CHƯƠNG III
PHÁP MÔN TU TẬP CỦA CƯ SĨ
III.1. QUI Y TAM BẢO (Tisaraṇagamana)
Ý nghĩa và thái độ qui y
Qui y
(saraṇagamana) là sự đi tìm nương tựa, tìm chỗ ẩn náu cho tâm
hồn. Con người phần đông thích tìm chỗ nương tựa để an ủi tinh thần và trấn áp
nỗi lo sợ, nhưng làm vậy không phải luôn luôn có hiệu quả, bởi vì nương tựa chỗ
không đáng nương tựa thì chẳng có tác dụng gì, ví như một người bị bệnh thập tử
nhất sanh thay vì đi tìm đến một vị thầy thuốc giỏi người ấy lại đặt niềm tin
vào một hàng xóm mà anh ta quen biết để nhờ chữa trị. Điều đó không có cơ sở
bảo đảm cho anh ta lành bệnh được.
Trong kinh pháp cú, Đức Phật có
dạy: "Loài người khi hoảng hốt bèn đi tìm nhiều chỗ nương tựa, núi non,
rừng rậm, vườn cây hoặc đền tháp. Đó không phải là chỗ qui y an ổn, không phải
là sự qui y cao thượng, sự qui y như vậy không thoát khỏi khổ đau. Chỉ có ai
qui y Đức Phật, qui y chánh pháp và Tăng chúng, với chánh trí thấy được bốn
thánh đế là khổ - tập - diệt - đạo, chỉ có điều đó mới thật sự là qui y an ổn,
là qui y cao thượng, qui y như vậy mới thoát khỏi mọi khổ đau".
(Dhp.188-192).
Đối tượng qui y của người Phật
tử là Đức Phật (buddha), Giáo pháp (dhamma), và Tăng chúng (saṅgha).
Người Phật tử qui y Phật là qui
ngưỡng bậc Chánh Giác, xem Đức Phật như là bậc Đạo Sư lãnh đạo tinh thần; người
Phật tử chân chính không bao giờ nghĩ rằng nương tựa Đức Phật để được Ngài cứu
rỗi hay ban cho ân huệ gì.
Người Phật tử qui y Pháp là qui
ngưỡng chánh pháp đã được Đức Phật thuyết giảng, nương tựa giáo pháp như là y
cứ vào kim chỉ nam để thực hành; người Phật tử chân chính qui y pháp không nghĩ
rằng giáo pháp như những bài chú đọc tụng để tiêu tai giải nạn.
Người Phật tử qui y Tăng là qui
ngưỡng Tăng chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật, nương tựa Tăng chúng như là
những vị đàn anh dìu dắt mình trên con đường tu tập mà đấng Từ Phụ đã vạch ra;
người Phật tử chân chính qui y Tăng không nghĩ rằng Tăng chúng như những vị
giáo sĩ trung gian để giúp nguyện cầu với đấng thần linh.
Thái độ qui y Tam bảo của người
Phật tử tựa hồ như một người bệnh đặt niềm tin, vào vị bác sĩ, nương tựa để
được hướng dẫn điều trị bệnh; tất nhiên mọi sự cố gắng nỗ lực, uống thuốc và cử
kiêng ăn uống, phải do chính người bệnh.Cũng vậy, người Phật tử phải tự tinh
tấn hành trì, sự qui y chỉ là nương tựa tinh thần để xác quyết lý tưởng phạm
hạnh.
Yếu tố để thành tựu qui y
Người Phật tử thành tựu tốt đẹp
sự qui y do ba yếu tố:
a) Đức tin (Saddhā)
b) Trí tuệ (Paññā)
c) Phó thác sanh mạng (Jīvitapariccāga)
Người cư sĩ có niềm tin trong sạch
với Đức Phật, với giáo pháp, với Tăng chúng, không hoài nghi, không bất mãn Tam
bảo, mới phát nguyện qui y, như vậy mới thành tựu sự qui y tốt đẹp. Qui y mà
thiếu lòng tin thì không thể có quyết tâm noi theo Tam bảo để tu tập, nên không
thành tựu qui y.
Mặt khác, người cư sĩ thiếu trí
tuệ, không hiểu biết tại sao phải qui y, không hiểu biết gì về Đức Phật - Giáo
pháp - Tăng chúng, dù người ấy có xin qui y cũng không thành tựu là người Phật
tử. Do đó, phải có sự hiểu biết sáng suốt và chín chắn, phải có trí tuệ, mới
thành tựu tốt đẹp sự qui y.
Một điều nữa là người cư sĩ chưa
có quyết định phó thác sanh mạng cho Tam bảo, tức là chưa hoàn toàn chấp nhận
dấn thân theo lý tưởng tu tập, nên dù có xin qui y vẫn khó thành tựu. Vì vậy,
muốn thành tựu sự qui y tốt đẹp phải có yếu tố quyết định phó thác sanh mạng
cho Tam bảo.
Hình thức qui y
Có bốn hình thức qui y Tam bảo
a) Hình thức dâng mình qui phục (Attasanniy-yātanā)
b) Hình thức chấp nhận điểm tựa (Tapparāyanā)
c) Hình thức hạ mình làm môn đệ (Sissabhāvupagamana)
d) Hình thức biểu lộ tôn kính (Paṇipāta)
Người cư sĩ có niềm tin nơi Tam
bảo muốn qui y Tam bảo, có thể thực hiện một trong bốn hình thức trên để tác
thành nghi thức qui y. Nhưng hình thức qui y rất phổ thông là cách thứ hai
"Chấp nhận Tam bảo là chỗ nương".
Giải về bốn hình thức qui y như
sau:
a) Qui y bằng hình thức dâng
mình qui phục, là phát nguyện rằng: "Ajja ādiṃ katvā
ahaṃ attānaṃ
buddhassa dhammassa saṅghassa niyyādemi" (Bắt
đầu từ hôm nay con xin dâng mình đến Đức Phật, Giáo pháp và Tăng chúng).
Bằng hình thức này cũng gọi là
người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.
b) Qui y bằng hình thức chấp
nhận điểm tựa, là phát nguyện rằng: "Ajja ādiṃ katvā
ahaṃ buddha-parāyano dhammaparāyano
saṅghaparāyano. Iti maṃ
dhāretha" (Bắt đầu từ hôm nay con có Đức Phật là điểm tựa,
có Giáo pháp là điểm tựa, có Tăng chúng là điểm tựa. Xin Ngài nhận biết cho con
như thế).
Còn có một cách phát nguyện khác
cũng thuộc hình thức qui y này mà ngày nay cư sĩ Phật giáo thường áp
dụng: "Eso' haṃ suciraparinibbutaṃpi taṃ bhagavantaṃ saraṇaṃ
gacchāmi dhammañca bhikkhusaṅghañca
upāsakaṃ maṃ
dhāretha". (Con xin y chỉ đức Thế Tôn đã níp bàn, xin y chỉ
giáo pháp, xin y chỉ chúng tỳ kheo. Mong Ngài nhận biết con là người cận sự).
Bằng hình thức này cũng gọi là
người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.
c) Qui y bằng hình thức hạ mình
làm môn đệ, là phát nguyện rằng: "Ajja ādiṃ katvā
ahaṃ bud-dhassa antevāsiko dhammassa
antevāsiko saṅghassa antevāsiko. Iti maṃ
dhāretha" (Bắt đầu từ hôm nay con là môn đệ của Đức Phật, môn đệ của Giáo
pháp, môn đệ của Tăng chúng. Xin Ngài nhận biết cho con như thế).
Bằng hình thức này cũng gọi là
người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.
d) Qui y bằng hình thức biểu lộ
tôn kính, là phát nguyện rằng: Ajja ādiṃ katvā
ahaṃ abhi-vādanaṃ paccupaṭṭhānaṃ
añjalikammaṃ sāmīci-kammaṃ
buddhādīnaṃ-y-eva tinnaṃ
vatthūnaṃ karomi. Iti maṃ
dhāretha" (Bắt đầu từ hôm nay con chỉ đảnh lễ, nghinh
tiếp, vái chào và tôn ngưỡng đối với ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. Xin Ngài nhận
biết con là như thế).
Bằng hình thức này cũng gọi là
người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.
Sự kiện bợn nhơ qui y
Thánh qui y, tức là sự qui y Tam
bảo của bậc thánh hữu học như Tu đà huờn v.v... không có sự bợn nhơ, bởi vì các
vị thánh cư sĩ ấy đã thành tựu niềm tin vững chắc đối với Phật, Pháp, Tăng, đã
đoạn tận tà kiến và hoài nghi. Chỉ có sự qui y của hạng phàm nhân, phàm qui y,
mới có trường hợp bợn nhơ qui y, vì phàm phu vẫn còn phiền não.
Bợn nhơ qui y tức là sự qui y
của người cư sĩ bị bất tịnh, không trong sạch, không được hoàn hảo, mặc dù chưa
bị phá vỡ, chưa bị mất danh hiệu người cận sự (Upāsaka). Người cư sĩ bợn nhơ
qui y sẽ làm khiếm khuyết quả phước, khó có sự tinh tấn tu tập thiện pháp.
Có ba sự kiện làm bợn nhơ qui y:
a) Thiếu trí (aññāṇa)
b) Hoài nghi (saṃsaya)
c) Tà kiến (micchāñāṇadassa)
Người cư sĩ đã qui y Tam bảo
nhưng lại không hiểu biết về sự thanh tịnh của Đức Phật, không hiểu về sự đặc
thù của giáo pháp, không hiểu về sự cao thượng của Tăng chúng, đó là sự kiện
làm bợn nhơ qui y bởi do thiếu hiểu biết nên người ấy không thiết tha, không
tinh tấn thực hành phận sự người cư sĩ đối với Tam bảo.
Người cư sĩ đã qui y Tam bảo
nhưng lại nghi ngờ sự giác ngộ của Đức Phật, nghi ngờ hiệu năng của giáo pháp,
nghi ngờ chánh hạnh của Tăng chúng, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y, bởi do
hoài nghi nên người ấy thối thất tinh tấn, xao lãng phận sự tu tập và phận sự
đối với Tam bảo.
Người cư sĩ đã qui y Tam bảo
nhưng lại có tri kiến sai lầm, hiểu thấy trái ngược với tinh thần lời dạy của
Đức Phật, tin vào những điều tà pháp như tin bói toán, đồng bóng v.v... gọi là
có tà kiến, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y, bởi do tà kiến nên người ấy không
thấy được chánh đạo, không thấy được những gì phải nỗ lực tu tập, người ấy đi
xa lời Phật dạy.
Sự kiện đứt đoạn qui y
Một người đã đắc quả siêu thế,
là bậc thánh hữu học, người ấy thành tựu qui y bất thối nơi Tam bảo, sẽ không
bao giờ có sự đứt đoạn qui y đối với thánh qui y như vậy. Vị thánh hữu học dù
mạng chung ở đây sanh lại đời sống khác cũng không gián đoạn tam qui, vì đạo
quả siêu thế là bất động.
Chỉ có sự qui y của phàm nhân mới
có thể bị đứt đoạn. Có hai sự kiện đứt đoạn qui y của phàm nhân:
a) Đứt qui y không có lỗi (Anavajjo)
b) Đứt qui y có lỗi (Sāvajjo)
Một người đã qui y Tam bảo và tu
tập tốt đẹp, nhưng khi người ấy chết thì xem như là đã đứt đoạn qui y, vì một
kẻ phàm phu không có gì để đảm bảo lúc tái sanh vào cảnh giới khác, với một đời
sống khác, lại có thể giữ nguyên lập trường tín ngưỡng; người ấy sẽ không còn
nhớ đến Tam bảo, không còn nhớ đến lý tưởng tu tập trong đời này. Nhưng đây gọi
là sự kiện đứt qui y không có lỗi.
Trường hợp một người đã qui y
Tam bảo, sau đó xu hướng theo ngoại giáo, trở lại phỉ báng Đức Phật, phỉ báng
giáo pháp, phỉ báng Tăng chúng. Như thế gọi là sự kiện đứt qui y có lỗi. Có lỗi
đây là tự làm mất gốc và tạo nên quả báo đau khổ; nếu người ấy chỉ từ bỏ Tam
bảo để xu hướng ngoại giáo thì gọi là tự làm mất gốc; nếu người ấy xu hướng
ngoại giáo và trở lại phỉ báng Tam bảo thì gọi là tự làm mất gốc và tạo ác quả.
Một người cữ sĩ đã đứt qui y thì
không còn là một người cận sự nữa, không đáng gọi là một Phật tử nữa.
Lợi ích của sự qui y
Qui y Tam bảo là pháp tu bước
đầu của người cư sĩ, từ thái độ qui y sẽ thể hiện được niềm tin, tinh tấn và
trí tuệ để giúp cho người cư sĩ tiến bộ trong đời sống tu tập. Người cư sĩ muốn
tu tiến mà không qui y Tam bảo thì không thể định hướng lý tưởng, không có động
cơ để thiết tha hành trì.
Mặt khác, sự qui y Tam bảo bằng
thái độ tôn kính và qui thuận Đức Phật, giáo pháp và Tăng chúng, điều đó có lợi
ích là kết thành thiện duyên để người ấy trong những kiếp tương lai sẽ để gắn
bó với lý tưởng giải thoát, nếu gặp được một vị chánh giác thì nhờ duyên lành
nên rất dễ giác ngộ.
Lại nữa, trong chú giải còn nói
rằng, người phát tâm qui y Tam bảo sẽ có được quả phước rất đặc biệt khi còn
tái sanh luân hồi, được quả phúc như là có tuổi thọ cao, có nhiều an vui, có
nhiều quyền tước, có thân to lớn, có hình dáng đẹp, có danh tiếng, có ngũ quan
nhạy bén ... hơn những đồng loại.
III.2. HẠNH BỐ THÍ (Dāna)
Ý nghĩa pháp bố thí
Bố thí (Dāna, tàu âm đàn-na) là
sự cho, biếu, tặng, hiến, dâng cúng ... cho ra mà không nhận lấy lại, gọi là bố
thí.
Người đời hiểu danh từ "Bố
thí" là một hành động "Cho với thái độ khinh bỉ". Trong Phật
giáo thì danh từ này có ý nghĩa rất đẹp. "Bố thí" là một hạnh lành,
là một nghĩa cử, một hành động chia sẻ với tâm rộng rãi.
Khi người bỏ được tâm keo kiết
bỏn sẻn mới bố thí được, do vậy, bố thí là một việc làm cao quí. Không phải ai
cũng làm được, và không phải lúc nào cũng làm được.
Phần đông chúng sanh có tâm chấp
giữ tư hữu, không vui thích san sẻ, không hoan hỷ phân phát. Vì vậy, nói rằng
không phải ai cũng bố thí được.
Có những người cũng hoan hỷ bố
thí, vui thích phân phát, nhưng tâm chúng sanh phàm phu không thăng bằng, có
lúc dễ xả tài, có lúc lại khó dứt bỏ, tâm tư có khi hào phóng, có khi thắt
chặt. Vì vậy, nói rằng không phải lúc nào cũng bố thí được.
Bố thí (dāna) còn được gọi là xả
tài (cāga) hay thí xả (pariccāga).
Điều kiện bố thí
Để thành tựu một việc bố thí,
phải hội đủ ba điều kiện:
a) Có tư niệm (cetanā)
b) Có vật thí (vatthu)
c) Có người nhận (paṭigāhaka)
Gọi là "Có tư niệm",
tức là có tâm quyết định dứt khoát hay có tác ý rằng: "Ta sẽ bố thí",
hoặc "Ta hãy bố thí", hoặc "Ta chớ nên bỏn sẻn" ... tư
tưởng ấy khởi lên trước khi bố thí thì gọi là Tư tiền (pubbacetanā);
tư tưởng quyết tâm bố thí khởi lên khi đang làm thì gọi là Tư hiện (muñcanacetanā),
tư tưởng nghĩ lại và hoan hỷ sự bố thí đã làm qua thì gọi là Tư hậu (aparacetanā).
Điều kiện tư niệm (cetanā) rất
quan trọng vì chính đây là yếu tố tác thành thiện nghiệp bố thí; có tư niệm
càng lâu thời gian thì càng tích lũy được nhiều thiện nghiệp. Có người khởi tư
niệm chuẩn bị để bố thí, trước nhiều năm, hoặc nhiều tháng, hoặc nhiều ngày,
hay chỉ ngay trước khi bố thí không lâu. Tư niệm thời gian dài như là một người
có ý định sẽ làm phước dâng y Kaṭhina vào
những năm sau nên chuẩn bị đầu tư tiền bạc ... Trường hợp tư niệm thời gian
ngắn như là chợt có người ăn mày ngửa tay xin tiền, cận sự nam ấy quyết định bố
thí cho người ăn mày ngay khi ấy ...
Tư niệm thiện đang khi làm cũng
là một yếu tố quan trọng để duy trì thiện hạnh bố thí, bởi lúc đó nếu không có
tác ý mạnh thì tâm thiện đôi khi bị thối chuyển.
Tư niệm thiện sau khi bố thí
cũng rất cần thiết, vì nghĩ lại điều phước mình đã làm thì càng hoan hỷ và điều
đó trợ cho ý muốn bố thí thêm nữa bằng cách thường cận y duyên. Một người đã bố
thí rồi nhưng không hậu tư niệm sẽ không thiết tha, không khắng khít, không ước
muốn làm việc thiện ấy nữa.
Điều kiện bố thí thứ hai là
"Có vật thí", tức là nói đến vật chất cụ thể để đem cho, để bố thí,
để cúng dường.
Vật thí nói theo luật tạng thì
có bốn thứ là y phục (cīvara), vật thực (piṇḍapāta),
trú xứ (senāsana), thuốc trị bệnh (gilānabhesajja). Đó là bốn món nhu yếu, cần
thiết cho đời sống mọi người; y phục để mặc che thân, vật thực để ăn nuôi sống,
trú xứ để ở tránh mưa nắng, thuốc trị bệnh để ngăn trừ cảm thọ khổ. Bốn vật thí
này là tứ vật dụng mà người cư sĩ thường bố thí cúng dường đến Tăng chúng trong
Phật giáo.
Vật thí nói theo kinh tạng thì
có mười thứ là thức ăn (aṇṇa), nước uống (pāna), y phục
(vattha), xe thuyền (yāna), bông hoa (mālā), vật thơm (gandha), vật thoa
(vilepana), giường ghế (seyyā), chỗ ở (āvasatha), đèn đuốc (padīpa). Mười vật
thí này, trong đó có những thứ cần thiết cho đời sống, có những thứ không phải
nhu cầu cần thiết nhưng cũng mang đến lợi ích tiện nghi cho con người. Do đó,
đều có thể lấy làm vật thí để cho tặng người khác được.
Vật thí nói theo Vi Diệu Pháp
thì có sáu thứ là sắc (rūpa), thinh (sadda), hương (gandha), vị (rasa), xúc
(phoṭṭhabba) và pháp (dhamma). Sáu vật thí này là nói theo bản
thể của các vật thí thông thường chớ không có gì là lạ thường. Thí dụ, vật thí
nào mắt thưởng thức được thì gọi là sắc thí, vật thí nào mà tai thưởng thức
được thì gọi là thinh thí v.v...
Vật thí là điều kiện để thực
hiện việc bố thí vì có vật thí mới đem cho được đến người khác, như ta mời
người bạn ăn cơm thì phải có cơm nấu dọn lên bàn vậy.
Điều kiện thứ ba là "Có
người nhận", nghĩa là có đối tượng để cho. Nếu mình có hảo tâm, có sẵn vật
thí, mà không có người để nhận vật thí thì không thành sự bố thí. "Người
nhận" được gọi là người thọ thí hay đối tượng thí.
Bất cứ ai cũng có thể là đối
tượng thí hay người thọ thí được cả.
Nói theo hình thức, đối tượng
thí có hai là cá nhân đối tượng (paṭipuggalika)
và tập thể đối tượng (saṅghika).
Cá nhân đối tượng, tức là một
chúng sanh nào đó thọ nhận sự bố thí, cá biệt một nhân vật được cho. Thí dụ,
như người cư sĩ cúng dường riêng cho Đức Phật hoặc riêng cho một vị tỳ kheo,
hay bố thí cho một người ăn mày, giúp đỡ cho một người nghèo, hay là cho thức
ăn đến một con chó, một con mèo v.v... nhân vật thọ thí ấy gọi là cá nhân đối
tượng.
Tập thể đối tượng, tức là đối
tượng gồm nhiều người, đối tượng là đoàn thể, đối tượng là quần chúng. Thí dụ
như sự cúng dường đến chư Tăng tỳ kheo, đến các tu sĩ, hoặc như cứu trợ đồng
bào bị thiên tai, giúp đỡ các trẻ mồ côi v.v... đối tượng được bố thí ấy gọi là
tập thể đối tượng.
Nói theo giá trị, đối tượng thí
được phân ra có bốn hạng là bậc khả kính, bậc hữu ân, hạng thường nhơn, hạng
súc sanh.
Đối tượng thí là bậc khả kính
như Đức Phật, các tỳ kheo, các sa-môn, bà-la-môn giới hạnh
Đối tượng thí là bậc hữu ân thầy
tổ, ông bà, cha mẹ, và những ai có ân đức với mình.
Đối tượng thí là hạng thường
nhơn như người nghèo, người sống bất hạnh, người cần giúp đỡ, và tất cả người
nào không thuộc bậc khả kính và bậc hữu ân.
Đối tượng thí là hạng súc sanh
như là các thú vật nuôi hoặc những loài bàng sanh khác mà mình thấy đáng thương
xót.
Sự bố thí có quả báo ít hay
nhiều cũng tùy thuộc ở đối tượng thọ thí nữa.
Hình thức bố thí
Bố thí là sự cho đến người khác. Nhưng xét về thái độ
"Cho" thì nói có hai hình thức bố thí là:
a) Bố thí tế độ (saṅgahavasa)
b) Bố thí cúng dường (pūjavasa)
Bố thí tế độ, là sự bố thí với
thái độ bi tâm, thương xót chúng sanh bất hạnh nên bố thí giúp đỡ, mong xoa dịu
nỗi khổ đau của chúng sanh ấy. Như là cho y phục, thực phẩm đến những người
nghèo khó, cho đến người ăn xin, hoặc cứu trợ những đồng bào bị thiên tai
v.v...
Bố thí cúng dường, là sự bố thí
với thái độ tín tâm, bố thí với tâm trong sạch cung kính, mong được người thọ
thí chúc phúc. Như là cúng dường đến các bậc sa-môn, bà-la-môn giới hạnh, các
bậc xứng đáng cúng dường; thậm chí việc phụng dưỡng cha mẹ và thầy tổ cũng gọi
là thái độ bố thí cúng dường.
Người cư sĩ nên thực hành cả hai
hình thức bố thí ấy.
Tâm lý bố thí
Bố thí là đem tài sản sở hữu của
mình ra cho người khác, nhưng không phải tất cả trường hợp bố thí đều có giá
trị giống nhau. Giá trị cao thấp của sự bố thí tùy vào tâm lý bố thí của người
cho.
Có tám tâm lý bố thí (A.IV.236):
1- Do thương mà bố thí (chandā dānaṃ deti).
Có người vì thương yêu người nào đó nên họ biếu tặng cho người ấy quà phẩm hoặc
tiền bạc.
2- Do ghét mà bố thí (dosā dānaṃ deti). Có người vì bực bội do
bị xin xỏ quấy rầy nên bố thí cho yên; hoặc vì muốn sỉ nhục mà bố thí; hoặc vì
ghét người này mà đem cho người khác.
3- Do dốt nát mà bố thí (mohā dānaṃ deti).
Có người không nhận thức tính thiện pháp của bố thí, không nghĩ đến mục đích
gì, chỉ là ai xin thì cho vậy thôi.
4- Do sợ mà bố thí (bhayā dānaṃ deti). Có người bị đe dọa, hoặc
bị áp bức, hoặc yếu thế nên phải cho tài sản để yên thân.
5- Do truyền thống mà bố thí (kulavaṃsā dānaṃ deti).
Có người ở trong gia đình truyền thống bố thí, nên người ấy rộng rãi xả tài vì
nghĩ rằng ta không nên làm mất truyền thống gia đình.
6- Do mục đích sanh thiên mà bố thí (Sugati-upapannatthāya dānaṃ deti).
Có người mong được sanh về cõi trời nên bố thí, vì nghĩ rằng sau khi bố thí ta
chết sẽ sanh thiên.
7- Do mục đích tâm an vui mà bố thí (cittapa-sīdanatthāya dānaṃ deti).
Có người thích bố thí vì nghĩ rằng khi ta bố thí đem niềm vui cho kẻ khác thì
ta được an vui.
8- Do mục đích trang bị cho tâm mà bố thí (cittaparikkhāratthaṃ dānaṃ deti).
Có những chúng sanh cầu giải thoát, muốn trang bị cho tâm, làm cho tâm được
thuần thục, làm cho tâm trong sáng khỏi cấu uế xan tham nên bố thí.
Trong tám tâm lý bố thí ấy chỉ
có sự bố thí vì mục đích trang bị tâm là sự bố thí cao quí, sự bố thí vì mục
đích tâm an vui cũng là sự bố thí tốt đẹp.
Sự bố thí vì truyền thống và sự
bố thí vì mục đích sanh thiên, cũng được bậc trí trong đời chấp nhận, nhưng
không xem là thù thắng.
Cung cách bố thí
Nhìn vào cung cách bố thí mà
biết được là người hiền trí hay không phải hiền trí.
Cung cách bố thí của bậc hiền
trí có năm (A.III.171), là:
1- Bố thí có tôn trọng (Sakkaccaṃ deti).
Tức là khi cho ai thì cho bằng thái độ ân cần.
2- Bố thí có suy nghĩ (Cittīkatvā deti), tức là có chủ tâm làm điều tốt nên mới
bố thí.
3- Bố thí tự tay (Sahatthā deti), tức là chính mình làm chớ không sai bảo hay giao
phó người khác làm.
4- Bố thí đồ không quăng bỏ (anapaviddhaṃ deti),
là cho vật tốt đẹp mà mình đang dùng xài chứ không phải là vật dư thừa hay thối
hư.
5- Bố thí có nhìn tương lai (āgamanadiṭṭhiko
deti), là bố thí có hướng đến mục đích, như nghĩ đến an vui, nghĩ đến phước
báu, nghĩ đến giải thoát.
Cung cách bố thí của hạng phi hiền trí có năm (A.III.171) là:
1- Bố thí không tôn trọng (asakkaccaṃ deti).
Nghĩa là hạng phi hiền trí khi cho ai thì cho với thái độ khinh rẻ.
2- Bố thí không suy nghĩ (acittīkatvā deti). Hạng phi hiền trí bố thí thờ ơ,
không quan tâm việc mình làm.
3- Bố thí không tự tay (asahathā deti). Hạng phi hiền trí bố thí không tự mình
làm mà chỉ sai bảo người khác làm, như thể việc bố thí không đáng để họ làm.
4- Bố thí đồ quăng bỏ (apaviddhaṃ deti).
Hạng phi hiền trí bố thí những thứ mà họ đã chán chê, những thứ mà họ không
dùng xài nữa.
5- Bố thí không nhìn tương lai (anāgamanadiṭṭhiko
deti). Hạng phi hiền trí có bố thí cũng không hướng đến mục đích cao cả, không
có nguyện vọng, làm chỉ là làm thôi.
Quả phúc bố thí
Hạnh bố thí thành tựu nhiều lợi
lạc cho thí chủ. Nhưng tùy theo hạnh bố thí mà có được những quả lợi ích khác
nhau, khó khẳng định được.
Hạnh bố thí có những quả lợi ích
khác nhau tùy theo vật thí, tâm lý bố thí, cung cách bố thí v.v...
Quả bố thí tùy theo vật thí (vật
thực, hoặc y phục hoặc trú xứ ...), điển hình như bố thí vật thực sẽ thành tựu
5 điều lợi lạc đến thí chủ (A.III.42):
1- Hưởng tuổi thọ nhơn thiên, vì
thí thực giúp cho người khác được kéo dài sự sống.
2- Hưởng dung sắc nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác nuôi thân xinh
tốt.
3- Hưởng an vui nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác ngăn được cảm thọ
đói khổ.
4- Hưởng sức lực nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác có sức khỏe sung
mãn.
5- Hưởng biện tài nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác bồi dưỡng trí
tuệ.
Quả bố thí thành tựu theo tâm lý
bố thí (A.A.257) có 5 sự kiện là:
1- Người bố thí vì thương, vì ghét, vì dốt nát, vì sợ thì
quả báo về sau rất kém, có tài sản không đáng kể, không thể sanh ở cõi trời.
2- Người bố thí vì giữ truyền thống thì thường đạt đến tài sản trong cõi nhơn
loại thôi.
3- Người bố thí vì mong sanh thiên thì được đạt đến tài sản chư thiên.
4- Người bố thí vì để tâm an vui thì có thể đạt đến hai loại tài sản là tài sản
nhơn loại (manussa-sampatti), tài sản chư thiên (devasampatti).
5- Người bố thí để trang bị cho tâm, làm trang nghiêm tâm, cầu sự giải thoát
thì sẽ được tài sản thánh nhân hay thành tựu Níp bàn (nibbānasam-patti), nếu
thí chủ chưa chứng đạt Níp bàn mà còn luân hồi sanh tử thì vẫn được tài sản chư
thiên và tài sản nhân loại.
Quả bố thí thành tựu theo cung
cách bố thí (A.III.172) có 5 điều là:
1- Bố thí bằng niềm tin, được quả báo tương lai giàu có và
xinh đẹp khả ái.
2- Bố thí tôn trọng, được quả tương lai giàu có và nhiều người qui phục.
3- Bố thí hợp thời, được quả tương lai giàu có và các nhu cầu được đáp ứng đầy
đủ đúng lúc.
4- Bố thí tâm không gượng ép, được quả tương lai giàu có và hưởng thụ với tâm
thoải mái mãn nguyện.
5- Bố thí không gây tổn hại mình và người, được quả tương lai giàu có và giữ
vững được tài sản; không bị phá sản bởi lửa, nước, vua, kẻ cướp, hay người thừa
kế.
Quả báo thiết thực của sự bố thí
(A.III.38) có năm điều là:
1- Được nhiều người thương yêu kính mến.
2- Được các bậc thiện trí thức giao hảo.
3- Danh thơm tiếng tốt lan truyền
4- Có tâm dạn dĩ tự tại khi đến giữa các hội chúng.
5- Sau khi mạng chung được sanh vào nhàn cảnh cõi trời.
III. 3. HẠNH TRÌ GIỚI (Sīla)
Ý nghĩa pháp trì giới
Giới (sīla) là nguyên tắc sống
cho có sự tốt đẹp về hành động và lời nói, tất nhiên cũng là điều làm cho ý tâm
được tốt đẹp, vì giới là đầu mối của thiện pháp (sīra), là điều làm cho mát mẻ
(sītala) do bất hối.
Giới có nhiệm vụ là ngăn chặn
những lỗi lầm và nâng đỡ những đức hạnh.
Trì giới là sự cố ý kiêng cử
những hành vi xấu. Sự kiêng cử hay sự ngăn điều ác có ba trường hợp.
a) Kiêng làm ác do hoàn cảnh (sampattavirati). Thí dụ:
trong luật pháp quốc độ cấm giết người cướp của, người dân vì sợ bị tù đày nên
không dám phạm tội. Điều đó không phải là giữ giới.
b) Kiêng làm ác do thọ trì (samādānavirati). Thí dụ: một người có tác ý sống
tốt đẹp nên nguyện tránh những hành vi sai trái, điều đó chính là ý nghĩa trì
giới.
c) Kiêng làm ác do dứt trừ phiền não (samuc-chedavirati). Nghĩa là một vị thánh
đã lìa phiền não do thánh đạo đoạn trừ thì không còn hành động ác. Đây là sự
thành tựu giới do tâm thanh tịnh, không phải sự trì giới.
Hạng phàm nhân tác ý chế ngự
phiền não, không vi phạm điều ác của thân và khẩu, được gọi là người giữ giới.
Đây cũng gọi là giới cố ý (cetanā-sīlaṃ).
Yếu tố trì giới
Có hai yếu tố để giữ chín chắn
giới hạnh (Visdh I.16):
a) Tàm (hiri), lòng hổ thẹn tội lỗi
b) Quý (ottappa), tâm ghê sợ tội ác.
Một người có lòng hổ thẹn với
tội lỗi, nghĩ đến địa vị, gia thế, trách nhiệm của mình, thấy rằng "Thật
không xứng đáng nếu ta làm điều quấy như thế". Nhờ biết tự thẹn như vậy
nên người ấy không dám dể duôi làm điều ác. Đây gọi là giữ giới chín chắn nhờ
có yếu tố lòng tàm.
Một người có tâm sợ hãi tội lỗi,
khi nghĩ đến hậu quả đau khổ do làm điều ác, hoặc nghĩ đến sẽ bị các bạn đồng
phạm hạnh có trí quở trách nếu biết ta làm điều ác, hoặc nghĩ đến sẽ bị luật
pháp quốc độ xử phạt nếu ta phạm lỗi lầm ... nhờ nghĩ thế nên có tâm sợ hãi tội
lỗi, nhờ có tâm sợ hãi nên không dám dể duôi làm điều ác. Đây gọi là giữ giới
chín chắn nhờ có yếu tố lòng quý.
Người cư sĩ sống tại gia, có
những điều dễ dãi mà xã hội vẫn xem là hành xử tốt đẹp lương thiện, nhưng xét
về mặt đạo đức Phật pháp, hay nhân quả nghiệp báo thì những điều xã hội chấp
nhận đó vẫn là điều quấy, là nghiệp đưa đến quả báo khổ đau. Do đó, người cư sĩ
cần phải có lòng tàm quý, để tu tập giữ giới cho tốt đẹp. Khi có lòng tàm quý
thì tự nguyện giữ giới, không cần sự bắt buộc.
Phân loại giới của người cư sĩ
Người cư sĩ trong Phật giáo,
thông thường có hai loại giới là ngũ giới (pañcasīla) và bát quan trai giới (aṭṭha-uposathasīla).
Ngũ giới là năm giới căn bản mà
ngưòi cư sĩ phải giữ đến trọn đời nên ngũ giới cũng được gọi là Thường nhật
giới (niccasīla), gồm năm điều là:
1- Kiêng tránh sát sanh (pāṇātipātā
veramaṇī), tức là tránh sự giết hại các sinh vật, loài có
thức tánh. Gọi là giới sát sanh.
2- Kiêng tránh trộm cướp (adinnādānā vera-maṇī), tức
là tránh sự đoạt lấy tài sản sở hữu của người khác mà người đó chưa bằng lòng
cho. Gọi là giới trộm cắp.
3- Kiêng tránh tà hạnh dục lạc (kāmesu micchā-cārā), tức là tránh sự quan hệ
tình dục bất chính với người khác ngoài vợ hoặc chồng của mình. Gọi là giới tà
dâm.
4- Kiêng tránh sự nói dối (musāvādā), tức là tránh nói lời không đúng sự thật,
lừa dối người khác; thậm chí không nói dối để vui cười. Gọi là giới nói dối.
5- Kiêng tránh sự uống rượu và chất say (surā-merayamajjapamādaṭṭhānā
veramaṇī) tức là tránh sự say sưa rượu chè, không uống các
loại chất say. Gọi là giới uống rượu.
Bát quan trai giới, là tám giới
thanh tịnh mà người cư sĩ thọ trì vào những ngày bố tát (uposatha), là ngày âl
mùng 5, mùng 8, ngày 14, ngày 15, ngày 20, ngày 23, ngày 29 và ngày 30 (nếu
tháng thiếu thì trai giới là ngày 28 và 29 âl). Tính một ngày trai giới là kể mặt
trời mọc hôm nay đến mặt trời mọc hôm sau. Bát quan trai giời có tám điều là:
1- Kiêng tránh sát sanh (pāṇātipātā
veramaṇī).
2- Kiêng tránh trộm cướp (adinnādānā vera-maṇī)
3- Kiêng tránh hành phi phạm hạnh (abrahma-cariyā veramaṇī), tức
là kiêng cử sự hành dâm, dù vợ chồng cũng kiêng gần gũi xác thịt khi giữ trai
giới. Gọi là giới hành dâm.
4- Kiêng tránh nói dối (musāvāda veramaṇī)
5- Kiêng tránh uống rượu và chất say (surāme-rayamajjapamādaṭṭhānā
veramaṇī)
6- Kiêng tránh ăn phi thời (vikālabhojanā vera-maṇī), tức
là không ăn những thức ăn nhai thuộc trái cây mễ cốc, từ đứng bóng cho đến hừng
đông ngày hôm sau. Gọi là giới ăn phi thời.
7- Kiêng tránh xem múa, hát, nhạc, kịch, trang sức vòng hoa, hương liệu, vật
thoa và thời trang (naccagītavāditavisūkadassanamālāgandhavilepana-dhaàraṇamaṇḍanavibhūsanaṭṭhānā
veramaṇī), tức là không bận rộn phóng dật với sự ca hát
đờn kèn, trang điểm làm đẹp thân. Gọi là giới thưởng thức.
8- Kiêng tránh sử dụng sàng tọa cao rộng (uccāsayanamahāsayanā veramaṇī), tức
là không nằm ngồi nơi giường ghế cao sang như hạng quí tộc. Gọi là giới dùng
sàng tọa.
Người cư sĩ giữ giới phải biết
rõ chi của giới (aṅga), để tự mình biết khi nào giới bất tịnh và khi
nào giới hư hỏng (đứt giới).
CHI CỦA GIỚI (Aṅga)
Chi của giới, tức là những điều
kiện để kết luận một hành động sai phạm mà chỉ là bất tịnh giới hay hư hoại
giới. Một hành động sai phạm mà gọi là đứt giới phải hội đủ chi phần; nếu chưa
hội đủ chi giới thì chỉ là bất tịnh thôi.
Ở đây không nói riêng biệt chi
của ngũ giới và chi của bát quan trai giới, mà chỉ nói chung những điều giới
cần phải biết.
* "Giới sát sanh" có 5
chi:
1- Đối tượng bị hại là sinh vật có thức tánh (pāṇa).
2- Kẻ giết biết rõ đối tượng là sinh vật (pāṇa-saññī).
3- Có tâm sát hại (vadhakacitta)
4- Hành động cố sát (upakkamo)
5- Đối tượng bị chết vì sự cố sát ấy (tenama-raṇaṃ)
Hội đủ 5 chi này mới gọi là phạm
giới sát sanh.
* "Giới trộm cắp" có 5
chi:
1- Vật bị lấy là vật có chủ bảo quản (paraparig-gahitaṃ).
2- Kẻ lấy biết rõ là vật có chủ (paraparigga-hitasaññī)
3- Có tâm trộm cắp (theyyacittaṃ)
4- Cố sức lấy trộm (upakkamo)
5- Vật đã bị đem đi khỏi chỗ do sự trộm ấy (tena haranaṃ)
Hội đủ 5 chi này mới gọi là phạm
giới trộm cắp.
* "Giới tà dâm" trong
ngũ giới, có 4 chi:
1- Đối tượng không nên đi đến (agamanīyat-thānaṃ), tức
là người không hợp pháp cho quan hệ tình dục.
2- Có tâm muốn hưởng dục với người ấy (tasmiṃ
sevanācittaṃ)
3- Cố gắng hành động (upakkamo)
4- Đã hành động tình dục (maggena maggappa-ṭipādanaṃ)
Hội đủ bốn chi này gọi là phạm
giới tà dâm.
* "Giới hành dâm"
trong bát quan trai giới, có 4 chi:
1- Có lỗ khiếu để hành dâm (bhedanavatthu), tức là trong
thân có 3 khiếu, tính theo hạng người tổng cộng có 30 khiếu.
2- Có tâm muốn hướng dục (sevanācittaṃ)
3- Cố gắng hành động theo ý muốn (tajjovā-yāmo)
4- Đã hành động tình dục (maggena maggappa-ṭipādanaṃ), là đã
làm cho khiếu chạm khiếu.
Hội đủ 4 chi ấy gọi là phạm giới
hành dâm.
* "Giới nói dối" có 4
chi:
1- Chuyện không thật (atathaṃvatthu)
tức là chuyện có nói không, chuyện không nói có.
2- Có tâm muốn nói sai (visaṃvādanacittaṃ)
3- Cố gắng nói sai (tajjo vāyāmo)
4- Người nghe đã tin chắc lời nói đó (parassa tadatthavijānānaṃ)
Hội đủ 4 chi này gọi là phạm
giới nói dối.
* "Giới uống rượu" có
4 chi ":
1- Thức uống là chất say (majjanīyavatthu), tức là nước
uống có nồng độ
2- Có tâm muốn uống (Pātukamyatācittaṃ)
3- Cố sức uống chất say ấy (tajjo vāyamo)
4- Đã uống nước say ấy (tassa pānaṃ), tức
là dù một giọt rượu nuốt khỏi cổ cũng gọi là uống rượu.
Hội đủ 4 chi này gọi là phạm
giới uống rượu.
* "Giới ăn phi thời"
trong bát quan trai giới, có 3 chi:
1- Phi thời (vikāla), tức là thời gian từ đứng bóng ngày
hôm nay cho đến hừng đông ngày hôm sau.
2- Vật thực tác thời (yāvakālika), tức là thức ăn mà chỉ được phép ăn buổi
sáng, như các loại trái và mễ cốc, cơm bánh v.v...
3- Đã nuốt khỏi cổ (ajjhoharanaṃ)
Hội đủ 3 chi này gọi là phạm
giới ăn phi thời
* "Giới thưởng thức"
trong bát quan trai giới gồm hai sự việc: thưởng thức nghệ thuật và thưởng thức
mỹ thuật.
Giới thưởng thức nghệ thuật, có
ba chi:
1- Điệu múa, bài hát v.v... (naccagītādi)
2- Có tâm muốn thực hiện (kattukamyatācittaṃ), tức
là có ý muốn trình diễn hay xem trình diễn.
3- Đã dự nghe hoặc xem (sutadassanatthāya gamanaṃ)
Giới thưởng thức mỹ thuật, có ba
chi:
1- Là vật thực trang điểm như vòng hoa v.v... (mālādi)
2- Ưa muốn trang điểm (dhāraṇachandatā), tức là ý thích muốn
đeo đồ trang sức, hay thoa xức hương liệu mỹ phẩm.
3- Đã trang điểm (tassa dhāraṇaṃ) tức là
đã thực hiện hành động làm đẹp.
Giới thứ bảy của bát quan trai,
khi hành động có đủ 3 chi của một trong hai sự việc thì gọi là phạm giới.
* "Giới dùng sàng
tọa", có 3 chi:
1- Chỗ nằm ngồi cao và rộng (uccāsayanamahāsayanaṃ), gọi
là chỗ cao tức là cao quá 5 tấc tây; gọi là rộng tức là nơi có diện tích mà có
thể các vũ nữ đứng tại đấy múa được; hoặc là chỗ nằm ngồi có chạm trổ trang
hoàng sang trọng.
2- Có tâm muốn sử dụng (paribhogacittaṃ)
3- Đã sử dụng (paribhogakaraṇaṃ) tức là
đã nằm hoặc ngồi trên chỗ ấy.
Hội đủ 3 chi này gọi là phạm giới dùng sàng tọa.
Nếu sai phạm điều giới nào nhưng
chưa hội đủ chi của giới thì chưa gọi là hoại giới mà chỉ là bất tịnh.
Pháp hỗ trợ cho giới.
Người cư sĩ cần phải tu tập năm
pháp lành (kalyānadhamma), là pháp hỗ trợ cho sự giữ giới tốt đẹp (atthakathā):
1) Từ bi (mettākaruṇā), tính
hài hoà vô sân, có lòng trắc ẩn trước đau khổ của chúng sanh mọi loài. Khi
người cư sĩ tu tập đức tính này thì sẽ không nỡ hại chúng sanh, không nỡ đoạt
mạng sống các sinh vật. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ nhất (tránh sự sát sanh).
2) Chánh mạng (sammā-ājiva), có
sự tinh tấn trong việc nuôi mạng, quyết không nuôi mạng bằng nghiệp bất thiện.
Khi người cư sĩ vui sống chánh mạng sẽ không nghĩ đến gian tham trộm cướp tài
sản của kẻ khác. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ hai (tránh sự trộm cắp).
3) Phòng hộ dục trần (kāmasaṃvara).
Kềm giữ tâm không đam mê sắc dục, luôn thấy được sự nguy hiểm của ngũ trần. Khi
người cư sĩ có sự thu thúc như vậy sẽ không khởi lên tà ý với vợ con người
khác. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ ba (tránh sự tà dâm).
4) Chân thật (sacca). Tính ngay
thẳng trung thực, ưa thích sự thật, không thích dối trá. Khi người cư sĩ vui
trong pháp chân thật sẽ khó chịu nếu nói dối. Đây là pháp hỗ trợ giới thứ tư
(tránh sự nói dối).
5) Chánh niệm tỉnh giác
(satisampajañña). Sống kiểm soát và nhận thức, ghi nhớ và suy niệm. Khi người
cư sĩ quen sống chánh niệm tỉnh giác sẽ không có sự dể duôi quên mình. Đó là
pháp hỗ trợ giới thứ năm (tránh uống rượu).
Ngoài năm pháp hỗ trợ cho giới
đã nói trên, người cư sĩ trong ngày trì bát quan trai giới còn phải thực hành
bốn pháp hỗ trợ thanh tịnh giới (trai giới):
1- Thu thúc các căn (indriyasaṃvāra).
Người cư sĩ trong ngày trai giới sau khi phát nguyện thọ bát quan trai, trọn
ngày và đêm ấy phải giữ chánh niệm khi mắt thấy, tai nghe, mũi ngữi, lưỡi nếm,
thân xúc, ý suy nghĩ, không để tham sân sanh khởi do thấy, nghe v.v...
2- Tu tập quán tưởng
(paccavekkhana). Ngày trai giới, người cư sĩ nên dành nhiều thời gian yên tịnh
để tu tập quán tưởng, như tưởng thể trược, tưởng thân già bệnh, chết, tưởng vô
thường, tưởng khổ não, tưởng vô ngã.
3- Tu tập tùy niệm (anussati).
Nếu có thời gian để tu thiền trong ngày trai giới, người cư sĩ có thể tu tập
cận định với sáu tùy niệm là niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thí, niệm
giới, niệm thiên.
4- Tu tập tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna).
Nếu người cư sĩ có duyên lành với thiền quán thì ngày trai giới tu tập tứ niệm
xứ, càng cao thượng hơn, tức là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.
Những pháp tu tập về đề tài quán
tưởng, hay tùy niệm, hay thiền quán này, người cư sĩ phải học hỏi trước từ nơi
chư Tăng hay vị sư truyền trai giới hôm đó, để thực hành cho tốt đẹp và hỗ trợ
ngày trai giới thanh tịnh và thành tựu phước báu viên mãn.
Quả phúc của sự trì giới
Sự trì giới có rất nhiều lợi
ích. Trước hết là giữ giới có năm điều lợi ích thiết thực (Ud.86):
1- Nhờ sự không dể duôi mà đạt được tài sản lớn.
2- Có danh thơm tiếng tốt đồn xa.
3- Đi đến hội chúng, tâm dạn dĩ ung dung
4- Lúc chết không hôn mê
5- Sau khi chết, được sanh vào nhàn cảnh thiên giới.
Có lợi ích thiết thực khác nữa
(A.V.1) như Đức Phật dạy cho tôn giả Ānanda rằng:
"Này Ānanda, giới là thiện,
giới có mục đích là bất hối, có lợi ích là bất hối".
Khi người giữ giới không làm
những điều lỗi lầm tội ác, do vậy, người ấy không bị ray rứt lương tâm, không
sống trong trạng thái hối hận, tâm được an lạc tự tại.
Người cư sĩ thọ trì chín chắn
ngũ giới, nếu nói riêng mỗi điều giới thọ trì có quả phúc như sau:
"Không sát sanh" có 23
quả phúc:
1- Được trường thọ
2- Thân không tàn tật
3- Ít bệnh hoạn
4- Thân hình vừa vặn
5- Thân thể xinh tốt
6- Tướng khoan thai cao ráo
7- Cử chỉ linh hoạt
8- Bước chân đi dáng đẹp
9- Vẻ mặt tươi sáng
10- Tính tình nhu hòa
11- Tinh thần an vui
12- Tâm dạn dĩ dũng cảm
13- Có nhiều sức mạnh
14- Nói năng bặt thiệp
15- Không bị quần chúng bắt nạt
16- Không có sự kinh hoàng sợ hãi
17- Không bị kẻ thù hãm hại
18- Không bị chết do người cố sát
19- Không có chuyện bực mình
20- Thân thể sạch sẽ
21- Có đông tùy tùng
22- Được mọi người thương mến
23- Không gặp cảnh sanh ly tử biệt
"Không trộm cắp" có 11
quả phúc:
1- Có nhiều của cải
2- Có thực phẩm đầy đủ
3- Kiếm được thực phẩm dễ dàng
4- Có được tài sản chưa có
5- Tài sản có rồi được giữ vững
6- Muốn gì được đó
7- Tài sản không bị tiêu hao do thiên tai, hoả hoạn, trộm cướp, tịch biên hay
do người thân.
8- Có được tài sản không bị tranh đoạt.
9- Không bị nghe và biết "sự không có".
10- Ở đâu cũng được an vui.
11- Dễ đạt được tài sản Siêu thế.
"Không tà dâm" có 20
quả phúc:
1- Không bị thù địch
2- Không bị người ganh ghét
3- Không bị tai nạn do người hại
4- Ít bị xa lìa người thương
5- Là chỗ thương yêu của mọi người
6- Có nhiều thân hữu quí mến
7- Tìm cái ăn, cái mặc, chỗ ở dễ dàng
8- Ngủ nghỉ được an vui
9- Thức giấc được an vui
10- Nằm ngồi chỗ nào cũng an vui
11- Sinh kế không khó khăn
12- Không dễ bực mình
13- Không sanh khổ cảnh
14- Không sanh làm người bán nam bán nữ
15- Tánh người nghiêm túc
16- Làm việc minh bạch
17- Tướng mạo uy nghi
18- Ngũ quyền (mắt, tai ... ) đầy đủ
19- Cổ không cúp, "Tức là có oai phong"
20- Không gục mặt, "Tức là có uy quyền"
"Không nói dối"
có 14 quả phúc:
1- Có ngũ quyền (mắt, tai ... ) được trong sáng
2- Có lời nói thanh tao
3- Có hàm răng khít khao đều đặn
4- Không quá mập
5- Không quá ốm
6- Không quá cao
7- Không quá lùn
8- Được hưởng xúc lạc
9- Miệng thơm như hoa sen
10- Lưỡi mỏng đỏ như cánh sen
11- Không câm ngọng
12- Có được kẻ tùy tùng tín cẩn
13- Lời nói được tín nhiệm
14- Tâm trí không bị rối loạn
"Không uống rượu", có 15
quả phúc:
1- Làm người có trí nhớ tốt, không bị lẫn
2- Không bị điên khùng, đờ đẫn
3- Có sự hiểu biết mau lẹ
4- Thành người đa trí
5- Làm người tri thức
6- Làm người hiểu biết điều lợi ích và điều không lợi ích.
7- Làm người không hoảng hốt
8- Làm người không có sự bực bội
9- Không bị người vu khống
10- Làm người nói năng nghiêm túc
11- Làm người siêng năng chăm chỉ
12- Làm người tính trung thực
13- Làm người có liêm sỉ
14- Luôn có sự an vui
15- Luôn được người kính nể.
Về quả phúc bát quan trai giới,
nếu người cư sĩ thọ trì giới thanh tịnh do nghĩ rằng: vị A la hán trọn đời có
lòng từ bi với chúng sanh, không sát hại v.v... ta sẽ theo gương vị A la hán,
ngày và đêm nay cũng có lòng từ bi với chúng sanh, không sát hại bất cứ sinh
vật nào v.v... Thành tựu trai giới thanh tịnh như vậy sẽ có quả lớn, lợi ích
lớn, chói sáng và biến mãn (A.IV.248).
Lại nữa, người thành tựu trai
giới thanh tịnh được quả lợi ích lớn là đạt đến hạnh phúc cõi người hơn một vị
đại đế cai trị mười sáu quốc độ lớn. Lại có thể sau khi mệnh chung sẽ được sanh
cộng trú với chư thiên dục giới, hạnh phúc chư thiên vượt trội loài người (A.IV.251).
Đó là những quả phúc của việc
trì giới.
III.4. HẠNH TU TIẾN
(Bhāvanā)
Ý nghĩa tu tiến
Tu tiến là phát triển, luyện
tập, làm cho tấn hóa, làm cho thuần thục; "Bhāvetī' ti bhāvanā" phát
triển tốt đẹp gọi là tu tiến.
Ý nghĩa tu tiến ở đây là sự trau
dồi phát triển đời sống tâm linh. Sự phát triển tâm linh là điều kiện giúp cho
cuộc sống tiến hóa ổn định, không kém gì vật chất, có thể nói là cần thiết hơn
sự phát triển vật chất nữa bởi vì khi con người sống với tâm loạn động, âu lo,
phiền muộn thì cho dù có hưởng thụ vật chất vẫn không được hạnh phúc an lạc.
Thể xác này cũng ảnh hưởng do tinh thần không ít, khi tâm tư bị phiền não chi
phối thì các hệ thần kinh bị căng thẳng, sức lực suy sụp, sanh ra những chứng
bệnh về tim mạch, về hệ tiêu hóa v.v... Do đó sự tu tập để ổn định tâm lý là
điều mang đến nhiều lợi lạc.
Người cư sĩ mặc dù không có điều
kiện thuận lợi để tu tập như các vị xuất gia, nhưng không nên vì thế mà bỏ qua
cơ hội tu tiến thiền định để tạo đủ ba loại phước báu.
Có những pháp môn tu tập mà Đức
Phật đã dạy để cho người cư sĩ thực hành thanh lọc tâm và tăng trưởng trí tuệ.
Các hình thức tu tiến (bhāvanā)
Có hai hình thức tu tiến:
1) Tu chỉ (Samathabhāvanā)
2) Tu quán (Vipassanābhāvanā)
Chỉ và Quán còn được gọi là pháp
cần tu tập (bhāvetabbadhamma), cũng gọi là pháp thuộc phần minh
(vijjābhāgiyadhamma) -- (D.III.273; A.I.60)
Tu chỉ hay tu tập chỉ tịnh, tức
là cách tu tập để làm vắng lặng phiền não, an tịnh tâm tư, vi tế tầm tứ, đạt
đến trạng thái tâm định kiên cố. Khi hành giả tu tập chỉ tịnh thuần thục sẽ an
trú trong sự tỉnh lặng năm triền cái tức là tham dục, sân hận, hôn thụy, trạo
hối và hoài nghi, nếu tâm thoát khỏi năm triền cái, cho dù chưa đắc thiền định
cũng được hiện tại lạc trú.
Tu quán hay tu tập minh sát, tức
là cách tu tập để phát triển trí tuệ, liễu tri thực tướng của danh sắc là vô
thường, khổ và vô ngã, để đoạn trừ phiền não nhất là dẹp bỏ được tà kiến ngộ
nhận ngũ uẩn là thường-lạc-ngã-tịnh. Tu tiến Minh sát trực tiếp đoạn trừ phiền
não, đắc đạo quả giải thoát.
So sánh sự khác biệt giữa thiền
chỉ và thiền quán, dựa trên bốn khía cạnh để nhận định:
a) Khuynh hướng. Thiền chỉ có
khuynh hướng là Định (Samādhi), thiền quán có khuynh hướng là Tuệ (paññā).
b) Cứu cánh. Thiền chỉ có cứu
cánh là chứng đắc định đáo đại; thiền quán có cứu cánh là chứng đắc đạo quả.
c) Phương tiện. Thiền chỉ có
phương tiện tu tập là tập trung trên đối tượng; thiền quán có phương tiện tu
tập là suy tư trên đối tượng.
d) Đề mục. Thiền chỉ có đề mục
là những án xứ chế định như màu sắc v.v... Thiền quán có đề mục là những án xứ
chơn đế như danh sắc, ngũ uẩn v.v...
Pháp môn tu tiến cho người cư sĩ
Đối với bậc xuất gia thì có điều
kiện tu tập các pháp môn thiền định, bốn mươi đề mục thiền chỉ (kammaṭṭhāna) và
bốn đề mục thiền quán (satipaṭṭhāna).
Những người cư sĩ nếu có cơ hội
tham dự khóa thiền tại các trường thiền thì có thể có điều kiện, thời gian và
cách sinh hoạt, để tu tập thiền định tích cực. Còn phần đông các cư sĩ không
thể tu thiền thực thụ như một hành giả bởi bận rộn với các tục sự nghề nghiệp,
bổn phận gia đình, bổn phận xã hội.
Tuy nhiên, vẫn có những pháp môn
tu tiến thích hợp cho đời sống người cư sĩ, người cư sĩ tinh tấn tu tập theo
các pháp môn ấy sẽ đạt đến nhiều lợi lạc. Các pháp tu tiến cho người cư sĩ gồm
có:
a) Mười pháp tùy niệm
(anussati), tức là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm
thiên, niệm chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm tịch tịnh (A.I.30-41; Vism.
197).
b) Bốn phạm trú (brahmavihāra),
tức là tu tập từ tâm, bi tâm, hỷ tâm và xả tâm (D.II.196; D.III.220; Dhs.262;
Vism.320).
c) Năm thường quán (abhiṇhapaccavekkhaṇa), tức
là quán sự già, quán sự bệnh, quán sự chết, quán biệt ly, quán nghiệp quả
(A.III.71).
Đây là những đề mục tu tiến để
giúp người cư sĩ bước đầu tiến hành thiền định, chỉ và quán. Các đề mục tu tiến
sơ khởi này có thể thực hành trong mọi lúc, mọi nơi, và tứ oai nghi (đi, đứng,
nằm, ngồi).
Điều kiện cho việc thực hành tu
tiến
Khi có ý muốn thực hành pháp môn
thiền định, người cư sĩ ấy phải chuẩn bị những việc này: chỗ hành thiền thích
hợp, ăn vật thực thích hợp, thân cận người thích hợp, chọn oai nghi thích hợp,
dọn tâm thích hợp, học đề mục thích hợp.
Chỗ hành thiền thích hợp, tức là
một căn phòng biệt lập, rộng thoáng, không bày biện rối mắt, nếu được nơi yên
tĩnh không tiếng ồn thì càng tốt. Như vậy không bị tạp niệm.
Vật thực thích hợp, tức là hành
giả không ăn quá no, không ăn những thức ăn khó tiêu hóa, không ăn các thức ăn
dễ dị ứng cơ thể. Như vậy thân sẽ được khinh an.
Thân cận người thích hợp, tức là
hành giả nên giao du với bạn lành, những người có tín, có giới, có thí và có
trí tuệ, nhất là người có tinh tấn và chánh niệm. Như vậy sẽ giúp hành giả tiến
hóa.
Chọn oai nghi thích hợp, tức là
trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, hành giả có thể hành thiền với oai
nghi nào cũng được miễn là thích hợp với thói quen của mình; có người dễ chánh
niệm lúc đi kinh hành, có người dễ chánh niệm lúc đứng yên, có người dễ chánh
niệm trong tư thế nằm, có người dễ chánh niệm trong tư thế ngồi. Nhưng thông
thường việc hành thiền hay ở tư thế ngồi, ngồi kiết dà hoặc bán dà, lưng thẳng,
mắt nhắm nhẹ, hướng về phía trước mặt, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái. Chọn
oai nghi thích hợp cũng là điều kiện giúp hành giả thoải mái tu tập.
Dọn tâm thích hợp, tức là hành
giả trước khi hành thiền hoặc trước khi trú niệm đề mục phải dọn tâm thật yên
lặng, không lo âu, không bực tức, không buồn ngủ, không vọng móng. Như vậy sẽ
giúp hành giả dễ khăng khít với đề mục.
Học đề mục thích hợp, tức là
hành giả phải biết cá tính của mình (nặng về ái, hay nặng về sân v.v...) rồi
chọn đề tài thiền định hợp với cơ tánh của mình; chọn được đề tài thích hợp rồi
nên học hỏi từ các vị thầy hay thiền sư để nắm rõ phương pháp thực hành. Khi
Đức Thế Tôn còn tại thế, ngài biết rõ cơ tánh từng người nên ngài đã dạy cho
mỗi người một đề tài thiền quán thích hợp, ngày nay các vị thiền sư chỉ dạy
thiền cho thiền sinh đề mục chung chung thôi. Vì thế vị hành giả phải tự nhận
xét và lựa chọn đề mục.
Tu tiến với đề tài tùy niệm
Có 10 đề tài tùy niệm
(anussati), là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm
thiên, niệm chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm tịch tịnh.
Niệm Phật (buddhānussati)
Tùy niệm có cảm hứng từ nơi các
đức tính đặc biệt của Đức Phật gọi là niệm Phật. Đức Phật có mười đức tính đặc
biệt, đó là mười ân đức Phật. Ngài là bậc Ưng cúng (Arahaṃ), Chánh
biến tri (Sammā-sambuddho), Minh hạnh túc (Vijjācaranasampanno), Thiện thệ
(Sugato), Thế gian giải (Lokavidū), Vô thượng sĩ (Anuttaro), Điều ngự trượng
phu (Purisa-dammasārathī), Thiên nhơn sư (Satthā devamanus-sānaṃ), Giác
giả (Buddho), Thoại đức giả (Bhagavā). Xem "Kho Tàng Pháp Học", đoạn
441.
Cách niệm Phật: hành
giả tìm nơi thanh vắng ngồi tham thiền, suy tưởng về sự khổ đau của kiếp sống,
nhớ đến Đức Phật là vị cứu tinh của muôn loài, Ngài có những đức tính đặc biệt.
Hành giả bắt đầu suy niệm (phải học hiểu rõ mười ân Đức Phật):
"Iti pi so bhagavā arahaṃ
sammāsambuddho vijjācaranasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathī
satthādevamanussānaṃ buddho bhagavā"
"Như vậy đức Thế Tôn là bậc
Ưng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng
sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Giác giả, Thoại đức giả".
Niệm qua mười ân Đức Phật một
lần, hành giả đặt niềm tin và hoan hỷ với hình ảnh của Đức Phật; xong niệm lại
đủ mười ân đức lần nữa, rồi hoan hỷ; cứ thế niệm tiếp tục như cách thức đã niệm
... cho đến hết thời gian hành thiền.
Một cách khác, hành giả chọn một
ân đức nào trong mười ân đức mà làm cho tâm cảm hứng được, và suy niệm ân đức
đó thôi không cần niệm đủ mười. Niệm Phật cách này như sau:
"Itipi so bhagavā arahaṃ ...
arahaṃ ... arahaṃ ... arahaṃ
..."
Hoặc "Itipi so bhagavā
sammāsambuddho ... sammāsambuddho ... sammāsambuddho" v.v...
Khi niệm Phật, thỉnh thoảng hành
giả bị phóng tâm hay bị hôn trầm, lúc đó chánh niệm ghi nhận rồi vận dụng
"chi tầm" (vitakka: tìm kiếm cảnh) để chế ngự tâm phóng hoặc hôn
trầm.
Hành giả có thể hành thiền tùy
niệm Phật trong hai thời: sáng sớm và chiều tối, lúc cảnh yên tịnh.
Phương pháp niệm Phật sẽ giúp
tâm hành giả lắng dịu phiền não, Tăng trưởng niềm tin, được hạnh phúc hỷ lạc,
nhiếp phục sự sợ hãi. Nếu hành giả chưa đắc thánh quả cao siêu thì ít nhất cũng
được sanh vào cõi vui.
Niệm pháp (dhammānussati)
Tùy niệm có cảm hứng từ nơi các
đặc tính của giáo pháp gọi là niệm pháp.
Giáo pháp của Đức Phật có sáu
đặc tính, cũng gọi là ân đức pháp. Sáu ân đức pháp là: pháp được khéo thuyết
(svākkhāto), thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko),
vượt ngoài thời gian (akāliko), đến để thấy (ehipassiko), khả năng hướng thượng
(opanayiko), vẫn được người trí tự hiểu (paccattaṃ
veditabbo viññūhi). Trước khi hành tùy niệm pháp, vị hành giả phải học thông
thuộc sáu đặc tính của pháp, gồm cả văn tự và nghĩa lý. Xem "Kho Tàng Pháp
Học", đoạn 354.
Cách niệm Pháp: Hành
giả tìm nơi thanh vắng, ngồi tham thiền, trước hết là suy tưởng sự đau khổ của
đời sống, nghĩ đến giáo pháp do Đức Phật thuyết như loại linh dược để trị tâm
bệnh của chúng sanh, giáo pháp ấy gồm có pháp học (tam tạng kinh điển), pháp
hành (thiện sự và thiền định), pháp thành (là chín siêu thế pháp). Hành giả bắt
đầu niệm tưởng các đức tính đặc biệt của giáo pháp như sau:
"Svākkhāto bhagavatā dhammo
sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattaṃ
veditabbo viññūhi"
"Giáo pháp đã được Đức Thế
Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để thấy, khả
năng hướng thượng, cần được người trí tự hiểu".
Hành giả niệm qua một lượt sáu
đặc tính của giáo pháp như vậy, hãy suy nghĩ "giáo pháp của Đức Phật đặc
thù như vậy, tuyệt diệu như vậy", rồi đặt niềm tin nơi giáo pháp với tâm
hướng đến sự thành tựu pháp vô tỷ. Xong, vị hành giả tiếp tục niệm trở lại sáu
ân đức pháp ... cứ như thế thực hành tùy niệm pháp cho đến hết thời gian một
buổi thiền tập.
Một cách khác, hành giả tùy chọn
một trong sáu ân đức pháp mà mình cảm hứng, để niệm một ân đức đó cũng được.
Như sau:
"Svākkhāto bhagavatā
dhammo" ... "Svākkhāto bhagavatā dhammo" ... "Svākkhāto
bhagavatā dhammo" ...
Hay "Sandiṭṭhiko
dhammo" ... "Sandiṭṭhiko dhammo" ...
"Sandiṭṭhiko dhammo" ...
Hành giả hành tùy niệm pháp mỗi
ngày trong hai thời, hoặc tùy lúc yên tịnh.
Hành giả niệm pháp sẽ đạt đến
viên mãn về đức tin, sẽ được nhiều hạnh phúc hân hoan, sẽ nhiếp phục được sự sợ
hãi như thể đang sống với pháp, sẽ có ý thức tàm quý mãnh liệt, và nếu hành giả
chưa thâm nhập được cái gì cao siêu hơn thì ít nhất cũng tiến đến một cõi an
lạc.
Niệm Tăng (Saṅghānussati)
Tùy niệm có cảm hứng từ nơi các
đặc tính của Tăng chúng, để tử xuất gia của Đức Phật, gọi là niệm tăng.
Tăng chúng đệ tử Phật có chín
đặc tính cao quí, cũng gọi là chín ân đức tăng. Tức là: Thiện hạnh (supaṭipanno),
trực hạnh (ujupatipanno), chánh hạnh (ñāyapaṭipanno),
nghiêm hạnh (sāmīcipaṭipanno), đáng cung phụng
(āhuneyyo), đáng nghênh tiếp (pāhuneyyo), đáng cúng dường (dakkhiṇeyyo),
đáng lễ bái (añjalikaraneyyo), phước điền vô thượng của đời (anuttaraṃ
puññakkhettaṃ lokassa). Trước khi thực hành tùy niệm tăng, vị
hành giả phải học thông thuộc chín đặc tính của Tăng chúng, gồm cả văn tự và ý
nghĩa. Xem "Kho Tàng Pháp Học", đoạn 442.
Cách niệm Tăng: Hành
giả tìm chỗ thanh vắng, ngồi tham thiền; truớc hết hành giả suy nghĩ về sự uế
nhiễm của đời sống thế tục, có những người đã chấp nhận từ bỏ thế tục để sống
đời phạm hạnh theo sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn, gọi là đệ tử xuất gia, thành
một đoàn thể Tăng chúng, những vị ấy quyết tâm thành tựu cứu cánh phạm hạnh, có
nhiều vị đã đạt đến trạng thái bậc thánh.
Vị hành giả khi suy xét như vậy
sẽ có lòng tin và cảm hứng đối với các đặc tính tuyệt vời của bốn bậc thánh
tăng. Từ điểm này, hành giả bắt đầu niệm tưởng:
"Supaṭipanno
bhagavato sāvakasaṅgho ujupaṭi-panno
bhagavato sāvakasaṅgho ñāyapaṭipanno
bhagavato sāvakasaṅgho sāmīcipaṭipanno
bhagavato sāvakasaṅgho yadidaṃ cattāri
purisayugāni aṭṭha purisapuggalā esa bhagavato sāvakasaṅgho
āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaraneyyo anuttaraṃ
puññakkhettaṃ lokassa".
"Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là
bậc thiện hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc trực hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn
là bậc chánh hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc nghiêm hạnh, Tăng đệ tử Đức
Thế Tôn gồm bốn đôi tám vị đó là bậc đáng cung phụng, đáng nghênh tiếp, đáng
cúng dường, đáng lễ bái, là phước điền vô thượng của thế gian".
Hành giả niệm qua một lượt chín
đặc tính của Tăng chúng như vậy tạm dừng niệm, và suy nghĩ: "an tịnh thay
là thánh chúng đệ tử Phật, an tịnh thay là thánh chúng đệ tử Phật" hành
giả hoan hỷ hướng đến Tăng và cảm thấy như mình đang sống với sự hiện diện của
Tăng chúng thanh tịnh. Rồi hành giả tiếp tục niệm trở lại chín đặc tính Tăng
chúng ... cứ thế niệm theo cách thức này cho đến hết thời gian buổi thiền tập.
Một cách khác nữa, hành giả niệm
từng mỗi ân đức tăng, tùy chọn một đặc tính nào trong chín đặc tính mà hành giả
có cảm hứng, như là Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho ...
Supaṇipanno ... Supaṭipanno
...
Hoặc añjalikaraneyyo bhagavato
sāvakasaṅgho ... añjalikaraneyyo ... añjalikaraneyyo ...
añjalikaraneyyo ...
Hành giả hành tùy niệm Tăng mỗi
ngày hai buổi sáng và tối, hoặc lúc nào yên tịnh.
Sự tùy niệm Tăng sẽ giúp cho
hành giả thành tựu viên mãn đức tin đối với Tăng chúng, đem lại nhiều hạnh phúc
an lạc cho hành giả, vị ấy nhiếp phục được sự sợ hãi, nhờ sự tôn kính Tăng
chúng nên vị ấy sẽ có ý thức tàm quý mãnh liệt, và nếu vị ấy chưa đạt được
thánh quả cao siêu thì ít nữa cũng hướng đến một cảnh giới hạnh phúc.
Niệm giới (Sīlānussati)
Sự tùy niệm có cảm hứng từ nơi
các đức tính của giới thanh tịnh, gọi là niệm giới. Niệm giới hạnh của chính
mình đã thọ trì có trạng thái tốt đẹp như thế nào, đó gọi là niệm giới.
Hành giả cư sĩ thì niệm giới cư
sĩ. Hành giả cần hiểu rõ những đặc tính của giới hạnh đáng hoan hỷ, như là giới
không bị rách, không bị vá, không bị lủng, không bị ố, không bị lốm đốm, giải
thoát, không hệ lụy, đưa đến định, được người trí tán thán.
Giới không bị rách, lủng, vá, ố,
lốm đốm, tức là không bị tổn hại do dục hệ, do sân hận hay do các ác pháp khác.
Giới giải thoát, là giới có đặc
tính giải tỏa khỏi sự nô lệ cho dục ái.
Giới không hệ lụy, là vì không
bị chi phối bởi tham dục và tà kiến.
Giới đưa đến định, là giới thuộc
chánh đạo hỗ trợ cho định cận hành, định an chỉ thiền thông đạo quả.
Giới được người trí tán thán, là
giới hoàn hảo được những bậc trí như Đức Phật khen ngợi.
Cách hành tùy niệm giới: Trước
hết hành giả phải tác ý thọ trì giới cho thanh tịnh, hoặc phục hồi giới cho tốt
đẹp bằng cách phát lồ v.v... rồi hành giả đi vào nơi độc cư yên tỉnh, ngồi
xuống và suy niệm về giới của chính mình, như sau:
"Giới hạnh của ta đáng được
hoan hỷ vì không bị rách, không bị lủng, không bị vá, không bị lem ố, không bị
lốm đốm, không hệ lụy, đưa đến định, đưa đến giải thoát, được người trí tán
thán"
Khi suy niệm như vậy hành giả
hãy hoan hỷ và cảm thấy như được che chở an ổn bởi nhờ giới có đủ các đặc tính.
Rồi lại tiếp tục suy niệm ...
Hàng ngày hành giả có thể suy
niệm về giới trong nhiều thời.
Khi hành giả chuyên tâm vào việc
niệm giới, thì hành giả có sự tôn trọng đối với học pháp, vị ấy sống hoà hợp
với những bạn đồng phạm hạnh, vị ấy không sợ tự trách bản thân, không sợ bậc
trí khiển trách, vị ấy thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, vị ấy đạt đến viên
mãn về tín ... vị ấy có nhiều hạnh phúc an lạc. Và dù chưa đạt đến quả vị nào
cao hơn, ít nhất vị ấy cũng hướng đến một thiện thú.
Niệm thí (Cāgānussati)
Tùy niệm thí là sự suy tư cảm
hứng đối với đặc tính vô tham và xả tài, mà chính mình đã có.
Đặc tính của sự bố thí là thích
xả bỏ, thích san sẻ, thích được kẻ khác cần đến và yêu cầu. Trạng thái của tâm
bố thí là vô tham, không keo bẩn.
Khi muốn tu tập niệm thí, hành
giả phải chuyên cần bố thí, thường cho và san sẻ đến người khác một cách tự
nhiên thoải mái, không phải tâm cho gượng ép. Nên có quyết định: "Từ nay
trở đi, lúc nào có người hiện diện để nhận, ta sẽ bố thí đến người ấy".
Ngay hôm ấy, là ngày mà hành giả
muốn tu tập niệm thí, hành giả nên bố thí một vật gì đó tùy phương tiện và khả
năng, tốt nhất là cho đến người có đức tính đặc biệt để hành giả dễ có tâm vui
thích san sẻ, vui thích bố thí.
Khi đã nắm được tướng trong việc
này, hành giả hãy đi đến nơi yên tĩnh độc cư và tưởng niệm đến sự bố thí của
mình, như sau:
"Thật sự là lợi lạc cho ta!
Thật sự là lợi ích cho ta! vì rằng giữa cuộc đời bị ô nhiễm bởi lòng xan tham
bỏn sẻn thì ta không bị ô nhiễm bởi xan tham. Ta bố thí một cách rộng rãi với
bàn tay rộng mở, thích thú trong sự từ bỏ, vui mừng được san sẻ với người khác,
và mong có người yêu cầu".
Sau khi niệm tưởng như vậy, hành
giả suy xét ý nghĩa các đặc tính của hạnh bố thí như sau:
"Thật là lợi lạc cho ta!,
nghĩa là ta sẽ có những lợi lạc của người bố thí như được thọ mạng, được an vui
cõi trời, cõi người, được nhiều người lui tới, được bậc trí yêu mến.
"Thật là lợi ích cho ta!,
nghĩa là ta có lợi ích ở chỗ được gặp giáo pháp, được làm thân người, lại được
an trú với tâm không ô nhiễm vì xan tham, được tâm vui thích bố thí và san sẻ.
Rồi hành giả trở lại niệm tưởng
hạnh bố thí của mình như cách thức trước ...
Khi hành giả tưởng đến sự bố thí
như vậy. Ngay khi ấy tâm hành giả không bị tham sân si ám ảnh nhờ an trú thiện
tâm cảm hứng từ hạnh bố thí.
Một người chuyên tâm tưởng niệm
về bố thí, người ấy trở nên thông thoáng tâm vì tính cách hoan hỷ vô tham, vị
ấy có lòng ưa thích bố thí, vị ấy hành xử phù hợp với tâm từ bi, vị ấy có nhiều
hạnh phúc an lạc, và nếu không tiến đạt quả vị cao, thì ít nhất hành giả cũng
hướng đến cảnh giới an lạc.
Niệm thiên (Devānussati)
Niệm thiên là suy niệm về đức
tính đặc biệt của chư thiên mà xét lại chính mình.
Có bốn đức tính tốt đẹp, chính
nhờ những đức tính đó mà thành tựu thân chư thiên ở các cõi trời. Đó là đầy đủ
lòng tin, đầy đủ giới hạnh, đầy đủ thính pháp, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.
Người muốn tu tập niệm thân cần
phải có những đức tính đặc biệt về đức tin, giới hạnh, thính pháp, bố thí, trí
tuệ do khéo an trú. Rồi người ấy đi vào nơi thanh vắng độc cư để niệm tưởng
những đức tính đặc biệt của mình có, so sánh với chư thiên. Như sau:
"Các vị chư thiên Tứ thiên
vương, các vị chư thiên Đạo lợi, các vị chư thiên Dạ ma, các vị chư thiên Đâu
suất, các vị chư thiên Hóa lạc, các vị chư thiên Tha hoá tự tại, các vị Phạm
chúng thiên và những vị chư thiên cao hơn nữa, các vị chư thiên ấy có đức tin,
và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, đức tin ấy cũng có đầy đủ nơi
ta".
"Các vị chư thiên ấy có
giới hạnh, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, giới hạnh ấy cũng
có đầy đủ nơi ta.
"Các vị chư thiên ấy có
hạnh thính pháp, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, hạnh thính
pháp ấy cũng có đầy đủ nơi ta".
"Các vị chư thiên ấy có bố
thí, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, hạnh bố thí ấy cũng có
đầy đủ nơi ta".
"Các vị chư thiên ấy có trí
tuệ, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, trí tuệ ấy cũng có đầy đủ
nơi ta".
Hành giả suy xét như vậy, lập đi
lập lại. Mục đích để chứng minh rằng những đức tính đặc biệt về tín, giới, văn,
thí, tuệ có ở chính mình cũng là tín, giới, văn, thí, tuệ có nơi chư thiên.
Khi hành giả niệm tưởng các đức
tính của chư thiên và của mình như vậy thì tâm hành giả có được nguồn cảm hứng
từ chư thiên, tâm không bị tham sân, si ám ảnh. Đó là một trạng thái hướng
thiện.
Một người chuyên tâm tu tập niệm
Thiên, người ấy được chư thiên thương tưởng, có niềm tin an trú mãnh liệt hơn,
có được nhiều hạnh phúc an lạc, và dù không đắc quả gì cao cả, nhưng ít nhất
người ấy cũng hướng đến một cảnh giới tốt đẹp.
Niệm chết (Maranānussati)
Chết (maraṇa) là sự
kết thúc một mạng sống, sự chấm dứt mạng căn của một chúng sanh.
Chết là đề mục mà hành giả suy
niệm ở đây nên lấy tình trạng chết của đời sống con người, như vậy mới dễ động
tâm hơn là nghĩ về cái chết của chư thiên, phạm thiên v.v...
Phải niệm chết với tác ý trí
tuệ, nghĩa là không nên tưởng đến cái chết của người quá thân thương, vì sầu ưu
sẽ sanh khởi, cũng không nên tưởng đến cái chết của một người mình ghét, bởi vì
sẽ khởi niềm hoan hỷ. Hành giả nên tác ý đến cái chết của một người mà mình
biết được họ sống tràn đầy hạnh phúc hoặc có nhiều uy quyền ... tưởng nghĩ như
vậy sẽ có một ý thức khẩn trương với chánh niệm và trí tuệ, để rồi hành giả có
thể niệm chết như là một phương tiện chính đáng tu tập.
Cách tu tập: Một
người muốn tu tập pháp quán niệm này, hãy đi đến chỗ độc cư và ngồi lại hoặc
kinh hành rồi tác ý với trí tuệ như sau:
"Maraṇantaṃ jīvitaṃ, mạng
sống chấm dứt bằng sự chết ... Marananantaṃ jīvitaṃ, mạng
sống chấm dứt bằng sự chết ..."
Niệm như vậy một lúc, hành giả
khởi tâm suy nghĩ đến một trong tám sự kiện này:
Suy nghĩ sự chết như một tên sát
nhân xuất hiện. Hành giả suy nghĩ thấy mạng sống bị sự chết đe dọa, ví như có
kẻ sát nhân đang cầm khí giới xuất hiện và chuẩn bị giết chết mình. Quả thật,
mạng sống rất mỏng manh. Đó là cách nghĩ thứ nhất.
Suy nghĩ sự chết là một cuộc
thất bại thảm hại. Hành giả suy nghĩ thấy người sống trong đời dù có thành công
trong sự nghiệp, địa vị, hạnh phúc nhưng chắc chắn phải sụp đổ vì cái chết. Đó
là cách nghĩ thứ hai.
Suy nghĩ sự chết bằng cách so
sánh kết luận. Hành giả suy nghĩ đến sự chết của những người có danh vọng lớn, người
có đại phước, người dũng mãnh, bậc đại thần thông, bậc đại trí tuệ, bậc Độc
Giác, bậc Chánh Đẳng Giác. Những bậc ấy mà cũng phải chết, thì sao ta thoát
khỏi sự chết được. Đó là cách nghĩ thứ ba.
Suy nghĩ sự chết theo cách ghi
nhận thân này là chỗ cộng trú của nhiều sinh vật. Hành giả suy xét trong thân
này có tám mươi loại ký sinh trùng; thân thể là chỗ sanh ra của chúng, là chỗ ở
của chúng, là nghĩa địa của chúng, thân này phải san sẻ cho chúng, khi chúng
nổi loạn thì thân sẽ cảm thọ thống khổ và có thể đi đến chết được. Đó là cách
nghĩ thứ tư.
Suy nghĩ sự chết theo cách xét
mạng sống mỏng manh. Hành giả suy xét rằng mạng sống này chỉ dựa vào hơi thở,
khi còn hơi thở ra thở vào thì mạng sống còn; nếu hơi thở có ra mà không có
vào, hoặc có hơi thở vào mà không có ra thì chết. Đó là cách nghĩ thứ năm.
Suy nghĩ sự chết theo cách xét
sự sống vô chừng không thể định đoạt. Hành giả suy xét rằng mạng sống này không
thể biết sống bao lâu sẽ chết do nguyên nhân gì, sẽ chết ở đâu ... sự sống thật
là bất định. Đó là cách nghĩ thứ sáu.
Suy nghĩ sự chết theo cách thấy
mạng sống bị giới hạn thời gian. Hành giả suy xét rằng mạng sống có giới hạn;
có người sống lâu có người chết yểu, nhưng nhất định phải có giới hạn, trên
dưới một trăm năm thôi, mỗi ngày trôi qua là tiến gần đến sự chết. Đó là cách
nghĩ thứ bảy:
Suy nghĩ sự chết theo cách nghĩ
đến sự hoại diệt từng sát na. Hành giả suy xét theo thực tính pháp thấy sự chết
có trong từng sát na sanh diệt của danh sắc. Đó là cách nghĩ thứ tám.
Với tám cách suy nghĩ này, hành
giả nhớ được cách nào thì suy xét theo đó sau mỗi lúc niệm "Chết".
Suy nghĩ để nhập tâm, rồi niệm
tiếp tục: "Maraṇantaṃ jīvitaṃ ...
maraṇantaṃ jīvitaṃ , mạng
sống chấm dứt bằng sự chết ... mạng sống chấm dứt bằng sự chết ..."
Một người chuyên tâm niệm sự
chết, người ấy sẽ đạt được trạng thái vô úy, không bối rối trước sự chết sắp
xảy ra, người ấy sống không bám bíu vào bất cứ sự vật gì ở đời, không bị cấu uế
bởi lòng tham bốn vật dụng; vô thường tướng dần dần phát triển trong tâm người
ấy, và theo sau đó là tưởng về khổ và vô ngã, nếu ngay trong hiện tại người ấy
chưa đạt đến quả vị vô sanh, ít ra cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại
mạng chung.
Niệm thân (Kāyagatāsati)
Đây cũng gọi là Thân hành niệm.
Cái gì là thân hành (kāyagata)?
Chính là nói đến 32 thể trược trong thân này. Niệm tưởng về 32 thể trược của
thân, gọi là Thân hành niệm.
Thân hành niệm là một pháp môn
tu tập vượt ngoài lãnh vực của ngoại đạo, chưa hề được công bố trước khi bậc
đại giác xuất hiện. Pháp môn này là một cách trong những cách tu tập thuộc thân
quán niệm xứ, nhưng được tách riêng thành pháp môn riêng biệt, cũng như pháp
môn nhập xuất tức niệm (niệm hơi thở) v.v...
32 thể trược trong thân là tóc,
lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng ruột, dạ dày,
phổi, ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, óc, mật đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ,
nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu.
Vị hành giả trước khi thực hành
pháp môn này cần phải học hỏi thuần thục đề mục từ nơi một vị thiện trí thức.
Sự học thiện xảo đề mục ấy là đọc làu tên thể trược, thuộc lòng tên thể trược,
biết màu sắc thể trược, biết hình dáng thể trược, biết định hướng thể trược,
biết định vị thể trược, biết giới hạn của thể trược.
Thuần thục về cách đọc, tức là
đọc từng nhóm 5 thứ, đọc xuôi và đọc ngược. Thí dụ đọc xuôi nhóm một "Tóc,
lông, móng, răng, da". Rồi đọc ngược "Da, răng, móng, lông, tóc"
v.v... đọc xuôi ngược từng nhóm như thế cho đến khi đọc làu không lộn xộn. Sự
học đề mục đọc ra tiếng như vậy sẽ làm cho hành giả quen thuộc đề mục.
Thuần thục cách thuộc lòng, tức
là sự nhẫm trong tâm, không phải là đọc ra tiếng. Nhưng sự đọc ra tiếng nhuần
nhuyễn mới giúp cho thuộc lòng được, cho nên trước tiên hành giả học đọc tên,
kế đến mới nhẫm thuộc lòng. Cũng với cách xuôi ngược: Tóc, lông, móng, răng, da
- da, răng, móng, lông, tóc ... sự thuộc làu như vậy sẽ là điều kiện để hành
giả thâm nhập tính chất của đề mục.
Biết màu sắc thể trược, tức là
hành giả phải tìm hiểu và định rõ mỗi thể trược có màu sắc thế nào, tất nhiên
là thể trược trong thân này, như tóc có màu đen hoặc bạc hay hoe, lông màu đen,
móng có màu trắng đục hay màu trắng hồng ...
Biết hình dáng thể trược, tức là
định rõ mỗi vật thể có hình dáng ra sao. Thí dụ như tóc có hình sợi dài ...
Biết định hướng thể trược, tức
là hành giả định rõ mỗi thể trược ấy ở về hướng trên hay hướng dưới của thân.
Trong thân này từ rốn trở lên gọi là hướng trên, từ rốn trở xuống gọi là hướng
dưới.
Biết định vị thể trược, tức là
hành giả định rõ mỗi thể trược ấy vị trí ở đâu trong thân. Thí dụ: tóc mọc trên
da đầu, trước mọc tới trán, phía sau mọc tới ót, hai bên mọc tới vành tai ...
Biết giới hạn của thể trược, tức
là hành giả ghi nhận sự giới hạn của thể trược, như tóc mọc cắm vào da, chân
tóc ghim dưới da, ngọn tóc chỉa vào khoảng không ... hoặc giới hạn rằng tóc
không phải là lông, lông không phải là tóc ...
Khi đã thông thuộc bảy điều ấy
rồi, hành giả nên tìm đến một trú xứ thích hợp với thiền tịnh, và từ bỏ những
chướng ngại nhỏ làm phân tâm như y phục bẩn thỉu, thân thể cáu ghét, giường ghế
không sạch ...
Hành giả ngồi lại và bắt đầu
nhẩm đọc 6 nhóm thể trược, từng nhóm đọc xuôi rồi đọc ngược như sau:
"Tóc, lông, móng, răng, da
/ da, răng, móng, lông, tóc". Nếu đọc được Pāli càng tốt.
"Thịt, gân, xương, tủy,
thận / thận, tủy, xương, gân, thịt".
"Tim, gan, màng ruột, dạ
dày, phổi / phổi, dạ dày, màng ruột, gan, tim".
"Ruột già, ruột non, vật
thực, phẩn, óc / óc, phẩn, vật thực, ruột non, ruột già".
"Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi,
mỡ / mỡ, mồ hôi, máu, mủ, đàm, mật".
"Nước mắt, dầu da, nước
miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu / nước tiểu, nước nhớt, nước mũi, nước
miếng, dầu da, nước mắt".
Hành giả đọc nhẩm như vậy qua
nhiều lượt để rà soát những phần nào hiện rõ và không hiện rõ, phần nào trong 6
nhóm thể trược đọc qua mà không hiện rõ thì loại bỏ, dần dần chỉ còn một nhóm
hiện rõ. Hành giả chú tâm ghi nhận tướng của nhóm thể trược ấy một cách thứ tự,
thí dụ "Tóc, lông, móng, răng, da / da, răng, móng, lông, tóc". Cần
lưu ý khi ghi nhận thứ tự, hành giả không nên lướt qua nhanh hay quá chậm.
Đồng thời phải tránh sự phân tâm
đi ra ngoài đề mục, vì đây là đề mục có khả năng đắc thiền, nếu hành giả phân
tâm khỏi đề mục thì việc thiền định bị thối thất.
Một điều quan trọng khác nữa là
phải vượt qua khái niệm về danh từ. Nghĩa là vị hành giả lúc ban đầu niệm thể
trược dựa trên danh từ như "Tóc ... lông ... móng ... răng ... da
...", nhưng sau đó phải bỏ qua khái niệm danh từ, và nhận thức ở khía cạnh
"Bất tịnh" đáng ghê tởm của nó. Như vậy mới thật sự có mãnh lực chế
ngự các phiền não như tham dục ...
Nếu hành giả có đủ duyên lành
thì trong lúc "đọc" tên thể trược cũng có thể nhập tâm và an trụ
thiền định được; nếu hành giả đã "đọc" qua như thế mà vẫn chưa an trú
tâm được thì phải áp dụng phương pháp chủ ý thể trược qua nhận định màu sắc,
hình dáng, phương hướng, vị trí, và giới hạn của thể trược ấy. Thí dụ niệm đến
"Tóc", phải chủ tâm đến: "Tóc màu đen" "Hình dáng như
sợi chỉ", mọc ở phía trên cùng của thân", "Vị trí mọc nơi da
đầu" "Giới hạn chân tóc cắm vào da đầu, ngọn tóc tiếp giáp khoảng
không".
Về ý nghĩa năm khía cạnh nhân
định về thể trược, hãy học hỏi ở vị thiền sư, hoặc tham khảo kinh sách (Thanh
Tịnh Đạo, chương VIII, đoạn 42 - 144).
Lợi ích của sự tu tập niệm thân,
một vị chuyên tu tập thân hành niệm này là vị ấy khắc phục được tâm ái nhiễm,
vị ấy sống chinh phục được tâm sợ hãi khiếp đảm, vị ấy có khả năng kham nhẫn
chịu đựng với các cảm thọ, vị ấy có thể đạt được bốn thiền sắc giới, dù không
như thế, khi tu tập khởi thiện tâm, với tâm thiện này sẽ thành tựu quả dị thục
đặc biệt cho vị ấy khi tái sanh.
Niệm hơi thở (Ānāpānassati)
Đề tài hơi thở là một pháp môn
tu tập quan trọng; có thể là một đề mục thiền chỉ, có thể là một đề mục thiền
quán.
Pháp môn tu tập niệm hơi thở này
thích hợp cho mọi cá tính (carita) hành giả.
Đề mục hơi thở được tu tập thuần
thục sẽ đem lại nhiều kết quả. Trước nhất, sự tu tập niệm hơi thở sẽ làm cho
tâm trở nên an tịnh (S.v, 231), kế đến, sự tu tập niệm hơi thở sẽ làm cho tâm
đình chỉ tầm tư, tức là dẹp trừ sự tán loạn phóng tâm (A.IV,353). Lại nữa, một
lợi ích lớn của sự tu tập niệm hơi thở theo khuynh hướng thiền quán là đạt đến
minh và giải thoát, đó là điều kiện căn bản cho sự viên mãn minh và giải thoát
(M.III, 82). Một lợi ích khác nữa, người tu tập niệm hơi thở thuần thục sẽ biết
trước và định được thời chết của mình (M.I, 425-426); một vị đắc A la hán nhờ
tu tập đề mục nào khác thì vị ấy có thể tiên định được, cũng có thể không tiên
định được thọ mạng của mình còn bao lâu; nhưng với vị đắc quả do tu tập đề mục
niệm hơi thở thì luôn luôn định được thời viên tịch của mình (Vism.243).
Đó là những lợi ích của sự tu
tập niệm hơi thở.
Phương pháp tu tập: Một
người muốn tu tập đề mục niệm hơi thở, sau khi đã học thông thạo cách thức đề
mục từ nơi vị thầy có nhiều kinh nghiệm, hãy đi đến một trú xứ yên tịnh để sống
độc cư, đến thời hành thiền hãy ngồi kiết già hoặc bán già, giữ lưng ngay
thẳng, thư giãn toàn thân, và trước hết hành giả nên làm cho tâm phấn chấn bằng
cách tưởng niệm những đức tính đặc biệt của ba ngôi báu. Sau đó, hành giả khởi
sự chú ý niệm hơi thở bằng cách "đếm".
Đếm hơi thở (số tức) là tác ý
khi hơi thở ra vào đếm 1, rồi 2, rồi 3 ... đếm số tùy thuộc hơi thở nhanh hay
chậm tự nhiên; chớ không nên điều khiển hơi thở theo số đếm, điều tức như vậy
sẽ làm hành giả bị mệt.
Khi đếm, hành giả không nên dừng
lại dưới 5 hay đi quá số 10 hay làm bất cứ một sự gián đoạn nào. Nếu dừng lại
dưới 5 thì tâm vị ấy trở nên nóng nảy trong khoảng giới hạn chật hẹp. Nếu đi
quá số 10 thì tâm hành giả sẽ bị chi phối bởi nhớ con số cặp. Nếu gián đoạn thì
hành giả sẽ hoang mang vì không biết đề mục thiền đã đạt đến hoàn tất chưa. Bởi
thế, hành giả nên đếm hoi thở đừng có những lỗi trên.
Hành giả đếm 1, 2, 3, 4, 5; rồi
1, 2, 3, 4, 5, 6; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8; rồi 1,
2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; rồi 1, 2 ... 9, 10. Rồi trở lại đếm như từ đầu ... cứ
vậy cho đến khi nào tâm gắn chặc vào hơi thở ra - hơi thở vào, mặc dù không đếm
mà niệm vẫn an trú. Đếm chỉ là một phương tiện để trú niệm, chấm dứt sự phân
tán lúc đầu.
Sau khi tác ý đến hơi thở bằng
cách đếm đã tập trung được rồi, bấy giờ hành giả nên tác ý hơi thở bằng cách
"theo dõi" không đếm nữa.
Theo dõi hơi thở là tác ý đến sự
chạm xúc của gió nơi chót mũi; hơi thở vào là cảm giác "gió mát", hơi
thở ra là cảm giác "gió ấm". Hành giả không nên theo dõi hơi thở theo
cách tác ý chặng đầu, chặng giữa, và chặng cuối của hơi thở (hơi thở vào, chặng
đầu là mũi, chặng giữa là ngực, chặng cuối là rốn; hơi thở ra, chặng đầu là
rốn, chặng giữa là ngực, chặng cuối là mũi). Nếu hành giả niệm hơi thở ra - hơi
thở vào mà theo dõi chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối như thế thì tâm vị ấy bị
phân tán, rối loạn, dao động, cả thân lẫn tâm vị ấy bị bất an (Ps.I,165).
Hành giả chỉ nên chánh niệm, tâm
dán chặc ở "cửa" mũi và nhận biết "Đây là hơi thở vô"
"Đây là hơi thở ra"; do cảm xúc "gió mát" ở cửa mũi
lâu hoặc mau mà nhận biết "Đây là hơi thở vô dài" hay "Đây
là hơi thở vô ngắn"; do cảm xúc "gió" ấm ở cửa mũi lâu hoặc
mau mà nhận biết "Đây là hơi thở ra dài" hay "Đây là
hơi thở ra ngắn".
Trong một giai đoạn nào đó do
chú tâm lâu thân thể hành giả có sự rung chuyển dao động, ngã tới, ngã lui,
nghiêng qua, nghiêng lại ... hành giả phải luyện tập làm cho an tịnh, ngưng lại
các thân hành dao động ấy. Phải tác ý: "an tịnh thân hành thở vô, an tịnh
thân hành thở ra" ... và khi thân hành không còn dao động ngã tới ngã lui
nữa, hành giả cũng tác ý: "tịnh chỉ thân hành thở vô, tịnh chỉ thân hành
thở ra" ...
Cần lưu ý rằng khi chánh niệm
hơi thở chỉ nên ghi nhận và tác ý "hơi ra", "hơi vào, "hơi
dài", "hơi ngắn", chớ không phải là "đọc thầm" câu nói
"ta thở vô, ta thở ra" ...
Hành giả nên tinh tấn nỗ lực,
thực hành liên tục; nhờ sự nỗ lực đó vị ấy sẽ đạt được kết quả, từ bỏ được
những kiết sử (sự trói buộc), đoạn trừ các phiền não tiềm miên (phiền não ngũ
ngầm).
Người cư sĩ cũng có thể hành
thiền với đề mục niệm hơi thở như vậy để Tăng trưởng trí tuệ và tìm thấy sự an
lạc.
Niệm tịch tịnh (upasamānussati)
Trạng thái tịch tịnh hay tĩnh
lặng (upasama), ám chỉ Níp bàn, vì Níp bàn vắng lặng hoàn toàn sự náo động của
phiền não, tịnh chỉ các pháp hữu vi.
Niệm tịch tịnh là suy niệm về
đặc tính Níp bàn như là vô nhiễm, ly tham, đoạn diệt tập khởi, chấm dứt khổ
đau, kết thúc tái sanh ...
Ở đây, vấn đề là sự chứng nghiệm
trạng thái Níp bàn chỉ được viên mãn ở một vị thánh đệ tử đã chứng đắc tâm siêu
thế; tuy vậy, đối với một phàm nhân có trí tuệ và thiết tha với mục đích giải
thoát, chỉ bằng sự nghe nói học hiểu về Níp bàn, người ấy cũng có thể nhờ nghĩ
đến đặc tính của Níp bàn mà làm cho phát sanh hỷ lạc tín tâm và đạt được nhiều
lợi ích vì an trú tâm thiện. Bởi thế một phàm nhân cũng có thể niệm Níp bàn như
là một đề tài tu tiến.
Một người muốn tu tập niệm tịch
tịnh này, hãy đi đến chỗ độc cư, ngồi xuống hoặc bước đi kinh hành. Bắt đầu
bằng sự suy xét đến trạng thái hệ lụy phiền toái của phiền não, của thân đây,
của đời sống tử sanh ... Rồi vị hành giả nhớ tưởng đến các đặc tính thù diệu
của Níp bàn, như sau:
"Níp bàn là sự bài trừ hệ lụy - ālayasamugghāto"
"Níp bàn là sự cắt đứt luân hồi - vaṭṭtūpacchedo"
"Níp bàn là sự đoạn tận tham ái - taṇhak-khayo".
"Níp bàn là sự vô nhiễm - virāgo"
"Níp bàn là sự đoạn diệt - nirodho"
"Níp bàn là sự không còn liên hệ với khát ái - nibbāna"
"Níp bàn là an ổn các khổ ách - yogakkhemaṃ"
"Níp bàn là bất tử - amataṃ"
"Níp bàn là tịnh lạc - santi" ...
Khi hành giả tưởng đến tịch tịnh
với những đức tính đặc biệt như thế, ngay lúc ấy tâm hành giả không bị tham chi
phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối, do đó hành giả trú trong
niềm an lạc hoan hỷ. Nhưng vì hành giả bận tâm tưởng niệm nhiều đức tính khác
nhau nên không khởi lên thiền chứng mà chỉ đạt đến mức cận định thôi.
Một vị tu tập chuyên tâm tưởng
đến tính cách của Níp bàn như vậy, thường ngủ trong an lạc, thức dậy trong an
lạc, các căn tĩnh lặng tâm tư bình an, thường có tàm quý, có niềm tin có sự tha
thiết với mục đích phạm hạnh; và dù ngay kiếp này không chứng nhập được quả vị
gì cao siêu, ít nhất cũng hướng đến một thiện thú.
Dứt phần tu tiến với đề tài tùy
niệm
TU TIẾN VỚI ĐỀ TÀI BỐN
PHẠM TRÚ (Brahmavihāra)
Bốn phạm trú là an trú tâm từ, an
trú tâm bi, an trú tâm hỷ, và an trú tâm xả. Bốn đức tính từ, bi, hỷ, xả này
được gọi là phạm trú vì là bốn pháp an trú cao cả, tốt đẹp, và vô nhiễm; lại
cũng có nghĩa là hành giả an trú với bốn đặc tính này, ngang hàng với các vị
trời phạm thiên, bởi các vị phạm thiên cũng trú với tâm vô nhiễm tốt đẹp (Vism.IX,
106).
Bốn phạm trú là đề tài thiền
chỉ, đưa đến đắc chứng định. Nếu không như vậy cũng sẽ mang lại nhiều lợi lạc
về phước đức cho người tu tập. Người cư sĩ nên tu tập và an trú với bốn phạm
trú này.
Tu tập tâm từ (Mettā)
Tâm từ là trạng thái không hận,
không sân, hiền hòa mát mẻ đối với chúng sanh. Tâm từ phá tan sự bực tức nóng
giận, nhưng không phải là thái độ luyến ái yêu thương ích kỷ.
Một người muốn tu tập tâm từ,
trước hết phải ổn định tâm lý. Sau khi đi đến chỗ yên tĩnh thoải mái hãy suy
xét sự nguy hiểm của lòng sân hận và sự lợi lạc của tâm hiền hòa. Nếu hành giả
ngay lúc ấy đang bực bội trong tâm thì không thể tiến hành tu tập tâm từ được,
nếu không thấy sự lợi lạc của tâm vô sân thì chẳng có hứng thú tu tập.
Hành giả nên thăm dò nội tâm:
"giờ đây tâm này có sân hay không có sân? ta đang thoải mái hay bực bội ưu
phiền? ". Nếu dò xét như vậy hành giả cảm nhận tâm mình đang thoải mái thì
tiếp tục tiến hành niệm "tâm từ"; bằng như cảm nhận được mình đang có
sân giận ưu phiền thì hãy suy nghĩ đến sự tai hại của tâm sân: "thật là
khổ sở khi sống với tâm sân! thật là khó chịu khi bị sân tâm chi phối! thật là
nguy hiểm khi con người bị ám ảnh bởi sân!" rồi hành giả hãy nên đình chỉ
sân tư duy bằng cách nhẫn nại và tác ý đến một thiện pháp hoặc tác ý niệm hơi
thở. Sau khi đã thật sự có tâm yên bình thoải mái trở lại mới bắt đầu tiến hành
niệm "tâm từ".
Hành giả tiến hành niệm tâm từ
như sau:
Thoạt đầu, hành giả nên trú tâm
từ với chính bản thân, bằng cách lập đi lập như sau: "mong rằng ta được an
lạc, thoát khỏi hận thù, không buồn khổ, âu lo". Đó là bước sơ khởi trú
niệm tâm từ. Đến khi nội tâm thật sự an lạc, không sân, không hận thì hành giả
tưởng đến chúng sanh khác với ước mong.
"Mong cho chúng sanh được
an lạc, thoát khỏi hận thù, không buồn khổ âu lo". Thỉnh thoảng hành giả
trải tâm từ đến chính mình để làm cho tâm dễ chịu rồi tiếp tục trải tâm từ đến
các chúng sanh khác như thế.
Nên nhớ rằng, đôi khi hành giả
nghĩ đến bao quát chúng sanh sẽ làm cho tâm hành giả dửng dưng, bởi thế phải
trải tâm từ tuần tự; nhưng phải bắt đầu từ những vị thầy khả kính, tiếp đến là
những bạn rất thân, tiếp tục là những người thương, tiếp tục nữa là những người
xa lạ, rồi sau cùng là những người đối nghịch. Người đối nghịch ở đây là những
người ác xấu không đồng chí hướng chớ không phải là kẻ mình thù ghét, bởi vì
đối với hành giả tu tâm từ thì không thấy ai là kẻ thù. Sở dĩ phải trải tâm từ
tuần tự hạng chúng sanh như vậy là vì để dẫn dắt tâm dễ dàng trú trong niềm an
lạc, không bị những cú sốc tâm lý.
Người tu tập tâm từ sẽ có được
mười một điều lợi ích: ngủ an vui, thức an vui, không chiêm bao ác mộng, được
người khác yêu mến, được phi nhân yêu mến, được chư thiên hộ trì, không bị lửa
hay khí giới hoặc thuốc độc làm hại, tâm người ấy dễ định tỉnh, nét mặt khinh
an, khi chết tâm không rối loạn, nếu còn tái sanh sẽ sanh vào phạm thiên giới.
Những lợi lạc này sẽ có đến ai tu tập an trú liên tục trong tâm từ.
Tu tập tâm bi (Karuṇā)
Tâm bi là trạng thái tâm trắc ẩn
trước những chúng sanh đang đau khổ, phận sự của tâm bi là muốn chúng sanh
thoát khổ, sự biểu hiện của tâm bi là không tàn nhẫn. Sự bạo tàn là thái độ
tương phản của tâm bi; nhưng tâm bi cũng không phải là thái độ lụy phiền vì
người khác.
Một người muốn tu tập tâm bi,
trước hết cần phải ổn định tâm lý bằng cách quán sát sự nguy hiểm của sự tàn
bạo, và suy xét lợi ích của tâm bi mẫn. Đây là trường hợp phải làm đối với hành
giả sơ cơ mới bắt đầu tu tập, vị ấy còn phiền não dễ khởi tâm não hại; nếu khởi
lên hại tư duy sẽ làm trở ngại tu tập tâm bi; nếu không thấy lợi lạc của tâm
trú bất hại thì sẽ không hứng thú tu tiến.
Hành giả tác ý dò xét nội tâm
"giờ đây tâm ta còn oán hận não hại chăng?" Nếu biết tâm còn u ẩn
niềm hận thù, hãy suy nghĩ đến nỗi khổ tâm phiền toái, mất hạnh phúc, do ôm ấp
hận thù; nghĩ đến điều tổn đức do sống trong hận thù; nghĩ đến thiệt hại lớn do
lòng hận thù gây nên ... nghĩ như vậy cho đến khi hành giả cảm thấy nhẹ nhàng
thoải mái vì không còn ám ảnh bởi hận thù, bắt đầu hành giả niệm bi tâm.
Đối tượng của tâm si là chúng
sanh đang đau khổ hoặc sẽ đau khổ.
Bởi thế trước hết hãy nghĩ đến
một chúng sanh đang đau khổ nhưng không phải là kẻ thù, rồi khởi lên tâm bi mẫn
đối với nạn nhân ấy như sau:
"Khổ thay cho chúng sanh
này, mong sao chúng sanh ấy thoát khỏi khổ đau!". Nếu hành giả thấy một
người đang bất hạnh chịu nhiều thống khổ thì cũng hãy khởi tâm bi mẫn đối với
người ấy bằng cách như vậy.
Thấy một kẻ thù đang đau khổ,
hành giả phải làm lắng dịu hiềm hận rồi mới khởi tâm bi được.
Một trường hợp khác, hành giả có
thể khởi tâm bi mẫn đối với một kẻ làm ác mặc dù họ vẫn đang vui vẻ; bằng cách
là suy nghĩ rằng: "chúng sanh này mặc dù đang vui vẻ nhưng vì nó đã tạo ác
nghiệp nên chắc chắn nó sẽ bị khổ trong cảnh địa ngục. Thật đáng thương!".
Trường hợp này giống như mình thấy một kẻ tử tù đang ăn bữa ăn ngon ân huệ để
rồi bị xử tử vậy.
Hoặc hành giả có thể khởi tâm bi
mẫn đối với tất cả chúng sanh bằng cách nghĩ rằng: "Vì chưa thoát khỏi
luân hồi, nên các chúng sanh này sẽ phải bị khổ do sự già, bệnh, chết, hoành
hành. Thật sự đáng thương!"
Hành giả tu tập tâm bi cần giữ
thái độ bình đẳng và khách quan đối với chúng sanh. Nếu không, sẽ bị nhức nhói
khi thấy người thân bất hạnh hoặc sẽ mãn nguyện khi thấy kẻ thù bất hạnh. Hãy
nghĩ rằng "chúng sanh này ..."
Hành giả tu tập tâm bi sẽ có
được mười một lợi lạc như tu tâm từ vậy.
Tu tập tâm hỷ (Muditā)
Tâm hỷ là trạng thái vui thích,
hài lòng với sự thành đạt của người khác, đặc tính của tâm hỷ là không ganh tỵ,
sự biểu hiện của tâm hỷ là xua tan sự bất mãn.
Thái độ ganh ghét sự hạnh phúc
của chúng sanh khác là thái độ tương phản của tâm hỷ; nhưng thái độ tán thành
sự xa hoa trụy lạc hay hạnh phúc bất chánh của người khác, cũng không phải đúng
nghĩa của tâm hỷ.
Một người muốn tu tập tâm hỷ,
trước hết trải rộng tâm bằng cách dẹp bỏ ý niệm tự hào về mình, tự hào về người
thân của mình, bởi khi tự hào như thế mà thấy người dưng thành đạt hạnh phúc
thì tâm hành giả sẽ thấy khó chịu bực bội.
Nếu hành giả có tánh hay ganh tỵ
thì hãy suy xét hậu quả tệ hại của lòng tật đố, như sau: "chỉ có người tâm
ích kỷ nhỏ mọn mới ganh tỵ kẻ khác", hay "người khác có tâm ganh tỵ
sẽ bị quả báo sanh ra ở đời làm người thua sút thế cô" (M.III, kinh
Tiểu nghiệp phân biệt).
Và để mở rộng thêm tấm lòng, hãy
suy xét đến lợi lạc an vui của tâm hỷ, như sau: "người không ganh tỵ sẽ
sống thoải mái" hay "sống không ganh tỵ là một đức độ khiến cho người
có địa vị cao" v.v...
Sau khi đã làm cho tâm hân hoan
trải rộng, hành giả trước tiên hãy biến mãn tâm hỷ với một người bạn tốt, vì người
bạn tốt không làm cho hành giả chi phối niềm vui ích kỷ mà cũng không làm cho
tâm hành giả gượng gạo miễn cưỡng. Khi thấy hay nghe một người bạn thân được
hạnh phúc thành đạt, hành giả khởi lên tâm hỷ như sau: "thật là vui cho
người này! người này đã được hạnh phúc, mong rằng người này luôn luôn lợi
lạc".
Sau khi khởi tâm hỷ đối với
người bạn tốt, hành giả có thể hướng tâm ấy tuần tự đến một người thân, rồi đến
một người dưng (không thân không thù), và cuối cùng là hướng tâm hỷ với một
người thù.
Nếu khi nhớ đến kẻ thù mà tâm hỷ
không có được, trái lại niềm hận khởi lên, thì hành giả nên làm cho nó lắng
xuống theo cách đã nói trong phần niệm tâm từ (mettā).
Hành giả nên phá rào ngăn tâm
bình đẳng các đối tượng, nghĩa là bằng cách nào cho tâm thoải mái nghĩ đến sự
hạnh phúc của người khác như đã thoải mái với hạnh phúc của chính mình.
Do tu tập, đào luyện tướng tâm
ấy thường xuyên, hành giả có thể tăng cường định cho đến tam thiền, tứ thiền
được.
Dù chưa đạt đến định của thiền,
nhưng hành giả tu tập biến mãn tâm hỷ như vậy cũng sẽ có những lợi lạc như
"ngủ an vui, thức an vui" v.v...
Tu tập tâm xả (Upekkhā)
Tâm xả phạm trú không phải là
thọ xả phi khổ phi lạc; xả đây là trạng thái quân bình của tâm, không chi phối
bởi ưa và ghét, dễ chịu và khó chịu.
Vị hành giả muốn tu tập tâm xả,
cần phải trải qua cảm nghiệm từ, bi và hỷ, vì khi đã quen thuộc với cảm giác bị
động tâm bởi sự hạnh phúc hay đau khổ của chúng sanh, bấy giờ hành giả mới thấy
được sự an bình lợi lạc vi tế trong xả phạm trú được.
Do đó, hành giả tu tập xả với
chúng sanh, bằng cách nhìn với tâm thản nhiên, nghĩ rằng: "Tất cả chúng
sanh có nghiệp riêng, chúng sanh thừa hưởng quả của hành động mà chính họ đã
tạo, có vui có khổ là do duyên nghiệp". Bằng cách đó hành giả sẽ trú với
tâm bình thản khi trông thấy chúng sanh khác, dù họ đang hạnh phúc hay đau khổ.
Trước đây, hành giả đối với một
người dưng, không thân không thù, thì tâm nhìn người ấy thản nhiên, chẳng có gì
bận tâm dù người ấy đang vui hay khổ. Nay tu tập tâm xả, hành giả cũng nên khơi
dậy tâm xả ấy với một người thân, một kẻ thù ... nhìn bất cứ ai cũng với trạng
thái thản nhiên như thể đã đối với người dưng, vì thấy rõ nghiệp lực ở mỗi
người.
Tại sao, hành giả phải tiến đến
tu tập tâm xả?
Trong chú giải thanh tịnh đạo có
thí dụ, cũng như một người mẹ có bốn đứa con, một đứa còn bé, một đứa bị bệnh
tật, một đứa đang thành đạt, và một đứa đã nên danh phận. Người mẹ sẽ tưng tiu
làm vui đứa con bé nhỏ, sẽ chăm nom an ủi đứa con bệnh tật, sẽ vui mừng với đứa
con đang thành đạt, và sẽ không bận tâm gì nữa với đứa con đã nên danh phận.
Đây là thí dụ cho tâm của hành giả tuần tự an trú từ, bi, hỷ, xả đối với chúng
sanh.
Về lợi lạc, hành giả trú biến
mãn với tướng tâm xả một cách thuần thục sẽ đạt đến tứ thiền (nói bốn bậc) hay
ngũ thiền (nói năm bậc), một trạng thái thiền xả niệm thanh tịnh. Cho dù không
đạt đến thiền chứng chăng nữa thì với tâm trú xả biến mãn như vậy cũng làm cho
hành giả được nhiều lợi lạc như "ngủ an vui, thức an vui" v.v...
Dứt phần tu tiến với đề tài bốn
phạm trú.
TU TIẾN VỚI ĐỀ TÀI
QUÁN TƯỞNG (Paccavekkhana)
Đức Phật dạy:
"Này chư tỳ kheo, có năm sự
kiện này cần được thường xuyên quán tưởng bởi người nam hay người nữ, bởi người
tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm? "Ta phải bị già, không thoát khỏi
già" "Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh". Ta phải bị chết,
không thoát khỏi chết". "Đối với ta, phải lìa bỏ, phải ly biệt tất cả
người vật thân ái"; Ta có nghiệp là sở hữu, nghiệp là của thừa hưởng,
nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa; nghiệp thiện
hay ác nào ta đang làm, ta sẽ lãnh chịu nghiệp ấy" (A.III,71).
Đối với một đệ tử xuất gia hay
tại gia, nếu không có tu tiến thiền định gì thì ít ra trong một ngày cũng phải
tu tập quán tưởng năm điều này để giảm thiểu được nguyên nhân phát sanh thân
ác, khẩu ác và ý ác.
Bởi do kiêu mạn với tuổi trẻ là
nhân khiến thân làm ác, khẩu nói ác và ý nghĩ ác, nên cần phải thường xuyên
quán tưởng "Ta phải già, không thoát khỏi già" để đoạn trừ hay giảm
thiểu sự kiêu mạn với tuổi trẻ.
Bởi do kiêu mạn với sức khỏe là
nhân khiến thân làm ác, khẩu nói ác và ý nghĩ ác, nên cần phải thường xuyên
quán tưởng "Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh" để đoạn trừ hay
giảm thiểu sự kiêu mạn với sức khỏe.
Bởi do kiêu mạn với sự sống là
nhân khiến thân làm ác, khẩu nói ác và ý nghĩ ác, nên cần phải thường xuyên
quán tưởng "Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết" để đoạn trừ hay
giảm thiểu sự kiêu mạn với sự sống.
Bởi do tham muốn quyến luyến với
các người vật thân ái là nhân khiến thân làm ác, khẩu nói ác, ý nghĩ ác, nên
cần phải thường xuyên quán tưởng "Đối với ta, phải lìa bỏ, phải biệt ly
tất cả người vật thân ái" để đoạn trừ hay giảm thiểu lòng tham luyến vật
khả ái.
Bởi chúng sanh dễ làm thân ác,
nói khẩu ác, suy nghĩ ý ác, do vậy chịu quả đắng cay, nên cần phải thường xuyên
quán tưởng "Ta có nghiệp là sở hữu, nghiệp là của thừa hưởng, nghiệp là
thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp thiện hay ác nào
ta đang làm, ta sẽ lãnh chịu nghiệp ấy;" quán tưởng như vậy để đoạn trừ
hay giảm thiểu các hành vi ác hạnh.
Vì do duyên lợi ích như vậy nên
năm sự kiện này cần phải thường xuyên quán tưởng.
Một người muốn tu tập quán tưởng
năm sự kiện này, có thể thực hành bất cứ ở đâu, bất cứ oai nghi nào, bất cứ lúc
nào, vì sự quán tưởng là để đình chỉ tà tư duy nên khi nào có tâm kiêu mạn ỷ
lại sanh khởi thì khi ấy khởi tâm quán tưởng để dẹp bỏ kiêu mạn ấy.
Phải thực hành quán tưởng theo
cách như sau, suy tư rằng:
"Ta phải bị già, không
thoát khỏi già. Nhưng không phải chỉ một mình ta bị già mà tất cả các chúng
sanh có đến, có đi, có sanh, có diệt, cũng đều bị già, không thoát khỏi
già".
"Ta phải bị bệnh, không
thoát khỏi bệnh. Nhưng không phải chỉ một mình ta bị bệnh mà tất cả các chúng
sanh có đến, có đi, có sanh, có diệt, cũng đều bị bệnh, không thoát khỏi
bệnh".
"Ta phải lìa bỏ phải biệt
ly tất cả người vật thân ái. Nhưng không phải chỉ một mình ta chịu ly biệt với
người vật thân ái mà đối với tất cả các chúng sanh có đến, có đi, có sanh, có
diệt, cũng đều phải ly biệt người vật thân ái".
"Ta có nghiệp là sở hữu,
phải lãnh chịu quả của nghiệp đã làm. Nhưng không phải chỉ một mình ta phải
lãnh chịu quả của nghiệp đã làm, mà tất cả chúng sanh cũng đều có nghiệp là sở
hữu, phải lãnh chịu quả của nghiệp họ đã làm".
Nên học thuộc ý nghĩa này và suy
tư như vậy thường xuyên mỗi ngày.
Do thường xuyên quán tưởng các
sự kiện ấy, nên con đường hiện ra, sử dụng con đường ấy tu tập làm cho sung mãn
nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
Dứt phần tu tiến với đề tài quán
tưởng
DỨT
CHƯƠNG III