CHƯƠNG NĂM: VÔ SƯ TRÍ
I. TRÍ TUỆ HỮU SƯ VÀ VÔ SƯ.
Con người từ lúc mới sinh ra đến khi mất đi, mỗi ngày mỗi tích lũy thêm kiến thức kinh nghiệm để tồn tại và phát triển. Do học hỏi từ bên ngoài phát sinh trí tuệ, nhà Phật gọi là Hữu sư trí, tức trí tuệ nhờ có Thầy dạy. Vì vận dụng chất xám mà hiểu biết, nên Hữu sư trí có tính cách phân tích lý luận theo tinh thần tiền nhân hậu quả: nghe giảng dạy là nhân, suy tư để hiểu là quả. Trong Tam huệ học, văn và tư huệ thuộc phạm trù Hữu sư, chung quy chỉ nhờ vay mượn huân tập từ người khác, không phải thật của mình, nên giới hạn và không ngừng biến đổi. Hành giả có công phu Thiền định, quét sạch mọi tạo tác của tâm, trở về trạng thái bổn tịch bổn tri, một lúc nào đó xảy ra đột biến, tự nhiên phát khởi trí tuệ. Đây là cái biết của trực giác không qua trung gian ý thức phân biệt, cái bổn tri khi hồi phục chức năng ban sơ của tâm, cái biết giải trừ và vượt qua Hữu sư trí, chính là Tu huệ, tức Vô sư trí.
Vô sư trí còn được gọi bằng nhiều tên: Căn bản trí, Bát-Nhã trí, Vô phân biệt trí, Chơn trí, Thật trí, Trực Giác Bát Nhã... Từ thường dùng nhất là Trí tuệ Bát Nhã. Mỗi người có hoàn cảnh chánh báo và y báo khác nhau, nhưng tất cả đều bình đẳng ở trí tuệ này. Nhà Thiền diễn tả bằng hình ảnh “từ hông ngực lưu xuất” hoặc bằng từ “Thời trí”, nghĩa là vốn sẵn đủ, là diệu dụng của tự tánh. Khi cần, các vị Thiền sư ngộ đạo sử dụng ngay vốn sẵn đủ ấy một cách linh hoạt và khế cơ khế lý, nên tùy duyên mà có muôn vàn phương pháp khai thị cho người.
Vị Bồ tát tượng trưng cho Vô sư trí là Ngài Văn Thù. Nhà Phật nói: “Bát Nhã vô tri nhi vô bất tri” (Bát Nhã không biết nhưng không có gì là chẳng biết). Gương không có ý soi rọi, nhưng mọi vật để trước gương đều hiện ảnh một cách trung thực. Bát-Nhã cũng thế, không tác ý hiển lộ các pháp, vì vậy soi thấu các pháp đến tận cùng bản thể. Bình thường khi nhìn một vật, tự nhiên chúng ta khởi tâm phân biệt cái thấy và cái bị thấy. Sự phân biệt là hành vi của thức, nhìn các pháp chỉ ở một khía cạnh, lại thêm phân tích tưởng tượng, nên chỉ phản ảnh các pháp một cách phiến diện hời hợt. Khi tâm thanh tịnh rỗng rang, dứt bặt vọng tưởng suy lường, đột nhiên trực giác phát sinh, chủ thể và đối tượng nhận thức hòa nhập, ta chợt thấy rúng động toàn thân, chợt nhận ra mọi vấn đề một cách toàn diện toàn triệt. Đây là cái biết bất nhị, kết quả của một quá trình thiền tập miên mật và lâu dài, không do tư duy hay thức tình sinh khởi, không mang tính cách học thuật kinh viện thế gian. Bài Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán có câu: “Phi tư lương xứ, thức tình nan trắc” (Chỗ chẳng thuộc suy lường, thức tình khó đo được). Trạng thái “Phi tư lương xứ” chính là trạng thái của Thiền, là hành vi của Vô sư trí.
Hệ Pàli phân biệt 5 cấp độ hiểu biết từ thấp đến cao:
1. Tưởng tri: Cái biết do tưởng tượng, như mây bay thấy trăng dời, thuyền đi thấy bờ chạy.
2. Thức tri: Biết do phân biệt so sánh. Nhìn một vật, con người khởi ngay niệm phân biệt đẹp - xấu, từ đó lôi cuốn theo một loạt ý nghĩ khác như khen - chê, ưa - ghét...
Tưởng tri và thức tri là hai cấp độ hiểu biết của phàm phu, nhìn các pháp một cách phiến diện và chủ quan nên thường nông cạn, sai lầm.
3. Tuệ tri: Cái biết bằng trí tuệ nhờ công phu thiền tập.
4. Thắng tri: Cái biết thù thắng trong trạng thái tâm lặng lẽ, không dấy niệm dính mắc hai bên.
Tuệ tri và Thắng tri là trí tuệ của các bậc Hữu học từ Sơ quả đến Tam quả. Tuy nhiên, vẫn còn những niệm vi tế làm chướng ngại mà Đức Phật ví như sóng nắng.
5. Liễu tri: “Liễu” là hoàn toàn, tột cùng. Liễu tri hay Liễu liễu thường tri là trí tuệ của các bậc Vô học đã quét sạch mọi phàm tình thánh giải, đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.