Thiền học
Đối Thoại Thiền - tập 2
Giai Không
25/10/2553 03:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Đối Thoại Thiền - tập 2
Mục lục

Phần 2

2.  Hương xuân trong phong vị Thiền
3. The giver should be thankful - Người cho phải cảm ơn
4. Right and wrong  -  Ðúng và sai?
5. Three kinds of disciple -– Ba loại đệ tử  
6. How grass and trees become enlightened?- Làm thế nào cỏ cây giác ngộ?
7. In dreamland - Trong cõi mộng
8. Nothing exists –- Không có gì hiện hữu
9. The stone mind - Cái tâm đá

10. Real prosperity - Sự phát đạt chân thật

11. The stinggy artist - Nghệ sĩ bần tiện
12.
Killing – sát sanh
13.  Letter to a dying man - Lá thư cho người sắp hấp hối
14. Tosui's vinegar -– Giấm của Tosui
15. The first principle - Ðệ nhất đế
16. Inch time foot time -– Một phân thời gian
17. Flower shower –- Mưa hoa
18. The true path  - Thật đạo
19. A drop of water -– Một giọt nước
20. Kasan sweated -  Mồ hôi Kasan 

21. Phụ lục: Tâm Bản Nhiên (Bankei)

 

Hương  xuân trong phong vị Thiền 

Mùa Xuân Giáp Thân Năm nay (2004) thời tiết Sydney có phần dễ chịu, tuy ngày mồng một Tết trời hơi nắng gắt một chút. Ngày mồng hai mồng ba (thứ bảy) và mồng bốn (chủ nhật) nhiệt độ xuống thấp dần chỉ còn 22oC – 25oC. Vì thế, bà con đồng hương Phật tử tưng bừng đi chùa lễ Phật đầu năm, chúc Tết, cúng dường, nhận lộc, ngoạn cảnh, chụp hình lưu niệm... thật là thoải mái vui vẽ, đúng nghĩa là ngày lễ hội Xuân truyền thống.

Trong khung cảnh rộn rịp mùa xuân chỉ diễn ra được có ba ngày và không khí ngôi Tự Viện Pháp Bảo tại Sydney vẫn trở lại bình thường như mọi ngày trong sinh hoạt thiền môn qui củ. Buổi sáng đại chúng thức dậy sớm sau đó tọa thiền hay niệm Phật. Ðúng 6 giờ là thời công phu sáng như thường lệ. Nhân dịp đầu xuân tôi đọc sách ngữ Lục Thiền Tông của Tuệ Trung Thượng Sĩ (bản dịch Lý Việt Dũng), Giai Thoại Thiền (của Viên Ðức sưu tầm)  tìm về nguồn gốc Văn Minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học (GS Cung Ðình Thanh). Nhân đó, tôi đọc lại sách Ðối Thoại thiền cuốn 1 xuất bản năm 1997 do Pháp Bảo – Sydney ấn hành, và nẩy ra ý định in tiếp Ðối Thoại Thiền tập 2 cống hiến chư độc giả xa gần đang trông đợi. Tưởng cần nói rõ, đây chưa phải chấm dứt cuộc đối thoại mà tôi hy vọng tập 3 sẽ được hình thành, nếu đủ sức khỏe và điều kiện. Sách Ðối Thoại Thiền sẽ thực hiện in ấn vào mùa Phật Ðản năm nay (2004), Phật lịch 2548, như một kỷ niệm đón mừng ngày Ðản sanh đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, hồi hướng công đức dâng cúng dường Tam Bảo mà bút giả đã thừa hồng ân chư Phật, chư Tổ đức được đi trên đoạn đường dài phụng sự chánh pháp trải qua gần 50 năm  xuân thu tuế nguyệt, qua vài nhận định của người vun chí nguyện phát tâm xuất gia:

- Dấn thân đi trên con đường nghịch chiều với cuộc đời

- Mọi gian khổ thử thách không làm chùn bước mà vẫn kham nhẫn trong sự tinh tấn không ngừng.

- Như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, nếu lơ đễnh sơ hở ắt bị nạn cháy tay

- Thực hành hạnh nguyện Bồ Tát đi vào đời với tâm vô úy, thay chúng sanh chịu khổ nhục, và đón nhận cái vui sau khi thấy tất cả an lạc hạnh phúc.

- Nhà mô phạm đầy sáng tạo làm gương mẫu cho các thế hệ đến sau tiếp tục lên đường phụng sự tha nhân.

- Viên tướng soái oai dũng đi tiên phong thắng lướt trong mọi hiểm nguy đe dọa, qua bao lằn tên mũi đạn.

Cũng trong tinh thần đó, tôi luôn luôn theo đuổi 10 pháp cần hành như sau:

1- Mỗi ngày hai thời công phu sáng chiều chưa hề gián đoạn trừ khi bịnh duyên hay bận đi Phật sự xa. Nếu đi tới một đạo tràng nào qua đêm thứ hai, tôi đều phải theo chúng công phu sáng đầy đủ. Thời công phu theo tôi quan niệm như cơm bửa. Hôm nào không dùng bửa cảm thấy như thiếu một cái gì và do vậy, thiếu thời công phu sáng mỗi ngày cũng y hệt như vậy. Thói quen tự động nầy vô cùng quan trọng đối với tôi, đến độ tôi không cần đồng hồ báo thức vẫn thức dậy đúng giờ như thường. Một điểm tế nhị hơn mà tôi không dám khinh suất, đó là chư vị Long thiên hộ pháp luôn luôn có mặt thủ hộ ngôi già lam (tự viện) và các thiên thần đều đến nghe pháp. Vì lẽ, tụng kinh không riêng cho người sống nghe, người  quá cố cũng được thừa hưởng công đức nữa, và cả chư vị thần thánh cũng tới dự pháp hội mà những câu trong bài sau đây để thí dụ chứng minh.

Thiên, A Tu La, Dược xoa đẳng

Lai thính pháp giả ưng chí tâm

Ủng hộ Phật pháp sử trường tồn

Các các cần hành Thế Tôn giáo

Chư hữu thính đồ lai chí thử

Hoặc tại địa thượng hoặc hư không

Thường ư nhơn thế khởi từ tâm

Trú dạ từ  tâm y pháp trụ ...

 

(Trời, A Tu La và Dược Xoa thảy

Những kẻ tới nghe pháp nên chí tâm

Ủng hộ Phật pháp để được trường tồn

Mỗi vị hãy thực hành lời Phật dạy

Chư thiện hữu thính chúng tới nghe pháp

Hoặc trên đất liền hoặc ở hư không

Hãy vì nhân thế khởi phát từ tâm

Ngày đêm nương từ tâm mà an trú...) 

Ứng dụng câu: “Bồ Ðề tâm kiên cố, phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ, hằng hoạch kiết tường” (giữ Bồ Ðề tâm luôn được vững bền, dứt sạch phiền não, tiêu trừ nghiệp chướng, luôn được an lành); người xuất gia mới thấm thía ý nghĩa thoái Bồ Ðề tâm là thế nào. Từ thoái Bồ Ðề tâm rất hay và nó có một giá trị nhứt định đối với người đệ tử Phật chung cả hai giới xuất gia và tại gia. Không những kẻ phàm tăng thoái tâm mà ngay cả hàng Thánh giả từ hàng sơ địa đến cửu địa (trong thập địa Bồ Tát) vẫn thoái tâm như thường. Thế nên ca dao Việt Nam có những câu thật súc tích diễn đạt dòng tâm lý đa dạng này của con người như sau:

Thức khuya mới biết đêm dài 

Tu lâu mới biết ai người hữu duyên

Hay câu tục ngữ diễn theo lối nói bình dân ý tương tự :

"Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay".

Tuy nhiên, câu tục ngữ có thể hiểu theo một khía cạnh khác, tùy hoàn cảnh và tâm lý của từng trường hợp theo nghĩa tiêu cực. Ở đây rút tỉa kinh nghiệm chính bản thân và chắc chắn có phần chủ quan, nên không hẳn là mô thức cho mọi người phải theo trong cuộc hành hoạt để làm thăng hoa đời sống, nhất là đời sống nội tâm, cần đòi hỏi ở hành giả nhiều hy sinh dấn thân trong tinh thần tự nguyện và giàu dũng lực để đánh bạt tất cả nội chướng (phiền não, nghiệp lực, sở tri...) và ngoại ma (tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ham thích ăn ngon mặc đẹp...). mới đủ ý chí khắc phục được mọi tình huống, hoàn cảnh. Sở dĩ đạt được tâm nguyện như vậy là nhờ tôi luôn luôn tự cảnh giác như thế này : “Vào giờ này mọi người phải vùng dậy đi làm kiếm tiền sinh sống, tại sao ta nằm đây? Hôm nay tuyệt thực hay sao? ”. Nhờ đó tự sách tấn nên chưa hề thất thố bao giờ cho dù việc nhỏ.

2- Việc ưu tiên giải quyết trước: có nghĩa là việc nào sắp đặt trước thực hiện trước, việc sau thực hiện sau. Tuy cũng có trường hợp phải biết thích thời bằng sự cân nhắc chọn việc ưu tiên làm trước mà trong đời có những việc ta không dự  liệu trước được. Thấy có nhiều người việc nào cũng nhúng tay vào làm cả, kết quả chẳng việc nào ra việc nào hết. Chi bằng ta chỉ làm một việc cho xong mà chắc chắn thành công đem đến lợi lạc và niềm hoan hỷ cho mọi người vẫn hơn là ôm đồm nhiều việc cùng một lúc rồi không làm được việc nào cả

3- Ngăn nắp thứ tự: từ giấy tờ, đồ đạc, hứa hẹn, tiền bạc v.v... đâu ra đó không lẫn lộn, quên sót. Vì thế mà không hay ít khi bị ai trách cứ (trừ người khó tánh). Ðây là một điểm nổi bật thành công trong mọi việc, nhất là trong thương trường hay trong phạm vi học đường. Vì được mọi người tin tưởng ở khả năng làm việc, cách điều hành và tài quản lý của người có trách nhiệm biết lo liệu công việc.

4- Làm việc như sở thích: tức là tìm được thú vui trong công việc do ta tự sắp xếp mà không phải người khác ép buộc làm. Thật vậy, công việc do ta đề xướng và đeo đuổi đến nơi đến chốn cho tới thành công cũng mang lại cho ta nhiều phấn khởi và hăng say để tiếp tục cống hiến tài năng và sức lực vào việc lợi ích chung.

5- Làm việc như bổn phận: tự thấy có bổn phận mới hết lòng lo công việc được chu đáo, đạt đến hiệu quả tốt. Người không có trách nhiệm và bổn phận như khách qua đường, không để ý tới những việc chung quanh, vì nghĩ đã có người khác lo nên không cần quan tâm tới. Mỗi người nên tự xét thấy có bổn phận như người cha, người mẹ trong gia đình; vị thầy cả trong ngôi tự viện, ông giám đốc của một hảng xưởng v.v... để chu toàn trách nhiệm và bổn phận .

Trên mọi lãnh vực của đời sống, nếu mọi người ai cũng biết nhìn theo chiều hướng xây dựng hẳn việc nào chúng ta cũng đạt đến thành công tốt đẹp.

6- Lời hứa như mũi tên đã buông không thể rút lui được nữa; khi đã hứa với ai một việc hay điều gì phải gắng giữ lời cho trọn vẹn, đừng để người ta nghi ngờ khả năng và thiện chí ta. Như đã hứa mà giữa chừng tính không xong, cũng phải tìm mọi cách thỏa đáp, không nên bỏ dỡ dang việc và tìm cách né tránh, đỗ thừa qui kết cho người khác là không được.

Cho dù mình ta phải chịu thiệt thòi quyền lợi hay ngay cả bị thiệt hại về danh dự và kể cả tánh mạng cũng phải hy sinh cho người khác, không so hơn tính thiệt để nuốt lời hứa. Một người đã thất hứa một lần chắc hẳn không ai tin tưởng, nếu thất hứa nhiều lần hẳn bị mọi người tẩy chay và xa lánh. Người học Phật giữ đúng hạnh nguyện Bồ Tát trong sứ mạng độ sanh, dứt trừ phiền não, quyết học giáo pháp giải thoát và nguyện thành đạo để lợi lạc hữu tình.

7- Nghiêm khắc với chính mình: tự răn nhắc mình trong mọi trường hợp và hoàn cảnh. Không dễ dưng rồi đi tới chỗ buông lung phóng túng cách tệ hại, lố bịch và gây ra những phiền não khổ đau, chua xót, phẫn hận, thù hiềm, không tốt cho chính mình và cho mọi người chung quanh; rộng hơn là cho xã hội, quốc gia.

Nghiêm khắc không đồng với khắc khổ, tuy có một vài điểm tương đồng nhưng hoàn toàn khác nhau. Người biết nghiêm khắc với chính mình là người luôn đề cao cảnh giác niệm vô minh và tự thiết lập "Bộ Quốc Phòng" để phòng vệ bốn ma binh rình rập xâm nhập (ma phiền não, ma ngũ ấm, thiên ma, tử ma) tâm thức bất cứ lúc nào ta lơ đễnh bỏ ngõ.

Phải luôn luôn dùng giới luật để răn nhắc mình trong từng giây phút

8- Thấy sai chỉ ngay không nể vì: người trực tánh dễ gây phật lòng người khác ở chỗ ưa nói thẳng và chỉ ngay những sai trái lỗi lầm của người, không sợ mích lòng, kể cả những vị cao niên, các bậc tôn đức, hể sai lầm liền bị chỉnh mà không đợi bất cứ một dịp nào khác. Ðiều này làm cho có nhiều người không thích nhưng đối với những ai thích học hỏi và cầu tiến bộ nên cám ơn người chỉ ra lỗi lầm của mình để một ngày kia sẽ được hay hơn, giỏi hơn và sống có chiều sâu hơn.

Người sống gần người trực tánh sẽ tự luyện cho mình tánh kiên nhẫn chịu đựng và lấy đó làm thước đo giá trị thực ở đời.

9- Ðược khen ngợi không hãnh diện, tự hào: kẻ nào thích được tâng bốc tán dương là người mang tính tự kiêu rất lớn. Tánh tự kiêu đâm ra ngã mạn hay tự hào và hiêu hiêu tự đắc không cho thiên hạ ai ra gì cả. Có nhiều lúc được người khác mời hợp tác những công việc quan trọng hàng đầu, ta nên lượng sức và tài năng mình. Cũng như nên tự hỏi: mình thật có tài nhận lãnh vai trò đó không? Phải chăng người ta cố gài mình để họ dễ lung lạc hay đứng ngoài "thọc gậy bánh xe"? Nếu xét thấy vị thế ấy thích hợp với sự ân cần mời gọi do thật tâm của bạn bè hay pháp lữ hoặc sư trưởng. Ta cũng không quá nguyên tắc từ chối thẳng thừng làm cụt hứng họ mà phải biết uyển chuyển cho khéo léo để giữ được mối liên hệ lâu dài.

10- Luôn luôn cẩn trọng khi được đề cử, cất nhắc: một khi thấy khả năng làm việc hữu hiệu của ta, người khác mới đề cử vào một vị trí quan trọng hoặc cất nhắc ta từ một địa vị thấp lên một bậc cao hơn. Dù được người khác tín nhiệm cũng phải hết sức dè dặt cẩn trọng. Không vì vội vàng hấp tấp mà làm hỏng cả một công việc lớn hay làm ảnh hưởng không tốt cho tương lai. Người háo danh thường hay mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng khi đang giữ một địa vị quan trọng là muốn chứng tỏ cho kẻ khác rõ mặt ta đây có quyền hành thế này thế nọ.

Hãy cùng suy nghĩ để học hỏi câu tục ngữ này: "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng" hầu tránh những cạm bẫy cho những ai nông nỗi dễ vướng mắc.

Ngày nay chúng ta đang ở vào thế kỷ thứ hai mươi mốt, mọi mặt tiến bộ vượt bực, về kỹ thuật, truyền thông và nhất là mạng xa lộ thông tin – internet – toàn cầu. Chúng ta giống như những tài xế lái xe giữa xa lộ, ai cũng phải lái nhanh, nếu không muốn gây ra tai nạn không cần thiết. Thật cũng khó mà hiểu nổi có người không thích như vậy mà muốn đi ngược lại thời xa xưa về trước. Ðây chính là sự thật của một số ít người và trong số có tôi, thấy hay hay nên giữ mặc cho có người chê trách thế này thế nọ, kể cả hàng môn đệ tôi cũng không hiểu nổi thầy mình nữa.  Ðây là 10  KHÔNG mà tôi cố theo đuổi trong suốt quảng đời hành đạo. Ðó là:

1- Không điện thoại cầm tay  (mobile phone); thời đại tín học ngày nay, hầu hết mọi người ai nấy phải có điện thoại cầm tay để liên lạc khi cần thiết, kể cả học sinh tiểu học cũng biết xử dụng loại phương tiện thông tin tối tân này. Người ta dùng nó như món đồ trang sức để liên hệ trong nhiều lãnh vực, mục tiêu. Hơn 20 năm về trước vào thập niên 80, người nào xử dụng mobile phone xem như oai phong lịch lãm lắm. Lúc đó giá thành của một chiếc điện thoại loại thường cũng từ 500 đô trở lên, còn loại tốt liên lạc được nước ngoài giá phải từ 1000 đến $ 2000USD. Ðến thập niên  90 giá mỗi chiếc điện thoại hạ thấp xuống còn chỉ $100 tới $300 mà thôi. Và trong vòng 10 năm tới  5 năm trở lại đây, điện thoại cầm tay được tặng miển phí.

Không phải vì giá điện thoại đắc tôi không xài, giá rẻ cũng không xài và ngay cả biếu không tôi cũng làm lơ không xài. Ðó mới là vấn đề để quý độc giả suy nghĩ. Vào tháng 12 năm 1999, lúc đó tôi đảm nhận vai trò Tổng Thư Ký Hội Ðồng Ðiều Hành Giáo Hội Phật Giáo VNTN Hải Ngoại tại Úc Ðại lợi – Tân Tây Lan. Vừa được bầu chức vụ mới ngày hôm trước, qua bửa sau các đệ tử tôi qua câu chuyện xây dựng và phát triển tổ chức, đề nghị tôi nên sắm một điện thoại cầm tay cho tiện việc liên lạc. Tôi không chấp thuận mà cũng không phản bác, với thái độ làm thinh. Tưởng tôi thuận theo đề nghị, nhưng sau vài tuần thấy tôi không có gì thay đổi, cũng với mobile phone nhưng đệ tử tôi đề nghị khác như thế này: Thầy không cần mua điện thoại, nếu thấy không thích con muốn Thầy xử dụng điện thoại của con mỗi khi thầy rời khỏi chùa để mọi người dễ tiếp xúc lúc cần công việc Phật sự của Giáo Hội cũng được giải quyết nhanh và có hiệu quả. Qua nhiều lần đề nghị xử dụng điện thoại cầm tay của những đệ tử thân cận tôi vẫn không dùng tới mãi cho tới nay, sau nhiều năm làm việc Giáo Hội. Vào một ngày mùa xuân năm 2003, Ðại Ðức CK nói với tôi bằng cả tấm lòng chân thật như thế này:

- Mãi tới nay con mới thấy Thầy không xử dụng mobile phone là đúng, vì nó có một số vấn đề mà chỉ người dùng nó mới phát hiện được nhược điểm của việc "lợi bất cập hại" ra sao. Và Ðại Ðức còn nói tiếp:

- Con ôm điện thoại mà không turn on (mở) cũng xem như không có điện thoại rồi còn gì nữa. Vì đang lái xe nghe điện thoại là bị cảnh sát phạt nặng đấy. Và còn không ít những bất tiện khác nữa.

Nêu lên điểm này, tôi tin chắc một điều rằng tôi mạnh dạn nói ra sự thật và không rõ nó tốt hay xấu. Thôi tốt xấu mặc kệ, chấp nhận theo đuổi là được nên tôi ghi nhận điều này: việc làm của tôi, tôi không muốn thuyết phục ai theo, kể cả môn đệ vì tự nghĩ không muốn cầm cái điện thoại nói chuyện ôm sát vào tai coi ra nó không đẹp một chút nào. Lý luận này chỉ tôi và tôi tin chắc có nhiều người không đồng ý. Và biết đâu có người lại cười thầm, hay còn gì gì nữa. Miển sao tôi cảm thấy an lạc không bị chi phối bởi những phương tiện nhất thời vào cuộc đời tu niệm là đủ rồi.

2- Không thẻ tín dụng (credit card): từ khi thẻ tín dụng lưu hành phổ thông để mọi người dùng nó như là mode thời trang mới, có nhiều điều tiện lợi cho việc đi mua sắm, trả tiền qua thẻ mà không phải mang theo mình một số tiền cồng kềnh có nhiều lúc cũng rất nguy cho tánh mạng nữa. Tuy nhiên, các phương hại của thẻ tín dụng đưa đến cho người xài cũng không phải ít mà nhiều khi còn gây ra thêm rắc rối, đau buồn, gây gỗ, chia ly, nợ nần chồng chất, do ta không kiểm soát được hay không tự chủ lấy mình mà có lắm ngườøi tan nhà, mất hạnh phúc cũng vì phóng tay xài thả cửa, vì không tự chế được lòng tham, cho đến khi phát hiện ra đống nợ đồ sộ mới đâm hoảng hốt tìm cách chữa. Ðợi tới lúc cháy nhà mới lo phòng hỏa, dù có phương cách khéo, kỹ thuật cao đến đâu cũng không còn kịp nữa. Thế còn người chủ trương không xài thẻ tín dụng cũng đâu phải đã hay hơn, vì không tự kiểm soát được mình và thấy được điểm dỡ, thế yếu mới lo tìm cách tránh trước thế thôi. Bản thân tôi không xử dụng thẻ credit card, nhưng tôi không bài bác, ngăn cản hay chỉ trích người xài loại phương tiện tối tân này theo trào lưu mới. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới chữ "phong trào" xài thẻ cho nó hợp thời một chút. Nhất là giới thanh thiếu niên nam nữ ưa xài thẻ tín dụng hơn cả. Người nào cũng có lý do và lập trường của mình, miển đừng phạm đến tự do và quyền lợi của người khác, cũng như sự ích lợi chung là được.

Tôi là ông thầy tu từ nơi "gốc rạ chun lên" tôi tự cảm thấy kém tân tiến cho tới thế kỷ hai mươi mốt hôm nay. Mặc cho dư luận thế nào tôi vẫn là thầy tỳ kheo trên mình mặc 3 y, theo hạnh nguyện của Phật, chư Tổ để tìm vui trong an lạc giải thoát.

3- Không có danh thiếp: tấm danh thiếp (business card) hay gọi nôm na là thẻ nghề nghiệp, card thương mại mà trên đó có ghi tên, điạ chỉ, chức vụ để mỗi lần gặp khách hay bạn bè là trao đổi cho mọi người biết tới ta. Việc này đã trở thành rất phổ thông trong xã hội chúng ta đang sống ngày nay, từ Ðông sang Tây, từ Nam chí Bắc ai cũng lấy làm quen thuộc cách thức này. Gọi danh thiếp có hai phần: danh là tên họ, và thiếp là địa chỉ, tên đường, số nhà  (cơ sở), số điện thoại, số fax, email, website, ngay cả các chức vụ đang đảm trách. Ðây được xem như là một hình thức quảng cáo hữu hiệu nhất, vì nó rất tiện lợi là nhiều người biết tới dịch vụ của ta. Còn tôi là một nhà tu,  tại sao phải quảng cáo nghề tu của mình? Hay là muốn cho mọi người biết tôi đang là Viện Trưởng, Trụ trì, Chủ Tịch, Giám Ðốc v.v... của một tự viện lớn, một cơ sở đồ sộ chăng? Những tước hiệu ấy đối với tôi đâu có gì quan trọng. Không quan trọng không phải tôi không với tới được mà vì tôi không thích thôi; và dĩ nhiên nhận xét này chỉ riêng tôi chứ không làm va chạm người khác. Nếu quan niệm tu là một nghề, và những ai chọn, đó như một cái nghề để sinh sống thì thật quả vô cùng tệ hại cho đạo pháp và con người ở hiện tại và trong tương lai .

Ðôi lúc tôi bị khách hỏi xin tấm danh thiếp mà không có cũng cảm thấy hơi quê một chút, nhưng lâu ngày cũng thành quen và nay mọi người hầu như ai cũng rõ. Ðó là một việc tuy nhỏ, nhưng có người không chịu bỏ qua; còn tôi thì vượt qua tất cả, ngay như những lời chỉ trích cũng không hề nao núng nản lòng.

Tấm danh thiếp không có trong túi xách hay đúng ra tôi không dùng nó cho đến bây giờ và mãn đời tu cũng là điều dễ hiểu. Nếu có người  hiếu kỳ thắc mắc muốn biết tại sao; xin thưa, tại tôi là nhà tu hành đã khác đời nên không thích làm những việc như người đời.

4- Không lái xe: Có xe không lái, có bằng lái không xài, đây mới là chuyện lạ không thể ai cũng hiểu được trong môi trường của xã hội hôm nay. 

Có xe không lái

Bằng lái không xài

Ðường dài không chạy

Chưa hẳn đã hay  

Việc lái xe như là phương tiện đi lại trong các đô thị tân tiến đều được mọi người tán đồng và đôi khi còn cổ võ đôn đốc nữa, và tôi cũng vậy. Ngày còn ở Việt nam vào thập niên 60, tôi lái xe Honda đi học, đi dạy học và hoằng pháp cũng bằng chiếc xe con khiêm tốn. Khi sang Nhật du học thập niên 70, tôi dùng phương tiện đi lại bằng xe lửa. Ðến khi qua Úc thập niên 80 và mãi đến năm 2000, tôi dùng đủ mọi loại phương tiện: xe bus, tàu lửa, xe hơi... Nói nghe cho oai chứ kỳ thật xe hơi tôi chỉ đi ké đi nhờ người khác lái chở đi, còn riêng tôi đâu có lái xe hơi bao giờ, mặc dù có bằng lái loại top (golden licence) cũng chỉ để làm kiểng chơi mà không có xài tới. Không lái xe có đôi khi cũng vất vả lắm, nhất là lúc cần đi việc gấp lại không nhờ được người lái, còn khi thường muốn đi lại nhờ vả nhiều quá cũng làm người khác phiền lòng thì không nên. Ai cũng nghĩ: Thầy không cần phải lái xe, vì đi đâu đã có đệ tử lái giúp. Vì thầy đông thiếu gì đệ tử muốn giúp công quả chở thầy, đi tới đâu lại chẳng được. Thế nhưng quý vị có biết không, tôi vẫn thường xử dụng phương tiện chuyên chở công cộng xe bus, xe lửa v.v... như thường! Việc làm nầy của tôi nhằm mục đích để học hỏi và quan sát tận mắt mọi sinh hoạt của mọi người trong cuộc mưu sinh chạy đua ngoài xã hội. Có nhiều người hỏi: tại sao Thầy không lái xe?

- Câu trả lời đơn giản của tôi là tôi không lái vì không thích lái xe, thế thôi. Tuy cũng có những lý do tiềm tàng, nên không thể ghi kể hết được ra đây. Theo tôi, không lái xe là một cái thú để được người khác chở và nhìn người khác lái mình đi. Cũng như trái sầu riêng là món khoái khẩu của nhiều người; thế nhưng có người  nghe mùi sầu riêng là chịu không được phải lánh đi nơi khác. Lại có người không thích giá đậu xanh và tìm cách loại bỏ khỏi món ăn, người không thích măng hễ ăn vào là bị đau nhức mình mẩy v.v...; cũng là một lý do chính đáng mà mọi người phải tôn trọng quyền tự do của kẻ khác. Và ở đời này còn có muôn ngàn điều, việc thích hợp người này lại trái nghịch với người khác mà ta không biết phải giải thích làm sao, hay đúng ra không cần phải giải thích chi cho thêm phức tạp, khó hiểu. Chỉ người trong cuộc mới đáp án đúng nguyên nhân của việc mình làm và chủ trương theo đuổi mà thôi. Ở đây tôi bật mí không lái xe cho quý thiện hữu tri thức rõ được đôi điều về việc làm này của tôi từ lâu nay như sau.

- Nhà tu hành không tiện để tình cảm mình lao theo đầu máy xe lúc nóng lúc nguội bất thường được .

- Lái xe thế nào cũng phạm lỗi lầm mà phạm nhiều lần càng làm tâm trí ta bất an rối loạn.

- Lỗi nhẹ có thể dễ bỏ qua, còn như phạm tội hẳn có luật pháp xử phạt điều tra.

- Không muốn để cảnh sát sưu tra lý lịch  - một việc không cần thiết. Vì đã chắc gì ai dám bảo đảm lái xe an toàn một trăm phần trăm đâu !

Thật quả đúng như chủ trương của tôi sau nhiều năm không lái xe; tôi mới có được sự an nhiên và hoàn toàn tự do tự tại một cách tuyệt đối. Nói vậy, cũng chưa hoàn hão, có người sẽ vặn hỏi: nếu nói như kiểu thầy thì ai lái xe để thầy đi đây đi đó? Chẳng hóa ra người tài xế giúp thầy khờ lắm sao và tất cả những ai biết lái xe đều nằm trong thế bị quy kết như đã nêu trên chứ gì?

Nếu cứ phải lý luận, chắc chắn một điều là không bao giờ tìm ra được đáp số đúng nhất cho vấn đề được nêu ra đâu. Chi bằng ta nên chấp nhận một giải pháp tương đối; tất cả chúng ta ai cũng có phần đúng và có phần sai. Biết đúng nên giữ, biết sai nghĩ là sai nên tìm cách sửa lại cho đúng, là người muốn cầu tiến trong tinh thần học hỏi đáng trân trọng.

5- Không thuốc lá, cà phê: hút thuốc, uống cà phê cũng là một cái thú của người ghiền, kể cả uống trà loại đắc tiền hạng sang trọng. Có người mỗi lần cơm nước xong phải có điếu thuốc nếu không bị lạt miệng như thiếu một cái gì đó. Ấy là chưa nói nhiều người cứ hút liên tục hết điếu này sang điếu khác suốt ngày, hết ngày này qua ngày khác, đến đổi nhựa vàng cả mấy đầu ngón tay. Khói thuốc xông lên người kế bên không thể nào chịu nổi.

Hút thuốc nhiều có những điểm hại sau đây:

- Mùi khói hôi hám khiến người không biết hút thuốc khó chịu tránh né và có khi gây ra mất hòa khí với nhau.

- Tốn tiền vô ích, thuốc như một loại xa xí phẩm; vì thế Bộ Thương mại Chính phủ Úc đánh thuế rất nặng vào món hàng này để làm giảm bớt người tiêu thụ.

- Cấm hút thuốc tại một số nơi như văn phòng làm việc, trên phi cơ... Ngày nay hầu hết các hảng máy bay đều nghiêm cấm hành khách hút thuốc, kể cả hút lén trong cầu tiêu cũng không được.

- Gây ra bịnh nám phổi có hại cho sức khỏe mà người lớn tuổi khó trị liệu.

Ðó là một số những phương hại của thuốc lá mà ai cũng nhìn nhận thấy rõ và ngày nay khoa học, y khoa chứng minh không còn là điều bí mật nữa.

Còn với riêng tôi không hút cũng có nguyên nhân, như sau:

- Nhà tu hành cầm điếu thuốc phì phà nhả khói trông mất oai nghi không đẹp chút nào

- Tiền mua thuốc do Phật tử cúng dường chi tiêu việc khác; xài đồng tiền không đúng chỗ cảm thấy trái với lương tâm

- Thứ gì nữa còn xả bỏ được, thế tại sao không bỏ thuốc được? Chẳng qua do mình muốn tập thói quen và muốn duy trì một việc không được tán đồng và ai cũng không ưa thích.

- Mùi hôi của thuốc làm cho miệng, quần áo và tay cũng hôi lây. Thế thì tiếp khách, người Thầy phải ăn nói sao đây.

Còn cà phê, trà là thú tiêu khiển đâu có tác dụng hại cho sức khỏe mà lại không xài; có phải chăng mất đi một phần ý nghĩa cuộc đời?

Thú tiêu khiển có nhiều loại, loại cho giới bình dân và cho người thanh lịch; có những thú tiêu khiển thấp kém hèn hạ như cờ bạc, rượu chè, đỉ điếm v.v... cà phê, trà tuy không nằm trong những thú tiêu khiển thấp kém, nhưng không biết dùng chúng hay xử dụng thái quá cũng gây ra những tác dụng có hại nhiều mặt.

Người dùng lượng cà phê nhiều quá, lâu ngày chất cocaine dễ làm cho nhịp tim khó hoạt động, nhất là đối với người ghiền cà phê đậm dùng nguyên chất đen không pha chế thêm chất ngọt như sữa, đường. Riêng về trà, nếu biết thưởng thức với một trình độ cao sẽ đạt đến môn nghệ thuật như người Nhật qua trà đạo, hay thiền gia có môn thiền trà. Ai dám bảo những môn nghệ thuật thanh tao như thế là sa đọa, kém cõi, thấp hèn? Tôi không thích uống trà kiểu cách, tuy vẫn biết thưởng thức loại trà ngon dỡ, vì mỗi lần uống trà cho đúng điệu phải cần thời gian pha chế, cần người đối ẩm. Tôi không muốn tiêu phí thì giờ vào mấy thú tiêu khiển lỉnh kỉnh đó. Mặc dù ở chùa vẫn đủ những bộ tách trà, bình pha trà; tuy có thiếu đồ gắp trà, thìa múc trà, oản trà, trà vương...

Họa hoằn lắm tôi mới phải dùng tới mấy món đồ trà kiểu cách đãi khách quý phương xa tới viếng thăm, đàm đạo, trong số có những pháp lữ lâu năm xa cách, nay gặp lại mới mượn chung trà làm mối giao hão đạo tình. Cũng có trường hơp các vị Thầy cao tuổi, họ rất cần, sống theo phong vị chung trà để tìm lại những kỷ niệm xưa mà vui qua ngày tháng nhìn đàn hậu tấn tiến lên, trưởng thành. Còn loại tiêu khiển thanh cao cũng có rất nhiều thứ như:

- Ði dạo công viên ngắm cảnh, xem hoa nở, nghe chim hót và quan sát thế giới đa thù của loài côn trùng như sâu, kiến, ong, bướm... sinh hoạt cũng không kém phần rộn ràng như loài người không khác.

- Làm vườn, trồng cây, tưới nước... để vừa thưởng thức công việc đang làm, vừa quan sát cây cảnh xanh tươi đơm hoa kết trái mà vui sống với thiên nhiên tạo vật .

- Ðọc sách cũng là một thú vui tuyệt hảo đối với người nào muốn như là con mọt sách, nhờ đó tìm thấy chân hình của nhiều biểu tượng không thời của quá khứ, hiện tại, vị lai.

Ðề cập tới sách, đối với tôi, là món ăn tinh thần bổ ích. Chung quanh phòng tôi vách tường nào cũng đầy sách kín cả. Ðến đổi, các đệ tử lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của tôi, đề nghị giải tỏa mấy kệ sách. Nhận thấy sự quan tâm này đúng, tôi đã cho dời sách vỡ sang phòng bên cạnh từ vài năm nay. Dĩ nhiên thú tiêu khiển cũng đa dạng, còn nhiều loại khác nhau như bơi lội, leo núi, picnic, chèo thuyền, tắm hồ, vv... thật là muôn màu nghìn vẻ, dồi dào đầy đủ. Tùy sở thích mỗi người chọn lựa để tìm vui trong thanh thoát nhẹ nhàng.

Thay vì:

Hớp ngụm cà phê đậm

Nhâm nhi tách trà nóng

Ngồi phì phà khói thuốc

Theo từng nhịp thời gian...

Tôi dành thì giờ vào việc đọc sách, làm vườn nhất là đi bộ mỗi ngày vào buổi sáng, ít nhất cũng từ 45 phút đến một tiếng đồng hồ. Nhờ tập quen như thế, sức khỏe có phần gia tăng, tâm luôn an lạc và thư thái, không vướng bận thời gian, công việc và còn nhiều nữa...

Chỉ nêu vài cái KHÔNG như vậy chắc cũng đã khó với nhiều người không theo được, huống gì hơn nữa; nhưng với tôi đó chỉ mới hơn phân nửa, áp dụng vào đời sống còn nhiều hơn thế nữa không phải kể những điểm tiểu tiết e thêm rườm rà.

6. Không trể giờ giấc; trên thế giới ngày nay hai dân tộc đúng giờ nhất là Ðức và Nhật. Nhờ sống và học ở Nhật tôi theo tinh thần đúng giờ giấc như người Nhật.

Sang định cư tại Sydney năm 1981, đầu tiên tôi họp một số Phật tử trong Ban Ðiều Hành Hội Phật Giáo lại và lưu ý hai điều: thứ nhất, tôi tiếp tục hợp tác, nếu số người vẫn ủng hộ có trên 5 người, và thứ nhì, giờ giấc phải chính xác đúng. Tuy nhiên, tôi cũng qui định cho mọi người theo giờ dây thun (co dãn) trong vòng nửa năm. Từ lễ Vu Lan năm 1981 đến nay, (2004) các buổi lễ lớn nhỏ tại chùa Pháp Bảo hầu như diễn ra đúng giờ.

Những sinh hoạt hằng ngày tại chùa cũng áp dụng giờ giấc nhất định: thời kinh sáng lúc 6 giờ, điểm tâm 7giờ, học tập 9.00 giờ, ngọ trai 12 giờ. Những năm sau này có thay đổi giờ theo mùa vì tiểu bang New South Wales theo chế độ saving time – vặn giờ lên một giờ hay vặn giảm xuống một giờ (tháng 3 và tháng 9) đầu mùa thu và đầu mùa xuân, nghĩa là từ tháng 3 đến cuối tháng 8 (Thu Ðông) trời mau tối, nên buổi chiều giảm lại nửa giờ thay vì 6 giờ dùng cơm chiều đổi thành 5.30 giờ; thời Tịnh Ðộ lúc 7 giờ, thay vì 7 giờ 30 phút. Aùp dụng giờ giấc chính xác lâu thành quen dần, nay nghe nói chùa Pháp Bảo tổ chức lễ, khách lo đến đúng giờ và nhờ tinh thần tự trọng đúng giờ như thế mà mãi tới nay ai cũng biết Phật sự tại chùa cũng như mọi sinh hoạt lễ lược quanh năm khác.

Tưởng cần nói thêm về thói quen, theo Duy thức học phân biệt thành hai khía cạnh: huân tập và tập khí.

- Huân tập là sự chăm sóc, tưới tẩm như người trồng cây săn sóc cây cối; người nông phu chăm lo mùa màng.

- Tập khí là sự xông ướp để tạo nên một khí chất nào đó, có thể thiện hoặc bất thiện. Thí dụ: hút thuốc, ngày nào cũng đều hút thuốc là huân tập và lâu ngày trở thành ghiền thuốc là tập khí. Như luôn thức dậy đúng giờ là huân tập mỗi ngày và ý thức việc đúng giờ luôn ghi mãi trong lòng rồi được thể hiện qua sự tĩnh thức mỗi sáng sớm dậy tụng kinh... là tập khí.

Như vậy, huân tập và tập khí là một tiến trình hình thành hoặc trở nên của đời sống tâm thức được biểu hiện cụ thể qua thói quen. Nó là phong cách và cá tính hay biệt nghiệp của mỗi cá nhân. Nói qua về bản chất của tập khí, nó là hiện thân của nghiệp thức; theo tâm lý học; vừa mang tính cách sinh học (biological) lại vừa mang tính cách tâm lý (psychological). Do đó, hiện thân của tập khí chính là con người toàn diện của cả hai mặt tâm lý và vật lý, tư duy và hành động; vật chất và tinh thần; tự tướng và tổng tướng, biệt nghiệp và cộng nghiệp; cá nhân và cộng đồng v.v..." (Thích Tâm Thiện – Tâm lý học Phật Giáo. p178 xb tại Saigon 1998).

Cũng do thói quen, tôi không hài lòng những người hẹn không đúng giờ. Tuy cũng có kẻ phiền tôi về sự đúng giờ để bào chửa việc trể nãi của họ. Ðiều này phải khẳng định họ sai, thế mà vẫn có kẻ chống chế không chịu sửa sai. Ðó là tâm bịnh của chúng sanh biết đời nào mới chịu cải thiện?

7- Không thị giả: thị giả là người phụ giúp một số công việc nhẹ như quét dọn phòng xá, xếp lại mền gối, ủi quần áo, giặt đồ, bưng cơm, pha trà. Phần này do một sư chú hay sư cô phụ trách đối với vị Thượng Tọa hay Hòa Thượng lớn tuổi.

Mấy chục năm nay, tôi tự lo liệu mọi việc cho mình mà không phải nhờ một chú hay cô làm thị giả giúp đở. Vì xét thấy mình chưa cần sự tiếp tay giúp sức của người khác. Và điểm này lại là điểm dỡ của tôi, chớ đâu hay ho gì mà phải nêu ra đây để mọi người biết. Có người lại  cho đó là một đặc điểm nổi bật chỉ có Thầy Pháp Bảo mới có được mà không tìm thấy nơi bất cứ một Thầy nào khác. Với tôi, quan niệm đơn giản chỉ có thế này:

- Tu hành chưa bao nhiêu, công đức chưa dày không thể để người khác phục vụ cho mình nhiều mặt.

- Nhờ một người phục vụ cho riêng cá nhân, dù người đó nhỏ tuổi, cũng coi thường nhân cách họ.

- Người không được phục dịch Thầy có niệm phân bì, rồi gây nên bất hòa chúng.

Biết được những gì mọi người nhìn nơi Thầy cả, trong phòng tôi không để tủ lạnh, không nước uống, không đồ ăn vì nghĩ tới một số điểm bất lợi này:

- Những món ngon lạ đem chất đầy tủ lạnh để dành Thầy

- Thức ăn uống dùng thừa ra, bị hư ối cũng thật khó xử

- Cung phụng lâu ngày, thành độc đoán, kỳ cục khó coi đối với mọi người.

Do thấy rõ những suy nghĩ và việc làm thiếu chánh niệm của hàng tử đệ như thế, mới đầu họ phục vụ Thầy với tâm vô chấp, dần dần tánh u mê, lòng tật đố dấy lên lúc nào không biết đã tạo thành vấn đề cho ngôi chùa và cho vị Thầy mà đúng ra Thầy phải là một biểu tượng cao cả đáng tôn kính.

Ðệ tử kính thầy, thương Thầy phải hiểu Thầy và  theo chí nguyện Thầy mới đủ tầm vóc kế thừa đạo nghiệp.

8- Không ủi (đồ) quần áo: quần áo giặt giũ, phơi xong, hầu hết nhiều người đều phải ủi cho thẳng nếp mới mặc lại. Có thói quen từ nhỏ tới lớn tôi chưa hề ủi quần áo bao giờ.

Tuy nói vậy, thỉnh thoảng cũng có ủi y hậu cho nó thẳng để làm lễ trước đại chúng cho nghiêm túc thế thôi. Còn về quần áo mặc thường, hầu như tôi không hề quan tâm phải ủi ngay thẳng. Thuật của tôi thế này: khi giặt đồ xong, trước khi phơi đem xủ kỹ những chỗ nhăn, nếp gãy bung ra, thế là đồ khô vẫn thẳng khỏi cần tốn công ủi. Dù vậy, có đôi khi vì gấp giặt không kịp xủ đồ, lúc mặc quần áo nhăn nheo khó coi, thế là phải đem đồ giặt lại.

Thấy nhiều người bỏ cả buổi và tốn nhiều thì giờ lo việc quần áo và trang điểm. Tâm lý làm đẹp nói chung là của phái nữ, nhưng phái nam có người cũng làm dáng nữa! Tôi quen một thầy ở Saigon thập niên 60, trong cặp táp luôn luôn có gương soi mặt; và trước khi đi đâu sửa soạn hằng giờ, còn quần áo thầy ấy khỏi phải bàn đến: ủi láng coóng thẳng có ly! Giới tăng trẻ có người còn ham diện cở đó, chúng ta cũng không trách người đời được. Thế thì, ta nên thông cảm giới phụ nữ có nặng phần trang điểm chút đỉnh cũng châm chế!

Tại sao ta phải bỏ thì giờ quá nhiều vào những việc không đâu như thế? Nếu không phải muốn người khác phái chú ý tới mình ta đâu cần quan tâm đến như vậy. Thật cũng mâu thuẩn và khó hiểu tâm lý người đời, khi người ta ai cũng muốn làm nhiều việc, lại không biết quí thì giờ mà dùng vào những việc ít quan trọng, không phải ưu tiên như vậy.

Hẳn trên thị trường tiêu thụ, phải cần những người dùng mỹ phẩm trang điểm mới tồn tại được. Còn giới nhà tu phải nên xét lại vai trò và cung cách để bớt lãng phí thời giờ vào việc không cần thiết.

9- Không đồng hồ báo thức: chiếc đồng hồ báo thức giúp ta ngủ dậy theo giờ giấc ấn định để làm công việc nhất định như đi xa, đến sở, vào trường; người tu ở chùa công phu, tọa thiền v.v...

Ngày xưa ở Việt Nam người nông phu thức dậy sớm ra đồng làm việc nhờ tiếng gà gáy, tiếng chuông chùa mà ca dao như còn nhắc nhở mọi người ở đâu đây:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Tiếng chuông chùa Thiên Mụ (Huế) lan xa cả ngàn thước sang bên kia bờ sông Hương; gà thôn Thọ Xương gáy rang lúc tiếng chuông chùa vừa điểm vào canh ba đầu canh tư, báo thức dân làng chuẩn bị sẵn sàng cho công việc nông tang của một ngày mới. Người dân quê không cần đồng hồ báo thức vẫn dậy sớm được là nhờ tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy. Còn người dân thành thị nhờ tiếng reo gọi của đồng hồ đánh thức để theo đúng giờ giấc qui định cho công việc làm. Tuy cũng có người để đồng hồ báo thức reo mà ngủ vẫn cứ ngủ như thường, như vậy hiệu quả của nó thật cũng vô dụng như thường.

Tôi có thói quen thức dậy đúng giờ mà không cần đồng hồ báo thức. Mới nghe vậy quý vị không tin đâu và đã có vị thử tôi tại một ngôi chùa lạ vào giờ công phu khuya, tôi đã tỉnh giấc trước giờ báo thức chúng 5 phút. Ðiều này làm cho vị Thầy ấy mới tin tôi và những lời thiên hạ sự bàn tán tỏ ra thán phục.

Như tôi đã nói, tôi lớn lên từ đồng quê chất phác học được ở người nông phu tánh cần cù nhẫn nại, và cũng học được cả tánh lương thiện trung thành. Mãi đến nay gần 50 năm (47 năm) sống nơi chốn thiền môn thanh tịnh, tôi nhận thấy cuộc đời mình gắn liền vào câu kinh tiếng kệ, nhịp mõ, tiếng chuông. Bản chất quê trong tôi chưa bị tẩy xóa và vì thế mọi việc xử sự của tôi như người nông dân chân lấm tay bùn mà linh động trong sự sáng tạo có suy tư.

Việc không dùng đồng hồ báo thức của tôi biết đâu không là đề tài để quý vị mua vui trong chốc lát.

10- Không ăn tối: từ vài năm nay, tôi không dùng bửa tối. Nói vậy cũng không đúng đâu, tôi có dùng sơ trái cây hay sửa để cho bao tử dễ làm việc qua đêm.

Việc tôi 1àm tưởng không cần biện chính. Tôi nghĩ hễ càng biện luận là càng đi xa mục đích ban đầu, nên cũng chẳng cần ai tán đồng hoặc ủng hộ để cho công việc thành nhẹ nhàng như chiếc lá vàng rơi ung dung tự tại dưới mặt đất mà không bất cứ một dấu hằn nào được phủ lên trên cả.

Việc làm tôi tự cho là thượng sách vì cũng khó thực hiện lắm đấy chứ! Tôi không phải tập quen chi cả, đùng một cái, tôi thực hiện ngay ý định không ăn chiều làm cho chúng trong chùa đâm khó hiểu. Mới đầu họ suy diễn đủ cách đủ kiểu, vẫn không thuyết phục được tôi. Thậm chí, có vài Phật tử van nài tôi phải dùng cơm tối để đủ sức làm đạo được lâu dài. Bà DC vừa thuyết phục vừa làm ra vẽ quan trọng nói:

- Thầy không ăn chiều, độ rày xem Thầy ôm nhom ốm nhách, tụi con bỏ không đến chùa nữa đâu, nếu Thầy vẫn giữ lập trường.

Tôi nhìn bà mỉm cười rồi nói:

- Bà đừng can dự vào tự do của người khác quá đáng như vậy. Giá như bà muốn thực hiện một ý định đúng mà  bị con bà cản đà, bà phản ứng ra sao? Tại sao bà ngang quá vậy? Nghe tôi nói thẳng như vậy, từ đó bà ta không dám can dự việc tôi làm nữa mà đã tỏ ra hiểu biết, tôn trọng. Biết đâu, một việc nhỏ như thế cũng rút tỉa ra được bài học xử thế đích thực, phải không thưa quý vị?

Chùa Pháp Bảo hiện có ba thầy trò không ăn cơm tối từ hai năm nay. Có thể người trên 40 tuổi chịu đựng cho cơ thể nhẹ, còn ai chưa tới tuổi đó không hiểu ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao. Thật ra, việc tôi làm tôi không thuyết phục ai theo mình cả, ngay cả đệ tử cũng vậy. Nếu có ai theo sách lược ấy là do tự nguyện mỗi người thôi.

Nêu ra những điều trên là tất cả sự thành thật để tự kiểm điểm và học hỏi hơn là gì khác. Khi đã mang tâm trạng không hài lòng về bất cứ một việc gì dù nhỏ hay lớn hay đối với bất cứ ai, người ta có những phản ứng vô hình chung rất sống sượng rất thô, để lộ liễu ra hết chân tướng không thể dấu diếm được.

Hơn nữa, những việc tôi đang áp dụng là việc làm cụ thể không phải trên lý thuyết suông. Công việc có tính cách liên tục kéo dài qua nhiều năm tháng không hề bị ngăn ngại bởi bất cứ một động lực tâm lý hay vật lý nào hoặc nói chung là không bị chi phối bởi nội tâm và ngoại cảnh. Nói như thế, không có nghĩa những việc tôi làm luôn thuận buồm xuôi gió cả đâu mà có lúc có trường hợp cũng bị phản đối ngăn cản ra mặt hoặc âm thầm giận dỗi, bỏ mặc không hợp tác v.v... Dù vậy, tôi vẫn theo đuổi lập trường ban đầu, vì xét thấy nó không phương hại tới quyền lợi và tự do người khác. Kết quả sau bao nhiêu năm tôi luyện giúp cho tôi có một ý chí dũng kiện, một tâm chất dung dị, một cái nhìn quán chiếu để rút tỉa bài học tu thân xử thế đích thực. Ðây là số vốn liếng tôi đã đổ vào đầu tư trong nửa thế kỷ bằng sức lực và tâm huyết để xây dựng và tự tồn.

Nhờ học được bài học sống của tiền nhân như thế này:"giáo đa thành oán" (Giáo dục mà thái quá cũng thành có hại). Nên thiên tiểu luận này có tính cách tự truyện hơn, mong quý độc giả đọc, suy nghĩ nhưng mong không thành kiến, không phán xét. Ðọc với tâm lượng như thế, tác giả vô vàn thâm tạ và vô cùng tán dương lòng nhiệt thành của quý vị, 

Sydney những ngày Tết Giáp Thân năm 2004. 

 

BÀI THAM KHẢO

The Giver should be thankful 

While Seisetsu was the master of Engaku in Kamakura he required larger quarters, since those in which he was teaching were overcrowded. Umezu Seiber, a merchant of Edo, decided to donate five hundred pieces of gold called ryo toward the construction of a more commodious school. This money he brought to the teacher. Seisetsu said : All right. I will take it". Umezu gave Seisetsu the sack of gold, but he was disatisfied with the attitude of the teacher. One might live a whole year on three ryo, and the merchant had not even been thanked for five hundred.

'In that sack are five hundred ryo", hinted Umezu.

" You told me that before", replied Seisetsu.

Even if I am a wealthy merchant, five hundred ryo is a lot of money ", said Umezu.

"Do you want me to thank you for it?" asked Seisetsu.

" You ought to " replied Umezu.

"Why should I?  inquired Seisetsu. The giver should be thankful". 

 

Dịch nghĩa

Người cho phải cám ơn

Seisetsu là một thiền sư ở chùa Viên Giác vùng Kamakura (Kiêm Thương ) cần xây thêm cơ sở rộng hơn. Vì nơi ông đang dạy quá chật chội do đông người.

Umezu Seibei, một thương gia ở Giang Hộ (tên cũ Tokyo ngày nay), quyết định cúng 500 lượng vàng cho Seisetsu xây thêm phòng ốc (lớp học). Umezu mang tiền đến Seisetsu.

Seisetsu nói: "Ðược, tôi nhận số tiền này!"

Umezu biếu Seisetsu gói tiền, vàng, nhưng không hài lòng thái độ của Seisetsu. Với chỉ ba lượng vàng người ta có thể sống được trong một năm. Ðằng này ông thương gia tặng những 500 lượng vàng vẫn không được Seisetsu cám ơn!

- Umezu nhắc khéo: trong túi đó có 500 lượng vàng đa!

- Ông đã nói với tôi rồi !

- Umezu nói: mặc dù tôi là một thương gia giàu có, nhưng 500 lượng vàng là một số tiền lớn!

- Seisetsu hỏi: "Ông muốn tôi cám ơn ông?"

- Umezu đáp: "vâng, đúng vậy!"

- Seisetsu hỏi: Sao lại tôi? Người cho phải cám ơn chứ? 

 

Câu hỏi gợi ý

1. Qua câu chuyện trên ta thấy có gì bất thường không?

2.  Việc bố thí 500 lượng vàng của Umezu ra sao?

3. Tại sao chủ nhân nhắc đi nhắc lại mà người nhận của vẫn không chịu nói lời cám ơn? Thái độ đó có đáng chê trách?

4. Seisetsu nhấn mạnh: "Ông muốn tôi cám ơn ông?" Có phải người nhận có ý khiêu khích người cho tức giận đòi lại số vàng?

5. Trong trường hợp bạn cho quà người ta mà không được cám ơn. Bạn nghĩ sao?

 

* Thiện Sanh (Brisbane)

1. Qua câu chuyện trên ta thấy có gì bất thường không?

- Không

2. Việc bố thí 500 lượng vàng của Umezu ra sao?

- Tốt nhưng chưa rốt ráo.

3. Tại sao chủ nhân nhắc đi nhắc lại mà người nhận của vẫn không chịu  nói lời cảm ơn?  Thái độ đó có đáng chê trách?

- Thái độ của thiền sư không thể chê trách; Phật dạy “Bồ Tát khi bố thí phải tam luân không tịch”

4. Seitsetsu nhấn mạnh: “Ông muốn tôi cám ơn ông?” Có phải người nhận cố ý khiêu khích người cho tức giận đòi lại số vàng?”

- Không, Seitsetsu chỉ cho Umezu lời dạy của Ðức Phật.

5. Trong trường hợp bạn cho quà người ta mà không được cảm ơn. Bạn nghĩ sao?

- Không nghĩ, quên rồi. 

* Quốc Vinh (Vic.)

1)     Xưa nay lẽ thường giữa người cho và người nhận vật, hẳn người nhận phải cảm ơn là điều lịch sự tối thiểu, cũng là cách xử thế đẹp lòng nhau trong các lãnh vực của đời sống. Ðàng này ngược lại, Seisetsu nhận tiền cúng dường của người tín chủ thay vì cảm ơn, ông lại nói ngược lại gây một ấn tượng nghi ngờ nơi người ấy. Ðiều này ta ít thấy xảy ra với hầu hết mọi người mà chỉ ở chốn thiền gia như qua câu truyện trên đây là một bằng chứng điển hình.

2)     Umezu là một người giàu lòng hảo tâm không tham tiếc của, sẵn sàng giúp đỡ theo nhu cầu đối tượng chùa cần. Nếu suy tính, số 500 lạng vàng không dễ được bỏ ra mà không có dụng ý. Tuy nhiên, việc bố thí ở đây vẫn còn bị kẹt trong vòng danh tướng. Vì chưa vượt khỏi thói thường, nên gặp thiền sư là người phá chấp, làm cho đối tượng đâm ra lúng túng khó chịu.

3)     Chủ nhân có chủ tâm nhắc khéo người nhận quà không những chỉ một lần mà có tới ba lần như:

- trong túi đó có tới 500 lượng vàng đa!

- mặc dù tôi là một thương gia giàu có, nhưng 500 lượng vàng là một số tiền lớn!

- khi được hỏi muốn được người nhận cảm ơn? Liền đáp: Vâng, đúng vậy.

Cuối cùng vẫn không được đáp ứng theo lời yêu cầu. Ðây là thái độ tỏ ra bất mãn nhưng chưa trầm trọng mấy. Nếu Umezu rút lại số vàng không cúng như ý định ban đầu, mới là việc đáng trách.

4) Người nhận quà đã tỏ thái độ ngay từ đầu, sao người cho không chịu hiểu mà phải nhắc đi nhắc lại những ba lần. Ðể cuối cùng bị tấn công tới tấp, cũng may qua thái độ từ tốn của thiền sư, câu hỏi gằn mạnh không vì thế làm cho đối tượng điên tiết lồng lộn lên như có một vài trường hợp ngoài ý muốn mà ta đã chứng kiến

5) Có nhiều phức tạp trong trường hợp giữa người cho đối với người nhận. Ði từ thấp tới cao mà có những phản ứng không giống nhau: riêng người viết gặp phải trường hợp như thế hẳn buồn năm phút. Vì nghĩ rằng đối tượng chưa học kinh nghiệm sống nên hành xử thiếu lịch sự tối thiểu. Ðó là chưa nói có khi ta nuôi giận hờn trong tâm nhiều năm không giải tỏa. Ngòi bom hơi này có cơ hội sẽ nổ chậm mà ta cứ nghĩ là sẽ bắn vào mặt đối phương cho bỏ ghét, hay ít ra cũng chứng tỏ mình là người không đến nổi hèn. Ðôi khi ta lại nghĩ quấy cho người nhận nhiều điều tệ hại, vì y không đáp ứng được như mong muốn của ta. Những phản ứng hết sức người của chúng ta trong đời này hầu như  đều như thế cả. Thế còn ở đây, trong phạm vi thiền hoàn toàn có khác. Thiền phá không những ngã chấp vĩ đại của ta mà còn phá luôn cả pháp chấp nữa. Cái ngã đã diệt thì mọi pháp khác diệt hết, không còn gì quan trọng đáng lưu tâm cả.

* Duy Học, Sydney

1. Qua câu chuyện trên ta thấy có gì bất thường không?

- Trong đời, ít có thương gia nào dám cúng dường Tam Bảo tới 500 lượng vàng. Nếu có chỉ có hai loại, loại thứ nhất vì háo danh, háo lợi, mượn thế cúng dường để mưu cầu cái gì đó, còn loại thứ hai là loại có tu Phật, hiểu rõ thật tướng các pháp, rồi phát tâm từ, cúng dường với tâm vô lậu, không mong gì hết, cho nên dám mang hết tài sản, có khi cả tính mạng để cúng dường Tam Bảo.

2. Việc bố thí 500 lượng vàng của Umezu ra sao?

- Thương gia Umezu cúng dường 500 lượng vàng cho thiền sư Seisetsu  với mong ước đươcï thiền sư cảm ơn. Phàm phu khi cúng dường luôn có tâm như vậy, còn một Phật tử hiểu rõ cúng dường hơn, nên chẳng bao giờ mong đợi cám ơn như trên, vì cúng dường mà mong được cám ơn là cúng dường để cầu lợi, không hợp với Phật Pháp. Học Phật phải rõ cúng dường là phát tâm từ, là gột sạch thân tâm, hành mà vô hành, nhiên hậu mới mong tiến qua bờ giác.

3. Tại sao chủ nhân nhắc đi nhắc lại mà người nhận của vẫn không chịu  nói lời cảm ơn? Thái độ đó có đáng chê trách?

- Thương gia Umezu không rõ Phật pháp, hành xử tầm thường, nên chỉ mong đợi thiền sư cảm ơn mình về số 500 lượng vàng anh đã cúng vào chùa. Trong khi đó, thiền sư không muốn cám ơn thương gia, có thể vì thuơng xót anh ta, muốn anh ta thức tỉnh và nghĩ ra rằng cúng dường Tam Bảo là một phật sự tự nhiên, không cần phải cảm ơn. Ðã tu học Phật pháp, ta chẳng nên cố chấp  vào hình tướng, dù là tiền hay vàng bạc hay gì chăng nữa, chẳng qua chỉ là pháp hữu vi, duyên hợp, vô thường, tán tụ bất thường, dính mắc vào đó vẫn chỉ là chuyện bên lề sinh tử mà thôi!  Nghĩ vậy chúng ta chẳng thể chê trách thiền sư mà còn phải kính phục ông nữa.

4. Seitsetsu nhấn mạnh: “Ông muốn tôi cám ơn ông?” Có phải người nhận cố ý khiêu khích người cho tức giận đòi lại số vàng?”

- Câu  hỏi của thiền sư thật từ bi, từ bi ở chỗ nhắc lại người thuơng gia lần cuối xem anh đã tỉnh ngộ chưa? Thế nhưng anh thương gia vẫn ngu si, nên mới đáp thiền sư "vâng, đúng vậy!" chứng tỏ anh vẫn còn thích được cám ơn, vì lẽ bệnh chấp ngã, chấp tướng của anh còn quá nặng!

5. Trong trường hợp bạn cho quà người ta mà không được cảm ơn. Bạn nghĩ sao?

- Có hai cách giải câu này, tùy ở người cho có thấu Phật pháp hay không mà thôi. Hễ chưa thấu, tức còn chấp ngã, chấp tướng, thường mong được cám ơn. Hễ thấm tương chao rồi thì cúng dường cũng như mọi Phật sự khác, có gì phải cảm ơn. Tại sao vậy? Chỉ vì hành giả đã thấu rõ lẽ không trong tam giới, rõ tướng các pháp là duyên hợp giả có, nên không còn vướng mắc bất cứ một thứ gì trên đời này, nên họ luôn giữ tâm xả trong mọi việc kể cả bố thí, cúng dường, nên có khi cúng hết cả tài sản lẫn thân xác cũng không hối tiếc chi hết.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý

 

1) Thiền hẳn có nhiều chuyện trái nghịch đáng để ý. Thiền sư có khi là ông thiện, cũng có khi là ông ác, tùy đối tượng khai hóa giúp khai thông một vài lãnh vực nào đó. Chúng ta không lấy làm lạ qua nhiều chuyện ngược đời trong chốn thiền gia, nhằm đưa người đạt tới mục đích cuối cùng, giải thoát. Tất cả những chước khéo chỉ là phương tiện độ sanh. Kẻ mê thấy như ngược ngạo, khó chịu không thể tưởng tượng nổi. Người ngộ xem đó như bài học vô giá giúp tôi luyện thân tâm thêm vững chắc. Những điều vượt thường, với họ, là những việc hay giúp quán chiếu sâu đi ngược dòng đời làm gia tăng định lực, giữ tâm thanh tịnh.

2)  Bố thí số nhiều, 500 lượng vàng là một việc ít có, trên đời không dễ mấy người nghĩ tới huống nữa đích thân thực hiện. Umezu đã giàu lại rộng lượng, vì thế đã giàu lại càng giàu thêm. Ở đời hiếm người giàu lại biết phát tâm làm thiện bố thí rộng rãi, nên cái giàu hiện tại là nhân của nghèo mai sau. Umezu phát tâm cúng dường cho thiền sư một số tiền lớn xây trườøng học, nhưng đó chưa phải tâm Bồ Ðề rộng lớn. Tâm Bồ Ðề thì không mong cầu, dù một móng niệm muốn được lời cám ơn từ người nhận cũng còn bị kẹt trong vòng đối đãi, tức chưa hẳn kẻ thi ân bất cầu báo, như ta nghĩ.

3) Còn trong vòng đối đãi, chúng ta hay phản ứng theo lối tự nhiên, cũng có nghĩa xuôi dòng, tức theo con đường sanh tử, nên mãi bềnh bồng trôi nổi hụp lặn trong kiếp luân hồi. Trong khi thiền sư là người đi ngược dòng sông, và muốn mọi người cũng lội ngược dòng như thế để đạt mục đích. Gặp đối phương quắc thước già dặn, xem đó là một bài học sống động tuyệt vời, bằng ngược lại, gây ra sự tai hại không ít như qua câu chuyện thiền sư Seisetsu xử với Umezu là bằng chứng cụ thể.

4) Hoàn toàn đi ngược lại ý muốn người cho, thay vì được cám ơn, lại nhận những lời như châm chọc trách cứ. Song thiền sư hoàn toàn không nhằm ý khiêu khích đó, mà chỉ muốn giúp ân nhân vượt qua sự khó khăn nhỏ để hoàn thành tâm nguyện cúng dường mang ý nghĩa vô vụ lợi, hay không mong cầu đền đáp. Cả đôi bên thiền sư và thí chủ đều bị mắc lầm ngoại chướng duyên, thật cũng khó mà tránh khỏi.

5) Thật quả đó là một việc ngoài ý muốn, nghĩ theo thông thường, chẳng làm ta hài lòng chút nào cả, khi ta tặng quà mà không được người nhận cám ơn. Song ở đây câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Thiền đạt đến vắng lặng. Cả người cho, kẻ nhận và vật cho đều quên luôn.

 

 

 

 

BÀI THAM KHẢO

RIGHT AND WRONG

 

When Bankei held his seclusion weeks of meditation, pupils from many parts of Japan came to attend. During one of these gatherings a pupil was caught stealing . The matter was reported to Bankei with the request that the culprit be expelled. Bankei ignored the case.

Later the pupil  was caught in the similar act, and again Bankei disregarded the matter. This angered the other pupils, who drew up a petition asking for the dismissal of the thief, stating that otherwise they would leave in a body. When Bankei had read the petition he called everyone before him. "You know what is right and what is not right". You may go somewhere else to study if you wish, but this poor brother does not even know right from wrong. Who will teach him if I do not? I am going to keep him here even if all the rest of you leave".

A torrent of tears cleansed the face of the brother who has stolen. All desire to steal has vanished.

 

Dịch nghĩa

ÐÚNG VÀ SAI

 

Thiền sư Bankei tổ chức khóa thiền nhiều tuần lễ, thiền sinh khắp mọi miền  đất nước Nhật Bản đều đến học. Trong thời gian tu tập, một thiền sinh bị bắt vì tội trộm cắp. Sự việc được trình lên thiền sư Bankei với lời yêu cầu phải trục xuất tội phạm, Bankei vẫn tảng lờ bỏ qua vụ này. Sau đó thiền sinh này lại bị bắt vì hành vi tương tự và một lần nữa Bankei cũng bỏ qua luôn. Việc này làm chúng thiền sinh nổi giận muốn làm ra lẽ bằng một thư khiếu nại hành động xấu của kẻ ăn cắp, tuyên bố rằng nếu không giải quyết họ sẽ bỏ đi nơi khác.

Bankei đọc bức thư khiếu nại xong, nhóm họp đại chúng lại và nói: "Này các huynh đệ khôn ngoan, hẳn huynh đệ biết việc nào là đúng và việc nào không đúng. Các con có thể đến nơi khác để học nếu các con muốn. Nhưng đối với huynh đáng thương này không biết phân biệt đúng sai. Ai sẽ là người dạy dỗ, nếu Thầy không dạy. Thầy sẽ giữ huynh này lại đây, dù các con có rời khỏi hết nơi này.

Một dòng nước mắt len nhẹ trên má người huynh đệ trộm cắp. Và tất cả lòng ham muốn biến mất.

 

 

Câu hỏi gợi ý

1)     Hãy cho biết điều đúng, sai theo bạn nghĩ?

2)     Thiền sinh đã học thiền tại sao còn phạm trộm cắp?

3)     Thái độ bỏ qua không trừng phạt kẻ phạm tội của thiền sư Bankei là quá đáng, gây cho đại chúng buồn phiền, bạn nghĩ sao?

4)     Vì lý do nào khiến cho nạn nhân phải rơi nước mắt giữa đại chúng?

5)     Nếu bạn là một trong số các thiền sinh ấy, phản ứng của bạn ra sao khi chứng kiến một vụ trộm cắp như thế? Bỏ qua cho xong chuyện? Làm lớn chuyện? Ðồng loạt bỏ thầy đi tìm thầy khác?

 

* Bà Trần Thị Thông (Pháp)

1) Với câu hỏi này, chúng ta tự nghĩ tại sao cái nhìn của hàng đạt đạo về sự vật cũng như sự sống lại bình an, còn cái nhìn của phàm phu chúng ta về sự vật và sự sống lại rắc rối đau thương? Hẳn nhiên có điều gì  khác nhau? Do đâu mà tâm thức có đúng, có sai, có phải, có quấy có tốt, có xấu... bàn rộng vấn đề thì khó mà nói hết được, nương theo pháp Phật nói về chuyển đổi tâm thức là nói đến một cuộc THỨC TỈNH hoàn toàn trong tâm thức, chớ không nói đến hình tướng đối đãi phân biệt. Bởi lẽ guồng máy tâm thức bắt nguồn từ khi mở mắt chào đời, liền bị cái biết sáng tối, động tỉnh, nóng lạnh liên tục đánh thức, lập tức THÂN, CẢNH chia hai và cái TÔI xuất hiện. Hết thảy cái gì có hình tướng dù to tới đâu cũng phải bắt đầu từ nơi mảy may, ti tí. Do đó cơ mầu dấy động phúc họa liền sinh, luân hồi khổ não dấy lên, suốt đời dong ruỗi lăn lộn trong đau khổ chẳng chút nào sáng suốt, làm sao có cái nhìn chính tâm tự khám phá lấy mình để cuộc sống tràn đầy tinh thần tự do, cùng với chư Phật tổ vĩnh cữu.

2) Gát qua hành động phạm tội trộm cắp của người thiền sinh này. Chúng ta cố gắng lấy một phần nhỏ trong tông trì danh hiệu A Di Ðà Phật làm nền tảng mà đóng góp, để có cái nhìn học hỏi thêm. Chúng sinh phần lớn đều dong ruổi theo cảnh trần, bị thu hút mãnh liệt trong 6 nẻo không thoát nổi cái thế gian đối đãi. Làm thế nào để được tỉnh ngộ, làm sao có thể đừng bị hút vào 2 hiện tượng phải, quấy, đúng, sai...Vì chưa có cơ duyên khai thị, thì vô minh tăm tối cứ tiếp tục quấy phá mà không hay biết. Cần phải có thiện tri thức đánh thức cái si mê tăm tối này (thức thứ 7) chuyển đổi cái NHÂN mở ra cái trí BÁT NHÃ, từ đó mới có thể thể hiện một thiền sinh chính tâm tu học.

3) Thiền sư Bankei thực hiện Bát Nhã Tâm Kinh quá thâm thúy, khéo dụng đạo lý truyền dạy, làm cho người bị trách và người trách tỏ ngộ đạo lý một cách "tàng ẩn" ở trong từng con người. Giác ngộ ở truyền đạo, biết đạo mà ở trong kín sâu, đó là bậc Phật thánh, bởi lẽ nền tảng của nhà thiền là vạch ra cái lý  huyền diệu đạo cả, mở toang cái tâm sâu kín của chúng sinh mà chỉ dạy, nếu cứ nương theo hiện tượng thế gian mà phán đoán, e rằng thiếu cái nhìn rộng lượng của bậc thông đạt.

4) người Thiền sinh rơi nước mắt là một sự khai thị cho người có tâm cầu đạo một cách mãnh liệt, nếu như người tu không nỗ lực thì thật đáng tiếc! Ngày xưa chư Tổ đem thân mạng cầu đạo, chỉ cần một chút mảy may này để đánh thức cái tâm si mê, phản tỉnh hoàn nguyên há chẳng đáng kinh sợ sao! Thử xem Hòa thượng Hồng Châu Thủy Lão đến tham học.

Hỏi: -Ý sang Ðông của tổ sư đích thực là gì? Sư nói: -Vái lạy đi! Thủy Lão vừa vái lạy, sư liền đạp cho một đạp. Thủy Lão liền đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười lớn nói: -Lạ thật! Lạ thật ! Trăm ngàn tam muội vô lượng ý nghĩa thâm diệu, chỉ ở một đầu lông mà hiểu được căn nguyên. Bèn vái lạy mà lui (Trích Mã Tổ Bách Trượng ngữ lục do Trần Tuấn Mẫn dịch chú).

5) Ðạo Phật là chỗ hư vô tịch diệt, minh tâm kiến tánh. Biết Phật là biết quên mình, quên ta; oán thù ân nghĩa như nhau; quên được cái ta thì còn yêu thích cái gì. Ngược lại kẻ không biết Phật thì đàm luận kinh kệ; chấp có chấp không; nói phải nói quấy; thích nói khoát lát cho mình đúng, người sai; khiến người ta không ghét không được, nhìn sự việc gì cũng theo thành kiến, thô thiển phê phán. Thật đau lòng! Ðạt Ma thiền sư nói "Tâm là Phật. Phật là tâm, không nên đem tâm mà quấy nhiễu Phật mà cũng không đem Phật mà rối tâm". Có nghĩa đức Phật vốn là vô sinh, vô diệt vô sắc, vô tướng, vô phúc, vô họa, vô báo ứng; thì cần gì phải nương theo hiện tượng thế gian để đánh giá chớ! Muốn có được cái không nhân ngã tướng này, chúng ta phải hết sức thành tâm tột bực chính mình hay hơn là lăn xăn trong cồng kềnh đối đãi của thế gian, đánh mất cái trí huệ sáng ngời ở từng mỗi người.

* Duy Học (Sydney)

1)  Hãy cho biết điều đúng, sai theo bạn nghĩ?

-Việc đúng, sai ở ngoài đời thường dựa trên một số dữ kiện mà phán đoán, rồi việc phán đoán đúng hay sai của một người hay một nhóm người thường chủ quan, chưa chắc đã chí công vô tư nên bị sai lệch. Tỷ dụ một cảnh sát viên bắt được kẻ gian, đương nhiên kẻ gian có tội, nhưng nếu cảnh sát nhận hối lộ của kẻ gian thì kẻ gian được thả và thành vô  tội. Nên chi cái đúng hay sai ở ngoài đời thực sự rất tương đối. Còn trong đề tài "Ðúng và Sai", việc khiếu nại một thiền sinh về tội trộm cắp và trình lên thiền sư Bankei mà Thiền sư khoan dung không kết tội, điều này biểu lộ lòng từ bi vô lượng của Thiền sư vượt lên trên phán xét thiển cận của các thiền sinh, đó là phán xét của một bậc thầy có trí tuệ!

2) Thiền sinh đã học thiền tại sao còn  phạm tội trộm cắp?

- Học thiền phải theo quy củ thiền môn. Giữ giới để tiến tu, tuy nhiên lòng tham dục không dễ gì diệt hết trong một sớm một chiều, mà phải diệt từ từ, vì tham dục là một tập khí mạnh đã khắc sâu trong tàng thức rồi, bỏ một tập khí tham như vậy đòi hỏi nhiều công phu tu tập, thường xuyên quán chiếu và cần được chư tăng hướng dẫn mới hy vọng diệt trừ được. Việc một thiền sinh còn trộm cắp cũng là một thí dụ tốt cho các hành giả, dù xuất gia hay tại gia, coi đó mà thanh lọc thân tâm, trì giới không lui sụt, giữ chánh niệm liên tục ắt có kết quả.

3) Thái dộ bỏ qua, không trừng phạt kẻ phạm tội của Thiền sư Bankei là quá đáng, gây cho đại chúng buồn phiền, bạn nghĩ sao?

- Trước việc một thiền sinh trộm cắp nhiều lần khiến đại đa số thiền sinh buồn phiền, nổi giận và đòi bỏ đi nơi khác là một việc quá đáng,  thiếu từ bi và cố chấp! Tại sao đại chúng không tìm hiểu lý do trộm cắp của anh bạn rồi khuyên răn anh bỏ tập quán đó đi và giúp anh cải tà quy chánh. Tại sao lại cố chấp đến nổi muốn loại anh ra khỏi tăng chúng? Trái lại Thiền sư Bankei lại xử sự khoan dung độ lượng bình tỉnh, không kết tội anh vì thật sự Thiền sư nhận rõ bản tính tham của anh có thể bỏ được, có thể cải hóa được bằng tâm từ bi vô lượng của mình vậy.

4) Vì lý do nào khiến cho nạn nhân phải rơi nước mắt giữa đại chúng?

- Cử chỉ khoan dung của Thầy và tâm thức của nạn nhân khiến nạn nhân xúc động, khóc lóc! Ðiều này chứng tỏ năng lượng của Từ bi thắng hết cả mọi tâm lượng cố chấp, nhỏ nhen, ích kỷ, tham lam, đố ky và có khả năng chuyển hóa mọi tâm lượng xấu thành tốt, cũng như trước kia Ðức Bổn Sư đã cải hóa tên sát nhân Vô Não, khiến hắn buông  dao và quy Phật vậy!

5) Nếu bạn là một trong số các thiền sinh ấy thì phản ứng bạn ra sao?

- Hễ có tu, dù tu Thiền hay Tịnh độ hay bất cứ pháp môn nào của Phật, chúng ta vẫn phải vận dụng tâm Từ, Bi , Hỉ , Xả trong mọi tình huống và chớ hấp tấp xét xử người nếu hấp tấp xét người, chúng ta đã mắc vào ngã mạn và cố chấp. Nên xét lỗi mình, chớ xét lỗi người! Khi đối cảnh cần khoan dung, độ lượng, từ bi với tất cả mọi người, mọi vật, giúp đỡ nhau, cùng tu hành để tăng trưởng hạnh lành, và điều rốt ráo cần hơn cả là giữ hạnh vô cầu, vì còn ham cầu là còn tham, còn dính, còn phiền não, biết bao giờ mới giải thoát được? Vậy cứ phát tâm từ và giữ tâm bình thản, đừng suy tính gì hết! 

* Quốc Vinh (Vic)

1) Ở đời lấy luật pháp làm điểm tựa xét luận đúng sai trong mọi trường hợp.Tuy nhiên luật pháp vẫn còn nhiều kẻ hở và bất toàn như lời nhận xét chí lý của một nhà văn Pháp như sau: "Luật pháp là những màn nhện mà những con ruồi to thì chui lọt, còn những con nhỏ thì mắc lưới" (Les lois sont des toiles d'araignées à travers lesquels passent les grosses mouches et où restent les petites).  Cũng như có một số những phong tục tập quán ở nơi này thì đúng mà nơi khác lại không hợp. Như vậy luận việc đúng sai trong vòng đối đãi của phàm phu cũng chỉ có tính cách tương đối mà thôi.

2) Như con ngựa hoang không có người chăn dắt, con trâu hung không có kẻ mục đồng dùng dòm dây buộc nó lại, thì chắc chắn chúng sẽ phá hại lúa mạ mùa màng của người ta. Tâm con người cũng thế phải dùng giới luật buộc chặc 6 căn để không bị 6 trần làm lung lạc đi vào lầm lạc lỗi quấy. Tục ngữ Pháp có câu: "chiếc áo không làm nên thầy tu ", để chứng tỏ cho ta thấy rằng việc tu tâm sửa tánh mới thật quan trọng. Về mặt hình thức tuy cũng cần thiết, nhưng nếu người ta y cứ vào đó làm thước đo giá trị đạo đức e không chính xác và nhiều khi mắc lầm tai hại.  Câu chuyện Ngài Tế Ðiên Hòa Thượng hẳn mọi người còn nhớ. Ngài sống ngoài vòng thị phi để người đời đàm tiếu như uống rượu, ăn thịt, vào chốn lầu xanh... vẫn tự tại  không vướng mắc – Bị chúng tăng trong chùa quở trách nặng lời hành vi phạm giới của mình, Tế Ðiên mạnh dạn tuyên bố "Mọi người tu khẩu không tu tâm; còn ta tu tâm chẳng tu khẩu." Như vậy , người học thiền là một lẽ, còn diệt được tâm tham lại đòi hỏi nhiều công phu nhờ sự quán chiếu trong thực tập thiền quán lâu ngày.

3) Trong đời  không ai hiểu tâm tính, ý tư của con bằng bà mẹ; giữa mẹ con có sự cảm thông vô cùng kỳ diệu mà nhiều khi không dùng ngôn từ diễn tả hết được. Chỉ có sự sống với và sống cho mới thật sự trao truyền được những ý trọn vẹn. Không phải người trong cuộc hẳn nhiều khi có cái nhìn lệch lạc không đúng tâm cảnh để luận xét e không chính xác và thiếu công bình chăng?

4) Nước mắt biểu lộ có nhiều cường độ khác nhau theo mỗi thái độ hay trạng huống như:

- Trong lúc quá đau khổ chán chường

- Quá giận tức mà không thể thố lộ được với ai

- Xúc động mạnh gặp lại người thân sau bao năm xa cách

- Sung sướng vì được toại nguyện như ý

- Quá kích thích trước thái độ bao dung của người khác

- Cuộc đời quá ngắn ngủi không đủ để được góp sức lực tài năng...

Giọt nước mắt tùy theo mỗi tâm cảnh mà có một hiệu dụng riêng. Trong cuộc đời tương đối chân giả khó phân biệt này, thiết tưởng ta cần bắt chước cách khóc cho hợp thời đúng lúc như người thiền sinh qua câu chuyện  kể trên là một thí dụ cụ thể.

5) Trình độ hiểu biết mỗi người có khác nhau qua từng giai đoạn, trong đời về học thức, kinh nghiệm nên phản ứng có muôn ngàn sai biệt không thể đem kết luận chung chung được. Khi vui người ta có cái nhìn sự việc khác, lúc buồn lại hoàn toàn trái nghịch. Thậm chí việc thương, ghét, thân sơ v.v.. cũng thế. Tục ngữ có câu : "Khi thương trái ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng đắng", để nói lên tính chất tương đối, cục bộ của người trong cuộc.

Một đứa con sinh ra dù xấu xí, tật nguyền thế nào; hư hỏng lỗi lầm ra sao cũng vẫn là con, là núm ruột của mẹ không thể nào cắt lìa nhau tình mẫu tử được.

Còn trong vòng đối đãi qua hình danh sắc tướng là còn vướng mắc trong hệ lụy của vọng tình, biết đời kiếp nào mới giải thoát đến được bờ bên kia – bờ giải thoát.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý

 

1) Chỉ có luật nhân quả hay đạo lý nhân quả mới rõ ràng phân minh không thiên vị bất cứ một ai suốt dọc quá khứ, hiện tại đến vị lai. Một khi cái nhân gieo đã ung thối thì đừng mong gặt được quả tốt. Ðó là lẽ công bình tuyệt đối trong cuộc đời tương đối mà những ai cố tình muốn chối bỏ hay trốn chạy hành vi  bất thiện của mình cũng không thể thoát khỏi.  Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt. Còn đối với hạng người phàm phu thì việc đúng sai, thiện ác lại theo cảm tính nhất thời nên hiểu khi bất công và thiên lệnh, khiến cho cuộc đời đã rắc rối càng thêm rắc rối hơn.

2) Một người cho dù tu hành, khi chưa đạt đạo chứng quả thì cái nhân trong quá khứ vẫn còn sờ sờ ra đó không thể chỉ một sớm một chiều trừ diệt sạch hết được. Phật dạy người tu đạt đến quả Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm là hai trong bốn Thánh quả của hàng Duyên Giác mà những vi tế hoặc (nghiệp lực chi li ) vẫn còn tiềm tại khó có thể dứt sạch, huống nữa hạng phàm phu tu Thiền, tu Tịnh độ ư?

Có nhiều lúc chúng ta bị đánh lừa vì hình thức nên mãi lần mò trong đêm dài tăm tối  không tìm được lối ra mà vẫn cứ an nhiên , chấp nhận. Phật quở Ngài A nan nhận giặc làm con cũng vì lý do này. Bởi cái nhìn thiên kiến một chiều xưa nay của ta đã ăn sâu vào tiềm thức nên cũng khó nhận chân ra được đâu là chân lý.

3) Cái biết của ta cũng như "con ếch ngồi dưới đáy giếng". Nhìn thấy bầu trời cũng chỉ lớn bằng cái nắp vung, thì làm sao có cái nhìn cao kiến đạt đạo của bậc thầy lỗi lạc giàu kinh nghiệm qua nhiều năm tháng! Thiền sư không những chỉ dạy thiền mà còn dò dẫm tâm tư của đệ tử qua từng thi vi động tác. Thái độ làm ngơ của thầy chính là một bài học vô ngôn đắc giá cảm hoá người môn đệ bằng ý giáo hơn là qua thân giáo, khẩu giáo .

4) Trong nhiều tình huống quá xúc động không diễn đạt được nên bằng lời thì giọt nước mắt là cách biểu lộ đẹp nhất với người đối diện để tạ ân, sám hối, van xin v.v... Ðó là cách biểu lộ tích cực mà trong đó hẳn có lúc ta không thể nào tránh khỏi.

5) Khi còn ở trong vòng đối đãi, phân biệt thì còn thấy có tướng ta, người , chúng sanh và tướng thọ giả nên phản ứng của ta bộc lộ qua bảy thứ tình cảm: vui, buồn, mừng, giận, ghét, yêu, ham muốn. Vì thế con người mãi bị vùi dập cuốn hút trong rừng tà kiến điên đảo vọng tưởng. Ðể vượt ra ngoài mọi kiến chấp sai lầm con người phải tìm về bản lai diện mục chính mình, không  còn dong ruổi theo căn trần nữa, thì không phải hệ lụy trong vòng đối đãi của thế gian, mà khai mở tuệ nhãn nhìn thấu bản tâm thanh tịnh chính mình. 

 

BÀI THAM KHẢO

THREE KINDS OF DISCIPLE 

A zen master named Gettan lived in the latter part of the Tokugawa. He used to say: "There are three kinds of disciple: those who impart zen to others, those who maintain the temples and shrines, and then there are the rice bags and the clothes-hangers"

Gasan expressed the same idea. When he was studying under Tekisui, his teacher was very severe. Sometimes he even beat him. Other pupils would not stand this kind of teaching and quit. Gasan remained, saying: A poor disciple utilizes a teacher's influence. A fair disciple admires a teacher's kindness . A Good disciple grows under a teacher's discipline' 

Dịch nghĩa

Ba loại đệ tử  

Một thiền sư tên là Gettan sống vào khoảng cuối thời đại Ðức Xuyên (1) Gettan thường bảo: "Có ba loại đệ tử: 1) Những người truyền thiền cho những kẻ khác 2) Những người duy trì những ngôi chùa và rồi 3) Có những cái đãy gạo và những cái móc áo (2) . Gasan cũng diễn cùng một ý đó. Gasan học với Tekisui. Thầy của Gasan rất nghiêm khắc, có khi đánh đập cả Gasan. Các đệ tử khác không thể chịu nổi cách dạy này nên rút lui đi nơi khác. Gasan ở lại, nói: "Một đệ tử kém làm lợi cho tài năng của thầy. Một đệ tử giỏi lớn mạnh dưới kỹ luật của thầy.

Chú thích:

(1)Thời đại Tokugawa ( Ðức Xuyên ) ở vào thời kỳ Giang Hộ, mạc phủ trong lịch sử Nhật Bản; trị vì từ năm 1596 đến 1745 qua 8 triều đại trường kỳ trong hơn 150 năm khởi đầu là Ðức Xuyên Gia Khang (1596 –1605) và chấm dứt là Ðức Xuyên Cát Tông (Tokugawa Yoshimune: 1716 – 1745).

(2) Những cái đãy gạo và những cái móc áo ý nói người vô tích sự ở chùa chỉ tốn cơm tốn áo, không làm gì lợi đạo giúp ích cho đời. Ðây chỉ cho những kẻ lười biếng ăn rồi cứ nằm dài suốt ngày không chịu làm việc, tốn hao của tín thí.

 

Câu hỏi gợi ý

1) Thử so sánh 3 loại đệ tử của Gettan và Gasan ra sao?

2) Bạn nghĩ sao cách dạy đạo của thiền sư Tekisui? Gasan là một đệ tử trung thành với thầy mình?

3) Gọi hạng đệ tử túi gạo, và móc áo là thế nào? Có giống" một đệ tử kém cõi " như Gasan ví dụ không?

4) Nếu găp phải một vị thầy nghiêm khắc la mắng, đánh đập bạn xử trí ra sao?

5) Trò phải hơn thầy tông môn mới rạng rỡ, đạo pháp mới hưng hiển. Bạn đồng ý?

1) Thật cũng khó so sánh ba loại đệ tử như thiền sư Gettan và đệ tử Gasan nhận xét. Có thể so sánh ý nghĩa của 2 người:

- Những người có khả năng truyền thiền cho người khác, cũng như một đệ tử giỏi lớn mạnh dưới kỷ luật sắt của bậc thầy.

- Những người duy trì các ngôi tự viện. Mới nhìn ta tưởng vai trò của họ không mấy quan trọng, song nếu Phật giáo thiếu vắng họ như "những chiến sĩ vô danh", đạo pháp khó mà phát triển. Những vị trụ trì này được ví như những đệ tử khá có khả năng điều hành công việc chùa và phát triển đạo.

- Những nguời thân tuy ở chùa mà tâm không ở chùa thì không có khả năng làm lợi đạo, ích đời; cũng ví như một đệ tử kém cõi không làm việc siêng năng, không tu tập đúng mức.

2) Dạy dỗ nghiêm khắc quá chỉ có lợi được ở mặt này mà lại có hại ở mặt khác. Chẳng hạn, người đệ tử hiểu thầy và thầy cũng thật sự hiểu đệ tử thì chẳng có vấn đề; ngược lại, chỉ có tác dụng phản tính giáo dục, nhất là đối với đệ tử kém, cố chấp còn nhiều, kinh nghiệm tu tập chưa thuần thục v.v... thì kết quả vô cùng bất lợi về nhiều mặt.

3) Thật ra, nói đó là một hạng đệ tử e quá đáng chăng? Vì khi họ phát tâm tu là phải do một động lực tinh thần mạnh mẽ nào đó. Và rồi theo ngày tháng bị những chướng duyên chẳng hạn, sống chung với huynh đệ kém về mặt đạo đức, tiếp xúc với những tín đồ không thực tâm với đạo v.v... là những thử thách làm thui chột cái sơ tâm xuất gia để dong ruỗi ngoại duyên của đời sống. Nó không giống với một đệ tử kém cõi. Như một người yếu kém mà tự biết mình yếu kém  ai cũng quí mến giúp đỡ. Nếu một người đã yếu kém lại cố ngoi lên với tâm cao ngạo thì thật quả là tệ hại vô cùng!

4) Phải cố gắng nhẫn nại chịu đựng, và tự nghĩ muốn nên người cần nhịn nhục. Cái ảnh huởng này sẽ dây chuyền khi trở thành bậc thầy, hẳn bạn đối xử với đệ tử hầu như rập khuôn những gì mà thầy đã đối xử với bạn  khi xưa vậy. Còn một cách khác, nếu gặp trường hợp khó xử, ta nên tìm cách tìm thầy khác vẫn hơn.

5) Tục ngữ có câu: "con hơn cha nhà có phước" và điều này hầu như mọi người đã nhập tâm không ai còn xa lạ gì nữa. Trong đạo cũng vậy, muốn đạo pháp hưng hiển, thầy có bổn phận đào tạo những đệ tử giỏi, xuất sắc hơn mình để việc kế thừa mới được lâu dài và lợi lạc.

Trừ phi vị thầy quá cục bộ lỗi thời mới không muốn đệ tử mình tiến bộ. Vì sợ ảnh huởng của trò làm thế đứng của mình giảm bớt.

Hạng thầy như thế ở thế gian này không phải không có...

 

* Duy Học (Sydney)

Từ khi tham dự mục "Ðối thoại thiền", tôi đã gặp một số bạn Phật tử tâm sự với tôi như sau:

- Khi chưa hiểu thiền, một số hành giả học trong kinh sách, nghe quí Thầy giảng để rõ đường tu, rồi lui tới bạn bè, chùa viện để xem mình tu tới đâu, đúng câu "học thầy không tày học bạn"

- Tu được đôi ba năm, việc học hỏi thưa dần, một số hành giả bắt đầu hướng vào trong để tịnh cái tâm lăn xăn, cũng là "phản quang tự kỷ"

- Một số hành giả say mê nghiên cứu kinh sách nhiều đến mức không còn lối ra, kẹt cứng trong sở tri, thiên về đúng, sai, hợp hay không hợp, toàn là kiến chấp!

- Một số bạn thiền gặp tôi chỉ cười, chào hỏi và nói lúc nào rảnh mời lại chơi uống trà!

Thưa quí bạn, 4 loại hành giả trên là tâm thức chung của chúng ta, hoặc chưa tỏ ngộ lý thiền hoặc tỏ ngộ mà chưa sống với nó, hoặc mới sống một phần vẫn còn kiến chấp! Mục "Ðối thoại Thiền" là một phương thức trao đổi tâm thức, có thể hợp với một số hành giả, có thể không, tùy căn cơ. Nếu định đuợc hay sống trong định thì đâu cần bàn, đâu cần kiến giải vô ích! Tuy nhiên "Ðối thoại thiền" lại có một tác dụng cần thiết cho những hành giả tự tu thiền không thầy hướng dẫn và muốn học hạnh của một số thiền sư mà Giai Không đã giới thiệu trong mục này.

Mỗi hành giả đều theo một pháp tu hợp với căn cơ của mình, cứ giữ tín tâm bất thoái và tinh tấn nhẫn nhục, nhất định mình cũng có phần.

Sau đây, Duy Học xin góp ý về "Ba loại đệ tử" như:

1- Ba loại đệ tử của Gettan và Gasan chính là ba loại tâm thức của chúng ta.

a/ khi tâm mới lóe sáng, một số hành giả đã vội mang kiến thức thiền đi truyền cho người khác, đó là bệnh cố chấp (chấp ngã)

b/ một ngôi chùa dù to hay nhỏ cũng chỉ là một phuơng tiện để tu, chưa phải cứu cánh nếu việc duy trì ngôi chùa cho là thiết yếu hơn cả và khư khư ôm ấp cho mình cũng là một bệnh cố chấp (chấp ngã và pháp).

c/ một số hành giả ham đãy gạo, móc áo tượng trưng cho tâm thức chung của chúng ta, chẳng nên chê bai, phân biệt mà nên phát tâm từ dẫn đát nhau cùng tu để cùng giải thoát.

2- Hạnh của thiền sư Tekisui chính là con đường quyết tâm xả mọi cố chấp, chỉ có ai thực tâm xả mới có đủ can đảm làm vậy.

3- Hạng đệ tử túi gạo, móc áo không ai khác là tâm thức chúng ta khi chưa được khai sáng.

4- Vị thầy nghiêm khắc la mắng đánh đập tượng trưng cho tâm định đến lúc chín muồi loại hẳn được các loại phiền não và vi tế phiền não.

5- Trò và thầy cũng biểu trưng cho 2 loại tâm thức, một tối, một sáng, nhưng chưa giác hoàn toàn nếu giác hoàn toàn thì không còn đối đãi tối sáng, khi đạt chỉ còn một bản tâm vô ngại, đạt thì tự biết không có ngôn từ nào diễn tả hết, cũng như Ngài Ca Diếp mĩm cuời khi nhìn đức Phật giơ cành hoa sen vậy. 

 

* Quốc Vinh (Vic)

1/ Ba loại đệ tử nghe không ổn một chút nào cả. Ở đời làm gì có chuyện đó! Ðệ tử theo thầy học đạo, trọng thầy làm thầy, tức những người chưa trưởng thành, còn non kém mọi mặt họ mới cần thầy dạy dỗ. Những người ra làm việc phục vụ trong các vai trò dạy thiền, trụ trì tự viện hay kẻ thụ động không làm việc, không đóng góp gì cả. Ðó là những người đã trưởng thành, họ đâu còn trong vòng kiểm soát của thầy như lúc mới sơ cơ học đạo. Như vậy, không thể có so sánh và còn không thể gọi họ là ba loại đệ tử được.

2/ Nếu bảo Tekisui nghiêm khắc quá đến nỗi các đệ tử từ bỏ thầy đi nơi khác hết cũng không đúng. Vì ít ra trong số cũng còn một người – Gasan, vẫn tiếp tục thọ giáo và đạt được thành công dưới sự dẫn dắt của thầy. Ðiều đó chưa hẳn là Gasan đã trung thành với thầy mà biết đâu còn nhiều yếu tố khác khiến cho đương sự không thể rời bỏ thiền viện như những người huynh đệ khác.

3/ Ðó chỉ là cách nói khéo và khá ví von của Gettan đấy thôi. Thiền theo đúng thanh quy tổ Bách Trượng đề ra: nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực ( một ngày không làm là một ngày không ăn). Chủ trưong này chung cho thiền viện, từ vị thiền chủ đến các thiền sinh. Thử hỏi trong chùa còn có phần tử "ẩn dương nương Bụt" được chăng? Như thế không thể so sánh với ví dụ của Gasan được.

4/ "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh", đệ tử hẳn ảnh hưởng mạnh tới cung cách và đạo hạnh của bậc thầy. Nể trọng thầy là bậc sư phụ, nhưng không phục cách xử sự với đệ tử theo kiểu ấy. Nếu cần, phải bày tỏ bằng thái độ cho thầy biết để dần dần về sau thầy chùn bước nhẹ tay hơn không đối xử như trước kia nữa.

5/ Hẳn là thế! Nhưng nếu trò vin nơi kiến thức kinh nghiệm vênh váo xem nhẹ coi thường thầy thì tông môn xuống dốc cách thậm tệ bị ảnh hưởng xấu vô cùng tệ hại. Như vậy, trò hơn thầy có làm chướng ngại cho tông môn và làm ngăn cản phát triển đạo pháp không? Vấn đề còn tùy nơi đạo hạnh của một người, cho dù người đó là đệ tử, cũng phải đầy đủ cung cách như một nhà mô phạm mới đủ tư cách giữ vững mối giềng của tông môn và đạo pháp.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý

1) Ðứng về mặt tục đế (thế tục) mà nói thì quả có ba hạng đệ tử như thế, cho dù họ đã khác tục và bước vào nơi không môn, nhưng tâm trần còn nhiễm nên vẫn cứ phải tu sửa liên tục mới có thể khá hơn và dần dần đi vào nề nếp. Ðứng về mặt chân đế đó là 3 giai đoạn trên tiến trình tu tập: đầu, giữa và cuối. Hạng đệ tử thứ ba của Gettan so với hạng thứ nhất của Gasan là những người sơ tâm, mới nhập môn chưa dồi dào kinh nghiệm tu tiến. Thành phần đệ tử thứ hai của Gettan so với thứ ba của Gasan là giai đoạn giữa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp tịnh hóa thân tâm đạt tới giải thoát. Hạng thứ ba của Gettan so với hạng thứ hai của Gasan là giai đoạn cuối trong việc tu tập. Bao nhiêu nghiệp chướng đổ dồn vào thời điểm sau rốt này để thử thách người tu có chân chánh hay không.

2) "Thuốc đắng đả tật" là câu tục ngữ quen thuộc trên đầu môi của mọi người, có nghĩa muốn trị dứt bệnh phải chịu khó uống thuốc đắng khó nuốt. Thế thì việc dạy đạo nghiêm khắc của một thiền sư có gì là đáng phàn nàn? Có điều là việc giáo dục của thầy có họp nhân duyên cho hàng đệ tử lãnh hội được hết tôn ý không? Nếu là một bậc thầy có tầm vóc ta nên bái phục sát đất, cho dù có bị nhiều trận đòn chí tử vẫn hoan hỷ chấp nhận sự dạy dỗ bảo ban khuyến tấn. Có nhiều lúc đệ tử còn thèm muốn được nghe những lời quở trách, thích đón nhận những cú tát nẩy lửa để cho mình nên thân từ đó. Gasan là một đệ tử trung thành với thầy, nếu có thể tạm gọi thế.

3) "Có thực mới vực được đạo" hẳn chủ trương này hợp với hạng đệ tử túi cơm và giá áo chăng? Có điều là bốn ân mà người xuất gia phải lo đền trả suốt đời chưa xong thì tại sao còn có hạng người bất hảo như thế nương náu cửa chùa? "Con sâu làm rầu nồi canh", chắc chắn trong giới thiền gia không loại khỏi được hạng giá áo túi cơm mà thời nào cũng có. Hay đó cũng chính là tên tham lam đang chờ sẵn trong mọi người? Nếu không cẩn thận khéo léo, ta chính là tên đạo tặc đang rình rập trong thánh địa già lam! Ở đây không có việc so sánh.

4) Sao không đặt hẳn vấn đề: tại sao thầy la mắng, quở phạt và đánh đập? Nếu giải đáp được thỏa đáng vấn đề nêu ra là đã phần nào giúp ta hiểu được tâm cảnh của vị thầy. Ðã làm thầy hẳn muốn cho đệ tử nên người. Nếu phải ra tay cũng chỉ là vạn bất đắc dĩ. Ta không sợ những cú đánh như trời giáng, cũng như không hề nao núng truớc cơn thịnh nộ rùng rợn như muốn ăn tươi nuốt sống đệ tử của thầy mà chỉ sợ mình ươn hèn, hư đốn không đủ trí khôn đón nhận được những chiêu pháp tuyệt luân ấy để cải hóa thân tâm mà thôi.

5) Ðừng sợ tài đức mình không được nhiều người biết đến. Người thực sự có tài đức như hoa thơm quí ai lại không ưa thích lấy dùng. Thế thì luận hơn hay kém ở trường hợp này để làm gì?

 

 

BÀI THAM KHẢO

HOW GRASS AND TREES BECOME ENLIGHTENED

 

During the Kamakura period, Shinkan studied Tendai six years and then studied Zen seven years; then he went to China and contemplated Zen for thirteen years more.

When he returned to Japan many desired to interview him and asked obscure questions. But when Shinkan received visitors, which was infrequently, he seldom answered their questions.

One day a fifty-year-old student of enlightenment said to Shinkan: "I have studied the Tendai school of thought since I was a little boy, but one thing in it I can not understand. Tendai claims that even the grass and trees will become enlightened. To me this seems very strange".

"Of what use is it to discuss how grass and trees become enlightened?" asked Shinkan. "The question is how you yoursself can become so. Did you ever consider that?"

"I never thought of it in that way" marvelled the old man.

"Then go home and think it over" finished Shinkan.

 

Dịch nghĩa:

Làm thế nào cỏ cây giác ngộ? 

Vào thời kỳ Kamakura (Kiêm Thương: tk 13) Shinkan học phái Thiên Thai 6 năm; sau học thiền 7 năm, và rồi sang Trung Quốc nghiên cứu thiền hơn 13 năm nữa.

Khi trở về Nhật, nhiều người muốn viếng thăm và hỏi sư nhiều câu hóc búa. Nhưng khi tiếp khách thường Shinkan hiếm khi trả lời những câu hỏi của khách. Một hôm có một thiền sinh 50 tuổi đạo tới hỏi Shinkan: "tôi đã học tông Thiên Thai từ nhỏ, nhưng có một điều tôi không hiểu nổi, Thiên Thai dạy rằng ngay cả cỏ cây cũng có thể thành Phật. Ðối với tôi, điều này dường như quá lạ lùng!"

Bàn cải làm thế nào cây cỏ giác ngộ có ích chi đâu. Shinkan nói: vấn đề là làm thế nào ông được giác ngộ. Ông có xét thấy điều này không? Thiền sinh lớn tuổi đáp:

-   Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này cả!

  Shinkan kết thúc:

-   Rồi, hãy về suy nghĩ kỹ xem!

 

Câu hỏi gợi ý

1)     Câu hỏi được nêu ra mà cố lờ không trả lời, có phải là điều bất lịch sự?

2)     Cố né tránh không trả lời những vấn đề khó, phải chăng Shinkan chưa thâm nhập Phật pháp?

3)     Shinkan có giúp khai ngộ chỗ bế tắc cho thiền sinh lớn tuổi kia không? Tại sao?

4)     Tại sao Shinkan không đáp ngay câu hỏi: làm thế nào cây cỏ giác ngộ? Lại vặn hỏi lại: làm thế nào ông được giác ngộ? Có tác dụng gì với người hỏi?

5)     Loài hữu tình có tri giác thì có thể giác ngộ thành Phật được; còn loài vô tình như cây cỏ không có tri giác làm sao có thể giác ngộ được?

 

1) Câu hỏi được nêu ra mà cố lờ không trả lời, có phải là điều bất lịch sự?

–Vấn đề còn tùy vào tri thức mỗi người. Cũng không hẳn phải trả lời câu hỏi nêu ra mới là lịch sự, còn không trả lời là điều khiếm nhã đáng chê trách. Ở đời có muôn mặt, có nhiều khi không mất công trả lời trực tiếp câu hỏi biết đâu đó chẳng là điều hay !

2)  Cố né tránh không trả lời những vấn đề khó, phải chăng Shinkan chưa thâm nhập Phật pháp?

Né tránh không trả lời những vấn đề khó, có ba trường hợp xảy ra :

- Chưa hiểu rõ vấn đề một cách rốt ráo

- Có nhiều người hỏi cùng một lúc đối phương không thể đủ sức trả lời

- Có biết nhưng cần phải có thời gian tham khảo thêm để làm kế huởn binh.

3) Shinkan có giúp  khai ngộ chỗ bế tắc cho thiền sinh lớn tuổi kia không? Tại sao?

- Không giúp mà giúp, giúp cũng như không. Vì đối phương (người hỏi đạo) là một người đã thực hành Phật giáo lâu năm và có ít nhiều kinh nghiệm, chỉ cần châm thêm dầu vào đèn là lửa cháy. Shinkan chỉ đúng tim đăng (đèn) để cây đèn vốn đã có kia sáng tỏ.

4) Tại sao Shinkan không đáp ngay câu hỏi: Làm thế nào cây cỏ giác ngộ? Lại vặn hỏi lại làm thế nào ông được giác ngộ? Có tác dụng gì với người hỏi?

 Ðó là một cách khéo léo, gọi là phương tiện thiện xảo của người già dặn kinh nghiệm, để nhân đó quật lại đối phương trong lúc chưa chuẩn bị sẵn sàng ứng phó mà chỉ nghĩ một chiều – chiều thuận – như thói thường xưa nay người ta vẫn nghĩ. Ðiều này có hai tác dụng với người hỏi:

 ° Thứ nhất, phân vân lúng túng không sao chống đỡ kịp thời, như bị một cú đánh bất thần tá hỏa mặt mày, chỉ còn cách bưng mặt ngồi thúc thủ.

  ° Thứ hai, như một động lực khiêu khích làm đối phương bừng vỡ tâm cuồng ngông háo thắng, nếu có, để trực diện nhìn sâu vào thực tế cuộc sống cho tinh tường và đầy đủ hơn.

5) Loài hữu tình có tri giác thì có thể giác ngộ thành Phật được; còn loài vô tình như cây cỏ không có tri giác làm sao có thể giác ngộ được?

- Ðây là một nan đề lớn dưới cái nhìn thông tục xưa nay ai cũng nghĩ, nhìn như thế. Song vấn đề giác ngộ không đơn giản như ta tưởng mà phải quán chiếu vào chiều sâu của sự vật cho thật tinh tế để tìm một đáp án.

* Duy Học (Randwick – Sydney).

1/ Ông Thầy Shinkan không trả lời cho thiền sinh ngay vào câu hỏi đầu "Làm thế nào cỏ cây giác ngộ" vì muốn thiền sinh hướng tâm vào những điều thiết thực hơn, tỷ dụ việc mình làm gì ngay bây giờ để giải thoát, thay vì các sự kiện quá xa vời. Thế gian sống với hơn thua, phải trái, lịch sự hay không lịch sự, còn thiền sư thì không.

2/ Câu này tương tự như câu trên.

3/ Ông thầy Shinkan muốn khai ngộ thật sự cho thiền sinh bằng cách nhắc ông này về tu tập nhiều hơn nữa, chú tâm hơn nữa về việc trước mắt của mình hơn là phóng tâm ra ngoài .

4/ Tu thiền phải hướng vào trong, phấn đấu với chính mình vượt thắng phiền não để tâm sáng ra, đạt tới mức thanh tịnh, có thì giờ đâu mà tranh cải để mắc vào sở tri chướng. Cũng vì lý do đó mà Shinkan không đáp ngay câu hỏi của thiền sinh.

5/ Câu cuối này đưa hành giả vào chỗ kẹt, kẹt trong nhị nguyên, phải so sánh loài hữu tình và vô tình trong phạm trù giác ngộ.

Tu thiền phải quán. Quán cách nào cũng rõ các pháp không có tự ngã, không tự ngã mà vẫn là dụng của ÐẠO, của CHÂN TÂM, nên mới nói CHÂN TÂM DIỆU HỮU, VẠN THÙ QUY NHẤT BẢN.

Rõ vậy khỏi cần phải hý luận nữa!

 

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1) Dòng đời cứ mãi quay theo hai chiều thuận nghịch. Hễ cái gì thuận là được hầu hết mọi người biểu đồng tình tán đồng cổ võ, và ít có ai chịu nghĩ ngược lại và làm khác đi, để xét xem việc gì xảy ra như các hiện tượng trong thiên nhiên chẳng hạn; giông bão, sấm, chớp v.v...và dòng biến diệt con người sanh, già, bệnh, chết v.v...Và không còn thì giờ để tra vấn mọi thị phi đối đãi với nhau.

2) Tưởng trong đời chúng ta nên vài lần né tránh: không chấp nhận tà thuyết, không để bị lôi cuốn vào đường ma lối quỷ, cũng như không sẵn sàng nhận vật dâng biếu, và ngay cả mặc nhiên không đáp những vấn đề khúc mắc; Shinkan hành xử đúng theo chân tinh thần từ bi vô ngã của đạo Phật vậy.

3) Ngay như đức Phật còn tuyên bố: Ta không giúp các ngươi giác ngộ mà hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Như Lai cũng chỉ là đạo sư trên nguyên tắc. Nếu nói rằng Shinkan khai ngộ được cho thiền sinh lớn tuổi, đó cũng chỉ là lối nói gượng ép mà thôi. Vấn đề là người trực diện có mở lòng để đón nhận được tất cả những gì được trao truyền hay không?

4) Các vị thiền sư thường có những hành tung phi phàm khi nhìn vào đối tượng để rộng đường hóa độ tha nhân. Vì thế, các Ngài không ngần ngại gì mà không dùng những cú hét như trời long đất lỡ, những trận đòn chí tử giáng xuống người môn đệ, miễn sao làm bừng vỡ khối u mê nặng trĩu trong lòng, dù có phải bị thiệt thòi, phạm lỗi.

5) Bài Sám Quy Mạng, đoạn kết có những câu:

"Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng

Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí "

Hư không dù có chuyển di,

Nguyện con muôn kiếp chẳng hề lung lay

Nguyện cùng vạn pháp xưa nay,

Hoàn thành trí nghiệp vững cây Bồ Ðề

          (TS Nhất Hạnh dịch)

Hay trong lời phục nguyện cũng có câu này; tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo (nguyện cho loài hữu tình và loài vô tình đều thành Phật đạo).

Tình là chúng sanh có tâm thức như người, trời, loài vật; còn vô tình là loài vô tri như gỗ đá, cây cỏ. Nguyện cho loài hữu tình thành Phật là điều hợp lý, còn loài vô tình làm sao thành Phật?

H.T Thanh Từ giải đáp trong cuốn Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục tr 166 (do thiền viện Thường Chiếu VN ấn hành năm 96) như sau:

"Ðó là vấn đề nếu nghiên cứu trên lý thuyết thì thấy rắc rối, còn nếu có thực hành thì chẳng có gì rắc rối. Ví dụ người bị mờ mắt nhìn thấy cái gì cũng mờ mờ, người sáng mắt thì thấy cái gì cũng sáng rõ ràng. Cũng vậy, khi chúng ta mê thì nhìn thấy cái gì chung quanh đều mê. Khi ngộ chúng ta thấy người, vật đều ngộ, tức là loài hữu tình vô tình đều ở trong cái thấy giác ngộ của chúng ta.

Hoặc nói chúng ta giác ngộ thấy tất cả đều là Phật đạo, thấy người, thấy súc vật (hữu tình), thấy cây cỏ, thấy đá sỏi (vô tình) thấy tất cả đều là Phật đạo. Chớ không phải chúng ta tu thành Phật rồi cây cỏ, đá sỏi cũng thành Phật theo. Do mê nên thấy tất cả đều mê, do giác nên thấy tất cả đều giác; gọi là tề thành Phật đạo. Hiểu như thế mới thông suốt, bằng không thì thấy kẹt thấy rắc rối ".

 

BÀI THAM KHẢO

IN DREAMLAND 

"Our schoolmaster used to take a nap every afternoon" related a disciple of Soyen Shaku. " We children asked him why he did it and he told us: "I go to dreamland to meet the old sages just as Confucius did." When Confucius slept, he would dream of ancient sages and later tell his followers about them.

"It was extremely hot one day, so some of us took a nap. Our schoolmaster scolded us. "We went to dreamland to meet the ancient sages the same as Confucius did" We explained, What was the message from those sages? "  our schoolmaster demanded. One of us replied: "We went to dreamland and met the sages and asked them if our schoolmaster came there every afternoon, but they said they had never seen any such fellow. " 

 

Dịch nghĩa

Trong cõi mộng

Một đệ tử của Soyen Shaku kể lại:

Thầy dạy chúng tôi thường mỗi buổi trưa hay ngủ một giấc ngắn. Chúng tôi hay trẻ con hỏi ông, tại sao ông ngủ như vậy thì ông trả lời: "Ta đi vào cõi mộng để gặp những ông Thánh đời xưa như Khổng Tử vậy". Khi Khổng Tử ngủ ông mơ thấy các ông Thánh xưa và sau đó ông kể lại cho đệ tử của ông nghe!

Một hôm trời nóng nực cực độ, vài đứa chúng tôi ngủ trưa một chút. Thầy chúng tôi mắng. Chúng tôi giải thích: "Thưa thầy, chúng con vào cõi mộng để gặp các ông Thánh xưa như Khổng Tử vậy "

Thầy chúng tôi hỏi:

- Thế những ông Thánh đó nhắn gởi điều gì?

Một đứa chúng tôi trả lời :

- Chúng con đi vào cõi mộng có gặp mấy ông thánh và hỏi các ổng  Thầy chúng con có đến đây mỗi buổi trưa gặp các Ngài không?

Nhưng các ổng lắc đầu bảo rằng không bao giờ các ổng nhìn thấy một người nào hết!

 

CÂU HỎI GỢI Ý

1)     Thầy ngủ trưa không bị ai la rầy. Tại sao học trò ngủ trưa bị Thầy mắng?

2)      Hãy cho biết cậy thế hiếp cô, ỷ lớn hiếp bé có nhằm trong trường hợp này không?

3)     Lời nói đi gặp Thánh nhân trong mộng của Thầy và sự mạo hiểm của học trò có ăn khớp với nhau không? Thầy có lỗi gì và trò có lỗi không?

4)     Người không biết mà tự cho mình biết ấy chính là người ngu. Người biết tự nhận mình không biết đó mới thật là kẻ trí. Bạn hiểu thế nào về hai hạng người này ở đời?

5)     Câu tục ngữ Việt Nam nói rằng "vỏ quít dày có móng tay nhọn" có thể áp dụng cho trường hợp câu chuyện Thầy trò như trên không?

 

* Quốc Vinh (Vic)

1/ Thầy ngủ trưa không bị ai la rầy. Tại sao học trò ngủ trưa bị thầy mắng?

-Như chúng ta biết, sống ở đời có một số trường hợp bị cấm ngăn những việc mà người khác có thể làm được. Như bác sĩ cấm bệnh nhân không được uống rượu, cà phê, hút thuốc... Nội quy trường cấm người mới nhập môn vào đạo (ngày trước) không được đọc tiểu thuyết, báo chí, xem phim ảnh... luật lệ quy định trẻ vị thành niên không được xem phim người lớn, không được đọc các loại tạp chí như Playboy, không được tự do yêu đương v.v... Ðó chẳng qua là một số những quy định tối thiểu để duy trì đời sống lành mạnh tốt đẹp hơn.

2/ Hãy cho biết cậy thế hiếp cô, ỷ lớn hiếp bé có nhằm trong trường hợp này không?

- Người có quyền luôn luôn có sẵn thế lực, hể lúc cần thiên hạ không ngần ngại gì không đụng tới chúng. Muôn đời con người sống vẫn vậy. Kẻ ỷ địa vị , vai vế, tuổi tác... luôn luôn ở thế chủ động. Những người yếu kém hơn, lớp hậu học hay đàn em có cảm tưởng như là thành phần bị động. Do đó nảy sinh vấn đề bất công và bất bình đẳng trong đời sống mà từ cổ chí kim vẫn nhan nhãn hiệu hữu giữa xã hội loài người. Trường hợp ở đây không nằm trong hệ quả phổ thông được thua, lớn – bé đó mà nhằm giáo dục để rèn người, nhất là những người trẻ.

3/ Lời nói "đi gặp thánh nhân trong mộng" của thầy và sự mạo hiểm của học trò có ăn khắp với nhau không?

- Tục ngữ có câu "áo mặc không quá đầu". Nguyên nhân là do thầy mà hậu quả là học trò bắt chước theo. Nếu phải quy kết, chính thầy phải nhận lãnh mọi hậu quả do học trò mình làm. Vấn đề này không đơn giản để có thể so sánh được hai tâm niệm giữa thầy và trò.

4/ Người không biết mà tự cho mình biết ấy chính là người ngu. Người biết tự nhận mình không biết, đó mới thật là kẻ trí. Bạn hiểu thế nào về hai hạng người này ở đời?

- Luận về người ngu, kẻ trí cũng khó cho thật chính xác. Bởi vì, sống ở đời ai cũng tự cho mình hay mình giỏi cả. Cho nên tục ngữ có câu "chín người mười ý" là nghĩa ngớ ngẩn này. Ðời nào ta chịu bị lép vế, thua thiệt trong bất cứ trường hợp nào dù nhỏ hay lớn để cố tình phô trương "cái ta" cho ra vẽ oai phong lẫm liệt, hách một tí làm cho thiên hạ lé mắt...Thật ra, với người hiểu biết không cần thiết phải làm như vậy. Họ luôn luôn tìm tòi học hỏi, càng học càng thấy trí mình nhỏ nhoi trước sự cao rộng của thiên nhiên, vũ trụ đất trời.

5/ Câu tục ngữ "vỏ quít dày có móng tay nhọn" có thể áp dụng vào câu chuyện thầy trò này không?

-Tưởng cần nên hiểu rõ nghĩa đen và nghĩa bóng câu nói mới có thể đưa ra lời kết luận. Câu này nghĩa bóng nhằm châm chỉa những người mưu toan thâm độc hại người, sẽ nhận lãnh hậu quả vô cùng tai hại thảm khốc như qua câu nói "mưu thâm, họa diệc thâm". Nghĩa đen đã quá rõ: muốn bóc (lột) quả quít dày, ta không thể dùng tay hụt (không có móng nhọn sắc) mà có thể ăn được phần ruột bên trong. Ở đời nếu ai cũng hành xử như thế sẽ hỏng bét và xã hội trở nên bất an.

 

* Anh Hoằng Phi (Adelaide)

Chuyện "Trong cõi mộng" khá buồn cười, gợi cho ta nhiều điều đáng suy ngẫm. Ðiểm chính yếu, thiết nghĩ, phàm làm người là phải chân thật. Dù bất cứ ở tuổi tác, địa vị nào nên cố giữ cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Người không chân thật thường sớm muộn gì cũng lộ tẩy, lòi đuôi, chuốc họa vào thân. Nặng thì mất mạng, nhẹ thì bị tổn thương về vật chất hoặc tinh thần, bị châm biếm, khinh khi. Tôi chợt liên tưởng đến một câu chuyện trong sử ký, xin chép ra đây hầu quý vị gọi là... góp nhặt chút cát đá.

 

Hà Bá Lấy Vợ

Dân đất Nghiệp có tục cứ mỗi năm góp tiền mua một người con gái ném xuống sông để làm vợ cho Hà bá. Sự mê tín ấy đã có lâu ngày, không ai phá nổi.

Lúc ấy Tây Môn Báo đến làm quan ở đấy, ông thân hành đứng làm chủ lễ cưới cho Hà bá. Trước mặt đông đủ cả bô lão, hào trưởng, ông đồng bà cốt, ông cho gọi người con gái đến. Ông xem mặt xong, chê rằng "Người con gái này không được đẹp! Ta nhờ bọn ông đồng xuống nói với Hà bá xin hoãn lại hôm khác, để tìm người đẹp hơn. "Ông lập tức sai lính khiêng một ông đồng quăng xuống sông.

Một lúc, ông nói "Sao lâu thế!" Rồi ông bảo đám bà cốt xuống nói. Lập tức sai lính bắt một bà cốt ném xuống sông.

Một lúc sau ông nói: "Sao chẳng thấy tin tức gì cả ! Chừng lũ đồng cốt xuống nói không nên lời. Dám phiền các cụ bô lão đi giúp cho." Lại lập tức sai lính lôi một cụ vứt xuống sông.

Ðợi một lúc, ông nói: "Sao mãi không thấy về thế này! Bọn đồng cốt, bô lão dễ đi cũng chả được việc. Phải nhờ đến bậc trưởng hào mới xong."Lúc bấy giờ bao nhiêu người đều xám xanh mặt lại, van lạy xin thôi. Tây Môn Báo nói "Ðể thong thả ta xem đã ..." Mọi người run như cầy sấy. Một chốc ông mới bảo: "Thôi tha cho. Thế là Hà bá không lấy vợ nữa rồi"

Thành thử từ đây dân đất Nghiệp chẳng ai dám nhắc đến chuyện Hà bá lấy vợ nữa.

 

Chú thích:

Nghiệp: tên một huyện đời nhà Hán, tức là huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam bây giờ. Tây Môn Báo: người nước Ngụy thời Chiến Quốc, làm quan rất giỏi, trừ được hại, hưng được lợi cho dân.

Hào trưởng: kẻ có quyền thế, làm bậc trên trong dân làng.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý

1/ Có vị thiền sư nói rằng khi chưa tu thiền thì thấy sông là sông, núi là núi. Lúc thật sự dấn thân vào đường tu tập rồi hẳn thấy sông không phải là sông, núi không phải là núi. Và sau một thời gian tu tập lại thấy sông vẫn là sông, núi vẫn là núi v.v...Tâm con người trong mỗi giai đoạn cuộc đời khác nhau rất nhiều. Không thể sánh ví cái lão luyện của thầy với cái non yếu của trò để được xem là ngang hàng, đồng bậc.

2/ Không nhằm mà nhằm, nhằm mà không nhằm. Thầy không muốn dựa thế lực ai cả mà thầy chỉ muốn được là thầy. Thế lực có chăng là do sức mạnh nội tại, do công phu rèn luyện học tập, kinh nghiệm mà có. Thầy xem học trò như con, em mình thì không có việc ỷ lớn hiếp bé, cậy thế lấn cô được. Thầy hướng dẫn dạy dỗ, là muốn cho học trò nên người hữu ích cho xã hội, cho đạo pháp mai sau. Không có ông thầy nào lại có tâm muốn làm hại trò bao giờ, cho dù là một việc nhỏ. Vì đó là điều trái hẳn với thiên chức nhà mô phạm, của một thiền sư thấu hiểu Phật lý.

3/ Hễ đã gọi mộng là không thực rồi. Làm thế nào để gặp được thánh nhân trong hoàn cảnh mà tâm không tỉnh thức, không có được sự kiểm soát như thế. Thầy có tài gì để làm sống dậy những vị Thánh thời xưa? Như vậy trò lại càng vô phương không đủ sức hay tầm cở cộng thông được với cõi giới vô hình. Cả thầy và trò đều phạm lỗi lộng ngôn xa rời thực tế, chúng ta khó có thể chấp nhận được trong thời đại khoa học ngày nay.  

4/ Ðể làm sáng tỏ vấn đề. Ở đây xin dẫn câu chuyện qua cuộc đối thoại của thầy Na Tiên Tỳ kheo và vua Di Lan Ðà về cuộc đối thoại của bậc vương giả và hiền giả sau đây:

Vua hỏi:

- Bạch Ðại đức, trẫm muốn hầu chuyện với Ðại đức về những điểm khó hiểu trong kinh điển và về đạo lý nói chung, chẳng hay tôn ý có hoan hỷ doãn nặc cho chăng?

- Tâu Ðại vương, nếu Ðại vương đứng trên tư thế của một hiền giả mà nói chuyện thì bần tăng xin vui lòng đối đáp – Còn nếu Ðại vương đứng trên tư thế của một vương giả mà nói chuyện thời bần tăng sẽ không có gì để đối đáp lại hết. (Ý nói: không thể có đối thoại trong điều kiện như thế)

- Ðứng trên tư thế của một hiền giả mà nói chuyện là thế nào?

- Tâu Ðại vương, hiền giả trong khi nói chuyện vừa tự dò xét lấy mình lại vừa soi sáng cho kẻ đối thoại một cách nhiệt thành. Trong câu chuyện, dù đối phương viện dẫn những lý lẽ hoặc đúng hoặc không đúng, hoặc cao hoặc thấp, hiền giả vẫn không bao giờ  móng tâm buồn giận bứt rức, không hề lấy việc thắng bại làm điều, và tự biết rằng trong đó ai cao trổi hơn, ai có trí tuệ nhiều hơn. Nếu gặp phải một đối phương quắc thước già dặn và có tài hùng biện, hiền giả cũng không vì thế mà tìm đường cản ngăn hay áp đảo bằng cách đuổi kẻ kia ra khỏi chỗ ngồi hoặc dùng xảo thuật luận lý mở trói trói mở để thủ thắng cho kỳ được. Tâu Ðại vương, đó là cách nói chuyện của hiền giả.

- Còn đứng trên tư thế của một vương giả mà nói chuyện là thế nào?

- Tâu Ðại vương, vương giả trong khi nói chuyện thì thường hay dùng quyền thế mà áp đảo kẻ đối thoại, buộc kẻ kia phải chấp nhận quan điểm một chiều của mình. Nếu kẻ kia bất tuân, dám phát biểu ý kiến đối nghịch, thì các ngài chẳng ngại ngùng gì mà chẳng giáng chỉ bắt tội và hành phạt để nêu cao uy quyền riêng của mình, bất chấp cả lẽ phải và công bằng tối thiểu đối với người. Quyền uy mà các ngài hằng ngày thường xử dụng, tiêm nhiễm lâu năm thành thói quen, khiến các ngài chỉ muốn lấn lướt kẻ khác và không chịu để ai lấn lướt mình trong bất cứ trường hơp nào. Các ngài luôn luôn bị ám ảnh bởi lòng tự cao tự đại gắn liền với uy quyền, nên chẳng nhận ra sự hơn kém trong lý lẽ viện dẫn của mỗi bên để làm sáng tỏ nội dung câu chuyện đang thảo luận. Chính cái thái độ trịch trượng, một chiều, điên rồ và nguy hiểm ấy đã là nguyên nhân bít lối đối thoại giữa đôi bên, chặt cầu cảm thông giữa đôi bờ. Tâu Ðại vương đó là cách nói chuyện của vương giả. (Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, tr.34-36, Cao Hữu Ðính, Minh Ðức xb,1971) 

5/ Sao không nghĩ thêm câu "cao nhân tắc hữu cao nhân trị". Và cứ như vậy, đời sống là một trường đấu tranh liên tục không ngừng. Ta chỉ mong được là mình mà không muốn hơn kẻ khác. Vì người cao còn có kẻ cao hơn nữa ngự trị, khống chế. Phải chăng đây là trò đời muôn mặt mà mỗi người phải đóng vai đào, kép, luôn thay bậc đổi ngôi như thay quần áo. Không, câu tục ngữ không thích hợp với câu chuyện nói trên.

BÀI THAM KHẢO

NOTHING EXISTS 

Yamaoka Tesshu as a young student of Zen, visited one master after another. He called upon Dokuon of Shokoku.

Desiring to show his attainment, he said: "The mind, Buddha, and sentient beings, after all, do not exist. The true nature of phenomena is emptiness. There is no realization, no delusion, no sage, no mediocrity. There is no giving and nothing to be received".

Dokuon who was smoking quietly, said nothing. Suddenly he whacked Yamaoka with his bamboo pipe. This made the young quite angry. "If nothing exist", inquired Dokuon, "Where did this anger come from?" 

Dịch nghĩa:

Không có gì hiện hữu 

Yamaoka Tesshu lúc nhỏ học thiền, đi viếng hết thầy này tới thầy khác. Yamaoka đến viếng Dokuon ở Shokoku. Muốn chứng tỏ sở đắc của mình, Yamaoka nói: "Tâm, Phật và chúng sinh rốt ráo chẳng có. Bản tánh chân thật của mọi hiện tượng là rỗng không. Không có cái có, không huyễn tượng, không có thánh, không có phàm. Không có cho và không có gì để thọ nhận.

Dokuon ngồi yên hút thuốc không nói gì. Bỗng nhiên đập Yamaoka một điếu tre làm chàng thanh niên này giận dữ. Dokuon hỏi" Nếu không có gì hiện hữu, thế cái giận của anh từ đâu đến?"

 

Câu hỏi gợi ý

1/ Hãy cho biết bốn câu kệ của Kinh Kim Cang. Làm thế nào ngộ được đó là giải thoát.

2/ Nếu cho rằng tất cả đều không, thì chúng ta sống đây chẳng hoá ra vô bổ lắm sao?

3/ Chủ trương không Phật, không tâm, không chúng sanh thì ai tu, ai đắc?

4/ Giải thích bốn câu kệ sau:

Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn, bào ảnh

Như lộ, diệc như điển

Ứng tác như thị quán.

Và có liên hệ gì với câu chuyện trên không?

5/ Nếu bạn đóng vai trò Yamaoka bị Dokuon vặn hỏi, bạn trả lời ra sao?

 

* Duy Học (Randwick)

1/ Hãy cho biết bốn câu kệ của kinh Kim Cang. Làm thế nào ngộ được đó là giải thoát?

- Ðã học qua kinh Kim Cang tất nhiên rõ 4 câu kệ quan trọng, đó là: 

Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn, bào ảnh

Như lộ, diệc như điển

Ưng tác như thị quán

Tạm dịch: các pháp hữu vi nên dược quán như ảo mộng, như bọt bóng, như sương, cũng như điện. Ý nói mọi vật, sự vật đều giả không thật và vô thường, vậy ta đừng chấp vào tướng để kẹt trong sinh tử luân hồi. Tuy nhiên rõ như vậy cũng là một sự đáng khích lệ trong sự tu hành.

Rõ các pháp hữu vi là vô thường, duyên hợp tiến tới bỏ tham, sân, si. Ðó mới chỉ là bước đầu khi vào thiền. Nếu nói ngộ thì đúng phần nào, còn giải thoát hoàn toàn thì chưa!

2/ Nếu cho rằng tất cả đều không, thì chúng ta sống đây chẳng hóa ra vô bổ lắm sao?

Tất cả đều không, nên hiểu là không thật có, là không có tự ngã, là duyên hợp, duyên đủ thì có, duyên tan thì mất. Ðối đãi thì nghĩ vậy. Tuy nhiên  khi quán chiếu để thấy được 6 căn, 6 trần, 6 thức đều không thực thể, hành giả đã tiến một bước đáng kể. Không mắc kẹt vào hình tướng là không còn tham, sân, không sợ sệt, sống ung dung tự tại. Ðược vậy cuộc sống tuy chưa giải thoát hoàn toàn, nhưng hành giả đã nếm được an lạc, rõ mình có cái vô sanh, sống vô cầu, vô ngại vô tác, thảnh thơi, tự biết đủ. Từ lúc thấy tánh (tánh giác) đến lúc tự do hoàn toàn, tức giải thoát, còn phải công phu nhiều tự giác còn phải giác tha và giác hạnh viên mãn mới trọn vẹn.

3/ Chủ trương không Phật, không tâm, không chúng sanh thì ai tu, ai đắc?

- Câu này khá giống câu trên, Phật, tâm, chúng sanh đều là đối đãi, không chủ tể, không tự ngã. Hễ tu phải từ tướng vào tánh, từ hữu vi tiến vào vô vi, cũng như từ hư vọng vào chân thật. Hãy lấy một thí dụ: từ nước mới có sóng, có mây, có sương, có đá. Sóng, mây , sương, đá là nước. Có nước mới có sóng, vậy sóng là dụng của nước, cũng như phiền não là do TÂM khởi dụng. Thật ra chỉ là một, từ một gốc sinh ra cành, lá, hoa quả. Nếu có cái nhìn không phân tách, không phân biệt, thì vạn thù quy nhất bản, tức chơn tâm diệu hữu vậy. Chúng sanh và Phật là một, mê thì có hai, giác chỉ là một, còn gì phải bàn cãi nữa.

4/ Giải thích 4 câu kệ sau:

Nhứt thiết hữu vi pháp,

Như mộng huyễn, bào, ảnh,

Như lộ diệc như điển,

Ưng tác như thị quán.

Và có liên hệ gì với câu chuyện trên không?

-Hành thiền ai cũng nghiền ngẫm, quán theo 4 câu trên để bỏ chấp tướng, bỏ chấp ngã lẫn chấp pháp và trở về bản tâm của mình. Ðó là bước đầu vào Thiền tông, tuy nhiên, nếu bỏ phần thô, còn phần tế chừng nào sạch hết cả Kiến hoặc lẫn Tư hoặc tâm mới bừng  sáng trọn vẹn được. Câu chuyện trên cũng chẳng khác 4 câu kệ trong kinh Kim Cang.

5/ Nếu bạn đóng vai trò Yamaoka bị Dokuon vặn hỏi, bạn trả lời sao?

- Trong thiền, còn hỏi, còn đáp là còn đối đãi, còn chấp tướng, Tuy vậy do cái thấy của thiền sinh, thiền sư nhận ra học trò mình tiến tới đâu rồi. Thấy thật tướng của mọi pháp là hư giả, không thực thể, không tướng, mới được nửa đường, cũng như thấy TÁNH nhưng vọng nghiệp còn dày, THAM, SÂN  còn quá nặng,vẫn còn phải phá trừ cho hết mê vọng. Hành giả như Yamaoka còn phải tinh tấn, nhẫn nhục rồi tiến tới vô cầu, vô tác và hằng sống đủ với Tánh giác của mình. Dù có phải đòn, phải đánh cũng nhẫn nhục, đã vô ngã còn sợ gì nữa!

 

* Quốc Vinh (Vic.)

1/ Hãy cho biêt bốn câu kệ của kinh Kim Cang. Làm thế nào ngộ được đó là giải thoát?

-Bốn câu kệ vô cùng quan trọng của kinh Kim Cang là:

Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn bào ảnh

Như lộ, diệc như điển

Ưng tác như thị quán

Chỉ khi nào hành giả thực hành thấu tỏ các phảp hữu vi hay pháp sanh diệt như mộng, như ảo ảnh, như bọt bóng, như sương móc, như lằn chớp... thì lúc ấy mới không bị vướng vào vòng sắc tướng. Ấy là giải thoát vậy.

2/ Nếu cho rằng tất cả đều không, thì chúng ta sống đây chẳng hóa ra vô bổ lắm sao?

- Hẳn cái "Không" nói đây không như cái không mọi người hiểu – có mà không – Vì có đó rồi mất đó, tan biến ngay; không mà có, nên chúng sanh mãi bám riết theo đuổi tìm cầu không chán không có nghỉ ngơi, tuy có lúc cũng mỏi mệt chán chường! Nhưng đã lỡ lao theo nên phải ráng chịu đựng mãi rồi cũng quen đi và bị cuốn hút vào dòng biến diệt có -không, còn-mất. Ðã có mấy ai chịu hiểu không đúng nghĩa!

3/ Chủ trương không Phật, không tâm, không chúng sanh thì ai tu, ai đắc?

- Còn bám trụ vào một cảnh duyên là còn vướng mắc vào sắc tướng không tu giải thoát được; chủ trương tam không: Phật – Tâm – Chúng sanh không là không còn một mảy mún dấy khởi về ngã chấp và pháp chấp nữa. Ðó là vấn đề quan trọng phá trừ bệnh ngã chấp và pháp chấp. Câu nghi vấn này không thành, nếu chúng ta thật sự muốn dốc lòng tu tập tìm cầu giải thoát.

4/ Giải thích bốn câu bài kệ:

Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào ảnh

Như lộ diệc như điển

Ưng tác như thị quán

Dịch:

Hết thảy các pháp hữu vi

Như điện, như chớp khác gì chiêm bao

Như sương như bọt lao xao

Quán sát như thế đưa vào cảnh chơn

Nên hiểu, hết thảy mọi pháp không thật, thì câu chuyện trên là một đề tài thật cụ thể cho việc quán chiếu mọi hiện tượng từ tâm giới tới vật giới đều là không.

5/ Nếu đóng vai trò Yamaoka bị Dokuon vặn hỏi, bạn trả lời sao?

Ðây là một cuộc thử sức giữa thiền sinh (Yamaoka) và một thiền sinh (Dokuon). Nếu không có lửa làm sao có khói. Ðầu đuôi của câu chuyện là do thiền sinh chưa lượng định được mức tu tập của mình, lại muốn múa rìu qua mắt thợ nên bị vặn hỏi cũng là chuyện thường tình.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý

1/ Các pháp hữu vi là pháp sanh diệt, mang hình danh sắc tưóng hẳn bị biến thái như giấc mộng trong chiêm bao, như bọt nổi sóng dồi, như sương mai đầu ngọn cỏ, như lằn điện chớp loé sáng xẹt ngang trên bầu trời. Suy niệm, học hỏi, thực hành các pháp không thật bằng sức quán chiếu mọi hiện tượng trong vũ trụ đều không; không bị vướng mắc bởi hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị giác, tiếp chạm, các pháp (sáu trần) thì được giải thoát.

2/ Chúng ta hãy bình tâm suy xét Tánh không của ngài Long Thọ trong pháp phủ định biện chứng qua tám cái KHÔNG  hay cũng gọi là tám cái phủ định:

1-Không sinh    2-Không diệt

3-Không thường    4-Không đoạn

5-Không giống      6-Không khác

7-Không đến     8-Không đi

Ở đây phủ định tất cả mọi sắc thái đặc thù của hiện hữu, hễ cái gì bám vào hữu, vô, sanh, diệt, thường, đoạn, đồng, dị, khứ, lai đều là sai lầm; nói cách khác những hiện hữu nào sinh khởi từ chúng cũng đều là sai lầm. Ðặc điểm của pháp phủ định biện chứng này là phủ định liên tiếp, phủ định luôn cả cái được phủ định. Ðây là điểm cốt lõi mà nếu người không thực sự nếm được pháp vị cho rằng "không ngơ" là một lối chấp vô cùng tai hại.

3/ Khi chưa phải là cha mẹ thì không được nói và làm như cha mẹ; cũng như lúc chưa phải là thầy không nên giữ vai trò bậc thầy. Chủ trương không Phật, không tâm, không chúng sanh đối với kẻ sơ cơ như Yamaoka cũng chẳng khác gì trẻ con muốn làm cha mẹ, học trò muốn đóng vai thầy, hẳn bị rơi vào trong mê lộ ngút ngàn không đời nào ra khỏi!

4/ Dưới con mắt phàm chúng ta, cái thấy, biết không chính xác mà nhiều lúc rơi vào chỗ sai lầm nghiêm trọng. Do đó Phật dạy phải dùng trí tuệ bát nhã để thấy mọi pháp đều là tướng duyên hợp không có tự tánh, chỉ có giả danh. Vì chỉ có giả danh nên không một pháp nào thật. Phật dạy điểm tinh yếu nầy qua bài kệ:

Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ, diệc như điển

Ưng tác như thị quán.

Thể tánh các pháp là không thật mà chỉ cógiả danh. Vì giả danh nên không thật có, cũng không thật không: không kẹt hai bên là trung đạo của đạo Phật. Như kẹt một bên hoặc có, hoặc không đều là chưa giải thoát. Như vậy hiểu đúng tinh thần bài kệ kinh Kim Cang dưới con mắt trí tuệ bát nhã  là trung dạo – không phải chấp không – hành giả dùng trí tuệ thấy các pháp tự tánh không, do duyên giả hợp có, để hàng phục tâm và rồi an trụ tâm. Ðó là cách tu quán các pháp để đạt được giải thoát.

5/ Con chim con chưa đủ lông đủ cánh không thể tách rời khỏi sự nâng đỡ của chim mẹ được, một người học đạo chưa đủ sức dày dạn với tháng năm, không thể tự ý hạ sơn hành đạo một mình. Dokuon chất vấn Yamaoka hay đó chính là do tâm lượng từ bi của một người thầy muốn truyền trao cho người môn đệ thanh kiếm báu vạn năng để phòng lúc hữu sự trên đường hành đạo. Việc đó còn tùy thái độ và sự quán chiếu của mỗi chúng ta.

 
BÀI THAM KHẢO

THE STONE MIND

Hogen, a Chinese Zen Teacher, lived alone in a small temple in the country. One day four travelling monks appeared and asked if they might make a fire in his yard to warm themselves.

While they were building the fire, Hogen heard them arguing about subjectivity and objectivitỵ. He joined them and said: "There is a big stone. Do you consider it to be inside or outside your mind?"

One of the monks replied: "From the Buddhist viewpoint everything is an objectification of mind, so I would say that the stone is inside my mind."

"Your head must feel very heavy", observed Hogen, " If you are carrying around a stone like that in your mind."

Dịch nghĩa:

Cái tâm đá 

Hogen, một thiền sư Trung Hoa sống ẩn dật nơi một ngôi chùa nhỏ ở miền quê. Một hôm bốn nhà sư du hành xuất hiện ban đêm và xin phép đốt lửa trong vườn Hogen để sưởi ấm.

Trong khi đang nhóm lửa, bất chợt Hogen nghe họ bàn nhau về chủ thể và khách thể, Hogen nhập cuộc và hỏi:

"Có một hòn đá lớn. Chư sơn xem nó ở ngoài hay ở trong tâm quý vị

Một khách tăng đáp:

"Theo quan điểm của đạo Phật, mọi vật đều là đối thể của tâm. Vì thế, tôi cho rằng hòn đá ở trong tâm tôi"

Hogen quan sát:

"Chắc cái đầu của thầy phải cảm thấy nặng nề lắm! Nếu thầy đang mang một hòn đá như thế trong tâm". 

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Thử so sánh cảnh sống ẩn dật và bon chen của một tăng sĩ ở miền quê và thành thị khác và giống nhau ra sao?

2/ Tại sao ví cái tâm đá cho thêm phiền phức nặng nề?

3/Thế nào là chủ thể? Và đối tượng?

4/ Bạn nghĩ sao theo quan điểm đạo Phật: mọi vật đều là đối tượng của tâm?

5/ Câu nói của Hogen như thế có giúp mở khai cho vị khách tăng kia không? 

* Duy Học (Sydney)

1/ Thử so sánh cảnh sống ẩn dật và bon chen của một Tăng sĩ ở miền quê và thành thị khác và giống nhau ra sao?

- Một Tăng sĩ sống ở miền quê gần nông dân, có đời sống bình lặng, bên cạnh ruộng đất, hồ ao, làng xóm, tất nhiên thuận lợi cho việc tu hành. Tuy nhiên cảnh vắng chỉ có tác dụng bên ngoài, còn bên trong tâm vẫn còn bị quấy động bởi tập khí, phiền não vi tế nổi lên, nhớ người nhớ cảnh thì vẫn khó giải thoát.

- Một Tăng sĩ sống ở thành thị nơi bon chen, ồn ào, dĩ nhiên ảnh hưởng tới việc nhiếp tâm. Tuy vậy nếu hành giả kiên trì sống trong chánh niệm, nhiếp tâm như con theo mẹ, cho tới tâm sạch cả tư lẫn hoặc, rỗng như hư không, thì hành giả vẫn có cơ may giải thoát.

- Dù sống ở nơi nào, hễ các tu sĩ vẫn hướng về tu tâm, hướng về Giới Ðịnh Huệ là cái đích chung thì sống ở nơi nào cũng giải thoát cả.

2/ Tại sao ví cái tâm đá cho thêm phiền phức, nặng nề?

Tu Thiền cần có cái thấy và không kẹt vào hai bên. Tâm đá là tâm chấp cứng vào hình tướng, là tâm dính mắc, tức có hữu, có thủ và tạo nghiệp. Chấp có chấp không đều chẳng phải. Các pháp hữu vi đều duyên sinh, giả danh, huyễn mộng khiến hành giả bỏ chấp, tự nhiên an nhàn, trở về quê hương là "tánh giác" sẵn có, không thể tìm kiếm ở ngoài mà có được.

3/ Thế nào là chủ thể? Và đối tượng?

Mới vô tu, hành giả phải chọn pháp tu nên có chủ thể và đối tượng, coi mình là thật, 6 căn thật và 6 trần cũng thật. Hể tu thì quán, quán sâu sắc chợt nhận ra 6 căn hay 5 uẩn chỉ duyên sinh, giả danh, không cụ thể. Rồi khi quán tới đối tượng như cỏ, cây, núi, sông, sum la vạn tượng cũng là duyên hợp. Giả danh, không tự thể thì còn bám vào đâu nữa? Tự nhiên buông bỏ hết hình tướng và quay vào trong và tự nhận ra ông chủ của mình, sống tự đủ và tự tại.

4/ Bạn nghĩ sao theo quan điểm của đạo Phật, mọi vật đều là đối tượng của tâm?

Mới tu nhận xét như vậy. Khi đã quán chiếu sâu sắc thì vật cũng không, tâm quán xét cũng không và đối tượng không còn. Hãy trở lại "Thập mục ngưu đồ" thì rõ mức độ tâm chuyển hóa ra sao. Khi đã thấu đạt chân tướng các pháp tức sống an nhàn, tự đủ, không tìm cầu, càng cầu càng vọng. Trong nhà có báu mà tìm cầu làm chi cho mệt.

5/ Câu nói của Hogen như thế có giúp khai mở cho vị khách tăng kia không?

Hogen là một thiền sư đại từ bi. Câu nói của Ngài đã nhắc khéo cho vị khách tăng rõ "chấp có hòn đá trong tâm" là một việc dư thừa, dĩ nhiên khách tăng sẽ bừng ngộ. Hòn đá và tâm đều duyên sinh, giả danh, mộng huyễn, không thật thì chấp làm chi, tranh cãi làm chi cho mệt và thêm vọng. Qua câu chuyện trên, mỗi chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm cho việc tu hành của mình. Từ bỏ tất cả lại được tất cả. Của báu trong nhà không xài mà lại đi tìm bên ngoài? Tại sao chúng ta không an phận nghèo như chàng cùng tử trong Kinh pháp Hoa? Thật tội nghiệp! 

* Quốc Vinh (Vic)

1/ Thử so sánh sống ẩn dật và bon chen của một tăng sĩ ở miền quê và thành thị khác và giống nhau ra sao?

Cảnh sống ở thôn quê trầm lặng vắng vẽ, trong khi đó cảnh sống thành thị ồn náo với tiếng động cơ, với sự ô nhiễm. Cho dù sống ở bất cứ nơi đâu người tăng sĩ giữ đúng thời khóa ngày hai buổi tham thiền, tụng kinh tu tập, hướng dẫn tu tập, giúp đỡ người khác thực hành giáo pháp để lành mạnh hóa cá nhân, gia đình và xã hội.

2/ Tại sao ví cái tâm đá cho thêm phiền phức nặng nề?

Tâm vốn vô hình, tinh vi khó thấy, nhưng mọi việc đều do tâm tạo tác cả. Duy thức học nói: "Nhứt thiết duy tâm tạo".

Cái tâm tu luyện trở nên sáng suốt thiện lương thành Phật, làm Tổ đều được; cái tâm bị phiền não ô nhiễm vô minh dày đặc trở thành nặng nề , khó điều phục. Chính cái tâm ấy mới có vấn đề, khó có một vật gì bứng nổi, bảo không nặng như đá cuội là gì?

3/ Thế nào là chủ thể? Và đối tượng?

Chủ thể là chủ hành động hay nói khác hơn"tôi đang là", làm chủ hành động chính tôi mà không là một người nào khác; còn đối tượng là người hay vật khác được tôi đề cập đến trong câu chuyện. Nói theo thuật ngữ là năng và sở. Năng là người tạo tác; sở là đối tượng bị động. Ví dụ tôi đang lạy Phật, tôi làm việc lạy là năng; Phật được lạy là sở hay đối tượng của người lạy.

4/ Bạn nghĩ sao theo quan điểm đạo Phật: mọi vật đều là đối tượng của tâm?

Ðây là quan điểm của một người, không thể đại diện đạo Phật. Kinh Pháp Cú có bài kệ: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiêp nói năng hay hành động hạnh phúc sẽ theo ta hư ảnh theo hình. Ngược lại, nếu đem tâm bất tịnh tạo nghiệp nói năng hay hành động, khổ não sẽ không rời như con vật kéo xe”.

5/ Câu nói của Hogen như thể có giúp mở khai cho vị khách tăng kia không?

Câu nói hay câu kết luận của thiền sư Hogen làm ngỡ ngàng vị khách tăng không ít.Vì lẽ đứng trước mình là một đối tượng quắc thước già dặn đầy can đảm, khiến khách muốn rút lại lời nói cũng không còn kịp nữa. Tục ngữ có câu: nhứt ngôn ký xuất tứ mã nan truy (một lời đã nóiù ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp). Vị khách tăng nghĩ mình phát ngôn như thế là chứng tỏ chỗ sở đắc, không ngờ bị quật ngã tới cùng không còn lối thoát.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện phướn động hay gió động của 2 vị tăng chùa Pháp Tánh (Quảng Châu) và Lục Tổ Huệ Năng. Không phải do lá phướn động, không phải gió động mà chính do cái tâm động. Vậy thì liệu so sánh cảnh sống của một tăng sĩ ở miền quê và thành thị phỏng có ích gì?

2/ Không giống như công thức toán học: 1 + 1 thành 2; 2 x 2 thành bốn mà trong câu chuyện thiền tùy theo đối tượng, miển sao làm cho đối phương bừng vỡ mối nghi tình ngự trị trong lòng từ bấy lâu nay. Thiền sư Hogen như một nhà tâm lý học chọc thủng được tâm đăng người tăng khách để đưa ông về với thực tại.

3/ Như giữa mẹ và con hễ có cảm mới có ứng. Kinh còn nói rằng "Cảm ứng đạo giao" tức là giữa năng và sở không còn phân biệt đâu là bờ ngăn cách giữa chủ và khách nữa mà cả hai hòa chung thành một. Tuy nhiên sự cảm thông không có nghĩa là đồng nhất giữa chủ thể và đối tượng. Theo nhà tâm lý học Pháp, August Comte (1798 -1857) nhận xét rằng, muốn nhận biết xác đáng chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức phải khác nhau, nghĩa là không đồng nhất với nhau.

4/ Kinh ví cái tâm ta như con vượn chuyền cành, nó chuyền hết cành này sang cành khác không bao giờ dừng nghỉ, nên gọi là "tâm viên" .Ý như con ngựa sổ dây cương chạy rông hết chỗ này tới chỗ khác không đứng yên một chỗ gọi là "ý mã". Cái tâm biến hóa khôn lường như thế là động lực thúc đẩy chúng sanh tạo nghiệp thọ báo: kết quả đó phải chăng là đối tượng của tâm?

5/ Câu nói: "Cái đầu thầy phải nặng lắm, nếu thầy đang mang một hòn đá trong tâm" của thiền sư Hogen có thể:

- Làm cho vị khách tăng trở nên lúng túng cùng đường.

- Chứng tỏ cái tâm chưa tu tập đúng mức còn nặng nề trì trệ thêm.

- Như một lời khích động giúp  thêm năng lực cho người bạn đồng tu cần phải gia tâm tinh tấn hơn.

- Khiến khách lấy làm khó chịu, vì tự nghĩ rằng chủ chùa cố làm hạ nhục mình trước các pháp hữu hiện diện.

 

 

BÀI THAM KHẢO

REAL PROSPERITY

 

 A rich man asked Sengai to write something for the continued prosperity of his family so that it might be treasured from generation to generation.

Sengai obtained a large sheet of paper and wrote: "Father dies, son dies, grandson dies".

The rich man became angry: "I asked you to write something for the happiness of my family! Why do you make such a joke as this?

"No joke is intended", explained Sengai. If before you yourself die your son should die, this would grieve you greatly. If your grandson should pass away before your son, both of you would be broken-hearted. If your family generation after generation, passes away in order I have named, it will be the natural course of life. I call this real prosperity".

 Dịch nghĩa:

Sự phát đạt chân thật 

Một ông nhà giàu yêu cầu Sengai viết một đôi điều để cho gia đình ông ta tiếp tục phát đạt, vì của cải có thể được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Sengai trải ra một tờ giấy và viết: "Cha chết, con chết, cháu chết".

Ông nhà giàu tức giận hỏi: "Tôi nhờ anh viết những gì đem lại hạnh phúc cho gia đình kia! Tại sao đùa cợt thế?"

"Không đùa cợt đâu, Sengai giải thích: "Nếu con ông chết trước, đó không phải là niềm đau xót lớn của ông sao. Nếu cháu ông chết trước con ông, thì ông và con ông không thấy lòng tan nát sao? Nếu từ đời này qua đời khác gia đình ông cứ chết theo kiểu tôi nói, thì đó cũng là một sự tự nhiên cuộc đời. Tôi cho đây là sự phát đạt chân thật.

 

 CÂU  HỎI GỢI Ý

1/ Nếu cả giòng họ đều chết hết, còn ai tiếp tục hưởng sự phát đạt?

2/ Sengai viết ra như thế với dụng ý gì?

3/ Phân biệt giữa ba cái chết khác nhau ra sao?

4/ Con người hầu như không ai dám nói tới cái chết? Tại sao?

5/ Câu kết luận của Sengai có giúp được gì ông nhà giàu kia không?

 

Quốc Vinh (Vic)

1/ Nếu cả dòng họ đều chết hết, còn ai tiếp tục hưởng sự phát đạt?

- Có nhiều lúc nghe câu hỏi chúng ta vội trả lời ngay chắc không tránh có sự hối tiếc về sau như câu trên là một thí dụ điển hình. Tốt nhất nên suy nghĩ cân nhắc xem câu đặt nghi vấn như thế đúng hay sai?

2/ Sengai viết như thế với dụng ý gì?

Ý người viết câu đó đi ngược lại ý muốn của gia chủ, để đánh tan cái tham vọng truyền đời của cải tài sản từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ðó là một điều không tưởng, không thể có đối với những vật hữu hình đều bị luật vô thường chi phối.

3/ Phân biệt giữa ba cái chết khác nhau ra sao?

- Cái chết của người cha trụ cột trong gia đình; làm cho mọi thành viên trong gia đình chao đảo, sống dỡ chết dỡ.

- Cái chết  của đứa con lại là một biến cố trọng đại khác nhắc mọi người luật vô thường không chừa một ai hay một vật hữu hình nào.

- Cái chết của đứa cháu như một vết hằn in đậm nét nơi tâm thức của người thân, làm họ suy nghĩ lại thân phận làm người của mình, rồi một ngày nào đó cũng như thế kia!

4/ Con người hầu như không ai dám nói tới cái chết, tại sao?

- Trong số chúng ta, gần như đa số it có ai dám đối diện với sự thật hiển nhiên trước mắt là cái chết. Vì một lẽ đơn giản, dễ hiểu: quan niệm chết là vĩnh viễn mất hẳn. Do đó, lo sợ những gì thân thương ở đời mà đương sự muốn ôm giữ mãi không rời.

5/ Câu kết luận của Sengai có giúp được gì cho nhà giàu kia không?

- Câu nói: "Nếu từ đời này qua đời khác, gia đình ông cứ chết theo kiểu tôi nói, thì đó cũng là một sự tự nhiên của cuộc đời. Tôi cho đó là sự phát đạt chân thật."

Theo thứ tự cha chết, rồi con chết và kế tiếp cháu chết. Ba biến cố trọng  đại xảy ra trong thân tộc không cùng lúc, giúp mọi người rất nhiều trong việc cụ bị hành trang nhập cuộc. Ðó là một diễn biến có lớp lang thứ tự. Nếu không bảo sự phát đạt của huyết thống thì gọi là gì?

 

* Duy Học (Randwick)

1/ Theo thế tục khi cả dòng họ đều qua đời, thì đương nhiên tài sản thuộc về nhà nước, trừ trường hợp trong họ có lập di chúc tặng số tài khoản trên cho các cơ quan tôn giáo hay từ thiện, xã hội v.v...

2/ Sengai viết ra như thế với dụng ý gì?

Dĩ nhiên Sengai muốn nhắc khéo ông nhà giàu rằng con người sanh ra phải chết, phải chịu luật vô thường! Nếu cuộc đời là ngắn ngủi, vô thường thì tài sản cũng vô thường, sao ta không nghĩ tới hạnh phúc lâu bền? Sao ta không nghĩ tới làm một việc gì đó có ích lợi thiết thực cho thân tâm được hết khổ, được yên vui bằng cách tu thiện nghiệp để cứu mình và cứu người?

3/ Phân biệt giữa ba cái chết khác nhau ra sao?

Ba cái chết đó là: con chết trước cha, cháu chết trước con và cha chết mới tới con chết, rồi cháu chết. Nếu không phải Phật Tử, không học Phật Pháp để rõ đường tu thoát sinh tử thì cái chết nào cũng khổ, vì người mê luôn nhầm cho rằng chết là hết. Họ rơi vào đoạn kiến, sống lo sợ đủ thứ, tâm luôn đầy ắp phiền não, không lối thoát.

4/ Con người hầu như không ai dám nói tới cái chết, tại sao?

Ðúng vậy, người không tu Phật, không rõ nhân quả, không có niềm tin vào Tam Bảo và cách tu thoát khổ, nên luôn sợ sệt, sợ chết, sợ mất của, sợ mất người thân, sợ đủ thứ nên lúc nào họ cũng khổ. Tối ngày họ ngụp lặn trong danh lợi, trong thú vui ngũ dục, toàn là vui ngắn ngủi, tạm bợ, giả dối! Họ là người mê, tâm họ ích kỷ, lo làm giàu, lo chiếm giữ càng nhiều càng tốt! Rồi khi tuổi đời cao, thân bệnh hoạn, kề tới cái chết thì họ càng lo sợ hơn! Thật đáng thương! Ai đưa họ ra khỏi cơn mê đây?

5/ Câu kết luận của Sengai có giúp được gì ông nhà giàu kia không?

Sengai đã hai lần từ bi khai mở cho ông trọc phú, hy vọng ông tỉnh cơn mê. Lần thứ nhất Sengai nói cho ông hay về cha chết, con chết, cháu chết – mục đích nhắc ông - cuộc đời này là vô thường, ông, con ông và cháu ông sẽ phải chết, vậy ông còn tham đắm vào tài sản phát đạt để làm chi? Tuy vậy ông nhà giàu vẫn u mê không rõ ẩn ý của Sengai và cho rằng Sengai đùa cợt! Sengai lại kiên nhẫn đề cập đến trường hợp bi đát hơn như con ông chết  trước ông, cháu ông chết trước con ông thì lòng ông đau khổ đến chừng nào? Câu kết luận trên là một tiếng chuông cảnh tỉnh không những cho ông trọc phú mà còn cho cả chúng ta. Nếu rõ cuộc đời là ngắn ngủi, vô thường, duyên hợp, giả dối, thì chúng ta phải tỉnh thức để tìm ra một phương thức, một pháp tu khả dĩ thoát khổ cho mình, cho người và mọi loài, phải không quý vị?

 

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Sự phát đạt là một danh từ trừu tượng nhằm hai khía cạnh thể chất và tinh thần hay tâm linh:

- Về mặt thể chất: Sự giàu có dư giả của cải: nói chung mọi phương tiện cung ứng cho cuộc sống không thiếu món chi. Vấn đề quan trọng là việc sử dụng những vật tư ấy một cách hợp lý mới tránh khỏi bốn đại tai nạn: giặc cướp, nước trôi, lửa cháy và con hư phá tán.

- Về mặt tinh thần hay tâm linh hay đúng ra là cách xử sự ở đời. Muốn được mọi người kính mến, thương yêu ta phải có tâm quãng đại, lòng thương yêu rộng khắp mới thu phục lòng người. 

2/ Nếu hiểu Sengai như một thiền sư thì hẳn có dụng tâm rõ rệt khi ứng đối với một ông phú trưởng giả có nhiều tham vọng muốn giữ làm tư hữu truyền đời con  cháu trong dòng họ những của cải, tài sản mà chính ông đã khổ công tạo dựng trong đời này. Sengai có ý nghĩ khác thường: của cải vật chất vốn vô thường chóng hoại diệt luôn thay ngôi đổi chủ. Không mấy ai ở đời có tài giữ được của cải không lọt vào tay người khác. Sao không nghĩ tới con người, nhân tố quan trọng tạo nên của cải – còn phải chết huống gì là sản phẩm nó dựng nên! Ðiều thích thú, bất ngờ làm cho phú ông cần phải suy tư và tỉnh ngộ: sống ở đời không phải chỉ thiên trọng vật chất mà còn phải lo săn sóc tâm linh nữa mới là sự phát đạt chân chính. 

3/ Chết là xuôi tay nhắm mắt lìa đời, cho dù đó là cái chết của dân dã hay vua quan đều không có gì khác nhau. Huống gì cái chết của người cha, của con hay của cháu trong gia đình cũng như thường thôi, có gì đâu để phân biệt. Có khác chăng là chỗ dụng tâm của người sống. 

4/ Ðiều đó chỉ đúng với một số người. Những người có hạnh nguyện lợi sanh không bao giờ mang tâm trạng sợ chết. Vì chết đối với họ không phải là hết mà chỉ là một tiến trình đi vào một kiếp sống mới nên dám hy sinh mạng sống cứu độ chúng sanh. Trừ các vị Bồ Tát như Quan Âm, Trì Ðịa, Thường Bất Khinh v.v..., trong đời còn có những vị thiền sư xả thân cúng dường Phật pháp mà gần chúng ta nhất là Bồ Tát Thích Quảng Ðức phát nguyện tự thiêu (1963) là một thí dụ điển hình. 

5/ Sengai muốn cảnh tỉnh nhà phú hộ ba điều:

a- Ðừng quá thiên trọng vật chất sung mãn mà tự mình giam hãm trong ốc đảo không lối thoát.

b- Không có một món đồ nào ta cố ôm giữ mà được cả dù đó là báu vật quý giá đến đâu. Hễ càng bám chắc nó càng vụt khỏi tầm tay.

c- Nếu muốn cho dòng họ thạnh phát, điều trước tiên ông phải lo tu nhân tích đức để lại con cháu hơn là của cải, sự nghiệp.

Ca dao có câu:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời mai sau.

Hay:

Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Hoặc:

Nhứt nhơn tác phước thiên nhân hưởng

Ðộc thọ khai hoa vạn thọ hương.

(Một người làm phước ngàn người hưởng.

Một cây trổ bông mười ngàn cây ảnh hưởng mùi thơm)

 

BÀI THAM KHẢO

THE STINGY ARTIST

 Gessen was an artist monk. Before he would start a drawing or painting he always insisted upon being paid in advance, and his fees were high. he was known as the "Stingy Artist"

A Geisha once gave him a commission for a painting. "How much can you pay?" inquired Gessen.

"Whatever you charge, "replied the girl," but I want you to do the work in front of me."

So on the certain day Gessen was called by the geisha. She was holding a feast for her patron.

Gessen with fine brush work did the painting. When it was completed he asked the highest sum of his time.

He received his pay. Then the geisha turned to her patron, saying: "All this artist wants is money. His paintings are fine but his mind is dirty; money has caused it become muddy. Drawn by such a filthy mind, his work is not fit to exhibit. It is just about good enough for one of my petticoat."

Removing her skirt, she then asked Gessen to do another picture on the back of her petticoat.

"How much will you pay?" asked Gessen.

"Oh, any amount," answered the girl.

Gessen named a fancy price, painted the picture in the manner requested, and went away.

It was learned later that Gessen had these reasons for desiring money.

A ravaging famine often visited his province. The rich would not help the poor, so Gessen had a secret warehouse, unknown to anyone, which he kept filled with grain, prepared for these emergencies.

From his village to the National Shrine the road was in very poor condition and many travellers suffered while traversing it. He desired to build a better road.

His teacher had passed away without realizing his wish to build a temple, and Gessen wishes to complete this temple for him.

After Gessen had accomplished his three wishes he threw aways his brushes and artist's materials and retiring to the moutains, never painted again. 

 

Dịch nghĩa:

Nghệ sĩ bần tiện. 

Gessen là một nhà sư nghệ sĩ. Trước khi họa hay vẽ tranh, Gessen luôn luôn đòi trả công trước, và lấy với giá rất đắc. Vì thế, ông được nổi danh là "nghệ sĩ bần tiện"

Một hôm, có một ca nhi tới nhờ Gessen vẽ tranh. Gessen hỏi: "Cô trả giá bao nhiêu? Cô gái trả lời: "Ông đòi bao nhiêu trả bấy nhiêu, nhưng tôi muốn ông vẽ tranh trước mặt tôi".

Vì thế, ngày kia cô ca nhi mời Gessen tới, cô đang dọn tiệc cho người chủ. Với cây cọ tốt Gessen vẽ tranh. Khi bức tranh vẽ xong, ông đòi giá đắc nhất trong đời ông. Gessen nhận  tiền công, cô ca nhi quay lại nói với người chủ: "Ông nghệ sĩ này chỉ có tiền là trên hết. Họa phẩm của ông đẹp nhưng tâm hồn ông bần tiện. Ðồng tiền đã làm cho tâm hồn ông bị vẩn đục. Ðược vẽ bằng một tâm hồn bẩn thiểu như thế, hẳn tác phẩm của ông không đáng đem trưng bày. Nó chỉ đáng giá bằng một cái áo lót của tôi thôi!"

Nàng c

i váy ra, xoay lưng lại bảo Gessen vẽ một bức tranh khác ở phần sau chiếc áo lót của nàng.

Gessen hỏi: "Cô trả tôi bao nhiêu"

Cô ta trả lời: "Ối giời, bất cứ giá nào!"

Gessen nêu một giá rất đắc ý, vẽ tranh theo lời yêu cầu. Xong rồi bỏ đi.

Về sau, người ta biết Gessen có những lý do sau đây để cần tiền:

- Nạn đói khốc liệt thường viếng tỉnh nơi ông ta ở. Người giàu không giúp kẻ nghèo; vì thế Gessen có một nhà kho bí mật không ai biết, nơi đó Gessen chứa đầy thóc, chuẩn bị cho những trận đói xảy ra.

- Từ làng Gessen đến đền quốc gia, con đường đi rất khó khăn và nhiều du khách khổ tâm khi phải đi qua đó. Gessen muốn làm một con đường tốt hơn.

- Thầy Gessen qua đời, không biết ý định Gessen muốn xây một ngôi chùa, và muốn hoàn tất ngôi chùa cho Thầy mình.

Sau khi hoàn thành xong ba nguyện vọng của mình Gessen vứt cọ và những vật dụng nghệ sĩ, rút lui vào núi ẩn tu và không bao giờ vẽ tranh nữa.

 

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Tại sao nhà nữ nghệ sĩ mắng họa sĩ câu nặng nề như thế?

2/ Bạn nghĩ sao câu tục ngữ: "Có tiền mua tiên cũng được"

3/ Cô ca nhi nói khích nhà họa sĩ ở điểm nào?

4/ Hãy nêu lên những điểm mà bạn cho là đắc ý nhất trong bài này?

5/ Tiền là gốc của tội lỗi. Bạn thử nhận xét xem sao?

 

* Quốc Vinh (Vic)

1/ Tại sao nhà nữ nghệ sĩ mắng họa sĩ câu nặng nề như thế?

Người nữ nghệ sĩ ấy kể cũng hơi táo bạo thật. Vừa gán cho nhà họa sĩ nhãn hiệu "bần tiện", tiếp nàng còn bồi thêm mấy câu như "tâm bị vẩn đục.", "tâm hồn bẩn thiểu", "bức họa chỉ đáng giá như đồ lót"... Biết đâu đó lại không là những lời cảnh cáo có một giá trị nhứt định nào đó làm lòng người thay đổi, ít ra cũng làm lay chuyển được tâm hồn đối tượng mà nàng phải trực diện.

2/ Bạn nghĩ sao câu tục ngữ: "Có tiền mua tiên cũng được"?

Câu tục ngữ chỉ có một giá trị tương đối thôi. Ở đời không phải chỉ có tiền là mua được tất cả. Người ta cần những thứ khác như luân lý, đạo đức v.v...mới có một giá trị lâu dài, mới chinh phục được lòng người.

3/ Cô ca nhi nói khích nhà họa sĩ ở điểm nào?

Nhà nữ nghệ sĩ bạo gan dám nói mà không sợ phật lòng người họa sĩ. Chẳng hạn như: họa phẩm không xứng đáng đem trưng bày; bức hoạ chỉ đáng giá bằng một cái áo lót. Có thể trả bất cứ giá nào (miển có được bức tranh đẹp vừa ý).

4/ Hãy nêu lên những điểm mà bạn cho là đắc ý nhất trong bài này?

- Ca sĩ đã biết nhà họa sĩ đòi giá cao mà vẫn cứ theo năn nỉ vẽ tranh là một việc lạ; vẽ tranh không để trưng bày, lại vẽ nơi chiếc áo lót, dám bỏ ra một số tiền lớn lại là một việc lạ thứ hai.

- Còn về phần nhà họa sĩ, ta nhận thấy có những việc làm cụ thể như:

_ Tích chứa gạo thóc cứu kẻ nghèo, nạn đói.

_ Sửa sang lại con đường làng cho dân làng xử dụng.

_ Xây dựng lại đúng ngôi chùa Tổ để trả ân thầy.

_ Biết dừng lại đúng lúc để trau dồi tánh đức mà không đam mê theo nghệ sĩ tánh.

5/ Tiền là gốc của tội lỗi, bạn thử nhận xét xem sao?

Tiền tự bản chất không là tội lỗi. Tội lỗi hay không là do chính người xử dụng nó. Như vậy, phương tiện xử dụng đồng tiền là do con người; tiền chỉ là vật bị động mà thôi. Nếu con người biết xử dụng đồng tiền một cách khôn khéo hợp thời, đúng lúc, nhằm đối tượng... sẽ tránh được những tác hại không cần thiết. 

* Duy Học (Sydney)

Trong thiền cũng như Kinh tạng, có nhiều ẩn dụ mà Ðức Phật, Bồ Tát, chư Tổ đã dùng để nói lên ý thiền, tức tâm thanh tịnh hay nôm na gọi Tánh Giác. Nếu không có cái nhìn sâu, không quán chiếu kỹ thật tướng của sự vật, tâm thức hành giả dễ bị kẹt và không có hy vọng thấy được ý của Phật, Tổ. Hễ kẹt thì vẫn lẩn quẩn trong vòng chấp ngã, chấp tâm, chấp yêu, ghét, phải, trái, lý luận để rồi lẩn quẩn trong tam giới mà thôi. Câu chuyện (nghệ sĩ bần tiện do Giai Không giới thiệu) chỉ là 1 trong các ẩn dụ, cũng giống như thiền sư Hakuin vẽ một bức tranh "xức dầu vào mông" (Ofuku's Moxibustion). Tục mà thanh, chứa đựng thâm ý của thiền.

Câu 1. Nữ nghệ sĩ mắng họa sĩ nói lên 2 cái chấp của thế gian: cô ca nhi ỷ có nhiều tiền, giàu có thừa thải sinh ra khinh miệt người nghèo và đã hiểu lầm người nghệ sĩ rằng ông ta chỉ có tiền là trên hết mà không hiểu được rằng ông ta đang nuôi trong tâm một lý tưởng cao đẹp từ bi vị tha, quên mình cứu đói, làm một con đường cho dân chúng và xây một ngôi chùa cho thầy của ông.

Câu 2. Câu "Có tiền mua tiên cũng được" chỉ sức mạnh của đồng tiền, do ý trọng vật chất của cải, chỉ là tâm thức dục nhiễm, không có ý hướng thượng, cố chấp, nhỏ nhen, mà quên đi rằng con người còn có những tâm niệm cao đẹp, đạo đức, nhân từ, bác ái, từ bi, hỷ xả. Những giá trị này còn cao hơn tiền bạc rất nhiều, không có thể so sánh được.

Câu 3. Cô ca nhi nói khích nhà họa sĩ rằng ông nghệ sĩ này chỉ có tiền là trên hết, cô ta tự cao tự đại, sinh ra ngã mạn, khinh khi cả họa sĩ, vì cô không có cái nhìn sâu sắc và chẳng có chút từ bi nào!

Câu 4. Bài này cho hành giả một cách nhìn. Ngoài thế gian, hể giàu có thường có tật khoe khoang, phách lối khinh mạn người nghèo và muốn người khác phải quy lụy mình. Trong khi đó, lại có những người siêng năng , tiết kiệm, làm cả những việc mà người đời cho là bần tiện với mục đích mang vật chất tích lũy được để cứu nhân độ thế, như trường hợp nghệ sĩ Gessen trong bài vậy. Hai tâm thức tương phản trong bài chỉ là 2 thí dụ trong đời sống thường nhựt.

Câu 5. Tiền là gốc của tội lỗi không có nghĩa tuyệt đối .

Tội do tâm thức, do tham sân si mà ra, thật ra tiền chỉ là phương tiện mà thôi. Tại sao? Thuở xa xưa, con người cần món gì thì trao đổi hàng hóa với nhau, tỷ dụ đổi gạo lấy trái cây, vải, chén dĩa, v.v... Sau con người văn minh, chế tiền mang đi mua sắm cho gọn, nay họ dùng cheque, thẻ tín dụng còn tiện hơn nữa. Người đời do tham mà nên tội, do tham mà chiếm đoạt, muốn nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều quyền hành, muốn khen mà không muốn chê! Tham dục lúc nào cũng khổ cả. Bớt tham cầu thì được vui, cái vui đó sẽ dẫn hành giả tới bờ thoát sinh tử luân hồi sau này.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Có thể nàng ca sĩ mến tài của họa sĩ, dùng những lời khó nghe để khuyến khích, biết đâu đó lại là một bài học đắc ý, như ta có câu tục ngữ: "thuốc đắng đả tật" vậy, mục đích là làm cho đối tượng phấn chí hơn vẽ được nét vẽ linh động truyền thần. 

2/ Chưa hẳn được tất cả mọi người đồng ý. Ðành rằng sống chúng ta cần phải có tiền và nó cũng chỉ là phương tiện. Nếu mượn phương tiện đạt cứu cánh là chúng ta đã sai lầm từ trong bản chất. Chứng minh:

Ðức Phật là người rất nghèo vật chất nhưng lại giàu tình thương và tâm lượng bao dung. Trên từ vua quan, dưới tới hạng dân giả đều quy y theo Phật. Như vậy những ai có lắm của nhiều tiền cũng chưa chắc đã thu phục được lòng người như đức Giáo chủ của đạo Phật. 

3/ Người nữ ca sĩ có phần tự hào về nghề nghiệp của mình dễ hái ra tiền hơn họa sĩ. Ðiều này cho thấy ở chỗ nàng bất chấp giá cả bức họa. Họa sĩ ra giá bao nhiêu trả bấy nhiêu. Do chỗ khoa trương ấy, nghệ sĩ nhà ta neo giá thật đắc, thật là ngoạn mục, bắt buộc đối khách phải cắn răng chịu trận. Mặc dù biết thế, nhưng cô ta không làm sao rút lui lại được, vì đã lỡ hứa nên phải theo đến cùng. 

4/ Một khi đã đam mê một thứ gì rồi con người cũng khó từ bỏ hẳn được. Vì các thói nhiễm đã ăn sâu gốc rễ vào trong tiềm thức. Nhưng lạ thật, phải chăng họa sĩ (Gessen) sau khi đã hoàn tất tâm nguyện, tự rút lui vào núi ẩn tu, không còn nghĩ tới cây cọ, giá vẽ nữa. Ðây có phải chăng như quan niệm "Công thành thân thoái"?. 

5/ Ðiều nhận xét ấy e hơi quá đáng chăng? Tiền tự nó không thể gây nên tội lỗi như ta nghĩ. Tại sao lại không biết dùng đồng tiền tạo công đức làm lợi lạc tha nhân, chẳng hạn như:

- Bố  thí kẻ nghèo khó, những nạn nhân thiên tai bão lụt, động đất, nạn nhân chiến tranh, nạn đói hoành hành v.v...

In ấn tống kinh sách cho nhiều người cùng đọc; sang băng giảng  phân phát sâu rộng để nhiều người nghe hầu tu tập sửa tánh.

Những đồng tiền góp phần vào việc làm công đức được gọi là tịnh tài. Tịnh tài có nghĩa là của trong sạch, tức là thanh tịnh. Nếu người làm việc công đức với tâm không thanh tịnh, làm cho đồng tiền bỏ ra bị nhiễm thói cầu danh, tham lam, ích kỷ. Việc làm có hậu ý như thế, chính đồng tiền là gốc của tội lỗi.

 

BÀI THAM KHẢO

TEMPER 

A zen student came to Bankei and complained: "Master, I have an ungovernable temper. How can I cure it"?

- "You have something very strange" replied Bankei. " Let me see what you have".

-  Just now I can not show it to  you" replied the other. "When can you show it to me?" asked Bankei. "It arises unexpectedly" replied the student. "Then concluded Bankei, "It must not be your own true nature. If it were, you could show it to me at any time. When you were born you did not have it, and your parents did not give it to you. Think that over".

 

Dịch nghĩa

Tánh tình 

Một thiền sinh tới gặp Thiền sư Bankei và than phiền: "Bạch Thầy, con có một tánh xấu bất trị. Làm sao con sửa chữa được?

Bankei đáp: "con có cái gì lạ lắm sao? Hãy đưa thầy xem nào!"

Thiền sinh nói: "Ngay bây giờ con không thể tỏ lộ cho thầy được".

Bankei hỏi: "Vậy khi nào con có thể tỏ lộ cho thầy biết?

"Thiền sinh đáp: "nó xuất hiện bất ngờ lắm"

Bankei kết luận:

- "Rồi, nó không phải là bản tánh chân thật của con. Nếu nó là bản tánh của con, con có thể tỏ cho thầy được bất cứ lúc nào. Khi mới sinh con không có nó và cha mẹ con cũng không cho con được, hãy suy nghĩ kỹ đi!"

 

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Bạn nghĩ sao việc Thiền sinh tới gặp Thiền sư Bankei tỏ lộ mối ưu tư sâu kín của mình?

2/ Hãy chứng minh Thiền sư là một nhà tâm lý trị liệu chứng bệnh tâm thần? Tại sao có chứng bệnh nan trị  như vậy?

3/ Thử phê bình quan niệm: "Nhân chi sơ tánh bản thiện" của Lão giáo? Có khác quan niệm Phật Giáo?

4/ Thiền sinh tu lạc thiền có thiền sư gỡ, thiền sư tu lạc pháp ai gỡ?

5/ Tánh tình và tập quán khác hay giống nhau? Thử nêu những điểm quan yếu, từ đó rút ra được bài học tu tâm sửa tánh.

 

* Duy Học (Randwich)

Câu 1:

Mối ưu tư sâu kín của thiền sinh là một thứ phiền não vi tế, do kiến chấp lâu ngày. Khi mới vào Thiền, ai cũng đối diện phiền não và phiền não rất nhiều, có khi không biết đối phó ra sao? Nên chi thiền sinh phải cần có thầy hướng dẫn tu học, dần dần phiền não vơi đi, tâm sáng ra cũng như mặt trời không còn mây che vậy.

Câu 2:

Thiền sư là người tu lâu và đã chứng ngộ, đã thấu triệt nguồn gốc các pháp và cách đối trị, cũng như một nhà tâm lý biết trị bệnh tâm thần vậy. Bệnh nan y của thiền sinh do bệnh chấp ngã và chấp pháp mà ra, do vậy mà sinh ra tham ái và chấp thủ. Còn nếu không tham, không chấp thì vọng chấp, thắc mắc tự nhiên tan biến, đến rồi đi và thưa dần, cần gì phải lo lắng nữa.

Câu 3

Câu "Nhân chi sơ tính bản thiện" của Ðạo Lão áp dụng trong nhân gian chỉ đúng một phần và rất tương đối. Ðứa bé mới sinh ra thường sống với bản năng, đói thì khóc, no thì ngủ, chưa biết gì. Cho tới khi cắp sách tới trường học, các thầy cô còn phải giáo dục đứa trẻ biết điều đúng sai, thiện, ác và cách cư xử với bạn bè, thầy cô. Có khi được giáo dục tốt mà có đứa trẻ vẫn ương ngạnh, cứng đầu, không nghe lời cha mẹ và thầy cô, chỉ vì đứa trẻ đã mang sẵn một tâm thức hay nghiệp thức xấu, như tham lam, tranh đoạt, đánh lộn với bạn bè v.v...Muốn cải hóa tâm thức xấu không thể một sớm, một chiều mà thành tốt được, mà phải kiên trì, tinh tấn, nhiên hậu mới cải hóa thành công.

Câu 4

Thiền sinh tu lạc thiền thì có thiền sư gỡ, câu này rất chí lý, còn thiền sư tu lạc pháp thì ai gỡ? Xin thưa, vẫn có thuốc chữa bệnh này. Ta có câu "ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Dù là thiền sinh tu trong một thiền viện, có thiền sư hướng dẫn bên cạnh, các thiền sinh vẫn cần bạn đồng tu để sách tấn lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Trong một tăng đoàn cũng vậy chư tăng luôn giữ tinh thần lục hòa, giúp đỡ nhau và chia xẻ mọi khó khăn thì đương nhiên mình có sai sót đi lạc chăng nữa, bè bạn vẫn thương mình, giúp mình cho đến thành đạt.

Câu 5

Tánh tình có khác với tập quán.

Tánh tình do huân tập từ nhiều đời. Có những tánh tình tốt như rộng lượng, bao dung, từ bi, hỷ xả v.v... có khi xấu như ích kỷ, ngoan cố, tham lam, bỏn xẻn v.v... Khi tu, tánh tình sẽ thay đổi do tự giác, do thầy dạy, do bè bạn khuyên răn hoặc đọc trong kinh sách. Còn tập quán là thói quen nhiễm vào tâm ngay trong một đời, tỷ dụ như không uống rượu, không hút sách, không thích cãi lộn, sống hiếu đạo với cha mẹ, nhân từ với mọi người, đó là thói quen tốt và cũng có những thói quen xấu như rượu chè say sưa, thích cãi lộn, cố chấp, ích kỷ, hẹp hòi, tự ti mặc cảm, không chịu ra ngoài và sống hòa đồng với mọi người. Tóm lại tính tình hay tập quán đều do tâm nhiễm, hễ có tu, gần thầy sáng, bạn hiền thì tánh tình sẽ thiện hóa, an lạc, sống từ bi, hỷ, xả, bỏ thói hư tật xấu, thanh tịnh thân tâm, tiến gần đến quả giải thoát, khỏi sinh tử luân hồi.

 

* Quốc Vinh (Vic)

1/ Con cái hầu như không bao giờ hoặc ít khi tỏ lộ những ưu tư thầm kín của mình cho cha mẹ biết. Một phần sợ bị quở trách, một phần khác vì ngại ngùng, e thẹn sợ cha mẹ phát hiện ra tính xấu của mình nên cố che đậy giữ kỹ trong lòng. Trừ phi đem thổ lộ cho bạn bè để thông cảm, chia xẻ một số trường hợp thầm kín, để vơi nhẹ bớt những u ẩn khắc khoải trong lòng.

2/ Hơn ai hết, những thiền sư có chân tài chính là các nhà tâm lý biết lắng nghe để theo dõi tâm bệnh người đối diện. Bịnh tâm thần hay cũng là căn bịnh nan y của thời đại, nhất là ở thời kỳ văn minh vật chất, khoa học kỹ thuật tân tiến ngày nay, chứng bịnh kỳ quặc này thường phát sanh ở những nước tư bản hàng đầu của thế giới, do nhiều nguyên nhân:

- Do áp lực kinh tế, tài chánh.

- Làm việc quá sức (lao tác, học hành) đầu óc trở nên căng thẳng.

- Gia đình mất hạnh phúc

- Lủng củng gãy đổ công việc làm ăn

- Mất người thân thương nhất.

- Pháp luật gia hình

- Chứng kiến cảnh rùng rợn

3/ Con người lúc mới sanh ra đời, tánh vốn thiện không hẳn hoàn toàn sai, nhưng chưa thật sự đúng về mặt nhân sinh, tâm lý. Ta hãy nhìn một em bé còn nằm trong nôi, có thể tạm gọi là chưa biết gì, nhưng một món đồ chơi ưa thích đưa qua trước mặt, ai thử lấy cất đi. Ðứa bé phản ứng mạnh bằng cách oà khóc lóc, giận dỗi không nín có khi nó bứt xé lung tung. Như vậy, đâu có phải con người bản tính vốn thiện lúc mới sanh, nhưng vì còn non yếu, chưa tiếp xúc môi trường sống chung quanh nó tỏ ra như thiện lành theo tầm nhìn của chúng ta. Thật ra kiếp nhân sinh còn có muôn mặt theo quan niệm Phật Giáo.

Con người do nghiệp đã tạo trong kiếp quá khứ hay nhiều đời đã qua còn dây dưa tới trong hiện tại. Trong hiện tại ta phải lo hoán chuyển hay trả cho dứt nghiệp, như người vay nợ, nếu trả đời này không xong, kiếp sau trả tiếp.

4/ Câu hỏi như phần so sánh sự kiện giữa thiền sư và thiền sinh, và điều này e không hợp đạo nghĩa; cũng như nói con cái lầm lỗi có cha mẹ trị, còn cha mẹ lầm lỗi ai trị? Ðặt nghi vấn như thế là không đúng, không thích hợp tâm cảnh của một thiền sinh muốn học thiền để quán chiếu nội tâm cần tới sự giúp đỡ của vị thầy.

5/ Tánh tình và tập quán không phải một, cũng chẳng phải khác, nó như hai mặt của một đồng tiền vậy. Tuy nhiên tánh tình có khác tập quán ở vài điểm như sau:

++ Tánh tình

- Liên tục kéo dài suốt đời

- Có thể thay đổi được

- Có tốt lẫn xấu

++ Tập quán

- Giai đoạn nhất thời theo mỗi thời kỳ

- Khó có thể thay đổi, trừ phi thay đổi môi trường

- Thường là xấu

Nếu biết quán chiếu các pháp vô thường, khổ không, vô ngã, bất tịnh, ta sẽ sửa đổi tánh tình, kể cả tập quán bất trị không mấy khó khăn, để thăng tiến trên đường tu tập đạo lý giải thoát.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Nhắm đối tượng đáng tin cậy ta mới dám thố lộ tâm tư, tình cảm của mình cho vơi bớt gánh nặng hay tâm sự thầm kín với người nào đó. Thường là bằng hữu hay người thầy sành tâm lý như là điểm tựa hay chiếc phao cho ta nương bám gởi trao thân phận. Thiền sinh tới gặp thiền sư Bankei bày tỏ mối ưu tư sâu kín của mình không ngoài hệ quả đó.

2/ Trên lập cước tổng quát: thiền sư là một nhà tâm lý trị liệu chứng bệnh tâm thần, điều đó quả không sai. Nhưng trên thực tế, vấn đề lại đa dạng, chi li hơn nhiều, không giống công thức toán học: hai cộng với hai thành bốn được. Bịnh tâm thần hay cũng chính là căn bịnh thời đại, nên ta không thấy xảy ra trong các xã hội nông nghiệp trước đây. Như ta biết, nhu cầu đời sống vật chất càng cao, càng đòi hỏi con người vật lộn, phấn đấu với môi trường sống càng nhiều, thì bịnh tâm thần càng có cơ hội phát triển mạnh.

3/ Quan niệm cho rằng con người lúc mới sanh ra mang sẳn bản tánh thiện, e không còn thích hợp với loài người trong xã hội văn minh khoa học tân tiến như hiện tại. Tại sao có những đứa trẻ mới lên bốn, năm tuổi đầu đã phạm tội ác? Do đó với tầm nhìn về nhân sinh như thế có phần chủ quan, không chính xác và cần phải nhìn vào thực tế cuộc sống hơn.

4/ Không ai mặc áo quá đầu là câu nói quen thuộc trong dân gian Việt nam từ ngàn xưa cho tới nay. Dụng ý nhằm giáo dục con cháu các thế hệ tương lai, cho dù sau này lớn lên làm tới cấp bậc gì, ở đâu cũng chỉ là người con của dòng họ, xóm làng; để không xa rời tổ tiên cội nguồn. Ðặt vấn đề so sánh giữa thầy trò như thế là không công bình và phạm lỗi của kẻ "ăn xổi ở thì" hay"ăn cháo đá bát".

5/ Nhà tâm lý học Lalande định nghĩa "tánh tình là toàn thể những lối suy nghĩ và phản ứng thông thường, quen thuộc, phân biệt từng cá nhân một". Theo đó, các nhà tâm lý khám phá ra một số các yếu tố đơn giản, bẩm sinh tạo nên cơ bản cho tánh tình con người gồm: cảm xúc tính (emotion), hoạt động tính (activity) và phản ứng tính (retentissenment). Tập quán định nghĩa theo hai cách:

a/ Theo nguyên ngữ: tập quán là môït sinh hoạt bền vững được cá nhân đắc thủ nhờ sự tập luyện (tập và quán).

b/ Theo phân tích: tập quán là một năng hướng bền vững và đắc thủ nhờ đó cá nhân thực hiện được một số hành vi mà không cần phải cố gắng. Tập quán xét theo phạm vi gồm có tập quán chịu đựng, vận động, tập quán của trí tuệ hay tâm linh. Theo các nhà tâm lý học Maine De Biran và P. Guillaume còn phân biệt tập quán xét theo tính chất như thụ động, những tập quán chủ động v.v...

Như thế ta không nên lẫn lộn giữa tánh tình và tập quán được. 

 

BÀI THAM KHẢO

KILLING 

Gasan instructed his adherents one day: "Those who speak against killing and who desire to spare the lives of all conscious beings are right. It is good to protect even animals and insects. But what about these persons who kill time, what about those who are destroying wealth, and those who destroy political economy?

We should not overlook them. Further more, what of the one who preaches without enlightenment? He is killing Buddhism".

 

Dịch nghĩa

Sát sanh 

Một hôm Gasan dạy những đệ tử rằng “ những người nói chống lại sự giết chóc, và họ muốn cứu vớt tất cả hữu tình chúng sanh. Ðúng, bảo vệ tất cả động vật và côn trùng càng tốt. Nhưng họ giết thì giờ bằng cách nào; họ phá hủy của cải thì sao và họ phá hủy kinh tế, chính trị?

Chúng ta sẽ không bỏ qua họ. Hơn nữa, một người rao giảng ngoài sự giác ngộ để làm gì? Người ta đang giết chết Phật giáo đấy!? 

 

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Bạn nghĩ gì về tội sát sanh đối với người Phật tử?

2/ Bài học Gasan dạy cho đệ tử là gì? Sát sanh và giết chết Phật giáo tội nào nặng hơn?

3/  Giết thì giờ, phá hủy của cải và phá hủy kinh tế chính trị có phải là tội sát hại không? Tại sao?

4/ Tế Ðiên Hòa Thượng nói: "người ta tu khẩu, không tu tâm; còn ta tu tâm không tu khẩu". Như vậy ăn thịt, uống rượu là không phạm giới?

5/ Làm sao phân biệt được ai là người tu Phật chân chính và ai là kẻ giả đạo đức?

 

* Quốc Vinh (Vic)

1/ Bạn nghĩ gì về tội sát sanh đối với người Phật tử?

- Phật dạy: sát sanh phải đền tội hay nói cách khác, người giết hại hẳn bị quả báo đền mạng đã giết. Người Phật tử không những giữ giới không giết hại chúng sanh mà còn phóng sanh nữa. Tự mình làm, tham gia hay khuyến khích tùy hỷ phóng sanh tha cứu những loài  chim, thú, cá, rùa v.v...giúp chúng được tự do hít thở không khí trong bầu trời cao rộng.

2/ Bài học Gasan dạy cho đệ tử là gì? Sát sanh và giết chết Phật giáo tội nào nặng hơn?

- Tưởng cần phân biệt cho rõ sát sanh là cắt đứt hay chấm dứt mạng sống của loài động vật. Tìm mọi phương kế ngăn cản không để Phật giáo phát triển không thuộc về tội sát sanh. Ý Gasan muốn nói là tại sao người ta chỉ khư khư giữ có giới sát; trong khi đó các giới khác như trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu... còn tệ hại hơn nữa lại không tôn trọng giữ đúng mức độ, Gasan qui kết cả hai tội đều nặng như nhau. Bởi lẽ, những giới trên thuộc về trọng giơi – giới quan trọng – phạm không nặng là gì?

3/ Giết thì gi

phá của cải và phá hủy kinh tế chính trị có phải là tội sát hại không? Tại sao?

- Như câu trên đã giải thích thì, tuy những hành động như thế không phải sát sanh,  nhưng nó ảnh hưởng thật tệ hại đối với gia đình, xã hội, môi trường sống, như gây ra sự bất an, xáo trộn, khủng hoảng khó khăn... cho chính mình và mọi người chung quanh không ít.

4/ Tế Ðiên Hòa Thượng nói: "người ta tu khẩu không tu tâm; còn ta tu tâm không tu khẩu". Như vậy, ăn thịt , uống rượu là không phạm giới?

- Ở đời có những chuyện người lớn làm được còn trẻ nít bị cấm không thể làm được. Anh muốn làm chuyện người lớn, hẳn chờ tới khi khôn lớn đã !

- Trong đạo cũng thế, đối với bậc tu chứng, chúng ta chỉ là kẻ sơ cơ không hơn không kém. Vì lòng tham còn dày, tánh sân còn nặng, si mê còn đặc... thì làm sao có thể đem so sánh với những hành tung phi thường của các Ngài được!

- Ðúng, ăn thịt, uống rượu không phạm giới đối với ngài Tế Ðiên; còn như chúng ta phạm liền đọa vào địa ngục vô gián.

5/ Làm sao phân biệt được ai là người tu Phật chân chính và ai là kẻ giả đạo đức?

- Câu hỏi có tính cách tổng quát nên cũng khó mà tìm cho được câu trả lời chính xác. Nhất là khi chúng ta đang sống trong thời buổi nhiễu nhương đạo đức suy đồi, xã hội băng hoại ngày nay thì cảnh lộng giả thành chân nhan nhãn xảy ra trước mắt thật cũng khó mà kiểm chứng biết hết.

- Vấn đề đặt ra ở đây là giá trị đạo đức, nếu mỗi người đều biết trân quí giữ gìn, thì đâu có cảnh mượn giả làm chân nữa.

 

* Duy Học (Sydney)

1/ Ðã là một Phật tử thọ Tam Quy, Ngũ giới hành giả phải giữ 5 giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Nếu đã thệ nguyện giữ giới trước bàn Phật và Bổn sư truyền giới, mà còn phạm giới, tất nhiên phải sám hối, tự thấy ăn năn và sửa đổi tâm tánh của mình. Nếu tái phạm sát sanh, tội thứ nhất trong 5 tội chính, hành giả có thể phạm luôn 4 tội khác, và mất hết công đức tu trì khi quy y Tam Bảo và thọ 5 giới. Hành giả cần có bạn lành nhắc nhở, gia đình khuyên răn và sám hối trước bàn Phật không còn tái phạm, hàng ngày phải tu sửa thân tâm, ngoài không nhiễm cảnh, trong không khởi ý ác, mới mong tiến bộ trên đường tu tập.

2/ Gasan dạy đệ tử phải cẩn trọng, thúc liễm thân tâm ngoài việc không sát sanh, còn phải làm tròn bổn phận với gia đình và xã hội; làm bất cứ việc gì cũng nhằm tự lợi và lợi tha, không vị kỷ, không cố chấp, từ bi không trụ tướng.

Thử so sánh "sát sanh" và "giết chết Phật Giáo".

Hễ cố sát sanh tức coi thường sinh mạng của người và loài vật, kể cả các loài côn trùng (ong, bướm, v.v...) Sát sanh do tham, sân, si mà ra. Nếu dùng bom đạn sát hại sẽ gây thương vong cho nhiều sinh mạng, tang tóc cho bao gia đình và gây rối loạn trong xã hội, trong một nước hay nhiều nước. Tội sát sanh dẫn đến trả quả báo bị đọa địa ngục, tùy mức độ sát hại nhiều hay ít. Nếu không hối lỗi kịp thời thì mức nguy hại, mức ác báo không thể lường hết được!

* Giết chết Phật giáo theo Gasan được quy định trong mấy phạm trù sau đây: giết thời giờ, phá hủy của cải, phá hủy kinh tế chính trị .

Xin góp ý như sau:

Thường tình sát sanh chỉ áp dụng cho hành động của một người, hoặc của một nhóm người mà thôi, còn những hành động vị kỷ, tham ái cố chấp ngã si, phá hoại của cải, kinh tế chính trị thì quá nhiều, trải dài suốt đời người. Tỷ dụ: Dư tiền bạc đi sắm đồ xa xỉ phẩm, đi đánh bài, đi casino, tửu điếm... thật hết sức uổng phí! Vừa mất thì giờ vô ích, vừa tốn tiền, vừa làm gương xấu cho gia đình và xã hội. Sao không dùng thì giờ đó, tiền của đó, đểû làm cái gì hữu ích cho mình, cho gia đình, cho xã hội? Sao không tu sửa thân tâm, không bố thí, mai mốt vô thường tới, hối cải có còn kịp không?

Ngoài hành động không phung phí thì giờ, của cải, chúng ta còn phải lo về kinh tế và chính trị nữa. Khi đã hội nhập và làm bất cứ việc gì trong một xã hội tân tiến, chúng ta đã gián tiếp đóng góp vào nền kinh tế, văn hóa, chính trị của quốc gia. Vì chúng ta không đứng ngoài, mọi liên hệ đều tương duyên với nhau. Hễ làm thiện, vị tha, vì người mà làm việc, chúng ta sẽ đóng góp không nhỏ vào việc thiện hóa cộng đồng và xã hội mà chúng ta đang sống. Còn nếu sống vị kỷ cốt thỏa mãn dục tính, không nghĩ tới tự do hạnh phúc của người khác, chúng ta đã gián tiếp hoặc trực tiếp phá hoại nền tảng kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị v.v...do tiền nhân bồi đắp vậy.

3/ Giết thì giờ, phá hủy của cải, kinh tế và chính trị tuy không trực tiếp phạm tội sát sanh, nhưng gián tiếp làm hại rất lớn tới sinh mạng mọi loài, làm khổ cả thân tâm, làm băng hoại xã hội, tỷ như mở sòng bạc, tửu điếm, đốt phá núi rừng, khai mỏ bừa bải, đúc khí giới, buôn bán sì ke ma túy v.v...

4/ Ðọc cuốn Tế Ðiên Hòa Thượng mới biết Ngài là một vị Bồ tát độ đời, những việc ngài làm độc đáo, lời nói của Ngài không thể lấy ngôn ngữ bình dân mà phán đoán e phạm lỗi! Ðôi khi tin vào  lời Ngài và hiểu sai ý Ngài lại càng đắc tội ! Nên chi tôi cũng không dám bình câu" người ta tu khẩu, không tu tâm, còn ta tu tâm không tu khẩu". Ðối với người đang tu cần phải giữ giới, vì giới sanh định và định phát huệ. Nên chi họ không dám ăn thịt, uống rượu, nói dối, tà dâm v.v... Nhưng tu đến lúc đạt đạo, tâm thể như như thì mọi pháp đều KHÔNG, chỉ giả danh, giả tướng, duyên hợp, không có sanh, không có diệt. Ðến lúc đó thì ăn thịt, uống rượu cũng là KHÔNG, chỉ là giả danh, giả tướng mà thôi, không còn chấp nữa. Cũng như truyện một thiền sư xách con cá chép, thỏng tay vào chợ đánh chén cùng bạn bè vậy. Bao giờ hành giả đạt tới vô ngại mới làm thế được, còn nếu hành giả nào đang tu chưa đạt, thì vẫn phải giữ giới như thường, và nhất định phải không uống rượu, và không ăn thịt.

5/ Người tu Phật chân chính là người đã thọ Tam quy ngũ giới và sống thiểu dục, tri túc, hằng tỉnh giác, ngoài không dính cảnh, trong không khởi niệm, phát tâm từ, bi, hỷ, xả, ở trong tịnh mà không dính cái tịnh, an nhiên tự tại, tám gió quật không ngã! Còn người tu giả đạo đức là người mượn đạo tạo đời, chỉ lo cho cá nhân mình và người thân, đôi khi thốt ra lời đạo đức mà lòng thì tà dục, ghen tị, tham lam, lời nói bất nhất, chỉ biết thụ hưởng của đàn na thí chủ, nhưng gặp khó khăn  là thối lui. Chỉ cần theo dõi hành động của một hành giả thì rõ, nếu cử chỉ, lời nói không đi đôi với việc làm ta biết ngay người đó có tu hay không rồi.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Người Phật tử luôn nuôi dưỡng lòng từ bi, không những đối với loài hữu tình mà còn đối với loài vô tình như cây cỏ, đất đá, núi sông, vạn vật... nữa. Chứng minh qua lời phục nguyện sau thời kinh có câu:

"Tình dữ vô tình, tề thành Phật đạo"

(loài hữu tình cùng loài vô tình cầu cho đều thành Phật đạo). Phật tử quan niệm rằng, không sát hại mà lại phóng sanh, là những người cần cù lo việc trồng cây; kẻ sát sanh dưới mọi hình thức, kể cả tự sát , xúi giục sát, vui hùa theo sát v.v... là phá hoại, nhổ cây, làm cho cây tịt mầm, héo ngọn không còn cơ hội sanh trưởng được nữa.

2/  Giá trị chân thật của đạo Phật nhằm ở sự thực hành. Người hay nói giỏi mà chưa làm giỏi cũng như con két học nói tiếng người, thật sự không lợi lạc gì cả. Tốt nhất cho chúng ta là nên âm thầm làm việc cũng như tu tập cho được lợi mình và lợi người hơn là tuyên bố thế này thế nọ. Trong luật Phật dạy rằng, người phàm phu tự lộng ngôn cho mình chứng thánh như nói tôi đã chứng quả Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm v.v...tuy không thuộc về sát sanh, nhưng là trọng tội, cũng bị đọa vào địa ngục.

3/ Không, dù không phải tội sát sanh, nhưng nó có liên quan tới sự sống của mọi người nên cần phải giữ gìn và bảo vệ, vì chúng ta đang sống trong một xã hội cộng trụ sinh tồn, có liên quan chằng chịt dây chuyền với nhau mà mỗi cá nhân là một thành tố căn bản của cộng đồng nhân loại nói chung.

4/ Thiền sư Tế Ðiên nói câu đó không sao: nhưng chúng ta lỡ nói thế phải lo tìm cách đi rửa miệng là vừa. Nếu không, tâm vướng mắc (attachment) của ta dễ bị lôi cuốn vào bởi niệm bất thiện. Bởi lẽ, sức tu học, quán chiếu, sức chịu đựng, tâm từ bi, hạnh hỷ xả, nhẫn nhục trong ta chưa đủ sức chinh phục, bẻ dẹp được những phiền não, ác niệm thô và tế nên cần giữ giới, tu thiền định để đạt trí huệ, hầu mới đủ sức công phá vô minh đang miên phục trong ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta chưa tu hay có tu mà chưa đến nơi đến chốn như người trắng tay; trong khi người có tu dồi dào kinh nghiệm như thương gia nhiều vốn. Vốn đã nắm sẵn trong tay anh có rộng đường xoay xở, miển là anh nắm vững luật chơi mới không bị phản tác dụng.

5/ Thế nào là tu chân chính? Kẻ giả đạo đức là thế nào?

Trong quặng có lẫn vàng, cát, đất, đá. Trong loài người có kẻ tốt, người xấu, hung dữ, hiền lương. Trong tâm mỗi người có đủ thiện ác, phiền não, khổ đau, oán đối nghi kỵ v.v...thì trong phạm vi của đạo giáo cũng không thể tránh khỏi kẻ lạm xưng để làm việc phi pháp.

Những phần tử bất hảo thường tráo trở không lường mà dưới con mắt người đời họ là những gương đạo mạo để được đề cao, ca ngợi và tán dương. Nhưng họ làm sao lọt qua được màn vải thưa đạo lý nhân quả? Hiểu rõ lý nhân quả, ta không còn phải thắc mắc, lầm lẫn chân giả nữa. 

 

BÀI THAM KHẢO

LETTER TO A DYING MAN 

Bassui wrote the following letter to one of his disciples who was about to die:

"The essence of your mind is not born, so it will never die. It is not an existence, which is perishable. It is not an emptiness, which is a mere void. It has neither colour nor form. It enjoys no pleasures and suffers no pains. I know you are very ill. Like a good Zen Student, you are facing that sickness squarely. You may not know exactly who is suffering, but question yourself: What is the essence of this mind? Think only of this. You will need no more. Covet nothing. Your end which is endless is as a snowflake dissolving in the pure air".

 

Bài dịch

Lá thư cho người sắp hấp hối 

Bassui viết thư sau đây cho một trong những đệ tử sắp chết:

"Bản tánh của con bất sanh, vì thế nó cũng bất diệt. Nó không là một hiện hữu mà bất biến. Nó không trống rỗng mà là cái chân không. Nó không màu sắc cũng không hình thể. Nó không hưởng khoái lạc và cũng không đau đớn.

Thầy biết con bịnh nặng lắm! Giống như một người học thiền giỏi, con đang đối diện hoàn toàn với sự đau đớn. Có thể con không biết cách chính xác ai đang đau khổ, nhưng hãy tự hỏi chính con: "Bản tánh của tâm này là gì? Hãy nghĩ một điều này thôi, con không cần gì nữa. Ðừng ham muốn gì cả. Sự chấm dứt của con hẳn không chấm dứt, nó giống như một bông tuyết tan biến trong không khí tinh khiết".

 

CÂU HỎI GỢI Ý 

1/ Thiền sư Bassui viết thư cho đệ tử như thế có phải là nhà sành tâm lý không?

2/ Liệu Thầy có giúp đệ tử chống chỏi khỏi cơn đau đớn không? Tại sao?

3/ Nếu phải đối diện người thân đang hấp hối, bạn xử trí ra sao?

4/ Lời kết luận bức thư, ý Bassui muốn gì nơi người đệ tử thân thương sắp lìa đời?

5/ Hãy so sánh những cái khẳng định và phủ định trên có giống như Bát bất (tám phủ định của Trung Luận không?)

 

* Duy Học (Sydney)

1/ Thiền sư Bassui viết thư cho đệ tử như thế có phải là nhà sành tâm lý không?

- Thiền sư không những sành tâm lý mà còn truyền dạy đệ tử nên trút bỏ thân xác vô thường và hướng về bản tánh không sanh không diệt sẵn có nơi đệ tử.

2/ Liệu Thầy có giúp đệ tử chống chỏi khỏi cơn đau đớn không? Tại sao?

- Con người chưa giác ngộ bản tánh còn nặng ái dục, chấp thân là thật, nhất định cảm thấy đau đớn vô cùng khi lâm bệnh. Nhưng khi được tu học với Thầy, rõ thân ngũ uẩn là vô thường, khổ, không, vô ngã thì sẽ vượt qua được đau đớn và tâm an tịnh. Thiền sư chỉ giúp đệ tử pháp tu, còn đệ tử phải tự tu và tự chuyển hóa thân tâm mới có lợi thật sự, chớ nên ỷ lại.

3/ Nếu phải đối diện người thân đang hấp hối, bạn xử trí ra sao?

- Bình thường khi hấp hối dễ sanh mê loạn, tâm rất khó an tịnh, trừ khi lúc sống đã tinh tấn tu hành chọn một pháp tu và tâm không thối chuyển. Tuy nhiên lúc hấp hối thần thức con người rất yếu đuối vì còn tham ái và ràng buộc với người thân trong gia đình, cho nên cần có thầy và bạn hộ niệm giúp đỡ, khiến người bệnh tỉnh táo, giữ chánh niệm, niệm Phật hoặc nghe kinh kệ để một lòng tin tưởng vào chuyện vãng sanh, như vậy mới mong thoát sinh tử luân hồi, sanh về Cực Lạc.

4/ Lời kết luận bức thư, ý Bassui muốn gì nơi người đệ tử thân thương sắp lìa đời?

- Bassui đã nhắc nhở đệ tử như sau: "... Có thể con không biết cách chính xác ai đang đau khổ, nhưng hãy tự hỏi chính con: Bản tánh của tâm này là gì? Hãy nghĩ một điều này thôi, con không cần gì nữa, đừng ham muốn gì cả... Thiền sư có ý khuyên đệ tử dứt mọi tham cầu, để tâm an tịnh và quay về bản tánh sẵn có của mình. Ðó cũng là cách định tâm, có định mới phát huệ và có cơ may thoát sinh tử.

5/ Hãy so sánh cái khẳng định và phủ định trên có giống như BÁT BẤT (tám phủ định của Trung Luận không?)

- Câu này liên hệ tới “Bát bất trung đạo” của Tánh không.

Ta hãy thử nhìn Bát bất qua cái động của ngôn ngữ. Ðó chính là tương quan giữa phủ định và khẳng định trong "sinh diệt thường đoạn, nhất dị, lai xuất". Ta hãy chọn một cách nhìn: Hiện thực (cái nhà, con người ...)  do duyên khởi, bản tính là không (không tự thể), nên không có yếu tính quyết định. Nói Duyên khởi là thừa nhận "Tiến trình sinh hoá của hiện thực, tức có khởi lên, có biến mất, tức có sinh diệt? Bằng cách nhìn như trên, cái bất sinh bất diệt hay Duyên khởi cũng là sinh diệt. Ðó chính là Giả Danh hay Trung Ðạo. Thực tại "cái nhà, con người như mộng huyễn gọi là KHÔNG, GIẢ DANH, TRUNG ÐẠO, gọi tắt là là KHÔNG, GIẢ, TRUNG. Tới đây hành giả nên coi ngôn ngữ và tri thức đều là phuơng tiện quyền xảo, chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Dù sao "Bát bất trung đạo của Tánh không" được thể hiện bằng "Dịch hóa pháp" vẫn có giá trị tuyệt vời đối với cuộc sống hiện hữu, khiến chúng ta thoát khỏi ràng buộc của tri thức, tập quán, phiền não sâu kín đã sai sử ta đi mãi trong luân hồi. Cần phải rũ sạch hàng rào danh lý, chấm dứt mọi ngôn ngữ và tư tưởng, để nhảy thẳng vào "thực tại vô ngôn", cứu cánh của Tánh không vậy.

 

* Quốc Vinh (Vic.)

1/ Nhà sành tâm lý không phải viết thư khuyên môn đệ mà nên trực tiếp tới bên giường bệnh thăm hỏi an ủi, là liều thuốc trị bịnh rất hiệu quả. Các nhà tâm lý trị liệu theo dõi khơi động đúng tâm lý qua các cuộc tiếp xúc làm cho con bịnh chóng bình phục, mà không cần nhiều thuốc men, y sĩ như thực tế chứng minh.

2/ Liệu thầy có giúp đệ tử chống chỏi khỏi cơn đau đớn không? Tại sao?

- Bassui bày tỏ mối quan tâm đặc biệt với người đệ tử qua câu nói an ủi: Thầy biết con bịnh nặng lắm ! Giống như một người học thiền giỏi, con đang đối diện hoàn toàn với sự đau đớn. Có thể con không biết cách chính xác ai đang đau khổ, nhưng hãy tự hỏi chính con: Bản tánh của tâm này là gì? Hãy nghĩ một điều này thôi, con không cần gì nữa. Ðừng ham muốn gì cả. Sự chấm dứt của con hẳn không chấm dứt..."

Những lời chân tình ấy như rót vào tai người học trò nhỏ, cũng giúp rất nhiều để chống chỏi cơn đau đang tới hồi bất trị.

3/ Nếu phải đối diện người thân đang hấp hối, bạn xử trí ra sao?

- Nó không giống như một công thức cố định, tùy theo tâm trạng lúc đó. Tuy nhiên, những sự buồn thương, bất an, lo lắng.... trong một thoáng chốc khó ai tránh khỏi. Nếu người không biết tu cũng khó khắc phục những dao động hay rối trí trong lúc nhà hữu sự này. Người biết tu nhìn và quán chiếu sâu lý vô thường hợp tan biến đổi nên cố giữ vững được tâm trí sáng suốt tĩnh thức đè dẹp tình cảm thường tình để chuyên tâm cầu nguyện cho người hấp hối nhẹ nhàng siêu thoát.

4/ Lời kết luận bức thư, ý Bassui muốn gì nơi người đệ tử thân thương sắp lìa đời?

- Thầy dạy: sự chấm dứt của con hẳn không chấm dứt, nó giống như một bông tuyết tan biến trong không khí tinh khiết";

Ý khuyên không nên tham tiếc và vướng mắc vào bất cứ gì nơi đời sống vật chất thế gian giả tạm này. Có như thế thần thức mới nhẹ nhàng siêu thoát vào cảnh giới an lành tốt đẹp hơn. Vì chết chưa phải là hết, chỉ thay đổi kép lớp như diễn viên trên sân khấu mà tuồng đời cũng hệt như một vở kịch vậy.

5/ Hãy so sánh những cái khẳng địnhh và phủ định trên có giống như Bát bất (tám phủ định) của Trung Luận không?

Những cái phủ định: bất sanh, bất diệt, bất biến, chân không; không phải là một hiện hữu, không phải cái trống không, không có màu sắc hay hình thể, không hưởng khoái lạc nên không đau đớn. Trung luận nêu tám cái không và phủ nhận các pháp hoàn toàn rốt ráo đưa tới lý trung đạo nên khác nhau .

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Một vị thiền sư đúng nghĩa có đủ tư cách và đức tánh của một nhà giáo dục, nhà mô phạm, vị lương y, nhà tâm lý học. Thiền sư Bassui không những chỉ dạy học trò mà còn biết rõ từng tâm niệm của học trò nữa. Không phải chỉ sống hời hợt qua lớp màu mè bên ngoài đụng việc lại đem đạo đức khuyên giải người. Ðiều này cũng hoài công vô ích mà thôi. Ðời sống chân thật của một người đã là bài học hùng hồn nhất không lời nhưng chứa đựng biết bao giá trị cao đẹp xây dựng đời sống chính mình và người.

Thiền sư Bassui vì thế, không những là một nhà tâm lý học mà còn là nhà tâm lý trị liệu như vị lương y đại tài giúp con bịnh rất nhiều trong cơn hấp hối mà mạng sống chỉ còn trong gang tấc.

2/ Cái tài của lương y là xem đúng bệnh, cho đúng thuốc giúp con bịnh dứt khỏi cơn đau và lành bệnh. Phương tiện khéo của vị thầy hay thiền sư trị bệnh là tâm dược chắc hẳn hơn cả thuốc thần. Vì thuốc hay chỉ chữa trị được bệnh của thân xác hiện tại; trong khi tâm dược giúp đưa người qua sông mê vượt thoát kiếp luân hồi nhiều kiếp. Vị thầy đứng trên tư thế này mà hành xử đối với người học trò nhỏ trong lúc đang chống chỏi cơn đau sắp sửa lìa đời. Vì chỉ có lấy tâm truyền tâm, cái tâm ấy mới miên viễn, cao thượng và sáng trong mà thôi.

3/ Ðã là con người chắc chắn không ai tránh khỏi bảy thứ tình cảm: vui, buồn, mừng, giận, ghét, yêu và ham muốn. Vì thế được thì vui, mất lại buồn, thắng hỷ hạ, bại chán nản e chề .v.v... Ðó là những việc xảy ra hằng ngày, còn những việc có tính bất thường như tai nạn, bịnh hoạn, chết chóc đưa đến cho ta nhiều mối bức xúc, đau buồn, khổ hận, xót tủi, đau thương... có khi dây dưa mãi trong nhiều năm tháng không dứt.

Ðức Phật dạy:"Thắng hàng vạn tinh binh chưa phải thắng, mà tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất". Tự thắng được mình là vượt qua được mọi thứ tình cảm thấp hèn của thế nhân để xứng đáng như người thực hành Bồ Tát hạnh.

4/ Thầy muốn dạy người đệ tử một bài học; hay nói đúng hơn là kinh nghiệm sống. Muốn thăng hoa đời sống sau khi chết phải chuẩn bị hành trang đầy đủ qua ba việc trọng đại:

- Thứ nhất: đừng ham muốn gì có nghĩa là tất cả mọi tiện nghi vật chất ở đời kể cả thân xác cũng không nên luyến tiếc. Hễ ham muốn là sanh ra mến tiếc, càng mến tiếc là càng vướng mắc trói buộc như vợ chồng, tình gia đình anh chị em, bà con thân tộc v.v...rồi đâm ra ích kỷ, nhỏ nhen, tham đắm.

- Thứ nhì: chết không phải là hết mà chỉ là một sự chuyển sanh sang một kiếp khác. Thật vậy, con người chỉ chấm dứt thân xác ở đời; còn thần thức như hạt mầm nằm chờ đủ yếu tố sẽ sanh trưởng  trong một thân xác mới. Có nghĩa là con người sẽ tái sanh trong 6 đường hay loài: người, trời, a tu la, quỉ, súc sanh, địa ngục tùy nghiệp tạo lúc sanh tiền chiêu cảm.

- Thứ ba: thần thức giống như bông tuyết thật tinh khiết giữa hư không. Như thế, thần thức hay linh thức lúc lìa khỏi xác thân không mất đi đâu mà chờ duyên chiêu cảm đi đầu thai vào một thân xác mới, tức thọ sanh ở một kiếp khác.

Ðó là 3 liệu pháp hay tâm yếu cả Bassui muốn trao truyền cho người môn đệ sắp từ giả cõi đời.

5/ Tám phủ định của Trung Luận hay biện chứng pháp của Long Thọ đó là:

1. Không sinh       2. Không diệt

3. Không thường   4. Không đoạn

5. Không giống    6. Không khác

7. Không đến   8. Không đi

Trong bài tụng mở đầu Trung Quán luận. Long Thọ viết rằng:

Bất sinh diệc bất diệt

Bất thường diệc bất đoạn

Bất nhất diệc bất dị

Bất lai diệc bất xuất.

Năng thuyết thị nhân duyên

Thiện diệt chư hý luận

Ngã khể thủ lễ Phật

Chư thuyết trung đệ nhất

Dịch:

Con kính lễ Thế Tôn

Trình bày pháp duyên khởi

Diệt trừ mọi hý luận

Xiển dương Trung Ðạo Lý

Không sinh cũng không diệt

Không thường cũng không đoạn

Không một cũng không khác

Không đến cũng không đi.

Trên nền tảng của 8 cái phủ định như thế, cái gì có thể tồn tại? Ðây là phủ định tất cả sắc thái đặc thù của hiện hữu. Ở đây, hễ cái gì bám vào hữu, vô, sinh, diệt, thường, đoạn, đồng, dị, khứ, lai đều là sai lầm, hay những hiện hữu nào sinh khởi từ chúng cũng đều sai lầm. Với những đặc điểm: phủ định liên tiếp, phủ định luôn cả cái được phủ định. Ví dụ: phủ định ý niệm sinh khởi bằng ý niệm đoạn diệt; phủ định ý niệm đoạn diệt bằng ý niệm đến (lai); phủ định ý niệm đến bằng ý niệm đi (khứ). Phủ định mọi ý niệm trên bằng thường hằng; phủ định ý niệm thường hằng bằng đoạn diệt; phủ định ýniệm đoạn diệt bằng đồng thể (nhất); phủ định ý niệm đồng thể bằng sai biệt (dị); phủ định ý niệm sai biệt bằng sinh khởi ... Cứ như thế mà phủ định sạch sẽ mọi ý niệm chấp trước bám víu vào hữu, vô, sinh, diệt, thường, đoạn, đồng, dị, khứ, lai (lịch sử tư tưởng và triết học tánh không các trang 82 và 83 của Thích Tâm Thiện, do nxb thành phố HCM. Sài gòn 1999). So sánh với những cái phủ định của bài như: bất sanh, bất diệt, bất biến, chân không, không phải là một hiện hữu; không phải cái trống không; không có màu sắc hay hình thể; không hưởng khoái lạc nên không đau đớn, không nhằm phủ định mọi ý niệm chấp trước mà để khai thị cho một linh thức sắp đi tới một thế giới khác. Ðiểm quan trọng của thiền sư Bassui nhằm thức tỉnh cho đệ tử không vì một niệm vô minh bất giác để phải hụp lặn trong luân hồi triền miên thọ khổ.

 

BÀI THAM KHẢO

TOSUI'S VINEGAR 

Tosui was the Zen master who left the formalism of temples to live under a bridge with beggars. When he was getting very old, a friend helped him to earn his living without begging.  He showed Tosui how to collect rice and manufacture vinegar from it, and Tosui did this until he passed away.

While Tosui was making vinegar, one of the beggars gave him a picture of the Buddha. Tosui hung it on the wall of his hut and put a sign beside it. The sign read: "Mr. Amita Buddha: This little room is quite narrow. I can let you remain as a transient. But don't think I am asking you to help me to be reborn in your paradise?"

 

Dịch nghĩa

Giấm của Tosui 

Tosui là một thiền sư đã bỏ hình thức những ngôi chùa để sống dưới một cây cầu với những kẻ ăn xin. Khi Tosui già yếu, một người bạn giúp chỉ cho Tosui lượm gạo để làm giấm. Tosui làm như thế cho tới khi ông qua đời. Trong khi Tosui làm giấm, một người ăn mày biếu ông một bức hình Phật. Tosui treo bức hình lên vách lều và ghi vào cạnh bức hình: "Thưa ông Phật A Di Dà, cái phòng này quá nhỏ. Tôi có thể để ông lại đây nhất thời. Nhưng xin đừng có nghĩ rằng tôi cầu nguyện ông để ông giúp tôi được tái sanh nơi cõi nước của ông đấy nhé."

 

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Bạn nghĩ thế nào cuộc đời hành đạo của Thiền sư Tosui?

2/ Trong thời hiện đại có ai hành thiền như Tosui không? Tại sao?

3/ Có điểm mâu thuẩn nào giữa đời sống đạo và thực tế của Tosui không?

4/ Tu thiền không cần mọi hình thức tụng kinh? Bạn nghĩ sao?

5/ Tu thiền định sau khi chết cầu sanh về thế giới nào?

 

* Duy Học (Sydney)

Bạn nghĩ thế nào cuộc đời hành đạo của thiền sư Tosui?

- Thiền sư Tosui đã rời một mái chùa tới trú dưới một cây cầu để sống. Hẳn thiền sư nghĩ sống như vậy sẽ dễ chịu hơn, thanh thản hơn và dễ đạt ÐẠO  hơn chăng? Mái chùa và cây cầu cũng chỉ là phương tiện mà thôi, chưa phải cứu cánh? Mọi vật, mọi hình tướng đều giả danh, giả tướng nếu hành giả còn kiến chấp, còn đối đãi tất nhiên bị kẹt. Có lẽ đây là bài học cho mọi hành giả, chừng nào chúng ta thoát được hàng rào danh tướng, thoát được  ý niệm phân biệt và kiến chấp đối đãi, chừng đó dù ta ở trong chùa, trong rừng hay giữa chợ cũng đạt ÐẠO vậy!

2/ Trong thời hiện đại có ai hành thiền như Tosui không? Tại sao?

- Trong thời nay, ít có ai hành thiền như Tosui. Hành giả tu thiền thời nay không cần phải rời thành thị vô rừng để ở, không cần phải chọn gầm cầu, hốc đá hoặc những thâm sơn cùng cốc để tu, mà tu ngay nơi nào ta đang ở, với phương tiện sẵn có, đạm bạc để sống thiểu dục, tri túc, thanh thản là được. Tu Thiền cần có pháp tu, có thầy hướng dẫn, tốt nhất là trong tăng đoàn, để cùng nhau sách tấn tu hành. Chừng nào “tám gió quật không ngã”, tâm rỗng rang như hư không (thấy TÁNH), lúc đó không cần cũng tới bến giác vậy.

3/ Có điểm mâu thuẩn nào giữa đời sống đạo và thực tế của Tosui không?

- Sau đây là vài mâu thuẩn giữa đời sống đạo và thực tế của Tosui: Tosui muốn thoát ly hình thức chùa để tự sống một mình dưới cây cầu. Thế nhưng rời chùa vẫn phải nhờ cây cầu. Ở dưới cầu sống với kẻ ăn mày, nhưng vẫn nhận sự giúp đỡ của một bạn dạy Tosui cách làm dấm để sinh nhai. Ðã rời chùa, Tosui vẫn nhận hình Phật A Di Ðà để treo lên vách, có khác chi hình Phật, tượng Phật để trong chùa? Ðó chính là mâu thuẩn! Thuyền nào chở hành giả qua sông cũng chỉ là phương tiện cả, dù thuyền nan, thuyền gỗ hay thuyền rồng chạm vàng của vua cũng vậy. Ðiều cần là thuyền có tới được bờ bên kia mới đáng kể. Tu thiền cần sống giản dị, lìa mọi cân lường tính toán phân biệt, hễ tâm cảnh như như là đạt ÐẠO. Nhưng nếu còn kiến chấp, còn phân biệt tâm cảnh thì có ngồi trong lầu son, gác tía, chùa vàng chùa bạc cũng vẫn phải luân hồi trong ba cõi mà thôi !!

4/ Tu thiền không cần mọi hình thức tụng kinh? Bạn nghĩ sao?

- Thiền là một pháp tu giúp hành giả trở về với TÁNH GIÁC sẵn có trong thân ngũ uẩn của mình, mà không phải tìm ở ngoài, vì vậy có câu "phản quang tự kỷ bổn phận sự". Ðó là lý thuyết còn về phần thực hành, các thiền sư thường dùng kinh điển Ðại thừa như Bát Nhã, Kim Cang, Lăng Già v.v... để dạy hành giả, cốt nhận ra mình có TÁNH GIÁC trước đã (phần giải ngộ). Hành giả còn phải siêng năng tu, nỗ lực buông xả vọng niệm, hơn thua phải quấy, tập khí lâu đời sâu dầy rất khó rũ sạch.

Tu đạt tới vô niệm mới tới đường về quê nhà, hành giả mới được yên ổn, thỏng tay vào chợ, tự tại, tùy duyên bất biến. Còn các hình thức tụng kinh, bái sám hay trì chú thường hành ở các chùa Việt nam, nếu hành giả có theo càng tốt. Vì tu thiền lúc đầu rất cần thấu hiểu kinh điển Ðại Thừa; nếu đọc tụng kinh hằng ngày mỗi sáng tối, hành giả sẽ nhập tâm và có dịp chuyển hóa tâm mình, hướng thượng, gột bỏ được tam độc tham sân si và kiến chấp lâu đời dễ dàng hơn. Nếu hiểu như vậy thì hình thức tụng kinh, lễ Phật, sám hối, đọc chú là cần yếu trong sự tu hành vậy. (Vào cuối 1986, tôi đã dự khóa thiền với HT Thích Nhất Hạnh, HT vẫn cho tụng giới, tụng Bát Nhã và lễ Phật như thường; còn HT ThíchThanh Từ vẫn cho hành giả lễ Phật, tụng kinh sám hối với Bát Nhã tại Thiền Viện Trúc Lâm Ðà Lạt mà chính tôi cũmg may mắn được dự nhiều lần cùng Phật tử Lâm Ðồng – Ðà Lạt).

5/ Tu thiền định sau khi chết cầu sanh về thế giới nào?

- Nếu tu thiền định, hành giả không cần cầu sinh về đâu hết. Hành giả tu thiền trước hết phải rõ mình có TÁNH GIÁC hay ông chủ có sẵn trong thân vô thường rồi, sau cần nỗ lực an tịnh tâm vọng tưởng của mình, chừng nào vọng tưởng lắng sạch thì tâm thể bừng sáng, đó là Phật tánh hay Tánh giác sẵn có nơi mình, chớ có cần tìm cầu ở đâu khác? Do vậy mà tu thiền không cần cầu sanh về thế giới nào khác.

Ðức Thế Tôn đã từng dạy chúng ta "Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh". Thế nhưng Phật tánh thường bị vọng tưởng che lấp và lôi cuốn mình đi trong tam giới, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Nếu không có ý chí dũng mãnh và bất thối chuyển thì tu thiền quả là thiên nan vạn nan. Cũng vì vậy mà đức Phật đã chế ra nhiều pháp môn TỊNH ÐỘ, MẬT TÔNG...Trong đó hành giả cần tự lực và tha lực;  tỷ dụ Tịnh Ðộ, hành giả nương nhờ vào tha lực của Phật A Di Ðà và hai vị Bồ Tát Quan Âm và Thế Chí, giúp mình vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc khi mãn phần. Tóm lại tùy căn cơ mỗi người, chúng ta tự lựa chọn pháp môn để tu, thế nhưng điều cần thiết vẫn là dùng Tam Vô Lậu học "GIỚI ÐỊNH HUỆ" để trừ tam độc "THAM SÂN SI", còn không chịu tu mà ỷ lại, cầu suông thì khó thành công vậy.

 

* Quốc Vinh (Vic.)

1/ Bỏ hình thức sống đầy đủ tiện nghi ở chùa để sống khổ hạnh như thiền sư Tosui là cả một sự chọn lựa có suy nghĩ mà không phải ai cũng làm được. Nếu người thiếu ý chí, nghị lực hẳn khó mà chịu đựng được cảnh sống chật vật như thế!

2/ Phải nói là rất hiếm hoi . Vì lẽ đời sống mỗi ngày càng tiện nghi bao nhiêu, nhiều người càng lao theo hưởng thụ vật chất bấy nhiêu. Sống khắc khổ phải nói là một hạnh; hạnh tu đặc biệt đòi hỏi nơi hành giả nhiều hy sinh xả kỷ qua bao nhiêu thử thách của con người, thiên nhiên và hoàn cảnh. Có thể nói thời nay chúng ta cũng khó mà tìm được một tâm hồn an nhiên tự tại sống tri túc như thế.

3/ Ðiều đó chỉ có người trong cuộc mới trả lời đúng được mà thôi. Những người chưa đạt đến trình độ tu chứng như chúng ta thật cũng khó xác minh vấn đề cho trọn vẹn.

4/ Không hẳn là như thế! Tu thiền có nhiều trình độ không giống nhau, cũng như học sinh từ tiểu học, lên trung học, vào đại học... trải qua một thời gian tối thiểu phải mất mười hai năm học tập mới thu thập được mớ kiến thức khả dĩ để vào đời. Người tu thiền cũng thế, có nhiều trình độ: sơ cơ, trung cấp, cao cấp. Nếu phá bỏ hình thức, hành giả nương vào đâu làm điểm tựa tiến sâu và tiến xa hơn trong tiến trình tìm cầu giác ngộ. Hình thức là phương tiện không thể tách rời; khi đạt mục đích mới nói chuyện từ bỏ những gì không cần thiết lúc đầu. Thế thì tụng kinh giúp cho ta tập trung tâm ý vào lời kinh há vô bổ việc thiền quán hay sao?

Chủ trương tu thiền không cần hình thức tụng kinh, phải chăng làm cho hành giả lười biếng và bài bác người khác hành trì pháp tu này.

5/ Phải thật hết sức cẩn thận trong lúc tu tập và chọn lựa pháp môn tu. Nếu không rõ ràng dứt khoát hành giả sẽ không định hướng được sau khi chết sẽ đi về đâu. Cầu sanh về thế giới nào là tùy nguyện lực mà không phải do nghiệp lực chi phối nữa; hành giả hẳn tùy sở trú xứ thường an lạc. Ðó là kết quả tu thiền đúng không lạc vào đường tà.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý

1- Ở ngoài đời cũng như trong đạo có những người làm được những việc phi thường mà nhiều người không làm được. Thiền sư Tosui là một thí dụ điển hình:

- Tu tập không cần hình thức ngôi chùa đầy đủ tiện nghi mà sống đơn giản dưới gầm cầu thiếu thốn mọi mặt,

- Bốn sự thiết yếu hay bốn nhu cầu căn bản của nhà tu hành như: ăn uống, y phục, chỗ ở và y tế thuốc men xem như con số không không đáng kể.

- Thực hành đúng tâm nguyện theo hạnh xả ly.

Nhứt bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sanh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu

 

(Một mình dạo khắp ta bà

Ôm bình bát pháp mọi nhà xin ăn

Chỉ vì sanh tử đảo điên

Xuân thu giáo hoá gieo duyên độ đời"

(Thích Bảo Lạc dịch)

2- Thời hiện đại là thời của tín học, của văn minh khoa học v.v... con người mãi chạy theo mode thời trang (fashion) mỗi ngày càng đổi mới; và tự cho đó là tiến bộ phi thường để rồi quên mình và hụt hẩng trong tiện nghi vật chất; đến lúc ý thức được thì cũng đã quá trể tràng! Có ai cầm đuốc đi ngược gió: chèo thuyền ngược sóng, phải nếm đủ mùi vị cay đắng mà vẫn an bần lạc đạo. Người đó là Tosui của thời đại !

3- Ý câu hỏi muốn nhắm tới người tu thiền quá cố chấp, thì quả tình Tosui có nhiều điểm mâu thuẩn với việc hành đạo như sau:

- Hình Phật A Di Ðà để cho người thực hành pháp môn tịnh độ

- Gọi Phật bằng Mr thay vì Lord (Ngài, Ðức) quả tình đương sự không mấy tin tưởng mà vẫn để thờ đã là một việc lạ;

- Lại xem bức hình Phật bằng giấy như là một nhân vật sống đang hiện trước mình qua cuộc độc thoại cách tự nhiên là một chuyện lạ thứ hai.

- Nếu không tin Phật A Di Ðà thì chỉ việc hạ khung hình xuống và cất đi, tại sao vẫn để thờ là một việc lạ thứ ba ...

4- Nếu tu thiền mà đạt ngộ thiền; nhập vào các cõi sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền như hàng Bồ Tát mới không cần hình thức. Chúng ta dù là bậc thiện nhân tu thiền vẫn phải cần hình thức như tụng kinh, lao tác, quán tưởng...để dứt trừ nghiệp lực há vô bổ lắm sao? Nếu chủ trương thiền phá bỏ mọi hình thức như tụng kinh mà cho là loạn tâm, chỉ e đắc tội khinh mạn Phật và chư Tổ mà thôi!

5-Ta hãy nghe Tổ Qui Sơn Linh Hựu thiền sư quở trách người hành thiền sai pháp rằng;

Tiền lộ mang mang

Vị tri hà vãng

(Ðường trước mờ mờ

chưa biết về đâu)

Như thế, há không luống phí một đời hành đạo lắm sao?

Như người đi buôn có sắp đặt kế hoạch trước, nông phu có chuẩn bị sẵn sàng chờ mùa gặt tới, người bác sĩ đợi ngày ra trường để phục vụ tha nhân theo ngành chuyên môn của mình; người hành thiền cũng vậy, phải đủ tư lương lộ trình và đích đến. Ðó là dự án tối thiểu nếu thiếu chuẩn bị hẳn gặp vô vàn khó khăn, như thanh niên vào đời, đứng trước ngã ba đường vô định không biết hướng về đâu, thật là đáng thương trách...

 

BÀI THAM KHẢO

THE FIRST PRINCIPLE 

When one goes to Obaku temple in Kyoto one sees carved over the gate the words "The First Principle " . The letters are unusually large, and those who appreciate calligraphy always admire them as being a masterpiece. They were drawn by Kosen two hundred years ago.

When the master drew them he did so on paper, from which workmen made the larger carving in wood. As Kosen sketched the letters a bold pupil was with him who had made several gallons of ink for the calligraphy and who never failed to criticize his master's work.

"That is not good," he told Kosen after the first effort. "How is that one?"

"Poor. Worse than before,"  Pronounced the pupil.

Kosen patiently wrote one sheet after another until eighty four. First Principles had accumulated, still without the approval of the pupil .

Then, when the young man stepped outside for a few moments , Kosen thought: "Now is my chance to escape his keen eye," and he wrote hurriedly, a mind with free from distraction: "The First Principle ".

"A masterpiece",  Pronounced the pupil.

 

Dịch nghĩa

Ðệ nhất đế 

Khi người ta bước chân đến chùa Obaku ở Kyoto, sẽ nhìn thấy trên cổng gỗ có chạm mấy chữ: "Ðệ nhất đế". Chữ chạm to lớn khác thường và những ai thích chữ đẹp đều luôn luôn chiêm ngưỡng như là một kiệt tác. Những chữ này Kosen vẽ hai trăm năm trước.

Kosen vẽ trên giấy và người thợ chạm theo đó mà chạm lớn hơn vào gỗ. Trong lúc Kosen phác họa trên giấy, một chú đệ tử nhỏ kiên nhẫn của Kosen đã mài mực cho Kosen đến mấy bình để viết cho đẹp mới thôi; và chú luôn luôn phê bình tác phẩm của thầy chú .

-"Cái đó không đẹp!"

-"Cái này thế nào? Kosen hỏi

Chú đáp: Tệ, xấu hơn cái trướùc.

Kosen kiên nhẫn viết từ tấm này sang tấm khác đến tám mươi bốn tấm "Ðệ nhất đế" chồng chất  lên nhau thành đống, vẫn không thấy chú học trò mình đồng ý. Rồi chú bé bước ra ngoài. Kosen nghĩ:

"Bây giờ là lúc ta tránh được con mắt sắc bén của nó; và Kosen viết mau với tâm không lo lắng: Ðệ Nhất Ðế .

Chú bé từ ngoài bước vào reo lên:

"Một kiệt tác!" 

 

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Ðệ nhất đế có phải pháp thứ nhất trong tứ đế không?

2/ Có sự mâu thuẩn nào giữa nghệ thuật và tâm hồn ngây thơ trong trắng qua cuộc mạn đàm của Kosen và người đệ tử không? Tại sao?

3/ Con số 84 mang ý nghĩa gì? Tại sao Kosen không vẽ đến lần thứ 99, thứ 100 v.v... mà ngừng lại đó để vẽ lần chót này thành một kiệt tác?

4/ Bạn nghĩ sao về Thầy trò chú bé qua công trình nghệ thuật ấy?

5/ Thiền là một môn nghệ thuật. Qua tác phẩm của Kosen, bạn thấy gì qua những lần thất bại trước đó; và với chỉ một lần sau chót đã nâng được tác phẩm lên hàng kiệt tác?

 

* Duy Học (Sydney)

1/ Ðệ nhất đế không phải pháp thứ nhất trong Tứ Ðế. Tu Thiền không dễ gì chứng "Ðệ nhất đế" phải quán KHÔNG, GIẢ, TRUNG. Trước hết phải quán các pháp do duyên sanh, thể tánh là không, duyên hợp giả có. Rồi tới KHÔNG GIẢ  đều buông, chỉ còn một tâm chân như, đó là 'Trung Ðao Ðệ Nhất nghĩa". Nếu hành giả đã học qua kinh đại Niết Bàn sẽ rõ câu"Trung đạo gọi là Phật Tánh, do nghĩa này Phật tánh luôn luôn chẳng có biến đổi, nếu chẳng đắc "Ðệ nhất nghĩa không;" thì chẳng hành Trung đạo". Câu hỏi "Ðệ nhất đế" do Giai Không đặt ra có lẽ dành cho các vị đã chứng đắc hoặc ít ra đã đạt vô niệm, nếu không thật là mù mịt !!

2/ Theo thế gian, nghệ thuật phải do trường đào tạo ra, như nghệ thuật họa, nhạc, sáng tác, v.v... còn nghệ thuật trong bài "Ðệ nhất đế" có nghĩa nghệ thuật sống thiền, nghệ thuật này do kinh nghiệm tâm linh mà có được, không phải do trường lớp dạy. Khác là ở chỗ đó! Chú bé mang một tâm hồn ngây thơ trong trắng này lại có một cảm nhận Thiền độc đáo đáng phục (sẽ nói rõ trong câu 4). Kosen kiên nhẫn viết cho tới 84 tấm chữ mà vẫn bị chú bé chê, vì Kosen chưa đạt, chưa thoát ra khỏi vận dụng tri thức. Nếu vượt khỏi tri thức, viết tự nhiên, thì chú bé đã hài lòng rồi.

3/ Con số 84 thường dùng trong Phật Giáo để chỉ 84 phiền não, 84 pháp môn, có khi nói 8 vạn 4 ngàn pháp môn hay 8 vạn 4 ngàn phiền não. Chắc người viết bài đã lưu tâm độc giả hay thiền giả về con số 84 để nhắc nhở chúng ta các pháp tu học không ít không thiếu, nhưng trên thực hành mà hành một pháp cho kiên cố, trường viễn, thì hành giả cũng có hy vọng thoát sinh tử luân hồi vậy; cũng như Kosen phải vẽ tới 84 lần mới thành công được và có được một kiệt tác vậy !

4/ Qua công trình tác phẩm nghệ thuật chúng ta thấy rõ Thầy Kosen và chú bé học trò đã bộc lộ được một nét thiền trong sinh hoạt hàng ngày. Kosen dùng suy nghĩ, tri thức, vẽ đi vẽ lại 3 chữ "Ðệ nhất đế" muốn làm cho chữ thật đẹp! Ý nghĩ này phản ảnh tri thức phân biệt của chúng ta. Ðiểm này trái với sinh hoạt Thiền, vì Thiền không dùng tri thức phân biệt. Thiền phải do kinh nghiệm hay chứng nghiệm mà có, tức do tâm linh sáng tạo tự nhiên. Càng suy tư phân tích càng xa thiền! Còn chú bé đã có sẵn kinh nghiệm Thiền nên khi thấy Kosen suy nghĩ để vẽ cho đẹp chú biết đó là sản phẩm của tri thức, của hư vọng, chẳng phải do TÂM SÁNG TẠO (TỰ TÁNH). Cái khác nhau là chỗ đó!

5/ Thiền là một môn nghệ thuật, nghệ thuật không do trường lớp đào tạo, mà là do huân tập về tâm linh, tức phiền não dứt sạch thì tâm chân thật hiện tiền. Lúc đó mọi khởi dụng là do TÂM CHÂN THẬT hay TÂM CHƠN NHƯ vậy! Qua bài "Ðệ nhất đế" tác phẩm của Kosen sau 84 lần viết không thành công đã nói rõ lên hành giả không thể dùng "TRI THỨC THƯỜNG TÌNH"  mà đạt đạo hoặc hoàn tất một kiệt tác thiền. Hành giả phải huân tập tâm linh, dứt sạch phiền não xả bỏ tri thức phân biệt, tức bỏ chấp ngã, chấp pháp, lúc đó tự nhiên TỰ TÁNH hiện tiền. Lúc đó mọi  hành động, lời nói, nét chữ, nét họa, nét nhạc (động trong tịnh) đều là thật đều là sáng tạo thiền và là kiệt tác vậy!

 

* Quốc Vinh (Vic.)

1/ Phải mà không phải, với người chưa hiểu hay hiểu một ít Phật pháp thì pháp nào na ná được kể như giống nhau; còn với những người thực tâm muốn soi sáng sự thật của chính nó thì hai pháp hoàn toàn khác nhau. Ðệ nhất đế là pháp giải thoát; còn đế thứ nhất trong pháp tứ đế là "khổ" khổ là tục đế hay thế đế còn trong vòng thế gian với nhiều hệ lụy rắc rối.

2/ Câu hỏi nêu ra như không được chỉnh lắm, bởi nghệ thuật và tâm hồn trẻ thơ làm sao so sánh được. Vì lẽ, bức tranh nghệ thuật được nhìn bởi con mắt mỹ thuật mang đầy nghệ sĩ tính; trong khi tâm hồn ngây thơ trong trắng tuổi trẻ không thể lấy con mắt hời hợt để nhìn mà phải quán chiếu bằng nội lực và từ bi như người mẹ nhìn con thơ mới phát hiện ra được những nét độc sáng của bức tranh nghệ thuật hay lẽ sống cũng đồng nhau.

3/ Khổ đế cõi dục có 10 món trói buộc (thập sử) là: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới thủ. Tập Ðế, Diệt Ðế mỗi đế chỉ có 7 sử trừ thân kiến, biên kiến, giới thủ. Ðạo Ðế có 8 sử trừ thân kiến biên kiến. Tứ Ðế trong cõi Dục có 32 sử, cõi Sắc và Vô Sắc cũng thế chỉ trừ của mỗi Ðế một sân sử, còn lại trong mỗi cõi là 28 sử. Số 28 nhân cho 3 thành 84 món phiền não. Kosen phải dừng lại ở số 84, vì đó là con số tượng trưng cho phiền não cao độ trong ba cõi dây dưa sót lại.

4/ Thầy là một người giàu lòng kiên nhẫn biết lắng nghe, phục thiện và quảng đại bao dung. Nếu không phải là một nhà tu hành đạt đến một trình độ cao thì cái tự ngã nó giam nhốt khối cố chấp dày đặc. Thầy không thể mở rộng cõi lòng tiếp nhận được giá trị nghệ thuật đâu. Mặt khác, chú đệ tử bé tí cũng đâu phải chú nhỏ thường, mà là một chân nhân hay bậc thiện hữu, nhờ đó giúp bức tranh của Thầy chú đạt đến nghệ thuật tuyệt mỹ.

5/ Tục ngữ có nhiều câu mang ý nghĩa tương tự như: thất bại là mẹ thành công, có chí thì nên, có công mài sắt có ngày nên kim v.v...Nhà nghệ sĩ tạo tác phẩm nghệ thuật đâu phải một sớm một chiều mà được; có nhiều lúc phải mất qua nhiều năm tháng dựng lên đập xuống hay phá hủy đi vì không hài lòng một vài chi tiết nào đó. Như vậy, nhà điêu khắc hay hội họa cần đòi hỏi khả năng sáng tạo, lòng kiên nhẫn và tánh bao dung không ỷ lại khinh người là ba yếu tố cần thiết giúp tay nghề của mình trở nên điêu luyện. Kosen đã là một vị thiền sư, Ông có quá nhiều kinh nghiệm sống đạo nuôi lớn làm đẹp tác phẩm nghệ thuật bằng hơi thở, cái nhìn thiền quán để nâng bức họa lên hàng kiệt phẩm lưu danh hậu thế.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý

 

1/ Ðệ nhất đế nói đủ là đệ nhất nghĩa đế, tức chân lý có ý nghĩa bậc nhất. Phật pháp có phân hai mặt:

a) Tục đế là pháp thế gian nên cũng còn gọi là thế đế để hàng phàm phu tu học thuộc về pháp hữu vi.

b) Chân (chơn) đế là pháp xuất thế gian để cho hàng thánh giả hay người xuất gia xét nét, ghi tâm. Do ý nghĩa cao siêu, huyền diệu nên gọi là đệ nhất nghĩa đế hay thắng nghĩa đế. Pháp này hoàn toàn không như "khổ đế" của tứ đế. Ðó là đệ nhất nghĩa đế gọi tắt là đệ nhất đế.

2/ Thế nào gọi là sự mâu thuẩn giữa nghệ thuật và tâm hồn ngây thơ của một chú tiểu?

Nghệ thuật là nghệ thuật, tâm hồn ngây thơ là ngây thơ nên không thể cho rằng có sự mâu thuẫn nào giữa nghệ thuật và tâm hồn ngây thơ trong trắng được. Bởi lẽ nhà nghệ sĩ vẽ tranh vì tâm hồn nghệ thuật, tức là nghệ thuật vị nghệ thuật. Nghệ thuật vì nghệ thuật, sống cho nghệ thuật, dâng hiến quên mình, có nhiều khi còn hy sinh cho nghệ thuật nữa là đằng khác! Mặt khác có nhiều lúc nghệ thuật cũng vì nhân sinh nữa (nghệ thuật vị nhân sinh). Phải chăng cuộc mạn đàm giữa Kosen và người đệ tử bé nhỏ cũng nhằm trong khía cạnh thứ hai này? 

3/ Ðó là con số tượng trưng trong Phật đạo, nêu lên 84 món phiền não sai sử chúng sanh đi trong 3 cõi: dục,  sắc và cõi vô sắc. Nói rộng ra có đến tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. Vì thế, Phật chế ra 84,000 pháp môn tu để đối trị những phiền não từ thô đến tế. Kosen phải ngừng lại đó, cũng như chúng sanh phải dừng ở cõi vô sắc theo tiến trình giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. 

4/ Cả hai thầy trò đều có công đóng góp vào tác phẩm nghệ thuật một phần giá trị nhất định đáng quí và đáng tán dương.

- Thầy Kosen là bậc thầy tầm cở hiếm hoi khó tìm trong thời đại chúng ta.

- Thầy biết lắng nghe và ghi nhận những lời phê bình, cho dù là lời của một chú tiểu, học trò trong số môn đệ của thầy.

- Thể hiện đức tánh từ bi nhẫn nhục cao, Thầy mới sẵn sàng đón nhận những lời chỉ trích thậm tệ của người học trò nhỏ.

- Người muốn nâng nghệ thuật lên hàng thượng đẳng nên quên mình mà chỉ sống cho nghệ thuật; còn về phần chú tiểu cũng phải nói là khá đặc biệt ở nhiều điểm:

- Chú dám mạnh bạo chỉ trích tác phẩm của thầy chưa đạt đúng mức nghệ thuật

- Tâm hồn chú trẻ thơ, nhưng hiểu giá trị nghệ thuật lại không phải là của chú tiểu nữa rồi.

- Nhờ tánh hồn nhiên của tuổi thơ mà Thầy chú không thấy có vấn đề...

- Chỉ có trò hiểu và Thầy hiểu chú mới mạnh miệng bạo gan thưa trình những việc tế nhị trong cuộc sống qua nét vẽ. Và nhờ đó chú đã giúp nâng tác phẩm của Thầy đạt đến chỗ là một kiệt tác. 

5/ Ðọc chuyện Milarepa xây nhà, do người chú khắc nghiệt thử thách cho tiến trình học huyền thuật của người cháu nhiều phiêu lưu mạo hiểm. Nhà đã xây lên lại phải đập phá, rồi xây lên trở lại cho tới lần thứ ba... cho thỏa mãn tâm cuồng vọng của người chú hay của chính bậc Thầy, để nung đúc chí hướng, thử thách lòng kiên trì của người học đạo không vì những khó khăn nhất thời mà thối chí nản lòng, bỏ cuộc. Kosen có lẽ ảnh hưởng sâu đậm nếp sống thiền gia và công hạnh tu trì đầy gian khó của các bậc Thầy tổ đức, nên đã cố gắng thể hiện sức ẩn nhẫn cao và sự làm việc tận tình qua tác phẩm trong những lần thất bại. Ðể cuối cùng, tác giả chỉ cần trầm tư cho tâm hồn chùng xuống vẽ phác mấy nét ngoạn mục, là đã đưa được tác phẩm của mình vào hàng nghệ thuật thượng thừa. 

 

 BÀI THAM KHẢO

INCH TIME FOOT GEM 

A lord asked Takuan, a Zen teacher, to suggest how he might pass the time. He felt his days very long attending his office and sitting stiffly to receive the homage of others.

Takuan wrote eight Chinese characters and gave them to the man:

Not twice this day

Inch time foot gem,

This day will not come again

Each minute is worth a priceless gem.

 

Dịch nghĩa

Một phân thời gian ngàn phân ngọc

Một lãnh chúa yêu cầu thiền sư Takuan, gợi ý cho ông làm cách nào để giết thời giờ.

Ông cảm thấy cuộc đời mình kéo dài lê thê trong việc theo dõi những công việc mòn vẹt chán nản ở văn phòng, và phải ngồi chết một chỗ ở đó để nhận sự tôn kính của những người khác.

Takuan viết cho vị lãnh chúa 8 chữ Nho:

Ngày này không đến hai lần

Một phân thời khắc, mười phân ngọc ngà

Ngày này không đến nữa mà

Một giây thời khắc, một nhà ngọc châu. 

CÂU HỎI GỢI Ý

1/ Bạn có suy nghĩ về tâm trạng vị lãnh chúa qua tháng năm làm việc?

2/ Sự suy nghĩ muốn giết thời giờ như thế có gì trái nghịch với câu ca dao:

Thời giờ như thể thoi đưa

Nó đi đi mãi có chờ đợi ai?

3/ Giá trị 8 chữ Nho của thiền sư Takuan qua 4 câu thơ như thế nào?

4/ Hãy so sánh giá trị thật giữa tiền bạc và thời gian qua cuộc sống?

5/ Bạn hiểu thế nào về yếu tố thời gian trong cuộc sống?

* Quốc Vinh (Vic.)

1) Khi làm một công việc quan trọng kéo dài năm này tháng nọ, tâm lý chung con người ai cũng muốn thay đổi, một phần là để rèn luyện năng khiếu mình cho tinh vi, hay đẹp, giỏi hơn hầu phục vụ được hữu hiệu hơn, một phần nữa là thư giản thân thể để không bị gò bó nơi khung cảnh làm việc quá mòn vẹt, độc điệu dễ sinh chán nản, khó chịu. . .

2) Suy nghĩ là một lẽ, thực tế có đáp ứng được điều suy nghĩ ấy hay không lại là một việc khác. Ðược địa vị là một lãnh chúa, người có quyền hành, có thuộc hạ, được người khác kính trọng nể vì. Nhưng ông vẫn mang tâm trạng đơn độc chán ngấy với ngần ấy công việc mỗi ngày, nên có ý muốn thâu ngắn bớt lại để khỏi phải khắc khoải chờ đợi kéo dài lâu hơn nữa.  Ðiều đó trái nghịch hẳn câu ca dao:

  Thời giờ như thể thoi đưa

  nó đi đi mãi có chờ đợi ai.

Vấn đề tùy theo mỗi công việc, nếu ta tự sắp xếp hẳn việc làm được linh động, thoải mái nên không còn để ý tới yếu tố thời gian. Trong trường hợp, công việc được chỉ định hay ngay cả điểm hẹn một người, khoảng thời gian có khác, do tâm trạng của ta nên trở thành vấn đề bàn thảo kéo dài không dứt.

3) Câu nói: "không ai tắm một khúc sông hai lần" để nói lên ý niệm thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Có thấy rõ điều đó mới biết giá trị và biết trân quí thời giờ như thế nào. Với người bận rộn trong công việc như cảm thấy không đủ thời giờ làm việc, còn kẻ không công rỗi nghề lại thấy thời giờ dài ra không biết làm gì cho hết. Thiền sư Takuan muốn cảnh tỉnh vị lãnh chúa rằng: "thì giờ là vàng bạc" còn quí hơn cả vàng nữa, đừng có phí thời giờ mà luống uổng để phải có sự hối tiếc về sau, vì thời giờ cứ đi mãi có chờ đợi ai.

4) Câu tục ngữ Việt Nam " thì giờ là vàng bạc" Dùng cách so sánh như thế e không xứng hợp bởi một số điểm sau:

1- vàng bạc hữu hình tính đếm được, thời giờ vô hình.

2- thời gian chờ ở sân ga không giống thời gian làm bài thi trong lớp.

3- Thời giờ chỉ có giá trị khi người biết tận dụng nó để hái ra tiền, phát minh, chế biến, nhưng vô giá trị đối với phạm nhân ngồi tù chung thân.

5) Tùy theo hoàn cảnh mỗi người mà yếu tố thời gian cũng góp phần không nhỏ trong cuộc sống chúng ta. Thà sống một ngày mà làm được nhiều việc lợi lạc, còn hơn sống lê thê cả trăm năm mà không giúp ích được gì vào tiến trình xây dựng xã hội, quốc gia, dân tộc hay đạo giáo... Một người sống hờ như thế hẳn thời gian trở nên vô vị, không thật sự mang lại được một ý nghĩa nào cao đẹp xứng đáng.

 

* Duy Học (Sydney)

1/ Trong bài, vị lãnh chúa cảm thấy ngày tháng kéo dài vô bổ, toàn công việc văn phòng và nhận sự cung kính của cấp dưới. Nên chi vị này mới tới thỉnh Thiền sư Takuan giúp cách giết thời giờ. Trong cuộc đời, những người bôn ba danh lợi, khi lên voi, khi xuống chó, cũng thường mắc phải các bệnh "nhàn cư vi bất thiện'. Khi không còn sức tranh đua, họ lại sa vào tửu điếm, bài bạc để giải sầu. Thế nhưng vị lãnh chúa đề cập ở đây là người thức tỉnh, nên mới cầu cứu thiền sư Takuan để giúp ông và chỉ cho ông cách dùng thì giờ hữu ích hơn là ngồi văn phòng quen thuộc.

2/ Ðúng vậy, thời gian như thể thoi đưa, như bóng câu qua cửa sổ, người Anh có câu "Time is money". Nếu cứ để thời gian qua đi mà chẳng làm gì  giúp ích cho tự thân, gia đình và xã hội, rồi khi vô thường tới, hỏi ta có còn xoay xở kịp chăng? Người xưa theo đạo Khổng có câu ' Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", nghĩ vậy ít ra con người cũng đã vạch ra một đường hướng cho cuộc sống, đóng góp vào xã hội và quốc gia dân tộc, xứng đáng là một người dân trong nước rồi. Câu "sự suy nghĩ muốn giết thời giờ" nên hiểu một cách tích cực, tức là một việc gì có lợi cho tự thân và tha nhân, chớ không phải giết thời giờ là tìm thú vui giả dối tạm bợ, thú vui vật chất đôi khi còn làm hại cả thân tâm là đàng khác.

3/ Bốn câu thơ của Thiền sư Takuan tặng cho vị lãnh chúa có ý nhắc vị này ngày nay qua đi không trở lại lần thứ hai, một phân thời gian là ngàn châu báu, ngày hôm nay qua rồi thì mất luôn, một phút xứng với viên ngọc vô giá! Thiền sư Takuan có ý nhắc thời gian là quý nhất, quý hơn cả ngọc và ngài khuyên chúng ta hãy dùng thời gian vào việc gì có ích cho tự thân và xã hội ngay bây giờ, chớ để thời gian qua đi rất uổng vì thời gian qua rồi không trở lại nữa.

4/ Trong cuộc sống, tiền bạc chỉ là vật để trao đổi, mua bán, dù có tích chứa cho lắm, cũng có khi hao tốn và mất hết! Vì tiền bạc châu báu là pháp hữu vi, vô thường, sinh diệt! Nếu ta quá quí trọng tiền bạc, coi nó hơn tình nghĩa thì ta sinh ra ích kỷ, keo kiệt! Tuy nhiên, nếu ta biết dùng tiền bạc thì tiền bạc sẽ giúp tạo công đức như dùng để tặng kẻ nghèo đói, cơ hàn, thiên tai lũ lụt, cháy rừng, động đất. . . và hộ trì Tam Bảo, xây chùa, tô tượng, đúc chuông, ấn tống kinh sách, v.v...

Còn thời giờ cũng là pháp hữu vi, tánh không, không chủ thể! Nay ta ở Sydney là ban ngày thì bên Âu Châu là ban đêm, giờ phút cũng thay đổi, không cố định. Thế nhưng nếu biết dùng thời giờ thì làm lợi vô số kể. Một sinh viên bỏ ra 4 năm học không phải vô bổ, có học mới trau dồi kiến thức, kỹ thuật để đóng góp cho cộng đồng, xã hội, còn nếu dùng 4 năm trên để đi làm cho qua ngày, rồi còn chơi bời xả láng, casino, cao lâu, tửu điếm hoặc hút xì ke, ma túy thì cái hại không thể lường được. Có hối hận thì đã quá muộn!

5/ Trong cuộc sống, thời gian là yếu tố cần thiết để tạo sự nghiệp, làm ra của cải, làm ra sản phẩm, giúp người, giúp đời. Thế nhưng ít người bỏ thời giờ ra để trau dồi, tâm linh. Phật dạy "Vô thường, khổ, không, vô ngã". Ðối với một tu sĩ hay Phật tử tại gia, thời gian hay thời khắc tu hành trong một ngày rất quan trọng. Dù tu Tịnh Ðộ, Mật tông hay Thiền tông ta không thể buông lung giải đãi, đến giờ tụng kinh, sám hối, trì chú, thiền tọa, quán tưởng ta phải nhớ và coi đó là việc quan trọng nhất không thể thiếu, trừ khi bị đau ốm hay gặp chuyện đột xuất. Còn khi tiếp duyên xúc cảnh phải cẩn thận, chớ để sáu trần lôi cuốn, quên mất bản tâm và sa vào hang quỉ! Khi ta đi biết đi, khi đứng biết đứng, khi trồng cây biết trồng cây..., chú tâm vào đó, chuyện dĩ vãng, tương lai bỏ qua một bên. Dĩ vãng khơi lại ký ức, tiếc nuối; còn tương lai chưa tới suy tư vô ích! Trong không khởi vọng niệm, ngoài không dính cảnh. Từ từ tâm vọng bặt và chơn tâm hiện ra. Còn niệm Phật phải niệm tới khi tâm không loạn, không loạn là vô niệm. "Di Ðà tự tánh" là đây, chứ tìm ở đâu mà có được? Tâm hết vọng là chơn tâm, đúng là "Duy Tâm Tịnh Ðộ", vì tâm tịnh thì độ tịnh vậy. Thiền và Tịnh đều gặp nhau ở điểm này.

 

NH

N XÉT GÓP Ý 

1- Trong cuộc sống chúng ta phải trải qua nhiều lần thay đổi. Có thay đổi mới có tiến bộ và đổi mới. Một người làm việc lâu năm mặc dù có địa vị, viên lãnh chúa vẫn không muốn dẫm chân tại chỗ, ngồi yên tại văn phòng để được cấp dưới tôn xưng là xếp dạ dạ vâng vâng cách mòn vẹt ấy. Ý ông muốn thay đổi tình trạng hiện tại, nhưng ước mong là một việc, còn thực hiện được ý nguyện hay không lại là một việc khác.

2- Các bậc Bồ Tát hiểu biết nhìn xa thấy rộng, biết nhận ra mình và hành động của chính mình thì yếu tố thời gian do tự quyết định theo ý mình. Vị Bồ Tát có thể xử dụng thời gian, không gian một cách tự tại, rút ngắn một kiếp thành một ngày mà cũng có thể kéo dài một phút giây thành vô lượng kiếp để hóa độ tất cả chúng sanh. Như vậy, thời gian dưới cái nhìn của bậc giác ngộ có khác với thời gian của thường tình thế nhân. Ai bảo:  

   Thời giờ như thể thoi đưa

  Nó đi đi mãi có chờ đợi ai

3 - Giá trị nghệ thuật, chỉ vỏn vẹn 8 chữ Hán diễn thành một bài thơ lục bát thật tuyệt vời.  Giá trị nội dung: bốn câu thơ diễn đạt ý nghĩa vô thường của đời sống mong manh qua yếu tố thời gian. So một phút thời gian bằng mười phân vàng, một giây bằng một nhà ngọc báu. Tại sao móc thời gian ít lại so giá trị châu báu nhiều đến như thế, có mâu thuẫn không?

4 - Càng so sánh càng sai lầm, và đi dần vào ngõ cụt không lối thoát. Thật vậy, tiền bạc là vật hữu hình cầm nắm, tính đếm được, thời giờ tuy hữu hình nhưng không thể cầm nắm, nhưng cũng tính đếm đo lường được. Tiền bạc ta tạo được bằng sức làm việc của mình để đổi lấy tương xứng số thời giờ đã bỏ ra. Như vậy, ta chỉ có thể tiêu xài, xử dụng thời giờ nhưng không tạo ra thì giờ được.

5 - Yếu tố thời gian qua cuộc sống hay đời người được chia ra làm 5 giai đoạn như:

- Thời tuổi thơ: từ 1 đến 5 tuổi

- Thời tuổi học trò: từ 5 đến 20 tuổi

- Thời thanh niên: từ 21 đến 40 tuổi

- Thời trung niên: từ 41 đến 59 tuổi

- Thời tuổi già: từ 60 tuổi trở đi.

Con người có thể tận dụng hết khoảng thời gian hiện hữu của mình trên trần thế sao cho có ý nghĩa, như thời đi học cần nỗ lực học tập tốt để thầy yêu bạn quí; thời ra đời làm việc phải đem hết khả năng đóng góp để xây dựng và tự tồn.

 

Bài THAM KHẢO

FLOWERSHOWER 

Subhuti was Buddha's disciple. He was able to understand the potency of emptiness, the view point that nothing exists except in its relationship of subjectively and objectivily.

One day Subhuti, in a mood of sublime emptiness, was sitting under a tree. Flowers began to fall about him.

"We are praising you for your discourse on emptiness" the gods whispered to him.

"But I have not spoken of emptiness", said Subhuti. "You have not spoken of emptiness, we have not heard emptiness". And blossoms showered upon Subhuti as rain.

 

Dịch nghĩa

Mưa hoa 

Tu Bồ Ðề là một đại đệ tử của Phật, ông có thể hiểu sâu tiềm thể của tánh không, lập trường này cho rằng không có gì hiện hữu trừ sự tương quan giữa chủ thể và khách thể.

Một hôm Tu Bồ Ðề đang ngồi dưới một gốc cây hoa, trong một tâm cảnh tánh không cao độ. Hoa bắt đầu rơi quanh ông.

Rồi có tiếng thì thầm của các thần bên tai "chúng tôi đang ca ngợi ngài về bài thuyết pháp tánh không của Ngài?

Tu Bồ Ðề đáp:

"Nhưng tôi không nói về tánh không?"

Tiếng thì thầm của các thần lại vang lên:

"Ngài không nói tánh không, chúng tôi cũng không nghe tánh không. Ðây mới thật là tánh không và hoa tiếp tục rơi xuống Tu Bồ Ðề như mưa. 

Câu  hỏi  gợ

i  ý

1/ Tu Bồ Ðề là một đại đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bạn biết gì về nhân vật đặc biệt này?

2/ Tánh không và không tánh giống hay khác nhau? Hãy giải thích theo quan điểm của bạn?

3/ Kinh Kim Cang, đoạn 3 phần chánh tông, Phật bảo Ngài Tu Bồ Ðề độ vô lượng chúng sanh mà không có chúng sanh được độ. Tại sao thế?

4/ Tại sao Phật bảo ngài Tu Bồ Ðề: "Nếu có người cho rằng, Như Lai có thuyết pháp, là hủy báng Như Lai; không hiểu nghĩa của Như Lai nói" (Kinh Kim Cang, đoạn 21).

5/ Bốn câu kệ trong kinh Kim Cang

" Nhứt thiết hữu vi pháp

   Như mộng huyễn bào ảnh

   Như lộ, diệc như điển

   Ưng tác như thị quán" 

 (Hết thảy các pháp hữu vi

  Như mộng, như bọt có gì chắc đâu

  Như sương, lằn chớp khác nào

  Quán xét như thế dẫn vào chân như)

Hãy giải thích mỗi câu và cho biết quan điểm của bạn.


 

* Quốc Vinh (Vic)

1/ Tu Bồ Ðề là một đại đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bạn biết gì về nhân vật đặc biệt nầy?

-Tu Bồ Ðề ở thành Vương xá nước Ma Kiệt Ðà là cháu của Trưởng giả Tu Ðạt (Cấp Cô Ðộc) gọi bằng bác ruột. Ông Tu Ðạt ở Xá vệ, xây cất Kỳ Viên Tinh Xá cúng dường Phật và tăng đoàn dùng làm đạo tràng hoằng pháp đầu tiên tại nước Kiều Tát La.

Theo truyền thuyết ngày Tôn giả Tu Bồ Ðề sinh ra bỗng nhiên của cải, vật dụng trong nhà đều biến mất. Người nhà rất lấy làm lo lắng tìm mời thầy tướng số tới xem điềm lành dữ ra sao. Xem quẻ xong, thầy nói: Ðây là điềm tốt, nhà quí gia chủ vừa sinh được quí tử. Lúc cậu quí tử này vừa sinh ra tất cả vàng bạc châu báu đều trở thành không, đó là điềm đại cát, tương lai chắc chắn cậu ấy sẽ không bị danh lợi của thế gian trói buộc. Vậy chúng ta có thể đặt tên cho cậu bé là Không Sinh hay Thiện Cát.

Ngay từ thời còn niên thiếu cậu bé Tu Bồ Ðề đã có cách nhìn đời và đối xử với mọi người rất khác thường.

- Dù sinh trong gia đình giàu có được cha mẹ cưng chìu, cậu bé không bao giờ để cho mình trở thành kẻ nô lệ vàng bạc của cải. Có tiền là cậu tìm dịp giúp đỡ kẻ nghèo khó; kể cả quần áo đang mặc cũng cho luôn cho những người đói kém cơ hàn, còn mình để thân trần cậu vẫn an nhiên.

Khi được đức Phật thâu nhận làm đệ tử, Tu Bồ Ðề cũng tỏ ra có những việc làm kỳ đặc, nếu không muốn nói là đi ra ngoài qui tắc của Tăng đoàn hay chủ trương của đức Phật.

- Khất thực chỉ chọn tới nhà người giàu, bỏ nhà nghèo. Ðược hỏi, Tu Bồ Ðề giải thích: người nghèo khổ tự nuôi sống gia đình đã khó khăn, vất vả rồi làm sao có dư để cúng dường chư Tăng. Ta đã không có thức ăn giúp đỡ họ thì thôi, lại còn bắt họ phải chịu thêm gánh nặng nữa. Việc làm này của tôn giả tương phản với tôn giả Ðại Ca Diếp. Tu Bồ Ðề chỉ xin ăn nhà giàu, không xin ăn nhà nghèo thì ngược lại, Ðại Ca Diếp chỉ xin ăn nhà nghèo mà không xin ăn nhà giàu. Theo như tôn giả Ðại Ca Diếp giải thích: thọ nhận sự cúng dường của thí chủ là tạo cơ hội cho họ làm tăng trưởng phước huệ mà đến khất thực ở những nhà nghèo là muốn cho họ gieo trồng phước đức, nhờ đó mà họ sẽ thoát được cảnh nghèo khổ trong kiếp vị lai; còn người giàu vốn họ đã có nhiều phước báu, hà tất ta phải thêm hoa cho gấm.

2/ Tánh không và không tánh giống hay khác nhau? Hãy giải thích theo quan điểm của bạn.

-Tánh không là khoa triết học Phật giáo thuộc hệ tư tưởng Ðại thừa qua nhân vật kỳ vĩ Long Thọ mà tác phẩm đồ sộ là bộ Trung quán luận hình thành hệ triết học Tánh không từ thế kỷ thứ hai tây lịch. Không tánh hẳn do quan niệm người đời nhận lầm rằng phá chấp đến chỗ sạch sành sanh để trở thành không như rỗng không hay ngoan không. Theo thiển ý, giữa hai cụm từ trên như hai đường thẳng song song mà không bao giờ gặp nhau cả.

3/ Kinh Kim Cang, đoạn 3 phần chánh tông, Phật bảo ngài Tu Bồ Ðề: độ vô lượng chúng sanh mà không có chúng sanh được độ. Tại sao thế?

Như ta biết, kinh Kim Cang chủ yếu nhắm tới phá chấp tướng không còn một mãnh mún cho dù cực nhỏ như vi trần. Bốn tướng chúng sanh hay đắm chấp là tướng ngã (ta), tướng nhơn (người), tướng chúng sanh và tướng thọ giả. Bồ Tát độ chúng sanh mà còn thấy có chúng sanh được độ là còn mắc kẹt vào chấp tướng, và như thế là chưa giải thoát được.

Do đó, Phật dạy rằng: "độ vô lượng chúng sanh mà không thấy có chúng sanh được độ". Ấy chính là độ chúng sanh.

4/ Tại sao Phật bảo Ngài Tu Bồ Ðề: "Nếu có người cho rằng, Như Lai có thuyết pháp, là hủy báng Như Lai; không hiểu nghĩa của Như Lai nói"?

-Thuyết pháp gồm có hai phần: năng thuyết tức người thuyết hay người chủ trương đem đạo lý rao giảng khắp đó đây để người tin theo. Có nhiều trường hợp người ta không tin lại bắt ép bằng mọi cách khiến cho tin; kể cả việc dùng thủ đoạn, ác tâm vẫn không từ nan. Người chủ trương như thế là thất nhân tâm, đâu thuyết phục được ai nữa. Và sở thuyết là pháp được nói ra phải cho phù hợp với khả năng trình độ người nghe, Phật đạo gọi là khế lý (hợp với chân lý) và khế cơ (hợp căn cơ người nghe); Như thế mới gọi là thuyết pháp đúng nghĩa. Nghĩ khác, chủ trương khác lời Phật dạy chính là hủy báng Phật mà Ngài thường dạy: "trong suốt bốn mươi chín năm hành đạo, ta chưa hề nói lời nào cả".

5/ Bốn câu kệ trong kinh Kim Cang :

"Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh.

Như lộ diệc như điển

Ưng tác như thị quán".

Giải thích và cho biết quan điểm bạn. 

- Hết thảy các  pháp hữu vi là pháp thế gian đều bị vô thường chi phối, không bền vững, không an ổn. Chúng sớm còn tối mất như giấc mộng, như sóng dồi trồi sụt xuống lên theo dòng đời lưu chuyển qua muôn hình vạn trạng và nhiều lớp đổi thay, chẳng khác nào như giọt sương mai trên đầu ngọn cỏ, khi ánh mặt trời lên là tan biến ngay hay cũng như làn chớp loé lên chói chang rồi  tắt ngúm trong chốc lát. Hãy quán sát mọi sự mọi vật ở thế gian này đều như thế để thấy đời vô thường, kiếp sống mong manh giả tạo mà lo tu tiến tìm cầu giải thoát khỏi trầm luân trong lục đạo luân hồi.

 

* Duy  Học (Sydney)

1/ Tu Bồ Ðề (Subhuti) là một trong mười đại đệ tử của Phật, đã đạt Giải Không Ðệ Nhất. Khi mới sanh, Tu Bồ Ðề được một Thầy tướng bảo đó là điều cực lành. Cha mẹ Ngài đặt tên cho Ngài là Tu Bồ Ðề, nghĩa là không sanh, cũng có nghĩa là Thiện Cát (tốt lành) và Thiện Hiện (hiện điềm tốt). Ngài sanh trong một gia đình giàu có, cha mẹ Ngài rất cưng chìu, cho tiêu tiền thoải mái. Hễ có tiền, Ngài lại mang đi tặng người nghèo khó, có khi cởi luôn quần áo tặng người hành khất! Vì tính ưa bố thí, cha mẹ ngài giữ luôn ngài trong nhà, do vậy Ngài nghiền ngẫm triết học và tôn giáo Ấn Ðộ. Một hôm, nghe tin Ðức Thế Tôn đến quê hương Ngài để giáo hóa, ngài liền đến yết kiến và xin quy y Phật, xuất gia theo Phật. Tu Bồ Ðề với bản tính thông minh, từ bi, thâm nhập Phật pháp mau lẹ, hành bố thí vô tướng, độ sanh vô ngã, không còn bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Tu Bồ Ðề không còn vướng vào chấp pháp và chấp ngã và đạt lý Không, được xưng là người Giải Không Ðệ Nhất.

2/ Lý TÁNH KHÔNG trong hệ Bát Nhã đã được diễn giải và kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật đã được tụng ngày đêm tại các chùa, thế nhưng có thấu triệt lý Không và tu hạnh Bát Nhã mới thực sự có lợi và đưa mình tới giải thoát sanh tử. Học Bát Nhã cần qua 3 giai đoạn:

-    Văn tự Bát Nhã

-    Quán chiếu Bát Nhã

-    Thật tướng Bát Nhã

Trong câu đầu của Tâm kinh Bát Nhã, chúng ta đã thấy Bồ Tát Quán Tự Tại, khi dùng trí tuệ soi xét cái thân năm uẩn, thấy nó là duyên hợp, không có chủ, không thật thể, tức không thật có, thì Ngài vượt qua hết cả khổ nạn. Ðã duyên hợp, không thật thể nếu thân tâm vô ngã, năm uẩn do nhân duyên hợp lại nên tạm có, nhân duyên hết thân ta hoại diệt! Như vậy dùng trí Bát Nhã quán xét thấy thân ngũ uẩn duyên hợp tạm bợ, thể tánh là Không, tức Tánh Không vậy.

Trở lại kinh A Hàm, Phật dạy người nào thấy được lý Nhân Duyên là người ấy thấy đạo, mà thấy đạo là thấy được Phật. Thật vậy, thân người do tứ đại hợp thành, gồm đất là xương, thịt, da, gân... nước là máu, đờm, dãi, nước tiểu..., gió là cử động, hơi thở ra, vào... và lửa là hơi ấm trong người. Thiếu một chất, thân ta phải hủy hoại, tỷ dụ không thở thì ta sống được mấy phút? Do quán xét ta thấy thân mình do 4 duyên kết lại, đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì mất! Nhìn ra mọi vật như cái bàn gỗ, cũng do các duyên như gỗ, đánh verni, thợ mộc, bào, cưa ... mà thành cái bàn. Cái nhà, ngôi chùa cũng do gạch, cát, xi măng, tôn, gỗ, sắt, thợ mới làm ra căn nhà, ngôi chùa. Tóm lại các pháp (người, vật, cảnh...) đều do nhân duyên, giả có, không chủ nên Vô Ngã, không thật thể nên Tánh Không. Khi đã rõ các pháp không thật có thì chúng ta đâu còn gì để chấp và việc tu sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Nay tới ‘Không Tánh’ tức ‘Thực Tướng Bát Nhã’. Làm sao đạt tới không tánh? Khi đọc tụng Bát Nhã và hiểu lý Bát Nhã mới tới cửa, chưa thể vô trong nhà được. Muốn qua sông sanh tử, cần phải dùng thuyền Bát Nhã. Có thuyền phải chèo thuyền, cố gắng vượt sóng gió mới tới bờ bên kia được. Áp dụng vào tu Thiền, dùng thuyền là Trí Bát Nhã, bơi chèo là việc quán chiếu, tức dẹp bỏ tam độc tham sân si và kiến chấp, cho tới khi nào tâm vọng và cảnh vọng lắng sạch, tức tâm cảnh như như, không còn năng sở, tới lúc đó mới đạt Không Tánh. Không Tánh là thực tướng Bát Nhã, không sanh, không diệt, là cảnh giới của người giác ngộ, trạng thái thanh tịnh Niết Bàn vậy. Xin tự nhắc, tu theo hạnh Bát Nhã phải có ý chí quyết liệt, buông xả mọi vọng niệm từ thô đến tế, để đạt Ngã Không và có ý chí lìa tướng để đạt Pháp Không. Vì hai thứ chấp ngã và chấp pháp rất kiên cố, phải dùng thuốc ‘Dứt Cơ Quên Kiến’ để đạt Vô Tâm, không động, không niệm liền tới Niết Bàn vậy.

3/ Trong đoạn 3 thuộc Kinh Kim Cang, Phật bảo Ngài Tu Bồ Ðề: ‘Ðộ vô lượng chúng sanh mà không có chúng sanh được độ’. Tại sao vậy? Khi chúng ta nghĩ về người, về chúng sanh, tất nhiên chúng ta có niệm về người thật, chúng sanh thật. Tu thiền mà còn niệm là còn chấp, còn tu Bồ Tát hạnh phải phá chấp bốn tướng, tức không còn chấp tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh và tướng thọ giả. Còn giữ bốn tướng là còn ngã, còn pháp. Chỗ này là chỗ kẹt!! Cho nên mở gút thì phải phá chấp, tức độ chúng sanh mà không thấy ta là người độ và chúng sanh được độ, tức không dấy niệm khi hành bố thí, đó là bỏ chấp ngã tướng và chúng sanh tướng vậy. Bồ Tát độ chúng sanh đã coi các pháp là phương tiện, giả lập, nên không kẹt và luôn được tự tại!

4/ Trong đoạn 21 thuộc Kinh Kim Cang, Phật bảo Ngài Tu Bồ Ðề "Nếu có người cho rằng Như Lai có thuyết pháp là hủy báng Như Lai, không hiểu nghĩa của Như lai nói" Câu này có ý nói lìa năng thuyết và sở thuyết". Năng thuyết là Phật thuyết và sở thuyết là pháp do Phật nói. Phật cũng có thân duyên hợp, đất, nước, gió, lửa hợp lại như chúng ta, mà chúng ta lại tin thân Phật là Phật, vậy chúng ta có phản bội Phật không? Có phản bội tức là hủy báng Phật rồi! Nếu thân Phật đã không thật thì pháp Phật nói đâu có thật, chỉ là phương tiện giả lập, cũng như tùy bệnh cho thuốc mà thôi. Tóm lại năng sở không thật mà ta cứ cho là thật, đó là hủy báng Như Lai chứ còn gì nữa? Tất cả người, vật, cảnh, lời nói, thuyết đều là tướng duyên hợp, giả lập, giả tướng, hiểu vậy mới không lỗi, còn trái lại thì có lỗi, là phỉ báng Như Lai vậy!

5/ Bốn câu kệ trong kinh Kim Cang là:

‘Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ, diệc như điển

Ưng tác như thị quán’

Hai câu đầu nói các pháp hữu vi ở trong con người hay ngoài con người như mộng, ảo, bọt, bóng đi qua rất mau, không thật! Các pháp hữu vi ý nói thân chúng ta tạm bợ, tâm yêu ghét của chúng ta và cảnh sống này đều duyên hợp, giả có, chớ có chấp là thật, chớ tham luyến, mà tạo nghiệp sanh tử luân hồi! Hai câu chót ý nhắc chúng ta các pháp như giọt sương ban mai, hễ có nắng là tan, như tia chớp qua rất mau, ý nói thân người, danh lợi, phú quí, v.v... chỉ hiện ra trong chốc lát rồi tan biến mất, có gì là bền đâu?

Tóm lại, Phật nhắc chúng ta phải bỏ chấp tướng, các pháp đều không chủ, không ngã, có gì đâu mà tham đắm?

Hẳn các bạn sẽ tự hỏi ‘vậy bỏ chấp tướng thì phải làm gì? Xin dẫn chứng một đoạn trong Tâm Kinh Bát Nhã: ‘Tam thế chư Phật, y Bát Nhã Ba La Mật đa cố, đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ Ðề’. Có tu thì có đắc quả vị Phật. Thêm một hàng nữa thuộc đoạn 23 Kinh Kim Cang, Phật dạy ‘Do không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, tu tất cả pháp lành tức đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác’. Thật rõ ràng! Các pháp lành là gì? Là tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa, đọc chú, sám hối, bố thí, giúp đỡ an ủi các người khổ, đói, nghèo, tàn tật, v.v..., giúp theo hạnh Vô Duyên Từ, không kẹt bốn tướng, chẳng chấp ngã pháp, tất nhiên phiền não, vọng tâm sẽ tiêu tan. Rồi ngày nào đó tâm thể rỗng lặng, bừng sáng,  đạt vô tâm, vô sanh! Lá rụng về cội, thỏng tay vào chợ là chỗ này vậy!

 

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Tu Bồ Ðề ngay từ lúc còn thơ ấu chưa xuất gia, đã có những tư tưởng kỳ đặc, khác thường. Ðến khi được xuất gia vào trong tăng đoàn tư tưởng xuất chúng lại càng nổi bật hơn mà mở đầu kinh Kim Cang Tu Bồ Ðề hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, làm thế nào hàng phục vọng tâm, cùng an trụ chân tâm?

Câu hỏi làm cho nhiều người  cháng váng tối tăm mày mặt, phi đức Phật không ai đủ tầm vóc trả lời thoả đáng vấn đề lớn chuyên chở được hết mọi nghi vấn về cái "tâm viên ý mã" của con người và cuộc tồn sinh chính nó. Cái tâm phóng túng ném ta xuống tận cùng hố thẳm vực sâu, nên phải bị trầm thống muôn kiếp nghìn đời trôi lăn trong mê lộ. Nay đức Phật dạy rằng "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Phải vô sở trụ sanh tâm để được an trụ trong chân tâm như Tu Bồ Ðề đạt được TÁNH KHÔNG vậy. 

2/ Chỉ những ai chưa làm quen với danh từ triết học về Tánh không có thể dễ hiểu lầm với Không tánh là một; thực ra chúng khác nhau khá rõ rệt, một bên là những hệ lụy triền phược của pháp hữu vi do tâm hành giả chưa quán triệt cho rằng các pháp đến tận cùng là rỗng không trơ trọi. Trong khi Tánh Không chủ trương "nhứt thiết pháp không",  là phủ định biện chứng, phủ định liên hồi, phủ định cái phủ định, và cuối cùng, là phủ định luôn cả sự hiện hữu của chính nó. Ðể hiểu về Tánh Không phải nghiên cứu pháp Duyên khởi mới dẫn đến tri nhận thực tại của vạn pháp. Duyên khởi trên mặt hiển thị, là hiện tượng của Tánh không; và Tánh không, trên cái nhìn tuyệt đối, là bản chất của Duyên khởi. Hễ cái này có, cái kia mới có; cái này không, cái kia không - Cùng sinh khởi và cùng hiện hữu. Tâm kinh Bát Nhã nói: "viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn", để nói lên Tánh không là một loại thể tánh đặc thù -luôn luôn phá hủy chính nó, phá hủy liên hồi cuối cùng nó viễn ly (xa lìa) mọi tự tính, mọi tự tướng. 

3/ Ðộ chúng sanh mà không thấy có chúng sanh được độ, đó mới chính thật là độ chúng sanh. Vì nếu còn phân biệt độ sanh là còn tâm nhân ngã, bỉ thử chấp bám ta người chưa thoát ra ngoài vòng đối đãi thường tình. Phật dạy rằng, người làm việc bố thí phải nghĩ tới "tam luân không tịch" giữa người thí, vật bố thí và kẻ nhận của bố thí, cả ba phải thuần tịnh vắng lặng, mới xứng với ý nghĩa bố thí không chấp tướng. 

4/ Từ Như Lai định nghĩa như thế này: "Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai" - Như Lai là không từ đâu đến, cũng không đi đâu, nên gọi là Như Lai. Ðã xác lập rõ tính chất như thế, lại cố gán cho Như Lai có thuyết pháp là vô tình hủy báng Phật. Thuyết mà không thuyết, vì các pháp duyên hợp; không thuyết mà thuyết, do chúng sanh cần nương theo pháp như ngón tay chỉ mặt trăng. Khi thấy được mặt trăng, ngón tay không còn cần thiết nữa. 

5/ Các pháp hữu vi duyên hợp hình thành qua bốn trạng thái: thành, trú, hoại, không hoặc sanh, trụ, dị, diệt; cũng như giấc mộng trong chiêm bao, có đó rồi mất đó, như đợt sóng ngoài khơi trồi lên hụp xuống xua đuổi vào bờ liền tan biến. Tất cả mọi hiện tượng hữu hình chẳng khác gì giọt sương mai trên đầu ngọn cỏ, hể ánh mặt trời lên là sạch sành sanh không còn gì sương móc hay như lằn chớp lóe lên lại vụt tắt ngúm nhanh chỉ trong gang tấc. Ðó là những gì mà hành giả cần nên quán chiếu để soi sáng tự thân tâm ngỏ hầu tìm đến an lạc giải thoát.  

Bài tham khảo

THE TRUE PATH 

Just before Ninakawa passed away, the zen master Ikkyu visited him. "Shall I lead you on? " Ikkyu asked.

Ninakawa replied: "I came here alone and I go alone. What help could you be to me? "

Ikkyu answered: If you think you really come and go, that is your delusion. Let me show you the path on which there is no coming and no going".

With his words, Ikkyu had revealed the path so clearly that Ninakawa smiled and passed away.

 

Dịch nghĩa

Thật đạo 

Trước khi Ninakawa qua đời, thiền sư Ikkyu tới thăm, Ikkyu hỏi: "Tôi sẽ độ thầy?"

"Tôi đến đây một mình và ra đi một mình. Thầy có thể giúp tôi được gì?"

Ikkyu nói:

"Nếu thầy nghĩ rằng thầy có đến có đi, đó là một ảo tưởng của thầy. Hãy để tôi chỉ thầy con đường không đến không đi.

Với những lời nầy, Ikkyu đã vén màn mở một con đường trong sáng và Ninakawa mỉm cười ra đi... 

 

Câu hỏi gợ

i ý 

1/  Bạn đã có khi nào nghĩ tới cái chết? Tại sao?

2/  Tình pháp lữ giữa Ikkyu và Ninakawa qua cuộc đối thoại ngắn ngủi trước giờ từ giả cõi đời còn lưu lại một dấu ấn nào không?

3/  Ninakawa biết "dự tri thời chí" và có chuẩn bị cuộc hành trình ra đi của mình. Bạn nghĩ sao?

4/  Câu nói: "Lúc đến ta không mang theo gì, khi đi cũng chỉ hai bàn tay không", có giống câu nói "Tôi đến đây một mình và ra đi một mình" của Ninakawa không? Có phải chăng người ra đi rủ bỏ lại tất cả không luyến chấp một món gì ở đời này?

5/ Lời khai thị của Ikkyu là trợ lực cần thiết giúp Ninakawa ra đi được nhẹ nhàng thanh thoát?

 * Duy Học (Sydney)

1/ Bạn đã có khi nào nghĩ đến cái chết? Tại sao?

- Con người tạo nghiệp phải trả nghiệp, cho nên phải chịu sinh, lão, bệnh, tử và phải chấp nhận cái chết. Tuy nhiên, nếu có tu học Phật Pháp, hành giả không quá lo sợ về cái chết, vì chết chỉ là thay đổi hình tướng từ kiếp này qua kiếp khác, mà chết chẳng phải hết! Nếu tu cho tới rốt ráo, hành giả có hy vọng thoát sinh tử, bỏ báo thân rồi thì liền về một cõi tịnh nào mà họ đã nguyện, có thể là cõi trời, có thể là Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Ðà v.v..

2/ Tình pháp lữ giữa Ikkyu và Ninakawa qua cuộc đối thoại ngắn ngủi trước giờ từ giã cõi đời còn lưu lại một dấu ấn nào không?

- Tình pháp lữ giữa Ikkyu và Ninakawa rất thắm thiết, vì khi Ninakawa hấp hối, Thiền sư Ikkyu đã tới thăm ông và chỉ cho ông một con đường thù thắng khiến ông rũ sạch kiến chấp để ra đi thanh thản nhẹ nhàng.

3/ Ninakawa biết “dự tri thời chí” và có chuẩn bị cuộc hành trình ra đi của mình. Bạn nghĩ sao?

- Ninakawa đã nói với Thiền sư Ikkyu rằng “tôi đến đây một mình và ra đi một mình”, chứng tỏ ông trong sạch, không mong cầu cái gì cho riêng mình, tạm hiểu khi sống ông sống tri túc, chẳng màng danh lợi. Tuy vậy ông còn kẹt chấp “có đến, có đi, tức vẫn còn chấp ngã, chấp pháp, chưa thể buông bỏ được.”

4/ Câu nói: "Lúc đến ta không mang theo gì, khi đi cũng chỉ hai bàn tay không", có giống câu nói: "Tôi đến đây một mình và ra đi một mình của Ninakawa không? Có phải chăng người ra đi rũ bỏ lại tất cả không luyến chấp một món gì ở đời này?"

- Câu này gần giống câu trên – câu “lúc đến ta không mang theo gì, khi đi cũng chỉ hai bàn tay không”  giống câu “Tôi đến đây một mình và ra đi một mình. Ðã đành ông Ninakawa đã không tham luyến một cái gì ở cõi đời, nhưng còn chấp “tôi đến và ra đi một mình” chứng tỏ ông còn cái Ngã, mà còn Ngã thì làm sao giải thoát được? Vì còn Ngã nên ông mới nói ra cảm nghĩ của ông. Nếu đạt Ngã không tức thấy tánh, tức giải thoát, ông sẽ tự tại ra đi mà không thắc mắc chi cả.

5/ Lời khai thị của thiền sư Ikkyu là một trợ lực cần thiết giúp Ninakawa ra đi được nhẹ nhàng thanh thoát?

- Lời khai thị của Thiền sư Ikkyu là một trợ lực cần thiết đã giúp ông Ninakawa tỉnh thức ra, cần xả mọi vọng niệm phân biệt và kiến chấp, khiến tâm ông rỗng rang, bừng sáng, đạt vô niệm, mà vô niệm tức vô sanh, tức niết bàn vậy. 

* Quốc Vinh (Vic.)

1/ Nói đến chết phần đông ưa né tránh, ít có người chịu đề cập tới, nói chi còn nghĩ ngợi làm gì. Ngay cả đức Khổng tử được học trò là Tử Cống hỏi về sự chết đã trả lời rằng, cái sống chưa lo, đâu nhọc lòng nghĩ cái chết làm gì. Người ta ít ai nghĩ tới cái chết vì một phần là sợ chết. Chết là cái gì xa xôi chưa phải để cho ta bận tâm tới- theo qua niệm xưa chết cũng có nghĩa là điềm gỡ, việc xấu nên cần né tránh được chừng nào hay chừng đó.

2/ Ikkyu và Ninakawa là hai người bạn đạo sống bằng tình pháp lữ gắn bó như sợi dây vô hình tuy lõng lẽo đơn sơ, nhưng bền chặt keo sơn. Ikkyu vừa là bậc Thầy và cũng là người bạn, giúp Ninakawa thấy con đường sáng trước giờ lâm chung, nên đã nhẹ nhàng ra đi trong sự thanh thoát an lạc, không còn sót lại một niệm hồ nghi, luyến tiếc gì trên cuộc đời này nữa.

3/ Dự tri thời chí, có nghĩa là biết trước giờ chết và chuẩn bị mọi việc sẵn sàng. Chẳng hạn như làm di chúc sẵn, niệm Phật, tụng kinh, tọa thiền, tắm rửa sạch sẽ, ăn uống no nê v.v... hay kỹ lưỡng hơn là căn dặn người thân đừng than khóc, buồn lòng. Nói cách khác, một người không sợ chết, tỉnh táo ra đi vào giờ cuối, có thể nói đó là người đã sẵn sàng đối với cái chết tự nhiên, tự tại.

4/ Trừ những ai giả hiệu Thiền sư mới mang tâm đắm chấp và nhiễm trước mọi thứ trên đời. Là một thiền sư đúng nghĩa, kể cả thân xác còn sẵn sàng hiến dâng cho đạo pháp, huống gì là những vật chất tầm thường lại bám víu, không buông xả được ư? Nhà mô phạm mà không làm gương cho người phàm thường là một chướng ngại lớn trong tiến trình hoằng dương Phật pháp lâu dài.

5/ Có thể con đường có đến có đi là con đường quen thuộc của hai lối đi về sanh tử, còn bị kẹt trong vòng đối đãi của kiếp nhân sinh. Con đường không đến không đi là con đường hướng đến Niết Bàn an lạc, vượt ra ngoài mọi hệ lụy câu thúc của thường phàm thế nhân. Hẳn Ikkyu đứng trên tư thế này giúp Ninakawa đạt thành tâm nguyện vào giờ phút cuối trong cuộc đời. 

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Giữa sự sống và cái chết chỉ hạn giới bằng hơi thở, một hơi thở ra không hít vào  được nữa là kết thúc một đời . Những ai tu hành chân chính không những luôn nghĩ đến cái chết của mình mà còn nên lấy cái chết của người quán sát nữõa. Tại sao? Vì quán sát xác chết, thây ma, nghĩa địa, phòng thí nghiệm, lò thiêu, nhà thương v.v... học hỏi đượïc nhiều bài học đáng giá. Quán xét hay niệm nghĩ tới cái chết có 5 điều lợïi.

a- Giúp ta diệt trừø dục ái và tham ái

b-     Ý thức đời là vô thường giả hợïp

c-     Nhận chân thân tứ đại là một hợïp chất không tinh sạch mà đầy nhơ uế

d-     Luôn cảnh giác mình để diệt bớt bản ngã

e-      Như sẵn sàng trút bỏ ra đi trong sự an lạc hoan hỷ.

Xin dẫn câu chuyện xưa ngày Phật còn tại thế, cũng vấn đề luận về sống chết, Ngài hỏi chúng Tỳ kheo. Mạng người tồn tại được bao lâu?

-   Một vị đáp: mạng người tồn tại trong 100 năm.

-   Phật nói: ông chỉ mới đúng một phần.

-   Một Tỳ kheo khác đáp: mạng người vô thường chưa biết dài vắn ra sao.

-   Phật bảo: ông chỉ hiểu phân nửa vấn đề.

-   Vị Tỳ kheo thứ ba nói:

-   Bạch Ngài, mạng người tồn tại qua hơi thở.

-   Phật khen: đúng đấy! Ông mới thật hiểu pháp Như lai.

2. Ở thế gian có nhiều thứ tình, như tình cha con, mẫu tử, tình anh chị em, bà con chú bác, cô dì, bằng hữu, quốc gia, dân tộc, đồng bào và tình yêu nam nữ... Ở trong đạo cũng có nhiều thứ tình như tình sư đệ hay thầy trò, tình pháp lữ hay huynh đệ, môn phái và tình đạo pháp. Nói gọn trong hai chữ “Ðạo tình” là bao gồm được hết những thứ tình vừa nói. Có điều là mọi thứ tình đời không có tình nào cao đẹp và siêu việt bằng tình đạo mà pháp lữ là một trong mối đạo tình thiêng liêng ấy. Mối đạo tình này có liên quan gắn liền tới tình Linh Sơn cốt nhục, để cho ta có dịp hình dung lại khung cảnh hội thuyết pháp của Ðức Phật tại núi Linh Thứu-Ấn Ðộ khi xưa với hàng ngàn chúng đệ tử dự nghe. Nhờ mối đạo tình sư đệ, pháp lữ... ấy chan hòa mãi cho đến tận ngàn sau mà người con Phật không thể nào quên được. 

3- Có cuộc ra đi nào thiếu chuẩn bị mà thành tựu tốt đẹp đâu, kể cả ra đi du lịch chỉ một vài ngày, một tuần hay một tháng. Nếu không có chuẩn bị mọi việc ta quên trước thiếu sau, chuyến đi không được thoải mái, tự nhiên. Ði gần ít ngày và ở ngay tại đây còn thế, huống nữa đi xa và đi vĩnh viễn lại thiếu chuẩn bị ư? Nếu như thế, nhưng vẫn còn tùy nghiệp lực mỗi người. Xét cho cùng, số người dự liệu cụ bị mọi việc cho ngày ra đi ở trên đời cũng chỉ là thiểu số, và hẳn trong số có thiền sư Ninakawa. 

4- Ðến như không đến, đi như không đi mới là đến đi tự tại. Như con chim nhạn bay qua trong bầu trời không còn lưu lại dấu chân (nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô lưu tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm); người học hạnh xã ly phải nhận chân ra điểm cốt lõi này mới phá vỡ được hết vô minh vọng hoặc. Chẳng trách nào Ikkyu bảo sư Ninakawa: “ý tưởng cho rằng có đến đi là một ảo tưởng”, nó không giúp gì cho tiến trình giải thoát cả.

Ðiều này đã giúp Ninakawa tĩnh ngộ, trút bỏ hết tất cả để ra đi không một niệm lưu luyến trước sự chứng kiến của Ikkyu và đại chúng. 

5- Như một bát nước đã đổ đầy. Hành giả hay đương sự mới là người quyết định tối hậu trong tiến trình đạt đến giải thoát rốt ráo; ngoài ra, cũng chỉ là những trợ duyên cần thiết mà thôi. Nếu Ikkyu ngày còn sanh tiền hay lúc mạnh khỏe không nỗ lực quyết chí tu tập dự liệu ngày ra đi, tức là không chuẩn bị tư lương hay hành trang và ý thức cương quyết thì những trợ lực của người khác cũng chẳng khác nào gió thoảng giữa hư không mà thôi.

 

BÀI THAM KHẢO

A DROP OF WATER 

A Zen master named Gisan asked a young student to bring him a pail of water to cool his bath.

The student brought the water and, after cooling the bath, threw on to the ground the little that was left over.

"You dunce!" The master scolded him "Why didn't you give the rest of the water to the plants?" What right have you waste even a drop of water in this temple?

The young student attained Zen in that instant. He changed his name to Tekisui, which means a drop of water.

 

Dịch nghĩa

Một giọt nước

 Một thiền sư tên gọi là Gisan bảo một chú tiểu mang cho ông một thùng nước để dội mát phòng tắm của ông. Chú tiểu mang nước tới và sau khi dội mát phòng tắm xong, đổ trên mặt đất tí nước còn lại trong thùng.

"Con ngu quá!" Gisan mắng: "Tại sao con không đem nước thừa tưới cây?" " Con có quyền gì phí phạm ngay cả một giọt nước trong chùa này?"

Ngay lúc đó chú tiểu giác ngộ. Chú đổi tên là Ðích Thủy (Tekisui) có nghĩa là một giọt nước. 

CÂU HỎI GỢI Ý

1)

Bạn biết gì về nước hãy cho biết khái niệm theo ý bạn. Có bao nhiêu loại nước?

2)

Thế nào là thiếu nước? Thế nào là thừa nước? Ai cung cấp nước đến cho ta dùng?

3)

Nước có phải là một loại nhu cầu thiết yếu cho đời sống? Tại sao?

4)

Phật dạy La Hầu La lấy nước cho Phật rửa chân nhằm một bài học gì? Bạn có nhận chân ra giá trị đích thực qua câu chuyện này không?

5)

Tekisui giác ngộ nhờ động cơ lời mắng trách của Thầy Gisan? Bạn đồng ý? 

* Duy Học (Randwick)

1- Bạn biết gì về nước, hãy cho biết khái niệm theo ý bạn có bao nhiêu loại nước?

- Chữ nước có nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo trường hợp nhưng tạm thời chia ra hai loại:

a/ Trong đời sống, ta phân biệt ra nước ngọt, nước mặn. Nước ngọt có từ nước mưa, nước ao, hồ, suối, sông v.v... Nước mặn có từ biển. Dù mặn hay ngọt, nước rất cần cho muôn loài, cho cây cỏ, không có nước muôn loài và cây cỏ không thể tồn tại được.

b/ Trong đạo pháp: ta cũng phân biệt ra nhiều thứ nước, tỷ dụ nước bất tịnh, nước tịnh, nước cam lồ, nước ái, nước ao Liên Trì v.v...

2- Thế nào là thiếu nước? thế nào là thừa nước? Ai cung cấp nước đến cho ta dùng?

Trên trái đất, những nước gần đường xích đạo hoặc có sa mạc thường thiếu nước, nên chi dân không thể ở đó và cây cối, sông ngòi cũng không thể hiện hữu. Những vùng dư nước là vùng gần biển, hoặc có nhiều rừng, vì cây cối giữ được nước và các cơn mưa thường có ở các vùng này.

Cơ quan cung cấp nước thuộc chính phủ. Ở Úc chính phủ đã hô hào dân chúng nên tiết kiệm nước không được phung phí: tưới cây và rửa xe tự do sẽ bị phạt tiền! Lý do: muốn sản xuất nước, chính phủ phải có tiền, phải lập ngân quỹ tiền do dân đóng thuế. Tiết kiệm nước là một cách giảm thuế, còn xài nước phí phạm là phải trả thêm thuế.

3- Nước có phải là một loại nhu cầu thiết yếu cho đời sống? Tại sao?

Nước là một nhu cầu tối yếu cho đời sống con người, các động vật khác, thực vật và cả khoáng vật nữa. Mỗi ngày một người cần tới 2-3 lít nước, súc vật như trâu bò ngựa ... cũng uống nước. Cây cối mọc lên được cũng nhờ nước. Còn cát đá có cần nước chăng? Khi làm một con đường, chính phủ dùng khá nhiều nước tưới, nếu không có độ ẩm, làm sao đất, cát, đá, sỏi dính vào nhau?

Dưới lòng đất cũng có những khe mạch, giếng xen kẻ, do đó mà có nước suối, nước mạch vọt lên. Ở Úc, dân dùng khá nhiều nước suối để uống, để tắm v.v...Ta cứ tưởng tượng nếu không có nước, loài người, súc vật, cây cối tồn tại được bao lâu? Nước cạn, hành tinh này sẽ biến thành một hành tinh chết, không chết lẹ mà chết từ từ ! 

4- Phật dạy La Hầu La lấy nước cho Phật rửa chân nhằm một bài học gì? Bạn có nhận chân ra giá trị đích thực qua câu chuyện này không?

-   Ðọc lịch sử Phật và các đại đệ tử Phật, ai cũng đã rõ La Hầu La lúc thơ ấu rất cứng đầu, khó dạy, thích chọc ghẹo người khác, nên Phật đã phải giao La Hầu La cho Ngài Xá Lợi Phất trông nom, dạy bảo dùm. Sau này La Hầu La lớn lên, theo sát Ngài nên tu thành công, từ bi trí tuệ sáng ngời, năm 20 tuổi đắc A La Hán, nổi danh là "mật hạnh đệ nhất". Trở lại câu hỏi trên, Phật dạy La Hầu La lấy nước cho Phật rửa chân nhằm nhắc La Hầu La một bài học, đó là nên học đức lễ độ, khiêm nhường và vô ngã. Dù tu tại gia hay xuất gia, thiếu 3 đức trên rất khó thành công. Có lễ độ và khiêm nhường hành giả mới có khả năng giữ giới và kính trọng sư phụ và các bậc tôn túc; có giữ hạnh vô ngã mới dễ hòa mình vào Tăng và chúng để sống trong lục hòa một cách tích cực. Hạnh vô ngã còn giúp hành giả coi thân mình là dụng, không ngại khổ, hành từ bi nhẫn nhục để tiến tới đắc quả. Có vô ngã mới rõ các pháp căn trần, thức là duyên hợp, hư dối, đối đãi. Nhờ đó mà có can đảm, chịu khổ, chịu nhục không than van, để tu hành miên mật tiến tới giải thoát vậy! 

5- Tekisui giác ngộ nhờ động cơ lời mắng trách của Thầy Gisan? Bạn đồng ý?

- Tekisui đã bị thầy Gisan quở trách , nhờ vậy mà tỉnh ngộ ra hai điều như sau:

a/ Nước dùng ở chùa cũng như các tiện nghi khác đều phải trả bằng tiền, tiền do tín tâm của các Phật tử và đồng hương. Do đó, hành giả tu học phải ý tứ, tiết kiệm, tri túc để khỏi bị sư phụ quở trách và tránh được phê phán của bạn đồng tu .

b/ Phí phạm một chút nước thật ra không đáng gì hết nhưng thói quen đó dần tới buông lung, giải đãi có hại cho việc tu học. Thói buông lung do tâm còn dính vào tham sân si, coi ngã là quan trọng! Nếu trọng ngã thì không thể tự giác và giác tha, đương nhiên không thể giải thoát. Hễ tu phải thệ nguyện cho thiết tha, lập chí cho bền và hành miên mật, họa chăng mới thoát sinh tử và đắc Niết Bàn. 

* Quốc Vinh (Vic).

1/ Không có nước không thể sống được đối với thực vật, cũng như động vật. Nếu phải kể loại, nước có ba nguồn mạch chính nước nguồn, nước biển, nước mưa có cùng khắp ở mọi chân trời quốc độ để cung ứng nhu cầu thiết yếu cho đời sống con người, loài vật, cỏ cây cũng như thiên nhiên vạn vật.

Thiếu nước là thiếu mất sự sống, làm cho cảnh vật thành héo úa khô cằn và chết đứng không tăng trưởng được. Con người có thể nhịn ăn, nhịn mặc được vài ngày nhưng không thể nhịn nước được trong một ngày; và cây cối cũng cần nước như vậy. Ðể biết rằng tầm quan trọng như thế nào của nước trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

2/ Có hai dấu hiệu cho thấy sự bất ổn , nếu không muốn nói dẫn tới tình trạng phương hại sức khỏe hay sự sống con người cũng như loài vật, đó là việc thiếu nước và thừa nước cả hai trường hợp: thiếu nước cũng bất ổn mà thừa cũng không xong. Vì sẽ có vấn đề đối với cây cỏ, hoa màu cho chí loài động vật cũng như con người, bị thoái hoá, khô héo, chết v.v...

Úc là quốc gia khan hiếm nước, hễ tới mùa hạ là nguồn nước cung cấp được báo động bị thiếu hụt trầm trọng. Như trong tháng 11 năm 2003; NSW là tiểu bang áp dụng luật phạt người xài nước tưới cây, rửa xe vòi tự động. Ðến đổi các nhà làm vườn cảnh trương biểu ngữ phản đối như sau:

No water?! No product ! (Không có nước, không sản xuất được!). Thiếu nước đã vậy; còn thừa nước cũng gây ra một số vấn đề tệ hại không kém. Như trong bụng thừa nước, bụng sẽ trướng lên làm cho con bệnh nặng nề khó khăn trong việc đi lại và có lắm người phải tới nhờ bác sĩ rút nuớc trong người ra cho nhẹ bớt cục nợ! Vấn đề xử dụng nước tùy môi trường sống chúng ta mà có nước giếng, nước sông, nước máy của bộ thủy cục, nước thiên nhiên trời mưa v.v...

3/ Câu hỏi vô hình chung như không còn cần phải đặt ra nữa. Vì nơi câu 1 đã nêu lên khá đầy đủ tầm quan trọng và nhu cầu thiết yếu của nước như thế nào đối với đời sống con người và mọi vật chung quanh cuộc sống.Vì hễ thiếu nước sự sống hẳn không tồn tại được. Nên có thể nói được rằng nước như là vị cứu tinh cho loài người loài vật và cỏ cây, thiên nhiên.

4/ Bài học thực tiển nhất cho một người, là bắt buộc phải thực tập thể nghiệm và ứng dụng ngay vào đời sống. Chắc chắn bài học ấy sẽ có giá trị lâu dài đối với người được thọ giáo và cho nhiều người. La Hầu La mặc dù đi tu, nhưng ỷ lại có Phật bên cạnh, nên không cố gắng để tâm những gì Phật dạy hay ngay cả những lời dạy của các sư huynh như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên. Phật là một nhà tâm lý học,  muốn sách tấn La Hầu La, Ngài bảo đem đến cho Ngài sô nước rửa chân. Rửa chân xong Phật vẫn giữ nước ấy lại và hỏi La Hầu La:

- Sô nước có dùng được vào việc rửa thức ăn không?

- Không thể dùng lại được nữa, vì nước đã dơ, La Hầu La đáp; .

Phật dạy:

- Cũng vậy, như tâm bị nhiễm nhơ cũng như thế. Ðó là một bài học sống mà người nghe luôn ghi khắc mãi trong tâm không bao giờ quên được.

5/ Lời trách mắng có đôi khi cũng gây ra những phản ứng bất lợi, nếu không muốn nói là rất tệ hại cho cả đôi bên. Tekisui giác ngộ không do nơi lời quở trách của sư phụ mà từ tâm địa tu tập đã chín muồi, như giọt nước cuối cùng làm đầy chậu nước mà thôi. Dĩ nhiên công phu, công hạnh tu tập đương sự phải dồn mọi nỗ lực từng giờ từng phút để trở thành dồi dào nội lực. Lúc đó, nhờ một trợ duyên cần thiết là làm bừng vỡ khối nghi tình.

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1- Nước là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Ngay như trong cơ thể con người, những yếu tố cấu tạo nên thân tứ đại gồm đất, nước, gió, lửa cũng đủ chứng tỏ tầm quan trọng  của nước như thế nào đối với con người, cũng như với muôn loài vạn vật, không những ở thế giới này mà còn ở các thế giới khác nữa.

Như vậy, có thể tóm ý mà nói, nước có 2 loại như:

- Nước tịnh: tức nước sạch, nước thanh tịnh, nước lắng trong, nói rộng nước không bị phiền não nhiễm ô làm khuấy động tâm con người .

Ví dụ:

Dương chi tịnh thủy

Biến sái tam thiên

(Nước cam lồ với cành dương thanh khiết

Dập não phiền rưới tắt khắp tam thiên"

Hoặc:

Thủy lưu tánh hải

Ba chú nông dương

Trừng thanh đàm để hiện tường quang

Thủy nguyệt ấn đàn tràng

Nhuận trạch thanh lương

Nhứt trích biến thập phương

(Nước tánh vốn lưu thông

Sóng mòi chìm ngụp mênh mông

Lắng trong tỏ rõ ánh tường quang

Bóng trăng hiện ràng ràng

Thấm đượm thanh lương

Một giọt biến mười phương...)

- Nước bất tịnh: nước đục, nước lơ, nước có chứa chất bẩn, nước uống vào hẳn gây bịnh cho ta. Nói cách khác tâm chúng sanh bị phiền não, chấp đắm, tham trước buộc chặc v.v...

Ví dụ: Tâm phàm hay dao động

Khó chế khó nhiếp phục

hay:

Tâm tinh vi khó thấy

Ái dục thường chi phối

(Kinh lời vàng – HT  Minh Châu dịch)

hoặc:

Không tụng, làm nhớp kinh

Không siêng, làm bẩn nhà

Biếng nhác làm nhơ thân

Phóng dật làm tâm uế.

 

 2- Ở đời cái gì cũng phải quân bình (balance) mới tồn tại và duy trì được lâu dài.Nếu nghiêng lệch một phía hay một bên sẽ có vấn đề ngay, huống chi nước là một nhu cầu cần yếu không thể thiếu trong đời sống. Tuy nhiên nếu không suy nghĩ, xài nước quá lượng cũng đâu có tốt vì gây ra nhiều vấn đề, nếu không muốn nói có phương hại tới sức khỏe, sản xuất, môi trường v.v...như cổ đức có dạy:

Khôn cũng chết dại cũng chết !

Hễ việc gì thái quá sẽ bất cập, như câu chuyện đức Phật dạy đệ tử lên dây đàn.

Phật hỏi các thầy Tỳ Kheo:

- Dây đàn dùn tiếng như thế nào?

Bạch đức Thế Tôn:

- Dây dùn tiếng đàn sẽ không phát ra được.

Phật lại hỏi:

- Dây đàn căng quá thẳng sẽ ra sao?

Bạch đức Thế Tôn:

- Dây đàn sẽ đứt không phát ra được tiếng. Nhờ ví dụ lên dây đàn mà đức Phật dạy cho các đệ tử một bài học sáng giá trên đời vậy.

3- Cây thiếu nước cây khô, người thiếu nước người chết. Nói chung mọi loài, mọi vật, thiên nhiên cây cỏ, đất đá đều cần nước làm tươi mát, để duy trì sự sống muôn vật, không những ở đây mà còn ở các thế giới nơi các hành tinh khác nữa. Chúng ta sống một ngày không thể thiếu nước được. Cũng do từ yếu tố quan trọng này của nước mà tục ngữ, ca dao Việt Nam có những câu gói ghém bài học luân lý, hiếu kính như: Ẩm thủy tư nguyên (uống nước nhớ nguồn)

Hay:

Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

4- Ðặc tánh nước là lưu chuyển, chặt không đứt, đốt không cháy, lưu lộ ở khắp các hang cùng ngõ hẽm, biết luồn lách đi qua mọi đồi khe hang hiểm và không bao giờ chảy ngược lại về nguồn. Nước có sức dung nạp được tất cả mọi sạch dơ của cuộc đời mà con người thải ra, mang đi trang trải ở khắp mọi nơi trong việc "bồi thiếu, xén thừa" làm quân bình mức sống mọi vật. Ðó Phật dùng sô nước rửa chân làm ví dụ cho La Hầu La một bài học tu thân đích thực. Nhờ đó, La Hầu La đã biết khắc phục tự thân và trở nên một người đệ tử giỏi, xứng đáng là một trong số 10 đệ tử xuất sắc của đức Phật, tu về mật hạnh.

5- Tục ngữ việt Nam có câu: “giáo đa thành oán”. Do vậy, ca dao mới có câu rằng:

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Gisan trách Tekisui : "con ngu quá !" , vì giữa 2 thầy trò đã cảm thông nhau lâu rồi. Nếu cũng chỉ với lời quở trách ấy đối với người khác, kẻ xa lạ chưa chắc làm người đối tượng nể phục, giác ngộ trong sự hiểu biết, mà còn phản tác dụng nữa là đằng khác.

 

BÀI THAM KHẢO

KASAN SWEATED 

Kasan was asked to officiate at the funeral of a provincial lord. He had never met lords and nobles before so he was nervous. When the ceremony started, Kasan sweated.

Afterwards, when he had returned, he gathered his pupils together for he lacked the sameness of bearing in the world of fame that he possessed in the secluded temple.

Then Kasan resighed and became the pupil of another master. Eight years later he returned to his former pupils, enlightened.

 

Dịch nghĩa:

Mồ hôi Kasan 

Kasan được mời cử hành đám táng của một lãnh chúa trong tỉnh.

Trưóc đó Kasan chưa hề gặp những lãnh chúa và những người quí tộc.Vì thế Kasan bối rối khi nghi lễ bắt đầu, Kasan toát mồ hôi.

Sau đó, khi trở về chùa Kasan tập hợp những đệ tử của mình lại. Kasan thú nhận rằng mình chưa đủ phẩm cách để làm thầy, vì ông thiếu sự chịu đựng buồn tẻ trong cõi danh vọng, vì ông đã sống trong ngôi chùa cách biệt này.

Rồi Kasan từ bỏ chức vụ làm thầy và trở thành đệ tử của một vị thầy khác. Tám năm sau, Kasan trở về với những đệ tử trước của mình, Kasan đã giác ngộ .

 

CÂU HỎI GỢI Ý

1/  Hãy phân biệt giữa thế giới người sống và thế giới người chết?

2/ Kasan là một người can đảm, tự thừa nhận những nhược điểm của mình, bạn có đồng quan điểm này không?

3/ Ở đời có ai vạch lỗi để người xem không? Thế Kasan thì sao?

4/ Từ cương vị là bậc thầy lại trở thành đệ tử của một thầy khác, rồi lại làm Thầy, bạn nghĩ sao trường hợp của Kasan?

5/ Bạn có thành thật với chính mình chưa? Tại sao? 

Quốc Vinh (Vic) 

1/  Hãy phân biệt giữa thế giới người sống và thế giới người chết?

Tại sao lại phải phân biệt làm gì cho mất thì giờ vô ích? Ai lại không biết thế giới người sống và thế giới người chết,  phải chăng câu hỏi nhằm một ẩn ý gì? Dù vậy cũng xin được góp vài ý nhỏ như sau:

* Thế giới người sống:

-    hoạt động tranh đấu cho sự sống;

-   Thi đua cho kịp trào lưu hiện đại, dù phải tất bật suốt ngày lẫn đêm, con người vẫn phải lao theo.

-   Hưởng thụ mọi tiện nghi của đời sống

-   Tự trang bị cho mình một địa vị trong xã hội

-   Biểu lộ trọn vẹn mọi ước muốn, tham vọng của một con người

-   Ðang chung đụng với mọi người trong môi trường sống và, còn hơi thở để tự sinh tồn.

* Thế giới người chết:

-   Không còn hoạt động mà nằm yên bất động chờ ngày tan rã trả thân tứ đại về cho đất, nước, gió, lửa.

-   Ngừng hẳn mọi việc ăn uống bình thường

-   Có thể rơi vào 1 trong 2 trường hợp:

a/ Thuận theo nghiệp lực đi thọ sanh liền lúc mới lìa đời

b/ Còn vất vuởng đâu đây, vì còn một số vấn đề chưa được giải quyết lúc sống

-   Ly biệt người thân yêu, mọi người và tắt hơi thở, nhắm mắt chuyển thế sanh qua một thế giới mới. 

2/ Kasan là một người can đảm, tự thừa nhận những nhược điểm của mình, bạn có đồng quan điểm này không?

Kasan không phải là người can đảm mà đúng ra là người chuộng sự thật. Vì ông ta đã từng sống nơi một ngôi chùa đơn sơ mộc mạc thôn quê thanh tịnh lâu năm, nên không quen tiếp xúc những người quyền thế sang trọng. Khi có dịp phải tiếp xúc đối đầu với họ, nhất là qua tang lễ của một viên chức đầu tỉnh, Kasan cảm thấy mình xa lạ, lạc lõng giữa đám người danh phận. Từ đó, Người tự cảm thấy mình còn thiếu thốn rất nhiều nên tìm cách tu tiến thêm.

3/ Ở đời có ai vạch lỗi để người xem không? Thế Kasan thì sao?

Ý câu hỏi muốn nhắm tới là Kasan tự thừa nhận điểm yếu kém của mình, từ bỏ nhiệm sở để ra đi tìm học và rồi từ một bậc Thầy trở lại làm đệ tử của Thầy khác.

Kasan rời chùa ra đi rồi trở lại sau 8 năm tu tập. Lần này trở về chùa Tổ, Kasan đã giác ngộ trước các đệ tử, những người còn đang vận dụng công phu trau tâm sửa tánh. Quả thật, Kasan là tấm gương sáng cho chúng ta soi chung trên đường tu giải thoát.

4/ Từ cương vị là bậc thầy lại trở thành đệ tử của một thầy khác, rồi lại làm Thầy, bạn nghĩ sao trường hợp của Kasan?

-   Ðương sự tự thấy mình chưa đủ khả năng và tầm vóc lãnh đạo quần chúng, ít ra là dân địa phương chung quanh ngôi chùa của Thầy tổ gầy dựng lâu đời mà Thầy đang trông coi như cương vị trụ trì.

-   Kasan thật là xứng đáng làm gương cho các huynh đệ đồng sư và nhất là cho các đệ tử của mình một bài học sống động không cần ngôn từ vẫn cảm hóa được hết mọi dị biệt, khuynh hướng.

5/ Bạn có thành thật với chính mình chưa? Tại sao?

Có lúc thành thật, đôi lúc vẫn chưa thành thật vì đời sống là phải như thế mới sống được. Một người thành thật hoàn toàn mà phải sống chung đụng với toàn những người gian xảo, thiếu lương thiện chắc hẳn không thể được, trừ phi người đó là bậc chân nhân, Bồ Tát vào đời cứu nhân độ thế mới sống hòa mình được với bọn xô bồ mà thôi. 

Thanh Luân (NSW) 

1) Nếu phải đem phân biệt giữa thế giới người sống và thế giới người chết, hẳn dài dòng và có nhiều điều phải bàn đến. Và tùy theo phạm vi cũng như đối tượng vấn đề chắc chắn nói đến vô cùng cũng chưa hết, nên đã có mấy ai để thì giờ làm cái việc so sánh này. Con  người mặc dầu sống thời gian hữu hạn mà đích điểm lý tưởng nhất là sống đến trăm năm. Ðó là ước muốn ai cũng mong đạt đến, nhưng có sống được tới đó hay không – theo Phật giáo – còn tùy thuộc nơi nghiệp lực mỗi người tạo ở kiếp trước, cho nên có câu thơ rằng

trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!

Thế giới người sống dễ chứng kiến, dễ hình dung mà còn phức tạp khó khăn vậy, huống nữa thế giới người chết đa phương lại còn rắc rối đến ngần nào! Nếu đứng trên lập trường tương đối cho rằng: thế giới người sống là thế giới đang rộn ràng hoạt động, còn thế giới người chết là thế giới cõi âm không hoạt động nữa. Ðiều này đã không được các nhà khoa học hiện đại chấp nhận, và đối trong Phật Giáo là hoàn toàn trái hẳn lời Phật dạy. Phật dạy rằng chúng sanh không chỉ tồn tại trong 3 cõi: cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc mà còn đắp đổi thay hình đổi dạng trong sáu loài như: trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh. Thế thì sống, chết lên xuống đắp đổi nhau chớ nào có dừng lại ở một cõi nào hay một quốc độ nào. Có điều sự luân hồi do nghiệp thức chúng sanh chuyển đi thọ sanh, dưới con mắt thiếu quán chiếu do công phu tu tập chưa tinh thuần của ta, chỉ thấy nhìn phân biệt, phân biệt những gì có ở trước mắt mà có nhiều lúc còn nhận lầm là khác, nên chỗ thấy biết của ta thật là giới hạn, không đủ để nhận định cõi ta đang sống, làm gì để biết tới thế giới khác – thế giới người chết.

2) Hẳn là không. Vì một người can đảm phải có dũng lực phi thường, dám hy sinh và làm được những việc khó mà bao nhiêu người khác không làm được. Thử lấy một vài thí dụ : người lính cưú hỏa dám lăn xả vào trong lửa hồng cưú sống những nạn nhân đang bị mắc kẹt trong đó và không kể gì tánh mạng của mình. Người tu sĩ xuất thế như thái tử Tất Ðạt Ða, là một gương hy sinh đầy can đảm, dám từ bỏ cả ngôi vị đế vương, vợ đẹp, con ngoan vào rừng tu khổ hạnh đổi lấy sự thanh bần sống đời ẩn dật của đạo sĩ để tìm ra chân lý.

Nói chung, những ai biết hy sinh quyền lợi cá nhân, kể cả mạng sống, cống hiến cho sự an lạc hạnh phúc của con người ở hiện tại và tương lai, được gọi là người can đảm. Họ cũng như những chiến sĩ vô danh, hy sinh bất cầu báo.

3) Nếu nói không cũng chưa hẳn đúng, vì đời sống có muôn mặt cũng khó mà lượng định hết được mọi mặt. Do vậy, sống ở đời con người cần phải học, hay nói một cách chân thật là phải tu sửa bằng mọi cách và liên tục mới mong tránh bớt được những lỗi lầm, sai trái. Như vậy, việc học, việc tu là suốt đời : học từ trong thai mẹ, học ở nhà trường, nơi trường đời và học mãi tới lúc đậy nắp quan tài cũng chưa hết học... để khắc phục, sửa đổi những lỗi quấy sai phạm. Khi ta biết tự sửa sai những sai lầm, thử hỏi còn đâu để người chỉ trích, phê phán, lẽ đương nhiên phải là người thiện lành, trong khi còn dấu diếm, e dè sợ sệt... là tại vì người "có tật hay giật mình" mới nghĩ rằng mình có lắm điều dở, việc sơ hở để người khác có cớ xen vào phẩm bình thị phi.

4) Ở đời không có ai giống ai về tư tưởng, về tánh tình cả, dù là anh em, chị em trong cùng một gia đình mà mỗi người đều khác hẳn nhau trong nhiều lĩnh vực, từ cách sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, trang điểm, mua sắm cho đến lối suy nghĩ, cư xử v.v... mỗi người hầu như là một thế giới riêng. Chỉ những ai tự đặt mình trong khuôn khổ kỷ luật mới tiến bộ và giúp cho người khác thấy được giá trị việc làm tốt đáng học hỏi noi gương.

5) Cũng may sống nơi cõi đời tạm bợ giả dối này, đa số người thiếu thành thật ; vẫn có số ít biết thành thật, sống giản dị tri túc. Họ là những nhà đạo đức, nhà mô phạm, nhà lãnh đạo tinh thần đức độ của các tôn giáo v.v... làm chuẩn mực cho xã hội. Nếu không, cõi đời này nói chung con người sẽ sống xô bồ mất trật tự và gây ra biết bao hận thù và chiến tranh tàn khốc. Một khi mỗi cá nhân đã không tin cậy nhau  còn ai hợp tác để xây dựng đất nước, xã hội và con người lương thiện xứng đáng ?

Chỉ phạm vi tình bằng hữu,  nếu bạn thiếu thành thật, hẳn tình bạn không còn được duy trì, ngay cả tình chồng vợ, tình anh em ruột thịt cũng vậy. Một khi mọi người không tin ta, tất cả nhịp cầu thông cảm bị cắt đứt và hầu như ta bị cô lập ngay. Vì thế muốn được thành công ở đời và mọi người tin tưởng, ta phải biết sống thành thật với chính ta và với mọi người trong tinh thần xây dựng để tự tồn.

 

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Như mặt trời và mặt trăng, sáng và tối, nước và lửa, thì giữa thế giới người sống và người chết cũng có những định đề nhất định như:

a/ Thế giới người sống:

-   Như dòng chảy của lượng xe cộ chạy trên xa lộ tiến tới mãi không bao giờ dừng lại, hễ dừng lại là gây nên tai nạn.

-   Làn sóng giữa đại duơng cứ nhấp nhô xô tới tấp vào bờ lượn trước đuổi theo lượn sau và cứ tiếp tục không ngừng.

-   Duy trì mạng sống qua hơi thở.

b/ Thế giới người chết:

-   Thân thể rã rời và nằm yên bất động

-   Phân vân giữa thân tiền ấm và trung ấm chưa biết về đâu, nếu thiếu người hướng dẫn đúng đường.

-   Vẫn có lối sinh hoạt riêng nhưng dưới con mắt phàm chúng ta không biết hết được.

-   Hơi thở chấm dứt, nhưng thần thức vẫn còn đối với người vừa lìa đời. Còn với người chết lâu năm lại khác.

2/ Ở đời có nhiều người còn phi thường hơn Kasan nữa. Họ dám hy sinh cả tính mạng bảo vệ Phật Pháp, cho tự do tín ngưỡng, cũng như cho độc lập tự chủ của quốc gia dân tộc. Như trường hợp tự thiêu thân cúng dường Phật Pháp của các vị thánh tử đạo trong công cuộc tranh đấu đòi tự do tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam năm  1963, là những biểu tượng sáng ngời; như thánh Gandhi tranh đấu cho độc lập tự chủ của Aán Ðộ với thực dân Anh vào năm 1949 v.v... là những gương can đảm cho hậu thế noi theo, đời đời bất diệt. Tuy nhiên, nhận yếu kém của mình để sửa sai, học hỏi với tinh thần cải thiện được như Kasan, ở đời này có mấy người làm được? Ðó chưa phải là những việc lớn nhưng nổi bậc đáng cho ta học hỏi bổ túc vào những chỗ kém khuyết của mình, trong khi ta chưa đủ tự trọng làm được những việc ít ra là cũng thành thật với chính mình như thế.

3/ Nếu nói thiếu lương thiện thành thật thì không ai tự dưng đem vạch lỗi mình cho người xem bao giờ. Nhưng trên thực tế lại là một việc khác, có nhiều khi chính ta lại tố cáo và bày lỗi lầm của mình trước công chúng cho mọi người luận tội hay bêu riếu mà nào có để ý tới. Nên nhớ rằng vạch lỗi lầm do dụng tâm là một việc khác, trong trường hợp nêu rõ những điểm không thích hợp, yếu kém của mình như Kasan chứng tỏ, là người khôn khéo muốn cầu tiến bộ, chớ đâu phải đầu hàng bất lực, gây bất ổn cho người khác, và xã hội nói chung, mới đáng trách và mới thành vấn đề để mọi người phải lưu tâm tới.

4/ Mỗi người chúng ta sống ở đời như một diễn viên đóng vai tuồng trên sân khấu trần gian không khác. Ta làm đủ vai vị, làm cha mẹ, thầy giáo, làm nhân công, làm thợ, làm người giúp việc, làm con, làm học trò... và có khi cũng làm vua nữa. Nhưng tư cách của ta vẫn là một con người không hơn không kém. Thế thì từ cương vị thầy trở lại làm học trò của một người theo cái nhìn thông thường bề ngoài có sự thay ngôi đổi bậc, nhưng tư cách như Kasan đâu hề mất mát suy giảm bao giờ. Chỉ những người biết nhún nhường mới có thể sống hạ mình ở đời để hoàn thiện vai trò của mình trong môi trường và hoàn cảnh thích hợp. Ðó là vấn đề muôn mặt của đời sống mà một người có lương tâm tối thiểu không thể không suy nghĩ trong kiếp nhân sinh. Thật quả đúng như lời Phật dạy: làm người khó là ở điểm này. Vì mỗi một chúng ta phải đương đầu với cuộc sống nên cần phải vận dụng trí khôn trong bất cứ tình huống nào cũng phải dấn thân nhập cuộc, chứ không phải chạy trốn đầu hàng như một thiểu số người. Họ chính là nhũng con múa rối trong xã hội và là những vết mực đen chấm lên trang giấy trắng như cuộc sống an bình lý tưởng mọi người ai cũng mong muốn.

5/ Ðức tánh thành thật mỗi người hẳn tự biết. Nế

u ai tuyên bố với mọi người rằng tôi đây là người thành thật, hẳn thiên hạ sẽ nghi ngờ sự thành thật ấy ngay lập tức. Ðiều này trái ngược với câu tục ngữ "xấu che tốt thì khoe", vẫn biết mặc dù thành thật là đức tánh tốt, nhưng không mấy ai khoe bao giờ. Cho nên nêu vấn đề: đã bao giờ thành thật với chính mình chưa?, e rằng sẽ không có câu trả lời chính xác, đó là chưa nói có người còn không muốn đề cập tới nữa. Vì sống ở đời hầu như ai cũng phạm lỗi: gian dối, mưu toan, tính toán cho mình được lợi. Chẳng hạn nhà báo nói láo ăn tiền, nhà làm chính trị là kẻ mị dân, nhà thương gia muốn một vốn mười lời v.v... thế thì ai là người thành thật đây? Ðó là chưa kể sống trong một môi trường mà ai nấy thiếu lương thiện chỉ mình ta thành thật, liệu ta phải gồng mình sao đây để được sống còn?

Trong một xã hội nhiều bất an và có lắm vấn đề như chúng ta hôm nay, người nào chủ trương sống thành thật với chính mình phãi chăng kẻ đó thiếu khôn ngoan? Người đủ nội lực nhận lãnh búa rìu công luận như thế may ra mới đủ bản lĩnh là một con người đúng nghĩa, theo cái nhìn của một người Phật tử chân chánh.

Tâm bản nhiên

B ài tâm ca hay thiền ca do thiền sư Bankei (1622-1693) Nhật Bản sáng tác. Dịch Anh ngữ là Peter Haskel. Từ bản Anh ngữ dịch sang Việt ngữ là Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải (1938-2003) để tưởng niệm một bậc ni lưu xuất chúng vừa vắng bóng. Mời độc giả đọc để chiêm nghiệm chân tài của dịch giả qua cái nhìn Thiền quán... 

Bài ca về tâm bản nhiên 

(Dường như Bankei đã sáng tác loạt bài thơ này vào năm 1653 khi Ngài đang nhập thất trong núi Yoshino. Có nhiều cách xếp đặt khác nhau về những đoạn trong đây, nên chúng ta không biết hình dạng bài thơ nguyên ủy như thế nào.  Có chỗ nói rằng Bankei làm bài thơ này để giảng dạy cho những trẻ làng. Lại có người giải thích rằng trong một kỳ hạn hán khắc nghiệt tại khu vực này, Bankei đã cùng với dân làng già trẻ hát lên những vần thơ này cùng với vũ điệu tại ngôi chùa địa phương. Kết quả một trận mưa trút xuống tràn trề, và từ đấy về sau trong làng ấy, có truyền thống cử hành bài hát cầu mưa của Bankei. Vì lý do đó bài thơ này còn được gọi là “bài ca cầu mưa” hay là “bài vũ ca”. Nhưng người ta không rõ vì sao đôi khi nó được gọi là “bài ca xay bột”, một loại bài hát được hát lên trong lúc xay bột) 

Bất sinh bất diệt

Là cái bản tâm

Ðịa thủy hỏa phong

Chỗ đêm trú tạm

 

Vì vướng cái này

Một gian nhà lửa

Chính bạn châm ngòi

Ðốt mình ra lửa

 

Hãy tìm trở lui

Về thời gian ấy

Khi bạn mới sinh

Nhớ được chút gì?

 

Hãy để tâm bạn

Như mới lọt lòng

Thì thân tâm này

Là một vị Phật

 

Tất cả ý nghĩ

Gì tốt gì xấu

Ðều phát sinh từ

Cái ngã mà ra

 

Hỏa lò về đông

Thật là thú vị

Nhưng qua mùa hạ

Nóng bức làm sao

 

Ngọn gió mát mẻ

Mùa hè bạn yêu

Qua hết mùa thu

Nó thành nỗi khổ

 

Khi bạn có tiền

Bạn khinh người nghèo

Bạn đã quên sao

Hàn vi thuở ấy?

 

Tiền bạc tích lũy

Với tâm tham lam

Bị quỷ đói giật

Bạn đâm kinh hoàng

 

Bỏ cả cuộc đời

Chạy theo tiền bạc

Ðến khi nhắm mắt

Tiền của ích gì?

 

Tham lam chấp thủ

Tâm tôi toàn không

Nên thế gian này

Thuộc về tôi cả!

 

Bạn mong nhớ người yêu

Chỉ trong thời hiện tại

Nhưng lòng mong nhớ ấy

Có trước họ ra đời

 

Khi bạn nhớ người nào

Là bạn không thể quên

Nhưng không nhớ họ

Là chưa từng quên

 

Khi nhìn lại quá khứ

Thấy như một giấc mơ

Nhận thức được vậy rồi

Thấy mọi sự giả dối

 

Những người thấy đắng cay

Trong cuộc đời chìm nổi

Là tự làm khổ mình

Vì một giấc chiêm bao

 

Cuộc thế phù hư

Thảy đều không thật

Ðừng đeo việc đời

Nào, ta múa hát!

 

Chỉ cái tâm bản lai

Trùm quá khứ vị lai

Ðừng đeo đẳng vật gì

Aáy nghĩa là Phật sống

 

Tâm quỷ trong bạn

Tự tác tự thọ

Nó hành hạ bạn

Thì chớ trách ai

 

Khi bạn làm sai

Tâm bạn là quỷ

Ngoài ra không có

Quỷ nào ngoài tâm

 

Chán ghét địa ngục

Khao khát thiên đường

Là tự khổ mình

Trong thế giới vui

 

Tưởng rằng điều thiện

Nghĩa là ghét ác

Nhưng chính tâm ghét

Mới là không lành

 

Bạn cho rằng thiện

Nghĩa là làm lành

Nhưng thật xấu xa

Cái tâm nghĩ vật!

 

Thiện cũng như ác

Vo tròn một khối

Gói vào giấy bao

Ném hết xuống hào

 

Diệu dụng thần thông

Toàn là không có

Ðừng tìm kiếm gì

Kỳ quan nở rộ

 

Con ma lừa dối

Nó xúi giục ta

Nên xem là thực

Cuộc đời dối giả

 

Danh tài ăn ngủ...

Năm dục bén mùi

Thì ở trong đời

Chúng làm thầy tổ.

 

Ý niệm nên hư

Lúc đầu không có

Phấn đấu thị phi

Toàn do bản ngã

 

Khi đã học hành

Phật pháp rốt ráo

Bạn sẽ thấy mình

Chẳng có thêm chi

 

Giác ngộ và mê si

Lúc đầu không có gì

Toàn ý tưởng lượm lặt

Bẩm sinh nào có chi?

 

Nếu nảy ra ý tưởng

Rằng cái tâm giác ngộ

Chính là tâm của tôi

Thì càng thêm lôi thôi

 

Chẳng bận tâm chút nào

Ngộ hay là không ngộ

Tôi được cái kết quả

Sáng thức dậy khoái sao!

 

Cầu giải thoát sinh tử

Cho riêng bản thân mình

Là chỉ có chất chồng

Thêm kiêu căng chấp ngã

 

Nay tôi cũng chán luôn

Cả chuyện cầu giải thoát

Chỉ một việc thong dong

Ðể hơi thở ra vào

 

Chết đi rồi sống lại

Ngày và đêm trên đời

Nếu làm được như vậy

Nắm vũ trụ trong tay!

 

Tội nghiệp thay chư Phật:

Ðược trang sức cùng mình

Chắc các Ngài cũng phải

Quáng mắt vì hào quang

 

Thật còn quá sớm

Ðể ta thành Phật

Hãy làm hộ pháp

Ðứng gác cổng chùa!

 

Ði tìm tịnh độ

Cố được đền bù

Thì bạn chỉ thấy

Phật tổ cười cho

 

Từ lúc khởi thủy

Vốn không kẻ thù

Tự tạo kẻ thù

Tà chánh tranh nhau

 

Nhân quả rõ ràng

Vì mê không biết

Chính mình đã tạo

Ðấy là ngã chấp

 

Tập quen thói đời

Thế giới phù du

Mê si như vậy

Chính mình thua đau!

 

Cái tâm vô vi

Bản lai bất sinh

Hữu vi không thực

Nên hết mê lầm

 

Năm tháng trôi qua

Tâm vẫn không già

Cái tâm như như

Lúc nào cũng vậy

 

Kỳ thay! Diệu thay!

Khi bạn tìm ra

Cái gì không già

Chỉ có tâm ta!

 

Cõi nước trong sạch

Trong tâm an bình

Không phải xa xôi

Cách hàng triệu dặm

 

Khi ai ném cho bạn

Một cái tách uống trà

Hãy khéo léo bắt lấy

Với tâm mềm như tơ. (1)

 

(1) Ở đây dường như Bankei nói với thính giả: “Tôi truyền cho các bạn giáo lý quý báu này, hãy nhận lấy đừng bỏ lỡ cơ hội. Nó dễ vỡ như một cái tách quí hiếm, bởi  thế hãy nhận nó với một cái tâm nhu nhuyến mềm mại. Nếu nhận bằng một tâm cứng cỏi thì  nó sẽ vỡ tan tành.”

 

---o0o---