Cái tin chùa Long Sơn có thầy trụ trì mới về chẳng làm dân trong xã ngạc
nhiên chút nào. Đây là vị trụ trì thứ ba trong vòng ba năm. Dân nói với
nhau: “Rồi thầy cũng đi thôi. Đất này, chùa có ‘huông’ rồi, linh lắm,
không ai ở được.”
Chỉ có điều lạ là, thầy trụ trì về mà không có lễ “tấn phong” rình rang
như trước, không có mặt chư Tăng Ni chứng minh như trước. Một buổi trưa,
người ta thấy một bóng áo nâu lấm bụi đường, khuôn mặt ẩn sau vành nón
rộng, tay nải oằn nặng trên vai, còn tay kia xách một bịch nylon thấy rõ
những cuốn sách nằm xếp lớp bên trong. Con đường làng uốn lượn qua
những khóm tre, khóm trúc, bóng xoài, bóng nhãn, nắng chấp chới trên
chiếc áo nâu như một lời chào không rõ thân tình hay đùa nghịch.
Thầy về hôm trước, hôm sau đã nghe tiếng mõ công phu đều đều. Bà Tư Bèo
nhà giáp đất chùa là người làm công quả đầu tiên. Không phải tốt gì lắm,
mà do bà vốn quen qua vườn chùa hái đọt nhãn lồng về sắc cho ông chồng
uống trị bệnh tim. Lúc chùa không có ai thì bà qua hái thoải mái, giờ có
mặt thầy, không lẽ nín thinh không chào một tiếng, coi sao đặng. Rồi bà
đon đả: “Thầy có làm gì tui làm tiếp cho thầy.” Thầy cười nhẹ: “Dạ,
cũng chưa có việc gì. À mà dì Tư có đi chợ tôi gởi mua giùm chai nước
tuơng.” “Mèn ơi, vô tình quá. Thầy về hèn lâu mà hổng thấy thầy đi chợ.
Rồi thầy ăn gì ha?” “Hồi về tôi có đem theo tương chao, đề phòng chợ xa.
Bây giờ ăn hết rồi.” Bà Tư mau mắn: “Được, được, thầy đừng lo.” Bà chạy
về nhà đem qua “cúng dường” liền một chén nước tương, thứ nước tương lẻ
bán đong lít, đong xị, không ngon bằng tàu vị yểu nhưng lại đậm đà mùi
đậu nguyên chất.
Từ đó bà Tư lui tới thuờng xuyên, giúp đỡ thầy phá dọn mảnh vườn đầy cỏ
dại để trồng mấy thứ rau quả ăn dần. Thầy cuốc đất, lên liếp rồi gieo
hạt đậu đũa, cà chua, xà lách, cải ngọt, bầu bí, mồng tơi... Lại thêm
một luống vạn thọ để cắt hoa cúng Phật và nạo vét cái ao nhỏ gây lại
giống sen. Bà Tư nhìn thầy làm mà chắt lưỡi: “Tui coi bộ tướng thầy y
như thầy giáo. Hổng biết trụ được bao lâu!” Nói rồi bà biết mình lỡ lời
nên hoảng hồn bụm miệng. Nhưng thầy chỉ cười: “Trụ được một ngày biết
được một ngày.” Bà Tư nhìn gương mặt trẻ trung của thầy, chợt thấy vừa
lo lắng vừa bực bội không diễn tả được. Bà phủi đít đứng dậy đi về nhà,
bỏ quên luôn con dao làm cỏ.
Thấm thoát, cà ra trái đỏ rực vườn chùa, đậu cũng lúc lỉu đầy giàn, và
rau cải xanh um, bí bầu mơn mởn... Thầy ăn một mình không hết, cứ gọi
xóm giềng đến cho. Riết rồi vườn chùa là của chung, ai muốn ăn gì cứ vô
hái, chỉ cần nói: “Thầy ơi, cho con xin...” Hái xong, lấy thùng xuống
mương xách nước quơ dùm thầy một vòng. Có hôm, chị Hai Ánh hái luôn cả
thúng rau trái đem ra chợ bán, mua về tàu hủ, nước tương, chao, đường,
bột ngọt... chất đầy bếp chùa. Chị không quên cái túm cà phê nhỏ để thầy
tỉnh táo mà thức công phu. Chị còn kêu thằng con trai 17 tuổi của chị:
“Đông, mày mạnh tay qua cuốc giùm thầy cái liếp cải coi.” Đông khà khà:
“Làm giùm rồi thầy có đãi tui nhậu không? Từ hôm thầy về tới giờ chưa
chịu liên hoan.”
Chị Hai nhớ lại vị trụ trì thứ hai, rất trẻ và cởi mở, cứ thù tiếp với
cán bộ và thanh niên trong xã như bạn bè. Nhưng rồi không hiểu sao thầy
cũng khăn gói ra đi. Chị quát thằng Đông, không cho nó nói bậy, nhưng
trong lòng chị than thầm: “Chẳng biết ra sao...”
Sáu Kình công an ấp tới thăm chùa một buổi chiều, tay xách chai rượu
thuốc vàng sậm. Cùng đi, có anh Năm Tân trưởng ban văn hóa thông tin xã.
Năm Tân nức nở khen khu vườn chùa gọn gàng, sạch đẹp. Sáu Kình lại phẩy
tay: “Tôi chỉ cám ơn thầy ở chỗ thầy làm quang đãng cho tụi ăn trộm
không còn chỗ núp. Cả năm nay chùa hoang, vườn hoang, quản lý mệt quá.
Thôi vô một ly nghen thầy.” Thầy nhỏ nhẹ: “Anh cảm phiền, tôi không biết
uống rượu. Để tôi dọn cơm chay mời mấy anh ăn cho vui. Lâu lâu ăn cực
với chùa một bữa nghen.” “Ăn cực cũng đâu có sao. Nhưng thầy phải uống
với tôi mới vui. Ông thầy trước hòa đồng lắm.” “Dạ thôi, mấy anh cứ uống
tự nhiên, còn tôi uống trà đá được rồi.”
Bữa cơm đâm ra mất hào hứng. Sáu Kình uống vô hai ly nhỏ rồi nhìn thầy
chăm chăm: “Tui hỏi thiệt thầy nghen, thầy đẹp trai quá mà đi tu chi
uổng vậy?” Thầy cười mỉm mỉm: “Lúc tám, chín tuổi tôi đã nhận ra mình ở
trong chùa. Cha mẹ đâu chẳng rõ. Đến lớn, khi bắt đầu nhận thức được,
tôi thấy yêu mến con đường Phật giáo nên tu luôn.” “Hà hà, thầy coi
chừng mấy con nhỏ trong xóm đó nghen.” “Mô Phật, anh nói nghe kỳ quá!”
Sáu Kình cười ngất: “Giỡn mà. Nhưng tôi cũng cầu trời cho thầy ở đây lâu
hơn mấy ông kia...” Thầy lẳng lặng nhìn ra vườn chùa, nơi có những hoa
cà đang ẩn trong lòng nó một trái nhỏ con con. Ráng chiều vàng rực bao
lấy những cánh hoa tim tím dịu dàng.
Sân chùa trở thành nơi tụ tập của tụi con nít. Vị trụ trì đầu tiên có
công lót gạch tàu hết khoảng sân rộng. Ông còn bắt tay xây lại nhà tổ
rất quy mô. Nhưng hễ ai vào chùa mà không ý tứ giữ sạch sẽ hoặc nói năng
không cẩn trọng liền bị ông quở. Nhưng sau đó ông lại ngồi than: “Ở các
vùng quê, Phật tử chẳng được học hành giáo lý gì hết, khó mà hoằng
pháp.” Ông thường xuyên rút vào phòng nghiên cứu kinh sách. Các Phật tử
nhìn những cuốn từ điển dày cộp của ông, những bộ kinh hàng chục cuốn
bao bìa mạ vàng cất trong tủ kính mà lắc đầu thán phục.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu, ông bỏ đi, để lại ngôi nhà tổ đang cất dở
dang. Đến khi vị trụ trì thứ ba về, chính là thầy, nhà tổ vẫn chưa trùng
tu xong. Nhưng thầy chỉ tận dụng những tấm tôn cũ còn xài được, đem lên
lợp, cốt sao tránh được mưa nắng. Duy cái sân gạch, thầy quét dọn sạch
sẽ và cho phép đám trẻ con vào chơi. Thầy chỉ dặn: “Các con đừng ngắt
bông, để dành cúng Phật, Phật sẽ thương cho các con học giỏi. Giờ trưa
thì về nhà để yên tịnh cho thầy nghỉ ngơi.” Tụi nhỏ dạ rân.
Một hôm, con bé Thảo cháu bà Ba Lý rụt rè hỏi: “Thầy ơi, con hổng có đi
học rồi làm sao Phật thương cho con học giỏi.” Nhà con bé nghèo quá, cả
đám anh chị em đẻ năm một lít nhít, ăn còn không đủ, lấy tiền đâu đi
học. Thầy vuốt tóc nó: “Thôi, mỗi bữa con đến đây thầy dạy cho.” Bữa nào
bé Thảo cũng ẵm em tới sân chùa chơi với tụi bạn trong xóm, nhưng từ đó
thay vì chơi suốt, nó dành ra một tiếng đồng hồ học chữ với thầy. Thầy
cho nó cả tập, viết, thước kẻ... Nó mừng lắm, cưng cuốn tập như cưng
vàng.
Lũ trẻ thấy bé Thảo học, cũng ngưng ngang cuộc chơi, đứng ngó. Trong đám
ấy, rất nhiều đứa không được đến trường. Vậy là, tụi nó về nhà kể với
ba má, xin học với thầy. Sân chùa thành “lớp tình thương” khiến ông chủ
tịch ấp cảm ơn rối rít. Thầy dành dụm tiền bán đậu, bán cà mua tập viết
cho lũ trẻ. Đổi lại, tụi nhỏ cứ quấn quít bên thầy, quét sân, lau chùa,
phơi củi như một bầy con. Lâu dần, bớt nghe tụi nó chửi thề, đánh lộn.
Bà Tư Bèo nói: “Ông thầy có phép gì mà khiển được đám lâu la này vậy
cà?”
Sân chùa còn vang tiếng hát ca của đám thanh niên trong xóm. Cái hôm gần
đến lễ Quốc khánh, xã có chuẩn bị hội diễn văn nghệ, thầy kêu thằng
Đông: “Em có đăng ký hát không? Rủ bạn bè sinh hoạt văn nghệ cho vui.
Qua sân chùa mà tập cho rộng rãi.” Đông liền kéo đám bạn vô chùa. Lần
đó, ấp 3 của Đông được giải nhì, tụi nhỏ rinh nguyên nồi chè vô liên
hoan với thầy và gọi đùa đây là “nhà văn hóa.”
°
N
hưng cơn lũ đã ào tới phá vỡ sự bình yên của cái xã heo hút. Sân chùa
vắng ngắt, chỉ có lũ chim trên cành me kêu ríu ran nhớ nắng, nhớ tiếng
cười của bầy trẻ nhỏ. Mỗi tối, thầy tụng kinh một mình, chuông mõ như
cũng ngóng theo từng con nước lên. Dân trong xã nháo nhác chạy đi tìm
đường tránh lũ. Chủ tịch xã quyết định đắp đê bao cứu lúa. Hy vọng vớt
vát được phần nào, chứ không mất trắng như cơn lũ năm rồi.
Dân trong xã ủng hộ quyết định này, ùn ùn kéo đi như những ngày đắp đê
làm thủy lợi. Tờ mờ sáng đã thấy dòng người đổ ra đồng, xếp dài theo
những tuyến kinh, nơi mà con nước sẵn sàng phá vỡ để tràn vào gây họa.
Kẻ cầm leng móc đất, kẻ đứng đóng cừ tràm, các dì các chị thì lấy bao
khiêng đất. Tiếng đất thảy nghe bình bịch, tiếng nước sôi réo đằng sau
bờ đê... Mặt mũi ai nấy lấm lem hiện rõ dần trong ánh ban mai. Trong đó
có một tà áo nâu bết bùn và một gương mặt lấm chấm sình non ẩn dưới vành
nón lá. Chị Hai Ánh xách ấm nước đi tới, rót ra một ly: “Thầy uống đi
thầy, rồi nghỉ mệt chút.” Mấy người đứng gần đó liền phụ họa: “Ừ, thầy
nghỉ tay đi. Tội nghiệp, thầy ăn chay ăn lạt, sức đâu làm như tụi tui.”
Thì ra có mặt thầy trụ trì chùa Long Sơn trong đám người đi cứu lúa.
Thầy lắc đầu, mặt đỏ hồng dưới ánh nắng: “Dạ cô bác yên tâm, tôi chưa
mệt đâu mà...” Bà Tư Bèo chợt vỗ đùi cái đét: “Tui nhớ ra rồi, niệm Quán
Thế Âm Bồ Tát thì đỡ mệt hơn, như hồi mình leo núi Sam vậy mà. Nam
mô...” Nghe giọng bà Tư niệm Phật, ai nấy không nhịn được, cười ồ lên.
Phút chốc mà con đê đã vượt khỏi mực nước rất xa, chỉ thấy những con
sóng tức tối vỗ bên kia bờ đất, đục ngầu những con mắt bọt nhìn theo đám
người thở phào sau mấy ngày vất vả...
Thầy Long Sơn khẽ cúi xuống nâng một bông lúa bị chân ai đó vô tình giẫm lên. Bông lúa ửng vàng trong đôi mắt thầy rưng rưng...
°
L
ần đầu tiên chùa Long Sơn tổ chức lễ Phật Đản vui như vậy. Trước đó, chú
Bảy Kiên Chủ tịch xã vô chơi với thầy, nhắc thầy sao “im re” “Tôi đi
họp, thấy mấy chùa kia xin phép tổ chức lễ, gởi thư mời ì xèo lắm, còn
thầy có định làm gì không? Hay là tôi cho mấy đứa bên văn hóa thông tin
vô tiếp thầy dán băng-rôn? Ờ, thầy về đây lâu quá mà hổng thấy thuyết
pháp gì hết, thôi kỳ lễ này thầy lên giảng sơ sơ cho dân nghe. Tôi cũng
muốn chùa làm lễ xôm xôm một chút, mừng bà con mình thoát lũ.”
Thầy mỉm cười cảm ơn chú Bảy. Chú đi quanh quanh ra sân chùa, thích thú
khen đám kiểng non thầy mới gầy dựng. “Tôi cũng ưng các hoạt động văn
hóa như vầy, kẻo người ta nói xứ mình khô cằn. Thầy ơi, bữa nào rảnh
thầy chỉ tôi uốn kiểng nghen.” “Được mà, chỉ sợ chú không rảnh việc nước
đó thôi.” Chú Bảy lắc đầu: “Công việc thì làm hoài hổng hết, hễ muốn
chơi thì chơi chớ biết chừng nào mới rảnh hả thầy – Chú sực nhớ – À, còn
lớp học tình thương của thầy nữa, tôi đã xin được một mớ tập viết cho
tụi nhỏ, tiếp tay với thầy. Vài bữa tôi cho người đem vô. Thầy có khó
khăn gì không, cứ nói tôi liệu tiếp được phần nào thì tiếp.” Thầy cười:
“Bây giờ chưa thấy khó gì hết!” Chú Bảy thủ thỉ: “Xã mình nghèo quá,
thôi thì thầy chung lo với tụi tôi. Coi bộ thầy ở đây ‘hợp’ à nghen. Vậy
mà mấy người trong xã cứ đồn chùa này có huông, tôi không tin.”
Chú Bảy ra về, bắt tay thầy thân mật, không quên cầm theo “quà tặng” của
thầy là một rổ cà chua đỏ hồng hoàn toàn không xịt thuốc sâu và phân
hóa học.
Tiếng trống Bát nhã vang lên ấm cả một quãng đồng. Tiếng đại hồng chung
ngân nga rơi trên những cành lá xanh mướt... Buổi lễ Phật Đản tuy đơn sơ
nhưng long trọng và chan hòa tình cảm giữa mái chùa cùng thôn xóm. Sau
các nghi thức lễ, mọi người ngồi quây quần trong chánh điện, thầy ngồi
giữa, thuyết pháp đúng 30 phút, đề tài Từ Bi. Giọng thầy trầm trầm, lời
lẽ giản dị, vậy mà ai nấy cứ xuýt xoa: “Mèn ơi, thầy giảng hay quá mà
thầy giấu nghề!” Khói nhang bay quấn lấy những gương mặt dãi dầu mưa
nắng nhưng chất phác, chân thành. Trên cao, Đức Phật đang nhìn xuống với
một nụ cười hiền hậu. Và trong tay Phật, có một cành sen không lời.