Triết học
Duy thức học yếu luận
Tác giả: H.T THÍCH TỪ THÔNG
14/07/2553 23:29 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hỏi: Nếu tất cả Duy thức thì cớ gì đức Thế Tôn đề cập Tam tự tính ở kinh Lăng Già? Mâu thuẫn đó, giải quyết thế nào?

Bài Tụng Duy Thức Ðáp:

Do Mọi Người Biến Kế

Biến Kế Ðủ Thứ Vật

Tính Biến Kế Chấp Này

Nó Không Có Tự Tính

Tự Tính Y Tha Khởi

Kết Hợp Duyên Mả Sinh

Tự Tính Viên Thành Thật

Hằng Viễn Ly Tánh Trước

Tính Viên Thành Và Y Tha

Khác Mà Không Phải Khác

Như Tính Vô Thường, Vô Ngã...

Hiểu Lệch Mất Cả Hai

Giải Thích Thuật Ngữ:

Biến kế: Biến: Phổ biến, thông thường, phổ cập...

          Kế: Tính toàn, so đo, xét nét, nghĩ ngợi.

Biến kế sở chấp tự tính: Kiến chấp phổ biến trong đại đa số quần chúng. Lối chấp không có sự thật, không hợp chân lý.

Y tha khởi tự tính: Nói đủ: Y tha duyên nhi sinh khởi. Nương nhiều nhân duyên, nhiều yếu tố mà hình thành một chỉnh thể của một sự vật. Sự vật đó không có tính độc lập tự sinh.

Viên thành thực tính: Khi nhận thức rõ, không còn lầm lẫn đối với tính y tha khởi; loại trừ tính chấp biến kế sai lầm, ngay nơi đó là: tự tính duyên thành thực.

Yếu Luận

Ðức Thế Tôn đề cập Tam tự tính, nhưng Ðức Thế Tôn không chủ trương có một tự tính nào.

Tự tính biến kế sở chấp do sự chấp nê sai lầm phổ biến của con người. Sự chấp nê sai lầm của nhiều người gọi là tính biến kế sở chấp.

Hiện tượng vạn pháp không pháp nào có tính độc lập tự sinh mà phải nương gá nhiều duyên khác, tức là nhiều yếu tố hợp lại mới cấu tạo sinh ra một vật. Vì vậy, tính chất của sự vật hiện tượng được gọi là y tha khởi tính, thực chất chẳng có gì.

Sự thực hiện tượng vạn pháp là "duyên sinh". Sự thực hiện tượng vạn pháp là "vô nga". Hiểu đúng chân lý thì ngay nơi đó có được: Tự tính viên thành thực. Vì vậy, đức Thế Tôn đề cập Tam tự tính mà không có tự tính nào của Thế Tôn nói.

Tìm hiểu tính biến kế của con người qua bát thức tâm vương ta thấy:

+ Thức A lại da, biến mà không ke, nghĩa là nó thường xuyên hiện hữu trong đời sống con ngưởi nhưng nó không có công năng tính toán so đo trong việc "chấp nê" dù sai hay đúng

+ Thức Mạt na vừa biến vừa kế, nghĩa là Mạt na cũng thường xuyên hiện hữu cùng với A lại da nên gọi là biến và nó có công năng "chấp ngã" trường kỳ nên gọi là kế; bởi tính của nó là "tư lương".

"Tư lương vi tính tướng"

"Tứ phiền não thường câu".

+ Ðệ lục thức, kế mà không biến, nghĩa là đệ lục thức về mặt so đo tính toán "chấp nê" thì không có thức nào bằng, đó là kế; nhưng trong sinh hoạt con người có năm trường hợp ý thức vắng mặt. Vì vậy, ý thức không biến mà chỉ có ke.

+ Tiền ngũ thức, không biến cũng không kế, bởi vì tiền ngũ thức hiện khởi tùy thuộc vào cảnh duyên, có cảnh duyên mới sinh khởi; không có cảnh duyên không sinh khởi được. Tiền ngũ thức không có tính liên tục thường xuyên cho nên không biến và chỉ có hiện lượng cho nên cũng không ke.

Do vậy, Biến kế sở chấp tự tính chỉ là tính chấp sai lầm của bát thức tâm vương không hề có tự tính!

Sự tương quan gắn bó giữa tự tính Y tha khởi và tự tính Viên thành thực cũng giống như sự gắn bó tương quan của chân lý vô thường và vô ngã. Nếu không có tính Y tha khởi hẳn không có tính Viên thành thực. Tính Viên thành thực có, do nhận thức đúng tính Y tha khởi.

Chân lý vô thường đúng vì bản chất vạn pháp vô nga. Bản chất vạn pháp vô ngã cho nên biểu hiện ra chân lý vô thường: sinh, trụ, dị, diệt...

Tính Y tha khởi và tính Viên thành thực khác, mà không phải có hai tính. Người nghiên cứu Duy thức phải tư duy như vậy, bằng không, tìm tòi hy vọng một tính Viên thành thực ở chân trởi gốc biển hay ở thế giới mông lung... cũng không bao giờ có. Chẳng những tìm không có tính Viên thành thực mà cũng đánh mất cái tính Y tha khởi của vạn pháp.

Tóm lại, nhìn bên tục đế, tự tính y tha khởi, Thế Tôn cũng không phủ nhận, mà đó còn là một chân lý.

Hiểu sai chân lý ấy, Thế Tôn bảo đó là tính biến kế sở chấp của mọi người.

Hiểu đúng chân lý ấy, Thế Tôn dạy: Ðược! Ðấy là viên thành thực tính, đấy!

Thế cho nên, Thế Tôn đề cập Tam tự tính, kỳ thực Thế Tôn có nói tính nào đâu!