Đời sống
Về mái chùa xưa
Nguyên Minh
13/10/2554 08:23 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

VỀ MÁI CHÙA XƯA
Hôm qua em đi chùa Hương...

Khi tôi đọc bài thơ “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, ấn tượng mạnh nhất đối với tôi không phải là những vần thơ trong sáng, nhẹ nhàng và duyên dáng, mặc dù đó chính là những gì mà tôi cảm nhận được ngay từ lần đọc đầu tiên. Ấn tượng mạnh nhất đối với tôi qua bài thơ này lại chính là sự nhập vai đến thần kỳ của nhà thơ để nói lên được cái nôn nao, háo hức của một cô bé 15 tuổi khi được “thầy me” cho đi chùa. Điều đó cho thấy bản thân nhà thơ chắc hẳn cũng đã từng trải qua tâm trạng ấy, và ông đã ghi nhớ được để có thể khắc hoạ lại nó trong bài thơ bất hủ của mình một cách rất thành công.

Phần lớn trong chúng ta không có được trí nhớ và hồi ức tốt như Nguyễn Nhược Pháp. Đôi khi chúng ta dễ dàng quên đi những cảm xúc đã từng xảy đến cho mình khi còn trẻ, và vì thế mà chúng ta ít có khả năng hiểu được để cảm thông với những gì mà con em chúng ta, những người còn rất trẻ, đang cảm nhận, đang trải qua.

Tôi vẫn còn nhớ những giây phút nôn nao, háo hức của lần đầu tiên theo cha mẹ lên chùa. Ngôi chùa làng quê thuở ấy có thể là đơn sơ mộc mạc hơn nhiều so với ngày nay, cả đến bữa cơm chay được ăn ở chùa cũng đơn sơ lắm, thường chỉ có đĩa mít non kho với tương đậu nành hoặc tương gạo do nhà chùa tự làm, nhưng niềm vui của bọn trẻ chúng tôi khi được tung tăng theo mẹ lên chùa quả là lớn lắm, lớn đến nỗi mà qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm trong cuộc sống nhưng đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ.

Tôi biết là nhiều em nhỏ ngày nay cũng rất thích được đến chùa – cũng giống như chúng ta ngày xưa thôi. Nhưng cuộc sống thật bận rộn hơn nhiều so với vài ba mươi năm trước đây, và vì thế mà đôi khi chúng ta không có đủ thời gian để chú ý đến những mong muốn của các em.

Nói một cách chính xác hơn, khi trẻ con lớn lên, chúng có khuynh hướng vươn ra tiếp xúc với những gì bên ngoài môi trường gia đình. Mặc dù khi còn bé các em rất thích được ẵm bồng, ôm ấp, nhưng khi bắt đầu biết đi, biết chạy, các em bắt đầu không thích được bồng ẵm nữa, và chỉ thích được chạy nhảy chơi đùa với những em khác cùng độ tuổi. Và từ đó, càng lớn lên các em càng thích vươn xa ra khỏi môi trường gia đình.

Các bậc cha mẹ thì ngược lại, luôn có khuynh hướng muốn bảo vệ các em bằng cách giữ chúng trong môi trường gia đình khép kín. Các vị luôn nghĩ rằng như thế sẽ an toàn hơn, tốt đẹp hơn cho các em. Trong khi đó thì các em luôn chờ đợi bất cứ cơ hội nào để tìm ra với những điều mới lạ hơn ở bên ngoài gia đình. Và trong cuộc “đối đầu” này, các bậc cha mẹ thường là người “chiến bại”, bởi các em luôn biết cách làm thế nào để thoả mãn ý muốn của mình.

Nếu chúng ta hiểu được điều đó, vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thay vì ngăn cấm và cố giữ các em ở nhà, chúng ta hãy tìm những nơi thích hợp để cho các em đi đến. Đây cũng là một trong những lý do để các bậc cha mẹ nên cho các em đến chùa. Mặc dù chưa có đủ hiểu biết để tiếp thu những gì sâu xa, mầu nhiệm, nhưng các em luôn có được niềm vui trong sáng khi được đến chùa, và điều đó chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng lâu dài rất tốt đẹp trong tâm hồn non trẻ của các em.

Còn một lý do khác, tuy có vẻ khó hiểu hơn nhưng lại rất hiển nhiên không thể nào phủ nhận. Đó là, tự trong tiềm thức sâu xa của mỗi chúng ta, hình ảnh ngôi chùa vốn dĩ đã vô cùng quen thuộc, thân thiết. Điều đó có thể giải thích như là một mối quan hệ tâm linh giữa mỗi chúng ta với tổ tiên từ nhiều đời trước, bởi vì từ hàng ngàn năm trước đây, điều hiển nhiên là không một người dân Việt nào lại không gắn bó với một ngôi chùa nào đó trên khắp những làng quê của đất nước.

Tôi có một người bạn, cứ vài ba hôm lại phải đưa con đến chùa, chỉ để dạo chơi quanh sân chùa chừng mươi lăm phút vào buổi chiều. Anh kể với tôi rằng, con bé – chỉ mới 3 tuổi thôi – đã tỏ rõ vẻ hân hoan ngay từ lần đầu tiên được đưa đến chùa, và sau đó thì chiều nào cũng đòi lên chùa. Cũng may là nhà anh chỉ gần đó thôi. Và sau nhiều lần đưa bé đến chùa, anh mới phát hiện ra là chính anh cũng có nhu cầu được đến chùa theo cách đó để thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng.

Một người cháu trai gọi tôi bằng bác, năm nay chỉ mới 13 tuổi nhưng đã chính thức xuất gia ở chùa. Câu chuyện của em có thể sẽ gợi lên ít nhiều suy nghĩ trong mỗi chúng ta, bởi đây là chuyện hoàn toàn có thật. Từ năm lên 8 tuổi, khi được cha mẹ đưa đến chùa, em đã nhất quyết xin được ở lại chùa. Thầy trú trì có lẽ cũng đã nhận ra được một căn duyên tốt nơi em nên vui lòng tiếp nhận. Em đã ở hẳn lại chùa suốt mấy năm mà không lộ vẻ nhớ nhà hay lưu luyến gì với cuộc sống ở gia đình trước đó. Và thế là, cách đây một năm em được thầy trú trì cho chính thức xuất gia.

Chúng ta vẫn thường gặp không ít những câu chuyện tương tự như trên trong cuộc sống. Và chúng ta không thể giải thích bằng cách nào khác hơn là phải thừa nhận một tiềm thức sâu xa ẩn chứa trong mỗi con người. Điều này cũng thể hiện ở mỗi chúng ta, khi ta bỗng dưng cảm thấy rất ưa thích hoặc rất chán ghét một con người, một sự việc nào đó mà không có những nguyên nhân rõ ràng. Và điều này cũng giải thích cho những khác biệt rất xa về tâm tính của những con người sinh ra và lớn lên trong cùng một gia đình, cùng một môi trường nuôi dưỡng và giáo dục hoàn toàn giống nhau.

Ngày nay có một số người đến chùa không phải vì lý do tín ngưỡng. Vì những lý do nào đó, gia đình họ, bản thân họ đã tin theo một tín ngưỡng, một tôn giáo khác, nhưng họ vẫn cảm thấy một sự thân quen, thoải mái khi được đến chùa. Dạo chơi chốc lát trong khuôn viên chùa để cảm nhận sự thư giãn của một bầu không khí hoàn toàn thanh thản không ràng buộc, điều đó thực sự không nhất thiết phải xuất phát từ lý do tín ngưỡng, mà trong thực tế ngày nay đã trở thành một nhu cầu chung trong đời sống tinh thần của rất nhiều người.