Đời sống
Về mái chùa xưa
NGUYÊN MINH
02/02/2554 17:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ Tam quy đến Ngũ giới...

Không có quy định nào về việc người quy y Tam bảo phải thọ trì Ngũ giới, nhưng xét về mặt ý nghĩa thì đây là điều tất yếu nên làm và từ xưa đến nay đã được hầu hết những người tin Phật noi theo.

Trong Phật giáo, việc học giới và giữ giới được xem là rất quan trọng, là một trong ba môn học có thể giúp đạt đến sự giải thoát, gọi là Tam vô lậu học, bao gồm: giới, định và tuệ. Mặt khác, khi đức Phật sắp nhập Niết-bàn, ngài A-nan thưa hỏi về sự nương tựa, y cứ sau này, Phật có dạy rằng: “Sau khi ta diệt độ, phải lấy giới luật làm thầy.” Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giới luật đối với người học Phật. Chỉ cần học hiểu và nghiêm trì giới luật thì cánh cửa giải thoát có thể xem như đã bắt đầu được hé mở, bởi vì trong mối quan hệ giữa ba môn vô lậu học vừa kể thì giới có thể được xem là môn học quyết định đầu tiên: nhờ có giới mới có định, nhờ có định mới phát sinh trí tuệ.

Giới có nhiều tầng bậc khác nhau, được áp dụng cho các đối tượng tu tập khác nhau, như Ngũ giới (5 giới), Thập giới (10 giới) cho đến Cụ túc giới (250 giới)... Trong đó có thể thấy Ngũ giới là tầng bậc căn bản nhất và được áp dụng cho những người cư sĩ, tức là những người học Phật tại gia, còn đang duy trì cuộc sống có gia đình.

Ngũ giới bao gồm các giới sau:

1. Không sát sinh:

Về căn bản, giới này có nghĩa là không giết hại mạng sống của tất cả các sinh vật. Mỗi sinh vật đều tham tiếc mạng sống của mình, đều không muốn bị giết hại và sẽ hết sức đau khổ khi bị giết hại. Chúng ta có thể chiêm nghiệm nơi bản thân mình để hiểu được sự đau khổ của người khác, hay nói rộng ra là của mọi sinh vật khác khi bị giết hại. Vì bản thân mình không muốn bị giết hại và vì hiểu được những khổ đau của sinh vật bị giết hại, nên chúng ta thọ trì giới này, nguyện trọn đời không làm việc giết hại hoặc có những lời nói, tư tưởng có thể dẫn đến sự giết hại; không tán thành hoặc xúi giục, sai khiến người khác làm việc giết hại; không hài lòng, vui sướng khi thấy người khác làm việc giết hại.

Khi có sự thực hành và chiêm nghiệm giới này, chúng ta sẽ có thể hiểu rộng hơn nữa về phạm vi của giới, từ chỗ không giết hại tiến lên một bước nữa là không làm hại. Thuật ngữ này trong tiếng Phạn gọi là Ahims , chữ Hán dịch nghĩa là Bất hại (不害), trong tiếng Việt được hiểu là không làm tổn hại đời sống của mọi sinh vật. Bởi vì, việc làm tổn hại đời sống sinh vật cũng làm cho sinh vật đó đau khổ (chẳng hạn như khi ta đánh đập người khác) và bản thân ta cũng không mong muốn điều đó xảy ra cho mình. Và xét cho cùng thì việc làm tổn hại đời sống của một sinh vật chính là biểu hiện ở mức độ nhẹ hơn của việc giết hại. Vì thế, khi chúng ta nuôi dưỡng tâm từ bi không giết hại thì cũng với tâm từ bi đó ta sẽ không thể làm tổn hại đến đời sống của bất cứ sinh vật nào.

2. Không trộm cắp:

Về căn bản, giới này có nghĩa là không nhận về mình bất cứ phần của cải, vật chất nào không do tự mình làm ra hoặc không do người khác tự nguyện trao cho mình. Hết thảy chúng ta đều tham tiếc những gì do mình làm ra, đều không muốn bị kẻ khác lường gạt, trộm cắp hoặc cướp giật đi phần tài sản của mình, và đều đau khổ khi điều đó xảy ra. Vì hiểu được điều đó nên chúng ta thọ trì giới này, nguyện trọn đời không làm việc lường gạt, trộm cắp hoặc cướp giật tài sản của người khác bằng bất cứ hình thức nào để mang về làm của mình, cho dù đó là phần tài sản nhỏ nhặt nhất. Chúng ta cũng nguyện không nuôi dưỡng những lời nói hoặc tư tưởng có thể dẫn đến sự lường gạt, trộm cắp hoặc cướp giật; không tán thành hoặc xúi giục, sai khiến người khác làm việc lường gạt, trộm cắp hoặc cướp giật; không hài lòng, vui sướng khi thấy người khác làm việc lường gạt, trộm cắp hoặc cướp giật.

Khi có sự thực hành và chiêm nghiệm giới này, chúng ta sẽ có thể hiểu rộng hơn nữa về phạm vi của giới, từ chỗ không lường gạt, trộm cắp hoặc cướp giật, chúng ta tiến lên một bước nữa là không sử dụng bất cứ lợi thế sẵn có hay phương thức khéo léo hoặc thủ đoạn khôn ngoan nào để giành lấy về mình phần lợi tức nhiều hơn người khác, không tương xứng với phần công sức mình đã bỏ ra. Bởi vì, mỗi người đều mong muốn phần lợi tức nhiều hơn, và đều không vui khi bị người khác giành lấy phần lợi tức mà lẽ ra phải thuộc về mình. Vì thế, xét cho cùng thì khi ta sử dụng những lợi thế sẵn có hay sự khôn ngoan hoặc khéo léo của mình vào việc giành lấy phần lợi tức của người khác, đó cũng chính là biểu hiện của sự trộm cướp ở dạng tinh tế hơn mà thôi.

3. Không tà dâm:

Về căn bản, giới này có nghĩa là không quan hệ như vợ chồng với bất cứ ai không phải hoặc chưa phải là vợ hay chồng mình. Mỗi người chúng ta đều mong muốn có cuộc sống vợ chồng chung thuỷ, gắn bó trọn đời với nhau, đều không muốn vợ hoặc chồng mình có mối quan hệ bất chính với người khác, và khi điều đó xảy ra thì chúng ta đau khổ. Hành vi tà dâm không chỉ gây đau khổ cho hai người trong cuộc, mà còn gây ra đau khổ cho rất nhiều người khác có liên quan, chẳng hạn như làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, làm cho vợ chồng con cái trong gia đình không còn được sống chung hạnh phúc với nhau, và làm cho tất cả những người thân như cha mẹ, anh, chị, em... cũng do đó mà phải đau khổ. Vì hiểu được như thế nên chúng ta thọ trì giới này, nguyện trọn đời không quan hệ như vợ chồng với bất cứ ai không phải hoặc chưa phải là vợ hay chồng mình. Chúng ta cũng nguyện không nuôi dưỡng những lời nói hoặc tư tưởng có thể dẫn đến sự quan hệ bất chính với người không phải hoặc chưa phải là vợ hay chồng mình; không tán thành hoặc xúi giục, sai khiến người khác quan hệ bất chính với người không phải hoặc chưa phải là vợ hay chồng của họ; không hài lòng, vui sướng khi thấy người khác quan hệ bất chính với người không phải hoặc chưa phải là vợ hay chồng của họ.

Khi có sự thực hành và chiêm nghiệm giới này, chúng ta sẽ có thể hiểu rộng hơn nữa về phạm vi của giới, từ chỗ không quan hệ như vợ chồng với người không phải hoặc chưa phải là vợ hay chồng của mình, chúng ta tiến lên một bước nữa là luôn tìm cách nuôi dưỡng và bảo vệ hạnh phúc gia đình của chính mình cũng như của người khác. Bởi vì, mỗi người đều mong muốn có một gia đình hạnh phúc, và việc nuôi dưỡng, bảo vệ hạnh phúc gia đình chính là hành động tích cực nhất để ngăn ngừa việc nảy sinh những mối quan hệ tình cảm nam nữ bất chính. Khi mỗi gia đình đều thực sự có được hạnh phúc trong cuộc sống chung, những người vợ hoặc chồng trong các gia đình ấy sẽ không rơi vào sự cám dỗ của nhục dục để dẫn đến quan hệ như vợ chồng với những người không phải là vợ hoặc chồng của họ, gây đau khổ cho chính họ và gia đình của họ cũng như nhiều người khác. Mặt khác, nếu chúng ta là những người chưa lập gia đình, sự thực hành giới này sẽ bảo vệ chúng ta không rơi vào những bi kịch đáng tiếc gây đau khổ cho chính mình và cho cả người mình yêu thương.

4. Không nói dối:

Về căn bản, giới này có nghĩa là không nói bất cứ điều gì không đúng với sự thật. Tất cả chúng ta đều ý thức được giá trị của sự chân thật, đều không muốn bị người khác lừa dối, nói với mình những điều không đúng sự thật. Lời nói không đúng sự thật có thể tạo ra những nhận thức sai lầm và dẫn đến những hành động sai lầm, và điều đó có thể là nguyên nhân của nhiều sự sai trái khác. Vì hiểu được điều đó nên chúng ta thọ trì giới này, nguyện trọn đời không nói ra bất cứ điều gì không đúng sự thật, chỉ nói những lời chân thật. Chúng ta cũng nguyện không nuôi dưỡng những ý tưởng không đúng sự thật; không tán thành hoặc xúi giục, sai khiến người khác nói những lời không đúng sự thật; không hài lòng, vui sướng khi thấy người khác nói những lời không đúng sự thật.

Khi có sự thực hành và chiêm nghiệm giới này, chúng ta sẽ có thể hiểu rộng hơn nữa về phạm vi của giới, từ chỗ không nói những lời không đúng sự thật, chúng ta tiến lên một bước nữa là nhận thức đầy đủ về sức mạnh phá hoại cũng như xây dựng của lời nói, và do đó mà chỉ nói ra những lời mang lại niềm vui chính đáng, sự đoàn kết gắn bó, yêu thương và hiểu biết lẫn nhau cho hết thảy mọi người; không nói ra những lời gây đau khổ cho người khác hoặc dẫn đến sự chia rẽ, thù hận hay hiểu lầm lẫn nhau giữa mọi người. Bởi vì, khi chúng ta sử dụng đúng đắn sức mạnh của lời nói, chúng ta góp phần tích cực trong việc mang lại đời sống an vui và hạnh phúc chân thật cho bản thân cũng như cho tất cả mọi người quanh ta.

5. Không uống rượu:

Về căn bản, giới này có nghĩa là không sử dụng rượu, bia hoặc bất cứ món ăn thức uống nào dẫn đến sự say sưa, làm mất đi sự sáng suốt của lý trí. Tất cả chúng ta đều biết rằng sự say sưa làm mất đi lý trí và do đó dẫn đến vô số những hành vi sai lầm, thậm chí là ngu xuẩn. Hơn thế nữa, những món ăn thức uống thuộc loại này còn gây tổn hại đến sức khỏe, làm cho chúng ta không có đủ điều kiện để sống một đời sống tốt đẹp và hữu ích đối với mọi người khác. Vì hiểu được điều đó nên chúng ta thọ trì giới này, nguyện trọn đời không sử dụng rượu, bia hoặc bất cứ món ăn thức uống nào dẫn đến sự say sưa, làm mất đi sự sáng suốt của lý trí. Chúng ta cũng nguyện không nuôi dưỡng những lời nói hay ý tưởng khuyến khích việc sử dụng rượu, bia... ; không tán thành hoặc xúi giục, sai khiến người khác sử dụng rượu, bia... ; không hài lòng, vui sướng khi thấy người khác sử dụng rượu, bia...

Khi có sự thực hành và chiêm nghiệm giới này, chúng ta sẽ có thể hiểu rộng hơn nữa về phạm vi của giới, từ chỗ không sử dụng rượu, bia hoặc bất cứ món ăn thức uống nào dẫn đến sự say sưa, làm mất đi sự sáng suốt của lý trí, chúng ta tiến lên một bước nữa là nhận thức đầy đủ về tác hại của những chất gây nghiện và các món ăn thức uống không lành mạnh, do đó mà chỉ sử dụng những món ăn thức uống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe; không sử dụng những chất gây nghiện và các món ăn thức uống không lành mạnh. Bởi vì, khi chúng ta sáng suốt và khôn ngoan trong việc chọn lựa sử dụng những món ăn thức uống có lợi cho sức khỏe, chúng ta góp phần vào việc tạo ra đời sống an vui và hạnh phúc cho bản thân cũng như cho những người thân quanh ta.

Trong thực tế, Ngũ giới có thể xem là cả một hệ thống luân lý, đạo đức được thu gọn lại với tính khái quát cao, bao trùm được hầu như hết thảy mọi khía cạnh cơ bản nhất của đời sống. Khi một người vâng giữ nghiêm ngặt theo 5 giới này, người ấy hầu như không thể phạm vào bất cứ hành vi xấu ác nào trong xã hội.