Triết học
Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên
Tác giả: Thích Hạnh Bình
01/03/2553 00:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương IV. Đại Thiên là người tiên phong cải cách Phật giáo

Nếu chúng ta ngược dòng lịch sử trở lại thời đại của Đại Thiên, tức vào thế kỷ thứ III trước công nguyên thì chúng ta thấy Đại Thiên là một nhà cải cách Phật giáo, ông không những chỉ là nhân vật cải cách về mặt tư tưởng Phật giáo mà còn là người tiên phong, chính thức đưa Phật giáo vào xã hội.

Lẽ ra ông phải là người được mọi người tôn sùng và hết lời ca tụng sự nghiệp cải cách Phật giáo của ông mới đúng, nhưng đáng tiếc, không biết vì lý do gì những tư liệu liên quan đến ông, đến tư tưởng của ông được chính bản thân ông hay trường phái của ông biên tập ghi chép hoàn tòan không còn thấy nữa, bản thân ông không có tác phẩm, trường phái ông cũng không có tác phẩm hay có mà bị thất lạc? Hiện giờ chúng ta biết về ông qua các nguồn tư liệu của đối phương là những lời phê bình về tư tưởng của ông, có lẽ cũng vì thế mà trong suốt quá trình lịch sử hầu như các nhà nghiên cứu Phật giáo biết đến ông, như là một người cực kỳ xấu xa gian ác, vì ông là người loạn luân với mẹ, đồng thời giết cha giết mẹ và giết A la hán, phạm 3 tội trong 5 tội nghịch. Không những chỉ có thế, sau khi ông xuất gia, lợi dụng sự thông minh và tài ăn nói của mình, chẳng bao lâu thành danh, ông lại đưa ra 5 việc ác kiến, thông thường giới học thuật gọi là ‘5 việc của Đại Thiên’, như chúng ta vừa thảo luận ở trên. Tất cả những sự kiện này được ghi chép trong “Bà Sa” thuộc phái Hữu bộ, là bộ phái kịch liệt phản đối tư tưởng ông, cũng vậy tác phẩm “Kathāvatthu” và “Kathāvatthù. atthakathā” cũng là 2 tác phẩm của Thượng tọa bộ. Thế thì dưới lập trường và quan điểm của các nhà Thượng tọa bộ lẽ nào lại tán đồng hay ca ngợi tư tưởng của phái đối nghịch với mình?

Trải qua hơn 2.200 năm lịch sử, Đại Thiên tồn tại với lịch sử Phật giáo thật oan uổng, bị người đời khinh chê, bị Phật giáo Thượng tọa bộ nhìn với cái nhìn không mấy thiện cảm, với cái tên gắn liền với ‘ác tri kiến’- phá hoại Phật giáo. Mặc dù các nhà thuộc Phật giáo Đại thừa không chấp nhận quan điểm này, bằng tình cảm của mình phủ nhận các nguồn tư liệu này, cho đó là không thực, nhưng không đủ bằng chứng hoặc không đủ cơ sở lý luận phản bác ý kiến này, do đó không được chấp nhận của giới nghiên cứu.

Khi tiến hành nghiên cứu về Đại Thiên qua các tác phẩm mà tôi vừa đơn cử, tôi thấy trong ấy có điều gì đó ẩn khuất, khó nói chưa được phát hiện. Tôi tiến hành đọc kỹ những văn bản này, phát hiện bản thân những nguồn tư liệu này có khá nhiều điểm mâu thuẫn, đồng thời quan điểm về 4 việc trong 5 việc của ông có liên quan mật thiết với tư tưởng các kinh À hàm và Nikāya. Cuối cùng tôi làm công tác so sánh của những nguồn tư liệu này quả nhiên chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, như chúng ta đã thảo luận ở trên. Nhưng bên cạnh đó lại phát sinh nhiều vấn đề nan giải khác, như tại sao Đại Thiên là người đại diện cho phái Đại chúng bộ, nhưng quan điểm và tư tưởng của ông lại căn cứ các kinh A hàm hay Nikāya, là kinh điển của phái Thượng tọa bộ? Vấn đề này, như chúng ta đã khái quát giải thích ở trên và sẽ được thảo luận ở phần kế tiếp.

Qua sự so sánh phân tích đánh giá và phê bình của các nguồn tư liệu, vừa thảo luận, nó cho chúng ta một nhận thức mới về Đại Thiên, mặc dù vấn đề loạn luân với mẹ, phạm 3 tội nghịch của ông, ở đây chúng ta vẫn chưa tìm ra tư liệu, tạm thời chấp nhận như vậy. Nhưng tất cả những hành vi này xảy ra trước khi ông xuất gia, điều đó không can dự gì với những việc ông xuất gia và chứng quả A la hán, khi ông đã thật sự ăn năn và sám hối. Qua sự phân tích và trình bày vấn đề, cho chúng ta nhận thức rằng, Đại Thiên không phải là người ác tri kiến như các nhà Hữu bộ đã gán cho ông, ít nhất là 4 việc trong 5 việc. Ngược lại, chúng ta phải nói rằng, Đại Thiên là một nhà nhân bản học chân chính, đồng thời là một nhà cải cách Phật giáo, đưa Phật giáo vào xã hội. Ông đưa ra 4 việc trong 5 việc của mình hoàn toàn hợp lý, với cái nhìn xem đức Phật là một con người. Đứng từ bình diện con người nói lên sự giới hạn của con người, cũng từ đó trình bày nói lên tính siêu việt của đức Phật của vị A la hán, tính siêu việt đó với tư cách là con người chúng ta có thể thực hiện được và làm được. Thật ra, 4 việc này của ông không phải là một quan điểm gì mới lạ, nó chỉ là sự kế thừa và phát huy tư tưởng của đức Phật, cụ thể là đức Phật phủ nhận mình là người Nhất Thiết Trí, Nhứt Thiết Kiến, ngài thừa nhận mình còn có những đặc tính của con người, như khi ngài ăn trúng thức ăn độc bị đau bụng, khi vấp viên đá chân của ngài cũng bị chảy máu và đau nhức, đây là hiện tượng tự nhiên của con người. Nếu như ta chấp nhận những hiện tượng này là hiện tượng bình thường của con người thì tại sao chúng ta không chấp nhận sự xuất tinh của nam giới trong lúc ngũ là sự kiện tự nhiên, mặc dù với người nam đó là vị A la hán. Mặc dù đức Phật là người đã đoạn trừ lòng tham lam sân hận và ngu si, chứng quả A la hán, nhưng không vì vậy mà vị A la hán biết tất cả mọi việc, chắc chắn có những việc ngài không biết, sự không biết này ông gọi là ‘bất nhiễm ô vô tri’. Cũng từ ý nghĩa này, chắc chắn vị A la hán vẫn còn trạng thái ‘do dự’ hay ‘nghi ngờ’ như khi đứng trước ngã ba đường ở nơi lạ, và trong trường hợp này cần sự ‘chỉ dẫn’ của người khác là hợp lý và cần thiết. Như vậy sự ‘không biết’, ‘nghi ngờ’ và sự ‘chỉ dẫn’ của người khác trong những trường hợp này là sự kiện bình thường, không phải vì vậy làm giảm giá trị của vị A la hán hay lấy đó làm bằng chứng cho rằng chưa chứng ngộ thánh quả A la hán. Như vậy, ông quả là một nhà nhân bản học lỗi lạc, phát huy tư tưởng nhân bản của đức Phật khi ngài phê phán những truyền thống tín ngưỡng tế tự không lợi ích thiếu thực tế mê tín của các tôn giáo đương thời, mà chúng ta thường gặp trong thánh điển kinh điển A hàm (Āgama) hay Nikāya<!--[if !supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]-->. Sự đưa ra 4 trong 5 việc của ông với mục đích kế thừa tư tưởng nhân bản của đức Phật, đồng thời qua đó phê phán cách sinh hoạt của Phật giáo đương thời rơi vào sự quá chú trọng hình thức và cố chấp, bên cạnh đó trong Phật giáo đã xuất hiện khá nhiều tư tưởng, phát triển theo chiều hướng thần quyền, mang tính đáp ứng những nhu cầu tín ngưỡng dân gian, như chúng ta được thấy rải rác trong kinh điển A hàm hoặc Nikāya. Có thể nói đây chính là lý do mà Đại Thiên đưa ra tư tưởng cải cách này.

Mặt khác, nếu chúng ta đứng từ mặt xã hội, tìm hiểu yếu tố nào dẫn đến sự cải cách của Đại Thiên, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố chính sách lấy Phật giáo làm quốc giáo của nhà vua Aśoka<!--[if !supportFootnotes]-->[2]<!--[endif]-->. Có thể nói sự nghiệp chính trị vĩ đại nhất của nhà vua Aśoka là sự nghiệp thống nhất đất nước, là người có công mang lại sự thống nhất đất nước cho dân tộc Ấn. Sau khi thống nhất đất nước, bản thân ông cũng nhìn thấy sự nguy hiểm của sự chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc từ tôn giáo, sắc tộc và quyền lợi của từng thành thị khác nhau. Có lẽ đó là lý do tại sao, sau khi thống nhất đất nước ông chọn lấy Phật giáo làm quốc giáo, mặc dù Phật giáo là một tôn giáo rất non trẻ so với truyền thống tôn giáo của Bà la môn, có lẽ ông nhận thức ra rằng, nền giáo lý Phật giáo rất ôn hòa, đề cao vai trò tri thức<!--[if !supportFootnotes]-->[3]<!--[endif]-->, cổ vũ con người biết bổn phận và trách nhiệm<!--[if !supportFootnotes]-->[4]<!--[endif]-->, và nhất là Phật giáo không có chủ trương bạo động. Đây chính là yêu cầu cần thiết để thực thi chính sách thống nhất của nhà vua A Dục. Như chúng ta thấy tinh thần thống nhất ấy được thể hiện trong kinh Đa giới’(Bahudhātukasuttam) ghi:

 “Sự kiện này không xảy ra, khi cùng một thế giới hai vua Chuyển luân có thể xuất hiện (một lần), không trước không sau. Sự kiện như vậy không thể xảy ra. Và vị ấy biết rằng: Sự kiện này xảy ra, khi trong một thế giới, một vị vua Chuyển luân có thể xuất hiện…<!--[if !supportFootnotes]-->[5]<!--[endif]-->

 

Qua đoạn kinh vừa được trích dẫn trên, nếu chúng ta không nắm rõ bối cảnh xã hội Ấn Độ Phật giáo dưới thời Vua A Dục thì chúng ta cứ cho rằng, quan điểm này là của đức Phật, nhưng trên thực tế, đoạn kinh này là quan điểm của vua A Dục, nhà vua đã mượn sức mạnh của tôn giáo Phật giáo để tuyên truyền nói lên tính cương quyết bảo vệ tinh thần thống nhất đất nước của ông, có thể nói lúc đầu ông đến Phật giáo chỉ vì lý do chính trị của ông, nhưng sau đó ông bị Phật giáo cảm hóa thành một Phật tử thuần thành, trở lại ủng hộ Phật pháp.

Ông chọn lấy Phật giáo làm quốc giáo với mục đích mượn tinh thần dung hòa và đề cao lý trí của Phật giáo làm công cụ bảo vệ chế độ của ông, như vậy khi Phật giáo muốn đứng vào vị trí này, chắc chắn bản thân Phật giáo phải có sự thay đổi cả hai phương diện là hình thức sinh hoạt và hệ thống lý luận. Về mặt hình thức, Phật giáo không thể duy trì đời sống vô gia cư trong rừng núi, bằng hình tướng là người xuất gia, với giới luật nghiêm khắc, thay vào đó là một đời sống định cư trong thành thị, sống trong lòng quần chúng, với phương châm phổ độ chúng sanh, do vậy tinh thần Bồ tát hạnh dần dần được hình thành. Có như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu của nhà vua Asoka. Khi điều kiện sống thay đổi ắt hẳn dẫn đến suy tư của con người cũng theo đó thay đổi, và ngược lại thay đổi của suy tư là nguyên tắc dẫn đến hoàn cảnh thay đổi. Đây chính là yếu tố tại sao trước khi có sự phân chia Phật giáo hai sự kiện tranh cãi trong tăng đoàn là ‘thập sự phi pháp và 5 việc của Đại Thiên. Cũng vậy, bối cảnh sinh hoạt Phật giáo thay đổi tất nhiên nó là nhân tố để hình thành tư tưởng mới của Phật giáo, người làm công tác tiên phong, đó là Đại Thiên, là nhà cải cách Phật giáo, đưa Phật giáo vào xã hội.

Qua tư tưởng và công cuộc cải cách của ông, chúng ta có thể lý giải lý do tại sao ông được mệnh danh là con người đại diện cho phái Đại chúng bộ (Mahāsāṁghika) là trường phái với những người mang tư tưởng canh tân cải cách Phật giáo, do vậy, ông được đại đa số tăng chúng của Phật giáo đương thời ủng hộ quan điểm cải cách của ông, bên cạnh đó ông lại được nhà vua hết lòng ủng hộ<!--[if !supportFootnotes]-->[6]<!--[endif]-->, hay nói đúng hơn ông là người thực hiện chính sách của nhà vua đưa Phật giáo vào xã hội, lấy Phật giáo làm tôn giáo chính cho người dân Ấn, nhằm đẩy lùi bóng tối của những tập tục tín ngưỡng vô ích không thực tế của những tôn giáo truyền thống, làm cản trở sự phát triển của xã hội, đồng thời cũng là cách giải quyết tốt đẹp nhất, để ngăn chận sự bất hòa trong tôn giáo, nhất là đạo Bà la môn là một tôn giáo truyền thống Ấn Độ, gắn liền với giai cấp thống trị, vì chỉ có Phật giáo mới có lòng dung hòa sống với những tôn giáo khác. Sự ủng hộ của nhà vua đối với Đại Thiên tạo thành tâm lý không mấy vui vẻ cho phái Thượng tọa bộ, đó cũng là nguyên nhân tại sao trong hệ thống kinh của Thượng tọa bộ thường lấy ông làm nhân vật tiêu biểu cho sự phê bình chỉ trích. Như ‘Kinh Đa Giới’ mà chúng ta vừa đề cập, lấy 3 tội nghịch trong 5 tội làm tiêu biểu cho hành vi tội ác; hoặc trong luận “Bà Sa” được mô tả sau khi biết được nhà vua ủng hộ Đại Thiên, những người thuộc phái Thượng tọa bộ đã rời khỏi vùng Trung Ấn, di chuyển đến vùng Bắc Ấn hoạt động. Đây là hai trong nhiều trường hợp điển hình, để chúng ta hiểu rõ quá trình diễn biến ngay bản thân Phật giáo của Ấn Độ.

<!--[if !supportFootnotes]-->
 
<!--[endif]-->

<!--[if !supportFootnotes]--> [1]<!--[endif]--> Xin tham khảo “Kinh Tạp A Hàm” Kinh số: 54, 89, 90, 93, 837, 1039, 1040, 1123~1125,1135,1241;   HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 1, ‘Tương Ưng Bà La Môn’, Phẩm Cư sĩ, trang 401~403. Đức Phật bài bác tắm nước sông Hằng để được thanh tịnh.

<!--[if !supportFootnotes]--> [2]<!--[endif]--> Tham khảo Thích Tâm Minh, “A Dục Vương cuộc đời và sự nghiệp”, Chương VII, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2004.

<!--[if !supportFootnotes]--> [3]<!--[endif]--> Tham khảo “Kinh Tạp A hàm” Kinh số: 183, 748~750 và kinh số 263, đức Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, ta nhờ tri kiến mà các lậu hoặc được đoạn tận, không phải không tri kiến”; Trong “Kinh Trung Bộ” ‘Kinh Đa giới’ (Bahudhātukasuttam), đức Thế Tôn nói như sau: “Phàm có những sợ hãi gì sanh khởi, này các Tỷ kheo, tất cả những sợ hãi ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí…”

<!--[if !supportFootnotes]--> [4]<!--[endif]--> Tham khảo “Kinh Tạp A hàm” Kinh số: 36, 638,639…trong ấy có đoạn ghi rằng: “Hãy tự mình làm hòn đảo chính mình, hãy lấy pháp làm hòn đảo làm nơi nương tựa, đừng lấy nơi nào khác làm nơi nương tựa.”

<!--[if !supportFootnotes]--> [5]<!--[endif]--> HT. Minh Châu dịch, “Trung Bộ Kinh” tập 3, Viện NCPHVN ấn hành 2003, trang 225.

<!--[if !supportFootnotes]--> [6]<!--[endif]--> Xin tham khảo “Bà Sa” ĐT 27, No: 1545, trang 511.