[01]
GIÁO LÝ
"Các con
hãy uống đi! Hãy uống đi! Ðây là món linh dược để thấm nhuần Chân-lý, để mãi
mãi sống an lành.
Với diệu dược này, các con sẽ chiến thắng, nguồn sanh-tử và thoát khỏi biển
trầm-luân". (Milinda Panhã)
Từ ngàn xưa, nhân-loại đã ý thức
nỗi thống khổ của cuộc đời, con người sanh ra chẳng được bao lâu lại phải già
phải chết và suốt quá trình sinh-hoạt để duy-trì kiếp sống, lại phải đương đầu
với biết bao tai-họa bất thường. Một nhà Hiền triết Ấn-Ðộ nói rằng: Trong đời
sống trăm năm, chẳng mấy ai hưởng được một ngày vui trọn vẹn.
Muốn tìm cách thoát khổ, trên
khắp thế-gian đã xuất hiện một số triết-gia lỗi lạc, xây dựng Tôn-giáo với học
thuyết hay đường lối tu-tập của mình. Nhưng hầu hết các Giáo-chủ sáng lập
Tôn-giáo, đều chịu ảnh-hưởng ít nhiều những truyền thống tập quán cố hữu, thần
quyền trong mỗi xứ, nên thường chủ trương các học thuyết siêu hình, trừu tượng,
mơ mộng không thực-tế hay thiếu khoa-học. Thảy thảy đều cho rằng nỗi khổ của
chúng-sanh từ ngoài vào, nên cổ võ tín-đồ phải nương nhờ nơi tha lực để cứu rỗi
linh hồn sau khi chết. Họ nghĩ tưởng ra nhiều cảnh Thiên-Ðàng cực-lạc làm chỗ
dung thân vĩnh-cửu cho nhân-loại.
Nhưng Ðức-Phật Thích-Ca Gotama
lại quả quyết rằng niềm đau khổ phát xuất từ bên trong mỗi con người.
Tuy nhiên sự chuyển hóa tư-tưởng
của phần đông để trở về với chân-lý là một công trình trọng-đại, đầy dẫy cam-go
kham-khổ. Muốn thành-tựu, bậc lãnh đạo tinh thần phải sáng suốt, quả cảm hơn
người, phải là bậc xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần, giải gió dầm sương, thực hành
rất nhiều phương-pháp, mới mong đạt tới trình độ viên mãn cuối cùng.
Nhà học Phật Ðức Georges
GRIMM viết: "Chỉ có Thái-tử Sĩ-Ðạt-Ta biết thấu triệt cái trạng thái
viên mãn cùng tột đó nên Ngài mới được suy tôn là Phật".
Tại một xứ Ấn-Ðộ bị chìm đắm lâu
đời trong tập quán tín-ngưỡng cố-hữu về những triết thuyết Phiếm-thần,
Nhất-thần, Ða-thần. Ðức Thích-Ca là vị Thánh Tổ duy nhất dám san-bằng hệ-thống
giai-cấp của Bà-La-Môn giáo, dám phá vỡ quyền năng thần-thoại của đấng tối cao Brahma,
dám bứng tận gốc rễ tin tưởng dị đoan về các vị Thánh bất khả tri, để sáng lập
ra một giáo-lý với đường lối tu-tập khác các Tôn-giáo trên thế-giới, gây ngạc
nhiên cho các nhà Bác-học cận đại, khi họ bắt đầu sưu tầm về Phật-Giáo. Càng
khảo xét họ càng hăng say, tiếp tục tìm kiếm vì họ đã nhận chân giá trị
tuyệt-diệu của Chánh-Pháp. Hiện nay trong mấy nước lớn như: Anh, Pháp, Ðức, Mỹ,
.., đều có tổ chức những viện nghiên-cứu Ðạo-Phật đang hoạt-động thường xuyên.
Tại Ấn-Ðộ có nhiều triết-gia thuộc Ấn- Ðộ giáo công nhận tư cách Thánh-nhân cao
tột của Ðức Thích-Ca, nhưng họ không đủ uy tín, khả-năng chấn-hưng Chánh-giáo
vì ảnh-hưởng sâu rộng của khối đông quần chúng còn mến chuộng tha lực thần
quyền.
"Nhưng đây là nói về
Phật-Giáo cổ truyền, chớ không phải những gì chúng ta thấy hằng ngày trong các
đền chùa rải rác khắp miền Ðông Á". (Georges GRIMM)
Trong những nơi mà đấng Cha Lành
bị quên lãng. Kim thân Ngài được sắp sau hàng ngũ các Thần-linh bất-lực và
bất-khả tư nghì.
Ðức-Phật suốt thông nhiều điều
bí-ẩn vũ-trụ nhưng chỉ truyền lại những gì hữu-ích cho đời đạo-đức. Ngài
thuyết:
"Này các thầy Tỳ-Khưu!
Những Pháp-môn mà Như-lai công bố rất ít, ví như mớ lá Sisu trong nắm
tay. Còn những điều chẳng tiện nói ra nhiều vô kể như số lá Sisu khắp
khu rừng".
"Mà tại sao vậy?"
-"Vì các điều đó không lợi
ích, không đưa tới thánh-thiện, không đem lại bình-an, không tạo nên kiến-thức
cao-siêu, không đưa tới giác-ngộ ... đạt tới Niết-Bàn". (Samyutta
Nikãya)
Ngày nọ, một Ðạo-sĩ than phiền
Ðức-Phật giữ im-lặng trong một số vấn đề như:
- Thế gian trường cửu hay không
bền vững?
- Hữu biên hay vô biên?
- Linh hồn và xác thân là một
hay khác nhau?
- Ðức Như-Lai tịch diệt rồi sẽ
mất hay còn tiếp tục? ...
Ðức Thế Tôn đáp:
-"Hỡi này ông bạn! Nếu kẻ
nào chỉ bằng lòng thọ-giáo sau khi hiểu rõ vấn-đề đó, thì y sẽ chết trước khi
được lời giải-đáp thích nghi. Thế-gian vĩnh-cửu hay vô-thường, hữu-biên hay
vô-biên, linh-hồn và xác-thân là một hay khác nhau, Ðức Như-Lai sau khi tịch
diệt rồi sẽ còn còn tiếp tục hay không, những điều đó chẳng liên quan gì tới tư
cách giải-thoát, không hủy-diệt được những thảm họa sanh, già, đau, chết, ...
Như-Lai chỉ dạy phải làm thế nào trong kiếp hiện tại để khỏi phải sanh tử triền
miên!
Trả lời có hay không về những
vấn đề như vậy là vô bổ, là lý-luận, trơn-truộc như loài trạch, là đám rừng, là
ngỏ bí, là lừa đảo, là cạm-bẩy, là bãi sa-mạc... Chỉ gây thêm tranh chấp, khổ
đau, thất-vọng. Như-Lai mặc nhiên vì những lẽ đó". (Majjhimã Nikãya)
Một kẻ ngụy-biện khác muốn biết
rõ bản chất vũ-trụ, Ngài day qua phía khác đáp: "Người đó không muốn biết
những gì mắt thấy, mà chỉ cần biết những gì không thấy được. Người đi xa hơn
nữa sẽ mệt nhọc vô-ích, nhưng chẳng thế nào tìm được như sở-nguyện. Người không
chịu vớ lấy cái gì ở trước tầm tay, lại mong bắt những cái bóng xa vời chốn
không gian, làm cho lòng ham muốn gia-tăng. Chỉ những kẻ nào diệt được dục-vọng
mới đáng ngợi khen". (Jãtaka)
"Tánh hiếu-kỳ, ngụy-biện,
hay tranh chấp về các vấn-đề tâm-lý, cũng nguy-hiểm không thua gì sự khao-khát
khoái-lạc trần-gian. Nếu cái tâm Tham-ái là chướng-ngại của hàng thế-nhân, thì
tật hay lý-luận, phê-phán, tranh-tài về đạo-đức, cũng rất tai-hại cho kẻ
tu-hành. Cả hai thứ Ái, Dục đó đều là sáng tác của Ma-vương. Nó làm phung-phí
công-phu tìm kiếm, biện-bát, cải-vã vô-ích làm mất thì giờ, tạo thêm phiền toái
mà thôi. Ma-vương là tên thợ săn không hề biết mệt. Các đạo-sĩ là những con mồi
béo bở, mà nó luôn luôn tìm cách đưa vào cạm-bẩy.
Có một số Tu-sĩ giữ nếp sống
khác thường. Nghĩ rằng mình đã thoát khỏi thế-lực của Ma-vương. Nhưng thật ra
họ còn nô-lệ cho kiến-thức, cho quan-niệm: Thế-gian là trường-cửu hay biến đổi,
xác-thân và linh-hồn là một hay khác nhau, ... Vì đó họ không thoát-ly khỏi
mảnh lưới của Ma-vương". (Majjhimã Nikãya)
"Chẳng có chi là mật nhiệm
trong Chánh-Pháp (Mật-Tông), giáo-lý của Như-Lai truyền lại chiếu sáng giữa ban
ngày, chứ không phải bị cất giấu trong bóng tối. Có ba thứ thường mang tính
cách che giấu hay bí mật là phụ-nữ, ấn-chú của Bà-La-Môn và những đạo-lý giả
hiệu.
Có ba thứ rọi sáng lúc ban ngày,
hay ban đêm là Mặt trời, Mặt trăng và Giáo-lý của Chư-Phật". (Mahã
Parinibbana Sutta.)
Phần đông nhân loại không để ý
đến sự khổ. Cũng như đám trẻ vui đùa trong nhà lửa, mân-mê các món đồ chơi, mà
quên nghĩ đến cái chết sắp đến nơi.
Ðấng Từ-Bi Vô-Lượng như Ðức-Phật
chẳng khác người cha thấy các con khờ dại, quay quần trong đám lửa nên không
thể làm ngơ. Ngài cất tiếng gọi và tìm cách đưa chúng ra khỏi chốn nguy nan.
Ngài tin món thuốc cứu đời rất
hữu hiệu. Nếu nỗi khổ đau do những động cơ bên ngoài tạo tác thì vô phương cứu
chữa. Nhưng nó xuất phát từ bên trong con người. Nên Ngài quả quyết đó chẳng
phải là chứng bệnh nan y. Người đời khó tránh khổ đau trong kiếp hiện tại,
nhưng có đủ khả-năng thoát khỏi cảnh khốn cùng về buổi tương-lai nếu trì chí
quyết tâm noi theo đường lối của Ðức Như-Lai.
Về tư cách giác tha, Ðức-Phật
dạy:
"Người bị trói, không thể
mở trói cho kẻ khác. Người đui mù không thể dẫn đường cho bất cứ ai. Chỉ có bậc
Giác-ngộ mới mong giải-thoát cho người khác. Chỉ có kẻ sáng-suốt mới có thể đưa
đường giúp kẻ mù lòa.
Cũng như một đoàn người mù nắm
tay nhau tìm lối đi. Người đi trước không thấy, người đi sau cũng không thấy.
Chỉ có bậc nhìn thấy thực tại viên-mãn, mới mong xứng-đáng với danh hiệu
Sa-Môn, mới là bậc Thiện trí thức. Chớ không phải kẻ chỉ biết lập lại những câu
Thánh-ngữ hay công thức lưu truyền đã được phổ biến từ xưa". (Lalita
Vistara)
GIÁO-PHÁP TOÀN HẢO (Giới-Ðịnh-Tuệ)
Ðức-Phật thường thuyết:
"Giáo-pháp của Như-Lai
toàn-hảo từ đoạn đầu, toàn-hảo ở đoạn giữa và toàn-hảo ở đoạn cuối cùng".
(Dĩgha Nikãya)
Toàn-hảo từ đoạn đầu có nghĩa là
khi nghe được Giáo-pháp, người phát tâm chán-ngán thế sự, phát tâm tin-tưởng
Ðức Như-Lai, rồi đi tìm cuộc sống tinh thần cao thượng.
Toàn-hảo ở đoạn giữa là khi tinh
tấn hành đạo. Thân tâm trở nên thơ-thới, người rất thỏa-thích vừa lòng, rồi cố
gắng thêm làm cho Pháp-hành càng tấn-triển.
Toàn-hảo ở đoạn cuối cùng là khi
thấu đáo thực chất của các "Pháp Hữu-Vi" cấu tạo là ba trạng thái:
Vô-thường, Khổ-não, Vô-ngã. Nội tâm trở nên Minh-triết Thánh thiện. Người biết
mình đã đi tới mục đích, đã giác ngộ không còn dính mắc trong vòng sanh-tử
luân-hồi nữa.
Theo Ðại Ðức Buddhagosa
(người đã chú-giải và viết lại bộ chú giải Tam-Tạng lần đầu tiên tại Tích-Lan)
cho rằng ba giai đoạn toàn-hảo trên đây, biểu tượng cho đường lối Giới - Ðịnh -
Tuệ được sắp đặt theo thứ tự. Ngài dựa theo đó viết ra phẩm "Thanh Tịnh
Ðạo" (Visuddhimagga) và giải thích:
* Giới ngăn ngừa các điều Tội lỗi Xấu xa.
* Ðịnh phá tan Tư-tưởng Ngông-cuồng Lầm-lẫn.
* Tuệ hủy diệt Thành-kiến Si-Mê Ngã-chấp.
* Giới thanh lọc các điều tai hại của Nghiệp-dữ.
* Ðịnh tẩy trừ những xấu xa của lòng Tham-muốn.
* Tuệ tận diệt sai lầm do Tà-kiến Tin-tưởng Dị-đoan.
* Giới đưa người ra khỏi mảnh-lưới của Sắc-trần.
* Ðịnh chế ngự Tâm Vọng-Ðộng, vô hiệu-hóa cái Tâm Ái-Dục.
* Tuệ Giải Thoát chúng-sanh ra khỏi giòng Sanh-tử Luân-hồi.
Kinh-điển thường ghi lại: Giới
năng sanh Ðịnh, Ðịnh năng sanh Huệ.
Nhưng chúng ta cần nghĩ: Nhờ Tuệ
mới có Ðịnh, do đó trong Bát-Chánh-Ðạo, Chánh-Kiến tượng-trưng cho Tuệ, khởi
đầu nhờ Ðịnh-giới mới được hoàn-toàn trong sạch. Mà tại sao vậy?
Vì người có trí-tuệ hằng ghi nhớ
biết mình trong mỗi hành-động, mỗi suy-tư, nên tinh-thần an-tĩnh, vắng lặng.
Cái Tâm an-tĩnh không còn
vọng-động là yếu-tố cần-thiết, để thanh-lọc và bảo-trì giới-đức cao-thượng.
Người hành-đạo cần phải nhận-thức sự hổ tương chặt-chẻ giữa Giới - Ðịnh - Tuệ.
Mất một trong ba yếu tố đó thì toàn thể hệ thống tinh-thần phải sụp đổ:
* Giới có hai là giới Ngoại Tại và giới Nội Tâm.
* Ðịnh có hai là Phàm Ðịnh và Thánh Ðịnh.
* Tuệ có hai là Phàm Tuệ và Thánh Tuệ.
Nhưng yếu tố căn bản để tu-tập
và tấn-hóa là Trí-Tuệ. Vì sự tối-mê che-lấp, nên chúng-sanh thông-thường làm
điều-ác dễ hơn làm các việc lành. Do đó trong một kiếp Bồ-tát, Ðức-Phật
tự-nguyện đừng gần-gủi, đừng thân-cận với những người ác.
Giới Ngoại-tại về Thân, Khẩu,
đều do ý-chí điều khiển. Nhưng giới chỉ thật sự trong sạch là do cái tâm
An-định.
Tâm-Ðịnh phát xuất từ sự tu-tập,
ghi nhớ và biết mình. Nếu tâm xao-động bất-an, thì giới không thể trong sạch.
Lẽ đó, trong mỗi điều giới cho
Phật-tử đều có nhấn-mạnh câu: Tôi xin vâng giữ ... là "Cố ý tránh
xa".
Như thế người giữ giới chẳng
những gìn-giữ, không cho thân-khẩu làm quấy. Mà cần phải luôn luôn ý-thức
hướng-thiện, thì giới mới trong sạch, vững bền (Giới Nội-Tâm).
Nhờ niệm Tưởng biết mình, mà tâm
trở nên thanh-tịnh. (Phàm-Ðịnh).
Nhờ Trí-tuệ kiểm soát điều khiển
thân tâm, con người không quên mình và luôn luôn niệm-tưởng (Phàm-Tuệ).
Trong Bát-Chánh-Ðạo, Chánh-Niệm
là chi thứ bảy thuộc về Ðịnh. Nhưng nếu không có sự hổ-trợ của Chánh-Kiến và
Chánh-Tư-Duy (thuộc về phần Tuệ), thì cũng không thực hành hữu hiệu được.
Nhờ Minh-Sát, mà Thiền-Ðịnh được
thọ-trì và hành-giả tỉnh thức về trạng thái nội-tâm.
Ðức-Phật dạy dù là Niệm-Thân
(Sắc-Pháp), hành-giả cũng cần phải quán-xét bản-chất Vô-Thường, Vô-Ngã của Tứ
đại: Ðất, Nước, Gió, Lửa. Nếu niệm mà không tưởng, không quán về thực tánh của
sự vật. Thì chẳng khác gì phương-pháp tập trung tư-tưởng trong một thời-gian mà
thôi.
Những bậc Hiền triết, thường
xuyên sống, kiểm-soát những gì đang xảy ra, chỉ biết hiện tại. Không ân-hận quá
khứ, không vô-tưởng hay vọng móng tương-lai.
Các Ngài thản-nhiên, vắng lặng,
không còn phân-biệt: lành, dữ, tốt, xấu, phải, quấy, lớn, nhỏ. Vì biết trên đời
huyền-ảo và bất-thường này, chẳng có chi là tuyệt đối. Không có vật gì hoàn
toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Không có việc gì hoàn toàn phải hay hoàn toàn
quấy,... Các Ngài không còn ngã chấp, chẳng quý trọng mình hơn ai khác. Vì cho
rằng tất cả đều vô thường. Nên tâm tư bình thản thanh-tịnh.
Các Ngài chỉ còn đem sức còn lại
của kiếp sống, thuyết-giảng những gì mà Ngài đã trực nhận được, những
phương-pháp, kinh-nghiệm mà Ngài đã trải qua, để cho chúng-sanh cùng được hưởng
hương-vị của sự giải-thoát. Cái an-vui tự tại không còn bị trói buộc trong tài,
sắc, danh, lợi.
Ðó là hạnh phúc trường-cửu, đúng
theo tinh thần Phật-Giáo, khác hơn hạnh-phúc trá hình của Thế-gian chỉ là sự
thỏa-mản dục vọng từng giai-đoạn mà thôi.
Tại gia và xuất gia
Tuy nhiên phương-thức trau-dồi
giới-đức để đắc-quả Thánh-nhân trong Phật-Giáo không dành riêng cho bất cứ giai-cấp
nào. Người tại gia cư-sĩ nhiệt tâm hành-đạo cũng có thể bước lên hàng Thánh-vức
như hàng xuất gia.
Ðức-Phật thuyết:
"Như-Lai nói rằng Trực-giác
và Giới-đức siêu-việt có thể phát-sanh đến người Phật-tử tại gia, cũng như thầy
Tỳ-Khưu xa lìa thế-tục. Nếu cả hai thực-hành đúng theo Giáo-pháp".
"Bất cứ người xuất-gia hay
kẻ tại gia nào, vượt qua khỏi các chướng-ngại tiến tới trình-độ cao cả
tuyệt-vời, đều được gia-nhập hàng ngũ Thánh-nhân, an-vui tuyệt đối". (Samyutta
Nikãya)
Ðức-Phật thường ngợi khen và khuyến-khích
tư-cách xuất-gia. Vì người đã rời bỏ gia-đình, nhà cửa, sống độc thân, không
còn dính mắc với thế sự, được ở trong hoàn cảnh thuận-lợi nên dễ tu-tập.
Người xuất-gia rất tự do, ít bận
rộn, sinh-hoạt giản-dị, khỏi lo việc đời, không bàn thế sự. Ngoài việc tham
thiền quán-tưởng, thong-thả như loài chim, chỉ mang gánh nặng là cái đuôi và
cặp cánh.
Ðức-Phật thuyết cho vua A-Xà-thế
nghe:
"Này Ðại-vương, tư-cách
xuất-gia tu theo Phật-Giáo, mang lại rất nhiều lợi lộc. Người đời dầu ở trong
giai-cấp thấp hèn (Chiên-Ðà-La), khi gia-nhập vào Tăng-hội cũng được ngang hàng
với các Tỳ-Khưu khác là những vị giòng Vua chúa hay Bà-La-Môn xuất-gia. Họ đều
được tín thí dâng cúng bốn món vật dụng: chỗ ở, thuốc men, y bát và vật
thực".
"Còn người đời dù có
quyền-tước giàu-sang, danh-vọng thế mấy, nhưng vẫn còn quyến-luyến gia-đình,
của cải, thì cũng luôn luôn bận-rộn lo âu, phải làm tròn bổn-phận công dân,
phải sưu cao thuế nặng và gánh chịu biết bao chuyện trái ngang khốn-quẩn. Nhưng
khi người vào tu rồi, thì cũng được khắp hàng công khanh Vua chúa sùng bái
nể-nang". (Dĩgha Nikãya)
Giới
"Bất cứ là lên không gian
cao vòi-vọi, dưới hố thẳm đại-dương, hoặc chốn hang cùng ngõ tận, trong khắp
thế-gian này chẳng một nơi nào có thể che chở con người đã gây ra nghiệp
dữ". (Dhammapada)
Kinh-điển có ghi lại một cổ
chuyện sau đây:
Ngày nọ, nơi địa ngục mấy tên
quỉ-sứ dẫn đến trước Diêm-vương, một tội phạm bị can vì ngỗ-nghịch với cha mẹ
phỉ-báng các bậc tu-hành và Sa-Môn cao quí khi nó còn sống tại trần gian.
Diêm-chúa phán hỏi:
"Nầy tên kia, vậy lúc còn ở
trần gian, người có tiếp kiến sứ-giả thứ nhất của Trẩm không?"
-" Tôi không gặp sứ-giả nào
cả".
" Sao thế! Vậy chớ chẳng
khi nào ngươi thấy một lão già gầy cỗi, lưng cong như cây đà trên mái nhà,
run-rẩy chống gậy bước đi xiêu-vẹo đó sao?"
-"Tâu Ðại-vương, chuyện đó
thì tôi có thấy hằng ngày".
"Vậy lúc đó ngươi có nghĩ:
Thế nào ta cũng sẽ già. Vậy ta phải rán làm lành lánh dữ, rán kiểm-soát hành-vi
tư-tưởng theo lẽ chánh không?"
-"Tôi sơ ý chẳng nghĩ tới
điều đó".
"Vậy thì đáng tội rồi!
Ngươi sẽ bị trừng phạt vì tội dễ-duôi cẩu-thả".
Diêm-chúa tiếp-tục lấy
khẩu-cung, hỏi can-phạm có gặp Sứ giả thứ nhì là một bệnh nhân đau ốm tật
nguyền, sứ giả thứ ba là một tử-thi sình thối, bị giòi đục khoét và mỗi lần nó
đều có thấy nhưng không để ý tới.
Diêm-vương nổi nóng quát to:
"Bọn quỉ sứ đâu? Các ngươi
đem tên này đi trừng trị cho đích đáng, vì tật dễ-duôi cẩu-thả của nó".
"Giới-Ðức rất liên-hệ với
vấn-đề Nghiệp-Quả.
Từ thiên-cổ, người Ấn-Ðộ đã biết
ý thức không một hành-vi lớn nhỏ, tốt xấu nào mà không tác-động tới kiếp sau.
Mỗi việc làm đều có hậu-quả của nó. Ðó là luật quả báo. Hễ có vay thì phải trả.
Gieo cái gì thì gặt cái đó. Gieo gió thì gặp bão. Ấy chính là nghiệp (Kamma)".
Có một số Tôn-giáo không đề-cập
đến cái nghiệp, nhưng họ rất tin-tưởng nơi số mệnh. Vì cho rằng có một đấng
Hóa-Công tối-thượng tạo ra vạn-vật và đã sắp sẵn, an bài số phận không sao biến
cải được. Theo họ con người thuộc hạng tội-lỗi, đê-hèn, yếu-ớt, trời sanh ra
sao phải chịu vậy. Tùy theo định-mệnh. Như vậy muốn được cứu rỗi, tín-đồ cần
phải khẩn-cầu ân-huệ và sự che-chở của Ðấng Thiêng Liêng. Ai không sùng kính
đấng Tạo-hoá Vô-cùng sẽ bị đọa vào địa-ngục chẳng có ngày ra.
Những người theo Bà-La-Môn giáo
hoặc Kỳ-Na giáo (Jainisme) ý niệm về nghiệp báo không được tế-nhị,
tinh-vi như Ðạo-Phật, vì họ chú trọng khía cạnh vật-chất hơn tinh-thần.
Thuở Ðức-Phật còn tại thế, Vị
Giáo-chủ Kỳ-Na là Nigantha Nataputta có lần phái người đệ-tử giỏi nhất
là Upali đến tranh-biện với Ðức-Phật cái nghiệp. Ông ta cho rằng chỉ có
nghiệp Thân là quan trọng nhất vì bất cứ hành-vi tạo tác nào đều do thân gây ra
chứ không phải ý.
Ðức-Phật lại chủ-trương rằng,
cái nghiệp dữ tự nó không tai hại bao nhiêu, nhưng nguy khốn nhất là nó làm
hoen ố cái tâm, khiến con người trở nên mê mờ, không biết chánh-tà phải quấy,
tiếp-tục làm ác. Nguy hại nhất là người làm ác mà không biết ác, chính-nghiệp
bất-thiện đó đưa người sa đọa trong nhiều đời, nhiều kiếp. Trái lại nghiệp lành
gội rửa tâm, làm cho con người trở nên cao thượng, biết tích đức, tu nhân, làm
lành, lánh dữ để có ngày thoát khỏi vòng sanh-tử khổ đau.
Ngài cho rằng chính ý chí là
chúa-tể, tác-động tất-cả hành-vi tư-tưởng con người.
Ý không sai khiến thì con người
cũng chẳng làm gì được và hành-vi thiện-ác cũng chẳng thành-tựu được.
Lòng ham muốn và tánh hay quên
mình là nguyên-nhân tạo tác vô số nghiệp dữ. Mê đắm sắc trần cũng làm cho con
người tối tăm, không nghĩ tới hậu-quả của điều quấy.
Ðức-Phật có thuyết về cái
nghiệp:
"Thật ra, vì Vô-minh,
Ái-dục, chúng-sanh đi tìm các thú mới, hết nơi này đến nơi khác, nên phải
tái-sanh trong nhiều kiếp mới". (Majjhimã Nikãya - 43)
"Cái nghiệp phát sanh do:
Tham-lam, Sân-hận, Si-mê. Các nghiệp xấu hiện từ đó và đó là nguồn-gốc của khổ
đau.
Bất cứ chúng-sanh xuất-hiện tại
đâu, cái nghiệp sẽ chín mùi tại đó. Nơi nào nghiệp chín mùi, thì chúng-sanh gặt
hái quả báo, hoặc trong kiếp nầy, hoặc những kiếp về sau". (Anguttara
Nikãya)
Luật nhân-quả tuy khắc-khe với
ác-nghiệp nhưng theo Phật-Giáo nó có thể cải biến tùy theo trường hợp và hoàn
cảnh. Vì vấn đề trả quả không phải nhất định, độc đoán, mà được trả dài hạn
trong nhiều kiếp khi nhân-duyên tựu đủ yếu-tố để nghiệp cho quả. Do đó nghiệp
tốt có, xấu có, không biết cái nào đến trước, cái nào đến sau. Mà người
thế-gian ngoài các Bậc giác-ngộ, chẳng ai là toàn thiện hay toàn ác. Người thức
thời chánh kiến, có thể ăn năn hối cải những điều xấu đã qua rồi, rán thi-ân,
bố-đức, tu-hành để nhập Thánh-Lưu, thì con chó sanh tàn-bạo (là Nghiệp) không
sao đuổi kịp.
Hơn nữa cái nghiệp ví như hột
giống được gieo xuống đất. Nó phải đợi có đủ điều-kiện thuận-tiện như: sự xới
đất làm cỏ, phân bón, mưa thuận, gió hòa, thì mới mong nẩy mầm, đơm bông trổ
trái. Nếu hột rơi nhằm đất đá khô cằn, thiếu nước, thì không sao mọc lên được.
Ðức-Phật thuyết:
"Tuy nhiên khi màn Vô-minh
bị vẹt trí-tuệ siêu-nhân bừng sáng, phá vỡ tâm Tham-dục, thì trường hợp tái
sanh không còn xảy ra nữa". (Majjhima Nikãya)
Về những hành động không tạo
nghiệp Ngài thuyết:
"Những hành-vi không do
lòng Tham-lam, Sân-hận, Si-mê thúc-đẩy không thể tạo nghiệp. Vì những hành động
như vậy ví như cây thốt nốt bị nhổ tận rễ lên khỏi đất, thì không còn mọc lại
được nữa". (Anguttara Nikãya - 33)
Phật-giáo là Ðạo Vô-vi
siêu-thoát, những sự thi-ân bố-thí lớn lao, không được quan-trọng hóa như trong
các Tôn-giáo khác. Người có của dư ăn dư để trước nhất cần có tâm quảng-đại
biết thương chúng-sanh, giúp đỡ kẻ khốn cùng bảo bọc những bậc tu-hành
giới-đức, vun bồi Tam-Bảo, cố dứt bỏn-xẻn tham-lam quá mức, tạo duyên lành để
bước lên cao. Nhưng đến một giai-đoạn nào đó người Phật-tử cần phải cố-gắng
thêm trong lãnh vực tinh-thần, trau-dồi giới đức, rèn-luyện nội tâm, thì mới
mong thành đạt trực giác sắc bén, cắt đứt phiền-não khỏi sanh, khỏi tử, khỏi
thê lương tang tóc.
Lẽ đó các Bậc hiền triết không
thích hưởng phước-báu thế-gian, dù nó cao quí thế mấy đi nữa, trong khi các
Ngài chưa chấm dứt được nguồn sanh-tử. Trong một tiền kiếp sanh làm Thái-tử,
Ðức Bồ-tát sợ làm vua đến nổi phải giả câm, giả điếc. Vì con người lúc được
hưởng nhiều tiền tài danh-lợi, thường hay quên mình, trở nên ngã-mạn độc-ác,
dùng quyền thế gây ra nhiều nghiệp dữ rồi bị sa-đọa nữa.
"Giới-đức thanh-cao thường
ẩn sâu tận đáy lòng, chứ không biểu lộ ra ngoài. Kẻ hạ-tiện vẫn luôn luôn
hạ-tiện, dù bắt chước giữ phong độ oai nghi như Ðức vua Ba-Tư-Nặc, cũng không thể
lừa dối được chính mình.
Cần chuyển hoá tinh-thần để trở
nên người Phật-tử thuần thành, chớ không phải uốn nắn thể xác theo truyền thống
hay lễ giáo bên ngoài". (Dĩgha Nikãya)
"Kẻ làm lành tự làm cho
mình an-vui trong sạch. Người hung dữ tự làm cho mình đau khổ nhơ-nhớp. Cao
thượng hay thấp-hèn đều tùy theo hành-động của mỗi cá nhân. Kẻ nầy không thể
làm cho kẻ khác được trong sạch thanh cao hay trở nên đê-tiện". (Dhammapada)
"Thú vui sắc-trần làm cho
con người hóa ra đồi bại. Ðó là thú vui của người si-mê, thú vui tạm-bợ. Nó là
kẻ nghịch nguy hiểm của Ðạo-đức. Nó là khí-giới của Ma-vương là vật trang trí
cho thế-gian dục-lạc". (Majjhima Nikãya III - 233)
"Thầy Tỳ-Khưu ưa sắc trần
nào, quyến-luyến ôm ấp nó là mắc phải lưỡi câu của Ma-vương. Người phải khốn
đốn bần cùng và trở thành món đồ chơi trong tay Ma-vương". (Majjhima
Nikãya IX - 159)
"Nữ thần ái-tình dục-lạc
cũng nguy-hiểm không thua gì Ma-vương. Nó dấu trong đóa hoa thơm những mũi tên
nhọn có tẩm thuốc độc". (Dhammapada)
Người xuất-gia chân-chánh phải
năng quán-tưởng:
"Ðức Chánh-Biến-Tri là bậc
Ðại-Giác. Ngài lưu lại một Giáo-Pháp đưa tới giác-ngộ. Là bậc Ðại Thanh-tịnh,
Ngài chỉ rõ phương-thức để trở nên vắng lặng. Ngài là bóng mát, dạy cách làm
cho thân tâm mát mẻ. Là bậc đã xa lìa thế sự, Ngài truyền lại phương-pháp thoát
khỏi thế-gian. Là bậc đã dập tắt, Ngài dạy các đệ-tử phải cố-gắng dập tắt lòng
tham dục". (Majjhima Nikãya)