1.
Tôi lớn lên nơi quê ngoại ngót ba chục năm, nên mặc nhiên trở thành
một "dân quê" chính hiệu. Lúc lên thành phố sinh sống, chiều chiều là
chảy nước mắt nhìn ra cửa sổ, nhớ câu thơ của Thôi Hiệu "Nhật mộ hương
quan hà xứ thị- Yên ba giang thượng sử nhân sầu." Phố không có sông, chỉ
có những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo uốn lượn và hoang vắng một cõi lòng...
Rồi những ngày tết, lễ, bồn chồn đôi chân muốn xuôi xe về quê cũ. Đà
Lạt, Vũng Tàu, thiên hạ kéo đi chơi, còn tôi cứ lò dò về lại đồng bằng.
Như "hội chứng chiến tranh Việt Nam" của những người lính Mỹ, tôi cũng
bị một "hội chứng nhớ quê" như thế, không trở về là tâm trí như chơi
vơi, làm cái gì cũng không ra hồn, ăn cái gì cũng không thấy ngon, bước
đi mà như mộng du giữa bốn bề phố xá. Cho nên, phải về, bằng mọi giá
phải về. Một năm, tôi ngược xuôi mấy chuyến, mệt nhoài, nhưng trở lại
phố phường mới thấy nhẹ tênh, mới tiếp tục lao đầu vào cơn lốc xoáy của
đời sống công nghiệp. Quê hương mỗi người chỉ một- như là chỉ một mẹ
thôi... Ừ, có lẽ!
2.
Cái xóm lao động nghèo ôm lấy con hẻm nhỏ. Thôi thì đủ thứ thành
phần. Anh Mẫn chạy xích lô, chú Tám honda ôm, thằng Tí xì ke, con Thủy
chiều chiều chưng diện sặc sỡ rồi ra đường đứng, bà Bảy bán bún xào, chị
Hai Dần mát-xa, chú Thành công nhân xây dựng... Chiều chiều là nghe
tiếng mấy đứa nhỏ đi rao khắp hẻm: "Giấy dò đây! Giấy dò đây!" Giấy dò
vé số, dò luôn cả số đề. Dò xong, người buồn hiu, kẻ chửi thề, inh ỏi.
Chập choạng tối là một sòng bài con nít rôm rả dưới ngọn đèn công cộng.
Bên cạnh đó, vợ anh Thẩm bán hột vịt lộn và bún cua cằn nhằn con Thúy:
"Ăn thiếu mấy bữa rồi mậy? Bữa nay thiếu nữa hả?" Nói vậy mà tay chị ta
vẫn bốc cái hột vịt đưa cho con Thúy. Nó cười hì hì: "Cho thêm rau răm
đi bà!"
Một chiếc honda chạy vù vù qua cua hẻm, suýt đụng phải một chiếc khác đi
ngược lại. "Chạy gì dữ vậy? Đồ quỷ!" Mấy con chó nhà anh Chánh được cột
ngay ngã ba đường cái để tắm, sủa lên um sùm và lắc lắc cái đuôi cho
nước chảy tràn ra hẻm, trôi xuống miệng cống gần đó. Cô Hương xách nước
tưới mấy chậu kiểng nơi ban công bé xíu của mình, cũng tranh thủ làm ướt
con hẻm không thua gì anh Chánh...
Tôi lại ló đầu ra cửa sổ, nhìn...
3.
Đang bực bội vì bài viết cứ bị sếp sửa đi sửa lại hoài, tôi buông máy vi
tính ra ngồi nơi hàng hiên hóng gió. Chợt giọng hát từ nhà ai ngân dài.
"Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi. Gác nhỏ đèn le lói
bóng dáng in trên tường loang. Tôi gối tay anh để ôn chuyện xưa cũ. Gói
trọn trong nỗi nhớ...". Giọng ca Thanh Thúy buồn não nuột một thời. Tôi
bàng hoàng. Nghe như xóm làng quê ngoại đâu đây. Những ngày xưa nơi quê
cũ, chiều chiều lại nghe tiếng nhạc vàng boléro réo rắt. Cái thứ nhạc mà
người ta vẫn coi là "sến", nhưng quá đỗi thân quen, chất chồng kỷ niệm,
làm nên cái chất của người quê hồn hậu. Và những giai điệu xuyến xao
kia cứ len vào xóm nhỏ, len vào ký ức của người xa quê, để thấy quê
hương sao gần thật là gần!...
4.
Sáng, mở cửa dắt honda đi làm, ngạc nhiên thấy đống rác hôm qua biến đâu
mất dạng. Mấy đứa nhỏ cứ ngồi trước cửa nhà xả rác, tôi bực, không thèm
quét nữa, cứ để "dơ" như thế thì khỏi đứa nào ngồi. Lũ khó ưa, ăn bánh
phồng tôm, cắn hạt dưa, xả đầy bậc thềm, lại còn chửi thề, đánh lộn.
Nhưng lạ hén, bữa nay tự động dọn rồi sao? Tôi ngó qua ngó lại, thấy bà
Bảy bún xào đang rửa dĩa kế bên. Bà cười: "Tôi quét sân, sẵn quét luôn
cho cô rồi." "Ủa, hôm nay bà không đi bán à?" "Muốn bịnh quá cô ơi, nghỉ
một ngày cho khỏe." "Bà uống thuốc chưa?" "Nhờ cô Hai Dần cạo gió là
hết liền. Cô đi làm trễ vậy?" "Dạ, không trễ đâu bà Bảy. Con đi nhe. Cám
ơn bà Bảy quét giùm cái sân." "Ối, có gì đâu!"
Ngang qua mấy con chó nhà anh Chánh đang phơi nắng, tôi rúm người lạng
xe sát hẻm. Anh ta cười: "Cô đừng sợ, nó hổng cắn đâu. Hi hi, cô thích
không, tui cho cô một con." Nhìn mấy chú cẩu đen thui, to tướng, phát
ớn. Tôi lườm: "Đem nấu lẩu thì có!" Thế là buổi trưa đi làm về, ngang
qua nhà, anh ta đã kêu ầm lên: "Lẩu cầy đây! Lẩu cầy đây!" Tôi phì cười,
vọt xe thiệt lẹ.
Chiều, bắc nồi cơm lên, mới phát hiện hết chanh hết ớt, làm sao ăn nước
mắm tỏi. Làm biếng xuống tới chợ. Chậc, "Bác Năm ơi, bác cho con xin một
miếng chanh." Bác Năm lật đật vô lục ngăn bếp. "Đây cô, cô cứ xài thoải
mái. Cô cần gì thêm không?" Tôi ngần ngừ: "Dạ... bác có ớt thì cho con
luôn..." "Hạnh, hỏi má mày còn ớt không, cho cô Kim mấy trái. Cô về nhà
đi, tui biểu nó đem qua liền à." Bé Hạnh đang chơi với bé Nga cháu bác
Năm, liền chạy ù về nhà lấy ớt đem tận tay tôi, kèm theo một nụ cười
răng sún. Tôi nấu cơm xong, múc một tô canh nóng hổi bưng qua bà Bảy.
"Bà ăn đi cho giải cảm. Canh này bổ lắm đó." Bà Bảy chớp chớp mắt, cảm
ơn lia lịa.
5.
Tôi mở cửa, nói với mấy đứa nhỏ: "Nè, tụi con đừng xả rác nghen. Ăn xong
phải lượm hết rồi bỏ vô thùng rác. Ngoan, cô thương." "Dạ, dạ..." "Đứa
nào thích đọc truyện tranh vô cô cho đọc." Lũ nhỏ reo lên: "A! Con đọc,
con đọc!" Tôi cho tụi nó vào nhà. Một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Mạnh
đứa nào nấy giựt, rồi chửi nhau... Tôi đập cây thước lên bàn: "Im nào!
Đứa nào làm rách sách cô cho ra khỏi lớp. Các con có thích học trong lớp
của cô không, cô sẽ dạy học cho các con." "Thích, thích. Mà học cái gì
vậy cô?" "Học Anh văn, học vẽ, học ca hát..." "Hoan hô! Học liền đi cô!"
"Cô chưa mua bút màu kịp. Mà thôi, bây giờ mình học ca thử nghen. Bài
Good morning. Nhìn lên bảng, lắng tai nghe nè..." Cả chục cặp mắt tròn
xoe mở to, cả chục cái miệng cùng hát theo vang trời. A ha, hay quá tụi
bây ơi...
Thế là tôi thành cô giáo bất đắc dĩ. Nhưng vui lạ lùng. Ra tới ngõ đã
nghe học trò kêu réo: "Cô Kim ơi, cô Kim ơi!" Tôi nhoẻn miệng cười liên
tục. Cứ chiều chúa nhựt, tụi nhỏ tự động ôm sách vở tới nhà tôi, có khi
má nó đi theo... ngó trộm. Tôi dành dụm tiền mua bánh kẹo thưởng cho tụi
nhỏ, kèm theo câu dặn dò: "Không được chửi thề nha." "Dạ." "Không được
đánh bạn nha." "Dạ." "Bớt đánh bài nữa nha." "Dạ." Rõ ràng, 10 phần bớt
được 4, 5... Thôi, thế là quá mừng!
6.
Lại về quê. Vui mấy ngày cùng ruộng đồng xanh mướt. Rồi lật đật trở lên.
Mấy đứa nhỏ mong cô giáo. Thằng Tí xì ke đang đi cai nghiện, gởi lời
cám ơn cô đã chăm sóc đứa con của nó. Bà Bảy lại quét sân giùm. Anh
Chánh cứ rao: "Lẩu cầy đây! Lẩu cầy đây!" Còn cậu Minh thợ mộc thì chạy
qua mượn tôi cuốn truyện cổ Phật giáo. Cậu cười: "Em coi tập 1 hết từ
hôm qua, mong chị về quá chừng để mượn tập 2." Tôi mở tủ lấy cuốn sách
cưng, vẫn còn ngạc nhiên: "Em đọc lẹ thiệt đó!"
Chiều chiều, tôi vẫn thường ngồi nơi cửa sổ, man mác trong lòng "Nhật mộ
hương quan hà xứ thị..." nhưng không còn chảy nước mắt nữa. Bởi nhìn
đâu cũng có thể thấy quê hương!
HOÀI HƯƠNG
Bão đâu ở miền Trung mà Sài Gòn mưa dầm suốt mấy ngày. Ban đêm tôi đội
áo mưa đến lớp speaking, rồi băng qua con đường dài dằng dặc xem một
chương trình sân khấu để viết bài cho báo. Giữa hai khoảng "ca đêm" ấy
là cơn đói gào bụng vì chiều chưa kịp ăn gì, và lạnh đến cắn chặt hai
hàm răng, cố giữ chặt tay ga mặc cho chiếc honda đưa mình đi. Và lao vào
hàng mì gõ như một vị cứu tinh. Ít năng lượng nạp được làm hai hàng cây
bên đường bớt "lung linh" hơn. Rồi hàng cây xếp lá ngủ yên tiễn tôi về
một đoạn đường khuya. Lại lạnh, lại nhập nhòa, lung linh, và mơ những
giấc hoài hương...
Suốt buổi sáng hôm sau trời vẫn ui ui một màu xám buồn, gió thổi những
hạt mưa bay vào cửa sổ. Những giấc mơ vẫn bồng bềnh trôi, len vào tấm
chăn mỏng, ôm ấp tôi như mẹ ấp con. Những giấc mơ chở tôi lang thang về
đồng ruộng quê mình. Mùa này nước nổi khắp Mỹ An, Hồng Ngự, Tân Hồng.
Mùa này bông điên điển nở vàng, khoe những chiếc hoa tai nhỏ xíu mà tôi
thường lúc lắc đầu cho nó rung rinh chạm vào đôi má của mình. Thôi, đừng
nói chuyện đem bông điên điển làm nhưn bánh xèo hay nấu canh chua với
cá rô đồng mập ú. Gió Đồng Tháp Mười liêu xiêu thổi về miệt vườn. Hồi
đó, mỗi lần hai chị em tôi bơi xuồng qua cầu Cái Tàu phải gồng tay giữ
cho mái dầm thật chắc. Nước cuồn cuộn chảy, ngang chân cầu lại thành
những cơn xoáy mạnh, đỏ au phù sa. Gió thổi lật vành nón lá te tua làm
chị em tôi như cái nấm rơm gãy cổ. Nấm rơm em giỏi hơn nấm rơm chị,
chuyên bơi đằng lái điều khiển chiếc xuồng. Nấm rơm chị thì giỏi hò hét,
sợ em lệch hướng. Con trai không chấp, nó cười thầm: "Chị mình nhát dễ
sợ!". Bông lục bình vùn vụt trôi qua. Nấm rơm em chỉ nghĩ tới chuyện
dưới rễ lục bình có cá bống hay không, còn nấm rơm chị lại nghĩ lát nữa
mình bẻ mấy cọng về chơi nhà chòi, lựa cọng nào bự bự làm bánh mì dồn
thịt, còn bông tím thì cắm vào cái ly mà ngắm.
Đâu có ngờ, hơn mười năm sau, nấm rơm em nằm xuống đất, cái nón lật bay
theo gió mãi mãi không về. Nấm rơm chị không khóc em ở bệnh viện, mà
khóc trên dòng sông mỗi mùa nước đổ, mỗi mùa bông lục bình giấu những
con cá bống dưới chùm rễ đen huyền. Trời ui ui thế này là dòng sông
nhiều sóng lắm, nấm rơm chị cứ vượt sông và vẫn không biết bơi đến mãi
tận bây giờ. Nhưng đã biết sợ. Sợ những bước chân tha phương kiếm sống
sẽ chôn vùi ký ức như đất đã chôn vùi em, chôn vùi bà ngoại. Sợ tuổi già
đến, chân sẽ mỏi, gối sẽ chùn, không còn bôn ba theo chuyến xe đò về
thăm quê mỗi hè, mỗi Tết. Sợ những con sóng trong lòng sẽ lắng, không đủ
sức khuấy nên những con chữ mắc nợ một đời. Một vùng quê mà tôi vác
trên vai gần ba mươi năm, lểnh thểnh tha vào cái túi ấy hình ảnh của ông
ngoại, bà ngoại, má, dì, cậu, mợ... Có người từng hiện hữu bên tôi, có
người chỉ là những lời kể xa xăm huyền thoại. Và mỗi người lại gánh trên
vai cái gánh của cuộc đời, chồng chất cả trong từng bến đình, cánh
ruộng...
Trời vẫn ui ui một màu xám buồn, nối dài thêm những giấc mơ thường bị
ngắt quãng bởi những bài báo, những tiết học Anh văn... Tôi lấy giấy ra,
thẫn thờ ghi hai chữ, hoài hương...
CÔ GIÁO
Cách đây 22 năm, khi mới bước chân vào tòa soạn một tờ báo tỉnh, tôi
được phân công đi thực tế xuống huyện để viết bài. Ngồi xe đò, một chị
bên cạnh nhìn tôi rồi hỏi: "Em là cô giáo phải không?" Tôi tròn mắt...
Ngày ấy, thời bao cấp chưa hết dư âm, cuộc sống chung của người dân còn
rất khó khăn. Nhưng khó khăn nhất vẫn là giới thầy cô giáo, đến nỗi mỗi
mùa thi đại học lại nghe nhắc câu: "Chuột chạy cùng sào mới vào sư
phạm." Cho nên, không ngạc nhiên nếu có những thầy cô giáo ra đường lại
giấu cái thân phận của mình, ai hỏi thì nói đại là làm kế toán, hợp tác
xã gì đó, nghe còn oai hơn. Đằng này, tôi chưa kịp giới thiệu mà chị đi
cùng xe lại "chẩn đoán" nghề nghiệp của tôi sai bét như thế. "Tức" hơn
nữa, là hai chữ "phóng viên" nghe còn oai gấp mấy lần kế toán, ai thèm
đổi thành cô giáo!
Mới hơn 20 tuổi, tôi nhíu mày đính chính với chị bạn đồng hành. Và sau
này, đáng ngạc nhiên là tôi còn phải đính chính nhiều lần nữa với những
người khác vì lời "chẩn đoán" tương tự. Tôi nhìn lại mình, đi đứng mạnh
dạn, lanh lẹ chứ không dịu dàng, thướt tha như cô giáo, ăn mặc lại khá
mô-đen chứ không trang nghiêm như cô giáo... Thế thì có nét gì hiện ra ở
hình tướng để người ta nói mình là cô giáo? Chỉ biết hơi bực mình, hơi
tiếc, và mong người ta biết "tui là cô phóng viên đây nè, không có dính
líu gì tới sư phạm hết á" !
Gần 20 năm sau... Bốn mươi tuổi, tôi về thăm làng quê nghèo của mình,
nơi tôi đã từ giã để lên thành phố lập nghiệp, và chợt có ý định đi dạy
học từ thiện cho các em trong xóm cũ. Nửa tháng về một lần, ôn bài sơ
sơ, rồi dạy nữ công, ca hát, trò chơi, đố vui... xem như một câu lạc bộ
văn hóa thiếu nhi thư giãn với nhau. Các em ùn ùn tới lớp, vui như ngày
hội, và gọi tôi là "cô giáo" ngon lành. Các em bớt đánh bài, chửi thề,
thỉnh thoảng có thêm kẹo bánh, tập vở, quần áo tôi mang về làm quà, hạnh
phúc rộn ràng... Còn tôi bớt buồn số phận long đong, có thêm những ngày
thở cùng cây cỏ trong lành, ngắm ruộng đồng xanh mướt...
Tôi đi chợ mua túi xách. Cô bán hàng khẽ hỏi: "Chị là cô giáo hả?" Tôi
ngẩn người. Đón xe ôm, anh lái xe vui miệng làm quen: "Chị dạy học ở
đâu?" Lại ngẩn người: "Sao anh biết tui dạy học?" "Thì nhìn tướng chị
giống cô giáo!" Rất nhiều lần như thế. Tôi nhìn lại mình. Vẫn đi đứng
lanh lẹ, vẫn ăn mặc mô-đen... Và lương bây giờ thì nói thiệt, vẫn cao
hơn lương sư phạm, còn hai chữ "nhà báo" của một thành phố lớn vẫn là...
oai hơn!
Nhưng tôi lại mỉm cười, không hề đính chính, nghe niềm vui len nhẹ vào
lòng. Có lẽ cái tâm thức đã có hạt giống yêu thương trẻ con, nên hiện ra
từ những ngày mình còn trẻ mà mình không hay biết. Đến khi trổ ra tròn
đầy thì "nghiệp" đeo mang. Mà tự mình đeo chứ không ai bắt buộc, nên
chắc phải gọi là "nguyện" mới đúng, bởi mình đeo mang trong niềm vui và
sự thanh thản.
Cuối năm ấy, hổng thèm xài kính áp tròng mà dũng cảm đeo thêm cặp kính
cận lên mắt cho... giống cô giáo. Và ai hỏi lương bi nhiêu thì tủm tỉm
trả lời: "Ít xịt hà!"
HOA HỒNG
Anh hẹn đến thăm, rồi không đến. Những giận hờn dẫn đến chia tay. Lọ hoa
hồng từ ngày hẹn vẫn còn nguyên trên bàn, tôi lì lợm không thèm thay
hoa. Cứ để đó như một chứng tích, như một viên muối xát vào lòng mỗi
ngày trông thấy, xát đến chừng nào không còn nghe đau rát nữa thì mới
thôi.
Màu hoa từ đỏ thắm, chuyển sang tái nhợt, rồi nâu bầm, khô héo. Dáng hoa
vẫn vươn cao nhưng không còn sức sống. Những chiếc lá xanh mơn mởn trở
thành những tờ mong manh tàn úa.
Tôi không biết thời gian trôi bao nhiêu... Một tháng, hai tháng... rồi
qua một cái tết. Giữa muôn hồng nghìn tía đón xuân, lọ hoa vẫn cay đắng
trên bàn, như van tôi hãy cho hóa kiếp. Tôi nâng nụ hồng trên tay, thầm
để nước mắt mình ướt đẫm một cánh hoa.
Và tôi đã trả nó về cho người đáng được nhận nó. Dẫu muộn, vẫn còn hơn
không. Dẫu là lời từ tạ, vẫn hơn là không thèm nói với nhau lời nào.
Đúng ngày Valentine, một chiếc hộp trong có duy nhất đóa hoa khô đã được
gởi đến đúng địa chỉ...
Đóa hoa sung sướng lần cuối vì dù muộn nhưng vẫn chuyển tải được thông
điệp mà nó có sứ mạng phải mang ngay từ khi tôi mới chọn nó. Tôi đã hóa
kiếp cho hoa. Và tình yêu cũng hóa thạch, không sân si, nhìn nhau như
bạn bè giản dị.
Chúa nhật, tôi cắm một đóa hoa mới vào chiếc lọ nhỏ. Cũng đỏ thắm, rộn
ràng. Tôi phải yêu bản thân mình trước khi để nỗi buồn quật ngã. Và sau
đó tặng đóa hồng này cho những đứa học trò ngây thơ nơi làng quê nghèo
khó. Tình yêu đâu chỉ hướng đến một người, hoa hồng đâu chỉ dành riêng
cho tình yêu đôi lứa? Hoa hồng còn tặng mẹ trong ngày Vu Lan, còn tặng
thầy cô giáo trong ngày 20 tháng 11, và tặng cho tất cả những ai mà ta
mở lòng trân quý. Hoa hồng cứ nở hồn nhiên, chỉ tại ta bó hẹp nó trong
chữ "ái" nhỏ bé của ta rồi bắt nó héo khô, đau đớn. Xin lỗi hoa hồng,
muôn ngàn lần xin lỗi!
SÔNG
Thị trấn An Long cách Hồng Ngự mười mấy cây số. Có một bến đò nhỏ từ thị
trấn đưa sang cù lao Tân Quới. Tôi về Tân Quới thường xuyên để dạy học
cho những đứa trẻ nghèo. Và anh đã theo tôi suốt từng chặng đường vất
vả.
Ngồi xe đò, tôi nôn thốc nôn tháo vì say xe, thì di động tít tít tin
nhắn: "Trưa em về An Long- Dạy từng chữ vỡ lòng- Mịt mù đường cát bụi-
Em vẫn cười thong dong- Từng đóa hoa vi tiếu- Tặng thiếu nhi vùng sâu-
Em tự làm sứ giả- Của Đức Phật trong lòng." Tôi mỉm cười. Anh lại ví tôi
là con của Phật, vui theo cái vui của chúng sanh. Tôi nhắn trả lời:
"Mắc cỡ quá đi. Làm có chút xíu, khen hoài." Và cơn mệt nhọc chợt biến
đi đâu mất.
Bến đò chiều gió thổi lộng tư bề. Cuối đông còn sót trận mưa phùn hiếm
hoi của đất trời phương Nam. Tôi co ro áo mỏng, cố giữ cho trang giáo án
đừng ướt. Sông gợn sóng, đò bồng bềnh trôi như một chiếc lá. Bến bãi
dần xa, những gốc bằng lăng tím biếc một màu thương nhớ đã ở lại sau
lưng... Tin nhắn lại về. "Đưa người, ta không đưa qua sông. Sao có tiếng
sóng ở trong lòng. Nắng chiều không thắm, không vàng vọt. Sao đầy hoàng
hôn trong mắt trong..."
Những hoàng hôn đầy sóng và gió nơi bến quê nghèo, nhưng trái tim đầy ắp yêu thương...
Rồi chúng tôi chia tay. Đường đời đẩy mỗi người đi một ngã. Chỉ có tôi
vẫn trở về An Long, qua cù lao dạy học. Bến đò vẫn thấm đẫm hoàng hôn,
đầy sóng và gió. Tôi khoác thêm chiếc áo mà nghe lòng vẫn lạnh, tái tê.
Đò tách bến, hàng bằng lăng tím biếc ở lại phía sau lưng...
Những đứa trẻ ra tận bến đò đón cô giáo, reo lên mừng rỡ. Học trò tôi
vẫn nghèo, vẫn ngong ngóng đợi chờ. Tôi ôm từng đứa, nước mắt chảy dài.
Thằng Quý móng tay đầy đất, lát nữa cô cắt cho. Nhỏ Ngọc sao khóc vậy,
dượng ghẻ lại đập ống heo của con lấy tiền đi uống rượu phải không? Nhỏ
Phượng bà ngoại lành cái chân bị té hôm nọ chưa? Ai nấu cơm cho con ăn
đi học?... Thôi thôi vô lớp, chia mấy cái bánh trong túi xách của cô nè.
Hông, cô đâu có khóc, tại nhớ tụi con quá chừng đó mà...
Tụi nhỏ mới chớp mắt đã cười tí toét, hồn nhiên nhai bánh ngon lành. Tôi
chui vô phòng, lau nước mắt. Ngón tay chạm vào điện thoại. Tin nhắn cũ
còn lưu. "Trưa em về An Long- Dạy từng chữ vỡ lòng- Mịt mù đường cát
bụi- Em vẫn cười thong dong..." Chợt xốn xang. Cảm ơn những câu thơ,
không bao giờ là quá khứ. Những câu thơ bây giờ mới thật sự thấm thía.
Anh đã đưa tôi qua trọn chuyến đò, mà anh đâu có hay. Nếu không có những
vần thơ ấy, có thể tôi đã dừng lại nửa chừng, chọn một con đường phẳng
phiu hơn, có thể ở bên anh nhưng mất anh mãi mãi. Còn bây giờ, anh đã
rất xa, nhưng sông lại chở anh về bến cũ, bên cạnh tôi mỗi lần mở trang
giáo án. Sông mênh mang gợn sóng, mà lòng người tĩnh lặng vô bờ. Nắng
chiều rất thắm, rơi trên từng cánh bằng lăng tím. "Em vẫn cười thong
dong..." Ờ, thì... cười. Cô giáo mang nụ cười lên lớp. Học trò đâu hiểu
vì sao. Chỉ thấy hoàng hôn ngập tràn trong những đôi mắt trong veo, để
sáng hôm sau tia nắng ấy hiện lên thành nắng mai rực rỡ.
VALENTINE CHO MÌNH
Ngày Valentine, chưa kịp có quà tặng, tôi đã đi mua ngay một bó hoa
để... tặng mình. Cắm hoa vào lọ, tôi say sưa ngắm, mỉm cười hạnh phúc.
Hoa đẹp, tôi đẹp, và cuộc đời cũng đẹp...
Ai không mong sẽ có món quà dễ thương vào ngày Valentine. Thế nhưng,
không phải ai cũng có người tặng quà. Nhiều người chỉ mang nửa trái tim,
chưa tìm được nửa kia ghép lại. Nhiều người mang trái tim tan vỡ, đớn
đau. Có người cả hai mảnh tim đều hoàn hảo nhưng "đối tác" không biết
cách tỏ bày, hoặc thiếu một chút lãng mạn. Có người lại không màng "ngày
này ngày nọ" cho mệt tâm... Rất nhiều "hoàn cảnh" để ngày Valentine
trôi đi trong thờ ơ, hoặc trong chờ đợi mỏi mòn, hoặc trong dằn vặt xót
xa...
Tôi may mắn luôn có quà Valentine mỗi năm. Nhưng tại sao phải thụ động
ngồi chờ kẻ khác yêu mình nhỉ? Tại sao không yêu lấy chính mình? Cuộc
đời của mình trước tiên do mình "quản lý", sao cứ phải phụ thuộc vào
lòng yêu ghét của người khác. Mình phải trân trọng lấy mình, vì mình chỉ
có một cuộc đời để sống mà thôi. Thế cho nên, phải yêu nó, chăm chút
lấy nó. Một đóa hoa, một bộ quần áo đẹp, hoặc một bản nhạc, một vài
tiếng đồng hồ thư giãn quên phức lo toan... thế cũng là quà. Mình tặng
mình trước khi người tặng.
Mà đời đã tặng mình nhiều thứ lắm rồi, tại mình không chịu nhìn, cứ mơ
tưởng những thứ "chưa có" nên khổ tâm. Thử nhìn lại những thứ "đang có"
sẽ thấy hạnh phúc. Những món quà vô giá mà tạo hóa, cha mẹ, xã hội đã
ban cho. Mình mấy chục tuổi là mấy chục năm được tặng quà, được yêu,
được vui, sao mình lại quên! Đời không chỉ có một ngày Valentine, mà là
365 ngày mỗi năm, mình sống trong tình yêu của biết bao người chung
quanh. Tình yêu, đâu chỉ là trai với gái, mà là với tất cả mọi người. Có
tìm được thứ tình này thì mới không dằn vặt riêng tư.
Mà mình tự yêu mình thế có gọi là ích kỷ? Không đâu. Mình không biết yêu
mình thì làm sao biết yêu người khác? Khi mình biết trân trọng bản
thân, biết nạp năng lượng cho đời mình, thì mình mới tỏa năng lượng ra
chung quanh để làm ấm áp tha nhân. Một tâm hồn lạnh lẽo, một thân xác
héo mòn, một trí tuệ cùn nhụt, sẽ không thể nào giúp ích cho ai. Một cái
đèn chỉ tỏa sáng được khi chính nó có năng lượng, có ánh sáng. Hãy chăm
sóc mình cho tử tế rồi lấy đó mà chăm sóc gia đình, bạn bè, thầy cô, xã
hội. Thế là yêu.
Những cánh hoa của tôi đang rạng ngời trong lọ, hương hoa thoang thoảng một góc nhà. Ngày Valentine của tôi...
MỌT SÁCH
Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang cả tháng nay vô Sài Gòn dựng vở Người
mang 9 án tử hình cho Nhà hát Kịch TP.HCM, nhưng còn kẹt diễn viên tìm
chưa đủ, nên ngày ngày ông la cà ở 5B bù khú với anh em nghệ sĩ. Tôi
cũng là một trong những thành viên đắc lực của nhóm 108 anh hùng Lương
Sơn Bạc, khoái "ngồi đồng" ở căn-tin Nhà hát Sân khấu nhỏ, vừa có sự
chơi đùa thân thiết với nghệ sĩ, coi nhau như bạn bè, vừa nắm được những
thông tin về sân khấu để viết bài, vừa có thể học hỏi những cái hay của
bậc tiền bối.
Có thêm cái "bản mặt" của "bác Doãn", căn-tin như tưng bừng hẳn lên. Ông
vừa uyên bác vừa hóm hỉnh, vừa sâu cay đích đáng vừa nhân hậu chí tình.
Ông tuổi Mậu Dần, sinh năm 1938, bằng tuổi má tôi, nhưng khỏe, trẻ, yêu
đời lạ lùng. Khối kẻ mê ông! Ông luôn xuất hiện với chiếc nón kết đội
trùm lên đầu, mái tóc dài buộc túm sau đuôi đích thị là "tóc em đuôi
gà". Áo thun màu tối, thường là đen hoặc xám, khoác ngoài là chiếc jean
không tay rất bụi, quần thì tùm lum những túi to đùng, thêm cái "bao tử"
da lủng lẳng trước bụng đựng di động, đủ "ngầu" rồi nhé. Miệng hoặc tay
phải luôn có điếu thuốc, nhưng chẳng thấy hút bao nhiêu, hình như chỉ
phì phèo cho vui. Rượu chẳng biết uống, thế mới hay. Vậy mà ai rủ đi
chơi cũng ô kê, rồi về than: "Chúng nó uống thì chúng nó say, còn mình
ngồi không mệt bỏ mẹ!" Nhưng ông không từ chối một cuộc chơi nào. Cũng
ham vui... bỏ mẹ! Ấy ấy, nhưng lại là một ông bố cực kỳ mẫu mực, mấy
chục năm làm "gà trống nuôi con" mà tươi cười hớn hở. Bởi cái sự yêu con
nó quá chừng da diết, nó xâm chiếm cả cuộc đời, nó cũng là một "sự
nghiệp" không kém phần rực rỡ như sự nghiệp sân khấu. Tôi muốn bắt tay
ông thật chặt, vì quá hiểu cái sự yêu con này, nó khiến tôi có thể ở vậy
hai chục năm mà không hề hối tiếc. Hóa ra mình vừa tìm thêm được một
"tri âm".
Nhưng điều "tri âm" hôm nay định viết chính là tính mê sách của "bác
Doãn". Ông đọc nhiều khủng khiếp, đông tây kim cổ gì cũng đọc và có trí
nhớ tuyệt vời lẫn giọng kể hấp dẫn, nên khi ông diễn đạt là cả bọn cứ
nghe say sưa. Ông còn nói: "Một ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt
mình ngu đi. Ôm sách vào ngực tưởng như tiền nhân đang ôm ấp lấy mình,
an ủi, sẻ chia. Chung quanh toàn là sách, cho nên nói 'ăn nằm với tiền
nhân' là thực đấy!"
Giọng nói lẫn gương mặt Doãn Hoàng Giang tràn trề tình yêu với sách. Tôi
lại giật mình. Eo ôi, sao giống nhau đến thế! Tôi cũng thuộc loại si
mê, đắm đuối vì sách, một ngày không đọc tưởng ăn không ngon, ngủ không
yên. Chỗ tôi ngủ, một bên là con nằm, một bên là sách, để đầy từ trên
đầu xuống dưới chân, còn căn nhà thì tủ sách la liệt từ dưới đất tới
trên lầu. Con mắt đụng đâu cũng phải thấy sách, tay quơ đâu cũng phải
chạm sách, vậy mới sướng. Và một ngày, sau khi xong việc cơ quan là lại
ôm cuốn sách. Trên tivi có câu quảng cáo "Ăn bóng đá. Ngủ bóng đá. Làm
việc bóng đá", thì mình cũng "Ăn với sách. Ngủ với sách. Làm việc với
sách".
Tôi có tật ngủ một đêm thức giấc mấy lần vì thói quen thường đắp chăn
cho con, cứ canh chừng đắp hoài bởi nó hay đạp chăn rồi bị lạnh. Thức
xong, muốn dỗ giấc phải có sách. Đọc khi nào mỏi mắt thì cứ ríu lại, úp
sách lên ngực ngủ luôn. Chiếc đèn học dùng làm đèn ngủ, luôn sáng trưng
trên đầu giường. Vài tiếng đồng hồ lại thức, kéo chăn lên ngực con, xong
đọc tiếp, và ôm sách ngủ tiếp. Nhiều cuốn dày cộp như Tứ Thư, Việt Nam
Phật giáo Sử luận, Lịch sử Phật giáo thế giới... nặng trịch đè lên ngực,
vậy mà vẫn ngủ ngon lành. Thật sự có cảm giác y như "bác Doãn", là thấy
tiền nhân đang ôm ấp, vỗ về, an ủi cho mình. Đọc đến người nào, thấy
người đó hiện diện sống động quanh ta, đang nhìn ta âu yếm. Tiền nhân
thương ta như cha mẹ, muốn dạy ta nên người mới lao tâm khổ trí để lại
những lời vàng ngọc.
Sách không là những trang giấy in công nghiệp, mà ta nhìn thấy trong đó
những khắc khoải thương yêu, những tấm lưng còng dưới ngọn đèn và cây
bút, những bôn ba sương gió đi rao dạy cho đời. Đọc lời Phật, hình dung
Phật chân đất đầu trần vượt núi vượt sông mà nước mắt tôi chảy dài. Đọc
lời Khổng Tử, hình dung ngài già nua vẫn lầm lũi đi thuyết khách những
ông vua coi trọng lễ nghĩa, để nhân dân bớt chịu cảnh đao thương chinh
chiến, lòng mình không khỏi rưng rưng. Đọc Nguyễn Trãi, thấy tấm lòng
"đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông" mà trang sách ướt nhòe trong đêm
vắng. Đọc Tagore khâm phục sự minh triết ẩn tàng trong những vần thơ đẹp
đẽ. Và Basho dẫn tôi đi nhẹ nhàng qua những cái giếng sâu cuộc đời để
cảm nhận một tiếng ếch vang lên giản dị... Biết bao nhiêu bàn tay tiền
nhân dìu dắt ta đi qua cõi nhân sinh này. Nhìn xuyên qua trang giấy,
dòng mực, mới thấy tình yêu cuộc sống chưa bao giờ ngừng nghỉ suốt thời
gian vô thỉ vô chung.
Hạnh phúc lắm khi được làm "con mọt sách". Bởi mình còn có đôi mắt để
nhìn rõ chữ, còn có trái tim để rung động, còn có cái đầu để suy tư.
Mình có quá nhiều thứ. Mình "giàu" hơn mình tưởng.
Nhưng thầy Phổ Hòa có lần nói đùa: "Kiếp sau Diệu Kim sẽ đầu thai làm
con mọt núp trong cuốn sách. Mà con mọt này sẽ chết vì... đói. Bởi nó
yêu sách quá, không dám gặm trang nào, thà đói mà chết!"
Úi trời, có thiệt vậy hôn?
CẦN VÀ THÍCH
Con trai rất kén ăn. Đặc biệt ghét món rau. Một hôm tôi dỗ con: "Con ăn
thử miếng đậu đũa này xem. Mẹ cưng!" Con lắc đầu quầy quậy: "Con không
thích." Tôi kiên nhẫn: "Nhưng nó bổ con à, có vitamin." Vẫn lắc đầu:
"Con không thích!"
Tôi nghiêm giọng: "Dù con không thích nhưng cần thiết phải ăn. Ở đời,
không phải lúc nào mình cũng có thể làm theo ý thích của mình. Có những
thứ cần, dù không thích vẫn phải làm. Và có những thứ thích, nhưng vẫn
không thể làm. Thí dụ, mẹ vốn thích viết văn, làm thơ, nhưng mẹ phải nén
lại để viết báo, vì đó là thứ cần để nuôi con. Nếu mẹ chỉ biết làm theo
ý thích của mình thì có khi con đang phải sống vất vả, chưa mua được
cái nhà để ở như bây giờ." Con trai im lặng, và rồi ăn hết chỗ đậu mẹ
đưa.
Một sự cố xảy ra trong cơ quan. Tôi bị tạm ngưng công việc vài tháng.
Công việc cần thiết để kiếm tiền sinh sống. Dĩ nhiên, gia đình chật vật
hẳn đi. Nhưng lạ kỳ, một cảm giác nhẹ nhàng đồng thời ập tới, bởi tự
dưng được thoát khỏi mọi áp lực về chỉ tiêu, chất lượng, cạnh tranh...
Lập tức ngồi viết văn mê mải, tận dụng cơ hội hiếm có bất ngờ này. Bao
nhiêu năm thèm cầm bút dạo chơi trong vườn văn chương nhưng hầu như
không lúc nào hở tay và rảnh óc, cứ chạy long lên vì những thứ gọi là
cần. Đến nỗi cảm giác mình không còn sống cho mình nữa, mình tan biến
thành từng mảnh vụn, mảnh này cho con, mảnh này cho má, mảnh này cho cơ
quan, mảnh này cho những đứa học trò nghèo ở miền quê... Thậm chí, lâu
lâu có người bạn lôi thơ cũ của mình ra đọc mà mình cứ tưởng... thơ ai!
Có một con người khác đang chết dần trong bản thân mình...
Thế rồi, cái xui xẻo chợt ập đến. Vùng vẫy cũng vô ích. Thôi, không sân
si, không than thở, trách móc gì hết. Buông thõng hai tay. Và xoay qua
làm cái mà mình thích. Viết, viết, và viết. Tâm trí chẳng còn bôn ba bên
ngoài nữa, liền tự quay vào trong, dạt dào ý tưởng. Hay dở chưa biết,
chỉ biết là thấy đời còn rất đáng yêu, thấy mình còn đầy sức sống. Nghệ
thuật cứu rỗi con người. Trái tim càng mềm mại và tha thứ. Nhìn đời lăng
xăng quay cuồng, sao mà ngỡ ngàng...
Thế đấy, có khi phải ráng mà thích cái cần làm. Ngược lại, có khi cần
dám sống cho cái thích, dẫu trong bước đường cùng. Đặt mỗi thứ đúng chỗ
và đúng lúc thì nó đều cứu được đời ta.
Cuối cùng, nhớ câu chuyện Tái Ông mất ngựa. Ờ, chuyện xưa mà không cũ. Được mất biết đâu mà lường nhỉ!
TRÚNG SỐ
Tôi không thích mua vé số. Bởi tôi nghĩ trúng số là một sự may mắn, mà
sở dĩ người ta may mắn là nhờ cái phước đã gieo tự đời nào. Còn tôi xét
thấy mình tài hèn phước mỏng, dễ gì nhân quả hiện ra "ngon lành" như
thế. Cho nên, khỏi mua là xong.
Và còn một lý do nữa. Tôi có người bạn, hắn hay nói: "Mua vé số là mua
niềm hy vọng. Người ta sống quá khổ sở, chỉ còn bám víu vào hy vọng mà
thôi. Mỗi ngày bỏ ra chút đỉnh tiền để nuôi hy vọng, vẫn hơn là tuyệt
vọng." Thoạt nghe, cũng thấy... có lý. Nhưng rồi tôi thử sống một ngày
với niềm hy vọng ấy, thì chao ôi, thấy cái tâm mình nó bồn chồn, vọng
động ghê lắm. Sáng, mua tờ vé số, có nghĩa là bắt đầu thấp thỏm cho tới
chiều. Cao điểm nhất là khi dò từng con số, trái tim tự dưng tăng nhịp
lúc nào chẳng hay. Vô một con, huyết áp như nhảy lên một nấc. Vô hai
con, ba con, nín thở. Và nếu như chỉ sai một con thì cái đầu thật sự nổ
tung. Giải an ủi là cái giải "độc ác" nhất đứng liền sau cái giải "độc
đắc". Thà không vô con số nào, còn hơn "vờn" nhau kiểu ấy, để rồi cuối
cùng chới với. Có người nổi cáu lên, chửi um sùm, thậm chí đập phá đồ
đạc, bứt đầu bứt tai như điên khùng.
Mỗi chiều tôi đều chứng kiến cái xóm lao động của tôi vang vang tiếng
bàn luận, la ó, bực bội, chửi thề của những người thua cuộc. Hy vọng rồi
thất vọng, nó dẫn người ta theo nó một cách khổ sở. Mà số người thất
vọng luôn nhiều hơn số người trúng giải. Nghĩa là nỗi buồn luôn nhiều
hơn niềm vui. Trò chơi may rủi vốn là như thế, kẻ may luôn ít, người rủi
thì vô cùng. Biết vậy, mà người ta vẫn theo đuổi, rồi sân si, đau khổ.
Cho nên, tôi lẩn thẩn sợ trái tim mình không chịu được những cảm xúc dao
động đó, thôi, giữ cho nó yên tĩnh suốt một ngày là hơn. Đời quá xá
động rồi, rước thêm một cái động vô mình nữa, biết trái tim có chịu nổi
không! Phiền não theo hoài là vậy!
Còn như nói mua vé số để ích nước lợi nhà, thì thôi, tôi sẵn sàng đóng
tiền từ thiện một cái rụp, miễn sao cái tâm khoẻ khoắn là được. Hơi gàn!
Thành ra, tôi thường ngoảnh mặt chỗ khác khi nghe tiếng mời mua vé số,
lắc đầu một cái là xong. Nhưng rồi một hôm, chợt nhìn thấy ánh mắt đau
đáu của thằng bé gầy còm và bà cụ già hơn 70 tuổi dắt díu nhau trên hè
phố nóng. Cái lắc đầu của tôi làm nỗi thất vọng tràn lên mắt họ. Nỗi
thất vọng xoáy vào lòng tôi. Bà cụ không mời thêm tiếng thứ hai, mà lặng
lẽ bước đi, cái lưng còng xuống như một dấu chấm hỏi mênh mông giữa
dòng đời bất tận. Tôi bàng hoàng gọi bà quay lại. Và chìa ra mấy tờ bạc
lẻ, rút đại một tấm không cần nhìn số. Gương mặt già nua như giãn ra, và
đôi mắt bồ câu của thằng bé lấp lánh niềm vui.
Thế là, từ đó, bất cứ ai mời tôi mua vé số, tôi cũng nhìn vào mắt họ.
Luôn luôn có một tia hy vọng cháy lên. Và tôi không muốn nó xẹp xuống
thành nỗi thất vọng. Tôi chỉ cần nhẹ nhàng rút một tờ mỏng mảnh thôi, là
trao tặng họ một niềm vui. Chiều đó, tôi không cần dò, cũng biết có
người đã "trúng số". Giải rất nhỏ, nhưng còn hơn thất vọng. Cứ vậy đi,
mỗi ngày tôi tặng một niềm vui, cả tôi và họ cùng trúng số, khỏi dò!
LẠI TRÚNG SỐ
Bà dì tôi trúng độc đắc. Tôi ghé nhà thăm, được bà báo cho tin vui ấy.
Gương mặt bà hớn hở, cả mấy anh mấy chị cũng cười thật tươi vì mới đi
lãnh tiền về. Tôi là đứa cháu ruột mà bà rất thương nên bà không ngại
ngần xổ bọc tiền ra và "lì xì" ngay mấy tấm polymer màu xanh lá cây mới
cáu. Tôi từ chối, chỉ lấy một tấm cho bà vui lòng. Anh tôi bàn:
– Má à, thay bộ sa-lông mới nghen. Hay mua cái tivi mới cho má coi, cái tivi cũ màn hình mờ hết trơn.
Chị tôi trề môi:
– Xí, mua cho anh coi đá banh thì có. Dụ má hả? Để tiền sửa căn gác.
Dì cười:
– Ờ, từ từ. Sửa căn gác cũng được, còn dư tiền thì mua tivi. Còn đi cúng chùa nữa chớ.
Anh chị tôi hoan hô:
– Má có phước hơn tụi con. Chừng nào má đi cúng cho tụi con đi theo nghen.
Bà dì tôi gật đầu. Cả nhà tíu tít chuẩn bị dọn cơm ăn mừng.
Tôi vừa cầm đũa thì nghe một cái xoảng. Giựt mình, muốn rớt chén cơm.
Tiếng động từ nhà hàng xóm. Rồi tiếng một người đàn bà tru tréo om lên:
– Trời ơi là trời, ngó xuống mà coi nè. Bữa nào cũng nướng hết tiền vô
mấy tấm vé số. Sáng mua, chiều xé. Còn đâu nuôi vợ nuôi con.
Con hẻm nhỏ bỗng vang động. Người phụ nữ nhảy hẳn ra hẻm, đứng gào to,
hai tay đập vào đùi chan chát. Một người đàn ông lao theo, nắm áo chị:
– Mẹ mày, có mấy tấm vé số mà chửi chồng vậy hả?
– Cả chục tấm chớ mấy tấm hả? Ông chạy xe một ngày được bao nhiêu mà mua
hết mấy chục ngàn. Chiều nay không đem về đồng nào, sáng tiền đâu đi
chợ. Ngó xuống mà coi nè trời. Tui cho cả lũ ăn nước mắm.
Người chồng hất tay một cái, chị vợ lăn kềnh ra đất, áo xống tung hê.
Gương mặt lam lũ với mái tóc rối bời không chăm sóc chợt tức tưởi oà
lên. Thằng con chừng 3 tuổi từ trong nhà chạy nhào ra ôm mẹ, cũng khóc
nức nở. Người chồng lầm bầm:
– Tối ngày như vậy biểu không nghèo mạt rệp sao được. Tao mua vé số để
hy vọng đổi đời. Tao muốn mẹ con mày sung sướng, hiểu hay không!
Chị vợ thút thít:
– Sướng đâu chưa thấy, thấy ông nướng tiền xót ruột.
– Mua một tấm làm sao giàu nổi. Mua nhiều, mới trúng số cặp chớ. Đồ ngu!
Chị vợ lại hét toáng lên:
– Tui không biết. Ngày mai ông không có tiền thì con Bé Hai nghỉ học. Nghe chưa!
Một cô bé khoảng 10 tuổi, chắc là Bé Hai, đứng nép vào hàng rào nhà dì tôi, mếu máo. Người đàn ông nghiến răng bước tới bên vợ:
– Nín chưa? Nói một câu nữa tao vả cho gãy răng. Đi vô dọn cơm. Mẹ kiếp,
chạy xe về đói rã ruột mà nghe tụi bây um sùm, ai chịu nổi hả?
Chị vợ đứng dậy, phủi quần áo, xốc nách thằng con, lấy tay quẹt mũi dãi
lòng thòng cho nó, và quẹt ngang mắt mình, để lại một đường nước mắt vắt
qua gò má. Chị nhìn cô bé đứng cạnh hàng rào:
– Bé Hai, vô dọn cơm cho thằng chả. Cha con bây ăn đi. Tao không ăn.
Con Bé Hai lủi thủi đi vô. Con hẻm nhỏ bây giờ mới im ắng lại. Mấy nhà
trong xóm ló đầu ra coi rồi thở dài ngồi nhìn. Chị tôi nói:
– Vợ chồng chú này cứ gây nhau như cơm bữa. Cũng chuyện đó thôi. Tội nghiệp!
Hạt cơm nghẹn ngang cổ tôi. Ăn xong, tôi chào dì ra về. Tôi len lén
ngoắc con Bé Hai ra đầu hẻm, dúi vào tay nó tờ giấy bạc màu xanh lá cây.
Con bé trố mắt nhìn mãi.
Tôi chạy xe mà cứ nhớ câu của Nam Cao, đại ý, cuộc đời là chiếc chăn
hẹp, hễ người này kín thì người kia hở. Trong số tiền dì tôi mới lãnh
chiều nay có bao nhiêu nỗi thất vọng và giọt nước mắt của người khác gom
vào?
TỪ GÁNH VE CHAI
Tôi có bà dì ở gần nhà nên thường sang thăm. Nhiều lần, đến đúng lúc bà
đang dọn dẹp nhà cửa, gom phế liệu bán cho hàng ve chai đồng nát. Những
chai nước tương, những vỏ lon nước ngọt, những tờ báo cũ... Chị ve chai
cân xong, nói giá 2.500 đồng. Bà bảo: "Bốn ngàn mới được. Cả đống thế
này!". Chị ve chai lắc đầu: "Cháu không có lời bà ạ. Chai nước tương rẻ
lắm, cháu mua giùm bà cùng giá với lon nước ngọt là đã hẹp cháu rồi."
"Vậy ba ngàn nhé!", bà dì tôi trả giá thêm tiếng nữa. Chị ve chai tặc
lưỡi rồi đưa tiền, chất đồ lên gánh quảy đi.
Tôi khẽ khàng: "Dì bán rẻ cho người ta một chút cũng được, tội
nghiệp..." Bà nói: "Ối chà, mấy người đó luôn ép giá, chớ họ bán lại cho
vựa lời gấp mấy lần." "Nhưng họ nghèo lắm mới đi làm nghề đó. Coi như
dì đi chùa bố thí vậy mà." "Bố thí thì có thầy ghi tên đàng hoàng, có
phước chớ con!"
Tôi biết dì mỗi lần quyên góp từ thiện cho chùa mấy trăm ngàn, cầm về tờ
giấy ghi CÔNG ĐỨC in hoa sen xanh đỏ đẹp mắt. Nhưng không hiểu sao tôi
vẫn chạnh lòng khi thấy dì không thể bố thí vài trăm bạc lẻ cho người
gánh ve chai. Hình như làm cái gì thầm lặng, nhỏ nhoi thì người ta không
thích bằng. Mỗi lần tích cóp, nhặt nhạnh, rồi kỳ kèo được vài ngàn
đồng, đến mấy chục lần mới đủ số tiền để đem vô chùa bố thí. Sao không
cho ngay lúc ấy, có đỡ nhọc thân, nhọc tâm hay không!
Nhà tôi tháng nào cũng tổng vệ sinh. Bao nhiêu là phế liệu như nhà dì,
tôi chờ những người ve chai đi ngang, gọi vào cho hẳn. Một chị có bầu
bảy tháng, bụng lặc lè, mừng rỡ nhìn đống báo cũ. Tôi nói: "Chị để dành
mà sanh. À, chị để em xách dùm ra đầu hẻm, cho chị đỡ nặng, bụng bự quá
chừng còn gánh nữa, không tốt đâu". Chị cảm ơn rối rít: "Không sao đâu
em, chị gánh quen rồi. Mà em cho chị đống chai này coi như em đãi chị
một bữa cơm trưa đó nhé." Tôi hiểu, một dĩa cơm bụi chỉ chừng 3.000
đồng, vậy mà nụ cười chị quá tươi.
Nhìn dáng chị xiêu xiêu trong hẻm nhỏ, tôi thấy hình như có một nụ cười
hài nhi đang trong bụng mẹ. Đứa nhỏ cảm thọ vui buồn qua trái tim của
mẹ, cho nên một chút xíu niềm vui tôi dâng tặng có thể đã được nhân đôi.
Mà không, phải nói là nhân ba mới đúng, bởi chính tôi cũng nhận được
niềm vui.
ĐI BỘ
Mỗi tuần, tôi cố gắng sắp xếp để có một lần tập thể dục bằng cách đi bộ.
Tôi thường đi vào buổi chiều sẫm tối, hoặc nhân lúc có vở kịch nào diễn
gần nhà thì đi bộ ra xem, coi như một công đôi việc. Đi từ đường Tôn
Đản quận 4 đến sân khấu Kịch Sài Gòn, Nhà hát lớn, Nhà hát Kịch TP.HCM,
rạp Hưng Đạo, chắc khoảng 3-4 km. Thi thoảng như hôm qua, tan suất diễn
phúc khảo tại 5B, tôi đi bộ trở lại nhà, hình như 5 km, nhờ đôi dép có
25.000 đồng mà nhẹ tênh, êm chân.
Trên đường, có biết bao nhiêu chuyện thu vào đôi mắt, bao chuyện đáng
nghĩ, đáng làm. Thảo nào nhà văn Sơn Nam viết được nhiều chuyện như thế,
bởi ông cả đời chỉ đi bộ, không hề biết chạy xe đạp hay honda, và trên
muôn dặm nẻo đường đi bộ ấy ông đã quan sát, nghe ngóng được rất nhiều.
Chạy xe, nhất là xe ô tô, ta vút qua cuộc đời nhanh quá, và trong một
cảm xúc, một tâm thế khác hẳn lúc đi bộ. Từng bước chân đặt trên đất, ta
mới có cảm giác hòa mình vào cuộc sống đang bộn bề bày ra trước mắt,
rất gần gũi, rất thông cảm với người dân.
Tôi đã từng thử mình ở các phương tiện giao thông khác nhau, và hiểu tại
sao những "ông quan" đi ô tô bóng lộn mới dễ dàng ra những chủ trương
làm khổ dân. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa không dùng ô tô, nhưng
ước gì những ông quan đó có dịp vi hành bằng chính đôi chân của mình để
lội xuống ruộng hay xuống công trường, vỉa hè, để cảm nhận đời sống
người dân cụ thể hơn. Mà thôi, chuyện người ta, lo nổi không, mình đa
mang quá không khéo buổi đi tập thể dục thư giãn trở thành buổi suy nghĩ
nặng lòng thêm...
Nhưng làm sao không nặng lòng cho được! Bên vỉa hè có những cái gánh
đang túm tụm lại với nhau, trên gánh treo lủng lẳng những chùm trứng
cút, hoặc cốm gạo, bánh đa, phía dưới thúng là non chục ổi xanh, xoài
sống, vài trái táo, trái cam... Chủ gánh đang giở hộp cơm nguội ngắt ra
nuốt vội nuốt vàng để còn chuẩn bị gánh đi bán buổi tối, trước khi trở
về khu nhà trọ chật hẹp với đôi chân mỏi nhừ. Nghe giọng nói biết ngay
họ từ miền Trung trôi dạt vào Sài Gòn kiếm sống, mỗi tháng dành dụm mấy
trăm ngàn gởi về nuôi cả gia đình. Nhìn những gương mặt khắc khổ vì mưa
nắng trên đường tha phương cầu thực, ai không khỏi thắt lòng. Nhưng họ
có lòng tự trọng, không ngửa tay xin tiền người khác, không ăn cắp, làm
bậy.
Một nhóm người khác làm thợ hồ xây dựng, kê dép ngồi trên vỉa hè đợi
nhau cùng về, trọ trẹ giọng Quảng, làm tôi nhớ chú Năm đang ở nhờ trong
chùa Long Nguyên, cũng vào đây làm hồ nuôi ba đứa con lần lượt tốt
nghiệp đại học. Ban ngày chú đi làm, không đàn đúm nhậu nhẹt, ban đêm về
chùa canh chừng cửa nẻo cho các sư cô yên lòng, có khi bửa củi, khiêng
xách dùm những thứ nặng nề, thành ra ăn hột cơm của Tam Bảo mà không mắc
nợ.
Vỉa hè có chật một chút vì những người như thế, cũng thấy vui lòng!
Nhiều khi bực mình vì phải leo xuống lòng đường mà đi, nhưng rồi bùi
ngùi bởi chỗ nào cũng thấy người nghèo, thôi đừng quá bận tâm tới cái
nồi cháo của bà này, gánh xôi của chị nọ, hay cái chỗ vá xe của chú
kia... Dù họ có làm xấu bộ mặt phố phường nhưng họ không đi trộm cắp đã
là mừng rồi. No ấm trước đã, rồi mới dám nghĩ tới cái đẹp.
Đi ngang mấy cái công viên, chợt giật mình, hầu như ghế đá nào cũng
thiết kế cùng một kiểu có những gờ nổi cao lên, phân chiếc ghế ra làm ba
khúc. Dụng ý là không cho người ta nằm lên ghế đó thôi. Mà "người ta"
nào? Chỉ có những kẻ lang thang không nhà không cửa mới tìm một chỗ ngả
lưng nơi này, chứ ai có gia đình đàng hoàng lại chịu ngủ lang. Làm ghế
như vậy thì phố phường đẹp mắt hơn, vì không có cảnh người nằm phơi bụng
mà ngủ. Nhưng nghĩ kỹ vẫn thấy bất nhẫn thế nào! Người cùng khổ, lấy
đường phố làm nhà, vẫn không yên thân. Rồi họ ngả lưng nơi đâu giữa trời
đêm mịt mù? Đặc biệt những hôm trời mưa tôi cũng đội áo nhựa bước đi,
trông thấy những người co ro dưới hàng hiên rất hẹp, chạnh lòng không
biết đêm nay họ ngủ làm sao. Thành ra cái ghế đá làm giường tự nhiên nổi
lên mấy cái gờ sao mà khắc nghiệt. Tôi cũng loay hoay giữa cái đẹp phố
phường và no ấm cho người nghèo, chẳng biết tính sao! Buồn, thấy mình
bất lực.
Trung tâm Sài Gòn sáng choang vào ban đêm. Các cửa hàng điện tử mở máy
hết công suất, quảng cáo ì xèo. Đèn hiệu nhấp nháy xanh đỏ vàng tím.
Khách ngoại quốc đi lẫn vào người Việt Nam váy áo thướt tha, son phấn
mượt mà. Niềm vui là có thực. Nhưng ở nhiều góc phố, dễ dàng trông thấy
những đứa bé đang dậy thì hoặc chuẩn bị dậy thì đang đeo bám khách, tay
cầm hoa hoặc sách, bản đồ, quà lưu niệm. Nhìn miệng các em cười mua
chuộc, nhìn trang phục bụi bặm, nghe cả tiếng các em chửi thề, tôi lo sợ
mơ hồ. Cảm giác như con cháu mình sắp bị nguy hiểm trong ánh sáng phù
hoa đó. Những cuộc đời trong trắng sớm bị đường phố nhuộm màu, tội quá!
Có khi tan hát, đi ngang những khách sạn cao cấp, thấy nhiều cô gái phấn
son rực rỡ đang đứng, biết là hẹn khách, tôi cũng thương thương. Không
biết trách ai bây giờ!
Nhưng đường phố cũng có những hạnh phúc bất chợt. Hôm qua, ngang đường
Nguyễn Thái Học, thấy hai anh chị khoảng 50 tuổi ngồi xếp bằng trên tấm
nylon, đối diện nhau, ở giữa là hai trái bắp luộc vàng tươi và một chai
nước suối rượu nho nhỏ. Anh ực một cái, xong đưa chị. Chị ngửa cổ khà
một hơi. Rồi nhìn nhau. Tôi không kềm được, mỉm cười với họ. Anh cười
lại với tôi, nét mặt rạng rỡ. Chị cũng nhe răng cười. Mèn ơi, hàm răng
sún hết trơn! Nhưng vẻ hạnh phúc trên hai gương mặt làm tôi xúc động. Họ
lam lũ lắm, vậy mà nhiều kẻ sống trong nhà lầu không có thứ họ đang có.
Mới hồi sáng, ngồi nghe ông bạn khá giả tâm sự chuyện gia đình tan vỡ,
đến chiều lại nhặt được hạnh phúc bên vỉa hè, niềm tin của tôi cứ
nghiêng lật bốn bề.
Buổi chiều, nhiều ông bố bà mẹ dựng xe xếp hàng chờ đón con tan học.
Gương mặt ai cũng tràn trề chữ nhẫn và tình thương vô bờ bến. Hồi con
tôi còn nhỏ, tôi cũng đưa đón trần ai. Giờ nhìn thế hệ tiếp theo chăm
con, thấy thương. Đời cha đời mẹ còng lưng cho con. Và những đứa trẻ
cũng "đầu tắt mặt tối" trên trang giấy. Học hành mà khổ vậy sao? Mấy ông
giáo dục ở đâu hỡi trời! Thôi, an ủi một chút là con nít còn... đi học.
Chứ sắp tới có thêm nhiều đứa bỏ học, thử coi cái nào buồn hơn! Lại chủ
nghĩa AQ!
Và buổi chiều còn có những người bán hàng ế ẩm, ngồi ủ rủ bên mớ rau
héo, mớ dưa, hành sứt sẹo, chập choạng rồi mà vẫn chưa thể dứt về để cơm
nước cho con. Tôi dừng chân, nhìn sát vào mặt họ, thu lấy cái chân dung
của một kiếp người. Đó, niềm vui chưa bao nhiêu đã vội quay về nỗi
buồn.
Đi bộ, thấy đời buồn nhiều hơn vui. Hay tại mình kỳ quặc? Có khi dầm
mình dưới trời mưa, chân liêu xiêu trong những vũng nước nhỏ, mặt lạnh
buốt và mắt nhòe đi, tự nhiên thấy đời thật mong manh. Luôn luôn là cảm
thức buồn. Đi trên chính đôi chân của mình mà vẫn như chưa chạm vào mặt
đất, vẫn chưa hiểu gì về đất, nơi ta đang sống từng ngày. Có những thứ
ẩn mình phía sau ánh sáng, làm sao để thấy, để cảm thông...
LỀ ĐỜI
Tôi thường mua thức ăn ở một ngôi chợ quận. Chợ có nhà lồng, nhưng lại
có những con đường bao quanh rất rộng, và chính nơi đó trở thành một khu
chợ "chồm hổm" khác, đông đúc không thể tả. Nhiều buổi sáng, tôi phải
len xe honda qua những gánh rau cải, gánh tàu hủ, mì căn, rồi những thau
cá, thau tép nhảy soi sói, những mẹt thịt heo lỏng chỏng, bên cạnh
những thúng cam sành xanh óng ả, những cần xé mận đỏ hồng hồng... Mệt,
vì chật, vì nắng. Nhưng được cái là, chỉ cần vói tay lựa, xong trả tiền,
rồi thảy bó rau vô rổ xe, chạy vù về nhà, khỏi cần gởi xe vô bãi mất
công. Đa số người đi chợ bây giờ là công chức, ít thời gian, phải tranh
thủ kiểu như vậy, nên chả trách cái chợ "chồm hổm" cứ tồn tại mãi...
Nhưng nó luôn tồn tại trong sự phập phồng, và trong đắng cay, nước mắt.
Bởi nhà nước đã quy định dọn dẹp lòng lề đường, tạo bộ mặt văn minh cho
thành phố, nên không thể chấp nhận những kiểu chợ như thế. Tôi thường
xuyên trông thấy cảnh truy bắt, rượt đuổi giữa những anh trật tự đô thị
và những bà, những chị buôn gánh bán bưng. Đang đi, nghe "hoét" một cái,
chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã thấy mọi người xô nhau chạy tán loạn. Từ
đằng xa, hai anh trong bộ sắc phục xanh lơ phóng xe honda tới, nhảy
xuống giằng lấy rổ rau của một chị nét mặt khắc khổ. Chị cố giằng lại
như một phản xạ, nhưng rồi phải buông tay vì biết nếu càng phản ứng thì
càng có nguy cơ bị mời về "đồn". Chị đứng nhìn theo rổ rau mà nước mắt
chảy dài. Một chị khác lật đật đẩy chiếc xe ba gác nhỏ chở chuối dạt ra
xa, nhưng không kịp nữa rồi, anh trật tự đã nắm gọn cái cân của chị
quẳng lên chiếc xe ô tô thùng của mấy anh vừa trờ tới. Cái cân kêu đánh
xoảng, chắc là gãy chớ không mong gì còn nguyên. Nét mặt chị đau đớn,
nhưng lập tức đanh lại và buông một câu chửi thề trong họng.
Thương nhất là một bà cụ hơn 60 tuổi, xăn quần gánh cái gánh cam nặng
trĩu chạy lạch bạch vô hiên của một tiệm bán tạp hóa, vài trái cam lăn
long lóc xuống mặt đường, no tròn, lắc lĩu. Vô tới hiên nhà, mồ hôi ướt
đẫm lưng áo bà ba và đôi mắt bà như còn thảng thốt... Ngoài kia, chiếc
xe của mấy anh trật tự đã đầy ắp những bó rau, những con cá, những chiếc
thau nhựa cũ mèm... Và tôi không thể nào quên được những gương mặt hầm
hừ, đanh lại, cứ như mấy anh đang rượt đuổi một thứ tội phạm gì ghê gớm
lắm.
Tôi hay đứng lặng người dõi theo cảnh ấy và tự hỏi: Ai đúng? Ai sai?
Hình như ai cũng đúng, và ai cũng sai. Mấy anh trật tự đúng, vì phải làm
tròn bổn phận nhà nước giao. Nhà nước đúng, vì phải tạo bộ mặt văn minh
cho thành phố. Còn những bà con nghèo khổ kia cũng đúng, vì họ không
còn cách nào để sinh sống, nuôi con, mới phải lăn lưng ra lòng lề đường
với số vốn vài chục ngàn chỉ đủ mua một rổ rau. Có khi số vốn ấy là tiền
vay nóng mà tôi chứng kiến rất nhiều trong cái xóm lao động của mình.
Cứ vay 100.000 đồng, mỗi ngày góp 4.000 đồng, coi như cuối tháng trả
thành 120.000 đồng. Rồi lại vay tiếp. Như vậy, làm sao họ có thể đăng ký
một cái sạp trong nhà lồng chợ với số vốn có khi là cả chục cây vàng?
Họ đành dạt ra lòng lề đường. Và trong số tiền lãi nhỏ nhoi hằng ngày,
chỉ cần bị tịch thu một món gì đó là coi như bứt vốn. Nước mắt chảy
xuống những phận nghèo...
Thương họ, rồi thương cho mấy anh trật tự, cũng lãnh đồng lương còm cõi,
mà nếu không dẹp được cái chợ chồm hổm ấy thì chắc chắn sẽ bị cho nghỉ
việc, con cái ở nhà lại nheo nhóc mà thôi. Cứ vậy, niềm vui của người
này là nỗi khổ của người khác. Biết làm sao!
Dẫu vậy, vẫn mong những gương mặt đi truy bắt kia đừng có đằng đằng sát
khí. Bởi nếu chị ta không bán rau thế này thì biết đâu chị ta đã trở
thành một kẻ cắp, gây tội ác nào đó. Hãy cho nhau một ánh nhìn thông
cảm, bởi phận tôi, phận chị đều mỏng manh như nhau!
Rốt cuộc, cái chợ chồm hổm cứ còn mãi sau bao nhiêu năm. Vẫn bán tràn ra
lề đường, vẫn truy bắt, rượt đuổi, vẫn khóc lóc, năn nỉ, vẫn chửi thề,
cay đắng... Và biết bao phận người đang bị dạt ra "lề đời" như thế,
trong khi nhiều cao ốc đang mọc lên chọc thủng trời xanh, những casino,
vũ trường sặc sụa rượu, bia, gái đẹp...
Lề đời, có khi cả đời ta chưa một lần bước qua, thấu hiểu!