Nhà xuất bản: THUẬN HÓA
HUẾ - 1977
Thiền và võ đạo
Tác giả:
Ngô Ánh Tuyết - Vương Long
---o0o---
PHẦN I
VÕ ĐẠO PHƯƠNG ĐÔNG
1.
Mới nghe chuyện đem Thiền liên hệ với một việc phàm phu
như môn bắn cung, có lẽ người ta nghĩ rằng Thiền bị hạ giá quá đáng, và dù
có vui lòng nhân nhượng cho là môn bắn cung mang dáng dấp của một nghệ
thuật, người ta cũng khó mà nảy ra ý định tìm xem đàng sau nghệ thuật này
có cái gì khác hơn một hình thức điêu luyện thuần túy thể thao, vì vậy
chắc bạn đọc mong được nghe kể về những thành tích phi thường của các cao
thủ võ lâm Nhật Bản vốn có lợi thế trong việc sử dụng cung tên vì có thể
dựa vào một truyền thống đã được tôn sùng lâu đời và liên tục.
Ở Viễn Đông, kể từ khi các vũ khí hiện đại thay thế cho
các phương tiện chiến đấu cổ xưa chỉ mới trải qua có vài thế hệ, và những
hiểu biết về cách sử dụng các phương tiện này không hề bị bỏ mất, mà vẫn
được lưu truyền và nuôi dưỡng trong những nhóm người đồng điệu càng ngày
càng lớn rộng thêm. Vậy có lẽ bạn đọc lại mong muốn có được một lời mô tả
những phương các đặc biệt để theo đuổi ngành bắn cung hiện đại đang được
xem như là một môn thể thao quốc gia ở Nhật Bản.
Thật không có gì sai lầm hơn là sự mong muốn này, vì
trong môn bắn cung hiểu theo nghĩa cổ truyền, được dân chúng coi trọng như
một nghệ thuật và tôn vinh là di sản quốc gia, người Nhật không thấy gì là
thể thao mà chỉ biết đó là một nghi lễ tôn giáo, tuy điều này mới nghe có
vẻ lạ lùng. Bởi vậy, cái "nghệ thuật" của môn bắn cung mà người Nhật nói
đến không phải là tài nghệ của một vận động viên thể thao mà người ta có
thể đạt được ít nhiều nhờ luyện tập thân thể, mà là một tài năng phát xuất
từ sự tu tập tinh thần trong đó chính cái tâm nhắm vào cái đích đến
nỗi khi nhắm vào đó, cung thủ (người bắn cung) cũng tự nhắm vào chính mình
và ngay cả có thể bắn trúng chính bản thân mình.
Chắc hẳn điều này nghe ra có vẻ khó hiểu. Độc giả sẽ
hỏi: "Cái gì? Chúng tôi phải tin cái môn bắn cung mà ngày xưa từng được
dùng để chiến đấu một mất một còn và cũng chẳng tồn tại như một môn thể
thao, lại được nâng lên thành một cách tu tập tinh thần ư? Vậy cung tên và
đích nhắm dùng để làm gì? đấy chẳng phải là phủ nhận một ngành võ thuật
hùng mạnh của người xưa cùng ý nghĩa đích xác của môn bắn cung, rồi thay
vào đó bằng một cái gì mơ hồ, nếu không nói là hoàn toàn kỳ quặc hay
sao?".
Tuy nhiên, nên nhớ rằng cái tinh thần đặc thù của môn
võ thuật này không phải mới được truyền trở lại cho nghề sử dụng cung tên
trong thời gian gần đây mà vốn luôn luôn gắn bó với nó và tự nhiên lộ bày
rõ hẳn ra từ khi môn bắn cung không còn xuất hiện trong các đấu tranh đẫm
máu. Sẽ không đúng khi cho rằng kỹ thuật bắn cung cổ truyền do không còn
vai trò gì trong chiến tranh đã trở thành trò tiêu khiển và vì vậy được
biến cải thành ra vô hại. "Đại Giáo Pháp" tức giáo lý tối thượng của thuật
bắn cung cho ta biết những điều khác hẳn. Theo giáo lý này, nay cũng như
xưa, thuật bắn cung vẫn là một cuộc chiến đấu của cung thủ chống lại chính
bản thân mình. Hình thức chiến đấu này không phải là một điều ngụy tạo tầm
thường, mà là nền tảng của tất cả các uộc chiến đấu chống lại bên ngoài
chẳng hạn như chống lại một đối thủ bằng xương bằng thịt. Trong cuộc chiến
đấu của cung thủ chống lại chính mình này, tánh chất huyền diệu (diệu
tánh) của kỹ thuật bắn cung mới lộ ra, thành thử cái giáo lý hướng dẫn
trong cuộc chiến đấu đó không bỏ qua một chút gì thuộc về cốt lõi, nhưng
lại không quan tâm đến những mục đích thực tế cần cho nghề chiến đấu của
giới hiệp sĩ ngày xưa.
Do đó, bất cứ ai hiện nay đang tham gia vào môn võ
thuật này cũng sẽ thu được lịch sử phát triển của phần lợi ích là không bị
những mục đích thực dụng lôi kéo đến độ làm mờ đi hoặc có khi ngăn cản sự
thấu hiểu. "Đại Giáo pháp", dù không tự thấy mình đã bị chúng lôi kéo vì
sự thấu hiểu này, như các bậc Cung Sư mọi thời đều công nhận, chỉ dành cho
những người có tâm "thanh tịnh" (trong sạch) và khó mà đạt được nếu cứ để
tâm vấn vương vào những mục tiêu phụ thuộc.
Từ quan điểm này, chúng ta thử xem các bậc thầy cung
thuật Nhật Bản hiểu được cuộc chiến đấu của cung thủ với bản thân mình như
thế nào và mô tả nó ra sao. Câu trả lời của họ chắc hẳn cực kỳ nguy hiểm,
vì theo họ, cuộc chiến đấu nằm trong việc cung thủ tự nhắm vào mình mà lại
không nhắm vào mình, và như vậy, cung thủ trở nên đồng thời là người nhắm
lẫn cái bị nhắm, là người bắn lẫn với cái bị bắn. Hoặc dùng những lời mô
tả gần sát với cái tâm của các bậc thầy thì vấn đề ở chỗ là cung thủ dù có
hành động gì đi nữa cũng phải trở thành một trung tâm "tự tại" không xao
động lăng xăng và chính lúc đó sẽ xảy ra một hiện tượng cực kỳ huyền bí:
võ thuật không còn là võ thuật nữa, sự bắn không còn là bắn, sử dụng cung
tên như không có cung tên, thầy trở thành trò, cao thủ trở thành người mới
nhập môn, cái kết thúc trở thành cái bắt đầu, và bắt đầu lại là hoàn tất.
Đối với người phương Tây hoặc có đầu óc phương Tây vốn
quen với những khái niẹm cụ thể, thì các công thức huyền bí quen thuộc và
rõ ràng với người Á Đông như thế sẽ làm cho họ hoang mang. Vì vậy, chúng
ta cần phải đi sâu hơn nữa vào vấn đề này.
Như chúng ta đã biết các bộ môn nghệ thuật gọi là "đạo"
của Nhật Bản có nội dung bắt nguồn từ một gốc rễ chung là Đạo Phật. Điều
này rất đúng với nghệ thuật bắn cung (cung đạo), cũng như nghệ thuật vẽ
tranh thủy mạc (họa đạo), nghệ thuật kịch tuồng (kịch đạo), nghệ thuật
uống trà (trà đạo), nghệ thuật cắm hoa (hoa đạo) cho đến cả nghệ thuật
đánh kiếm (kiếm đạo). Nói chung thì điều này có nghĩa mọi hoạt động nghệ
thuật thực sự chỉ là hình phóng chiếu của một thái độ tinh thần được mỗi
bộ môn nghệ thuật nuôi dưỡng vun bồi theo cách riêng. Thái độ đó trong
hình thức cao cả nhất là đặc điểm của đạo Phật và xác định rõ bản tánh của
mẫu người sống đời tu sĩ. Đây không phải Đạo Phật theo nghĩa thông thường,
cũng chẳng phải là Đạo Phật luận suy mà người phương Tây hoặc có đầu óc
phương Tây có thể hiểu được qua các kinh sách giải bày dường như dễ hiểu.
Đạo Phật nói ở đây là Đạo Phật Thiền mà người Nhật gọi là "Zen" và không
phải là luận suy mà là thấy biết trực tiếp cái được gọi là gốc nền không
đáy của bản thể mà các giác thức thông thường (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,
ý) không thể cảm biết, và dù đã có những thấy biết không thể nghĩ bàn tinh
tế nhất, người ta cũng không thể hình dung ra hoặc diễn tả được cái đó.
Nghĩa là người ta sẽ thấy biết cái đó khi không còn hay biết đến nó. Sự
khám phá ra trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn cái bản thể không đáy,
không hình, hoặc hơn thế nữa là hợp nhất với nó, là kết quả của một quá
trình trầm tư có phương pháp được tiến hành theo những con đường ứng hợp
với Thiền tông và dẫn đến những thấy biết tinh tế nhất. Về phần môn bắn
cung nếu có thể tạm thời diễn giải bằng một ngôn từ không đúng lắm thì
điều này có nghĩa là các bài tu tập tinh thần - có thể làm kỹ thuật bắn
cung trở thành một nghệ thuật, và đến mức hoàn thiện tận cùng thì lại trở
thành một thứ "nghệ thuật không còn là nghệ thuật" mà người Nhật gọi là
"Đạo" - là những bài tập huyền bí mà theo đó, học bắn cung không hoàn toàn
có nghĩa là để đạt tới một thành quả bên ngoài với cung tên, mà là để thực
hiện một cái gì đó trong chính bản thân mình. Trên con đường dẫn tới mục
đích này, chứ không phải cái đích bắn hay tấm bia, cung và tên chỉ là cái
cớ cho cái gì đó xảy ra hoàn toàn như là không có chúng, và là phương tiện
hổ trợ cho cái nhảy vọt quyết định cuối cùng.
Để hiểu được tất cả việc trên một cách sâu hơn, chúng
ta nên tham khảo những tác phẩm của các Thiền sư Phật Giáo mà chúng ta
không thiếu. Thí dụ như Thiền sư D. T. Suzuki trong tác phẩm Essays in
Zen Buddhism (Thiền Luận) đã chứng minh được văn hóa Nhật Bản và Thiền
có liên hệ mật thiết với nhau, và cho thấy các bộ môn nghệ thuật Nhật Bản,
thái độ tinh thần của giới hiệp sĩ (samurai)), cách sống của người Nhật,
đạo đức, thẩm mỹ học và cho đến một mức độ nào đó trong đời sống tri thức
của người Nhật đều có những đặc tính bắt nguồn từ cái nền Thiền này; bởi
vậy những ai không quen thuộc với Thiền thì khó mà hiểu đúng các đặc tính
đó.
Tác phẩm cực kỳ quan trọng của Thiền sư Suzuki cùng các
nghiên cứu về Nhật Bản của những học giả khác đã khêu gợi được sự quan tâm
rộng rãi. Nhìn chung, người ta chấp nhận Thiền tông Phật Giáo phát sinh ở
Ấn Độ và sau khi trải qua những biến đổi sâu sắc đã phát triển tròn đầy ở
Trung Hoa, rồi được Nhật Bản thu dụng và vun bồi thành một truyền thống
còn sinh động mãi đến ngày nay. Truyền thống đó tạo ra những cách sống bất
ngờ mà nếu chúng ta thông hiểu được thì đó là điều đáng mừng.
Mặc dù đã có những chuyên viên Thiền hết lòng diễn
giảng, những người quen với nếp sống và suy nghĩ của phương Tây khi bước
vào Thiền cũng chỉ thấy phần cốt tủy một cách sơ sài, không đầy đủ. Chỉ
mới đi được vài bước, người ta đã vấp phải những chướng ngại khó vượt qua.
Được bao bọc trong lớp màn huyền bí khó lòng xuyên thấy. Thiền là một câu
đố lạ lùng nhất mà cách sống tinh thần phương Đông đã nêu ra cho những
người như thế, câu đố tuy hiểm hóc nhưng lại hấp dẫn không thể nào cưỡng
được.
Nguyên do của cái cảm giác bực bội vì không thể thấu
hiểu này một phần nào đó trong kiểu trình bày Thiền mà chúng ta có từ
trước đến nay. Tất nhiên không có một người biết điều nào mà lại mong muốn
các Thiền sư bày tỏ nhiều hơn và nói bóng gió về những kinh nghiệm đã giải
thoát và chuyển hóa họ, hoặc muốn họ cố gắng mô tả cái "Chân lý" khó tưởng
và khó nói nên lời mà họ đang sống trong đó. Xét theo quan điểm này, Thiền
có vẻ như là một môn phái quán tưởng hoàn toàn huyền bí mà nếu không trực
tiếp bước vào những chứng ngộ tâm linh, người ta cứ vẫn phải ở bên ngoài
và đi loanh quanh lẫn quẫn mãi. Đây là quy luật mà mọi môn phái tâm linh
đích thực đều phải tuân theo và không miễn trừ cho ai cả, và dù người ta
có nhờ vào vô số kinh điển được xem là thiêng liêng đi nữa cũng không thể
nào cải lại quy luật đó được. Vả lại, kinh điển có đặc tính chung chỉ là
tiết lộ ý nghĩa hóa sinh cho những ai tỏ ra mình xứng đáng có được những
chứng ngộ sinh tử và do đó, có thể rút ra từ các kinh điển này sự xác nhận
những gì mà chính mình đã có và đang là của riêng mình. Trái lại, đối với
người không trải qua những chứng ngộ, kinh điển lại lặng yên câm nín vì
người như vậy không thể nào đọc được ý tưởng giữa hai hàng chữ: tâm trí y
chắc chắn sẽ bị hút vào cảnh mê loạn tâm linh dù có nghiên cứu kinh điển
một cách thận trọng và hoàn toàn vô tư đi nữa. Giống như mọi môn phái tâm
linh khác. Thiền chỉ có thể được hiểu bởi người quyết tâm tu hành tức là
người không hề có ý định dùng biện pháp trả giá để đạt được những gì mà
chính sự chứng ngộ huyền vi cũng không cho phép có.
Tuy nhiên, cách sống của người đã được thanh tẩy bởi
"ngọn lửa chân lý" và đã chuyển hóa nhờ Thiền lại là một chứng cớ hết sức
rõ ràng nên không thể thoát được sự chú ý của người khác.
Như vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có người cảm
thấy mình bị một ái lực tâm linh huyền bí cuốn hút và mong muốn tìm một
con đường dẫn đến cái sức mạnh vô danh có thể tạo ra những chuyển biến
huyền diệu như thế lại mong các Thiền sư ít ra cũng chỉ cho con đường dẫn
đến mục đích; còn người tò mò muốn biết cho vui thì không có quyền đòi hỏi
điều gì.
Không một người luyện đạo hay tu Thiền nào mới bắt đầu
đã là cái người mình có thể trở thành khi tu hành viên mãn, mà phải chiến
thắng và vượt qua biết bao trở ngại trước khi chứng ngộ chân lý. Thường
trên đường đi, người tu bị dằn vặt bởi cảm giác buồn phiền là mình đang
đeo đuổi một điều khó đạt ... Tuy nhiên, đến một ngày nào đó, cái khó đạt
lại trở thành đạt được và tự phô ra rõ ràng. Vậy chẳng lẽ chúng ta không
hy vọng một sự một tả cẩn thận về con đường dài đằng đẳng khó khăn này sẽ
cho phép ít ra một điều là thử hỏi có nên dấn thân vào đó hay không?
Những lời một tả đường đi như vậy cùng những bến trạm
của nó hầu như thiếu hẳn trong các tác phẩm Thiền đã có. Đây một phần là
do các Thiền sư rất tối kỵ hình thức giảng dạy cách sống hạnh phúc bằng lý
thuyết suông. Theo kinh nghiệm bản thân, các vị biết rằng không ai có thể
đeo đuổi được con đường này nếu không có được sự hướng dẫn trực tiếp hoặc
sự giúp đỡ tận tâm của một bậc thầy tài đức, còn một điều nữa không kém
phần quan trọng là người tu tập cứ phải trải qua trải lại những lần chứng
nghiệm, những lần chinh phục, những lần chuyển hóa tâm linh chừng nào mà
những sự việc này còn là "của mình" cho đến khi mọi thứ "của mình" đều
được dứt bỏ. Chỉ có theo cách này, người tu tập mới tới được cái gốc nền
của mọi chứng ngộ tức là cái "chân lý bao dung tất cả" (đại viên dung) và
nhờ đó mà bừng tỉnh thấy được một đời sống không còn là của riêng mình
hằng ngày nữa. Đến tầng bậc này, người tu tập vẫn sống nhưng cái đang sống
không còn là chính anh ta.
Từ quan điểm này, ta có thể hiểu tại sao các Thiền sư
tránh không nói về mình và quá trình tiến hóa của mình. Đó không phải là
vì các vị nghĩ là thiếu khiêm tốn khi tự khoe mình, nhưng vì họ xem đó là
phản bội lại Thiền. Ngay cả khi chấp nhận nói ra một điều gì đó về Thiền,
họ cũng phải suy xét kỹ càng. Trước họ đã có tấm gương răn dạy của một
trong số các Đại Thiền sư: khi được hỏi "Thiền là gì?", ông ta vẫn lặng
yên bất động như là không nghe câu hỏi. Vậy làm sao mong được các Thiền sư
luận giải về những gì mà họ đã vất bỏ và không còn thấy thiếu?
Trong những hoàn cảnh như vậy, tôi chỉ có nước né tránh
mọi trách nhiệm nếu cứ trói minh vào vòng dây nghịch lý và chấp nhận nép
mình đằng sau rào chắn của những ngôn từ khoa trương, nhưng tôi lại muốn
rọi một chút ánh sáng vào bản chất của Thiền qua việc trình bày nét biểu
hiện của bản chất đó ở trong vác bộ môn nghệ thuật mà Thiền in dấu. Theo
nghĩa căn bản của từ ngữ và theo Thiền, ánh sáng này chắc chắn không phải
là "nguồn sáng giác ngộ", nhưng ít ra cũng như ánh chớp lóe lên báo trước
cơn sấm sét nơi xa, ánh sáng này sẽ cho thấy có cái gì đó lẫn khuất sau
lớp màn âm u dày đặc. Nếu hiểu như thế thì thuật bắn cung có phần giống
như một khóa học dự bị của Thiền vì nó giúp cho người mới bắt đầu có thể -
qua công việc của đôi tay - có được một cái nhìn rõ ràng hơn về những diễn
biến mà khó hiểu được nếu đột nhiên lọt vào trong đó.
Khác quan mà nói thì hoàn toàn có thể vạch ra một con
đường đi đến Thiền khởi từ bất cứ bộ môn nghệ thuật nào đã được đề cập ở
trước. Tuy nhiên, đối với tôi, việc mô tả con đường mà người học bắn cung
phải trải qua là phương cách đơn giản nhất để thực hiện được mục đích của
mình. Nói rõ hơn, tôi sẽ cố gắng tóm lược quá trình sáu năm theo học một
trong số các Đại sư Cung Đạo trong thời gian tôi cư trú tại Nhật Bản. Như
vậy chính kinh nghiệm bản thân cho phép tôi thực hiện việc này. Để các bạn
có thể hiểu được tận tường, vì ngay cả khóa học dự bị này cũng chẳng thiếu
những điều bí ẩn, tôi sẽ không chọn lọc mà nhắc lại tất cả mọi trở ngại mà
tôi đã phải vượt qua, mọi ngại ngùng mà tôi phải dẹp bỏ trước khi tiếp tục
đi sâu vào tinh thần của "Đại Giáo Pháp". Tôi sẽ chỉ nói về mỗi cá nhân
tôi vì không thấy có cách nào khác để đạt được cái mục đích mà tôi đã đặt
ra cho mình. Cũng vì lý do đó, tôi sẽ tập trung lời tường thuật của tôi
vào những điều căn bản để làm chúng nổi bật lên rõ ràng. Tôi sẽ tự ý kềm
mình không mô tả cái môi trường mà tôi thụ giáo, không gợi lại những cảnh
tượng khắc sâu trong trí, và cũng không vẽ ra chân dung của Sư phụ dù tất
cả điều này rất là hấp dẫn. Mỗi thứ đều chỉ xoay quanh thuật bắn cung, mà
đôi khi tôi cảm thấy trình bày khó hơn là học tập. Như vậy, lời trình bày
của tôi sẽ dẫn các bạn đến một giới hạn, mà ở đó, chúng ta bắt đầu thấy
được những chân trời xa xa có Thiền đang sống.
2.
Để các bạn hiểu được tại sao tôi muốn nghiên cứu Thiền
và tại sao để đạt mục đích này, tôi lại phát tâm học thuật bắn cung, tôi
thấy cần có đôi lời giải thích.
Ngay thuở còn là sinh viên, tôi như bị một mãnh lực
thần bí thôi thúc phải quan tâm đến huyền học, mặc dù tâm trạng đương thời
ít ủng hộ cho những quan tâm như thế. Tuy vậy, dù đã cố gắng hết sức, càng
ngày tôi càng hiểu rõ mình chỉ có thể tiếp cận được các căn bản huyền học
từ bên ngoài; và mặc dù biết cách quy hoạch được cái mà người ta có thể
gọi là hiện tượng huyền bí sơ khai, tôi vẫn không thể nhảy qua đường biên
giống như một bức tường thành cao ngất bao quanh cái huyền bí đó. Tôi cũng
không thấy được những gì mà tôi kiếm; và trong sự thất vọng chán chường
tôi dần dần nhận ra chỉ có người giải thoát thật sự mới hiểu được cái gọi
là 'giải thoát" và chỉ có người Thiền định tâm tư hoàn toàn vắng lặng và
đã dứt lìa "cái tôi" mới sẵn sàng tan hòa vào trong cái gọi là "Thần tánh
siêu việt". Vì vậy, tôi nhận thấy rằng không có và không thể có phương
cách nào khác đi vào đời sống huyền vi ngoài cách tự mình chứng nghiệm và
chịu khó nhẫn nại; nếu thiếu tiền đề này thì mọi lời bàn luận về đời sống
đó chỉ là khoa trương vô ích, nhưng, làm thế nào để trở thành một người
hành đạo? Làm thế nào để đạt đến trạng thái giải thoát chân thực, không
phải là tưởng tượng? Đối với con người hiện đại lớn lên trong những điều
kiện hoàn toàn khác biệt và bị một vực sâu hàng bao thế kỷ ngăn cách vói
các Đạo sư, thì còn có một con đường nào dẫn đi đến đó hay không? Tôi
không tìm được đâu ra câu trả lời thỏa mãn cho những vấn đề này, dù người
ta có cho tôi biết về các giai đoạn cùng những bến trạm của một con đưòng
hứa hẹn dẫn tới mục đích. Tôi thiếu những lời dạy đúng phương pháp có thể
thay thế một vị Thầy dẫn dắt tôi bước đi trên con đường này hoặc ít ra
cũng được một phần đường, nhưng những lời dạy như vậy dù có đi nữa là đã
đủ chưa? Chẳng lẽ nếu may mắn thì chúng cũng chỉ tạo được bước chuẩn bị để
tiếp nhận một cái gì đó mà ngay cả một lý thuyết hoàn hảo nhất cũng không
thể đem lại được và do đó, chẳng lẽ không có một thiên hướng nào mà con
người đã biết lại không thể dẫn tới sự chứng ngộ huyền vi hay sao? Khi
nhìn vào đó, tôi như đụng phải những cách cửa đóng kín, nhưng cũng không
thể cầm lòng để đừng vặn xoay các núm cửa mãi, vì nỗi khát khao mãnh liệt
vẫn còn, và khi nó giảm sút vì mệt mỏi, tôi vẫn cứ nhớ nhung âm ỉ.
Do đó, khi trở thành giảng viên đại học, và được hỏi là
có muốn qua dạy triết học ở trường Đại học Hoàng gia Tokyo hay không, tôi
liền hoan hỷ chụp lấy cái cơ hội giúp mình nghiên cứu đất nước và dân tộc
Nhật Bản cũng như có triển vọng tiếp xúc với Phật Giáo và như vậy, có thể
học được cách quán chiếu bên trong. Tôi đã nghe nói ở Nhật có một truyền
thống Thiền sinh động được gìn giữ cẩn thận, một nghệ thuật giao huấn đã
được thử nghiệm qua bao thế kỷ, và quan trọng nhất là có những bậc Thiền
sư tinh thông xuất chúng trong nghệ thuật hướng dẫn tâm linh.
Vừa mới quen được phong thổ của môi trường mới, tôi đã
bắt tay vào việc thực hiện hoài bảo, lập tức tôi gặp phải những lời từ
chối đầy bối rối. Người ta bảo là chưa từng có người Âu Tây nào quan tâm
đến Thiền một cách nghiêm túc, và tôi khó mà được như ý nếu chỉ muốn thỏa
mãn về mặt lý thuyết vì Thiền không chịu để lộ một dấu vết nào dù nhỏ nhất
về cái việc gọi là "giảng dạy". Sau khi bỏ ra rất nhiều thì giờ để làm cho
họ hiểu tại sao tôi mong muốn dấn thân vào môn "Thiền không lý luận", tôi
mới được cho biết là hoàn toàn vô ích nếu người Âu cố gắng đi vào lãnh vực
này của đời sống tâm linh phương Đông, trừ phi người đó bắt đầu học một
môn nghệ thuật Nhật Bản có liên hệ với Thiền. Ý tưởng phải trải qua một
khóa học dự bị không làm tôi e ngại. Tôi cảm thấy sẵn sàng làm bất cứ điều
gì miễn là có chút hy vọng tới được gần Thiền, dù phải đi quanh có thể đến
mệt mỏi rã rời còn hơn là không có cách nào nữa cả. Nhưng tôi nên chọn môn
nghệ thuật nào đây, vì môn nào cũng có thể dẫn đến cùng một mục đích?
Vợ tôi sau một chút do dự đã chọn nghệ thuật cắm hoa
(hoa đạo) và nghệ thuật vẽ tranh thủy mạc (họa đạo); còn tôi thấy bắn cung
(cung đạo) dường như thích hợp vì tôi nghĩ rằng - sau đó mới bìết là lầm -
kinh nghiệm bắn súng trường và súng ngắn là một lợi thế cho tôi.
Tôi đến gặp một bạn đồng nghiệp là ông Sozo Komachiya,
giáo sư luật học, để xin ông giới thiệu tôi theo học thuật bắn cung với
Thầy của ông là Đại sư Kenzo Awa nổi tiếng võ lâm. Cũng cần biết là bạn
tôi đã giảng dạy về thuật bắn cung hơn hai mươi năm và được tôn xưng là
cao thủ thượng thừa về môn này ở trường Đại học.
Thoạt tiên, Đại sư từ chối yêu cầu của tôi, ông bảo
rằng ông đã từng sai lầm khi dạy cho một người nước ngoài và hối tiếc mãi
về chuyện này. Do đó, ông không thể nhân nhượng lần thứ hai để không làm
người học phải khó chịu trước gánh nặng tinh thần kỳ bí của môn võ thuật
này. Chỉ sau khi tôi long trọng đoan chắc rằng một Sư phụ coi trọng công
việc của mình như vậy sẽ đối xử tốt với tôi chẳng khác gì lo cho một cậu
học trò nhỏ nhất và ông sẽ thấy tôi muốn học môn võ thuật này chẳng phải
để cho vui mà vì để thấu hiểu "Đại Giáo Pháp". Đại sư Awa mới chịu nhận
tôi làm đệ tử; vợ tôi cũng được cho nhập môn, vì theo tục lệ lâu đời ở
Nhật Bản, phụ nữ được phép học cung đạo, và chính vợ và hai con gái của
Đại sư cũng là những võ sinh cần mẫn.
Và như vậy là bắt đầu một khóa học vất vả lâu dài,
trong đó ông bạn Komachiya, người đã biện hộ mạnh mẽ cho mục tiêu của
chúng tôi và đứng ra bảo lãnh với Sư phụ, cũng tham gia làm người thông
dịch. Đồng thời, tôi cũng may mắn được mời đến nghe các bài giảng về nghệ
thuật cắm hoa và vẽ tranh thủy mạc mà vợ tôi đang học. Điều này đã tạo ra
một viễn ảnh là tôi sẽ có được một nền tảng hiểu biết rộng rãi hơn qua
việc thường xuyên so sánh các bộ môn nghệ thuật bổ túc cho nhau này.
3.
Ngay từ bài học đầu tiên, chúng tôi mới thật sự biết
con đường dẫn tới "Nghệ thuật vô nghệ thuật" không phải dễ theo. Sư phụ
khai giảng bằng cách cho chúng tôi xem nhiều loại cung Nhật khác nhau và
giải thích chúng có độ dẻo phi thường là nhờ được chế tạo đặc biệt bằng
một chất liệu gọi là "tre", nhưng hình như điều quan trọng hơn đối với ông
đó là nhắc chúng tôi chú ý đến hình dáng cực kỳ thanh nhã của cây cung dài
gần hai thước khi cung được giương lên, và cung càng giương càng có hình
dáng tuyệt vời. Sư phụ giải thích khi dã được giương đủ mức, cây cung sẽ
ôm gọn "Tất cả" vào lòng, và đó là lý do tại sao học giương cung đúng phép
rất là quan trọng, rồi ông nắm lấy một cây cung tốt nhất và mạnh nhất
trong đám cung ông có: và với một thái độ lễ nghi trân trọng, ông kéo nhẹ
dây cung vài lần rồi buông nó ra. Dây cung bật thành một tiếng sắc bén hòa
với tiếng rung đều, một thứ âm thanh mà khi nghe vài lần, người ta sẽ
không bao giờ quên được: âm thanh thật lạ lùng khiến tim tự nhiên phải se
lại. Từ thuở xa xưa, người ta tinh thần rằng tiếng bật đó có năng lực trừ
tà, và tôi cũng tin chắc ý kiến này đã ăn rễ vào trong dân tộc Nhật. Sau
màn dạo đầu thanh tẩy và thụ giáo này, Sư phụ bảo chúng tôi đến gần ông để
xem. Ông lắp tên vào dây, và giương cung căng đến độ tôi sợ nó không đương
nổi sự căng để ôm gọn "Tất cả" vào lòng, cuối cùng, ông buông tên ... Tất
cả hành động này không chỉ trông rất đẹp, mà còn chẳng thấy có chút gì cố
sức. Bấy giờ ông mới dạy: 'Anh hãy làm y như thế, nhưng nhớ thuật bắn cung
không phải để tập luyện cho sức mạnh của cơ thể, mà phải học cách để hai
bàn tay làm việc mà thôi, trong khi đó buông lỏng các bắp thịt và hai cánh
tay như là chẳng dự gì vào công việc cả. Chỉ khi nào làm được như thế, anh
mới hoàn thành được một trong số các điều kiện khiến việc giương và bắn
trở thành "có tinh thần". Vừa nói đến đây, ông nắm lấy hai bàn tay
của tôi và đưa chúng đi chầm chậm theo những giai đoạn thao tác sẽ được sử
dụng trong tương lai, duờng như giúp tôi quen với cảm giác về thao tác đó.
Ngay lần đầu tiên với một cây cung tập có lực trung
bình, tôi nhận thấy phải dùng nhiều sức mới kéo cong nó được. Đó là vì
cung Nhật khác với cây cung thể thao của Châu Âu, không đưa ngang tầm vai
như để tạo thế tựa cho người bắn. Thay vì thế, vừa lắp tên xong, người ta
liền đưa cung lên cao, hai cánh tay gần như dang thẳng và hai bàn tay nằm
cao hơn đầu một chút, vì vậy cung thủ chỉ còn mỗi việc để làm là cùng kéo
đồng thời hai bàn tay trái và phải dang ra hai bên với sức lực tương đương
nhau; và càng kéo xa nhau ra, hai bàn tay càng đi vòng xuống thấp cho đến
khi bàn tay trái - tay cầm cung - tới ngang tầm mắt với cánh tay dang
thẳng ra, trong khi bàn tay phải - kéo dây cung - dừng lại ngang trên vai
phải một chút với cánh tay hơi cong. Như vậy sức căng rất lớn đến độ đầu
mũi của cây tên dài gần một thước chỉ còn ló ra khỏi mép trước cây cung
chút xíu mà thôi. Cung thủ phải giữ tư thế này một lúc mới buông tên. Do
phải dùng sức để giữ cung theo cách lạ thường này, nên chỉ sau vài giây
hai tay tôi bắt đầu run lên và hơi thở càng lúc càng trở nên nặng nề.
Suốt trong những tuần lễ sau cùng chẳng có gì khá hơn.
Giương cung vẫn là một công viẹc khó nhọc, và dù tôi rất hăng say luyện
tập, công việc đó vẫn không chịu trở thành "tinh thần", nhưng tôi tự an ủi
bằng cách nghĩ rằng trong bài tập này chắc phải có một kỹ xảo đặc biệt mà
Sư phụ vì lý do nào đó không muốn tiết lộ, và tôi tự nhủ chính mình phải
tìm ra kỹ xảo đó.
Cương quyết theo đuổi mục đích, tôi tiếp tục tập luyện.
Sư phụ chú y theo dõi những cố gắng của tôi, lặng lẽ sửa sai thái độ căng
thẳng của tôi, khen ngợi sự nhiệt tình của tôi, phiền trách tôi đã phí sức
lực, nhưng để tôi tự tập thoải mái. Duy có điều làm tôi buồn bực là trong
khi tôi giương cung, ông cứ la tôi bằng tiếng mẹ đẻ của tôi: "Buông lỏng!
Buông lỏng!" mà ông đã học thuộc từ buổi đầu, mặc dù ông không hề tỏ ra
thiếu kiên nhẫn và lịch sự, nhưng rồi đến một ngày tôi mất kiên nhẫn và
quyết định thú nhận là tôi hoàn toàn không thể giương cung theo cách đã
làm. Su phụ liền giải thích:
"Anh không thể làm việc đó vì anh không thở đúng. Sau
khi hít vào, anh phải từ từ ép hơi xuống cho phình bụng dưới ra và giữ hơi
thở ở đó một lúc, rồi thở ra càng chậm đều càng tốt và sau khi ngưng thở
một lúc thì lại hít nhanh vào. Cứ tiếp tục hít thở như thế, nhịp thở sẽ
dần dần ổn định. Nếu hít thở đúng phép anh sẽ thấy việc giương cung càng
ngày càng dễ ra, vì qua cách hít thở như vậy, anh không chỉ khám phá ra
nguồn sức mạnh tinh thần, mà còn khiến nó chảy sung hơn; và anh càng buông
lỏng thì nguồn sức mạnh này đổ vào tay chân càng dễ", và như để chứng
minh, ông giương cây cung cứng của ông và bảo tôi bước đến sát bên sờ nắn
thử các bắp thịt ở tay ông. Tất cả đều buông lỏng như chẳng có chút sức
lực nào cả.
Tôi tập cách thở mới này, thoạt tiên không có cung tên
cho đến khi quen thuộc tự nhiên. Lúc dầu tôi cảm thấy hơi vướng nghẽn khó
chịu, nhưng rồi cũng vượt qua nhanh chóng. Sư phụ rất xem trọng việc thở
ra càng chậm đều càng tốt cho đến khi hết hơi, nên ông bảo chúng tôi thở
thành tiếng để dễ bề kiểm soát và dễ tập. Khi đã thở hơi ra hết không còn
tiếng nữa, chúng tôi mới được phép hít vào. Có lần Sư phụ bảo: "Hít vào là
liên kết và thống hợp; nín hơi là làm cho mọi thứ thông suốt và thở ra là
buông thả và hoàn tất bằng cách vượt qua mọi giới hạn". Nhưng chúng tôi
chưa thể thấu hiểu được những lời này.
Sau đó, Sư phụ tiếp tục nói về những mối liên hệ giữa
thuật bắn cung và việc thở, vì tập thở không chỉ biết thở rồi thôi. Quá
trình giương cung và bắn được chia thành nhiều giai đoạn: nắm cung, tra
tên, đưa cung lên, giương cung và giữ yên khi đã căng tối đa, buông tên,
giương cung và giữ yên khi đã căng tối đa, buông tên. Mỗi giai đoạn đều
bắt đầu với việc hít vào, và duy trì bằng cách giữ chắc hơi thở đã nén
xuống bụng dưới, rồi chấm dứt bằng việc thở ra. Theo cách đó, việc hít thở
tự nhiên ăn khớp với hành động đang diễn ra và không chỉ nêu rõ từng tư
thế cùng cử động của đôi tay, mà còn đan kết chúng thành một diễn tiến
nhịp nhàng, diễn tiến đó có thể khác nhau tùy theo khả năng hô hấp của
từng cung thủ. Mặc dù được chia thành nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, toàn
bộ quá trình giống như có một cái gì đó đang sống bên trong và rất khác xa
một bài tạp thể thao mà người ta có thể thêm hoặc bớt một vài động tác
nhưng không vì thế mà làm hỏng ý nghĩa hoặc đặc tính của nó.
Mỗi lần nhắc lại thời kỳ này, tôi không khỏi nhớ lại
một kỷ niệm là lúc ban đầu tôi thấy giữ cho việc hít thở được đúng thật
khó biết bao. Dù đã hít thở đúng kỹ thuật, nhưng hễ tôi cố để hai tay và
vai được buông lỏng trong lúc giương cung, thì các bắp thịt chân tự động
rút cứng lại như là phải bám cứng mặt đất trong một tư thế vững chắc để
rút lấy sức lực từ dưới đất lên tương tự nhân vật thần thoại Antaeus?
(7). Thường thì Sư phụ không trợ giúp gì hơn là nhanh như chớp chộp
lấy một bắp thịt nào đó của chân tôi, bóp vào huyệt nhạy cảm nhất làm tôi
đau nhói. Ngày nọ, để tự bào chữa cho mình, tôi nói là tôi vẫn chú tâm cố
giữ người buông lỏng; ông bảo: "Thật là sai lầm khi anh cố ý nghĩ đến việc
đó. Hãy tập trung hoàn toàn vào việc thở, như là không còn việc gì khác để
làm ...". Tôi phải bỏ ra một khoảng thời gian đáng kể mới làm được những
gì Sư phụ mong nuốn. Tối tập được cách thả mình trầm lắng vào việc thở,
yên lặng đến độ đôi khi tôi có cảm giác không phải là mình đang thở mà bị
thở, tuy điều này nói ra có vẻ lạ kỳ, và ngay cả trong những giờ thiền
định, khi cố cưỡng lại cái cảm giác lạ kỳ này, tôi mới không còn nghi ngờ
việc tập thở sẽ đem lại tất cả những gì mà Sư phụ đã hứa.
Càng ngày tôi luyện tập càng thường xuyên hơn, thỉnh
thoảng tôi cũng đã giương được cây cung và giữ nó căng cứng cho đến lúc
buông dây trong khi vẫn để cơ thể hoàn toàn buông lỏng, mà không thể nói
tại sao lại được như thế. Sự khác biệt tính chất giữa những lần giưong
cung thành công hiếm hoi này và vô số lần thất bại đủ sức thuyết phục tôi
sẵn sàng chấp nhận là rốt cuộc bây giờ tôi đã hiểu "giương cung có tinh
thần" nghĩa là gì. Đó không phải là một kỹ xảo bí mật mà tôi đã hoài công
cầu tìm, mà là một cách tập thở để có được những khả năng với xa mới mẻ đi
đến giải thoát. Tôi nói ra điều này không phải là không có e dè, vì tôi
biết rõ sức cám dỗ người ta chết cho một ảnh hưởng mạnh mẽ nào đó là lớn
lao vô cùng, và lòng mê vọng khiến người ta đề cao quá đáng một kinh
nghiệm nào đó chỉ vì thấy nó bất thường cũng lớn lao không kém, nhưng dù
có suy nghĩ cẩn thận và nói năng dè dặt, những kết quả đạt được nhờ cách
thở mới vẫn là một minh chứng rõ ràng không thể phủ nhận: sau một thời
gian, tôi đã có thể giương cung nổi ngay cả cây cung cứng của Sư phụ mà
các bắp thịt vẫn buông lỏng.
Một hôm, trong lúc đàm đạo thân mật với ông Komachiya,
tôi hỏi tại sao Sư phụ cứ mãi nhìn xem những cố gắng phí công để giương
cung "có tinh thần" của tôi quá lâu như vậy, và tại sao Sư phụ không bắt
tôi phải tập thở đúng cách ngay từ đầu. ông Komachiya đáp: "Một cao thủ võ
lâm cũng phải là một thầy dạy giỏi. Đối với người Nhật chúng tôi, hai điều
này phải đi liền nhau. Nếu bắt đầu mà Sư phụ đã dạy ngay các bài tập thở,
thì chẳng bao giờ ông khiến được anh nhờ vào chúng để đạt được bất cứ điều
gì có tính quyết định. Đầu tiên anh phải hứng chịu những thất bại do mình
gây ra, sau đó anh mới sẵn lòng nắm lấy cái phao cứu hộ mà ông ném cho
anh. Hãy tin tôi đi, qua kinh nghiệm bản thân, tôi biết Sư phụ hiểu anh và
từng người đệ tử nhiều hơn là chúng ta tự hiểu chính mình. Ông nhìn thấy
tâm can của các đệ tử rõ hơn là họ mong muốn thừa nhận".
4.
Giương được cây cung "có tinh thần", nghĩa là giương
mạnh mẽ nhưng không dùng sức cơ bắp, sau một năm luyện tập, không phải là
một kết quả đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hài lòng vì bắt đầu
hiểu được tại sao người ta dùng chữ "nghệ thuật thanh cao" để gọi cái
phương pháp tự vệ giúp chiến thắng đối phương mà không cần phí sức bằng
cách thối lui nhẹ nhàng trước những đòn tấn công ác liệt và để cho sức
đánh của đối phương bất ngờ quay lại chống y. Thời nào người ta cũng có
thể thấy được biểu tượng của chiến thuật này, đó là hình ảnh của nước luôn
chảy xuống thấp nhưng không có gì áp chế được; bởi vậy, Lão Tử mới nói một
cách thâm thúy: "Người sống đạo đức giống như nước vậy, vì không tranh
giành, luôn luôn khiêm nhường và thích nghi mọi cảnh nên có thể vượt qua
muôn nỗi khó khăn", vả lại, trong võ đường có lưu truyền câu nói của Sư
phụ" "Ai thấy mình dễ dàng lúc ban đầu sẽ đón nhận những khó khăn về sau".
Đối với tôi, lúc ban đầu không dễ dàng gì lắm; vậy chẳng lẽ tôi không có
quyền cảm thấy vững tin chờ đợi những gì sẽ xảy ra cho mình kể cả những
khó khăn mà tôi nghĩ là chưa chắc có hay sao?
Giai đoạn tiếp theo là học "buông tên". Cho tới bây
giờ, chúng tôi vẫn được phép làm việc này một cách tùy tiện như thể đó là
một việc phụ nằm bên lề các bài tập. Chúng tôi chưa bận tâm đến cái gì sẽ
xảy ra với mũi tên. Hễ mũi tên còn cắm được vào trong cái vòng rơm vừa
dùng làm đích bắn vừa làm mục tiêu tập bắn, thì chúng tôi cũng thấy thỏa
mãn lắm rồi, tuy bắn trúng mục tiêu chẳng phải là một thành tích to lớn gì
cho lắm vì chúng tôi chỉ đứng cách xa độ chừng mười bước.
Đến bây giờ, tôi vẫn cứ buông dây khi không còn chịu
nổi cái việc giữ cung căng cứng mãi, và đành phải chịu thua để cho hai bàn
tay mà tôi đã cố sức dang ra, chập lại theo ý chúng. Tuy vậy, sức căng
không hề gây đau tức. Một găng tay bằng da, với ngón cái được độn dày chặt
để ngăn ngừa sức ép của dây cung gây khó chịu khiến phải buông sớm ngay
khi sức căng vừa đến mức tối đa. Khi kéo, ngón tay cái được đặt phía dưới
cây tên và móc vào dây cung; ba ngón trỏ, giữa và áp út bám cứng vào nó,
đồng thời giữ chặt cây tên, như vậy, buông tên có nghĩa là thả lỏng ba
ngón tay đang bám ngón cái. Sức co mạnh của dây cung sẽ làm ngón cái bật
thẳng ra, dây cung rung lên và cây tên bay đi.
Cho đến bây giờ, mỗi lần buông tên tôi đều bị chao đảo
và cảm thấy rõ ràng có một lực rung chuyển lan khắp thân tôi và cả trong
cây cung lẫn cây tên. Như vậy, cú bắn khó được êm xuôi và có hiệu quả vì
chắc chắn lực rung sẽ làm tên đi lệch hướng.
Một hôm, có lẽ Sư phụ thấy chẳng còn gì để trách cứ về
cách giương cung đã buông lỏng của tôi, nên ông bảo: 'Tất cả những gì anh
đã học tập từ trước đến nay chỉ là bước chuẩn bị để bắn cung. Bây giờ
chúng ta phải đương đầu với một nhiệm vụ khác đặc biệt khó khăn và nhiệm
vụ đó sẽ đưa chúng ta lên một tầng bậc cao hơn của cung thuật". Nói xong
ông cầm lấy cây cung giương cao lên và bắn. Chỉ lúc đó, khi chăm chú nhìn
kỹ, tối mới nhận ra bàn tay phải của Sư phụ sau khi thình lình thả ra,
buông lìa sức căng thì giật lui ra sau và thân thể ông không bị một chút
dao động nào cả. Cánh tay phải, trước khi bắn đã tạo thành một góc nhọn,
cũng bật ra sau tưởng chừng cố ý, nhưng thật ra nó tự giật lui nhẹ nhàng
và hóa giải được lực phản dội phải có.
Nếu lực bắn đi không tự lộ ra bằng bật sắc bén của dây
cung hồi vị (trở lại vị trí ban đầu chưa giương) và trong lực lao đi của
cây tên, thì chẳng ai nghĩ là nó có. Như trong trường hợp của Sư phụ. việc
buông tên trông đơn giản và vô tư chẳng khác gì trò chơi con trẻ.
Vẻ thư thái khi làm một việc cần sức mạnh to lớn chắc
chắn là một cảnh tượng có cái đẹp mà người Á Đông đề cao và ưa thích,
nhưng với tôi, ở giai đoạn tiến xa hơn này, tôi khó mà nghĩ gì khác hơn là
việc bắn trúng tùy thuộc vào cú bắn phát ra có được êm xuôi hay không. Qua
kinh nghiệm bắn súng, tôi biết những kết quả bắn lệch đường ngắm dù chút
ít cũng do người bắn dao động mà ra. Cho đến bây giờ, tôi cũng chỉ hiểu
được những gì mình đã học và làm theo quan điểm như sau: buông lỏng khi
giương cung, buông lỏng khi giữ cung đã căng hết mức, buông lỏng khi buông
tên, buông lỏng khi tiếp nhận và hóa giải lực phản dội; tất cả điều này
chỉ cốt giúp người ta đạt được mục đích là bắn trúng và đó là lý do để
chúng tôi phải học thuật bắn cung một cách khổ nhọc và kiên trì. Vậy tại
sao Sư phụ lại nói cái việc mà chúng tôi hiện đang quan tâm này có vẻ như
khác thường và vượt xa mọi bài tập trước đây?
Dù thế nào đi nữa, tôi tiếp tục luyện tập chuyên cần và
chú tâm theo lời dạy của Sư phụ, nhưng mọi gắng công của tôi đều vô ích,
thường thì tôi có ấn tượng mình đã bắn giỏi hơn trước, giỏi hơn lúc tôi
vẫn còn buông tên tùy tiện không cần nghĩ ngợi, nhưng giờ đây tôi để ý
thấy mình không thể buông mở bàn tay, nhất là mấy ngón đang bấm vào ngón
cái mà không dùng sức. Kết quả là lúc buông tên, tôi vẫn bị giật lùi khiến
mũi tên đi chệch hướng, nghĩa là khả năng hóa giải cú giật của bàn tay
buông ra thình lình vân còn yếu kém. Sư phụ không nản lòng, biẻu diễn lại
thao tác bắn cung đúng phép, tôi không nảm chí, cố gắng bắt chước ông,
nhưng chẳng có kết quả gì hơn là càng đâm ra lúng túng. Tôi có vẻ giống
như một con cuốn chiếu không còn động đậy được nữa trong khi bị rối trí
không biết đường nào để thò chân bò đi.
Đương nhiên trước thất bại này, Sư phụ không lo sợ bằng
tôi. Phải chăng do kinh nghiệm, ông biết rằng tôi phải trải qua điều đó?
Ông kêu lên: "Đừng nghĩ ngợi cần nên làm gì, đừng suy tính phải làm ra
sao? Cú bắn chỉ êm xuôi khi nó làm cho người bắn bị bất ngờ. Dây cung phải
như là đột ngột bứt ngang ngón cái đang giữ nó. Bởi vậy, đừng buông tay
với sự cố ý".
Những tuần, những tháng tiếp theo cũng không kết quả
gì. Sư phụ vẫn diễn đi diễn lại thao tác bắn cho tôi lấy mẫu mực và thấy
được thực chất của cách bắn đúng đắn, nhưng tôi vẫn không bắn được cú nào
thành công. Nếu trong lúc hoài công chờ đợi cú bắn mà tôi chớm nghĩ chịu
thua sức căng vì không còn giữ lâu được nữa, thì ngay lập tức hai bàn tay
từ từ bị kéo sát vào nhau, và như vậy là cú bắn xem như chẳng thành, còn
nếu tôi cương quyết kềm giữ sức căng cho tới lúc hết hơi thì lại phải vận
dụng các bắp thịt ở tay và vai giúp sức. Quả thật nhờ vậy tôi đã giữ được
thế căng, nhưng lại phải đứng yên bất động với thân hình căng cứng khiến
Sư phụ nói đùa là "giống như bức tượng".
Một hôm, chẳng biết do tình cờ hay do Sư phụ sắp đặt,
tôi có dịp ngồi riêng uống trà với ông. Nhân cơ hội này, tôi bàn luận với
ông và thổ lộ tâm tình.
Tôi nói: "Con hiểu rõ bàn tay phải giật mới mở ra được
nếu muốn cú bắn không hỏng, nhưng con thử cách nào đi nữa, cú bắn vẫn
hỏng. Nếu con dùng hết sức nắm chặt bàn tay thì không tránh được chấn động
khi buông các ngón tay. Trái lại, nếu con cố ý để bàn tay buông lỏng thì
dây cung lại bất ngờ bật ra ngay trước khi căng đến mức tối đa. Con cứ
phải lẩn quẩn giữa hai loại lầm lỗi này, không có lối thoát. Vậy, kính xin
Thầy chỉ giúp".
Sư phụ trả lời: "Anh phải giữ dây cung đang kéo giống
như đứa trẻ giữ lấy ngón tay mà người ta đưa cho nó. Nó nắm chặt đến nỗi
người ta phải kinh ngạc trước sức mạnh của nắm tay bé tí, và khi thả ngón
tay mà người ta đang cố rút ra thì chẳng thấy nó bị chấn động chút nào.
Anh có biết tại sao như thế không? Đó là vì đứa trẻ không suy nghĩ là bây
giờ mình sẽ thả ngón tay để nắm lấy cái khác. Hoàn toàn vô tư vô lự, nó
chuyển từ cái này qua cái khác, và chúng ta bảo là trẻ con chơi đùa với
mọi thứ, thì có cho rằng mọi thứ đều chơi đùa với nó cũng thế thôi".
Tôi nói: "Có thể hiểu ý Thầy muốn nói gì qua so sánh
đó, nhưng chẳng lẽ con không ở trong một hoàn cảnh khác biệt hay sao? Khi
vừa giương cung lên xong, con chợt cảm thấy nếu không bắn ngay thì mình
không thể chịu đựng sức căng lâu được, và rồi việc gì xảy ra? Con chỉ có
hết hơi mà thôi! Vì vậy, con phải buông tay dù muốn hay không vì không thể
chờ lâu hơn nữa".
Sư phụ đáp: "Anh chỉ mới một tả chính xác khó khăn nằm
ở chỗ nào, nhưng anh có biết tại sao anh thể chờ được đến lúc bắn và tại
sao lại bị hụt hơi trước khi đến cái lúc đó? Anh không được cú bắn đúng
cách vào đúng thời điểm vì anh không chịu buông lìa chính anh. Anh không
hướng tới thành công, mà lại chuẩn bị tinh thần rước lấy thất bại. Nếu cứ
như thế mãi thì chắc chắn anh lại tự gây ra một điều gì đó ngoài ý muốn
của mình; và nếu còn gây ra như thế, thì bàn tay anh vẫn cứ không thể mở
ra đúng cách như tay trẻ con, nghĩa là nó không bật toát ra tự nhiên như
vỏ của trái cây đến độ chín mùi.
Tôi đành thú nhận với Sư phụ là lời diễn giải của ông
làm tôi càng thêm rối trí. Tôi nói: "Nói cho rốt ráo thì con giương cung
và buông tên để bắn trúng đích; vì vậy, giương cung là phương tiện dẫn đến
một mục đích, và con không thể bỏ qua không xem xét tới mối tương quan
này. Đứa trẻ không biết gì điều đó, nhưng đối với con, cả hai việc này
không thể tách rời ra được".
Sư phụ kêu lên: "Nghệ thuật đúng thật là không mục
đích, không suy tính! Anh càng cố tâm học bắn mũi tên như thế nào để trúng
được đích, thì anh càng ít có cơ hội hoàn thành được việc này, và cái đích
kia càng dang xa vời vợi. Cái gây trở ngại cho anh chính là việc anh cố
tâm nhắm vào mục đích, và bởi anh cứ tưởng rằng cái gì không do chính anh
thực hiện thì sẽ không xảy ra!".
Tôi cãi lại: "Nhưng chính Thầy thường nói là thuật bắn
cung không phải là một trò giải trí giết thì giờ, không phải là một môn
thể thao không mục đích, mà là một công việc sinh tử kia mà?".
Sư phụ bèn nói: "Ta hoàn toàn công nhận có nói như thế.
Giới cung sư chúng tôi thường: - Một cú bắn, một cuộc đời! Anh chưa thể
hiểu được câu nói này có ý nghĩa gì, nhưng có lẽ một hình ảnh khác diễn tả
cùng kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho anh. Giới cung sư chúng tôi còn nói:
- Với đầu trên của cây cung, người bắn chọc thủng trời, và đầu dưới như có
cột sợi dây lụa treo quả đất, Nếu buông tên mà bị chấn động mạnh thì rất
nguy hiểm vì có thể sợi dây sẽ đứt. Kẻ cường bạo và mưu cầu mục đích không
tránh khỏi nạn đất sụt và phải sống bơ vơ trong cảnh khổ đau giữa đất và
trời".
Tôi bối rối hỏi: "Vậy con phải làm gì?".
Sư phụ đáp: "Phải tập cho được tính biết đợi chờ thích
đáng".
- Làm thế nào để tập được tính đó?
- Hãy buông lìa chính mình, bỏ lại đàng sau bất cứ cái
gì anh "là", anh "có" để không còn gì nữa ngoại trừ việc giương không mục
đích.
Tôi ngập ngừng hỏi: "Vậy con phải cố ý gạt bỏ ý mong
cầu mục đích hay sao?".
- Chưa có đệ tử nào hỏi ta như thế, nên ta không biết
trả lời thế nào cho đúng.
- Vậy khi nào chúng ta mới bắt đầu những bài tập mới
này?
- Đợi đúng lúc đã.
Đây là lần đầu tiên kể từ lúc nhập môn tôi được trò
chuyện thân mật với Sư phụ, và buổi trò chuyện này làm tôi càng thêm rối
trí. Dù vậy, cuối cùng, chúng tôi cũng chạm tới cái chủ đề mà vì nó tôi đã
chấp nhận học thuật bắn cung.
Việc buông lìa chính mình mà Sư phụ đã nói, phải chăng
là con đường dẫn tới cõi "không" và "giải thoát"? Phải chăng tôi đã đi đến
cái điểm mà ảnh hưởng của Thiền trong thuật bắn cung bắt đầu tự lộ? Đến
bây giờ tôi vẫn chưa biết chắc chắn giữa khả năng đợi chờ không mục đích
và việc buông tên đúng lúc khi sức căng đã đến mức tối đa có mối liên hệ
gì, nhưng tại sao lại phải cố gắng đoán được những điều mà chỉ có kinh
nghiệm mới cho biết được? Phải chăng cần có nhiều thời gian mới buông bỏ
được thói quen vô bổ này?
Tôi thường âm thầm ghen tỵ với tất cả những đệ tử của
Sư phụ, họ giống như đám trẻ con để cho ông cầm tay dắt đi. Nếu được như
thế mà không phải e dè thì vui sướng biết bao! Một thái độ như vậy không
nhất thiết dẫn tới sự lãnh đạm và trí tuệ tâm linh. Phải chăng đám trẻ con
không hỏi han nhiều chuyện?
5.
Suốt trong bài học tiếp theo, trước sự thất vọng của
tôi. Sư phụ vẫn dạy những bài tập trước đây: giương cung, giữ nó căng ở
mức tối đa, buông tên, nhưng tất cả những lời khuyến khích của ông vẫn
chẳng giúp ích được gì. Mặc dù tôi cố gắng làm đúng lời ông dạy, không
chịu nhượng sức căng, mà phấn đấu vượt qua như thể là bản tánh của cây
cung không đặt ra giới hạn nào cả và tôi cố gắng chờ đến lúc sức căng vừa
đến mức tối đa thì buông ra, nhưng cú bắn nào cũng hỏng, không lệch thì
cũng bay bậy bạ. Chỉ đến khi những buổi tập không những không đạt được
tiến bộ nào, mà còn trở nên nguy hiểm nữa vì càng ngày tôi càng bị nổi
thất bại ám ảnh. Sư phụ mới cho ngưng lại và bắt đầu một đường lối hoàn
toàn mới.
Ông thông báo: "Sắp tới, khi đi học, anh phải tự tập
trung tinh thần ngay trên đường đến đây. Chỉ chú tâm vào những gì xảy ra
trong phòng tập mà thôi, còn mọi cái khác khi đi ngang qua thì đừng chú ý
đến cái nào cả. Xem như trên đời chỉ có một thứ quan trọng và chân thật
duy nhất đó là thuật bắn cung!".
Sư phụ phân con đường buông lìa chính mình thành nhiều
chặng, và chặng nào cũng phải đi qua thật cẩn thận, và ở đây Sư phụ cũng
chỉ đưa ra những gợi ý ngắn gọn. Để thực hiện những bài tập này, các đệ tử
chỉ cần hiểu hoặc trong một số trường hợp có thể phỏng đoán cái gì được
yêu cầu phải làm là đủ. Như vậy sẽ không cần diễn dịch những dấu hiệu đặc
biệt vốn là những biểu tượng cổ truyền thành những khái niệm rõ ràng, cụ
thể. Những biểu tượng này là kết quả của một quá trình thực hành hàng bào
thế kỷ, vậy chẳng lẽ chúng không sâu sắc hơn mớ kiến thức được đào tạo cẩn
thận của chúng ta hay sao?
Bước đầu tiên trên con đường buông bỏ này đã được thực
hiện trước đây và đã dẫn chúng tôi đi đến việc buông lỏng thể xác, vì
không có việc này, người ta không thể giương cung đúng cách, còn nếu muốn
buông tên đúng cách thì ngoài việc buông lỏng trí óc và tinh thần để tâm
trí không những được nhanh nhạy, mà còn được tự do: nhanh nhạy vì được tự
do và tự do vì vốn nhanh nhạy; và tính nhanh nhạy vốn có này xét về cơ bản
thì khác với những gì mà người ta thường hiểu là sự lanh lợi của trí óc.
Như vậy giữa hai trạng thái, một bên là buông lỏng thể xác và bên kia là
buông lỏng tinh thần, có một sự cách biệt không thể xoá bỏ được nếu chỉ
dùng có mỗi việc thở đúng phép; mà phải bằng cách lìa khỏi mọi điều vương
vấn, buông hết cái tôi, nghĩa là trở nên hoàn toàn vô tư vô ngã, thì cái
hồn ẩn sâu trong tâm mới phô bày toàn thể diệu dụng của cái gốc nguồn vô
danh, vô tướng.
Không phải bằng ý chí thoát tục quyết liệt mà người ta
có thể thỏa mãn được yêu cầu đóng cửa các giác quan, mà bằng sự sẵn sàng
thối lui không kháng cự, nhưng muốn làm được hành động không động này bằng
trực giác, thì cái tâm phải được chốt giữ bên trong, và muốn chốt giữ bên
trong thì phải tập trung vào việc thở. Sự tập trung này được thực hiện một
cách có ý thức và tận tụy theo kiểu rập khuôn: hít vào cũng như thở ra
được lập đi lập lại riêng biệt từng cái với sự chú tâm hết sức. Không cần
tập lâu mới thấy kết quả. Càng tập trung vào việc thở, các kích thích từ
bên ngoài vào càng mờ nhạt đi, chúng lắng xuống thành một âm thanh rì rào
mơ hồ mà thoạt đầu còn nghe được đôi chút, nhưng dần về sau chúng chẳng
còn gây ra nhiều phiền nhiễu vì chỉ như tiếng biển khơi vọng lại từ xa; và
một khi đã quen thuộc thì không còn nghe biết gì nữa. Tập lâu ngày, người
ta sẽ trở nên miễn nhiễm với những kích thích mạnh hơn, và đồng thời thoát
khỏi chúng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Dù ở tư thế đứng, ngồi, hoặc nằm,
muốn làm cơ thể buông lỏng, chỉ cần chú tâm là được; và lúc đó nếu tập
trung vào việc thở, người ta sẽ cảm thấy mình được biệt lập trong những
lớp cách âm vô nhiễm. Người ta sẽ chỉ còn cảm biết một điều duy nhất đó là
mình đang thở, và muốn thoát khỏi sự cảm biết đó cũng chẳng cần làm gì
thêm nữa, vì việc thở sẽ tự chậm lại, càng lúc càng bớt vận dụng hơi thở
cho đến khi chỉ còn đều đều thoảng nhẹ, và cuối cùng trở nên lặng lẽ không
tỏ chút gì cho người ta cảm biết.
Khốn thay, trạng thái an lạc trầm lắng vô tư vô lự này
không kéo dài lâu, vì có nguy cơ bị phá hoại từ trong. Thình lình như thể
tuôn ra từ hư không, những tâm trạng, tình cảm, ước muốn, lo âu và cả một
loạt ý tưởng nổi lên loạn xạ, không kềm chế được; những thứ đến từ nơi xa
xôi và kỳ cục nhất, ít có liên hệ với những sự vật mà người ta ý thức được
thì càng bám bám chặt; dường như chúng muốn trả thù cái ý thức đã dùng sự
tập trung để đụng chạm đến những lãnh vực mà bình thường nó không bao giờ
tới được. Cách duy nhất để làm rối loạn này mất tác dụng là tiếp tục hít
thở đúng phép một cách lặng lẽ điềm nhiên, tiếp xúc thân thiện với tất cả
những gì hiện ra, làm quen với chúng và ôn hòa nhìn chúng cho tới khi mệt
chán vì xem. Bằng cách này, người ta dần dần đi đến một trạng thái đê mê
giống như trạng thái lơ mơ trước khi thiếp ngủ, và để mình trôi tuột vào
trạng thái này là điều hiểm nguy cần tránh. Muốn ngăn mình dừng lại thì
cần phải có một nổ lực tập trung đặc biệt tương tự giật mình tỉnh ngủ mà
một ng phải thức suốt đêm tự tạo cho mình khi biết mạng sống của mình tùy
thuộc vào sự nhạy bén của các giác quan. Nếu đã nổ lực được một lần thì
những lần sau dứt khoát phải được. Nhờ đó, tâm hồn tự nhiên đi vào một
trạng thái rung động có thể được khuyếch đại thành một cảm giác mà thường
chỉ có trong những giấc mơ đặc biệt, trong niềm thanh thoát tuyệt vời và
trong nỗi hân hoan tin chắc mình có thể tùy ý vận dụng khí lực ở bất cứ
nơi đâu, dồn tụ hoặc xả bỏ một cách đúng đắn.
Trong trạng thái này, người ta không nghĩ đến, không
suy tính, không đeo đuổi, không mong cầu, không ước muốn một điều gì nhất
định, không nhắm theo một chiều hướng riêng biệt nào và cảm thấy mình có
thể thực hiện cả điều khả thi (có thể làm được) lẫn điều bất khả thi
(không thể làm được) với một sức mạnh kiên định, không gì lay chuyển; đây
là cái trạng thái hoàn toàn không chủ đích, không vị ngã, mà Sư phụ gọi là
"có tinh thần". Thực sự thì nó tràn đầy linh trí nên còn được gọi là trạng
thái "tâm linh thông" (nhạy cảm, nhanh trí) điều này có nghĩa tinh thần
hay tâm có ở khắp nơi nhờ chẳng hề gắn bó với một nơi riêng biệt nào cả,
và sở dĩ nó giữ được tính linh thông là vì có ứng đối với sự vật này hay
sự vật nọ, nó cũng chẳng vướng mắc vào đó. Nếu để vướng mắc bất cứ cái gì,
nó cũng mất ngay tính linh hoạt vốn có. Giống như cái ao có nước đổ vào
đầy ắp và nước cứ chực tràn ra, cái tâm này có thể hoạt động với một sức
lực không hề cạn kiệt vì được thông lưu, và mở ra đón nhận mọi thứ vì vốn
trống không. Đây chính là trạng thái nguyên sơ có biểu tượng là một vòng
tròn trống không nhưng không hề vô nghĩa đối với ai đã lọt vào trong đó.
Chính do tràn trề cái tâm linh thông này, và không bị
một động cơ thầm kín nào quấy nhiễu, người nghệ sĩ, đã thoát được mọi ràng
buộc vương vấn, cảm thấy phải thực hiện ngay cái nghệ thuật của mình,
nhưng muốn có trạng thái hoàn toàn quên mình trong tiến trình sáng tạo,
thì việc thực hành nghệ thuật phải có con đường đã khai thông sẵn trước,
vì trong con mê mãi nếu đụng phải một tình huống nào đó mà mình không
thuận ứng được bằng bản năng, thì chắc hẳn trước tiên người ta phải giải
quyết chuyện này bằng ý thức, và như vậy lại bước vào các mối quan hệ hữu
ý mà mình đã thoát ra. Lúc đó, người nghệ sĩ sẽ như người vừa thức dậy xem
xét các chương trình sinh hoạt trong ngày, mà không phải là người đã tỉnh
thức (giác ngộ) đang sống và làm việc với tâm trạng nguyên sơ. Người như
thế không thể cảm thấy mọi thành phần của tiến trình sáng tạo đều diễn ra
thoải mái như đang chơi do sự tác động của một năng lực thượng thừa; người
đó cũng chẳng hề biết được làm thế nào mà đà rung động của sự việc lại
truyền sang cho mình một cách say sưa trong khi mình cũng chỉ là một rung
động và làm thế nào mà mọi việc mình thực hiện đều hoàn thành trước khi
mình nhận biết.
Vì vậy, trước khi có được cái tâm linh thông tuyệt đối
, không nên phó mặc việc chăm chú gợi khêu những điều cần thiết như là
buông bỏ cái tôi, tự giải thoát, tự phản tỉnh, (quay nhìn vào trong) và
tăng cường sự sống, cho ngẫu nhiên hoặc cho những cơ duyên thuận hợp, vì
càng phó mặc như vậy, người ta càng có ít cơ hội đạt được những điều mong
muốn. Cũng đừng tùy tiện đằm mình vào tiến trình sáng tạo vốn đã đòi hỏi
người nghệ sĩ vận dụng mọi năng lực, với hy vọng theo đó sự tập trung cần
có sẽ tự động xảy ra, vì khó mà có chuyện này.
Trước khi hành động và sáng tạo, trước khi dấn thân và
hòa nhập vào công việc, người nghệ sĩ phải gợi khêu cho được cái tâm linh
thông và củng cố nó bằng sự tập luyện, nhưng một khi người nghệ sĩ đạt
được cái tâm này không chỉ chập chờn khi hiện khi mất, mà còn giữ được
trong một khoảng thời gian nào đó, thì sự tập trung như trong việc thở nói
ở trước sẽ tự nhiên gắn liền với việc thực hành nghệ thuật, mà thuật bắn
cung là một thí dụ điển hình.
Muốn bước vào hành động giương cung và buông tên một
cách dễ dàng, cung thủ qùy xuống một bên và bắt đầu tập trung tinh thần,
rồi trịnh trọng đứng lên, bước tới cái đích bắn và nhũn nhặn nâng cung tên
lên, cúi mình lễ bái như dâng lễ vật. Sau đó, cung thủ tra tên vào dây rồi
đưa cây cung lên cao, giương căng ra và chờ đợi với cái tâm cực kỳ tỉnh
táo. Sau khi đã buông tên và cả sức căng nhanh như chớp. Cung thủ vẫn giữ
yên tư thế đã có vào lúc bắn cho tới hơi thở ra chầm chậm đã hết và cảm
thấy cần hít vào trở lại. Chỉ đến lúc đó, cung thủ mới hạ hai tay xuống,
cúi chào cái đích, và lặng lẽ bước nhẹ về sau nếu không còn bắn thêm phát
nữa. Như vậy, thuật bắn cung đã trở thành một nghi lễ minh chứng cho "Đại
Giáo Pháp".
Đến giai đoạn này, dù người đệ tử không thấu tỏ ý nghĩa
đích thực của những cú bắn, thì ít ra cũng hiểu được tại sao thuật bắn
cung (Nhật Bản) không phải là một trò thể thao hay một môn thể dục. Khi đã
biết nguyên do, người đệ tử sẽ hiểu tại sao cần phải ra sức học tập đến
nhàm mọi khả năng mà kỹ thuật có thể cung cấp. Khi tất cả diễn ra trong sự
quên hẳn mình và hòa nhập vô tư vào sự việc, thì hành động hướng ra bên
ngoài sẽ tự nhiên hoàn thành mà không cần lý trí nghĩ suy hoặc kiểm soát.
Đây chính là sự làm chủ hình dáng mà cách giáo dục của
Nhật Bản nhắm đến. Rèn luyện, làm đi làm lại mãi càng lúc càng hăng say
những điều đã được làm đi làm lại, tiếp tục tiến xa hơn đều là những đặc
điểm của cách giáo dục này. Điều này ít ra cũng có thật trong các bộ môn
nghệ thuật cổ truyền. Dẫn dắt, nêu gương và trực nhận (cảm biết trực
tiếp), bắt chước đó là mối quan hệ căn bản giữa thầy và trò ở Nhật Bản, dù
có sự du nhập những môn học mới trong mấy chục năm gần đây, và những
phương pháp giảng dạy của phương Tây cũng đã cắm rễ và được áp dụng với sự
hiểu biết không thể phủ nhận. Vậy, làm thế nào mà dù có lòng hâm mộ mọi
điều mới mẻ, người Nhật vẫn giữ được phần tinh túy của các môn nghệ thuật
cổ truyền không bị biến đổi vì ảnh hưởng của những cải cách giáo dục như
thế? Câu hỏi này không phải dễ trả lời, nhưng cũng phải cố gắng giải thích
dù chỉ là đại cương để làm sáng tỏ thêm kiểu dạy truyền thống và ý nghĩa
của sự bắt chước.
Đệ tử người Nhật mang theo mình ba thứ: học tập chuyên
cần, yêu mến thiết tha môn nghệ thuật đã chọn, và nhất mực kính trọng,
không phê phán thầy dạy. Từ thời xa xưa, mối quan hệ thầy và trò đã nằm
trong những mối tương giao căn bản của cuộc sống và vì vậy, khiến người
thầy phải nhận lấy một trách nhiệm cao cả vượt xa hơn khuôn khổ bổn phận
chuyên môn.
Lúc đầu, người đệ tử chỉ có việc tự ý lập lại những gì
mà ông thầy bày dạy; và ông thầy thì không muốn thuyết giảng dài dòng, nên
tự ý chỉ dẫn ngắn gọn qua loa và không trông chờ bất kỳ câu hỏi nào của đệ
tử. Ông điềm tĩnh theo dõi những cố gắng mò mẫm của đệ tử, cũng chẳng mong
đệ tử tự lập hoặc chủ động, và kiên nhẫn chờ đệ tử lớn lên và thành thục.
Chẳng ai vội vã, thầy cứ khoan thai từ tốn, và trò cũng chậm rãi tiến
bước.
Thầy không mong tính nghệ sĩ sớm nảy ra ở đệ tử, nên
cho rằng bổn phận đầu tiên của đệ tử là làm cho mình trở thành một người
thợ rành việc, thạo nghề. Người đệ tử làm theo ý kiến này một cách cần cù
không biết mệt; và như thể chẳng có khát vọng nào cao hơn, anh ta khom
lưng gánh lấy công việc với sự tận tâm cam chịu trong nhiều năm trời cho
đến khi nhận thấy các dáng hình mà lúc đó anh ta đã hoàn toàn làm chủ,
không còn nặng nề gò bó mà trở nên thanh thoát. Càng ngày, người đệ tử
càng có khả năng làm theo những gợi ý của người khác một cách dễ dàng,
không cần cố gắng nhiều về mặt kỹ thuật, và cũng không thể tự lấy hứng qua
sự quan sát tỉ mỉ để làm mình thêm phong phú. Thí dụ trong hội họa, bàn
tay đưa dẩy cái cọ đã chộp lấy và thực hiện những gì ám ảnh trong tâm ngay
lúc tâm hồn bắt đầu nảy ra chúng; và khi xong, người đệ tử không biết bàn
tay hay tâm hồn đã tạo nên tác phẩm.
Nhưng muốn tiến thêm đến chỗ tài nghệ trở thành "có
tinh thần" thì cần phải tập trung tất cả năng lực của thân lẫn tâm, và
không những trong thuật bắn cung, mà trong bất cứ trường hợp nào cũng thấy
không thể bỏ qua sự tập trung đó như các thí dụ sau đây cho thấy.
Chẳng hạn trong nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc, nhà họa
sĩ ngồi trước đám đệ tử, chăm chú xem xét và sửa sọan bút cọ hồi lâu, rồi
mài mực cẩn thận, và sau đó, trải tờ giấy dài thật ngay ngắn trước mặt
trên chiếc chiếu; cuối cùng, ông ngồi tập trung sâu lắng một lúc và trong
tư thế an định đó, ông vun bút vạch ra những đường nét nhanh và chắc vẽ
thành một bức tranh không điểm nào có thể và cần phải sửa lại để làm mẫu
cho lớp học.
Một Hoa sư (bậc thầy của nghệ thuật cắm hoa) cũng vậy,
ông bắt đầu bài học bằng việc nhẹ nhàng tháo sợi dây đay cột chùm những
đóa hoa và các nhánh hoa, rồi cẩn thận cuốn nó lại đặt sang một bên. Sau
đó, ông xem xét lại từng nhánh rồi chọn lấy những nhánh ưng ý nhất, chăm
chú uốn chúng thành những hình dạng đúng theo những vai trò cần có, và
cuối cùng cắm chúng vào một cái bình đã được tuyển chọn kỹ càng. Khi ngắm
tác phẩm đã hoàn thành, người ta thấy dường như người thầy đã dự cảm được
những gì mà thiên nhiên chợt thoáng hé ra trong mơ màng huyền ảo.
Trong cả hai trường hợp (tôi chỉ xin nêu ra hai thí dụ
này mà thôi), các vị thầy đã hành xử như chỉ có một mình. Đệ tử khó mà
được họ chiếu cố bằng một ánh mắt hoặc ít ra là một lời nói. Hoàn toàn
quên mình và như chìm đắm trong suy tưởng, các vị thầy lặng lẽ thực hiện
các động tác chuẩn bị rồi tiếp tục trầm mình vào việc tạo hình; và cả thầy
lẫn trò đều cảm thấy toàn bộ công việc từ những động tác đầu tiên cho đến
khi tác phẩm hoàn thành dường như nối liền một mạch. Mà thật vậy, toàn bộ
công việc có sức phô diễn mạnh mẽ khiến người ta có cảm tưởng như xem một
cuốn phim tuyệt đẹp.
Nhưng tại sao vị thầy lại không giao việc chuẩn bị, dù
là việc không thể bỏ qua nhưng chỉ là phụ, cho một người đệ tử có kinh
nghiệm? Phải chăng ông muốn kích thích cái năng lực thấy biết và tạo hình
của ông bằng cách tự mình mài mực hoặc cẩn thận tháo dây thay vì cắt phăng
nó ta và vất bừa đi? Vậy cái gì khiến ông cứ phải lập lại những động tác
này trong từng buổi học với sự kiên nhẫn như nhau, không hề sơ sót điều
gì, để đám đệ tử bắt chước làm y như thế?
Sở dĩ ông trung thành với truyền thống như vậy là vì
qua kinh nghiệm bản thân, ông biết những công việc chuẩn bị có tác dụng
gợi ra một tâm thái thích hợp cho sáng tạo nghệ thuật. Chính sự trầm mặc
trong khi sáng tác sẽ giúp ông buông lỏng thoải mái và vận dụng hài hòa
mọi năng lực sẵn có của mình, vì nếu không có cái tâm tĩnh lặng và nhạy
bén, thì không thể tạo ra được một tác phẩm nào hoàn hảo. Hoàn toàn chìm
đắm vô tư trong việc mình đang làm, ông được đẩy dần tới cái lúc tác phẩm
đã chứa dầy những đường nét lý tưởng thì tự nhiên hoàn thành như là tình
cờ hiện ra trước mặt. Giống như các bước và những tư thế trong môn bắn
cung, những công việc chuẩn bị ở đây, tuy với hình thức khác, cũng có cùng
ý nghĩa, còn trong những trường hợp không có các động tác chuẩn bị như thế
thí dụ đối với các vũ công múa lễ và diễn viên kịch tuồng, sự tập trung và
tĩnh tâm được thực hiện trước khi ra sân khấu. Cũng như đối với nghệ thuật
bắn cung, chắc hẳn điều quan trọng trong các môn nghệ thuật này đó là
những nghi thức, còn rõ ràng hơn là đợi thầy phải diễn tả bằng lời, những
nghi thức này cho đám đệ tử biết rõ người nghệ sĩ chỉ có được tâm trạng
thuận hợp khi khâu chuẩn bị và khâu sáng tạo, kỹ thuật và nghệ thuật, vật
chất, và tinh thần, ngẫu hứng và cơ bản hòa quyện vào nhau và diễn ra liền
lạc, không thấy chỗ nào chắp nối. Nhờ đó, người đệ tử sẽ tìm ra được một
đề tài mới cho việc mô phỏng. Bbấy giờ, anh ta bắt buộc phải đem hết sức
mình ra để nắm lấy nhiều phương cách tập trung và xả mình. Lúc này việc mô
phỏng không còn nhắm vào các yếu tố khách quan mà bất cứ ai có chút thiện
chí cũng có thể sao chép, mà trở thành phóng khóng hơn, linh hoạt hơn và
"có tinh thần" hơn. Người đệ tử thấy mình đứng trước những khả năng mới,
nhưng đồng thời cũng thấy việc thực hiện các khả năng này không còn tùy
thuộc chút nào vào thiện chí của mình nữa.
Giả sử tài nghệ của người đệ tử có thể giữ mãi đà thăng
tiến, anh ta vẫn phải đối đầu với một nguy cơ khó tránh trên con đường
phát triển nghệ thuật. Đây không phải là nguy cơ làm mình thui chột do
lòng tự mãn phù phiếm vì phương Đông cổ truyền không quen tôn thờ cái tôi,
mà là nguy cơ bị mắc kẹt trong thành tích, được khẳng định bởi sự thành
công và được tôn vinh bởi có danh tiếng, và do đó mà cư xử như thể lối
sống nghệ sĩ là một hình thức sinh hoạt đặc thù, tự nhiên mà có và biện
minh cho giá trị của mình.
Người thầy thấy trước nguy cơ này, nên với sự khéo léo
của một nhà tâm lý học, ông cẩn thận tìm cách giúp đệ tử né tránh đúng lúc
và giải thoát mình ra khỏi cái tôi. Cách gíúp của ông là làm như nhận thấy
những gì mà đệ tử thu thập được chưa đáng để người ta nhắc đến một cách
khác thường như thế, nhưng ông không nói ra mà chỉ gợi ý rằng mọi việc làm
thích đáng chỉ được hoàn thành trong tâm trạng vô tư thật sự, nghĩa là
trong tâm trạng này, người sáng tạo không còn chút gì hiện diện như là
"chính mình" nữa, mà chỉ có duy nhất cái tâm là hiện diện, và cái tâm tỉnh
thức không có dấu vết của cái tôi này mới có thể dò thấu mọi khoảng cách,
mọi chiều sâu với "mắt nghe và tai thấy".
Như vậy, người đệ tử tự băng qua cái tôi mà đi tới.
trong khi đệ tử với độ cảm nhận tăng lên lại để thầy giúp mình vào những
điều đã thường nghe, nhưng chỉ qua kinh nghiệm bản thân anh ta mới bắt đầu
thấy được sự thật của những điều này. Chẳng quan trọng mấy về cái tên mà
vị thầy dùng để gọi những gì mà ông muốn cho người đệ tử trông biết, vì
ông có gọi đó là gì đi nữa, người đệ tử cũng hiểu dù cả khi ông im lặng
hoàn toàn. Điều quan trọng là nhờ đó là khởi lên một chuyển động hướng vào
trong, vị thầy theo dõi chuyển động này mà không can thiệp vào diễn tiến
của nó bằng những chỉ bảo mới vì sợ làm rối loạn, ông giúp đệ tử theo cách
kín đáo và riêng tư mà ông đã biết. Y như câu nói lưu hành trong Phật
Giáo: "Như đem lửa của cây đèn này thắp sáng những cây đèn khác", vị thầy
truyền cái tinh thần nghệ thuật chân chính từ tâm này sang tâm kia để nó
được sáng lên. Nếu được dành ân sủng như thế, người đệ tử sau khi thực
hiện xong cái thiên hướng là một nghệ sĩ chân chính, sẽ tự thấy tác phảm
bên trong mà mình phải hoàn thành là quan trọng hơn những tác phẩm bên
ngoài dù hấp dẫn nhất.
Tuy nhiên, tác phẩm bên trong chính là việc biến đổi
cái con người mà anh ta đang là và cái tôi mà anh ta cảm nhận là chính
mình cũng như luôn luôn thấy mình là như vậy thành chất liệu sống cho việc
tập luyện và tạo hình với mục đích cuối cùng là đạt đến sự làm chủ, thành
thục của bậc thầy. Trong sự làm chủ này, tính nghệ sĩ và con người thường
gặp nhau ở ở một cái gì đó cao cả hơn, vì sự làm chủ chỉ tỏ ra có giá trị
như một cách sống khi nó dựa vào chân lý vô biên và nhờ đó mà trở nên nghệ
thuật gốc nguồn. Người làm chủ bậc thầy không còn tìm kiếm nữa, mà đã tìm
thấy được rõ ràng.
Với tư cách nghệ sĩ, bậc thầy là con người có tính lễ
phép; và với tư cách, bậc thầy là một nghệ sĩ có tâm hồn được Đức Phật
chứng giám dù ông có làm hay không làm, sáng tạo hay yên lặng, là vậy hay
không là vậy. Con người, nghệ thuật và tác phẩm chỉ là một. Nghệ thuật
sáng tác bên trong không tách biệt với người nghệ sĩ như việc sáng tác bên
ngoài; nghệ thuật sáng tác này, cái nghệ thuật không phải do người nghệ sĩ
"làm" mà chính ông "là", sinh ra từ những chiều sâu thẳm mà ánh sáng ban
ngày không hề soi thấu.
Con đường dẫn tới sự làm chủ rất hiểm trở. Thường thì
không có cái gì giữ được người đệ tử tiếp tục bước đi ngoài niềm tin vào
Thầy nhờ anh ta bắt đầu thấy rõ sự làm chủ của Thầy. Ông là một thí dụ
sống động của tác phẩm bên trong, và sự hiện diện của ông cũng đủ làm anh
ta tin tưởng. Chính vào giai đoạn này, việc bắt chước thầy đạt được ý
nghĩa rốt ráo và hoàn hảo nhất; nó đưa người đệ tử bước hẳn vào tinh thần
làm chủ.
Người Thầy không quan tâm đến chuyện đệ tử tiến được
bao xa, vừa chỉ xong con đưòng đúng, ông lại phải để mặc cho đệ tử đi một
mình; và để giúp đệ tử chịu được nỗi cô đơn, ông chỉ có thể làm thêm một
việc là tách anh ta ra khỏi ông bằng cách hết lòng cổ vũ anh ta đi xa hơn
ông và "leo lên đứng trên vai của thầy".
Dù tiến xa tới đâu trên con đường mình đi, người đệ tử
vẫn không bao giờ có thể quên thầy kể cả khi không còn thấy mặt ông nữa.
Với lòng biết ơn to lớn cũng như lòng tôn kính không dám phê bình của
người mới học, mạnh mẽ như niềm tin cứu độ của người nghệ sĩ, người đệ tử
giờ đây đứng vào chỗ của thầy, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh. Nếu nhìn
lại quá khứ xa xưa, có biết bao thí dụ cho thấy lòng biết ơn thầy vượt hơn
mọi toan tính của thiên hạ thường tình.
6.
Càng ngày tôi càng thấy mình thích ứng dễ dàng hơn với
nghi lễ mà "Đại Giáo pháp của cung thuật đề ra, hoàn thành nó mà không cần
gắng sức, hoặc chính xác hơn, tôi cảm thấy mình được đi qua nghi lễ đó như
trong cơn mơ. Như vậy, những lời tiên đoán trước đây của Sư phụ đã được
xác nhận. Tuy nhiên, tôi không thể giữ được sự tập trung đừng yếu đi vào
lúc sắp bắn. Phải chờ đến lúc sức căng đã đạt tới mức tối đa không chỉ gây
ra sự mệt mỏi khiến sức căng bị buông chùng, mà còn trở nên khó chịu đến
độ tôi thường bị lôi ra khỏi sự tĩnh tâm và cứ chực buông tên. Có lẽ Sư
phụ thấy được điều này nên la lên: "Đừng nghĩ đến việc bắn! Nếu cứ theo
cách đó thì chắc chắn bắn hỏng!". Tôi đáp: "Con không thể làm vậy được,
sức căng đã đến mức đau tức quá!".
Sư phụ bèn nói: 'Chỉ vì không anh buông xả mình thật sự
nên mới cảm thấy thế. Mọi việc rất đơn giản, nội một chiếc lá tre tầm
thường cũng có thể chỉ cho anh biết cần phải làm gì ... Nó cứ cong xuống
mãi dưới sức nặng của tuyết, rồi thình lình tuyết tuột rơi xuống đất mà
chiếc lá không cần lay giũ. Hãy cứ giữ y như lá tre lúc sức căng đã đến
mức tối đa cho tới khi cú bắn lìa ra. Thật thế đó: khi sức căng đã đến mức
tối đa thì cú bắn phải lìa, nó phải buông tha cung thủ như tuyết
lìa khỏi lá tre trước khi cung thu nghỉ đến".
Nhưng dù cố gắng định tâm và không suy nghĩ cách mấy đi
nữa, tôi vẫn không thể chờ đến lúc cú bắn "tự lìa". Cũng như trước, tôi
không còn cách chọn lựa nào khác hơn là tự ý buông tên; và sự thất bại dai
dẳng này làm tôi thêm thất vọng vì tôi đã bước qua năm thứ ba khổ luyện.
Tôi không phủ nhận là tôi đã trải qua những giờ phút buồn rầu tự tỏi mình
có nên tiếp tục gánh chịu một sự hoang phí thì giờ dường như chnẳg tương
xứng với những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã đạt được hay không.
Trong óc tôi lại nổi lên lời nhắc nhở của một người đồng hương: "Ở Nhật
Bản chắc có những điều quan trọng để thu thập hơn là cái môn nghệ thuật
chết đói này!". Lúc trước tôi chẳng bận tâm đến lời nói này, nhưng giờ
đây, tôi thấy không có vẻ gì vô lý nữa, mà gợi ra thắc mắc: Phỏng cái môn
nghệ thuật mà tôi cố sức học tập đó sẽ giúp ích gì cho tôi trong tương
lai?
Có lẽ Sư phụ cảm nhận được những gì đang xảy ra trong
tôi, nên lúc đó theo lời kể sau này của ông Komochiya, Sư phụ định sửa hộ
một tập sách giới thiệu triết học do tôi viết bằng chữ Nhật để tìm cách
giúp tôi tiến bước, khởi từ lãnh vực vốn quen thuộc với tôi; nhưng cuối
cùng ông bực mình bỏ tập sách qua một bên và bảo rằng bây giờ ông mới hiểu
một con người cứ bận tâm vào những điều như thế đương nhiên phải thấy
thuật bắn cung vô cùng khó nhọc.
Năm đó chúng tôi có dịp nghỉ hè ở bãi biển, sống biệt
lập trong khung cảnh tĩnh lặng có vẻ đẹp thâm trầm. Chúng tôi đem theo mấy
cây cung và đó là phần quan trọng nhất trong hành trang. Ngày nào tôi cũng
chú tâm tập buông dây, và việc này đã trở thành một định kiến khiến tôi
càng ngày càng quên lời dặn dò của Sư phụ là không được tập luyện gì ngoài
việc tĩnh tâm giải thoát. Sau khi suy két kỹ lưõng mọi khả năng, tôi đi
đến kết luận: nhược điểm của tôi không phải ở chỗ chưa buông bỏ sự mong
cầu đạt đích và lòng vị ngã như Sư phụ nghi ngờ, mà là do các ngón của bàn
tay phải bấm quá chặt vào ngón cái và chờ đợi buông tên càng lâu, thì tự
dưng tôi lại bấm các ngón tay càng chặt. Tôi tự nhủ chính đây là chỗ tôi
cần phải giải quyết. Chẳng bao lâu sau, tôi đã tìm ra một cách giải quyết
đơn giản và hiển nhiên cho vấn đề này. Nếu sau khi giương cung, tôi cẩn
thận nới lỏng từ từ những ngón tay bấm vào ngón cái cho đến lúc cuối cùng
ngón tay cái không còn bị giữ chặt nên bật ra tưởng như bất ngờ và do đó,
việc buông dây xảy ra như chớp và cây tên bay đi chẳng khác "tuyết lìa
khỏi lá tre". Sự khám phá này càng thêm thú vị khi tôi thấy nó có liên
quan với kỹ thuật bắn súng trường. Trong kỹ thuật này, người ta co ngón
tay trỏ lại cho tới khi sức ép vào cò súng giảm tới mức tối đa và vượt qua
mức cưỡng trì cuối cùng.
Tôi tin chắc là mình đang đi đúng đường và cho rằng với
phương cách này, hầu như mọi cú đều sẽ được bắn ra một cách êm ái và bất
ngờ. Đương nhiên tôi không bỏ qua mặt trái của kết quả này: muốn thao tác
của bàn tay giữ được chính xác thì phải chú tâm hoàn toàn, nhưng tôi tự
trấn an mình với hy vọng biện pháp kỹ thuật này sẽ dần dần trở nên một
phần phản xạ quen thuộc, không còn bắt tôi phải chú tâm đặc biệt. Tôi thầm
nhủ sẽ có ngày nhờ đó tôi có thể bất giác buông tên trong trạng thái vô tư
và hoàn toàn quên mình vào cái lúc sức căng đã đến mức tối đa; và trong
trường hợp này, khả năng kỹ thuật sẽ tự nhiên trở thành "có tinh thần".
Chính với sự đoan chắc càng ngày càng bồi dày thêm tin tưởng này, tôi dẹp
yên được nổi đắn đo về môn học mới cứ chực nổi lên trong tôi và bất chấp
những lời khuyên nhủ phản đối của vợ, tôi vẫn tiếp tục đi tiếp với cảm
giác thỏa mãn đã có được một bước tiến quyết định.
Khi vào học trở lại và bắn cú đầu tiên, tôi nghĩ rằng
cú bắn đó là đạt vì êm xuôi và bất ngờ. Sư phụ nhìn tôi một lúc, rồi như
một người không tin vào mắt mình, ông e dè nói: "Nào mời anh bắn lại lần
nữa!". Cú bắn thứ hai, theo tôi nghĩ, còn đạt hơn cú trước. Sư phụ không
nói không rằng bước đến cầm lấy cây cung của tôi, rồi ngồi xuống chiếc gối
kê và quay lưng về tôi. Tôi hiểu điều đó có nghĩa là gì nên đành rút lui.
Ngày hôm sau, ông Komachiya báo cho tôi biết Sư phụ
không muốn tiếp tục dạy thêm cho tôi vì tôi cố ý lừa dối ông. Hoảng hốt
cực độ trước lời phê bình hạnh kiểm này, tôi liền giải thích cho ông
Komachiya biết trong trường hợp nào mà tôi đã nghĩ ra cách buông tên đó để
tránh đừng dẫm chân tại chỗ mãi. Nhờ ông Komachiya xin gìum. Sư phụ cuối
cùng cũng sẵn lòng nhân nhượng, nhưng chỉ dạy tiếp với điều kiện tôi phải
hứa dứt khoát không bao giờ còn vi phạm tinh thần "Đại Giáo pháp". Nếu nổi
xấu hổ sâu sa không cứu chữa được tôi, thì thái độ cư xử củ Sư phụ cũng đủ
làm được điều đó. Ông không hề nhắc lại vụ rắc rối đã qua, mà chỉ nói nhẹ
nhàng: "Anh chưa thấy việc đứng chờ vô tư trong trạng thái căng thẳng tột
độ là quan trọng chừng nào. Anh cũng không hề biết tập làm việc đó mà
không hề vấn vương thắc mắc: mình có thể thành công hay không? Hãy kiên
nhẫn đợi chờ để thấy cái gì sẽ đến và đến như thế nào!".
Tôi trình bày với Sư phụ là tôi đã bước qua năm thứ tư
và thời gian ở Nhật của tôi có giới hạn. Ông trả lời: "Không thể đo lường
con đường dẫn tới mục đích! Ngày giờ, năm tháng mà có ý nghĩa gì?".
Tôi bèn hỏi: "Nếu con bỏ dỡ nửa chừng thì sẽ ra sao?".
"Nếu buông xả được cái tôi thì anh bỏ dở lúc nào cũng
được. Vậy, hãy tiếp tục tu tập cái việc buông xả đó đi!".
Và thế là chúng tôi phải làm lại từ đầu, như thể mọi
điều tôi học từ trước đến nay đều chẳng ích gì, nhưng việc chờ đợi trong
lúc cung giương tối đa vẫn không hơn gì hơn lúc trước giống như tôi không
thể bước ra khỏi vết xe cũ.
Một hôm, tôi hỏi Sư phụ: "Làm thế nào tên bắn ra được
nếu không phải chính con buông nó?".
Ông trả lời: "Chính cái đó bắn".
Tôi lại hỏi: "Con đã nhiều lần nghe Sư phụ nói đến điều
này, vậy cho phép con sửa lại câu hỏi: Làm sao con có thể xả mình chờ đợi
cú bắn nếu 'tôi' không còn ở đó?".
- "Chính cái đó chờ đợi trong lúc cung giương tối
đa!".
- "Vậy cái đó là ai hoặc là cái gì?".
- "Khi đã hiểu được điều này thì anh không còn cần đến
tôi nữa. Nếu tôi không để cho anh tự chứng nghiệm, mà cố chỉ cho anh manh
mối, thì tôi là một ông thầy tệ hại nhất và đáng bị đuổi đi. Vì vậy, đừng
nói thêm gì nữa, chúng ta hãy học tập tiếp đi!".
Thêm nhiều tuần nữa, tôi vẫn không tiến được bước nào,
nhưng tôi lại nhận thấy điều này không hề làm tôi buồn bực. Tôi đã chán
công việc này chăng? Cái vấn đề có hiểu được nghệ thuật hay không, có
chứng nghiệm được điều mà Sư phụ gọi là "cái đó" hay không, và có thấy
được đường đến cõi Thiền hay không, tất cả đều dường như trở nên xa xôi,
hờ hửng nên chẳng còn làm tôi buồn bực chút nào. Nhiều lần tôi muốn thổ lộ
chuyện này với Sư phụ, nhưng hễ gặp mặt ông là tôi mất ngay can đảm vì tôi
ngại Sư phụ cũng chỉ trả lời cái câu đơn điệu: "Đừng hỏi, hãy học tập
đi!", vì vậy, tôi không hỏi nữa và cũng có thể tự ý bỏ tập nếu Sư phụ
không nắm chặt tay tôi trong tay ông. Tôi sống ngày qua ngày, hết sức làm
việc chuyên môn, và cuối cùng, tôi cũng chẳng còn thắc mắc về chuyện mình
hờ hững với tất cả những gì mà mình đã kiên trì theo đuổi trong mấy năm
qua.
Rồi một hôm, sau một cú bắn, Sư phụ cúi chào kính cẩn
và cho dừng bài học, ông la lên: "Đúng là cái đó bắn rồi!". Tôi ngây người
nhìn ông; và khi hiểu ý ông muốn nói, tôi không kềm được tiếng reo sung
sướng. Sư phụ dịu dàng nói: 'Anh đừng cảm động, điều tôi vừa nói không
phải là lời khen, mà chỉ là một nhận xét mà thôi. Tôi không phải cúi chào
anh, vì anh hoàn toàn không ăn nhằm gì trong cú bắn đó cả. lần này anh đã
giữ được trạng thái quên mình và vô tư trong lúc giương cung tối đa, nên
cú bắn lìa như trái chín rụng. Bây giờ anh hãy tiếp tục đi, xem như không
có gì xảy ra".
Chỉ sau một thời gian lâu, mới thỉnh thoảng có thêm
những cú bắn đúng cách được Sư phụ chứng nhận bằng cách cúi chào kính cẩn.
Nhưng làm thế nào mà những cú bắn tự lìa không có sự can dự của tôi? Làm
thế nào mà bàn tay phải đang nắm chặt bỗng mở bật ra sau? Cho đến bây giờ
tôi vẫn không giải thích được, nhưng rõ ràng là đã xảy ra chuyện như vậy
và quả thật chỉ có mỗi chuyện đó là quan trọng, nhưng ít ra tôi cũng đi
đến điểm tự mình phân biệt được những cú bắn đúng cách với những cú bắn
sai cách, giữa hai điều này có sự khác biệt tính chất to lớn đến độ không
thể thoát được con mắt nhận xét của người có kinh nghiệm. Đối với người
xem, cú bắn đúng cách có biểu hiện bên ngoài và bàn tay phải bật ra sau
nên không gây chấn động cho thân hình người bắn. Vả lại, sau cú bắn sai,
hơi thở đang nín bỗng thoát mạnh ra nên không thể lấy hơi lại kịp. Trái
lại, sau cú bắn đúng hơi thở thoát ra nhẹ nhàng cho tới lúc hết, nên khi
hít vào lại hơi thở không gấp gáp, tim vẫn đập đều êm ả, và do sự tập
trung không bị rối loạn, người ta có thể đi ngay vào lần bắn tiếp theo.
Còn xét bên trong, đối với người bắn, những cú bắn đúng có tác dụng làm
cho đương sự cảm thấy ban ngày chỉ mới bắt đầu lên. Anh ta cảm thấy thích
làm mọi điều đúng đắn, và có lẽ quan trọng hơn nữa là thích nhàn hạ, không
làm ngay cả những điều đúng đắn; và đó là một trạng thái cực kỳ thú vị. Sư
phụ mỉm cười tế nhị bảo: "Nhưng ngươi có trạng thái này lại cố có nó như
chưa có nó. Chỉ có sự thanh thản liên tục mới có thể chấp nhận nó đến mức
không ngại thối lui".
Một hôm, khi Sư phụ thông báo sẽ bước qua những bài tập
mới, tôi nói: "Thưa thầy, phải chăng giờ đây điều khó khăn nhất đã làm
xong?". Ông đáp: "Người phải đi một trăm dặm, nhưng mới đi được chín mươi
dặm thì chỉ nên xem đó mới có nửa đường. Bây giờ, bài học mới của chúng ta
là bắn vào mục tiêu".
Đến nay, cái dùng làm mục tiêu và đích bắn là một vòng
rơm gắn trên một cái đá bằng gỗ đặt cách người bắn một khoảng bằng chiều
dài hai cây tên nối đầu nhau, còn mục tiêu thật sự được dựng cách xa
khoảng sáu mươi thước, đặt trên một đụn cát có chân tỏa ra và được ngăn
lại giữa ba bức vách: bên trên, cũng như căn phòng để cung thủ đứng, có
che một mái ngói vòng cung xinh xắn. Phòng mục tiêu và phòng cung thủ ăn
thông với nhau giữa hai hàng rào ghép bằng ván gỗ, và như vậy, mọi điều
huyền bí diễn ra trong đó đều tách biệt với thế giới bên ngoài.
Sư phụ biểu diễn trước cách bắn: cả hai mũi tên đều cắm
vào điểm đen của mục tiêu. Rồi ông bảo chúng tôi thực hiện các động tác
nghi lễ như lúc trước mà không được bận tâm đến mục tiêu, cũng chờ đợi
trong lúc giương cung tối đa cho đến khi cú bắn lìa ra. Những cây tên tre
mảnh mai bay ra đúng hướng, nhưng hầu hết không đến được đụn cát chứ chưa
nói là mục tiêu và cắm mũi xuống mặt đất phía trước.
Sư phụ nhắc nhở :"Tên của con bắn ra thiếu tâm vì không
được cái tâm mang đi đủ xa. Các con phải hành động như thể mục tiêu ở cách
xa diệu vợi, và việc mà giới cung sư thường chứng kiến là một cung thủ tài
ba có thể dùng cây cung có lực trung bình bắn xa hơn một cung thủ không có
tinh thần bắn với cây cung mạnh nhất. Kết quả không do cây cung, mà do tâm
linh thông, do khí lực và linh tri mà các con có khi bắn. Để vận dụng được
đầy đủ sức mạnh của linh tri này, các con phải thực hiện các động tác nghi
lễ khác hơn trước, có thể nói là giống như một vũ công chuyên nghiệp đang
múa. Nếu làm được điều này, mỗi động tác của các con sẽ phát ra từ trung
tâm, nơi chủ trì hơi thở đúng, và việc thực hiện các động tác nghi lễ thay
vì như lập lại những điều đã học thuộc lòng, sẽ trôi chảy như được các con
tạo ra do cảm hứng tức thời để người múa và điệu múa thống hợp đồng nhất
với nhau. Khi thực hiện nghi lễ như một vũ điệu tôn giáo, cái linh tri của
các con sẽ phát huy đầy đủ diệu dụng".
Tôi không biết mình đã tiến tới đâu về phương diện "múa
lễ" và nhờ đó mà vận dụng được gì cho đời sống nội tâm. Tuy không còn bắn
thiếu tầm nữa, tôi vẫn chưa bắn trúng vào mục tiêu. Chính điều này thúc
tôi hỏi Sư phụ lý do tại sao ông chưa chịu giải thích cho tôi biết cách
lấy đường ngắm. Tôi nêu giả thiết chắc phải có sự liên hệ nào đó giữa mục
tiêu với đầu mũi tên và vì vậy, một phương pháp ngắm thỏa đáng sẽ giúp các
phát tên bắn trúng được mục tiêu.
Sư phụ trả lời: "Đương nhiên là có, và anh có thể tự
mình tìm thấy tư thế ngắm một cách dễ dàng, chỉ có điều là giả sử bây gì
hầu như cú nào cũng trúng, thì anh vẫn còn là một cung thủ khéo tay thích
khoa trương tài nghệ mà thôi. Đối với người tham vọng tính tóan từng cú
bắn, thì mục tiêu chỉ là một miếng giấy đáng ghét cần phải bắn cho tơi tả.
'Đại Giáo Pháp' của Cung Đạo xem việc này là một hành động vô cùng ác độc.
Giáo lý này không biết chút gì về cái mục tiêu dựng cách cung thủ một
khoảng vô định, mà chỉ biết cái mục tiêu không thể đạt đến bằng kỹ thuật,
và để cho nó danh xưng nên gọi đó là Phật".
Nói xong những lời nghe ra có vẻ dễ hiểu này, Sư phụ
bảo chúng tôi đến gần để nhìn kỹ đôi mắt của ông khi bắn, nhưng lúc thực
hiện nghi lễ, đôi mắt của ông gần như nhắm lại, nên chúng tôi chẳng có cảm
giác gì là ông đang ngắm mục tiêu. Chúng tôi đành ngoan ngoãn tập luyện và
để cho "cái đó" bắn mà không ngắm.
Thoạt tiên, tôi không bận tận đến chuyện cây tên bay
đến đâu. Ngay cả khi bắn trúng, tôi cũng không phấn khởi vì biết rằng mình
càng quan tâm, các cú bắn cáng trở nên hú họa may rủi. Tuy nhiên về sau,
tôi thấy kiểu bắn tùy tiện này quá chán và dễ khiến mình lại đâm ra suy
nghĩ lung tung. Sư phụ làm như không biết tôi đang rối trí cho đến một hôm
tôi phải thú nhận với ông là tôi đã kiệt sức.
Ông an ủi tôi: "Anh đừng tự dày vò mình vô ích. Hãy gạt
nỗi băn khoăn bắn trúng ra khỏi trí. Dù chẳng bắn cú nào trúng đích, anh
vẫn có thể trở thành một Cung sư, những cú bắn trúng mục tiêu chỉ là bằng
chứng bên ngoài xác nhận sự vô tư hoàn toàn, sự vô ngã, sự xả mình của anh
hoặc bất cứ danh xưng nào anh thích dùng để gọi trạng thái đó. Trong sự
làm chủ có nhiều cấp độ và chỉ khi nào anh đến được cấp độ cuối cùng, anh
mới không còn bắn sai nữa".
Tôi bèn thưa: "Đó chính là điều con chưa hiểu rõ. Con
nghĩ mình đã hiểu được ý thầy muốn nói qua cái mục tiêu đích thực bên
trong cần phải bắn trúng, nhưng làm thế nào để bắn trúng mục tiêu bên
ngoài tức là cái vòng rơm mà cung thủ không ngắm nghía nó; trong khi những
cú bắn chỉ là biểu hiện bên ngoài của những gì xảy ra bên trong? Thú thật
con không thể hiểu được sự kiện liên quan đó".
Sư phụ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: "Nếu anh cứ tưởng sẽ
có ích khi biết sơ qua những mối liên quan mù mịt như thế thì quả là sai
lầm, vì đó là những diễn biến vượt ngoài tầm hiểu biết. Đừng quên rằng
ngay cả trong thiên nhiên cũng có những mối liên quan không thể hiểu được,
nhưng lại có thật đến nỗi người ta đâm ra quen thuộc với chúng như thể
chúng chẳng có gì khác thường. Tôi sẽ đưa ra một thí dụ thường bắt tôi
nghĩ đến, đó là con nhện múa rung cái lưới mà không biết có những con ruồi
sẽ bị mắc vào đó; còn con ruồi thản nhiên bay múa trong nắng mà không biết
trước mặt có cái gì để phải mắc vào lưới nhện, nhưng trong con nhện cũng
như trong con ruồi có "cái đó" đang múa và cả bên trong lẫn bên ngoài
thống nhất với nhau trong điệu múa này. Đó cũng như cung thủ bắn trúng mục
tiêu mà không cần ngắm bên ngoài. Tôi chỉ biết có thế chứ không thể nói
thêm gì nữa".
Mặc dù lời nói này gợi cho tôi nhiều suy nghĩ, tôi vẫn
không thể hiểu hết ý nghĩa của nó và có một cái gì đó trong tôi không chịu
nguôi ngoai, không để tôi tiếp tục tập luyện với sự bình yên tâm trí.
Trong nhiều tuần lễ, ý định phản đối dần dần nổi rõ trong tôi đến độ không
thể câm nín được, tôi phải bật ra câu hỏi: "Chẳng lẽ ít ra người ta cũng
không có quyền nghĩ rằng sau bao năm tập luyện, thầy có thể giương cung
tên một cách vô tư và với sự tự tin của người mộng du khiến thầy không
những bắn trúng được đích mà còn không thể bắn trật dù không cố ý lấy
đường ngắm?".
Sư phụ có lẽ đã quen với lối hỏi han phiền phức của
tôi, nên ông lắc đầu, và sau một lúc trầm tư, ông nói: "Tôi không phủ nhận
có cái gì đó là đúng trong lời anh nói. Tôi phải đứng đối diện với mục
tiêu như thể bị bắt buộc phải nhìn vào đó dù cả khi tôi không cố ý hướng
cái nhìn về phía đó. Mặt khác, tôi biết rằng nhìn như vậy chưa đủ, không
quyết định được gì, không giải thích được gì vì thấy mục tiêu như là không
thấy".
Tôi buột miệng hỏi: "Vậy thầy có thể bắn trúng đích khi
bịt mắt hay không?".
Sư phụ trừng mắt nhìn tôi khiến tôi e sợ đã làm ông tự
ái, nhưng rồi ông nói: "Chiều nay anh đến đây".
Tối hôm đó, tôi ngồi trên gối kê đối diện với Sư phụ;
ông rót trà mời tôi mà không nói lời nào. Chúng tôi ngồi hồi lâu trong yên
lặng, chỉ còn nghe tiếng nước sôi trên than hồng. Cuối cùng, Sư phụ đứng
dậy và ra dấu bảo tôi đi theo.
Phòng tập sáng choang ánh đèn. Sư phụ bảo tôi đến cắm
một cây nhang muỗi nhỏ như que đan vào đụn cát trước mục tiêu, nhưng không
bật đèn ở phòng đặt mục tiêu. Nơi đó tối đến nỗi tôi không nhận ra khuôn
hình mục tiêu, dù có ánh nhang lờ mờ cũng không soi thấy được gì. Dù sao,
nhờ chút ánh sáng này, tôi mới phỏng đoán được mục tiêu đang nằm ở đâu.
Sư phụ múa may nghi lễ, và mũi tên đầu tiên phóng ra,
như tia chớp lao vào khoảng tối mịt mùng. Tôi có nghe tiếng cản, có lẽ tên
chạm mục tiêu. Cú thứ hai cũng vậy. Khi bật đèn ở phòng mục tiêu, tôi vô
cùng kinh ngạc vi thấy mũi tên đầu cắm ngay vào chính giữa vòng đen, và
mũi tên sau chẻ hai cây tên đầu trước khi cắm vào cùng tâm điểm. tôi mang
tấm bia còn giữ nguyên hai mũi tên đến cho Sư phụ. Ông chăm chú nhìn rồi
nói: "Chắc anh nghĩ rằng cú đầu tiên chẳng có gì kỳ lạ vì vị trí mục tiêu
qua quen thuộc với tôi, dù trong tối đen tôi vẫn biết nó nằm ở đâu. Anh
nghĩ sao cũng được, tôi không muốn biện hộ, nhưng anh nghĩ sao về mũi tên
thứ hai nhập một với mũi tên thứ nhất? Dù sao, tôi biết không phải "tôi"
tạo được kết quả đó, mà chính "cái đó" bắn và chạm trúng đích. Chúng ta
hãy cúi mình vái lạy mục tiêu như lạy Phật!".
Đương nhiên tôi cũng bị hai mũi tên của Sư phụ bắn
trúng, và dường như trong lúc ngủ đêm đó, tôi đã được chuyển hóa; tôi
không còn bận tâm về những mũi tên của tôi và điều gì xảy ra với chúng. Sư
phụ còn giúp tôi củng cố thêm thái độ này khi tôi thấy trong suốt buổi
dạy, ông không bao giờ nhìn mục tiêu mà chỉ chăm chú theo dõi người bắn
như để tìm kiếm ở đương sự những dấu hiệu cho thấy kết quả của cú bắn. Khi
được hỏi, ông thoải mái chấp nhận là đúng như thế và không ngừng tạo cơ
hội cho tôi tin chắc trình độ phán đoán chính xác của ông về các cú bắn
không kém trình độ bắn tên chính xác của ông. Như vậy qua sự tập trung sâu
xa nhất, ông đã truyền tinh thần của bản môn cho học trò; và qua kinh
nghiệm bản thân, tôi chẳng ngại xác nhận điều tôi nghi ngờ từ lâu là sự
truyền đạt tức thời mà người ta nói đến không chỉ có trong lời thuyết
giảng mà là một sự thật hiển nhiên. Vào thời gian đó, Sư phụ còn giúp
chúng tôi bằng cách khác theo chiều hướng tâm truyền trực tiếp này. thỉnh
thoảng thấy tôi bắn hỏng một loạt, ông liền cầm thấy cây cung của tôi để
bắn biểu diễn, và sau đó, tài nghệ của tôi tăng tiến không ngờ; dường như
cây cung trở nên ngoan ngoãn hơn, thấu cảm hơn và dễ giương lên khác hơn
trước. Không phải chỉ riêng tôi có ấn tượng này. Ngay cả những đệ tử lớn
tuổi nhất và có kinh nghiệm nhất của Sư phụ, họ thuộc đủ mọi giới trong xã
hội, đều xem đó là một sự kiện có căn cứ và họ rất ngạc nhiên khi nghe tôi
đặt ra những câu hỏi như một người mong cầu tiến tới một cách vững chắc.
Tương tự, không một lời bài bác nào có thể làm các vị kiếm sư dứt bỏ niềm
tin mỗi thanh kiếm đều được tạo ta bởi công lao khó nhọc và sự chăm sóc
tận tình in đậm tinh thần của người rèn kiếm, và đó là lý do mà người này
phải mặc lễ phục khi bắt tay vào việc. Kinh nghiệm của các vị kiếm sư quá
dồi dào và chính họ quá tài ba nên chẳng lẽ họ không thể không nhận thấy
một thanh kiếm phản ứng như thế nào trong tay họ!
Một hôm tôi vừa bắn ra một phát, Sư phụ kêu lên: "Vậy
đó! Hãy cúi chào mục tiêu!", nhưng khi tôi nhìn vào mục tiêu thì hỡi ôi!
Tên chỉ chạm mép điểm đen. Sư phụ liền nói: "Lúc đầu phải như vậy đó, cú
bắn đã đúng cách, đã bình thường, nhưng hôm nay vậy là đủ rồi; nếu
không anh lại bắn tiếp một cú đặc biệt thì hỏng mất khởi đầu tốt
đẹp đó".
Trong các buổi tập, giữa nhiều lần bắn hỏng, đôi khi
tôi cũng bắn được những cú đúng cách trúng mục tiêu, nhưng nếu thấy tôi có
vẻ hớn hở tự hào, Sư phụ liền trách mắng thẳng thừng: "Anh sao vậy? Chắc
anh đã biết nếu không buồn khi bắn hỏng, thì đã chẳng vui khi bắn trúng.
Anh phải thoát khỏi những lăng xăng vui buồn, phải tập vượt qua những tình
cảm vị kỷ để lòng được thanh thản vô biên. Không những thế, anh còn phải
tập cho lòng biết sướng như thể thấy phát tên đúng cách do người khác bắn
chứ không phải của mình. Anh phải chăm chỉ rèn luyện cho được như vậy, vì
anh chưa thể hiểu được điều này quan trọng như thế nào đâu!".
Suốt những ngày tháng này tôi trải qua thời kỳ học tập
gian khổ nhất đời với kỷ luật chặt chẽ mà đôi lần tôi thấy khó nén lòng
nín chịu, nhưng dần dần tôi cũng hiểu được mình mang ơn nó rất nhiều.
Những thoáng manh tâm sĩ diện cuối cùng của bản năng từng giục tôi chống
đối lại việc mình làm cũng được nó dẹp tan.
Một hôm, sau cú bắn khá đạt. Sư phụ lên tiếng hỏi: "Bây
giờ anh đã hiểu được cái mà tôi gọi đó là "Cái đó bắn! Cái đó chạm trúng
đích! hay chưa?". Tôi trả lời: 'Con e rằng chẳng còn gì để tìm hiểu nữa,
vì ngay cả những điều đơn giản nhất cũng gây ra xáo trộn. Có phải tôi
giương cung hay cung giương tôi đến mức tối đa? Có phải tôi
bắn trúng mục tiêu hay mục tiêu bắn vào tôi? "Cái đó" là thuộc về
tinh thần khi được nhìn bằng cặp mắt thể chất hay là thuộc về thể chất khi
được nhìn bằng cặp mắt tinh thần? Cả hai đồng có hay chẳng có cái này lẫn
cái kia? Cung, tên, mục tiêu, và cái tôi, tất cả tan hòa vào nhau khiến
con không thể tách chúng ra được; và cả cái nhu cầu tách ra cũng không còn
nữa. Ngay khi cầm cung và bắn, tất cả đều trở nên rõ ràng, êm xuôi và đơn
giản một cách buồn cười ...". Sư phụ liền ngắt lời tôi: "Rốt cuộc thì dây
cung cũng bật qua được người anh!".
7.
Thế là hơn năm năm đã trôi qua. Sư phụ mới đề nghị
chúng tôi thi thố tài năng, ông nói: "Đây không chỉ là dịp để các con
chứng tỏ tài năng, mà quý giá hơn, là để người ta thẩm định mức phát triển
tinh thần của cung thủ thể hiện trong từng động tác nhỏ nhặt nhất. Trước
hết, thầy mong các con đừng để mình bối rối khi thấy có khán giả, mà điềm
tĩnh thực hiện trọn vẹn buổi lễ như là chỉ có chúng ta với nhau mà thôi.
Suốt trong mấy tuần lễ tiếp theo, chúng tôi vẫn làm
việc như thường không nghĩ gì đến cuộc thi, không một lời nhắc đến nó và
buổi học thường ngưng lại sau một vài cú bắn, còn phần nghi thức của buổi
lễ thì chúng tôi được giao về nhà tập với các bước và những tư thế cần đến
việc thở đúng và tập trung sâu.
Chúng tôi tập theo những bài bản đã định sẵn và nhận
thấy chúng tôi vừa mới làm quen được với việc múa lễ không có cung tên thì
đã bắt đầu cảm thấy con người mình được tập trung một cách lạ lùng chỉ sau
vài bước khởi động. Cảm giác này càng làm chúng tôi quan tâm hơn đến việc
tạo thuận lợi cho sự tập trung bằng cách buông lỏng thân xác. Đến khi cầm
lại cung tên tập luyện, những bài tập ở nhà này tỏ ra có hiệu quả đến nỗi
chúng tôi trôi vào trạng thái tâm linh thông một cách nhẹ nhàng, không cần
cố gắng. Chúng tôi cảm thấy tự tin đến độ ung dung chờ ngày thi đến và sẵn
sàng trình diễn trước khán giả.
Buổi thi diễn ra rất tốt đẹp đến nỗi Sư phụ không phải
nhoẽn miệng cười bối rối cầu xin sự thứ lỗi của người xem, và chúng tôi
được cấp giấy chứng nhận tại chỗ, mỗi tờ có ghi mức độ tinh thông của từng
người. Để bế mạc cuộc thi, Sư phụ bận lễ phục cổ truyền đẹp nhất của ông
và bắn biểu diễn hai phát tên nhập một. Sau đó vài ngày trong một cuộc thi
trước công chúng, vợ tôi được thưởng danh hiệu bậc thầy của nghệ thuật cắm
hoa.
Từ đó, các bài học mang một hình thái mới. Sư phụ bằng
lòng cho tập bắn ít lại để giảng dạy "Đại Giáo Pháp" của Cung Đạo cho
chúng tôi, thích ứng với trình độ mà chúng tôi đã đạt được. Mặc dù ông
dùng những hình ảnh huyền bí và những so sánh mù mờ, chỉ cần một vài gợi ý
cũng đủ giúp chúng tôi hiểu ông muốn nói gì. Ông giảng lâu nhất với nhiều
chi tiết về vấn đề "nghệ thuật không nghệ thuật" mà cung thủ phải xem là
mục tiêu phải đến nếu muốn có được sự hoàn hảo. Ông nói: "Ai bắn được với
sừng thỏ và lông rùa, thì có thể bắn trung tâm điểm mà không cần có cung
(sừng) và tên (lông). Chỉ người đó mới đúng là Thầy theo nghĩa cao nhất
của từ này: "Thầy của nghệ thuật không nghệ thuật. Thật vậy, người đó
chính là cái nghệ thuật không nghệ thuật và như vậy, đồng thời là Thầy lẫn
không Thầy. Đến điểm này, thuật bắn cung được xem là động mà không động,
múa mà không múa và chuyển qua thành Thiền".
Khi tôi hỏi làm thế nào chúng tôi có thể đi tiếp mà
không có ông khi trở về Châu Âu. Sư phụ đáp: "Câu hỏi của con đã được trả
lời bằng việc thầy đưa con vào cuộc thi. Con đã đạt đến trình độ thầy và
trò không còn là hai người mà là một. Con có thể tùy ý rời thầy bất cứ lúc
nào, và dù cách xa đại dương muôn trùng, thầy vẫn ở bên con khi con thực
hành những gì đã học. Thầy không yêu cầu con rèn luyện thường xuyên, cũng
đừng ngưng tập với bất cứ lý do gì, và đừng để ngày nào trôi qua mà không
thực hiện nghi lễ dù chẳng có cung tên trong tay, hoặc ít ra cũng nên tập
thở đúng cách. Thầy không cần đòi hỏi con nhiều lời vì thầy biết con chẳng
bao giờ bỏ được thuật bắn cung tinh thần này. Con không cần thường xuyên
viết thư kể lể việc tập luyện, mà thỉnh thoảng gởi vài tấm hình để thầy
thấy con giương cung ra sao là đủ để biết những gì thầy cần biết. Có điều
thầy cũng báo trước là cả hai vợ chồng con đã trở thành những con người
hoàn toàn khác nhau sau những năm tháng ở đây. Có lẽ các con chưa nhận ra
điều đó, nhưng sẽ thấy rõ khi gặp lại bạn bè thân quyến tại nước các con:
mọi thứ sẽ không còn hòa hợp như trước. Con sẽ thấy bằng cặp mắt khác và
sẽ suy lường bằng cảm thức khác. Điều này cũng từng xảy ra với thầy và
những người đã đạt đến tinh thần của môn nghệ thuật này".
Khi chia tay, mà chưa phải là chia tay, Sư phụ đưa tặng
tôi cây cung qúy nhất của ông và nói: "Mỗi khi bắn cây cung này, con sẽ
cảm thấy tinh thần của người Thầy đang ở bên con. Đừng đưa nó cho
những kẻ tò mò! Và một khi con đã rút hết những gì mà nó có thể cho con,
thì đừng giữ nó làm món đồ kỷ niệm, mà hãy đốt bỏ đi cho đến khi chẳng còn
gì nữa ngoài một nhúm tro tàn".
8.
Đến đây tôi e rằng nhiều độc giả khi đọc xong những
phần trước sẽ đâm ra nghi ngờ thuật bắn cung vì không còn vai trò quan
trọng nào trong chiến tranh người chống người, nên đã tìm cách tồn tại
bằng cách ẩn vào sau cái vỏ tâm linh siêu việt và như vậy, được thăng hoa
một cách không lành mạnh. Tôi thấy khó mà tránh những người suy nghĩ như
vậy. Nhưng điều này khiến tôi lại phải nhấn mạnh một lần nữa là các môn
nghệ thuật Nhật Bản kể cả thuật bắn cung đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của
Thiền không phải mới đây mà đã hằng bao thế kỷ. Thật vậy, một cung sư thời
xưa nếu được đưa ra xét nghiệm, chắc không thể nói ra bất cứ lời nào về
bản chất của thuật bắn cung khác hơn những lời giảng dạy của một cung sư
thời nay, vì đối với họ, "Đại Giáo Pháp" là chân lý sống mãi theo thời
gian. Suốt bao thế kỷ, tinh thần của nghệ thuật này vẫn giữ y nguyên trạng
và ít bị biến đổi hơn Thiền.
Để có thể xua tan bất cứ nỗi nghi ngờ nào còn sót lại,
mà qua kinh nghiệm bản thân tôi biết đó là điêu đương nhiên, tôi xin đua
ra một môn nghệ thuật khác để so sánh, môn nghệ thuật này có ý nghĩa quan
trọng về phương diện chiến đấu không ai có thể phủ nhận được, ngay cả
trong hoàn cảnh hiện nay: đó là kiếm thuật. Tôi cố gắng làm việc này không
chỉ vì Sư phụ Awa cũng là một nhà kiếm thuật "có tinh thần" thường chỉ cho
tôi những điểm tương đồng rõ nét về kinh nghiệm của một cung sư và của một
kiếm sư, mà còn vì có một văn bản kinh điển được viết vào thời kỳ nghề
nghiệp hiệp sĩ đang nở hoa và các kiếm sư phải phô diễn tài năng lão luyện
của mình trong tình thế bức bách một mất một còn. Đấy là tác phẩm của Đại
Thiền sư Takuan (Trạch Am), có nhan đề "Bát Nhã Bất Động" (Trí huệ chẳng
động). Trong đó giải thích rất chi tiết mối liên hệ giữa Thiền và kiếm
thuật cùng sự thực hành kiếm đạo. Tôi không biết đó có phải là tài liệu
duy nhất trình bày đầy đủ và có căn cơ về "Đại Giáo Pháp": của thuật đánh
kiếm hay không; tôi cũng chưa biết có những chứng cớ nào tương tự về thuật
bắn cung hay không. Tuy nhiên, thật là may mắn khi còn có được bản tường
trình của Takuan và cũng cần cảm ơn Giáo sư D. T. Suzuki đã dịch bản văn
này - nguyên là bức thư gởi cho một kiếm khách lừng danh - ra tiếng Anh
khá đầy đủ (in trong cuốn "Zen Buddhism and its influence on Japanese
Culture" - Thiền tông Phật Giáo và ảnh hưởng của tông phái này trong
văn hóa Nhật Bản) giúp cho nhiều người phương Tây đọc được văn bản đó.
Sắp xếp và tóm lược tài liệu theo cách riêng, tôi cố
gắng giải thích càng rõ ràng, ngắn gọn càng tốt những gì người ta biết về
thuật đánh kiếm trong quá khứ và những gì đã được các bậc thầy nổi tiếng
cùng đồng ý mà chúng ta ngày nay cần phải biết.
Với kinh nghiệm của chính mình và qua đệ tử, các kiếm
sư có thể nhận thấy người mới nhập môn dù to khỏe hiếu chiến, dù can đảm
không biết sợ cũng mất tự nhiên và sự tự tin ngay buổi đầu học tập. Khi
biết được những kỹ thuật có khả năng gây nguy hiểm cho tính mạng của người
khác cũng như của mình trong chiến đấu, và dù sớm có thể tập trung chú ý
đến mức tối đa, nhìn không sót cử động của đối thủ, ngăn đỡ chính xác
những cú tấn công và tung đòn đâm chém rất hiệu quả, người này lại đâm ra
tệ hại hơn lúc trước, cái lúc mà anh ta còn nửa chơi nửa thật thọc phang
tùy tiện chung quanh theo cảm hứng tức thời và nhân dịp chiến đấu cho vui.
Bây giờ, mọi ảo tưởng đều tan biến, người này biết rằng mình sẽ phải phơi
người chịu trận trước bất cứ đối thủ nào mạnh mẽ hơn, lanh lẹ hơn và lão
luyện hơn. Do đó, anh ta không còn cách nào khác hơn là tập luyện không
ngừng và ngay cả thầy dạy cũng không có lời khuyên nào tốt hơn vào lúc
này. Thế là người đệ tử tìm mọi cách để vưọt qua những người khác lẫn
chính mình. Khi đạt tới trình độ kỹ thuật điêu luyện, anh ta lấy lại được
một phần tự tin đã mất và nghĩ rằng mình càng ngày càng đến gần mục tiêu
mong muốn. Tuy nhiên, người thầy lại nghĩ khác và đúng như Takuan xác
nhận, đó là điều chính đáng, vì mọi tài năng mà người đệ tử vừa đạt chỉ là
đưa đến việc "luyện tập bằng kiếm".
Tuy nhiên, cách dạy ban đầu về kỹ thuật rất phù hợp với
người mới học, nên không thể làm khác đi, dù người thầy biết rõ là không
thể dẫn tới mục tiêu cần có. Cái việc người học trò không thể chỉ do cách
dạy này mà trở thành một bậc thầy kiếm thuật dù rất nhiệt tình và dù có
tài năng bẩm sinh, là điều hiển nhiên, nhưng thế tại sao một người đã bỏ
ra thời gian lâu dài để học cách không để mình bị nhiệt tình chiến đấu lôi
kéo, giữ được lòng nguội lạnh, biết sử dụng khéo léo sức mạnh thể xác, cảm
thấy đã tôi luyện để chịu được những cuộc chiến dai dẳng và khó tìm ra một
đối thủ cùng ngành ngang sức, lại phải thất vọng vào phút cuối, không tiến
tới được nữa nếu xét theo những tiêu chuẩn cao nhất?
Theo Takuan, sở dĩ có tình trạng này là do người đệ tử
cứ mãi bận tâm theo dõi đối thủ và cuộc đấu kiếm; anh ta luôn luôn suy
tính, tìm cách đánh có hiệu quả nhất, chờ đối thủ mất cảnh giác để bất
thần tấn công ngay. Tóm lại, anh ta lúc nào cũng dựa vào tài nghệ và kiến
thức của mình. Takuan cho rằng làm vậy mà anh ta đánh mất "cái tâm linh
thông" khiến cú đánh quyết định của đối thủ đánh lại chủ nhân nó". Anh ta
càng cố bắt tài đấu kiếm của mình lệ thuộc óc suy tính, lệ thuộc ý thức
vận dụng tài nghệ, lệ thuộc kinh nghiệm chiến đấu và chiến thuật, thì càng
cản trở không cho "tâm hoạt động tự do".
Vậy phải sửa chữa thế nào đây? Làm sao để tài nghệ trở
thành "có tinh thần" và để sự tinh thông kỹ thuật đạt đến trình độ vi diệu
thượng thừa của bậc thầy chân chính? Chỉ có một cách duy nhất, như chúng
ta đã thấy ở phần trước là người đệ tử phải trở nên vô tư và vô ngã; anh
ta phải đạt đến cái điểm thoát lìa không chỉ đối thủ mà cả chính mình nữa.
Anh ta phải vượt qua cái giai tầng mà anh ta đang ở và dứt khoát bỏ lại
đàng sau tất cả dù có nguy cơ thất bại khó lòng cứu vãn. Chẳng lẽ điều này
cũng vô lý như lời yêu cầu cung thủ bắn mà đừng ngắm, đừng thấy mục tiêu,
đừng có ý định bắn trúng?
Tuy nhiên, cần nhớ rằng trình độ kiếm thuật thượng thừa
mà Takuan đã mô tả phần tinh yếu, chỉ có được sau hằng ngàn lần so tài đọ
sức.
Công việc của người thầy không phải là vạch ra đường đi
nước bước, mà là giúp đệ tử tìm ra con đường dẫn đến mục đích tùy theo cá
tính của anh ta; do đó, người thầy bắt đầu dạy đệ tử biết vận dụng trực
giác để né tránh các cú đánh dù cả khi bị tấn công bất ngờ. Giáo sư D. T.
Suzuki có thể kể lại một giai thoại thú vị mô tả cái phương pháp huấn
luyện cực kỳ thô sơ mà một ông thầy đã dùng để thực hiện cái nhiệm vụ
không phải dễ dàng này:
Các ông thầy kiếm thuật Nhật Bản đôi khi phải dùng
Thiền để huấn luyện. Có một kiếm sư về lui ở ẩn trong núi sâu, được một
người đến cầu học, ông bằng lòng thu nhận. Ông sai người đệ tử đi kiếm củi
để đun nấu, ra suối lấy nước, chẻ củi, nhóm lửa, nấu ăn, quét nhà dọn
vườn, nói chung là làm công việc nội trợ, còn kiếm thuật thì thỉnh thoảng
mới được nghe thầy thuyết giảng, nhưng không được dạy cách đánh nào. Sau
một thời gian, người đệ tử đâm ra chán nản, vì nghĩ rằng mình không đến
đây để làm đầy tớ phục vụ ông chủ, mà để học đánh kiếm! Vì vậy, một hôm
anh ta đến xin thầy dạy đánh kiếm. Ông thầy đồng ý. Kết quả là người đệ tử
không thể làm được việc gì nếu không cảnh giác đề phòng. Khi anh ta bắt
đầu nấu cơm sáng thì ông thầy đến sau lưng quất cho một gậy. Trong lúc
đang quét nhà, anh ta phải để ý canh chừng một cú đập có thể bất ngờ quất
tới từ đâu đó. Dẫu óc anh chẳng lúc nào yên, cứ phải đề phòng không ngớt.
Phải mất vài năm, anh ta mới có được khả năng né tránh bất cứ cú đánh nào
ở bất cứ góc độ nào, nhưng ông thầy chưa hoàn toàn hài lòng. Một hôm, ông
đang ngồi nấu rau ở bếp. Người đệ tử nảy ra ý định lợi dụng thòi cơ này,
anh ta chụp lấy một cây gậy thật to giáng xuống đầu thầy lúc ông đang cúi
xuống mở vung khuấy đảo thức ăn, nhưng cú gậy của anh ta bị thầy đưa nắp
vung đỡ được. Sự kiện này làm người đệ tử giác ngộ thấy được bí quyết của
kiếm thuật mà trước đó anh ta chưa thấy. Thế là lần đầu tiên người đệ tử
thật sự biết ơn tấm lòng nhân hậu không gì sánh được của Thầy.
Như vậy, muốn tránh được những cú đánh luôn luôn đe dọa
mình, người đệ tử phải có một giác thức mới hay nói đúng hơn là làm tăng
thêm sự nhạy bén củaa mọi giác thức đến mức giống như linh cảm. Khi đã
tinh thông nghệ thuật né tránh này, anh ta không còn cần chăm chú canh
chừng một đối thủ hoặc nhiều đối thủ cùng một lúc. Trái lại, anh ta thấy
và cảm nhận được cái gì sắp xảy ra, và đồng thời ngay lúc đó, anh ta đã né
tránh được tác dụng của nó, không để "hở một đường tơ kẻ tóc" giữa hai
việc nhận thấy và né tránh. Do đó, điều cần phải tính đến đó là phản ứng
ngay lập tức, nhanh như chớp, không cần chờ xem xét bằng ý thức. Như vậy,
về phương diện này, ít ra người đệ tử cũng làm cho mình không còn phải lệ
thuộc mọi ý tưởng định trước: và đó đã là một chiến thắng to lớn lắm rồi.
Nhiệm vụ tiếp theo còn khó khăn hơn nhiều, nhưng lại có
tầm quan trọng quyết định đó là giúp đệ tử dẹp bỏ ý tưởng mình phải đương
đầu với đối thủ trong công việc có tính cách một mất một còn; như thế, anh
ta sẽ không còn cố tâm tranh thắng với đối thủ.
Đầu tiên, người đệ tử tưởng rằng chỉ cần làm theo lời
dạy: ngăn mình không theo dõi và suy nghĩ về hành vi của đối thủ, là đủ
rồi; anh ta giữ theo lời dạy không theo dõi này rất nghiêm túc và tự kềm
mình từng ly từng tí. Đây là điều đương nhiên, anh ta khó có thể làm khác
đi được, nhưng do tập trung chú ý vào mình, người đệ tử không nhận thấy
mình vẫn xem mình là một chiến sĩ đang phải cố hết sức không dò xét đối
thủ. Làm gì thì làm, anh ta vẫn còn đối thủ ẩn núp trong tâm, mặc dù bên
ngoài anh ta đã lìa bỏ người này. Anh ta càng cố quên thì càng ràng buộc
mình vào đối thủ.
Để thuyết phục người đệ tử tin rằng xét về căn bản anh
ta chẳng đạt gì cả, thì người thầy vần phải dùng một nghệ thuật hướng dẫn
tâm hồn thật là tinh tế. Phải giúp cho anh ta tập được tính kiên quyết
không bận tâm đến mình cũng như đến đối thủ, và hoàn toàn trở nên vô ngã,
vô cầu. Công việc này, cũng như trong thuật bắn cung, đòi hỏi nhiều kiên
nhẫn và sự rèn luyện cực lòng. Nhưng một khi việc rèn luyện này đạt đến
mục đích là trạng thái điềm nhiên, thì dấu vết cuối cùng của vị ngã sẽ tan
biến trong sự vô cầu hoàn toàn.
Trạng thái điềm nhiên vô cầu này tự động sinh ra một
cách cư xử rất giống với giai đoạn né tránh theo trực giác nói ở trước.
Giống như vào giai đoạn đó không có khoảng "hở bằng đường tơ kẻ tóc" nào
giữa việc nhận thấy cú đánh hữu ý và việc né tránh, bây giờ cũng không có
một khoảng thời gian nào xen ở giữa việc né tránh và hành động đánh trả.
Ngay vào lúc né tránh, người chiến sĩ đã động thủ đánh tới và như tia
chớp, nhát kiếm đã tới nơi, trúng đích, không thể chống đỡ được. Người ta
bảo đó là thanh kiếm tự vận hành; và như chúng tôi đã nói trong thuật bắn
cung là "cái đó ngắm và bắn trúng mục tiêu"; ở đây "cái đó" cũng thay cho
chủ thể (cái tôi) sử dụng những kỹ năng và thủ thuật mà chủ thể (cái tôi)
sử dụng những kỹ năng và thủ thuật mà chủ thể đã đạt được bằng nổ lực hữu
ý, và cũng ở đây, "cái đó" chỉ là một danh xưng dùng gọi cái năng lực mà
người ta không hiểu được, không vận dụng được theo ý mình, mà chỉ tự lộ
bày cho những ai chứng nghiệm.
Theo Takuan, người ta đạt đến mức hoàn thiện trong kiếm
thuật chỉ khi nào cái tâm không còn bị phiền nhiễu bởi ý niệm về "ta" và
"ngươi", về đối thủ với thanh kiếm của y, về thanh kiếm của mình với cách
sử dụng nó, và không còn cả ý sống với chết. Takuan viết: "Tất cả không
từ bản thân anh cho đến thanh kiếm lóe sáng và đôi tay sử dụng nó. Ngay cả
ý niệm về không cũng chẳng còn đó nữa. Từ cái không tuyệt đối nảy
sinh tình trạng bừng nở tuyệt vời của hành động tinh thuần".
Theo quan điểm này, những điều có giá trị đối với thuật
bắn cung và thuật đánh kiếm cũng áp dụng được cho tất cả các môn nghệ
thuật khác. Như vậy, trong nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc, người ta chỉ đạt
đến mức tinh thông khi bàn tay vốn đã luyện tập thuần thục về kỹ thuật,
thực hiện được những gì ám ảnh trước con mắt tinh thần ngay khi tâm thức
bắt đầu tạo ra hình dáng, không để "hở một đường tơ kẻ tóc" ở giữa. Thế là
hội họa trở thành một thứ nghệ thuật viết chữ (thư pháp) thần tốc, và ở
đây cũng có thể tóm lược những lòi dạy cho họa sĩ bằng vài chữ như sau: Bỏ
ra mười năm quan sát cây tre, tự mình trở thành cây tre, rồi quên hết mọi
điều và vẽ.
Bậc kiếm sư cũng an tâm, tự tinh, quả cảm như người mới
nhập môn. Sự bình thản mà ông để mất lúc bắt đầu học cuối cùng cũng quay
lại với ông ta và trở thành một cá tính không thể phá bỏ, nhưng khác với
người mới học, bậc kiếm sư cần trọng giữ mình, yên lặng và khiêm nhường,
không hề tỏ ra mình có giá trị. Giữa hai tầng bậc người tập nghề và bậc
kiếm sư là một chuỗi dài năm tháng học hành không biết mệt trải qua nhiều
biến cố và đó là lý do có được tâm trạng nói trên. Dưới ảnh hưởng của
Thiền, tài năng của vị kiếm sư trở nên "có tinh thần" và chính bản thân
ông nhờ sự phấn đấu nội tâm mà được chuyển hóa, càng ngày càng trở nên
giải thoát. Thanh kiếm giờ đây đã trở thành "linh hồn" của ông, không còn
chực được rút liền liền ra khỏi vỏ, mà chỉ được ông sử dụng trong những
trường hợp bất đắc dĩ. Vì vậy, có có sự kiện là ông thường tránh đụng độ
vơí những đối thủ thô bạo, phô trương sức mạnh, không đáng cho ông ra tay,
và mỉm cười chấp nhận bị chê là hèn nhát, nhưng cũng có trường hợp do lòng
kính trọng một đối thủ nào đó, ông yêu cầu giao đấu mà kết quả không thể
nào khác hơn là phải giết người này trong danh dự. Đấy chính là những tình
cảm xác định bản chất của giới hiệp sĩ (samurai) đi trên con đường nghĩa
hiệp gọi là "võ sỉ đạo" (bushido). Bậc kiếm sư đặt "thanh kiếm chân lý"
cao hơn bất cứ điều gì, cao hơn danh vọng, cao hơn thắng lợi và cao hơn cả
mạng sống; chính thanh kiếm chân lý đó hướng dẫn ông hành động, đồng thời
xét xử bản thân ông.
Giống như người mới học, bậc kiếm sư không biết sợ hãi;
nhưng khác với anh ta, ông càng ngày càng ít cảm xúc trước những cảnh ghê
sợ. Những năm tháng trầm tư liên tục đã khiến ông thấy sống và chết rốt
ráo đều như nhau và cùng nằm trên một giai tầng nghiệp dĩ. Ông cũng không
còn biết lo sống và sợ chết. Ông sống ung dung tự tại trong cõi đời, nhưng
sẵn sáng từ bỏ dõi đời mà không hề rối loạn vì nghĩ đến cái chết, và đó là
đặc tính của Thiền. Chính vì vậy người hiệp sĩ không phải ngẫu nhiên mà
chọn đoá hoa anh đào mỏng mảnh làm biểu tượng đúng thật nhất cho mình. Như
cánh hoa đào rụng trong nắng mai rơi nhẹ xuống đất, người hiệp sĩ phải
biết lìa bỏ cuộc đời một cách lạng lẽ và không hề xao xuyến.
Sống không sợ chết không có nghĩa là trong giờ phút
sướng vui, người ta tự hào mình không run sợ trước cái chết và chẳng có gì
phải sợ. Hơn thế, người đã làm chủ được việc sống chết thì không còn sợ
phải gặp những điều kinh sợ. Người không trải qua kinh nghiệm để biết cái
năng lực của sự trầm tư nghiêm túc và dài lâu, thì không thể xét đoán được
sự tự thắng mình do việc trầm tư này đem lại. Bậc thầy thượng thừa biểu lộ
sự không sợ hãi ở mọi lúc, mọi nơi, không chỉ qua lời nói mà trong toàn bộ
hành vi của ông: người ta chỉ cần nhìn vào ông là thấy thái độ tinh thần
đó tác động đến mình một cách sâu xa, và rất ít người đạt được trạng thái
thản nhiên không sợ hãi như thế, nhưng người khác có thể biết rõ đó là một
sự làm chủ. Để chứng minh cho điều này, tôi xin kể lại một câu chuyện
trích từ tập Hagakure xuất hiện vào giữa thế kỷ 17:
Yagyu Tajima-no-kami (người được Takuan gởi cho bản
"Bát Nhã bất Động" là một đại kiếm sư dạy kiếm thuật cho Tướng Quân
(Shogun) lúc đó là Tokugawalyemitsu (Chúa đời thứ ba của Mạc Phủ lấn quyền
Thiên Hoàng). Một hôm, có một vệ sĩ của Tướng Quân đến xin Tajima-no-kami
dạy cho kiếm thuật. Vị kiếm sư nói: "Ta thấy anh có vẻ là một kiếm sư, vậy
xin cho biết anh thuộc môn phái nào trước khi chúng ta coi nhau là thầy
trò".
Người vệ sĩ đáp: "Con xấu hổ thú thật với thầy là
con chưa học kiếm thuật".
Tajima-no-kami liền bảo: "Anh muốn chế nhạo tôi à?
Tôi là thầy của Tướng Quân Tôn Ông và ta biết mắt tôi chưa hề nhìn lầm bao
giờ".
Vệ sĩ bối rối trả lời: "Con xin lỗi đã tỏ ra vô lễ,
nhưng thật sự con không biết gì cả!"
Trước lúc phủ nhận quả quyết này, vị kiếm sư suy
nghĩ một lát rồi nói: "Nghe anh nói thì phải đồng ý vậy thôi; nhưng ta vẫn
thấy anh đã làm chủ một điều gì đó dù ta chưa biết đích xác là cái gì!".
Lúc đó người vệ sĩ mới nói: "Nếu Thầy cố ép, thì con
xin nói. Có một việc mà con cho là mình đã làm chủ hoàn toàn; đó là khi
còn nhỏ, con chợt nghĩ nếu là một hiệp sĩ thì không được quyền sợ chết dù
trong bất cứ trường hợp nào, và con đã bỏ ra nhiều năm vật lộn với vấn đề
chết chóc cho đến khi vấn đề này không còn quấy rầy con nữa. Đây phải
chăng là điều mà Thầy muốn nói hay không? ".
Tajima-no-kami kêu lên: "Đúng đấy! Đúng là điều ta
muốn nói đấy! Ta rất vui sướng vì đã không xét lầm. Thoát khỏi ý sợ chết
cũng là bí quyết thượng thừa của kiếm thuật. Ta đã dạy hàng trăm đệ tử
nhắm vào mục tiêu này, nhưng tới bây giờ chưa có ai đạt đến trình độ
thượng thừa của kiếm thuật. Con chẳng cần học đánh kiếm vì đã là một bậc
thầy rồi đó".
Thuở xưa, phòng luyện tập kiếm thuật được gọi là "Đạo
trường" - nơi tu hành giác ngộ.
Những bậc thầy của các môn nghệ thuật đều chịu ảnh
hưởng của thiền và giống như tia chớp xẹt ra từ đám mây Chân lý viên dung.
Chân lý này hiện diện trong tính vận động tự do của tâm bậc Thầy và trong
cái mà ông gọi là "cái đó" và qua cái này, ông thấy lại bản thể căn nguyên
đó, các tiềm năng sâu kín của con người rút lấy sức tinh thông diệu dụng
của Chân lý khiến ông và những người khác nhìn qua ông tưởng như Chân lý
ứng hiện ra muôn hình vạn trạng.
Chính vì sự giải thoát rốt ráo chưa trở thành một nhu
cầu khẩn thiết đối với ông, và vì ông chưa được Thiền thấm nhuần và rọi
sáng để Thiền có thể hướng dẫn ông trong mọi sinh hoạt, nên mặc dù có kỹ
thuật rèn luyện phi thường mà ông kiên nhẫn và khiêm tốn tuân phục, cuộc
sống của ông chưa thể là một chuỗi phút giây sướng vui liên tục.
Nếu bị lôi cuốn không cưỡng được về phía mục tiêu này,
ông lại phải bắt đầu lên đường tiến đến cái nghệ thuật không nghệ thuật.
Ông phải dám nhảy vào chốn cội nguồn để sống nhờ Chân lý và trong Chân lý
như một người đã hoàn toàn thống nhất với chân lý. Ông lại phải trở thành
người đệ tử, người mới học, phải vượt qua chặng cuối cùng hiểm trở nhất
của con đường mà ông đã dấn thân vào đó, và phải trải qua những chuyển hóa
mới. Nếu qua được cảnh ngặt nghèo này thì ghiệp dĩ của ông sẽ hoàn thành
vì gặp được cái Chân lý tuyệt đối vĩnh hằng, cái chân lý vượt trên mọi
chân lý, cái Cội nguồn vô tướng của mọi cội nguồn, cái Chân Không Diệu Hữu
(cái trống không nhưng có tất cả), bị thu vào trong đó và từ đó lại tái
sinh.