Thể loại sách khác
Xứ Phật huyền bí
Nguyễn Hữu Kiệt dịch
17/07/2554 01:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Tấm lòng ngưỡng mộ của tôi đối với đức thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès đã khiến cho tôi vô cùng khao khát được tìm biết thêm về ngài. Tôi biết là một bậc tôn sư chân chính thường rất hạn chế ít khi phô trương những kinh nghiệm tâm linh mầu nhiệm của mình, trừ khi có những lý do chính đáng. Vì thế, cách tốt nhất để tìm biết về thầy là phải tìm gặp được những người đã từng thân cận gần gũi với thầy lúc sinh tiền.

Với ý tưởng ấy, một ngày kia tôi đi Bénarès và tìm đến sư mẫu Kashi Moni, bậc hiền phụ của đức thầy Lahiri Mahsaya trước đây.

Mặc dù đã rất lớn tuổi nhưng sư mẫu Kashi Moni vẫn giữ được một phong thái rất ung dung, dịu dàng. Khuôn mặt bà hồng hào tươi tỉnh, có vẻ như luôn ẩn giấu tiềm tàng một nụ cười tươi mà bà sẵn sàng nở ra bất cứ lúc nào. Đôi mắt to và trong sáng, không có vẻ gì là đã mệt mỏi với thời gian. Bà đón tôi nơi cổng và nói thật dịu dàng:

– Chúc mọi điều tốt lành cho con. Con hãy vào nhà đi.

Khi tôi đã tự giới thiệu mình và mối quan hệ với đức thầy Lahiri Mahsaya, sư mẫu vui vẻ đưa tôi vào phòng khách và tiếp tôi rất thân mật.

Sau một lúc chuyện trò cởi mở, sư mẫu đưa tôi đi thăm viếng gian tịnh thất mà đức thầy Lahiri Mahsaya đã sử dụng khi còn sinh tiền. Đây là một gian nhà nhỏ nhưng thoáng mát, được bài trí rất đơn sơ nhưng có đủ những điều kiện lý tưởng cho việc ngồi thiền, vì nằm sâu trong hoa viên rộng rãi nên rất yên vắng và mát mẻ.

 Bà cũng kể cho tôi nghe rất nhiều về cuộc đời đức thầy và mối quan hệ với một số các vị cao đồ mà bà được biết. Qua đó tôi được biết trước khi trở thành một bậc tôn sư đạo hạnh cao thâm, người cũng đã từng là một người chồng mẫu mực, một người cha đáng kính với hai con trai mà ngày nay cũng đang nối tiếp bước chân người.

 Sư mẫu nói với tôi:

– Ông ấy sống rất giản dị. Những ai mới gặp ông lần đầu tiên không thể nào ngờ được ông là người đỡ đầu và dẫn dắt về mặt tâm linh cho cả hàng ngàn đệ tử.

Qua sư mẫu, tôi được biết thêm là cho dù các đệ tử của thầy Lahiri Mahsaya có nhiều người giữ những cương vị rất quan trọng trong xã hội cũng như nhiều người rất giàu có, nhưng tự thân người sống một cuộc sống rất thanh bần mà không chấp nhận bất cứ một sự hỗ trợ vật chất nào từ các đệ tử.

Hôm sau, tôi trở lại thăm sư mẫu và được dịp tiếp xúc với hai người con trai của người và đức thầy Lahiri Mahsaya là Tincuri và Ducuri. Tôi phải thành thật thừa nhận là cả hai đều có kiến thức uyên bác và một sự khiêm tốn lạ thường.

Sư mẫu bảo tôi:

– Thật ra quan hệ vợ chồng của chúng tôi đã chấm dứt từ sau khi tôi sinh đứa con trai thứ hai. Từ đó về sau ông ấy là một bậc tôn sư hướng dẫn tôi tu học chứ không còn là một người chồng theo nghĩa thông thường nữa.

Tôi có thể hiểu được điều này. Việc lập gia đình của một vị tôn sư không hề nhắm đến những mục đích phàm tục như kẻ khác. Đối với họ thì đó cũng là một trong các nhiệm vụ phải làm ở thế gian này, và bao giờ họ cũng biết dừng lại đúng lúc.

Với một quan điểm cởi mở trong việc thu nhận đệ tử, thầy Lahiri Mahsaya đã tiếp nhận rất đông môn đồ, không phân biệt giới tính hay đẳng cấp xã hội. Chính mẹ tôi cũng là một trong số những nữ đồ đệ của người.

Một nữ đệ tử của thầy Lahiri Mahsaya tên là Kussa, hiện vẫn thường xuyên đến thăm sư mẫu Kashi Moni và đã tình cờ gặp tôi trong dịp này. Bà kể:

– Thầy Lahiri Mahsaya có cho tôi một bức chân dung khi tôi thỉnh cầu ngài. Thầy nói: “Tấm ảnh này chỉ có giá trị đối với những ai thật sự có lòng sùng tín.” Hai năm sau khi được thầy ban cho bức chân dung ấy, tôi mới có dịp chứng kiến sự linh diệu của nó. Đó là lần một cơn bão tràn qua làng tôi ở vào một đêm kia cùng với mưa to và giông sét. Nhà chỉ có tôi và một cháu gái nhỏ. Tôi không nghĩ đến gì khác hơn ngoài bức chân dung của thầy, thế là tôi ôm chầm lấy bức chân dung vì sợ mưa bão sẽ làm hư hại đi mất. Không ngờ đến sáng ra mới biết, cả làng đều bị thiệt hại nặng nề, nhà cửa sụp đổ, cây cối ngả nghiêng... nhưng căn nhà nhỏ bé của tôi vẫn nguyên vẹn không một chút tổn hại.

Câu chuyện của bà làm tôi nhớ lại bức chân dung của thầy Lahiri Mahsaya ban cho mẹ tôi đã có lần cứu tôi thoát chết khỏi căn bệnh hiểm nghèo một cách vô cùng mầu nhiệm. Bà Kussa cũng kể cho tôi nghe câu chuyện của bà Abhoya, một bạn thân của bà và cũng là đệ tử của thầy Lahiri Mahsaya, đã được thầy cứu giúp như thế nào.

Bà Abhoya vốn đã lớn tuổi mà chưa có con. Bà là một trong những trường hợp khá kỳ lạ: bà đã sinh đến 8 người con nhưng tất cả đều chết sau khi sinh ra. Bà đã thành tâm cầu nguyện và khẩn cầu thầy Lahiri Mahsaya chú nguyện giúp bà. Khi bà sắp hạ sinh đứa con thứ chín, thầy dặn:

– Con sẽ sinh một đứa con gái, vào khoảng đầu hôm. Bằng mọi cách con phải giữ cho cây đèn dầu trong phòng con không được tắt trước khi trời sáng. Như thế, đứa bé sẽ được sống sót.

Quả thật, ít lâu sau thì bà Abhoya sinh một đứa con gái. Bà đã dặn kỹ người giúp việc của mình và suốt đêm ấy cây đèn dầu được canh chừng cho đến gần sáng... Bỗng nhiên bà Abhoya nghe có một tiếng động lạ khiến bà giật mình mở mắt ra. Bà nhìn thấy thầy Lahiri Mahsaya đang đứng ở giữa căn phòng, tay chỉ về cây đèn dầu đang leo lét sắp tắt vì cạn dầu. Hốt hoảng, bà gọi người giúp việc, lúc đó vừa thiếp ngủ sau một đêm thức trắng. Như thế là cây đèn được châm dầu vừa đúng lúc và đã cháy được cho đến sáng. Khi bà nhìn lại cánh cửa phòng thì vẫn còn khóa chặt và không còn thấy bóng dáng của thầy Lahiri Mahsaya đâu nữa cả.

Đứa con thứ chín của bà thật sự đã sống được cho đến trưởng thành. Vào năm 1935 tôi có dịp tình cờ gặp người con gái này trong một chuyến đi thuyết pháp.

° ° °

Theo lời giới thiệu của sư mẫu Kashi Moni, hôm sau tôi tìm đến viếng thăm một môn đồ khác của thầy Lahiri Mahsaya là Kli Kumar Roy, một người đã có may mắn được sống bên thầy rất lâu.

Sau một lúc trò chuyện, hiểu được mục đích chuyến viếng thăm của tôi, Roy tỏ ra rất vui vẻ:

– Vâng, tôi rất sẵn lòng. Hơn nữa, những gì tôi biết về tôn sư chính là những gì đã xảy ra cho chính tôi nên cũng chẳng có gì khó khăn để nhớ lại.

Dừng một chút để mời tôi chén trà, rồi ông tiếp:

– Nếu không có thầy Lahiri Mahsaya thì tôi chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình cũng có thể có được cuộc sống phúc lạc như bao nhiêu người khác.

Trầm ngâm giây lát, ông nói tiếp:

– Thật vậy, hồi đó tôi chỉ là một kẻ làm thuê mạt hạng. Khi tôi được biết thầy Lahiri Mahsaya, tôi thường đến nghe thầy thuyết pháp. Người chủ thuê tôi vốn là một người không có đức tin. Ông ta lấy làm tức giận khi nghe biết việc tôi đến với thầy Lahiri Mahsaya. Ông đe dọa sẽ đuổi việc nếu tôi còn tiếp tục. Tuy vậy, trong lòng ông cũng lấy làm thắc mắc không hiểu vì sao tôn sư lại có sức cuốn hút đối với quá nhiều người như vậy. Một hôm, ông bí mật đi theo tôi để tìm đến lúc thầy Lahiri Mahsaya đang thuyết pháp. Mặc dù lúc đó người nghe thuyết pháp rất đông, nhưng thầy biết ngay sự hiện diện của ông.

Dừng một chút như để nhớ lại, rồi ông kể tiếp:

– Thầy Lahiri Mahsaya nhìn quanh khắp cử tọa và hỏi: “Các vị có muốn xem một bức tranh chăng?” Tất cả đều yên lặng tán đồng. Tôn sư liền nói: “Nếu vậy, xin các vị hãy nhắm mắt lại và đặt hai tay lên đỉnh đầu, tôi sẽ giúp các vị được nhìn thấy một bức tranh.” Cử tọa đều làm theo và ai nấy đều thấy hiện ra trước mắt mình một người đàn bà mặc áo lụa thêu chỉ vàng rất đẹp. Sau đó, tôn sư tiếp tục buổi thuyết pháp như bình thường. Hầu hết mọi người đều thừa nhận đó là một phép lạ nhưng không ai hiểu được vì sao người hiển thị phép lạ này. Cuối cùng, sau khi cử tọa đã ra về, tôi mới ngạc nhiên nhận ra ông chủ của tôi vẫn còn ngồi lại, dáng vẻ vô cùng lúng túng.

Ông mỉm cười như vẫn còn chưa quên được cảm giác lúc ấy. Sau khi uống một hớp trà, ông tiếp tục:

– Ông chủ tôi từ từ đứng dậy và tiến đến trước mặt tôn sư. Tôi thật kinh ngạc khi thấy ông quỳ xuống lạy người một cách chí thành. Sau đó, ông mới nói: “Bạch thầy, quả thật thầy đã thấu suốt lòng con. Con không còn có ý dám khinh mạn với thầy nữa.” Hóa ra người đàn bà mà ai nấy đều nhìn thấy đó là cô đào mà ông chủ tôi đang theo đuổi và đã hao tốn rất nhiều tiền của. Vì thế, chỉ mỗi một mình ông là nhận ra và hiểu được vì sao thầy Lahiri Mahsaya hiển hiện hình ảnh cô ta trong buổi ấy. Kinh ngạc trước phép lạ này, ông thành khẩn xin với tôn sư thu nhận ông làm đệ tử. Thầy Lahiri Mahsaya nói: “Nếu trong vòng sáu tháng nữa ông giữ được một cuộc sống ngay thẳng không phạm vào tội lỗi gì, ta sẽ bằng lòng. Bằng không thì ta dù muốn cũng không thể thu nhận ông.”

Đôi mắt ông Roy bỗng như dõi về một cõi xa xăm khi ông nhớ lại những điều bi thảm của quá khứ:

– Trong ba tháng sau đó ông chủ tôi đã cố gắng chống lại sự cám dỗ để không đến với người đàn bà tội lỗi kia. Nhưng cuối cùng ông đã thất bại vào tháng thứ tư. Và sau đó chỉ khoảng một tháng nữa thì ông qua đời vì một căn bệnh rất kỳ lạ. Chỉ đến lúc đó tôi mới hiểu được câu nói cuối cùng của thầy Lahiri Mahsaya với ông ta.

Ông Roy kể tiếp:

– Quyền năng của thầy Lahiri Mahsaya tuy rất kín đáo nhưng quả thật tinh vi mầu nhiệm không ai có thể hiểu hết. Ngài chịu sự ghen ghét của nhiều tà sư nhỏ nhen, đã từng thuê người mang thuốc độc lén bỏ vào thức ăn để hại người. Chính tôi đã từng thấy người ngăn cản các đệ tử không ai được dùng thức ăn đó, nhưng bản thân người vẫn thản nhiên ăn uống và không sao cả. Quá khiếp sợ vì tận mắt chứng kiến phép lạ ấy, kẻ đầu độc thầy đã ra tự thú và trở thành môn đệ của thầy.

Trưa hôm đó, ông Roy mời tôi ở lại dùng cơm chay với ông và đi thăm viếng một đạo viện gần đó do ông bỏ tiền để giúp đỡ xây dựng, hiện do một môn đệ khác của thầy Lahiri Mahsaya cai quản. Trên đường đi, ông kể:

– Người đệ tử hiện đang cai quản đạo viện này đã đến với tôn sư trong một trường hợp khá hài hước. Ông ta vốn là một kẻ ngang ngược, không có đức tin và thường phỉ báng các vị tu sĩ. Một hôm, ông nói với bạn bè rằng sẽ có cách chỉ rõ cho họ thấy rằng thầy Lahiri Mahsaya chỉ là một tên đại bịp. Thế rồi ông dùng một cái bình rất đẹp đựng nước vôi bên trong, mang đến trước thầy Lahiri Mahsaya và giả vờ kính cẩn thưa: “Bạch tôn sư, con xin cúng dường ngài một bình sữa tươi.” Mọi người không ai biết chuyện gì đang xảy ra.

Kể đến đây, ông Roy bỗng bật cười thành tiếng như nhớ lại cảnh tượng hôm ấy:

– Thầy Lahiri Mahsaya thản nhiên chấp nhận và bưng bình nước vôi lên uống cạn. Ngay sau đó, tên ngỗ nghịch kêu thét lên đau đớn và ôm bụng nằm lăn ra đất. Ông ta cảm thấy gan ruột như cháy bỏng vì thứ nước vôi kia. Quả là một sự trừng phạt kỳ lạ nhưng hoàn toàn đích đáng. Quá đau đớn, ông ta bò đến trước mặt tôn sư để thú tội và xin tha thứ. Thầy Lahiri Mahsaya dịu dàng nói: “Con nên biết, khi làm hại bất cứ một sinh linh nào cũng là làm hại đến chính mình.” Sau đó, thầy đặt tay lên trán kẻ tội đồ và cơn đau của ông ta liền biến mất. Từ đó về sau, ông từ bỏ tất cả để theo làm một đệ tử sùng tín luôn kề cận bên cạnh thầy Lahiri Mahsaya.

Chiều hôm đó, khi tôi từ giã ông Roy để ra về, ông nói với tôi:

– Đức thầy Lahiri Mahsaya quả là một bậc tôn sư vĩ đại mà không phải thời nào cũng có được. Tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều tu sĩ khả kính, có những vị đã đi tu từ khi còn bé và đạo hạnh rất cao thâm, nhưng vẫn chưa thấy ai có được phong thái giản dị mà siêu việt như thầy Lahiri Mahsaya.

Sau những gì đã biết về đức thầy Lahiri Mahsaya, tôi cũng tin rằng lời nhận xét của ông Kli Kumar Roy là hoàn toàn chính xác.