng một miếng vải trắng để trước mặt, và mỗi khi hôn trầm thì chú tâm vào đó. Mặt khác, nếu ngồi dưới mặt trời hoặc nơi nóng bức sẽ dễ bị buồn ngủ, do đó cần phải ngồi nơi mát mẻ và thoáng khí. Sự ảnh hưởng của thức ăn cũng quan trọng không kém. Ăn những món nhẹ dễ tiêu sẽ giúp tâm trở nên nhẹ nhàng, sáng suốt.

Tán loạn thì ngược lại, luôn luôn khích động và lôi kéo tâm ra khỏi đối tượng quán chiếu. Chú tâm vào điểm đen phía dưới sẽ hãm tâm lại và màu đen có công năng giảm sự kích thích của tâm. Bị tán loạn nhiều là do ảnh hưởng của những luồng nguyên lực quá nhanh nhẹ, dùng thức ăn bổ và lâu tiêu sẽ khiến những luồng này chảy chậm lại, nhờ đó tâm bớt phóng.

Muốn tu tập dễ dàng cần phải biết điều hòa cơ thể, vì giòng tâm thức nương chảy trên những luồng nguyên lực qua các sạn đạo của thân vi tế[6]. Ðiều hòa thân (thô kệch) cũng tức là điều hòa tâm.

Hãy nên ngừng nghỉ trong lúc tâm còn sáng suốt và sẽ tiếp tục lại sau. Nên chia sự tu tập làm nhiều thời khóa ngắn nhưng đều đặn. Ðây là điểm thứ tư của Thiền Ðịnh.

Thiền Ðịnh không sự tướng

Trong phần tu tập này hãy mở mắt nhìn thẳng vào khoảng trống hư không trước mặt, không trụ tâm trên một đối tượng nào cả.

Hư không cũng tương tợ như tánh của tâm, không lệ thuộc vào sự giả hợp của nhân duyên. Quán chiếu hư không trước mặt là một phương pháp chuẩn bị để quán chiếu thẳng vào tâm.

Pháp quán chiếu thẳng vào tâm không qua sự tướng rất thường trong Mật tông, nó tập cho hành giả làm quen với trạng thái trung ấm (bardo) và trở về với Pháp thân. Thiền quán không sự tướng không có nghĩa là làm cho tâm trống rỗng, mơ mơ màng màng, như ngu như ngây. Ngược lại đó là một trạng thái rất tỉnh thức, trong sáng và vắng lặng.

Không khởi tâm suy nghĩ về quá khứ, hiện tại hay vị lai. Hãy trụ trong tĩnh lặng của "bây giờ và ở đây". Luôn tỉnh táo và chăm chú quán sát tâm như đang xỏ một mũi kim nhỏ. Hảy xả bỏ mọi hy vọng và lo âu. Khi hoàn toàn tỉnh thức vắng lặng thì những ý niệm cũng mất dạng. Thoảng như hơi thất niệm xao lãng thì ý niệm sẽ tiếp nối nhau khởi lên tới tấp, gặp trường hợp này hãy tập nhận diện và nhìn thẳng vào chúng khi chúng vừa khởi. Không nên nghĩ "ta phải ngăn chặn chúng", hoặc "ta đã tiêu diệt chúng" v.v... hãy ghi nhận chúng một cách khách quan không dính mắc và dùng ngay chúng làm đối tượng quán sát. Cẩn thận giữ tâm không quá căng thẳng cung không xao lãng. Ðây là điểm thứ năm.

Khi mới tu tập thiền, ta có cảm tưởng như các ý nghĩ khởi lên không ngớt. Ðó chẳng qua vì ta bắt đầu quay trở vào trong, biết nhìn và ý thức được sự hiện khởi của chúng.

Tâm và những ý niệm không phải là một cũng không phải hai. Nếu là một thì không thể nào tu tập trở về bổn tâm và cùng lúc loại trừ ý niệm. Nếu là hai (vật khác biệt) thì cái bàn, cái ghế cũng có thể khởi ý niệm được. Tâm trong sáng ví như mặt gương, ý niệm ví như hình ảnh trong gương; hình ảnh không phải là gương nhưng cũng không thể tách rời gương được.

Ý niệm dấy khởi bắt nguồn từ sự lầm quên thực tánh của các pháp. Có nhiều loại ý niệm hay vọng tưởng: thô và tế. Thí dụ, khi ta đang quán chiếu về một cái ly, bỗng nhiên ý niệm "muốn uống trà" khởi lên thế rồi ta liền gọi người đi pha trà cho ta. Ðó là ý niệm thô, vì nó dẫn ta hoàn toàn ra khỏi đề mục. Những ý niệm như "đây là một cái ly, cái ly này bằng sành" hoặc bất chợt chú ý đến một âm thanh thay vì định tâm vào cái ly; đây thuộc loại vi tế. Phải luôn tỉnh thức nhận diện những ý niệm hiện khởi, ghi nhớ chúng chỉ là trò huyễn (ảo đồ) của tâm như những hình ảnh trong gương, không nên dính mắc, cứ để chúng tự khởi tự diệt.

Ðịnh tâm trên hơi thở

Còn một phương pháp khác, đó là trụ tâm vào hơi thở. Hãy điều phục hơi thở theo cách "hít-thở-bình" (respiration-vase). Nếu không thể giử lâu cách "hít-thở-bình" thì có thể "đếm-hơi-thở". Hít vào thở ra đếm một. Ban đầu tập đếm tới 21 sau đó tăng dần đến 100. Cố gắng giữ chánh niệm trong suốt thời gian hít thở.

Như đã nói ở phần trước, tâm liên hệ mật thiết với các luồng nguyên lực hay khí lực. Hít thở một cách loạn động sẽ khiến ý niệm theo đó mà dấy khởi. Hít thở một cách nhẹ nhàng đều đặn thì tâm cũng trở nên yên lặng.

Có nhiều loại hít thở. Cách thông thường là hơi thở của một ngườI không bệnh tật, không xúc động hay kích thích. Cách hít thở cỡ trung là hít vào, giữ hơi lại một chút rồi thở ra. Cách hít-thở-bình là hít hơi vào, hóp những cơ vòng (sphincter) và giữ hơi lại. Cách hít thở này cũng chia làm nhiều loại: đại, tiểu, nội, ngoại. Ðại: giữ hơi giữa rún và cổ họng; tiểu: giữ hơi ngay rún; nội: hít vào rồi giữ ở trong; ngoại: thở ra hết rồi nín hơi.

Thông thường cách hít-thở-bình có 4 đặc tính: 1) giữ hơi, 2) làm giản những thớ gân ở bụng, 3) có thể khiến hơi khí thoát ra ngoài bằng những lỗ chân lông hoặc trở vào sạn đạo trung ương, 4) sau khi giữ hơi thật lâu, có thể tống luồng khí lực ra ngoài xuyên qua đường sạn đạo nơi đỉnh đầu.

Cách hít-thở-bình thuộc loại tu tập khó và nguy hiểm, chỉ được dạy sau khi đã hoàn tất các pháp dự bị tu tập. Nếu không tu tập đứng đắn, những luồng khí lực sẽ chạy loạn xạ, sanh ra tổn khí, tâm thần cáu kỉnh và có thể loạn trí.

Khi hôn trầm và loạn tưởng kéo đến, hãy dùng phương pháp đối trị ở trên. Nếu không thể định tâm được trên những đối tượng trình bày ở trước thì có thể lựa một vật hay đề mục mà cảm thấy thích hợp. Vì căn cơ mỗi người không đồng, có người sau khi nghe giảng hai, ba lần liền có thể an trụ được tâm, có người lại không an trụ được tâm dù đã tu tập thiền định lâu ngày. Ngoài ra cũng cần sự hướng dẫn của một vị Thầy từng trải kinh nghiệm để giải tỏa những khúc mắc và chướng ngại khi tu tập. Tu tập đều đặn, ta sẽ trải qua ba giai đoạn điều tâm. Giai đoạn thứ nhất, vọng tưởng hay ý niệm thô khởi lên rất nhiều tựa như thác nước đổ. Giai đoạn thứ hai, vọng niệm thô giảm dần, lâu lâu mới phát hiện nhưng ta nhận diện được ngay và nó liền biến mất, ở đây tương tợ như giòng sông chảy mạnh. Giai đoạn sau cùng, tất cả vọng niệm thô, tế đều tan biến và ta an trụ trong trạng thái bất nhị, như sông nhập biển lớn. Ðến trạng thái này, tiếp tục gia công không gián đoạn. Ðây là điểm thứ sáu.

Ðối trị bằng căng thẳng và buông thả

Sau thời gian tu tập mà vẫn chưa đạt đến giai đoạn thứ ba, ta cần phải dùng đến phương pháp làm cho tâm căng thẳng rồi thả lỏng và dung hòa cả hai trạng thái. Ðể làm căng thẳng (khi tâm lơ là thất niệm) hãy ngồi thẳng lưng, tư thế ngay ngắn, mở to mắt và nhìn hơi xa rồi chú tâm vào cảm giác và tri giác. Tỉnh giác chăm chú như mèo rình chuột, không để cho tâm phóng đi một giây phút. Hãy tập làm nhiều thời khóa ngắn. Nếu tâm quá căng thẳng, hãy xả thiền, tập thể dục hay làm việc khác rồi sau đó tập trở lại.

Tiếp theo, không chú tâm vào vật gì nữa cả, hãy để nó tự nhiên thoải mái trong trạng thái buông thả, không còn biết có một cái Ta hay những điều lo âu. Cứ thế tự tâm sẽ trở về trạng thái vắng lặng của nó, không cần phải làm gì thêm hay cố gắng cả. Hãy trụ trong bây giờ và ở đây. Ngoài việc này ra chả còn gì để quán tưởng hay suy nghĩ cả. Nếu có thể hãy tăng thêm thời gian tọa thiền.

Thoạt khi có những ý niệm hiện khởi, ta chỉ cần nhìn thẳng và nhận diện chúng, không cần xua đuổi hay ghét bỏ. Dù tâm tĩnh lặng hay loạn niệm cũng đừng khởi vui mừng hay chán nản.

Không thể đạt được trạng thái vô niệm bằng cách ngăn chặn hay đè nén ý niệm. Chỉ cần chú ý nhận diện chúng, chúng sẽ tự diệt và trạng thái vô niệm được hiển lộ. Ðây là điểm thứ bảy.

Chánh định

Sau đây là phần tăng trưởng trạng thái Ðịnh và nhận rõ bản tánh của tâm. Theo định nghĩa, chánh định là một trạng thái trong đó tâm hoàn toàn vắng lặng, không còn chút vọng động dù là ý nghĩ hay khái niệm, không còn hôn trầm, tán loạn hay nghi ngờ. Trước đây phải khổ nhọc tu tập mới đạt đến, nhưng nay trạng thái này được đạt đến một cách dễ dàng và ta cảm thấy an nhiên tự tại tựa hồ không còn vướng bận vào gì nữa. Ngay cả lúc xả thiền, dù đi hay đến trạng thái này vẫn thường trụ.

Tương tợ trường hợp của một con chim bồ câu, được thả tự do từ một chiếc tàu trên biển cả, nó không làm gì khác hơn là, sau khi bay đảo nhiều vòng, trở về đậu lại trên tàu. Cũng vậy, một khi đã đạt được chánh định, dù nói năng hay hoạt động, tâm sẽ không làm gì khác hơn là trở về trạng thái vắng lặng.

Dù làm bất cứ việc gì đi nữa tâm vẫn luôn luôn vắng lặng, thoải mái, tỉnh thức, chiếu soi và nhận diện tất cả các pháp nhưng hoàn toàn không dính mắc vào chúng.

Luôn luôn giữ tâm vững chắc như núi Tu Di, trong sáng như mặt gương phản chiếu mọi vật. Không nên nóng nảy hay tò mò vì sẽ làm khơi động các ý niệm. Hãy tập tự chủ và để tư tưởng cùng các hình ảnh trôi chảy tự nhiên mà không dính mắc vào chúng. Ngay cả khi đi trên đường, nếu có một vũ nữ xuất hiện múa may ca hát, cũng không được hiếu kỳ để ý. Tự chủ và giữ được tâm vắng lặng trong mọi hoàn cảnh, đó là biểu hiệu của chánh định.

Khi đạt đến trạng thái này, ta sẽ gặt hái được ba điều: sự an lạc, sáng suốt và vô niệm. Từ đó có thể phát sanh nhiều loại thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, v.v... Ðến trường hợp này cần phải đề cao cảnh giác không được khởi tâm ưa thích tìm cầu hay dính mắc, vì chúng hoàn toàn không có tự tánh. Dính mắc vào chúng sẽ là nhân trói buộc vào sinh tử luân hồi.

Ba kết quả: an lạc, sáng suốt và vô niệm là những trợ duyên cần thiết cho sự Thiền Quán phát sanh trong toàn tánh Không của nó. Nếu dính mắc vào một trong ba điều trên, không ý thức được sự giả hợp của chúng sẽ dẫn đến tái sanh ở các cõi trời: Dục giới nếu ưa an lạc, Sắc giới nếu ưa sáng suốt, Vô Sắc giới nếu ưa vô niệm.

Cần phải tu tập dưới sự hướng dẫn của một vị Thầy. Cả Thầy lẫn trò đều không được lầm lẫn về phương pháp cũng như thành quả gặt hái trong tiến trình tu tập Thiền Ðịnh. Ðiều quan trọng cần nhớ là không bao giờ để tâm bị thu hút hay dính mắc vào dục vật, luôn luôn thành tâm biểu lộ sự tôn trọng và kính mến vị Thầy của mình. Phát triển chí nguyện giác ngộ, cầu giải thoát để cứu độ sáu loài chúng sinh. Trong mỗi thời đều tập trung tâm ý không cho xao lãng.

Nguồn gốc của mọi thành tựu đều xuất phát từ sự tôn kính và lòng tin tưởng vững chắc nơi vị Thầy (Lama) của mình. Phối hợp với chí nguyện tối thượng của Bồ Ðề Tâm chắc chắn sẽ dẫn đến Phật quả. Vô thường có thể xảy đến bất cứ giờ phút nào, không nên lập những dự án phù du như "năm tới ta sẽ mua nhà, cưới vợ, sẽ có 3 con và sẽ dành cho chúng những phòng nhỏ, đẹp, và... ", v.v... Hãy sống với hiện tại nhưng không rời mục đích giác ngộ. Nếu dự định nhập thất 3 ngày hoặc 7 ngày hãy làm đến nơi đến chốn. Không nên bỏ dở nửa chừng, vì đó chính là nguyên nhân của thất bại.

Không nên chạy theo những cám dỗ của cuộc đời, như nịnh hót bề trên để được lợi dưỡng hoặc dựa uy thế để nhục mạ kẻ khác. Hãy noi gương Milarépa, sống đời du phương, ẩn dật, không cần chủ tớ hầu hạ, xa lìa mọi dục lạc thế gian.

Nếu tu tập tinh tấn đúng như pháp, chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành quả và sự hiểu biết chân chánh. Ðây là điểm thứ tám (của sự tu tập chánh định).

 


[1] Danh từ thông dụng gọi là bổn tánh.

[2] Courants d’énergie: còn gọi là khí lực.

[3] Canal central d’énergie: kinh lực trung ương.

[4] Six Yogas de Naropa

[5] Bavardage ou commentaire mental: thông thường những vọng niệm trong tâm thuộc 2 loại: suy nghĩ và ảo tưởng. Suy nghĩ còn được gọi là nói chuyện trong tâm (bavardage mental). Ảo tưởng là những hình sắc tưởng tượng hiện trong tâm (cinéma mental).

[6] Corps subtil: theo Mật giáo, con người có 2 thân: thân thô kệch (corps grossier) bằng thịt bằng xương, và thân vi tế (corps subtil) cấu tạo bởi các kinh lực.