Phật học cơ bản
Chánh Pháp và Hạnh Phúc
Thích Minh Châu NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO –2001
08/04/2554 05:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

15. MỘT NỀN GIÁO DỤC TOÀN DIỆN

Năm 1967, tôi viếng thăm Đại học Yale và được một giáo sư Mỹ đang nghiên cứu Tây Tạng học đón tiếp tôi với bộ mặt thật hớn. hở, sung sướng, và một câu đón chào mà tôi không bao giờ quên: "Tôi sung sướng đón chào Thầy, vì tôi chắc rằng Thầy đến đây không phải để cải hóa tôi theo Đạo của Thầy”. Tôi chỉ mĩm cười, không đáp lại nhưng chính khi ấy, tôi cảm giác được “tất cả sự sung sướng” của tôi khi “được một bậc Thầy như đức Phật”. Cái cảm giác sảng khoái, “nhẹ nhõm", hay dùng cho đúng danh từ Phật học hơn là Passaddhi (khinh an) ấy của ông bạn giáo sư Mỹ, khi cảm thấy mình không bị đe dọa, bị giáo hoá, cũng là cảm giác chung cho tất cả những ai được đối thoại với đức Phật khi Ngài còn sống hay khi trực tiếp hoặc gián tiếp được tiếp nhận giáo lý của Ngài. Được gặp đức Phật, đối thoại với Ngài, được đọc những lời Ngài dạy hay chiêm ngưỡng hình bóng giải thoát của Ngài, chúng ta đều linh cảm khả năng giáo hóa thần diệu của Ngài. Điểm đặc biệt là chúng ta không bị đóng vai trò thụ động, chúng ta không cảm thấy bị giáo hóa, bị chinh phục, vì đức Như Lai chỉ là ngườì chỉ đường (Tathàgato ak-khataro), chúng ta là người đi trên con đường ấy. Đức Như Lai chỉ là vị giới thiệu phương pháp suy tư chín chắn (yo-niso mana-sikaro), chính chúng ta là người suy tư và quyết định.

Câu chuyện sau đây chứng tỏ không bao giờ đức Phật gợi cho chúng ta những tình cảm dao động làm chi phối sự suy tư chín chắn của chúng ta. Ngài khuyên chúng ta hãy bình tĩnh sáng suốt, như thật (yathàbhùtam) xác nhận sự việc rồi có những thái độ thích nghi.

Khi được các vị Tỳ-kheo hỏi, vì sao ngoại đạo Suppiyo lại dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, pháp, Tăng, còn Thanh niên Brahmadatta trái lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp và Tăng, đức Phật trả lời nhẹ nhàng nhưng thật sự vô tư và sáng suốt, Ngài kính trọng "con người" trong các vị Tỷ kheo, khuyên các vị này nhận xét bình tĩnh, vô tư, dựa trên những sự kiện xác đáng để bỏ bác hay tán thành:

"Này các Tỳ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các Thầy chớ có vì vậy sanh lòng căm phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các Thầy công phẫn và phiền muộn, thời các Thầy có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng?"

"– Bạch Thế Tôn, không thể được!”

" Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng các Thầy phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: "Như thế này, những điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi ".

"Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các Thầy không nên hoan hỷ, tâm không nên thích thú. Này các Tỳ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, nếu các Thầy hoan hỷ, thích thú, thời sẽ có hại cho các Thầy. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng thời các Thầy hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: “Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này điểm này chính xác việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi" (Trường Bộ Kinh, Đại Tạng, trang 13).

Khi sắp nhập Niết-bàn, một lần nữa đức Phật dặn dò các vị Tỳ -kheo cần phải thận trọng, chớ có vội tin những lời, dầu được xem là tự đức Phật nói hay từ các vị Thượng tọa đa văn đa trí nói:

"Này các Tỳ-kheo, có thể có vị Tỳ-kheo nói: "Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của bậc Đạo Sư”. Này các Tỳ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của vị Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật. Nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với luật thì các thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và vị Tỷ-kheo đã thọ giáo sai lầm".Và này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật, và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với luật, thời các thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn. Và vị Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chân chánh".

Chúng ta phải thận trọng, không hủy báng, không tán thán, học hỏi từng chữ, từng câu, rồi đem đối chiếu với kinh, đối chiếu với luật; có phù hợp mới chấp nhận, không phù hợp thời không chấp nhận. Thái độ suy tư chín chắn, phối hợp thích nghi, thật là một phương pháp hữu hiệu và thực tiễn, khi phải đối trị với những phức tạp tuyên truyền xuyên tạc.

Dân chúng Kalama phân vân đến hỏi đức Phật:

"Bạch Thế Tôn, có nhiều ẩn sĩ và Bà-la-môn đến viếng Kesaputta. Họ chỉ giảng giải và sáng tỏ những lý thuyết của riêng họ, khinh miệt, lên án và phỉ báng những lý thuyết của những người khác. Nhưng bạch Thế Tôn, về phần chúng con, chúng con luôn luôn hoài nghi và hoang mang không biết vị nào trong số những nhà ẩn sĩ và Bà-la-môn khả kính ấy đã nói sự thật và vị nào nói sai quấy"

Đức Phật trả lời, với thái độ suy tư, trầm lặng trong sáng như hồ nước trong của nhng tâm hồn sáng suốt:

"Phải đấy, hỡi những người Kalama, các người hoài nghi, hoang mang là phải; các người nghi ngờ những điều đáng nghi ngờ. Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình. Này các người Kalama, khi nào các người biết rằng: "Những việc này là xấu, những việc này là bất thiện, những việc này bị người có trí chỉ trích, những việc này nếu tuân theo và thực hiện sẽ mang lại tai hại và xấu xa", thì các người hãy từ bỏ chúng... Này các người Kalama, khi nào các người biết rằng: "Những việc này là tốt, những việc này là thiện, những việc này được người có trí tán thán, những việc này nếu tuân theo và thực hành sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp”, thì các người hãy chấp nhận chúng"(Tăng Chi I, Đại Tạng, Kinh Các vị ở Kesaputta, trang 336).

Chúng ta thấy rõ, đức Phật bao giờ cũng kính trọng sự suy tư, nhận xét và quyết định của chúng ta, Ngài không muốn chúng ta nhắm mắt tuân theo Ngài, vâng theo sự phán xét của Ngài. Ngài không muốn chúng ta đóng vai trò thụ động, nhắm mắt tin theo truyền thống, tin đồn hoặc dựa vào uy tín cá nhân hay của Thầy mình để khỏi phải suy tư, quyết đoán. Ngài đòi hỏi ở những Phật tử một sự suy tư chín chắn, một ý thức kinh nghiệm bản thân, rồi mới đánh giá sự việc là thiện hay ác, tiếp đến mới có thái độ tuân theo hay từ bỏ. Chúng ta sung sướng vì đức Phật trọng chúng ta, vì đức Phật tin ở khả năng suy tư chín chắn của chúng ta, vì chính thái độ rất “người” trong chúng ta có những tiềm năng nhận xét khá chính xác, khỏi đóng vai trò thụ động, nô lệ cho ai cả.

Khi nói đến giáo dục, chúng ta thường liên tưởng đến đào tạo kiến thức, huấn luyện khả năng chuyên môn cho học viên. Nếu có đề cập đến tác phong đạo đức, thời xem vấn đề này như một vấn đề luân lý đạo hạnh, ấn định bởi truyền thống hay tập tục xã hội. Quan niệm này không đi ra ngoài mục đích và đường hướng giáo dục đương thời, nhưng đã bỏ rơi hay không đánh giá đúng mức quan trọng hai khía cạnh “thái độ” và "phương pháp" của giáo dục mà theo chúng tôi nghĩ phải đóng một vai trò quan trọng để xây dựng một nền giáo dục gọi là toàn diện hay trọn vẹn.

Vấn đề sở dĩ đặt ra ở đây là vì con người của chúng ta khi đối mặt với các sự vật bên ngoài hay những khái niệm bên trong đều có những phản ứng, những thái độ, những cử chỉ của thân thể, của miệng nói hay của ý thức, những danh từ mà đạo Phật gọi bằng danh từ chuyên môn là Kàyakamma (thân nghiệp), Vacikamma (khẩu nghiệp) và Manokamma (ý nghiệp). Một người thích uống rượu bia, cảm thấy sung sướng khi có chai rượu trước mặt mình và có cử chỉ đem chai rượu về cho mình để uống. Trái lại một người ghét rượu thời cảm thất khó chịu khi có chai rượu trước mặt và muốn xua đuổi chai rượu như xua đuổi ruồi, muỗi. Còn nếu không ghét cũng không thích rượu, thời đối với rượu có cử chỉ thản nhiên, tự tại.

Tóm lại, con người của chúng ta đứng trước các đối tượng bao giờ cũng có một trong ba phản ứng: Một là ưa thích, đem về cho mình đối tượng mình ưa thích; hai là ghét bỏ, đẩy xa mình đối tượng ấy; thứ ba là thản nhiên, không ưa thích cũng không ghét bỏ. Đạo Phật gọi cử chỉ đem về cho mình là tham (lobha), cử chỉ đẩy xa mình ra là sân (dosa), và cử chỉ thản nhiên là xả (upekkhà). Định nghĩa này không bao hàm một ý nghĩa luân lý, đạo đức gì mà chỉ là một phản ứng của con người trước những đối tượng sai khác. Đức Phật với cái nhìn tâm lý của Ngài, thấy con người luôn luôn bị chi phối, bị ảnh hưởng bởi sự vật bên ngoài, không tự tại, không tự chủ. Và phương pháp giáo dục ở nơi đây là nhằm huấn luyện con người được tự chủ, tự tại đối với các đối tượng. Nói một cách khác, con người phải được giáo dục như thế nào để con người trở thành một người chủ đối với đối tượng, chứ không phải là một người nô lệ của đối tượng.

Đức Phật đi xa hơn, Ngàỉ tìm nguyên nhân của tham và của sân. Ngài tìm hiểu tại sao con người lại có hai phản ứng trái ngược đối với đối tượng, và Ngài tìm thấy rằng sở dĩ có tham vì hiểu lầm có một tự ngã, nên đem về cho mình cái gì tự ngã ưa thích; sở dĩ có sân, vì hiểu lầm có một tự ngã, nên hất xa mình ra cái gì tự ngã ghét bỏ. Sự hiểu lầm ở nơi đây, đạo Phật gọi là si hay moha.Chúng ta có tham vì có si, chúng ta có sân vì có si, tham luôn luôn đi đôi với si và sân luôn luôn đi đôi với si chớ tham không khởi lên một lần với sân. Và giáo dục ở nơi đây nhằm trừ diệt si hay thay đổi một quan điểm sai lầm bằng một quan điểm đúng đắn, thay hiểu lầm (vô minh) bằng trí tuệ. Nói một cách khác, giáo dục theo đạo Phật chú trọng lấy trí tuệ (Duy tuệ thị nghiệp) diệt trừ si mê, si mê trừ, thời tham và sân cũng được diệt trừ luôn. Chỉ cần có một kiến thức, một quan điểm, một cái nhìn đúng đắn (giác ngộ), thời mọi hành vi thiện ác, tham sân đều được diệt trừ (giải thoát). Vấn đề giáo dục không còn là vấn đề đạo đức, luân lý nữa, mà là vấn đề kiến thức, vấn đề tri kiến, vấn đề trí tuệ, vấn đề thái độ, vấn đề phản ứng.

Lời khuyên sau đây của vua A-dục, trong Bia ký số XII có thể khiến nhiều người không bằng lòng: "Người ta không nên chỉ kính trọng tôn giáo của riêng mình và bài bác những tôn giáo của kẻ khác, mà phải kính trọng tôn giáo kẻ khác vì lý do này hay lý do khác. Như thế ta có thể làm cho tôn giáo mình phát triển và giúp đỡ các tôn giáo nữa. Nếu không, tức là ta đã đào huyệt cho chính tôn giáo của mình và còn làm hại các tôn giáo khác. Kẻ nào chỉ kính trọng tín ngưỡng của mình và bài xích những tín ngưỡng khác, thực ra họ đã làm thế vì sùng tín ngưỡng của riêng mình, nghĩ rằng: "Tôi sẽ làm rạng danh tôn giáo của tôi". Nhưng trái lại, khi làm thế họ đã tổn thương tôn giáo mình một cách trầm trọng hơn nữa. Bởi thế sự hòa hài là tốt đẹp: Mọi người nên lắng nghe và có thiện chí lắng nghe những lý thuyết mà người khác đề xướng”. (Con Đường Thóat Khổ W. Rahula – Thích Nữ Trí Hải dịch, trang 20).

Chúng ta hiểu rằng: Là Phật tử, không phải nghĩa là theo một tôn giáo tên Phật giáo mới được gọi Phật tử, mà chính cần có cử chỉ tôn trọng các tôn giáo khác, các tư tưởng khác mới là Phật tử. Cử chỉ trầm lặng bình thản trước sự vô thường của đức Thế Tôn cùng cử chỉ tôn trọng các tôn giáo khác, các tư tưởng khác với mình là hai thái độ, hai cử chỉ, biểu hiện chất liệu giải thoát và khoan dung của đạo Phật. Giáo hóa, giáo dục ở nơi đây chính giúp chúng ta có một thái độ, có một cử chỉ thích nghi, hợp lẽ khi chúng ta phải đối diện với những tình trạng đa diện của xã hội ngày nay.

Có người sẽ bảo, giáo dục như vậy khiến con người trở thành cây đá, không tình cảm, không ham muốn, thời đời còn gì là thú vị nữa. Thật sự vấn đề ở đây không phải đời thú vị hay không thú vị. Vấn đề chính là nơi phản ứng con người trước muôn vàn đối tượng, và con người cư xử, hành động, phản ứng như một người chủ hay như người nô lệ, chỉ có thế thôi.

Đạo Phật còn đi xa hơn, đức Phật xem con người là tổng hợp của hai năng lực mà danh từ chuyên môn gọi là Sắc mạng căn (Rùpajìvitind riya) và Danh mạng căn (Nàmajìvitindriya). Những động lực làm con người sống, con người lớn và già, những sức mạnh khiến máu chạy, tim đập, mạch nhảy, phổi thở, những năng lực khiến tóc dài, xương cứng dần và dài thêm, những sức mạnh khiến tay chân cử động, khiến con người có cử chỉ này, có lời nói nọ... ; đạo Phật gọi là Sắc mạng căn. Những sức mạnh khiến con người cảm thấy vui buồn, sung sướng hay đau khổ, tham muốn vật này, chán ghét vật khác, khi suy tư như thế này, khi lo nghĩ như thế kia, tất cả động lực làm thế giới tình cảm, thế giới trí thức, thế giới tâm linh họat động, tất cả động lực sức mạnh ấy gọi là Danh mạng căn. Và con người là sự tổng hợp của hai sức mạnh, khả năng, năng lực ấy. Hai năng lực này liên quan mật thiết với nhau, tương quan và tương trợ lẫn nhau. Những món ăn của chúng ta không những ảnh hưởng đến thể chất chúng ta mà còn ảnh hưởng đến thế giới tình cảm, thế giới trí thức của chúng ta. Trái lại, những điều chúng ta lo nghĩ, những tư tưởng chúng ta suy tư, những sách vở chúng ta đọc, lòng tham, lòng sân của ta đều có những phản ứng tương xứng đến thân thể của chúng ta. Vì con người của chúng ta là sự tổng hợp của hai năng lực như vậy, nên trong con người của chúng ta phát ra những quang tuyến, những sức mạnh vô hình ảnh hưởng đến cảnh vật xung quanh. Có người mới gặp lần đầu đã trìu mến cảm phục chúng ta. Có người mới thấy, đã thù ghét chúng ta ngay, không cần phải suy nghĩ đắn đo. Lời nói của chúng ta, bộ điệu của chúng ta, dáng mặt của chúng ta, tư tưởng của chúng ta đều phát tiết những sức mạnh, những ảnh hưởng chi phối người và vật mà ta tiếp xúc; đạo Phật dùng một danh từ mahesakkà, người có thế lực và appesakkà, người ít thế lực (Đức Phật và Phật pháp trang 306); để chỉ cho khả năng chi phối của con người. Như vậy chúng ta thấy sự tu hành hay nói cho đúng hơn là sự giáo dục ở nơi đây là làm thế nào để huấn luyện cho mỗi cá nhân hàm chứa và phát triển những khả năng, nhưng sức mạnh chi phối tốt đẹp đối với người hay cảnh vật mà mình tiếp xúc. Ở nơi đây, vấn đề kiến thức không còn được đặt ra mà chính vấn đề khả năng, vấn đề vận dụng sức mạnh tâm linh, sức mạnh đạo đức được đặc biệt chú trọng. Nhưng để tránh những hiểu lầm, chúng ta cần xác định những sức mạnh này không có hàm nghĩa luân lý, dù rằng chúng có thể có những tác dụng gọi là đạo đức.

Như vậy con người biến thành một trung tâm có những năng lực hấp dẫn và xua đẩy đối với sự vật và sự vật cũng có khả năng hấp dẫn và xua đẩy con người, mà danh từ chuyên môn của đạo Phật gọi là tham (lobha), và sân (dosa), dù rằng đó không có một tác dụng luân lý. Chúng ta để hai kim địa bàn gần nhau, đầu kim chỉ Bắc của địa bàn này tìm đến và dính liền với đầu kim chỉ Nam của địa bàn kia, trái lại xua đẩy đầu kim chỉ Bắc. Sự hấp dẫn và xua đuổi này chỉ là một định lý thuận ứng và nghịch ứng, không có tính cách luân lý. Với định lý này, chúng ta thử tìm hiểu những hiện tượng đã xảy ra mà chúng ta thường cho là định mệnh hay may rủi do một sự thường phạt của một đấng thiên liêng nào.

Chúng ta thấy có người chỉ chậm bước có một phút mà thoát chết nạn phi cơ, hay nhờ thình lình cúi xuống mà tránh được viên đạn bắn phải. Nhiều khi chết sống, trở thành vấn đề đường tơ kẻ tóc. Viên đạn mà chúng gọi là vô tình hình như lựa chọn người này tránh né người kia. Quả bom mà chúng ta gọi là vô tình, hình như lựa chọn chỗ mà rơi, tìm chỗ mà trúng. Chúng tôi nói hình như, thực sự không có gì là hình như cả mà chỉ bị sự chi phối của định lý thuận ứng và nghịch ứng, định lý hấp dẫn và phản hấp dẫn. Và hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy vấn đề giáo hóa hay giáo dục ở nơi đây hoàn toàn hướng về đào tạo cho cá nhân những sức mạnh Sắc mạng căn và Danh mạng căn như thế nào, để con người trở thành một chủ lực tác động chi phối hơn là một tha lực thụ động, bị chi phối.

Hào quang của đức Phật chỉ là sự tinh tụ lại những phản xạ giác ngộ và thanh tịnh của Sắc mạng căn và Danh mạng căn của Ngài, không có gì gọi là bí mật hay luân lý cả. Trở lui về thế giới con người và bước vào địa hạt thực tế hơn, chúng ta thấy rõ con người hiện tại bị dao động mãnh liệt trước sự chi phối của chính trị, kinh tế, xã hội trước sự hấp dẫn của vật dục. Con người hiện tại sống dao động, hoang mang, lo âu, sợ hãi, nghi ngờ, bối rối, thiếu hẳn sự bình tĩnh của những con người không bị dao động, mất hẳn thái độ tự tại của những tâm hồn tự chủ, vắng bóng hẳn nét thản nhiên của những tư thái quân bình. Cho nên một nền giáo dục gọi là toàn diện, ngoài sự đào tạo cho tuổi trẻ những kiến thức tổng quát, những khả năng chuyên môn, còn phải luyện cho tuổi trẻ một tâm hồn quân bình, một thái độ tự tại và một tư thái thanh thản.

Lời đức Phật dạy thật là giản dị, vì chỉ có người sáng suốt mới thốt ra những lời giản dị. Nhưng những lời giản dị ấy lại được ví như tiếng rống con sư tử, làm tà ma ngoại đao khiếp đảm, làm hung thần ác quỷ run sợ. Như vậy lời dạy của Ngài hàm chứa cả một sức mạnh phi thường, một khả năng chi phối mãnh liệt. Chúng ta hãy tìm hiểu hiệu năng của lời Phật dạy đối với vấn đề lãnh đạo, nguyên tắc lãnh đạo, nhất là vấn đề lãnh đạo Giáo hội. Vì đây là một vấn đề hết sức quan trọng đã chi phối bao nhiêu hoạt động của tu sĩ cũng như cư sĩ và làm một số người phải thắc mắc phân vân.

Thấy đức Phật già yếu, Đề-bà-đạt-đa từ lâu muốn chiếm ngôi vị Giáo chủ, đến thưa với đức Phật: “Bạch Thế Tôn, hãy yên tâm tu Thiền nhập định và giao trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội Tăng già cho tôi, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm". Lời đức Phật trả lời thật dứt khoát rõ ràng. "Ta còn không giao trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, huống nữa là cho Thầy, vừa vô trí, mà nhỏ nhen tâm địa. (Vinaya, II trang 188)”. Chúng ta dễ hiểu vì sao đức Phật không giao cho Đề Bà Đạt Đa đứng ra lãnh đạo Giáo hội. Nhưng điều làm chúng ta phân vân thắc mắc là vì sao đức Phật từ chối cả với hai Ngài Xá Lợi Phất, trí tuệ đệ nhất và ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất. Đoạn kinh sau này, trích trong kinh Mahà-Parinibbàna (Những Ngày và Những Lời Dạy Cuối Cùng của Đức Phật trang 47, 48), giúp trả lời sự phân vân của chúng ta. Ngài A Nan lo sợ đức Phật nhập diệt mà không có lời trối trăn cho Giáo hội, đức Phật trả lời: “Này Ananda, chúng Tỳ kheo còn mong mỏi gì nữa ở nơi Ta? Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài, vì này Ananda, đối với các pháp, đức Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (mitthi-àcarya). Này Ananda, những ai nghĩ rằng: "Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo hay chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta”, thời này Ananda, Như Lai không có nghĩ rằng: "Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo, hay chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta”, thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỳ kheo?" (trang 100).

Trong đoạn kinh này, đức Phật đã khiêm tốn từ chối vai trò lãnh đạo của mình, và không chịu xem chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của mình. Chúng ta chắc chắn đức Phật không bao giờ có những cử chỉ khiêm tốn hão, những lời nói đưa đẩy, những lời nói để mà nói. Ngài từ chối sự lãnh đạo, vì vai trò của Ngài chỉ là một vị chỉ đường: “Tumhchi Kiccam àtappam".

"Tathàgoto akkhàtaro" Dhammapada, số 276, "Các người hãy nỗ lực cố gắng, đức Như Lai chỉ là vị chỉ đường”.

Lời khuyên tiếp của đức Phật cho ngài Ananda nêu rõ đường hướng giáo hóa Tăng, Ni của đức Phật, nếu chúng ta muốn xem đức Phật là một nhà giáo hóa:

"Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình; hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác".

"Này Ananda, những ai, sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác; những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ kheo của Ta" (trang l01). Và để làm an lòng ngài Ananda, và một lần nữa, cá nhân của mình để đạo pháp lên trên, đức Phật nhắc nhủ các đệ tử của Ngài những lời dạy, an ủi cuối cùng: "Này Ananda, nếu trong các người, có người nghĩ rằng: "Lời nói của bậc Đạo sư không còn nữa. Chúng ta không có bậc Đạo sư. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy". Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các người”.

Như vậy, đức Phật có hai thái độ giáo dục hay giáo hóa rất rõ rệt. Đối với các đệ tử, Ngài không đóng vai trò lãnh đạo, mà chỉ đóng vai trò người chỉ đường. Các đệ tử phải tự mình nỗ lực, phải nương tựa nơi chính mình. Cá nhân lãnh đạo tuy không phải không quan trọng, nhưng cá nhân lãnh đạo phải nhường bước cho nguyên tắc lãnh đạo, đường hướng lãnh đạo, và đối với Giáo hội, đường hướng nguyên tắc lãnh đạo là Chánh pháp.

Hai quan niệm lãnh đạo này hết sức giản dị nhưng hàm chứa những sức mạnh phi thường, vô cùng mãnh liệt vì làm đảo lộn những quan niệm lãnh đạo đương thời và mở đường cho những đường hướng tư tưởng thật là triệt để. Lãnh đạo, giáo hóa hay giáo dục ở nơi đây, không phải từ trên áp đặt xuống, không phải từ ngoài vào, mà phải là từ bên trong phát ra, trách nhiệm nhà lãnh đạo, nhà giáo dục là khơi dậy, kích thích làm cho sống động và phát triển những tiềm năng sẵn có trong lòng mỗi người, và hướng dẫn, hướng thượng những tiềm năng ấy phát triển và nảy nở hướng đến những mục tiêu tốt đẹp hơn.

(Bài thuyết giảng cho sinh viên Trường Cao cấp Phật học Việt Nam khóa III 1993 - 1996).

Xem phần tiếp theo

 

--- o0o ---