Bố thí – Phát nguyện
Ở đời, người ta có nhiều tiền bạc, người ta có thể mua sắm các đồ dùng mà người ta muốn. Cũng như vậy, khi người ta tạo nên phước thiện rồi, người ta có thể phát nguyện theo nguyện vọng của mình. Sự thành tựu theo nguyện vọng của mình còn tùy theo năng lực của phước thiện và thời gian sớm hoặc muộn, cũng sẽ thành tựu như ý nguyện.
Nguyện vọng của mỗi người có phần khác nhau, cho nên khi tạo nên phước thiện cũng khác nhau. Có hai loại phước thiện:
- Phước thiện dẫn dắt trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới (vaṭṭagāmikusala).
- Phước thiện làm duyên lành để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới (vivaṭṭupanissitakusala).
Phước thiện dẫn dắt trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới như thế nào?
Một số người có tâm tham muốn ở trong đời, tạo nên phước thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền định,... cầu mong được rằng:
Xin cho tôi được tái sanh làm người giàu sang phú quý, có danh, có phận, có chức, có quyền; làm Ðức Vua trị vì một nước, hoặc làm Ðức Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ.
Xin cho tôi được tái sanh lên cõi trời, sẽ là chư thiên có nhiều oai lực, hoặc là Ðức Vua trong cõi trời ấy,...
Tùy theo mỗi phước thiện mà cho quả báu được thành tựu trong cõi người, cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới và cõi trời vô sắc giới. Ðến khi hết tuổi thọ trong cõi nào rồi, do nghiệp cho quả tái sanh trở lại kiếp sau, tùy theo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của mình đã tạo, cứ quanh quẩn trong vòng tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Như vậy, gọi là phước thiện dẫn dắt trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.
Phước thiện này không trở thành pháp hạnh ba la mật như: bố thí ba la mật, giữ giới ba la mật,... vì không phát nguyện giải thoát khổ sanh tử luân hồi trong ba giới bốn loài.
Phước thiện làm duyên lành để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới như thế nào?
Một số bậc Thiện trí có trí tuệ sáng suốt nhận thức rõ khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, nên khi tạo phước thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền định, tiến hành thiền tuệ... chỉ mong làm nơi nương nhờ để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới. Bậc Thiện trí này không cầu mong sẽ trở thành người giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng,... trong cõi người; cũng không cầu mong sự an lạc trong cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới và cõi trời vô sắc giới. Họ chỉ có một nguyện vọng nương nhờ phước thiện này dẫn dắt đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, là pháp diệt đoạn tuyệt phiền não trầm luân mà thôi. Phước thiện này trở thành pháp hạnh ba la mật như: bố thí ba la mật, giữ giới ba la mật,... Phước thiện này làm duyên lành để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.
Lời Phát Nguyện
Muốn cho phước thiện của mình làm duyên lành nương nhờ để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, bậc Thiện trí ấy cần phải có lời phát nguyện:
Trong Chú giải có dạy rằng:
"Idaṃ me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu".
[Chú giải Saṃyuttanikāya, phần Nidānavagga, kinh Paṭipadā-suttavaṇṇanā. Chú giải Aṅguttaranikāya.]
"Cầu mong phước thiện bố thí này của tôi, làm duyên lành dẫn dắt đến sự chứng ngộ Niết Bàn, chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo diệt đoạn tuyệt phiền não trầm luân".
Ðây là lời phát nguyện chung cho những người muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong 3 giới 4 loài.
Phát nguyện riêng của mỗi Ðức Bồ Tát
Ðức Bồ Tát có ba bậc, mỗi bậc có sự phát nguyện khác nhau:
1- Bậc Thanh Văn Bồ Tát (Sāvakabodhisatta) phát nguyện trở thành bậc Thánh Thanh Văn đệ tử Phật, có 3 bậc:
Bậc Thánh tối thượng Thanh Văn (Aggasāvaka).
Bậc Thánh đại Thanh Văn (Mahāsāvaka).
Bậc Thánh Thanh Văn (Pakatisāvaka).
2- Bậc Ðộc Giác Bồ Tát (Paccekabodhisatta) phát nguyện trở thành Ðức Phật Ðộc Giác, có 3 bậc:
Bậc Ðộc Giác Phật có trí tuệ ưu việt (paññādhika).
Bậc Ðộc Giác Phật có đức tin ưu việt (saddhādhika).
Bậc Ðộc Giác Phật có tinh tấn ưu việt (vīriyādhika).
3- Bậc Toàn Giác Bồ Tát hoặc Bậc Chánh Ðẳng Giác Bồ Tát (Sammāsambodhisatta) phát nguyện trở thành bậc Toàn Giác Phật hoặc Bậc Chánh Ðẳng Giác Phật, có 3 bậc:
Bậc Toàn Giác có trí tuệ ưu việt (paññādhika).
Bậc Toàn Giác có đức tin ưu việt (saddhādhika).
Bậc Toàn Giác có tinh tấn ưu việt (vīriyadhika).
Tất cả các bậc Bồ Tát khi tạo 10 pháp hạnh ba la mật, phước thiện ba la mật nào dầu nhỏ hoặc lớn, dầu ít hoặc nhiều đều phát nguyện mong trở thành bậc nào theo nguyện vọng của mình.
Ví dụ:
Ðức Bồ Tát đạo sĩ Akitti, tiền thân của Ðức Phật Gotama, sống trong rừng dùng lá kāra làm vật thực hằng ngày. Ðức vua trời Sakka (Ðế Thích) nhìn thấy Ðức Bồ Tát đạo sĩ có hạnh cao thượng khó có ai thực hành được, muốn biết Ngài thực hành phạm hạnh như vậy có nguyện vọng gì. Ðức vua trời Sakka biến hóa thành Bà la môn khất sĩ hiện xuống đi khất thực trước Ðức Bồ Tát đạo sĩ. Ðức Bồ Tát đạo sĩ nhìn thấy Bà la môn khất sĩ, tâm vô cùng hoan hỉ đem tất cả nắm lá kāra được luộc chín làm phước thiện bố thí đến Bà la môn khất sĩ, còn Ðức Bồ Tát đạo sĩ chỉ uống nước để sống qua ngày ấy.
Ðức Bồ Tát đạo sĩ phát nguyện rằng:
"Tena dānena na lābhasakkarasilokaṃ, na Cakkavattisampattiṃ, na Sakkasampattiṃ, na Brahmasampattiṃ, na Sāvakabodhiṃ, na Paccekabodhiṃ patthemi. Api ca idaṃ me dānaṃ Sabbaññutañāṇassa paccayo hotu". [Bộ Cariyāpiṭakaṭṭhakathā , pháp hạnh của Ðức Bồ Tát đạo sĩ Akitti. Bộ Jātaka, truyện Akittijātaka.]
"Do năng lực phước thiện bố thí này, bần đạo không cầu mong danh lợi, không cầu mong ngôi vị Ðức Chuyển luân thánh vương, ngôi vị vua trời Sakka, ngôi vị Phạm thiên, cũng không cầu mong trở thành bậc Thánh Thanh Văn, bậc Ðộc Giác Phật; mà sự thật, phước thiện bố thí này của tôi, chỉ mong làm duyên lành để trở thành Ðức Phật Toàn Tri Diệu Giác mà thôi".
Ðó là lời phát nguyện của của Ðức Toàn Giác Bồ Tát cầu mong trở thành Ðức Phật Toàn Giác, hoặc Bậc Chánh Ðẳng Giác Phật.
Cho nên, mỗi Ðức Bồ Tát có lời phát nguyện theo nguyện vọng riêng của mình.
Ðức Ðộc Giác Bồ Tát chỉ phát nguyện muốn trở thành Ðức Phật Ðộc Giác, ngoài ra không còn mong muốn địa vị nào khác.
Bậc tối thượng Thanh Văn Bồ Tát chỉ phát nguyện muốn trở thành bậc Thánh tối thượng Thanh Văn mà thôi, không còn mong địa vị nào khác.
Bậc đại Thanh Văn Bồ Tát chỉ phát nguyện trở thành bậc Thánh đại Thanh Văn mà thôi, không còn mong địa vị nào khác.
Bậc Thanh Văn Bồ Tát chỉ phát nguyện trở thành bậc Thánh Thanh Văn mà thôi, không còn mong địa vị nào khác.
Phước thiện nào, như giữ giới, bố thí, hành thiền định, hành thiền tuệ,... xong rồi phát nguyện cầu mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, pháp diệt đoạn tuyệt phiền não trầm luân.
Ðể đạt đến nguyện vọng trở thành Ðức Phật Toàn Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh tối thượng Thanh Văn, hoặc bậc Thánh đại Thanh Văn, hoặc bậc Thánh Thanh Văn, phước thiện ấy gọi là phước thiện làm duyên lành để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới (vivaṭṭupanissitakusala).
Tính chất ưu việt của Vivaṭṭupanissitakusala
Chủ nhân phước thiện vivaṭṭupanissitakusala này ngày nào chưa đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng, chứng ngộ Niết Bàn theo nguyện vọng riêng của mình, ngày ấy chủ nhân vẫn hưởng được quả báu cao quý trong cõi người, trong cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới.
- Do năng lực phước thiện này cho quả, nếu tái sanh làm người, thì sẽ là người giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, có khi làm vua một nước lớn, có khi là Ðức Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ. Nhưng dầu ở địa vị nào, người chủ nhân của phước thiện vivaṭṭupanissitakusala này không say đắm, không dính mắc trong của cải, sự nghiệp ấy. Khi có cơ hội, sẵn sàng từ bỏ tất cả xuất gia trở thành đạo sĩ trong thời kỳ không có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, hoặc xuất gia trở thành Tỳ khưu trong thời kỳ Ðức Phật xuất hiện trên thế gian.
Ðó là tính chất ưu việt của phước thiện này.
- Do năng lực phước thiện này cho quả, nếu tái sanh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, thì chủ nhân của phước thiện vivaṭṭupanissitakusala này không chịu hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, mà nguyện từ bỏ cõi trời, liền tái sanh xuống làm người, để có cơ hội tạo nhiều pháp hạnh ba la mật, để cho mau chóng đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn theo nguyện vọng của mình.
- Nếu chủ nhân ấy tái sanh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, không bao giờ chịu hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, mà chủ nhân chư thiên ấy nguyện chết trước tuổi thọ, xuống tái sanh làm người để có cơ hội tốt tạo được nhiều pháp hạnh ba la mật, để mau chóng chứng đạt mục đích cứu cánh cuối cùng của mình.
Ðó là tính chất ưu việt của phước thiện này.
Trong thời kỳ Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, hoặc giáo pháp của Ngài đang lưu truyền, chủ nhân của phước thiện vivaṭṭupanissitakusala này, phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, xin quy y Tam bảo trở thành người cận sự nam (hoặc cận sự nữ); hoặc từ bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu, hành giới trong sạch đầy đủ, tiến hành thiền định chứng đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới không phải để hưởng quả an lạc của các bậc thiền ấy trong kiếp hiện tại và kiếp sau trong cõi trời phạm thiền sắc giới, vô sắc giưói; mà chỉ dùng bậc thiền ấy làm nền tảng tiến hành thiền tuệ, để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn tuỳ theo trí tuệ và ba la mật của mình.
Ðó là tính chất ưu việt của phước thiện này.
Tóm lại,
Phước thiện vaṭṭagāmikusala là con đường vòng quanh trong tam giới, không giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Phước thiện vivaṭṭupanissitakusala là con đường thẳng đến Niết Bàn giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Phát Nguyện – Thành Tựu
Bố thí và phát nguyện thường liên quan với nhau, sau khi làm phước thiện, người ta thường có lời phát nguyện, cầu mong do năng lực phước thiện ấy làm nhân duyên đưa đến sự thành tựu đúng theo nguyện vọng của mình.
Sự phát nguyện có thành tựu hay không thành tựu, thành tựu sớm hay muộn, nhanh hay chậm còn tuỳ theo thí chủ.
Nếu thí chủ là người có giới đức trong sạch, thì sự phát nguyện có thể thành tựu theo năng lực của phước thiện ấy.
Nếu thí chủ là người không có giới trong sạch, thì sự phát nguyện không thể thành tựu được; bởi vì, người không có giới hoặc giới không trong sạch, sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh vào một trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh).
Tìm hiểu bài kinh Dānūppattisutta [Aṅguttaranikāya, phần Aṭṭhakanipāta, kinh Dānūppattisutta]. Trong bài kinh này Ðức Phật dạy:
Này chư Tỳ khưu, có số người trong đời này làm phước thiện bố thí như cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở và đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy bố thí rồi phát nguyện, họ nhìn thấy vua chúa có quyền, Bà la môn giàu sang phú quý, phú hộ hưởng thụ có đầy đủ ngũ trần, người ấy phát nguyện, mong ước rằng: "Sau khi chết rồi, cầu mong kiếp sau, tôi sẽ trở thành vị vua chúa có quyền thế, hoặc Bà la môn giàu sang phú quý, hoặc đại phú hộ". Người ấy phát nguyện như vậy, tâm luôn luôn mong ước như vậy, tâm của họ hướng theo con đường thấp hèn, tâm không muốn phát triển theo pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Người ấy sau khi chết, do phước thiện cho quả tái sanh trong dòng vua chúa, hoặc trong dòng Bà la môn giàu sang phú quý, hoặc trong gia đình đại phú hộ.
Như Lai chỉ nói sự thành tựu này đến người có giới trong sạch mà thôi, không nói đến người không có giới, hay người phá giới.
Này chư Tỳ khưu, sự phát nguyện được thành tựu đối với người có giới, bởi do thiện tâm trong sạch.
- Này chư Tỳ khưu, có số người trong đời này, làm phước thiện bố thí như: cơm, nước, vải,... và đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy bố thí rồi phát nguyện, vì họ nghe rằng: "Chư thiên cõi trời Tứ đại thiên vương có tuổi thọ sống lâu, có sắc đẹp, có sự an lạc trong cõi trời ấy". Người ấy phát nguyện, mong ước rằng: "sau khi chết rồi, cầu mong kiếp sau, tôi sẽ là chư thiên trong cõi Tứ đại thiên vương". Người ấy phát nguyện như vậy, tâm luôn luôn mong ước như vậy, tâm của họ hướng theo con đường thấp hèn, tâm không muốn phát triển theo pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Người ấy sau khi chết, do phước thiện cho quả tái sanh làm chư thiên cõi Tứ đại thiên vương.
Như Lai chỉ nói sự thành tựu này đến người có giới trong sạch mà thôi, không nói đến người không có giới, người phá giới.
Này chư Tỳ khưu, sự phát nguyện được thành tựu đối với người có giới, bởi do thiện tâm trong sạch.
- Này chư Tỳ khưu, có số người trong đời này, làm phước thiện bố thí như: cơm, nước, vải...đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy bố thí rồi phát nguyện vì: họ nghe rằng "chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên... Chư thiên trong cõi Dạ ma thiên... Chư thiên trong cõi Ðâu suất đà thiên... Chư thiên trong cõi Hoá lạc thiên... Chư thiên trong cõi Tha hoá tự tại thiên có tuổi thọ sống lâu, sắc đẹp tuyệt vời, có sự an lạc tuyệt vời trong cõi trời". Người ấy phát nguyện mong ước rằng: "Sau khi chết rồi, cầu mong kiếp sau tôi sẽ là chư thiên trong cõi Tam thập tâm thiên,... cõi Ðâu suất đà thiên,... cõi Hoá lạc thiên... Cõi Tha hoá tự tại thiên". Người ấy phát nguyện như vậy, tâm luôn luôn mong ước như vậy, tâm của họ hướng theo con đường thấp hèn, tâm không muốn phát triển theo pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Người ấy sau khi chết, do phước thiện cho quả tái sanh làm chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên..., cõi Dạ ma thiên..., cõi Ðâu xuất đà thiên..., cõi Hoá lạc thiên..., cõi Tha hoá tự tại thiên.
Như Lai chỉ nói sự thành tựu này đến người có giới trong sạch mà thôi, không nói đến người không có giới, người phá giới.
Này chư Tỳ khưu, sự phát nguyện được thành tựu đối với người có giới, bởi do thiện tâm trong sạch.
- Này chư Tỳ khưu, có số người trong đời này bố thí như cơm, nước, vải... đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy bố thí rồi phát nguyện vì họ nghe rằng: "Phạm thiên trong cõi trời sắc giới có tuổi thọ sống lâu, có sự an lạc tuyệt vời hơn cõi trời dục giới". Người ấy phát nguyện mong ước rằng: "sau khi chết, cầu mong kiếp sau tôi sẽ là phạm thiên trong cõi trời sắc giới". Người ấy phát nguyện như vậy, tâm luôn luôn mong ước như vậy, tâm của họ hướng theo con đường thấp hèn, tâm phát triển theo pháp hành thiền định, không phát triển theo pháp hành thiền tuệ. Người ấy sau khi chết, do nhờ có sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sanh làm phạm thiên cõi trời sắc giới.
Như Lai chỉ nói sự thành tựu này đến người có giới (có chứng đắc bậc thiền sắc giới) mà thôi, không nói đến người không có giới, phá giới; nói đến tâm không còn tham dục trong ngũ trần, do diệt được tham ái trong ngũ trần, không nói đến tâm còn có tham ái trong ngũ trần.
Này chư Tỳ khưu, sự phát nguyện được thành tựu đối với người có giới, bởi do tâm trong sạch, không tham ái trong ngũ trần...
Qua bài kinh này, để hiểu rõ lời phát nguyện chỉ được thành tựu đối với người có giới đức trong sạch mà thôi, không thành tựu đối với người không có giới, phá giới; là vì người không có giới, người phá giới sau khi chết, do ác nghiệp cho quả chắc chắn phải sa vào một trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh). Cho nên, phước thiện bố thí không có cơ hội dẫn dắt đến sự thành tựu theo điều phát nguyện.
Tuổi thọ, sắc đẹp, sự an lạc mỗi cõi trời dục giới khác nhau. Cõi trời dục giới tầng cao có tuổi thọ gấp đôi cõi trời dục giới tầng thấp.
- Tuổi thọ cõi Tứ đại thiên vương có 500 năm, bằng 9 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 50 năm trong cõi người.
- Tuổi thọ cõi Tam thập tam thiên có 1.000 năm, bằng 36 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 100 năm trong cõi người.
- Tuổi thọ trong cõi Dạ ma thiên có 2.000 năm, bằng 144 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 200 năm trong cõi người.
- Tuổi thọ cõi Ðâu xuất đà thiên có 4.000 năm, bằng 576 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 400 năm trong cõi người.
- Tuổi thọ trong cõi Hoá lạc thiên có 8.000 năm, bằng 2.304 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 800 năm trong cõi người.
- Tuổi thọ trong cõi Tha hoá tự tại thiên có 16.000 năm, bằng 9.216 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 1.600 năm trong cõi người.
Ngoài tuổi thọ ra, còn sắc đẹp, sự an lạc, tiếng tăm, quyền lực, sắc, thinh, hương, vị, xúc tuyệt vời ở mỗi tầng trời cao tăng gấp bội tầng trời thấp.
Quả báu của phước thiện bố thí thuộc dục giới thiện nghiệp, nên chỉ có khả năng cho quả trong cõi người và 6 cõi trời dục giới mà thôi, không có khả năng cho quả trong cõi trời sắc giới. Nhưng trong bài kinh Ðức Phật có đề cập đến sự thành tựu nguyện vọng trở thành phạm thiên trong cõi trời sắc giới, điều này nên hiểu rằng: nhờ phước thiện bố thí làm nhân duyên hỗ trợ cho thí chủ thuận lợi trong sự tiến hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, bậc thiền vô sắc. Chính sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới phạm thiên, vô sắc giới phạm thiên (không phải phước thiện bố thí); và cũng chính nhờ phước thiện bố thí làm duyên hỗ trợ cho thí chủ thuận lợi trong sự tiến hành thiền tuệ để chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả trở thành bậc Thánh nhân.
Năng Lực Lời Phát Nguyện
Lời phát nguyện có năng lực đối với người tạo được phước thiện nào khó tạo, thì phước thiện ấy có nhiều năng lực. Khi phước thiện có nhiều năng lực, thì lời phát nguyện mới thành tựu được dễ dàng.
Như tích nàng Ummādandī [Bộ Jātaka, truyện Ummādandījātaka] được tóm lược như sau:
Trong thời quá khứ, Ðức vua Sivi trị vì xứ Sivi, ngự ở kinh thành Ariṭṭha [Ðức vua Sivi là Ðức Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama]. Trong kinh thành, một phú hộ Tiriṭivaccha có người con gái vô cùng xinh đẹp như thiên nữ tên là Ummādandī. Năm cô lên 16 tuổi có sắc đẹp mê hồn, lạ thường hơn hẳn các cô gái khác, cô đẹp như thiên nữ tuyệt trần, những người đàn ông nào nhìn thấy cô đều cảm thấy mê hồn, đến mức điên cuồng, mất trí như người say – say bởi tham ái.
Ông phú hộ Tiriṭivaccha đến yết kiến Ðức vua Sivi tâu rằng:
- Tâu Hoàng thượng, Itthiratanā: đàn bà báu xứng đáng với Hoàng thượng đã sanh trong gia đình của tiện dân. Xin Hoàng thượng phái nhóm Bà la môn đến xem tướng con gái của tiện dân, rồi tuỳ ý của Hoàng thượng phán xét.
Ðức vua chuẩn tấu, rồi truyền lệnh phái các Bà la môn đến ngôi biệt thự của ông phú hộ. Nhóm Bà la môn được đón tiếp trọng thể, mời thưởng thức món cơm pāyāsa: cơm đặc biệt nấu bằng sữa tươi.
Khi ấy, cô Ummādandī trang sức lộng lẫy toàn những đồ nữ trang quý giá ra chào hỏi nhóm Bà la môn ấy. Vừa nhìn thấy cô, tất cả họ đều bị mê hồn, say mê điên cuồng không còn biết mình nữa. Ðang khi dùng vật thực, có người cầm nắm cơm đặt trên đầu, tưởng rằng mình dùng cơm; có người cầm nắm cơm nhét vào nách, có người đấm vào vách tường... tất cả họ đều mê hồn đến mức trở thành người điên cuồng mất trí, không còn biết mình nữa.
Cô Ummādandī nhìn thấy nhóm Bà la môn như vậy nói rằng:
- Ta tưởng nhóm Bà la môn này đến xem tướng của ta, bây giờ nhóm họ như người điên cuồng, không còn biết gì nữa. Này các gia nhân, hãy lôi cổ nhóm Bà la môn này ra khỏi ngôi biệt thự.
Nhóm Bà la môn đờ đẫn như người mất hồn, bị tống ra khỏi nhà đến khi hoàn hồn tỉnh lại cảm thấy xấu hổ và tức giận cô Ummādandī, nên khi trở về yết kiến Ðức vua, cả nhóm Bà la môn đồng tâu dối rằng:
Tâu bệ hạ, người đàn bà ấy là người bất hạnh, không nên rước về cung điện.
Cô Ummādandī biết chuyện như vậy, nên nghĩ rằng: "Ðức vua không rước ta về cung vì tưởng rằng ta là người bất hạnh. Gọi là người bất hạnh, thì chắc chắn làm sao có được địa vị như ta. Có cơ hội nào ta sẽ yết kiến Ðức vua rồi sẽ rõ".
Về sau phụ thân của cô, ông phú hộ Tiriṭivaccha đem gả cô cho vị quan thừa tướng Abhipāraka, là vị quan thân thiết nhất, tín cẩn nhất của Ðức vua Sivi, cô trở thành người yêu quý nhất của quan thừa tướng.
Nhân dịp dân chúng trong kinh thành tổ chức lễ lớn vui chơi ca hát nhảy múa hàng năm vào ngày rằm tháng 10 (âm lịch). Trước khi đi chầu Ðức vua, vị quan Thừa tướng gọi phu nhân căn dặn rằng:
- Này Ummādandī em yêu quý! Hôm nay, đầu hôm, trăng rằm sáng tỏ, có lễ lớn, dân chúng ca hát nhảy múa vui chơi, Ðức vua sẽ ngự đi dạo quanh kinh thành, Người sẽ ngự ngang biệt thự của ta trước tiên. Em đừng có xuất hiện để cho Ðức vua nhìn thấy, nếu Ðức vua nhìn thấy em, người sẽ bị mê hồn mất trí.
Cô Ummādandī nghe lời căn dặn của phu quân, nhưng lại nghĩ đây là cơ hội tốt để Ðức vua nhìn thấy ta, nên khi vị quan thừa tướng đi rồi, cô gọi nữ tỳ bảo rằng:
- Khi nào Ðức vua đến cổng biệt thự ta, ngươi hãy nói cho ta biết nhé!
Hôm ấy, mặt trời lặn, mặt trăng rằm soi sáng trên bầu trời, trong kinh thành trang hoàng lộng lẫy, đèn thắp sáng ngời mọi phương, kinh thành đẹp đẽ như cõi thiên cung.
Ðức vua Sivi trang phục theo vương triều, ngự trên chiếc xe ngựa cao quý, theo sau có đoàn hộ tống ngự ra khỏi cung điện, sẽ đi vòng kinh thành, đến cổng biệt thự của vị quan thừa tướng Abhipāraka trước tiên, biệt thự này có tường bằng cẩm thạch bao chung quanh, cổng thành có đài cao trang hoàng lộng lẫy đáng xem.
Khi ấy, nữ tỳ thưa với cô chủ Ummādandī rằng Ðức vua đang ngự đến, cô liền bảo nữ tỳ cầm mâm hoa, còn mình đứng tựa trên cửa sổ lâu đài với dáng đứng đẹp, tay cầm hoa rải xuống Ðức vua. Ðức vua ngẩng đầu nhìn thấy nàng, ngay khi ấy, Ðức vua phát sanh tâm say mê, cơn say do phiền não làm mê hồn mất trí, không còn biết ngôi biệt thự này của vị quan thừa tướng Abhipāraka thân tín nhất của mình. Ðức vua truyền hỏi người đánh xe ngựa rằng:
- Này Sunanda, biệt thự này của ai, mà vòng thành bằng cẩm thạch màu vàng?
- Ai đứng hiện ra ở trên kia như một ngôi sao chiếu sáng trong hư không, hay trên đỉnh núi?
- Này Sunanda! Người đàn bà ấy là con của người ai? Chưa thuộc về người nào có phải không? Nàng chưa có chồng phải không? Hãy trả lời ngay cho ta rõ.
Người đánh xe ngựa tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, hạ thần biết rõ người đàn bà ấy là con của phú hộ Tiriṭivaccha, nàng có chồng rồi. Chồng của nàng là quan thừa tướng Abhipāraka thân tín nhất của bệ hạ, ngày đêm lo việc triều chính của bệ hạ.
Tâu bệ hạ, nàng là phu nhân của quan thừa tướng Abhipāraka, tên của nàng là Ummādandī.
Ðức vua tán dương ca tụng rằng:
- Này các ngươi, tên gọi Ummādandī, mà cha mẹ đặt cho nàng thật đúng nghĩa. Khi ta nhìn thấy nàng, nàng lại nhìn thấy ta, làm cho ta say mê như người điên cuồng, mất trí.
Biết Ðức vua không còn bình tĩnh nữa, nên nàng Ummādandī đóng cửa sổ trở về phòng riêng.
Kể từ khi nhìn thấy nàng Ummādandī, Ðức vua cảm thấy không còn hứng thú đi dạo quanh kinh thành nữa, truyền lệnh cho người đánh xe giá hồi cung, ngự lên lâu đài vào phòng nằm mơ mộng đến nàng Ummādandī, nói lảm nhảm một mình như nguời mất trí, lẩm bẩm rằng:
- Nàng xinh đẹp quá! Nàng xinh đẹp quá! Nàng nhìn thấy ta như đã hớp hồn ta rồi! Nếu đức vua trời Sakka ban ân huệ cho ta, ta chỉ muốn được hưởng một ân huệ, đó là được nàng Ummādandī ôm ấp ta với đôi cánh tay mềm mại của nàng. Quan thừa tướng Abhipāraka được ái ân cùng nàng rồi, xin nhường cho vua Sivi được ái ân cùng nàng với...
Biết chuyện này, quan thừa tướng Abhipāraka vào yết kiến Ðức vua, xin dâng nàng Ummādandī lên Ðức vua.
Khi ấy, Ðức vua hồi tâm tỉnh trí lại biết mình có ý nghĩ sai lầm đầy tội lỗi, cảm thấy vô cùng hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, một mực từ chối không thể chấp nhận nàng Ummādandī, phu nhân của quan thừa tướng thân tín nhất của mình.
Từ đó về sau, Ðức vua Bồ Tát Sivi hành theo thiện pháp, thiên hạ được an lành thịnh vượng.
Thử hỏi, do nguyên nhân nào, sắc đẹp của nàng Ummādandī lại làm cho những người đàn ông, khi nhìn thấy nàng, lại bị say mê, điên cuồng, mất trí như vậy?
Trong quá khứ, vương quốc Bārāṇasī, tiền kiếp của cô Ummādandī sanh trong một gia đình nghèo khó, vào ngày lễ hội, cô nhìn thấy những cô gái khác cùng trang lứa ăn mặc y phục bằng tấm vải choàng màu đỏ xinh đẹp, trang sức lộng lẫy; khiến cô thèm được mặc tấm vải choàng màu đỏ kia, cô xin cha mẹ mua cho cô tấm vải ấy. Cha mẹ cô an ủi cô rằng:
- Này con yêu quý! Gia đình ta nghèo khó, làm sao mua được tấm vải choàng như vậy hỡi con!
- Thưa cha mẹ! Nếu vậy, xin phép cha mẹ cho con đi làm thuê ở mướn một gia đình giàu có nào đó, qua một thời gian, người chủ nhà thấy con làm được việc sẽ cho con tấm vải ấy.
Ðược cha mẹ cho phép, cô gái đến xin làm thuê ở mướn cho một gia đình giàu có, cô thưa với người chủ rằng:
- Thưa ông bà chủ, con xin ở đây làm công, chỉ mong được một tấm vải choàng tốt màu đỏ.
Người chủ đặt điều kiện với cô rằng:
- Nếu ngươi chịu ở đây, làm việc giỏi suốt ba năm, xét thấy được, chúng ta sẽ cho ngươi tấm vải choàng mà ngươi ao ước.
Cô gái vô cùng hoan hỉ, chấp thuận điều kiện của chủ, ngày đêm siêng năng cần mẫn hoàn thành tốt mọi công việc mà người chủ giao phó. Vì vậy, cô làm công chưa đủ ba năm, người chủ quyết định cho cô tấm vải choàng cùng với các tấm vải khác, bảo cô rằng:
- Hôm nay, ngươi đi tắm rửa sạch sẽ với nhóm bạn gái rồi mặc tấm vải choàng này xem!
Cô sung sướng nhận tấm vải choàng, đã thoả lòng ao ước, cám ơn ông bà chủ rồi đi tắm với nhóm bạn gái, cô đặt tấm vải trên bờ, nghĩ rằng: xuống sông tắm xong, ta sẽ mặc tấm vải choàng này, mà ta đã làm công không nề vất vả khổ cực ngày đêm suốt thời gian qua.
Ngay khi ấy, một vị Ðại Ðức là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật Kassapa bị mất trộm y tất cả, nên Ngài mặc lá y bằng những cành cây nhỏ (sākhābhaṇgaṃ) kết lại với nhau, đi ngang qua nơi ấy. Cô nhìn thấy Ngài nghĩ rằng: vị Ðại Ðức này bị mất trộm y hết, còn ta có được một tấm vải choàng này thật khó khăn vất vả, bởi vì tiền kiếp trong quá khứ ta không làm phước thiện bố thí. Bây giờ ta sẽ làm phước thiện bố thí một nửa tấm vải choàng đến Ngài Ðại Ðức. Nghĩ xong, cô vội vã bước lên bờ, mặc y phục cũ xong bạch rằng:
- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, xin thỉnh Ngài dừng lại một giây lát.
Cô đến đảnh lễ Ngài rồi ngồi tại nơi ấy xé tấm vải thành hai mảnh, cô cung kính dâng một mảnh đến Ngài. Ngài Ðại Ðức tạm lánh vào chỗ kín thay bỏ tấm y cũ, bằng mảnh vải choàng ấy, mặc nghiêm chỉnh xong bước ra; bây giờ cô nhìn thấy Ngài Ðại Ðức mặc mảnh vải vào như hào quang sáng ngời, một thứ ánh sáng mặt trời mát dịu, làm cho cô vô cùng hoan hỉ dâng thêm mảnh vải còn lại đến Ngài Ðại Ðức rồi phát nguyện rằng:
- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, tử sanh luân hồi, kiếp nào con cũng sẽ là người con gái xinh đẹp nhất, làm cho người đàn ông nào khi nhìn thấy con, họ đều bị mê hồn, điên cuồng mất trí, không còn biết mình nữa; và không có một người đàn bà nào xinh đẹp hơn con.
Ðó là lời phát nguyện trong tiền kiếp của cô Ummādandī.
Cô gái ấy sau khi chết, do năng lực phước thiện bố thí cho quả, khi thì tái sanh làm thiên nữ cõi trời dục giới, khi thì tái sanh làm người nữ cõi người, tái sanh kiếp nào, dầu là thiên nữ hoặc người nữ đều có sắc đẹp tuyệt vời, không một ai sánh kịp.
Ðến kiếp tái sanh làm người nữ trong gia đình phú hộ Tiriṭivaccha đặt tên cô là Ummādandī, có nghĩa cô có sắc đẹp làm mê hồn. Những người đàn ông nhìn thấy cô, họ đều say mê, điên cuồng, mất trí như người điên, bởi do năng lực lời phát nguyên của cô ở tiền kiếp.
Lời phát nguyện của cô được thành tựu cho đến kiếp cuối cùng.
Thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, kiếp chót hậu thân của cô Ummādandī, do phước thiện cho quả tái sanh làm con gái của gia đình phú hộ xứ Sāvatthi, xinh đẹp như đoá hoa sen, nên đặt tên cô là Uppalavaṇṇā. Khi cô trưởng thành, thân phụ cô cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Sau khi trở thành Tỳ khưu ni tiến hành thieàn tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng Tứ tuệ phân tích, Lục thông.
Ðại Ðức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā là bậc Thánh nữ tối thượng Thanh Văn đặc biệt xuất sắc nhất về thần thông trong hàng Thánh nữ Thanh Văn.
Những nhân vật trong tích tiền thân Ummādandī-jātaka này, kiếp hiện tại cũng là kiếp chót như sau:
Cô Ummādandī nay kiếp hiện tại là Ngài Ðại Ðức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā.
Người đánh xe ngựa Sunanda nay kiếp hiện tại là Ngài Ðại Ðức Ānanda.
Quan thừa tướng Abhipāraka nay kiếp hiện tại là Ngài Ðại Ðức Sāriputta.
Ðức vua Sivi nay kiếp hiện tại chính là Ðức Phật Gotama.
--- o0o ---