Phật học cơ bản
Đức Phật và Phật pháp
HT. Narada Phạm Kim Khánh dịch
05/03/2553 11:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Đức Phật và Phật pháp
Mục lục
Xem toàn bộ

Đức Phật và Phật pháp
HT. Narada
Phạm Kim Khánh dịch


[23]
Đức Phật và vấn đề Thần Linh Tạo Hóa

"Ta liệt Brahma vào hạng bất công đã tạo nên một thế gian hư hỏng." Túc Sanh Truyện.


Phạn ngữ (Pali) tương đương với danh từ "Tạo Hóa" trong các tôn giáo khác là Issara (Sanskrit, Bắc Phạn, là Isvara), hay Brahma.

Trong toàn bộ Tam Tạng, tuyệt đối không có đoạn nào đề cập đến sự hiện hữu của một Tạo Hóa. Nhiều lần Đức Phật phủ nhận một linh hồn trường cửu (atta). Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận có một đấng Tạo Hóa, bất luận dưới một hình thức, một năng lực hay một chúng sanh.

Mặc dầu Đức Phật không hề đặt một Thần Linh siêu nhân nào lên trên con người, có vài học giả cũng quả quyết rằng Ngài đặc biệt không đề cập đến vấn đề tranh luận quan trọng ấy. Những đoạn kinh trích ra sau đâysẽ rọi sáng quan điểm của Đức Phật về Thần Linh Tạo Hóa.

Trong bộ Anguttara Nikaya (Tăng Nhứt A Hàm), Đức Phật có nêu ba quan điểm khác nhau đang thịnh hành trong thời bấy giờ. Một trong ba quan điểm ấy là "tất cả những thọ cảm của con người, dầu hạnh phúc, đau khổ hay vô ký, đều do một đấng Tối Cao tạo nên (Issaranim- manahetu). [1]"

Theo quan điểm trên, chúng ta như thế nào là do đấng Tạo Hóa muốn cho ta như thế ấy. Số phận của ta hoàn toàn mằm trong tay Tạo Hóa. Tất cả đều do Tạo Hóa định đoạt. Đức tánh giả định gọi là "ý trí tự do" mà người ta gán cho con người, tạo vật của đấng Tạo Hóa, tức nhiên trở thành vô nghĩa.

Đề cập đến vấn đề định mệnh, Đức Phật dạy:

"Như vậy, chính do ý muốn và sự tác tạo của đấng Tối Cao mà con người trở thành sát nhân, trộm cắp, tà dâm, giả dối, phỉ báng, thô lỗ, nhảm nhí, thèm thuồng, khát khao, hiểm độc, tinh quái, và hiểu biết sai lầm. Do đó, nếu chủ trương rằng có một Thần Linh là nguồn gốc của tất cả những điều ấy, thì con người sẽ không còn ý muốn, hoặc cố gắng, cũng không thấy có sự cần thiết để làm, hoặc tránh không làm hành động ấy. [2]"

Trong kinh Devadaha sutta [3], khi giảng về lối tu khổ hạnh của các đạo sĩ lõa thể, Đức Phật lưu ý các đệ tử như sau:

"Nầy hỡi càc Tỳ khưu, nếu quả thật chúng sanh gánh chịu đau khổ hay thọ hưởng hạnh phúc vì đó là ý muốn của Thần Linh Tạo Hóa (Issaranim manahetu) thì vị Thần Linh đã tạo nên những vị tu sĩ khổ hạnh lõa thể kia chắc chắn là một nhân vật độc ác, vì các người ấy chịu đau khổ khủng khiếp."

Kinh Kevaddha sutta có tường thuật cuộc đối thoại giữa một vị tỳ khưu tọc mạch muốn tìm hiểu và một vị Brahma (Phạm Thiên) tự xưng là đấng Tạo Hóa.

Thầy tỳ khưu muốn biết đến đâu Tứ Đại (đất, nước, lửa, gió) phải tiêu diệt, lại gần vị Maha Brahma (Đại Phạm Thiên) và hỏi: "Xin Ngài hoan hỷ giảng giải đến đâu bốn nguyên tố 'đất, lửa, nước, gió', chấm dứt, không để lại dấu vết?"

"Nầy đạo hữu, vị Maha Brahma (Đại Phạm Thiên) trả lời, ta là đấng Brahma (Phạm Thiên), đấng Maha Brahma, đấng Tối Thượng, đấng Vô Song, là Chúa Tể, bậc Toàn Thắng, là Người Toàn Quyền Cai Trị, là Cha của những chúng sanh đã, đang, và sẽ ra đời."

Vị tỳ khưu lặp lại lời cầu khẩn và được trả lời y như trước.

Khi thầy hỏi lần thứ ba, Đức Brahma nắm tay thầy dắt ra ngoài và thú thật như sau:

"Nầy hởi đạo hữu, các vị trong đám hầu cận ta tin tưởng rằng Đức Brahma (Phạm Thiên) thấy, hiểu biết và thấu triệt mọi việc. Vì lẽ ấy, trước mặt họ ta không thể trả lời với đạo hữu rằng ta không biết đến bốn yếu tố 'đất, nước, lửa, gió' phải chấm dứt, không để lại dấu vết. Đạo hữu bỏ Đức Thế Tôn để đi tìm hiểu những vấn đề tương tợ ở nơi khác thì rõ thật lỗi lầm và trái đạo. Hởi đạo hữu, đạo hữu hãy trở về, đến hầu Đức Phật, và xin Ngài giải thích. Ngài giảng thế nào thầy hãy tin theo lời."

Trong kinh Patika Sutta [4], Đức Phật nhắc lại nguồn gốc của Maha Brahma, người được gọi là đấng Tạo Hóa và dạy rằng:

"Về điểm nầy, hỡi các đệ tử, vì được sanh ra đầu tiên (trong châu kỳ mới của thế gian nầy) nên nghĩ rằng: -- 'Ta là đấng Phạm Thiên, đấng Đại Phạm Thiên, là bậc Toàn Thắng, Toàn Tri, Toàn Quyền Định Đoạt, là Giáo Chủ , là Tạo Hóa, là Chúa Tể, là Người Chỉ Định, là Chủ Nhân Của Chính Ta, Cha của những chúng sanh đã, đang, và sẽ ra đời. Chính ta đã tạo tất cả chúng sanh ấy. Tại sao vậy? Một khoảnh khắc trước đây ta nghĩ, 'Phải chi có những chúng sanh khác được ra đời!' Đó là lời chú nguyện trong tâm ta. Và tức khắc, có những chúng sanh chào đời.'

"Và những người mới được sanh ra sau nầy nghĩ: -- 'Vị -ng cúng kia chắc là đấng Phạm Thiên, đấng Đại Phạm Thiên, bậc Toàn Thắng, Toàn Tri, người Cầm Quyền Định Đoạt, là Giáo Chủ, là người Sáng Tạo, là Tạo Hóa, là Chúa Tể, là Chủ Nhân của Chính Ngài, là Cha của những chúng sanh đã, đang, và sẽ được ra đời'.

"Về điểm nầy, hỡi các đệ tử, chính vị được sanh ra đầu tiên ấy có nhiều tuổi thọ hơn, đẹp đẽ hơn, có nhiều quyền lực hơn. Còn những vị sanh ra sau thì tuổi thọ ngắn hơn, kém đẹp đẽ và ít quyền lực hơn. Và rất có thể như thế nầy, hởi các đệ tử, một vài vị, đã ở trong cùng trạng thái với vị trước, đã chết, và từ cảnh giới ấy, tái sanh vào trạng thái nầy (làm người trên quả địa cầu). Đến như vậy, người ấy có thể từ bỏ đời sống gia đình để xuất gia làm tu sĩ không nhà cửa. Bỏ nhà ra đi, người nầy cố gắng, kiên trì tu tập, tăng trưởng đạo tâm, càng tinh tấn, càng bền trí trau giồi trí tuệ, và một ngày kia thành đạt tâm phỉ lạc, an trụ và nhờ đó có thể nhớ lại tiền kiếp và chỉ nhớ đến mức đó thôi, không xa hơn nữa. Vì trí nhớ giới hạn như thế người kia nghĩ: -- 'Vị Phạm Thiên , bậc -ng Cúng kia, bậc Toàn Thắng, Toàn Tri, người Cầm Quyền Định Đoạt, Giáo Chủ, Người Sáng Tạo, Tạo Hóa, Chúa Tể, người Cầm Quyền Chỉ Định, Bậc Chủ Nhân Của Chính Mình, Cha của những chúng sanh đã, đang, và sẽ ra đời, người đã tạo nên ta. Vị nầy quả thật là trường tồn, vĩnh cửu, vững bền, không biến đổi, Ngài sẽ tồn tại như thế ấy mãi mãi. Nhưng chúng ta đã được vị ấy tạo nên, chúng ta do đấy mà ra, vậy chúng ta là vô thường, phải biến đổi, không bền vững bền, tuổi thọ ngắn, phải chết.'

"Đó là khởi điểm, bước đầu của tất cả. Đúng vậy, đó là giáo lý cổ truyền. Và câu truyện ấy được tạo dựng do Brahma, vị Phạm Thiên."

Trong Túc Sanh Truyện Bhuridatta Jakata, số 543, Bồ Tát hỏi vị tạo hóa giả định, người mà thời bấy giờ được tin là cầm cán cân công lý của vũ trụ, như sau:

"Người có mắt ắt thấy cảnh đau thương của đời sống.
Tại sao Phạm Thiên không tạo một vũ trụ tốt đẹp
Nếu oai lực của Ngài là vô hạn?
Tại sao ít khi Ngài nâng tay lên để ban phước lành?
Tại sao tạo vật mà do chính Ngài tạo ra
Lại phải bị đọa đầy trong cảnh khổ?
Tại sao Ngài không ban hạnh phúc cho tất cả?
Tại sao đời sống lại dẩy đầy
Giả dối, lừa đảo, mê muội?
Tại sao gian tham lại thắng
Còn chân thật và công lý lại thất bại nặng nề?
Ta liệt Brahma (Phạm Thiên) vào hạng bất công
Đã tạo một thế gian hư hỏng. [5]"

Trong Túc Sanh Truyện Maha Bodhi Jakata, Đại Bồ Đề, Bồ Tát phê bình giáo lý chủ trương rằng mọi việc đều do đấng Tối Cao tạo nên như sau:

"Nếu có một Thần Linh toàn quyền ban phước
Mà lại gieo họa cho tạo vật chính Ngài tạo ra.
Và cho chúng nó những hành động tốt hay xấu.
Vị Thần Linh ấy quả thật đầy tội lỗi.
Vì con người chỉ thừa hành ý muốn của Ngài. [6]"

Chú thích

[1] Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, phần i, trang 174; "Gradual Sayings", i, trang 158.

[2] Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, ii, trang 222, bài kinh số 101.

[3] Digha Nikaya, Trường A Hàm, phần i, trang 221, bài kinh số 11.

[4] Digha Nikaya, Trường A Hàm, số 24, phần iii, trang 29. "Dialogues of the Buddha", iii, trang 16-27

[5] Jataka Translation, tập vi, trang 110.

[6] Jataka Translation, tập vi, trang 122.