Thể loại sách khác
Xứ Phật huyền bí
Nguyễn Hữu Kiệt dịch
17/07/2554 01:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tu sĩ Keshab là một trong các đệ tử của đức thầy Lahiri Mahsaya. Việc đến viếng thăm ngài cũng là một phần trong kế hoạch thu thập tư liệu về thầy Lahiri Mahsaya.

Tôi đã tận dụng mọi cơ hội có thể được để chuẩn bị việc cho ra đời một cuốn tiểu sử của thầy Lahiri Mahsaya. Cho đến nay tôi đã có được trong tay những tập hồ sơ rất dày, kèm theo với những hình ảnh, thư từ và các văn kiện có liên quan. Tuy nhiên, tôi chưa dám bắt tay vào công việc biên soạn vì muốn dành thêm thời gian để kiểm chứng các tư liệu. Tôi hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng của một cuốn tiểu sử như thế. Nếu không thận trọng, nó có thể sẽ phác họa không chính xác, đầy đủ về con người và hành trạng của đức thầy. Và điều đó sẽ rất tai hại, vì có thể khiến cho người ta hiểu sai về đức tôn sư. Hơn thế nữa, các đệ tử của ngài hiện nay còn sống rải rác ở khắp nơi chắc chắn sẽ có những phản ứng mạnh mẽ nếu điều đó xảy ra.

Một vài người trong số các đệ tử của tôn sư Lahiri Mahsaya khi biết được ý định của tôi đã không tán đồng và nói:

– Ngôn ngữ thế gian không thể diễn tả hết được hành trạng của một bậc thánh nhân.

Và như vậy, một số đệ tử của tôn sư chỉ muốn giữ gìn hình ảnh tôn quý của người trong tâm tưởng họ, và không muốn hình ảnh ấy được miêu tả lại cho những người khác, vì họ e rằng sẽ không đạt được sự trung thực, chính xác.

Cho dù vậy, theo như chính ước nguyện của tôn sư Lahiri Mahsaya, ngài biết rằng một bản tiểu sử của ngài, nếu được biên soạn một cách trung thực và chính xác, sẽ giúp ích rất nhiều cho việc xác lập niềm tin nơi những người học đạo. Và tôi cũng tự biết là mình có trách nhiệm thực hiện ước nguyện đó của ngài. Bất cứ nơi nào tôi đi đến, tôi tận dụng mọi cơ hội để thu thập những tư liệu, những chuyện kể... có liên quan đến ngài.

Và hiện nay, với một số lượng rất nhiều tư liệu trong tay, khó khăn lớn nhất của tôi là cần phải gạn lọc và kiểm chứng lại mức độ chính xác của từng mẩu tư liệu, trước khi sắp xếp chúng một cách hệ thống để có thể hình thành một bản tiểu sử rõ ràng và chính xác.

° ° °

Khi đến Brindaban, chúng tôi được đón tiếp một cách nồng nhiệt và có vẻ như nơi đây đã biết trước chuyến viếng thăm này. Điều đó có làm cho tôi hơi ngạc nhiên nhưng không tiện nói ra.

Đạo viện Brindaban là một tòa kiến trúc đồ sộ nằm trong một vườn hoa rộng rãi và xinh đẹp bao quanh. Ra đón chúng tôi từ ngoài cổng, tu sĩ Keshab đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ ngay từ đầu với vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cho dù ông đã 90 tuổi. Ông để râu tóc dài và đã bạc trắng như tuyết, với đôi mắt sáng tinh anh và nụ cười vui vẻ, cởi mở. Trông ông có vẻ giống như một vị tộc trưởng đạo mạo và đáng kính.

Sau khi chào hỏi và chuyện trò được một lúc, tôi trình bày việc viết tiểu sử của tôn sư Lahiri Mahsaya, và dự định sẽ nhắc đến tu sĩ như một trong những cao đồ của tôn sư. Tôi nói:

– Vì thế, tôi hy vọng sẽ được nghe qua về cuộc đời của ngài.

Tu sĩ cười và nói một cách khiêm tốn:

– Cuộc đời tôi thật ra cũng chẳng có gì đáng nói đến. Phần lớn những năm tháng đã qua, tôi sống trên dãy Hy Mã Lạp Sơn xa xôi hẻo lánh, và cũng chẳng ở yên một nơi nào trên đó. Tôi thường xuyên đi bộ từ hang động này đến hang động khác như một cách để rèn luyện tâm ý. Về sau, tôi về sống ở một đạo viện nhỏ gần Hardwar, nằm giữa một rừng cây lớn. Đó là một nơi rất lý tưởng, yên tĩnh và rất ít khách viếng thăm, vì nổi tiếng là có rất nhiều rắn hổ mang.

Ông bật cười sau khi nêu ra lý do ấy. Rồi tiếp:

– Rồi có một trận lụt lớn đã xảy ra, làm sụp lở và cuốn trôi nguyên một phần vùng đất ấy, cả đạo viện và các ổ rắn hổ mang nữa. Vì thế, các đệ tử của tôi mới tự nguyện xây dựng đạo viện Brindaban này cho tôi.

Tôi hỏi ông về thời gian sống trên dãy Hy Mã Lạp Sơn:

– Khi ngài đi lang thang khắp nơi trên vùng núi ấy, lẽ nào ngài không sợ bị cọp dữ ăn thịt?

Tu sĩ lại cười:

– Tất nhiên là điều đó cũng có thể xảy ra. Nhưng tôi cũng đã chấp nhận sự thật là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Dù là chết vì cọp hay chết ở một xó bếp trong nhà, chung quy thì cũng vậy thôi. Có điều tôi đã may mắn không phải gặp cọp nhiều lần lắm.

Tôi hỏi một cách tò mò:

– Nói thế có nghĩa là ngài cũng đã có gặp cọp?

– Vâng, một đôi lần thôi. Khi tôi bất ngờ nhìn thấy chúng từ xa, chúng thường đứng sững lại. Khi tôi thản nhiên đi tới thì chúng quay đầu phóng chạy mất. Vì thế, tôi không nghĩ là chúng có ý muốn làm hại tôi.

Tu sĩ lại cười lớn sau khi kể lại kinh nghiệm rợn người ấy. Ông nói tiếp:

– Thỉnh thoảng tôi cũng xuống núi để viếng thăm sư phụ ở Bénarès. Người cũng hài lòng về cuộc sống tu tập của tôi. Vì thế, đôi khi ngài đến thăm tôi. Cho dù tôi không ở nơi nào cố định nhưng sư phụ bao giờ cũng biết được tôi đang ở đâu.

Trầm ngâm một lúc, ông tiếp tục:

– Thậm chí ngay cả sau khi sư phụ đã từ trần, thỉnh thoảng tôi vẫn còn được gặp ngài.

Tuy tôi chưa từng trải qua kinh nghiệm đó, nhưng tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì. Chính sư phụ Śrỵ Yukteswar cũng đã kể cho tôi nghe nhiều trường hợp mầu nhiệm tương tự, khi những bậc tôn sư đã từ trần vẫn có thể hiện thân tiếp xúc với người đời khi có lý do quan trọng cần thiết.

Và tu sĩ lại mỉm cười một cách bí mật:

– Chính việc Đại đức đến đây viếng thăm cũng đã được tôn sư nói trước với tôi từ lúc Đại đức còn đang lênh đênh trên mặt biển. Ngài bảo rằng tôi có trách nhiệm phải hỗ trợ bất cứ điều gì Đại đức cần đến.

Bây giờ thì tôi hiểu được lý do sự tiếp đón rất thân tình và cởi mở của vị tu sĩ cao niên này. Thông thường, một vị tu sĩ như vậy thường không thích tiếp xúc nhiều và càng không thích nói về chính mình.

Khoảng hai giờ sau đó, chúng tôi được mời vào phòng ăn và một bữa tiệc chay thịnh soạn đã được dọn sẵn. Buổi chiều chúng tôi dạo chơi trong khuôn viên vườn hoa của đạo viện.

Chúng tôi nghỉ đêm tại đạo viện Brindaban và sáng hôm sau lên đường về thẳng Calcutta.

° ° °

Khi về đến Calcutta, tôi rất buồn khi biết là sư phụ Śrỵ Yukteswar đã rời Serampore để đến Puri, cách đó khoảng 300 dặm về phía nam.

Ngày 8 tháng 3, một đệ tử của sư phụ ở Puri gửi một bức điện khẩn cho một bạn đồng môn ở Calcutta, nội dung viết: “Hãy đến Puri ngay lập tức.”

Khi người bạn đồng môn này thông báo với tôi về bức điện anh ta nhận được, tôi liền linh cảm ngay một chuyện chẳng lành. Tôi hối hả thu xếp để đi Puri ngay.

Tuy vậy, tôi có dự cảm là mình sẽ đến muộn. Và điều đó quả thật đã xảy ra. Khi tôi đến nơi, sư phụ đã tắt hơi từ trước đó hai giờ đồng hồ. Di thể người được đặt trong một căn phòng rộng và thần sắc vẫn bình thường như lúc sống. Một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt người trong sự an lạc tuyệt đối. Tôi biết sư phụ đã từ trần trong tâm trạng hoàn toàn tự chủ.

Tôi kêu lên một cách thất vọng khi phủ phục trước di thể của người:

– Than ôi! Vị thánh sư của thế gian đã không còn nữa!

Sư phụ từ trần vào lúc 19 giờ ngày 9 tháng 3 năm 1936. Sang ngày 10 tháng 3, tôi đứng ra điều hành tang lễ của người. Di thể được an táng tại đạo viện ở Puri theo nghi thức truyền thống của dòng tu Swmi. Các đệ tử từ khắp nơi được tin đã kéo về tham dự tang lễ rất đông. Ai nấy đều lộ vẻ đau buồn vì đã mất đi một bậc chân sư dắt dẫn trên đường tu học.

Sau khi tang lễ sư phụ đã hoàn tất, tôi trở về Calcutta và trở lại với sự bận rộn thường xuyên trước đây. Tôi phải tổ chức nhiều buổi thuyết pháp cho công chúng, mở các lớp dạy thiền định cho nhiều lứa tuổi khác nhau, và dành một phần thời gian để tiếp những vị khách từ xa tìm đến. Tuy vậy, sự bận rộn cũng không thể làm tôi vơi bớt được phần nào nỗi đau đớn vì sự ra đi của sư phụ. Trong lòng tôi cứ mãi ray rức về việc đã đi dự thánh lễ Kumbha Mela để đến nỗi không được kề cận bên người vào giờ cuối.

Nỗi đau buồn nhiều khi xâm chiếm tôi cả trong những buổi tọa thiền, và tôi rất khó tập trung tư tưởng. Khi tôi nhắm mắt lại, hình bóng sư phụ từ những ngày xa xưa khi tôi lần đầu tiên gặp người lại trở về trong trí tôi, và tôi không sao chịu đựng được ý nghĩ là từ nay vĩnh viễn sẽ không bao giờ còn được gặp lại người lần nữa.

Chỉ trong vòng 3 tháng, trông tôi đã gầy đi rõ rệt. Cha tôi lấy làm lo lắng và người đề nghị tôi tổ chức một chuyến đi xa để vơi bớt nỗi đau buồn. Nhưng tôi tự biết đó không phải là cách giải quyết vấn đề. Thay vì vậy, tôi dành nhiều thời gian hơn cho các buổi thiền định và cố nhớ lại những lời chỉ dạy của sư phụ lúc ngài còn sinh tiền.

Cho đến ngày 19 tháng 6 năm ấy, tức là năm 1936, một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời tôi đã xảy ra.

Trong buổi tọa thiền vào sáng sớm theo thông lệ mỗi ngày, tôi bỗng có một dự cảm rất kỳ lạ. Vào lúc đó, tuy tôi không hề nghĩ đến sư phụ, nhưng bất chợt tư tưởng tôi như bắt đầu bị lôi cuốn quay về với những hình ảnh của người. Và đột nhiên tôi có một cảm giác rất mạnh mẽ rằng sư phụ đang ở rất gần bên tôi. Cảm giác ấy chắc chắn đến nỗi tôi mở bừng mắt ra và nhìn quanh để tìm kiếm người.

Nhưng không khí của buổi sáng sớm hoàn toàn yên tĩnh. Ngoài trời vẫn còn tối đen như mực, và thậm chí không có một tiếng động nào ngoài mấy tiếng gà eo óc vọng lại từ rất xa.

Tôi nhắm mắt lại và tiếp tục buổi thiền định. Nhưng cảm giác cũ vẫn ngày càng mạnh hơn. Trong một lúc, tôi có cảm tưởng như sư phụ đã bước đến bên cạnh tôi và người đang sắp sửa đưa tay xoa đầu tôi như những khi sư phụ hài lòng về một điều gì đó. Tôi lại mở bừng mắt ra để rồi thất vọng vì chung quanh vẫn vắng vẻ và yên lặng vô cùng.

Đến lần thứ ba, tôi quyết định không mở mắt ra nữa mà tiếp tục cố gắng tập trung tư tưởng. Một lúc sau, tôi bắt đầu nhận ra một thứ ánh sáng dìu dịu bắt đầu xuất hiện quanh tôi, rồi ngày càng sáng lên. Trong vùng ánh sáng kỳ lạ đó, tôi dần dần nhìn thấy sư phụ Śrỵ Yukteswar hiện ra trước mặt tôi trong tư thế ngồi thiền. Tuy nhiên, đôi mắt người không nhắm lại mà nhìn vào tôi với vẻ từ hòa giống hệt như những lần người sắp giải thích cho tôi nghe một điều gì đó.

Tôi buột miệng muốn kêu lên:

– Sư phụ! Sư phụ!

Nhưng tiếng kêu dường như chỉ nằm lại trong cổ họng tôi. Không gian vẫn vắng lặng, yên tĩnh. Sư phụ từ từ đưa một bàn tay lên, ra hiệu cho tôi im lặng. Và tôi nghe rõ giọng nói của người vang lên trong tâm thức tôi, vẫn những âm hưởng như từ lâu tôi đã quen thuộc:

– Yognanda! Thầy có thể hiểu được tâm trạng của con trong những ngày qua. Nhưng như vậy là không tốt! Thầy đã dặn dò giao phó tất cả cho con. Nếu con yếu đuối trước tình cảm như thế, làm sao có thể tiếp bước của thầy? Con nên biết là còn rất nhiều điều quan trọng đang chờ đợi con trong tương lai, và cách tốt nhất để con biểu lộ sự tôn kính thầy là phải làm thật tốt những gì thầy mong đợi.

Dừng một chút, sư phụ lại nói tiếp:

– Hơn ai hết, con phải hiểu rõ rằng sống hay chết chỉ là những khái niệm trừu tượng do con người tự buộc vào trong ý thức của mình. Bậc giải thoát vượt qua khỏi giới hạn của sự sống chết, lấy việc cứu độ quần sanh làm lý tưởng để nâng cao tinh thần, cho dù hiện thân dưới bất cứ hình thức nào cũng đều tự tại, vô ngại. Con hãy cố gắng lên, nếu con giữ vững được Chánh pháp thì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thầy cũng luôn ở cạnh bên con.

Nói đến đây, sư phụ nở một nụ cười rạng rỡ và khoát tay ra hiệu từ giã. Vùng ánh sáng chung quanh tôi dần dần tan biến và hình ảnh sư phụ cũng mờ dần đi rồi tan biến như một làn sương mỏng.

Tôi vẫn còn ngồi lặng trong hơn một giờ đồng hồ sau đó, và tự trách mình đã không làm được đúng lời thầy dạy, để trở nên một kẻ yếu đuối tầm thường, không xứng đáng là cao đồ của một bậc chân sư chứng ngộ.

Kể từ sau lần hiện thân của sư phụ, tôi xác lập được niềm tin vững chắc về vấn đề sống chết. Không chỉ tôi xua tan được nỗi đau buồn vì sự ra đi của sư phụ, mà giờ đây tôi còn ý thức được rõ hơn về tính chất tạm bợ của cuộc sống hư ảo chốn thế gian, và điều đó càng làm nổi bật thêm những giá trị chân thật của một cuộc đời tu học.

Hơn thế nữa, tôi cũng ý thức rõ hơn những nỗ lực của mình trong việc hoằng pháp độ sinh. Tôi biết rằng tâm nguyện ấy của đức thầy Lahiri Mahsaya, rồi đến sư phụ Śrỵ Yukteswar của tôi, không phải chỉ là việc cứu vớt cho những chúng sanh đau khổ vốn là vô biên vô tận trong thế giới này, mà còn chính là một pháp môn tu tập để nâng cao sự chứng ngộ của tự thân.

Khi hiểu được điều này, tôi cảm thấy như trút bỏ được một gánh nặng áp lực tâm lý. Trước đây, tôi vẫn thường ưu tư dằn vặt khi thấy những điều mình làm được còn quá nhỏ nhoi, ít ỏi, so với những nỗi khổ bất tận của cuộc đời, và dường như sẽ không bao giờ có thể đạt được ý nguyện chấm dứt mọi khổ đau trên thế gian này. Giờ đây, tôi hiểu rằng ngay cả việc hoằng pháp độ sinh cũng là một phần trong việc tu tập, đúng với ý nghĩa “tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”.[18]

Nhiều năm sau, tôi vẫn kiên trì tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp mà sư phụ tôi giao phó. Và tinh thần giác ngộ tự tại vô ngại của người tiếp tục được tôi truyền lại cho nhiều môn đệ ở khắp nơi trên thế giới.

Tuy đã qua đời, nhưng quả thật sư phụ Śrỵ Yukteswar vẫn còn mãi mãi hiện hữu trong lòng tôi cũng như trong cõi thế giới này!





[1] Tôi lấy làm kinh ngạc khi chuyển dịch những dòng này, vì điện thoại truyền hình hiện nay đã không còn xa lạ với con người, đúng như dự báo của tác giả. (Người dịch)

[2] Đây là một tập tục vẫn được duy trì cho đến những ngày gần đây trong một số gia đình giàu có: cha mẹ thu xếp chuyện hôn nhân và con cái không được tham gia chọn lựa, thậm chí cô dâu chú rể không được biết mặt nhau trước ngày cưới.

[3] Nguyên văn chữ Hán: Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng. Con số tám vạn bốn ngàn ở đây chỉ mang tính biểu trưng, với ý nghĩa là rất nhiều.

[4] Nguyên văn chữ Hán: Hạ phương thế giới.

[5] Trong một đoạn trước, Phật đã có nhắc đến hư không về phương Đông rồi.

[6] Nguyên văn chữ Hán: “Tu-bồ-đề! Nam, tây, bắc phương, tứ duy, thượng hạ hư không khả tư lương phủ?”.

[7] Tức là Tiêu tai cát tường thần chú, một bài thần chú của nhà Phật được trì tụng để cầu nguyện sự bình an đến cho người trì chú và khu vực mình cư trú.

[8] Ngài Mục-kiền-liên được Phật khen là thần thông đệ nhất trong các đệ tử của Phật.

[9] Phiên âm từ tiếng Phạn là Bodhidharma

[10] Phiên âm từ chữ Kaci.

[11] Tây Thiên: tức là chỉ Ấn Độ.

[12] Nguyên văn Phạn ngữ là Ahims, Hán dịch là Bất hại, nghĩa là không làm tổn hại đến bất cứ đối tượng nào.

[13] Bản Anh ngữ dịch là “great soul”.

[14] Tên thật của ngài là Mohandas Karamchand Gandhi (1869 – 1948), nhưng người Ấn Độ luôn tôn kính gọi là Mahatma Gandhi.

[15] Hán dịch nghĩa là Bất hại.

[16] Tức là những người tin và làm theo lời dạy của thánh Gandhi.

[17] Tư tưởng này được Nho gia thể hiện qua câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện.”. Trong quảng đại quần chúng, bản chất hướng thiện này được hiểu là lương tâm hay lương tri.

[18] Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn: Tự mình giác ngộ, làm cho người khác giác ngộ, nhờ đó mà đạt đến công hạnh giác ngộ trọn vẹn, hoàn toàn.