SỰ THANH KHIẾT CƠ BẢN TRONG TÂM HỒN
Bản chất của tâm hồn là thanh khiết.
Những ô uế chỉ mang tính nhất thời Dharmakirti
Liệu chúng ta có thể tẩy trừ được những tình cảm tiêu cực một cách hoàn toàn được không, liệu chúng ta có thể kìm hãm chúng được không? Theo hiểu biết cơ bản của Phật giáo, tâm hồn về bản chất luôn mang tính sáng suốt và thông tuệ. Thế nên, những rắc rối về tình cảm không hề tồn tại trong bản chất cơ bản của tâm hồn; những thái độ tiêu cực trong tâm hồn chỉ mang tính tạm thời và hời hợt, chúng ta có thể tháo gỡ tẩy trừ được chúng.
Nếu những tình cảm khiến chúng ta đau buồn, chẳng hạn như sự tức giận, thuộc bản chất cơ bản của tâm hồn, thì ngay từ khi tâm hồn xuất hiện nó đã liên tục tức giận. Rõ ràng là, nói thế là không đúng. Mọi người đều biết rằng chúng ta chỉ tức giận trong một số hoàn cảnh nhất định nào đó mà thôi, khi hoàn cảnh đó qua đi thì cảm xúc tức giận cũng đồng thời biến mất.
Thế trong những hoàn cảnh như thế nào thì chúng ta thường trở nên tức giận hoặc căm thù? Khi chúng ta tức giận, đối tượng mà chúng ta cảm thấy tức giận thường xuất hiện với những đặc điểm xấu xí hơn nhiều so với sự thực về đối tượng đó. Bạn trở nêm tức giận bởi vì người đó đã gây hại, đang gây hại, sẽ gây hại cho bạn hoặc cho bạn bè của bạn. Thế thì “tôi”, “tôi” đang bị gây hại, là gì?
Trong cơn tức giận đó chúng ta cảm nhận được rằng cả “tôi” lẫn đối tượng đó, kẻ thù của “tôi”, là hai đối tượng hoàn toàn độc lập với nhau. Bởi vì chúng ta chấp nhận những cảm tưởng này như những sự thực hiển nhiên, bởi vì chúng ta luôn đinh ninh rằng bản thân mình và kẻ thù của mình là hai đối tượng hoàn toàn độc lập với nhau, nên cảm xúc tức giận xuất hiện. tuy nhiên, nếu ngay sau khi cảm xúc tức giận vừa hình thành bạn lập tức vận dụng khả năng lý luận của mình để tự đặt ra câu hỏi rằng “Mình là ai? Người đang bị gây hại là ai? Kẻ thù là gì? Kẻ thù có phải là một con người không? Kẻ thù có phải là một tâm hồn không?”, thì khi đó “cái tôi” mà chúng ta tự đặt ra cho rằng nó đang bị gây hại sẽ dần dần biến mất. Và khi đó cảm xúc tức giận bị đẩy lùi.
Bạn hãy nghĩ về điều này. Chúng ta trở nên tức giận với những gì cản đường những khao khát mong muốn của chúng ta. cảm xúc tức giận được kích thích thúc đẩy bởi quan niệm sai lạc luôn cho rằng đối tượng đó và chính bản thân mình được hình thành theo cách này ( theo cách phân loại kẻ gây hại và người gây hại ). Lòng căm thù không phải là một phần tất yếu thuộc nền tảng cơ bản của tâm hồn. Nó chỉ là một cảm xúc xuất hiện trong tức thời. tuy nhiên, lòng thương yêu lại luôn được đặt trên nền tảng là sự thật. Khi, qua một thời gian dài, một thái độ có nền tảng vững chắc sẽ lấn át được cái kia.
Những phẩm chất cơ bản của tâm hồn có thể được phát triển không giới những phẩm chất gây đau khổ cho tâm hồn, thì cuối cùng những phẩm chất gây đau khổ đó sẽ dần dần bị tàn lụi. vì tâm hồn luôn mang bản chất cơ bản là sáng suốt, thanh khiết và thông tuệ nên tất cả mọi người chúng ta đều có được một phương tiện cơ bản thiết yếu để đạt được sự giác ngộ cuối cùng.
NHẬN BIẾT BẢN CHẤT TÂM HỒN
Cách đây khoảng hai mươi năm khi tôi còn ở Ladakh, Ấn Độ, khi ấy tham gia luyện tập một số bài luyện tập thiền định, tôi luôn đặt một bức tượng Đức Phật Shakyamuni trước mặt mình trong khi tham gia thiền định và mãi cho đến giờ đó vẫn là thói quen của tôi. Chiếc lá vàng nơi tim đã phai màu và thế nên nó dần ngả sang màu nâu. Khi tôi nhìn vào tim của bức tượng, tôi đồng thời quan sát tâm hồn mình, dần dần mọi suy nghĩ trong tôi biến mất và trong một khoảng khắc nào đó tôi cảm nhận được bản chất thông tuệ và thanh khiết của tâm hồn mình. Rồi sau đó, mỗi khi tôi tham gia bài luyện tập này thì trải nghiệm đó lại xuất hiện cùng tôi.
Sẽ rất hữu ích nếu hàng ngày chúng ta tham gia luyện tập nhận biết bản chất của tâm hồn bởi vì nó luôn ẩn nấp phía sau những suy nghĩ phân tán của chính chúng ta. Có một kỹ thuật giúp chúng ta có thể nhận biết được bản chất thanh khiết của tâm hồn, đầu tiên chúng ta hãy ngưng không nhớ về những gì có thể xảy ra trong tương lai; chúng ta cần để tâm hồn mình hoạt động tự nhiên với chính nó mà không hề có sự tham gia của bất kỳ một suy nghĩ nào. Chúng ta cần để tâm hồn mình được nghỉ ngơi theo đúng trạng thái tự nhiên của nó và chúng ta tập trung quan sát nó.
Ví dụ, khi bạn nghe thấy một tiếng ồn, giữa khoảng khắc bạn nghe được nó và tìm kiếm nguồn tạo ra nó, bạn có thể cảm nhận được trạng thái trống rỗng của tâm hồn, trạng thái không tồn tại suy nghĩ trong tâm hồn nhưng tâm hồn khi ấy hoàn toàn không hề tê bại – giữa lúc đó sự sáng suốt, thanh khiết và thông tuệ của tâm hồn của tâm hồn xuất hiện. Chính khi ấy chúng ta mới có thể nhận biết được bản chất của tâm hồn sẽ dần dần trở nên trong sáng như mặt nước. Bạn cần cố gắng duy trì trạng thái tâm hồn như thế và đừng để mình bị chi phối bởi bất kỳ một suy nghĩ nào, rồi bạn quen với nó.
Bạn cần luyện tập bài thiền định này vào lúc sáng sớm, khi đó tâm hồn bạn đã tỉnh thức và trong sáng nhưng các giác quan của bạn vẫn chưa phát huy được hết khả năng của chúng. Mọi việc sẽ thuận lợi hơn nếu bạn không quá nhiều vào đêm hôm trước và cũng không ngủ quá nhiều vào đêm hôm trước; bạn cần phải ngủ ít hơn một chút và như thế sẽ giúp tâm hồn bạn sáng suốt nhạy bén hơn vào sáng hôm sau. Nếu bạn ăn quá nhiều vào đêm hôm trước, giấc ngủ của bạn sẽ sâu hơn, dài hơn và nặng nề hơn, bạn sẽ ngủ như một xác chết. Trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình, tôi thường ăn no vào bữa sáng và bữa trưa nhưng tôi chỉ ăn một ít vào buổi tối – chỉ vài chiếc bánh quy tròn; sau đó tôi đi ngủ sớm và thức dậy sớm vào ba giờ ba mươi phút sáng hôm sau để tham gia thiền định.
Bạn hãy thử xem để biết rằng bản chất của tâm hồn vào lúc sáng sớm giúp tâm hồn bạn thêm linh hoạt trong suốt cả ngày như thế nào. Rõ ràng là tâm hồn bạn sẽ được thanh bình yên tĩnh hơn. Trí nhớ của bạn sẽ được cải thiện nếu bạn có thể tham gia bài luyện tập thiền định mỗi ngày một ít. Một tâm hồn hỗn độn luôn bị quấy rầy bởi những suy nghĩ về điều tốt, về điều xấu, về những điều bất định, một tâm hồn như thế là một tâm hồn không hề được nghỉ ngơi.
Thiền định
1. Đừng suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong quá khứ hoặc những gì có thể xảy ra trong tương lai.
2. Hãy để tâm hồn vận hành một cách tự nhiên mà không hề có sự can thiệp của suy nghĩ.
3. Hãy quan sát bản chất sáng suốt thông tuệ của tâm hồn.
4. Duy trì khoảnh khắc xuất hiện trải nghiệm này
Thậm chí bạn có thể tham gia luyện tập bài thiền định này ngay cản khi bạn đang nằm trên giường vào lúc sáng sớm, khi ấy tâm hồn bạn đã tỉnh táo nhưng các giác quan của bạn chưa hoàn toàn tỉnh thức.
ĐẨY LÙI NHỮNG KHÓ KHĂN
Bây giờ chúng ta hãy quan sát những cảm xúc tình cảm tiêu cực chẳng hạn như thói dâm ô, lòng căm thù và tính ganh tị. Tất cả chúng đều phụ thuộc vào một niềm tin sai lạc cơ bản luôn khẳng định về sự tồn tại độc lập giữa mọi đối tượng, trong khi đó thì chúng thực sự luôn phụ thuộc hỗ tương với nhau. Qua sức mạnh của sự ngu muội đó, tất cả những cảm xúc tình cảm tiêu cực này phát sinh. Nhưng như chúng ta đã thấy, khi chúng ta phân tích xem liệu sự ngu muội này cùng với tất cả những biến tấu của nó có phải là bản chất cơ bản của tâm hồn hay không, chúng ta nhận thấy rằng, như vị học giả trứ danh của Ấn Độ, Dharmakirti nói, “Bản chất của tâm hồn chỉ mang tính hời hợt nhất thời”. Bản chất tận cùng của hữu thức là thanh khiết. Sự tức giận, lòng lưu luyến và vân vân luôn nằm bên ngoài phạm vi của tâm hồn và không hề đóng vai trò là các đặc tính cơ bản của tâm hồn. Chúng ta gọi đây là sự thanh khiết cơ bản của tâm hồn. Bởi vì sự thanh khiết cơ bản bẩm sinh này có thể giúp chúng ta được giác ngộ, nên nó cũng được gọi là bản chất Phật. Đồng thời, trong tất cả mọi người chúng ta đều có một mức độ nào đó của lòng từ bi dù rằng nó được chúng ta thể hiện theo nhiều cách khác nhau và tất cả mọi người chúng ta đềy có được khả năng hiểu biết nhất định giúp chúng ta có thể phân biệt được đâu là điều tốt và đâu là điều xấu. Đây là tất cả những điều kiện cơ bản cấu thành sự giác ngộ.
Một khi chúng ta đã biết được rằng những ô uế vẩn đục không hề thuộc bản chất cơ bản của tâm hồn, chúng ta có thể tháo gỡ chúng ra khỏi tâm hồn qua việc phát huy những cảm xúc tình cảm đối kháng với chúng, những thái độ tích cực, giống như một liều thuốc, có thể kháng cự và làm mất tác dụng của chúng. Trong khi đó, nếu các cảm xúc tình cảm tiêu cực có hại không được đẩy lùi khỏi tâm hồn, thì mỗi khi tâm hồn hoạt động, những suy nghĩ tiêu cực - tức giận và vân vân – sẽ lập tức xuất hiện và liên tục tồn tại.
Đôi khi trong đời sống chúng ta, tâm hồn chúng ta liên tục bị chi phối bởi cảm xúc tức giận và lòng lưu luyến, cũng có những lúc, cảm xúc thỏa nguyện, lòng yêu thương và lòng từ bi lại tràn ngập trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta không thể cùng một lúc vừa cảm thấy yêu thương vừa cảm thấy căm thù đối với cùng một đối tượng. Rõ ràng là chúng ta chỉ có thể có những cảm xúc tình cảm này ở những tình cảm này ở những thời điểm khác nhau, điều này cho thấy rằng những cảm xúc tình cảm này luôn vận hành đối mặt nhau, mâu thuẫn nhau, triệt tiêu nhau. Khi một bên phát triển mạnh thì bên kia sẽ suy yếu.
Sự hiểu biết hợp lý đúng đắn sẽ hỗ trợ và đẩy mạnh lòng yêu thương và lòng từ bi. Lòng yêu thương và lòng từ bi không cần sự trợ giúp của sự ngu muội, sự ngu muội luôn khiến chúng ta hiểu sai lạc và khăng khăng về sự tồn tại độc lập cố hữu của mọi đối tượng. Những thái độ phi đạo đức chẳng hạn như lòng căm thù và tính kiêu căng tự phụ - bất luận chúng mạnh hay yếu – đều xuất nguồn từ sự trợ giúp củng cố của sự ngu muội. Thế nên, nếu không có quan niệm sai lạc như thế này về bản chất của con người và sự vật, thì tất cả những thái độ phi đạo đức chẳng hạn như thói tham lam và lòng căm thù sẽ không bao giờ xuất hiện và vận hành được.
Sự ngu dốt và sự sáng suốt, cả hai đều xuất hiện và vận hành trong suốt quá trình chúng ta quan sát một sự vật hiện tượng nào đó, nhưng hình thức quan sát lĩnh hội của chúng ta rõ ràng là đối lập lẫn nhau. Sự sáng suốt có một nền tảng vững chắc, trong khi đó thì sự ngu dốt lại không có được một nền tảng vững chắc và thế nên nó hiểu sai lạc về những gì nó đang quan sát. Sự phát triển lớn mạnh của sự sáng suốt sẽ làm suy yếu dần sự ngu dốt. Sự sáng suốt làm giảm thiểu những quan niệm sai lạc của chúng ta về bản chất của mọi đối tượng cho đến khi sự ngu dốt hoàn toàn biến mất.
RẮC RỐI THUỘC NỘI TẠI
Hoàn cảnh ngoại vi không phải là nguyên nhân chính khiến chúng ta gặp đau khổ. Đau khổ được tạo ra bởi một tâm hồn chưa được gọt dũa thuần dạy. Sự xuất hiện của những tình cảm nguy hại trong tâm hồn chúng ta đến với những hành vi sai lạc. Một tâm hồn có bản chất thanh khiết bị bao phủ bởi những tình cảm nguy hại như thế này sẽ sa vào những đau khổ. Sức mạnh của chúng sẽ đẩy chúng ta đến những hành vi lạc lối và chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến với đau khổ. Chúng ta cần phải, với sự quan tâm và ý thức sâu sắc, phân biệt được đâu là những cảm xúc tình cảm gây rắc rối phiền muộn như thế này. Khi những thái độ, tình cảm, cảm xúc, quan niệm sai lạc của chúng ta bị đẩy lùi thì đồng thời những hành vi sai lạc xuất nguồn từ chúng cũng bị biến mất. Theo lời của vị học giả Tây Tạng vào cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, Milarepa nói “Khi nó hình thành, nó hình thành trong không gian của chính nó; khi nó phân hủy, nó phân hủy trong toàn bộ không gian”. Chúng ta cần phải làm quen với các trạng thái trong tâm hồn mình nhằm tìn hiểu được cách thức đẩy lùi được những thái độ tiêu cực có hại trong tâm hồn mình, giúp tâm hồn mình được thanh khiết trở lại như xưa. Trước khi những đám mây đen kéo đến thì bầu trời vẫn luôn trong xanh và bầu trời sẽ trong xanh trở lại khi những đám mây đen kia biến mất. Thực ra thì bầu trời vẫn luôn trong xanh ngay cả khi chúng ta thấy rằng những đám mây đen kia đang che khuất nó, vì đó chính là bản chất cuối cùng của bầu trời.
Bản chất của dòng nước là không hề bị ô nhiễm vấy bẩn bởi rác rưởi. Tương tự như thế, bản chất của tâm hồn, ngay cả một tâm hồn đang gặp rắc rối, cũng không hề bị ô uế bởi những vẩn đục dơ bẩn. Tâm hồn trong sáng của tất cả mọi người đều không hề bị ô uế ngay cả bởi những cảm xúc tình cảm sai lạc như lòng căm thù. Lần tới khi bạn cảm thấy căm thù, bạn hãy cố gắng thử xem liệu bạn có thể tách rời tâm hồn mình khỏi cảm xúc căm thù đó để đóng vai trò là đối tượng quan sát nó hay không. Trong khi chúng ta thường nghĩ rằng “Mình căm thù…”, giống như thể tâm hồn chúng ta và lòng căm thù là hai đối tượng hoàn toàn được kết chặt với nhau, ở đây bạn lại quan sát lòng căm thù từ một khoảng cách nhất định, bạn quan sát những sai lạc của nó, điều này sẽ giúp bạn có thể được trạng thái bình ổn thanh thản trong tâm hồn.
Để làm được điều này, trước tiên bạn cần phải phát triển khả năng quan sát suy nghĩ của chính mình vì mỗi khi hữu thức của bạn bị chìm ngập trong những suy nghĩ thì thật khó để bạn có thể vận dụng hữu thức của mình để quan sát suy nghĩ. Nhưng nếu, khi suy nghĩ xuất hiện, bạn có thể tách rời hữu thức của mình thì dần dần bạn sẽ phát triển được khả năng vận dụng hữu thức để quan sát hữu thức và rồi thậm chí ngay cả khi lòng căm thù xuất hiện thì tâm hồn bạn vẫn có thể bước ra xa để quan sát lòng căm thù đó. Qua việc làm quen với bài luyện tập này, bạn có thể dần dần ý thức được những gì được gọi là “tâm hồn cơ bản”, không bị tác động bởi bất kỳ những gì bạn thích hoặc không thích, những gì bạn muốn hoặc không muốn. Khi tâm hồn không bị phân mảnh đứt đoạn thành nhiều mảnh khác nhau, bạn có thể cảm nhận được bản chất tự nhiên của nó, bản chất trong sáng và thông tuệ của nó, nếu bạn duy trì được trạng thái này, trải nghiệm về sự trong sáng và thông tuệ của tâm hồn như thế này sẽ càng được phát triển. Vì ngay cả bản chất của lòng căm thù cũng là sáng suốt và thông tuệ nên lòng căm thù sẽ dần dần bị tan chảy trong tâm hồn cơ bản.
Bạn không cần phải cố gắng tập trung ngăn cản dòng chảy mạnh mẽ của những suy nghĩ và những cảm xúc dạt dào trong tâm hồn mình; nói đúng hơn, bạn đừng để tâm hồn mình bị cuốn theo chúng. Tâm hồn bạn khi ấy sẽ xuất hiện ở hình thức cơ bản tự nhiên nhất của nó, khi ấy bạn có thể nhận ra được bản chất trong sáng của nó.
Khi bạn hiểu được rằng sự sáng suốt thông tuệ là bản chất cơ bản của tâm hồn mình thì những phẩm chất cao thượng hơn chẳng hạn như lòng yêu thương sẽ đâm chồi nảy lộc. Đây là lý do tại sao tôi nói rằng sự chuyển hóa trong tâm hồn không thể nào xuất hiện qua những thay đổi thuộc môi trường ngoại vi của bạn. Việc bạn tìm kiếm nhiều thứ hơn nữa sau khi bạn đã có được những thứ hơn nữa sau khi bạn đã có được sự hài lòng toại ý.
Sự tự do chỉ xuất hiện qua việc thấu hiểu được bản chất cơ bản cuối cùng của chính tâm hồn; nó cũng không thể xuất hiện nơi chúng ta do người khác ban tặng cho. Hạnh phúc chỉ xuất hiện qua việc đào luyện tâm hồn; không có sự đào luyện tâm hồn thì chúng ta chẳng cách nào có thể hạnh phúc được. Bất kể bản chất của thế gian này là gì, chúng ta sẽ không phải chịu đựng những thống khổ ưu phiền hoặc gây ra những thống khổ ưu phiền khi chúng ta tin rằng bản chất cơ bản cuối cùng của tâm hồn là sự sáng suốt thông tuệ.
TÂM HỒN QUÝ BÁU
Bản chất sáng suốt thông tuệ là cội rễ của tất cả mọi tâm hồn – mãi mãi bất diệt, không bao giờ thay đổi giống như một viên kim cương. Theo triết lý Phật giáo, đặc điểm này của tâm hồn được xem là trường tồn vĩnh cửu liên tục đến bất tận – nó đã và đang tồn tại và sẽ tồn tại mãi mãi và thế nên nó không phải là một cái gì đó có thể tái tạo bởi bất kỳ một nguyên nhân hoặc điều kiện nào.
Tâm hồn cơ bản của chúng ta về bản chất luôn thanh khiết, ngay từ đầu nó đã không hề bị vẩn đục bởi bất kỳ một ô uế nào. Ánh sáng chói lọi của nó được gọi là lòng từ bi. Sự thanh khiết ngay từ đầu và được củng cố bởi bản chất thanh thoát tự nhiên của nó, tâm hồn quý báo này, tâm hồn kim cương này chính là nền tảng của tất cả mọi sự phát triển trong tâm hồn. thậm chí trong khi phát triển nhiều suy nghĩ và quan niệm cả xấu lẫn tốt chẳng hạn như tham lam, căm thù, bối rối thì tâm hồn kim cương này tự nó không bao giờ bị tác động bởi những vẩn đục ô uế này, giống như bầu trời trong xanh sau áng mây đen. Nước có thể cực kỳ dơ bẩn, tuy nhiên bản chất cơ bản của nó vẫn luôn luôn là trong sạch. Tương tự như thế, bất luận những cảm xúc tình cảm tiêu cực có xuất hiện và hoạt động như thế nào, dù chúng có mạnh mẽ ra sao thì bản chất cơ bản của tâm hồn cũng không hề bị tác động; tâm hồn luôn luôn thanh khiết mà không hề có điểm đầu hoặc điểm cuối.
Những phẩm chất tuyệt vời của tâm hồn, chẳng hạn như lòng yêu thương và lòng từ bi vô tận, đều hiện diện nơi nền tảng cơ bản tâm hồn kim cương này; chúng chỉ có thể bị ngăn cản bởi một số hoàn cảnh tức thời nào đó trong một khoảng khắc nào đó mà thôi. Xét một góc cạnh nào đó, chúng ta luôn trong sáng ngay từ đầu, được nâng đỡ bởi một tâm hồn hoàn toàn tốt đẹp.
ĐÁNH GIÁ CAO HOÀN CẢNH HIỆN TẠI
Khi được sinh ra là một con người, bạn có được cơ thể quý báu qua đó bạn có thể dễ dàng đạt được cả những mục tiêu tức thời lẫn những mục tiêu cao đẹp về sau. Giờ đây bạn đã có được một đời sống tốt lành thuận lợi mà không đời sống sinh vật nào có thể so sánh với bạn được và điều quan trọng là bạn đừng hoang phí nó. Nếu bạn chỉ luyện tập nhằm có được một đời sống tốt đẹp trong những lần tái sinh sau cho chính mình thì điều đó có nghĩa là bạn vẫn chưa vận dụng được hoàn toàn tất cả mọi tiềm năng của mình. Hoặc, nếu bạn chỉ vận động nhằm mục tiêu là giải phóng cho chính mình thoát ra khỏi những đau khổ thì điều này cũng có nghĩa là bạn vẫn chưa vận dụng được hết mọi tiềm năng quý báu của mình. Trong vai trò là một con người, bạn nên thực hiện tất cả những gì bạn có thể nhằm đạt đến sự phát triển tinh thần hoàn toàn, hoàn hảo.
Thiền định
1. Bạn hãy suy nghĩ về tiềm năng quý báu trong hoàn cảnh hiện tại của mình trong việc phát triển tinh thần: bạn có một thể xác của một con người; các bài luyện tập phát triển tâm linh luôn có sẵn quanh bạn; bạn có khả năng suy xét nhằm tiếp thu các bài giảng dạy tâm linh này – bạn có một tâm hồn quý báu, tâm hồn kim cương.
2. Bạn hãy đánh giá cao và trân trọng cơ hội luyện tập tâm hồn này.
3. Bạn cần phải thiết lập một động cơ thúc đẩy mạnh mẽ, không những vì chính mình mà còn vì tất cả mọi sinh linh.
4. Bạn cần hướng tới việc giúp đỡ tất cả mọi người quanh mình