Chương 4.
Kết luận
Lợi
ích của Ðại Thủ Ấn và Thập Ðịa Bồ Tát
Trước tiên nói về lợi ích của
các pháp dự bị tu tập, nền tảng của con đường giác ngộ và sự tái sanh trong
nhàn cảnh.
Quán chiếu về sự may mắn có được
thân người (đầy đủ lục căn) cũng như về cái chết và vô thường sẽ kéo ta ra khỏi
những cám dỗ của cuộc đời. Suy nghĩ về nghiệp báo và luật nhân quả giúp ta thấy
rõ đâu là thiện ác và như vậy ta sẽ cố gắng giữ giới thanh tịnh. Quán sát về
đau khổ luân hồi giúp ta nhàm chán ba cõi. Có nhàm chán thì chí nguyện giải
thoát mới kiên cố. Thiền quán về tình thương, từ bi khiến Bồ Ðề Tâm tăng
trưởng, cầu thành Phật độ khắp chúng sanh.
Tu tập Kim Cang quán, năng trì
chú 100 chủng tự, sẽ gặt hái được nhiều điềm báo ứng bên ngoài hoặc trong chiêm
bao, chứng nhận rằng nghiệp chướng đã tạo trong quá khứ được tiêu trừ. Cúng
dường Mạn Ðà La, thân thể trở nên nhẹ nhàng, tâm thần sáng suốt, muốn ít, biết
đủ, tích tụ công đức không thể tính đếm. Thiền quán Bổn Sư Du Già làm tăng
trưởng lòng tin kính vị Thầy (Lama), nhờ đó sẽ cảm nhận được sự gia hộ giúp ta
khai triển kinh nghiệm chánh kiến và Thiền Ðịnh. Sự tu tập có đứng đắn và tiến
bộ hay không đều tùy thuộc vào lòng tin kính đối với vị Thầy.
Về phần tu tập chính yếu, lợi
ích của Thiền Ðịnh giúp ta khai triển, chứng đạt ba đặc tính: an lạc, sáng suốt
và vô niệm. Lòng ham muốn về vật chất (quần áo, thức ăn, v.v...) giảm dần. Có
thể đắc nhiều loại thần thông và ngũ nhãn.
Những ý niệm vi tế, tán loạn bị
mờ dần dưới ánh sáng của định lực, tựa như những ngôi sao dưới ánh sáng mặt
trời.
Ngũ nhãn gồm: 1) Nhục nhãn, thấy
được cảnh vật ở xa trước mắt, 2) Thiên nhãn, thấy được sự tái sinh trong quá
khứ, vị lai, 3) Huệ nhãn, thấy rõ, trực nhận được Không tánh, 4) Pháp nhãn,
thấy được căn tánh của mỗi chúng sanh cùng giáo pháp thích ứng để độ họ, 5)
Phật nhãn, thấy rõ tất cả các pháp, tức nhất thiết chủng trí.
Về Thiền Quán, kết quả lợi ích
thâu thập được tùy thuộc vào căn tánh của hành giả. Với hàng thượng căn thì
Thiền Quán giúp họ trực chỉ, trực đáo Bồ Ðề. Hàng trung căn thì có lúc đi thẳng
một mạch có lúc lại đi theo thứ tự. Hàng hạ căn thì tiến bước từ từ theo thứ tự
sơ phát tâm cho đến Thập Ðịa Bồ Tát, tùy theo cách phát triển 12 (4 lần 3) phép
quán Du Già (Yoga).
Năm con đường (ngũ đạo)[1] và mười
cảnh giới (Thập Ðịa) của Bồ Tát dẫn đến Chánh Giác (Phật quả) có thể được chia
theo nhiều cách, hoặc chứng đạt với nhiều phương thức khác nhau. Các phương
thức tổng quát được tìm thấy ở các trường phái Phật giáo cổ Ấn và Tạng mật.
Theo ngài Gampopa trong "Ngọc báu trang nghiêm giải thoát" thì hệ
thống trên được chia làm 13 giai đoạn: giai đoạn (sơ) phát tâm, giai đoạn thành
khẩn mong cầu, 10 giai đoạn Thập Ðịa Bồ Tát và Phật Ðịa. Trong trường phái
"Ðại Thành Tựu" (Maha-Ati, Dzogtchen) lại chia theo cách khác, nhưng
ở đây theo Ðại Thủ Ấn, ngũ đạo và Thập Ðịa được chia theo 12 pháp Du Già. Dù
được phân chia khác nhau nhưng nền tảng căn bản và kết quả chứng đắc vẫn là
một.
(Thông thường, khi đắc định, tức
đạt được trạng thái an tịnh tâm), ta có thể tùy ý trụ trong trạng thái an lạc,
sáng suốt, vô niệm bất cứ lúc nào. Tuy vậy, có nhiều lúc 3 trạng thái trên
không xảy đến trong khi Thiền Ðịnh và ngược lại, khi không cố ý Thiền Ðịnh thì
nó lại xảy đến. Ta chưa hoàn toàn làm chủ được sự "tập trung vào một
điểm". Ðây là trình độ sơ cấp của Thiền Ðịnh. Nếu ta đạt được tâm an tịnh,
không bị xao lãng bởi ngoại duyên và bất cứ lúc nào Thiền Ðịnh, 3 trạng thái
trên cũng đều hiện khởi. Làm chủ được sự "tập trung vào một điểm",
đây là trình độ trung cấp của Thiền Ðịnh.
An trú tập trung không gián
đoạn, không xao lãng, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp, ý niệm vẫn bình lặng,
trong tất cả các thời, hành vi, cử động và ngay trong giấc ngủ, tâm vẫn an trú
không rời trạng thái an lạc, sáng suốt, vô niệm, đây là trình độ thượng cấp của
Thiền Ðịnh.
Ðến đây ta có thể nghĩ rằng mình
đã đạt được "Không-Thiền"[2] hoặc chứng ngộ. Nhưng đây chỉ có nghĩa
là ta đã chứng đạt Thiền Ðịnh mà thôi, chưa phải thực sự thấu hiểu tánh Không
(hay kiến tánh, nói theo danh từ Thiền tông). Những trạng thái Thiền Ðịnh ở
trên được xem như thuộc hai con đường Tích Tụ và Chuẩn Bị. Vì chưa thấu hiểu
hoàn toàn Tánh của tâm nên trạng thái (trống rỗng) mà ta đạt được chỉ là một
đặc tính của Thiền Ðịnh. Cần phải tiếp tục tu tập lâu dài, xa lìa mọi bám víu
thủ xả, dần dần những trạng thái trên sẽ trở thành thanh tịnh. Tất cả khái niệm
dư hưởng về an lạc, sáng suốt, và vô niệm đều tan vỡ, tiêu hoại (vì trạng thái
này hiện khởi và tan biến cùng lúc trong từng sát na), nhờ đó ta thấy được thực
tại (tối hậu) của tánh Không. Nói theo cách khác, khi sự bám víu vào 3 trạng
thái trên (cho rằng chúng có thật) được hóa giải bằng vô-khái-niệm, đưa tâm vào
trạng thái Không-an-lạc, Không-sáng-suốt, Không-vô-niệm, thì lúc đó thực tánh
của tâm được hiển lộ một cách thanh tịnh, tựa như trái cây đã được lột vỏ, kho
tàng được mở nắp.
Ðang đói thấy được trái cây đã
là mừng, nhưng chưa ăn được. Muốn ăn phải lột vỏ. Vỏ ở đây chỉ sự bám víu vào 3
trạng thái an lạc cho rằng chúng thực có. Khi vỏ được lột, thì thực chất bên
trong trái cây mới hoàn toàn hiển lộ, tức thực tánh rỗng lặng (vide) của tâm,
thường được tạm khái niệm hóa bằng sự an lạc, sáng suốt và vô niệm, tuy rỗng
chất nhưng vẫn khởi diệt từng sát na.
Ðến đây ta đã bước vào con đường
thứ ba (kiến tánh), còn được gọi là trung đạo bất nhị. Tuy nhiên nếu chưa hoàn
toàn dứt bỏ thói quen hay khái niệm (đóng khung) tánh Không, hoặc chỉ thấy vài
lần bổn tánh thì ta mới ở trình độ sơ cấp. Sau khi thanh lọc, tâm trở nên trong
suốt, không còn quán chiếu một cách khái niệm nữa, đây là trình độ trung cấp.
Khi trạng thái này trở nên vững chắc, không còn khái niệm về tâm và vật thì ta
đạt được "Không kiến" thấy tất cả các pháp đều rỗng lặng. Chặt đứt
mọi phân biệt cân nhắc về Không tánh của các pháp bên ngoài lẫn bên trong, đây
là trình độ thượng cấp. Trong thời gian này, mọi cảnh vật đều ảnh hiện như ảo
ảnh, dương diệm (mirage). Trên con đường (thứ 3) kiến tánh này, ta chứng ngộ
được thực tánh của Bồ Ðề Tâm và gột sạch 82 kiến hoặc; không còn tái sinh trong
3 cõi, trừ khi bởi nguyện lực (muốn trở lại hóa độ chúng sanh). Tới đây là hoàn
thành con đường kiến tánh hay Sơ Ðịa của Bồ Tát, "Hoan Hỷ Ðịa". Tiếp
tục tu tập, ta tiến đến giai đoạn "Ðộc vị" (một vị duy nhất).
Ở bước đầu giai đoạn này, ta vẫn
còn gặp vài khó khăn để trụ trong "bây giờ và ở đây". Ðến khi những
khó khăn này được vượt qua thì dù đã hay chưa thoát khỏi sự chi phối của ý niệm
hiện khởi[3], dù các pháp có hay không có, chỉ cần nhớ và nhận lại tánh của
(trạng thái) "bây giờ và ở đây". Thấu hiểu được thực tánh các pháp,
ta sẽ thấy tất cả đều cùng một vị (rỗng lặng).
Trên đây là trình độ sơ cấp của
"Ðộc vị", kinh nghiệm độc vị giữa cảnh vật và Không tánh chưa hoàn
toàn, vẫn còn một chút dính mắc vọng tưởng.
Vọng tưởng là: cho "bây giờ
và ở đây" là một pháp.
Khi vọng tưởng này được thanh
lọc, tánh của pháp đều tan hoà thành một vị duy nhất, luân hồi và giải thoát,
sinh tử và Niết Bàn cũng vậy. Ðây là trình độ trung cấp của "Ðộc vị".
Tiếp theo, cái vị duy nhất này luôn luôn ảnh hiện xuyên qua mọi vật, đây là
trình độ thượng cấp của "Ðộc vị".
Ðến đây ta đã chứng ngộ hoàn
toàn sự hiện khởi không thực của các pháp. Con đường này bắt đầu từ Nhị Ðịa cho
đến Thất Ðịa (theo vài luận sư thì nó bao gồm cả Bát Ðịa), thuộc con đường Thiền
Quán.
Trong hệ thống của Ðại Thủ Ấn,
có nhiều cách phân chia 12 phép Du Già. Theo tài liệu, bút tích của Kontrul
Rinpoché đệ III, cách định nghĩa có vẻ đơn giản hơn:
Trong giai đoạn tập trung tâm ý
của Thiền Ðịnh, ở sơ cấp, 3 trạng thái an lạc xuất hiện lần lượt, lúc không lúc
có. Ở trung cấp, 3 trạng thái này xuất hiện tự nhiên và ở thượng cấp thì chúng
tan hòa vào Thanh Quang, ngay cả trong giấc ngủ.
Trong giai đoạn sơ cấp của Kiến
Tánh, ta thấy được tâm không sanh, không diệt, không trụ. Ở trung cấp, ta không
còn bám víu vào tánh Không cùng cảnh vật. Ở thượng cấp, ta hoàn toàn dứt lìa
khái niệm phân biệt về các pháp hiện hữu.
Trong giai đoạn Ðộc vị, ở sơ cấp
những hiện tượng (trước đây được xem như tự hữu) đều tan hòa vào tánh Không
(rỗng lặng). Ở trung cấp, tâm và cảnh tựa như nước hòa với nước. Ở thượng cấp,
ta thoáng thấy được sự hiện khởi của ngũ trí[4] (xuất
phát từ Ðộc vị).
Những phân chia, định nghĩa ở
trên không nên được xem là chống trái, vì nó được thiết lập từ những kinh
nghiệm thiền tập cá nhân của chư Tổ.
Trước đây ngoài thời gian thiền
tập, trong tâm vẫn còn lưu lại vài vết dính mắc vào tánh Không. Nhưng nay,
trạng thái trong lúc thiền tập và ngoài giờ thiền tập vẫn như như không khác,
tất cả đều được bao trùm trong một khối rỗng lặng, thanh tịnh, trong đó không
còn gì để chứng đạt cũng không còn ai chứng đắc, không còn một chút khác biệt
giữa xao lãng hay không xao lãng. Hoàn toàn thoát ly khỏi mọi đối đãi nhị
nguyên giữa năng quán và sở quán, đây là giai đoạn sơ cấp của Không Thiền, hay
Bát Ðịa Bồ Tát.
Ở mức này, có thể lâu lâu trong
giấc ngủ, vài dấu vết vi tế dính mắc (năng, sở) vẫn còn hiện khởi. Khi những
dấu vết trên được tẩy sạch và các pháp hiển hiện như như trong trạng thái đại
định của Căn Bản Trí[5], đó là giai đoạn trung cấp của Không Thiền, hay Cửu Ðịa
của Thập Ðịa Bồ Tát.
Tiếp theo, khi lưỡi kiếm của
Phân Biệt Trí và Căn Bản Trí vung lên chặt đứt tận gốc những lậu hoặc tột cùng
vi tế (nguyên nhân của vô minh) thì Mẫu Quang, toàn khối thanh tịnh rỗng lặng
và Tử Quang, trí huệ nguyên thủy trong như gương[6], tương hòa nhập một. Ðây là
sự toàn giác của một đức Phật, còn gọi là thượng cấp của Không Thiền hay Phật
quả.
Tánh thanh tịnh tự nhiên của
trạng thái nguyên thủy, kết quả của sự hợp nhất (giữa toàn khối rỗng lặng và
Ðại Viên Cảnh Trí) chính là Pháp thân (Dharmakaya) mà ta đã làm hiển lộ trên
hành trình từ Bát Ðịa đến Phật quả.
Thân của Phật có thể được nhìn
dưới 2 khía cạnh: Pháp thân và Sắc thân[7]. Pháp
thân là kết quả của sự toàn thắng phiền não vô minh, tự tánh nó cụ túc. Sắc
thân là kết quả của sự thành tựu tất cả hạnh lành và xuất phát từ Bồ Ðề Tâm
(Bodhicitta) để hóa độ chúng sinh. Pháp thân bất sinh, bất diệt là tánh thường
hằng bất biến, thanh tịnh của tâm và mọi hiện tượng.
Tánh thanh tịnh của những ý niệm
chính là Báo thân (Sambhogakaya) mà ta đã làm hiển lộ.
Có nhiều định nghĩa về Báo thân,
nhưng theo kinh tạng thì Báo thân có 5 đặc tính sau:
Về 1) sắc tướng: luôn luôn đầy
đủ 112 dấu hiệu chính[8] và phụ
của một đức Phật; 2) giáo lý: giảng dạy Ðại Thủ Ấn; 3) đệ tử: gồm chư Ðại Bồ
Tát; 4) địa vức: chỉ xuất hiện ở các cõi Tịnh Ðộ; 5) thời gian: trụ cho đến tận
cùng của luân hồi.
Ðại Bồ Tát là những người, nuôi
dưỡng và thúc đẩy bởi Bồ Ðề Tâm, có được sự chứng ngộ thanh tịnh, không khái
niệm về Không tánh. Do đó cõi nước, địa phương của các ngài trở thành tịnh độ,
cảnh giới của chư Phật. Ngoài chư Ðại Bồ Tát, không có chúng sinh nào khác có
thể trực nhận được tánh thanh tịnh của ý niệm.
Tánh thanh tịnh của cảnh vật
chính là Hóa thân (Nirmanakaya) mà ta đã làm hiển lộ.
Nếu mặt đất toàn bằng lưu ly mà
không được lau chùi, bóng của vua Trời Ðế Thích cũng không ảnh hiện được. Tương
tựa như vậy, nếu tâm của chúng sanh không trong sạch, dù đức Phật có hiện ra
trước mặt, họ cũng không nhìn thấy. Ðối với chúng sanh căn tánh thông thường,
Hóa thân Phật xuất hiện như một hiện tượng bị chi phối bởi luật nhân duyên và
có thể sắp xếp thành 3 hạng. Hóa thân thượng, như Thích Ca Mâu Ni Phật, đầy đủ
32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thực hiện 12 việc: xuống từ cung trời Ðấu Suất
(Tushita), sinh trong hoàng tộc, tinh thông võ nghệ, xuất gia, tu khổ hạnh,
giác ngộ dưới cây Bồ Ðề, chuyển pháp luân, v.v... Nếu không đầy đủ phước đức và
tâm thanh tịnh thì ta sẽ chỉ nhìn thấy nơi Thích Ca Mâu Ni Phật, một người to
lớn với đôi tai dài mà thôi. Nếu đầy đủ tâm thanh tịnh thì vị Thầy (Lama) cũng
chẳng khác chi đức Phật. Hóa thân trung thường xuất hiện dưới hình thức nghệ
sĩ, bác sĩ, nhạc sĩ, v.v... Hóa thân hạ xuất hiện dưới hình thức thú vật như
voi, khỉ, chim, v.v... để hóa độ chúng sanh.
Tất cả hạnh lành phát xuất từ
tam thân Phật để hóa độ chúng sanh, vượt ngoài sức tưởng tượng của phàm nhân.
Chúng sanh vô biên thì sự hóa độ cũng vô cùng như hư không, cho đến ngày không
còn một ai trong luân hồi nữa.
Trên đây là những lợi ích của
các pháp dự bị tu tập và của tất cả tiến trình tu tập cho tới mức Không Thiền.
Ðịnh
nghĩa cuối cùng
Tột cùng mà nói, mỗi người chúng
ta, từ đời vô thỉ, đã có một tánh, thường được gọi là bổn tánh (của tâm), thực
tánh của các Pháp hay Ðại Thủ Ấn, và tánh này không khác với cái tánh đạt được
sau khi hoàn toàn giác ngộ.
Ðại Thủ Ấn căn là cái mà tất cả
chúng sanh đều có, nó là nền tảng trên đó hành giả bắt đầu mọi sự tu tập thiền
quán. Sau khi nhận ra thực tánh của tâm, tiếp tục cho đến Thập Ðịa Bồ Tát, gọi
là Ðại Thủ Ấn đạo. Sau cùng, khi hoàn toàn tỉnh thức thoát khỏi giấc ngủ triền
miên của vô minh, tánh thanh tịnh tối hậu của thực tại được chứng đạt, gọi là
Ðại Thủ Ấn quả.
Ðại Thủ Ấn căn, đạo và quả tương
quan tương duyên, không thể hiện hữu riêng biệt, giống như trường hợp của một
em bé, người lớn và ông lão. Ta không thể nào là một ông lão nếu chưa bao giờ
đã là một em bé hay người lớn. Cũng vậy Ðại Thủ Ấn quả tự nhiên đến, sau khi
trải qua Ðại Thủ Ấn căn và đạo.
Thấy được tánh thanh tịnh bất
diệt của thực tại, thoát khỏi mọi khái niệm về vật sở quán và thức năng quán,
gọi là Cái Thấy về Ðại Thủ Ấn. Suy nghĩ quán chiếu về Cái Thấy này không xao
lãng, gọi là Thiền Quán về Ðại Thủ Ấn.
Tu tập cần phải phối hợp đầy đủ
Cái Thấy (chánh kiến) và thiền tập (chánh định). Có thiền tập mà thiếu chánh
kiến, chẳng khác người mù đi trên đồng trống. Có chánh kiến mà không thiền tập,
chẳng khác người bần tiện, sự hiểu biết không đem lại ích lợi nào cho mình và
cho người cả. Nếu đầy đủ cả hai, sẽ giống như chim đủ hai cánh bay nhanh đến
giác ngộ.
Sau đó, hành giả được khuyến
khích khai triển một trong bốn công việc, trong lúc làm không khởi khái niệm về
việc được làm và người đang làm. Ðây là Hoạt Ðộng về Ðại Thủ Ấn.
Bốn công việc này là: làm hạnh
lành, mật hạnh, làm trong đám đông và đem lại thành công trong mọi ngành.
Hãy thành tâm tin tưởng, kính
mến các vị Thầy (Lamas). Dứt bỏ và xa lìa những cám dỗ của cuộc đời. Luôn tập
trung tâm ý không để xao lãng. Chặt đứt sợi dây ích kỷ chỉ muốn hưởng lợi cá
nhân. Bất cứ dấu hiệu nào xảy đến trong thiền tập cũng không chán nản, phải
tinh cần tiếp tục.
Hành giả cần nhận định rõ ràng
sự khác biệt giữa kinh nghiệm nhất thời và kinh nghiệm thâm nhập. Nếu còn thấy
đây là một tâm năng chiếu và kia là đối tượng quán chiếu, đó là kinh nghiệm
nhất thời.
Những kinh nghiệm nhất thời và
ba trạng thái an lạc vẫn còn đượm màu nhị nguyên (dualité).
Trực nhận được tánh bất nhị,
trong đó không có người đang thiền và đối tượng thiền quán, đấy gọi là thâm
nhập.
Tuy ba trạng thái (an lạc, sáng
suốt, vô niệm) không phải là tối cao nhưng chúng là nền tảng của Thiền Quán.
Nếu gia tăng, trau giồi chúng một cách không dính mắc, chắc chắn sự thâm nhập
sẽ đến tự nhiên.
Trong bốn loại ấn, Hoạt Ðộng Ấn
thích hợp cho hàng độn căn. Qua ấn này, ta có thể chứng đạt những năng lực thần
thông của Dục giới.
Có nhiều trình độ giải nghĩa về
bốn ấn. Ở đây, Hoạt Ðộng Ấn, Karmamudra, chiếu theo sự tu tập về các: 1) hoạt
động an bình để giải trừ bịnh tật và trù ếm, 2) hoạt động làm gia tăng tuổi
thọ, phẩm hạnh và phước đức, 3) hoạt động nhằm chứng đạt quyền năng sai khiển
đồ vật, 4) hoạt động dữ dằn để giải trừ điều ác, chướng ngại.
Giới Ấn và Pháp Ấn là con đường
thích hợp cho hàng trung căn. Với hai ấn này, ta có thể chứng đạt những thành
tựu cao nhất của cảnh giới luân hồi, cõi trời Akanistha (Og-minn).
Giới Ấn, Samayamudra, là sự tôn
trọng các giới luật đã thọ. Pháp Ấn, Dharmamudra, là quán tưởng tự thân dưới
hình tướng của một Thần Linh Quán. Áp dụng hai ấn này, mà chưa thực hiện được
Không tánh có thể dẫn tới đỉnh của tam giới nhưng không đến giác ngộ.
Ðại Thủ Ấn (Mahamudra), con ấn
lớn của Không tánh, là con đường của hàng lợi căn, dẫn đến sự thành tựu tối
thượng của giác ngộ.
Ðại Thủ Ấn là tánh bất nhị của
cảnh vật và Không tánh, của an lạc và Không tánh, của Thức và Không tánh, của
sáng suốt và rỗng lặng, vượt khỏi mọi đối đãi tâm linh về có và không. Nó không
phải một vật có thể chỉ bày bởi một vị Thầy, không thể hiểu được bằng trí khôn
của người đệ tử, không thể diễn tả được bằng lời. Nó cũng không phải cái này
hay cái kia. Ðó là một sự Ðại An Lạc, chỉ có thể tự chứng nghiệm chứ không thể
định nghĩa. Không có gì mà nó không thấu suốt, dù đó là cảnh vật, sinh tử hay
Niết Bàn... Nó vừa là tâm vừa là ý niệm, vừa là Pháp thân, và đã có mặt từ đời
vô thỉ.
Sự tan hòa, hợp nhất của tâm, ý
niệm và Pháp thân không giống như trộn cát lẫn với xi măng, mà giống như hòa
nước với nước vậy. Tánh của ý niệm (hiện khởi) chính là tánh của tâm: cả hai
cùng là Pháp thân. Những ý niệm, mặc dù không thực và mê hoặc nhưng ta không
cần xả bỏ hay ngăn chặn chúng; khi nhận ra được tánh thì tự chúng trở thành
thanh tịnh.
Tâm, ý niệm và Pháp thân cả ba
cùng có từ đời vô thỉ. Nếu đặt câu hỏi: "vô minh có trước hay giác ngộ có
trước?" chẳng khác chi hỏi: "gà (con) có trước hay trứng có
trước?". Không phải trước tiên có giác ngộ rồi sau đó thành vô minh, cũng
không phải vô minh trước rồi sau mới giác ngộ. Song le, một đức Phật không còn
vọng tưởng nữa, thế nghĩa là sao? Ý niệm (vọng tưởng) thấm nhuần trong Pháp
thân, do đó không thể nói là đức Phật đã trừ bỏ ý niệm. Ðức Phật đã nhận ra ý
niệm chính là Pháp thân nên tất cả hành động tạo tác và hóa hiện của Phật hoàn
toàn vô niệm, tự nhiên và lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Giòng truyền thừa của Ðại Thủ Ấn
bắt nguồn từ đức Phật Vajradhara xuống đến Tilopa, Naropa, Marpa, Milarépa,
Gampopa và sau đó tỏa ra nhiều giòng truyền từ các đệ tử của Gampopa gồm giòng
truyền Ðại Thủ Ấn Shang, Barom, Drikhung Kagyu, Pagmo Drupa. Từ Pagmo Drupa lại
chia ra các giòng Tag-Lung, Tchugna, Maryé, Shub-séoua, Tropu, Yazang và Drukpa
Kagyu. Riêng ở đây, giòng Karma Kamtsang Kagyu đã được truyền từ Gampopa, rồi
Tusum Khyenpa (Karmapa đệ I) xuống đến Bổn Sư của ta là Keuntchok Yenlag
(Shamar Rinpoché đệ V). Nếu tu tập đứng đắn, chắc chắn sẽ chứng đạt nhiều kinh
nghiệm và trí huệ.
Lời
chú của tác giả
Trong tập sách này, tôi đã cố
gắng giảng giải những cách thức nhận ra tánh của tâm và nhấn mạnh về phần tu
tập nên không trích dẫn nhiều từ Kinh tạng. Dù bản thân chưa có được kinh
nghiệm thâm sâu, tôi, Mipam Tcheu Ouang, Vajreshvara (Karmapa Ouang Tchuk Dorjé
đệ IX, 1556-1603) đã biên soạn tập sách này, đúng theo lời của chư Tổ quá khứ,
tại Tu viện của Sho-Ka-Ouor, thể theo lời thỉnh cầu của Samdé Lama Rabjam Mawa
Samten Kunga.
Có chút công đức nào, tôi xin
hồi hướng cầu cho tất cả chúng sanh - cha mẹ quá khứ nhiều đời - thảy đồng
thoát ly khỏi mọi cám dỗ của dục lạc và trực kiến bổn tánh.
Shoubhamastou sarouadjagatam
Nguyện cho thế giới được thanh
bình an lạc.
Lời
phụ kết của dịch giả
Trước khi tu tập Ðại Thủ Ấn,
hành giả cần rõ ba điều: Yểm ly, Bồ Ðề Tâm và Không tánh.
Yểm ly là chắc thực, thấy rõ sự
vô thường đau khổ của cảnh đời, sanh tâm nhàm lìa, cầu giác ngộ giải thoát. Bồ
Ðề Tâm là chí nguyện thành Phật để cứu độ chúng sanh là cha mẹ anh em từ nhiều
đời. Không tánh (Vacuité, Sunyata) tức tánh không thực của các pháp. Hãy cẩn
thận, Không tánh ở đây không phải là cái chơn không chứng đạt sau khi tu tập
Ðại Thủ Ấn, mà là một khái niệm ý thức về Không tánh, nó có thể giúp hành giả
thoát khỏi những khái niệm nhị biên. Ðể hiểu rõ Không tánh (trên phương diện ý
thức), đọc giả có thể nghiên cứu học hỏi theo luận lý của Trung Quán
(Madhyamika).
Về các pháp dự bị tu tập, có 4
pháp thuộc Mật giáo và 4 thuộc Hiển giáo. Nếu đọc giả chưa bao giờ thọ giáo với
các vị Sư Lạt Ma Tây Tạng thì chỉ nên tu tập 4 pháp thuộc Hiển giáo. Trọng tâm
của 4 pháp: Quy lạy, Kim Cang quán, cúng dường Mạn đà La, Bổn Sư Du Già, chính
là vị Thầy Bổn Sư (Lama-racine, Root-Guru). Nếu chưa gặp hoặc chưa hoàn toàn
tin tưởng một vị Thầy thì không nên tu tập 4 pháp này. Về phần tu tập chính
yếu, tức Chỉ Quán (Shiné-Lhaktong), đọc giả có thể nương theo sách mà tu tập,
nhưng chắc đọc giả cũng đã để ý, và trong nguyên bản cũng nhấn mạnh rằng sự chỉ
đạo trực tiếp của một vị Thầy rất quan trọng và cần thiết.
Tu thiền không phải chỉ ngồi
thiền không là đủ, cần phải đọc sách nghe Kinh, tham vấn học hỏi bậc Thầy,
thiện tri thức. Bồ Tát Sơ Ðịa còn phải học với Bồ Tát Nhị Ðịa, Bồ Tát Thập Ðịa
còn phải học với Ðẳng Giác. Ngày nào chưa giác ngộ, ngày đó còn phải tìm Thầy
học đạo cho khai ngộ, được khai ngộ rồi cần phải tiếp tục nương tựa vị Thầy đó
cho đến ngày chứng đạo. Ðược vậy mới sớm giải thoát, sớm phá trừ ngã chấp cho
là mình đã hiểu thiền rồi tự mãn ngâm thơ vịnh khúc. Tuy nhiên, trong việc tìm
Thầy cũng phải cẩn thận, dùng trí huệ xét soi, không nên nghe nói ai hay, nổi
tiếng, có thế lực là vội vàng tin theo.
Vài lời nhắn nhủ bạn đạo, nếu
không hợp xin vui lòng bỏ qua, tiếp tục sống đời của mình. Dù có hận thù hay
yêu thương, ưa thích hay chán ghét thì nước kia vẫn chảy, mây kia vẫn trôi.
[1] Ngũ đạo: 5 con đường. Mật
giáo thường chia tiến trình tu tập thành 5 giai đoạn: Tích Tụ (accumulation),
Chuẩn Bị (préparation), Kiến Tánh (vision), Thiền Quán (méditation), Không
Thiền (non-méditation).
[2] Non-méditation: dịch là
Không Thiền. Trong tất cả các thời, đi, đứng, nằm, ngồi, hành động tạo tác, tâm
đều an trú trong Thiền Ðịnh, không còn hạn cuộc vào các thời khóa công phu
thiền tọa. Trong Thiền tông gọi là không thiền mà thiền, thiền mà không thiền.
[3] Tuy thấy Tánh nhưng chưa
hoàn toàn thoát khỏi sự chi phối của những ý niệm hiện khởi.
[4] Tây Tạng thường nói đến Ngũ
Trí thay vì Tứ Trí. Theo Shamar Rinpoché trong quyển "Les deux visages de
l’esprit", Ngũ Trí gồm: Ðại Viên Cảnh Trí (sagesse semblable au miroir),
Bình Ðẳng Tánh Trí (sagesse de l’identité), Diệu Quang Sát Trí (sagesse de la
simultanéité), Thành Sở Tác Trí (sagesse tout accomplissant), và Pháp Giới Trí
(sagesse du Dharmadhatu).
[5] Kinh sách Tây Tạng thường
phân chia 2 loại trí huệ: 1) Phân Biệt Trí, connaissance discriminante (shérab)
là trí huệ của Không tánh, thấy rõ đâu là chân đế, tục đế. Còn gọi là trí Bát
Nhã. 2) Căn Bản Trí (yéshé) là trí huệ của bất nhị tánh, dung thông nhị đế.
[6] Sagesse primordiale
semblable au miroir.
[7] Sắc thân bao gồm Báo thân và
Hóa thân.
[8] 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.