Đời sống
Bằng tất cả tấm lòng
Tác giả: Thích Chân Tính
14/04/2553 07:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cảm nghĩ từ một pho tượng 

     Được tặng một pho tượng chú tiểu ngồi tựa mình ngủ gục trên chiếc mõ, tôi thích quá. Cái nét mặt ngây thơ hồn nhiên của chú đã mau chóng hấp dẫn tôi say mê ngắm nhìn. Trong lúc thưởng thức tôi tự hỏi tại sao mình lại cảm xúc một tác phẩm nghệ thuật nhanh đến thế, trong khi trình độ nhận thức của mình còn non kém? Theo tôi hiểu, một tác phẩm văn học cũng như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, không phải ai cũng cảm thụ hết giá trị của nó, mà còn đòi hỏi ở trình độ hiểu biết của mỗi cá nhân. Nỗi băn khoăn ấy đã được văn hào Nguyễn Du thốt lên cách đây gần hai thế kỷ: 

“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” ([2])

  Có cùng độ rung với tác giả, người đọc mới thâm nhập tác phẩm một cách trọn vẹn được. Ðiều mà các cụ ngày xưa đã nói: “Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, hoặc thuật ngữ ngày nay là “Cùng một tần số”.

   Về những điểm đó có lẽ tôi chưa đủ điều kiện để cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật. Mà ở đây, khi nhìn pho tượng tôi như người đánh mất vật báu nay bỗng gặp lại. Phải chăng khi sức khỏe suy kém đi người ta mới thấy sức khỏe là quý? Và khi giấc ngủ bất an người ta mới trân trọng một giấc ngủ bình an!

  Chú tiểu với đôi má phúng phính nổi trên gương mặt tròn trịa, hai mắt nhắm kín, đầu nghiêng bên phải gác trên chiếc mõ. Với tư thế này có lẽ trong lúc tụng kinh, vì buồn ngủ chịu hết nổi, chú đã bỏ dùi xuống và nhanh chóng “thâu thần nhập định”. Mặc cho thế sự thăng trầm, dòng đời trôi chảy; mặc cho chú chuột nhắt đang gặm túi áo mình, chú cứ tha hồ mà ngủ, ngủ một cách trọn vẹn. Trên gương mặt không một nét ưu tư phiền bận về những gì đã và đang xảy ra chung quanh mình. Thật sung sướng biết bao một giấc ngủ an lành.

   Ăn và ngủ là hai nhu cầu tất yếu của nhân loại. Cho nên ngủ không phải là cái gì xa lạ với con người. Tuy nhiên, để có được một giấc ngủ bình an không phải dễ. Vì giấc ngủ ngoài chức năng quân bình cơ thể sau một ngày hoạt động, nó còn phản ánh ước vọng và hành động của con người khi thức. Do vậy, người ta không thể có được giấc ngủ an khi trong tâm chất chứa toàn những điều bất an. Cái hiện tượng trằn trọc, những cơn ác mộng hãi hùng trong giấc ngủ là kết quả đương nhiên của vọng tâm điên đảo, thất tình lục dục. Ðể được tự tại trong khi thức, an lành trong giấc ngủ, phương pháp tuyệt diệu nhất là “Viễn ly điên đảo mộng tưởng”. Bấy nhiêu thôi. Chỉ sáu chữ đó nếu thực hành đến nơi đến chốn thì cái “cứu cánh Niết Bàn” chẳng còn xa tít trên chín từng mây xanh nữa. Vậy mà mấy ai là người có đủ nghị lực để “Viễn ly điên đảo” trong cái thế giới đầy cám dỗ và đảo điên này?

   Chẳng lẽ chỉ có pho tượng chú tiểu ngủ gục trên chiếc mõ ?