CHƯƠNG HAI: NHƯ HUYỄN
I. KHÁI LƯỢC.
Lý Như-Huyễn là một quan niệm về nhân sinh và vũ trụ độc đáo của nhà Phật. Trong thiền định sâu xa, Đức Phật thấy rõ tất cả các pháp đều là những hiện tượng không thật có, vì chúng do nhiều duyên tụ hội lại mà thành. Bản chất của chúng là không, vì chúng không có tự thể. Như vậy, nhìn trên hiện tượng (SẮC) là duyên hợp tạm có, nhưng bản thể lại là KHÔNG. Nói khác đi, SẮC là biểu tướng của KHÔNG, KHÔNG là bản chất của SẮC. Đây là tinh thần Bát-Nhã, mà chỉ những người ở trong Như-Huyễn tam-muội, tức trong chánh định quán triệt lý Như-Huyễn, mới thẩm thấu được.
Các pháp không thật có nên là huyễn, nhưng tự tánh các pháp là không, nên tuy huyễn mà vẫn thường ở trong Như tánh. Như là thể của Huyễn, Huyễn là dụng của Như. Như là thể tánh bất động, không bao giờ thay đổi; Huyễn là tùy duyên mà hình tướng đổi thay. Chúng ta từ Như đến đây, mang thân huyễn mộng này, rồi khi mất đi lại trở về Như. Nhưng không phải đợi lúc hình tướng tan hoại mới trở về Như, mà ngay khi còn thân huyễn, nó đã là Như rồi. Cũng như nước là hiện tượng, có thể thay đổi từ thể lỏng sang thể rắn, thể hơi, nhưng không bao giờ mất đi tánh ướt. Vì Huyễn không bao giờ rời Như, nên nhà Phật gọi là Như-Huyễn.
Lý Như-Huyễn là một vũ khí lợi hại, quét tận gốc rễ mọi tham đắm chấp trước của con người về thân, tâm và cảnh. Hàng ngày, chúng ta nhìn và hiểu các pháp bằng thức tâm phân biệt và bằng sự tưởng tượng phong phú của mình, cho các pháp là thật có. Do thấy không đúng lẽ thật (si) nên sinh tham. Nếu lòng tham được thỏa mãn, lại càng tham đắm nhiều hơn, nặng hơn; nếu không thỏa mãn sẽ phát sinh sân hận. Phiền não vì thế càng tăng trưởng, không có ngày dừng. Khi lắng sâu tâm thức, hiểu rõ lý Như-Huyễn, ta sẽ thấy cuộc đời ta trải qua bao nhiêu năm vui-buồn sướng-khổ thịnh-suy, chỉ như một giấc mộng dài ! Cảnh vật bên ngoài cũng thế, căn nhà ta ở, khung cảnh xung quanh ta..., có phải chúng đang biến đổi trong từng giây phút ? Trong phạm trù không gian, thân-tâm-cảnh là duyên sinh giả hợp; trong phạm trù thời gian, chúng biến đổi không dừng trụ; như thế không phải huyễn la gì?