BÀI THỨ NHẤT
Hỏi: Nếu Duy Thức Học có cơ sở vững chắc thì vấn đề "ngã" của Phật giáo và thế gian phải được hiểu như thế nào?
Bài Tụng Duy Thức Ðáp:
Do có Thuyết Về Ngã
Niệm Ngã Nảy Sinh
Tướng Ngã Duy Thức Biến
Thức Năng Biến Có Ba:
Rằng Dị Thục, Tư Lương
Và Liễu Biệt Cảnh Thức.
Giải Thích Thuật Ngữ:
Có thuyết: Tự mình tưởng tượng ra, hiểu theo cái hiểu của mình, không bằng cứ vào một học thuyết thực tiễn hay chân lý siêu tuyệt nào khác.
Ngã: Ðộc lập tự sinh độc lập, tự tồn, bất biến và bất động.
Pháp: Hiện tượng vật chất trước mắt ngàn sai muôn khác, mỗi mỗi có hình dáng lớn nhỏ, kích thước ngắn dài, qui mô cao thấp, màu sắc đa dạng, khiến cho người ta trông thấy nó là nó mà không lầm lẫn giữa vật này là vật nọ. Mỗi một dạng vật chất được gọi là một pháp.
"Nhậm trì tự tánh, quỉ sanh vật giải"
Ngoài vật chất ra chữ Pháp của nhà Phật còn bao hàm hết lãnh vực nhận thức khái niệm của ý như: vui buồn, thương ghét, thiện ác, trí tuệ, vô minh v.v...
Biến: Sự chuyển hóa liên tục trong quá trình tiến triển của vật chất cộng với thức tâm để hình thảnh một sự vật hiện tượng nào đó.
Năng biến: Phần chủ thể nhận thức, biểu hiện qua tám thức tâm vương, thông qua sự ức thuyết và tưởng tượng.
Dị thục: Tên gọi khác của A lại da, của Nhất thiết chủng, của đệ bát thức.
Tư Lương: Tên gọi của Mạt na hay đệ thất thức.
Liễu biệt cảnh: Tên gọi chung của sáu thức trước: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức.
Yếu Luận
Diệt ngã, xả ngã là vấn đề cốt lõi trong kho tàng Phật giáo. Hiểu rõ, thực chứng rốt ráo chân lý vô ngã là thành tựu Bồ đề Niết bàn vô thượng (Bất kiến nhất pháp tức Như Lai ...)
Quán sát vũ trụ nhân sinh, đức Thế tôn dạy:
"Tất cả pháp vô ngã"
Nghĩa là toàn bộ "hữu tình chúng sinh" và "vô tình chúng sinh" đều vô ngã qua cái thấy của Phật nhãn. Nói cách khác, qua nhận thức của Phật loài động vật cũng như thực vật, khoáng vật đều không có tính tự ngã, tự sinh, tự tồn, tự độc lập, bất biến và bất động. Tuy nhiên, ở các kinh điển thỉnh thoảng đó đây đức Phật có lúc vẫn đề cập về ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả tướng... Ðó là Như Lai vận dụng "thế giới tất đàn" trong tứ tất đàn, vận dụng "tục đế" trong "nhị đế" mở bày phương tiện trong cứu cánh đấy thôi! Cuối cùng Như Lai chỉ bày những giáo lý phương tiện chỉ là phương tiện, người Ðại thừa chủng tánh phải tu học giáo lý đệ nhất nghĩa, cứu cánh Ðại thừa.
Như Lai nói: ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả tức không phải ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả mà gọi là ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả vậy thôi!
(Kinh Kim Cang Bát Nhã)
Ngã của thế gian do ức thuyết, do tưởng tượng, do mê tín dị đoan. Không ai chứng minh được cái gì là ngã.
Tóm lại, Phật giáo nói ngã, khi sử dụng phương tiện tùy thế tục vận dụng thế đế, để rồi cuối cùng chủ định ngã, khi con người có khả năng nhận thức chân lý vô ngã. Thế gian nói ngã chỉ vì ức thuyết, do tưởng tượng hoang đường, do si mê cuồng tín... "Vạn Pháp Duy Thức" chữ thức trong từ Duy thức phải hiểu là "Nhất thiết chủng" cũng gọi là "Tàng thức", cũng gọi là "Dị thục thức". Thức này chứa đựng hết thảy chủng tử hạt nhân của vạn vật hiện tượng, chứa đựng hết thảy khái niệm, nhận thức và tư duy của các loại hữu tình.
Hạt nhân của vạn vật hiện tượng tuy nhiều tựu trung gồm trong ba loại: khoáng vật, thực vật và động vật. Qua cái nhìn của nhà Phật học thì "Nhất thiết chủng thức" chức đựng bảy thứ có tánh chất phổ bíến là: Ðịa đại, Thủy đại, Hõa đại, Phong đại, Không đại, Kiến đại và Thức đại.
Từ những chất liệu hạt nhân đó, chuyển biến sinh hóa, tác động tương quan qua lại với nhau mà hình thành sự vật hiện tượng vạn pháp. Những hạt nhân trong Nhất thiết chủng thức biến chuyển sinh hóa từng sát na không ngừng theo tiến trình phát triển, tiến hóa để rồi thành sự vật, hiện tượng vạn pháp từ giản đơn dần dần đến phức tạp.
Sự tác động qua lại, sự kết hợp để hình thành một sự vật hiện tượng đó chính là quá trình Duy Thức Biến. Như thị như thị Biến của Duy Thức Học.
Hạt nhân của vạn pháp vẫn chưa phải là nguyên tố duy nhất khởi đàu để sinh ra vạn vật hiện tượng mà hạt nhân của vạn pháp phải tác động qua lại với nhau mới phát triển, mới tiến hóa hình thành vạn vật hiện tượng. Ðiều đó cắt nghĩa cho ta thấy rõ ràng sự biến hóa của Duy Thức và giáo lý Duyên Sinh của đạo Phật là chân lý hiển nhiên.
Hiện tượng vạn vật vô tri gọi là sở kiến, khái niệm nhận thức tư duy được gọi là năng biến. Năng biến, sở biến đều là sản phẩm cơ bản, sản phẩm hạt nhân hiện hữu một cách tự nhiên của Nhất thiết chủng thức. Sự hiện hữu này, Duy Thức Học gọi là "Bất khả tri"!
Năng biến có ba hình thái: Dị thục, Tư lương và Liễu biệt cảnh.
Dị thục thức: để cắt nghĩa rằng hiện tượng vạn pháp sinh ra không có pháp nào vượt ngoài chân lý nhân quả.
Tư lương thức: nhằm chỉ rõ ràng mỗi một hiện tượng duyên sinh khi sinh ra đều có quán tính tự nhiên duy trì và phát triển sự tồn sinh hầu kéo dài sự hiện hữu của chúng. Vì vậy, nó còn có tên: Ngã ái chấp tàng.
Liễu biệt cảnh thức: chứng minh rõ nét tánh chất khác nhau giữa năng biến và sở biến, chủ thể và đối tượng, phân biệt và sở phân biệt.
Nói rút lại:
- Năng biến thuộc bát thức tâm vương, một phần hạt nhân, duyên sinh ra loài động vật hữu tình.
- Sở biến thuộc vật chất những hạt nhân, duyên sinh ra khoáng vật, thực vật vô tình.
"Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt sở phân biệt
Do thử bỉ giai vô
Cố nhất thiết Duy thức..."