Bác Tửu
Sau một ngày làm việc mệt nhọc, bác Tửu thả mình nằm trên chiếc võng nghỉ ngơi. Gió chiều nay khá mạnh, tiếng xào xạc của lá cây Bồ đề vọng đến nhà khách nghe rất rõ. Mặt trời đang hắt những tia nắng cuối cùng trên nền trời trong xanh. Bác Tửu khẽ nhắm mắt lại và hít một hơi dài không khí trong lành.
- Bác Tửu ơi!
Nghe tiếng gọi bác nhỏm người ngồi dậy. Tôi cầm cái ki đan bằng trúc đến bên cạnh:
- Nhờ bác phát tâm sáng mai chữa giúp cái ki này để đựng đất.
Biết ngày mai đào chân móng khởi công xây tháp cố Hòa thượng Viện chủ cần phải có ki tốt để làm, bác vui vẻ nhận ngay:
- Vâng, thầy đưa đây tôi.
Bác đứng dậy định vào phòng. Tôi ngăn:
- Bác cứ nằm nghỉ đi, sáng mai làm sớm cũng kịp chán.
- Ðể tôi làm một tí là xong mà.
Tôi cố cản nhưng bác không nghe. Vào phòng lấy con dao rựa, bác ra khóm trúc chặt một cây đem về làm. Bác cắt một đoạn trúc dài độ 70 phân, chẻ nhỏ ra mỗi mảnh khoảng một phân rưỡi ngang rồi đan dặm vào những chỗ ki đã bị hư gãy. Nhìn những đường gân nổi trên bàn tay của bác tôi thương quá. Ðôi bàn tay chai rắn đã chứng tỏ quá trình lao động cần cù của bác. Có lẽ nhờ tính siêng năng, giản dị và thật thà, bác đã chiếm được cảm tình của hầu hết mọi người trong chùa.
Trước đây bác ở Ðồng Xoài, Thuận Lợi, sinh sống bằng nghề cạo mủ cao su. Cuộc đời bác như mặt nước thu êm ả trôi, không ước vọng cao sang, chẳng mơ màng thê tử. Thấy bác vất vả và thui thủi một mình, những người hàng xóm thương hại đã giới thiệu cho bác một “người đàn bà” để hủ hỉ sớm hôm, bác mắc cỡ từ chối. Thế rồi, “người đàn bà” ấy đã “lỡ” thương bác nên quyết tâm tiến tới. Cuối cùng bác cũng vui mừng cạn chén giao bôi. Từ đó, mái nhà hiu quạnh trước đây nay đã trở nên ấm cúng, sớm hôm có người chăm lo chu tất. Bác cảm thấy vui vui và có được đôi chút hạnh phúc do người vợ “khéo” đem đến. Ngày nọ, sau khi làm việc ở đồn điền cao su về, bác thấy nhà cửa vắng vẻ, kiếm trước tìm sau không thấy người vợ yêu quý đâu. Khi mở tủ, bác mới vỡ lẽ toàn bộ số tiền vừa hốt hụi hôm qua đã theo người vợ biến mất! Bác có buồn đôi chút, nhưng thương tiếc thì không.
Năm 1965, chiến tranh tàn phá khu vực bác ở, Hòa thượng Viện chủ chùa Hoằng Pháp đã đón nhận số đồng bào này về tị nạn tại chùa, trong đó có bác. Do nương náu cửa chùa lâu ngày và quen dần nếp sống thiền môn nên bác xin ở lại chùa công quả. Ðã hơn hai mươi năm trôi qua, bác không cạo tóc và chẳng biết xuất gia hay tu là gì. Bác chỉ biết có một điều: Hàng ngày ăn cơm chùa thì phải quét lá đa, không từ nan bất cứ việc gì. Có lần bác bệnh cảm mà vẫn ra vườn nhổ cỏ, chăm sóc rau quả, tôi khuyên vào nghỉ, nhưng bác không nghe. Bác nói nằm nghỉ buồn bực tay chân lắm, làm việc cho khuây khỏa. Dường như bác chẳng chịu ở không bao giờ, chỉ trừ khi bệnh nặng làm không được mới chịu. Có lẽ nhờ tính siêng năng này mà bác thêm sức khỏe và ít bệnh tật. Tôi được biết có những người thiếu nghị lực, mặc dù đầy đủ sức khỏe mà vẫn luôn bệnh hoạn. Do lẩn tránh trách nhiệm nên họ cố tạo ra bệnh, ít lại xít ra nhiều. Dần dần con người họ trở nên bạc nhược và mất nghị lực sống.
Một điều đáng quý ở bác là ngoài ba bữa cơm ra, bác không say mê một thứ gì. Có lần tâm sự, tôi được biết trước đó bác cũng nghiện thuốc lào, từ khi vào chùa đã dứt bỏ hẳn. Tuy việc bỏ thuốc lào của bác không hay ho gì, nhưng so với những người “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” thì bác quả là người có đầy đủ nghị lực để từ bỏ một thói quen khó bỏ.
Ðồng thời với bác, đã có biết bao người đến chùa, họ hăm hở phát ra những đại thệ nguyện lớn lao muốn độ tận chúng sinh. Thế rồi chúng sinh độ mãi mà chưa tận, cuối cùng họ lại được độ tận bởi chúng sinh! Riêng bác, tôi chưa khi nào nghe bác nói đến chuyện tu hành hay mơ tưởng thành Phật tác Tổ gì cả, chỉ biết cặm cụi làm việc và ít nói. Thế mà bác vẫn cứ vững như kiềng ba chân, mặc cho bao lượt người đến chùa rồi ra đi không hẹn ngày trở lại. Tôi có cảm tưởng bác đang bước từng bước vững chắc trên con đường giải thoát.
Bác đan xong cái ki thì bầu trời đã đầy sao. Mọi ngày, trước khi ngủ bác đều khóa cổng chùa. Hơn tháng nay vì tuần thất của Hòa thượng Viện chủ, các Phật tử ra vào thường xuyên, nên đôi lúc bác cũng không chú trọng cho lắm việc đóng cổng. Vả lại, có lần bác nghĩ chùa rộng mênh mông hơn bốn mẫu, những khóm trúc trồng chung quanh chùa thay cho hàng rào cũng không kín đáo gì. Giả sử kẻ gian có ý đồ xâm nhập thì dù có khóa cổng cũng không ích chi.
Ðêm nay, mới 21 giờ mà khung cảnh nội tự đã yên lặng. Ðại chúng chỉ tịnh nơi tư phòng. Bỗng một loạt tiếng chó sủa hướng về phía cổng chùa. Bác Tửu giật mình thức giấc, nhỏm người ngồi dậy, vội vã bước xuống giường, mở cửa đi ra ngoài nhà khách. Với cái tuổi ngoài 60, hơn nữa mắt nhắm mắt mở, bác chỉ thấy hai bóng người mờ mờ phía trước. Bác hỏi vội:
- Ai đó?
Tiếng anh thanh niên đáp:
- Dạ, tụi cháu vào xin cây hương nhu.
- Mấy cậu ở đâu?
- Dạ, tụi cháu ở ngoài phố này.
Vì thỉnh thoảng chùa có xảy ra mất trộm nên bác cũng đề phòng kẻ gian lập mưu ăn cắp.
- Ðêm khuya tăm tối không ai đi lấy được đâu. Sáng mai các cậu đến tôi cho.
Một trong hai anh nói:
- Xin bác làm ơn làm phước giúp đỡ, má cháu đang bị cảm nặng, cần một ít hương nhu nấu nước xông ngay bây giờ.
-Dạ, xin bác mở lòng từ bi tế độ “cứu bệnh như cứu hỏa”. - Anh kia xen vào.
Bác Tửu nhìn kỹ thấy hai người ăn mặc đứng đắn, lời nói có vẻ ân cần tha thiết, mặc dù không đọc kinh sách, nhưng do ở chùa lâu ngày, hạt giống từ bi ít nhiều cũng gieo vào lòng bác, nên khi nghe nói bệnh nhân đau nặng cần thuốc, lại cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người con thương mẹ, bác không còn do dự nghi ngờ gì nữa, liền bật đèn pin hướng dẫn hai anh ra vườn. Sau khi bẻ hương nhu xong họ lại xin thêm một ít xả, thế là bác cũng vui vẻ soi đường đưa họ ra mé vườn cách nhà khách khoảng bốn chục mét để nhổ. Nhổ xả xong bác cùng hai người quay vào nhà khách. Bác cảm thấy sung sướng trong lòng vì mình vừa làm xong một việc thiện, gương mặt tươi vui, vừa đi bác vừa hỏi thăm họ rất thân mật. Một anh đi song song với bác luôn cười nói đối đáp, một anh thì âm thầm lặng lẽ bước từng bước phía sau. Không gian tĩnh mịch, nội tự lúc này chỉ còn âm thanh của hai người và một vài tiếng dế kêu rả rích. Bỗng nhiên một tiếng “á” vọng ra từ cửa miệng bác khi bị hai bàn tay của người thanh niên phía sau bóp cổ mình. Do bất ngờ và mất thăng bằng bác lảo đảo chúi người về phía trước. Bác hốt hoảng la lên. Biết không ngăn kịp tiếng kêu cứu của bác, anh đi bên cạnh rút dao đâm bác một nhát rồi họ cùng nhau bỏ chạy. Tiếng kêu la của bác càng vang lên khẩn thiết trong đêm khuya thanh vắng. Mọi người thức giấc kéo nhau ra lùng soát kẻ cướp, nhưng kẻ cướp đâu không thấy, chỉ thấy xa xa một hàng trúc xanh âm u vắng vẻ.
Sau khi nghe bác thuật lại đầu đuôi sự việc và nhìn vết đâm loang máu nơi cổ tay bác, người thì chép miệng thương hại, người thì trách bác thương người không đúng lúc, người thì đổ lỗi tại không khóa cổng... Riêng bác thì:
- Chưa sao! Nó không đâm trúng tim là tốt rồi.
Mọi người chỉ buồn cười mà thương hại cho tính thật thà của bác. Một lát sau sự ồn ào cũng tắt dần, trả lại cho nội tự cảnh thanh tịnh như cũ.
Biết đây là bài học về lòng từ bi thiếu trí tuệ nên tôi nhắc nhở bác:
- Lần sau bác có từ bi cũng phải nên suy nghĩ cho kỹ một tí. Ðừng quá tin người như thế nghe bác.
- Vâng, vâng, lần sau tụi nó đừng hòng đem từ bi mà dụ dỗ tôi nữa.
Tôi phụ băng bó vết thương nơi cổ tay cho bác. Cầm bàn tay rắn chắc và chai cứng ấy, tôi lại nhớ đến cuộc đời cần cù siêng năng của bác mà thương kính vô cùng.