1.
Ngày nhận cái thẻ rút tiền ATM, nhiều người hồ hởi. Trong nhiều lý
do, có lý do là "thấy ghét" những nhân viên văn phòng ít nở nụ cười khi
giao dịch, thậm chí còn cáu gắt, bắt chờ bắt đợi... Mối quan hệ "người -
người" được nhanh chóng thay bằng "người - máy" một cách đầy phấn khởi.
Riêng tôi lại không vui chút nào. Đơn giản vì tánh tôi không quá sùng
thượng máy móc, cứ nghĩ rằng mình phải "đối diện" với một khối sắt lạnh
ngắt thôi thà chịu khó xuống văn phòng gặp chị A, chị B mỗi tháng để
lãnh lương còn sướng hơn.
Nhưng chẳng bao lâu, cái quan hệ "người - máy" nhanh chóng gặp khủng
hoảng. Báo chí kêu ca đầy trời về cảnh xếp hàng chầu chực, rồi máy hư,
máy thiếu tiền, máy nuốt thẻ, máy trừ tài khoản vô tội vạ... Hóa ra máy
cũng "bệnh" tùm lum chứ có phải toàn vẹn đâu. Mà khổ, hồi nào chị thủ
quỹ cau có thì mình còn biết kêu ầm lên kể tội chị ấy, bây giờ cái máy
"cà chớn" như thế nhưng mình chẳng biết trút cơn giận vào đâu. Người
quản lý máy là ngân hàng thì không hiện diện trước mặt, dù mình có hét
lên cũng mình nghe chứ ai? Cái máy lạnh tanh nhìn mình chạy đôn chạy đáo
vì mấy đồng lương còm. Nó lạnh hơn nét mặt chị thủ quỹ nhiều lắm.
Chợt bồi hồi nhớ những ngày xuống văn phòng... Ít nhất còn trông thấy
chị mặc áo xanh hay áo đỏ, thay đổi mỗi ngày, thấy chị kẹp cây kẹp mới,
đeo cái vòng tay nho nhỏ xinh xinh. Hoặc bất ngờ một hôm nhận ra cô kế
toán bụng hơi to, thế là mình nói một câu chúc mừng có em bé, lại xí xọn
tư vấn cho cô mua áo bầu ở shop nào, ăn uống ra sao để dưỡng thai. Có
hôm reo lên vì lọ hoa trong văn phòng đẹp quá, ai khéo tay cắm vậy ta!
Một bữa khác thấy chị văn thư buồn hiu, hỏi thăm mới biết mẹ chị bệnh.
Rồi đến lượt mẹ mình bệnh, chị cũng hỏi thăm. Đến văn phòng, người ta
thường chỉ chăm chăm vô chuyện cần giao dịch mà quên đi những con người
đang giao tiếp với mình, thành ra không nhận thấy những chi tiết nhỏ có
thể gây trìu mến, thân thương. Mình trách nhân viên văn phòng cư xử thế
này thế nọ, nhưng chính bản thân mình cũng có quan tâm tới người ta đâu?
Hôm nay chị thủ quỹ quạu, có thể chị vừa cãi nhau với chồng. Cô kế toán
giải quyết chậm chạp, có thể đêm qua con của cô bị sốt, cô phải thức
canh, mệt mỏi. Biết bao nhiêu áp lực đè lên một con người. Đành rằng họ
không có quyền đem chuyện riêng làm ảnh hưởng chuyện công, nhưng tất cả
những áp lực đó đều có thể làm "hỏng hóc" bản thân họ, y như cái máy bị
hỏng hóc vậy thôi. Vậy, thay vì chỉ biết trách cứ một chiều, mình nên
thông cảm một chút, và có khi một câu hỏi thăm, một lời khen ngợi, một
câu chuyện vu vơ lại gắn kết rất nhanh. Xét cho cùng dù họ bị chê là
"người máy" thì vẫn gần gũi mình hơn, chứ còn cái máy thì không thể biến
thành "máy người" được. Không biết có phải là lẩn thẩn!
2.
Lại còn một cái máy khác mà tôi cũng... dị ứng. Cái máy bán nước giải
khát, đứng to đùng ngay góc phố, siêu thị, cơ quan. Văn minh? Ừ, thì...
văn minh. Nhưng tôi nghĩ hình như thêm cái máy là thêm một người thất
nghiệp, phải chi ngay chỗ đó là một bà nào đứng bán thì bà sẽ nuôi được
chồng con, có một mái gia đình no ấm. Nước mình đông dân, lại là dân
nghèo, sử dụng nhân lực chưa hết, vội vàng gì "cơ giới hóa" những chỗ
không cần thiết như thế? Có những thứ khác cần văn minh lẹ lẹ thì không
chịu lo, thí dụ như đừng xả rác, khạc nhổ, hút thuốc nơi công cộng...
Rốt cuộc, cái máy bán nước giải khát bị bỏ xó, người ta lại mua nước chỗ
bà Tư, bà Tám, vì bà có thể chiều ý từng khách hàng, ai thích ít đường,
hoặc ít đá, hoặc cà phê loãng một chút, đậm một chút... Có khi vừa thối
tiền vừa cám ơn rối rít. Cái máy dĩ nhiên không biết cám ơn, thua bà
một bàn trông thấy!
3.
Bây giờ siêu thị mọc lên như nấm, và gần như thay thế cho những cái chợ
thường bị chê là ọp ẹp, nắng thì nóng mệt, mưa thì văng sình, lại cân
thiếu, nói thách, hàng kém chất lượng...
Nhiều năm nay tôi hầu như chỉ đi siêu thị. Nhưng rồi vẫn có những lúc
bắt buộc phải đi chợ, khi có khách đột xuất, khi bị bệnh, khi thiếu món
này món kia trong thực đơn... thì thôi chọn cái chợ gần nhà cho nhanh,
cho khỏe. Rồi tự nhiên nhận ra có những điều siêu thị không thay thế
được.
Trung bình một tuần đi mua sắm một lần, để dành thức ăn trong tủ lạnh,
vậy một năm mình vô đó 52 lần, thế nhưng không quen được một ai, không
nhớ nổi gương mặt nào! Còn đi chợ mới năm lần thôi, chị bán rau cải đã
cười toe chào mình "Ủa, bữa nay đi làm về sớm ha?" Bà bán dưa hấu phẩy
tay: "Bữa nay dưa hổng ngon lắm, tui nói thiệt, vì tui biết tánh cô phải
ăn đồ ngon." Bà bán hoa ngoắc ngoắc: "Có hoa li mới về nè. Tui biết cô
chỉ thích cúng Phật bằng hoa li." Anh bán báo thì hỏi: "Thằng con chị
năm nay thi vô trường nào?" Còn chị bán đường đậu thở dài: "Tui đâu có
hay má cô mất. Thấy bà già lâu quá không đi chợ, tưởng bị bệnh thôi chứ
ai dè..." Nước mắt mình ứa ra. Vậy đó, cái không gian chợ chẳng có máy
lạnh, máy tính tiền, hóa đơn hiện đại, nhưng nó có thể "tính" ra được ý
thích, tình cảm con người.
Đến lượt mình, trả tiền nải chuối cho bà cụ mắc hơn giá siêu thị mà bụng
lại vui, vì tội nghiệp cái lưng còng của bà giữa trời nắng gắt. Buổi
chiều mua giùm mớ cải cho chị kia vì sợ cải héo chị bị lỗ. Mua trái dừa
của hai vợ chồng trẻ mới ly thân, tranh thủ khen thằng con bụ bẫm của nó
để coi có hàn gắn được không. Vài bữa sau, thấy hai đứa sáp lại bán
chung một quầy, tôi mừng không thể tả. Vậy đó, không có cái hóa đơn nào
chính xác cho tình thương đâu! Chợ còn là chợ đời, người ta có thể trao
đổi những thứ mà tiền không tính ra được.
Đời sống càng lúc càng hiện đại, máy móc đóng vai trò không nhỏ. Nhưng
cái máy nào cũng "vô tình" cả, mình đừng trách nó. Coi chừng mình biến
thành máy mới là đáng sợ!
ƯƠM MẦM
Thời khủng hoảng kinh tế, nhiều người bàn nhau tự túc nuôi trồng, nếu có
thể, để đỡ tiền chợ. Tôi cũng bắt chước theo. Vả lại, quá thèm màu xanh
của cây cỏ, thèm trông thấy luống rau, giàn đậu, hoa mướp như ngày xưa ở
thôn quê yên bình. Thôi thì, tiền chợ là một chuyện, hoài niệm mới là
chuyện lớn hơn.
Cái ban-công nhỏ xíu đã chen đầy những chậu kiểng, biết trồng rau chỗ
nào bây giờ? Phải tỉa bớt hoa nhường chỗ cho rau. Mà tỉa chậu nào đây?
Hồi tính trong đầu thì dứt khoát lắm, nhưng khi bước ra trông thấy những
chậu cây thân quen, lòng bỗng phân vân, chùng lại. Cây nào cũng "ở" với
mình cả năm, thậm chí vài năm, "bắt rễ" vào lòng rồi, nhổ lên sao khó
quá. Cây cọ gai xòe lá tròn xoe như cái dù, dễ thương. Cây tắc ra quả
tròn lúc lỉu kịp ngay mùa tết, từ màu xanh đã chín vàng nhìn chảy nước
miếng. Cây nguyệt quế hoa đã nhú trăng trắng, hứa hẹn một mùa thơm lãng
đãng dưới trăng. Cây hồng đầy búp đầu cành, sẽ đỏ rực lẫn với màu tím
hoa muống đất và màu lục của hoa thanh tú, cộng với màu mai cuối xuân
vẫn còn rạng rỡ, tạo điểm nhấn sáng ngời cho cả mảnh vườn. Rồi cây cau
kiểng be bé xinh xinh vươn thẳng người bên cạnh chậu ngân hậu và đuôi
phụng xanh mướt, mà lá của nó sẽ làm phông nền cho những lẵng hoa của
tôi cắm sau này. Mấy chậu sống đời sắp trổ hoa lần thứ tư, đủ màu cam,
hồng, vàng. Gác trên thành ban-công là mấy chậu xương rồng khiêm tốn,
không choán chỗ mà lại không cần tưới tắm gì vẫn ung dung nảy thêm cả
chùm con cháu nho nhỏ đầy gai! Thú vị nhất là chậu hoa bèo nuôi bằng lớp
bùn do chính thầy Quang Hạnh móc trong ao chùa đem từ Long An lên
"tặng". Tấm lòng ấy làm sao dám bỏ. Ui chu choa, khó mà chọn lựa cho
vừa! Rau cải và hoa, thứ nào cũng cần như nhau. Ăn cải thì no nhưng ngắm
hoa thì sung sướng lắm. Hạnh phúc đâu thể chỉ có một bề!
Cuối cùng thì cũng chọn được vài cây để tỉa, chủ yếu là những loại nào
có hai chậu thì bớt đi một, coi như "giảm biên chế". Và đặt được vài cái
khay để gieo hạt giống. Gieo hạt cải xanh, mồng tơi và rau muống. Mỗi
ngày chính tay tôi tưới hai lượt, không dám để cho lũ nhỏ tưới, sợ chúng
tưới ít sẽ khô đất mà quá nhiều cũng bị úng, hư mầm. Mấy ngày trời cứ
săm soi, trông đợi...
Ba ngày sau... Những hạt cải nhú lên trước tiên. Chà, mấy cái hạt li ti
như bụi vậy mà khoẻ gớm, chúng đẩy lớp đất vồng lên như ngọn đồi, rồi
hôm sau mới hí hí cái đầu vàng vàng của chúng ra. Đến chiều, đám "tóc"
vàng ấy biến thành hai cái lá xanh mởn và cái thân thì đã cao hơn 3 cm,
nhỏ như cọng tăm. Lẹ thiệt. Cả cái khay phủ màu xanh li ti non nớt,
khiến lòng mình rung động như đang nâng niu những em bé sơ sinh. Lũ trẻ
trong nhà cũng reo lên sung sướng. Và tụi nó mơ màng trong một viễn cảnh
giàn mồng tơi sẽ quấn quanh mấy thanh lan can inox, mỗi ngày mình sẽ ra
hái lá nấu canh, còn cải và rau muống thì đem xào và... xuất khẩu.
Dự án tiếp theo là trồng đậu đũa cho trái rủ xuống tận tầng trệt. Giám
đốc công ty Rau sạch Hoàng Kim sẽ làm giàu, ha ha ha. Căn nhà rộn tiếng
cười. Cây chưa lên mà đời đã rất xanh!
Tuần sau tôi bắt đầu dạy lại lớp Phật học cho các em sinh viên đã qua kỳ
nghỉ tết. Lại tiếp tục một cuộc ươm mầm khác, xanh hơn...
BÚP BÊ
Con trai 18 tuổi, mẹ vẫn âu yếm gọi là "búp bê". Con không mắc cỡ, đi
học về quăng cặp, dụi đầu hôn mẹ thật kêu. Tối trước khi đi ngủ cũng đưa
má mẹ hôn. Búp bê ơi! Búp bê à! Khách tới nhà nghe vậy phì cười, nhưng
riết rồi quen. Khách cũng gọi "búp bê" mà nghe lòng bâng khuâng ký ức
tuổi thơ...
Ai không có một tuổi thơ nũng nịu bên mẹ? Tuổi thơ khắc vào trái tim
người ta những ngọt ngào, êm ái. Rồi người ta lớn lên, cố làm ra vẻ một
kẻ trưởng thành, vững chãi, tự tin, nhưng thật sự trong tận cùng trái
tim vẫn thèm một chút gì âu yếm của mẹ, chiều chuộng của cha. Cho nên
người ta tìm tới tình yêu, để được nâng niu như thế. Người yêu vỗ về
những lúc ta yếu đuối, an ủi những lúc ta thất bại, động viên những lúc
ta thành công... Ta khác nào "búp bê" trong vòng tay của người yêu, như
ngày xưa là "búp bê" trong lồng ngực ấm áp của mẹ cha. Trong ta ẩn giấu
một đứa bé không bao giờ lớn, một đứa bé thèm khát tình thương. Và thật
sự, chỉ khi nào đứa bé ấy được yêu thương thì nó mới có khả năng yêu
thương người khác, nghĩa là nó được dạy cho tình yêu thương từ người
thầy đầu tiên là cha mẹ.
Có người bảo tôi làm như vậy thì con tôi sẽ trở nên yếu đuối. Tôi lại
nghĩ, chính tình thương tôi trang bị cho con sẽ là sức mạnh cả đời. Khi
nó có năng lực cho đi và đón nhận lòng yêu thương thì nó sẽ vượt qua tất
cả khó khăn. Bởi trên hết, đó còn là lòng tin vào con người, lòng tin
vào cuộc đời. Tin rằng cuộc đời vẫn còn cái tốt, người tốt, thì nó sẽ
tiếp tục hướng về mặt trời mà đi, quay lưng với cái xấu. Trái tim mềm
mại, dễ vỡ, nhưng trái tim cũng mạnh mẽ vô song, sẽ dẫn người ta đến tận
cùng chân lý.
Và những lúc vui đùa, tôi thường ghẹo búp bê: "Ai sáng chế ra con búp bê
này hay quá ta! Búp bê biết chạy xe đạp đi học ngay từ cấp 2, không cần
mẹ đưa đón. Biết thay ổ điện khi mẹ vắng nhà. Biết sửa máy vi tính khi
mẹ làm rối beng các chương trình. Biết lau nhà khi mẹ đi làm về mệt mỏi.
Thậm chí còn chiên trứng cho mẹ ăn khi bận họp không thời gian đi chợ.
Và búp bê biết đọc sách của Mạc Ngôn, Victor Hugo, nghe nhạc Trịnh Công
Sơn, Phạm Duy... Ái chà, ai mua con búp bê này một tỷ đồng cũng không
bán nhé!"
Thế đấy, con chỉ là búp bê của mẹ thôi. Không vội gì gồng mình làm người
lớn khi con còn có thể dụi đầu vào lòng mẹ. Khoảnh khắc tuổi thơ rồi sẽ
trôi qua rất mau, người ta còn có năm sáu chục năm làm người lớn với
bao nhiêu cay đắng giữa cuộc đời...
BONG BÓNG BAY
Con trai tôi mười tuổi. Vậy mà mỗi lần chiếc xe bán bong bóng đẩy ngang
cửa, tôi lại là người chạy ra trước nhất, và dụ con: "Con chơi bong bóng
nghen!" Thằng bé gật đầu liền.
Hai mẹ con ríu rít lựa. Mẹ đòi chiếc bóng xanh, con đòi chiếc bóng đỏ.
Mẹ đòi con thỏ, con thích chú mèo... Những buổi chiều đầy mây giăng
ngang góc phố, và những chiếc bong bóng cũng bập bềnh chao qua chao lại
như những cụm mây...
Hai mẹ con tôi chuyền tay nhau chiếc bóng, thả sợi dây dài ra cho bóng
lên cao rồi ngửa mặt nhìn. Có lần, người bán dán vào chiếc bóng tròn màu
đỏ một chiếc đuôi giấy xoăn xoăn, hai bên có thêm hai miếng hình tam
giác, và một chấm tròn xoe phía trước làm đôi con mắt. Con reo lên:
"Giống con chim quá mẹ ơi!". Mẹ lại bảo: "Cũng giống con cá nóc mít. Con
biết không, hồi đó nhà ngoại dưới quê nghèo lắm, mẹ và cậu Dũng phải đi
xúc cá, xúc tép về ăn. Thỉnh thoảng bắt được con cá nóc mít thì thật
vui. Nó cắn là cụt ngón tay, nên ai cũng sợ. Nhưng khi nó phình bụng ra
lại tròn vo dễ thương. Cả nhà không ăn thịt nó, mà bỏ vào thau nước coi
nó lội chơi, rồi thả nó xuống sông." Con tôi mơ màng: "Vậy con cũng gọi
đây là cá nóc mít. Mẹ ơi, bây giờ mình thả nó vào thau nước nhé." Hai mẹ
con buộc chiếc bóng vào cây đinh trên tường. Sợi dây căng ra, và mỗi
khi ngọn gió từ quạt máy thổi tới, chiếc bóng mặc tình xoay lượn. Phất
phơ cái đuôi xoăn xoăn, quạt quạt cặp vây hình tam giác, đôi mắt phản
chiếu ánh đèn cứ tròn xoe, tròn xoe... Con tôi vỗ tay: "A, con cá nóc
mít của mình đang lội kìa mẹ!" Tôi lấy ngón tay đẩy chiếc bóng. Thằng bé
hốt hoảng: "Mẹ, nó cắn cụt tay đó!" Hai mẹ con phì cười, ngồi ngắm "con
cá" bơi lội tung tăng...
Ông mặt trời khuất sau những dãy nhà lầu cao cao. Chiều chỉ còn đọng lại
những cụm mây tím buồn ngơ ngẩn. Con tôi thì thào: "Mẹ, mình thả nó
xuống sông đi!" Tôi mở sợi dây khỏi cây đinh rồi mang con cá nóc mít ra
hè đường. Xe cộ chạy như mắc cửi, những gánh hàng rong bày chật lối
đi... Hai mẹ con nắm chặt sợi dây cho con cá len lên được khoảng trời
rộng trên đầu. Nào, một, hai, ba... Thả nhé! Con cá sựng lại một giây
rồi từ từ cất mình lên cao. Lắc lư cái thân tròn vo, xoay xoay cái đuôi,
phất phơ cái vây... Hai mẹ con tôi vẫy tay chào nó. Chẳng mấy chốc trên
nền trời thẫm tím chỉ còn lại một chấm nhỏ xíu đỏ rực như tia nắng mặt
trời không bao giờ tắt...
Tôi bỗng ước ao con tôi không bao giờ lớn...
BẠN CŨ
Hai mươi sáu năm rời mái trường trung học y tế Long Xuyên, bạn bè gần
như "biệt tích". Nhân dịp đám cưới con anh bạn trong lớp, cũng tổ chức
tại Long Xuyên, cả bọn nhất quyết phải họp mặt cho bằng được. Thế là săn
tìm số điện thoại của nhau, gọi điện, mời mọc, thúc hối… Cuối cùng,
được chừng ba mươi đứa có mặt, coi như đạt hai phần ba sĩ số. Thôi, "quá
bán" đã là thành công!
Hai mươi sáu năm, thời gian đủ làm phai nhoà ký ức, xoá đi những gương
mặt thân quen giữa bộn bề cát bụi trần gian. Cho nên, gặp lại nhau có
đứa đứng sững hồi lâu không nhớ nổi tên bạn. Thậm chí không nhớ nổi
gương mặt này đã từng ngồi chung lớp. Hic, ra đường dám... chửi lộn lắm
à! Nhưng rồi cũng nhận ra nhau, thế là nhảy cỡn lên, hét ầm ĩ. Nhiều đứa
nói thiệt tình cả đêm không ngủ được vì nôn nóng. Những đứa ở rất xa
hơn 200, 300 cây số đã định không về, nhưng cũng ráng tranh thủ, bây giờ
thở phào, nếu không về thì thực sự hối hận.
Bạn cũ, mở danh sách ra xem, đứa còn đứa mất. Anh bạn mắt kính cận ra đi
trước tiên, chỉ sau mấy năm tốt nghiệp. Một cuộc đời rất buồn, cô đơn,
sinh ra bê tha, nhậu nhẹt. Một chị hiền thục, dịu dàng cũng ra đi, nghe
đâu do bệnh nặng. Một anh bạn cao kều, mảnh khảnh cũng không còn. Và vài
đứa khác không họp mặt được vì đang nằm dưỡng bệnh. Ôi, sanh lão bệnh
tử, lẽ đời đâu lạ! Nhưng vẫn bùi ngùi, da diết. Còn những gương mặt khác
biệt tăm, không biết nơi đâu. Vài đứa nghe tin tha phương cầu thực xứ
người, có khi cách hai đầu đất nước, có khi cách cả một đại dương. Không
biết bao giờ gặp lại!
Bạn cũ, nhắc lại chuyện "ngày xưa ta bé ta ngu...". Đứa nào yêu đứa nào,
đứa nào đã nên duyên và đứa nào gãy gánh giữa đường. Có thằng bạn hồi
xưa ốm nhách mà khoái con nhỏ mập ù, nên cả phòng ghẹo là "thằn lằn ôm
cột đình". Bây giờ hai đứa nhìn nhau rúc rích cười, bởi thằng bạn bây
giờ lại mập ù còn con nhỏ thì ốm lại. Thằng bạn khác lau chau nhất phòng
cứ hay cãi lộn với con nhỏ "trẻ nít" nhất phòng, không ngờ lấy nhau lại
hạnh phúc bền vững. Còn hai đứa học giỏi nhất nhì trong lớp, yêu thương
khắng khít vô cùng lại ly dị sớm nhất. Thằng bạn không đi họp mặt,
không biết có phải lý do "bận việc nhà" hay là không muốn gặp lại người
xưa. Còn con nhỏ tưởng như dữ dằn nhất trong bọn không ngờ lại có chữ
"nhẫn" vô song, một mình nuôi con để chồng di du cùng vợ bé. Một đứa
khác, chồng mới chết, chắc đang ngồi nhà gặm nhấm nỗi buồn...
Ôi, chuyện tình thời sinh viên, ngọt ngào và cay đắng, sum họp và chia
ly, dẫu sao vẫn cứ rạng rỡ, khó quên. Kể cả những mối tình đơn phương,
không dám hé môi, bạn bè vẫn nhắc lại như một nét son thật đẹp. Bởi tuổi
trẻ không bao giờ trở lại, trái tim dù rung động lần hai, lần ba vẫn
không thể trong veo như lần đầu rung động...
Bạn cũ, ngồi bên nhau nói mãi không thôi, bàn tiệc dọn ra hình như y
nguyên, không mấy ai đụng đũa. Chả bù cho ngày xưa ở ký túc xá, ăn cơm
bông cỏ, húp canh "toàn quốc", xăn quần lội ba ngày mới đụng cọng rau.
Cái thời mỗi tháng mua được con cá hay miếng thịt tem phiếu là coi như
ăn cỗ. Hè nhau đem ra khu đất trống sau trường mà nấu nướng. Cái nồi
nhôm móp méo là cả một gia tài, chỉ cần lượm thêm những miếng gỗ vụn đâu
đó là đủ ca bài Nổi lửa lên em. Nhiều đứa bạo gan, quạt than ngay trong
phòng nấu luôn, bảo vệ có đi ngang thì lật đật giấu. Cái thời lúc nào
cũng đói, cũng thèm ăn, bây giờ lại kiêng ăn, sợ béo. Vậy là no đủ, là
mừng. Nghe có đứa cất nhà lầu hai ba tầng, nhìn kiểu cách xài di động
xịn, biết bạn mình khá giả, bụng rất vui!
Bạn cũ, cuộc đời rẽ theo mỗi hướng khác nhau. Có đứa đã học lên thành
bác sĩ, có đứa giậm chân tại chỗ, thậm chí có đứa bỏ nghề, nên ngồi lặng
lẽ đắm mình trong khói thuốc. Nhìn lại lớp y bây giờ đủ cả công an, chủ
tịch, nhà báo, chủ tiệm tạp hoá, quán kem, tài xế xe hơi, chủ khách sạn
mini... thôi kệ, cũng vui! Miễn sao bạn mình sống hạnh phúc là được
rồi.
Nhưng nhân cách và tài năng hình như cũng thay đổi theo thời gian. Trong
cùng cơ quan, đứa này lại trở thành thủ trưởng của đứa kia, đôi khi khó
xử. Đứa lại quen thói quan cách, tiếp chuyện bạn mà vẫn ngả người trên
ghế thủ trưởng trong khi bạn lại ngồi nơi bàn nước ở xa xa. Bạn tức
cười, không trách, biết nó vô ý mà thôi. Một cô bạn hồi nào ăn nói vụng
về nhưng giờ lại trở thành "cô giáo" tập huấn chuyên môn cho xã, huyện,
tự nhiên dính vào nghiệp sư phạm. Một cô khác hồi nào hiền như đất giờ
lại dám chống tiêu cực, đối đầu với sếp của mình. Thằng bạn đẹp trai thì
râm ran dư luận là "bồ nhí" tùm lum... Chạnh lòng, thầm mong đừng có ai
sa ngã, xin cứ giữ mãi trái tim trong trắng của ngày xưa...
Cuối cùng, nhìn bạn, chợt thương. Gương mặt nào cũng thấp thoáng vết
thời gian. Có đứa được khen "trẻ, đẹp", nhưng thật ra chỉ là so sánh với
đứa già hơn mà thôi, chứ làm sao trẻ đẹp như xưa! Chỉ cần bạn cười là
thấy dấu chân chim. Và mái tóc cũng lẫn nhiều sợi bạc. Nhìn gương mặt
gầy của cô bạn gái, hiểu nó đã bôn ba thế nào để kiếm tiền nuôi cả gia
đình. Thấy cái trán hói của thằng bạn cũ, hình dung nó phải gồng gánh cả
một cơ quan và con đường hoạn lộ. Thôi thì cứ hồn nhiên chấp nhận tuổi
già, và dũng cảm khoe đã lên chức sui gia hoặc nội ngoại. Cuộc đời đã
hằn dấu vết lên mỗi người, hạnh phúc hay đau khổ đều hiển hiện, làm sao
giấu được.
Cho nên, vui được chút nào mừng chút đó, để hôm sau lại trở về với bổn
phận, với miếng cơm manh áo, lại cất tình bạn vào một ngăn kéo nào đó
của ký ức. Lúc chia tay không khóc, mà xe lăn bánh nước mắt mới rơi...
LỐI XƯA XE NGỰA…
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...
Câu thơ tôi học từ mấy chục năm trước chợt ùa về... Buổi trưa, nắng len
qua kẽ lá nhà vườn, xứ Tiền Giang đón chào du khách... Sau những đoạn
dài len lỏi vào vườn nhãn, vườn dừa, ai nấy thấm vui và cũng... thấm
mệt. Thế là ban tổ chức mời mọi người bước lên mấy cỗ xe ngựa đậu dài
trên con lộ nhỏ. Từ lộ ra ghe chừng 500 mét, đi bộ thì mỏi chân, thôi
thì leo lên xe, hưởng cái thú ngồi lắc lư nghe ngựa gõ móng lộc cộc, đầu
trùm nón lá quê hương, mắt tròn xoe lướt qua hàng cây xanh mướt ven bờ,
tưởng mình đang trở về quá khứ, tạm quên những nỗi nhọc nhằn cơm áo
chốn thị thành bề bộn phồn hoa...
Nhưng rồi, tôi lại chạnh lòng. Cái trái tim hình như chưa bao giờ chịu
nằm yên trong lồng ngực, dẫu khi người ta đang cố tạo cho mình một không
gian vui vẻ. Mình cứ chòi đạp ra ngoài tiếng cười nói ồn ào, cứ căng
mắt nhìn thấy những cảnh đời chật vật, ưu tư. Con ngựa vừa gõ móng được
vài phút, tôi đã dán mắt vào tấm lưng của nó đang oằn xuống vì sức nặng
của 4 người khách và 1 người chủ xe. Cái đầu nó sao mãi chúi vào mặt
đất, lầm lũi chạy, lầm lũi kéo, lầm lũi trả nợ đời. Tôi thảng thốt nhận
ra đó không phải là hình ảnh oai hùng như những chú ngựa trong phim,
tung bốn vó trên thảo nguyên mênh mông, hay lướt gió nơi trường đua danh
tiếng. Đâu là những con chiến mã lẫm liệt? Đâu là những phận ngựa tôi
đòi?
Tôi buột miệng hỏi anh chủ ngựa. Thì ra, nó là con ngựa mồ côi mẹ từ
thuở lọt lòng. Mẹ nó là ngựa đua Phú Thọ, vừa sinh con ra đã chết, nên
nó thiếu sữa, bị suy dinh dưỡng nặng, người ta loại ra, đem bán. Và nó
trở thành ngựa kéo xe, vô danh tiểu tốt nơi góc quê này. Nhưng không
hiểu nó có biết buồn hay không, chứ cái người buồn lo lại chính là anh
chủ ngựa. Từ chuyện ngựa, tôi bắt sang chuyện người, mới hiểu cái đời
đánh xe thuê như anh cũng vất vả ngày hai bữa cơm không đủ no. Chặng
đường như thế, anh chỉ thu 5.000 đồng một người khách, 4 người được
20.000 đồng, trừ tiền lúa cho ngựa, tiền thuế đóng cho nhà nước, còn lại
chừng hơn 10.000 đồng. Ngày nào khách đông thì được khoảng 3, 4 chuyến,
hôm nào vắng, cả người lẫn ngựa đói dài. Trên tuyến đường ngắn ngủn ấy
có cả chục chiếc xe, giờ nghỉ bớt vì không kham nổi. Và những chiếc xe
còn lại cầm cự với một niềm vui duy nhất là đem lại những nụ cười cho du
khách. Nhìn thấy họ như trẻ con, anh chủ xe cũng thấy vui lây. Cho nên
khi tôi "phỏng vấn" tới tấp, chỉ nghe anh kể với giọng đều đều, không
than không thở.
Chỉ có tôi là thở dài, len lén thở dài. Cuộc vui ngắn chẳng tày gang.
"Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo..." Tiếng móng gõ vào tuổi thơ vô tư, giờ
bỗng lạc điệu lạc hồn. Rồi chợt nghĩ, hình như đời mình cũng như đời
ngựa, lầm lũi chạy áo chạy cơm, chạy nhà chạy cửa, chạy lớp chạy
trường... Chạy mãi đến khi chồn chân mỏi gối mới thôi...
Tôi xuống xe, bồi hồi vuốt bờm chú ngựa nâu vàng nhẫn nhịn. Chiếc xe lại
tiếp tục kéo thêm lượt khách mới. Tôi trở về thành thị, tiếp tục những
đoạn đường dài cơm áo... Tiếng gõ lộc cộc cứ vang lên trên "nền cũ lâu
đài bóng tịch dương..."