Phật học cơ bản
Khai Thị (Tập 1)
Đại Sư Tuyên Hóa Việt dịch: Ban Phiên Dịch Đại Học Pháp Giới, Vạn Phật Thánh Thành
26/05/2554 14:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phần 03

 

21. Pháp Sư Hằng Tại

22. Pháp Sư Hằng Đoan

23. Bảy Bồ Đề Giác Tri

24. Tại Nước Mỹ, Phật-pháp Mới ở Bước Đầu

25. Cảm Ứng Của Phật Pháp

26. Bốn điều Ngài A-Nan Hỏi Phật

27. Hằng Lai Pháp Sư

28. Mỗ Pháp Sư

29. Bạch Vũ Trụ

30. Mất Thân Người, Vạn Kiếp Chẳng Được Lại

--- o0o ---

21. Pháp-sư Hằng Tại 

Quý vị! "Thân người khó được nay đã được, Phật pháp khó gặp nay được nghe, Thiện tri thức khó gặp nay đã gặp," tôi thực là may mắn có đủ cả ba điều kiện này. Nhân duyên xuất gia của tôi là do được chứng kiến sự đau đớn của mẹ tôi khi người mang bệnh, tôi cảm thấy chuyện đời vô thường, chẳng biết hướng tới đâu. Tôi không biết kiếp này làm người, rồi kiếp sau còn làm thân người nữa không? Bởi vậy năm 1979, tôi tới với Thượng Nhơn, cầu Ngài cho xuất gia. Thượng Nhơn hỏi: "Tại sao muốn xuất gia?" Tôi đáp: "Nhân thấy mẹ tôi mang bệnh đau đớn, rồi bỗng chốc ra đi, tôi cảm thấy cái khổ về sanh tử, nên phát tâm xuất gia." Xuất gia tu đạo tức là muốn chấm dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, không còn bị vướng trong sáu nẻo của vòng luân hồi nữa.


22. Pháp-sư Hằng Đoan  

Lần ấy là lần đầu tiên tôi đến Hương Cảng, một nơi có cái tên rất đẹp là "hòn ngọc phương Đông." Nhìn thấy quang cảnh, nào người, nào xe cộ đông đảo, chen chúc, nhất định là cuộc sanh hoạt trên đảo này rất là khẩn trương, không giống như tại đất Mỹ rộng lớn, ở đó tương đối mọi người sống nhàn tản và tự tại hơn. Nhưng, một khi đã cư ngụ trên đảo này, và muốn cho tinh thần được thơ thới, tâm tình an định thì có một biện pháp là niệm danh hiệu các Bồ-tát, như niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát, hay Nam-mô A-Di-Đà Phật. Nguyên do là niệm danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ nghiệp ác, trừ các bệnh hiểm nghèo, hoặc các sự việc chẳng được xứng ý và tăng trưởng căn lành của chúng ta. Cũng giống như trường hợp của tôi, năm 1978 lần đầu tiên tôi đến Vạn Phật Thành để dự thất Quán Âm, Thượng Nhơn bảo tôi thường xuyên niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát, nên từ hồi đó, tôi tùy duyên tập cho mình niệm danh hiệu của Ngài Quán Âm, lúc lái xe, lúc đi bộ, khi thì tôi tụng chú Đại-bi. Tôi tin rằng chỉ cần chúng ta thành tâm tha thiết trì tụng, thì Phật và chư vị Bồ-tát sẽ thường xuyên ở bên cạnh giúp đỡ chúng ta, để chúng ta gặp vạn sự như ý, thân tâm thơ thới!


23. Bảy Bồ Đề Giác Tri  

Bổn thân người học Phật pháp phải có đủ chánh tri, chánh kiến. Có chánh tri chánh kiến thì mới biết tu hành cách nào. Có được pháp môn chánh xác mới có được pháp mạch chánh xác, bởi vậy trước hết quý vị phải hiểu thế nào là bẩy Bồ-đề giác tri.

Giác tri phần: Giác tri tức là hiểu rõ đường lối tu hành như thế nào.

1. Trạch pháp giác tri: Phải biết cái nào là chánh, cái nào là tà, cái nào là tốt, cái nào là xấu, phải có con mắt chọn lựa, mới không lạc vào đường rẽ. Nếu không biết chọn lựa tất dễ bị dẫn tới những ngõ ngách quanh co, tìm không ra lối, cho nên trạch pháp giác tri là quan trọng vô cùng. Muốn biết cách chọn lựa sao cho chính xác, tất phải có trí huệ, còn không thì cứ chọn đi chọn lại, mà vẫn còn sai lầm. Sai lầm vì không có trí huệ, vì thiếu cái trí huệ chọn pháp. Không biết chọn thì rất dễ đi vào đường rẽ.

2. Tinh tấn giác tri: Nếu hiểu rõ Phật pháp mà lại gạt nó qua một bên không chịu dụng công tu hành thì có khác chi suốt ngày nói ăn mà chưa hề thực sự nếm mùi pháp vị. Giác tri này nói về sự tinh tấn. Như quý vị đã biết chọn pháp, nắm được pháp yếu một cách chính xác, lại tinh tấn tu hành, ngày đêm sáu thời thân tâm dụng công, không lười biếng; thân tinh tấn tức là niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, lạy sám v.v.., tâm tinh tấn tức là thường xuyên niệm niệm không quên, không khởi vọng tưởng.

Biết cách chọn chánh pháp, mới tránh được tình trạng tu mù. Tu mù mà không gặp thiện tri thức chỉ bảo, thì kết quả đường Phật không đi mà đi về địa ngục, tưởng là theo đạo Bồ-tát mà thành theo ma đạo. Tại sao mà nghiêm trọng đến thế? Bởi tri kiến không chánh đáng, sai lầm nhân quả, nên càng tu càng đi xa mục tiêu của mình đã vạch sẵn, nghĩa là "sai một ly, đi một dặm," hoặc như người ta thường nói:

Mông đổng truyền mông đổng

Nhất truyển lưỡng bất đổng

Sư phụ hạ địa ngục

Đồ đệ vãng lý củng

Dịch nghĩa là:

Hồ đồ truyền kẻ hồ đồ,

Một truyền hai chẳng hiểu,

Sư phụ xuống địa ngục,

Đồ đệ cũng xuống hầu.

3. Hoan hỷ giác tri: Có được con mắt chọn pháp, ắt phải có tâm hoan hỷ gắng công tinh tấn tu hành. Chẳng phải ba hồi tinh tấn, ba hồi lại bực bội với chính mình; không nên suốt ngày phiền não, chau mày nhăn nhó, điều cần thiết là không lười biếng, biết hoan hỷ và tinh tấn dụng công.

4. Trừ giác tri: Tuy nhiên tâm hoan hỷ vẫn chưa phải là cứu cánh, phải trở lại sự bình lặng trong tâm, gạt bỏ phiền não vô minh, diệt trừ các tập khí xấu. Diệt trừ xong thì tự cảm thấy nguồn pháp hỷ sung mãn.

5. Xả giác tri: Khi tâm đã trở về bình lặng, ta lại cần phải xả sự bình lặng đó, nghĩa là không chấp vào một thứ gì hết. Phải "quét sạch mọi pháp, lìa hết mọi tướng," đạt tới cảnh giới trong thì không cảm thấy thân tâm, ngoài thì không thế giới.

6. Chánh định giác tri: Thực hiện được pháp xả xong thì mới có định lực. Có chánh định rồi mới có chánh thọ. Chánh định ở đây không phải là loại định hồ đồ, không phải là vào định vô tâm, hay là định của trời vô tưởng, cái đó không phải là rốt ráo.

7. Chánh niệm giác tri: Vào được chánh định, tâm sẽ có chánh niệm, nghĩa là niệm chánh xác. Khi có chánh niệm thì sẽ không còn bị đọa lạc, sớm tối không còn khởi lên vọng niệm, và lúc đó mới chứng được tam bất thoái: niệm bất thoái, vị bất thoái, hành bất thoái. Nói tới định kẻ tu hành liền biết đó là thiền định, hay "thiền-na," một danh từ Phạn (dhyana) có nghĩa là "tĩnh lự," tức là dừng lại mọi vọng tưởng, và còn gọi là "tư duy tu." Tư duy hay là "tham," như tham thoại đầu, tham câu "niệm Phật là ai?" hoặc tham "bổn lai diện mục từ lúc cha mẹ chưa sanh."

Nay, tôi xin giảng về cảnh giới của tứ thiền.

1. Sơ thiền, Ly sanh hỷ lạc: Hơi thở ngưng lại. Bên ngoài không thấy có hô hấp, nhưng bên trong hô hấp còn hoạt động, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, chỉ người tu mới có, mới biết, người ngoài không hiểu nổi. Loại thiền này lìa sự hỷ lạc của thế gian nhưng lại được pháp hỷ sung mãn, sống nhờ thiền duyệt (vui thiền) và cũng đạt được chút ít cảnh giới minh tâm kiến tánh.

2. Nhị thiền, định sanh hỷ lạc: Lạc ở đây về mức độ thì cao hơn trong cảnh sơ thiền, thiền giả luôn luôn ở trong cảnh hoan hỷ và sự hoan hỷ đó là từ ở định sanh ra. Tu đến mức này thì ở trong người kinh mạch hết khua động.

3. Tam thiền, Ly hỷ diệu lạc: Niệm trụ lại, chấm dứt niệm hoan hỷ, bởi còn hoan hỷ tức còn chấp trước. Nay thì đem cả niệm hoan hỷ trừ bỏ đi luôn.

4. Tứ thiền, Xả niệm thanh tịnh: Xả toàn bộ các niệm, không niệm gì nữa. Lúc đó trong tâm không còn gì ngăn ngại, nhưng cũng chưa phải là đã ra ngoài tam giới. Đây là một kết quả tiến bộ của công tu định, chưa phải là một cảnh giới cao, để đến độ không cần tu nữa, cho là mình đã khai ngộ mà khởi tâm kiêu mạn. Tới chỗ này rất cần có người khác chứng minh cho mình, tự mình không thể ấn chứng cho mình được. Người tu đạo phải như thế, không thể có lòng cống cao ngã mạn, nói lời hư dối, nếu không sẽ bị đọa địa ngục. Phàm kẻ học Phật không thể tạo cái nghiệp vừa thiện vừa bất thiện một cách hỗn tạp như vậy, chẳng thể mang cái ý niệm vị kỷ như vậy.

Như nếu có ai tự xưng là thiện tri thức, chúng ta hãy lấy sáu tiêu chuẩn sau đây để phán xét xem họ có thực là thiện tri thức hay không:

1. Quán sát người đó có lòng tham không, có tham danh, lợi, tiền tài, hay sắc dục không?

2. Thiện tri thức vốn không cùng người tranh cãi, vậy xem người đó có tâm tranh đua không?

3. Xem họ có tham cầu không? Nói năng có chân thật không?

4. Xem họ có ích kỷ không?

5. Xem họ có phải tự lợi không?

6. Xem họ có nói dối hay không?

Nếu xét các tiêu chuẩn trên đều có đầy đủ thì người đó chẳng phải là thiện tri thức mà là ác tri thức, hoặc giả là thiên ma, ngoại đạo. Ngược lại nếu xét các điều trên đều không có thì người đó thực là chẳng tham, chẳng tranh, chẳng cầu, chẳng ích kỷ, chẳng tự lợi, chẳng nói dối, ta có thể tin rằng người đó đúng là thiện tri thức và ta yên tâm theo học mà chẳng ngại đi vào đường tà.

Buổi tối ngày 11 tháng 12 năm 1981


24. Tại Nước Mỹ, Phật Pháp Mới Bước Đầu 

Tại Mỹ, Phật giáo rất mới mẻ. Tuy nhiên, Phật giáo tại Mỹ vốn chẳng phải riêng của nước Mỹ mà là chung của thế giới. Phật giáo chân chánh không hề hạn định thuộc quốc tịch nào, thuộc địa phương nào, vấn đề ta và người chẳng có sự phân biệt.

Tại Á-châu, một số người thừa nhận nay là thời đại mạt pháp, nhưng pháp vốn chẳng phân ra chánh pháp hay mạt pháp, chỉ có điều khi người ta chẳng chịu tu thì đó đúng là thời mạt pháp. Có câu nói: "Người truyền bá pháp, không phải pháp truyền bá người." Đừng hỏi lôi thôi, gắng mà tu hành, thì tự nhiên chánh pháp sẽ ở mãi với thế gian. Người không tu hành, thì pháp phải mạt. Tôi ở Hương Cảng trên mười năm, có rất nhiều thanh thiếu niên theo tôi học Phật pháp, lý do là tôi vốn ưa giới trẻ. Về sau, cơ duyên chín mùi, tôi qua đất Mỹ. Từ năm 1961 đến năm 1968, tôi ở trong "mộ địa," nên mới lấy hiệu là "Mộ trung tăng," một Tăng sĩ ở trong mộ, ngụ ý rằng tôi chẳng tranh đua với ai. Bảo tôi đúng, tôi không cãi, bảo tôi sai, tôi cũng chẳng cãi. Mới đầu tôi ở một căn hầm, rất là ẩm thấp, sau mới dọn đến một chỗ tương đối khá hơn, trải qua mấy năm chẳng thành tựu được gì. Tới năm 1968, có mấy vị sinh viên ở Seattle đến tham gia trại hè, tôi giảng cho đại chúng kinh Lăng-nghiêm, rồi dạy họ thiền tập, công phu khuya, chiều. Hồi đó cái gì họ cũng không hiểu, thành ra một mình tôi phải lo đủ, nào giảng kinh, thuyết pháp, đốt lò, lo nước, rửa chén, nấu ăn, tất cả do một mình tôi lo liệu. Tôi giảng xong bộ kinh Lăng-nghiêm thì số sinh viên này bèn bỏ Seattle, dọn đến San Francisco cư ngụ. Năm 1969, có năm vị xuất gia đi Đài Loan thọ giới, và kể từ đó người xuất gia mới thực sự có ở đất Mỹ. Sau đó, tôi giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, rồi kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ, kinh Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm, riêng kinh Hoa Nghiêm giảng trong chín năm rưỡi, bao nhiêu năm giảng kinh như vậy không có ngày nào nghỉ. Mấy lần tôi có trở về Hương Cảng, nhưng ít khi gặp gỡ dân Hương Cảng. Lần đó tôi mang theo mười người về Hương Cảng. Tôi nhận thấy dân Hương Cảng có duyên sâu đậm với Phật pháp, cho nên tôi muốn đem hết cái nghĩa chân chánh của Phật pháp ra để thuyết giảng. Vạn Phật Thành có mở đại học, trung học và tiểu học. Như có đồng bào nào ở Hương Cảng muốn qua đây học, tôi xin hết lòng hoan nghênh.

Trước đây khá lâu, cư sĩ Tạ Quân Nhu ở Hương Cảng qua Mỹ kiếm Pháp-sư Độ Luân. Khi còn ở tại Hương Cảng, pháp hiệu của tôi là Độ Luân, tới khi qua đây tôi đổi thành Tuyên Hóa, nhưng ông ta không nhận ra tôi. Khi thấy tôi ở giảng đường, ông hỏi: "Pháp sư Độ Luân nay ở đâu?" Tôi đáp: "Độ Luân tịch rồi." Nghe nói vậy, coi bộ ông ta rất lấy làm thương cảm. Ông lại hỏi: "Người đã qua đời bao lâu rồi?" Tôi nói: "Ông ấy qua đời đã lâu." Hỏi: "Vậy Pháp sư đối với ông ấy thì như thế nào?" Tôi nói: "Có thể nói rằng tôi là đồ đệ của ông ấy, mà cũng là sư phụ của ông ấy nữa, bởi tôi dạy cho ông tiếng Anh nên tôi là sư phụ, còn ông ấy dạy cho tôi tiếng Trung Hoa nên tôi là đồ đệ." Ngày hôm qua ông cư sĩ này lại đến thăm tôi nữa, tôi chợt nhớ lại câu chuyện khá hứng thú này.

Chúng ta là người học Phật pháp, quyết phải có con mắt chọn pháp để nhận Phật pháp cho đúng. Phải có được cái biết sáng tỏ, chớ không lờ mờ trong cảnh tu mù mà uổng phí mất thời gian. Học Phật pháp phải có hướng đi lên, làm hay hơn, chớ không thể khi thì học Phật, khi thì tạo nghiệp, rồi đi xuống. Nhắm hướng đi lên tức là học Phật pháp. Chúng ta nhất định phải nhận thức rõ điều thật giả, không phụ họa nói theo người khác, rồi người ta nói sao mình cũng nói như vậy. Có thế chúng ta mới đúng là người tin Phật một cách chân chánh.

Buổi tối ngày 12 tháng 12 năm 1981


25. Cảm ứng của Phật Pháp  

Đi tới chỗ nào tôi cũng muốn dìu dắt kẻ hậu tiến, bởi vì trong giới trẻ có cả một bầu nhiệt huyết mà ta cần phải hâm nóng để cổ võ. Số là giới thanh niên thường có đầu óc mới mẻ, thiên khoa học, chớ không cổ hủ như đầu óc chúng ta. Hôm qua, rất nhiều người có những ý nghĩ sai lầm như: "Chúng ta đến đây là để nghe lão Pháp sư giảng kinh, hóa ra toàn là gặp mấy vị Pháp sư ít tuổi chiếm hết cả thời gian, thật là uổng phí." Nghĩ như vậy là không đúng, các vị Pháp sư trẻ tuổi họ nói pháp không giống nhau, thì mọi người mới được hưởng những pháp vị khác nhau, hiện nay thỉnh các vị này khai thị, xin tất cả chú tâm nghe giảng.

- Vạn Phật Thành này, loại người nào cũng có. Người thiện có, người ác có, tốt xấu đều có cả. Tuy nhiên đến đây rồi thì rồng hay cọp cũng vậy, rồng chẳng phải cứ tùy tiện làm mưa, hổ chẳng phải luôn luôn gây gió bão.

Ngày 19 tháng 6 năm 1968 ở San Francisco có xảy ra vụ án đổ máu Kim Long. Về sau băng đảng Hoa Thanh lại muốn gây thêm vụ đổ máu thứ hai thậm chí tới vụ thứ ba nữa, nguyên nhân gây ra từ sự tranh đoạt địa bàn hoạt động của hai băng đảng Hoa Thanh và Tổ Phương, nhưng sau họ đều xin quy y Tam Bảo, quy y tại Vạn Phật Thành, rồi họ mang hết cả vũ khí đổ xuống biển. Từ đó họ cải tà quy chánh, nào đọc kinh, nào làm công quả, không dám làm điều càn bậy nữa.

Hồi đó có tám người xin quy y, và lúc bấy giờ chẳng ai biết lai lịch họ ra sao. Trong khi quy y, tôi nói với họ: "Người nào quy y với tôi, sẽ không được sát sanh, không được lấy trộm, không được đốt nhà, không được nói dối." Cả tám người nghe nói như vậy, đều đổ mồ hôi lạnh, trong số đó còn có người mang theo một khẩu súng lục. Tôi lại hỏi: "Trong số các ông đây ai là thủ lãnh? Hãy giơ tay lên!" Người đứng đầu trong số này tức thời giơ tay lên tự nhìn nhận. Về các sự tình này, tôi chẳng nói cho người ngoài biết. Bởi vì nếu tôi loan tin này ra bên ngoài thì có khác gì tôi mời bà con ở San Francisco tới để họ cảm ơn tôi. Tôi không cần ai mang ơn tôi, tâm nguyện của tôi chỉ là đi đến đâu tôi mong nơi đó được an ổn, thịnh vượng, đồng thời tôi nguyện dùng sự cảm hóa đối xử, chớ không dùng thế lực để ức chế ai.

Kế sau vụ đổ máu Kim Long, phố Tàu ở San Francisco có một thời gian trở thành một thành phố chết, nay thì thịnh vượng đã được khôi phục lại như xưa.

Ngày 13 tháng 12 năm 1981


 

26. Bốn Điều Ngài A-Nan Hỏi Phật 

Tứ niệm xứ (hay bốn lãnh vực quán niệm) nằm trong số ba mươi bảy phẩm trợ đạo, gồm có: thân, thọ, tâm, pháp. Khi Phật sắp nhập Niết-bàn, Ngài A-nan đưa ra bốn điều này hỏi Phật:

1. Đối với tất cả Kinh điển, nên dùng những chữ gì để mở đầu kinh?

2. Khi Phật ở tại thế, Phật là Thầy của chúng con, khi Phật nhập Niết-bàn rồi chúng con tôn ai là Thầy?

3. Khi Phật ở tại thế, chúng con ở cùng với Phật, khi Phật nhập Niết-bàn rồi chúng con nên ở với ai?

4. Khi Phật ở tại thế, các Tỳ-kheo xấu do Phật điều phục họ, khi Phật nhập Niết-bàn rồi, chúng con làm cách nào điều phục họ?

Số là khi Phật sửa soạn nhập Niết-bàn, tuy đã chứng được sơ quả A-la-hán, nhưng Tôn giả A-nan vẫn còn khóc lóc giống như một đứa trẻ, vật vã tay chân. Tôn-giả A-Nâu-Lâu-Đà mới khuyên rằng: "Ông đừng khóc nữa, khóc cũng vô ích, ông phải mang bốn điều ra thỉnh Phật." A-nan hỏi: "Bốn điều gì?" Tôn-giả A-Nâu-Lâu-Đà mới cho biết bốn điều vừa kể trên. Thấy lời nói đúng, ông A-nan liền đến chỗ Phật thỉnh thị. "Bạch Thế-tôn! Thế-tôn thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng hơn ba trăm pháp hội, nhưng đến khi kết tập Kinh điển, chúng con phải lấy chữ gì để mở đầu kinh?" Bởi vì điển tịch của ngoại đạo cũng có, họ bắt đầu bằng chử "A" (không) hay "Ưu" (có). Phật đáp: "Đối với những Kinh điển nào mà ta nói ra, thì lấy mấy chữ 'Tôi nghe như vầy" để bắt đầu." Thời nay tôi thấy rất nhiều kẻ ngoại đạo và học giả cứ tùy tiện lấy mấy chữ "Tôi nghe như vầy" để bắt đầu bản văn của họ, có lúc chỗ nào cũng thấy mấy chữ nầy. Thậm chí có những kẻ không hiểu biết gì bảo Kinh Lăng-Nghiêm là giả. Thực ra, muốn cho Phật pháp hưng thịnh, trước hết phải học Lăng-nghiêm. Lăng-nghiêm là phá tà hiển chánh, bởi không còn gì là chân chánh hơn Kinh Lăng Nghiêm. Bởi vậy cho nên các hàng yêu ma quỷ quái, bàng môn tả đạo mới tìm hết cách chống Kinh Lăng-Nghiêm. Kinh này mà không còn ở trên thế giới thì Phật pháp phải tiêu ma. Nếu trên thế gian không có ai biết trì tụng chú Lăng-nghiêm thì yêu ma quỷ quái sẽ xuất hiện hãm hại nhân loại, khiến mọi người đều biến thành quỷ quái yêu ma và cùng một quyến thuộc với chúng. Đây là một vấn đề rất mực quan trọng. Nếu như biết thọ trì chú Lăng-nghiêm thì tối thiểu trong bẩy đời có thể thành hạng đại phú, tỷ dụ như ông Vua dầu hỏa kia, hay ông Vua xe hơi, có thể kiếp trước đã từng trì tụng chú Lăng-nghiêm cho nên bây giờ mới được vinh hoa phú quý như thế. Có điều họ vẫn ở trong mê, chỉ hưởng thụ mà không biết tu đạo. Số là ở những kiếp trước họ tạo nhân hỗn tạp cả thiện và ác, nghiệp lành đã chín, họ được hưởng giầu có, nhân ác thành thục bèn có nghiệp tội. Nghiệp mà không rõ ràng, sẽ đi lạc lối, cho nên mỗi người chúng ta quyết không thể coi nhẹ Kinh và chú Lăng-nghiêm.

Phật nhập Niết-bàn thì chúng ta phải lấy Ba-la-đề-mộc-xoa (Pratimoksha) - tức là Giới để làm thầy chúng ta. Giới là "dừng cái ác, phòng cái quấy," là "mọi điều ác chẳng làm, các điều thiện phụng hành." Chúng ta phải phục vụ lợi ích cho nhân loại, cống hiến cái của chúng ta cho xã hội, do đó người xuất gia đừng có chờ đợi người khác cúng dường mình. Tại nước Mỹ, người xuất gia nên đắp y, vì đắp y là biểu thị tinh thần giữ giới, biểu trưng hiện tướng Tỳ-kheo, chớ chẳng phải là cố tâm lập dị. Thế giới ngày nay, người ta lấy giả làm thiệt, lấy thiệt làm giả, cho phải là trái, cho trái là phải. Nay tôi xin kể một câu chuyện thật làm tỷ dụ: Vào thời gian Trung Hoa Đại Lục hỗn loạn, có rất nhiều sinh viên bỏ chạy qua Đài Loan. Trong lúc tình thế cấp bách, phần đông quên không mang theo các bằng cấp tốt nghiệp, số mang theo được giấy tờ thì chỉ có mấy người. Lòng họ hãy còn trẻ trung, nên họ cho người khác mượn bằng để mạo theo làm một số bằng giả. Trông mấy cái bằng mới sạch sẽ tinh tường, quý vị khảo thí thông qua dễ dàng, nhưng kết quả là mấy người có bằng thiệt không được chấp nhận bởi vì các bằng cũ thì giấy xấu, rách nát. Thì ra họ nhận cái thật làm cái giả.

Hồi Phật giáo mới từ Ấn độ truyền qua Trung Hoa, các vị Tỳ-kheo Trung Quốc cũng đắp y, với đầy đủ oai nghi. Áo cà-sa thời đó cũng giống như loại cà-sa của các Tăng thuộc hệ Nam-tông hiện nay, tức không có vòng móc. Tuy nhiên, vì khí hậu Trung-quốc lạnh lẽo, bên trong áo cà-sa người ta còn phải mặc thêm áo khác nữa, cho nên nhiều khi áo ngoài bị tuột mất mà không cảm thấy. Hồi đó, tu sĩ rất thành kính, có người trì giới không giữ tiền bạc, vậy mất cà-sa rồi thì lấy gì để thay thế? Trước tình trạng này, mọi người họp lại để đưa vấn đề ra giải quyết. Một vị đề nghị dùng cái vòng móc để giữ áo cà-sa thì cà-sa không bị tuột ra nữa. Đề nghị này đưa ra được mọi người tức khắc vỗ tay tán thưởng và sau đó thông qua, từ đó áo cà-sa của các tăng Trung quốc mới có vòng móc. Về sau các Tỳ-kheo Trung-hoa thường hay ra ruộng trồng trọt, đắp y đi lại thật là phiền phức nên bình thường thì không đắp y, trừ lúc thượng đường hay quá đường mới đắp. Sau này mọi thứ đều qua loa, thậm chí lên điện hay quá đường, cũng không đắp y nữa. Người ta nói "quen rồi thì thành lệ," bây giờ người ta coi không đắp y là bình thường, còn đắp y mới là kỳ quặc.

Các Tăng sĩ thuộc Tổng-hội Phật-giáo Pháp-giới vẫn theo tác phong cũ nên họ đắp y một cách thường xuyên như lúc xưa. Các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni chỉ trích chúng ta lập dị. Chúng tôi không tranh biện với ai, quý vị bảo chúng tôi đúng, chúng tôi vẫn đắp y mà bảo chúng tôi không đúng, chúng tôi cũng vẫn đắp y.

Ông A-nan hỏi Phật câu: "Khi Phật ở tại thế, chúng con ở cùng với Phật, khi Phật nhập Niết-bàn rồi chúng con phải ở với ai?" Phật đáp: "Sau khi ta nhập diệt rồi, tất cả đệ tử của ta phải trú tại tứ niệm xứ." Tứ niệm xứ là bốn nơi: thân, thọ, tâm, pháp.

1. Quán thân bất tịnh. Thân thể con người nếu để lâu chẳng chịu tắm rửa, tất toát ra mùi hôi hám. Cho dù tắm rửa, nhưng thân có chín lỗ, chuyên bài tiết những thứ chẳng sạch, như mắt có ghèn, mũi có nước mũi, miệng có đờm rãi, tai có ráy tai, rồi các thứ thuộc tiểu tiện và đại tiện, nghĩa là thân thể chúng ta quả là vô cùng ô uế. Vậy mà sao người ta lại coi như là một thứ quý giá, cho đeo vào thân nào ngọc, nào vàng bạc, các thứ châu báu, hoặc lấy nước hoa, phấn thơm bôi vào, há có khác gì đem hương hoa, vật quý để trang hoàng cho cái nhà xí vậy! Quý vị nên hiểu rằng, thân thể của mỗi người chúng ta là một cái nhà xí, trong ruột toàn chứa những vật bài tiết thuộc về đại tiểu tiện, có cái gì mà chúng ta phải luyến tiếc nó quá đáng như vậy? Lúc tuổi trẻ thì cơ thể cùng các bộ phận trong thân còn biết nghe lời ta, đến lúc già chúng đều bãi công, đầu thì váng, mắt thì hoa, miệng lưỡi khó khăn, tay chân lập cập, rồi trăm thứ bệnh phát sinh, như vậy cái thân này còn đáng tiếc nữa sao? Bởi vậy chúng ta nên nhận cho thật rõ cái thân này là bất tịnh, là chẳng trường cửu, để đừng có điên đảo vì nó.

2. Quán thọ là khổ. Thọ nghĩa là cảm thọ. Đừng nên cho rằng hưởng thọ là một sự khoái lạc, kỳ thực hưởng thọ chẳng có gì là hay, "thọ khổ thì hết khổ, hưởng phước thì tiêu hết phước," thà thọ cái khổ, đủ khổ rồi thì hết khổ. Nếu quả mình đương hưởng phước, thì nên tiếc cái phước mà chớ hưởng tận phước.

3. Quán tâm vô thường. Tâm là niệm niệm vô thường, niệm niệm dời đổi.

4. Quán pháp vô ngã. Quán mọi pháp đều không có bản thể, không có tự tánh, không có cái "ngã" trong đó.

Chúng ta y theo tứ niệm xứ mà hành trì, ắt cái chấp ngã của chúng ta sẽ dần dần bị phá, chấp pháp cũng không và dễ đi tới sự khai ngộ. Tại sao chúng ta không thể chứng ngộ? Chẳng qua là vì còn chấp trước, chưa buông bỏ, thấy cái gì cũng có cái ta ở đấy, cái nhà lớn này là của ta, cái máy bay kia, thuyền máy kia, ngân hàng kia cũng là của ta, từ sớm đến tối cái gì cũng của ta, của ta, của ta . . . đến lúc chết, hai tay buông xuôi, chẳng có gì mang theo được.

Nhân sanh nhất trường mộng

Nhân tử mộng nhất trường

Mộng lý thân vinh quý

Mộng tỉnh tại cùng hương

Triêu triêu tại tác mộng

Bất giác mộng hoàng lương

Mộng trung nhược bất tỉnh

Uổng tác mộng nhất trường.

Dịch nghĩa là:

Khi sống, một giấc mộng

Khi chết, mộng một giấc

Trong mộng thấy vinh hiển

Tỉnh mộng ở xóm nghèo

Sớm sớm lại nằm mộng

Chẳng hay mộng kê vàng

Trong mộng không tỉnh giấc,

Uổng thay giấc mộng vàng.

Bởi vậy chúng ta cũng đừng chấp trước một cách thái quá, phải mau mà tu hành, học tập Phật pháp, tìm kiếm pháp môn lìa sanh thoát tử. Có câu nói "bể khổ không bờ, quay đầu là bến," do đó không nên chìm nổi mãi trong bể khổ, biết tới ngày nào mới được giải thoát.

Cuối cùng Ngài A-nan hỏi Phật: "Khi Phật ở tại thế, các Tỳ-kheo xấu do Phật điều phục họ, khi Phật nhập Niết-bàn rồi, chúng con phải đối xử với họ như thế nào? Có giam họ và xử phạt họ chăng?" Phật đáp: "Không cần! Sau khi ta nhập Niết-bàn rồi, đối với các Tỳ-kheo xấu, các ông dùng pháp 'mặc tẫn' để hoán cải họ. Sao gọi là mặc? Mặc là im lặng, không có giảng giải gì thêm với họ. Tẩn là gì ? Nghĩa là mọi người không được trao đổi, quan hệ gì với họ. Hãy dùng sự "im lặng" của đại chúng để giải hóa họ. Phàm gặp phải hạng Tỳ-kheo xấu, không biết đạo lý, lấy chánh làm tà lấy tà làm chánh, hoặc không phân biện thị phi đen trắng, không hiểu đúng Phật pháp, thì đừng giao tiếp, đừng nói chuyện với họ, đừng để ý tới họ, thì nên coi như họ không có, như vậy lâu dần họ sẽ tự phản tỉnh, họ sẽ nhận ra rằng những điều họ hành động lâu nay chẳng đúng với Phật pháp, và từ đó cải tà quy chánh, y giáo phụng hành.

Khi Phật tại thế cũng có Tỳ-kheo bất thiện, nay thời đại chúng ta đã cách xa với ngày Phật nhập Niết-bàn rồi, vậy chẳng hiểu số Tỳ-kheo bất thiện có nhiều hay không. Chúng ta không nên cùng với số đó tranh luận, bởi họ không nói chuyện đạo lý chuyện nhân quả, lại còn bài xích nhân quả. Ta không thể cùng họ tranh mà phải dùng tâm nhẫn nại đối phó, và nhẫn nại thì cứ để mặc họ, vậy là thực hành đúng như ý nghĩa lời phó chúc thứ tư của Phật cho chúng đệ tử.

Trước đây, tôi cư ngụ tại Hương Cảng 12 năm (1948-1962), tới năm 1962 tôi mới đi Mỹ. - Hương Cảng khá lâu như vậy, nhưng tôi chẳng làm được điều gì hữu ích. Nay từ bên Mỹ trở về, tôi nguyện kết chút pháp duyên với các vị phụ lão cùng các huynh đệ đồng bào tại Hương Cảng, do đó tôi muốn thực sự cống hiến Phật pháp tới tận tâm khảm các vị, có vậy tôi mới an lòng. Hơn nữa giới thanh niên trong thời đại này, sống nay không biết mai, tinh thần rất khẩn trương, bởi vậy họ phải lo sao cho chân đứng vững vàng, chớ không phải cứ khôn lanh, tham cái tiện nghi nhỏ, khoái lạc nhất thời mà phóng tâm buông thả. Chỗ nào chúng ta cũng nên an phận và khép mình trong quy củ, không được buông lung. Phải hiểu rõ nhân quả, không sai lầm nhân quả, như người xưa đã nói: "gieo nhân lành gặp quả lành, gieo nhân ác gặp quả ác," "giết cha của người thì người giết cha mình, giết anh của người thì người giết anh mình," và "trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu." Nghe qua thì là đơn giản nhưng nhân quả là như vậy. Tôi hy vọng thanh niên chúng ta nên ráng đi học, trong tương lai sẽ mưu cầu hạnh phúc và an ninh cho xã hội chớ không nghe theo một số điên cuồng, đầu óc hồ đồ, sống phiêu lưu không chủ định. Phải trở thành một cá nhân tốt, nếu có một người tốt thế giới lại thêm được một phần thanh tịnh. Bởi đâu mà thế giới này vẫn chưa bị hủy diệt? Vì còn có người tốt. Người tốt chính là ánh sáng, là chánh khí, là sanh mạng, là nguồn năng lượng của thế giới. Bởi lý do thế giới hiện nay đương ở vào một vị thế tối nguy hiểm, nếu chúng ta không cải biến được cái tác phong điên cuồng của chúng ta, thế giới càng ngày càng hư hoại, tư tưởng nhân loại mỗi ngày một thiên lệch. Tôi mong mỏi rằng tất cả thanh niên chúng ta có thể kiếm ra được kim chỉ nam của đời mình chớ không hùa theo trào lưu mà phiêu bạt để làm kẻ tội nhân của xã hội.

Trong thời gian sáu ngày thuyết pháp, nếu tôi có nói điều gì không đúng, hy vọng quý vị lượng tình cho. Tôi cũng hy vọng chư vị trưởng lão ở Hương Cảng, các Đại đức cao Tăng chỉ giáo cho. Nếu điều tôi nói là đúng, quý vị thử nghiệm coi, nếu cho rằng tôi nói sai, quý vị cứ coi như không nghe gì hết, bởi vì tôi là kẻ bất học vô thuật, những điều nói ra đã từng đắc tội với người không ít, xin lượng thứ cho. Tôi cũng mong vị cư sĩ mời tôi đến thuyết pháp, được kiện khang, gặp mọi sự cát tường, vạn sự như ý, bồ-đề tăng trưởng, sớm thành Phật đạo. Số là tôi vốn nguyện rằng: "Những ai đến tham gia pháp hội, gia đình sẽ được an lạc, họ hàng hòa mục, mọi sự hanh thông. Người vô bệnh thì vĩnh viễn sẽ không bệnh, người có bệnh nghe pháp xong thì bệnh sẽ tiêu trừ." Tôi hy vọng chư Phật và chư Bồ-tát hoàn thành nguyện lực. Tôi cũng hy vọng tất cả mọi người được mạnh khỏe, sớm thành Phật đạo.

Năm 1968, tôi ở Sanfrancisco. Lúc đó có một số các nhà khoa học, địa chất học, các chuyên viên nghiên cứu về tương lai v.v... họ đều tiên đoán rằng đến ngày 4 tháng 4 năm 1968 sẽ xảy ra một trận động đất lớn tại San Francisco, đất sẽ chìm xuống biển, "ruộng dâu biến thành biển xanh," các cư dân tại đây sẽ có dịp về chầu Long vương dưới biển. Đã có rất đông bà con dọn đi đến các tiểu bang khác. Một số đệ tử của tôi đến hỏi tôi phải làm cách nào? Hồi đó tôi nói với họ rằng: "Chỉ cần tôi ở San Francisco một ngày, tôi cũng không chịu để nơi đây xảy ra động đất." Bởi vậy từ 1968 đến nay, chưa thấy có trận động đất nào. Bảo rằng có, nhưng chỉ là động đất nho nhỏ mà thôi. Có điều tôi đã rời khỏi San Francisco, nên tôi chẳng quản tới nữa, bởi lời nguyện của tôi là "tôi đến địa phương nào, nhất định nơi đó được bình an vô sự."

Có một lần, tôi đến Nữu-ước. Gặp đúng lúc mưa tuyết lớn, mà bắt buộc chúng tôi phải đi đến chùa Đại Thừa. Tôi bèn nói với một người đệ tử như sau: 'Trên đường đi tôi không cho phép tuyết rơi, nếu như có chuyện tuyết rơi, tôi phải phạt anh quỳ trước Phật bốn mươi chín ngày, không cho ăn, không cho uống, không cho cả đại tiểu tiện," làm cho vị đệ tử này hết sức hãi sợ. Quả nhiên, trên khoảng đường lộ chúng tôi đi qua, chu vi cỡ ba dặm không có tuyết rơi, còn ngoài ba đặm đó tuyết vẫn rơi đều.

Riêng tôi, đức không đủ để cảm phục người, đạo không đủ để giáo hóa người, chẳng có tư cách làm Sư phụ của các vị. Nhưng nay quý vị đã quy y Tam Bảo, nhất định là phải phát nguyện thành Phật. "Phàm ai đã quy y với tôi, nếu chẳng thành Phật thì tôi cũng chẳng thành Phật," đó là lời nguyện của tôi. Quý vị là đệ tử của Tam Bảo, thì ai đánh ta ta phải nhẫn, ai mắng ta, ta cũng nhẫn, Sư phụ của quý vị thì chẳng dám làm gì ngoài việc cúi đầu, đâu đâu cũng chịu lép vế, chớ không chiếm tiện nghi đối với người khác. Cho nên, đã là tín đồ Phật giáo, quý vị chớ có gây sự phiền phức, để cho lụy dến Sư phụ quý vị không thành Phật được.


27. Hằng Lai Pháp sư  

Phật giáo tại Mỹ mới bắt đầu hưng khởi, nên tại Vạn Phật Thành mỗi người trong chúng ta phải nghĩ tới trách nhiệm làm cho Phật pháp hưng thịnh. Tôi thì chuyên phụ trách về vật liệu xây cất. Có một hôm tôi lái chiếc xe chở hàng cũ đi hơn 160 dặm để mua dầu. Trên đường về, các thùng dầu chất đầy trên xe, tính ra hơn 150 gallons (600 lít). Chở dầu thì rất kỵ lửa, đụng lửa thì thiêu rụi hết, con đường núi mà tôi chạy xe lại rất nhỏ hẹp, gập ghềnh khó đi. Rủi lúc đó bình điện của chiếc xe hàng cũ kỹ đột nhiên bắt lửa, lửa bắn tứ tung lên trên các thùng dầu, tiếng nổ như lựu đạn truyền tới tai tôi. Tôi quay ra sau nhìn, thì rõ là nguy hiểm vô cùng, nếu vô tình chạm mạnh thì nổ tung cả người và xe. Tôi vội vàng cho xe ngừng lại bên lề đường. Trong lúc đương nguy cấp, có một vị làm quản lý công viên thấy vậy tức khắc đem cho tôi một bình chữa lửa, dập được ngay chỗ cháy cho nên không dẫn tới sự kinh hoàng. Sự tình xảy ra, từ đầu đến cuối, không quá 30 giây. Tôi cảm thấy đúng là Phật và Bồ-tát đã gia hộ tránh cho tôi qua được tai nạn hiểm nghèo. Những sự tích kỳ diệu này ghi lại rất nhiều tại Vạn Phật Thành, thật là mầu nhiệm không thể nghĩ bàn!


28. Mỗ pháp-sư  

Hôm nay chúng tôi tới Hương Cảng mua sắm các thứ. Xe buýt mà chúng tôi đi nhờ suýt nữa bị nạn đụng xe. Tại Vạn Phật Thành có rất nhiều người bị tai nạn xe hơi, nhưng tất cả đều may mắn, rủi hóa may. Cư sĩ Quả Châu (David Rounds) có một lần bị đụng xe, xe nát mà người an toàn, nguyên nhân là ông ta niệm chú Lăng Nghiêm.

Lại có một lần cư sĩ Quả Tôn lái xe ở ngoại thành đụng phải một con nai, lúc đó ông ấy cho rằng con nai chắc chắn phải chết, và xe thì hư hại. Có dè đâu con nai ở dưới xe, liền đứng dậy và bỏ chạy còn xe thì vẫn chạy tốt. Nguyên nhân là đương lúc đó ông niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài là vị cứu khổ cứu nạn. Tại Vạn Phật Thành, chúng ta chuyên thờ phụng Quán Thế Âm Bồ Tát, tu pháp môn Đại bi, và Vạn Phật Thành cũng là đại bản doanh của Ngài nữa. Tuy nhiên, không phải Quán Thế Âm Bồ Tát chỉ cứu độ riêng cho một địa phương nào, mà trong khắp hư không pháp giới Quán Thế Âm Bồ Tát đều nghe tiếng kêu mà đến cứu độ.

Ngày 14 tháng 12 năm 1981


29. Bạch Vũ Trụ 

Băng thiên tuyết địa, vô số điều tế trùng, đống tệ thả chập miên, tĩnh lý quan sát, động trung thẩm đế, long tranh hổ đấu thường du hý, quỷ khốc thần hào ảo hóa kỳ, chân thực nghĩa tuyệt ngôn, bất tư nghị, đương tiến xu, đại tiểu mẫn, nội ngoại phi, vi trần biến, pháp giới châu, hốt luân cá viên dung, hỗ tương vô ngại, song quyền đả phá hư không cái, nhất khẩu thôn tận sát hải nguyên, đại từ bi phổ độ, lưu huyết hãn, bất hưu tức.

Hôm nay tôi muốn cùng quý vị giảng bài Vũ Trụ Bạch. Tại sao gọi là Vũ trụ Bạch? "Vũ" tượng trưng cho bốn phương và hai hướng thượng và hạ. "Trụ" là bao quát từ cổ chí kim, vũ trụ hợp lại chính là thế giới, gọi bằng một tên khác. Bài này cùng với bài "Mãn Giang Hồng" của Nhạc Phi cũng na ná tương ưng với nhau. Năm xưa Nhạc Phi cùng với quân Kim đại chiến, máu nhuộm Trường-giang, do đó ông làm bài "Mãn Giang Hồng," còn truyền lại đến ngày nay. Còn bài "Vũ Trụ Bạch" được làm tại Chùa Kim Sơn ở San Francisco. Cái vũ trụ trắng này chẳng phải chỉ riêng có giang bạch, sông trắng, mà toàn thể vũ trụ đều là trắng cả. Sao lại nói là vũ trụ trắng vậy? Số là Kim Sơn Thánh Tự cũng giống như một cái hộp tuyết lớn, băng giá. Trong phạm vi nhỏ thì cả Chùa là một tòa nhà lạnh lẽo, còn trong phạm vi lớn thì có thể nói rằng cả cái thế giới biến thành màu trắng, không có một mầu đen nào, và từ đó có đề của bài này. Năm 1972, Chùa Kim Sơn từng cử hành pháp hội lần đầu, tụng Lục Đại Minh chú. Pháp hội kéo dài liền bảy ngày đêm, có chừng hơn sáu mươi người tham gia, ngày đêm 24 giờ thay nhau niệm sáu chữ "Án ma ni bát di hồng." Mục đích để làm gì? Cầu nguyện cho hòa bình thế giới, hóa giải bớt hoặc miễn trừ tai nạn cho thế giới. Số là thời đó có tiếng đồn loan truyền rằng San Francisco sẽ bị tai nạn động đất lớn, cho nên mọi người rất là thành tâm trì tụng Lục Đại Minh chú, cầu cho không xảy ra tai nạn, cho nên ngày đêm liên tục luân phiên niệm tụng, quyết cùng thiên ma ngoại đạo giao đấu một phen không lơ là. Tất cả đều tinh tấn vô cùng, tôi tuy không tham gia, chỉ ở đàng sau đôn đốc mọi người, nhưng tôi cảm thấy hết sức vừa lòng. Ai ai cũng tu trì một cách nghiêm túc, không biết mỏi mệt, tinh thần thì phấn khởi khiến cho tôi vô cùng thỏa mãn. Đối với tôi, điều vui nhất là tất cả đều tu và điều làm tôi không hài lòng hơn cả là các đệ tử của tôi, nhất là giới xuất gia, không chịu dụng công, cốt làm hư dối để che mắt. Đây là điều tôi khinh tởm nhất, điều tôi không bao giờ tha thứ.

Bởi vậy khi kỳ pháp hội bảy ngày hoàn tất, tôi viết bài "Vũ Trụ Bạch" để làm kỷ niệm, nay tôi xin mang ra giảng để quý vị nghe. Hay hoặc dở, tôi không quan tâm, mà tôi cũng không rõ, tôi chỉ biết là tôi đã viết ra, vậy thôi. Câu thứ nhất là :

Băng thiên tuyết địa -Trời băng đất tuyết: Kim Sơn Thánh Tự, tuy chẳng có tiếng tăm trên thế giới, nhưng ở đất Mỹ ai cũng biết. Kim Sơn Thánh Tự là một tòa tuyết, đất tuyết trời băng, lạnh lẽo băng giá; chẳng những Chùa lạnh, người cũng lạnh. Mọi người đến Chùa đều than: " Người ở Chùa Kim Sơn quá lạnh nhạt, chẳng thấy có chút gì ấm áp cả." Cho nên, đến Kim Sơn Thánh Tự ai cũng đều thất vọng, và quả là không có gì để người ta hy vọng, bởi ở đây tất cả đều lạnh lùng băng giá. Côn trùng cũng chết vì lạnh. Cho nên dùng chữ "băng" tức là lạnh. "Tuyết địa," bởi tuyết tượng trưng cho cái lạnh nhất.

Vô số điều tế trùng đống tệ- vô số con trùng nhỏ bị chết lạnh: Không biết là có bao nhiêu những con trùng nhỏ bị lạnh mà chết. Trùng nhỏ là kể cả các vi khuẩn trong cơ thể chúng ta, chúng sống nhờ vào các sinh tố A, B, C, nhưng tại nơi này, người ta không những không có sinh tố A, B, C mà còn phải dụng công trong không khí lạnh lẽo, sao không làm cho chúng chết lạnh? Tuy nhiên, chúng không bị tận diệt, vậy mới có câu: "Thả chập miên," vừa ẩn náu ngủ. Mùa đông trời lạnh, các loại côn trùng tạm thời ẩn náu nằm yên dưới lòng đất, ngủ trong mùa đông gọi là chập miên.

Tĩnh lý quan sát -trong tĩnh lặng quan sát: Chính trong thời gian mà mọi thứ đều lặng lẽ, đầu óc cũng tĩnh lặng, không có thất tình lục dục quấy động, chỉ nhất tâm chuyên chú niệm Án-ma-ni bát di hồng, Án-ma-ni bát di hồng... xả thân niệm, thì trong khoảnh khắc, bừng giác ngộ, quan sát, quan sát.

Động trung thẩm đế -trong động xét kỹ: Niệm chú thì có lúc đi niệm, có lúc ngồi niệm. Trong lúc niệm không dứt, gặp động thì tâm rành rọt thẩm định một cách kỹ càng ý nghĩa Phật pháp. Cảnh giới lúc đó nó sẽ hiện. Rồng đã đến, hổ cũng đã đến!

Long tranh hổ đấu thường du hý -rồng tranh hổ đấu thường vui đùa: Rồng thì bay lượn trên mây, hổ thì xuyên rừng băng núi. Tới được những chỗ này mà du hí thì thật là vui. Những cảnh giới như thế mà hiện ra trước mắt có thể làm cho hoa mắt chúng ta, bởi vậy mới nói "long tranh hổ đấu thường du hí." Đây chính là cảnh giới hiện ra trong sự tĩnh lặng.

Quỷ khốc thần hào ảo hóa kỳ -Quỷ khóc thần gào ảo hóa kỳ diệu: Có quỷ khóc ở đấy, khóc rằng: "A! Tôi chết một cách oan uổng lắm! Mau niệm Phật cho tôi đi! Siêu độ, siêu độ cho tôi đi! Xin từ bi! Đừng nổi nóng với tôi!" Quỷ khóc như vậy đó. "Thần hào," nghĩa là ở đấy thần cũng gào thét, thét rằng: "Mặc kệ nó, Nó mang tội nhiều lắm đó!" Ôi! Hãy coi đó! Hai bên đấu pháp như vậy, biết bên nào nói phải, bên nào nói trái, khiến chúng ta cũng phải hồ đồ. Có điều, quỷ khóc, thần gào, lạ kỳ như vậy chỉ là ảo hóa, hư dối, không thực, cho nên nói "ảo hóa kỳ." Vậy thì, cái gì là chân thực đây?

Chân thực nghĩa tuyệt ngôn -nghĩa chân thực lời nói hết: Cái nghĩa chân thực thì chẳng có gì có thể nói ra được. Như câu: "Bổn lai không một vật, lấy gì bám bụi trần." Đây chính là nghĩa chân thực, cho nên nói "tuyệt ngôn."

Bất tư nghị -chẳng nghĩ bàn: Chẳng thể tưởng tượng được, tâm chẳng thể nghĩ ra, lời chẳng thể bàn tới.

Đương tiến xu -phải bước tới: Tuy nhiên, quý vị vẫn phải tiến bước một cách dũng mãnh để tinh tấn tu hành. Quý vị chẳng thể dừng bước, lạc vào chỗ "ngoan không," bảo rằng cái gì cũng chẳng có, thành ra chẳng còn nghĩ suy, coi như vậy là xong rồi! Buồn ngủ thì cứ ngủ, đói thì cứ ăn, rồi tới khi lâm chung mới ôi thôi! than ôi! Đó là sự lầm lẫn, để cho ngày tháng qua một cách phí hoài. Còn phải tiến bước, dũng mãnh đi tới nữa.

Đại tiểu mẫn -lớn nhỏ diệt: Lớn nhỏ, tất cả đều tiêu tan, cái gì cũng chẳng còn.

Nội ngoại phi-trong ngoài không phải: Chẳng trong chẳng ngoài, cũng chẳng phải ở giữa, đó là nghĩa chân thực.

Pháp giới châu-pháp giới trọn vẹn: Ta thử coi, pháp giới to lớn như vậy, mà không có thứ gì mà không biểu hiện sự chân thực. Pháp giới châu nghĩa là pháp giới trọn vẹn.

Hốt luân cá viên dung-cái viên dung nguyên lành: Hốt luân là nguyên lành, cái thể nguyên lành thì không chỗ nào thiếu; viên dung là viên dung vô ngại, hoàn chỉnh không hư xấu.

Hỗ tương vô ngại-hai bên không ngại: không chướng ngại với nhau, cái nghĩa chân thực đó là một, cũng là vô lượng, vô lượng là một, một là vô lượng, một và số nhiều, hai bên không chướng ngại với nhau.

Song quyền đả phá hư không cái-hai nắm tay phá màn hư không trùm: Dùng hai nắm tay đấm thủng màn hư không che trùm. Quý vị nghĩ hư không cũng có màn che ư? Dù hư không không che phủ, nhưng hãy phá cho hư không tan vụn, cả hư không cũng chẳng còn. Hư không chẳng còn thì đâu có màn che? Sao còn nói lấy song quyền phá thủng màn hư không che phủ? Đây cũng là ý nghĩa trong câu vừa nói trên "bổn lai không một vật, lấy gì bám bụi trần."

Nhất khẩu thôn tận sát hải nguyên-Một hớp nuốt tận sát hải: Há miệng nuốt trọn tất cả thế giới nhiều như số vi trần trong sát hải, thế giới này thế giới kia, quốc độ này, quốc độ kia, vô lượng các quốc độ. Vậy là biến thành yêu quái rồi sao? Nếu yêu quái mà làm được thế, thì quá hay rồi, chỉ sợ không làm nổi. Ý nghĩa câu này là nói khả năng buông bỏ bất cứ mọi thứ, giải thoát hẳn, không còn gì trở ngại, nuốt trọn cả thế giới, cho nên mới nói "song quyền đả phá hư không cái, nhất khẩu thôn tận sát hải nguyên."

Đại từ bi phổ độ-lòng từ bi rộng lớn độ khắp: Cho niềm vui là từ, gỡ cái khổ cho người là bi. Làm dậy tâm từ một cách vô điều kiện, vận dụng tâm bi trong tinh thần đồng thể-cái tinh thần ta và người là một thể (hưng vô duyên chi từ, vận đồng thể chi bi), cho nên mới nói "đại từ bi." Bây giờ lấy tâm đại từ bi đó độ khắp các chúng sanh, chẳng phải độ riêng một cá nhân, cũng chẳng phải độ riêng những người có duyên với ta. Đối với kẻ vô duyên, tối tăm ương ngạnh, cũng dấy lòng từ bi dùng mọi phương pháp giáo hóa, mang hết chân thành, vận dụng tinh thần đồng thể và tâm thương xót để hóa độ, bố thí rộng rãi sự yêu thương, chừng nào chưa độ được thì chưa ngưng nghỉ, vậy mới nói câu: "Đại từ bi phổ độ."

Lưu huyết hãn-chảy máu, mồ hôi: Đem hết tâm huyết giáo hóa chúng sanh.

Bất hưu tức-chẳng nghỉ ngơi: Nghĩa là không kể ngày đêm, tận tâm kiệt lực, không có lúc nào nghỉ ngơi. Chẳng sợ khổ, chẳng sợ khó, chỉ biết dấn thân bước tới, không biết lùi.

Trên đây là những lời bình giảng bài Vũ Trụ Bạch.

Ngày 7 tháng 2 năm 1982 tại Kim Luân Thánh Tự, Los Angeles


30. Mất Thân Người Vạn Kiếp Chẳng Được Lại  

Hôm nay nói chuyện về ý nghĩa Sám hối trong đạo Phật. Chư Phật và chư vị Bồ-tát không nhìn vào lỗi của chúng sanh, chúng sanh nếu có lỗi và tự làm ngơ đi, Phật cũng chẳng để ý tới. Nhưng tự mình đã tạo nên nghiệp tội thì tới lúc nghiệp chín, tự mình sẽ lãnh đủ quả báo. Chúng sanh giác ngộ thì ít mà mê mờ thì nhiều; sáng suốt thì ít, ngu si thì nhiều. Cho nên chúng sinh nào sáng suốt, giữ phép tắc, sẽ không làm những chuyện điên đảo. Những chúng sanh chân chánh giác ngộ cũng không có tà tri tà kiến, nghĩa là hiểu biết và nhận thức sai lầm. Trong chốn biển khổ mênh mông, không biết đâu là bờ bến, chúng sanh ra đời rồi chết, chết rồi lại sanh, quẩn quanh luân chuyển trong vòng lục đạo, cũng giống như ngày nay nói về các công xưởng hóa học: một linh tánh lớn có thể bị phân chia biến thành những linh tánh nhỏ và ngược lại, linh tánh nhỏ lại có thể kết hợp hóa thành linh tánh lớn.

Bởi lý do trên, khi một cá nhân đầu thai thành kiếp thú, chẳng phải chỉ làm một loại thú vật mà còn có thể phân thành, ngựa, trâu, dê, gà, chó, heo, những loại thú tương đối có thân hình không nhỏ, và linh tánh của chúng cũng có chút điểm thông minh. Một cá nhân có thể biến thành bảy loại thú, thì trong quá trình chia cắt về thân thể sẽ có hiện tượng "phân linh," mà đã phân linh thì linh tánh càng giảm bớt, càng phân ra càng giảm đi. Thí dụ ngựa đầu thai biến thành gà vịt, rồi lại biến ra nhỏ hơn nữa. Một con ngựa lại có thể biến ra bảy con vịt và bảy con gà v.v.. Linh tánh bớt đi chừng nào thì càng ngu thêm chừng ấy, trăm ngàn vạn kiếp chưa dễ khôi phục lại. Bởi cớ gì? Bởi vì đã có sự phân khai, như trong quá trình phân tích được thực hiện trong phòng thí nghiệm hóa học, có sự phân ra từng bộ phận, từng thành phần. Một cá nhân đầu thai thành loài muỗi bởi nguyên do tâm địa quá độc ác, lòng tham không đáy, chỉ muốn hút máu của người khác. Tâm tưởng đó còn tồn tại nên mới biến thành loài muỗi, để chuyên việc hút máu. Tuy linh tánh đã bị hóa, nhưng vẫn còn lại chút ít, có như vậy chúng mới biết theo người mà hút máu, ngoài ra không biết gì khác nữa. Muỗi hành động bởi tâm tham, lấy cái đó duy trì sanh mạng, đó là nhân duyên của loài muỗi.

Loài kiến càng thì sao? Loại này bẩm sanh ham ăn. Một cá nhân nếu biến thành thân kiến thì phải hóa ra tới tám vạn bốn ngàn con. Quý vị đã thấy loài muỗi, hàng đàn, hàng đàn như vậy. Kiếng càng thì từng ổ, từng ổ, đông không kể xiết. Theo nguyên tắc "tánh hóa linh tàn," nên thân phận loài kiến rất là nhỏ nhoi, sức vóc chẳng có bao nhiêu.

Lại nói tới loài ong mật, chúng rất giỏi lấy trộm, tội ăn cắp của chúng nhiều lắm, nguyên do vì kiếp trước chúng có lỗi không giữ giới cấm về trộm cướp. Đối với loài muỗi, loài kiến, kiếp trước của chúng cũng vậy, không trì giới trộm cướp. Tuy nhiên loài ong còn nặng hơn cho nên chúng rất giỏi nghề ăn trộm mật. Mật của người ta, nếu không trông coi, không có ong thợ hay ong mật ở đấy canh gác, thì hết đàn ong mật nọ đến đàn ong mật kia kéo đến hút cho kỳ hết mật. Ong thích các đồ ngọt, cho nên ong lấy mật về, làm tổ, tích trữ mật tại ngân hàng của chúng. Tổ ong chính là ngân hàng của loài ong đó. Bởi vì ong chỉ biết rằng loài ong sinh sống bằng mật, đường, cho nên chúng phải xây tổ để trữ mật, tựa như người ta phải để dành tiền vậy. Tuy nhiên, chúng cứ việc tích trữ mật, tích trữ cho nó nhiều, rồi cuối cùng mật bị người ta lấy mất. Vì lý do gì? Bởi chúng phạm giới cấm về tội đạo tặc, của lấy về bất thiện thì của đi ra cũng vậy, cái gì mà lúc lấy về không được quang minh chánh đại, thì rốt cuộc cái đó sẽ mất tiêu.

Đem các thí dụ về ba loại động vật tí hon này để nghiên cứu, tức là các loài muỗi, ong và kiến, chúng ta mới thấy rõ là không nên phạm các giới cấm sát sanh, đạo tặc, tà dâm, nói dối. Giới cấm uống rượu cũng vậy. Số là uống rượu vào thường hay tạo nên những hành động hồ đồ. Hồ đồ như thế nào? Nguyên có một vị đã thọ ngũ giới, và y giữ giới rất cẩn thận, nhưng có một hôm y nẩy ra ý muốn uống rượu. Y tự bảo mình rằng: "Trong năm giới thì sát sanh, đạo tặc, tà dâm, nói dối đều là trọng yếu, còn như giới về rượu thì quá bình thường, giữ giới này mà làm gì? Giới này là thừa. Thôi! Từ nay không giữ giới về uống rượu nữa. Ta đi uống chút rượu chơi." Nói rồi, y đi mua một bình rượu về, rót ra uống một mình. Y cảm thấy uống như vậy mà không có đồ nhắm thì cũng vô vị, bèn đi ra kiếm một cái gì để làm mồi rượu. Đúng lúc đó y thấy một con gà của hàng xóm chạy qua, y có ý nghĩ như sau: "Đây có lẽ là Bồ-tát giúp cho ta món đồ nhắm này!"

Quý vị thấy! Ý nghĩ của y quả là xằng bậy, tà tri tà kiến! Y bắt lấy con gà đó, giết đi để ăn thịt, tức là y đã phạm giới sát sanh và đạo tặc. Sau đó người hàng xóm kiếm gà đi ngang qua thì y đã uống say, lại còn trả lời một cách lung tung: "Chẳng thấy gà nào hết!" Vậy là y đã phạm giới cấm về nói dối. Y thấy người phụ nữ này khá xinh đẹp, y phạm thêm tội cưỡng dâm.

Các vị hãy lưu ý! Nguyên do chỉ vì uống chút rượu mà đến nỗi phạm cả năm giới như vậy. Hãy xem mấy đứa nhỏ retarded (si ngốc), chúng đều từ các nẻo thú vừa đầu thai lên làm người, nên chúng không có trí huệ. Tuy từ linh tánh nhỏ biến ra linh tánh lớn, khôi phục lại kiếp người, nhưng vì ở trong cảnh giới thú vật quá lâu, nên trí huệ bị lu mờ, cho nên kiếp này không những không biết nói, cũng không biết nghe, thì nói gì tới vấn đề giữ quy tắc.

Bởi các lý do đó mọi người phải nhận cho rõ ngũ giới là điều thiết yếu. Mỗi một giới có năm vị thiện thần ủng hộ, nếu không giữ giới, các vị thần sẽ bỏ đi, nhường chỗ cho năm ác ma. Phạm giới thì ác ma tới, không phạm giới ác ma không tới. Tại sao ma không tới? Bởi vì đã có các thiện thần hộ trì, do đó chúng ta nên đặc biệt giữ giới cho cẩn thận. Chẳng giữ giới tức chẳng tu hành, biết giữ giới tức có thể y giáo phụng hành, tức khiến chúng ta có được trí huệ chân chánh, không bao giờ điên đảo, không bao giờ xẩy ra chuyện ăn mặn và phá giới. Cho nên người tu đạo phải tự khắc phục được mình trong từng giờ từng khắc, khéo mà khống chế bổn thân, căn cứ trên sáu căn mà hạ công phu. Như khi mắt đối diện với sắc thì bị sắc trần chuyển - tức bị lung lạc, tai nghe âm thanh bị thanh trần chuyển, lưỡi nếm vị bị vị trần chuyển, mũi ngửi hương bị hương trần chuyển, thân thể bị xúc trần chuyển, ý thì bị pháp trần chuyển - có nghĩa là bị sáu tên giặc ở sáu cửa lôi đi, làm cho linh khí ở bên trong chúng ta bị cướp mất. Nếu quý vị không bị chuyển, linh tánh không bị mất, cái đó người ta nói là trí huệ.

Bài kệ nói rằng:

Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não

Nguyện đắc trí huệ chân minh liu

Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ

Thế thế thường hành Bồ-tát đạo.

Tam chướng tức là nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng. Nghiệp chướng gồm những nghiệp thiện ác mà chúng ta đã tạo tác từ kiếp trước, nay hiện thành những chướng ngại mà chúng ta gặp trong kiếp này; các sự việc không xứng ý đến với chúng ta đều phát sanh từ các loại nghiệp chướng đó. Báo chướng là các loại khổ báo gồm cảnh địa ngục, quỷ đói, súc sanh. Có câu: "Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp gây ra chẳng mất, khi nhân duyên hội ngộ, lại lãnh đủ quả báo," bất cứ mình tạo nghiệp gì, thì sẽ lãnh quả báo về nghiệp ấy, không có cách gì thoát được nghiệp đó. Cho nên lại có câu: "Mọi thứ mang không được, duy nghiệp được tùy thân." Kiếp trước ta làm sai nhân quả, kiếp này ta lãnh quả, như vậy gọi là báo chướng. Phiền não chướng gồm tham dục, sân khuể (tức giận) và ngu si. Mỗi cá nhân đều có phiền não riêng của từng người, người có ít, người có nhiều. Như không có phiền não, tức không có tham sân si, vậy đáng là bậc thánh nhân. Nếu như chưa dứt hết vô minh, gốc phiền não vẫn còn tồn tại, nó sẽ tùy lúc, tùy cảnh ngộ mà phát khởi, lúc đó cái gì cũng quên, khiến người ta có thể làm những chuyện thương luân bại lý trái lương tâm. Phiền não mà không trừ bỏ sẽ làm chướng ngại căn Bồ-đề, do đó có câu: "Ngọn lửa lăn tăn, thiêu rụi rừng Bồ-đề," bất luận tu hành đến đâu mà phiền não không đoạn trừ, thì cái gì cũng là giả tạm. Bởi đó, tại ngay cửa sáu căn, ta đừng để cho ngoại cảnh chuyển đổi, mà chính ta phải chuyển đổi ngoại cảnh, phải biến phiền não thành Bồ-đề, biến sanh tử thành Niết-bàn. Ta phải ý thức rõ cái "túi da hôi thối" này, cái nhục thể kết hợp với thần thức mà ta coi cuộc hôn phối sẽ mãi mãi bền vững; nhưng, đến phút chót nó cũng sẽ bỏ ta, cùng ta ly khai luôn. Mình cũng không biết sẽ đi về đâu. Tu đạo là để làm gì? Chính là để chuẩn bị lúc nhục thể sắp sửa phân ly, chúng ta biết chúng ta sẽ đi đâu, mà không bị cái túi da hôi này khống chế, chúng ta đi về trong sự tự do. Vì cái đó mà ta tu đạo. Muốn cho thành tựu đạo nghiệp, chúng ta phải thâu nhiếp thân tâm một cách thường xuyên, từng bước y theo quy củ phép tắc, không để cho ngoại cảnh tại các cửa lục căn lôi kéo. Lúc đó, quý vị đã có định lực rồi. Có định tức có thể phát huy trí huệ. Tuy nhiên quý vị phải nhớ rằng định là do sức mạnh của giới mà sanh ra, mà giới lại là "chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành," hy sinh tiểu ngã và hoàn thành công đức tu tập tinh thần đại ngã, đó là Phật pháp chân chánh, là tông chỉ của tôi. Các vị hãy thử theo tôi học tập.

 

--- o0o ---