Đánh cuộc
Thuở xưa, có đôi vợ chồng nọ làm ba cái bánh, mỗi người ăn một cái rồi, còn thừa một cái, hai người đánh cuộc với nhau rằng: ai muốn ăn cái bánh thì phải không nói một câu, nếu ai nói trước là thua cuộc, không được ăn cái bánh. Thế rồi, cả ngày hai vợ chồng nín thinh không nói một tiếng. Chợt có thằng ăn trộm vào nhà vơ vét hết của tiền đồ đạc, sửa soạn chạy đi. Hai vợ chồng vì sợ thua cuộc mất cái bánh, nên cứ lấy con mắt ngó trân trân tên ăn trộm đang vơ vét đồ đạc trong nhà mà không ai nói một tiếng. Tên ăn trộm thấy vậy còn dạn dĩ thêm lên, thậm chí còn muốn xâm chiếm tiết hạnh của người vợ mà người chồng vẫn đứng xem, không nói một lời, người vợ hoảng hốt kêu ầm ĩ:
- Anh thật ngu si quá đỗi, vì một miếng bánh mà để thằng ăn trộm làm nhục tôi quá đổi, không mở miệng nói một lời?
Người chồng bèn vỗ tay cười lớn:
- Ha ha! Em đã khai khẩu nói trước! Thế là thua anh mất rồi, cái bánh về anh ăn, thích quá!
Lời bàn
Câu chuyện này, chúng ta đã nhận chân ra một điều là trong xã hội, con người luôn chạy theo sự ham muốn và không lúc nào được thỏa lòng. Theo đuổi ham muốn cốt là để thỏa mãn, nhưng nó lại luôn luôn đưa đến bất mãn vì những điều mong muốn của chúng ta không đạt được.
Đôi khi, vì những ích kỷ nhỏ nhen mà chúng ta lại đánh mất đi những lợi ích lớn lao của pháp lành. Và lúc nào cũng bị sự ham muốn ruợt đuổi. Cũng chính vì vậy mà đức Phật đã dạy, dù trốn ở tận góc bể chân trời, ta vẫn cứ khổ đau; dù có tìm quên trong thú vui nào, lạc thú ấy cũng là lạc thú của đau thương.
Nếu chúng ta có thời gian ngồi quán sát lại bản chất của tâm mình, cái gì tạo ra rắc rối và chướng ngại trong đời sống, thì ta sẽ tìm ra được bản chất của đối tượng ham muốn, quán sâu vào nó để loại trừ nó ra khỏi tâm ta.