Phật học cơ bản
Truyền thọ tam quy
Nguyên tác: Pháp Sư Tịnh Không Việt dịch: Thích Chân Tính
21/04/2553 22:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Truyền thọ tam quy
 
   Quý vị đồng học thân mến!
   Hôm nay tôi vì quý vị truyền trao Tam quy, đầu tiên nên đem ý nghĩa Tam quy nhận thức rõ ràng. Từ sự thừa truyền Phật pháp hiện nay phát sinh rất nhiều hiểu lầm, chúng ta cần phải phân biệt cho rõ ràng, mới có thể được chỗ lợi ích chân thật của Phật pháp. Phật pháp cứu cánh là gì? Nó có phải là Tôn giáo không? Nói một cách chính xác, Phật pháp là sự giáo dục đối với chín Pháp giới hữu tình chúng sinh, nó không thuộc về Tôn giáo. Năm thứ 12 Dân quốc, Âu Dương Cánh Vô tiên sinh tại Đại học Trung Sơn đệ tứ đã phát biểu một bài là: “Phật pháp chẳng phải Tôn giáo, chẳng triết học, mà là nhu cầu cần thiết của đời sống hiện tại”. Lần diễn giảng này đã làm rung động giới Phật giáo đương thời, sự phân tích của Âu Dương tiên sinh rất đạo lý. Cư sĩ Vương Ân Dương đã ghi chép lại bài này lưu truyền nơi đời, gần đây chúng tôi ở Đài Loan cũng đem bài này phiên ấn lưu thông, xin tặng quý vị để tham khảo học tập.
   Phật giáo đã là giáo dục, mục đích, phương pháp, tôn chỉ của Phật giáo ở chỗ nào, đó là điều chúng ta không thể không biết. Tôn chỉ giáo dục của Phật giáo nếu dùng danh từ Phật học để nói, thì theo như kinh điển Bát Nhã thường nói là “chư pháp thật tướng”. Dùng từ hiện nay để giảng, chư pháp là tất cả pháp, cũng chính là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Vũ trụ là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta. Nhân sinh tức là bản thân của chúng ta. Nội dung cứu cánh giáo dục Phật giáo là gì? Chính là dạy chúng ta nhận rõ chính mình, cùng với chân tướng hoàn cảnh sinh hoạt của mình. Quý vị nghĩ kỹ lại xem nó có trọng yếu hay không? Giáo dục của thế gian chỉ nói đến một bộ phận của vũ trụ nhân sinh, một bộ phận đó vẫn chưa thấy được chân thật, quá nửa còn ở chỗ tìm kiếm, nghiên cứu, không dám quả quyết kết luận. Tôn giáo cũng không thể bao hàm toàn bộ sinh hoạt của chúng ta, chỉ là cục bộ sinh hoạt. Do đó đủ biết, phạm vi nội dung giáo học của Phật giáo rộng lớn tinh thâm, chúng ta cần phải tu học.
   Không gian mà chúng ta sống, không chỉ hạn chế ở một đô thị, một khu vực trước mắt, cho đến chỗ địa cầu này. Ngoài địa cầu vẫn còn có hư không, trong hư không có vô lượng tinh cầu, rất nhiều tinh cầu có sinh vật, có những sinh vật so với chúng ta thông minh hơn, cao đẳng hơn. Toàn bộ những thứ đó đều là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta. Ngoài không gian ra vẫn có quá khứ, vị lai. Cho nên, tận hư không biến Pháp giới đều là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta.
   Phạm vi giáo dục hiện nay không có thảo luận rộng lớn như vậy, theo như Nho gia đã giảng thì đối với thời gian mà nói, nó là giáo dục một đời, bắt đầu từ hoài thai, cuối cùng đến già chết là hết. Nho gia là sự giáo dục một đời, phạm vi giáo dục của họ nói về nhân đạo, cùng lắm là nói đến thiên đạo. Khổng Phu Tử rất ít nói đến trời hoặc quỷ thần, mà nói về nhân đạo rất rõ ràng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì đem tình hình của Lục đạo nói rất rõ ràng minh bạch. Ngoài Lục đạo còn có Tứ thánh Pháp giới như Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật gọi chung là mười Pháp giới. Mười Pháp giới đều là phạm vi hoạt động của chúng ta, đều nên nhận thức rõ ràng.
   Chân tướng của vũ trụ nhân sinh nhận thức rõ ràng rồi thì tư tưởng, kiến giải, ngôn hạnh của chúng ta tự nhiên sẽ không giống như trước đây. Trước đây nhận thức không rõ ràng, mê hoặc điên đảo, cho nên nghĩ sai, thấy sai, làm sai, đây tức là chỗ tạo nghiệp của người ta. Đã tạo nghiệp đương nhiên có quả báo. Thiện nghiệp có thiện quả, ác nghiệp có ác báo. Quả báo đều là tự mình tạo tác, tự mình phải nhận chịu, không ai có thể thay thế.
   Do đó đủ biết, đệ tử Phật đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh phải hiểu biết triệt để. Sau khi hiểu rõ rồi có lợi gì? Điều lợi thì rất nhiều, nói không thể hết được. Điều thứ nhất là từ nay về sau không tạo nghiệp. Không tạo nghiệp thì không có quả, cũng không có báo, không có quả không có báo thì đi đâu? Đây chính là chỗ mà kinh điển Phật thường nói, tức là siêu việt mười Pháp giới. Mười Pháp giới là quả là báo. Nói một cách khác, Tứ thánh Pháp giới là quả, đều là người tu hành chứng quả. Lục đạo là báo, thiện có thiện báo, ác có ác báo. Lại đem tiêu chuẩn hạ xuống một chút, thì lấy Lục đạo mà nói, tam thiện đạo là quả, tam ác đạo là báo. Cho nên, tiêu chuẩn có thể cao có thể thấp, đó là điều chúng ta nhất định phải biết.
  Sau khi hiểu rõ rồi không tạo nghiệp, ít nhất cũng không tạo nghiệp ác nữa. Thực tại trong sinh hoạt của chúng ta, mỗi người đều mong muốn mình trong đời này đạt được hạnh phúc khoái lạc chân chính, gia đình mỹ mãn, sự nghiệp thuận lợi, xã hội tốt đẹp, quốc gia phú cường, thế giới hòa bình. Điều này có thể làm được không? Đều có thể làm được. Tôi xin thưa với quý vị rõ rằng, chỉ có giáo dục Phật giáo dạy chúng ta kết quả viên mãn trăm phần trăm. Nếu như đem việc này nhận xét cho kỹ mới biết, giáo dục Phật giáo là điều mà chúng ta cần phải tu học, phạm vi giáo dục này là tận hư không biến Pháp giới, đương nhiên siêu việt quốc giới, siêu việt chủng tộc, siêu việt chủ nghĩa, cũng siêu việt cả Tôn giáo. Nói một cách khác, chín Pháp giới hữu tình chúng sinh, người người đều nên tu học, đều nên tiếp thu.
   Tín đồ Tôn giáo đến học Phật, lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, chúng ta có thể thấy trong kinh điển ghi chép rất nhiều. Sau khi Phật thị hiện thành Phật, bộ kinh thứ nhất đức Phật tuyên giảng ở trong định là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.  Chúng ta thấy rất nhiều Tôn giáo khác nhau, đều đến chỗ đức Phật Thích Ca Mâu Ni để cầu học. Như Bà La Môn Thắng Nhiệt trong 53 tham là tín đồ Tôn giáo (Bà La Môn là Tôn giáo của Ấn Độ). Họ không chỉ là tín đồ Tôn giáo Bà La Môn, mà còn là học giả trong Tôn giáo Bà La Môn, cũng là lão sư giáo đồ của họ, giống như Mục sư của Cơ Đốc giáo, cha cố của Thiên Chúa giáo, giống như Biến Hành ngoại đạo v.v… Nữ Bà La Môn nói trong Kinh Địa Tạng, là con gái của Bà La Môn giáo, tu học Phật pháp, cô ta cũng chứng được quả vị A La Hán, cũng có thể chứng được quả vị Bồ tát, từ chỗ này mà xét, thì sẽ hiểu được Phật giáo xác thực là siêu việt Tôn giáo, dù cho tín đồ Tôn giáo nào đều cũng có thể học Phật được.
   Ở trong giáo dục của đức Phật, A La Hán là học vị thứ nhất, cũng giống như học vị cử nhân của đại học hiện nay, họ có thể đạt được học vị này. Bồ tát là học vị cao hơn một cấp, tương đương với học vị thạc sĩ, họ cũng có thể đạt được. Phật là học vị tối cao, tương đương với học vị tiến sĩ, họ vẫn có thể đạt được, cũng tức là nói họ có thể thành Phật, như vậy có cần phải thay đổi Tôn giáo của họ không? Không cần, giống như đến trường học vậy, chúng ta lưu học ở nước ngoài, không cần phải thay đổi quốc tịch của mình, không cần phải thay đổi chủng tộc của mình, cũng không cần phải thay đổi tín ngưỡng Tôn giáo, mà là đến để cầu học.
   Phật giáo là giáo dục, A La Hán, Bồ tát, Phật, đều là danh xưng của học vị, không cần phải thay đổi Tôn giáo, không cần phải thay đổi chủng tộc, không cần phải thay đổi quốc tịch, đều có thể đạt được bình đẳng. Đó là điều mà trước tiên chúng ta phải nhận thức rõ ràng. Chúng ta đã hiểu một cách chính xác rồi, cần phải phát tâm cầu học, phát nguyện làm học sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây chính là chỗ mà tục ngữ Trung Quốc thường nói, đã đến cầu học, trước phải chính thức tôn kính thầy. Thầy sẽ đem phương hướng, cương lĩnh, mục tiêu tu học truyền trao cho ta, cách này gọi là truyền thọ Tam quy y. Cho nên, Tam quy y là chính thức bái thầy để học đạo.
   Thầy chúng ta là Phật Thích Ca Mâu Ni, cho nên chúng ta gọi Ngài là “BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT”. Bổn sư là vị thầy gốc, giáo dục Phật Đà do Ngài sáng lập, truyền mãi cho đến ngày nay đời đời thừa truyền, chúng ta thủy chung không quên gốc, không quên ghi nhớ vị thầy Bổn sư này. Thực tại mà nói, đệ tử tại cửa Phật chỉ có một vị thầy. Học sinh của thầy thời quá khứ trước chúng ta, là học sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta ngày nay cũng tôn Phật Thích Ca làm thầy, chúng ta cùng với họ là mối quan hệ đồng học. Chư đại Bồ tát như Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Quán Âm đều là học sinh của Phật. Họ là đàn anh của chúng ta. Đương nhiên, họ có năng lực dạy đạo cho chúng ta, chúng ta có thể nhờ vào thầy để đối xử, để tôn trọng họ. Nhưng địa vị đích thực của họ là bạn học của chúng ta, là đàn anh của chúng ta, chúng ta là học đệ của họ. Mối quan hệ này cũng phải phân biệt rõ ràng, không nên đem Phật, Bồ tát, A La Hán làm thần minh để đối xử, để cầu khẩn, đó là sai lầm.
   Mục đích tu học Phật pháp ở chỗ nào? Trong kinh luận Phật thường dạy chúng ta “A NẬU ĐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ”. Câu này là dịch âm của Phạn ngữ, đương thời trong thể thức ngũ bất phiên thuộc về phần “tôn trọng không phiên dịch”. Câu này rất quan trọng, chúng ta hết sức tôn trọng, cho nên giữ lại nguyên âm của nó, dùng âm mà dịch thì ý nghĩa của nó là “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”, dùng từ hiện nay mà nói tức là “trí tuệ cứu cánh viên mãn”. Ý nói đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh không điều gì là không biết, không điều gì là không giác. Đó là mục tiêu của người học Phật mong muốn đạt đến. Học Phật phải biết điều chúng ta muốn học là gì, học là học cái “trí tuệ cứu cánh viên mãn”, học là đối với “chân tướng của vũ trụ nhân sinh phải triệt để hiểu rõ.”
   Phật nói với chúng ta, trí tuệ cứu cánh viên mãn, chúng ta xưa nay vốn có. Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Xuất Hiện đức Phật có nói: “Tất cả chúng sinh, đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai”. Đây thật là bình đẳng chân chính. Tất cả chúng sinh, không những chỉ cho người trời, mà chỉ cho tất cả động vật, sâu, kiến cũng là chúng sinh, ngạ quỷ, địa ngục cũng là chúng sinh, đều có trí tuệ viên mãn như Phật, hiện tại vì sao không có trí tuệ? Phật dạy: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc”. Câu nói này Phật đã đem căn bệnh của chúng ta mà giải trừ. Cũng chính là nói chúng ta vốn là Phật, hiện tại biến thành như vậy chính là do vọng tưởng, chấp trước, mới đem bản năng của mình bỏ mất, nhưng không phải là thật mất. Nếu thật sự mất là không phải bản năng, nó chỉ vì mê mà mất, do đó Bồ tát Mã Minh trong cuốn Luận Khởi Tín có nói với chúng ta: “Bản giác vốn có, bất giác vốn không”. Hai câu này nói rất hay. “Bản giác” chính là đức tướng trí tuệ Như Lai, chúng ta vốn có. Vốn có đương nhiên, có thể chứng đắc. Điều này khiến cho chúng ta kiến lập tín tâm, có thể đạt đến mục tiêu ấy, có thể đạt đến nguyện vọng ấy.
   “Bất giác” chính là vọng tưởng, chấp trước mà Phật đã nói. Vọng tưởng, chấp trước vốn vô, vốn không có, nhất định có thể đoạn trừ được hết. Vốn có, nhất định có thể chứng đắc. Điều này khiến chúng ta thành Phật đạo, đoạn vọng tưởng, phá chấp trước, tín tâm được đầy đủ. Cho nên, chân tướng của sự thật nếu không hiểu rõ, chúng ta cũng vẫn cứ hoài nghi. Chúng ta là hàng phàm phu tội nghiệp sâu nặng có thể chứng đắc được Phật đạo không? Phiền não, tập khí, vô minh của chúng ta nặng như vậy, có thể đoạn dứt được không? Phật, Bồ tát từ bi chân thành vì ta mà nói, vốn có, thì nhất định có thể đạt được, vốn không có, thì nhất định có thể đoạn trừ. Lý thì không sai, nhưng trên sự thật phải làm như thế nào? Trên sự thật thì phải chú trọng tu hành.
   Lý là chỉ tính đức, đức năng của bản tính xác thực là đầy đủ, nhưng ngày nay chúng ta xét cho cùng là có chướng ngại. Giống như trên trời có mặt trời, nhưng lúc bị mây che chúng ta không thấy được, đó cũng là sự thật. Tuy không thấy nhưng xác thực là có mặt trời, chỉ cần giải tỏa những đám mây ấy đi thì mặt trời sẽ xuất hiện. Tính đức của chúng ta giống như mặt trời, chỉ cần đem đám mây vọng tưởng, chấp trước trừ đi, một lần công phu ấy là tu đức. Có tu đức, tính đức mới hiển hiện. Nếu như có tính đức, không có tu đức thì là Lục đạo phàm phu, đều không có tu đức. Tính đức tuy vốn có đủ vẫn phải luân hồi, vẫn phải sinh tử, vẫn phải chịu các thứ khổ đau. Cho nên, tu đức rất trọng yếu.
Tu cái gì? Tu pháp nào? Bước đầu vào cửa Phật cầu thọ Tam quy, tức là thỉnh cầu thiện tri thức đem cương lĩnh tu hành Phật giáo truyền trao cho chúng ta, để biết mình tu cái gì. Tam quy, quy là hồi đầu, y là nương tựa. Nhà Phật thường nói: “Hồi đầu là bờ”. Người Trung Quốc ngày xưa nói: “Hồi đầu như ý”. “Như ý” của Trung Quốc, đầu là quay trở lại. Xưa kia làm quan lớn, trưởng giả giàu có trong tay thường nắm giữ như ý, là để lúc nào cũng nhắc nhở lấy mình, phải biết hồi đầu. Cho nên, như ý cầm trong tay là khiến cho người ta nhìn thấy nó, biết hồi đầu, hồi đầu là bờ. Từ trong đó mà hồi đầu.
   Tam quy y điều thứ nhất là quy y Phật. Đây là nói Tam bảo, tu hành Tam bảo, thứ nhất là Phật bảo. Phật ý là giác ngộ, Phật Đà là tiếng Ấn Độ, Trung Quốc ý là giác ngộ. Nói một cách khác, dạy chúng ta từ bất giác, từ mê hoặc điên đảo quay đầu trở lại, nương theo giác ngộ. Quý vị nên suy nghĩ cho tường tận, chúng ta ngày nay phát tâm học Phật, để cầu thọ Tam quy y, tự mình có giác ngộ hay không? Chỉ không giác ngộ mới không chịu hồi đầu, không chịu học Phật. Cho nên, học Phật để cầu thọ Tam quy y, chính là giác ngộ. Trên đường có rất nhiều người, bạn hỏi họ vì sao họ không chịu học Phật, vì sao họ không chịu thọ Tam quy y? Họ vẫn không biết, vẫn mê hoặc điên đảo, cho nên phát tâm học Phật, phát tâm cầu thọ Tam quy y, là bắt đầu giác ngộ.
   Trong Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng vì chúng ta giảng Tam quy. Ngài không nói quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Chúng ta suy đoán dụng ý của Ngài, đại khái là Phật pháp truyền đến Trung Quốc, trải qua thời gian rất lâu, e rằng người thường nói đến Phật Pháp Tăng sẽ nảy sinh quan niệm sai lầm, khi nói đến Phật thì nghĩ ngay đến tượng Phật bằng gỗ hoặc xi măng, nói đến Tăng thì nghĩ đến người xuất gia, đây không phải là chỗ quy y chân chính. Tam quy y giảng Phật là tự tính Phật, tức là giác ngộ tự tính, cũng chính là bản giác. Bồ tát Mã Minh giảng: “Bản giác vốn có”. Nương theo bản giác vốn có của bạn đó là đúng, không nên nương theo thố giác và bất giác của bạn. Từ thố giác, từ bất giác của bạn mà hồi đầu, nương theo bản giác vốn có của bạn đó là quy y Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng quy y Phật, không nói quy y Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật không nói pháp này. Đây là điều rất quan trọng. Quy y tự tính Phật chính là hồi đầu nương tựa tính giác, nhất định không thể làm sai. Nếu nương vào hình tượng bằng gỗ hoặc bằng đất, như tục ngữ có nói: “Bồ tát bằng đất qua sông, tự thân khó giữ còn hòng độ ai’’. Đó là điều không thể, là điều sai lầm lớn.
   Thứ hai là quy y Pháp. Pháp là chính tri chính kiến, tức là tư tưởng chân chính, hiểu biết chân chính, đối với cái nhìn, cái hiểu về vũ trụ nhân sinh đều không có sai lầm, đó là Pháp Bảo, là trí tuệ vô lượng tự tính vốn có đầy đủ. Kinh Phật thường nói “Trí tuệ Bát Nhã” chính là Tự tính Pháp Bảo. Chúng ta ở tại thế gian, đối sự, đối vật nếu nghĩ sai, thấy sai, nói sai, làm sai, Phật dạy chúng ta từ tất cả sai lầm mà hồi đầu, nương vào trí tuệ tự tính vốn có, đó là quy y Pháp Bảo. Sau khi Phật diệt độ, Tam bảo lấy Pháp Bảo làm trung tâm, lấy Pháp Bảo làm chủ, nói một cách khác, lấy trí tuệ làm chủ.
   Trí tuệ xét cho cùng không phải trong khoảng thời gian ngắn có thể khôi phục, lúc trí tuệ của chúng ta chưa khai, thì phải làm cách nào? Tất cả kinh luận Phật nói với chúng ta, chính là chính tri chính kiến của Phật đối với vũ trụ nhân sinh, tạm thời chúng ta lấy đó làm tiêu chuẩn. Trí tuệ của mình chưa khai thì nương theo kinh luận của Phật, khi chúng ta nghĩ điều gì, cần phải lấy kinh điển để đối chiếu, Phật nghĩ như thế này, ta cũng nghĩ như vậy, chứng minh cách nghĩ của ta không sai, hiểu biết này là chính xác, là chính tri chính kiến. Như Phật dạy chúng ta phải hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp, và ta cũng nghĩ như vậy, chứng minh cách nghĩ này của chúng ta là chính xác.
   Nếu như cách nghĩ của ta với lời nói của Phật không giống nhau, phải nhớ rằng cách nghĩ ấy của chúng ta nhất định sai lầm, tuyệt đối không phải cách nghĩ, cách nhìn trong kinh điển của Phật sai lầm. Dù thế nào cũng không nên cho rằng Phật là người của 3000 năm trước, hiện nay chúng ta tiến bộ hơn so với tư tưởng của Ngài. Nghĩ như vậy là sai lầm rất lớn. Cách nghĩ này thật là vớ vẩn. Không nên cho rằng khoa học phát đạt như thế, mà chúng ta còn phải dùng công cụ máy móc, mới có thể đem âm thanh, hình ảnh ghi chép được. Phật, Bồ tát không dùng những thứ này, vậy mà đời quá khứ, đời vị lai đều biết. Ngài không cần dùng máy ghi hình vẫn có năng lực đem thế giới mười phương hiển hiện trước mắt, cũng giống như vô tuyến truyền hình vậy, hơn nữa là hình nổi, chứ không phải hình phẳng. Ngài không cần những công cụ máy móc này, vậy thì đó là năng lực gì? Là chính tri chính kiến, tính đức có thể sinh vạn pháp, do đó nên có thể làm được. Chúng ta phát minh những thứ cơ khí này đều là do vọng tưởng phát hiện, so với thần thông vô lượng của Phật, Bồ tát thì cách xa quá nhiều. Chúng ta phải khẳng định, phải thừa nhận những lời dạy trong kinh điển của Phật là chân thật, là chính xác. Chúng ta phải xả bỏ thành kiến của mình, y theo lời Phật dạy mà tu hành.
   Nói đến điểm này, chúng ta lại phải chú ý đến một việc nữa là kinh giả, nếu chúng ta gặp kinh điển giả dễ bị người lừa gạt. Đặc biệt là hiện nay đề xướng tự do xuất bản nên ai cũng đều có thể viết sách. Không như trước kia, kinh điển trước kia truyền đến Trung Quốc, phải trải qua các học giả chuyên môn đương thời giám định, do nhà nước thống nhất ban bố, chứng minh bản kinh sách đó là thật. Lịch đại Tổ sư đối với việc chú giải kinh luận cũng phải trải qua các vị cao Tăng đại đức đương thời chứng minh họ giảng không sai, xác thực phù hợp với ý của Phật. Rồi đem trình báo cho vua, vua phê chuẩn thì bộ sách đó mới có thể ấn hành lưu thông, không như hiện nay chẳng có người quản chế. Cho nên, chúng ta muốn tra kinh, đọc kinh, nhất định phải đọc kinh điển chân chính.
   Kinh điển chân chính với kinh giả làm sao phân biệt? Phân biệt không khó, có thể tra trong Đại Tạng Kinh. Kinh trong Đại Tạng tuyệt đối là chân thật. Tôi khuyên các bạn đồng học nên xem Đại Tạng Kinh đời xưa của Trung Quốc. Vì sao? Hiện nay, Đại Tạng Kinh mà người ta biên tập, đối với cá nhân là tốt, nhưng tác phẩm của họ không có trải qua các sự thẩm tra của tập thể có uy tín mà đưa vào trong Đại Tạng Kinh. Cho nên, Đại Tạng Kinh biên tập hiện nay không bằng Đại Tạng Kinh biên tập ngày xưa. Đọc Đại Tạng Kinh, cần phải đọc bản triều Thanh về trước mới đáng tin cậy. Đại Tạng Kinh triều Thanh là do thời đại Càn Long biên tập gọi là Long Tạng. Hiện nay, Đài Loan đem bộ này in thành 162 quyển, gọi là Càn Long Đại Tạng Kinh, đây là bộ Đại Tạng biên tập sau cùng trải qua nhiều đời của Trung Quốc. Khoảng năm Dân quốc cũng biên tập rất nhiều, nhưng e rằng có người trộn lẫn những thứ giả ở trong đó. Từ Càn Long về trước tuyệt đối không có pha tạp thứ giả, bởi vì phải trải qua sự phê chuẩn của vua. Khi vua phê chuẩn là căn cứ vào sự thẩm tra của các cao Tăng đại đức đương thời, cho nên rất nghiêm túc. Như vậy chúng ta mới có thể phân biệt bộ kinh nào là chân thật, bộ kinh nào là giả. Bộ chú giải nào xem được, bộ chú giải nào không cần phải xem. Đó là tiêu chuẩn để chọn lựa. Nhất định phải khiêm nhường, đối với Phật phải tin tưởng, tin sâu không nghi, cần phải xả bỏ thành kiến của mình, tiếp thụ lời dạy của Phật, Bồ tát.
   Thứ ba là quy y Tăng. Tăng không phải chỉ người xuất gia. Tăng ý là thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh, một hạt bụi trần không nhiễm. Người hiện nay rất đáng thương, ô nhiễm về tâm lý, ô nhiễm về tinh thần, ô nhiễm về tư tưởng, ô nhiễm về hiểu biết, thậm chí ô nhiễm về cả về sinh lý. Không những thân tâm chúng ta bị ô nhiễm nghiêm trọng, môi trường sinh thái của địa cầu cũng mất quân bình, đó là sự ô nhiễm của toàn thế giới. Nghe nói tầng ôzôn bị thủng, trời cũng bị ô nhiễm nữa, thật đáng sợ. Trời, đất, người đều ô nhiễm nghiêm trọng. Phật dạy chúng ta từ trong ô nhiễm này mà hồi đầu, nương tựa vào tâm thanh tịnh. Sự ô nhiễm môi trường ngày nay ai cũng đều ý thức, cho nên rất nhiều quốc gia chính phủ đều đề xướng bảo vệ môi trường trong sạch. Công tác bảo vệ này có hiệu quả không? Rất có hiệu quả. Phật nói: “Y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”. Nếu trong tâm chúng ta ô nhiễm không thể tịnh hóa, sự ô nhiễm môi trường không có cách gì đạt được tiêu chuẩn thanh tịnh, cho nên muốn cải thiện sự ô nhiễm môi trường, trước phải từ chỗ tịnh hóa tâm con người. Đó là điều quy y thứ ba trong Tam quy, từ chỗ nhiễm ô quay trở về tâm trong sạch.
   Tăng bảo không những hàm ý thanh tịnh mà còn có ý là hòa hợp. Chúng ta quan sát thế giới, giữa nước này với nước kia không hòa, giữa Tôn giáo với Tôn giáo không hòa… khiến cho cuộc sống của chúng sinh rất thống khổ. Cho nên, Phật dạy chúng ta Lục hòa kính, đây là bài pháp mà người đệ tử Phật cần phải tu học. Tăng nghĩa là thanh tịnh, hòa kính. Chúng ta từ chỗ bất hòa, bất kính mà hồi đầu, nương theo lục hòa kính, nương theo tâm thanh tịnh. Đây chính là bước đầu vào cửa Phật truyền trao cho chúng ta cương lĩnh học Phật tu hành. Cương lĩnh này từ lúc sơ phát tâm cho đến thành Phật đều không thể thay đổi. Cho nên nó là cương lĩnh học Phật tuyệt đối, cương lĩnh chân thật.
   Quy y Phật là giác mà không mê, quy y Pháp là chính mà không tà, quy y Tăng là tịnh mà không nhiễm. Tam quy y là Giác, Chính, Tịnh. Sau này có người hỏi: “Bạn học Phật, tu hành là tu cái gì?”. Chúng ta có thể trả lời: “Tôi tu Giác, Chính, Tịnh”. “Bạn học Phật là học cái gì?”. Học trí tuệ cứu cánh viên mãn. Giác, Chính, Tịnh đạt đến trình độ viên mãn “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” thì được, đây chính là thành Phật. Trí tuệ cứu cánh viên mãn làm thế nào có thể đạt được? Tu Giác, Chính, Tịnh thì có thể đạt được. Đây là điều mà chúng ta học, tu rõ ràng minh bạch. Có người hỏi bạn: “Bạn tu phương pháp gì?”. Phương pháp là pháp môn mà nhà Phật giảng giải, pháp là phương pháp, môn là môn kính (con đường). Phương pháp môn kính rất nhiều, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, phương pháp môn kính không có nhất định, có thể tùy duyên thay đổi sử dụng. Thế nhưng phải ghi nhớ mục tiêu không thể thay đổi, mục tiêu đó là Giác,   Chính, Tịnh, còn phương pháp có thể thay đổi được. 
   Phương pháp chủ yếu của chúng ta ngày nay áp dụng là “Trì danh niệm Phật”. Pháp này do ngài Đại Thế Chí Bồ Tát đề xướng. Trong Kinh Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền Bồ Tát cũng đề xướng, chúng ta nên dùng phương pháp này tu là chính. Ngoài môn tu chính này ra, trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta có thể dùng nhiều pháp môn khác để phối hợp, đó là trợ tu. Về phương diện trợ tu, chúng ta đề xướng Ngũ đức, dùng Ngũ đức trợ giúp chúng ta tu dưỡng thân tâm. Ngũ đức là điều mà Khổng Tử tu tập. Trong Luận Ngữ có nói, học trò của Khổng tử tụ tập một chỗ, mọi người nói về đức hạnh của thầy, họ đều thừa nhận Ngài có năm đức: ôn, lương, cung, kiệm, nhượng (ôn hòa nhân hậu, lương thiện, cung kính thận trọng, tiết kiệm, nhịn nhường). Đó là thánh nhân của Trung Quốc, chúng ta lấy Ngài làm tấm gương, làm tiêu chuẩn, chúng ta nên học Ngũ đức này. Ngũ đức là nền tảng của nền tảng, từ trên Ngũ đức này mà xây dựng Tam phước.
    Tam phước được nói trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Thứ nhất là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Thứ hai là thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi. Thứ ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, tụng đọc Đại thừa, khuyến người tu hành. Phật nói Tam phước này là chính nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật. Tất cả chư Phật mười phương ba đời do đâu thành Phật? Đều từ trên cơ sở này tu tập mà thành. Do đó, chúng ta học Phật, tương lai muốn thành Phật, đương nhiên không thể lìa cơ sở này được. Điều này rất trọng yếu.
   Từ Tam phước tiến tu Lục hòa. Lục hòa kiến lập trên cơ sở Tam phước. Tam phước không làm được thì Lục hòa tuyệt đối cũng không thể thực hành được. Lục hòa kính gồm: Thứ nhất là “Kiến hòa đồng giải”, chính là xây dựng hiểu biết chung mà chúng ta đang nói ngày nay. Nếu mọi người trên thế giới, tư tưởng hiểu biết đều gần gũi nhau, trên thế giới sẽ hòa bình, sẽ không có tranh chấp lẫn nhau. Cho nên, giáo dục của Phật là đối với tất cả chúng sinh tận hư không biến Pháp giới mà xây dựng ý thức chung, ý thức chung này thật sự rất cao minh, là ý thức chung của tự tính, mà chẳng phải đi theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đi. Sự cao minh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khiến cho người ta bội phục, nhưng Ngài không thể lôi chúng ta đi được, mà chỉ dạy chúng ta mỗi người đầu đội trời chân đạp đất, phát huy đức năng trí tuệ tự tính, không phải học theo Ngài là đủ, mà là khai phát đức năng trí tuệ tự tính của mình. Cách dạy học này thật sự khiến cho người ta tâm phục khẩu phục. Thứ hai là “Giới hòa đồng tu”, giới hòa tức là thủ pháp (tuân theo pháp luật), người người bồi dưỡng quan niệm thủ pháp. Mọi người hiểu biết thân cận nhau đều có thể thủ pháp, xã hội an định phồn vinh, thiên hạ thái bình tự nhiên thực hiện được. Trong Lục hòa kính, còn có một điều rất trọng yếu đó là “Lợi hòa đồng quân”. Xã hội ngày nay khoảng cách của cải không lớn lắm, càng gần càng tốt, đó là sự phân phối của cải đồng đều, lòng người bình rồi thì sẽ không có tranh chấp. Đương nhiên, của cải phân phối đồng đều là trí tuệ rất cao, đây thật là tu phước. Của cải của người ta tuyệt đối không bình đẳng, bởi vì mỗi cá nhân tu phước báo không giống nhau, cũng tức là tu nhân không giống nhau. Có người trồng cây, họ sẽ thu quả. Có người không trồng cây, họ sẽ không có quả để thu. Có thu hoạch muốn phân chia một chút cho bạn, thì người nhà phải đồng ý từ bi bố thí mới được. Chân tướng của sự thật này chỉ có Phật pháp mới giảng rõ ràng minh bạch. Một mặt Phật khuyên người có phước báo phải chiếu cố người không có phước báo, đồng thời khuyên người không có phước báo phải tu phước nhiều hơn nữa, để đời sau phước báo của bạn và họ như nhau, thậm chí còn vượt hơn họ. Đó là gốc ngọn đều đầy đủ. Chỉ có Phật pháp thật sự thù thắng, có thể giúp cho thiên hạ thái bình.
   Có cơ sở Tam phước, Lục hòa rồi, từ đó mới có thể kiến lập Phật pháp chân chính. Giới, Định, Tuệ Tam học, là môn học chung của Tam thừa. Từ cơ sở này lại kiến lập Đại thừa Phật pháp, tức là “Lục độ”, lục Ba–la– mật của Bồ tát. Từ Ba–la–mật lại kiến lập Nhất thừa Phật pháp. Như trong Kinh Pháp Hoa đã nói: “Chỉ có Nhất thừa pháp, không hai cũng không ba”. Còn trong Kinh Hoa Nghiêm thì là: “Thập đại nguyện vương” của Bồ tát Phổ Hiền.
   Quý vị tu học Tịnh tông nên biết, chúng ta lấy Ngũ đức của Khổng Phu Tử làm căn bản  làm người xử thế. Từ trên căn bản này tu thêm, tức là Tam phước, Lục hòa, Tam học, Lục độ, Thập nguyện mà đức Phật đã dạy chúng ta, những pháp này rất dễ nhớ, cũng không nhiều lắm, năm mục này làm trợ học cho chúng ta. Chính trợ song tu, những thứ mà đời này chúng ta mong cầu như hạnh phúc an vui, gia đình mỹ mãn, sự nghiệp thành công, xã hội tốt đẹp, nhất định có thể đạt được. Do đó nên biết, đã hiểu rõ ràng rồi, lại phát tâm lễ bái thầy, thì phải nhận thức rõ việc tu học, hy vọng đạt đến mục tiêu lý tưởng giáo dục. Tôi vì quý vị truyền trao Tam quy y chân chính, quy y tự tính Tam bảo.
Ngoài tự tính Tam bảo còn có trụ trì Tam bảo, tức là Tam bảo trên hình thức. Trên hình thức, tượng Phật là Phật bảo. Phật không còn tại thế, tượng Phật dù là điêu khắc hay họa vẽ, hoặc hình ảnh in hiện nay đều tốt cả. Cúng dường tượng Phật có hai ý trọng: thứ nhất là không quên gốc. Chúng ta thấy tượng Phật thường nghĩ đến lời dạy của thầy, tưởng nhớ ân đức của thầy. Như người Trung Quốc không quên tổ tiên, tổ tiên đã mất chúng ta lại cách xa, diện mạo cũng không biết, chúng ta vẫn phải cúng bài vị lịch đại tổ tông, thường nghĩ đến tổ tiên, đó là không quên gốc, tâm địa tử tế. Thứ hai là nhắc chúng ta thấy bậc hiền noi theo, thầy đã thành Phật, ta cũng phải thành Phật, nhắc mình quy y Phật. Khi nhìn tượng Phật, ta phải quy y giác, phải giác mà không mê. Tượng Phật có tác dụng như thế, nếu không thì ai sẽ thường thường nhắc nhở bạn? Không có người nào nhắc nhở bạn cả, người ta nhắc nhở bạn, bạn còn trách họ là rắc rối, cho nên dùng tượng Phật để nhắc nhở mình quy y giác. Khi thấy kinh sách thì nghĩ đến ta quy y Pháp, tư tưởng hiểu biết của ta phải chính xác. Khi thấy người xuất gia, thì nghĩ đến ta phải giữ sáu căn thanh tịnh, một hạt bụi trần không nhiễm, phải hòa thuận đối xử với người. Cho nên, trụ trì Tam bảo có tác dụng rất tốt. Người xuất gia mặc Tăng phục, bạn đã thọ Tam quy y rồi, khi thấy người xuất gia, tự nhiên nghĩ đến phải sáu căn thanh tịnh. Nhìn người thường thì sẽ không nghĩ như vậy. Cho nên, trụ trì Tam bảo đối với chúng ta có lợi ích rất lớn, luôn luôn nhắc nhở chúng ta.
   Trong nhà quý vị thiết trí bàn thờ, cúng dường Tam bảo, tượng Phật là Phật bảo, tượng Bồ tát là Tăng bảo. Nếu chúng ta thờ Tây phương tam Thánh, Quan Âm Thế Chí là Tăng bảo. Các Ngài là học trò của Phật, là bạn học trước của chúng ta. Kinh sách là Pháp bảo. Trong nhà thờ Tam bảo đầy đủ, lúc nào cũng nhắc nhở chúng ta không quên tự tính Tam bảo.
    Kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh mà chúng tôi hiện nay đặc biệt đề xướng. Nội dung của bộ kinh này rất viên mãn. Kinh văn không dài, rất thích hợp với người thời nay tu học. Trên đề kinh đã đem toàn bộ tôn chỉ mục tiêu, phương pháp tu hành trong Phật pháp hiển thị ra, đó là chỗ bất khả tư nghị của kinh này. Người học Phật chúng ta cầu gì? Chúng ta cầu vô lượng, công đức tự tính là vô lượng. Kinh nói “Vô lượng thọ” là đại biểu cho vô lượng. Thọ mạng vô lượng, trí huệ vô lượng, tài nghệ vô lượng, đức năng vô lượng, của cải vô lượng, ta đều mong cầu vô lượng thứ. Tự tính vốn đầy đủ vô lượng tính đức. Cho nên, đại sư Huệ Năng lúc khai ngộ đã nói: “Nào ngờ tự tính vốn đầy đủ. Nào ngờ tự tính hay sinh vạn pháp”. Mười Pháp giới y chính trang nghiêm vô lượng vô biên, đều là tự tính biến hiện ra, chúng ta ngày nay cầu là cầu cái này. Dùng lời hiện nay mà nói, “trang nghiêm” tức là chân thiện mỹ tuệ. Tại thế gian này, chân thiện mỹ tuệ là hữu danh vô thật. Chỗ nào có chân thật? Trong tự tính là chân thật. Nếu bạn hướng vào tự tính, hướng vào trong mà tìm, chân thiện mỹ tuệ đầy đủ, thì là đều tốt đẹp, đó là hình ảnh của tính đức.
   Phương pháp tu học là chữ “thanh tịnh” trong đề kinh. “Thanh tịnh” là Tăng Bảo, “bình đẳng” là Pháp Bảo, “giác” là Phật bảo, ba cương lĩnh lớn của sự tu hành hiển thị trong đề kinh này. Năm chữ này là Tam bảo, cũng là Tam học, Tam học bao quát tất cả kinh luận mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong 49 năm. Thanh tịnh là giới học, tức là tạng Luật. Bình đẳng là định học tức là tạng Kinh. Giác là tuệ học tức là tạng Luận. Cho nên, năm chữ này là ba tạng, lại là Tam học, Tam bảo.
   Bộ kinh này tuy mỏng, nhưng toàn bộ Phật pháp thâu tóm trong đó. Nếu chúng ta công việc bận rộn, không có thời gian nhiều nghiên cứu kinh điển Phật giáo, nên từ bộ kinh này hạ thủ công phu. Bộ kinh này đã quán thông rồi thì Đại Tạng Kinh mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong 49 năm cũng sẽ thấu suốt toàn bộ. Không chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong 49 năm, cho đến mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai, vì tất cả chúng sinh tuyên thuyết vô lượng vô biên pháp môn, cũng không vượt ra ngoài nội dung kinh này. Bộ “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” này, có thể nói là tóm thâu tất cả kinh, tinh hoa của tất cả kinh, do chỗ đặc biệt này nên giới thiệu với quý vị. Chúng ta muốn quy y, thật sự mà nói, y chiếu lời dạy trong bộ kinh này mà tu học, Tam quy y sẽ đạt đến chỗ viên mãn cứu cánh.
   Hôm nay tôi đem đại ý của Tam quy y truyền trao cho quý vị, quý vị chân thành tiếp nhận, ở trước chư Phật, Bồ tát cung kính phát thệ quy y đọc ba lần, phát thệ phải phát từ trong tâm phát ra. Tôi xin phát nguyện, nguyện làm học trò của Phật, mong muốn được học Phật. Tịnh Không này vì bạn làm chứng minh, tôi là thầy chứng minh của bạn, là thầy truyền trao Tam quy cho bạn. Bổn sư là Phật Thích Ca Mâu Ni, phải hiểu rõ điều này. Không nên xem tôi là Bổn sư, vì nói rằng quy y với pháp sư Tịnh Không, đó là sai lầm lớn. Chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là đệ tử của Tam bảo. Đại ý của quy y Tam bảo chính là chỗ này.
   Phần dưới là nghi thức Tam quy, giản đơn mà long trọng. Chúng ta có một tờ giấy chứng nhận quy y, lời nguyện ở trong đó là do đại sư Hoằng Nhất y theo giới luật trích ra. Đại sư nói với chúng ta, lời thệ nguyện này đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn tại thế đã dùng để trao Tam quy y cho đệ tử. Cho nên, chúng ta cũng dùng lời thệ nguyện này, đã không quên gốc lại còn rất đơn giản, dễ thọ trì. Quý vị cần phải đem tâm chí thành, tâm thanh tịnh, tâm từ bi, tâm cung kính ở trước tượng chư Phật, Bồ tát, theo lời nói của tôi, thận trọng tuyên thệ, thề làm đệ tử Tam bảo, từ nay về sau y theo lời dạy của Phật tu hành, cầu sinh Tịnh độ, quảng độ chúng sinh.
   A Xà Lê chứng giám, con đệ tử Diệu Âm, từ nay cho đến trọn đời:
                                                               Quy y Phật Đà lưỡng túc trung tôn
                                                               Quy y Đạt Ma ly dục trung tôn
                                                               Quy y Tăng Già chư chúng trung tôn.