Về cái tâm này... trong thực
tế không có gì thật sự là sai. Bản chất cố hữu của tâm là trong
sạch. Do bẩm tính thiên nhiên, tự nó đã là thanh bình an lạc. Sở dĩ
ngày nay tâm này không được an lạc là bởi vì nó mãi chạy theo những
cảm xúc thương ghét buồn vui của đời. Cái tâm chân thật không có gì
là vui buồn hay thương ghét mà đơn giản chỉ là một sắc thái của
Thiên Nhiên. Tâm trở nên an lạc hay chao động vì bị cảm xúc lường gạt.
Một cái tâm không được rèn luyện quả thật là khờ dại. Cảm thọ do
giác quan đưa đến phỉnh gạt, đưa nó vào những trạng thái hạnh phúc,
đau khổ, thỏa thích hay âu sầu, nhưng bản chất thật sự của tâm là
không có gì như vậy.Thỏa thích hay âu sầu ấy, không phải là tâm. Mà
chỉ là những cảm xúc, đến để phỉnh lừa chúng ta. Một cái tâm không
được rèn luyện sẽ lạc lối và bám sát theo những xúc cảm buồn vui
thương ghét ấy và tự quên mình. Rồi ta nghĩ rằng chính ta băn khoăn lo
ngại hoặc dễ chịu thoải mái, hoặc gì khác.
Trong thực tế tâm vốn không chao
động và thanh bình... thật sự an lạc! Giống như chiếc lá, nằm im khi
không có gió. Ngọn gió thoảng qua, lá liền chao động. Lá chao động
vì gió – trạng thái tâm “chao động” phát sanh do những cảm xúc. Tâm
bám, sát chạy theo. Nếu tâm không chạy theo ắt không “chao động”. Nếu
chúng ta thấu hiểu tận tường bản chất thật sự của những cảm xúc,
ắt chúng ta không còn lo âu tư lự.
Pháp hành của chúng ta chỉ để
nhận thấy bản chất thật sự của cái Tâm Nguyên Thủy. Như vậy phải
rèn luyện tâm để thấu hiểu những cảm xúc và không bị lạc lối trong
đó, để làm cho tâm thanh bình an lạc. Chính đó là mục tiêu mà ta
phải đạt đến xuyên qua bao nhiêu khó khăn của pháp hành.