Việc những phép lạ đôi khi được các bậc chân sư chứng đạo thực hiện ở
thế gian này đã trở thành một phần nổi bật khi người đời truyền tụng về
các ngài. Nhưng thật ra đó là một sự sai lệch không nằm trong dụng ý của
các ngài.
Trong kinh nghiệm thực tế trải qua của bản thân mình, tôi đã thấy rõ là
một vị chân sư không bao giờ sử dụng bừa bãi các quyền năng siêu nhiên
đã đạt được, trừ khi các vị đang nhắm đến một mục tiêu cụ thể nào đó, mà
thường là nhằm mục đích giáo hóa. Rất nhiều khi, tai họa ập đến với các
ngài do nghiệp quả đã gây ra từ trước, nhưng các ngài vẫn vui vẻ chấp
nhận thay vì dùng đến những năng lực huyền bí đã có được của mình.
Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở một phần sau nữa, nhưng trước hết, liệu
có hay không vấn đề phép lạ, và vì sao có thể có những hiện tượng mà
khoa học tưởng chừng như không sao giải thích được?
Việc xuất hiện các phép lạ trong lịch sử nhân loại đã không còn là vấn
đề để bàn cãi nữa. Những tài liệu từ rất xa xưa đều có ghi nhận nhiều
trường hợp phép lạ được thực hiện, và cho đến hiện nay cũng không ít
những trường hợp tương tự đôi khi được tường thuật rộng rãi trên báo
chí. Tuy nhiên, một số lớn các nhà trí thức không muốn xem đó là những
“phép lạ” hoặc “thần thông”, mà cho rằng chỉ là những hiện tượng mà khoa
học chưa giải thích được.
Trong một chừng mực nào đó, quan điểm này là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì,
cùng với sự tiến hóa của khoa học, rất nhiều hiện tượng trước đây được
xem là phép lạ thì giờ đây đã được giải thích rõ và trở nên quen thuộc
trong nhận thức của con người.
Tuy nhiên, vấn đề vẫn tồn tại ở điểm là, vì sao người ta có thể thực
hiện được những điều đó bất chấp cả những kiến thức khoa học còn giới
hạn vào thời điểm ấy? Hay nói cách khác, khoa học chỉ làm công việc chạy
theo sau để giải thích những gì đã xảy ra trong thực tiễn, thay vì là
thực hiện được một cái gì đó khả dĩ có thể gọi là phép lạ.
Hơn thế nữa, còn có nhiều trường hợp mà khoa học chỉ có thể thừa nhận là
đúng nhưng không sao giải thích được làm thế nào một bậc giác ngộ có thể
đạt được khả năng ấy.
Nếu ai đã từng trao đổi về giới không sát sinh với các vị tu sĩ Phật
giáo, hẳn đều đã được nghe các vị nhắc đến một câu kệ đã xuất hiện từ
thuở xa xưa.
Kệ rằng:
Phật quan sát thấy trong mỗi một bát nước,
Có tám vạn bốn ngàn sinh vật.[3]
Người xuất gia theo giới luật phải trì tụng một câu thần chú để chú
nguyện cho chúng sanh trước khi uống nước, vì Phật dạy rằng trong nước
có các loài sinh vật, cho dù vào thời ấy kính hiển vi chưa hề có trong
kiến thức khoa học, và dùng mắt thường thì không ai có thể nhìn thấy
được bất cứ loài sinh vật nào trong một bát nước sạch.
Ngày nay, khoa học đã có thể thấy rõ lời Phật dạy như trên là đúng, vì
trong nước quả có rất nhiều loài vi khuẩn sinh sống. Nhưng bằng cách nào
mà đức Phật có thể thấy được điều đó từ cách đây hơn 25 thế kỷ thì người
ta không sao giải thích được!
Một ví dụ khác có thể được tìm thấy trong kinh A-di-đà, một bản kinh
được người Phật tử trì tụng rất thường xuyên.
Trong bản kinh này, khi dẫn chứng đến việc chư Phật ở các thế giới khác
đều chứng minh cho tính xác thực của kinh A-di-đà, đức Phật Thích-ca đã
có một đoạn nhắc đến “các thế giới ở phương dưới”.[4]
Điều này hoàn toàn vượt ngoài kiến thức của khoa học vào thời ấy, vì
không ai có thể ngờ rằng quả đất chúng ta lại “treo lơ lửng” giữa hư
không mà không tựa vào đâu cả. Ngay cả đến việc quả đất hình tròn cũng
rất lâu về sau người ta mới biết được, vì từ thời cổ người ta vẫn tưởng
là quả đất hình vuông!
Trong kinh Kim Cang, chúng ta cũng tìm thấy một đoạn khác cụ thể hơn.
Phật nói với trưởng lão Tu-bồ-đề rằng:
“Tu-bồ-đề! Hư không về phương nam, phương tây, phương bắc,[5]
bốn phương phụ, phương trên, phương dưới có thể suy lường được chăng?”[6]
Ở đây Phật đã nhắc đến hư không về phương dưới. Một thực tế ngày nay
chúng ta đều biết, nhưng hoàn toàn vượt ngoài hiểu biết của khoa học vào
thời điểm cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ rằng những năng lực của con người được
đạt đến bằng vào sự tu tập giác ngộ đã vượt rất xa so với những kiến
thức đạt được bằng vào sự suy diễn và chứng minh. Cả hai phương thức này
xét cho cùng nếu đã chính xác thì không hề dẫn đến sự mâu thuẫn nhau,
nhưng khoảng cách giữa cả hai thì có vẻ như chưa bao giờ bị triệt tiêu
cả.
Mặc dù năng lực thần thông là một trong những kết quả của việc tu tập
đạt đến giác ngộ, nhưng đó không phải là điều mà người tu tập chân chính
nhắm đến. Bởi vì, xét cho cùng thì hết thảy mọi phép lạ cũng không giúp
ích được gì cho sự giải thoát khỏi những hệ lụy của cuộc đời.
Chính đức Phật đã nhiều lần cảnh báo các đệ tử của ngài không được lạm
dụng khả năng thần thông đã đạt được, mà cần phải tập trung nỗ lực, hết
sức tinh tấn trong việc tu tập để đạt đến sự chứng ngộ hoàn toàn.
Câu chuyện sau đây có thể được hiểu như một ví dụ minh họa rất rõ cho
quan điểm này.
Một vị thiền sư có việc phải đi qua sông. Ông đang ngồi chờ đò thì có
một đạo sĩ ngoại đạo cũng vừa đến. Ông này nhìn vị thiền sư với ánh mắt
khinh thường, rồi lấy chiếc nón đang đội trên đầu xuống, ông thả lên mặt
sông, đứng trên đó và lướt đi qua đến bờ bên kia chỉ trong nháy mắt.
Lát sau, vị thiền sư qua sông trên một chuyến đò. Trong khi ông vừa lên
khỏi bến sông để tiếp tục hành trình thì vị đạo sĩ liền xuất hiện trước
mặt ông. Đạo sĩ xấc xược hỏi:
– Này ông kia, ông tu hành như thế nào mà không đạt được thần thông, để
đến nỗi phải ngồi chờ đò một cách tội nghiệp như thế?
Thiền sư ngước nhìn và từ tốn hỏi:
– Đạo trưởng tu luyện bao lâu để đi được trên mặt sông như thế?
Đạo sĩ đáp:
– Ta tu luyện đã hơn hai mươi năm rồi.
Vị thiền sư lẩm bẩm như chỉ nói cho chính mình nghe:
– Ôi, đắt quá, đắt quá!
Đạo sĩ ngạc nhiên, liền gạn hỏi:
– Ông nói đắt quá là nghĩa gì thế?
Thiền sư đáp:
– Bần tăng vừa rồi chỉ trả có một đồng xu cho người lái đò để được chở
qua sông. Còn đạo trưởng để làm được việc ấy phải mất hơn hai mươi năm,
như vậy không phải là một giá quá đắt hay sao?
Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rõ việc đạt đến thần thông
không hề là mục đích của một người tu hành chân chính.
Điều này cũng có thể được thấy rõ ở điểm là, sự an lạc của một người tu
tập không đến từ những phép lạ, mà từ trình độ nhận thức và sở đắc về
tâm linh đạt được qua công phu hành trì pháp môn mình đã chọn.
Tuy nhiên, thần thông hay phép lạ vẫn là một hiện tượng có thật khiến
cho con người luôn luôn thắc mắc và không sao hiểu được. Dựa trên những
nguyên tắc nào để phát sinh những điều huyền bí mầu nhiệm vượt ngoài các
quy luật vật chất thông thường?
Một trong những điểm chung thường thấy ở hầu hết các trường hợp xuất
hiện của phép lạ là sự có mặt đồng thời của đức tin. Hay nói một cách
khác, khi không có đức tin, hoặc đức tin không đủ sâu vững thì không thể
có phép lạ.
Một kiểu phép lạ thường được nhiều người biết đến nhất là sự linh ứng
của các lời cầu nguyện. Khi một lời cầu nguyện được thực hiện với niềm
tin tưởng sâu xa, sự linh ứng hầu như chắc chắn sẽ xảy ra. Việc thoát
khỏi những căn bệnh bất trị, những trường hợp tai qua nạn khỏi hoặc rất
nhiều sự linh nghiệm khác... đã thường xuyên được biết đến mà không ai
nghi ngơ gì.
Điều cần nói ở đây là đức tin sâu xa lại không xuất phát từ kiến thức
khoa học. Khi người ta đặt niềm tin vào một lời cầu nguyện, đó không
phải là kiểu niềm tin như hai với hai là bốn... Hay nói một cách khác,
tiền đề để một sự linh ứng mầu nhiệm xảy ra là người cầu nguyện vốn đã
chấp nhận sự linh ứng, mầu nhiệm ấy ngay từ khi nó chưa xảy ra mà không
đòi hỏi phải có một sự giải thích hợp lý nào.
Mối quan hệ giữa đức tin và phép lạ cũng cần được hiểu rõ thêm ở điểm
nữa là, rất nhiều khi phép lạ được thực hiện để mang lại niềm tin, nhưng
đó chỉ là một kiểu niềm tin để bắt đầu. Kiểu niềm tin này không đủ sức
để tự nó mang đến một phép lạ khác, nhưng đó lại là điểm khởi đầu rất
tốt để đạt đến một niềm tin sâu vững về sau.
Sự mầu nhiệm không đạt đến khi người hành giả vì bất cứ một lý do nào đó
còn có sự nghi ngờ trong lòng. Ngày kia, có vị tăng đi ngang qua một
thôn vắng vào lúc trời sắp tối. Trên nền trời đã tắt nắng, ông nhìn thấy
một vùng hào quang tỏa sáng từ một căn nhà tranh nhỏ ở cuối làng. Lấy
làm lạ, ông liền tìm đến căn nhà ấy. Thì ra, trong nhà có một bà già
đang trì chú Cát tường.[7]
Lấy cớ xin nghỉ đêm lại,
ông dò hỏi xem bà già này đang tu tập pháp môn gì. Nhưng thật ra bà
không có hiểu biết gì khác ngoài bài thần chú Cát tường được một vị du
tăng dạy cho bà cách đó 3 năm. Từ khi học được, ngày nào bà lão cũng trì
tụng một cách rất chí thành. Quả thật, gia đình bà và cả ngôi làng nhỏ
này đã ba năm qua sống bình yên, mưa thuận gió hòa và không hề xảy ra
một tai họa nào.
Vị tăng liền bảo bà lão đọc câu chú cho ông nghe và nhận thấy bà lão đã
đọc sai một chữ. Ông liền đọc lại cho bà nghe và chỉ ra chỗ sai để đề
nghị bà sửa lại.
Hôm sau ông từ biệt ra đi. Và phải mất một thời gian sau ông mới lại có
dịp trở lại ngôi làng. Điều thay đổi đầu tiên ông nhận thấy là cũng vào
giờ giấc như lần trước, nhưng ông không còn nhìn thấy vùng hào quang tỏa
lên từ căn nhà tranh kia. Trên đường vào làng, ông nhìn thấy một khu đất
trống với dấu vết của một trận hỏa hoạn vẫn còn rất rõ. Hỏi ra mới biết
đã có một người chết và ba căn nhà kế nhau bị thiêu rụi.
Rất kinh ngạc, ông tìm đến nhà bà lão hôm trước. Sau khi chào hỏi, ông
nói:
– Thưa lão bà, phải chăng người đã không còn trì tụng thần chú Cát tường
như trước kia nữa?
Bà lão đáp với vẻ ngạc nhiên:
– Tôi vẫn trì tụng bình thường như trước đấy chứ. Hơn nữa, tôi đã nhớ
sửa lại chỗ sai như ngài chỉ dạy. Mặc dù điều đó thật khó khăn và tôi
vẫn rất hay lầm lộn qua lại giữa chữ đúng và chữ sai ấy.
Vị tăng liền hiểu ra mọi việc. Chính sự thay đổi do ông yêu cầu đã đánh
mất đi hiệu lực của việc trì tụng thần chú. Vì cho rằng trong câu chú có
chỗ sai, nên bà lão đã sinh tâm nghi ngờ, không còn tin tưởng tuyệt đối
vào việc trì tụng của mình nữa. Mặt khác, do ý niệm sửa sai trong khi
trì tụng, bà đã bị phân tán tư tưởng mà không còn tập trung được như
trước kia!
Và việc tập trung tư tưởng, hay định tâm, cũng là một yếu tố quyết định
khác được tìm thấy trong những trường hợp phép lạ được thực hiện. Khi
người ta phân tán tư tưởng vào nhiều việc, ý chí sẽ không đủ sức mạnh để
làm nên những điều vượt khỏi các giới hạn thông thường, hay nói khác đi
là không thể có phép lạ.
Mặt khác, định tâm và đức tin là hai điều hỗ tương cho nhau và rất
thường phải đi đôi với nhau. Khi có một đức tin vững chắc người ta mới
có thể định tâm, và chính việc định tâm làm củng cố thêm niềm tin sâu
vững.
Sự thể hiện thần thông có thể là đề tài lôi cuốn sự quan tâm của rất
nhiều người, nhưng ngay từ xưa, các bậc chân sư chứng ngộ đã rất dè dặt
trong việc thực hiện phép thần thông. Trong những trường hợp nghiệp quả
đã chín muồi, một vị chân sư thà rằng thọ nhận tai nạn hay tật bệnh chứ
không dùng đến năng lực thần thông của mình để tránh né.
Một trong các đại đệ tử của đức Phật là ngài Mục-kiền-liên, đã nổi tiếng
với việc nhìn thấu địa ngục để thấy mẹ mình là bà Thanh-đề đang chịu tội
khổ và khẩn cầu với Phật chế tác ra phép Vu-lan-bồn để cứu độ cho mẹ,
vẫn còn được áp dụng cho đến tận ngày nay. Thế nhưng Đại đức
Mục-kiền-liên đã mặc nhiên chấp nhận cho các tà sư ngoại đạo hành hung
mình đến chết tại xứ Magadha mà không hề sử dụng đến năng lực thần thông
đã chứng đắc.[8]
Bản thân đức Phật cũng rất nhiều
lần từ chối không sử dụng đến thần thông, và luôn khuyến cáo các đệ tử
rằng đó không phải là mục đích của việc tu tập.
Cho dù vẫn còn có rất nhiều sự hoài nghi và những hiện tượng thực tế đã
xảy ra thách thức kiến thức khoa học của con người, nhưng đức tin và
phép lạ luôn là một trong những vốn quý trong lịch sử tồn tại của loài
người mà những ai mong muốn có một cuộc sống hoàn thiện về tinh thần
không thể không quan tâm tìm hiểu.