Chương Mười Năm
Căn phòng giam Ngọc Lâm chìm trong sự tịch mịch của đêm khuya.Từ sáng đến giờ, Ngọc Lâm chưa có một hạt cơm bỏ bụng, thầy đói lòng.Buổi sáng thầy đã không ăn, sau đó lại bị áp giải về huyện, khi quan huyện cho người đưa cơm đến thì đã quá giờ ngọ, thầy không dùng được nữa.Ánh trăng bạc xuyên qua cửa sổ, chiếu vào căn phòng. Gió mát, đêm thanh, Ngọc Lâm có cảm tưởng như thầy đang ngồi trong một căn thiền thất (chỗ các sư tham thiền).Thời gian mỗi phút trôi qua, sự đói lòng của thầy cũng tăng thêm, thầy hơi cảm thấy khó chịu và cho rằng tội chết còn đỡ khổ hơn tội đói.Ngọc Lâm nghĩ đến người tỳ nữ bị giết ban sáng, thầy lâm râm niệm Phật, cầu nguyện cho oan hồn của kẻ bạc mệnh sớm được siêu thoát.Ngọc Lâm tự hỏi không biết ai đã giết nàng? Vì nguyện cứu chúng sinh nên thầy đã vui lòng chịu tội thay cho thủ phạm!Người ta thường nói: "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", có mất tự do mới thấy tự do là quí. Nhưng đối với Ngọc Lâm, ngoài cảm giác đói lòng ra lúc này thầy không thấy gì ràng buộc cả. Mặc dầu thân thể bị giam cầm, song tinh thần thầy cực kỳ giải thoát.
Đối với tuồng đời ảo ảnh, tình đời giả dối, Ngọc Lâm không hề có một ý niệm lưu luyến, một vật duy nhất mà thầy thương tiếc trên đời là Phật giáo, thầy nguyện kiếp sau thầy sẽ là một người có tài năng, không nhiều nghiệp chướng và hoạn nạn như kiếp này, để thầy có thể chấn hưng Phật giáo, cứu độ cho mọi người.
Một đêm tù đầy đã lặng lẽ trôi qua. Sáng hôm sau Thúy Hồng lại vào, mang theo nhiều thức ăn và đồ cần dùng, khi thấy Ngọc Lâm, nàng dở các thức ăn ra và nói:
- Bạch thầy, thật tội nghiệp, sau khi biết thầy đã tự nhận mình là hung thủ, tiểu thư khóc ngất đi, người nói người rất ân hận, người đã báo tin về Kinh, mời tể tướng về để cứu thầy, lúc đó xin thầy đừng nhận gì hết. Đây là các thứ điểm tâm, tiểu thư đích thân làm cho tôi mang vào để thầy dùng.
- Các cô thật ngây thơ, từ đây về Kinh thành bao nhiêu dậm đường? Tôi là kẻ giết người, liệu có được phép chờ đến khi tể tướng về không? Hơn nữa, tôi đã cung khai rồi, dù tể tướng có về kịp cũng không dám coi thường phép vua.Ngọc Lâm vừa nói vừa chúm chím cười. Thầy không chú ý đến những thức ăn sáng mà Giác Chúng đã tự tay làm cho thầy.
- Tôi không hiểu tại sao thầy lại tự chuốc lấy tội vạ, tại sao thầy lại tự nhận mình là kẻ giết người, tự mang tiếng xấu vào mình?
- Điều đó không quan hệ lắm, Thúy Hồng!
- Tôi biết thủ phạm không phải là thầy, mà là người trong.... tướng phủ...
- Suît! Cô im đi, cô đừng vu oan giá họa cho người khác!
- Sao tính tình thầy kỳ quặc vậy? Thầy không hiểu nỗi lòng của tiểu thư và chúng tôi đối với thầy. Tiểu thư nói chẳng thà người chết thay thầy, chứ không thể thấy thầy chết oan.
- Giết người thì phải đền mạng, ai gây tội người ấy phải chịu. Cô về nói với Giác Chúng là trên cõi đời đã nhiều việc rắc rối lắm rồi, xin các cô đừng bày thêm trò rắc rối nữa. Giọng Ngọc Lâm như tức giận.
- Thầy đừng cố chấp quá như thế, nếu cần, tôi xin hy sinh cả tánh mệnh để đưa hung thủ ra ánh sáng....
- Thúy Hồng, xin cô đừng nói nữa! Đây không phải là việc đùa. Tôi giết người có bằng chứng rõ ràng, cô căn cứ vào đâu mà bảo người ta là thủ phạm? Cô đã vô tình vu khống cho người ta rồi!
- Trời ơi!.... Nước mắt Thúy Hồng rơi xuống như những hạt châu.
- Thúy Hồng, đừng buồn, tất cả đều do nghiệp lực, chúng ta đau đớn cũng vô ích, cần nhất là chúng ta đừng tạo ác, gây nghiệp nữa.
- Tấm lòng hy sinh của thầy thật không có bờ bến!
Thúy Hồng lau nước mắt, và vô cùng xúc động.
- Cô không nên nói thế, đó là công việc của người tu theo hạnh Bồ Tát phải làm.
Thúy Hồng mở gói thức ăn ra:
- Mời thầy dùng sáng!
- Lúc cô chưa đến, quan huyện đã cho người mang thức ăn vào cho tôi rồi. Bát vẫn còn để kia. Ngọc Lâm chỉ vào chiếc bát ở góc phòng.
- Thức ăn ở đây họ làm có ra gì, thầy hãy dùng thêm chút nữa!
- No rồi, ăn không được!
- Vậy để dành chốc nữa ăn!
- Thúy Hồng từ khi đến Thiên Hoa Am, tôi đã nhờ cô làm việc gì chưa?
Thúy Hồng tỏ vẻ hoài nghi, nhìn Ngọc Lâm:
- Chưa!
- Vậy bây giờ tôi nhờ cô một việc, cô đem những thức ăn này phân phát cho những tù nhân bên kia đi.
Thúy Hồng ngần ngừ:
- Đây là những thứ tự tay tiểu thư làm.
- Họ cũng là người như tôi vậy, cô đừng phân biệt, họ đang đói lòng, cô hãy mau lên.
Cảm thông tấm lòng thành khẩn của Ngọc Lâm, Thúy Hồng rất cảm động và đem các thức ăn chia cho mọi người trong tù.Khi Thúy Hồng trở vào thì tiếp được tờ thông cáo của quan huyện, nói rằng buổi chiều hôm ấy sẽ thẩm vấn lại Ngọc Lâm một lần nữa, mong Thiên Hoa Am sẽ cho người đến dự thính.
Thúy Hồng không dám nấn ná, vội cáo từ Ngọc Lâm rồi về ngay Thiên Hoa Am để báo tin cho Giác Chúng và tất cả mọi người trong chùa hay. Sau khi biết tin, Giác Chúng suy nghĩ một lát rồi quyết định buổi chiều đích thân lên huyện dự thính, và nói cho quan huyện biết là không thể căn cứ vào lời tự thú của Ngọc Lâm, mà phải điều tra thêm để tìm hung thủ.
Tin Giác Chúng đích thân lên huyện đã đến tai Ngô Sư Gia. Sau khi biết tin Ngọc Lâm đã tự nhận tội giết người, Ngô Sư Gia rất hài lòng. Tức khắc ông tìm cách ngăn cản Giác Chúng và tự nguyện đi thay nàng.Giác Chúng thấy Ngô Sư Gia xin đi thay, trong lòng nàng cũng mừng thầm, vì nàng cho rằng, dù sao Ngô Sư Gia đến phút cuối cùng cũng tỏ ra mình có lòng giúp người, nàng bèn đem ý định của mình dặn dò Ngô Sư Gia, và ông ta cứ luôn mồm vâng vâng, dạ dạ.Chiều hôm ấy, trong tòa công đường huyện Nghi Hưng, người ta nhận thấy có quan huyện họ Lưu, Ngô Sư Gia, mấy viên lục sự và mấy chú lính lệ. Ngọc Lâm đứng giữa công đường với thái độ rất thản nhiên, không vui mừng, cũng không sợ hãi.Tiếng quan huyện vang lên trong tòa nhà:
- Thầy Ngọc Lâm, tất cả những lời cung khai của thầy hôm qua đều là sự thật?
- Vâng hoàn toàn sự thật! Ngọc Lâm đưa mắt nhìn Ngô Sư Gia.
- Tại sao thầy giết nó?
- Tôi đã nói tất cả hôm qua rồi.
- Giết người tất nhiên phải đền mệnh, thầy không sợ chết?
- Không phải là vấn đề sợ chết, mà là vấn đề nhân quả báo ứng.
- Thầy có trối trăn điều gì không?
Một giọng than thở não nùng lẫn trong câu hỏi của quan huyện. Ông cũng cảm thấy kỳ lạ, một vị sư trẻ tuổi, đường bệ, học thức và rất hiểu đạo lý, tại sao lại làm một việc cực ác như vậy, mà cũng không sợ chết?
Ngần ngừ một lát Ngọc Lâm đáp:
- Tôi không trối trăn với ai điều gì cả, duy chỉ có mấy lời muốn dặn dò ngài.
Viên quan huyện kinh ngạc nhìn Ngọc Lâm:
- Thầy muốn dặn dò tôi?
- Vâng - Ngọc Lâm nhìn quan huyện và Ngô Sư Gia - Sau khi tôi chết, xin ngài đừng cho công bố bản án này, giả sử ngài có công bố, xin ngài đừng dùng danh từ "Sư"?
- Vâng. Đây là tội nghiệp của cá nhân tôi, "Sư" là tiếng xưng hô chung cho đoàn thể xuất gia thanh tịnh, cao khiết. Tôi không muốn cho người ta biết "Sư" giết người, nếu như thế tôi sẽ mang tội với Phật giáo, đồng thời, khiến người đời đối với các sư sinh tâm khinh ghét, mà tự chuốc lấy tội nghiệp.
- Tâm địa thầy tốt lắm, tôi quyết định sẽ làm theo ý muốn của thầy.
Trong lòng quan huyện cũng thầm nghĩ một người có lương tâm như thế nhất định không thể nhúng tay vào máu.
- Thầy còn nói gì nữa không?
- Không!
Quan huyện bảo viên thư ký ghi lấy những lời của Ngọc Lâm, rồi quay lại nói với Ngô Sư Gia:
- Một người tỳ nữ trong quý phủ bị giết, và hung thủ đã chịu đền mệnh, ý ngài thế nào?
- Tội đáng chết, xứng đáng lắm!
Ngô Sư Gia gật đầu lia lịa, và vẻ gian hùng hiện lên nét mặt.
Những lời của Ngô Sư Gia vẳng vào tai Ngọc Lâm, thầy cảm thấy đau lòng gần rớt nước mắt. Thầy lại đưa mắt nhìn Ngô Sư Gia,
nhưng hắn tảng lơ như không biết.
Vì là một chức quan nhỏ, nên quan huyện họ Lưu vẫn chưa yên lòng:
- Hiện giờ tể tướng không có đây, tôi xử như thế, ngộ sau ngài có phàn nàn gì không?
- Không sao! Không sao! Ngô Sư Gia đáp.
- Thế tại sao tiểu thư cứ muốn phủ nhận tội trạng của Ngọc Lâm.
- Là vì tiểu thư đã đi tu, không nỡ thấy người đồng đạo chịu tội, đó hoàn toàn là cảm tình đàn bà, chúng ta không thể vì thế mà bỏ phép nước.
- Hay! Phải làm đúng phép, thôi giải tán!
Quan huyện rũ áo, đứng dậy.
Ngay lúc ấy thì Ngọc Lam ngất ngưởng bước lên thềm nhà, miệng nói huyên thuyên:
- Oan uổng! Oan uổng! Cõi đời này toàn là trò oan uổng!
- Ông là sư ở đâu đến đây? Giọng quan huyện phẫn nộ.
- Tôi là Ngọc Lam, sư huynh của Ngọc Lâm, tôi yêu cầu quan huyện hãy mau mau thả em tôi ra.
- Tại sao?
- Vì chú ấy không phải là hung thủ.
- Thế ai là hung thủ?
Ngọc Lam dơ tay chỉ vào Ngô Sư Gia:
- Hung thủ ngồi ngay bên cạnh quan huyện đó!
Viên quan huyện nhìn Ngô Sư Gia chằm chặp, tất cả mọi người xung quanh đều kinh hoàng, thất sắc.
Ngọc Lâm định gàn Ngọc Lam:
- Sư huynh, sư huynh đừng....
- Không can gì đến chú - Ngọc Lam chặn ngang lời Ngọc Lâm.
Ngô Sư Gia uất ức, mắng Ngọc Lam:
- Ông chỉ ai? Đừng láo!
- Tôi chỉ ông, ông là thủ phạm đã giết Thúy Ngọc!
- Lão sư này điên - Ngô Sư Gia chỉ vào Ngọc Lam, nói với quan huyện - Ngọc Lâm giết người đã có đầy đủ bằng chứng, vả lại, chính Ngọc Lâm cũng đã thú nhận rồi.
Nghe xong, quan huyện lại ngồi xuống và nói với Ngọc Lam:
- Có phải nhà sư loạn óc không? Sao ông dám cả gan vu khống cho người trong tướng phủ? Ngọc Lâm giết người có bằng chứng hẳn hòi, hơn nữa chính Ngọc Lâm cũng đã thú nhận.
- Pháp luật không phải để bảo vệ những kẻ quyền cao, chức trọng, mà hiếp đáp dân lành, tôi không loạn óc, rất tỉnh táo và sáng suốt, tôi cũng không dám vu khống cho người trong tướng phủ, tôi nói thật, những bằng chứng ấy, người ta có thể bày đặt ra được lắm!
- Thế ông có thể đưa ra những bằng chứng nào khác không?
- Thưa quan huyện, ngài nên biết rằng, Ngô Sư Gia ghen ghét với sư đệ Ngọc Lâm tôi, ông ta sợ Ngọc Lâm làm mất ảnh hưởng của ông ta tại Thiên Hoa Am, ông ta bèn lấy trộm chuỗi tràng của Ngọc Lâm đặt vào tay nạn nhân, rồi lại lấy tiền bạc và đồ tư trang của
nạn nhân bọc vào gói cà sa của Ngọc Lâm; lúc Ngọc Lâm ngủ, ông ta lén đến lấy trộm chuỗi tràng và đánh rớt chiếc tẩu hút thuốc, hiện giờ vẫn còn nằm dưới chân giường của Ngọc Lâm, nếu ngài không tin lời tôi, lập tức hãy phái người đến tìm trước!
- Mi là kẻ ngậm máu phun người - Ngô Sư Gia sỉ vả Ngọc Lam - Mi đánh cắp chiếc tẩu của ta bỏ dưới chân giường để hại ta, thật tội mi đáng phanh thây!
Tuy mồm nói thế, song trong bụng Ngô Sư Gia thấy hoảng sợ, vì suốt từ hôm qua, ông ta tìm mãi vẫn không thấy chiếc tẩu đâu cả.Ngọc Lam vỗ vào ngực, thầy mặc một manh áo cũ rách, thầy nhìn quan huyện một lát, rồi chỉ vào Ngô Sư Gia, nói:
- Ngô Sư Gia! Ngươi không nên chối cãi, ta chưa từng đặt chân vào Thiên Hoa Am bao giờ.
- Thưa quan lớn, tôi yêu cầu quan lớn hãy trị tội nhà sư này thật nặng cho? Ngô Sư Gia nói.
Quan huyện cảm thấy vấn đề thật rắc rối, lúc đó ông không biết phải xử thế nào cho đúng.
- Ha.... Ha.... ! Trị tội ta? Các người tưởng đâu ta cũng như sư đệ Ngọc Lâm ta - Ngọc Lam chỉ vào Ngọc Lâm, Ngọc Lâm yên lặng cúi đầu - Lúc này các người có bắt Ngọc Lâm mà chặt đầu cũng được, chú ấy sẽ không kháng cự, vì chú ấy tu theo hạnh nhẫn nhục, còn ta? Ta vì muốn dẹp trừ bọn ma quỷ ác độc mới hiện thân tu hành, Ngô Sư Gia, con dao ngươi dùng để giết đứa tỳ nữ, ngươi vẫn còn dấu trong cái rương của ngươi; mảnh giấy mà ngươi ghi những kế hoạch để mưu hại Ngọc Lâm hiện giờ phút này còn nằm trong túi áo của ngươi. Tôi yêu cầu quan huyện lập tức hãy khám túi Ngô Sư Gia?Quan huyện đưa mắt nhìn mấy người lính lệ rồi hất hàm, họ đến vạch túi áo Ngô Sư Gia và móc ra một tờ giấy.Quả không sai, quan huyện thấy toàn kế hoạch mưu hại Ngọc Lâm được ghi trên tờ giấy đó.Lúc này mặt Ngô Sư Gia cắt không còn một hột máu, toàn thân hắn run lẩy bẩy:
- Tờ giấy này tôi đã đốt ngay lúc bấy giờ rồi, tại sao vẫn còn trong người tôi?
Ngọc Lam nói:
- Tờ giấy ngươi đốt là tờ giấy trắng!
- Tả hữu đâu, trói hắn lại.
Quan huyện vừa dứt lời thì lập tức mấy người lính lệ đến trói Ngô Sư Gia và đem hạ ngục. Đồng thời quan huyện lại phái người đến Thiên Hoa Am lấy con dao và chiếc tẩu hút thuốc của hung thủ.
- Thầy Ngọc Lâm - Quan huyện hỏi - Thầy là một vị sư trẻ tuổi, thầy không giết người mà tại sao thầy lại tự nhận lấy nỗi oan uổng ấy?Ngọc Lâm nhíu mày, không đáp.
- Kìa - Quan huyện hỏi sao chú không nói?
Ngọc Lam bảo Ngọc Lâm.
Ngọc Lâm thở dài:
- Xin ngài hãy giảm tội cho Ngô Sư Gia, sở dĩ ông ấy phạm tội là hoàn toàn tại tôi. Còn tôi tự nhận lấy tội là vì tôi thấy rằng Phật pháp là đạo cứu người, chứ không hại người, chúng tôi xuất gia tu hạnh của Bồ Tát, chỉ biết hy sinh chính mình để cứu giúp chúng sinh, đâu dám tiếc thân mệnh để hại chúng sinh?
- Thật là cao cả! Một chút nữa thì tôi đã làm hại một người hiền đức rồi!
Quan huyện lại tuyên bố giải tán, và ra lệnh giam Ngô Sư Gia vào căn phòng mà Ngọc Lâm đã bị nhốt mấy hôm trước, đồng thời ông mời hai anh em Ngọc Lam và Ngọc Lâm vào tư dinh ngồi uống trà.Quan huyện, Ngọc Lam và Ngọc Lâm ngồi trên những chiếc ghế da hổ.
- Hạ quan muốn quy y Phật pháp, tôn hai đại sư làm thầy, sau này mong hai đại sư chỉ dạy cho, không biết hai đại sư có bằng lòng không?
Quan huyện họ Lưu chí thành khẩn cầu Ngọc Lam và Ngọc Lâm.
Ngọc Lam rũ rũ tay áo đứng dậy:
- Ấy chết! Bần tăng không dám, bần tăng xin cáo từ!
- Đó là lòng thành thực của hạ quan, vì làm quan vốn phải che chở cho dân lành, song làm quan cũng thường oan khuất người hiền, từ nay trở đi, tôi không dám làm những việc trái với lương tâm. Pháp luật là phương pháp để đối phó với tội ác, song tôi đã từng thấy rằng những người đặt ra pháp luật đã không giữ đúng pháp; trên thực tế, pháp luật không phải là phương pháp hay nhất để đối phó với tội ác, mà chính Phật pháp mới là pháp luật hoàn hảo nhất, những người tu theo Phật pháp cao cả hơn những người đặt ra luật pháp rất nhiều! Xin hai đại sư đừng bỏ chúng tôi!
- Phật pháp mới là luật pháp hoàn hảo nhất? Ha... ha...! Ngọc Lâm ngồi xuống.
Ba người nói chuyện với nhau rất đắc ý.