Những tâm hồn trĩu nặng
Trong cuộc sống, trạng thái tâm hồn chúng ta thường xuyên thay đổi, phần
lớn là tùy thuộc vào tính chất của những gì xảy đến với ta và cảm nhận
của bản thân ta đối với những sự việc ấy. Khi gặp những diễn tiến thuận
lợi, những cảm nhận êm ái, thích thú, tâm hồn ta thấy vui vẻ, sảng
khoái, và những lúc ấy ta trải qua một trạng thái tâm hồn thường là nhẹ
nhàng, thanh thản. Ngược lại, khi gặp phải những điều trở ngại, bất lợi,
những cảm nhận bực dọc, khó chịu, tâm hồn ta thường trải qua một trạng
thái nặng nề, trầm uất...
Nhưng đó chỉ là nói qua một vài khía cạnh nổi bật nhất. Sự thật thì mỗi
người chúng ta nếu tĩnh tâm suy xét lại, tự phân tích những trạng thái
tâm hồn mà mình đã trải qua, đều có thể thấy được vô số những dị biệt,
vô số những cảm nhận khác nhau, thậm chí có thể nói là không sao kể ra
hết được. Đôi khi chúng ta còn có cả những trạng thái xen lẫn như nửa
buồn nửa vui hoặc vừa mừng vừa sợ... Nói cách khác, vấn đề vô cùng phức
tạp và hầu như hoàn toàn không thể phân tích theo phương pháp liệt kê
của toán học hay phân loại cụ thể theo khoa học...
Tuy nhiên, trong sự rối rắm phức tạp vô cùng đó, chúng ta có thể dễ dàng
nhận thấy nổi bật lên hai khuynh hướng chính trái ngược nhau. Một số
trạng thái tâm hồn có thể được mô tả là nhẹ nhàng, thanh thản, tất nhiên
là với những mức độ khác nhau, và một số trạng thái ngược lại có thể mô
tả như là nặng nề, trầm uất, cũng với những mức độ khác nhau. Khi hai
khuynh hướng này đồng thời xuất hiện, chúng sẽ tác dụng theo nguyên tắc
“mạnh được, yếu thua”, nghĩa là khuynh hướng nào mạnh hơn sẽ đẩy tâm hồn
ta đi về phía tương ứng của nó, hoặc là nhẹ nhàng thanh thản, hoặc là
nặng nề trầm uất...
Hai khái niệm “nhẹ” và “nặng” được dùng ở đây tất nhiên là với nghĩa
trừu tượng của chúng, nhưng điều đó không có nghĩa là không liên quan
đến nghĩa đen của từ. Nếu ta nhớ lại những trạng thái tâm hồn mà bản
thân mình đã từng trải qua, ta sẽ có thể thấy rằng việc sử dụng hai khái
niệm này để mô tả các trạng thái của tâm hồn là vô cùng chính xác.
Khi tâm hồn ta thực sự nhẹ nhàng, thanh thản, có khi ta cảm thấy bản
thân mình cũng như tất cả mọi sự vật quanh ta đều nhẹ nhàng đến mức
dường như có thể dễ dàng bay bổng lên, nhảy múa trong niềm hân hoan hay
sự sảng khoái mà ta đang cảm nhận. Mỗi một hành vi, cử chỉ của ta trong
lúc ấy đều có thể nhẹ nhàng, linh hoạt và được thực hiện một cách dễ
dàng, như thể trọng lượng cơ thể ta đã thật sự “nhẹ” đi rất nhiều...
Ngược lại, khi tâm hồn ta chìm sâu trong sự nặng nề, trầm uất, ta cảm
thấy bản thân mình cũng như mọi thứ chung quanh đều nặng nề, chậm chạp.
Trong tâm trạng đó, ta cảm thấy ngay cả những cử động thông thường như
nhấc tay, đưa chân... cũng đều nặng nề, khó khăn hơn, như thể là trọng
lượng thân thể đã “nặng” thêm rất nhiều...
Và thực ra thì sự nặng, nhẹ của những trạng thái tâm hồn như thế đã thay
nhau chi phối cuộc sống của chúng ta. Và trong một chừng mực nào đó,
chúng tác động đến tình cảm, cung cách ứng xử cũng như quan điểm của ta
về đời sống.
Khi tâm hồn ta nhẹ nhàng, thanh thản, ta dễ có khuynh hướng giúp đỡ, tha
thứ cho những lỗi lầm của người khác, kể cả những lầm lỗi của chính bản
thân mình, cũng như luôn nhìn đời một cách lạc quan, tích cực.
Ngược lại, khi tâm hồn ta rơi vào trạng thái nặng nề, trầm uất, ta dễ có
khuynh hướng vị kỷ, né tránh người khác, dễ cáu gắt, bực dọc và luôn cố
chấp đối với những lỗi lầm của người khác cũng như của chính bản thân
mình. Trong tâm trạng đó, cuộc sống quanh ta thường luôn bao phủ trong
một lớp sương mù xám xịt, u ám và mang đầy màu sắc bi quan, ảm đạm.
Đến đây, có lẽ bạn đọc đã có thể dễ dàng hình dung được mối tương quan
giữa những khái niệm trừu tượng của hai từ nặng, nhẹ khi được dùng để mô
tả tinh thần với nghĩa đen của chúng khi được dùng để biểu thị những
tính chất cụ thể của sự vật. Và câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu có thể
chỉ ra được những tâm trạng nặng nề và nguyên nhân sinh khởi của chúng
hay chăng?
Câu trả lời là có, và hầu như tất cả mọi người đều có thể đưa ra. Chỉ
cần có một sự xem xét khách quan những diễn biến trong nội tâm cũng như
một chút so sánh và suy luận là có thể thấy được ngay mối tương quan
giữa những gì xảy đến cho chúng ta trong cuộc sống với những tâm trạng
nặng nề mà ta phải gánh chịu.
Tuy nhiên, việc phân tích và hệ thống được tất cả các nguyên nhân làm
cho tâm hồn ta trở nên nặng nề lại không phải là chuyện dễ dàng, bởi
tính chất phức tạp và đa dạng của vấn đề. Mặc dù vậy, với trí tuệ siêu
việt của mình, cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật đã từng làm điều đó và
đưa ra những lời dạy rất cụ thể về các nguyên nhân này.
Trong rất nhiều kinh điển, Phật dạy rằng có năm nhóm nguyên nhân làm cho
tâm hồn ta u ám, nặng nề, mất đi sự sáng suốt. Và vì chúng che mờ đi sự
sáng suốt của tâm trí, nên được gọi chung là ngũ cái. Chữ cái có nghĩa
là ngăn che, làm khuất lấp, nên ngũ cái tức là năm sự ngăn che, làm
khuất lấp. Và làm khuất lấp ở đây được hiểu là làm khuất lấp đi sự sáng
suốt của tâm hồn.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất được kể ra ở đây là sự tham lam. Khi trong
lòng ta ôm ấp sự thèm muốn, khao khát về một đối tượng nào đó, sự khao
khát làm cho tâm hồn ta luôn ở trong một trạng thái không thanh thản.
Sức mạnh của lòng tham lam buộc ta phải luôn hướng về đối tượng, chìm
đắm trong những ý tưởng – nhiều khi là vô nghĩa – về đối tượng đó, và
trí óc thì không ngừng hoạt động để tìm ra phương cách chiếm hữu, đạt
được đối tượng.
Bởi vì có vô số đối tượng của lòng tham, nên cũng có vô số các trường
hợp khác nhau, với những mức độ chi phối khác nhau đến tâm hồn chúng ta.
Tuy nhiên, khuynh hướng chung là sự tham lam luôn làm cho tâm hồn ta trở
nên nặng nề, mất đi sự sáng suốt và không một lúc nào được nghỉ ngơi
thanh thản. Vì thế, người ta thường so sánh tác hại của lòng tham lam
như một ngọn lửa vô hình, thiêu đốt tâm hồn chúng ta ngay từ lúc bắt đầu
sinh khởi, và sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi nào ta có thể nhận
ra và diệt trừ được nó.
Nói chung, lòng tham lam ở mức độ nhỏ nhoi, tầm thường sẽ gây ra những
tác hại nhỏ nhoi, tầm thường. Chẳng hạn như khi ta mong muốn có được một
đôi dép mới, một cái cà-vạt hay một chiếc nón hợp thời trang... Có thể
bạn thấy ngại khi dùng cụm từ “lòng tham” trong những trường hợp này,
bởi có vẻ như đây là những sự việc quá nhỏ nhoi, tầm thường, và bạn khó
lòng nhận ra được cái gọi là “tác hại” của chúng. Tuy nhiên, nếu phân
tích kỹ bạn sẽ thấy rằng sự mong muốn đó của bạn quả thật không phải gì
khác hơn là một mức độ thấp của lòng tham lam, và do đó mà không thể
không có những tác hại nhất định cho tâm hồn bạn. Những tác hại ấy được
biểu hiện ở việc chúng chiếm chỗ thường xuyên trong ý nghĩ của bạn, thôi
thúc bạn hành động theo hướng để đạt được sự mong muốn đó, và cuối cùng,
nếu như một hoàn cảnh không thuận lợi nào đó xảy ra làm cho bạn không
thể thỏa mãn sự mong muốn – dù là nhỏ nhoi – đó, bạn sẽ thấy trong lòng
không vui, thậm chí có thể là bực dọc.
Mặt khác, giá trị vật chất của đối tượng đôi khi cũng không phải là yếu
tố duy nhất quyết định lòng tham lam của bạn là “lớn” hay “nhỏ”. Đôi khi
người ta có thể theo đuổi những sự vật rất tầm thường với một niềm khao
khát mãnh liệt, và đôi khi sự mong muốn đối với những giá trị vật chất
lớn lao lại cũng có thể chỉ ở mức bình thường. Vì thế, tác hại của lòng
tham đến mức độ nào là do nơi cường độ của nó trong tâm hồn chúng ta,
chứ không thể đánh giá qua giá trị vật chất của đối tượng được theo
đuổi.
Một giải thưởng văn chương với trị giá chỉ bằng một vài tháng lương,
nhưng có thể là mục tiêu theo đuổi của bạn trong nhiều năm. Bởi vì kèm
theo cái giá trị vật chất nhỏ nhoi đó lại là một danh vọng lớn lao mà
bạn khao khát, và bạn luôn nghĩ rằng những nỗ lực, cố gắng của bản thân
có thể giúp bạn đạt được điều đó. Mỗi khi giải thưởng được công bố và
bạn không có tên trong danh sách đoạt giải, một nỗi buồn lớn lao có thể
xâm chiếm tâm hồn bạn suốt nhiều ngày sau đó.
Ngược lại, sự mong muốn đối với một giải trúng khuyến mãi hàng trăm
triệu đồng khi bạn mua một món hàng lại là rất nhỏ nhoi, và bạn có thể
dễ dàng quên đi ngay sau khi mở gói hàng và thấy rằng mình là người
không trúng giải...
Có thể nói tóm lại một điều là, lòng tham lam là một trong các nguyên
nhân gây khổ não cho tâm hồn bạn. Lòng tham càng mãnh liệt thì khổ não
càng lớn lao, bạn càng bị nhấn chìm vào những tâm trạng nặng nề hơn
trong cuộc sống. Trong thực tế, bạn có thể nhận biết quanh mình không ít
những con người đang bị lửa tham thiêu đốt và có những hành vi ứng xử
hoàn toàn thiếu sáng suốt. Sự thực là những người ấy luôn sống trong
những tâm trạng nặng nề, u uất và không ai có thể cứu thoát họ ra khỏi
đó ngoài những nỗ lực hướng thiện của chính họ.
Nhóm nguyên nhân thứ hai làm cho tâm hồn ta trĩu nặng chính là sự sân
hận. Nói theo một cách dễ hiểu hơn, đó là sự tức giận đối với những điều
không vừa ý. Và ở mức độ nặng nề hơn thì sự tức giận đó trở thành sự oán
hận, căm ghét đối tượng.
Vì sao chúng ta tức giận? Có vô số nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể
nói một cách khái quát nhất là vì chúng ta không được hài lòng, vì sự
việc đã không diễn ra theo ý chúng ta, hoặc khi ai đó không làm đúng
theo như ta mong muốn.
Như vậy, nói một cách khác thì sân hận là kết quả gây ra do sự trái ý.
Nếu mọi sự việc đều diễn ra theo ý chúng ta, nếu mọi người đều làm theo
đúng ý ta, ta sẽ không tức giận. Và vì không tức giận nên cũng không thể
có sự oán hận hay căm ghét.
Nhưng một cuộc sống mà trong đó không có bất cứ điều gì trái ý chúng ta,
không có bất cứ ai làm trái ý ta, lại là điều mà chúng ta không sao có
thể hình dung ra được!
Vì thế, sự thật là hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua trạng thái tức
giận ở những mức độ khác nhau. Tùy theo mức độ của sự trái ý mà chúng ta
có thể nổi giận với những “cường độ” khác nhau. Và cũng giống như lửa
tham, ngọn lửa sân hận cũng sẽ không ngừng thiêu đốt chúng ta ngay từ
khi nó vừa sinh khởi.
Vì nguyên nhân của sân hận là sự trái ý, nên vấn đề “hợp lý” hay “bất
hợp lý” thường ít khi được nhắc đến. Khi một người nổi giận, chúng ta
rất hiếm khi có thể thành công trong việc thuyết phục anh ta về những gì
là hợp lý hay không hợp lý trong sự nổi giận của anh ta. Điều duy nhất
có thể làm được thường là phải chờ cho cơn giận qua đi, trước khi anh ta
có thể chấp nhận lắng nghe người khác hoặc tự mình nhận ra những sai
trái.
Một học sinh tốt nghiệp phổ thông và chọn thi vào ngành y, không có gì
sai trái và không thể bị buộc tội vì quyết định của mình. Nhưng quyết
định đó của em lại có thể là nguyên nhân gây ra cơn giận khủng khiếp ở
người cha, chỉ vì từ lâu ông ta luôn mong muốn rằng em sẽ học để trở
thành một thầy giáo! Người cha có thể hoàn toàn vô lý trong việc này,
nhưng sự vô lý đó sẽ không bao giờ có thể được nhận ra khi ông ta đang
giận! Và sự thật là khi sự trái ý của đứa con làm cho ông ta nổi giận,
thì đối với ông ta, việc nổi giận đó lại chính là phản ứng “hợp lý”
nhất. Khi một đứa con làm trái ý mình, nếu người cha không nổi giận, đó
mới là chuyện hoàn toàn “vô lý”!
Vì chúng ta thường xuyên gặp phải những điều trái ý trong cuộc sống, nên
khả năng “nổi giận” là rất thường gặp. Nếu mức độ “trái ý” là nhỏ nhặt,
chúng ta thường chỉ khởi lên sự bực tức hay khó chịu ở mức độ khó nhận
ra. Tuy nhiên, vì những bực tức hay khó chịu này là hoàn toàn có thật,
nên chúng vẫn gây ra cho tâm hồn ta những tác hại nhất định. Điều này dễ
dàng nhận ra nhất là khi chúng được tích lũy lại ở một mức độ “đậm đặc”
đủ để làm thay đổi tâm trạng của chúng ta. Bạn đã từng trải qua một
trường hợp tương tự như vậy hay chưa? Đó là khi mà trong cùng một ngày
bạn liên tiếp gặp phải những chuyện “trái ý” nhỏ nhặt. Mỗi sự việc ấy
không đủ để làm cho bạn nổi giận, nhưng vì có quá nhiều sự việc như thế,
nên sự bực tức của bạn sẽ tích lũy và dồn nén lại cho đến khi bộc phát
ra – có thể là vào cuối ngày – bởi một nguyên nhân cuối cùng nào đó. Vì
thế, nếu chỉ xét riêng nguyên nhân cuối cùng này, chúng ta sẽ thấy rằng
“cơn giận” ấy là hoàn toàn vô lý.
Nói tóm lại, lòng sân hận là nguyên nhân thứ hai trong các nhóm nguyên
nhân gây ra trạng thái nặng nề, trầm uất cho tâm hồn chúng ta. Với mức
độ nặng nề, những cơn giận có thể đốt cháy hoàn toàn mọi khả năng phán
xét của lý trí cũng như sự nhẹ nhàng thanh thản của tâm hồn. Vì thế,
chúng góp phần trong việc giam hãm, trói buộc tâm hồn chúng ta, và chính
bằng cách này, chúng tạo ra những tâm trạng nặng nề, trầm uất.
Nhóm nguyên nhân thứ ba được đề cập đến ở đây là trạng thái mê ngủ hay
mỏi mệt của cơ thể. Bởi vì mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác là
không phủ nhận được, nên một khi thể xác rơi vào tình trạng nặng nề, uể
oải thì tất yếu tinh thần cũng sẽ nặng nề, trầm uất. Ngược lại, một thân
thể khỏe mạnh, linh hoạt chắc chắn dễ dàng hơn trong việc tạo ra một
trạng thái sảng khoái, hưng phấn cho tâm hồn.
Vấn đề cần nói thêm ở đây là, chúng ta rơi vào trạng thái mê ngủ hay mỏi
mệt không phải bao giờ cũng do sự hoạt động quá sức của cơ thể. Những
trường hợp thiếu sự nghỉ ngơi thỏa đáng để dẫn đến trạng thái này chỉ là
tạm thời, vì bạn sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn ngay sau khi được nghỉ
ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nguy hiểm hơn, trạng
thái mê ngủ hoặc uể oải, kém năng động lại là dấu hiệu của sự lười nhác,
ít hoạt động. Và đây mới chính là điều mà chúng ta cần quan tâm phân
tích.
Nếu bạn sống một nếp sống thụ động, không có những mục tiêu phấn đấu cụ
thể để vươn tới, và thiếu một sự rèn luyện nghiêm túc về tinh thần cũng
như thể lực, bạn sẽ có rất nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng vừa nói
trên. Trong trường hợp đó, bạn sẽ thường xuyên bị cảm giác mệt mỏi, uể
oải chi phối, lúc nào cũng muốn rơi vào giấc ngủ, ngay cả khi bạn không
làm gì quá sức và cũng đã được ngủ nghỉ rất nhiều. Một con người như thế
sẽ sống trong tâm trạng nặng nề, trầm uất gần như thường xuyên, và sự
nghỉ ngơi không bao giờ có thể là giải pháp để cứu họ ra khỏi trạng thái
ấy!
Ngược lại, giải pháp cho vấn đề phải là một sự nỗ lực thay đổi nếp sống.
Chúng ta cần có những mục tiêu phấn đấu cụ thể trong cuộc sống để kích
thích năng lực làm việc, và cần hoạt động trí óc nhiều hơn để vượt qua
chứng bệnh “mê ngủ” đang mắc phải.
Nói tóm lại, trạng thái mê ngủ hay mệt mỏi, uể oải là nhóm nguyên nhân
thứ ba gây ra sự nặng nề, trầm uất cho tâm hồn chúng ta. Trạng thái này
có thể là tạm thời, do sự làm việc quá sức và thiếu nghỉ ngơi, nhưng
cũng có thể là một kiểu “bệnh tật” do nếp sống không lành mạnh mang lại.
Dù là trong trường hợp nào, thì việc ngăn không để thể xác rơi vào sự mê
ngủ và mệt mỏi, uể oải cũng đều sẽ giúp chúng ta tránh được sự nặng nề,
trầm uất cho tâm hồn.
Nhóm nguyên nhân thứ tư là tâm trạng bất an và hối tiếc. Chúng ta thường
rơi vào những tâm trạng như thế này sau khi thực hiện một sự việc nào đó
và rồi không hài lòng với sự việc ấy. Hai tâm trạng bất an và hối tiếc
thường xuất hiện đồng thời, bởi vì khi chúng ta không hài lòng với cách
thực hiện công việc của chính mình thì kèm theo đó chúng ta cũng sẽ có
sự lo lắng về một kết quả không hay mà việc làm đó rất có thể mang đến.
Một ví dụ cụ thể sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn vấn đề này. Chẳng hạn như,
trong một lúc bực tức bạn đã quá lời xúc phạm cấp trên của mình. Sau đó,
bạn suy nghĩ lại và nhận ra được sai lầm, vì thế mà bạn cảm thấy hối
tiếc về việc đã làm. Nhưng cũng đồng thời với sự hối tiếc này, bạn sẽ
nảy sinh một tâm trạng bất an khi nghĩ đến những hậu quả có thể có do
việc làm sai trái đó. Cả hai tâm trạng này – sự hối tiếc và bất an – sẽ
kết hợp với nhau để cùng lúc gây tác hại, nhấn chìm bạn vào một trạng
thái tâm hồn nặng nề, trầm uất.
Nhóm nguyên nhân cuối cùng được đề cập đến ở đây là tâm trạng nghi ngờ,
phân vân không quyết định. Đó là khi bạn phải đối mặt với hai hay nhiều
khả năng chọn lựa và không đủ phán đoán để đưa ra một quyết định dứt
khoát. Vì tâm trí bị giằng co giữa hai hay nhiều chiều hướng khác nhau
nên bạn không thể có được sự thanh thản, nhẹ nhàng, mà ngược lại sẽ rơi
vào trạng thái nặng nề, trầm uất.
Sự nghi ngờ thường phát sinh khi bạn không có đủ hiểu biết hoặc niềm tin
vào đối tượng. Nhưng mặt khác, đây cũng là một biểu hiện của thói quen
do dự, thiếu tự quyết, thường xuyên ỷ lại vào người khác.
Nếu như sự cân nhắc nhiều khả năng khác nhau của vấn đề trước khi đi đến
quyết định cuối cùng là điều rất cần thiết để hạn chế sai lầm, thì sự do
dự không quyết định vào đúng thời điểm cần thiết lại là một trong các
nguyên nhân dẫn đến thất bại. Hơn thế nữa, nếu điều này đã lặp lại nhiều
lần đủ để hình thành một thói quen nơi bạn, nó sẽ trở thành một trong
những nguyên nhân làm cho tâm hồn bạn trĩu nặng, rơi vào những trạng
thái thiếu sáng suốt, nặng nề, trầm uất.
Năm nhóm nguyên nhân vừa kể trên có thể nói là bao quát hết thảy những
nguyên nhân gây ra tâm trạng nặng nề cho tâm hồn chúng ta. Nếu có thể
trừ bỏ được hết thảy các nguyên nhân này, điều tất nhiên là chúng ta sẽ
có được một tâm hồn luôn nhẹ nhàng, thanh thản và sáng suốt. Vì thế, sự
sáng suốt của tâm hồn chúng ta thực ra không phải là yếu tố có được từ
bên ngoài, mà chỉ cần loại trừ được tất cả những yếu tố ngăn che, bao
phủ thì sự sáng suốt ấy sẽ tự nhiên hiển lộ.