Triết học
Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên
Tác giả: Thích Hạnh Bình
01/03/2553 00:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương VI. Lời Kết

Đề cập đến nguyên nhân làm rạn nứt Tăng đoàn phân chia Phật giáo thành hai phái Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ, chúng ta không thể không đề cập đến nhân vật Đại Thiên, đề cập đến Đại Thiên là đề cập đến 5 việc của ông.

Theo nguồn tư liệu hiện có của Phật giáo cho thấy, không biết vì lý do gì Đại Thiên và các phái thuộc Đại chúng bộ không có một tác phẩm nào để lại, ghi chép về sự kiện này, do vậy khi nghiên cứu về Đại Thiên và 5 việc của ông, các nhà nghiên cứu phải lấy những tác phẩm Bắc truyền gồm có” Luận Dị Bộ”, “Luận Bà Sa” và “Luận Phát Trí”, là những bộ luận của phái Thuyết Nhứt Thuyết Hữu bộ (Sarvāstivādin); hay căn tác phẩm “Kathāvatthu” và bản chú thích của luận này là “Kathāvatthu-pakarana- aææhakathā”, là những bộ luận của phái Đồng Diệp bộ (Tāmrāśtīya), nhưng xét về nguồn gốc, những luận này đều thuộc về Thượng tọa bộ, là phái kịch liệt phản đối quan điểm tư tưởng của Đại chúng bộ, người đứng đầu là Đại Thiên. Do vậy, chúng ta cần lưu ý, khi tiến hành nghiên cứu những luận này.

 Nhìn chung sự ghi chép về Đại Thiên của hai nguồn tư liệu này, tuy có sự sai biệt nhỏ, nhưng đại để thì giống nhau. Theo sự ghi chép trong các luận của Hữu bộ gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, lý do mà Đại Thiên đưa ra 5 việc này chính là do ông ta đã tạo 3 nghịch tội, giết cha giết mẹ và giết A la Hán, và ngay cả việc loạn luân với người mẹ của chính mình, cho nên các nhà Hữu bộ kết tội ông là người có ác kiến với Phật pháp. Còn ghi chép trong tác phẩm “Kathāvatthu” của Phật giáo Nam truyền chỉ thảo luận 5 việc, nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến nhân vật Đại Thiên. Sự khác nhau về điểm này cũng là vấn đề đáng được chú ý khi thảo luận về nhân cách của ông. Một điểm mà chúng ta cần lưu ý trong tác phẩm “Kathāvatthu” là sự biên tập. Luận này sử dụng hình thức vấn đáp để phận biện sự sai trái của đối phương. Về mặt hình thức thảo luận,chúng ta mới đọc lướt qua, có vẻ như là rất hữu lý, những nếu chúng ta nghiên cứu nó một cách nghiêm túc thì vấn đề không phải là như thế, đậy chỉ là một hình thức che đậy tính chủ quan của người biên tập, vì không thể một cuộc thảo luận nào chì có một bên đặt nghi vấn và một bên trả lời, và cách trả lời cũng rất là đơn giản là: ‘có’ hay ‘không’, cách trả lời này lại là biểu hiện sự mâu thuẩn hay sai lầm của chính mình. Lý do nào Đại Thiên trả lời ‘có’ và lý do nào Đại Thiên trả lời ‘không’, trong luận này hoàn toàn không giải thích. Tạo sao lại xảy là một cuộc thảo luận thiếu công bằng như thế? Như vậy cuộc thảo luận này có khách quan không? Có lẽ mọi người chúng ta đã có câu trả lời rõ ràng. Thế thì nội dung và ý nghĩa của 5 việc như thế nào, đây là điểm mà người viết tập trung giải quyết.

Thật ra, nội dung và ý nghĩa của 5 việc của Đại Thiên, quả là một vấn đề khá phức tạp. Lý do vì nhân vật Đại Thiên và 5 việc của ông mà chúng ta biết đến không phải là chính ông hoặc chính hệ phái của mình ghi lạichúng ta phải dựa vào sự ghi chép trong các luận của phái đối lập, bất đồng ý kiến với ông. Nếu đó là sự thật, thì vấn đề cần đặt ra là, sự ghi chép này phải chăng mang tính trung thực và khách quan? hay nó chỉ là ý kiến riêng của phái Thượng tọa bộ? Chúng ta thấy lập trường và quan điểm như thế nào thì câu trả lời cũng tùy theo đó mà hình thành. Đó là lý do tại sao có một số người cho rằng sự kiện 5 việc của Đại Thiên được ghi chép trong các luận là sự thật, nhưng cũng có một số người không đồng tình sự ghi chép của luận này, bằng tình cảm và niềm tin của mình phủ nhận sự ghi chép của các luận ấy.

Tất nhiên, riêng tôi không thể chấp nhận với hai cách nhận định này., vì một bên thì căn cứ tư liệu nhưng không xử lý và phân tích tư liệu, còn một bên chỉ căn cứ vào niềm tin và tình cảm riêng tư của mình đi đến phủ nhận là không phù hợp với công việc nghiên cứu..

Với sự lý giải của người viết, tất nhiên cũng căn cứ vào những nguồn tư liệu này, đồng thời tham khảo nguồn tư liệu A hàm để phân tích và đánh giá tư tưởng về 5 việc của Đại Thiên. Vì người viết cho rằng, tư tưởng về 5 việc của Đại Thiên không thể là những suy nghĩ từ trên không rơi xuống hoặc từ dưới đất chui lên, nó phải xuất phát từ một bối cảnh xã hội của Phật giáo lúc bấy giờ, và khi ông đưa ra 5 việc này cũng không thể tùy tiện, chắc chắn phải căn cứ vào một loại kinh điển nào đó. Ở vào thời ông kinh điển đó phải là Kinh Āgama (A hàm). Từ đó người viết tiến hành tìm kiếm ở trong hai hệ thống kinh điển A hàm và Nikāya, phát hiện có khá nhiều quan điểm tư tưởng trong kinh này phù hợp với quan điểm của Đại Thiên. Do vậy người viết lý giải tư tưởng về 5 việc của Đại Thiên như sau.

Đại Thiên chỉ là người kế thừa và phát huy tư tưởng: Đức Phật phủ nhận mình là người ‘Nhứt Thiết Trí, Nhứt Thiết Kiến’ trong ‘kinh Ba Minh vacchagota’ trong “Kinh Trung Bộ” để hình thành việc đầu trong 5 việc của mình. Sự phủ nhận này mang ý nghĩa vị A la hán không phải ở mọi lúc mọi nơi và việc gì ngài cũng đều biết cả. Ngài chỉ biết những gì cần biết và không cần biết những gì không liên hệ đến đời sống phạm hạnh. Với tư cách và vị trí là một con người, A la hán cũng cần phải ngủ nghĩ. Ngủ nghỉ là trạng thái không kiểm soát của ý thức, như vậy, khi vị A la hán trong lúc ngủ nằm mộng xuất tinh là sự kiện tự nhiên của cơ thể, vì nó không phải là hành vi cố ý, đó là lý do ông chủ trương vị A la hán còn có hiện tượng xuất tinh trong khi ngủ; Cũng căn cứ từ ý nghĩa của bài kinh này ông cho rằng, vị A la hán vẫn còn trạng thái ‘bất nhiễm ô vô tri’, tức là loại vô tri (không biết) không phải là vô minh vô tri. Ví dụ như sự vô tri về những lãnh vực không phải là lãnh vực tu tập, liên hệ đến đời sống xuất gia hay là A la Hán. Đó là lý do tại sao Đại Thiên cho rằng A la hán vẫn còn trạng thái ‘vô tri’; Thứ 3, ông cho rằng vị A la hán vẫn còn sự nghi ngờ hay do dự’. Lý do mà ông đưa ra quan điểm này, chính là trường hợp khi vị A la hán đối diện với sự kiện không thuộc phạm vi hiểu biết của mình cho nên phát sinh trạng thái bỡ ngỡ, không quyết đoán được việc đó. Ví như ở một nơi hoàn toàn xa lạ, giữa ngã 3 đường A la hán không xác định được hướng đi, trong trường hợp này tâm tư của A la hán phát sinh trạng thái đắn đo do dự là sự việc tư nhiên, vì thái độ do dự hoài nghi này, không phải là trạng thái tâm lý xuất phát từ vô minh, cho nên ông chủ trương là A la hán vẫn còn sự do dự; Việc thứ 4, ông cho rằng đối những việc không liên hệ đến đời sống phạm hạnh, như khi bệnh cần làm theo sự chỉ dẫn của Bác sĩ là chuyện tự nhiên, sự chỉ dẫn của y bác sĩ là là hợp lý, không thể căn cứ vào việc A la Hán bị bác sĩ chỉ dẫn mà cho rằng A la Hán vẫn còn tham sân si. Đây chính là lý do tại sao ông đưa ra việc thứ 4. Riêng về việc thứ 5, nội dung và ý nghĩa được ghi chép trong hai luận này không đồng nhất, hơn nữa bất cứ cách giải thích nào trong những cách giải thích trong 2 nguồn tư liệu này, nó hoàn toàn không có liên hệ đến 4 việc mà Đại Thiên đã đưa ra, ngược lại còn mang ý nghĩa phản lại tư tưởng của ông. Do vậy, người viết căn cứ từ các mặt lịch sử, tư tưởng cho rằng ý nghĩa của việc thứ 5 chính là ý nghĩa đã được ghi trong “Luận Bà Sa” là ‘Đạo nhân thinh cố khởi’, nhưng không hiểu theo cách mà các nhà Hữu bộ lý giải mà tôi giải thích khái niệm này mang ý nghĩa chỉ cho kinh điển ‘Āgama’. Lý do mà tôi giải thích như vậy, vì khi Đại Thiên đưa ra 4 việc này, chắc chắn các nhà Thượng tọa bộ cật vấn: Thế thì ông căn cứ vào kinh điển nào mà đưa ra quan điểm này? Câu trả lời của ông phải là ‘Đạo nhân thinh cố khởi’. Có nghĩa là kinh điển mà tôi căn cứ đó là Āgama, là những kinh điển chưa kết tập thành văn tự, được lưu truyền dưới hình thức ‘khẩu truyền’. Các kinh điển Āgama này, sau được kết tập thành gọi là ‘Kinh A hàm’ của Bắc truyền hay ‘Kinh Nikāya’ trong Phật giáo Nam truyền vào thời vua Asoka. Theo người viết, đây mới chính là ý nghĩa của câu ‘Đạo nhân thinh cố khởi’, là việc thứ 5 của Đại Thiên.

Thế nhưng, tác phẩm “Luận Bà Sa” và “Kathāvatthu” đã ghi chép với nội dung và ý nghĩa hoàn toàn ngược lại, cố tình bóp méo tư tưởng về 5 việc của ông.

Từ những kết quả nghiên cứu này, chúng ta có thể bác bỏ quan điểm cho rằng Đại Thiên là người ‘có ác tà kiến’. Sự kiện giết cha giết mẹ và giết A la hán của Đại Thiên như thế nào vẫn chưa làm sáng tỏ, nhưng dù gì đi nữa, tất cả những sự kiện đó xảy ra trước khi ông xuất gia, không phải những hành vi sau khi ông xuất gia. Do vậy, chúng ta không nên căn cứ từ những việc làm trong quá khứ của ông để đánh giá những gì sau khi ông xuất gia, điều đó có thể phát sanh sai lầm.

Từ quan điểm về 5 việc của Đại Thiên, nếu chúng ta so với tư tưởng chung của các phái thuộc Đại Chúng bộ về ‘Phật Đà luận’ và ‘Bồ tát luận’, chúng ta thấy phát sinh sự mâu thuẫn. Thế thì tại sao nhân vật Đại Thiên lại trở thành vị khai sơn của Đại Chúng bộ? Theo cách nhìn của người viết. Đại Thiên có hai đặc điểm mà chúng ta cần lưu ý: Một là sự dũng cảm trong việc cải cách Phật giáo và hai là tư tưởng về 5 việc của ông. Theo người viết, Đại chúng bộ lấy Đại Thiên làm vị tổ khai sơn cho trường phái của mình, chỉ lấy tư tưởng cải cách của ông để thực thi chính sách cải cách, đưa Phật giáo vào xã hội của Đại chúng bộ, không phải Đại chúng bộ lấy tư tưởng 5 việc của Đại Thiên làm tư tưởng nồng cốt cho mình.

Khi Phật giáo đã trở thành một tôn giáo, muốn nó gắn liền với xã hội đó, thì Phật giáo không thể giữ thái độ bảo thủ, cứng nhắc, mà phải uyển chuyển vây mượn những văn hóa tập tục tín ngưỡng của nhân gian để giới thiệu Phật pháp, đưa Phật giáo vào xã hội. Sự uyển chuyển này là yếu tố hình thành quan điểm tư tưởng ‘Phật Đà luận’ và ‘Bồ tát luận’ được ghi chép trong “Luận Dị Bộ”. Đây cũng là một điều hiển nhiên của Phật giáo trong quá trình tồn tại và phát triển với xã hội.