II. NHỮNG NÉT KHÁI QUÁT VỀ THIỀN.
A. Một tấm gương nếu bị bụi bám đầy, không soi được các vật đặt trước nó. Bụi là duyên bên ngoài, còn bản chất của gương là trong và soi sáng. Bản chất gương không bao giờ mất, chỉ vì bụi che nên tạm ẩn mà thôi. Muốn gương trở lại sáng trong, phải lau sạch bụi. Tự tánh bản nguyên vốn thanh tịnh và thường biết, do bụi phiền não từ vô lượng kiếp che khuất nên mãi đắm chìm trong sinh tử. Tu hành cũng như lau bụi trên gương, khi dẹp sạch phiền não thì tự tánh hiện bày. Đạo Phật không chủ trương tiêu diệt sự sống, mà chỉ đoạn trừ tham - sân - si để hiển lộ bản tâm. Đây là khái niệm của người tu trên những bước đầu vào đạo.
Đối với Thiền tông, những khái niệm phân biệt nhị nguyên đều là sản phẩm của ý thức, là quy ước pháp tương đối của thế gian. Khi được hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp ?”, có vị Thiền sư nói: “Cứng như bông, mềm như sắt” . Câu trả lời có vẻ nghịch thường, nhưng thật sự chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc. Bản thân bông và sắt đâu có ý niệm mềm - cứng, mà do vọng tưởng so sánh đối đãi của con người gán cho chúng những tính chất khác nhau. Những vị đã có cái nhìn đúng như sự vật đang là, thấu suốt tột cùng bản chất của các pháp, không theo ước lệ thông thường. Các Ngài nhận rõ, phiền não và Bồ-đề không phải là hai phạm trù đối lập nhau, mà là hai mặt của cùng một thực thể. Cũng như biển dậy sóng khi có gió thổi, khi không có gió thì sóng trở về với nước. Bỏ hết sóng sẽ không còn nước, đoạn trừ phiền não không thể thủ chứng Bồ-đề. Điều này thật khó hiểu khó tin, nhưng đó là tinh thần bất nhị của nhà Thiền, là yếu lý của Đạo.
B. Người tu thường chán cõi Ta-bà uế trược nên tinh tấn tu hành, mong có ngày về một nơi an lạc, giải thoát mọi phiền não và sinh tử. Đây là quan niệm đúng đắn, có đạo lý. Nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi: “Bậc Thánh triết ở đâu ? Tìm giải thoát phương nào?”.
Bước đầu học Phật, ta đã hiểu hoàn cảnh chánh báo và y báo của mỗi người đều do nghiệp tạo tác. Nghiệp lành đưa đến thuận lợi trong cuộc sống, thân tâm tươi nhuận, vật chất sung mãn. Nghiệp ác gây nên quả xấu về vật chất và tinh thần, thậm chí khi phát tâm tu hành vẫn gặp nhiều chướng duyên trở ngại. Nghiệp do thân - miệng - ý phát sinh, trong đó ý dẫn đầu. Khi đã biết Đạo, chúng ta không làm điều gì để tâm ý vẩn đục, luôn giữ gìn cấm giới, mở cõi lòng để hiểu, để thương và để giúp ích mọi người tùy khả năng của mình. Đó là căn bản đạo đức của người tu.
Đối với nhà Thiền, cả hai nghiệp thiện và ác đều là đầu mối của luân hồi sinh tử. Đức Phật Thích Ca có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp chỉ là Phật ứng hóa thân, còn sinh diệt, tùy duyên ứng hiện vào các cõi giáo hóa chúng sanh. Phật báo thân đang ở thế giới Vô Thắng, như đã đề cập trong Kinh Đại Niết-Bàn(*) vẫn chưa phải là cứu cánh. Chỉ có Đức Phật pháp thân không bao giờ sinh diệt mới thật là Đấng Thánh triết đích thực mà mọi người phải nương về. Nhận ra Phật pháp thân, hành giả mới thật sự giải thoát. Thiền tông không hứa hẹn giải thoát ở thế giới bên kia, mà kéo thế giới lý tưởng trở về với thực tại hiện tiền. Không có cái vô hạn ở ngoài hữu hạn, không có cái thường hằng bất biến ở ngoài sinh diệt vô thường. Thân tâm chúng ta do duyên sinh giả hợp nên vô thường, nhưng ngay trong thân này có cái chân thường hằng hữu, mà nếu sống được với nó, ta sẽ đạt được mục đích tối hậu của người tu, là giác ngộ và giải thoát.
Đây là ý nghĩa của hoa sen trong lò lửa: dù đang ở trong lò, sen vẫn nở hoa thơm ngát, cũng như Pháp thân vẫn thường trụ, dù đang ở trong thân ngũ uẩn ngày đêm bị thiêu đốt bởi lửa vô thường.
C. Chủ đích của Thiền tông là chỉ cho người nhận ra và sống với bản tâm bất sanh bất diệt của mình.
Trong Bộ Luận nổi tiếng về kinh Bát-Nhã, Bồ-tát Long Thọ viết: “Giới hạnh là da, Thiền định là thịt, Trí tuệ là xương, Diệu tâm là tủy”. Giới - Định - Huệ là Tam vô lậu học, con đường đưa đến Niết-Bàn, chúng ta thường được nghe giảng nói. Giới Luật là rào cản bảo vệ người tu khỏi sa xuống hố sâu tội lỗi. Đây là bước căn bản rất cần thiết trên đường đạo. Nhưng nếu chỉ biết giữ giới mà chưa tu tập Thiền định, chưa có trí tuệ, chưa nhận được tự tánh, thì mới chỉ là người tu đáng kính, nhưng chưa đến chỗ rốt ráo. Vì thế, Bồ-tát nói người ấy mới được phần da bên ngoài.
Giữa Giới và Định có sự liên hệ mật thiết. Tu tập Thiền định mà không có giới hạnh, cũng khó đạt kết quả như ý muốn. Ví như một kẻ sát nhân, dù vô tình hay hữu ý, có phải luôn thấy bất an không? Do hối hận, do lo sợ người khác phát hiện, do viễn ảnh sẽ bị trừng phạt..., kẻ ấy làm sao an định dù có siêng năng tọa thiền ? Tàng thức như cái kho chứa vô số điều hay dở thiện ác, bình thường khi mải mê làm việc, ta không thấy khởi niệm nhiều; nhưng lúc tọa thiền, nhiều khi vọng tưởng nổi lên lừng lẫy. Đó là tập khí nhiều đời; nếu đời này ta còn huân tập thêm các nghiệp, thì biết đến bao giờ tàng thức mới được rỗng không ? Tu hành đúng nghĩa là loại bỏ tất cả, từ phần cực ác đến những ý niệm tột thiện trong tâm ý. Khi mọi tập khí đều bị loại trừ, tàng thức trở thành Như Lai tạng. Đây là kết quả của Thiền định, tức được phần thịt của Phật pháp.
Tiến thêm một bước, nhờ giữ giới và tâm an định, hành giả thấu suốt mọi lẽ thật hư của cuộc đời, phân biệt rõ ràng mọi điều tốt xấu, chánh tà, thiện ác. Vị ấy hiểu rõ lý vô thường và duyên sinh của vạn pháp, quán triệt Bình-đẳng-tánh của mọi sự vật. Đó là Trí huệ, tinh thần hệ Bát Nhã, phần xương của Phật pháp; nhưng chưa phải là cứu cánh của đời tu.
Thiền sư Suzuki khi luận về “Cốt tủy của Đạo Phật”, cố ý chỉ rõ bản tâm thanh tịnh của mỗi người là mục đích cuối cùng mà người tu phải nhắm đến. Đây là phần tủy của Đạo, là bản hoài của Chư Phật, là sinh mạng của Thiền. Có thể nói, không khai ngộ được Diệu tâm thì không phải Thiền, nên các Thiền sư luôn tìm mọi cách để đưa môn đồ vào chỗ khai sáng bản tâm. Khi Tổ Bồ-đề Đạt Ma thấy cơ duyên của mình sắp mãn, Ngài gọi các môn đồ vào trình bày chỗ sở đắc của từng người. Đến lượt Ngài Huệ Khả, không thưa trình câu nào, chỉ bước ra đảnh lễ Tổ ba lạy rồi lui. Vậy mà Tổ lại bảo: “Ngươi được phần tủy của ta !”. Và truyền y bát cho Ngài làm Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Hoa. Vậy phần tủy của Tổ là gì ? Là cái lặng yên hay là ba cái lạy ?
Trong hệ thống kinh A Hàm của Phật giáo nguyên thủy và hệ thống Bát-nhã của Phật giáo phát triển, Đức Phật đều dạy về lý Vô ngã. Đây là chủ trương độc đáo và đặc thù của Đạo Phật, so với tất cả các tôn giáo khác. Theo lý Duyên sinh, quán chiếu thân ngũ uẩn đều là hợp thể bởi các duyên. Tự tánh của chúng là Không, nhờ duyên hợp nên giả có. Phân tích đến tận cùng, rõ ràng thân này được tạo ra từ những vật không phải nó, nên nó không có tính đồng nhất; nó luôn luôn biến đổi trong từng giây phút, nên không bất biến; con người không thể điều khiển nó theo ý mình, nên nó không có chủ tể. Vì không đồng nhất, không bất biến và không có chủ tể, nên thân này là Vô ngã. Nhận được lý Vô ngã, hành giả tiến lên phá trừ pháp chấp. Phá ngã chấp là đoạn trừ Phiền não chướng, phá pháp chấp là đoạn trừ Sở tri chướng, người tu giải thoát khỏi phiền não và luân hồi.
Đối với các hành giả tu Thiền, khi nghe giảng về “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, về những phương tiện phá chấp, sẽ có những câu hỏi đặt ra: “Nếu tất cả các pháp, kể cả thân tâm ta, đều là giả, vậy có cái gì thật ? Nếu ta không có thật thì ai được giải thoát, ai nhập Niết-bàn ? Ta cố công tu hành là mong có ngày tìm được an lạc và hạnh phúc vĩnh cửu, nay Phật dạy tu đến cuối cùng không còn gì cả, hóa ra uổng phí cả cuộc đời ta ư ?”.
Thật ra, Phật và chư Tổ đều muốn chúng ta đi đến Bảo sở, không dừng lại ở Hóa thành. Từ lúc thành đạo dưới cội cây Tất-bát-la sau 49 ngày đêm thiền định, Đức Phật đã thấy tất cả chúng sanh đều bình đẳng với chư Phật Bồ-tát ở một điểm tối thiết: mọi hàm linh, dù là hạ đẳng, đều có thể-tánh bản nguyên thanh tịnh hằng giác. Thể tánh ấy không có hình tướng nên không hề sinh diệt, không thấy được bằng mắt và không thể dùng ý thức để tư duy. Thể tánh không có tên nhưng lại rất nhiều diệu dụng, do vậy nó được đặt rất nhiều tên: Phật tánh, Pháp thân, Diệu tâm, Bản lai diện mục... Cuối cùng, Lục Tổ gọi nôm na bằng từ “Vô nhất vật” trong bốn câu đối lại bài kệ trình kiến giải của Ngài Thần Tú. Vì không một vật nên không bị khách trần làm ô nhiễm; chỉ vì chúng sanh quên tánh giác, dong ruổi theo trần cảnh, nên đời kiếp chịu luân hồi. Tánh giác tuy bị lãng quên nhưng vẫn luôn hiện diện, lung linh chiếu rọi qua sáu căn. Chúng ta lâu nay để sáu căn dính mắc với sáu trần phát sinh sáu thức, chỉ nhớ cảnh mà không nhớ bản tâm. Nhà Thiền dạy người phản quan tự kỷ, soi sáng chính mình để nhận ra Pháp thân hằng hữu và luôn sống với nó. Nhận được bản tâm, mới quán triệt ngã và pháp đều không thật, tự nhiên được giải thoát.
Như vậy, tu theo thứ lớp thì trước dễ sau khó: Trước phải quán triệt tinh thần Vô ngã, phá luôn pháp chấp; sau đó đủ thời tiết nhân duyên mới thể nhập tự tánh. Thiền Đốn ngộ theo đường ngược lại, tu từ trong tu ra: Nhận được Pháp thân chân thật, luôn sống với cái chân thật thì không còn lầm theo bất cứ pháp sinh diệt nào. Phiền não tham sân si chỉ là những đợt sóng, thân ngũ uẩn chỉ là hoa đốm, tự nhiên ta thấy an nhiên trước cuộc đời. Pháp tu này trước khó sau dễ, rất nhẹ nhàng mà kết quả phi thường, như Lục Tổ nói: “Phật dạy tất cả pháp để độ tất cả tâm; Ta không tất cả tâm, đâu cần tất cả pháp”.
Thiền sư Huyền Giác có bốn câu rất hay diễn đạt tinh thần này:
Pháp thân giác liễu vô nhất vật
Bổn nguyên tự tánh Thiên Chân Phật
Ngũ ấm phù vân không khứ lai
Tam độc thủy bào hư xuất một.
Vô-nhất-vật, tức tánh giác thanh tịnh tự thuở nào, đó là Pháp thân, là Bổn nguyên, là Tự tánh, là Đức Phật chân thật sẵn có của mỗi người. Nhận ra Đức Phật ấy, thì thân năm ấm chỉ là mây trắng bay qua lại trong hư không, và ba độc tham-sân-si chỉ huyễn ảo như bọt nước khi còn khi mất. Vì thế, Thiền sư khi đã liễu ngộ, ngay cả nghiệp chướng cũng thấy không thật có, nên tự tại trước mọi nhân nghĩa oán cừu. Trong một sát na, các Ngài rủ sạch nợ của bao A-tăng-kỳ kiếp:
Chứng thực tướng, vô nhân pháp
Sát-na diệt khước a-tỳ nghiệp
Có thể nói, đối với nhà Thiền, vấn đề cốt lõi và mục đích tối hậu của đời tu chỉ có một: Nhận ra và hằng sống với Phật tâm của chính mình. Chư Phật Bồ-tát thị hiện nơi đời cũng chính vì muốn tất cả chúng sanh sống và tu theo mục đích ấy, để tất cả đều thành Phật như các Ngài. Thiền tông được gọi là Phật tâm tông vì chỉ y cứ vào bản tâm để tu, để ngộ, để chứng và để thành đạo quả. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã dạy trong Luận Tối Thượng Thừa: “Giữ chân tâm là trên hết”. Thiền sư Minh Chánh cũng thật thiết tha:
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật
Công phu luống uổng một đời ai !
D. Làm thế nào nhận ra bản tâm ?
Trong quá trình tìm hiểu về Thiền, chúng ta phải vận dụng chất xám để tư duy, để có một kiến giải bằng tri thức. Nhưng nếu dùng kiến thức và tri thức để mong hiểu thấu đáo được Thiền, thì đó là sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta phải qua công phu thiền tập, phải tự mình kinh nghiệm vào mảnh đất tâm của mình; khi trực giác phát sinh mới có một lý giải bằng tâm chứng. Cho nên, Thiền cần sự hiện hữu của ý chí và trực giác. Dù có ý thức phụng sự tha nhân mà chưa có trực giác và ý chí để khai phá tự tâm, thì công việc phụng sự ấy vẫn còn nằm trong hữu vi, tương đối.
Nội dung Thiền tập tựu trung là Chánh niệm. Lâu nay tâm ta như khỉ vượn chuyền cành, hết suy tính việc này lại lo toan chuyện khác, lăng xăng lộn xộn không lúc nào dừng. Phật dạy Chánh niệm là luôn đặt tâm vào giờ phút hiện tại, không dong ruổi về quá khứ hay mơ màng chuyện tương lai. Chánh niệm cũng là phản tỉnh lại thân tâm mình, biết rõ mọi sự vận động của thân và mọi biến chuyển ở tâm. Tất cả sự việc xảy ra như thế nào, ta chỉ cần BIẾT như thế đó; biết mà không thêm một niệm nào để phân biệt chia chẻ, để so sánh suy lường. Như vậy, Thiền không tùy thuộc vào tư thế của thân, vào giờ giấc và nơi chốn, vì Thiền chỉ cho trạng thái tâm bản nhiên vốn lặng mà biết. Lặng là thể-định, biết là dụng-huệ, vốn có sẵn từ vô thủy đến vô chung. Khi ánh bình minh của trực giác phóng xuất, ta mới thấy từ bao giờ cho đến bây giờ, muôn pháp vẫn ở trong đương xứ - “đương” là hiện tại, “xứ” là ở đây. Tại đây và bây giờ chúng luôn biến đổi nhưng vẫn hằng hữu, và Thiền định chính là định tâm vào thời điểm tại đây và bây giờ này. Nếu rời mảnh đất thực tại, ta sẽ không hiểu gì về các pháp. Các pháp diễn biến trong từng sát-na, nhưng trong vô thường biến dịch có một cái gì vẫn thường hằng bất biến. Đây là thực tại sống động khi hành giả có thể nắm vô biên từ trong đóa hoa dại, nắm muôn năm trong một niệm. Đây cũng là phút giây vĩnh cửu mà nhà Phật gọi “sát-na Tam muội”. Chư Phật Bồ-tát lý hội được cái sát-na bất động này nên các Ngài đã giải thoát, còn chúng ta mãi để tâm chạy đuổi theo ý niệm thời - không, nên cứ bị lôi cuốn theo dòng trầm luân bất tận !
Trong kinh A- Hàm, Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo ! Nếu thấy pháp tức là thấy ta, nếu thấy ta tức là thấy pháp; vì thấy pháp nên thấy ta, thấy ta nên thấy pháp”. TA và PHÁP ở đây có ý nghĩa gì ?
- Thông thường, Pháp (Dharma) có rất nhiều nghĩa: Là phương cách, mẫu mực, luật lệ; là sự vật, tình trạng; là lời Phật dạy... Một cách tổng quát, có thể hiểu pháp là “nhậm trì tự tánh” (giữ gìn tính chất của nó) và “quỹ sanh vật giải” (tính chất đặc thù khiến người ta có thể dựa vào đó để nhận ra nó). Các pháp theo ý nghĩa này đều có hình tướng, đều do duyên hợp, nên gọi là Pháp tướng. Ngay cả lời Phật dạy, nếu căn cứ trên chữ nghĩa cũng là kinh hữu tự, chưa phải yếu chỉ. Thấy pháp này chưa phải là thấy TA, tức Phật Pháp thân Tỳ-Lô-Giá-Na của chính mình.
Tất cả những gì có hình tướng đều là giả dối không thật. Ví như mặt trăng soi bóng xuống đáy hồ. Bóng mặt trăng là có hay không có ? Nếu có, sao ta vớt lên không được; nếu không, sao mắt ta nhìn thấy? Có - Không là hai bên, dính mắc hai bên là không thấy đúng lẽ thật. Người hiểu đúng như thật sẽ nói: Bóng mặt trăng dưới hồ bản chất là không, và chỉ là giả có. Tự tánh của tất cả các pháp là KHÔNG - đây chính là Pháp tánh của loài vô tình.
Một ví dụ khác: Một dòng suối bình thường nước trong vắt; khi có lũ đầu nguồn, nước suối bị ngầu đục. Nước suối lúc trong lúc đục là do không hoặc có bùn đất đổ vào theo lũ, còn tánh ướt của nước thì không biến đổi bao giờ. Cũng vậy, tâm ta lúc suy nghĩ lăng xăng là vọng, khi lặng yên không dấy niệm là chơn; tâm có chơn có vọng, nhưng bản tánh thanh tịnh thường nhiên, hằng tỉnh sáng. Đây là Phật tánh, là Chánh pháp nhãn tạng Niết-bàn Diệu tâm Thật tướng vô tướng, cũng là Kinh Vô Tự. Phật và Pháp không hai - đều là thể tánh bất sanh bất diệt. “Thấy pháp” là nhận ra thể tánh này, là sống với chơn tâm thường trụ, nên “thấy pháp tức thấy ta, thấy ta tức thấy pháp”.
Toàn thể vũ trụ pháp giới đều không ngoài tâm. Nếu tâm ta vô thường thiên biến vạn hóa, ta sẽ thấy các pháp vô thường thiên hình vạn trạng. Nếu tâm ta an định, rõ biết tất cả mà không khởi niệm thì Ta-bà trở thành Tịnh độ. Lúc tâm toan tính tư duy, cái thấy biết của ta hữu hạn vì duyên theo trần cảnh bên ngoài. Khi tâm lặng lẽ, cái thấy biết trở nên mênh mông bát ngát. Khi vào định sâu, cái biết trở về pháp giới, mỗi sự vật đều đại diện cho toàn thể vũ trụ, như một giọt nước biển cũng có đủ tính chất của cả đại dương bao la. Như vậy, lúc tọa thiền, nếu một phút giây tâm ta lặng lẽ mà hằng tri, thì phút giây ấy ta là Phật; nếu tâm cứ dong ruổi lăng xăng thì ta mãi làm chúng sanh trong ba cõi. Làm Phật hay làm chúng sanh đều do mình quyết định, không ai làm thế cho mình và mình cũng không thể làm thay cho ai.
E. Kinh Kim Cang có bài kệ:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
nghĩa:
Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.
Bốn câu này có sức công phá mạnh mẽ những tư tưởng lầm lẫn của con người, kể cả người tu. Lầm lẫn thứ nhất, chúng ta thờ lạy kính ngưỡng Phật, nhưng chấp tượng gỗ hay xi măng là Phật thật. Mỗi ngày lau quét tượng, ngày lễ tắm cho tượng và xem đó là tu hành. Có nơi còn dùng nước rửa tượng làm nước thánh trị bệnh. Niềm tin không có chánh kiến nên đã trở thành mê tín, biến một bậc trí tuệ giác ngộ thành một vị thần linh, biến chốn già-lam truyền bá chánh pháp thành nơi cầu danh khấn lộc. Và như vậy, người tu vô tình biến thành người trung gian giữa một bên là ông thần ban phước giáng họa, và bên kia là những kẻ cầu xin. Chúng ta thờ lạy, chiêm ngưỡng tượng Phật phải hiểu đúng ý nghĩa, là kính trọng một Bậc Đạo sư có nhân cách và nghị lực vĩ đại; là để theo gương từ bi trí huệ của Ngài, nguyện làm đúng lời Ngài dạy, rồi một ngày nào đó cũng được giác ngộ giải thoát như Ngài. Chúng ta thờ lạy tượng Phật cũng để xoay lại chính mình, nhớ rằng mình có một vị Phật luôn luôn hiện hữu, đó là tự tánh Kim Cang bất hoại.
Điều lầm lẫn thứ hai, chúng ta thường nghĩ Phật là vị Thái tử có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, đi tu và thành đạo tại Ấn Độ cách đây trên 25 thế kỷ. Nếu người ấy là Phật thật, thì Phật bây giờ ở đâu ? Thân xác Ngài đã được thiêu hóa, chỉ còn để lại những viên ngọc xá lợi cho người sau chiêm bái. Chẳng lẽ Thái tử hy sinh tất cả lạc thú thế gian, gia công tu hành cần khổ bao năm chỉ để thành Phật trong 49 năm rồi hoại diệt ? Nếu thật vậy, thì sự hy sinh, sự tu hành của Ngài đâu có ý nghĩa siêu tuyệt xuất thế, là tìm được con đường giải thoát khổ đau và giải thoát khỏi vòng sinh tử ? Nhà Thiền giản trạch vấn đề này rất rõ: Đức Phật có hình tướng ấy chỉ là Phật ứng hóa thân có sinh có diệt. Còn thể tánh tịch lặng hằng tri hằng giác, là Phật pháp thân, mới là Phật thật, không bao giờ sinh diệt. Vì thế trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật bảo Ngài thành Phật đã từ vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức na-do-tha kiếp. Chúng sanh ai cũng sẵn có vị Phật này, và Thiền tông luôn nhắc nhở môn đồ thường niệm vị Phật ấy.
Do chủ trương y cứ vào tâm tu hành, nên Thiền tông không theo thinh sắc quang ảnh mà cầu thấy Phật, vì ngoài tâm cầu Phật đều là ngoại đạo, dù đang là Phật tử. Đức Phật bảo, những người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như Lai ở đây không có nghĩa là Phật Thích Ca đang ngồi tòa thuyết pháp. “Như” chỉ thể tánh bất động hằng hữu; “Lai” là từ thể tánh ấy mà đến, mà khởi ra diệu dụng. Như là bất biến, Lai là tùy duyên; Như là tâm thể, Lai là tâm dụng. Ta nhìn thấy cái hoa là Lai, thấy mà không khởi niệm là Như. Mọi người đều có Như Lai, nhưng bị tập khí nhiều đời che phủ, như mây che khuất mặt trăng. Mây tan thì trăng hiện, nhưng không phải khi tan mây mới có trăng, mà trăng vẫn sáng tự thuở nào. Nếu ta biết rõ có trăng sáng đàng sau đám mây, thì không cần đợi mây tan, ta vẫn cảm nhận ánh trăng; như ngay nơi sóng ta đã nhận ra nước, ngay nơi vọng đã là chơn. Đây là tinh thần liễu vọng, một tư tưởng vút cao của Tối thượng thừa Thiền.
F. Thiền không giới hạn trong một đất nước, một tôn giáo hay một ý thức hệ. Do trí huệ phát sinh tri kiến như thật, nên Thiền giả có sự hiểu biết đúng đắn về con người và cuộc đời, đặt nặng lý trí hơn là tình cảm tôn giáo. Tình cảm Phật giáo thể hiện ở mái chùa cong, ở chánh điện trang nghiêm nhưng thân thương đầm ấm, rất cần cho những người mới vào đạo. Nhưng nếu ta chỉ chú trọng tình cảm mà không xem trí tuệ là mục đích, thì chưa thẩm thấu được triết lý thâm sâu của Đạo Phật. Đức Phật khuyên chúng ta phải hiểu trước khi tin, nên Chánh kiến đi đầu trong Bát Chánh Đạo. Mỗi ngôi chùa vì thế phải là nơi tuyên dương chánh pháp, cho Phật tử biết cách tu hành, mới khỏi rơi vào mê tín và tà đạo.
Thiền tông không mang màu sắc tôn giáo thần quyền, mà đề cao vị trí của con người. Mọi người đều bình đẳng vì đều có Phật tánh như nhau, nên ai cũng có quyền định đoạt lấy số phận và tương lai của mình. Đây là điều rất thực tế, chúng ta không cầu giải thoát ở nơi nào hay với một ai, vì bớt tham sân si đến đâu, ta thấy an lạc đến đó. Cũng như khi uống vào một ly nước, ta đỡ được cơn khát ngay; và hương vị của ly nước như thế nào, chỉ một mình ta cảm nhận, không ai có thể biết như ta, và ta cũng không thể nói cho ai hiểu. Do đó, muốn bước vào nhà Thiền, chúng ta không chỉ dựa vào lòng tin, mà trước tiên phải có Chánh kiến. Có trí tuệ nhờ nghiên cứu và tư duy, ta mới có đủ nghị lực tự mình làm chủ vận mạng mình, mới đủ niềm tin kiên cố để đi đến chỗ cứu cánh.
Mặt khác, vì biết mọi người đều bình đẳng, nên Thiền tông không phân biệt giữa tứ chúng. Thân tứ đại có hình tướng nên khác nhau về giới tính, tại gia hay xuất gia; còn Phật tánh thì như nhau, nên ai cũng có cơ hội giống nhau để tu hành và thành tựu đạo quả. Nhiều Thiền sư là cư sĩ như Bàng Long Uẩn ở Trung Hoa, Tuệ Trung Thượng Sĩ ở Việt Nam, đều tự tại trong sinh tử. Người nữ như cô Linh Chiếu, bằng một câu hát trong bài ca vô sanh tấu cùng cha mẹ, cho thấy trình độ chứng ngộ rất sâu của mình: “Dã bất dị, dã bất nan, cơ lai khiết phạn khốn lai thùy” (Cũng không dễ cũng không khó, đói đến thì ăn mệt ngủ khò) ! Trong kinh Pháp Hoa kể chuyện Long nữ mới 8 tuổi thành Phật, cũng nói lên tinh thần này. Vì thế, Đức Phật dạy trong Trường A Hàm: “Tất cả hoa sen đều mọc từ bùn nhơ, mầm sen nào cũng có khả năng nở hoa”
<!--[if !supportFootnotes]-->
<!--[endif]-->
(*) Kinh Đại Niết Bàn, tập 2 trang 479: “Này Thiện nam tử ! Về phương Tây cách cõi Ta-bà này bốn mươi hai hằng-hà-sa cõi Phật, có thế giới tên là Vô Thắng, những sự trang nghiêm xinh đẹp trong cõi đó đều bình đẳng, như cõi Cực Lạc, như cõi Mãn Nguyệt. Hiện tại Ta xuất hiện trong cõi Vô Thắng đó. Vì hóa độ chúng sanh nên Ta thị hiện chuyển pháp luân nơi Diêm Phù Đề này”.