Bà chủ nhà làm thế nào trong sinh hoạt hàng ngày
tu Bồ-tát đạo
Mỗi ngày làm công việc giống nhau, chắc chắn sẽ có cảm giác rất chán. Nhất là bà chủ gia đình, dường như cả ngày không có giải thoát, phần nhiều đều cảm thấy khổ não. Nếu có thể đem quan niệm này chuyển đổi lại thì sẽ được rất nhiều an lạc. Trong quan niệm của người phàm thường chấp trước có “ta”, ta làm, ta vất vả, ta vì sao phải làm thay cho người, càng nghĩ phiền não càng nhiều. Nếu học Bồ tát đạo, phát đại thệ nguyện muốn phổ độ chúng sinh, cách nghĩ cách nhìn của họ sẽ khác đi.
Hành Bồ tát đạo, thứ nhất phải tu Bố thí Ba–la–mật. Bồ tát chủ nhà ở trong gia đình vì người nhà mà phục vụ, đó là tu bố thí Ba–la–mật. Bố thí có ba thứ, là tài thí, pháp thí, vô úy thí. Tài thí có nội tài, ngoại tài. Ngoại tài là chỉ cho việc kiếm tiền bên ngoài, cúng dường sinh hoạt cho một nhà. Nội tài là dùng thể lực của mình vì người trong nhà mà phục vụ. Công việc ở trong nhà làm cho được viên mãn ba điều bố thí này. Bạn sửa sang việc nhà cho ngăn nắp, sạch sẽ khiến cho sinh hoạt của người nhà được thoải mái, khiến cho người hàng xóm mến mộ đó là Trì giới Ba–la–mật, trì giới tức là tuân thủ pháp luật. Bạn làm với tâm trí chịu đựng, làm không mệt mỏi, không chán nản tức là Nhẫn nhục Ba–la–mật. Mỗi ngày cần phải cải tiến, hy vọng ngày hôm sau tốt hơn ngày hôm nay đó là Tinh tấn Ba–la–mật. Tuy mỗi ngày làm rất nhiều việc nhà, tâm vẫn thanh tịnh, một hạt bụi trần không nhiễm, tức là Thiền định Ba–la–mật. Trong tâm thanh tịnh thường sinh trí tuệ, tràn đầy niềm vui pháp, là Bát nhã Ba–la–mật. Vì thế, hiểu được Lục Ba–la–mật của Bồ tát, chính là thành tựu một cách viên mãn các việc như lau bàn, quét nhà, giặt áo, nấu cơm. Đó chính là học Bồ tát hạnh, tu Bồ tát đạo mà Thiện Tài đồng tử đã biểu diễn trong Kinh Hoa Nghiêm.
Bạn làm việc nhà tốt rồi, tức là làm bà chủ nhà gương mẫu của thế gian, gương mẫu của tất cả gia đình. Như thế có thể độ được hàng xóm, suy rộng ra có thể ảnh hưởng xã hội, quốc gia, thế giới cho đến tận hư không biến Pháp giới. Như thế mới hiểu được việc quét nhà, lau bàn, nấu cơm, giặt áo của Bồ tát tại gia vốn là đại nguyện đại hạnh độ tận hư không biến Pháp giới hết thảy chúng sinh. Như thế mới là học Phật, là chính niệm, là thật tướng của các pháp. Nếu có thể quán sát như thế thì tràn đầy niềm vui pháp, làm sao khởi phiền não được! Tu học Phật pháp nhất định phải thực hiện trong cuộc sống, không thực hiện trong cuộc sống thì không có tác dụng. Nếu hiểu rõ điều này, đem suy diễn ra, làm việc tại công ty cũng là tu Lục Ba–la–mật. Bồ tát ở các ngành nghề thị hiện các loại thân nam nữ già trẻ khác nhau, tu học tức là cuộc sống của mình, bình đẳng không hai, đều là một không có hai.