Phật học cơ bản
Chánh Pháp và Hạnh Phúc
Thích Minh Châu NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO –2001
08/04/2554 05:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

10. NGƯỜI VIỆT NAM THƯƠNG MẸ KÍNH CHA
QUA CA DAO TỤC NGỮ VIỆT NAM

Mùa Vu-lan đối với người Việt Nam, nhất là người Phật tử, là một mùa báo Hiếu, một mùa mà các người con nhớ đến công ơn sanh thành của mẹ cha và muốn làm một cái gì tết đẹp để đền đáp công ơn dưỡng dục của mẹ cha.

Nhớ ơn cha mẹ và báo hiếu là những cảm giác, những suy tư, những việc làm đã in sâu đậm trong lòng người Việt Nam, đã được thể hiện linh động và triền miên, ngang qua các câu ca dao tục ngữ mà chúng ta tìm thấy tràn ngập trong các thôn quê vườn xóm.

Đâu đâu cũng đề cao công cha như núi cao, nghĩa mẹ như biển cả .

"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con
".

Hay:

"Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Đội ơn chín chữ cù lao,
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa
".

Hay là:

"Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới chân tu".
"Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân".
"Mẹ già ở tấm lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con" .

Lòng thương cha mến mẹ của người Việt Nam thường hay gắn liền với hiện tượng thiên nhiên, nên chúng ta không thấy làm lạ nhiều câu ca dao đã dùng mặt trời để nói lên lòng thương mến cha mẹ:

"Đêm khuya trăng rụng xuống cầu,
Cảm thương cha mẹ dãi dầu ruột đau
".

Hay là:

"Biển Đông còn lúc đầy vơi,
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng
".

Cũng vì thương cha mẹ, nên người con không bao giờ quên cầu khẩn Phật Trời cho cha mẹ luôn được sống gần mình:

"Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
".

"Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá,
Ngó ra ngoài biển, thấy cặp cá đang đua.
Đi về lập miếu thờ vua,
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha
".

Cha mẹ săn sóc con cho từng miếng cơm manh áo, thời những người con khi cha mẹ về già cũng phải sáng viếng tối thăm, tìm của ngon vật lạ phụng dưỡng cha mẹ:

"Muốn cho gần mẹ gần cha,
Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền
".

"Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi
".

Thỉnh thoảng, chúng ta chứng kiến cảnh những người con gái không chịu đi lấy chồng, vì không muốn xa cha mẹ:

"Ơn hoài thai, to như bể!
Công dưỡng dục, lớn tựa sông!
Em nguyện ở vậy không chồng,
Lo nuôi cha mẹ, hết lòng làm con
".

Người con gái đi lấy chồng xa cũng bị quở trách:

"Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, để lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già,
Bát cơm đôi đũa, chén trà ai dâng?
".

Mình có hiếu với mẹ cha, thời con cháu mình sẽ có hiếu với mình. Đây là luật đáp ứng thường tình và không vì vậy làm giảm bớt lòng thương mẹ kính cha của người Việt Nam:

"Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì
?
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công?
".

Hay là:

"Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận,
Ngỗ nghịch nào con có khác chi!
Xem thử trước thềm mưa xối nước,
Giọt sau, giọt trước chẳng sai gì
".

" đời ai cũng có lần,
Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành.
Người xưa khó nhọc nuôi mình,
Khác gì mình đã hết tình nuôi con
".

Người con cũng biết cha mẹ thương con không phải giống nhau, cha có lòng thương của cha, mẹ có lòng thương của người mẹ, nên người con cũng có thể phân biệt:

"Mẹ dạy thì con khéo,
Bố dạy thì con khôn
".

"Mồ côi cha, ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm
".

Trong cao dao này, chúng ta đã nhận thấy sự phân biệt của người con về cảm tình đối với cha khác, đối với mẹ khác. Nếu như cha mất thì đã có mẹ săn sóc cho con, cho ăn cơm ăn cá đầy đủ, nhưng chẳng may mẹ mất đi người con mới thật khốn khổ, phảị đi lót lá mà nằm. Và vì vậy nên chúng ta không có lạ gì, khi người con gần mẹ hơn cha, thương mẹ hơn thương cha. Chúng ta cũng đọc rất nhiều câu ca dao và bài thơ tán dương lòng mẹ thương con, lòng con nhớ mẹ :

"Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ".

"Ai rằng công mẹ như non,
Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn
".

"Lòng mẹ như bát nước đầy,
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao
".

"Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm bú mớm biết bao thân tình
".

"Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi
".

"Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn
".

"Mẹ ngoảnh đi, con dại,
Mẹ ngoảnh lại, con khôn
".

"Mẹ giàu con có, mẹ khó con không".

"Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau
" .

"Bồng cho con bú một hồi,
Mẹ đã hết sữa, con vòi con la
".

"Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con
".

Vì lòng thương mẹ dạt dào, vì nhớ đến công ơn bú mớm sinh thành, nuôi nấng, nên người con luôn luôn tưởng nhớ đến mẹ :

"Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều
".

"Giữa đêm ra đứng giữa trời,
Cầm tờ giấy bạch chờ lời mẹ răn
".

"Trải bao gian khổ không sờn,
Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền
".

Đối với công ơn trời biển của cha mẹ, các người con luôn tìm cách báo đáp ơn nghĩa nặng và làm tất cả những gì có thể làm được để đền ơn mẹ:

"Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con
".

"Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già
".

"Đói lòng ăn đọt chà là,
Nhịn cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng
".

"Đói lòng ăn trái ổi non,
Nhịn cơm cho mẹ, cho tròn nghĩa xưa
".

"Dấn mình gánh nước làm thuê,
Miễn nuôi được mẹ quản gì là thân
".

"Vô Chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ, công phu chưa đành
".

"Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Lấý gì đền nghĩa khó khăn,
Lên non xắn đá, xây lăng phụng thờ
".

"Đây bát cơm đầy nặng ước mong,
Mẹ ôi, đây ngọc với dây lòng.
Đây tình con nặng trong tha thiết,
Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong
".

Ai không làm tròn bổn phận người con đối với mẹ, thời bị nghe lời trách móc:

"Đi đâu bỏ mẹ ở nhà,
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai dâng
".

Người con hiểu được tình thương của mẹ đối với con, nhưng công lao mẹ đã trải qua để nuôi con khôn lớn nhất là những hy sinh lo lắng của mẹ chiều chuộng con, săn sóc con, chịu cực chịu khổ vì con, chẳng may người mẹ đã qua đời thì người con đau khổ xót thương là chừng nào.

Dù người con thương cha không bằng mẹ, nhưng không phải vậy mà người con quên công ơn của người cha, vì vai trò của người cha rất đặc biệt trong gia đình:

"Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi
".

"Khôn ngoan nhờ ấm ông cha,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ
".

"Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm
".

"Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha chết gót con đen sì
".

Hình ảnh người cha đã già nhưng vẫn làm lụng nuôi con, cũng để lại trong tâm trí người con một nỗi biết ơn vô hạn:

"Cha tôi tuy đã già rồi,
Nhưng còn làm lụng để nuôi cả nhà.
Sớm hôm vừa dấy tiếng gà,
Cha tôi đã dậy để ra đi làm
".

Đó là hình ảnh cảm động, khi mẹ mất rồi, người cha đóng vai gà trống nuôi con lo cho con uống sữa:

"Nghiêng bình mở hộp nút ra,
Con ơi con bú cho cha yên lòng
".

Tuy vậy, vai trò giáo dục trong gia đình, người cha đặt nặng hơn, và giáo dục thường hay nghiêm khắc hơn như vậy ảnh hưởng tốt đẹp cho người con, khi được một người cha nghiêm minh dạy bảo, có tác dụng hơn người mẹ nhiều :

"Mẹ đánh một trăm, không bằng cha ngăm một tiếng” .

Ngang các câu ca dao, các câu cách ngôn, các mẩu chuyện, chúng ta đã thấy lòng người Việt Nam đối với cha mẹ như thế nào. Lòng thương cha mến mẹ của người Việt Nam đã được truyền thống dân tộc Việt Nam hun đúc, tác thành, ăn sâu vào tâm khảm của người Việt Nam. Ngoài ra, người Phật tử Việt Nam lại được đạo Phật dạy thêm nhiều về chữ Hiếu, soi sáng thêm nghĩa vụ làm cho mẹ, nghĩa vụ làm con, và nhờ vậy chữ Hiếu lại càng ảnh hưởng sâu đậm vào người Phật tử Việt Nam, vào tâm tư hành động của người Việt Nam.

"Tâm Hiếu là tâm Phật,
Hạnh Hiếu là hạnh Phật
".

Chúng ta được biết đức Phật là một vị đã đạt được Pháp nhãn, đã chứng ngộ trí tuệ, nên cái nhìn của Ngài rất khác lạ đối với hành động con người và sự liên hệ giữa người và người. Khi thấy Singàla (thi-ca-la-việt) mỗi buổi sáng, dậy sớm đảnh lễ sáu phương (Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt), (Trường Bộ IV, 188 B), đúng theo lời dặn của người cha để lại, đức Phật thấy rõ sự vô ích của lễ nghi và Ngài đã giải thích theo hướng chuyển thành hành động đúng bổn phận của mình. Phương Đông chỉ cho cha mẹ và con cái, phương Nam chỉ cho sư đệ; phương Tây chỉ cho vợ chồng; phương Bắc chỉ cho bạn bè; phương Dưới chỉ cho kẻ phục vụ và phương Trên chỉ cho Sa-môn, Bà-la-môn. Và hành động ở đây có nghĩa là bổn phận của người con đối với cha mẹ, cha mẹ đối với con, chỉ cho phương Đông; bổn phận thầy đối với trò, trò đối với thầy, chỉ phương Nam v.v... Như vậy, người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: “Nuôi dưỡng cha mẹ (khi cha mẹ già yếu); giữ gìn gia đình với truyền thống, bảo vệ tài sản thừa tự; và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”. Cha mẹ cũng có năm trách nhiệm đối với con cái: “Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp; cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con”. Đây rõ ràng là một thông điệp trách nhiệm, một trách nhiệm hỗ tương không phải một chiều. Con có năm bổn phận đối với cha mẹ. Cha mẹ cũng có năm bổn phận đối với con cái. Khi cha mẹ và con cái làm trọn bổn phận mình, thời phương Đông được an lành hạnh phúc. Nói cho rõ hơn, vận may chỉ đến với gia đình nào, khi trong gia đình ấy cha mẹ trọn tình đối với con cái và con cái trọn đạo với mẹ cha. Trong kinh Mangalasutta (Hạnh Phúc Kinh), khi được một Thiên nhân hỏi làm sao được vận may (Mangala), với hy vọng đức Phật sẽ dạy cho một hình thức lễ nghi lễ cầu may cầu phước, đức Phật lại dạy cho ba mươi tám hành động phải làm để được may mắn và một trong những hành động ấy là phụng dưỡng mẹ cha:

"Màtàpitu upatthànan ...
Etam mangalamuttamam
"

"Phụng dưỡng cha và mẹ ...
Là vận may tối thượng
"

Hiếu không phải là những gì nói suông bằng miệng, bằng những nghi lễ cầu may cầu phước. Hiếu phải được cô đọng bằng những việc làm cụ thể và ở đây là phải hầu hạ và phụng dưỡng mẹ cha.

Trong kinh Tăng Chi tập I, trang 74, cha mẹ được ví như ngọn lửa đáng cung kính, vì chính người cha người mẹ đã đem lại sự sống cho các người con, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài Người.

"Thế nào là lửa đáng cung kính? Ở đây, này Bà-la-môn, những người mẹ những người cha của người ấy. Này Bà-la-môn, đây gọi là lửa đáng cung kính. Vì cớ sao?".

"Từ đấy, này Bà-la-môn, khiến cho mang lại, khiến cho sanh ra (Ato yam àhùto sambhùto). Do vậy, lửa đáng cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chánh lạc”.

"Và này Mahànamà, với một thiện nam tử được cha mẹ thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng không phải là sự giảm thiểu. Và này thật sự là vậy, người con hiếu dưỡng cha mẹ được hưởng rất nhiều hạnh phúc”.

Trong kinh Tương ưng tập I, trang 225, Bà-la-môn Màtaposaka đến hỏi đức Phật:

"Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp. Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy, tôi có làm đúng trách nhiệm không?”

"- Này Bà-la-môn, người như vậy là có làm đúng trách nhiệm. Này Bà-la-môn, ai tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp, lại nuôi dưỡng mẹ cha, người ấy được nhiều công đức”.

"Người nào theo thường pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha,
Chính do công hạnh này,
Đối với cha và mẹ,
Nhờ vậy bậc Hiền Thánh,
Trọn đời này tán thán,
Sau khi chết, được sanh
Hưởng an lạc chư Thiên
".

Khi Bà-la-môn Manatthaddba hỏi đức Phật nên cung kính cúng dường ai là tốt lành, đức Phật khuyên (Tương ưng tập I, trang 221):

"Với mẹ và với cha,
Với anh tuổi nhiều hơn,
Với thầy là thứ tư
Không nên sanh kiêu mạn,
Nên kính trọng vị ấy
,
Nên tôn kính vị ấy,
Cúng duớng chúng tốt lành
".

Phụng dưỡng cha mẹ đúng pháp, được hưởng quả tốt lành như kệ số 404 sau đây trong kinh Suttanipàta (Kinh Tập) đã nêu rõ:

"Dhammena màtàpitaro Bhareyya,
Payojage dhammikam so vàmjìam
Etam gihì vattayam appamatto
Sayam pabhe nàma upetit dive
".

"Thờ mẹ cha đúng pháp,
Buôn bán đúng, thật thà,
Gia chủ không phóng dật,
Được sanh Tự Quang thiên
".

Bước thêm một bước nữa, đức Phật trong kinh Tăng Chi tập I, trang 147, dùng một hình ảnh táo bạo hơn, nhưng rất linh động và chính xác để tán dương các gia đình có những người con có hiếu. Những gia đình ấy được xem ngang bằng với Phạm thiên, ngang bằng với các bậc Đạo sư thời xưa, gia đình ấy đáng được cúng dường, tôn trọng. Nói một cách rõ rệt hơn, là gia đình nào có con cháu biết hiếu dưỡng cha mẹ, những gia dình ấy là những gia đình đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được chắp tay, ngang bằng với Phạm thiên, là những vị Thiên cao nhất ở Dục giới và Sắc giới, ngang bằng với các bậc Đạo sư thời xưa, là những vị đáng được tôn trọng nhất từ xưa đến nay.

"Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ (Pùjittà) mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường (Sàhuneyykàni)".

"Phạm thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư ngày xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo, là mẹ cha đối vớì con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu cho chúng vào đời”.

"Cha mẹ là Phạm thiên,
Bậc Đạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
Vì thương đến con cháu.

Do vậy bậc Hiền trí,
Đảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn và uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp (cả thân mình),
Tắm rửa cả chân tay,

Với sở hành như vậy,
Đối với mẹ và cha,
Đời này người hiền khen,
Đời sau hưởng Thiên lạc". (T
ăng Chi II A, trang 94)

Trong mùa Vu-lan báo hiếu chúng ta đã được nghe những câu ca dao tục ngữ nói lên công lao trời biển của mẹ cha và tấm lòng hiếu thảo thương mẹ kính cha của người Phật tử Việt Nam; chúng ta cũng được nghe những lời Phật dạy về trách nhiệm báo hiếu đối với các người con Phật. Như vậy có thể nói Phật tử Việt Nam luôn được các câu ca dao tục ngữ ăn sâu vào tâm trí của người dân Việt từ nhiều thế hệ nối tiếp. Do chịu ảnh hưởng của các truyền thống một cách tự nhiên và tất nhiên ấy, nên người Phật tử Việt Nam không những tham dự các buổi lễ Báo Hiếu đông đủ và tích cực mà còn áp dụng hạnh hiếu thảo của mình đối với cha mẹ hiện tiền cũng như quá khứ trong bảy đời một cách trọn vẹn nữa.

(Bài giảng Đại lễ Vu-Lan PL. 2539 1995 tại Thiền Viện Vạn Hạnh)

 

Xem phần tiếp theo

--- o0o ---