Đạo đức - Tâm lý học
Hạt Giống Bồ Đề- Nguyên Nhân và Mục Đích Xuất Gia
Tác giả: Thích Chân Tính
31/03/2553 09:36 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hôm nay con chọn lý tưởng xuất gia, trước là báo hiếu mẹ cha, sau cầu thoát ly sinh tử, hóa độ mọi người, để mong mỏi ai ai cũng xa dần si mê lầm lạc, tìm cầu chân lý sáng suốt cho bản thân…

     Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!
     Kính bạch thầy!

   Con xuất thân từ một gia đình không mấy khá, nhưng lại có truyền thống theo đạo Phật từ lâu. Thuở nhỏ, được ba mẹ chăm sóc dắt dìu, luôn hướng con theo những điều hay lẽ phải. Tuy vậy, số phận trớ trêu đã cướp mất đi người cha thân yêu khi con còn quá nhỏ (5 tuổi). Mẹ con lúc ấy đồng thời lại làm trách vụ của người cha, phải nuôi nấng, dạy bảo con từng li từng tí.
Việc làm đầu tiên của mẹ là cho con mình đến chùa sinh hoạt Gia đình Phật tử, không ngoài mục đích viết lên trang giấy trắng những ý đẹp lời hay. Và từ đó, như đã trở thành thói quen, cứ mùng một, ngày rằm là con đến chùa cùng mẹ.

   Ban đầu, trong nhận thức của một đứa con nít, thì đến chùa chỉ để ham vui nô đùa cùng chúng bạn. Rồi thời gian được tiếp xúc với những bài hát, những bài giáo lý cơ bản về Phật pháp, trong tâm hồn non nớt của con như dần thấm đượm một điều gì. Nhất là vào những ngày lễ Phật đản, khi thấy quý thầy với áo Ca-sa vàng rực, dung tướng trang nghiêm đã gây cho con một ấn tượng mạnh mẽ. Một sự yêu thích lạ thường của đứa trẻ non nớt bỗng xuất hiện trong con. Âu đây cũng là hạt giống giúp cho con xuất gia tu đạo.

   Nhưng một thời gian sau (đến khi học lớp 10) con càng xao lãng việc đến chùa, có khi lại còn nghi ngờ Phật pháp. Từ đó, khái niệm chùa chiền trong con bắt đầu phai nhạt hẳn, bởi chạy theo những đua đòi cùng chúng bạn, tham gia vào những trò chơi vô bổ, mất thời giờ.

   Rồi 12 năm đèn sách cũng đi qua. Vào dịp hè, con được gia đình cho đi chơi Đà Lạt. Có thể nói, đây là chuyến đi mang lại sự chuyển biến rất lớn trong đời con. Đến Đà Lạt, được tham quan chùa Quán Thế Âm. Tình cờ, thấy quý thầy, quý cô đang xem bộ phim nói về Tổ Đạt-ma. Và không hiểu sao, có một câu nói trong phim làm con suy nghĩ mãi: “Khi chưa sinh ra, ai là ta? Khi ta sinh ra rồi, ta là ai?”.

   Trở về nhà, sau nửa tháng, câu nói ấy không khi nào rời khỏi suy nghĩ của con. Lại tự hỏi rằng: “Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta sinh ra trên đời này để làm gì?”. Rồi nghĩ đến mẹ, cả đời làm lụng vất vả nuôi con. Có lúc đến cùng cực trong bao nỗi lo toan, song Người vẫn chẳng có một lời oán than, trách móc. Sự hy sinh ấy quả thật không gì có thể so sánh được.

   Lại nghĩ về mình, tự nhiên thấy hổ thẹn vô cùng. Con có làm được gì để phụ giúp cho mẹ đâu, mà cứ mãi chạy theo những hoài bão viển vông, đua đòi đủ thứ mà quên đi việc đền ơn đáp nghĩa. Con thấy mình lầm lỗi quá, đáng trách quá. Nhìn rộng ra ngoài kia, cũng có không ít những kẻ như mình, vẫn ngày đêm lặn hụp trong si mê, đắm nhiễm. Chính đây là những nguyên nhân trọng yếu thôi thúc con phải xuất gia, bởi chỉ có con đường xuất gia mới có thể cứu con người ra khỏi vòng si mê, tham đắm.

   Đọc qua lược sử đức Phật Thích-ca, con lại càng thấy hổ thẹn hơn nữa. Ngày xưa, Ngài ra đi cầu đạo với ý chí mãnh liệt, sẵn sàng bỏ lại sau lưng cung điện, tiền tài, vợ đẹp, con ngoan, trăm thứ vui thú của cuộc đời mà không hề luyến tiếc. Ngày nay, con ra đi chẳng có một xu dính túi. Thử hỏi, con có gì để mất, có gì để tiếc mà không theo gương đức Từ phụ Bổn sư? Với lại, ý thức được sự vô thường sinh tử của kiếp người, vui trong cảnh khổ, quanh quẩn đau thương. Cho nên, hôm nay con chọn lý tưởng xuất gia, trước là báo hiếu mẹ cha, sau cầu thoát ly sinh tử, hóa độ mọi người, để mong mỏi ai ai cũng xa dần si mê lầm lạc, tìm cầu chân lý sáng suốt cho bản thân.

   Ngưỡng mong trên đức thầy, quý thầy cùng chư huynh đệ từ bi dạy dỗ, dìu dắt con hoàn thành ý nguyện của mình: “Thượng cầu hạ hoá”. Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy từ bi làm lẽ sống.

         Nam mô A-di-đà Phật!