Bà và cháu
Một bà lão đang tắm cho đứa cháu nội mới sinh trong bồn rửa nhà bếp. Bà thèm thuồng nhìn làn da sáng ngời, ganh tị những ngày tháng tuyệt vời sắp được của cháu, giọt máu kỳ diệu mang một phần thân thể bà.
Bà rửa bàn tay tí tẹo, để ý cơ cấu huyền diệu này: một cấu trúc thu nhỏ thật đẹp, mấy ngón tay xinh quá là xinh, cả những làn da nhỏ nhắn tí nị trên các ngón tay cũng xinh xắn lạ lùng.
Bà để bàn tay mình cạnh bàn tay cháu ngắm nghía, và trong tích tắc nhận ra hai bàn tay gống nhau. Điểm khác nhau duy nhất là thời gian. Mỗi bàn tay đều toàn hảo trong thời điểm của nó. Mỗi bàn tay đều hoàn thành chức năng mình trong thời điểm của nó.
Bây giờ, bà nội đã hiểu bàn tay bà cũng đẹp như tay cháu, nhưng chỉ khác về thời gian thôi.
Lời bàn
Nhà Phật dạy đời sống luôn luôn thay đổi, điều đó là chắc chắn, chẳng đáng ngạc nhiên gì. Nhưng Phật giáo còn đi xa hơn chân lý ấy, thúc giục ta dự trù trước sự thay đổi, và quan trọng hơn hết, nên đón nhận nó trong tất cả vẻ phong phú mỗi khi gặp. Bởi vì cuộc sống ai cũng trải qua những giai đoạn như sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Ai cũng có một thời vàng son và tươi đẹp, rồi đến tóc bạc da nhăn. Nếu chúng ta hiểu được rằng thân này cũng là giả, có sinh tất có hoại, thì ta vui vẻ chấp nhận thuận theo thời gian mà sống để tu hành thì rất có lợi ích. Đức Phật đã dạy: “Được thân là khó, mà gặp Phật pháp lại còn khó hơn”. Vì thế, ta nên coi thân thể là một phương tiện tốt giúp ta tu hành để vượt thoát sinh tử luân hồi! Chớ chú trọng chi vào sự đẹp xấu của nó để rồi phải khổ đau phiền não.