Đức Phật và Phật pháp
HT. Narada
Phạm Kim Khánh dịch
- [10]
- Những Người Chống Đối và Những Đại Thí Chủ
- "Cũng như tảng đá vững chắc
- không bị gió làm lay chuyển,
- bậc trí tuệ không xúc động
- trước những lời tán dương hay khiển trách."
- Kinh Pháp Cú
Đức Phật gia công kiến tạo hạnh phúc cho nhân loại một cách bất vụ lợi và không có bất luận sự phân biệt nào giữa người giàu và người nghèo, hạng cao sang quyền quý và hạng khốn khổ thấp hèn. Những người theo chân và những người hộ trì Ngài xuất thân từ cấp bậc thấp nhất đến nấc thang xã hội cao nhất. Từ vua chúa đến quan quyền, từ các nhà trưởng giả, triệu phú, đến hạng cùng đinh, từ người có tâm đạo nhiệt thành đến gái giang hồ trụy lạc, nam và nữ giới thuộc các giai cấp xã hội đều hết lòng quý mến Đức Phật, chen nhau phụng sự Ngài và đem sứ mạng cao cả của Ngài đến mức thành công rực rỡ. Người giàu tiền của thì xây dựng tu viện, còn người nghèo - vẫn giàu đức tin - thì biểu lộ tâm thành của mình một cách khiêm tốn hơn. Với tâm xả hoàn toàn, Đức Phật thọ lãnh vật cúng dường của người giàu như người nghèo, không có sự khác biệt nào.
Tuy nhiên, đối với người nghèo khó và hạng thấp hèn đê tiện thì Ngài bày tỏ lòng bi mẫn nhiều hơn. Tựa hồ như ong, hút mật từ nhụy hoa mà không làm tổn thương đến hoa, Đức Phật sống giữa tín đồ và thí chủ mà không làm tổn hại ai mảy may nào. Lễ vật nhiều loại được dâng tới tấp đến Ngài. Ngài thọ nhận tất cả, nhưng hoàn toàn không luyến ái.
Mặc dầu phục vụ thế gian với chủ ý tuyệt đối tinh khiết và hoàn toàn bất vụ lợi, Đức Phật lắm khi phải đương đầu với nhiều sự đối nghịch mãnh liệt trong những ngày châu du hoằng Pháp. Ngài bị chỉ trích nghiêm khắc, bị đối xử tàn tệ, chửi mắng và tấn công một cách tàn bạo. Không bao giờ có vị Giáo Chủ nào phải chịu sự đối xử khắc nghiệt đến mức ấy. Những người tự xem mình là thù nghịch của Đức Phật thường là đạo sư hay tín đồ của các hệ thống tôn giáo chủ trương những nghi thức dị đoan, tạo những phong tục vô ích, có hại đến sự tiến bộ tinh thần. Nguy hiểm nhất là người anh vợ của Ngài -- khi còn là Bồ tát Siddhattha (Sĩ Đạt Ta), và cũng là môn sinh của Ngài -- sau khi đắc Quả Phật. Đó là Devadatta (Đề Bà Đạt Đa), người quyết tâm mưu sát Ngài.
Đức Phật và Devadatta
Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) là con Vua Suppabuddha và Hoàng Hậu Pamita [1], một người cô của Đức Phật. Công Chúa Yasodhara (Da Du Đà La) là chị ông Devadatta. Như vậy, ông vừa là anh em cô cậu, vừa là em vợ của Thái Tử Gotama, tức Đức Phật khi còn là Bồ Tát. Ông xuất gia cùng một lúc với Đại Đức Ananda và các hoàng thân dòng Sakya (Thích Ca). Tỳ Khưu Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) không đắc được thánh Quả nào nhưng có nhiều phép thần thông (Pothujjanika-iddhi) lỗi lạc. Một trong những đại thí chủ hộ trì Ngài là Vua Ajatasattu (A Xà Thế), người đã kiến tạo cho Ngài một tu viện.
Trong những ngày đầu tiên sau khi xuất gia, Tỳ Khưu Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) có một nếp sống gương mẫu, cao thượng đến độ Đại Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) đi khắp thành Rajagaha (Vương Xá) ca ngợi tài đức Ngài. Về sau, bị danh lợi trần thế làm mù quáng, Đại Đức Devadatta lại ganh tyới Đức Phật và hoàn toàn đổi tánh, trở nên người thù nghịch nguy hiểm nhất của Đức Phật. Cùng một lúc, khi lòng sân hận đối với Đức Phật phát sanh trong tâm, bao nhiêu phép thần thông của ông tự nhiên mất hết.
Mặc dầu tư cách xấu xa và sống đời đồi trụy, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) có rất đông đệ tử và có người sùng bái và tôn trọng ông còn hơn Đại Đức Sariputta.
Một hôm Tỳ Khưu Devadatta đến hầu Phật, và thỉnh cầu Đức Phật giao quyền cho ông chưởng quản Giáo Hội Tăng Già, vì lúc ấy niên thọ Đức Phật đã cao. Đức Phật thẳng thắn từ chối: "Chí đến Sariputta (Xá Lợi Phất) và Moggallana (Mục Kiền Liên), Như Lai còn chưa giao phó Giáo Hội Tăng Già, có đâu Như Lai giao cho ngươi". Đại Đức Devadatta lấy làm tức giận và nguyện trả thù. Để giữ gìn và bảo trì uy tín của chúng Tăng, Đức Phật cho công bố rằng chỉ có Devadatta chịu trách nhiệm về những hành động của ông dưới danh nghĩa Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Sau đó Devadatta âm mưu với Thái Tử Ajatasattu (A Xà Thế) toan sát hại Đức Phật. Ông khuyên Ajatasattu nên giết cha đoạt ngai vàng. Phần ông sẽ giết Đức Phật để nắm quyền chưởng quản Giáo Hội Tăng Già. Kẻ bất hiếu, Ajatasattu, thành công mưu sát người cha có tâm đạo nhiệt thành. Còn Devadatta thì thuê những tay thiện xạ đi giết Đức Thế Tôn. Nhưng trái với điều ông mong muốn, tất cả những người được thuê ấy, lúc gần đến Đức Phật đều xin quy y Tam Bảo và theo Ngài. Mưu đồ bất thành, Devadatta quyết tâm chính ông ta sẽ ra tay sát hại Đức Phật. Trong lúc Đức Phật đi bên sườn núi Gijjhakuta (Linh Thứu), ông trèo lên đỉnh cao, xô một tảng đá to lăn xuống ngay Đức Phật. May thay, đá va nhằm một tảng đá khác, bể ra làm nhiều mảnh và chỉ có một mảnh vụn rơi nhẹ vào chân Đức Phật làm máu chảy. Vị lương y Jivaka liền đến săn sóc vết thương cho Ngài.
Một lần khác, Devadatta mưu toan làm hại Đức Phật bằng cách cho tượng Nalagiri uống rượu mạnh đến say rồi xua nó chạy ngay vào Đức Phật. Khi tượng Nalagiri trở nên rất dữ tợn chạy vồ đến gần, thì Đại Đức Ananda, lật đật đứng chặn trước, định hy sinh cho voi đạp mình để cứu nguy Đức Phật. Nhưng Đức Thế Tôn dùng tâm "Từ " (Metta) cảm hóa voi say.
Sau hành động tội lỗi ấy, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) mất hết uy tín, và dư luận cực kỳ chống đối ông. Vua Ajatasattu (A Xà Thế) phải bỏ rơi, không nâng đỡ ông nữa. Tiếng xấu lan rộng và bao nhiêu ân huệ của nhà vua đều mất dần. Nhưng Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) vẫn còn nhiều ngã mạn và cố hại Đức Phật cho kỳ được. Với trí thông minh sẵn có, ông ta xoay qua một mưu toan có vẻ hòa bình hơn. Cùng với những tâm hồn không kém xấu xa tội lỗi như Tỳ Khưu Kokalika, ông âm mưu chia rẽ Tăng Già.
Một hôm, ông đến yêu cầu Đức Phật ban hành thêm năm điều sau đây trong giới luật cho hàng xuất gia:
1. Tỳ Khưu phải sống trọn đời trong rừng.
2. Tỳ Khưu phải sống đời du phương hành khất.
3. Tỳ Khưu phải đắp y Pamsakula (y may bằng những mảnh vải lượm ở các đống rác, hoặc ở nghĩa địa).
4. Tỳ Khưu phải sống dưới gốc cây.
5. Tỳ Khưu phải trường chay (ăn chay suốt đời).
Biết trước rằng Đức Phật sẽ không chấp thuận lời yêu cầu, nhưng cố ý thỉnh nguyện để Đức Phật từ chối, rồi ông sẽ dựa vào đấy để nói xấu Đức Phật và do đó ông mong sẽ được sự ủng hộ của đám người kém hiểu biết.
Với lòng từ bi và đức quảng đại khoan dung bao la, Đức Phật tuyên bố rằng các đệ tử Ngài được tự do hành động về năm điều này, muốn áp dụng hay không cũng được. Ngài không bắt buộc phải theo một chiều nào nhất định.
Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) liền dựa vào sự từ chối ấy làm cớ để gây chia rẽ trong hàng Tăng chúng. Ông kêu gọi các tỳ khưu như sau: "Này các đạo hữu, những điểm yêu cầu của tôi và những lời của Đức Phật, lời nào cao thượng hơn? Ai muốn thoát khỏi mọi đau khổ hãy theo tôi". Lúc ấy có những vị mới xuất gia, không rành Giáo Pháp, nhìn thấy đề nghị của Devadatta có vẻ hợp lý nên đi theo ông đến Gayasisa. Nhưng hai Ngài Sariputta và Moggallana, theo lời dạy của Đức Phật, đi theo sau đến đó để giải thích Giáo Pháp cho những người lầm đường lạc lối ấy, và đưa các vị ấy về.
Từ đó về sau, những ngày đen tối vồn vã đến Devadatta. Ông lâm bệnh trầm trọng.
Trước khi nhắm mắt, ông thành thật ăn năn hối cải và mong muốn yết kiến Đức Phật. Nhưng lúc ấy nghiệp dữ trổ sanh và ông phải chết một cách cực kỳ khốn khổ, không được gặp Đức Phật. Tuy nhiên, đến phút cuối cùng ông đọc câu kinh quy y Phật.
Mặc dầu ông phải chịu sống trong khổ cảnh vì những tội ác quan trọng, kinh sách ghi rằng trong một tương lai xa xôi, do nhờ cuộc sống trong sạch và cao thượng trong những năm đầu, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) sẽ trở thành một vị Phật Độc Giác tên Atthissara.
Anathapindika (Cấp Cô Độc)
Vị thí chủ (dayaka) quan trọng nhất thời Đức Phật còn tại tiền là ông Anathapindika (Cấp Cô Độc), một trưởng giả triệu phú. Tên tộc của ông là Sudatta. Về sau, do lòng quảng đại vô song của ông, người đời tặng ông danh hiệu Anathapindika, có nghĩa là "nuôi ăn những người không được giúp đỡ", hay "trợ cấp những kẻ cô đơn hiu quạnh". Savatthi (Xá Vệ) là nơi chôn nhau cắt rún của ông.
Ngày kia ông có việc đi từ Savatthi đến Rajagaha (Vương Xá) để gặp người anh rể. Hôm ấy ông anh rể không ra tận cửa để đón ông như thường lệ mà ông Sudatta phải vào tận phía sau nhà để gặp anh, lúc ấy đang bận rộn lo chuẩn bị một bữa tiệc. Khi hỏi ra, Sudatta lấy làm vui được biết rằng người anh rể đang sửa soạn để đón tiếp Đức Phật vào ngày hôm sau.
Thoáng nghe đến danh từ "Buddha" - Phật, trong lòng Sudatta đã chớm nở một hứng thú lạ thường và ông hết lòng mong mỏi được gặp Đức Phật. Ông cũng được biết rằng lúc ấy Đức Phật đang ngự trong cụm rừng Sitavana, gần đấy, và khi nghĩ rằng qua hôm sau sẽ được cơ hội quý báu yết kiến Ngài thì ông lấy làm hoan hỷ, yên trí đi ngủ. Nhưng lòng vẫn nôn nao mong gặp Đức Phật, đến độ không làm sao ngủ được. Trong đêm khuya, ông dậy sớm và đi lần đến rừng Sitavana, xuyên qua một nghĩa địa. Lúc ấy một hiện tượng mới lạ xảy đến cho ông. Khi ra đi trong đêm tối, đức tin của ông với Đức Phật thật vô cùng trong sạch. Do đó, có những tia sáng phát tủa ra từ thân. Thấy ánh sáng tự nhiên phát sinh, ông đâm ra sợ hãi và muốn quay trở về. Bấy giờ Trời Yakkha (Đế Thích) khuyến khích ông như sau:
- "Hàng trăm thớt tượng hay, cả trăm ngựa giỏi,
- Đúng vậy, và hàng trăm cỗ xe,
- Cả trăm ngàn thị nữ, tai đeo
- Đầy vòng vàng - tất cả những điều ấy không bằng
- Một phần nhỏ (nguyên văn: một phần mười sáu) của một bước đi (như thế này).
- Hãy tiến bước! Hãy mạnh dạn đi tới!
- Tiếp tục đi có lợi hơn là trở về. [2]"
Được khích lệ, trưởng giả Sudatta hết sợ, can đảm bước tới, và đức tin trở lại trong sạch. Ánh sáng do đó phát sanh lại. Ông sợ. Ánh sáng mất. Trời Đế Thích khuyến khích. Và như vậy đến lần thứ ba. Rốt cục ông đến rừng Sitavana nhằm lúc Đức Phật đang đi kinh hành ngoài trời, biết rằng lúc ấy ông sẽ đến. Đức Phật gọi ông lại gần.
Trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) lấy làm hoan hỷ được yết kiến Đức Phật và cung kính hỏi thăm Ngài có yên vui không. Đức Phật trả lời:
- "Chắc chắn lúc nào cũng yên vui
- Vì bên trong một vị A La Hán
- Mọi thứ lửa đều được dập tắt.
- Không còn đeo níu dục vọng,
- Hoàn toàn mát mẻ.
- Dứt bỏ mọi mầm mống khả dĩ tạo đời sống mới,
- Cắt đứt mọi trói buộc phiền phức,
- Chế ngự mọi đau khổ và phiền não
- Một vị A La Hán luôn luôn được an tĩnh vắng lặng
- Vì tâm đã thành tựu trạng thái thanh bình an lạc. [3]"
Sau khi nghe Pháp, ông Anathapindika (Cấp Cô Độc) đắc Quả Tu Đà Hườn (Sotapatti, Nhập Lưu), và cung thỉnh Đức Phật nhập Hạ tại Savatthi. Đức Phật chấp thuận và gợi ý rằng chư Phật chỉ thích ở nơi vắng vẻ. Trưởng giả Cấp Cô Độc trở về Savatthi mua một thửa đất của hoàng thân Jeta. Chuyện tích thuật rằng giá tiền của thửa đất ấy được phân định bằng cách sắp tiền vàng trên mặt đất. Tiền trải ra đến đâu là đến đó đất đã được bán. Trên đất ấy, Trưởng Giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) kiến tạo ngôi tịnh xá trứ danh Jetavana (Kỳ Viên). Nơi đây Đức Phật nhập Hạ mười chín lần. Phần lớn các bài Pháp cũng được Đức Phật thuyết giảng tại đây.
Đa số các bài Pháp có liên quan đến hàng cư sĩ là do Đức Phật giảng cho ông Anathapindika, mặc dầu nhiều lần ông muốn mà không dám hỏi vì sợ làm phiền Đức Phật.
Lần nọ, khi thuyết giảng về pháp bố thí cho ông Anathapindika (Cấp Cô Độc), Đức Phật dạy rằng dâng cúng đến chư Tăng hay Đức Phật tạo rất nhiều phước báu. Nhưng kiến thiết tu viện, giúp chư tỳ khưu có chỗ tu hành càng được nhiều phước báu hơn. Càng nhiều phước hơn xây cất tu viện là quy y Tam bảo. Càng nhiều phước hơn quy y Tam Bảo là nghiêm trì Năm Giới. Càng nhiều phước báu hơn Trì giới là hành Thiền một lúc về tâm Từ. Và cuối cùng, hơn tất cả các phước báu, là phát triển sự chứng ngộ tánh cách vô thường của vạn hữu (Vipassana - Minh Sát Tuệ) [4].
Vậy theo tinh thần bài Pháp này, bố thí là bước đầu tiên trên đường tu tập của người Phật tử. Quan trọng hơn bố thí là nghiêm trì ít nữa là năm giới căn bản, tức tự khép mình vào kỷ cương có khuynh hướng kiểm soát hành động và lời nói. Quan trọng và hữu ích hơn nữa là trau dồi những đức tánh cao thượng như tâm Từ (Metta). Nhưng trên tất cả, quan trọng và hữu ích hơn tất cả mọi kỷ cương mà mình tự đặt cho mình là thành thật cố gắng, kiên trì tận lực chuyên cần để thấu triệt sự vật, thông hiểu thực tướng của đời sống.
Giảng về bốn loại hạnh phúc của người cư sĩ, Đức Phật dạy:
"Có bốn loại hạnh phúc vật chất mà người tại gia cư sĩ có thể thọ hưởng, thỉnh thoảng và tùy cơ hội, là: hạnh phúc được có vật sở hữu (atthisukha), hạnh phúc được có tài sản (bhogasukha), hạnh phúc không nợ nần (ananasukha), và hạnh phúc không bị khiển trách (anavajjasukha).
'Hạnh phúc được có sở hữu là gì?'
"Là hạnh phúc của người kia đã tạo nên tài sản do nhờ nỗ lực cố gắng, nhờ sức lao động chân tay và mồ hôi nước mắt, thâu thập và thọ lãnh một cách hợp pháp. Khi nghĩ rằng tài sản này ta đã tạo nên do nhờ sự nỗ lực cố gắng, thâu thập và thọ lãnh hợp pháp, người kia cảm thấy thỏa thích và mãn nguyện. Đó là hạnh phúc được có vật sở hữu.
'Hạnh phúc được có tài sản là gì?'
"Là hạnh phúc của người kia đã tạo tài sản do nhờ nỗ lực cố gắng. Giờ đây chính mình thọ hưởng tài sản ấy, hoặc dùng của ấy để gieo phước. Khi nghĩ rằng nhờ tài sản đã tạo nên nay chính ta thọ hưởng và gieo thêm phước, người kia cảm thấy thỏa thích và mãn nguyện. Đó là hạnh phúc được có tài sản.
'Hạnh phúc không mang nợ là gì?'
"Là hạnh phúc của người kia không thiếu ai món nợ nhỏ nợ lớn nào. Khi nghĩ rằng ta không thiếu ai món nợ nhỏ lớn nào, người kia cảm thấy thỏa thích và mãn nguyện. Đó gọi là hạnh phúc không mang nợ.
'Hạnh phúc không bị khiển trách là gì?'
"Là hạnh phúc của bậc thánh nhân trong sạch, không có gì để bận tâm hối cải, không có gì đáng bị phiền trách về tư tưởng. Không nghĩ rằng mình thọ hưởng hạnh phúc, không có gì đáng bị khiển trách về hành động, không có gì đáng bị khiển trách về lời nói và không có gì đáng bị khiển trách về tư tưởng, bậc thánh nhân cảm thấy hoan hỷ. Đó là hạnh phúc không bị khiển trách.
"Thành tựu hạnh phúc không mang nợ.
Người kia có thể nghĩ rằng mình được phước báu thật sự có quyền sở hữu.
Khi thọ hưởng hạnh phúc có tài sản, người kia nhận thấy đó là nhờ trí tuệ. Và nhận thấy tức hiểu biết.
Vậy người kia sáng suốt về cả hai phương diện.
Nhưng đó chỉ một phần nhỏ (nguyên văn: một phần mười sáu)
So với hạnh phúc không bị khiển trách." [6]
Nhân một cơ hội khác, khi Đức Phật đến viếng nhà Trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc), Ngài nghe có tiếng ồn ào phía sau nên hỏi thăm. Ông Cấp Cô Độc bạch:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, đó là Sujata, dâu của con, vẫn sống chung với chúng con. Nó là con nhà giàu có và trưởng thành trong cảnh sung túc của gia đình. Nó không nghe lời cha mẹ chồng và không để ý đến lời khuyên dạy của cha mẹ chồng. Nó cũng không biết tôn trọng, kính nể và sùng bái Đức Thế Tôn". Đức Phật cho gọi cô dâu và giảng cho nghe một bài Pháp về bảy hạng vợ trên thế gian, thời xưa cũng như trong xã hội hiện đại:
"Người không sẵn lòng bi mẫn, tâm hồn đồi bại, không ngó ngàng chăm sóc chồng và không nhã nhặn ôn hòa. Người dễ bị khiêu gợi, dễ bị kích thích làm chuyện hư hèn trắc nết, có khuynh hướng phá rối quấy rầy - Hãy gọi kẻ ấy là "một người vợ khuấy rối!" -- (Vadhakabhariya)
"Kẻ phung phí của chồng, dầu chút đỉnh nào mà chồng đã có công tạo nên bằng tiểu công nghệ, thương mại hay nông nghiệp - Hãy gọi kẻ ấy là "một người vợ có tánh trộm cắp!" -- (Corabhariya)
"Người làm biếng, tham ăn, cả ngày không làm gì mà chỉ ngồi lê đôi mách và la lối gắt gỏng om sòm, không để ý đến công lao khổ nhọc và chuyên cần của chồng - Hãy gọi kẻ ấy là "một người vợ như bà chủ!" -- (Ayyabhariya)
"Người luôn luôn hiền lương và từ mẫn, bảo vệ chồng như bà mẹ hiền chăm sóc đứa con duy nhất và thận trọng giữ gìn của cải mà chồng tạo nên. Trông nom và để ý từng tí một - Hãy gọi người ấy là "một người vợ như mẹ!" -- (Matubhariya)
"Người kính nể chồng như em đối với anh, khiêm tốn ôn hòa và hết lòng phục vụ mọi ý muốn của chồng - Hãy gọi người ấy là "một người vợ như em gái!" -- (Bhaginibhariya)
"Người hoan hỷ đến với chồng như gặp lại người bạn thân lâu ngày xa cách, con người cao quý, đức hạnh và trong trắng - Hãy gọi người ấy là "một người vợ như người bạn!" -- (Sakhibhariya)
"Người, khi bị hăm dọa sẽ làm tổn hại đến mình, hay hình phạt mình, không nổi giận mà trầm tĩnh, chịu đựng tất cả mà không ác ý, luôn luôn vâng lời chồng mà không bao giờ sân hận - Hãy gọi người ấy là "một người vợ như tớ gái!" -- (Dasibhariya) [6]
Đức Phật giảng giải về đặc tánh của bảy hạng vợ trong thế gian và lưu ý rằng hạng vợ gây rối cho chồng, trộm cắp và làm bà chủ của chồng là xấu. Trái lại, hạng vợ đối với chồng có tình thương như mẹ, như em gái, như bạn và như người tớ gái trung thành là tốt và đáng được tán dương. Và Ngài hỏi: "Này Sujata, đó là bảy hạng vợ, con thuộc về hạng nào?"
-- Bạch hóa Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nghĩ rằng kể từ nay con thuộc về hạng vợ như người tớ gái.
Ông Anathapindika (Cấp Cô Độc) đến viếng Đức Phật mỗi ngày và đôi khi nhận thấy rằng trong lúc Đức Phật vắng mặt có nhiều thiện tín tỏ ra thất vọng vì đến mà không được yết kiến Ngài, nên ông bạch với Đại Đức Ananda xin thuật lại cho Đức Phật và thỉnh ý, xem có cách nào để cho thiện tín bày tỏ lòng kính mến ngưỡng mộ khi Ngài bận châu du hoằng Pháp. Kết quả là một cây Bồ đề được trồng ngay giữa lối vào tịnh xá [7].
Vợ Trưởng Giả Cấp Cô Độc, Bà Punnalakkhana, là một người hiền lương đạo đức. Maha Subhadda, Cula Subhada,và Sumana, ba người con gái ông đều có tâm đạo rất nhiệt thành. Hai chị đắc Quả Tu Đà Hườn. Người em út đắc Quả Tu Đà Hàm. Con trai duy nhất của ông, Kala, lúc ban đầu không thích đi chùa lễ Phật và không chịu ghép mình vào nếp sống đạo hạnh nhưng về sau, nhờ sự khéo léo của cha, nghe lời dạy của Đức Phật và đắc Quả Tu Đà Hườn.
Ông Anathapindika (Cấp Cô Độc) trút hơi thở cuối cùng sau khi nghe Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) thuyết một thời Pháp [8].
Lúc cảm thấy không còn sống được lâu ngày nữa, ông gởi người đến báo tin cho Đức Phật hay rằng bệnh tình ông đã đến hồi trầm trọng, xin kính cẩn đảnh lễ Đức Phật và cung thỉnh Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) mở lượng bi mẫn, quang lâm đến viếng trước khi ông nhắm mắt.
Theo lời thỉnh cầu, Đại Đức Sariputta đi cùng với Đại Đức Ananda đến nhà Trưởng Giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) và hỏi thăm về bệnh trạng ông. Ông Cấp Cô Độc bạch rằng mình đang đau đớn vô cùng và không thấy dấu hiệu thuyên giảm.
Đức Xá Lợi Phất liền thuyết giảng cho ông một bài Pháp cao siêu. Khi nghe xong, nước mắt ông ràn rụa trào ra. Đức Ananda thấy vậy hỏi có phải ông lo sợ nên tinh thần trở nên suy nhược không? Ông trả lời: "Kính bạch Đại Đức, thật không phải vậy, tinh thần con không chút giảm suy. Ấy chỉ vì mặc dầu đã nghe nhiều bài Pháp do Đức Tôn Sư thuyết giảng, con chưa hề được nghe Pháp cao siêu như thế này."
Đại Đức Xá Lợi Phất giải thích rằng: "Những Pháp cao siêu như thế này chỉ để giảng cho các đệ tử tiến bộ chớ không cho hàng cư sĩ, bởi vì họ sẽ không thể thấu hiểu."
Ông Anathapindika (Cấp Cô Độc) nhân cơ hội này thỉnh cầu Đại Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) truyền bá Giáo Pháp cao siêu và khó hiểu này đến những người cư sĩ tại gia, vì có người sẽ có thể lãnh hội.
Khi hai vị đệ tử của Đức Phật ra về thì ông Cấp Cô độc thở hơi cuối cùng và tức khắc tái sanh vào cung Trời Tusita (Đấu Xuất).
Đêm ấy vị Trời Anathapindika, từ cung Trời Đấu Xuất trở về tịnh xá, hào quang của Ngài chiếu ngời, sáng cả Khuppipasa vườn. Ngài đảnh lễ Đức Phật, tán dương phẩm hạnh và tài đức của Đại Đức Sariputta và bày tỏ niềm hân hoan được gặp lại Đức Phật và chư vị đệ tử của Đức Phật trong tịnh xá do Ngài kiến tạo. Cũng trong dịp này, vị Trời Anathapindika ghi nhận:
- "Thiện ý và trí tuệ, cùng với
- Tâm được rèn luyện đúng phương pháp
- Và phẩm hạnh cao thượng nhất
- Dựa trên căn bản giới luật,
- Làm cho chúng sanh trong sạch,
- Chớ không phải giai cấp hay tài sản.[9]
Bà Visakha
Visakha là con gái nhà triệu phú Dhananjaya. Cô rất giàu lòng quảng đại và có tâm đạo nhiệt thành. Mẹ cô là Sumana Devi và ông ngoại cô là nhà triệu phú Mendaka mà cô hết sức thương mến và quý trọng.
Ngày nọ, khi cô mới lên bảy, Đức Phật có dịp đến viếng Bhaddiya, quê cô, trong Vương Quốc Anga. Được nghe tin lành ấy, ông ngoại cô bảo: "Này cháu thân mến, hôm nay là ngày vui của cháu và của ông. Vậy cháu hãy tập trung năm trăm tớ gái, những nô tỳ của cháu, bắt kế năm trăm cỗ xe cùng với năm trăm thị nữ, cháu hãy đi đón tiếp Đức Phật".
Cô vui vẻ vâng lời. Khi đến nơi, cô đảnh lễ Đức Phật rồi cung kính ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn lấy làm đẹp ý thấy tư cách phong nhã lễ độ của cô. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng tinh thần cô Visakha đã đến mức tiến bộ khá cao. Sau khi nghe Đức Phật thuyết Pháp, cô đắc Quả Tu Đà Hườn.
Kinh sách ghi rằng cô Visakha có sức mạnh như đàn ông và rất mỹ miều duyên dáng từ thuở còn thơ. Tóc nàng tựa như đuôi công và khi bỏ xả ra dài chí lai áo rồi cuộn trở lên. Môi nàng tự nhiên đỏ hồng và rất dịu dàng. Răng trắng như ngà, khít khao đều đặn và sáng ngời như hai hàng ngọc. Da cô Visakha mịn màng như cánh hoa sen màu vàng. Cho đến lúc già và có đông con, Bà Visakha vẫn còn giữ hình dáng đẹp đẽ của thời son trẻ. [10]
Được phú cho năm vẻ đẹp của người phụ nữ - tóc, da, xương, vóc và tuổi trẻ - Visakha lại còn trí tuệ hơn người, sáng suốt trong việc thế gian cũng như trong lãnh vực tinh thần đạo đức.
Lúc còn mười lăm mười sáu tuổi, nhân một ngày lễ nọ, nàng cùng đi với nhiều tỳ nữ ra mé sông để tắm. Tình cờ một đám mưa to từ xa kéo đến. Tất cả mọi người đều lật đật bỏ chạy vào tạm trú trong một căn nhà bỏ trống, trừ cô Visakha.
Cùng lúc ấy cũng có vài vị bà la môn đang đi tìm một người phụ nữ có đủ năm vẻ đẹp cho ông thầy trẻ tuổi của mình. Cô không vội vã hấp tấp mà chậm rãi, khoan thai lần bước đi vào đụt mưa trong nhà. Các vị bà la môn trông thấy lấy làm ngạc nhiên, hỏi cô tại sao không chạy mau vào cho khỏi ướt mình.
Cô Visakha nhân cơ hội, ứng khẩu nói lên quan điểm của mình. Cô nói rằng cô có thể còn chạy mau hơn những người khác, nhưng cố ý không làm vậy. Và cô giải thích rằng nếu có vị vua kia đang mặc sắc phục triều đình bỗng nhiên xăn áo quần lên chạy hối hả vào cung điện, thì ắt không thích đáng. Một thớt ngự tượng đường bệ oai nghiêm, mình mang đầy trang sức mà không dõng dạc lần bước, lại đâm đầu bỏ chạy ngoài đường, thì cũng là một cảnh tượng trái mắt. Những nhà sư thanh nhã khả kính cũng bị chỉ trích nếu các ngài chạy xốc xếch y bát. Cùng thế ấy, người phụ nữ chạy ngoài đường như đàn ông sẽ mất hết nề nếp đoan trang phong nhã.
Các vị bà la môn lấy làm hoan hỷ được nghe những lời cao đẹp ấy và nghĩ rằng cô Visakha sẽ là người vợ lý tưởng cho thầy mình. Sau đó mọi việc thích nghi được sắp xếp để vị thầy bà la môn Punnavaddhana, con của nhà triệu phú Migara, vốn không phải là Phật tử, đi cưới cô Visakha.
Lễ cưới cử hành rất trọng thể. Ngoài những của hồi môn rất quan trọng và những món đồ trang sức quý giá (mahalatapilandhana), người cha sáng suốt còn dạy con gái những điều sau đây:
- 1. Không đem lửa trong nhà ra ngoài ngõ.
- 2. Không đem lửa bên ngoài vào nhà.
- 3. Chỉ cho đến những người biết cho.
- 4. Không cho đến những người không biết cho.
- 5. Cho đến cả hai, những người biết cho và những người không biết cho.
- 6. Ngồi một cách an vui.
- 7. Ăn một cách an vui.
- 8. Ngủ một cách an vui.
- 9. Coi chừng lửa.
- 10. Tôn trọng các vị Trời trong nhà.
Các điều ấy có nghĩa là:
1. Không nên nói xấu chồng và cha mẹ chồng với người ngoài. Cũng không nên đem chuyện xấu bên nhà chồng thuật lại cho người ngoài.
2. Không nên ngồi lê đôi mách, nghe ngóng những chuyện xấu của người ngoài rồi đem về nhà bàn tán.
3. Đồ trong nhà chỉ nên đưa cho những người nào mượn rồi trả lại.
4. Không nên đưa cho những người mượn đồ mà không trả lại.
5. Phải giúp đỡ thân bằng quyến thuộc nghèo khó, dầu họ trả lại được hay không.
6. Phải ngồi đúng chỗ thích nghi. Khi thấy cha mẹ chồng đến phải đứng dậy.
7. Trước khi ăn cơm phải coi có dọn đầy đủ cho cha mẹ chồng và chồng chưa. Cũng phải coi chừng xem người làm trong nhà có được chăm sóc đầy đủ không.
8. Trước khi đi ngủ phải quan sát nhà cửa, ghế bàn. Cửa đóng then gài cẩn thận. Xem coi những người giúp việc trong nhà có làm đủ bổn phận của họ chưa và cha mẹ chồng đã đi ngủ chưa. Thế thường người nội trợ phải thức khuya dậy sớm, và trừ khi đau ốm, không nên ngủ ngày.
9. Phải xem chồng và cha mẹ chồng như lửa. Mỗi khi có việc với cha mẹ chồng và chồng phải hết sức thận trọng cũng như phải thận trọng khi làm việc với lửa.
10. Cha mẹ chồng và chồng phải được tôn kính như những vị Trời trong nhà. Nên ghi nhận rằng Đức Phật thường nhắc đến cha mẹ chồng như những vị Trời trong nhà (Sassudeva).
Ngày cô Visakha về nhà chồng tại Savatthi, rất đông người trong thành phố tới tấp gởi đến nàng đủ loại tặng phẩm. Nhưng vốn giàu lòng quảng đại cô gởi quà, tặng lại mỗi người với vài lời ân cần và đối xử với mọi người như chính thân bằng quyến thuộc mình. Do thái độ cao quý ấy, ngay trong những ngày đầu tiên, tất cả mọi người bên nhà chồng đều quý chuộng cô.
Một việc tình cở chỉ rõ rằng tình thương của cô bao trùm cả loài thú. Hôm nọ, được biết con ngựa cái ở sau nhà sắp đẻ, cô tức khắc cùng các nô tỳ đốt đuốc ra tận chuồng và hết lòng chăm sóc ngựa cho đến khi đẻ xong xuôi mới đi ngủ.
Cha chồng cô là đệ tử trung kiên của Nigantha Nataputta. Ngày nọ ông thỉnh về nhà rất đông các tu sĩ lõa thể. Khi các vị đến, Visakha được mời ra để đảnh lễ những vị mà người ta gọi là A La Hán. Thoạt nghe đến danh từ A La Hán, cô lấy làm hoan hỷ và vội vã bước ra. Nàng chỉ thấy những tu sĩ lõa lồ ngã mạn. Đối với người phụ nữ phong lưu thanh nhã như cô Visakha, thật không thể chịu được. Cô phiền trách cha chồng và quày quả trở vào. Những đạo sĩ lấy làm tức giận, bắt lỗi nhà triệu phú tại sao đem vào nhà mình một tín nữ của Đức Phật. Họ yêu cầu ông đuổi cô ra khỏi nhà tức khắc. Ông triệu phú khuyên giải hết lời mới nguôi giận.
Ngày nọ, ông cha chồng ngồi trên ghế và bắt đầu ăn một món cháo nóng rất ngon trong cái chén bằng vàng. Ngay lúc ấy có một vị tỳ khưu bước vào nhà khất thực. Cô Visakha liền đứng qua một bên để cha chồng trông thấy nhà sư. Tuy đã thấy nhưng ông cha chồng vẫn làm lơ, tiếp tục ăn như thường. Cô thấy vậy cung kính bạch sư: "Bạch sư, xin thỉnh sư hoan hỷ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng những món ăn đã hư cũ (puranam)."
Nhà triệu phú kém thông minh, hiểu lầm ý nghĩa của lời nói nên lấy làm tức giận, truyền gia đình đuổi cô Visakha ra khỏi nhà.
Nhưng tất cả tôi tớ trong nhà đều hết lòng quý chuộng cô nên không ai dám động đến.
Cô Visakha luôn luôn biết tôn trọng kỷ luật gia đình nhưng không thể chấp nhận cách đối xử như thế mà không phản đối, dầu là cha chồng. Cô lễ phép trình bày: "Thưa cha, quả thật không có đủ lý do để buộc con phải rời khỏi nhà. Không phải cha đem con về đây như người mua nô lệ. Trong lúc cha mẹ còn sanh tiền, con gái không thể bỏ nhà ra đi như vậy. Vì lẽ ấy khi con rời nhà để sang đây, cha con có mời tám người trong thân tộc và gởi gắm con cho các vị ấy. Cha con nói: 'Nếu con gái tôi có phạm điều gì lỗi lầm, xin các vị hãy dò xét cặn kẽ.' Vậy xin cha hãy mời các vị ấy đến để xét xử, xem con có lỗi hay không."
Nhà triệu phú chấp thuận lời đề nghị hữu lý ấy, mời tám vị thân nhân kia lại và phân trần:
"Nhân một ngày lễ, tôi đang ngồi ăn cháo nấu với sữa trong một cái chén bằng vàng, thì con dâu tôi nói rằng tôi ăn những vật thực đã hư cũ. Xin quý vị hãy vạch ra cho nó thấy lỗi và đuổi nó ra khỏi nhà này."
Cô Visakha giải thích:
"Thật ra không hẳn tôi nói đúng như vậy. Lúc cha chồng tôi đang dùng cháo thì có một vị tỳ khưu vào nhà khất thực. Cha chồng tôi thấy mà làm ngơ.
Nghĩ bụng rằng cha chồng tôi không làm được điều thiện nào trong hiện tại mà chỉ thọ hưởng phước báu đã tạo trong quá khứ, nên tôi bạch với vị tỳ khưu: "Bạch sư, xin thỉnh sư hoan hỷ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng những thức ăn đã hư cũ", tôi nói như vậy thì có điều chi là sai quấy?"
Mọi người nhìn nhận rằng cô Visakha không có lỗi. Ông cha chồng cũng đồng ý. Nhưng chưa hết giận, ông bắt qua tội cô dâu tại sao giữa đêm khuya mà thắp đuốc cùng với nô tỳ đi ra sau vườn.
Một lần nữa cô giải thích tại sao cô làm vậy. Tám vị thân nhân ghi nhận rằng vì tình thương một con thú đang chịu đau đớn, cô dâu cao quý đã làm một việc cực nhọc mà cho đến các nô tỳ chưa chắc đã làm. Như vậy là rất được tán dương, hẳn là không có lỗi.
Nhưng ông cha chồng triệu phú đầy lòng thù hận chưa chịu ngừng.
Tìm không ra lỗi gì nữa của cô, ông bắt qua chuyện khác và nói rằng trước khi về nhà chồng, nàng có học mười điều, thí dụ như: "Lửa trong nhà không nên đem ra ngoài ngõ." Vậy, thật sự có thể sống đặng chăng nếu đôi khi không đem lửa cho hàng xóm láng giềng mồi?
Cô Visakha nhân cơ hội giải thích rành rẽ mười điểm. Ông cha chồng không còn gì nữa để buộc tội, ngồi lặng thinh.
Cô là người biết tự trọng. Sau khi chứng minh rằng mình không có lỗi thì cô tỏ ý muốn ra đi, theo lời cha chồng đuổi.
Nhà triệu phú đổi hẳn thái độ. Ông xin lỗi cô vì hiểu lầm.
Đúng theo tinh thần quảng đại khoan dung của người Phật tử, cô Visakha không phiền trách cha chồng nữa nhưng xin một điều là về sau cô được tự do sinh hoạt trong truyền thống tôn giáo của cô.
Ông cha chồng đồng ý.
Cô Visakha không để mất thì giờ, nhân cơ hội cung thỉnh Đức Phật về nhà thọ trai. Đức Phật đến, và sau khi thọ thực, Ngài thuyết một thời Pháp. Ông cha chồng triệu phú tọc mạch, ngồi sau bức rèm nghe trộm. Khi Đức Phật giảng xong thì ông đắc Quả Tu Đà Hườn và biểu lộ lòng tri ân vô hạn đối với cô dâu quý đã dẫn dắt ông vào Con Đường Giải Thoát thật sự. Ông cũng ghi nhận một cách vô cùng cảm động và kể từ ngày ấy ông sẽ xem cô dâu như một bà mẹ.
Về sau Bà Visakha sanh được một trai tên là Migara, Đức Phật đến viếng và nhân cơ hội này bà mẹ chồng được nghe Pháp và đắc Quả Tu Đà Hườn.
Nhờ khôn khéo, trí tuệ, và nhẫn nại, bà dần dần cảm hóa mọi người và đổi nhà bên chồng trở thành một gia đình Phật tử đầy an vui hạnh phúc.
Bà Visakha để bát chư Tăng hàng ngày tại nhà. Trưa, chiều bà thường đến chùa nghe Pháp và xem các sư có cần dùng vật chi không. Suppiya, một tín nữ khác cũng có tâm đạo nhiệt thành, thường cùng đi với bà.
Bà Visakha thật giàu lòng bố thí và tận tình hộ trì chư Tăng. Một lần nọ, bà đến hầu Phật và thỉnh nguyện tám điều:
1. Dâng y đến chư Tăng trong mùa nhập Hạ cho đến khi bà chết.
2. Để bát những vị sư đến thành Savatthi (Xá Vệ).
3. Để bát những vị sư ra đi, rời thành Savatthi.
4. Dâng thực phẩm đến những vị sư đau ốm.
5. Dâng thực phẩm đến những vị ra công chăm sóc các sư đau ốm.
6. Dâng thuốc men đến những vị sư đau ốm.
7. Dâng lúa mạch đến chư sư.
8. Dâng y tắm đến chư tỳ khưu ni.
Đức Phật chấp thuận.
Ngày nọ, sửa soạn đến chùa lễ Phật và nghe Pháp, bà mặc bộ đồ đẹp nhất của cha cho lúc đưa bà về nhà chồng. Nhưng nghĩ lại rằng ăn mặc rực rỡ như thế trước mặt Đức Thế Tôn ắt không thích nghi. Bà liền thay vào một bộ y phục khác do cha chồng cho, và gói đồ kia lại giao cho người nữ tỳ cầm giữ. Sau khi nghe Pháp, bà ra về cùng với người tỳ nữ. Người này lại bỏ quên gói đồ. Đại Đức Ananda nhìn thấy mà không biết của ai. Theo lời dạy của Đức Phật, Ngài tạm giữ một nơi để chờ trao lại chủ.
Khi bà Visakha hay biết rằng người tỳ nữ mình bỏ quên gói đồ trong chùa thì sai trở lại lấy đem về, nếu chưa có ai động đến. Nếu có người đã chạm đến gói đồ thì thôi, không đem về.
Người tỳ nữ trở về thuật lại tự sự. bà liền đến hầu Đức Phật và tỏ ý muốn làm một việc thiện với số tiền bán bộ y phục ấy. Đức Phật khuyên nên cất một tịnh xá nằm tại phía Đông cổng vào. Vì không ai có đủ tiền để mua bộ y phục quý giá như vậy nên chính bà mua lại và dùng số tiền ấy kiến tạo một ngôi tịnh xá đẹp đẽ tên là Pubbarama.
Theo lời cung thỉnh của bà, mùa mưa năm ấy Đức Phật nhập Hạ tại tịnh xá rộng rãi này.
Bà rất hân hoan được Đức Phật chấp thuận nhập Hạ sáu lần nơi ấy.
Kinh sách ghi rằng bà Visakha hết sức rộng lượng. Thay vì la rầy người tỳ nữ vô ý bỏ quên gói đồ, bà còn chia phần công đức kiến tạo tịnh xá đến cô nữ tỳ đã tạo cho bà cơ hội quý báu ấy.
Trong nhiều trường hợp khác nhau, Bà Visakha được nghe nhiều bài Pháp của Đức Phật. Giới "bát quan" [11] mà người cư sĩ Phật tử ở hầu hết các quốc gia Á Đông thường nghiêm trì, cũng được giảng dạy rành rẽ cho bà.
Đề cập đến những đức tánh khả dĩ đưa người phụ nữ lên các cảnh Trời, Đức Phật dạy:
"Tích cực hoạt động, luôn dịu dàng chiều chuộng chồng
Dầu chồng không đem lại tất cả hạnh phúc.
Không khi nào dùng lời bất cẩn, nghịch ý, thiếu lễ độ,
Làm chồng nổi giận.
Tôn trọng tất cả những người được chồng kính nể,
Vì nàng là người sáng suốt khôn ngoan,
Khéo léo. lanh lẹ, thức khuya dậy sớm,
Tận tâm săn sóc sức khỏe của chồng
Trong khi chồng làm việc cực nhọc.
Và nhã nhặn hiền hòa.
Một người vợ như vậy,
Muốn những điều chồng muốn và cố làm cho được,
Sẽ tái sanh vào
Cảnh giới của những vị Trời dễ mến." [12]
Và trong một trường hợp khác, Đức Phật đề cập đến đức tánh của người đàn bà muốn tạo an vui hạnh phúc trong thế gian hiện tại và trong cảnh giới tương lai như sau:
"Này Visakha, đó là hạnh phúc của người phụ nữ có khả năng làm việc, điều khiển người làm, có lối đối xử làm cho chồng quý mến và gìn giữ của cải trong nhà.
"Này Visakha, đó là hạnh phúc của người phụ nữ đã thành công trong niềm tin (saddha), trong giới luật (sila), trong lòng quảng đại (caga) và trí tuệ (panna)" [13]
Bà Visakha đóng góp một phần quan trọng trong nhiều lãnh vực khác nhau có liên quan đến Phật sự. Đôi khi Đức Phật dạy bà đi giải hòa những mối bất đồng giữa các tỳ khưu ni. Cũng có lúc bà thỉnh cầu Đức Phật ban hành một vài giới cho chư vị tỳ khưu ni.
Do đức độ đại lượng, bà được xem là người tín nữ có công đức nhiều nhất trong các Phật sự và cũng là vị thí chủ quan trọng nhất của phái nữ thời Đức Phật. Do phẩm hạnh trang nghiêm, tư cách thanh nhã, thái độ phong lưu tế nhị, ngôn ngữ lễ độ khôn khéo, do sự biết vâng lời và tôn kính bậc trưởng thượng, quảng đại, bác ái đối với người kém may mắn, tánh tình lịch duyệt, hiếu khách và tâm đạo nhiệt thành, bà ở được lòng tất cả những ai đã gặp bà.
Sách ghi rằng bà được diễm phúc làm mẹ của mười người con trai và mười người con gái, tất cả đều hiếu thảo. Bà từ trần lúc được một trăm hai mươi tuổi thọ.
Jivaka, Người Con Nuôi
Jivaka là vị lương y trứ danh thường ở gần Đức Phật để chăm lo sức khỏe Ngài.
Lúc vừa ra đời, mẹ ông đặt ông trong cái thùng rồi đem bỏ trên một đống rác cạnh bên đường.
Hoàng tử Abhaya, con của Vua Bimbisara (Bình Sa Vương) tình cờ đi qua, thấy quạ bu xung quanh và khám phá rằng đứa bé còn sống (jivati) nên đem về cho người nuôi dưỡng.
Vì lúc tìm ra, ông còn sống nên đặt tên là Jivaka. Vì được một vị hoàng tử đem về nuôi dưỡng nên người ta gọi là Komarabhacca.
Đến lúc trưởng thành, ông là một lương y và một nhà giải phẫu đại tài. Sách ghi rằng hai lần ông thành công mỹ mãn cuộc giải phẫu cho một nhà triệu phú mắc phải bệnh đau đầu.
Thường ngày ông đến hầu Đức Phật ba lần.
Nhân định rằng ông sẽ có thể thành đạt nhiều lợi ích nếu có một tu viện ở gần nhà nên ông cất một cái trong khu vườn xoài của ông. Sau khi hoàn thành công tác xây cất, ông đắc Quả Tu Đà Hườn. Kinh Jivaka Sutta [14] đề cập đến vấn đề ăn thịt là bài kinh mà Đức Phật giảng cho ông Jivaka.
Sau khi vua Ajatasattu (A Xà Thế) giết cha, chính ông Jivaka thúc giục vua đến yết kiến Đức Phật.
Cũng do lời thỉnh cầu của Jivaka, Đức Phật kêu gọi chư vị tỳ khưu nên hoạt động chân tay như quét nhà v.v...
Chú thích
[1] Xem bảng gia phả, cuối Chương 1.
[2] Kindred Sayings, phần 1, trang 272.
[3] Kindred Sayings, phần 1, trang 273.
[4] Xem Gradual Sayings, tập iv, trang 264-265.
[5] Gradual Sayings, tập ii, trang 77-78. Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, ii, trang 67-68.
[6] Gradual Sayings, tập iv trang 56-58. Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, tập iv, trang 92-93
[7] Xem Chương 9 (Cây bồ đề Ananda).
[8] Majjhima Nikaya iii, 262. Further Dialogues of The Buddha, tập ii, trang 302-305
[9] Kindred Sayings, phần 1, trang 80.
[10] Kesakalyana, mamsakalyana, atthikalyana, chavikalyana và vayakalyana.
[11] Đến ngày mồng 1, mồng 8, rằm và 23 âm lịch, thiện tín thường giữ bát quan giới (atthasila) tức là kiêng cữ không:
1. sát sanh, 2. trộm cắp, 3. hành dâm, 4. vọng ngữ, 5. dùng chất say, 6. ăn sau giờ ngọ, 7. khiêu vũ, ca hát, nghe âm nhạc, xem những tuồng hát không thích nghi, dùng tràng hoa, nước hoa, dầu trang sức, và 8. ngồi ghế cao và tốt đẹp.
Mặc dầu thông thường, người Phật tử giữ tám giới trong những ngày giới (Uposatha) kể trên, không có sự cấm đoán, không cho giữ bát quan trong những ngày khác. Mục đích của giới này là giúp kiểm soát hành động, lời nói và tư tưởng.
[12] Gradual Sayings, iv, trang 178-179.
[13] Gradual Sayings, iv, trang 177-178.
[14] Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, số 55.