ố thí là một hành động đem của cải tiền bạc, sự hiểu biết của mình... ban bố cho người khác, chúng sinh khác, với tâm tế độ để tạo phước thiện cho mình, để hưởng được quả báu tốt lành theo ý nguyện của mình.
Những thí chủ bố thí cầu mong được giàu sang phú quý, trở thành phú hộ, vua chúa, hoàng hậu ... hoặc cầu mong được tái sanh lên cõi trời dục giới, trở thành vua trời, hoàng hậu của vua trời, v.v...
Như vậy, sự bố thí ấy chỉ là phước thiện bố thí bình thường (không đặc biệt) cho quả báu an lạc trong cõi người, cõi trời dục giới mà thôi, vẫn còn phải chịu cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, vẫn chưa giải thoát khổ được.
Bố thí để trở thành bố thí ba la mật, người thí chủ cần phải có 2 điều kiện:
Sự bố thí ấy không làm nơi nương nhờ của tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna) và tà kiến (diṭṭhi).
Sự bố thí ấy với tâm từ, tâm bi tế độ và có nguyện vọng mong đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, diệt khổ tái sanh, để giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.
Với mục đích cứu cánh Niết Bàn ấy, một số vị có nguyện vọng trở thành Ðức Phật Toàn Giác, để tế độ chúng sinh cùng chứng ngộ Niết Bàn. Một số vị có nguyện vọng trở thành Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác....
Ðể trở thành Ðức Phật Toàn Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc Thánh Thanh Văn Giác bậc nào, trước tiên đều cần phải tạo 10 pháp hạnh ba la mật làm nền tảng để chứng đạt đến sở nguyện của mình.
10 pháp hạng ba la mật là:
1- Bố thí ba la mật (dāna pāramī).
2- Giữ giới ba la mật (sīla pāramī).
3- Xuất gia ba la mật (nekkhamma pāramī).
4- Trí tuệ ba la mật (paññā pāramī).
5- Tinh tấn ba la mật (vīriya pāramī).
6- Nhẫn nại ba la mật (khanti pāramī).
7- Chân thật ba la mật (sacca pāramī).
8- Chí nguyện ba la mật (adhiṭṭhāna pāramī).
9- Tâm từ ba la mật (mettā pāramī).
10- Tâm xả ba la mật (upekkhā pāramī).
Trong khi đang tạo, đang bồi bổ hạnh ba la mật để cho đầy đủ, đều gọi là Ðức Bồ Tát (Bodhisatta).
Ðối với Ðức Bồ Tát Toàn Giác (Sammā Sambodhisatta), ví như những tiền kiếp của Ðức Phật Gotama của chúng ta, còn là Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt hơn đức tin và tinh tấn. Ngài phát nguyện mong trở thành Ðức Phật Toàn Giác trong tâm suốt 7 a tăng kỳ và phát nguyện ra bằng lời nói để cho mọi chúng sinh nghe biết suốt 9 a tăng kỳ. Trong hai thời kỳ này, Ðức Bồ Tát vẫn còn là Ðức Bồ Tát bất định (aniyatabodhisatta).
Ðến thời kỳ được Ðức Phật thọ ký, Ngài là Ðức Bồ Tát Sumedha đến hầu Ðức Phật Dīpankara tạo duyên lành, Ðức Phật Dīpankara dùng Phật nhãn thấy rõ, biết rõ Ngài có nguyện vọng trở thành Ðức Phật Toàn Giác, nên Ngài thọ ký rằng:
"Vị đạo sĩ Sumedha này trong thời vị lai, còn 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp nữa sẽ trở thành Ðức Phật Toàn Giác có danh hiệu Ðức Phật Gotama".
Sau khi được thọ ký, Ngài trở thành Ðức Bồ Tát cố định (niyatabodhisatta) tiếp tục bồi bổ 10 hạnh ba la mật bậc thường, 10 hành ba la mật bậc trung và 10 hạnh ba la mật bậc thượng, cho đầy đủ 30 hạnh ba la mật để trở thành Ðức Phật Toàn Giác.
Như vậy, để trở thành Ðức Phật Toàn Giác, Ðức Bồ Tát Toàn Giác cần phải tạo 30 hạnh ba la mật từ khi phát nguyện trong tâm suốt 7 a tăng kỳ, phát nguyện ra bằng lời nói suốt 9 a tăng kỳ và thời gian sau khi Ðức Bồ Tát đã được Ðức Phật thọ ký rồi, còn phải cố gắng tinh tấn bồi bổ thêm 30 pháp hạnh ba la mật suốt 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa. Ðó là thời gian đối với Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt hơn đức tin và tinh tấn.
Còn đối với Ðức Bồ Tát có đức tin ưu việt hơn trí tuệ và tinh tấn, thì thời gian gấp đôi Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt. Nghĩa là Ðức Bồ Tát có đức tin ưu việt cần phải tạo 30 hạnh ba la mật phát nguyện trong tâm suốt 14 a tăng kỳ; phát nguyện ra bằng lời nói suốt 18 a tăng kỳ và sau khi đã được Ðức Phật thọ ký rồi cần phải bồi bổ thêm 30 hạnh ba la mật suốt 8 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành Ðức Phật Toàn Giác.
Ðối với Ðức Bồ Tát có tinh tấn ưu việt hơn trí tuệ và đức tin, thì thời gian gấp đôi Ðức Bồ Tát có đức tin ưu việt. Nghĩa là Ðức Bồ Tát có tinh tấn ưu việt cần phải tạo 30 hạnh ba la mật phát nguyện trong tâm 28 a tăng kỳ; phát nguyện ra bằng lời nói suốt 36 a tăng kỳ và sau khi đã được Ðức Phật thọ ký rồi, cần phải bồi bổ thêm 30 hạnh ba la mật suốt 16 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành Ðức Phật Toàn Giác.
Ðối với Ðức Bồ Tát Ðộc Giác (Pacceka Bodhi-satta) có trí tuệ ưu việt hơn đức tin và tinh tấn, cần phải tạo 20 hạnh ba la mật (10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hành ba la mật bậc trung) suốt 2 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành Ðức Phật Ðộc Giác.
Ðối với Ðức Bồ Tát tối thượng Thanh Văn (Aggasāvakabodhisatta) có trí tuệ ưu việt, cần phải tạo 10 hạnh ba la mật suốt 1 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kieáp trái đất, để trở thành bậc Thánh tối thượng Thanh Văn.
Ðối với Ðức Bồ Tát đại Thanh Văn (Mahā-sāvakabodhisatta) có trí tuệ ưu việt, cần phải tạo 10 hạnh ba la mật suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành bậc Thánh đại Thanh Văn.
Ðối với Ðức Bồ Tát Thanh Văn hạng thường (Pakaṭisāvakabodhasatta) có trí tuệ ưu việt, cần phải tạo 10 hạnh ba la mật dưới 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành bậc Thánh nhân hạng thường, v.v....
Trong 10 pháp hành ba la mật, bố thí ba la mật làm nền tảng hỗ trợ cho các pháp hạnh ba la mật khác. Các pháp hạnh khác được phát triển tốt đều nương nhờ vào bố thí ba la mật.
1- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho bố thí ba la mật như thế nào?
Có số người đã từng tạo pháp hạnh bố thí ba la mật trong những tiền kiếp, kiếp hiện tại được tái sanh trong gia đình giàu sang phú quý, có nhiều của cải, trong dòng dõi cao quý, được phần đông, nhiều người kính trọng.
Số người ấy vốn có bản tánh hoan hỉ trong hạnh bố thí ba la mật từ tiền kiếp, nay kiếp hiện tại này, bản tính hoan hỉ trong hạnh bố thí ba la mật ấy không mất đi, mà lại càng tăng trưởng.
Ví dụ:
Tích Ðức Bồ Tát Vessantara tiền thân Ðức Phật Gotama của chúng ta, khi Ngài đầu thai vào lòng chánh cung hoàng hậu Phussatī (hoàng hậu của đức vua Sivi trị vì xứ Sivi); đúng 10 tháng Ngài mới sanh ra đời, vừa mới mở mắt Ngài đưa bàn tay và nói câu đầu tiên với Hoàng hậu rằng:
"Amma! Dānaṃ dassāmi, atthi kiñci te dhanaṃ".
"Mẫu hậu ơi! Của cải mẹ có những gì, cho con, con sẽ bố thí".
Trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh, phần thân (sắc uẩn) thì thay đổi mỗi kiếp, song phần tâm (4 danh uẩn: thọ, tưởng, hành, thức) thì vẫn còn nguyện vẹn bản tánh cũ; tiền kiếp đã hoan hỉ trong hạnh bố thí, thì kiếp hiện tại cũng hoan hỉ trong việc bố thí ba la mật hơn nữa.
Cho nên, bố thí ba la mật hỗ trợ cho hạnh bố thí ba la mật là như vậy.
2- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho giữ giới ba la mật như thế nào?
Giữ giới là giữ cho thân và khẩu không phạm giới. Phạm giới hoặc không phạm giới do tác ý (cetanā) là chính.
Tác ý bất thiện tâm tạo ác nghiệp do thân và khẩu gọi là phạm giới.
Tác ý thiện tâm tránh xa mọi hành ác do thân: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; và tránh xa mọi lời nói ác do khẩu: không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích, gọi là giữ giới.
Tác ý thiện tâm tránh xa cách sống tà mạng do thân và khẩu hành ác; sống theo chánh mạng.
Như vậy, đối với người đã từng tạo hạnh bố thí ba la mật trong những kiếp quá khứ, kiếp hiện tại được giàu sang phú quý có nhiều của cải, đời sống đầy đủ sung túc, có điều kiện sống theo chánh mạng, hành theo chánh nghiệp và có chánh ngữ. Nhờ vậy, việc giữ giới ba la mật được thuận lợi hơn những người nghèo khổ, thiếu thốn, làm việc không đủ sống, bởi vì ít phước bố thí. Những người nghèo khổ cũng có thể giữ giới ba la mật được, nhưng không được thuận lợi như người giàu có.
Cho nên, bố thí ba la mật hỗ trợ cho hạnh giữ giới ba la mật được thành tựu dễ dàng.
Ví dụ:
Tích Long vương Saṅkhapāla (tiền thân của Ðức Phật Gotama) có nhiều oai lực, có thần thông, chán nản cảnh hưởng sự an lạc cõi Long cung, có nguyện vọng giữ bát giới trong những ngày giới hàng tháng, nên Long Vương xuất hiện lên cõi người để nguyện thọ trì bát giới cho được trong sạch và đầy đủ.
Long Vương phát nguyện 4 điều rằng:
Người nào cần đến da, thì lấy da.
Người nào cần đến thịt, thì lấy thịt.
Người nào cần đến gân, thì lấy gân.
Người nào cần đến xương, thì lấy xương.
Dầu phải hy sinh sanh mạng, ta quyết tâm giữ bát giới cho được trong sạch và đầy đủ.
3- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho xuất gia ba la mật như thế nào?
Có số người đã từng tạo bố thí ba la mật trong nhiều kiếp trong quá khứ, kiếp hiện tại được tái sanh trong gia đình giàu sang phú quý, có nhiều của cải, cuộc sống đầy đủ sung túc, đến khi lớn lên trở thành người chủ tài sản của ông bà, cha mẹ để lại. Họ tự suy nghĩ rằng: "Những của cải, tài sản này từ tổ tiên, ông bà tích lũy truyền lại cho cha mẹ, nay cha mẹ truyền lại cho ta. Những người thân yêu chết chẳng ai đem theo được một món của cải nào; về phần ta, đến khi chết cũng như vậy thôi, chẳng có sự lợi ích, an lạc nào đáng kể. Ðiều tốt hơn, ta nên từ bỏ mọi thứ của cải này, đi xuất gia hành phạm hạnh cao thượng".
Hoặc đối với số người trong cuộc sống đầy đủ, sung túc đi tìm đến những bậc Thiện trí, Bậc xuất gia lắng nghe chánh pháp, nhận thức được rằng: "đời sống người tại gia có nhiều phiền muộn, phát sanh nhiều phiền não khổ tâm. Tốt hơn, ta nên từ bỏ nhà, bỏ tất cả mọi thứ của cải đi xuất gia hành phạm hạnh cao thượng của bậc Thiện trí, mong giải thoát khỏi tử sanh luân hồi...".
Như vậy là nhờ bố thí ba la mật hỗ trợ cho hạnh xuất gia ba la mật.
Ví dụ:
Tích đức vua Cūḷasutasoma (Ðức Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama của chúng ta). Một hôm Ðức Vua truyền bảo người thợ hớt tóc rằng:
- Khi nào nhà ngươi nhìn thấy trên đầu của Trẫm có sợi tóc bạc, thì nhà ngươi báo cho Trẫm biết ngay.
Một thời gian sau, người thợ hớt tóc nhìn thấy trên đầu Ðức Vua có sợi tóc bạc, liền tâu:
- Tâu Hoàng Thượng, hạ thần nhìn thấy trên đầu Hoàng Thượng có sợi tóc bạc.
Ðức vua truyền lệnh nhổ sợi tóc bạc trình lên, Ðức Vua cầm sợi tóc bạc mà suy tư rằng: "sự già đã chế ngự thân ta rồi!".
Sáng hôm sau lâm triều, Ðức Vua cầm sợi tóc bạc ấy phán các quan văn võ, vương gia, giai cấp Bà la môn rằng:
- Ðây là sợi tóc bạc mọc trên đầu Trẫm, Trẫm đến tuổi già rồi, Trẫm truyền cho các ngươi rõ, bây giờ Trẫm đi xuất gia hành phạm hạnh.
Mặc dầu Thái Thượng Hoàng, Hoàng Thái Hậu, các quan trong triều, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa... khẩn cầu, năn nỉ Ðức Vua đừng đi xuất gia trở thành đạo sĩ, nhưng Ðức Vua quyết chí đi xuất gia hành phạm hạnh.
Ðức vua truyền dạy, tuổi thọ con người ngắn ngủi, dù ở lại sống không bao lâu nữa cũng phải chết, từ biệt mọi người, Ðức Vua khuyên dạy mọi người nên cố gắng tạo mọi thiện pháp, chớ nên dễ duôi, quên mình tạo ác pháp sau khi chết, sẽ bị sa vào trong cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh chịu khổ lâu dài do ác nghiệp của mình đã tạo.
Ðức vua Bồ Tát từ bỏ ngai vàng, cung điện đi vào rừng Himavana xuất gia trở thành đạo sĩ.
4- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho trí tuệ ba la mật như thế nào?
Có số người đã từng tạo bố thí ba la mật trong nhiều kiếp trong quá khứ, kiếp hiện tại được tái sanh trong gia đình giàu sang phú quý, có nhiều của cải, cuộc sống đầy đủ sung túc. Họ có điều kiện thuận lợi theo học pháp học, để phát sanh trí tuệ hiểu biết do học; và theo hành pháp hành, nhất là pháp hành thiền tuệ, để phát sanh trí tuệ thiền tuệ trong tam giới, thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp; và trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới đó là 4 Thánh Ðạo Tuệ và 4 Thánh Quả Tuệ, chứng ngộ Niết Bàn. Trí tuệ này là pháp hạnh trí tuệ ba la mật.
Như vậy, pháp hạnh bố thí ba la mật hỗ trợ cho pháp hạnh trí tuệ ba la mật.
Ví dụ:
Tích Ðức Bồ Tát Vidhūra, Ðức Bồ Tát Maho-satha, Ðức Bồ Tát Senaka... (tiền thân Ðức Phật Gotama của chúng ta), sanh trong gia đình giàu sang, quyền quý, được học hành có trí tuệ hơn người.
Còn số người nghèo khổ, cuộc sống thiếu thốn, cơ hội học theo pháp học và hành theo pháp hành để phát sanh trí tuệ không dễ dàng. Trong đời, có những đứa trẻ rất thông minh, song sanh trưởng trong gia đình nghèo khổ, nên không có cơ hội thuận lợi đi học như những đứa trẻ con nhà giàu có.
Vì vậy, pháp hành trí tuệ ba la mật được thuận lợi cần nương nhờ hạnh bố thí ba la mật.
5- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho tinh tấn ba la mật như thế nào?
Tinh tấn là tâm sở, khi đồng sanh với ác tâm thì tạo ác nghiệp do thân, khẩu ý; khi đồng sanh với thiện tâm thì tạo thiện nghiệp do thân, khẩu, ý.
Tinh tấn ba la mật đó là chánh tinh tấn (sammā-vāyāma), gồm 4 điều:
Tinh tấn diệt ác pháp đã sanh.
Tinh tấn ngăn không cho ác pháp phát sanh.
Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sanh.
Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sanh.
Tinh tấn tiến hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền và tinh tấn tiến hành thiền tuệ để chứng đắc 4 Thánh Ðạo Tuệ, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não tham ái, đó là tinh tấn ba la mật.
Có số người đã từng tạo bố thí ba la mật, kiếp hiện tại có nhiều của cải, cuộc sống đầy đủ sung túc, hỗ trợ cho hạnh tinh tấn ba la mật được thành tựu dễ dàng hơn người nghèo khổ, đời sống thiếu thốn, cần phải tinh tấn trong công việc làm ăn để nuôi mạng.
Tinh tấn ba la mật như Ðức Bồ Tát thái tử Janaka, tinh tấn bơi lội trong biển đại dương suốt 7 ngày đêm không ngừng nghỉ, làm động tâm chư thiên đến cứu thoát chết....
Tinh tấn ba la mật được thành tựu cần nương nhờ bố thí ba la mật làm nền tảng.
6- Bố thí ba la mật hỗ trợ nhẫn nại ba la mật như thế nào?
Pháp nhẫn nại là pháp chịu đựng mọi cảnh trái ý nghịch lòng một cách tự nhiên, không hề phát sanh tâm không hài lòng. Pháp nhẫn nại đó chính là vô sân tâm sở (adosacetasika) đồng sanh với đại thiện tâm.
Pháp nhẫn nại ở đây không phải là nhẫn nhục, vì nhẫn nhục thì bên trong tâm còn ấm ức, uất hận trong lòng; nhưng bên ngoài tỏ ra bình tĩnh, chưa biểu lộ ra bằng hành động, lời nói. Còn nhẫn nại, bên trong chỉ có thiện tâm phát sanh, bên ngoài thân và khẩu vẫn giữ được tánh tự nhiên; hành động và lời nói vẫn bình thường, không có gì thay đổi, đó là hạnh nhẫn nại ba la mật.
Có số người đã từng tạo bố thí ba la mật trong những kiếp quá khứ, kiếp hiện tại giàu sang quyền quý, cuộc sống đầy đủ sung túc, có điều kiện và cơ hội gần gũi thân cận với bậc Thiện trí, lắng nghe học hỏi chánh pháp của bậc Thiện trí, được hiểu rõ pháp nhẫn nại là một đức tính cao thượng mà chư Phật tán dương ca tụng, cho nên họ cố gắng thực hành hạnh nhẫn nại ba la mật để trở thành đức tính cao quý của họ. Vì vậy, mỗi khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng, họ vẫn giữ thiện tâm trong sạch tự nhiên, không hề phát sanh tâm không hài lòng (sân tâm) nơi đối tượng ấy, không tự làm khổ mình, không làm khổ người.
Vậy, bố thí ba la mật hỗ trợ cho hạnh nhẫn nại ba la mật.
Ví dụ:
Tích Ðức Bồ Tát Khantivadī (tiền thân của Ðức Phật Gotama) hành hạnh nhẫn nại ba la mật. Ðức vua Kalāpu tức giận Ðức Bồ Tát, truyền lệnh cho người hành quyết chặt hai chân, hai tay, hai lỗ tai, 2 lỗ mũi của Ðức Bồ Tát, Ngài hành nhẫn nại ba la mật nên sân tâm không phát sanh, dẫu thân của Ngài đau đớn đến cùng cực, Ngài phải viên tịch ngay ngày hôm ấy.
Còn đức vua Kalāpu đã tạo tội ác nặng, bị đất rút chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh vào địa ngục Avīci chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.
7- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho chân thật ba la mật như thế nào?
Trong đời này có hai pháp chân thật:
Chân thật bằng lời nói (sammutisacca).
Chân thật nghĩa pháp (paramatthasacca).
Thế nào là chân thật bằng lời nói?
Người đời chế định ra tiếng nói để thông tin, truyền đạt tư tưởng hiểu biết lẫn nhau; khi thấy, nghe biết thế nào, nói đúng sự thật như thế ấy, không cố ý nói sai, nói dối lừa gạt người khác, gọi là chân thật bằng lời nói.
Thế nào là chân thật nghĩa pháp?
Chân thật nghĩa pháp là pháp có thật tánh chân thật, thể bất biến, đó là 4 pháp: tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết Bàn. Phân ra làm hai loại:
* Chân thật theo thực tánh pháp (sabhāvasacca) có 3 pháp:
Thiện pháp cho quả an lạc.
Bất thiện pháp cho quả khổ.
Phi thiện, phi bất thiện pháp: là pháp không phải thiện cũng không phải bất thiện, đó là các pháp còn lại như: quả tâm, duy tác tâm, sắc pháp...
* Chân thật theo Tứ thánh đế:
Khổ thánh đế.
Tập thánh đế.
Diệt thánh đế.
Ðạo thánh đế.
Ðức Bồ Tát hành hạnh chân thật ba la mật là nói như thế nào, thì làm như thế ấy; làm như thế nào, thì nói như thế ấy; lời nói và việc làm lúc nào cũng chân thật, không nói dối, không làm dối.
Chân thật ba la mật là đã nói lời chân thật, rồi làm đúng theo lời chân thật ấy, không phải nói mà không làm đúng theo lời nói.
Pháp hạnh chân thật ba la mật được thành tựu dễ dàng, do nương nhờ bố thí ba la mật làm nền tảng.
Ví dụ:
Tích Ðức Bồ Tát Mahāsutasoma (tiền thân của Ðức Phật Gotama) thực hành hạnh chân thật ba la mật. Ðức Bồ Tát làm vua trị vì kinh thành Indapatta.
Một hôm đức vua Bồ Tát Mahāsutasoma đang làm lễ tắm tại hồ nước, thì kẻ sát nhân ăn thịt người tên Porisāda bắt Ngài để giết, lấy máu tế thần rồi ăn thịt Ngài.
Trước khi làm lễ tắm, Ngài có hứa với vị pháp sư Bà la môn rằng: khi hồi cung sẽ nghe pháp. Nay Ngài bị bắt, không giữ đúng lời hứa với vị pháp sư Bà la môn; muốn giữ đúng lời hứa, nên Ngài xin kẻ sát nhân Porisāda, cho phép Ngài trở về cung nghe pháp đúng theo lời đã hứa, rồi Ngài sẽ trở lại gặp kẻ sát nhân Porisāda. Tên sát nhân Porisāda ban đầu không tin nơi Ngài, nhưng nhìn thấy Ngài vẫn tự nhiên không tỏ ra một chút sợ hãi đến sự chết, với oai lực từ lời chân thật của Ngài, khiến tên sát nhân Porisāda tin theo, cho phép Ngài hồi cung.
Khi Ðức vua Bồ Tát hồi cung, thỉnh vị pháp sư lên ngồi trên ngai vàng thuyết pháp, còn Ðức Vua ngự ở dưới thấp, cung kính nghe pháp. Sau khi nghe pháp xong, giữ đúng lời hứa với kẻ sát nhân Porisāda, Ðức vua Bồ Tát trở lại tìm tên sát nhân. Kẻ sát nhân vô cùng kinh ngạc, không ngờ Ðức vua Bồ Tát giữ đúng lời hứa đến gặp y, để y giết lấy máu tế thần rồi ăn thịt.
Do oai lực hạnh chân thật ba la mật của Ðức Bồ Tát, kẻ sát nhân không dám giết Ngài, y kính xin Ngài thuyết lại bài pháp mà Ngài đã nghe từ vị pháp sư Bà la môn.
Ban đầu Ðức Bồ Tát không chịu thuyết, bởi vì kẻ sát nhân đang hành ác pháp của người ác; còn thiện pháp của bậc Thiện trí người ác không thể hiểu được.
Về sau kẻ sát nhân hồi tâm hướng thiện, thiết tha khẩn khoản, yêu cầu Ðức Bồ Tát thuyết pháp. Ngài nhận thấy kẻ sát nhân biết phục thiện, nên Ngài thuyết pháp tế độ kẻ sát nhân cải tà quy chánh, thọ trì ngũ giới. Từ đó về sau không giết người ăn thịt nữa, trở thành người thiện.
Ðức Bồ Tát thực hành hạnh chân thật ba la mật được thành tựu, nhờ hạnh bố thí ba la mật làm nền tảng.
8- Bố thí ba la mật hỗ trợ chí nguyện ba la mật như thế nào?
Chí nguyện ba la mật thường đi theo ba la mật khác.
Ví dụ:
Tích Ðức Bồ Tát Temiya, Thái tử của đức vua Kāsika, Ðức vua vô cùng yêu quý thái tử Temiya, chắc chắn sẽ truyền ngôi báu cho Thái tử. Một hôm Ðức Vua lâm triều, Thái tử nằm trên vế của Ðức vua, quân lính triều đình bắt được một nhóm trộm cướp đến trình Ðức vua, Ðức vua truyền lệnh hành phạt bọn cướp. Thái tử nằm trên vế nghe rõ lời truyền lệnh của phụ vương mình, tự nhiên cảm thấy sợ hãi, nghĩ rằng: "Phụ vương của ta đã tạo ác nghiệp, khó tránh khỏi khổ trong cảnh địa ngục".
Ðức Bồ Tát nằm ngủ thiếp đi một lát, khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên ngai vàng. Ngài nhớ lại tiền kiếp đã từng làm vua 20 năm, tạo ác nghiệp, nên sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh vào địa ngục chịu khổ suốt 80.000 năm. Ngài suy tư rằng: "Nếu sau này ta lớn lên nối ngôi vua, thì chắc chắn ta cũng sẽ sa vào địa ngục trở lại". Ðức Bồ Tát buồn lo, sợ hãi chưa biết làm thế nào để tránh khỏi làm vua.
Khi ấy có một thiên nữ kiếp trước đã từng làm mẹ Ðức Bồ Tát, khuyên dạy Ðức Bồ Tát rằng:
- Này Temiya con yêu quý! Con chớ nên buồn lo sợ hãi, nếu con không muốn làm vua, con nên thực hành theo điều mẹ khuyên dạy:
- Con không bại liệt, làm như người bại liệt.
- Con không câm, làm như người câm.
- Con không điếc, làm như người điếc.
- Con không nên biểu lộ cho người khác biết mình là người có trí tuệ hơn người.
Làm được như vậy, con chắn chắn tránh được làm vua.
Lắng nghe lời khuyên dạy của vị thiên nữ, Ðức Bồ Tát vô cùng hoan hỉ rồi phát nguyện theo những điều mà vị thiên nữ chỉ dạy, nghiêm chỉnh thực hành suốt 16 năm trường, không một ai có thể phát giác ra được. Cuối cùng các quan tâu lên Ðức Vua rằng:
Tâu Ðại Vương, nếu để Thái tử tiếp tục sống trong cung điện, thì sẽ có ba điều tại hại:
- Tai hại cho Ðại Vương.
- Tai hại cho Hoàng hậu.
- Tai hại cho ngai vàng, giang sơn đất nước.
Vậy kính xin Hoàng thượng lấy xe chở Thái tử đem chôn trong rừng sâu.
Ðức vua sợ những điều tại hại sẽ xảy ra, nên đành chuẩn tấu, truyền chỉ phán bảo quân lính trong triều đình chở Ðức Bồ Tát vào rừng để chôn.
Hôm ấy, Ðức Bồ Tát hành chí nguyện ba la mật đã thành tựu, suốt 16 năm không cử động, nay đến lúc Ðức Bồ Tát dùng tâm lực vận chuyển thân thể, bước xuống xe đi đi lại lại, đi đến chỗ những người lính đang đào huyệt. Ngài hỏi rằng:
- Các ngươi đào huyệt này để làm gì?
- Chúng tôi đào huyệt này để chôn Thái tử Temiya, là người bại liệt, câm, điếc, bất hạnh cho triều đình. – Bọn lính thưa.
- Này các ngươi, các người hãy xem, ta chính là Thái tử Temiya, ta không phải là người bại liệt, không phải người câm, điếc... sở dĩ ta có chí nguyện làm như người bại liệt, câm, điếc, là vì ta không muốn làm vua. Hôm nay ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ.
9- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho tâm từ ba la mật như thế nào?
Tâm từ ba la mật, là đại thiện tâm mong cầu tất cả chúng sinh an lạc không oan trái lẫn nhau, không khổ thân, không khổ tâm, mong cầu tất cả mọi chúng sinh tự mình giữ gìn thân tâm thường được an lạc.
Tâm từ đó là vô sân tâm sở (adosacetasika) đồng sanh trong đại thiện tâm.
Tâm từ khi biểu hiện ra nơi thân, thì thân hành động hợp với tâm từ như giúp đỡ, bố thí những vật cần thiết cho người ấy, chúng sinh ấy được an lạc.
Tâm từ khi biểu hiện nơi khẩu, thì miệng nói lời hợp với tâm từ, đem lại cho người nghe sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.
Khi tâm từ phát sanh trong tâm, thì làm cho tâm mình cảm thấy mát mẻ dễ chịu, rải tâm từ đến mọi người, mọi chúng sinh, cầu mong cho tất cả chúng sinh được thân tâm thường an lạc, làm cho người khác, chúng sinh khác cảm nhận được sự mát mẻ, an lạc, thích gần gũi thân cận, thương yêu kính mến nhau.
Như vậy, hạnh tâm từ ba la mật này cũng cần nương nhờ hạnh bố thí ba la mật làm nền tảng.
Ví dụ:
Tích Ðức Bồ Tát Suvaṇṇasāma (tiền thân của Ðức Phật Gotama) hành hạnh tâm từ ba la mật, khi Ngài ở trong rừng không những chư thiên khắp mọi nơi kính mến Ngài, mà còn các loài thú dữ cũng cảm mến Ngài. Khi Ngài đi vào rừng lấy nước, cả đàn thú rừng đủ loại đi theo Ngài, quyến luyến Ngài không muốn rời.
Trong gia đình, thân bằng quyến thuộc có tâm từ với nhau có phải không?
Trong gia đình, như vợ chồng thương yêu nhau, cha mẹ thương yêu con, anh em, chị em thương yêu nhau, ông bà yêu cháu...; trong dòng họ, những người bà con thân bằng quyến thuộc thương yêu nhau... tất cả mọi tình thương yêu ấy không phải tâm từ thật mà gọi là tâm từ giả. Bởi vì, đó là biểu hiện tình thương với tham tâm, không phải là thiện tâm. Ðể xác minh, thực nghiệm điều này, khi tình thương (tham) không được như ý, sẽ phát sanh không hài lòng, đó là sân tâm đối nghịch với tâm từ là vô sân tâm.
Tâm từ giả, đó là tình thương với tham tâm, khi tham muốn không được như ý, liền làm nhân để cho phát sanh sân tâm (quả).
Còn tâm từ thật đó là vô sân tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm, mong cầu mọi điều an lành đến tất cả chúng sinh không phân biệt thân hay thù, cho nên dù đối tượng thế nào đi nữa, tâm tham (hài lòng), hoặc tâm sân (không hài lòng) không phát sanh, đó là tâm từ thật.
10- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho tâm xả ba la mật như thế nào?
Tâm xả ba la mật là thiện tâm nghĩ về tất cả chúng sinh một cách trung dung do suy nghĩ rằng:
- Mỗi chúng sinh có nghiệp là của riêng mình, cho nên, ta không thể làm cho chúng sinh được an lạc và cũng không thể làm cho chúng sinh khổ. Sở dĩ chúng sinh được an lạc là do quả của thiện nghiệp của họ đã tạo; và chúng sinh chịu cảnh khổ cũng là do quả của ác nghiệp họ đã tạo. Mỗi chúng sinh nương nhờ hoàn toàn nơi nghiệp của chính mình. Chúng sinh nào tạo thiện nghiệp, khi thiện nghiệp cho quả, thì hưởng được sự an lạc; chúng sinh nào tạo bất thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, khi ác nghiệp cho quả, thì phải chịu khổ não.
Như vậy, sự an lạc, hoặc khổ não là quả của nghiệp mà do chính họ đã tạo.
Do nhờ suy nghĩ như vậy, nên có tâm xả đối với tất cả chúng sinh. Gọi là hành hạnh tâm xả ba la mật.
Hạnh tâm xả ba la mật này là hạnh cuối cùng nương nhờ các hạnh ba la mật khác, mà các hạnh ba la mật khác nương nhờ hạnh bố thí ba la mật. Như vậy, hạnh tâm xả ba la mật gián tiếp nương nhờ hạnh bố thí ba la mật.
Ví dụ:
Tích Ðức Bồ Tát Mahālomahaṃsa sanh trong gia đình phú hộ. Khi trưởng thành Ngài chán ngán đời sống tại gia, từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ hành hạnh tâm xả ba la mật, là tâm trung dung đối với tất cả đối tượng tốt hoặc xấu.
Ðức Bồ Tát đến sống nơi nghĩa địa gom nhặt các bộ xương, lấy sọ người làm gối, lũ trẻ tinh nghịch ở trong xóm nhìn thấy Ngài, thường đến quấy rầy Ngài như nhổ nước miếng vào người Ngài, bỏ rác, thậm chí còn tiểu tiện, đại tiện gần nơi Ngài ở. Khi Ngài nằm, chúng lấy cây cỏ xoáy vào hai lỗ tai của Ngài, chúng chơi đùa thích thú la hét om sòm; còn đối với Ðức Bồ Tát vẫn an nhiên tự tại nhẫn nại, không hề sanh sân tâm, không hài lòng gì cả.
Những bậc Thiện trí nhìn thấy Ðức Bồ Tát hành hạnh cao thượng ít ai có thể sánh được, nên ngăn cấm lũ trẻ tinh nghịch kia, không được đến quấy rầy Ngài. Họ đem những vật thực, vật thơm đến cúng dường Ngài, nhưng Ngài vẫn an nhiên tự tại, không hề phát sanh tham tâm, hài lòng những vật cúng dường ấy, bởi vì Ngài hành hạnh tâm xả ba la mật.
Tóm lại, người nào có nguyện vọng muốn giải thoát khỏi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, để chứng đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, đều cần phải tạo ít nhất là đầy đủ 10 pháp hạnh ba la mật làm nhân duyên để chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả và Niết Bàn.
Nếu người nào mong cầu chứng đạt Niết Bàn mà không tạo đầy đủ 10 hạnh ba la mật, người ấy cũng chỉ có mong, mà không bao giờ chứng đạt Niết Bàn. Cũng như người nào muốn đến một nơi nào đó, mà không chịu đi, thì cũng chẳng bao giờ đến nơi ấy.
Trong 10 pháp hạnh ba la mật, hạnh bố thí ba la mật là hạnh ba la mật đầu tiên, làm nền tảng hỗ trợ cho các hạnh ba la mật khác được dễ dàng thành tựu.
ố thí là một việc dễ làm, song bố thí để tạo được phước thiện không phải là việc dễ, mà được phước thiện vô lượng lại càng khó hơn. Bố thí là một hành động từ thiện, một nghĩa cử hào hiệp đáng tán dương ca tụng, xét về mặt hình thức. Bố thí để tạo phước thiện không chỉ hình thức, mà chính là nội tâm, còn vật thí chỉ là một nhân duyên để tạo nên phước thiện, không phải là phước thiện.
Vậy phước thiện là gì?
Phước thiện chính là thiện tâm. Trong thiện tâm (kusalacitta) hợp với nhiều tâm sở (cetasika), mỗi tâm sở có mỗi tính chất, trạng thái khác nhau, nhưng cùng chung một đối tượng với tâm.
Ðể tạo nên phước thiện bố thí, tác ý thiện tâm (kusalacetana) đóng vai trò chính, còn tất cả vật thí là nhân duyên phụ, cần phải nhờ đến người thọ thí, khi ấy mới thành tựu được phước thiện bố thí.
Bố thí mà không tạo được phước thiện, ngược lại tạo nên tội lỗi, trong những trường hợp như sau:
Thí chủ bố thí với tâm tham muốn cho người thọ thí thương yêu mình, nên bố thí những vật thí như: rượu, thuốc lá, thuốc phiện, ma túy, heroin, các chất say, v.v... những vật thí này làm cho người thọ thí phải phạm giới, mắc bệnh nghiện, phát sanh những chứng bệnh khó chữa trị... gây ra hậu quả tai hại cho người thọ thí trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai. Như vậy, sự bố thí với tâm tham muốn này không tạo được phước thiện, mà tạo nên tội lỗi thuộc về bất thiện nghiệp (ác nghiệp).
Người chủ tiệm lớn, nhìn thấy một người ăn mày ăn mặc bẩn thỉu đứng trước cửa tiệm, người chủ phát sanh tâm sân không hài lòng người ăn mày ấy, muốn xua đuổi y bằng cách đem tiền bạc, đồ vật bố thí để cho y đi nơi khác. Như vậy, sự bố thí với tâm sân này, không tạo được phước thiện, mà tạo nên tội lỗi thuộc về bất thiện nghiệp (ác nghiệp).
Bố thí để tạo nên phước thiện, cần phải có những điều kiện như sau:
Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trong việc bố thí để tế độ, giúp đỡ người, hoặc chúng sinh, với tâm từ hoặc tâm bi.
Vật thí là những vật hợp pháp, hợp luật đem lại sự lợi ích, an lạc cho người thọ thí, hoàn toàn không đem lại sự tác hại cho người thọ thí trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai.
Người thọ thí, nếu là người có giới đức trong sạch, có thiện pháp cao thượng, thì việc bố thí của thí chủ có được phước thiện vô lượng, có quả báu vô lượng trong kiếp hiện tại và vô lượng kiếp vị lai.
Nếu người thọ thí là người không có giới đức trong sạch, có ác pháp ô nhiễm, thì việc bố thí của thí chủ có được phước thiện không nhiều, có quả báu không nhiều trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai.
Tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng, có của cải đầy đủ, giàu sang phú quý... chắc chắn là do quả của phước thiện bố thí. Phước thiện bố thí cho quả báu trong kiếp sanh làm người được giàu sang phú quý, có nhiều của cải tài sản; cho quả báu trong kiếp hoá sanh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, có đầy đủ ngũ trần, hưởng sự an lạc tuyệt vời trong cõi trời ấy.
Dầu tái sanh làm súc sanh do ác nghiệp, song có một số loài súc sanh sống chung, gần gũi với con người, cũng hưởng được quả báu của phước thiện bố thí, như con chó, mèo, trâu, bò, ngựa, voi... được nuôi nấng chăm sóc tử tế, có chỗ ở đàng hoàng, có người săn sóc cẩn thận; thậm chí khi chúng mắc bệnh, có bác sĩ chữa trị.
Phước thiện bố thí có một năng lực đặc biệt là thí chủ có thể thành tâm hồi hướng phần phước thiện bố thí đến cho thân bằng quyến thuộc từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, đang sống trong cảnh đói khát, khổ cực, khi họ hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí của thân quyến hồi hướng đến cho họ, ngay khi ấy, họ được giải thoát khỏi kiếp sống khổ cực đói khát ấy, được tái sanh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, hưởng được mọi sự an lạc lâu dài trong cõi trời ấy.
Như vậy, phước thiện bố thí không những đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho riêng mình, mà còn cho tất cả chúng sinh khác hoan hỷ, cũng được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài nữa.
"Phước thiện bố thí" chỉ có con người trong cõi Nam thiện bộ châu (trái đất chúng ta đang sống) có nhiều cơ hội thuận lợi để tạo nên phước thiện bố thí. Ngoài ra, còn các châu khác [Tây ngưu hoá châu, Bắc câu lưu châu, Ðông thắng thần châu] và 30 cõi khác [10 cõi dục giới, 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới] không có cơ hội thuận lợi tạo nên phước thiện bố thí như:
- Con người trong 3 châu khác đang hưởng quả báu an lạc phước thiện của mình, nên không có cơ hội thuận lợi tạo phước thiện bố thí.
- Chúng sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) đang chịu quả khổ do ác nghiệp của mình, nên cũng không có cơ hội thuận lợi tạo phước thiện bố thí.
- Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới đang hưởng quả báu an lạc cõi trời do thiện nghiệp của mình đã tạo, nên cũng không có cơ hội thuận lợi tạo phước thiện bố thí. Chư thiên nào muốn tạo phước thiện bố thí, chư thiên ấy phải hiện xuống cõi người mới có cơ hội tạo phước thiện bố thí.
- Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới và 4 cõi trời vô sắc giới đang hưởng quả báu an lạc trong bậc thiền sở đắc của mình, nên cũng không có cơ hội thuận lợi tạo phước thiện bố thí.
Con người cõi Nam thiện bộ châu này, có tính chất đặc biệt hơn tất cả mọi chúng sinh trong các cõi khác về 2 cực: cực thiện và cực ác.
1- Cực thiện: Con người trong cõi Nam thiện bộ châu siêu việt hơn các chúng sinh khác, là có khả năng chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, Ðức Phật Ðộc Giác, bậc Thánh tối thượng Thanh Văn, bậc Thánh đại Thanh Văn thuộc về siêu tam giới pháp.
Và có khả năng trở thành Ðức Chuyển luân thánh vương, chứng đắc tất cả 5 bậc thiền sắc giới, 4 bậc thiền vô sắc giới, chứng đắc ngũ thông: thân túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông... thuộc về tam giới pháp.
2- Cực ác: Con người trong cõi Nam thiện bộ châu có thể tạo trọng ác nghiệp gọi là pañcānantariyakamma: ngũ vô gián ác nghiệp: là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm cho Ðức Phật bầm máu, chia rẽ Tỳ khưu Tăng. Trọng ác nghiệp này chắc chắn cho quả tái sanh vào đại địa ngục Avīci chịu quả khổ suốt 1 antarakappa so với thời gian cõi người.
[Antarakappa: là khoảng thời gian tuổi thọ con người sống lâu tột đỉnh a tăng kỳ năm (số 1 đứng đầu theo sau 140 số không (0) = 10**140), từ đó giảm dần giảm dần còn lại 10 năm, rồi từ 10 năm tăng dần tăng dần đến a tăng kỳ năm; trải qua 1 chu kỳ thời gian như vậy, gọi là antarakappa]
Con người cõi Nam thiện bộ châu có khả năng biết rõ nhân và không phải nhân; biết rõ sự lợi và sự bất lợi; biết rõ thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp).
Biết rõ nhân và không phải nhân: Tất cả các pháp phát sanh đều do từ nhân, con người trong cõi Nam thiện bộ châu có khả năng tìm hiểu, khám phá biết rõ pháp này phát sanh do từ nhân này, không phải nhân khác. Nhân nào thì quả ấy, quả luôn luôn phát sanh từ nhân của nó.
Biết rõ sự lợi và sự bất lợi: Con người trong cõi Nam thiện bộ châu có khả năng hiểu biết rõ sự lợi là quả của thân hành thiện, khẩu nói thiện, ý nghĩ thiện; và sự bất lợi là quả của thân hành ác, khẩu nói ác, ý nghĩ ác.
Biết rõ thiện nghiệp và bất thiện nghiệp: Nghiệp có 3 loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Theo thật tánh pháp của mỗi loại nghiệp phân chia làm 2 loại: thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp).
Con người trong cõi Nam thiện bộ châu có khả năng biết rõ thiện nghiệp là tác ý thiện tâm hành thân thiện nghiệp: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; tác ý thiện tâm hành khẩu thiện nghiệp: không nói dối, không nói lời đâm thọc chia rẽ, không nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, không nói lời vô ích; tác ý thiện tâm hành ý thiện nghiệp: không tham lam, không thù hận, có chánh kiến... thuộc về thiện pháp. Có khả năng biết rõ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp, siêu tam giới thiện pháp.
Và có khả năng biết rõ bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là tác ý bất thiện hành thân ác nghiệp: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; tác ý bất thiện hành khẩu ác nghiệp: nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích; tác ý bất thiện hành ý ác nghiệp: tham lam, thù hận, tà kiến... thuộc về bất thiện pháp (ác pháp).
Chúng ta đã là con người trong cõi Nam thiện bộ châu, mọi cơ hội thuận lợi đang có đối với chúng ta, chúng ta nên biết chọn lấy cơ hội thuận lợi ấy để tạo nên mọi thiện pháp, để nâng đỡ chúng ta trở nên con người cao thượng. Thật vậy, chỉ có thiện pháp mới có khả năng nâng đỡ chúng ta từ cõi dục giới lên cõi sắc giới do nhờ sắc giới thiện pháp, và cõi vô sắc giới do nhờ vô sắc giới thiện pháp; từ phàm nhân lên bậc Thánh nhân; từ quả Thánh bậc thấp lên quả Thánh bậc cao tột cùng do nhờ siêu tam giới thiện pháp. Phẩm giá thấp hoặc cao của mỗi con người căn cứ vào thiện pháp của người ấy, hoàn toàn không căn cứ nơi học vị bậc nào, nơi quyền cao chức trọng ... Vậy, chúng ta nên cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện pháp, đó là điều thiết yếu nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Trong Phật giáo có đầy đủ 4 loại thiện pháp: dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp và đặc biệt có siêu tam giới thiện pháp đó là: 4 Thánh Ðạo Tâm. Người Phật tử là bậc xuất gia cũng như hàng tại gia cư sĩ có khả năng chừng nào, có thể phát triển, tiến hóa đến chừng ấy, không bị hạn chế, có khả năng tiến hoá đến tột cùng A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Chúng ta nên có đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, và tin nghiệp và quả của nghiệp để làm nền tảng vững chắc cho mọi thiện pháp phát sanh và tăng trưởng.
Nếu có cơ hội thuận lợi bố thí, thì nên bố thí để tạo phước thiện.
Nên giữ gìn giới cho trong sạch, nghĩa là có tác ý thiện tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi tội ác, cố gắng thân hành thiện, khẩu hành thiện để làm nền tảng cho pháp hành thiện định, pháp hành thiền tuệ.
Nên tiến hành thiền định để làm cho tâm được an tịnh, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới; được hưởng sự an lạc trong kiếp hiện tại, và tái sanh kiếp sau làm phạm thiên trên cõi trời sắc giới, hoặc vô sắc giới tuỳ theo bậc thiền sở đắc của mình, hưởng sự an lạc trong tầng trời ấy.
Nên tiến hành thiền tuệ để làm cho trí tuệ thiền tuệ phát sanh thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Cuối cùng đạt đến cứu cánh Niết Bàn giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Ðó là mục đích tối thượng của những người Phật tử: bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ.