Phật học cơ bản
Giáo Lý Nhà Phật
Huỳnh Văn Niệm
22/08/2554 23:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


[02]

Ðịnh

 

 

Con bướm bay lượn trên các thứ hoa, lựa hoa nào hương thơm ngát, đáp xuống say sưa hút nhụy.

Người mộ đạo phải biết ý thức đâu là Chánh-giáo để thưởng thức mùi hương Vi diệu.

Một nhóm Ðạo lõa thể Nigantha (Kì-Na-Giáo), cho rằng Ðức-Phật không hạnh-phúc bằng Quốc-vương Bimbisãra (Bình-Sa-Vương) xứ Magadha (Ma-Kiệt-Ðà), vì Ngài sống thiếu thốn về mọi mặt. Trong khi nhà vua có nhiều thế lực và thụ hưởng đầy đủ tiện-nghi vật-chất.

Ðức Thế Tôn hỏi lại:

"Này các ông bạn, vậy các ông nghĩ sao? Vua Bimbisãra, xứ Magadha (Ma Kiệt Ðà) có thể nào ngồi yên không cử động nói năng, không ăn uống trong thời-gian một ngày một đêm, mà vẫn hạnh-phúc chăng?"

-"Không sao thế được".

"Còn Như-Lai, thì có thể ngồi yên không cử-động nói năng, không ăn uống chẳng những trong một một ngày một đêm, mà cho đến hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày bảy đêm mà vẫn an vui tự tại. Vậy giữa Vua Bimbisãra và Như-Lai, ai hạnh-phúc nhiều hơn?"

-"Bạch Thầy Gotama đáng kính, nếu vậy thì Ngài có hạnh-phúc nhiều hơn Vua Bimbisãra xứ Magadha (Ma-Kiệt-Ðà) rồi!" (Majjhima Nikãya - 14)

Ðức-Phật kể câu chuyện trên đây để chứng-minh rằng hạnh-phúc cao-thượng, chỉ tìm được trong Chánh-Ðịnh. Vì cái tâm yên-tĩnh, vắng lặng, hằng đem lại mùi vị tuyệt vời của Ðạo, khác hơn hạnh-phúc tương đối thế-gian chỉ là bề trái của các niềm thống khổ.

Nào ai có thể quả quyết rằng mình sống hạnh-phúc, trong khi chưa diệt được thảm họa: sanh, già, đau, chết! Khi còn phải gánh vô số nghiệp quả trái ngang, khi còn bị dục-vọng xô đẩy mình vào vòng tội-lỗi trong sinh-hoạt hằng ngày để bảo toàn mạng sống? Của cải, tiền tài, sự nghiệp, danh vọng, hay cả đến vợ con đôi khi cũng chỉ là tạm bợ.

Có khi ngủ một giấc đến sáng, tất cả đều không còn, khi nhắm mắt lìa đời cũng chẳng đem theo được gì. Tay trắng lại hoàn toàn tay trắng. Bởi vậy Ðức-Phật ví những thứ đó là bọt nước, là chớp trên không là mây trời giả hợp.

Ðức-Phật thuyết:

"Này hỡi các thầy Tỳ-Khưu! Người đời có thể thỏa-mãn về vật-chất, no cơm ấm áo, thân hình khoẻ-mạnh trong một năm, hai năm..., cả trăm năm hoặc lâu hơn nữa nhưng chẳng ai tránh khỏi chứng bệnh tinh-thần trong giây lát, ngoại trừ những bậc đã bứng tận gốc rễ những điều ô nhiễm bên trong, đã loại trừ tất cả phiền não từ ngoại cảnh đưa vào... Những bậc đã thoát ly trần-tục (A-La-Hán)". (Anguttara Nikãya)

Ðây là hạnh phúc trường-cửu vững-bền của Phật-Giáo. Một thứ hạnh-phúc thành đạt nhờ tâm từ-bi hỷ-xã, trong đó không có sợ hãi, xung chướng, dị biệt, tham lam, thù hận... mà chỉ có tình thương rộng lớn phủ trùm lên vạn-vật. Các Bậc hiền triết đã thấu-triệt cái Chân-lý tuyệt đối cho rằng thế-gian là bào ảnh, huyển hóa, thay đổi triền-miên, gây ra vô số khổ đau so với vài hạnh-phúc mỏng-manh ngắn ngủi.

Mỗi Tôn-giáo trên thế-giới đều có những phương-pháp tu-thiền riêng rẽ của mình. Nhiều nhóm tà-đạo cũng sành sỏi trong thiền-định. Nhưng thiền-định có phàm có thánh, có chánh có tà, nên chi người hành-đạo sáng-suốt, phải tự mình trắc nghiệm hoặc nhờ những bậc Tôn-Sư có nhiều kinh-nhiệm thực-hành chỉ dẫn mới mong thoát khỏi lầm đường lạc lối, lắm khi phải điên loạn tối mê, gia tăng sân-hận, tham lam.

"Hỡi này các thầy Tỳ-Khưu! Cũng như người kia tìm bắt rắn độc. Nhưng khi gặp được con vật, người ấy lấy tay chụp nhằm khúc giữa hay khúc đuôi. Con rắn quay đầu lại mổ vào tay, làm cho người phải bỏ mạng.

Này các thầy Tỳ-Khưu mà tại sao vậy? Vì người bắt rắn không nắm con vật đúng cách". (Majjhima Nikãya)

Lẽ đó, hành giả cần phải thận trọng, vì khi người bám dính, cố chấp một thứ định tâm bất chính nào rồi thì sau khi chết, sẽ bị lọt vào cảnh giới khổ đau tà kiến, khó bề trở lại con đường chánh đáng.

Ðức-Phật dạy rằng sự khổ xuất phát những điều ô nhiễm tiềm tàng (ãsava) và những phiền não (Kilesa), do si mê, ái dục đưa vào thiêu đốt thường xuyên tâm não, không cho con người thảnh thơi an nghỉ dù là trong khoảnh khắc.

Muốn khảo cứu chính xác khoa Thiền Ðịnh, trước nhất cần hiểu danh từ Bhãvanã trong phạn ngữ Pãli là thế nào?

Bhãvanã có nghĩa là gieo trồng, phát triển, khai sáng, củng cố, để thanh lọc nội tâm cho sáng lạn, sắc bén, hầu soi thấu vực sâu của các điều ô nhiễm bên trong và chặt đứt tất cả phiền não do bên ngoài tác động.

Như thế, mục đích hành thiền của Phật-Giáo là hủy-diệt si, mê, ái dục và chỉ khi nào người Giới-tử ý thức mình đỡ khổ trong các nghịch cảnh, tinh thần an vui thơ thới, bớt tham lam, sân-hận, thấu rõ tội-lỗi của sắc-trần, biết sống trong hiện tại, chừng đó mới nhận thức được mức công hiệu của Chánh-Pháp là thế nào?

Trong cuộc đời khốn-khổ dồn dập hiện nay, số người muốn khám phá thế giới tâm linh thật nhiều vô kể. Các đường lối tu thiền khác nhau được chủ trương, số Thiền-sư cũng gia tăng. Kẻ mong thoát khổ như bệnh nhân hối-hấp, gặp được ông lang nào cũng để hết niềm tin, hy vọng được người cứu mạng, nên lắm lúc phó thác mình cho bàng môn tả đạo, cho những Thiền sư giỏi về lý thuyết hơn thực hành, để rơi sâu thêm xuống hầm tà kiến.

Ðức-Phật là bậc Thiên-Nhân Sư đã dọn sẵn món ăn tinh thần vô giá là Pháp môn "Tứ Niệm Xứ" dạy hành giả cố gắng quan-sát chính bản thân, để tìm ra Chân-lý và hãy luôn luôn "Sống trong hiện tại"

Trả lời câu hỏi của một người tại gia Ðức-Phật thuyết:

"Các thầy Tỳ-Khưu con của Như-Lai sinh-hoạt giản-dị, chỉ ăn mỗi ngày một bữa, nhưng vẫn thanh-thản, an-nhàn, vô tư lự, vì các vị ấy biết sống trong hiện tại không hối tiếc quá khứ, không nghĩ đến vị lai, không bận tâm vì thế sự.

Trái lại kẻ nào mãi suy tư về dĩ vãng, ước vọng đến tương lai, kẻ ấy phải ốm o tiều tụy, âu sầu như đám cỏ lau bị chặt bỏ phơi ngoài nắng". (Samyutta Nikãya)

Người không tu Thiền Ðịnh hằng ngày ít nhớ tới hành vi, ý tứ của mình, mà thường để tư-tưởng tự-do quay về quá khứ hay chạy theo những ảo-vọng vị lai và không chịu sống trong hiện tại.

Ðang làm việc này, tâm trí họ lại bâng quơ về những chuyện đâu đâu, hoặc đã qua rồi, hoặc sắp xảy ra, nên việc làm sơ sót thất bại, rồi đâm ra sầu muộn.

Tứ-Niệm-Xứ là Pháp môn sống trong hiện tại, gồm cả ba giai đoạn toàn hảo Giới - Ðịnh - Tuệ của Ðức-Phật, là đường lối chính đáng nhất để đưa tới mục đích cuối cùng, như nhà học Phật Georges GRIMM đã nhận định.

Bước vào thế giới Thiền

Một Thiền-sư Ấn-Ðộ nói rằng: phần đông tu sĩ ví như kẻ bẻ cây củi gãy làm hai. Một khúc đem về đốt lửa nấu món ăn. Khúc kia lại dành để đuổi chó, đuổi mèo. Người để một phần tâm-trí nghĩ về đạo-đức, phần khác thì lo lắng những chuyện thế gian.

Họ lại ước mơ đắc quả Thánh-Nhân trong vài ngày hay vài tháng vì quá tin nơi câu "Tu Nhất Kiếp, Ngộ Nhất Thời" Pháp môn Ðốn giáo của Lục Tổ-Huệ-Năng, hay gián tiếp là của Ðạt-Ma Tổ-Sư mà quên rằng chính Ðức-Phật Thích-Ca Gotama đã phải trải qua một thời-gian tu tập dài vô tận mới đạt thành Chánh-Quả (Chánh-Ðẳng Chánh-Giác). Ngài phải mất 4 A Tăng Kỳ và 100 ngàn Ðại kiếp, tu 4 lần mau hơn Ðức-Phật Di Lạc (16 A Tăng Kỳ và 100 ngàn Ðại kiếp). Còn muốn được nhập lưu tức đắc quả Tu-Ðà-Hườn cũng phải tạo đủ mười Pháp Ba-La-Mật chứ không phải dễ dàng như chúng ta lầm tưởng.

Hơn nữa phần đông người tu Thiền không được kết quả theo sở nguyện, vì thiếu chuẩn bị phước Huệ. Cũng như người làm vườn không thể được mùa nếu không làm đất, làm cỏ, vun phân tưới nước, thì hột giống làm sao đâm chồi, đâm bông trổ trái.

Ðã có rất nhiều kinh sách nói về Thiền Samatha (Tịnh Tâm) và Vipassanã (Thiền Minh Sát).

Nơi đây chỉ đề cập một cách sơ lược những gì cần phải chuẩn bị chu đáo trước khi bắt tay vào Thiền định và cũng là yếu tố tối cần để tiến hoá.

Luận đề "Bước vào thế-giới Thiền" được kết hợp một phần rút từ bài thuyết của Thiền Sư Yatiswarananda tại Ðức vào năm 1933 và phần lớn là những chi tiết các Phật-Ngôn trong Tam-Tạng Pãli, để cống hiến thêm nhiều tài liệu hữu ích cho những người bắt đầu thực hành Thiền Ðịnh.

Rèn nhân cách

Người không hoài bảo về đạo đức khi ở ngoài đời, dù có rời bỏ gia đình, rút sâu vào rừng vắng cũng chẳng lợi ích gì. Thảm họa của Thế nhân là phần đông tự cho mình thông minh, học rộng, cao kiến, hiểu biết tất cả, học hay nói giỏi. Nhưng chẳng khác chi loài quạ bay cao thét lớn, nhưng đôi mắt lại chăm chú tìm những xác chết trong đống rác thối tha. Người đời hiu hiu tự đắc về sức khoẻ tiền bạc của mình nên hằng đắm say trong dục lạc, cho rằng còn sống lâu nên chẳng vội gì tu tập.

Nhưng thời gian rất nguy hiểm. Kéo dài cuộc sống thị dục chỉ làm cho những nết hư tật xấu gia tăng. Các bậc Hiền triết thường dạy rằng đạo thoát khổ không lần lựa ngày giờ, không hẹn mai hay mốt, mà phải cấp tốc thực hành.

Vua Milinda châm biếm Ðại Ðức Na Tiên khuyên người giữ giới để tránh gây ra nghiệp dữ:

"Bạch Ðại-Ðức, tại sao Phật-giáo lại dạy các tín-đồ cần phải cẩn-thận giữ mình trước khi xảy ra điều ác? Như vậy phải chăng các Ngài muốn vẽ vời ra cho có chuyện?"

Ðức Na Tiên hỏi lại:

"Tâu Ðại-Vương, còn tại sao Ðại-Vương lại cho đào hào, đắp lũy trước khi giặc đến bên thành? Tại sao Ngài ra lệnh cho dân quê đào giếng trước khi hạn hán?"

Tư cách trong sạch thanh cao, dũng tâm bền chí là điều kiện tiên quyết cho người, muốn bước chân vào đạo. Kẻ ích-kỷ, cống cao chẳng mong gì tiến hóa và ân-huệ thiêng liêng chỉ được ban bố đến những ai lòng dạ chân thật nhiệt thành.

Trạng thái giác ngộ không phải là một triết thuyết có thể giải thích bằng danh từ hay ngôn ngữ, mà là trình độ viên mãn cần phải đạt thành bằng công phu kiên nhẫn trong nhiều đời nhiều kiếp. Muốn trở thành bậc Siêu-nhân, cần gội rửa thân tâm đúng theo nhân cách. Hoa thơm trái ngọt không thể sản-xuất từ vùng đất cằn cỗi, đá sỏi đầy cỏ dại.

Công phu thiền định nhọc nhằn liên tục là phương thức để cải hóa con người từ hạ tiện trở thành cao cả, đưa lần tới khả năng thấu triệt vấn đề nhân-loại khổ đau. Chúng ta phải chọn giữa hai con đường đưa về cõi sống và cõi chết. Không thể chú tâm cùng một lúc về thế sự và con đường thánh thiện. Như vậy chẳng khác nào người đứng hai chân trên hai chiếc thuyền bị giòng nước cuốn đi và phải sẩy chân chìm xuống đáy.

Muốn sống trong đạo đức, ta phải thường xuyên kiểm soát vận hành của tư-tưởng và các phản ứng do ngoại cảnh đưa vào. Mỗi con người sanh trên cõi thế, khi chưa liễu đạo đều mang theo các chủng tử tai hại: Tham lam, Sân hận, Si mê. Có người Tham nhiều, Sân ít hoặc tối Mê sân-hận mà không Tham cũng có. Nhưng ít ai để ý đến bản tánh của mình và lắm lúc lại tìm cách bào chữa cho tật xấu, nói cần phải làm vậy để tranh đấu với đời, vì mình con đang sống giữa giòng đời, khôn mới sống, dại thì chết.

Khi tâm trí còn mơ mộng, còn bị lớp sương mù che phủ, thì đạo giải thoát hãy còn xa. Quan sát kỹ cái tâm, cho thấy chúng ta không có lý-tưởng nhất-định. Tất cả đều mờ mịt, xung chướng, khắc-khe. Những trạng thái đó theo nhau vây hảm phỉnh gạt, khuấy rối, cản ngăn bước tiến cho rằng hạnh phúc tinh thần không quan trọng bằng thú vui trần tục. Lẽ đó hành giả phải có nhiều nghị lực nhẫn nại tập trung ý chí vào hoài bảo của mình, quyết tâm đi tới mục đích cuối cùng. Cũng như Ðức-Phật thường ví hành giả trong Phật giáo như anh chiến sĩ ngoài mặt trận thì mới mong thắng nỗi trận giặc lòng. Chỉ có sự kiên chí thực hành thì mới tìm ra lối giải thoát.

Từ thiên vạn cổ, nhân loại không ngớt tìm kiếm cái trạng thái viên mãn tột cùng, bằng cách thu thập nhiều kinh nghiệm, ký ức, kiến thức, cố suốt thông nhiều học thuyết siêu hình, nhiều luận đề hấp dẫn, nhưng cũng không sao thoát khỏi thế gian. Ðức-Phật nói càn khôn vũ trụ có thể vượt bằng thần thông. Nhưng khó lòng thoát khỏi cái thế giới nhỏ hẹp là thân xác con người, là sanh tử, khổ đau, trừ phi chuyển hóa được tư-tưởng để tách rời bản ngã với tứ đại giả hiệp, phá sập cái nhà Ngũ-uẩn không trường tồn này.

Dứt bỏ - Ðơn giản hóa cuộc sống tự do

Ðức Vua Bhadhya tham Thiền dưới cội cây phát tâm thỏa thích hô to:

"Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay! Khi ngự tại hoàng-cung, có cung lính hầu hạ, tường thành kiên cố, nhưng ta nào đâu yên giấc. Hiện nay ta chẳng còn lo sợ gì cho bản thân và cuộc sống. Bất cứ ở nơi nào ta cũng được tự do yên ổn." (Majjhima Nikãya)

Ông Hoàng Mahãnãma đến than phiền với Ðức-Phật, nói mình chưa diệt được phiền-não, Ngài đáp:

"Này Mahãnãma, đó là do ngươi chưa chịu dứt bỏ nếp sống xấu xa hư hỏng trong gia đình. Vì ở nhà ngươi mới tự do tham muốn, đòi chi được nấy. Còn rời khỏi gia đình ắt ngươi không được ăn no nê theo sở thích." (Majjhima Nikãya)

Ngày nào chúng ta không chịu từ bỏ nếp sống thường tình, vẫn còn tham lam, ích-kỷ thì không thể đạt được Chân-lý một cách dễ dàng. Người đạo hạnh cần dứt tâm luyến-ái vật chất nhỏ nhen để cảm thông với tất cả chúng-sanh. Ngoài tâm từ ái không thể tìm được cuộc sống tinh thần siêu thoát. Chỉ có tư cách vô tư, bình thản mới có thể đưa người lên đỉnh cao tột của tình thương với lối nhìn đứng theo thực tại.

Người hành thiền cần phải giữ gìn thể xác khoẻ-mạnh để nâng đỡ đời sống tâm linh. Nhưng phải ăn uống có điều độ, tránh các món kích thích khó tiêu hoá. Không nên ăn quá no, không nên quá chìu xác thân, luyến ái sắc trần thường phát sanh mạnh với người bệnh hoạn, làm trở ngại công phu hành đạo. Lẽ đó cần giữ cơ thể luôn luôn tráng kiện.

Vậy trước khi bước vào giai đoạn thực hành, ta cần thanh lọc thân tâm, giản dị nếp sống, loại trừ các điều quá dính mắc về xác thân trước.

"Hỡi nầy các thầy Tỳ-Khưu! Khi thửa vải bị hoen ố rồi, người thợ nhuộm đem nhúng vào nước xanh, nước đỏ, nước vàng hay nước tím, nó cũng không ăn màu tươi thắm đẹp đẽ bao giờ.

Mà tại sao vậy?

- Vì thửa vải không sạch sẽ.

Cũng như thế ấy khi tâm tư ô trược, thì cũng chẳng đạt được Chân-lý cao siêu, đạt được Trí-Huệ để đi đến sự hoàn toàn Giác-Ngộ".

Người thiếu nhân cách, tâm trí chứa đầy tham vọng, còn say mê theo Sắc Dục, thì không thể tu Thiền Ðịnh được.

"Giới-tử ví như thớt voi rừng, bị người thợ săn bắt đem về giao cho tên nài khiển tập. Lâu năm chầy tháng nó quên hẳn tánh dã man nơi rừng rú trở nên dễ dạy và được Ðức-Vua trọng dụng thế nào! Cũng như thế ấy, thầy Tỳ-Khưu buộc chặt mình vào bốn cây trụ niệm tưởng của Pháp môn Tứ-Niệm-Xứ, vất bỏ các tật xấu xa của người Thế-tục, thoát ly ra khỏi dục vọng trần gian, không còn buông lung ngoan cố, trở nên khả ái dịu hiền, an vui vắng lặng trong đạo quả Niết-Bàn". (Majjhima Nikãya III - 243)

Muốn sáng tạo trong lãnh vực tâm linh, điều cốt yếu là con người phải làm cách nào cho thân tâm mình được hoàn toàn tự do, ra ngoài mọi trói buộc. Thiếu tự do thì chẳng thể thấu rõ đâu là Chân-lý, đâu là lầm lẫn. Không tự do thì cuộc sống trở nên cạn cợt, chẳng có mục đích, lý tưởng. Người thiếu tự do hằng lệ thuộc mọi ảnh hưởng, mọi áp lực do gia đình, tài sản, bạn bè, xã hội, sự sống chết... Vậy cần phải rèn luyện cách nào để chuyển hóa tư-tưởng khác hẳn thường lệ hầu khai mở một tâm thái trong đó chẳng còn sợ hãi, ước mơ, tham muốn. Chính sự tích lũy đủ loại kiến thức, đủ thứ học thuyết và tật hay phê phán, xét đoán những việc vô can, làm ta mất tự-do. Tự do thật sự chỉ ở trong con người thanh bạch, có nếp sống giản dị, ngây thơ như đứa trẻ, không dính mắc trong khao khát dục lạc, không bị trói buộc bởi bất cứ việc gì.

Tư cách dứt bỏ để sống cuộc đời tri túc, cũng là điều kiện tối cần để đưa người vào nếp sống tự do. Dứt bỏ cũng là nguyên nhân đem lại tình thương cao cả. Ðức Bồ-Tát Sĩ-Ðạt-Ða xa lìa tất cả, đi tìm phương thuốc cứu nguy cho nhân loại. Ngài bất chấp hiểm nguy dám chống lại cổ tục sai lạc, để cứu nhân loại ra khỏi sự ràng buộc. Ngài chú nguyện: "Mong sao tất cả sự bất an khốn khổ, tất cả những ngang trái, bất bình hãy đến cho ta! Miễn sao cho chúng-sanh khỏi khổ".

Các bậc Hiền-triết quý trọng tự do hơn mạng sống của mình, chẳng để thế lực nào uy hiếp, không chú trọng tiền tài danh lợi, sống đơn giản nhưng vô cùng hạnh phúc.

Năm 326 trước Tây lịch, Ðại đế Alexandre xứ Hy-Lạp, xua quân vào Ấn-Ðộ. Khi tới xứ Taxila thuộc miền Bắc Ấn, Ngài nghe nói tại đây có một số hiền giả tu hành ẩn dật nơi rừng núi, sống thiếu thốn, nhưng là những nhà bác học uyên thâm, có nhiều phép lạ, đoán được tư-tưởng con người và được dân chúng tôn sùng hơn vua chúa. Ðại-Ðế liền sai viên võ quan Onesicritos mang nhiều lễ vật vào tận rừng sâu, tìm cho ra một nhân vật phi thường như vậy đưa về kinh-đô Macédoine làm cố vấn cho mình. Nhưng vị đạo-sĩ khước từ và nói: "Xin đại quan trở về tâu lại rằng bần đạo rất cảm kích sự chiếu cố của Hoàng thượng. Nhưng các bảo vật Ngài ban cho bần đạo cũng bằng thừa, vì bần đạo chẳng thiếu thốn chi cả. Ðây là mớ cỏ khô, trải thành chiếu giường êm ái, những lá cây chầm lại làm áo quần cho lão che nắng che mưa, rễ trái trong rừng thừa thải để nuôi mạng sống, gần bên là con suối trong mát giúp lão đỡ khát khi cần. Như vậy đủ lắm rồi".

Viên võ quan dọa dẫm: "Nếu Ngài không tuân lệnh, Ðức-Vua sẽ trừng trị nặng nề và có thể nguy đến tánh mạng?"

Ðạo-sĩ mỉm cười đáp: "Nếu được vậy càng tốt. Mỗi ngày bần đạo luôn luôn tham thiền về cái chết và chẳng thiết tha gì với kiếp sống. Nhà vua giết lão là ban ân huệ cho lão rãnh nợ đời!"

Người tự do tuyệt đối là kẻ đã thấu triệt chân-lý, về mối tương quan giữa mình và vạn vật, đã hủy-diệt bản-ngã, không còn bị mảy may gì ràng buộc hay khống chế nữa.

Tự do là thong thả theo sở thích theo sở kiến của mình, không tùy theo kẻ khác. Dù được người giúp đỡ thành đạt, mình cũng vẫn nô lệ cho kẻ thi ân. Sống theo hoàn cảnh địa vị của mình là tự do. Sống theo điều kiện của người là nô lệ. Hành động theo thế này hay thế khác để được tự do, đó là tự do giới hạn. Chỉ có bậc Hiền-triết tâm tư vắng lặng, không rung động là tự do thật sự.

Vui với đạo

Một việc làm miễn cưỡng hay do áp lực, không sao được hoàn hảo. Người tu cũng thế, nếu có can đảm rời bỏ cuộc đời thế tục, thì cũng cần có đủ nghị lực tạo cho mình một niềm vui trong đạo đức.

Nhưng rất ít người thực tâm thích thú với cuộc sống cô-đơn giản-dị, biết ý thức lợi ích tối cao của đời phạm hạnh. Vào tu rồi họ vẫn mang theo nhiều nết hư tật xấu của đời, cũng còn ích-kỷ, tham lam, sân-hận. Vì đó mà chính giáo phải suy bại lu mờ.

Ðời Phạm hạnh không phải để cho quãn đại quần chúng, mà được dành riêng cho những ai có dũng tâm và các điều kiện thuận tiện tức những kẻ hữu duyên. Trong một số người, họa may mới có vài người mà tâm tư luôn hướng về nếp sống đạo đức, mong tìm được chân-lý tối cao.

Về khoa Thiền định, phần đông hành-giả sau một thời gian hăng-hái công phu rồi đứt gánh, bỏ cuộc giữa đoạn đường dài. Trong trường hợp này Ðức Thế Tôn có thuyết: "Chừng nào thầy Tỳ-Khưu biết bảo dưỡng đức tin kiên cố, chừng đó người vẫn tiến hóa chứ không thối chuyển". (Samyutta Nikãya)

Ðể khỏi chán nản, hành giả phải suy nghĩ liên tục về những trạng thái mộng ảo của thế gian, về những Ân-Ðức Tam-Bảo và phước báu được sanh làm người tu Phật.

"Khi nào các thầy Tỳ-Khưu năng quán tưởng về tuớng Vô-Thường của vạn-vật, khi đó người sẽ tiến hóa chứ không thối chuyển.

Khi nào các thầy Tỳ-Khưu thường quán tưởng về tướng Vô-Ngã của các Pháp, khi đó người sẽ tiến hoá chứ không thối chuyển.

Khi nào các thầy Tỳ-Khưu hằng chú tâm về các điều tai-hại của Ngũ-Trần, cố xa lánh việc dữ, nhớ đến nguy cơ của tội-lỗi, rán dứt bỏ tham-vọng Thế-gian, không muốn tạo nghiệp, khi đó người sẽ tiến hoá chứ không thối chuyển". (Anguttara Nikãya II - 23)

"Hỡi này các thầy Tỳ-Khưu! Ðây là hai điểm quan trọng, mà người xuất gia cần phải ghi nhớ:

- Không nên Tự Mãn về thành Quả đã đạt được.

- Không ngừng Phấn Ðấu để đi tới Mục đích cuối cùng.

Hỡi này các thầy Tỳ-Khưu! Trong trường hợp này, khi hãy còn là một vị Bồ-Tát, Như-Lai thường nghĩ như vầy: Ta rất toại dạ vui lòng, dù thân xác phải rã rời, dù huyết quản phải khô cạn, nếu còn chút nghị lực, ta vẫn quyết tâm chiến đấu để thành đạt những pháp cao siêu mà con người có thể thành đạt.

Hỡi này các thầy Tỳ-Khưu! Vì quyết tâm như thế. Ta đã đi tới giác ngộ và đã thoát khỏi vòng nô lệ. Vậy các người cũng nên kiên trì tâm trí như vậy dù phải thịt nát xương tan, huyết quản khô cạn, cũng không để các Thiện Pháp giảm suy". (Samyutta Nikãya II - 27-29)

"Như-Lai không cho rằng đạo quả có thể thành đạt trong khoảnh-khắc, mà chỉ đến sau thời gian công phu, khó nhọc không thối chuyển, sau tiến trình Ðạo đức được triển khai từng giai đoạn.

Trong điều này, một người nọ, tìm đến nghe giáo pháp, rán ghi nhớ nằm lòng, nhận xét giá trị của Ðạo lý rồi phát tâm thỏa thích. Sau khi cân nhắc lợi hại, phải quấy và niềm ước vọng cao siêu phát sanh trong trí não, người đó liền cố gắng thực hành và khi có tâm quả quyết như thế, người đã bắt đầu bước lên đường giác ngộ". (Anguttara Nikãya)

Thầy Tỳ-Khưu cần giữ tinh thần vắng lặng, thu thúc lục căn, đó là tấm gương Ðạo hạnh, Ðức-Phật thuyết:

"Này Xá Lợi Phất, người nên suy nghĩ như vầy: Ta phải làm cách nào cho giác quan yên lặng, cho tâm trí yên lặng?

Này Xá Lợi Phất, mà tại sao vậy?

Vì khi nào giác quan yên tĩnh, thì những hành động do khẩu, do ý cũng yên tĩnh thanh cao?

Rồi người nên nghĩ thêm: Thực hành được như vậy, ta đã ban bố cho những bạn đồng hành một món quà quí báu, một tấm gương đạo hạnh tuyệt vời". (Anguttara Nikãya - 331-332)

"Hỡi này các thầy Tỳ-Khưu! Trên cõi đời này, có nhiều thắng cảnh ngoạn-mục, nào là đền đài, huê-viên, công-trường, đồng quê bát-ngát, hồ nước trong veo. Nhưng còn nhiều vô số kể là: Non cao nguy hiểm, rừng vắng hoang vu, hố hang rùng rợn,... Thì như thế ấy, rất ít chúng-sanh được mang kiếp người, còn nhiều vô số kể thọ sanh vào những cảnh giới khác. Ðược sanh làm người rồi, rất ít có kẻ thông minh, đạo đức, còn quá nhiều người tối mê, lầm lạc. Lại rất ít người được nghe Giáo Pháp, chăm chỉ thực hành để sống theo đạo đức, còn nhiều kẻ khác không làm như vậy. Rất ít hành-giả được nếm hương vị giải-thoát và rất nhiều còn dính mắc trong vòng phàm tục". (Vinaya - I - 8)

Cõi trời Phạm-Thiên và Vô-Sắc chưa phải là mục đích cuối cùng. Phần lớn tôn giáo trên Thế giới chủ trương các cõi trời là những nơi an-nghĩ hoàn toàn hạnh phúc. Ðức Bồ-Tát Sỉ-Ðạt-Ta đã đắc bốn bậc Thiền Vô-Sắc khi theo học với hai thầy Ðạo-sĩ Alara, Uddaka, thấy rằng với thiền này chưa diệt tận bản ngã, chưa chấm dứt nguồn sanh tử, nên đã rời bỏ hai thầy đi tìm đạo một mình.

Ðức-Phật khiển trách Ðại-Ðức Xá-Lợi-Phất, dạy một người Bà-La-Môn phương thức hành đạo để lên tới cõi trời Phạm Thiên (Brahma):

"Này Xá-Lợi-Phất, tại sao ngươi chỉ dạy người Ba-La-Môn đó cách thức để lên cõi trời sắc giới thôi! Vì đó chưa phải là giải thoát. Còn rất nhiều việc phải làm mới đi tới mục đích cuối cùng". (Samyutta Nikãya - 100)

Gần Gủi Bạn Lành

Giao du với bạn-bè cũng là yếu tố quan-trọng đối với người tu Thiền Ðịnh. Người bạn có thể là ông thầy dìu-dắt mình trở nên cao- thượng mà cũng có thể trở thành kẻ xấu-xa, xô mình xuống vực sâu.

Ðứa trẻ bắt đầu cuộc sống giữa cha mẹ, anh em và chịu ảnh-hưởng của gia-đình. Khi lớn lên, vào lớp nhờ sự dạy-dỗ của thầy và ảnh-hưởng tánh-tình của bạn-bè. Lúc thành nhân được gia-nhập vào sinh-hoạt xã-hội, phải giao-dịch với nhiều giới quen thuộc, thu-thập được nhiều kiến-thức, kinh-nghiệm tình-cảm của những kẻ bao quanh và thâm nhiễm nhiều tật xấu có, tốt có.

Bạn lành về phương diện đạo-đức, không phải ám chỉ mối tương giao huynh-đệ, cư xử đúng cách giữa những con người vì quyền lợi hay tình-cảm, mà là những Thiện trí-thức đồng lý tưởng với mình có nếp sống thanh bạch, giàu kinh-nghiệm tâm-lý và nhất là có tâm thỏa-thích hành đạo, có thể giúp đỡ, nhắc-nhở ta trên đường Thánh-Thiện. Ðức-Phật thuyết:

"Người Thiện trí-thức là người không làm mười điều ác, có tâm từ ái, không tà-kiến là người thấu rõ lợi-ích của các nghiệp lành trong kiếp hiện tại và vị-lai". (Dhammapada)

Ðức-Phật rất ngợi khen sự thân-cận các bạn lành, cho đó là nguyên do đưa tới đạo-đức thanh-bạch.

"Hỡi này các thầy Tỳ-Khưu! Cũng như bình minh báo hiệu mặt trời sắp lố dạng, tình thân hữu với người thiện trí-thức báo hiệu bảy nhân làm phát sanh trí-tuệ (Thất Giác Chi) sẽ đến với kẻ tu hành". (Samyutta Nikãya V-101)

"Này Xá-Lợi-Phất, quả đúng như vậy! Thân-cận bạn lành là điều kiện tối cần của đời sống Phạm hạnh. Thầy Tỳ-Khưu nào, thường hay tìm gặp các Thiện trí-thức, có nhiều hy-vọng làm phát-triển con đường Siêu-Việt (Bát Chánh-Ðạo) và nhờ đó, từ là nạn nhân của những thảm họa Sanh, Già, Bệnh, Chết, người khỏi khổ đau, than-van thất-vọng". (Samyutta Nikãya)

Ít Bận Rộn

"Bậc Thánh-Nhân gọi con người luôn luôn bận việc, hết buông cái này thì bắt tới cái kia, dù có lợi ích hay không là kẻ náo động, tâm trí bôn chôn xao-xuyến như con khỉ nhảy-nhót không ngừng và đó là trở ngại lớn cho người hành-đạo. Một Thiền-Sư nói chẳng thà đi ngủ còn tốt hơn bận rộn vô-ích".

Lần nọ, Ðức-Phật đi kinh hành đến gần Tịnh-xá gặp Chư-Tăng đang họp nhau bàn-luận về Ðạo-Ðức, Ngài khen ngợi:

"Này các thầy Tỳ-Khưu, vậy mỗi khi các ngươi hội-họp với nhau, tốt hơn là bàn về giáo-lý, nếu không thì nên giữ sự yên-lặng thanh-cao. Suy tưởng về các Pháp". (Majjhima Nikãya)

Người hành đạo cũng bận rộn nhưng bận rộn lo tham thiền nhập định, bận rộn để hủy diệt phiền-não.

Tránh Xa Tình Dục và Giữ Tâm Chân Thật

Tình dục kích-thích mạnh-mẽ giác quan, khuấy động tâm trí, làm cho con người thường tối mê, điên-đảo, không sao tiến hóa trong việc tu-hành. Nhà hiền triết Ramakrishna gọi người phụ nữ là Mẹ. Bà vợ được cha-mẹ cưới cho lúc chưa đầy mười tuổi, theo phụng sự ông suốt thời-gian 30 năm nhưng hãy còn trinh triết.

Nết hạnh chân-thật cũng rất thiết yếu đối với người hành đạo. Không những thành-thật đối với tha nhân, mà tốt nhất là phải chân-thật với chính mình. Trong mỗi giờ, mỗi phút người nên dòm xét bản-thân, để tẩy trừ các nết hư tật xấu, những ý nghĩ tà vạy, những tham-vọng vô bờ bến. Phải có can-đảm chấp nhận lỗi mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ðức-Phật dạy rằng con người từ lúc mới chào đời đã mang theo tội-lỗi. Vì phải gánh lấy xác thân tạo thành bởi cái tâm tham sống từ kiềp trước.

Người không thể chân-thật nếu hằng ngày vẫn lo dòm ngó lỗi người, chỉ trích, phê-phán. Phương ngôn có câu: Người hay chỉ trích chính là kẻ đáng chỉ trích nhất.